Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:11:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ  (Đọc 43777 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:12:53 am »


        Những giáo sĩ phương Tây có mặt ở Việt Nam lúc ấy đã nói nhiều về những hành động "cướp của nhà giàu, giúp người nghèo" của nghĩa quân Tây Sơn.

        Giáo sĩ Tây Ban Nha Ê-ma-nu-en Ca-xtu-ơ-ra (Emmanuel Castuera) ghi lại:

        "Họ tuần hành trong các làng, tuyên bố với dân chúng rằng họ không phải là giặc cướp mà là những người làm theo ý trời, rằng họ muốn thực hiện công lý và giải phóng nhân dân khỏi ách chuyên chế của bọn vua quan. Họ tuyên truyền sự bình đẳng về mọi mặt. Trung thành với chủ nghĩa của họ, những bậc tiền khu của chủ nghĩa xã hội cận đại ấy đã lấy của cải của bọn quan lại và bọn nhà giàu phân phát cho dân nghèo. Những làng mạc bị thuế má hà khắc đè nặng đã nhiệt liệt tuyên thệ hưởng ứng khởi nghĩa.."1

        Một giáo sĩ Tây Ban Nha khác là Đi-ê-gô đơ Giu-mi-la (Diégo de Jumilla) cũng viết:

        "Năm ngoái, 1773, khoảng đầu tháng 4, quân đội Đàng trong bắt đầu tuần hành các nơi... Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo guơm, người mang cung tên, lại có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi ngưòi Đàng trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quí đem chia cho người nghèo, họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi ... Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ..."2.

        Những đường lối vận động cách mạng và những khẩu hiệu đấu tranh nói trên đã đoàn kết và tập hợp được mọi lực lượng để đánh địch. Ngay từ những ngày đầu cuộc khởi nghĩa, trong hàng ngũ nghĩa quân, người ta đã thấy có mặt hầu khắp các tầng lớp nhân dân và thành phần dân tộc của vùng Qui Nhơn, Quảng Nam. Bên cạnh quảng đại quần chúng nông dân là lực lượng cơ bản của phong trào, người ta thấy có những thổ hào như Nguyễn Thung, những đại phú như Huyền Khê. Bên cạnh người Việt, có người

        Thượng, người Chàm và các thương nhân Hoa kiều hoặc dân tộc Hán như các đạo quân Hòa nghĩa và Trung nghĩa của Lý Tài và Tập Đình. Một phong trào nông dân trong thời phong kiến mà có được nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần dân tộc tham gia như thế cũng là hiếm có. Với sự nhiệt liệt hưởng ứng của quảng đại quần chúng nhân dân, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, lực lượng vũ trang của phong trào Tây Sơn đã có tới 3.000 người3. Căn cứ địa Qui Nhơn lại có nhiều voi lớn, ngựa tốt. Đồng bào miền núi Qui Nhơn có truyền thống đua ngựa, quản tượng giỏi.

        Đồng bào cả miền Qui Nhơn, Kinh cũng như Thượng, đều có truyền thống thượng võ, giỏi roi, giỏi quyền, giỏi quân sự. Cho nên những đội quân dầu tiên của phong trào Tây Sơn đã là những đội quân thiện chiến và dũng cảm.

        Tới đầu năm 1773, lực lượng vũ trang của nghĩa quân đã có tới hàng vạn người, căn cứ địa của nghĩa quân đã bao gồm một khu vực rộng lớn của phủ Qui Nhơn: vùng núi An Khê và ba huyện Phù Ly, Bồng Sơn, Tuy Viễn.

        Trong thời kỳ đầu Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chưa xuất hiện như những lãnh tụ của phong trào. Phần vì họ còn trẻ tuổi phần vì muốn thực hiện chính sách đoàn hết các lực lượng, nghĩa quân Tây Sơn đã cử ba người có tính chất tiêu biểu nhất lúc bấy giờ đứng ra lãnh đạo phong trào: Nguyễn Nhạc, đại diện cho những người đề xướng phong trào, Huyền Khê, một người giàu có lớn và Nguyễn Thung, một thổ hào có thế lực ở phủ Qui Nhơn. Nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu xây dựng chính quyền của nông dân trong căn cứ địa, theo hình thức tổ chức riêng của mình. Nguyễn Nhạc làm chủ trại nhất, cầm chính quyền hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn. Nguyễn Thung làm chủ trại nhì, cầm chính quyền huyện Tuy Viễn. Huyền Khê làm chủ trại ba, chuyên trách việc quân lương.

        Bên cạnh những người lãnh đạo, có mấy người tướng giúp việc là Lý Tài và Tập Định, trực tiếp chỉ huy hai toán quân người Hoa kiều và người dân tộc Hán do họ chiêu mộ.

        Tới đây công tác chuẩn bị khởi nghĩa coi như hoàn thành. Nghĩa quân có khả năng kỉểm soát hoàn toàn vùng Qui Nhơn. Giờ khởi nghĩa đã tới. Nghĩa quân có thể mở những đợt tiến công đầu tiên vào quân địch và nắm chắc phần thắng lợi.

----------------------
        1. Lời văn trên đây là do Lorenzo Pérez tóm tắt theo tài liệu của E. Castuera viết tháng 11 năm 1785. Lorenzo Pérez: Les Espagnols dans l'Empire d' An nam. Bulletin de la Société des études indochinoises, nouoelle série, tome XV, n0 3, 4-1940, pp. 67, 68.

        2. Thư của giáo sĩ Tây Ban Nha Diéno de Jumilla viết ngày l5 tháng 2 năm 177l - B.S.E.I. nouvelle série, t. XV, n0 3, 4. p. 74.

        3. Al. Faure. Les Français en Cochinchine au XVIII  siècle... Chaliamel, Paris, 1891.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:14:49 am »

         

NGUYỄN HUỆ CHIẾN THẮNG PHÚ YÊN MỞ ĐẦU THỜI KỲ PHÁT TRIỂN LỚN MẠNH CỦA PHONG TRÀO TÂY SƠN

        Giữa năm 1773, căn cứ địa đã được xây dựng vững chắc, những điều kiện vật chất và tính thần để vũ trang tác chiến với địch đã có đầy đủ, nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu tiến công địch. Trong một đêm1, nghĩa quân hạ thành Qui Nhơn. Tuần phủ Qui Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên bỏ cả vợ con, vứt cả ấn tín2, chạy trốn. Nghĩa quân Tây Sơn tiến công liên tiếp vào các phủ Quảng Ngãi, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận và đã thu được thắng lợi to lớn trong buổi đầu. Trong vòng mấy tháng cuối năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ cả một dải đất đai chạy dài từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận. Lần đầu tiên, ngọn cờ đỏ3 chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn phấp phới bay trên các thành lũy, dinh thự của bọn vua quan phong kiến, gạt bỏ uy thế chính trị từ hàng bao đời của chúng tại những nơi đây.

-------------------
       1. Theo thư của Diégo de Jumilla viết ngày 15 tháng 2 năm 1774. B.S E.I. nouvelle série, t.XV, n0S 3-4. 3è et 4d trimestre 1940, p 74, thì nghĩa quân Tây Sơn đánh thành Qui Nhơn vào một buổi sáng, khoảng giữa tháng 9 năm 1773.

        2. Thư của Diégo de Jumilla ngày 15 tháng 2 năm 1774, tài liệu đã dẫn, tr.74.

        3. Các tài líệu cũ của ta đều nói cờ Tây Sơn màu đỏ Al. Faure trong Les Francaí en Cochinchine au XVIIIè siècle, Challamel, Paris, 1891, tr. 31 cũng nói cờ Tây Sơn màu đỏ. Diéngo de Jumilla trong thư viết ngày 15 tháng 2 năm 1774, nói rõ cờ Tây Sơn bằng lụa đỏ.

« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2016, 03:27:59 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:30:18 am »


        Tuy vậy, lực lượng nghĩa quân còn yếu, quân chưa nhiều (mặc dầu đã có được 26.000 người1 nhưng so với địch thì vẫn còn ít), vũ khí còn thiếu2, kinh nghiệm xây dựng chính quyền chưa có, nên việc làm chủ và giữ gìn một vùng đất đai rộng lớn như vậy không phải không có khó khăn.

        Đầu năm 1774, chúa Nguyễn cho quân tiến xuống Quảng Nam để tiến công nghĩa quân. Chủ tướng quân Nguyễn là Tôn Thất Thăng, sợ thanh thế nghĩa quân, không dám đánh và bỏ trốn. Mùa hè năm 1774, chúa Nguyễn cử Tống Phúc Hiệp đem đại quân từ Gia Định theo hai đường thủy bộ tiến đánh nghĩa quân. Nghĩa quân Tây Sơn phải rút khỏi Bình Thuận, Diên Khánh, Bình khang, để giữ vững từ Phú Yên trở ra Quảng Ngãi.

        Trong phạm vi đất đai như vậy, nghĩa quân Tây Sơn có thể củng cố căn cứ, phát triển lực lượng, chuẩn bị cho những đợt tấn công mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng trong lúc này, lợi dụng cơ hội chúa Nguyễn đang phải tập trung lực lượng để đối phó với nghĩa quân Tây Sơn, chúa Trịnh cử Hoàng Ngũ Phúc đem đại quân từ Bắc Hà tiến vào đánh chúa Nguyễn.

        Mùa đông năm 1774, quân Trịnh vượt sông Gianh, lần lượt đánh chiếm Bố Chính, Đồng Hới, tiến nhanh vào Thuận Hóa. Ngày 30 tháng 1 năm 1775, quân Trịnh hạ thành Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ kinh thành chạy vào Quảng Nam. Không để cho bọn chúa Nguyễn kịp nghỉ ngơi, nghĩa quân Tây Sơn theo hai đường thủy bộ tiến ra đánh Quảng Nam. Nguyễn Phúc Thuần vội chạy vào Gia Định, để cháu là Nguyễn Phúc Dương và một số tướng lĩnh ở lại hoạt động ở vùng Cu Đê thuộc Quảng Nam.

        Tháng hai năm ất Mùi (1775), quân Trịnh tiến xuống Quảng Nam. Nghĩa quân Tây Sơn cũng tiến lên lùng bắt được bọn Nguyễn Phúc Dương. Tháng Tư âm lịch, quân Trịnh vượt qua đèo Hải Vân, tiến đánh nghĩa quân Tây Sơn. Lần đầu tiên, nghĩa quân Tây Sơn tiếp xúc với quân Trịnh đang đà thắng lợi. Nguyễn Nhạc cử Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, tiến đánh quân Trịnh ở Cẩm Sa thuộc Quảng Nam. Nhưng Tập Đình bị đại bại; bỏ trốn khỏi hàng ngũ nghĩa quân, tìm đường chạy về Trung Quốc. Nguyễn Nhạc và Lý Tài phải rút quân về Bản Tân (giáp giới Quảng Nam - Quảng Ngãi). Quân Trịnh vẫn tiến. Nguyễn Nhạc phải rút về Qui Nhơn.

        Thấy nghĩa quân Tây Sơn đang bị thất bại nặng nề trước sức tiến công của quân Trịnh, tháng Năm năm Ât Mùi (1775), tướng Nguyễn ở Bình Khang, Diên Khánh là Tống Phúc Hiệp đem toàn quân đánh chiếm Phú Yên.

        Nghĩa quân Tây Sơn phải rời bỏ Phú Yên rút về Qui Nhơn.

        Như vậy là căn cứ địa của nghĩa quân bị thu hẹp lại trong phạm vi Qui Nhơn, Quảng Ngãi và lâm vào cái thế bị kẹp giữa hai gọng kìm. Quân Trịnh uy hiếp ở sườn phía bắc Qui Nhơn. Sườn phía nam Qui Nhơn bị quân Nguyễn của Tống Phúc Hiệp uy hiếp. Quân địch ở hai mặt tổng số có tới 5, 6 vạn quân. Không gỡ khỏi cái thế bị bao vây này, nghĩa quân Tây Sơn có nguy cơ bị tiêu diệt nhanh chóng. Căn cứ địa Qui Nhơn chỉ thuận lợi cho nghĩa quân Tây Sơn trong trường hợp đối phó với một kẻ thù, chia cắt lực lượng của một kẻ thù ra làm nhiều bộ phận để tiến đánh dễ dàng. Nhưng trong trường hợp phải đối phó với cả hai kẻ thù. Quân Trịnh từ phía Bắc kéo xuống, quân Nguyễn từ phía Nam tiến lên cùng tập trung lực lượng tiến vào căn cứ địa thì nghĩa quân Tây Sơn ở vào cái thế thật nguy hiểm, không thể đương đầu nổi với cả hai kẻ thù một lúc.

        Để đối phó với tình hình đó, nghĩa quân Tây sơn đã có một chiến lược mầu nhiệm: dùng biện pháp ngoại giao để chặn tay một kẻ thù và chuẩn bị tiến công một kẻ thù.

        Trong hai kẻ thù lúc ấy, quân Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc vẫn là đối thủ nguy hiểm nhất. Cần phải hòa hoãn được với quân Trịnh, để tập trung lực lượng tiến công quân Nguyễn. Nguyễn Nhạc cho người tới thương thuyết với tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc xin nhận làm đội quân tiền phong của Trịnh để đánh Nguyễn. Quân Trịnh, sau một thời gian hành quân xa , từ Bắc vào và phải liên tục chiến đấu trong gần một năm trời, cũng có ý muốn nghỉ ngơi đôi chút rồi sẽ quyết định sau, nên Hoàng Ngũ Phúc đã nhận lời hòa hoãn với nghĩa quân Tây Sơn và nhân danh chúa Trịnh, phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân. Nhưng tướng Trịnh vẫn không lui quân, vẫn đóng nguyên ở vị trí cũ, sát với căn cứ địa của nghĩa quân với ý đồ: nếu nghĩa quân Tây Sơn đánh thắng quân Nguyễn, tiến sâu được vào Nam, thì quân Trịnh sẽ tiến theo sau, chiếm lấy thành quả chiến thắng của nghĩa quân, thu phục đất đai mới mà không phải khó nhọc. Trái lại, nếu nghĩa quân Tây Sơn không thắng được quân Nguyễn, hoặc bị quân Nguyễn đánh bại thì khi ấy quân Trịnh sẽ tiến vào căn cứ địa Quảng Ngãi, Qui Nhơn, tiêu diệt nghĩa quân, trực tiếp đối phó với quân Nguyễn. Nghĩa quân Tây Sơn cũng thấy rõ những ý đồ ấy của quân Trịnh.

-----------------------
        1. Thư của Diégo de Jumilla viết ngày 9 tháng 8 năm 1774 tài liệu đã dẫn. tr. 78.

        2. Legrand de la Liraye trong Notes historiques sur la nation annamite. tr. 89, nói rằng: trong trận đánh Qui Nhơn năm 1773, vũ khí chủ yếu của nghĩa quân là giáo tre và đuốc. Đuốc làm vũ khí nói đây chính là hỏa khí, một thứ vũ khí rất lợi hại mà, qua tài liệu này, ta thấy nghĩa quân Tây Sơn đã tự chế tạo và sử dụng ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:32:18 am »


        Nghĩa quân quyết định phải đánh chiếm được Phú Yên, đẩy lùi quân Nguyễn về phía nam, đồng thời lấy chiến thắng đó làm áp lực buộc quân Trịnh phải từ bỏ ý đồ xâm phạm vào căn cứ địa của nghĩa quân.

        Nhưng đánh được quân Nguyễn của Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên không phải là dễ dàng. Tại đây Tống Phúc Hiệp có hai vạn quân1. Tống Fhúc Hiệp đóng bản doanh ở Phú Yên và lập hai cứ điểm phòng vệ cho Phú Yên, một ở Xuân Đài do bộ binh đóng giữ, một ở Vũng Lấm do thủy binh đồn trú2. Đối với một lực lượng địch mạnh như vậy, nghĩa quân sẽ đánh như thế nào để thắng và ai sẽ đảm nhiệm sứ mạng quyết chiến với địch, bảo đảm thắng lợi cho nghĩa quân. Các tướng của nghĩa quân như Tập Đình thì đã bỏ trốn, Lý Tài thì bại trận liên tiếp, không còn tinh thần chiến đấu và cũng không có khả năng thực hiện thành công một trận quyết chiến như vậy. Bản thân Nguyễn Nhạc cũng không phải là một tướng tài có thể đảm đương cái nhiệm vụ quân sự nặng nề ấy.

        Chính trong tình hình khó khăn này, Nguyễn Huệ đã xuất hiện như một vị cứu tính, đứng ra gánh vác trọng trách quyết định vận mệnh sống còn của phong trào.

        Nguyễn Huệ tức này mới 23 tuổi. Không ai ghi lại được những hoạt động của ông từ khi phong trào Tây Sơn mới bùng nổ và chỉ từ trận Phú Yên này, tên tuổi ông mới ghi trong sử sách của nhà Nguyễn. Nhưng chắc chắn rằng từ 1771 tới 1775 Nguyễn Huệ đã kinh qua chiến đấu nhiều, có nhiều kinh nghiệm và tỏ ra là một tướng lĩnh xuất sắc. Cho nên khi ông lĩnh trách nhiệm chỉ huy trận đánh Phú Yên, thì nghĩa quân đều tin tưởng và những tướng lĩnh cũ như Lý Tài, cũng phải chịu làm phó tướng giúp việc ông.

        Để phát huy yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện đánh thắng dễ dàng cho nghĩa quân, các lãnh tụ Tây Sơn cho người tới Phú Yên thương lượng với Tống Phúc Hiệp về việc lập hoàng tôn Dương làm chúa và nghĩa quân Tây Sơn hợp tác với quân Tống Phúc Hiệp cùng tiến đánh quân Trịnh.

        Cuộc thương lượng chưa đi tới kết quả thì Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân tập kích Phú Yên. Cho đến nay những tài liệu đã sưu tầm được chưa cho biết rõ Nguyễn Huệ đã đánh Phú Yên như thế nào, phương châm, hình thức tác chiến ra sao để đạt được thắng lợi nhanh chóng. Nhưng cũng biết đại khái được rằng Nguyễn Huệ đã hạ thành Phú Yên rất mau lẹ. Quân Nguyễn trong thành Phú Yên ra ứng chiến bị tan rã trong chớp nhoáng. Tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền tử trận. Một tướng Nguyễn khác là cai cơ Nguyễn Khoa Kiên bị Nguyễn Huệ bắt sống. Chủ tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp phải bỏ thành Phú Yên rút quân chạy. Được tin Phú Yên thất thủ, tướng Nguyễn trấn thủ ở Bình Khang là Bùi Công Kế đem quân theo đường núi tiến ra cứu viện cho Phú Yên. Nguyễn Huệ cho quân đón đánh và bắt sống Bùi Công Kế3. Một tướng Nguyễn khác là Tống Văn Khôi đem quân từ Khánh Hòa tiến ra, cũng bị quân đội của Nguyễn Huệ đánh cho đại bại ở Tam Độc, Tống Văn Khôi chết tại trận4.

        Như thế là hai vạn quân của Tống Phúc Hiệp bị tan rã, Phú Yên lại thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Quân Nguyễn bị đẩy lui xuống phía nam và từ đây mất hẳn khả năng tiến công nghĩa quân Tây Sơn.

        Trong khi Nguyễn Huệ đánh Phú Yên thì tướng Trịnh, Hoàng Ngũ Phúc cũng thừa cơ tiến sâu thêm một bước vào gần căn cứ địa của nghĩa quân và đóng quân tại Chu Ổ. Nhưng chiến thắng vang đội của Nguyễn Huệ đã khiến quân Trịnh phải chùn bước. Theo yêu cầu của Nguyễn Nhạc, Hoàng Ngũ Phúc phải chịu nhân danh chúa Trịnh phong chức Tây Sơn hiệu tiền phong tướng quân cho Nguyễn Huệ. Sau đó tự thấy không thể đàn áp được phong trào Tây Sơn và cũng không thể tiến sâu thêm vào Nam, Hoàng Ngũ Phúc bỏ đất Quảng Nam, lui về Phú Xuân, rồi không bao lâu, để một ít quân tướng ở lại giữ Phú Xuân, còn mình thì rút hẳn đại quân về Bắc Hà. Nghĩa quân Tây Sơn từ đây hoàn toàn rảnh tay không phải lo đối phó với một kẻ địch mạnh hơn hẳn mình lúc ấy là quân đội Trịnh.

        Sau khi quân Trịnh rút khỏi Quảng Nam, dư đảng của nhà Nguyễn ở đây, do Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân tập hợp lại, đã nổi đậy chiếm giữ Quảng Nam. Nguyễn Huệ lại từ Phú Yên trở về Qui Nhơn, điều quân lên đánh Quảng Nam. Cuộc nổi dậy của dư đảng nhà Nguyễn bị dẹp tan nhanh chóng. Quảng Nam lại thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn.

        Như vậy là chiến thắng Phú Yên của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ đã có một tác dụng vô cùng quan trọng, làm thay đổi hẳn cục diện, hoàn toàn có lợi cho nghĩa quân Tây Sơn. Chiến thắng Phú Yên đã gỡ cho nghĩa quân Tây Sơn ra khỏi cái thế bị kẹp trong hai gọng kìm của cả hai thế lực phản động Trịnh - Nguyễn, vĩnh viễn ngăn chặn bước tiến vào Nam của quân Trịnh, làm suy yếu hẳn lực lượng của nhà Nguyễn và mở đường cho sự phát triển rộng lớn ra toàn quốc của phong trào nông dân Tây Sơn. Từ đây cho tới khi ông chết, trải gần hai mươi năm ròng rã, Nguyễn Huệ đi tới đâu lá cờ đỏ chiến thắng của ông đều giương cao đến đó. Cũng từ đây, Nguyễn Huệ trở thành linh hồn của phong trào Tây Sơn, người tổ chức nên mọi thắng lợi của phong trào Tây Sơn sau này.

------------------
        1. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí. Sách chữ Hán, bản chép tay của Viện Sử học, q. 3, tờ 67.

        2. Xuân Đài cách Vũng Lấm 4 ki-lô-mét, Vũng Lấm cách Phú Yên khoảng 10 ki-lô-mét.

        3, 4. Đại Nam 1iệl truyện tiền biên, Sách chữ Hán, q. 4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:34:08 am »


NGHĨA QUÂN TÂY SƠN TẬP KÍCH QUÂN NGUYỄN Ở GIA ĐỊNH

        Sau chiến thắng Phú Yên của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, cả hai kẻ địch, quân Nguyễn và quân Trịnh đều bị đẩy lùi xa căn cứ Qui Nhơn của nghĩa quân Tây Sơn. Được rảnh tay đối phó với nhà Trịnh ở phía bắc, các lãnh tụ Tây Sơn quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt thế lực nhà Nguyễn ở miền Nam.

        Từ khi bọn chúa Nguyễn phải bỏ kinh thành Phú Xuân cho quân Trịnh chiếm đóng, đem tàn quân chạy vào Gia  Định và tướng Nguyễn, Tống Phúc Hiệp bị Nguyễn Huệ đánh bật khỏi Phú Yên, lực lượng quân sự của nhà Nguyễn đã suy yếu nhiều so với trước, nhưng chúng vẫn âm mưu phản công chiếm lại vị trí đã mất. Vào tới Gia Định, Nguyễn Phúc Thuần ra sức tăng cường lực lượng, tích cực tuyển mộ binh lính, tích trữ binh lương. Trong vài tháng, quân số của Nguyễn Phúc Thuần ở Gia Định có tới 25.000 người, Nguyễn Phúc Thuần lại được một người Hoa kiều làm tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ nhận đem quân phù trợ. Gia Định trở thành căn cứ cửa bọn chúa Nguyễn để chuẩn bị phản công mạnh vào nghĩa quân Tây Sơn.

        Biết rõ Lý Tài, tướng Tây Sơn giữ thành Phú Yên, đương bất mãn với các lãnh tụ Tây Sơn, vì chức đại tướng của hắn trước kia, nay thuộc về người anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ, Tống Phúc Hiệp liền cho người chiêu dụ Lý Tài. Quả nhiên Lý Tài đã đem thành Phú Yên và quân bản bộ của y đầu hàng Tống Phúc Hiệp, theo về với Nguyễn. Tống Phúc Hiệp lại tìm cách thu phục được Chu Văn Tiếp, một tướng lục tâm, phản động, chống Tây Sơn, từ miền núi Phú Yên, đem hơn một nghìn quân theo về với Tống Phúc Hiệp. Do đấy, quân thế của nhà Nguyễn ở miền Bình Thuận, Phú Yên lại mạnh dần lên.

        Trước tình bình đó, các lãnh tụ nghĩa quân Tây Sơn thầy cần phát hành động kịp thời, đập tan kế hoạch chuẩn bị phản công của bọn chúa Nguyễn tại Gia Định, kéo bớt lực lượng quân Nguyễn ở Phú Yên, Bình Thuận về Gia Định làm cho chúng mất khả năng phản công cũng như khả năng uy hiếp trực tiếp vào cạnh sườn căn cứ địa của nghĩa quân.

        Các lãnh tụ Tây Sơn chủ trương đánh bất ngờ vào căn cứ Gia Định của địch, với mục đích tiêu diệt một phần sinh lực địch và thu hết quân lương của địch ở Gia Định.

        Trận tập kích đầu tiên này chưa có mục đích giải phóng đất đai và tiêu diệt toàn bộ quân Nguyễn, vì nghĩa quân lúc ấy chưa có khả năng thực tế để làm công việc đó.

        Đầu năm 1776, các lãnh tụ Tây Sơn mộ thêm quân và Nguyễn Lữ được trao nhiệm vụ chỉ huy trận tập kích này.

        Ngày 27 tháng 3 năm 1776, tức ngày 8 tháng Hai năm Bính Thân, Nguyễn Lữ đem thuỷ quân tiến vào Gia Định. Bị đánh bất ngờ, quân Nguyễn không kịp trở tay. Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ thành Gia Định, đem quân chạy ra Trấn Biên (vùng Biên Hòa ngày nay). Nguyễn Lữ vào thành Gia Định, kiểm điểm kho tàng, thu thập quân lương, chuẩn bị phương tiện vận tải để đưa về Qui Nhơn. Đồng thời, Nguyên Lữ cho một bộ phận nghĩa quân tiến xuống phía nam tập kích dinh Long Hồ. Quân Nguyễn ở Long Hồ bị tiêu diệt. Tướng Nguyễn ở Long Hồ là Bùi Hữu Lễ bị nghĩa quân bắt sống tại trận.

        Trước sức tiến công mạnh mẽ của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Thuần phải chạy về Bà Rịa. Tại đây, có lần bị nghĩa quân truy tìm ráo riết. Nguyễn Phúc Thuần phải chạy trốn vào nhà một giáo sĩ Tây Ban Nha là Diégo de Jumilla, nằm ẩn dưới gầm giường mới thoát nạn1, vì nghĩa quân không xâm phạm tới nhà ở của những người làm nghề tôn giáo.

        Trước tình hình nguy khốn đó, Nguyễn Phúc Thuần vội phái Đỗ Thanh Nhân đi Mỹ Tho mộ quân cần vương, cho người đi cầu viện Mạc Thiên Tứ ở Cần Thơ đem quân lên giúp và triệu Tống Phúc Hiệp ở Phú Yêu đem quân về cứu chúa.

        Tới tháng Năm âm lịch, Đỗ Thanh Nhân chiêu mộ được hơn 3.000 quân, gọi là quân Đông Sơn, tự xưng là Đồng Sơn thượng tướng quân, từ Tam Phụ (thuộc Mỹ Tho) tiến quân về Gia Định. Trong khi ấy, Mạc Thiên Tứ đem quân từ Cần Thơ tiến lên, Tống Phúc Hiệp và Lý Tài cũng đang trên đường hành quân từ Phú Yên vào Nam và đã tới Trấn Biên, gần Gia Định.

        Thấy quân cứu viện của địch ở các ngả đã kéo tới, Nguyễn Lữ hạ lệnh rút quân, đem theo hơn 200 thuyền lương lấy được ở Gia Định, đưa về Qui Nhơn. Tới đây, nhiệm vụ tiến đánh Gia Định của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyên Lữ chỉ huy đã hoàn thành trọn vẹn. Quân đội Tây Sơn bảo toàn lực lượng trở về căn cứ.

-----------------
        1. Lorenzo Pérez. Les Espagnols dans 1'Empire d'Annam, Archives Ibéro-americano. 1932, n0 107
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:38:25 am »


NGUYỄN HUỆ TIẾN QUÂN GIẢI PHÓNG GIA ĐỊNH LẦN THỨ NHẤT (1777)

        Sau khi nghĩa quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn, Nguyễn Phúc Thuần cùng bọn Đỗ Thanh Nhân đem quân trở về thành Gia Định. Tống Phúc Hiệp và Lý Tài cũng từ Trấn Biên về tới nơi. Bấy giờ là tháng Năm năm Bính Thân (1776).

        Sang tháng sáu Tống Phúc Hiệp chết. Lý Tài và Đỗ Thanh Nhân đều muốn, giành quyền thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Nguyễn về mình. Hai kẻ đầy tham vọng gặp nhau, không thể cùng chung sống. Lý Tài đem quân bản bộ giữ núi Chiêu Thái, chống lại Đỗ Thanh Nhân. Hai bên đánh nhau. Đỗ Thanh Nhân yếu thế phải đắp lũy ở Bến Nghé và sông Thị Nghè tại Sài Gòn (tức thành Gia Định) để cố thủ.

        Tháng Mườí năm Bính Thân (1776), Nguyễn Phúc Dương từ Qui Nhơn trốn được về Gia Định. Phúc Dương vội vàng gọi Lý Tài về làm vây cánh cho mình. Lý Tài tiến quân về Gia Định, Đỗ Thanh Nhân phải bỏ Gia Định, chạy về căn cứ cũ Ba Giòng (tức Tam Phụ) Lý Tài ép Phúc Thuần nhường ngôi chúa cho Phúc Dương. Phúc Dương xưng là Tân chính vương và tôn Phúc Thuần làm Thái thượng vương. Lý Tài được phong làm bảo giá đại tướng quân.

        Phúc Thuần và bọn cháu là anh em Nguyễn Ánh (tức Gia Long sau này) bỏ Gia Định trốn về Ba Giòng với Đỗ Thanh Nhân. Lý Tài đón bắt Phúc Thuần đưa về Gia Định Chỉ có anh em Nguyễn Ánh trốn thoát về với quân Đông Sơn.

        Như vậy là bọn chúa Nguyễn đã chia làm hai phe: phe Nguyễn Phúc Thuần và phe Nguyễn Phúc Dương. Lực lượng quân sự của nhà Nguyễn ở Gia Định cũng chia làm hai phe, đánh lẫn nhau. Lý Tài và quân Hòa Nghĩa ủng hộ Nguyễn Phúc Dương. Đỗ Thanh Nhân và quân Đông Sơn ủng hộ Nguyễn Phúc Thuần.

        Tình hình đó chính là thời cơ thuận lợi để nghĩa quân Tây Sơn tiến vào đại phá Gia Định. Và nghĩa quân Tây Sơn đã không bỏ lỡ thời cơ. Vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ được cử làm tướng, đem quân đi đánh Gia Định.

        Lần này, để tiến công quân Nguyễn, các lãnh tụ Tây Sơn tập trung một lực lượng tương đối quan trọng, có thủy binh và bộ binh cùng phối hợp tác chiến.

        Kế hoạch tác chiến quy định:

        1. Dùng thuỷ quân làm lực lượng tiến công chủ yếu, đánh chiếm Gia Định tiêu diệt quân chủ lực của nhà Nguyễn, sau đó mở rộng đánh chiếm các địa điểm quan trọng ở phía nam Gia Định như Long Hồ, Phiên Trấn.

        2. Dùng bộ binh đánh thành Bình Thuận, tiêu diệt quân Nguyễn phòng ngự ở đây , sau đó giải phóng vùng Bình Thuận, Trấn Biên ở phía bắc Gia Định.

        Cả hai đạo quân đều đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ.

        Tháng Ba năm Đinh Dậu (1777), quân đội Tây Sơn bắt dầu tiến công.

        Cánh quân đường thủy do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, tiến thẳng vào cửa biển Cần Giờ, đánh lên Gia Định.

        Cánh quân đường bộ tiến theo đường núi đánh phá khắp một dải từ Phú Yên, Bình Thuận vào đến Trấn Biên, cắt đứt sự liên hệ giữa những cánh quân Nguyễn ở đây với những cánh quân Nguyễn ở Gia Định.

        Được tin Nguyễn Huệ đem quân theo hai đường thủy bộ tiến vào, Nguyễn Phúc Dương để Lý Tài ở lại giữ thành Gia Định, tự mình đem một đạo quân lên đóng ở Trấn Biên, với ý định tránh đòn đánh mãnh liệt của Nguyễn Huệ, giữ vững lực lượng, chờ thời cơ phản công. Ý định ấy bị phá tan: bộ binh Tây Sơn đã vào tới Trấn Biên và bắt đầu tác chiến với quân Nguyễn. Hai bên giáp chiến. Quân Nguyễn bị thiệt hại nặng nề, phó tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn, chưởng trường đà Nguyễn Đại Lữ đều chết trận.

        Trong lúc đó, tại Gia Định, Nguyễn Huệ tiến công liên tiếp vào thành. Lý Tài đưa chủ lực ra cự chiến. Trước sức mạnh của quân Tây Sơn, đạo quân Lý Tài bị thất bại dồn dập và tan rã dần.

        Thấy nguy cơ mất thành Gia Định, Nguyễn Phúc Dương quyết định để lại một bộ phận lực lượng úng phó với nghĩa quân tại Trấn Biên, còn đem hết quân về tăng viện cho Lý Tài, với ý định cùng Lý Tài cố thủ Gia Định. Nhưng Nguyễn Phúc Dương về tới Gia Định thì cũng là lúc thành Gia Định thất thủ. Nguyễn Huệ đem đại quân tiến công mãnh liệt vào thành Gia Định.

        Lý Tài phải bỏ thành đem quân tháo chạy. Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần chạy theo Lý Tài ra Hóc Môn 1.

-----------------------
        1. Đại nam chính biên liệt truyện. sơ tập. q. 27, tờ 23 nói rằng Nguyễn Huệ đánh thành Gia Định, Lý Tài thua phải lui về Hóc Môn.

        Đại nam thực lục tiền biên q. 12, lại nói rằng khi Nguyễn Huệ đánh Gia Định, Nguyễn Phúc Dương sai Lý Tài đem quân ra Hóc Môn để cự chiến.

        Ở đây chúng tôi theo tài liệu của liệt truyện mà không theo thực lục. Bởi vì thủy quân của Nguyễn Huệ từ phía cửa biển Cần Giờ, tức là từ phía đông nam Sài Gòn tiến đánh Sài Gòn, mà Lý Tài lại đem quân ra Hóc môn, ở phía tây bắc cách Sài Gòn 20 ki-iô-mét để nghênh chiến thì không hợp lý. Trịnh Hoài Đức trong  Gia Định thành thông chí nói rằng thủy quân của Nguyễn Huệ đã đóng ở Bến Nghé, đương tiến công thành Gia Định, mà Lý Tài lại đem quân chủ lực ra Hóc Môn để đón đánh bộ binh Tây Sơn ở phía Trần Biên tiếp xuống. Điều đó cũng không hợp lý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:39:24 am »


        Nguyễn Huệ vào thành Gia Định và cho một đạo quân tiến về phía Hóc Môn truy kích bọn Lý Tài, Nguyễn Phúc Dương. Tại đây, trong khi Lý Tài đang tác chiến tuyệt vọng với quân Tây Sơn thì ở phía sau lưng, một đạo quân khác lao mình tiến tới. Lý Tài hoảng sợ, cho là Đỗ Thanh Nhân đem quân Đông Sơn đến đánh úp mình, vội vàng đem quân bản bộ chạy khỏi Hóc Môn, bỏ mặc Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Thuần ở lại đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng đạo quân mới tới lại chính là quân Nguyễn. Tướng Nguyễn Trương Phúc Thận đem quân từ Cần Vọt (Kampot) đi gấp về Gia Định để cứu viện cho bọn chúa Nguyễn và Lý Tài. Được quân Trương Phúc Thận tới cứu, Nguyễn Phúc Dương và Nguyên Phúc Thuần cùng Trương Phúc Thận chạy về Tranh Giang (thuộc Định Tường).

        Đạo quân Lý Tài sau khi rời khỏi trận địa Hóc Môn, không còn con đường nào khác ngoài con đường chạy về phía Ba Giòng, vì các ngả đường đều bị quân Tây Sơn chặn giữ. Mà chạy về Ba Giòng thì nguy hiểm cho Lý Tài, vì Ba Giòng là căn cứ của quân Đông Sơn. Nhưng cùng đường, Lý Tài đánh liều đem quân chạy về phía Ba Giòng, và quả nhiên, chạy gần tới Ba Giòng, quân Lý Tài bị quân Đông Sơn đón đánh và tiêu diệt gọn. Lý Tài cũng bị giết chết. Sau khi tiêu diệt quân Lý Tài, Đỗ Thanh Nhân cùng Nguyễn Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn đi tìm bọn chúa Nguyễn. Gặp quân Đông Sơn, Nguyễn Phúc Thuần liền tách khỏi bọn Nguyễn phúc Dương, đi theo quân Đông Sơn về Tài Phụ (thuộc Định Tường) và trao quyền tướng súy cho Đỗ Thanh Nhân.

        Lý Tài đã chết, mối xung đột trong nội bộ chúa và tướng nhà Nguyễn tạm hòa hoãn. Đỗ Thanh Nhân và Nguyễn Phúc Thuần chủ trương phối hợp tác chiến với Trương Phúc Thận và Nguyễn Phúc Dương. Kế hoạch dự định là: hai cánh quân lấy sông Tranh Giang làm ranh giới dựa lưng vào nhau để cùng chống đỡ cuộc tiến công của quân tây Sơn.

        Trương Phúc Thận và Nguyễn Phúc Dương chỉ huy hướng Tranh Giang. Nguyễn Phúc Thuần chỉ huy hướng Tài Phụ, Đỗ Thanh Nhân đóng quân tại Giá Khê.

        Tháng Tư âm lịch, Nguyễn Huệ cho quân tiến đánh cả hai hướng: Tài Phụ và Tranh Giang. Tại mặt trận Tài Phụ, quân Đông Sơn đại bại. Nguyễn Phúc Thuần chạy bạt sang Long Hưng (thuộc Định Tường). Từ Giá Khê, Đỗ Thanh Nhân cũng đem quân chạy theo sang Long Hưng.

        Trước sức truy kích mạnh mẽ của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Thuần và Đỗ Thanh Nhân phải chạy sang Cần Thơ mong dựa vào quân đội của Mạc Thiên Tứ để đối phó với quân Tây Sơn.

        Tại mặt trận Tranh Giang, Nguyễn Phúc Dương và Trường Phúc Thận cũng không đương nổi sức tiến công mãnh liệt của nghĩa quân Tây Sơn và phải rút chạy xuống Trà Tân (thuộc Định Tường) rồi cùng thủy quân do chưởng cơ Thiêm Lộc chỉ huy rút về Ba Việt (tức Ba Vát, ở phía bắc cù lao Mỏ Cày, trên sông Cái Mơng, thuộc địa phận tỉnh Bến Tre ngày nay). Tại đây, Nguyễn Phúc Dương cử Tống Phước Hựu đem quân giữ Mỹ Lung, Thiêm Lộc giữ Hương Đôi, còn Nguyễn Phúc Dương và Tống Phước Hòa đóng quân tại Ba Việt.

        Ở phía Cần Thơ, sau khi Nguyễn Phúc Thuần chạy tới, Mạc Thiên Tứ cho con là Mạc Tử Duyên đem quân tiến ra đạo Đông Khẩu nhằm chặn đứng cuộc tiến công vũ bão của quân Tây Sơn. Nhưng Mạc Tử Duyên đã thất bại nặng nề, phải chạy về Cần Thơ, cùng Mạc Thiên Tứ lo kế phòng thủ1. Quân của Mạc Thiên Tứ cũng như quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhân và toàn thể quân Nguyễn ở Gia Định, đều khiếp sợ tinh thần và sức mạnh chiến đấu của quân đội Nguyễn Huệ và sợ cả một thứ vũ khí riêng của quân đội Nguyễn Huệ là hỏa hổ. Giữa lúc chiến tranh đương diễn ra ác liệt như thế, một giáo sĩ ở Gia Định đã viết thư truyền tin cho giáo hội của họ biết về thứ vũ khí lợi hại đó. Theo miêu tả của giáo sĩ này thì hỏa hổ giống như một cái lao2, gồm hai bộ phận. Một bộ phận tựa như một cái gậy ngắn làm bằng loại gỗ cây có nhiều gai dài, những gai đó được uốn cong như những lưỡi câu. Gậy gai lưỡi câu ấy buộc nối vào một bộ phận thứ hai, dài như cái sào.


-------------------
        1. Đại Nam liệt truyện tiền biên q. 6, tờ 9.

        2. Lao, chữ Hán viết là phiêu, là một thứ vũ khí cổ, nhiều nước phương Đông xưa có dùng. Lao hoặc phiêu là một cái sào dài bằng tre hay gỗ, đầu sào có buộc một cái vòng, khi đánh địch thì khua sào, lao mạnh cái vòng vào đầu địch để giật cho địch ngã chết. Cái lao Việt Nam xưa có khác và đánh địch nguy hiểm hơn. Lao Việt Nam là một thứ sào dài, trên đầu sào buộc một cái gậy ngắn. Cả sào và gậy đều làm bằng gỗ rắn. Dây buộc là một bó dây thật chắc hoặc là dây xích sắt. Dùng lao để đánh địch ở xa hoặc cao hơn tầm gươm giáo. Khi đánh thì múa sào, lao mạnh đầu gậy vào địch. Đầu gậy có thể đập chết ngay địch hoặc đánh gãy vũ khí gươm giáo của địch. ở thế kỷ XV, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh chết Liễu Thăng,chủ tướng quân Minh cũng bằng phóng lao. Tới thế kỷ XVIII, những người Châu Âu sang Việt Nam cũng phải nhận định lao là một thứ vũ khí đáng sợ nhất của người Việt Nam "Khi múa lao mà đánh, thì gươm giáo của địch cũng bị đập gãy tan, đường đạn của địch bắn ra cũng bị chặn lại" (De la Bissachère: état actuel du Tonkin, de la Cochinchinc et des royaumes de Cambodge, Laos et Lạc Thổ, Paris, Galignani, 1812, tome I, p. 319).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:41:28 am »


        Hỏa hồ vừa là lao, vừa là đuốc tung nhựa cháy nên càng lợi hại hơn. Sử cũ còn nói đến "Hỏa phún đồng" tức ống phun lửa của Tây Sơn. Chúng tôi chưa rõ các tác giả sách sử cũ hiểu và gọi hỏa hổ của nghĩa quân với tên như thế hay đó là một thứ vũ khí nữa của nghĩa quân.

        Phía trên đầu sào trát dày một thứ nhựa đốt, bên ngoài quấn lá, làm thành một thứ đuốc đặc biệt, vừa là đuốc vừa là lao. Khi ra trận, nghĩa quân đốt đầu đuốc nhựa và khua sào ra phía trước, nhựa đuốc đốt cháy, vung bắn vào  địch, bắt cháy, địch sẽ bị chết cháy, nếu không thì cũng bị cháy bỏng nghiêm trọng. Khi tới gần địch, nghĩa quân khua sào, lao đầu gậy gai lưỡi câu vào người địch, gai lưỡi câu móc vào quần áo địch. Địch lúng túng không gỡ ra được, đành chịu chết cháy vì nhựa đuốc hoặc đành để nghĩa quân bắt sống tại trận1. Thấy Mạc Thiên Tứ không thể đương đầu nổi với nghĩa quân Tây Sơn. Nguyễn Phúc Thuần sai Đỗ Thanh Nhân và thuộc tướng Nguyễn Quân tìm đường lẻn ra Bình Thuận, Phú Yên, gọi bọn Chu Văn Tiếp, Trần Văn Thức vào cứu. Tháng Bảy âm lịch, Đỗ Thanh Nhân tới Bình Thuận, Trần Văn Thức đem quân tiến vào cứu bọn chúa Nguyễn. Chu Văn Tiếp ở lại Bình Thuận đối phó với bộ binh Tây Sơn đang đánh phá suốt miền Phú Yên, Bình Thuận, Biên Hòa... Nhưng quân cứu viện của Trần Văn Thức chưa ra khỏi địa phận Bình Thuận thì bộ binh Tây Sơn ở phía Biên Hòa đã tiến lên chặn đánh và tiêu diệt toàn bộ đạo quân cứu viện này.

        Trần Văn Thức chết trận. Chu Văn Tiếp bỏ chạy. Nghĩa quân Tây Sơn chiếm đóng Bình Thuận.

        Trong khi bộ binh Tây Sơn đánh phá quân cứu viện Bình Thuận, thủy binh Tây Sơn cũng tiến công vào quân đội của Nguyễn Phúc Dương ở Ba Việt. Nhiều tướng lĩnh thân cận của Nguyễn Phúc Dương như Tôn Thất Chí,  Nguyễn Mẫn, Tống Phước Hữu đều chết tại đây. Chỉ còn lại Tống Phước Hòa một mình cầm quân cố gắng chống đỡ.

        Tháng Tám âm lịch, Nguyễn Huệ cho thêm một cánh quân đi đánh Hương Đôi. Tướng Nguyễn đóng giữ ở đây là Thiêm Lộc phải bỏ chạy về Ba Việt. Bị quân Tây Sơn bao vây chặt chẽ, Nguyễn Phúc Dương thấy đến thế cùng, quân tan lương hết, muốn tìm đường chạy trốn theo Chu Văn Tiếp. Nhưng Nguyễn Phúc Dương đã không thể thoát khỏi vòng vây của quân Tây Sơn, và vòng vây ấy ngày càng thắt chặt lại. Quân Nguyễn Phúc Dương đã bị bắt gọn, không trốn thoát một người nào. Nguyễn Phúc Dương và 18 tướng lĩnh tùy tùng bị đưa về Gia Định chịu tội tử hình2 ngày tân hợi tháng Tám năm Đinh Dậu3 tức 18 tháng 9 năm 1777.

        Nguyễn Phúc Thuần ở Cần Thơ nghe tin Nguyễn Phúc Dương bị vây ở Ba Việt, cũng rất lo sợ cho số phận mình. Thấy Cần Thơ không phải là nơi thủ hiểm, không đủ sức đương đầu với những cuộc tiến công của quân Tây Sơn. Mạc Thiên Tứ quyết định cùng Nguyễn Phúc Thuần rời khỏi Cần Thơ, đi theo sông Thiển Giang, lánh ra đất Kiên Giang (Rạch Giá) với ý định nếu quân Tây Sơn đuổi tới Kiên Giang thì lẩn trốn ra các hải đảo. Mạc Thiên Tứ lại cho con là Mạc Tử Duyên cùng một số quân sĩ ở lại sau, chặt cây, lấp dòng sông Hiệp Giang để ngăn chặn quân Tây Sơn truy kích4.

        Nhưng Nguyễn Phúc Thuần, Mạc Thiên Tứ chưa kịp đến Kiên Giang, đã được tin Nguyễn Phúc Dương bị bắt. Nguyễn Phúc Thuần vô cùng hoảng sợ, không yên tâm chạy ra Kiên Giang. Cùng đường, Mạc Thiên Tứ bàn với Nguyễn Phúc Thuần cùng đem vợ con chạy sang Quảng Đông, nương nhờ nhà Thanh và yêu cầu vua Thanh cho quân sang đánh Tây Sơn. Mạc Thiên Tứ cho người đưa Nguyễn Phúc Thuần tạm lánh sang Long Xuyên để chờ tàu5, còn mình thì đi ra cửa biển Rạch Giá, tìm chiếc tàu biển của một người quen là Quách Ân để nhờ đưa giúp thầy trò nhà Nguyễn sang Quảng Đông6.

        Nguyễn Phúc Thuần và một số tướng lĩnh tới Long Xuyên tháng Tám năm Đinh Dậu (1777).

---------------------
        1. Thư của gíao sĩ Jean de Jésus, viết tại Gia Định tháng 5 năm 1777, trong Archives Ibéro-américano 1932- n0 107.

        2. Theo Gia Định thành thông chí. Bản chép tay của Viện Sử học, q. 2, tờ 42 và Nouoelles lettres édifiantes et curieuses tome VI, introduction, p. LVII.

        3. Đại Nam thực lực. Bản dịch của Viện Sử học, t. I, tr. 263.

        4, 6. Đại Nam liệt truyện tiền biên, q. 6. tờ 10.

        5. Theo thư của Jean de Jésus viết ngày 21 tháng 6 năm 1777, thì Nguyễn Phúc Thuần muốn chờ đón một tàu của người Bồ Đào Nha ở Ma Cao, nhưng tàu này đã đi mất rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:45:35 am »


        Tháng Chín âm lịch, quân Tây Sơn do Chưởng Cơ Thành chỉ huy, truy kích tới Long Xuyên. Nguyễn Phúc Thuần và toàn bộ tướng lĩnh nhà Nguyễn ở dây đều bị quân Tây Sơn bắt sống, chỉ có Nguyễn Ánh lúc ấy mới 15 tuổi, cùng mẹ và một số anh chị em trốn thoát. Quân Tây Sơn tiếp tục tiến xuống Rạch Giá, tìm bắt Mạc Thiên Tứ. Nhưng Mạc Thiên Tứ đã kịp thời chạy trốn ra đảo Phú Quốc1.

        Nguyễn Phúc Thuần và các tướng lĩnh như cha con Trương Phúc Thận, Nguyễn Danh Khoáng, Nguyễn Phúc Đồng (anh ruột Nguyễn Ánh), v.v.  đều chịu tội chết ở Gia Định ngày canh thìn tháng Chín năm Đinh Dậu2 tức ngày 19  tháng 10  năm 1777.

        Như thế là cả bọn chúa Nguyễn đương thời, Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân chính vương Nguyễn Phúc Dương cùng đại bộ phận tướng lĩnh và quân đội nhà Nguyễn đều bị tiêu diệt. Toàn bộ đất đai miền Gia Định, từ Phú Yên đến Hà Tiên, thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Nhiệm vụ của Nguyễn Huệ trong cuộc tiến quân này tới đây hoàn thành. Cho nên cũng trong tháng Chín âm lịch, sau khi cuộc tiến công kết thúc, Nguyễn Huệ đem quân chủ lực về Qui Nhơn, chỉ để một vài viên tướng và một đội quân nhỏ ở lại chiếm đóng Gia Định.

        Đây là lần đầu tiên Nguyễn Huệ chỉ huy một cuộc tiến quân lớn. Năm ấy ông mới 25 tuổi. Cuộc tiến quân đã diễn ra trong vòng sáu tháng và đã thành công rực rỡ. Với cuộc tiến quân này, Nguyễn Huệ đánh tan quân đội nhà Nguyễn, lật đổ ngôi chúa mấy trăm năm của dòng họ Nguyễn và cùng một lúc giết chết cả hai chúa Nguyễn: Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương, đem lại toàn bộ đất đai miền Gia Định cho nghĩa quân Tây Sơn.

        Thắng lợi của cuộc tiến quân này thật là lớn lao. Chiến công của vị tướng trẻ tuổi chỉ huy cuộc tiến quân này thật là đáng kính. Và bản thân chiến công ấy cũng là một bài học quí báu cho chúng ta.

        Khác với cuộc đánh úp năm 1776, cuộc tiến quân này có mục đích rất kiên quyết, có hai nhiệm vụ chủ yếu rất nặng nề: tiêu diệt lực lượng quân sự chủ yếu của chúa Nguyễn và giải phóng toàn bộ đất đai miền Gia Định. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, cần có một quyết tâm chính xác và một thế trận thật thích hợp. Lúc đó, tổng binh lực của chúa Nguyễn còn đông, chia thành nhiều đạo quân đóng rải từ Bình Thuận qua Gia Định đến Cần Thơ.

        Ở Bình Thuận có đạo quân Chu Văn Tiếp, tại thành Gia Định, có đạo quân Lý Tài, ở Ba Giòng có căn cứ quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhân, phía Cần Thơ, có đạo quân của Mạc Thiên Tứ, xa hơn nữa, về phía tây, còn có một bộ phận lực lượng do Trương Phúc Thận chỉ huy đóng gần Cần Vọt.

        Nguyễn Huệ hạ quyết tâm tiến công quân địch trên hai hướng, đường bộ và đường thủy, lấy hướng đường thủy làm hướng tiến công chủ yếu, nhằm vào mục tiêu trước mắt là đạo quân Lý Tài ở thành Gia Định. Hướng tiến công thứ yếu đo bộ binh đảm nhiệm, đánh phá Phú Yên, Bình Thuận, chặn giữ không cho đạo quân Chu Văn Tiếp tiến vào tiếp viện cho các đạo quân Nguyễn ở Gia Định.

        Xung đột với đạo quân Đỗ Thanh Nhân và không liên lạc được với đạo quân Chu Văn Tiếp, đạo quân Nguyễn Phúc Dương - Lý Tài ở Gia Định tuy khá mạnh nhưng trở thành cô lập. Tiến công thành Gia Định trong điều kiện kẻ địch ở đây bị cô lập như vậy, Nguyễn Huệ nhất định nắm chắc phần thắng lợi. Qua sự chỉ huy cuộc tiến quân này của Nguyễn Huệ, người ta thấy ông đã phân tích toàn diện tình hình địch, phán đoán chính xác những chỗ yếu của địch, chọn đúng hướng tiến công và mục tiêu tiến công, bố trí lực lượng một cách thích đáng để giành toàn thắng về phía nghĩa quân.

        Trong quá trình diễn biến của cuộc tiến quân, một vấn đề nổi bật lên là sự giành quyền chủ động của cả hai bên.

        Đương nhiên, với lực lượng ưu thế tiến công trên mục tiêu chủ yếu, quân đội Tây Sơn đã giữ quyền chủ động ngay từ lúc đầu. Nhưng quân đội Nguyễn không bị đánh bất ngờ và đã chuẩn bị đối phó. Khi chạy sang đầu hàng chúa Nguyễn, Lý Tài đem theo quân bản bộ Hòa nghĩa gồm trên 8.000 người. Sau đó, lực lượng này còn có thể tăng lên, và trở thành đạo quân chủ lực của phe chúa Nguyễn Phúc Đương. Với lực lượng khá lớn, có thành lũy, công sự che chở, đạo quân Lý Tài ở lại Gia Định có khả năng ngăn chặn được cuộc tiến công của quân đội Tây Sơn, kéo dài thời gian chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc phản công sau này. Còn Nguyễn Phúc Dương tự đem một lực lượng vũ trang chuyển về Trấn Biên với ý định dựa vào địa thế phức tạp ở đây để bảo toàn lực lượng, chờ đợi thời cơ. Đồng thời Nguyễn Phúc Dương điều động đạo quân Trương Phúc Thận từ Cần Vọt về Gia Định nhằm đánh vào sau lưng đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ. Mục đích của Nguyễn Phúc Dương là muốn dùng quân Lý Tài kéo dài cuộc phòng ngự, nhằm tranh thủ thời gian, để đưa lực lượng từ nhiều hướng đến. Khi cuộc tiến công của quân Tây Sơn đã bị ngăn chặn lại, và lực trong từ các hướng đã tới nơi, Nguyễn Phức Dương sẽ từ bị động giành lại chủ động, tạo nên ưu thế cục bộ và hình thái có lợi rồi chuyển sang phản công, nhằm đánh tan cuộc tiến công của Nguyễn Huệ. Thế là ngay từ những ngày đầu của cuộc tiến quân đã thể hiện rõ rệt sự đấu tranh giành quyền chủ động của cả hai bên.

-----------------
        1. Đại Nam liệt truyện tiền biên q. 6, tờ 10.

        2. Đại Nam thực lục, Bản dịch, t. I, tr. 263.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 03:49:07 am »


        Vị tướng trẻ Tây Sơn đã phá tan âm mưu của quân Nguyễn. Ông đã tập trung binh lực, ưu thế, kiên quyết nhằm vào mục tiêu trọng yếu mà đánh mãnh liệt, liên tục và nhanh chóng. Trận tiến công của Nguyễn Huệ vào Gia Định đã được sự hiệp đồng tích cực và mật thiết của cánh quân tiến công trên hướng thứ yếu của chiến dịch. Từ muốn thoát khỏi thế bị động, Nguyễn Phúc Dương và Lý Tài càng đi sâu vào bị động. Nguyễn Phúc Dương bị bắt buộc phải tăng cường lực lượng cho Lý Tài. Nhưng việc tăng cường đã không có tác dụng. Quân Nguyễn muốn kéo dài thời gian phòng ngự để thành chủ động, nhưng thắng lợi nhanh chóng của Nguyễn Huệ đã đẩy quân Nguyễn đi sâu vào bị động.

        Tập trung binh lực để tiến công, giữ vững quyết tâm tiến đánh mục tiêu chủ yếu, không để cho tình huống biến hóa phức tạp, Nguyễn Huệ đã giữ hoàn toàn quyền chủ động, đạt được tiêu diệt sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của đợt đầu là tiêu diệt đạo quân Lý Tài và giải phóng thành Gia Định. Thời kỳ quyết liệt nhất, cũng là thời kỳ quyết định, mang lại toàn thắng cho quân đội Tây Sơn.

        Trong thời kỳ hai của cuộc tiến quân, sự chỉ huy của Nguyễn Huệ càng linh hoạt. Tiêu diệt xong đạo quân Lý Tài, ông đã thực hiện sự chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho nghĩa quân Tây Sơn. Quân đội Nguyễn ở Gia Định đã mất một đạo quân lớn. Lý Tài chết và đạo quân Hòa nghĩa bị tiêu diệt tuy có làm cho cuộc xung đột giữa hai phe chúa Nguyễn bớt căng, nhưng chúng vẫn không thể thống nhất được lực lượng để tập trung đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Trên bước đường cùng, chúng phải tạm thời hòa hoãn, tạm thời hợp tác với nhau, nhưng chúng vẫn là những đạo quân hoàn toàn cô lập, khiến quân đội Tây Sơn có thể tập trung tiêu diệt nhanh chóng từng đạo quân Nguyễn.

        Trên chiến trường Gia Định lúc ấy, quân Nguyễn có hai  đạo quân. Đạo quân Nguyên Phúc Dương - Trương Phúc Thận đã yếu nhiều vì mất đạo quân Hòa nghĩa của Lý Tài.

        Đạo quân Nguyễn Phúc Thuần - Đỗ Thanh Nhân tương đối mạnh hơn vì đạo quân Đông Sơn vẫn còn nguyên vẹn và đạo quân này còn đó khả năng được đạo quân Mạc Thiên Tứ ở Cần Thơ tiếp viện. Nhận định rõ toàn hộ chiến trường, Nguyễn Huệ nhanh chóng hạ quyết tâm mới: tiến công địch trên cả hai hướng, dồn nỗ lực chủ yếu vào đạo quân Đông Sơn. Nắm chắc tình hình các đạo quân Nguyễn ở Phú Yên, Bình Định không thể liên lạc được với Gia Đinh, không thể tiếp viện cho Gia Định vì bị bộ binh Tây Sơn chặn phá, Nguyễn Huệ yên tâm đưa chủ lực tiến đánh Tài Phụ và Tranh Giang. Ông tập trung binh lực tiêu diệt nhanh chóng một lực lượng quân Nguyễn, sau đó lại mau lẹ tập trung trên hướng khác, liên tục tiến công, tiêu diệt nhanh chóng một lực lượng khác, khiến cho các đạo quân Nguyễn không còn đủ thời gian để đối phó một cách có hiệu quả và rơi vào thế hoàn toàn bị động.  

        Kết quả là cả hai đạo quân Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần đều lần lượt bị tiêu diệt nhanh chóng trước sức tiến công mạnh mẽ và liên tục của đạo quân chủ lực Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy.

        Trong trận giải phóng Phú Yên và cuộc tiến quân giải phóng Gia Định lần này, những đặc trưng cơ bản về tư tưởng chiến thuật của Nguyễn Huệ đã thể hiện rất rõ: Trong tác chiến, điều mà Nguyễn Huệ quan tâm trước hết là khối sinh lực địch cần phải tiêu diệt, chứ không phải thành lũy, đất đai cần chiếm giữ. Cho nên dù trong một trận chiến đấu hay trong toàn bộ cuộc tiến quân cùng làm hai nhiệm vụ: tiêu diệt địch và giải phóng đất đai, bao giờ Nguyên Huệ cũng lấy tập đoàn vũ trang địch làm mục tiêu để công kích và tiêu diệt triệt để. Giải quyết được mục tiêu đó, tức hoàn thành được cả hai nhiệm vụ.

        Trong chiến đấu, Nguyễn Huệ thường tập trung binh lực giành ưu thế cục bộ đánh mãnh liệt vào một điểm, một mục tiêu, rồi lại tập trung binh lực đánh một điểm, một mục tiêu khác. Do đó các đòn đột kích đều có tính chất quyết định. Hành động của Nguyễn Huệ bao giờ cũng ở vào thế chủ động, mà kết quả là thực hiện được tiêu diệt sinh lực địch.

        Trong một trận chiến đấu và cả một cuộc tiến quân lớn trong đó bao gồm nhiều trận chiến đấu, bố trí thế trận của Nguyễn Huệ thông thường là tập trung công kích một mục tiêu, một hướng, đồng thời có lực lượng trợ công trên nhiều mặt, nhiều hướng khác. Bố trí như vậy, một mặt Nguyễn Huệ vẫn thực hiện được tập trung binh lực, mặt khác, lại phân tán binh lực và sức đối phó của đối phương.

        Trong quá trình tác chiến, thực hiện cơ động mau lẹ và đánh nhanh giải quyết nhanh, không ngừng tạo thành nhiều ưu thế cục bộ, để giành ưu thế toàn cục.

        Hiệp đồng chặt chẽ và khéo léo giữa các binh chủng, đặc biệt là giữa bộ binh và thủy binh. Nguyễn Huệ sử dụng linh hoạt các binh chủng, tùy theo từng trận chiến đấu, từng tình huống chiến đấu mà trao cho binh chủng này hay binh chủng khác nhiệm vụ có tính chất quyết định, có sự phối hợp đắc lực của các binh chủng khác cùng tham chiến.

        Xét về thực chất, đó là tư tưởng đánh tiêu diệt, lấy việc tiêu diệt triệt để sinh lực làm mục tiêu chủ yếu, không phải tư tưởng lấy việc đánh chiếm thành lũy làm mục đích của tiến công. Tư tưởng chiến thuật đó được quán xuyến trong toàn bộ cuộc tiến quân và các trận chiến đấu mà Nguyễn  Huệ tổ chức và thực hành sau này trong suốt cuộc đời làm tướng của ông.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM