Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:40:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ  (Đọc 43795 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:56:41 am »


        Trên cơ sở chủ trương và phương hướng tiến đánh Bắc Hà đã được vạch ra như trên, Nguyễn Huệ quyết định chia quân làm ba đạo: một đạo ở lại cùng Nguyễn Lữ1 làm nhiệm vụ giữ Thuận Hóa, còn hai đạo tiến ra Bắc Hà.

        Trong hai đạo quân này, một đạo làm nhiệm vụ tiền phong, do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ gồm 400 thuyền chiến2, theo đường biển tiến ra đánh chiếm Vị Hoàng, và đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, có Vũ Văn Nhậm làm phó tướng, sẽ theo hai đường thuỷ bộ cùng tiến3, riêng thủy quân gồm hơn 1.000 thuyền chiến4. Trong đạo quân chủ lực, có tượng binh đi cùng5.

        Nhiệm vụ chiến lược và kế hoạch tiến công đã được Nguyễn Huệ trao cụ thể cho từng đạo quân.

        Đạo quân tiền phong của Nguyễn Hữu Chỉnh có nhiệm vụ:

        1. Đánh úp Vị Hoàng. Sau khi đã chiếm đóng Vị Hoàng, không mở rộng chiến đấu mà ở lại Vị Hoàng làm nhiệm vụ chuẩn bị quân lương và thuyền bè chuyên chở để phục vụ toàn quân trong suốt cả thời gian tiến công Bắc Hà.

        2. Khi tiến ra Bắc, đạo quân tiền phong sẽ cho những toán du binh nhỏ chừng vài trăm người đánh úp vào các đồn binh, các doanh trại quân Trinh ở gần bờ biển, suốt dọc đường từ bờ bắc sông Gianh tới Vị Hoàng vừa tiêu hao sinh lực địch,  vừa uy hiếp tinh thần địch làm cho quân tướng Trinh ở Nghệ An, Thanh Hóa phải khiếp sợ, tạo điều kiện cho đại quân của Nguyễn Huệ tiến ra thu phục Nghệ An, Thanh Hóa được nhanh chóng.

        3. Khi đã chiếm đóng Vị Hoàng, đạo quân tiền phong sẽ làm nhiệm vụ chính trị, nêu rõ khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh"6, cho một toán quân nhỏ bí mật vào Thăng Long bảo vệ hoàng cung và trao cho vua Lê tờ mật tấu tôn phù của Nguyễn Huệ7 để trấn tĩnh nhân tâm trong triều, một khi đại quân Tây Sơn tiến tới nơi , đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân Bắc Hà hưởng ứng cuộc tiến quân ra Bắc của nghĩa quân Tầy Sơn8 và tìm cách thu phục các toán nghĩa quân đang chống nhà Trinh ở miền nam và đông nam Bác Hà9, định kế hoạch cùng họ phối hợp tác chiến.

        Về đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, nhiệm vụ cơ bản của nó là thực hiện bằng được mục đích của toàn bộ cuộc tiến công: tiêu diệt lực lượng vũ trang của các tập đoàn phong kiến Bác Hà, đánh đổ nhà Trịnh, thống nhất lãnh thổ và ổn định tình hình chiếm đóng Bắc Hà, suốt từ bờ bắc sông Gianh trở ra.
        
-----------------
       1 . Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, q. 30. tờ 20.

        2. Thư của Le Roy viết ngày 6 tháng 12 năm 1786 trong Cadière, tài liệu đã dẫn, tr. 6.

        3. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, t. XX, tr. 14.

        4. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch, tr. 100.

        5: Không rõ cụ thể tổng số lực lượng quân dội Tây Sơn tiến ra Bắc Hà là bao nhiêu. Chỉ thấy Việt sử thông giám cương mục và Hoàng Lê nhất thống chí ghi một câu nói của Nguyễn Huệ khi vào Thăng Long: "Ta đem mấy vạn quân ra đây chỉ đánh một trận mà dẹp yên thiên hạ..." thì có thể hiểu đại khái quân số Tây Sơn tiến ra Bắc Hà là khoảng vài ba vạn người.

        6 Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr 99 Việt sứ thông giám cương mục. Bản  dịch đã dẫn, t XX tr. 14. Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập. q. 30, tờ 21.

        7, Việt sử thông giám cương mục Bản dịch đã dẫn, t. XX, tr 1 9.

        8, 9. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 100.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 04:59:00 am »


        Để làm tròn nhiệm vụ cơ bản đó, đạo quân chủ lực Tây Sơn sẽ theo kế hoạch tiến hành từng bước như sau:

        1 . Đạo quân chủ lực sẽ theo hai đường thủy bộ tiến ra Nghệ An, Thanh Hóa, củng cố những vị trí mới chiếm đóng.

        2. Khi dược tin của đạo quân tiền phong báo về, đạo quân chủ lực sẽ lên đường ra Bắc, cùng đạo quân tiền phong nhanh chóng đánh tan đại bộ phận quân lực của nhà Trịnh đã tiến về gần Vị Hoàng để án ngữ đường tiến lên Thăng Long của nghĩa quân Tây Sơn.

        3. Sau khi đã tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch ở gần Vị Hoàng, đạo quân chủ lực Tây Sơn sẽ tiến gấp lên Thăng Long, đánh đổ nhà Trịnh, hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ của cuộc tiến công.

        Với nhiệm vụ và kế hoạch đã trao cho, đạo quân tiền phong của Nguyễn Hữu Chỉnh được lệnh xuất phát1.

        Theo kế hoạch đã định, dọc đường từ sông Gianh trở ra, đạo quân tiền phong Tây Sơn đã cho nhiều toán du binh lên bờ đánh phá các đồn trại quân Trịnh, dọn đường cho đạo quân chủ lực tiến lên chiếm đóng. Vốn sợ uy danh quân đội Tây Sơn, quân Trịnh ở các đồn trại này thấy bóng cờ Tây Sơn là bỏ chạy. Trước hết, đồn dinh Cầu2 (ở phía nam Hà Tĩnh hiện nay) bị mất vào tay du binh Tây Sơn. Sau đó các tướng Trịnh trấn thủ Nghệ An, Thanh Hóa là Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy, nghe tin quân Tây Sơn tiến ra cũng đều bỏ thành chạy trốn.

        Dọc đường tiến ra Bắc, đội quân tiền phong Nguyễn Hữu Chỉnh không gặp một cản trở gì, nên đi rất nhanh. Sáng sớm ngày 11 tháng 7 năm 17863, đội quân Nguyễn Hữu Chỉnh gồm 400 thuyền chiến đã tới Vị Hoàng. Quân Trịnh đóng ở đây, hoảng sợ, không ngờ quân Tây Sơn tiến ra Bắc nhanh như thế, vội vàng bỏ chạy, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân vào thành Vị Hoàng thu được hơn trăm vạn hộc thóc trong kho4 và rất nhiều tiền bạc5, khí giới, đạn dược. Chiếm xong Vị Hoàng, Nguyễn Hữu Chỉnh lập tức một mặt "đốt lửa hiệu" báo cho quân chủ lực của Nguyễn Huệ ở Thanh - Nghệ biết6, một mặt cho một viên tỳ tướng cùng một toán quân nhỏ bí mật tiến vào kinh thành Thăng Long.

        Các tầng lớp nhân dân nô nức tới Vị Hoàng hoan nghênh quân đội Tây Sơn. Tình hình quân đội nhà Trịnh và tình hình Bắc Hà đều được nhân dân trình bày tường tận với quân đội Tây Sơn7. Chỉ trong vòng mấy ngày, hơn 100 vạn hộc thóc trong kho Vi hoàng đã được nhân dân địa phương đem ra xay giã và vận chuyển xuống các thuyền lương, chuẩn bị cho đại quân của Nguyễn Huệ tiến ra, đánh lên Thăng Long8. Một số thuyền buôn của người Trung quốc đậu ở bến Vị Hoàng cũng dược trưng tập để vận chuyển quân lương 9. Những toán nghĩa quân Bắc Hà đang đánh nhau với tướng Trịnh Đinh Tích Nhưỡng ở vùng Hải Dương, nghe tin quân Tây Sơn đã tới Vị Hoàng, cũng bỏ trận địa, về Vị Hoàng gia nhập đoàn quân cách mạng Tây Sơn 10.

---------------
       1. Chưa thấy tài liệu nào nói rõ ngày xuất phát của đạo tiền quân Tây Sơn.

        2. Thư cửa giám mục La Bartette, ngày 23 tháng 6 năm 1786 trong Cadière, tài liệu đã dẫn, tr. 13.

        3. Thư của giáo sĩ Le Roy ở Kẻ Vĩnh (Ninh Bình) viết ngày 6 tháng 12 năm 1786 và thư của giáo sĩ Sérard viết từ Bắc Hà ngày 31 tháng 7 năm 1786 - Ngày dương lịch 11 tháng 7 năm 1786 tức ngày âm lịch 16 tháng Sáu năm Bính Ngọ. Tài liệu của ta như Hoàng Lê nhất thống chí, chép là  Nguyễn Hữu Chỉnh tới Vị Hoàng ngày 6 tháng Sáu năm Bính Ngọ, tức là sớm hơn 10 ngày. Chắc là tài liệu của ta ghi nhầm 16 ra mồng 6.

        4. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch..., tr. 100 và Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, q. 30. tờ 2l.

        5. 7. 8. Thư của Sérard ngày 31 tháng 7 năm 1786.

        6. Các sử cũ ghi Nguyễn Hữu Chinh đốt lửa làm hiệu để báo tin, nhưng không nói rõ cách đốt lửa báo hiệu. Dựa vào một vài câu ghi chép trong sách Description hisstorique de la Cochinchine của J. Koffler, một giáo sĩ ở Việt Nam thế kỷ XVII, chúng tôi thấy cách đốt lửa hiệu có thể như sau: Tại các đồi núi ven biển, cứ cách một nghìn bước lập một chòi thông tin, chạy nối nhau quạ các địa phương ven biển. Khi một chòi đốt lửa báo hiệu, thì lần lượt cả hệ thống chòi thông tin sẽ theo nhau cùng đốt lửa. Do đấy, địa phương ở cuối hệ thống dù rất xa, cũng có thể trong thời gian ngắn nhận được báo hiệu của địa phương ở đầu hệ thống. Trong những điều kiện và phương tiện thông tin liên lạc thời xưa, cách đốt lửa báo hiệu này có thể là nhanh chóng hơn cả.

        9. 10. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch..., đã dẫn, tr. 100, l01.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:01:59 am »


        Đại quân của Nguyễn Huệ, tuy chưa ra tới nơi, nhưng thanh thế quân Tây Sơn ở Bắc Hà cũng đã lớn mạnh lắm kể từ khi đội quân tiền phong Nguyễn Hữu Chỉnh đánh chiếm được Vị Hoàng. Kế hoạch cho đội tiền phong Nguyễn Hữu Chỉnh đi trước, đánh lấy Vị Hoàng làm bàn đạp tiến công lên Thăng tong đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân đánh chiếm Bắc Hà được mau chóng.

        Khi được tin của đạo quân tiền phong từ Vị Hoàng báo về Nguyễn Huệ liền dẫn toàn quân, theo đường biển rầm rộ tiến ra Bắc, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Gặp gió nam thổi mạnh1, hơn 1.000 thuyền chiến Tây Sơn lướt sóng, đi "như bay", quân kỳ Tây Sơn "đỏ rực cả mặt biển"2. Nhân dân Nghệ An nhìn theo đoàn thuyền chiến Tây Sơn hùng dũng xuất phát, cờ quạt rợp trời, đều tấm tắc: "Đây cũng là một việc không mấy đời đã có"3.

        Ngày 17 tháng 7 năm 17864, tức 22 tháng Sáu năm Bính Ngọ, Nguyễn Huệ cùng đại quân tới Vị Hoàng. Nguyễn Huệ hạ lệnh ngay cho đội quân tiền phong và đại quân phải lập tức chuẩn bị ngày hôm sau tiếp đánh quân đội Trịnh dang tập trung ở miền Sơn Nam thượng để đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Vậy thì quân đội Trịnh đã tập trung như thế nào và có khả năng đối phó với nghĩa quân Tây Sơn hay không?

        Sự thật thì tình hình Bắc Hà lúc ấy vô cùng rối ren, lực lượng quân sự của nhà Trịnh đã suy yếu đến cực độ và tinh thần chiến bại trong quân đội nhà Trịnh đã bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết. Quân tướng nhà Trịnh khiếp sợ quân đội Tây Sơn ngay từ khi mất Thuận Hóa.

        Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân, không phải là triều đình Bắc Hà không biết. Biết, nhưng sợ, không dám động binh. Ngay từ ngày 24 tháng Năm năm Bính Ngọ 5 tức 19 tháng 6 năm 1786, triều đình Lê Trịnh đã được tin quân Tây sơn tiến đánh tới sông Gianh 6. Chúa Trịnh có họp quần thần lại bàn việc cử binh cứu viện và cho quân đi tăng cường phòng thủ các thành trấn duyên hải. Nhưng chúa Trịnh không cử được binh vì không tướng nào chịu đi 7. Các tướng Trịnh cũng tự biết rằng đi đánh nhau với quân đội Tây Sơn, tức là đi vào chỗ chết, số phận mong manh như sợi tóc.

        Ngày mồng 3 tháng Sáu năm Bính Ngọ 8 tức 28 tháng 6 năm 1786, triều đình Bắc Hà lại nhận được tin của trấn thần Nghệ An cho chạy trạm về cáo cấp Phú Xuân thất thủ 9. Chúa tôi nhà Trịnh lại họp bàn lần nữa. Nhưng, xuất phát từ tinh thần chiến đấu bạc nhược đến cực độ, mọi người đều cho rằng: "Thuận Hóa vốn không phải là bờ cõi của triều đình, tiền triều hao phí bao nhiêu của cải trong nước mới lấy được xứ ấy, rồi lại phải đem quân đóng giữ, rốt cuộc chẳng có ích gì. Ngày nay mất đi cũng là một cái may. Bây giờ chỉ nên bàn tính việc đóng đồn ở trấn Nghệ An và định rõ cương giới cũ mà thôi. Ta lấy sự mất Thuận Hóa làm may, ắt họ phảt lấy sự lấy đất của ta làm điều đáng ngại. Như vậy hẳn là ta không phải lo gì nữa" 10.

---------------
        1. 2. 3. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch đã dẫn, tr. 100.

        4. Thư của Sêrard ngày 31 tháng 7 năm 1786, trong Cadière, đã dẫn, tr. 10.

        5, 6, 7. Bùi Dương Lịch. Lê quí dật sử, tờ 23.

        8, 9. Bùi Dương Lịch. Tài liệu đã dẫn, tờ 24.

        10. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 100 - 101. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch, t. XX, tr. 14.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:04:01 am »


        Thế là chúa tôi nhà Trịnh, ai nấy đều yên lòng làm theo lời bàn ấy. Trịnh Khải hạ lệnh cho Trịnh Tự Quyền làm thống tướng, đem quân lính 27 cơ vào ngay Nghệ An, giữ lấy đầu địa giới, đề phòng Tây Sơn tiến quân ra 1. Nhưng hơn 10 ngày sau khi nhận được lệnh, Trịnh Tự Quyền vẫn không thể chuẩn bị xuất quân được, vì quân lính chần chừ không muốn đi, và không tin ở khả năng chỉ huy chiến đấu của Trịnh Tự Quyền, quân lính đòi thay người khác làm thống tướng 2. Tới khi Trịnh Tự Quyền xuất quân được thì quân vừa ra khỏi thành Thăng Long 30 dặm 3 tức mới đi được khoảng nửa ngày đường 4, triều đình Thăng Long đã được tin quân tiền phong Tây Sơn chiếm đóng Vị Hoàng. Trịnh Khải vội hạ lệnh cấp tốc cho Trịnh Tự Quyền đưa quân xuống chống giữ ở miền Kim Động (thuộc Hải Hưng), một mặt phi sức cho Đỗ Thế Dận, trấn thủ Sơn Nam, lập tức đem bộ binh tiến đóng ở bờ sông Phù Xa (một khúc hạ lưu sông Hồng, thuộc địa phận thôn Phù Xa, huyện Khoái Châu. tỉnh Hải Hưng) và Đinh Tích Nhưỡng, đốc lãnh các quân thủy đạo, đang hành quân tại vùng Hải Dương, phải lập tức đưa toàn bộ thủy quân về giữ sông cửa Luộc. Ba đạo quân này phải phối hợp chiến đấu để ngăn chặn bước tiến của nghĩa quân Tây Sơn và đây cũng là toàn bộ quân chủ lực của Bắc Hà để đối phó với Tây Sơn.

        Nhưng những đạo quân chủ lực ấy của chúa Trịnh không đủ sức đương đầu với sức tiến ồ ạt như vũ bão của quân đội Tây Sơn.

        Ngày 17 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ tới Vị Hoàng, lập tức ngày 18 tháng 7 năm 1786 5, Nguyễn Huệ xuất quân, tiến lên phố Hiến, thủ phủ trấn Sơn Nam thượng và là nơi tập trong các dạo quân chủ lực của nhà Trịnh. Chiều ngày 18, thuyền chiến Tây Sơn tiến vào trung tâm trận địa của quân Trịnh. Đinh Tích Nhưỡng đem thuyền chiến chặn ngang sông, dàn thành thế trận hình chữ "nhất" để chống nhau với quân Tây Sơn. Đỗ Thế Dận dàn bộ binh ra hai bên bờ sông, để đánh vào hai bên sườn thủy quân Tây Sơn 6.

        Khoảng 6 giờ tối7, cuộc chiến đấu bắt đầu.

        Lúc ấy gió đông nam đang thổi mạnh, Nguyễn Huệ cho năm thuyền chiến lớn, giương buồm thuận gió xung phong lên trước, đại quân từ từ tiến theo sau. Đinh Tích Nhưỡng hạ lệnh cho quân lính tập trung hỏa lực bắn tan đoàn thuyền chiến xung phong của Tây Sơn. Đạn súng và tên nỏ ở thuyền chiến quân Trịnh bắn ra như mưa. Một chiến thuyền xung phong của Tây Sơn bị bắn đắm. Nhưng các thuyền chiến khác vẫn theo chiều gió nối nhau ào ạt tiến lên. Tên, đạn của quân Trịnh bắn ra tới tấp nhưng không sao cản được. Quân Trịnh vô cùng hoảng sợ. Khi những thuyền chiến lớn ấy tới gần, quân Trịnh mới biết là thuyền không người, chân sào trên thuyền chỉ là những bù nhìn. Nhưng khi ấy, tên đạn của quân Đinh Tích Nhưỡng đã kiệt và đại đội thuyền chiến Tây Sơn cũng đã tiến sát thuyền chiến quân Đinh Tích Nhưỡng. Quân Tây Sơn vừa đánh trống vừa hò reo xung phong "thanh thế kinh thiên động địa"8. Thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng kêu la thảm thiết, tranh nhau bỏ thuyền mà chạy9. Từ dưới thuyền chiến, quân Tây Sơn bắn đại bác lớn lên hai bên bờ sông, tiếng súng đại bác nổ như sấm10, cây cổ thụ trên bờ sông bị đạn đại bác làm đổ gãy 11. Thấy đại bác của Tây Sơn bắn lên, quân Đỗ Thế Dận ở trên bờ khiếp sợ không dám đánh trả lại. Đánh tan thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng, nghĩa quân Tây Sơn thừa thắng kéo lên bờ, xông thẳng vào trận địa Đỗ Thế Dận, dùng hỏa hổ tung lửa đốt phá lan tràn. Bộ binh của Đỗ Thế Dận hoảng sợ, bỏ chạy hết. Chủ tướng Đỗ Thế Dận và viên đốc đồng Nguyễn Huy Bình cũng bỏ mặc quân lính, chạy thoát lấy thân. Từ phía Kim Động, 27 cơ binh của Trịnh Tự Quyền nghe thấy tiếng súng trận trên sông cửa Luộc cũng vội vàng chạy trốn, không đánh mà tan.

--------------
        1, 2, 3. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch, t. XX, tr. 14.

        4. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 101.

        5. Thư của Sérard ngày 31 tháng 7 năm 1786 và thư của Le Roy ngày 6 tháng 12 năm l786.

        6. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 102.

        7. Thư của Sérard ngày 31 tháng 7 năm 1786.

        8, 9. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch đã dẫn, t. XX, tr. 15.

        10. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. l02.

        11. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 102.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:06:35 am »


        Như thế là các đạo quân chủ lực của chúa Trịnh đã hoàn toàn tan rã. Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra trong một đêm1 kết thúc vào lúc rạng sáng ngày 24 tháng Sáu năm Bính Ngọ2 tức 19 tháng 7 năm 17863. Nguyễn Huệ cùng đoàn quân chiến thắng ngay sáng hôm ấy, rầm bộ tiến vào phố Hiến, thủ phủ của trấn Sơn Nam thượng.

        Tin thua trận tới tấp đưa về Thăng Long, triều đình hoảng sợ, văn võ triều thần cuống quít lo cất giấu của cải, đưa vợ con chạy trốn, không một ai dám đứng ra nhận lấy trách nhiệm chống nhau với quân Tây Sơn.

        Chúa Trịnh đang rất lúng túng lại thấy tể tướng Bùi Huy Bích không có một mưu kế, sách lược nào để đối phó với tình hình, liền bãi chức tể tướng của Bùi Huy Bích và bắt ra trận đốc chiến4. Thấy Bùi Huy Bích, một văn thần phải ra trận đốc chiến, lòng người càng mất tin tưởng. Cả kinh thành xao xuyến, náo động. Cựu tham tụng Nguyễn Lệ từ Nghệ An về triều hiến kế:

        "Nên rút ra khỏi kinh thành, đưa vua Lê lên Sơn Tây, khống chế miền thượng du để tính việc đối phó về sau. ở khúc sông bên bãi Tự nhiên5, nên giăng những bè nổi trên mặt nước để chặn thuyền chiến địch. Hai bên bờ sông đặt nhiều đồn bộ binh để đánh đột kích. Chiêu dụ bọn thủy phỉ, cho quan tước để họ đánh tập hậu thủy quân Tây Sơn. Giặc lấy danh nghĩa "tôn phù" mà tới, nhưng không thấy vua Lê sẽ tiến thoái đều bất lợi. Chiến trận kéo dài, lương hết, giặc sẽ kkông thể ở lại lâu được. Khi ấy, báo cho hào mục Thanh Nghệ đánh chặn đường về của giặc thì giặc sẽ đại bại. Nhược bằng nay cứ giao chiến với giặc thì kiêu binh không thể dùng được, nhất định sẽ thất bại, việc nước sẽ hỏng"6.

        Kế hoạch của Nguyễn Lệ , nếu được thực hiện, dù không thể chiến thắng quân dội Tây Sơn, cũng có thể gây khó khăn cho chiến lược tốc chiến tốc thắng của Nguyễn Huệ. Nhưng kế ấy đã bị quân tướng nhà Trịnh phản đối kịch liệt. Bọn tôi chúa nhà Trịnh tuy sợ chết trong tay quân Tây Sơn, nhưng lại sợ gian khổ khi phải chạy ra khỏi kinh thành, nên ngần ngại không muốn theo mưu kế của Nguyễn Lệ. Lính tam phủ - tức kiêu binh - vốn ghét Nguyễn Lệ, đã có lần làm binh biến đánh đổ ngôi tể tướng của Nguyễn Lệ (năm 1784) lại càng phản đối Nguyễn Lệ dữ dội. Nguyễn Lệ phải chạy lên Sơn Tây.

        Chúa Trịnh lại một lần nữa cùng triều thần bàn kế đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Trần Công Xán7 hiến kế:

        "Giặc kéo quân vào sâu xứ lạ đó là điều mà trong binh pháp rất kỵ. Nên dử cho chúng tới gần nữa, rồi đánh một trận mà tiêu diệt cho hết, đó là cái thuật kỳ diệu trong phép dùng binh. Vả lại, kinh sư là cái gốc của thiên hạ, rời bỏ thì sẽ đi đâu? Chẳng những thế, nếu kiệu chúa lật đật ra ngoài thành, tất lòng người sẽ phải lìa tan, ấy là đem nước mà trao cho giặc vậy. Bây giờ chỉ nên xin thái phi và cả sáu cung hãy tạm lánh ra ngoài thành mà thôi"8.

        Ý kiến của Trần Công Xán chứng tỏ y không hiểu biết binh pháp là gì, không biết mình, biết người, không biết sức mạnh của quân đội Tây Sơn như thế nào. Tuy vậy, ý kiến ấy, đã làm vừa lòng chúa Trịnh. Nhưng lấy ai là người đứng ra bảo vệ kinh thành, đứng ra "đánh một trận mà tiêu diệt hết địch" như ý kiến Trần Công Xán. Trịnh Khải đành phải tìm đến những viên tướng già còn lại và lập tức sai người lên Sơn Tây gọi lão tướng Hoàng Phùng Cơ về triều cứu chúa.

        Hoàng Phùng Cơ lúc ấy chỉ có vẻn vẹn 500 quân. Trịnh Khải phải bỏ ra năm nghìn lạng bạc để Hoàng Phùng Cơ mộ thêm quân và trong một ngày mộ được hơn một nghìn lính cũ. Nhưng mặc dầu có thêm quân, bọn chúa tôi nhà Trịnh không một ai dám nghĩ đến việc xuất quân đón đánh quân đội Tây Sơn, mà chỉ nghĩ đến việc phòng thủ Thăng Long, ngồi chờ cho Tây Sơn đến đánh.

-----------------
        1. Giáo sĩ Sérard có mặt ở Bắc Hà trong lúc này, hiểu rất rõ sự yếu hèn của quân tướng nhà Trịnh, nên trong thư viết về Pháp ngày 31 tháng 7 năm 1786  đã cho rằng: các tướng Trịnh có ý mở cuộc chiến dấu với Tây Sơn vào buổi tối để phòng khi thua trận thì trong đêm tối chạy trốn được dễ dàng.

        2. Bùi Dương Lịch, Lê quí dật sử, tờ 24.

        3. Thư của giáo sĩ Le Roy ngày 6 tháng 12 năm 1786.

        4. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 102.

        5. Bãi Tự Nhiên trên sông Hồng, thuộc huyện Thường Tín, Hà Đông, giáp địa phận Hưng Yên.

        6. Nguyễn Thu, Lê quí dật sử, Sách chữ Hán, bản chép tay của Viện Sử học, ký hiệu H.V. 108, tờ 8.

        7. Cũng có tên là Trần Công Thước.

        8. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch, tr. l03
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:07:34 am »

       
        Trịnh Khải và các tướng lĩnh bố trí kế hoạch phòng thủ Thăng Long như sau:

        - Cho đội thủy quân Tứ Thị, là đội thủy quân duy nhất còn lại ở kinh thành, tới dàn thuyền chiến ở bến sông Thuý Ái1 để chặn giữ thuỷ quân Tây Sơn. Hai viên tiểu tướng già là Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yên được cắt cử ra quản lĩnh đội thủy quân này.

        - Cho đội bộ binh do Hoàng Phùng Cơ chỉ huy tới hồ Vạn Xuân2 để đối phó với bộ binh Tây Sơn, và khi cần thiết thì tiếp viện cho thủy quân ở bến Thúy Ái.

        - Còn Trịnh Khải thì ngay từ ngày 25 tháng Sáu âm lịch3 tức ngày 20 tháng 7 năm 1786, thân đốc xuất hết thảy bộ binh còn lại trong kinh thành và một đội tượng binh gồm hơn 100 con voi chiến4 ra quảng trường lầu Ngũ Long5 bày thành trận thế để chống giữ kinh thành. Quân của Trịnh Khải chia làm năm đạo: đạo Tả bộ giữ mặt Đông Long, đạo Hữu bộ giữ mặt Tây Hồ, đạo Tiền bộ giữ mặt cửa thành Tiền lâu, đạo Hậu bộ giữ mặt Hậu lâu cạnh bờ hồ Thủy quân6, đạo trung quân gồm hai hiệu lính Nhưng, Kiệu7 và đội tượng binh đóng ngay tại quảng trường sau Ngũ Long để bảo vệ Trịnh Khải.

----------------
        1. Bến Thuý Ái là một bến sông Hồng, nay thuộc thôn Thuý Lĩnh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.

        2. Từ xưa, các sách sử đều chú thích hồ Vạn Xuân 1à đầm Vạn Phúc, ở thôn Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, gần đây, có những công trình điều tra nghiên cứu tại chỗ đã xác định lại vị tri của hồ Vạn Xuân không phải là đầm Vạn Phúc ở thôn Vạn Phúc mà chính là hồ Vạn Xuân thuộc địa phận thôn Thanh Trì và thôn Vĩnhh Tuy đoài, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội hiện nay. Hồ Vạn Xuân, sau này tiếng xuân đọc trệch thành xoan, nên cũng gọi là hồ Vạn Xoan. Xưa kia hồ rộng khoảng 10 - 50 mẫu, hiện nay còn lại một phần hồ và vẫn mang tên là hồ Vạn Xoan. Chúng tôi tán thành kết quả điều tra nghiên cứu này, xác định vị trí hồ Vạn Xuân như thế là đúng. Phát hiện mới này giúp chúng ta hiểu được chính xác hai vấn đề lịch sử:

        1) Đường tiến quân của Nguyễn Huệ ra Thăng mong: đánh quân Trịnh ở bên Thuý Ái rồi tiến lên đánh quân Trịnh ở hồ Vạn Xuân, như thế là hợp lý.

        2) Khu vực hồ Vạn Xuân chính là nơi Lý Nam Đế ở thế kỷ thứ VI đã lập đài Vạn Xuân, định đô Vạn Xuân và nhân đó lấy tên nước là Vạn Xuân. Đây là những điều mà từ trước các sử sách không xác định được. (Xem thêm bài nghiên cứu của Vũ Tuấn Sán: Về hai cuộc hành quân của Nguyễn Huệ ra Thăng Long, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 119, tháng 2-1969, tr. 14 - 15).

        3. Bùi Dương Lịch, Lê quí dật sử, tờ 26.

        4. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của viện Sử học. t. XX. tr. 17.

        5. Ngũ Long là một lầu cao chừng 300 thước cổ, xây dựng khoảng thế kỷ XVIII, bên cạnh hồ Hoàn Kiếm. Lầu mang hình năm con rồng, dát bằng mảnh sứ và đá cẩm thạch. Chung quanh lầu là một quảng trường rộng lớn và có nhiều dinh thự to. Chúa Trịnh đã từng lấy quảng trường ấy làm chỗ thi hương cho hàng ngàn cống sĩ. Quân Tây Sơn tiến ra Bắc lần này, sau khi vào Thăng Long, lật đổ nhà Trịnh thì Nguyễn Huệ đóng quân trong phủ chúa Trịnh. Vũ Văn Nhậm đóng quân phía trước lầu Ngũ Long và Nguyễn Hữu Chỉnh đóng quân phía sau lầu Ngũ Long (Hoàng Lê nhất thống chí). Nền cũ của lầu Ngũ Long là khoảng khu vực Sở bưu điện Hà Nội và vườn hoa Chí Linh ngày nay (Lịch sử thủ đô Hà Nội, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 61, 77, 82).

        6. Hồ Thủy quân khi xưa ở phía dưới hồ Hoàn Kiếm.

        7. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 105.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:08:30 am »


        Kế hoạch bố trí có vẻ chu đáo như vậy, nhưng tinh thần chiến đấu của quân tướng nhà Trịnh rất uể oải, quân luật rất lỏng lẻo. Đạo quân tiền tiêu của nhà Trịnh là những đội thủy quân đóng ở bến Thuý Ái thì lại chủ quan cho rằng quân đội Tây Sơn còn lâu mới tiến tới nơi, nên thường cột thuyền vào bến, lên bờ đi chơi tản mát.

        Không ngờ rằng Nguyễn Huệ hạ xong phố Hiến, trấn thành Sơn Nam, liền tiến quân ngay. Đang mùa hè, gió đông nam thổi mạnh, đại đội thuyền chiến Tây Sơn giương buồm thẳng tiến như bay lên phía kinh thành Thăng Long. Sáng ngày 26 tháng Sáu âm lịch, tức ngày 21 tháng 7 năm 1786, thủy quân Tây Sơn tới bến Nam Dư1. Nguyễn Huệ cho một cánh quân đổ bộ lên bến Nam Dư2, vòng lên đánh úp thủy quân Trịnh ở bến Thuý Ái. Khi cánh quân Tây Sơn này tới nơi, quân Trịnh ở bến Thuý Ái vẫn còn đi chơi tản mát trên bờ. Quân Tây Sơn một mặt nhảy xuống chiếm giữ hết các thuyền chiến của quân Trịnh, một mặt đánh bắt thủy binh Trịnh ở trên bờ. Bên Trịnh chỉ có hai viên tướng Ngô Cảnh Hoàn 3 và Nguyễn Trọng Yên là còn ở dưới thuyền. Khi thấy quân Tây Sơn áp tới. Ngô Cảnh Hoàn và Nguyên Trọng Yên vội cầm siêu đao ra đứng ở mũi thuyền để chống cự, nhưng đều bị quân Tây Sơn dung súng lớn bắn chết ngay.

---------------
        1. Bến Nam Dư ở xã Nam Dư, nay thuộc xã Trần Phú, huyện Thanh Trì. Bến Nam Dư ở phía dưới bến Thúy Ái.

        2. Chúng tôi trình bày thủy quân Tây Sơn đổ bộ lên bến Nam Dư là theo Hoàng Lê nhất thống chí vì trong các sách sử cũ thì Hoàng Lê nhất thống chí viết về các trận đánh từ bến Nam Dư lên Thăng Long là tương đối chi tiết hơn cả, tuy nhiên cũng không cụ thể rõ ràng lắm. Trong Hoàng Lê nhất thống chí chỉ nói thủy quân Tây Sơn tới bến Nam Dư thì bỏ thuyền lên bộ. ở đây chúng tôi trình bày một cánh quân đổ bộ lên bến Nam Dư, còn đại đội thủy quân Tây Sơn tiến thẳng lên bến Tây Long vì mấy lý do sau đây:

        1) Chỉ để đánh một "đám lính thuỷ ở cửa Thuý Ái" như Hoàng Lê nhất thống chí đã ghi, và đánh hơn một nghìn quân của Hoàng Phùng Cơ ở hồ Vạn Xuân, thì không thể cho hết thảy mấy vạn quân đổ bộ lên bờ để đánh vì không cần thiết.

        2) Trình bày như thế phù hợp với cách đánh của nghĩa quân Tây Sơn. Mỗi khi mở cuộc tiến công, đại quân Tây Sơn thường tiến thẳng nhằm mục tiêu chính mà đánh, chỉ cho những toán quân nhỏ, thường gọi là "du binh" làm nhiệm vụ đánh úp các vị trí nhỏ và căn cứ không quan trọng của địch ở dọc đường mà thôi. Cách đánh này rất thích hợp với chiến trường Thăng Long, từ Thuý Ái tới bến Tây Long. Một toán thủy quân đổ bộ lên đánh Thuý Ái và Vạn Xuân, còn đại bộ phận thủy quân vẫn tiếp tục đường sông tiến lên, nên Hoàng Lê nhát thống chí mới ghi là "Thuỷ quân tiến thẳng lên bến Tây Long". Theo cách ghi chép của Hoàng Lê nhất thống chí thì khi cánh quân đã đổ bộ lên bờ, đánh nhau ở trên bộ, tại Thúy Ái, Vạn Xuân, sách này chỉ ghi là quân Tây Sơn hay quân địch, không ghi là thủy quân. Còn quân Tây Sơn tiến lên Tây Long, thì sách này ghi cụ thể là thủy quân, có nghĩa là bộ phận quân này vẫn đi đường sông, vẫn ở trên thuyền chiến chứ không phải là đi trên bộ, đánh trên bộ.

        3) Nếu trình bày tất cả mấy vạn quân Tây Sơn đều đổ bộ lên bến Nam Dư, đề đánh Thúy Ái, đánh Vạn Xuân, rồi theo đường bộ tiến lên đánh bến Tây Long, thì việc đổ bộ mấy vạn quân để đánh mấy nghìn quân Trịnh ở Thuý ái, Vạn Xuân là không cần thiết. Mà bỏ lại nghìn rưởi thuyền chiến (đội quân chủ lực của Nguyễn Huệ gồm hơn 1.000 chiếc, đội tiên phong của Nguyên Hữu Chỉnh gồm trên 400 chiếc, chưa kể hàng trăm thuyền lương đem từ Vị Hoàng lên) từ bến Nam Dư trở xuống, không dùng đến, để đi bộ hàng chục ki-lô-mét lên đánh bến Tây Long lại cũng không hợp lý. Nếu để cho mấy vạn quân ấy đánh xong Thuý ái, Vạn Xuân rồi lại lục tục xuống thuyền để tiến lên bến Tây Long thì tốn công, tốn sức và mất nhiều thời gian quá. Cách tiến quân, điều quân để chiến đấu như thế, vừa không hợp lý, vừa trái với phép dùng binh sở trường và nổi tiếng của Nguyễn Huệ là đi nhanh, đánh nhanh, thắng nhanh.

        3. Ngô Cảnh Hoàn khi ấy đã ngoài 70 tuổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:11:45 am »


        Tiêu diệt xong đạo thủy quân Trịnh ở bến Thuý ái, cánh quân Tây Sơn này tiến ngay lên phía hồ Vạn Xuân, tập kích quân Hoàng Phùng Cơ. Quân Hoàng Phùng Cơ đang ăn cơm bị đánh bất ngờ, bỏ cả khí giới mà chạy. Quân Tây Sơn chia làm hai toán từ hai phía đánh ép lại, quân Hoàng Phùng Cơ không sao trốn thoát, thây chết ngổn ngang khắp trận địa. Quân của Hoàng Phùng Cơ nhảy cả xuống hồ Vạn Xuân, chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Một thuộc tướng của Hoàng Phùng Cơ là Mai Thế Pháp cố sức chống cự bị quân Tây Sơn đánh dồn ra tới tận bờ sông Nhị. Thế cùng, Mai Thế Pháp phải nhảy xuống sông mà chết.         Hơn một nghìn năm trăm quân1 của Hoàng Phùng Cơ chỉ còn sóng sót vài chục tên, cùng với chủ tướng Hoàng Phụng Cơ và tám người con của Hoàng Phùng Cơ cố sức chống đỡ. Nhưng 6 người con Hoàng Phùng Cơ và mấy chục tên lính đều chết trận ngay, Hoàng Phùng Cơ phải nhảy khỏi mình voi xuống đất, cùng hai người con sống sót, cố sức cướp lấy đường chạy thoát thân.

        Trong khi cánh quân Tây Sơn chiến đấu thắng lợi ở bến Thuý ái và hồ Vạn Xuân thì đại đội thuyền chiến Tây Sơn vẫn tiến lên phía trước kinh thành Thăng Long, đổ bộ lên bến Tây Long (hoặc Tây Luông) 2, đánh thẳng vào trận địa của quân Trịnh Khải ở chung quanh lầu Ngũ Long.

        Nghĩa quân Tây Sơn từ bến Tây Long ào ạt tiến vào. Quân tiền bộ của Trịnh nổ súng bắn ra. Quân Tây Sơn khom mình vừa tránh đạn vừa xung phong, tiến sát lầu Ngũ Long, bản doanh của Trịnh Khải3. Trịnh Khải phải thân tự lên mình voi trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Nhưng mặc dầu Trịnh Khải hạ lệnh phản kích, quân sĩ Trịnh chỉ "nhìn nhau không dám tiến"4. Trong khi ấy, quân Tây Sơn ào ạt tiến vào chém giết và dùng hỏa hổ tung lửa hừng hực vào hàng ngũ quân Trịnh. Quân Trịnh hoàn toàn tan vỡ, vứt cả khí giới mà chạy lấy thân. Một toán tiền quân Tây Sơn, chừng vài chục người tiến thẳng vào chiếm đóng phủ chúa Trịnh. Trịnh Khải thấy bên mình chỉ còn hơn 100 con voi chiến, đành phải trút bỏ nhung phục "tụt xuống ngồi núp trong ngăn hòm da ở mé sau bành voi"5 rồi co đầu voi để chạy trốn về phủ, nhưng tới gần thì đã thấy cờ đỏ Tây Sơn phấp phới bay ngoài cửa phủ, Trịnh Khải vội chạy trốn theo đường đi Sơn Tây.

        Trong khi đại quân Tây Sơn tiến đánh lầu Ngũ Long thì toán quân của viên tỳ tướng Tây Sơn bí mật vào thành từ trước cũng chiếm giữ hoàng thành và trao mật tấu "tôn phù" của Nguyễn Huệ cho vua Lê.

        Như thế là quân Tây Sơn đã làm chủ kinh thành Thăng Long và ngay ngày hôm ấy, 26 tháng Sáu năm Bính Ngọ, tức ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ và đại quân tiến vào Thăng Long, đóng tại phủ chúa Trịnh.

------------------
        1. 500 quân của Hoàng Phùng Cơ đem từ Sơn Tây về và quân mới mộ được hơn 1.000 người.

        2. Nhiều tài liệu gần đây viết về trận đánh Thăng Long của Nguyên Huệ thường chú thích bến Tây Long ở phía phố Nguyễn Trung Trực bây giờ, tức ở phía bắc Hà Nội. Chúng tôi thấy rằng phủ chúa Trịnh ở phía nam Hà Nội, sát hồ Hoàn Kiếm. Trịnh Khải bày trận ở lầu Ngũ Long, cạnh hồ Hoàn Kiếm, mà quân Tây Sơn lại tiến lên tận phía bắc, bên trên cầu Long Biên bây giờ rồi mới đánh xuống thì không hợp lý. Bến Tây Long phải là một bến ở gần lâu Ngũ Long nhất, thuận tiện cho việc đổ bộ đánh thẳng bản doanh của Trịnh Khải. ở thế kỷ XVIII, tại Thăng Long có cửa ô Tây Long và bến Tây Long. Cửa ô Tây Long ở gần bến sông, có thể là gần bến sông Tây Long, cho nên cả cửa ô và bến sông đều mang một tên Tây Long. Đêm 17 tháng Tám Bính Ngọ (1786), Nguyễn Nhạc và Ngyễn Huệ từ Thăng Long rút quân về Nam, sáng hôm sau, Nguyễn Hữu Chỉnh được tin ra cửa ô Tây Long xuống bến sông, xuôi thuyền chạy theo.

        Bản đồ Hà Nội vẽ năm 1831, tức 45 năm sau khi Nguyên Huệ tiến quân ra Bắc còn ghi cửa ô Tây Long ở khoảng đầu phố Tràng Tiên ngày nay, phía quảng trường nhà hát thành phố Hà Nội. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút ghi rằng: "... những phường Thái Cực, Đông Hà, Đông Các, nhà ớ hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng è, bến Tây Long và đều thành ra phố phường đô hội cả". Theo cái trình tự đó thì bến Tây Long phải là ở phía đông nam thành Thăng Long, dưới Hàng Mắm, Hàng Bè, không thể ở phía bắc. Như vậy bến Tây Long có thể là ở cửa ô Tây Long đi ra, khoảng phía trước Bảo tàng lịch sử và bãi Phúc Tân bây giờ (xem thêm Vũ trung tùy bút, Bản dịch của nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội. 1960, tr. 20 và lịch sử thủ đô Hà Nội, tr. 64)

        3. Hoàng Lê nhất thống chí và Lê quí kỷ sự đều nói Trịnh Khải ngụ ở lầu Ngũ Long để bày trận. Duy sách Việt Sử thong giám cương mục không nói tới lầu Ngũ Long mà chỉ nói Trịnh Khải bày trận ở bến Tây Long. Những tài liệu này không mâu thuẫn nhau. Sự thật thì khu vực Ngũ Long lâu là ở gần sát bến Tây Long. Có thể là Trịnh Khải đã bày trận từ bên Tây Long vào tới lầu Ngũ Long và Trịnh Khải đóng bản doanh, tức chỉ huy sở, tại lầu Ngũ Long.

        4. Việt sử thông giám cương mục, bản dịch. t. XX. tr. 17.

        5. Ngô gia văn phái, Hoàn Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 106.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:14:16 am »


        Cuộc tiến công Bắc Hà tới đây đã kết thúc rất vẻ vang. Chỉ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 11 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh đánh Vị Hoàng đến ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ đã mau chóng lật đổ tập đoàn phong kiến họ Trịnh thống trị Bác Hà từ 300 năm và chính quyền Bắc Hà từ sông Gianh trở ra đã thuộc về nghĩa quân Tây Sơn.

        Sau khi vào thành Thăng Long, Nguyễn Huệ lập tức cho thi hành những biện pháp an ninh, nghiêm cấm quân sĩ không được làm phiền nhiễu dân, không được mảy may xâm phạm đến tài sản của dân 1, đồng thời cho lấy vàng bạc châu báu trong kho chúa Trịnh đem phát thưởng cho hết thảy tướng lĩnh, binh lính 2 và cho phép toàn quân nghỉ ngơi lại sức.

        Đối với triều đình Bắc Hà, sáng sớm ngày hôm sau 22 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ vào triều yết kiến vua Lê và cho người đi mời các triều thần văn võ nhà Lê trở lại triều đình làm việc. Đối với nhân dân Bắc Hà, ngay từ lúc vào thành, Nguyễn Huệ đã hạ lệnh chiêu an 3. Kinh thành Thăng Long trong những ngày cuối cùng của chế độ nhà Trịnh đã lâm vào tình trạng hỗn loạn trầm trọng, cho nên việc lập lại trật tự ở kinh thành cũng như ở các địa phương là vô cùng khẩn cấp. Trong công việc này, nghĩa quân Tây Sơn được nhân dân Bắc Hà hưởng ứng nhiệt liệt. Kỷ luật của quân dội Tây Sơn lại rất nghiêm minh, nhân dân càng tin tưởng và hết sức giúp đỡ quân đội. Nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với quân đội chiến thắng để lùng bắt trộm cướp, côn đồ. Giáo sĩ Lơ Roa (Le Roy) giảng đạo ở Bắc Hà lúc ấy đã viết trong thư ngày 6 tháng 12 năm 1786 rằng: "Vì trong nước hỗn loạn, khắp nơi đều có giết người, đốt nhà, cướp của, nên giặc Quảng 4 sai quân lính đi chỗ này chỗ khác truy nã côn đồ. Những quân Đàng trong ấy thi hành công lý rất gắt gao. Chỉ báo với họ một lời là không cần thủ tục dài dòng họ chặt đầu ngay bọn trộm cướp hoặc những kẻ bị cáo những tội trạng tương tự. Đâu đâu người ta cũng hoan hô sự công bằng và vô tư của họ; vì họ không cướp của ai mà chỉ chặt đầu trộm cướp" 5.
       
        Giáo sĩ Xê-ra (Sérard) trong thư ngày 4 tháng 7 năm 1789, ở đoạn tái bút, cũng viết: "Tái bút. Ngày 7 tháng 8. Thời thế đổi thay. Bọn trộm cướp có thời của chúng thì nhân dân cũng có thời của họ. Người ta săn bắt trộm cướp rất hăng hái. Hôm qua người ta đã chặt đầu mười một tên cướp tại đây; bốn hôm trước, người ta cũng đã đánh chết hoặc cắt đầu một tên khác. Những ông quan mới của chúng tôi6 hành động rất nhanh gọn, không cần xét hỏi lôi thôi gì; khi có một số chứng tá cáo giác một người nào thì dù bạc, tiền, cầu khẩn, cũng không thể cản được bàn tay của họ ...” 7.

        Chính nhờ những hành động tích cực và vô tư ấy của quân dội Tây Sơn, trật tự an ninh ở Bắc Hà đã được lập lại rất nhanh chóng.

        Mấy ngày sau khi nghĩa quân Tây Sơn hạ thành Thăng Long, Trịnh Khải cũng bị nhân dân bắt giải đưa về nộp quân Tây Sơn. Dọc đường, Trịnh Khải tự tử chết. Nguyễn Huệ cho làm lễ an táng rất trọng thể theo như nghi thức các vua chúa mất.

        Chỉ trong vòng mươi ngày sau khi nghĩa quân cầm quyền thay họ Trịnh, tình hình Bắc Hà, từ trong triều đến ngoài trấn đều ổn định. Một đời sống vui vẻ, phấn khởi tràn đầy miền Bắc. Trong không khí tưng bừng ấy, ngày 7 tháng Bảy năm Bính Ngọ tức ngày 31 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Tây Sơn và các quan văn võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua Lê Hiển Tôn.

Ngày 1 tháng 8 năm 1786, vua Lê Hiển Tôn sắc phong Nguyễn Huệ làm "Nguyên soái phù chính dực vũ, Uy quốc công". Như thế là binh quyền và chính quyền Bắc Hà hoàn toàn trong tay Nguyễn Huệ, người lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn.

        Ngày 11 tháng Bảy âm lịch tức ngày 4 tháng 8 năm 1786, Nguyễn Huệ làm lễ cưới công chúa Ngọc Hân, con gái yêu của vua Lê Hiển Tôn.

        Vua Lê Hiển Tôn đã già và bị bệnh lâu ngày nên đến 17 tháng Bảy năm Bính Ngọ tức ngày 10 tháng 8 năm 1786, thì mất. Quyền bính Bắc Hà vẫn trong tay Nguyễn Huệ, người lãnh tụ nông dân Tây Sơn, nhưng giữ đúng chủ trương "tôn phù nhà Lê" Nguyễn Huệ lập cháu Lê Hiển Tôn là Lê Duy Kỳ lên làm vua, tức là Lê Chiêu Thống.

----------------
        1. Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 106.

        2, 3. Lê sử bổ, Sách chữ Hán, Bản viết tay của Viện Sử học, ký hiệu H.V. 41, tờ 221.

        4. Chỉ quân đội Tây Sơn.

        5. Cadière, Documents relatifs à Pépoque de Gia Long, B.E.F.E.O., n0 7, 1912, p. 8.

        6. Chỉ các tướng sĩ Tây Sơn.

        7. Cadière, Tài 1iệu đã dẫn, tr. 11.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:14:49 am »


        Tình hình Bắc Hà tới đây là hoàn toàn ổn định. Từ ngày Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long cho đến khi Lê Chiêu Thống lên ngôi, mọi việc lập lại trật tự an ninh trong dân chúng và sắp xếp lại việc triều chính đều do Nguyễn Huệ quyết định. Quyền chính ở Bắc Hà thật sự ở trong tay Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn.

        Kể từ ngày đầu năm 1785, Nguyễn Huệ đánh tan liên quân Xiêm - Nguyễn, buộc bọn Nguyễn Ánh phải chạy sang Xiêm ẩn náu một cách tuyệt vọng, cho đến ngày Nguyễn Huệ hạ thành Thăng Long giữa năm 1786, toàn lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên, Rạch Giá ở phía cực nam đến miền biên giới Việt - Trung ở phía cực bắc đã hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Với những chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, chiến thắng Phú Xuân, chiến thắng Thăng Long, Nguyễn Huệ đã lật đổ mọi tập đoàn phong kiến thống trị đương thời. Nguyễn Huệ đã vĩnh viễn xóa bỏ ranh giới phân chia Nam Bắc mà các tập đoàn phong kiến Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn dựng nên từ 300 năm trước đó. Với những chiến thắng oanh liệt ấy, Nguyễn Huệ đã thật sự lập lại nền thống nhất cho nước nhà ở cuối thế kỷ XVIII. Một trong những công lao vĩ đại của Nguyễn Huệ đối với dân tộc, với Tổ quốc, chính là sự nghiệp thống nhất đất nước. Một điều đáng chú ý nữa là sự thống nhất nước nhà ở cuối thế kỷ XVIII có một tầm quan trọng hơn hẳn sự thống nhất nước nhà ở thời Lê Thánh Tôn, Lê Lợi và các thời trước.

        Từ thời Lê Thánh Tôn trở về trước, sự thống nhất đất nước thể hiện trên một phạm vi lãnh thổ từ Thuận Hóa trở ra Bắc. Nhưng ở thời Nguyễn Huệ, sự thống nhất ấy thể hiện trên một phạm vi rộng rãi hơn nhiều, suốt từ Hà Tiên, Rạch Giá trở ra Bắc. Chính vì thế mà sự nghiệp thống nhất nước nhà của Nguyễn Huệ ở thời kỳ này càng thêm huy hoàng, vĩ đại.

        Kể từ trận đánh Vị Hoàng đến trận đánh Thăng Long, cuộc tiến quân giải phóng Bắc Hà đã diễn ra trong 10 ngày trên một chiều sâu chừng 90 ki-lô-met. Bằng bốn trận chiến đấu, bắt đầu là trận đánh chiếm căn cứ chiến lược Vị Hoàng, và kết thúc bằng sự tiêu diệt các đạo quân chủ lực quân đội Trịnh và giải phóng Thăng Long, quân đội Tây Sơn do Nguyên Huệ chỉ huy đã thể hiện tài tổ chức và thực hiện chiến đấu với những yếu tố của một chiến dịch ngày càng rõ rệt và giành thắng lợi hết sức to lớn.

        Thắng lợi huy hoàng đó chứng minh Nguyễn Huệ là một nhà chiến lược vĩ đại, một vị chỉ huy kiệt xuất trong việc tổ chức và thực hành các chiến dịch tiến công.

        Đặc điểm của chiến dịch lần này là:

        - Quy mô rộng lớn: lực lượng tham chiến đều là các lực lượng chủ lực, tinh nhuệ nhất của cả hai trên, tác chiến xảy ra trong một khoảng không gian rộng lớn, trên đồng bằng Bắc Hà. Quân đội Tây Sơn bắt đầu tiến công trong điều kiện chiến đường xa hậu phương. Trái lại, quân đội Trịnh chiến dấu ngay trên "đất nhà" gần các căn cứ chiến lược quan trọng nhất của họ. Căn cứ vào tình hình chung lúc đó, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng thực hành một cuộc quyết chiến chiến lược, để hoàn toàn tiêu diệt quân đội Trịnh, không cần trải qua một số chiến dịch trung gian khác. Sự cần thiết phải đánh nhanh, và khả năng thực tế để giải quyết nhanh là cơ sở cho quyết lâm lớn lao đó của Nguyễn Huệ.

        Song, căn cứ vào đặc điểm của chiến dịch sắp tiến hành, muốn biến khả năng đó thành hiện thực, Nguyễn Huệ phải giải quyết nhiều khó khăn lớn, đề ra nhiều biện pháp quan trọng thì mới có thể thực hiện được quyết tâm chiến lược đó.

        Đi vào cụ thể, có những vấn đề lớn như sau:

        - Trước hết là vấn đề hành quân đến chiến trường. Từ sông Gianh đến đồng bằng Bắc Hà chỉ có thể hành bằng hai con đường: đường bộ qua các trấn Nghệ An, Thanh Hóa, và đường biển. Nếu tiến quân theo đường bộ, thì rõ ràng không thể thực hiện được phương châm đánh nhanh giải quyết nhanh. Quân đội hành quân trên một con đường dài như vậy, trước khi đến khu vực tác chiến, khiến cho quân đội Trịnh có thể kịp thời thay đổi thế trận, có thì giờ động viên lực lượng, tập trung các đội quân địa phương, kéo dài chiến tranh. Trong trường hợp đó, khó khăn cho quân đội Tây Sơn sẽ tăng lên rất nhiều. Đi đường biển thì tránh được những khó khăn nói trên, tranh thủ rút ngắn thời gian hành quân, giành được bất ngờ chiến dịch, và ngay khi bắt đầu thực hành chiến dịch, đã có thể đưa chiến trường đến trung tâm của giang sơn chúa Trịnh.

        Trong trường hợp này, vấn đề lớn duy nhất phải giải quyết là chuyên chở quân đội. Thủy quân Tây Sơn có đủ sức để làm việc đó. Kinh nghiệm của một số trận tiến công quân Nguyễn ở Gia Định đã hoàn toàn chứng minh quân đội Tây Sơn có đủ khả năng đánh địch từ rất xa căn cứ của mình với phương tiện chuyên chở của thủy quân. Nguyễn Huệ đã chọn con đường tiến quân trên đường biển.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM