Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 03:55:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ  (Đọc 44007 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:31:12 am »

       
        Tuy nhiên Thuận Hóa lúc ấy vẫn có những nhược điểm căn bản có thể làm tê liệt ưu thế của nó. Đã từ lâu, đất Thuận Hoá không có chinh chiến, quân Thuận Hóa ít chiến đấu, quân đông, đồn trại nhiều, nhưng phòng thủ không cẩn mật. Tướng lĩnh tham nhũng tàn bạo, nhân dân oán ghét. Đó là những điều kiện thất bại của Thuận Hóa một khi bị tiến công.

        Nắm vững tình hình chung và triệt để lợi dụng thời tiết thuận lợi của mùa hè, gió nồm thổi mạnh có thể đưa thủy quân tiến nhanh lên đánh phá các cứ điểm ở xa. Nguyễn Huệ quyết định một kế hoạch tiến công bất ngờ và chớp nhoáng ở tất cả các cứ điểm, từ Hải Vân đánh lên, từ sông Gianh đánh xuống, từ cạnh sườn đánh vào Phú Xuân, làm cho quân Trịnh ở khắp nơi trên đất Thuận Hóa, không kịp giở tay và không thể ứng cứu được cho nhau.

        Để thực hiện kế hoạch đó, Nguyễn Huệ chia quân tiến đánh theo ba đường:

        - Một đạo thủy quân tiến đánh Phú Xuân.

        - Một đạo thủy quân khác tiến thẳng lên sông Gianh. Tới đây, đạo quân này chia làm hai: một cánh đóng án ngữ ở sông Gianh, đề phòng quân Trịnh ở Bắc Hà tiến vào cứu viện, một cánh đánh xuống các đồn quân Trịnh ở Bố Chính, Leo Heo, lũy Đồng Hới và hợp quân với bộ binh từ Phú Xuân tiến ra để cùng đánh Dinh Cát.

        - Tất cả bộ binh tập trung tiến đánh đèo Hải Vân, giải quyết xong đèo Hải Vân, tiến lên phối hợp với đạo thủy quân thứ nhất đánh thành Phú Xuân, giải quyết xong Phú Xuân sẽ tiến đánh đồn Dinh Cát và nếu cần, sẽ tiến lên phía sông Gianh, tiếp viện cho đạo thủy quân thứ hai cùng đánh lũy Đồng Hới và các đồn chung quanh.


Chiến dịch Phú Xuân 1786
       
        Biết Phạm Ngô Cầu, chủ tướng Trịnh ở Phú Xuân là người rất mê tín dị đoan và để làm tê liệt cảnh giác của chúng, Nguyễn Huệ cho thuyền đưa một nghĩa quân Hoa kiều tới Phú Xuân trước, giả làm "thầy Tàu" xem tướng số. "Thầy Tàu" vào ra mắt Tạo quận công Phạm Ngô Cầu, thường gọi là Quận Tạo1, để nói họa phúc và khuyên Phạm Ngô Cầu làm chay, cầu trời phật để tai qua nạn khỏi. Khi Phạm Ngô Cầu chuẩn bị tổ chức đàn chay cầu phúc, thì nghĩa quân Tây Sơn ở Qui Nhơn bắt đầu lên đường đánh Phú Xuân. Ngày 28 tháng Tư năm Bính Ngọ2, tức ngày 25 tháng 5 năm 1786, các đạo quân thủy bộ, dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Huệ, được lệnh xuất phát.

-----------------
        1. Tài liệu của các giáo sĩ phương Tây thời bấy giờ thường gọi Phạm Ngô Cầu là "Co tao", tức Quận Tạo, hoặc Quan Đại tức quan Đại tướng.

        2. Một vài tác giả viết về Nguyễn Huệ, thường nói ngày xuất quân là 18 tháng Năm âm lịch và ngày đánh Hải Vân là 24 tháng Năm âm lịch. Vấn đề thời gian như thế, cần bàn lại. Từ Qui Nhơn tới đèo Hải Vân, đường dài hơn 300 ki-lô-mét. Nếu xuất quân ngày 18, ngày 24 đã hạ xong đồn Hải Vân, tức là đi hơn 300 ki-lô-mét, chỉ mất 6 ngày, mỗi ngày hành quân trên 50 ki-lô-mét. Trong điều kiện hành quân không bằng cơ giới như thời bấy giờ thì không thể đi nhanh như thế được. Ở đây chúng tôi lấy ngày xuất quân theo Hoàng Lê nhất thống chí (Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1964, tr. 93).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:32:39 am »

        
ĐÁNH ĐÈO HẢI VÂN

        Hải Vân là một rặng núi thuộc dãy Trường Sơn, chạy ngang ra biển, làm thành một ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam. Rặng núi này gồm nhiều ngọn núi to cao và hiểm trở. Từ ngang lưng rặng núi trở lên, lúc nào cũng có mây mù bao phủ, vì thế xưa gọi là Hải Vân sơn. Chỗ gần biển là một quả núi thấp hơn, không gồ ghề lắm, người xưa mở lối đi qua rặng núi, nên gọi là đèo Hải Vân. Đèo này tuy thấp so với các ngọn núi của rặng Hải Vân. Nhưng cũng vẫn là cao lắm. Đứng dưới chân đèo nhìn lên, mây phủ mịt mù, không thấy đỉnh đèo. Càng đi lên, đường đèo càng quanh co, mây mù càng dày đặc. Những ngày xấu trời, đi trên đèo, cách nhau khoảng 5 mét, không nhìn thấy người. Từ Qui Nhơn, Quảng Nam ra Thừa Thiên, đi đường bộ nhất thiết phải qua đèo Hải Vân. Đã là đường độc dạo, đường đèo lại dốc cao, quanh co lắm khe nhiều suối. Đi đường vô ý có thể lăn xuống khe, xuống suối.

        Thời xưa trên đường đèo ấy có nhiều thú dữ ra hại người qua đường. Cho nên, qua đèo Hải Vân, không thể đi riêng lẻ từng người mà phải đi thành từng đoàn đông đỡ giúp đỡ nhau trong những chặng đường đèo nguy hiểm. Đèo Hải Vân có một phía sườn núi chạy ra biển, nhưng từ mặt biển không có đường đi lên đèo và quãng biển ở chân núi ấy, gọi là hang Giơi, thường thường sóng to, gió lớn, ghe thuyền ít khi dám qua lại chỗ đó.

        Qua Hải Vân cũng như qua hang Giơi, thời xưa thật là khó khăn nguy hiểm, cho nên người xưa đã có câu:

"Đi đường thì sợ Hải Vân
Đi ghe thì sợ sóng thần hang Giơi"

        Như vậy, đèo Hải Vân rõ ràng là một vi trí xung yếu.

        Nhà Trịnh, sau khi chiếm được Phú Xuân, đã cho làm tại đỉnh đèo Hải Vân một dãy lũy kiên cố, để chống giữ với những bất trắc ở phía nam. Vì có dãy lũy này nên đèo Hải Vân thời ấy, người ta cũng còn gọi là đỉnh Lũy1.

        Để tiến công một vị trí xung yếu như đèo Hải Vân, Nguyễn Huệ đã bố trí kế hoạch như thế nào? Tất nhiên không dùng thủy binh, vì không có đường từ biển lên đèo, như trên chúng ta đã thấy. Quãng biển hang Giơi lại không phải là nơi thuận lợi cho thủy chiến, nên đánh đèo Hải Vân, phải dùng bộ binh. Tiến đánh vị trí Hải Vân của quân Trịnh, tức là tiến đánh theo một đường độc đạo, mà lại là đường đèo cao, dốc trên đỉnh đèo có chiến lũy kiên cố và quân Trịnh có ưu thế từ trên đánh xuống. Cho nên tiến công đèo Hải Vân có địa thế hiểm trở như vậy thật là một việc khó khăn. Nhưng nghĩa quân Tây Sơn đã vượt qua tất cả những khó khăn ấy. Đèo Hải Vân đã bị nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm rất nhanh. Hải Vân tuy là một vị trí xung yếu, có thành lũy kiên cố, nhưng quân tướng phòng thủ Hai Vân trễ tràng, vì đã hơn 10 năm không có chinh chiến, quân tướng nhà Trịnh ở đây sống nhàn tản thái bình đã quá lâu, không lúc nào nghĩ đến bị đánh, nên bị đánh là bất ngờ, trở tay không kịp. Trong trường hợp ấy vị trí xung yếu, thành lũy kiên cố đều không phát huy tác dụng được. Hải Vân lại là con đường qua lại của nhân dân Thuận, Quảng. Cho nên Hải Vân tuy là một nơi xung yêu có thành lũy kiên cố, nhưng lại là một nơi sơ hở, lúc nào cũng có thể bị tập kích bất ngờ. Một cứ điểm sơ hở, tinh thần quân tướng phòng thủ trễ tràng mà bị đánh bất ngờ, thì dù xung yếu, kiên cố đến đâu, cũng bị hạ dễ dàng. Nếu lực lượng đối phương đông mạnh hơn, thì lại càng bị tiêu diệt nhanh chóng. Đó cũng là những nguyên nhân khiến Hải Vân bị hạ, một khi nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh.

        Trong trận đánh Phú Xuân, nghĩa quân Tây Sơn gồm cả quân thủy và quân bộ thì bộ binh là đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy và Nguyễn Hữu Chỉnh làm phó tướng2. Đạo bộ binh chủ lực này có nhiệm vụ đánh đèo Hải Vân để tiến lên đánh phá thành Phú Xuân.

       
        Khoảng trung tuần tháng Năm năm Bính Ngọ, đạo quân chủ lực Tây Sơn tiến tới đèo Hải Vân. Bị đánh bất ngờ, quân Trịnh ở dây không kịp trở tay và đã tan vỡ nhanh chóng trước sức tiến công mạnh mẽ của quân chủ lực Tây Sơn. Chủ tướng Trịnh là Hoàng Nghĩa Hồ tử trận.

        Lấy xong đào Hải Vân, Nguyễn Huệ lập tức cho quân tiến nhanh đánh phá Phú Xuân.

        Để làm kế ly gián các tướng lĩnh địch ở Phú Xuân, trước khi rời đèo Hải Vân, tiến quân ra phú Xuân, Nguyễn Huệ hạ lệnh cho Nguyễn Hữu Chỉnh lấy tình quen cũ viết thư dụ hàng phó tướng Trịnh ở Phú Xuân là Hoàng Đình Thể3 và cho người phi ngựa đem ra Phú Xuân, nhưng trao thư cho Phạm Ngô Cầu mà không trao cho Hoàng Đình Thể 4, khiến địch hoang mang chia rẽ.

----------------
       1. Cao Xuân Dục, Đại Nam nhất thông chí. q . 5, Quảng Nam tỉnh.

        2. Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, q. 30, tờ 18.

        3. Đại Nam thực 1ục , Bản dịch của Viện Sử học, t. II, tr. 62.

        4. Đại Nam thính biên liệt truyện, sơ tập, q. 30 và Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 95.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:36:33 am »

     
HẠ THÀNH PHÚ XUÂN

        Trong khi quân thủy bộ Tây Sơn đương ào ạt tiến về Phú Xuân thì Phạm Ngô Cầu, chủ tướng thành Phú Xuân vãn mải mê với đàn chay cầu phúc, tổ chức rất lớn, bảy ngày bảy đêm liền tại chùa Thiên Mụ1, ngôi chùa to nhất thành Phú Xuân, do các chúa Nguyễn xây dựng. Hầu hết các tướng lĩnh và quân lính nhà Trịnh ở thành Phú Xuân đều phải tới đàn chay chầu chực, phục dịch suốt ngày đêm, rất vất vả, mệt mỏi2.

        Khi một vài tàn binh Trịnh ở đèo Hải Vân chạy về tới Phú Xuân, báo cho Phạm Ngô Cầu là đèo Hải Vân đã bị chiếm đóng, tướng Hoàng Nghĩa Hồ đã tử trận, quân Trịnh ở Hải Vân đã bị tiêu diệt và quân đội Tây Sơn đương rầm rộ tiến lên, sắp tới Phú Xuân thì Phạm Ngô Cầu vẫn còn ở trong chùa Thiên Mụ để cầu cho tai qua nạn khỏi. Nghe tin quân Tây Sơn sắp tới, Phạm Ngô Cầu hoảng sợ, biết việc làm chay là mắc mưu thám tử Tây Sơn3, vội chạy về thành trù tính mưu kế đối phó. Nhưng quân sĩ mỏi mệt về đàn chay và khiếp sợ trước thanh thế dũng mãnh của quân đội Tây Sơn, nên hết thảy đều không còn tinh thần chiến đấu.

        Trong khi bối rối, Phạm Ngô Cầu lại nhận được thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi cho Hoàng Đình Thể, lòng càng thêm hoang mang. Phạm Ngô Cầu ngờ Hoàng Đình Thể có ý muốn hàng Tây Sơn và lo sợ Hoàng Đình Thể sẽ hại mình để lấy công với Tây Sơn, nên tự bản thân Phạm Ngô Cầu cũng sẵn ý muốn hàng. Cầu dìm bức thư của Chỉnh gửi cho Thể4.

        Giữa lúc ấy, quân thủy bộ Tây Sơn đều đã tới sát Phú Xuân. Đạo thủy quân do Vũ Văn Nhậm chỉ huy5 tới cửa biển6 gần thành Phú Xuân thì gặp một tàu Bồ Đào Nha, đậu tại bến. Tầu này có quan hệ chặt chẽ với Phú Xuân, nên thuyền trưởng và các sĩ quan trên tầu có ý muốn ủng hộ Phạm Ngô Cầu, chống nghĩa quân Tây Sơn. Nghĩa quân Tây Sơn liền bao vây và đốt phá tàu Bồ Đào Nha. Thuyền trưởng và các sĩ quan Bồ Đào Nha đều bị quăng xuống biển. Các thủy thủ tàu Bồ Đào Nha được thu dùng và phân phối vào các đội thủy quân Tây Sơn. Chiếc tàu bị cháy, được phá ra từng mảnh đề làm cầu phao7.


----------------
       1. Thư của giám mục La Bartette gửi về Pháp ngày 23 tháng 6 năm 1786 trong L. Cadière, Documents relatifs à l' époque de Gia Long,  B.E.F.E.O, n07, 1912, p.12, Thư của Le Breton gửi về Pháp ngày 10 tháng 7 năm 1787 cũng trong tài liệu Cadière.

        2. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 95.

        3, 4. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch, tr. 95.

        5. Trong chiến dịch này, dưới quyền tiết chế của Nguyễn Huệ. có 3 đạo quân và 3 đại tướng là Nguyễn Lữ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm. Nguyễn Hữu Chỉnh đi với đạo quân chủ lực, Nguyễn Lữ chỉ huy đạo thủy quân đánh phía sông Gianh - Quang Bình, còn đạo thủy quân đánh Phú Xuân, chúng tôi đoán là do Vũ Văn Nhậm chỉ huy, vì không còn viên đại tướng nào khác nữa.

        6. Có thể là cửa biển Thuận An. Nhưng không tài liệu nào nói rõ tên.

        7. Thư của La Bartette ở Dinh Cát viết về Pháp ngày 10 tháng 7 năm 1786 và thư của Longer ở Dinh Cát viết về Pháp ngày 22 tháng 7 năm 1786 trong L. Cadière, Documents relatifs à 1' époque de Gia Long B.E.F.E.O, 1912. n0 7, pp. 14 - 17.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:39:21 am »

        
        Sau trận đánh tàu Bồ Đào Nha, thủy quân Tây Sơn theo sông Huế tiến vào Phú Xuân thì bộ binh Tây Sơn cũng đã tới nơi, đang bao vây thành. Ở trong thành, các tướng Trịnh hội bàn xem nên hang hay nên đánh. "Quan Đại" Phạm Ngô Cầu và một số tướng lĩnh muốn treo cờ bạc1 (tức cờ trắng) xin hàng và dâng thành cho nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng phó tướng Hoàng Đình Thể và một số tướng lĩnh khác muốn phất cờ điều2 quyết chiến. Phạm Ngô Cầu đành phải để Hoàng Đình Thể chỉ huy cuộc chiến đấu, còn mình ở lại trong thành, mượn tiếng làm nhiệm vụ "giữ thành" đề tùy nghi xử trí có lợi cho số phận của mình.

        Hoàng Đình Thể đem quân lên mặt thành, tập trung pháo bắn xuống rất dữ dội. Bộ binh Tây Sơn giãn vòng vây lùi ra xa chân thành. Bộ binh ở phía trước thành phải lùi xuống thuyền chiến tập trung bên bờ sông Huế3. Thuyền chiến Tây Sơn bắn đại bác lên thành để phá hỏa lực của địch. Nhưng từ mặt thành tới mặt nước, cao hơn hai trượng, đại bác của Tây Sơn bắn không tới. Quân Trịnh trên thành vẫn bắn xuống như mưa, một thuyền chiến Tây Sơn bị bắn chìm. Nguyễn Huệ hạ lệnh tạm ngừng chiến, cho quân nghỉ ngơi, nghiên cứu cách đánh thích hợp, đến đêm sẽ tiếp tục tiến công. Thành Phú Xuân ở gần cửa biển, sông Huế chạy quanh thành chịu ảnh hưởng của thủy triều, mực nước luôn luôn thay đổi, ban ngày thì xuống thấp, đêm tối lại dâng cao. Bấy giờ là tháng 5, đang mùa nước lũ, nước triều thường dâng lên rất cao. Nắm vững quy luật con nước và địa thế thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ quyết định đánh thành về đêm, khi thủy triều dâng cao, khoảng cách giữa mặt thành và mặt nước được rút ngắn, vừa tầm bắn của đại bác trên thuyền chiến Tây Sơn để phá hỏa lực của quân Trịnh trên mặt thành. Quả nhiên, tới đêm nước triều dâng lên và đêm càng khuya, nước dâng càng cao, tràn ngập cả chân thành Phú Xuân4. Giành được lợi thế chắc chắn, Nguyễn Huệ hạ lệnh tiến công. Các thuyền chiến Tây Sơn tiến sát chân thành. Bộ binh Tây Sơn xông lên vây chặt các cửa thành. Thủy binh Tây Sơn từ các thuyền chiến bắn lên mặt thành rất mãnh liệt5. Pháo binh của Hoàng Đình Thể lần này mất tác dụng, không dám lên mặt thành chiến đấu, vì lưới đạn dày đặc của thủy quân Tây Sơn bắn lên. Hoàng Đình Thể đành phải cùng bọn thuộc tướng Vũ Tá Kiên và hai con đem quân mở cửa thành ra ngoài nghênh chiến.

        Hai bên đánh nhau được hơn một trống canh thì quân của Hoàng Đình Thể hết thuốc đạn. Hoàng Đình Thể cho người vào thành lấy thêm thuốc đạn. Nhưng Phạm Ngô Cầu sai đóng cửa thành, không cho. Thấy nguy cơ mất thành, Phạm Ngô Cầu vội kéo cờ trắng xin hàng. Trông lên cờ trắng trên thành, quân Tây Sơn khí thế càng hăng, đánh căng rát. Nhìn về cờ trắng trên thành, Hoàng Đình Thể thấy tình thế không thề cứu vãn được, đành chiến đấu một cách tuyệt vọng, Nghĩa quân Tây Sơn dồn lại, siết chặt vòng vây không cho quân Hoàng Đình Thể trốn thoát. Vũ Tá Kiên và hai con Hoàng Đình Thể bị chết ngay trong vòng vây. Quân Hoàng Đình Thề hoàn toàn tan rã. Hoàng Đình Thể phải tự tử trên mình voi6.

        Tiêu diệt xong quân Hoàng Đình Thể, nghĩa quân Tây Sơn tiến lên phá cổng thành, xông vào. Quân Trịnh ở trong thành Phú Xuân không chống cự nổi, bị chém giết rất nhiều. Đốc thị Vũ Trọng Đang chỉ huy quân Trịnh chiến đấu ở trong thành bị chết tại trận. Phạm Ngô Cầu, chủ tướng thành Phú Xuân, tự trói mình7, xe quan tài8 ra xin hàng.

        Như thế là trong một đêm chiến đấu với quân đội Tây Sơn; hơn hai vạn quân Trịnh ở thành Phú Xuân đã bị hoàn toàn tiêu diệt. Có vài trăm quân Trịnh trốn thoát được ra ngoài thành, nhưng bị nhân dân địa phương, vốn oán hờn nhà Trịnh từ trước, đón bắt giết hết9. Chỉ có một tên lính duy nhất sống sót chạy trốn về báo tin cho quân Trịnh ở đồn Dinh Cát biết10.

        Trận đánh hạ thành Phú Xuân đã diễn ra trong đêm 20 tháng Năm năm Bính Ngọ11, tức ngày 15 tháng 6 năm 1786 và đã hoàn thành tất nhanh chóng.

------------------
       1, 2. Thư của giáo sĩ Doussain viết gửi về Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1787 trong L. Cadière, tài liệu đã dẫn. tr. 18. Mấy tiếng Việt "cờ bạc",  "cờ điều" là do Doussain tự viết trong thư tiếng Pháp.

        3. Đại Nam chính biên 1iệt truyện, sơ tập, q. 30. tờ 18.

        4, 5. Đại Nam chính biên liệt trvyện. sơ tập, q. 30, tờ 18 - 19. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 95 - 96.

        6. Ngô gia văn phái. Tài liệu đã dẫn. tr. 97.

        7. Đại Nam thực lực, Bản dịch của Viện Sử học, t. II, tr. 62. Đại Nam chính hiên liệt truyện.,sơ tập, q. 30, tờ 19.

        8. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học. t XX, tr, 13. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học, tr. 97.

        9. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 97.

        10. Thư của Doussain gửi về Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1787. trong L. Cadière. Tài liệu đã dẫn, tr. 18.

        11. Ngày hạ thành Phú Xuân, Hoàng Lê nhất thống chí nói là 14 tháng Năm âm lịch. Ở đây chúng tôi lấy ngày 20 tháng Năm am lịch theo Bùi Dương Lịch trong Lê quí dật sử, vì thấy những ngày hành quân trong chiến dịch Thăng Long ghi trong Lê quí dật sử ăn khớp với những ngày nói trong thư của các giáo sĩ phương Tây thời ấy (xem Bùi Dương Lịch, Lê quí dật sử, Sách chữ Hán, bản chép tay của Viện Sử học, ký hiệu H.V. 1951). Thư của giáo sĩ Longer, khi ấy ở gần Dinh Cát. cũng nói ngày hạ Phú Xuân là ngày 15 tháng 6 năm 1786, tức ngày 20 tháng Năm Bính Ngọ của Bùi Dương Lịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:44:48 am »


CÁC TRẬN ĐÁNH TỪ SÔNG GIANH TRỞ VÀO

        Trong khi Nguyễn Huệ đánh thành Phú Xuân thì đạo thủy quân của Nguyễn Lữ1 cũng tiến tới cửa sông Gianh.

        Thực hiện kế hoạch của Nguyễn Huệ đã định từ trước, Nguyễn Lữ chia quân làm nhiều toán. Một toán đóng án ngữ trên dải sông Gianh, đề phòng quân Trịnh từ ngoài Bắc vào cứu viện. Một toán từ sông Gianh tiến xuống đánh chiếm đồn Bố Chính, tức Dinh Ngói (thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình ngày nay) và đóng tại đó làm nhiệm vụ đón bắt tàn binh Trịnh từ các đồn phía trong chạy trốn ra Bắc. Một toán tương đối mạnh quay xuống làm nhiệm vụ tiến công lũy Đồng Hới.

        Từ sông Gianh tới Dinh Cát, quân Trịnh có rất nhiều đồn lũy, doanh trại đóng giữ, nhưng quân đội Tây Sơn đã không phải giao tranh một trận nào. Quân đội Tây Sơn, thủy quân cũng như bộ binh, đi tới dâu, quân Trịnh bỏ thành chạy trốn đến đấy.

       
        Toán thủy quân đánh chiếm dinh Bố Chính2 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ đàng. Toán thủy quân tiến xuống đánh lũy Đồng Hới, chưa tới nơi, quân Trịnh ở đồn Leo Heo3, một đồn phía trước lũy Đồng Hới, trông thấy bóng thuyền chiến Tây Sơn, đã vội bỏ đồn mà chạy, định tìm đường trốn về Bắc. Nhưng cả tướng và quân chạy gần tới dinh Bố Chính thì bị nhân dân địa phương bắt gọn đem nộp cho quân Tây Sơn đóng ở dinh Bố Chính4.

        Lũy Đồng Hới, cũng gọi là lũy Thầy, là một hệ thống gồm có nhiều lũy kiên cố, như lũy Sa Phụ, lũy Trấn Ninh, lũy Đồng Hới, lũy Đâu Mâu và quá về phía nam, còn có lũy Trường Dục làm hậu thuẫn. Hệ thống lũy Đồng Hới này trước đây đã giúp cho quân Nguyễn chống nhau được với quân Trịnh, phá tan nhiều cuộc tiến công lớn mạnh của quân Trịnh trong hơn một trăm năm. Nhưng nay trước thanh thế lớn mạnh của quân đội Tây Sơn, tất cả hệ thống đồn lũy kiên cố ấy trở thành vô dụng. Sợ bị quân Tây Sơn tấn công ở hai mặt, thủy quân ở trên đánh xuống, bộ binh ở dưới đánh lên, nên khi thấy bóng chiến thuyền Tây Sơn, tướng giữ lũy Đồng Hới là Vị phái hầu và viên hiệp trấn là Ninh Tốn vội đem quân chạy trốn5. Họ chạy theo đường núi, nên trốn thoát về Bắc6. Ngày 21 tháng 6 năm 1786 tức 26 tháng Năm năm Bính Ngọ, thủy quân Tây Sơn tiến vào chiếm giữ lũy Đồng Hới7.

------------------
        1. Hoa Bằng, Quang Trung anh hùng dân tộc. Nhà Xuất bản Bốn phương, Hà Nội, 1951. tr. 63.

        2, 4. Thư của Doussain viết về Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1787. trong cadière, đã dẫn, tr. 18.

        3. Đồn Leo Heo có thể là đồn Đèo Heo ghi trong Phủ liên tạp lục của Lê Quí Đôn. Năm 1661, chúa Nguyễn Phúc Tần đắp một chiến lũy chạy dài từ Đèo Heo tới cửa An Náu để chống nhau với chúa Trịnh. Cửa An Náu là cửa sông Dinh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đèo Heo là ở phía trên Đồng Hới. Ở đây chúng tôi viết Leo Heo vì tài liệu về Leo Heo này là theo thư của Doussain, mà Doussain là người thạo tiếng Việt và chữ Việt.

        5. Ngô gia văn phái, Hoàn Lê nhất thống chí.,Bản dịch của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội. 1964. tr. 97. Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập q. 30, tờ 19, lại nói Ninh Tốn là thọ tướng và không nói đến Vi phái hầu.

        6. Thư của Doussain viết về Pháp ngày 6 tháng 6 năm l787, trong Cadière, đã dẫn. tr. 18.

        7. Thư của La Bartette viết về Pháp ngày 23 tháng 6 năm 1786, trong Cadière. đã dẫn. tr. 12.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:46:54 am »

      
        Trong khi thủy quân của Nguyễn Lữ hoạt động ở vùng sông Gianh - Đồng Hới như vậy thì một toán bộ binh Tây Sơn đã được lệnh từ Phú Xuân tiến lên đánh chiếm đồn Dinh Cát (cách tỉnh lỵ Quảng Trị ngày nay khoảng hai ba ki-lô-mét về phía bắc). Dinh Cát là một đồn quân tương đối quan trọng, do một viên tướng là con rể chúa Trịnh1 đóng giữ. Ngày 22 tháng 6 năm 17862, bộ binh Tây Sơn tiến tới Dinh Cát thì đồn lũy đã bỏ trống. Vốn là ngay sau khi một tàn binh ở Phú Xuân chạy về báo tin Phú Xuân thất thủ, các tướng sĩ đồn Dinh Cát đã vội vàng bỏ đồn, mạnh ai nấy chạy, tìm đường trốn ra Bắc. Bọn quân tướng đồn Dinh Cát chạy về gần tới Bố Chính thì bị nhân dân địa phương ngăn giữ, nhưng chúng không chịu hàng. Nhân dân chạy báo quân Tây Sơn ở dinh Bố Chính. Quân Tây Sơn ở dinh Bố Chính cho một bộ phận đi vây bắt quân Trịnh, 200 tướng sĩ nhà Trịnh cùng ba voi chiến3 và viên chủ tướng, con rể chúa Trịnh, đều bị bắt4.

        Như thế là chỉ trong thời gian chưa đầy mười ngày5, quân đội Tây Sơn, do Nguyễn Huệ chỉ huy, đã làm chủ tất cả một khu vực rộng lớn, từ đèo Hải Vân ra tới bờ song Gianh. Tất cả những mục tiêu chiến lược, chiến dịch quan trọng của quân Trịnh đều lọt vào tay quân đội Tây Sơn. Hơn ba vạn quân cùng toàn thể tướng lĩnh cao cấp của nhà Trịnh tại đây đều bị tiêu diệt. Cuộc tiến công Thuận Hóa đã kết thúc bằng sự thắng lợi hoàn toàn, mau lẹ và rất rực rỡ của quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của anh hùng Nguyễn Huệ.

*

*       *

        Chín năm sau khi xảy ra đòn tiến công chiến lược đầu tiên vào Gia Định và hơn một năm sau thắng lợi quyết định Rạch Gầm - Xoài Mút, chiến tranh đã bước sang một cục diện mới: nghĩa quân Tây Sơn từ tiến công chiến lược đối với quân Nguyễn ở miền Nam, chuyển sang tiến công chiến lược đối với quân Trịnh trên miền Bắc. Chiến thắng Phú Xuân đánh dấu sự chuyển biến chiến lược căn bản đó.

        Từ phía nam, trung tâm của chiến trường đã di chuyển lên phía bắc. Như diễn biến của các trận đánh đã được trình bày, kể từ trận Rạch Gầm - Xoài Mút cho đến trận đại phá quân Thanh, tất cả những trận tiến công lớn tiêu diệt địch của nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, đều đã mang những yếu tố của một chiến dịch6. Trận tiến công Phú Xuân là một trong những chiến dịch lớn của nghĩa quân Tây Sơn - một chiến dịch được tiến hành trong tình huống chiến lược có lợi cho quân đội Tây Sơn. Song, xét về cục bộ, thì khó khăn cho Nguyễn Huệ không phải là ít và nhỏ. Trước hết, phải tính đến ưu thế về số lượng của đạo quân chủ lực Phạm Ngô Cầu. Căn cứ vào nhiều mặt, chúng ta có thể khẳng định rằng, ít nhất một người lính Tay Sơn phải chiến đấu với từ hai đến ba lính Trịnh.

        Hơn ba vạn quân Trịnh chiếm lĩnh một tuyến địa hình chiến lược rất lợi, kể cả trên ranh giới và trong chiều sâu. Trên địa hình chật hẹp, một bên là núi sát đến gần biển và một bên là biển, quân Trịnh đã lợi dụng tuyến chướng ngại thiên nhiên để bố trí khá kín đáo trên mặt chính và ven biển. Đèo Hải Vân thật sự là một thành lũy kiên cố. Thành Phú Xuân nằm trong một vị trí tương đối kín đáo, tuy ở gần biển, nhưng cửa biển thường cạn, ngăn cản sự ra vào của các thuyền chiến lớn, và hạn chế việc sử dụng thủy quân với số lượng lớn. Bố trí chủ lực ở Phú Xuân, quân Trịnh đã biến Phú Xuân thành một khu phòng ngự mạnh, thuận tiện cho việc đối phó với một cuộc tấn công từ ngoài biển vào và từ Quảng Nam lên. Với địa hình ấy với sự bố trí lực lượng như vậy, quân Trịnh không phải là không gây khó khăn cho kế hoạch tấn công của quân đội Tây Sơn .

--------------------
       1. Thư của Longer viết về Pháp ngày 22 tháng 7 năm 1786. trong L. Cadière. Tài liệu đã dẫn. tr. 16.

        2. Những ngày đánh chiếm Đồng Hới 21 tháng 6 năm 1786 và đánh chiếm Dinh Cát 22 tháng 6 năm 1786 là tính theo thư của La Bartette viết ngày 23 tháng 6 năm 1786. Khi ấy La Bartette ở ngay Dinh Cát. Những tài liệu của ta không nói đến những ngày đánh chiếm hai nơi này.

        3. Thư của Doussain ngày 6 tháng 6 năm 1787, đã dẫn trên.

        4. Thư của Longer viết về Pháp ngày 22 tháng 7 năm 1786. trong L. Cadière, Tài liệu đã dẫn, tr. 16.

        5. La Bartette hai lần (thư ngày 23 tháng 6 năn 1786 và thư ngày 10 tháng 7 năm l786) nhấn mạnh rằng cuộc tiến đánh Thuận Hoá, từ Hải Vân tới sông Gianh, chỉ diễn ra trong vòng 5, 6 ngày. Nếu quả thời gian 5, 6 ngày là đúng, mà theo ngày đánh Dinh Cát 22 tháng 6 năm 1786 của La Bartette thì ngày hạ Phú Xuân và Hải Vân phải lùi lại 4 ngày. Ngày hạ Phú Xuân sẽ là ngày 19 tháng 6 năm 1786 tức 21 tháng Năm âm lịch, Hoàng Lê nhất thống chí nói ngày hạ Phú Xuân là 14 tháng Năm âm lịch. Những ngày trong Hoàng Lê nhất thống chí thường sớm hơn ngày thật 10 ngày. Cho nên ngày hạ thành Phú Xuân cũng có thể là ngày 21 tháng Năm âm lịch. Nhưng chưa rõ tài liệu nào của ta nói cụ thể ngày âm lịch này. Do đấy chúng tôi vẫn tạm lấy ngày của Bùi Dương Lịch và Longer.

        6. Vì vậy cũng từ trận Rạch Gầm - Xoài Mút đến trận đại phá quân Thanh, chúng tôi dùng khái niệm chiến dịch để nghiên cứu những trận đánh lớn của quân dội Tây Sơn có đủ những yếu tố của một chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:50:16 am »


        Cho nên, với binh lực có hạn, Nguyễn Huệ phải hoàn thành những nhiệm vụ rất nặng đề ra cho chiến dịch: vừa phải tiêu diệt đạo quân chủ lực của quân Trịnh, vừa phải nhanh chóng chiếm tuyến sông Gianh, nghĩa là tiêu diệt trên ba vạn quân địch, tiến sâu trên 300 ki-lô-mét vào đất địch. Trong chiến dịch này, nổi bật lên ý nghĩa lớn lao về tranh thủ thời gian: binh lực càng có hạn, lại càng phải làm sao tránh đánh lâu dài. Nói một cách khác, phải làm sao tiêu diệt từng bộ phận địch, chiếm tuyến sông Gianh trong một thời gian ngắn nhất, khiến cho địch không có cách nào vận động và cơ động để thay đổi bố trí, biến yếu thành thạnh, trong khu vực chiến lược Phú Xuân, cũng như tăng viện từ Bắc Hà vào. Khi đặt kế hoạch chiến dịch, có thể Nguyễn Huệ phải suy tính trước một vấn đề là, với binh lực có hạn nhưng có ưu thế về chính tri - tinh thần, phải làm sao, trong những trận quyết định nhất xảy ra khi bắt đầu chiến dịch, sử dụng được nhiều binh lực nhất để bảo đảm tiêu diệt chủ lực địch? Làm sao nhanh chóng chiếm Phú Xuân, nhanh chóng thọc sâu? Dùng những phương châm, phương pháp, thủ đoạn nào, để làm cho khả năng có trong tay phù hợp với mục đích của chiến dịch?

        Để lợi dụng triệt để tình huống chiến lược đang có lợi, Nguyễn Huệ đề ra phương châm tác chiến đánh nhanh, giải quyết nhanh và áp dụng hành động bất ngờ. Trong ý định chiến dịch của Nguyễn Huệ, chúng ta thấy nổi bật lên ý chí làm cho chủ lực địch đóng tại Phú Xuân mất quyền tự do hành động ngay từ những ngày đầu của chiến dịch. Đó là ý chí khống chế trước chủ lực của địch, biến trên hai vạn quân Trịnh ở Phú Xuân trở thành một lực lượng không còn khả năng cơ động nữa, phải bị động đối phó với nghĩa quân Tây Sơn ngay tại căn cứ đóng quân của nó. Cho nên, nếu tranh thủ được thời gian, đánh địch thật bất ngờ vào nơi và lúc mà chúng không hề dự liệu, không hề chuẩn bị, thì sẽ đánh một đòn rất mạnh vào tinh thần chiến đấu của địch, giam chân địch, làm rối loạn hệ thống phòng ngự của chúng, và nhất định đạt tới tiêu diệt sinh lực địch. Do đó, chọc thủng phòng ngự địch phải nhanh, phát triển phải nhanh; tiêu diệt địch cho nhanh, đánh chiếm tuyến địa hình chiến lược cho nhanh. Trong chiến dịch này, yếu tố thời gian và bất ngờ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tranh thủ thời giai, hành động bất ngờ chỉ đạt được hiệu quả cao nhất nếu nó phục vụ cho việc tiêu diệt chủ lực địch, tức trên hai vạn quân địch đóng tại thành Phú Xuân. Như vậy việc tranh thủ thời gian, đánh địch bất ngờ đã liên hệ rất mật thiết với việc chọn mục tiêu đột kích chủ yếu. Nguyễn Huệ tập trung mọi quan tâm vào việc tiêu diệt thật nhanh chóng và bằng hành động bất ngờ tập đoàn chủ lực của địch. ông tìm mọi cách để làm tê liệt cảnh giác của đối phương và do đó, làm tê liệt khả năng phản ứng cửa các tướng lĩnh Trịnh và khả năng chiến đấu của quân đội địch, trước và trong khi diễn ra những hành động quân sự quyết định.

        Để thực hiện tiêu diệt địch, Nguyễn Huệ chủ trương tiến công chủ yếu trên hướng đường bộ, đồng thời dùng một bộ phận thuỷ quân đánh phối hợp trên mặt chính thành Phú Xuân, như thế sẽ tránh được chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tiến công địch trên cả mặt chính, sau lưng và cạnh sườn, thực hiện được tập trung binh lực, buộc địch phải phân tán binh lực đối phó trên nhiều mặt. Đột kích vào chỗ yếu, đánh phối hợp có tính chất kiềm chế chỗ mạnh, nhất định sẽ tiêu diệt địch một cách nhanh chóng, theo ý định chiến dịch của Nguyễn Huệ. Hơn nữa, tiến công chủ yếu trên hướng đường bộ, trước hết Nguyễn Huệ thực hiện được ưu thế cần thiết tại đèo Hải Vân, tiêu diệt nhanh chóng bộ phận lực lượng ở đây, mở đường cho chủ lực tiến đến Phú Xuân. Đánh như vậy, chắc chắn thắng lợi; đồng thời đánh đèo Hải Vân là thực tế chuẩn bị cho bộ đội tiến lên đánh thành lớn. Quyết tâm cửa Nguyễn Huệ tiến công chủ yếu trên hướng Hải Vân - Phú Xuân, bố trí chủ lực đột kích vào cạnh sườn và sau lưng thành Phú Xuân, đồng thời đánh phối hợp mạnh trên mặt chính, là biểu hiện cụ thể nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của ông: tập trung binh lực tạo thành thế mạnh để tiêu diệt địch từng bộ phận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:50:56 am »


        Nhưng, nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của Nguyễn Huệ còn cao hơn nữa. Trong khi tập trung đại bộ phận lực lượng vào cục bộ trọng điểm - tức Phú Xuân - ông không quên một cục bộ tuy không phải là trọng điểm nhưng hết sức quan trọng, là phòng tuyển sông Gianh. ông đã trao cho đội thủy quân của mình nhiệm vụ vu hồi sâu vào chiều sâu của địch, nhanh chóng tiêu diệt địch và đánh chiếm các thành lũy phía Nam sông Gianh. Bằng hoạt động bất ngờ này, diễn ra đồng thời với việc đột kích vào thành Phủ Xuân, Nguyễn Huệ đã thực hiện được bao vây chiến dịch và chia cắt chiến dịch, triệt để cô lập đạo quân chủ lực của địch ở Phú Xuân. Việc đánh chiếm nhanh chóng phòng tuyến sông Gianh vừa có ý nghĩa rất quan trọng đến việc trực tiếp tiêu diệt chủ lực địch, vừa có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển sau này của chiến dịch, khi Nguyễn Huệ tiến lên giải phóng Thăng Long.

        Nguyễn Huệ còn tỏ ra rất tỉ mỉ trong kế hoạch tiến công của mình. Ở thời đại đó mà việc sử dụng các quân, binh chủng với sự hành động ăn khớp giữa các đạo quân, giữa các quân, binh chủng, theo thời gian và địa điểm, như vậy là đã đạt tới trình độ chuẩn xác cao. Kế hoạch đó quy định trước hết dùng lục quân đột phá đèo Hải Vân, sau đó lục quân đánh vào cạnh sườn và sau lưng đạo quân chủ lực địch ở Phú Xuân, hiệp đồng chặt chẽ với thủy quân kiềm chế tích cực trên mặt chính; cùng lúc đó, đội dự bị thuỷ quân vu hồi đánh vào phòng tuyển sông Gianh và Đồng Hới. Trong kế hoạch tiến công này, chúng ta nhận thấy ở Nguyễn Huệ tinh thần mạnh dạn bao giờ cũng đi đôi với sự thận trọng và nghệ thuật sử dụng binh lực một cách tập trung đi đôi với nghệ thuật sử dụng các quân binh chủng một cách có hiệu quả nhất.

        Sau cùng, Nguyễn Huệ đã giải quyết nhiều vấn đề chiến thuật, trong đó có vấn đề chọc thủng các thành lũy kiên cố.

        Ở thời dại đó, các thành lũy kiểu lũy Thầy, lũy Đồng Hới, lũy Hải Vân, thành Phú Xuân... có thể xem là phương tiện phòng ngự kiên cố cao. Quân đội Trịnh đã nhiều lần dung sức mạnh để đột phá các lũy của chúa Nguyễn, nhưng đều thất bại. Một trong những nguyên nhân thất bại, là quân Trịnh không thành thạo sử dụng pháo binh. Trái lại, Nguyễn Huệ vừa có ưu thế tuyệt đối về pháo binh - pháo binh thủy quân và pháo binh dã chiến do voi mang theo - , vừa thông thạo sử dụng nó một cách tập trung, mãnh liệt, phát huy được đầy đủ uy lực lớn lao của binh chủng này. Tại thành Phú Xuân, ông đã tập trung rất nhiều pháo binh: pháo binh thủy quân bắn thẳng vào mặt chính diện, kiềm chế rất đắc lực pháo binh của quân Trịnh tập trung trên hướng này; trong khi đó, pháo binh dã chiến bắn mạnh vào các mặt khác, nơi mà quân Trịnh thiếu hẳn hoặc hầu như không có pháo binh. Giai đoạn đầu trong cuộc chiến đấu này là giai đoạn mà hai bên đấu pháo với nhau. Nguyễn Huệ đã tỏ ra thông thạo khả năng chiến thuật, kỹ thuật của pháo binh đễ sử dụng nó một cách có hiệu quả nhất, khi ông ra lệnh pháo binh tạm ngừng bắn cho đến khi thủy triều lên. Sự xuất hiện bất ngờ của quân đội Nguyễn Huệ trên bốn mặt thành, sự bắn phá mãnh liệt của pháo binh Tây Sơn, đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trịnh, làm rối loạn sự chỉ huy của các tướng lĩnh Trịnh. Chiến dịch Phú Xuân chứng minh rằng, dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân đội Tây Sơn không những giỏi đánh vận động, mà còn giỏi đánh công thành nữa.

        Chiến dịch giải phóng Phú Xuân là một chiến dịch lớn. Nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch và tài vận dụng chiến thuật của Nguyễn Huệ đã biểu hiện một cách đầy đủ ở đây và còn được biểu hiện một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất, trong các chiến dịch tiếp sau, khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, đánh đổ nhà Trịnh, tiêu diệt quân Thanh và kết thúc chế độ thống trị của nhà Lê.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:52:47 am »

        
NGUYỄN HUỆ TIẾN QUÂN RA THĂNG LONG LẬT ĐỔ NHÀ TRỊNH

        Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng khu vực Thuận Hóa rộng lớn, từ đèo Hải Vân tới sông Gianh, Nguyễn Huệ một mặt cho sửa sang lại các đồn lũy ở địa giới La Hà, miền sông Gianh, đề phòng quân Trịnh từ Bắc Hà vào phản công, một mặt họp bàn với các tướng sĩ xem nên tiếp tục tiến công hay nên củng cố địa giới La Hà phân chia Nam Bắc như cũ, hay nên mở rộng chiến quả, tiến đánh Thăng Long.

        Toàn thể tướng sĩ đều muốn nhân đà thắng lợi, tiến tháng ra Bắc Hà, lật đổ nhà Trịnh, vĩnh viễn xóa bỏ ranh giới phân chia Nam Bắc, lập lại nền thống nhất của Tổ quốc. Nguyễn Hữu Chỉnh, vốn có tham vọng trở lại Bắc Hà để xưng hùng xưng bá, nên đã tình nguyện đi tiên phong, mở đường cho nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà.

        Thấy rõ quyết tâm tiến công của toàn quân và nắm vững tình hình suy yếu của Bắc Hà, Nguyễn Huệ cho người về Qui Nhơn báo với Nguyễn Nhạc ý định của mình và hạ lệnh chuẩn bị tiến quân ra Bắc, tuyển thêm quân, sửa chữa gấp cầu đường từ Phú Xuân trở ra. Nhân dân khắp vùng Thuận Hóa nô nức tòng quân. Tất cả thanh niên từ 15 tuổi trở lên đều nhập ngũ1. Phụ lão, phụ nữ các địa phương nhiệt liệt tham gia các công việc sửa sang đường sá, cầu cống, xay thóc, giã gạo2, chuẩn bị lương thực cho cuộc hành quân ra Bắc sắp tới.

        Tiến công Bắc Hà, đối với nghĩa quân Tây Sơn, thật ra có nhiều khó khăn hơn tiến công Thuận Hóa và tiến công Gia Định trước đây. Bắc Hà đất rộng, người đông hơn nhiều so với Thuận Hóa và Gia Định. Tình hình chính trị và quân sự ở Bắc Hà cũng rất khác với tình hình Thuận Hóa và Gia Định. Ở Gia Định, chỉ có một tập đoàn phong kiến là bọn chúa Nguyễn, ngày càng suy yếu và hết sức mất lòng dân, cho nên nghĩa quân Tây Sơn, mỗi lần tiến công Gia Định, chỉ cần đập tan lực lượng vũ trang của chúng là chúng phải chạy dài ra khỏi Gia Định ngay. Trái lại Bắc Hà có hai tập đoàn phong kiến thống trị: vừa vua Lê vừa chúa Trịnh. Bọn vua Lê, tuy chỉ là bù nhìn, nhưng còn được nhân dân ủng hộ, vì được coi là triều đại chính thống. Bọn chúa Trịnh, tuy bị nhân dân oán ghét, nhưng chúng vẫn còn thực lực. Nói rằng chúng suy yếu là so với bản thân chúng ở từng thời kỳ tiến triển của chế độ phong kiến. Nhưng dù suy yếu, chúng vẫn là kẻ cầm quyền thống trị, vẫn có quân đội trong tay, vẫn còn đủ sức dẹp tan mọi cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra lẻ tẻ ở các nơi.

        Trong trường hợp bị tiến công, cả hai tập đoàn vua Lê chúa Trịnh có thể dựa vào nhau, kêu gọi nhân dân Bắc Hà chống lại nghĩa quân Tây Sơn, và như thế chúng sẽ gây nhiều khó khăn cho việc tiến quân ra Bắc Hà của Nguyễn Huệ. Nếu như tiến quân ra Bắc, chỉ tiêu diệt được một tập đoàn vua Lê, mà tập đoàn chúa Trịnh vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục kháng cự thì nhiệm vụ đánh ra Bắc có thể coi như không hoàn thành. Trái lại, nếu chỉ đánh đổ được tập đoàn chúa Trịnh, mà tập đoàn vua Lê vẫn tồn tại, vẫn đối lập với nghĩa quân Tây Sơn, dựa vào tầng lớp sĩ phu kêu gọi nhân dân cần vương cứu giá thì nghĩa quân Tây Sơn cũng chưa dễ đã chiếm đóng được Bắc Hà hoặc ổn định được tình hình Bắc Hà cũng rất khó khăn. Tình hình chính trị Bắc Hà không những không giống Gia Định mà cũng không giống Thuận Hóa. Nghĩa quân Tây Sơn đã chiến thắng và ổn định tình hình Thuận Hóa một cách nhanh chóng, một phần cũng vì Thuận Hóa chỉ mới đặt lại dưới quyền thống trị của họ Trịnh khoảng mươi năm và nhân Dân Thuận Hóa đang rất căm ghét bọn quan lại tham nhũng của nhà Trịnh. Trái lại, nhân dân Bắc Hà đã là thần dân của vua Lê chúa Trịnh từ mấy trăm năm, nghĩa quân Tây Sơn từ miền trong xa xôi tiến ra mà làm lay chuyển được lòng "phò vua, luyến chúa" của người Bắc Hà, không phải là một việc dễ dàng lắm. Về quân sự, quân Nguyễn ở Gia Định ít hơn quân Trịnh ở Thuận Hóa, thường chỉ có một vài vạn người, nhiều nhất là ba vạn người. Khi đánh ra Phú Xuân, hơn ba vạn quân Trịnh ở thuận Hóa đã là một lực lượng địch rất đáng kể đối với nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng quân đội Trịnh ở sắc Hà còn đông hơn nhiều so với Thuận Hóa, và Bắc Hà là nơi tập trung đại bộ phận lực lượng vũ trang của các tập đoàn phong kiến Lê Trịnh.

-----------------
       1, 2. Thư của giáo sĩ Longer viết ngày 22 tháng 7 năm 1786, trong L. Cedière, Tài liệu đã dẫn, tr. 17.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 01:54:24 am »


        Tiêu diệt một lực lượng vũ trang quan trọng như thế, tại ngay căn cứ của họ, nếu không có chiến lược chiến thuật thật đúng đắn sắc bén thì không thể thành công. Hình thế chiến trường Bắc Hà cũng khác với Thuận Hóa và Gia Định. Bắc Hà đất rộng, nhiều cứ điểm quân Trịnh ở sâu trong nội địa, quân đội Tây Sơn không thể vận động nhanh chóng tới được. Trước đây một lần tiến công Gia Định quân đội Tây Sơn có thể theo đường biển, tiến thẳng ngay vào trước thành Gia Định, vì thành này ở gần bờ biển. Thành Gia Định mất, là lực lượng quân Nguyễn bị tan rã ngay. Khác với thành Gia Định, Thăng Long ở vào trung tâm Bắc Hà, sâu trong nội địa, quân đội Tây Sơn không thể mở trận tiến công đầu tiên vào ngay Thăng Long. Với hình thế chiến trường Bắc Hà như vậy, không thể tiến công cùng một lúc nhiều cứ điểm như khi đánh Thuận Hóa, cũng không thể với trận đầu tiên đánh thẳng ngay vào Thăng Long, trung tâm chính trị, quân sự của Bắc Hà như những khi tiến công Gia Định.

        Nếu nghĩa quân Tây  Sơn tiến công Bắc Hà theo lối tiến dần từng bước, từ sông Gianh lần lượt đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam, v.v. thì cuộc tiến công không thể tiến hành nhanh chóng. Mà cuộc tiến công không tiến hành được nhanh chóng thì mục đích của nó chưa chắc đã đạt được.

        Muốn tiến công Bắc Hà trong những điều kiện chính trị, quân sự cụ thể của nó lúc bấy giờ, không thể áp dụng những chiến lược, chiến thuật đánh Thuận Hóa và Gia Định trước đây, mà phải có những chiến lược, chiến thuật thích hợp với hoàn cảnh Bắc Hà và cũng nhằm đạt tới mục đích đánh nhanh, thắng nhanh như những khi tiến công Gia Định, Thuận Hóa. Tiến ra Bắc Hà lúc này, đánh chậm thì không phải là chỉ có thắng chậm, mà có thể là không thắng.

        Căn cứ vào tình hình cụ thể của Bắc Hà như vậy, Nguyễn Huệ đã định ra chủ trương và phương hướng tiến công Bắc Hà như sau:

        1. Về chính trị. Căn cứ vào tình hình chính trị của Bắc Hà lúc ấy, cần phải phân hóa kẻ thù, xác định kẻ thù chính trị trước mắt là tập đoàn thống trị họ Trịnh. Cần nêu khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh" để tranh thủ sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân Bắc Hà và triệt để cô lập bọn chúa Trịnh. Đồng thời, tập hợp mọi lực lượng chống đối nhà Trịnh ở Bắc Hà, để tăng cường sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn, một khi đại quân của Nguyễn Huệ tiến ra thực hành quyết chiến với nhà Trịnh. Trong tình hình bị cô lập như vậy, nhà Trịnh không thể đương đầu được với sức tiến công của nghĩa quân Tây Sơn. Diệt được nhà Trịnh, tức là giải phóng nông dân Bắc Hà khỏi một ách phong kiến thống trị nặng nề nhất, tàn bạo nhất ở Bắc Hà, xoá bỏ được sự phân chia Nam Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà. Như thế, nhiệm vụ tiến công Bắc Hà sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

        2. Về quân sự. Muốn thực hiện khẩu hiệu "phù Lê diệt Trinh", giải phóng nhân dân trong tình hình chính trị Bác Hà phức tạp như vậy, thì về quân sự phải thực hiện chiến lược: đánh nhanh thắng nhanh. Trong điều kiện lúc ấy quân đội Tây Sơn không thể đánh thẳng vào Thăng Long, không thể cùng một lúc đánh nhiều cứ điểm quan trọng, cũng không thể đánh dần từng bước, từ Nghệ An đánh ra, mà muốn đánh nhanh thắng nhanh thì phải tiến công bất ngờ đánh chiếm lấy một vị trí xung yếu ở gần Thăng Long, làm bàn đạp đánh ra Thăng Long và cũng làm nơi thu hút đại bộ phận lực lượng địch để tiêu diệt.

        Bấy giờ là mùa hè, muốn đánh bất ngờ và muốn hành quân nhanh chóng trong điều kiện gió nồm đang thuận lợi thì phải dùng thủy quân và vị trí tiến công đầu tiên phải vừa ở gần biển, vừa tiện đường tiến lên Thăng Long. Vị Hoàng, thủ phủ trấn Sơn Nam, đã được Nguyễn Huệ chọn làm mục tiêu tiến công đầu tiên. Vị Hoàng là một vị trí chiến lược quan trọng trên đường từ Bắc vào Nam, đồng thời là một kho dự trữ lương thực rất lớn, đủ bảo đảm lương thực cho mọi cuộc hành quân của chúa Trịnh, hoặc đánh vào Nam Hà, hoặc đánh phá các cuộc khởi nghĩa ở miền Nam và đông nam Bắc Hà. Vị Hoàng ở gần biển khiến thuỷ quân Tây Sơn có thể tiến ra đánh tập kích dễ dàng. Vị Hoàng lại tiện đường thuỷ bộ để nghĩa quân Tây Sơn có thể từ đấy tiến nhanh lên đánh chiếm Thăng Long.

        Trong khi một bộ phận quân đội Tây Sơn tiến đánh Vị Hoàng, thì một bộ phận khác sẽ lần lượt chiếm đóng Nghệ An, Thanh Hóa. Khi nghĩa quân Tây Sơn từ Vị Hoàng tiến đánh Thăng long, thì từ Vị Hoàng trở vào sông Gianh đã trở thành hậu phương an toàn của nghĩa quân, nối tiếp từ Vị Hoàng vào tới Phú Xuân, Qui Nhơn, Gia Định.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM