Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:09:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc  (Đọc 35737 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:06:56 am »



        Bên kia cầu Vĩnh là làng Ích Vĩnh và phía bắc Ích Vĩnh là làng Quỳnh Đô (cả hai làng này nay thuộc xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội). Cả hai làng đều nằm dọc theo hữu ngạn sông Tô Lịch. Bờ sông Tô Lịch là con đường giao thông chạy qua hai làng này, phía nam xuống Ngọc Hồi, phía bắc có thể lên tận Thăng Long hay qua cầu Quỳnh Đô, ra Văn Điển rồi theo đường thiên lý lên Thăng Long (Cầu Quỳnh Đô qua sông Tô Lịch, cũng là một cầu có từ lâu đời. Theo Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội, bản dịch đã dẫn, t. III, tr. 191) thì vào đời Nguyễn, cầu Quỳnh Đô bắc bằng gạch).

        Phía tây làng Quỳnh Đô là đầm Mực, một khu đầm rộng lớn và có tiếng ở vùng này. Hiện nay, khu đầm đó đã bị bồi lấp dần và đang được cải tạo thành đồng ruộng cấy lúa. Người ta đã đắp một con bờ ngăn đôi khu đầm; phần phía bắc vẫn mang tên là đầm Mực, phần phía nam Thường gọi là đầm Quỳnh Đô. Đầm Mực đã được cải tạo hoàn toàn thành ruộng hai vụ, đến nay vẫn còn rộng trên 6 mẫu Bắc Bộ (Theo tài liệu địa chính của Ủy ban hành chính xã Vĩnh Quỳnh). Đầm Quỳnh Đô rộng trên 40 mẫu Bắc Bộ và còn tương đối sâu hơn (Theo tài liệu địa chính của Ủy ban hành chính xã Vĩnh Quỳnh). Lòng đầm ở giữa rộng trên 9 mẫu, đến nay quanh năm vẫn ngập nước. Chung quanh đầm là cánh đồng trũng chỉ cấy được một vụ. Các cụ già địa phương cho biết, cách đây khoảng ba, bốn chục năm, cả khu đầm Mực (bao gồm đầm Mực và đầm Quỳnh Đô hiện nay) còn rất lầy lội, cỏ lau cỏ lác mọc um tùm. Trước đây gần 200 năm, khu đầm đó tất nhiên còn rộng lớn hơn, sâu hơn và lầy lội hơn.

        Đạo quân của đại đô đốc Bảo đã chăng sẵn một mẻ lưới bổ vây và tiêu diệt toàn bộ tàn quân địch ở đây. Từ Đại Áng, đạo quân này đi theo con đường qua các làng Vĩnh Trung, Vĩnh Thịnh thuộc xã Thanh Hưng (Thường Tín, Hà Tây), Lạc Thị (xã Ngọc Hồi, Thường Tín, Hà Tây), tiến lên khu đầm Mực. Một bộ phận của đạo quân này bố trí ở phía bắc làng Quỳnh Đô để chặn đường rút chạy của quân Thanh về Thăng Long, một bộ phận nữa từ phía nam làng Ích Vĩnh sẵn sàng tiến lên, dồn ép quân địch vào khu đầm Mực.

        Quân Thanh vừa qua khỏi cầu Vĩnh thì cả hai ngả đường dọc theo bờ phải sông Tô Lịch, ngả phía bắc và phía nam đều bị chặn đánh. Sau lưng chúng, quân chủ lực của Quang Trung và cánh quân vu hồi chặn địch cùng phối hợp đuổi theo ráo riết. Cả ba mặt, phía bắc, phía nam và phía đông, quân địch đều bị bao vây, uy hiếp mãnh liệt. Chúng không còn con đường tháo chạy nào khác ngoài hướng duy nhất là đâm đầu vào khu đầm Mực ở phía tây.

        Quân địch bị dồn vào bước đường cùng. Chúng còn khoảng vài vạn quân nhưng chỉ là một khối người rã rời, kiệt sức về thể xác và kinh hoảng đến tuyệt vọng về tinh thần. Từ ba mặt, quân ta khép chặt vòng vây, dồn ép chúng vào cánh đầm Mực lầy lội, um tùm mà tiêu diệt. Quân Thanh “hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm Mực làng Quỳnh Đô” và “quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 364). Tượng binh Tây Sơn lại một lần nữa phát huy uy lực ghê gớm của nó. Như những chiến xa trong chiến tranh hiện đại đoàn voi chiến của quân Tây Sơn vừa bao vây chặn đường, vừa xông vào giày xéo hàng loạt quân địch. Bộ binh và kỵ binh Tây Sơn cũng thả sức tung hoành, chém giết quân địch. Tàn quân địch kẻ thì bị giết chết, kẻ thì bị voi giày, kẻ thì bị lún sâu vào đầm lầy và vùi xác dưới đáy đầm. Hàng vạn quân Thanh đã bị tiêu diệt tại dầm Mực làng Quỳnh Đô (Cách đây vài chục năm, trong khi đào ao, đào mương qua khu vực đầm Mực nhân dân địa phương còn thấy nhiều xương cốt và những mảnh đồ sắt han gỉ. Có thể đó là xác quân Thanh và vũ khí của chúng. Nhưng đấy là căn cứ theo lời kể của các cụ già địa phương. Hiện nay chưa tìm thấy những di hài và di vật đó để xác minh). Toàn bộ bọn tàn quân địch ở đồn Ngọc Hồi đều bị tiêu diệt trong đó có cả tổng binh Trương Triều Long (Việt sử thông giám cương mục chép là Trương Sĩ Long). Một số tên lẩn trốn vào cả các làng xóm chung quanh cũng bị nhân dân giết chết hoặc bắt nộp cho quân Tây Sơn.

        Chỉ trong sáng ngày mồng 5 tháng giêng tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn đã phá tan đồn, lũy Ngọc Hồi tiêu diệt toàn bộ quân địch khoảng 3 vạn tên ở Ngọc Hồi và đầm Mực. Quân Tây Sơn dã nhanh chóng tiêu diệt một cứ điểm then chốt nhất của quân địch, đập nát hệ thống phòng thủ của chúng ở phía nam Thăng Long, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng kinh thành, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long. Đạo quân chủ lực của Quang Trung và đạo quân của đại đô đốc Bảo đã hoàn thành hết sức rực rỡ nhiệm vụ nặng nề của hướng tiến công chủ yếu, trong đó trận Ngọc Hồi - Đầm Mực giữ vai trò quyết chiến có ý nghĩa quyết định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:08:33 am »


*

*       *

        Cũng vào sáng ngày mồng 5 tháng giêng, lúc trời còn tối khi đạo quân chủ lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi thì trên hướng tiến công phối hợp, đạo quân của đô dốc Đông cũng đồng thời mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ vào đồn Đống Đa (Theo Hoàng Lê nhất thống chí  thì “lúc vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi thì sáng hôm ấy (tức ngày mồng 5 tháng giêng), Long đã đánh tên thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng (tr. 364) và “canh tư đêm ấy” Tôn Sĩ Nghị nghe súng nổ ở phía tây - bắc thành (tr. 365). Như vậy trận tiến công đồn Khương Thượng bắt đầu vào khoảng canh tư ngày mồng 5 tháng giêng Kỷ Dậu, lúc trời còn tối. Điều đó cũng phù hợp với những tài liệu của nhà Thanh như Thánh vũ ký, Chính sử lược biên, An Nam quân doanh kỷ yếu...).

        Đồn Đống Đa tuy không kiên cố như đồn Ngọc Hồi, nhưng cũng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ Thăng Long của Tôn Sĩ Nghị.

        Hồi cuối Lê đầu Nguyễn, Đống Đa thuộc trại Khương Thượng. Đây là một trại thuộc tổng Hạ huyện Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận), nay thuộc khu phố Đống Đa, thành phố Hà Nội. Trại Khương Thượng ở phía bắc sông Tô Lịch, nằm trên con đường cái quan trọng từ Thanh Hóa ra Tam Điệp, qua Nho Quan (Ninh Bình), Chương Đức (Chương Mỹ, Hà Tây), rồi qua cầu Nhân Mục (cống Mọc, xã Nhân Chính, Từ Liêm, Hà Nội) vào cửa ô tây – nam thành Thăng Long, tức cửa ô Thịnh Quang sau đổi là Thịnh Hào tức ô chợ Dừa, khu Đống Đa, Hà Nội) (Bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm Minh Mạng 12 (năm 18'31) còn ghi ô Thịnh Quang (bản đồ ký hiệu A. 2.3.32. Thư viện Khoa học xã hội). Nhưng đến bản đồ tỉnh thành Hà Nội vẽ năm Tự Đức 26 (năm 1873) thì ghi là ô Thịnh Hào (bản đồ ký hiệu 2.3.24, Thư viện Khoa học xã hội). Theo tấm bia năm Chính Hòa 13 (năm 1692) tại đình thôn Trung, xã Thịnh Hào, nay thuộc khối 65 khu Đống Đa thì vào đời Lê (thế kỷ XVII) phường Thịnh Quang thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Do đó cửa ô thành Thăng Long ở đây cũng mang tên ô Thịnh Quang. Về sau, khoảng đời Tự Đức, Thịnh Quang được sáp nhập thêm thôn Hào Nam và đổi tên là Thịnh Hào. Từ đó, ô Thịnh Quang cũng đổi tên là ô Thịnh Hào, tức ô chợ Dừa). Trại Khương Thượng ở vào khoảng giữa cầu Nhân Mục trên sông Tô Lịch và cửa ô Thịnh Quang của La Thành bảo vệ thành Thăng Long. Quân Thanh lập đồn trại ở Đống Đa là để khống chế con đường cái từ Tam Điệp ra phía tây nam Thăng Long, đề phòng cuộc tiến công của quân Tây Sơn theo hướng này và bảo vệ trực tiếp cửa ô Thịnh Quang, một cửa ngõ phía tây - nam thành Thăng Long.

        Tại đồn Đống Đa, quân Thanh không xây dựng công sự đắp chiến lũy, mà chỉ dựa vào địa hình và làng mạc bố trí doanh trại.

        Phía bắc trại Khương Thượng xưa kia là một cánh đồng rộng và cao. Đây là trường thi võ đời Lê, gọi là trường thi bác cử (Vì vậy có sách như Lê quý kỷ sự chép: Sầm Nghi Đống đóng đồn tại Trường thi võ (tức Khương Thượng). Theo quy chế ban hành năm Bảo Thái thứ 5 (năm 1724) thì phép thi võ đời Lê có hai cấp: thi sở cử và thi bác cử. Tất cả mọi người am hiểu võ nghệ - kể cả quân sĩ và nhân dân - đều được thi sở cử tổ chức ba năm một lần. Những người trúng tuyển kỳ thi sở cử thì năm sau, được vào thi bác cừ tại trường thi võ kinh thành. Người trúng tuyển kỳ thi bác cử gọi là tạo sĩ, được bổ dụng ngang với tiến sĩ. Trước đây, tại Khương Thượng còn di tích của trường thi võ này như nền điện thí là một khu đất hình vuông rộng khoảng 3 sào Bắc Bộ, cao hơn các thửa ruộng chung quanh độ 1,50 mét (nay là nền nhà giữa của Học viện Thủy lợi). Vào các kỳ thi bắc cử, vua Lê hay chúa Trịnh thường được rước lên điện thí để xem thi (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Binh chế chí), bản dịch, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1961, t. IV, tr. 40). Vì vậy nền điện thí còn gọi là cung Đống Đa. Núi Cây Cờ hay núi Cờ, còn có tên là Loa Sơn (núi ốc), vốn là một gò đất lớn ở phía trước nền điện thí (khoảng góc đông nam trường cán bộ công đoàn ngày nay). Ngọn núi này là nơi cắm cờ trong các kỳ thi bác cử (nhân dân gọi là núi Cây Cờ hay núi Cờ).

        Quân Thanh chiếm cánh đồng cao ráo ở phía bắc trại Khương Thượng để dựng đồn trại. Sở chỉ huy của Sầm Nghi Đống đặt trên núi Cây Cờ tức Loa Sơn. Đó là một điểm cao lợi hại có thế bao quát cả khu đồn trại và kiểm soát con đường vào Thăng Long. Doanh trại quân lính xây dựng chung quanh sở chỉ huy bao gồm cả hai bên đường cái. Để canh phòng từ xa và bảo vệ đồn Đống Đa, Sầm Nghi Đống còn lập một số đồn binh nhỏ ở chung quanh. Đồn Yên Quyết (xã Yên Hòa, Từ Liêm, Hà Nội) bên bờ sông Tô Lịch, có vị trí như một đồn tiền tiêu án ngữ phía trước đồn Đống Đa. Phía sau có đồn Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) ở khoảng giữa đồn Đống Đa và cửa ô thành Thăng Long.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:09:14 am »


        Đóng giữ đồn Đống Đa là đạo quân Điền Châu, Triều Châu. Đặc điểm của đạo quân này là số lượng khá đông - ước đoán khoảng vài vạn quân - nhưng chất lượng không đều và khá ô hợp (Không có tải liệu nào chép rõ số quân của Sầm Nghi Đống. Nhưng căn cứ vào số quân bị tiêu diệt sau trận Đống Đa có thể Phỏng đoán khoảng vài vạn quân). Sầm Nghi Đống có một đội quân hộ vệ riêng rất trung thành và tinh nhuệ gọi là thân binh chỉ độ mấy trăm người (Việt sử thông giám cương mục, q. 47, tr.41; Lê quý kỷ sự, Minh đô sử, q 44). Số quân lính Điền Châu và Triều Châu gọi là thổ binh - được điều động cho Sầm Nghi Đống cũng chỉ có 2.000 người (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1321, tr. 31).

        Đó là những lực lượng nòng cốt của quân địch ở đồn Đống Đa. Ngoài ra là những quân lính mới tuyển mộ trên đường sang xâm lược nước ta, trong số cư dân vùng biên giới và một số dân phu trong các công trường khai mỏ, gọi chung là “nghĩa dũng”. Bọn này rất ô hợp và chưa quen chiến đấu, bản thân Sầm Nghi Đống cũng là một viên tướng tầm thường. Trong cuộc tiến quân sang xâm lược nước ta hồi cuối năm 1788, hắn chỉ trổ tài bằng cách chiêu nạp nhiều “nghĩa dũng” và càn quét vùng Cao Bằng, Thái Nguyên. Hắn được vua Thanh thưởng cho cái lông công cắm lên mũ gọi là “đeo hoa linh” (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1321, tr. 2).

        Sự bố trí lực lượng phòng thủ quanh Thăng Long càng chứng tỏ Tôn Sĩ Nghị tuy có phòng bị mặt tây – nam nhưng với tư tưởng chủ quan, coi thường, cho rằng quân Tây Sơn ít có khả năng tiến công theo hướng này. Thời cuối Lê, con đường thiên lý đã trở thành con đường giao thông chủ yếu và tiện lời nhất từ trong Nam ra Thăng long. Còn con đường “lai kinh” hay “thượng đạo” qua Khương Thượng vào Thăng Long thì trước đây là “đường cái rộng chừng 2 trượng (khoảng 8 mét) là đường vào Thanh Hóa của triều trước (tức triều Lê - T.G), người ta nói đi đường này vắn tắt và rất gần”. Nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, con đường đó “bế tắc không đi được nữa” (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, bản dịch, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 341; Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Sơn Tây), bản dịch đã dẫn, t. IV, tr. 219). Với sự phán đoán chủ quan của kẻ xâm lược, Tôn Sĩ Nghị nghĩ rằng quân Tây Sơn dù có tiến công ra Thăng Long cũng không thể đi theo con đường núi khó khăn, trắc trở và đã bế tắc dó. Ý định ấy càng được củng cố khi hắn được tin quân Tây Sơn đang tập trung lực lượng đánh ra mặt nam Thăng Long. Hắn chỉ lo tăng cường lực lượng cho tuyến phòng thủ phía nam và sẵn sàng điều động cả đạo quân chủ lực ở dại bản doanh chi viện cho tuyến xung yếu đó.

        Đạo quân Tây Sơn làm nhiệm vụ tập kích tiêu diệt đồn Đống Đa do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy. Không phải ngẫu nhiên Quang Trung giao trọng trách đó cho đô đốc Đông.

        Đặng Tiến Đông xuất thân trong một gia dình quý tộc, ông cha, chú bác mấy đời đều dỗ đạt, làm quan to trong chính quyền Lê - Trịnh. Bản thân ông cũng đã từng là võ tướng trong quân đội chúa Trịnh. Nhưng rồi sự đổ nát không gì cứu vãn nổi của chế độ vua Lê chúa Trịnh, phong trào quật khởi của nông dân và dặc biệt là cuộc tiến công ra Bắc Hà của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy năm 1786 đã tác động đến nhận thức tư tưởng của Đặng Tiến Đông. Ông sớm tìm thấy ở phong trào Tây Sơn và sự nghiệp của người anh hùng Nguyễn Huệ, một hướng mới của cuộc đời. Năm 1787, ông đã lặn lội vào tận Quảng Nam, tìm đến quân doanh xin yết kiến Nguyễn Huệ. Ông được Nguyễn Huệ “đón tiếp và đãi ngộ riêng, rồi được tin yêu ban cho ấn kiếm, giao cho thống lĩnh việc quân” (Bài văn bia ở chùa Thủy Lâm do Phan Huy Ích soạn và Ngô Thì Nhậm nhuận sắc). Nguyễn Huệ lập tức phong ông chức Đô đốc đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu và giao cho chức trấn thủ xứ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). Trong tờ chiếu phong chức tước ngày 3 tháng 7 năm Thái Đức thứ 10 (ngày 15-8-1787), Nguyễn Huệ khen ông là người “có khí khái của trượng phu, tấm lòng của nam tử, đường làm quan gặp gỡ, dựng lên công lớn vua tôi trước sau báo đền, không quên điều hiểu biết của kẻ sĩ trong nước, trải qua mùa đông mà không chịu khuất như cây tùng lúc giá rét” (Nguyên bản tờ chiếu phong chức tước cho Đặng Tiến Đông hiện nay do chi trưởng dòng họ Đặng ở Lương Xá, xã Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Tây) giữ). Trong số sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà theo Tây Sơn, phải kể Đặng Tiến Đông là người đầu tiên, thể hiện một thái độ thức thời, kiên quyết, mạnh dạn. Vì vậy Quang Trung Nguyễn Huệ rất tin cậy, trọng dụng ông, và trong cuộc kháng chiến chống Thanh, giao cho ông chỉ huy một đạo quân đảm nhiệm một hướng tiến công quan trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:09:35 am »


        Hơn nữa, đạo quân của đô đốc Đông phải hành quân bí mật, đi theo một con đường núi đã bế tắc, phải mở lấy đường mà đi và khắc phục nhiều trở ngại của núi rừng. Nhiệm vụ đó đòi hỏi tướng chỉ huy không những phải giàu nghị lực, có tài tổ chức, mà còn phải am hiểu cặn kẽ địa hình và đường đi lối lại trong vùng. Đặng Tiến Đông quê ở Lương Xá (Chương Mỹ, Hà Tây), nằm trên vùng con đường “thượng đạo” đi qua nên đáp ứng hơn ai hết yêu cầu trên. Đạo quân của đô đốc Đông không nhiều lắm chỉ khoảng một vạn quân - nhưng theo kế hoạch phối hợp của Quang Trung, phải bất ngờ đánh úp, tiêu diệt đồn Đống Đa thật nhanh, gọn. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó, quân đội Tây Sơn cần được sự tham gia, hỗ trợ trực tiếp của nhân dân xung quanh đồn địch. Đặng Tiến Đông sinh ra và lớn lên ở gần Thăng Long, lại thuộc dòng dõi một họ lớn có nhiều bà con thân thuộc và bạn bè quanh vùng. Ông có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để cử người ra bí mật vận dộng nhân dân các làng xã xung quanh đồn Đống Đa sẵn sàng phối hợp với quân Tây Sơn bao vây, tiêu diệt đồn giặc. Hưởng ứng sự vận động đó, nhân dân chín làng xã vùng này đã lấy rơm bện thành hình những “con rồng” lớn rồi tẩm dầu và các loại nhựa dễ cháy, cất giấu sẵn trong nhà để đến ngày diệt đồn sẽ đốt cháy, tạo thành lưới lửa bao vây và thiêu hủy đồn giặc phối hợp với quân Tây Sơn. Giao cho Đặng Tiến Đông chỉ huy đạo quân vu hồi đánh thọc sâu vào đồn Đống Đa, Quang Trung không những tín nhiệm ông mà còn xét đoán và sử dụng rất đúng tài năng của ông.

        Đạo quân của đô đốc Đông đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của núi rừng, bảo đảm cuộc hành quân hết sức bí mật và đúng kế hoạch đã vạch ra. Tối mồng 4 tháng giêng, đạo quân này tiến về phía Nhân Mục (xã Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội ). Sáng mồng 5, trước giờ tiến công, lúc trời còn tối mù mịt, quân Tây Sơn nhanh chóng vượt qua sông Tô Lịch, bí mật áp sát đồn Đống Đa, hình thành sẵn thế trận bao vây tiến công.

        Đạo quân của đô đốc Đông gồm kỵ binh và Tượng binh, tuy không nhiều nhưng có sức cơ động nhanh và đột phá mạnh. Quân đội cũng được trang bị nhiều hỏa hổ và đại bác đặt trên mình voi chiến. Cuộc tiến công bắt đầu vào khoảng cuối canh tư (khoảng 3 giờ sáng). Bằng khí thế áp đảo quân thù, quân Tây Sơn với đội hình đã bày sẵn, xông thẳng vào đồn trại của địch. Quân ta đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi nhanh chóng đánh thọc vào sở chỉ huy của địch. Sầm Nghi Đống cố đốc thúc quân lính chống cự nhưng không sao đương nổi sức tiến công mãnh liệt của quân Tây Sơn. Chỉ trong chốc lát, số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người (Minh đô sử, sách đã dẫn, q . 44). Sầm Nghi Đống phải bỏ các doanh trại bên ngoài, rút về bảo vệ sở chỉ huy trên Loa Sơn để chờ quân cứu viện.

        Cùng lúc đó, xung quanh đồn trại của địch đột nhiên xuất hiện một hàng rào lửa dày đặc. Đó là “trận rồng lửa” (hỏa long trận) của nhân dân các địa phương góp sức cùng với đội quân Tây Sơn diệt giặc. Ngô Ngọc Du là một nhà thơ đương thời đã ghi chép về hành động yêu nước và mưu trí đó của nhân dân như sau: “Quân Tây Sơn tiến công thành Thăng Long, nhân dân chín xã ở ngoại thành sôi nổi dùng rơm rạ bện thành hình rồng, tẩm dầu đốt lửa, thành trận rồng lửa” (Tài liệu của Doãn Kế Thiện do Vũ Tuấn Sán công bố trong bài Về hai cuộc hành quân của Nguyễn Huệ ra Thăng Long, Nghiên cứu lịch sử số 119, tháng 2-1969, tr. 22).

        Quân địch đang choáng váng vì đòn tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn, lại khiếp đảm trước lưới lửa bao vây trùng điệp của nhân dân. Trong đêm tối, chúng chỉ còn trông thấy bốn bề lửa cháy rực trời tiếng reo hò dậy đất. Đồn trại của địch tan vỡ nhanh phóng, quân dịch “đang lúc đêm tối, tự xéo lên nhau mà chạy” (Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, sách đã dẫn, q. 6, tr. 37). Các mũi tiến công của quân Tây Sơn lao vào chém giết như vào chỗ  không người.

        Từ trên sở chỉ huy, Sầm Nghi Đống thấy rõ đã lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt: chống đỡ không nổi, quân cứu viện không có, phá vây không được. Hắn tuyệt vọng, thắt cổ chết ngay tại sở chỉ huy. Đội thân binh trung thành của hắn cũng tự sát theo chủ tướng đến vài trăm tên (Sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, q. 47, tr.41, bản dịch đã dẫn, t. 20. tr. 62).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:10:10 am »


        Đồn Đống Đa bị tiêu diệt vào lúc trời chưa sáng (Theo Lê quý kỷ sự thì Sầm Nghi Đống bị “vây đánh” và đã “cố sức chiến đấu suốt ngày”. Chúng tôi chưa rõ căn cứ của tác giả nhưng điều ghi chép này mâu thuẫn với những tài liệu đáng tin cậy của ta và cũng không phù hợp với diễn biến của cuộc kháng chiến).

        Đạo quân của đô đốc Đông được nhân dân hết lòng ủng hộ và trực tiếp tham gia chiến đấu, đã đánh một trận tiêu diệt rất nhanh, gọn. Chỉ sau mấy giờ chiến đấu, đồn trại địch bị phá tan, đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt tại trận. Một số chạy thoát ra ngoài cũng bị quân ta “đuổi theo chém và bắt được đến quá nửa” (Lê quý kỷ sự, sách đã dẫn). Quân Tây Sơn thừa thắng tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng tràn vào cửa ô tây – nam thành Thăng Long.

        Sau trận đánh, hàng vạn xác giặc nằm ngổn ngang khắp chiến trường từ trại Khương Thượng, Thịnh Quang đến trại Nam Đồng. Khi thu dọn chiến trường, quân dân ta đã nhặt xác giặc, xếp thành từng đống rồi đấp đất lên thành những gò đống lớn. Đó là lối chôn cất cổ truyền của nhiều nước phương Đông vừa có ý nghĩa biểu dương chiến công, để lại một di tích chiến thắng cho muôn đời con cháu, vừa nhằm cảnh cáo kẻ thù. Những đống xác giặc đó gọi là Kình nghê kinh quán, có nghĩa là gò đống lớn vùi xác quân giặc hung dữ ví như loài cá kình, cá nghê ngoài biển cả (là loại cá to hay đuổi bắt loại cá nhỏ mà ăn). Mười hai gò đống như vậy đã xuất hiện trên trận địa ngày hôm qua như những chiến tích bất diệt của dân tộc. Trong bài Loa Sơn điếu cổ, nhà thơ Ngô Ngọc Du đã ca ngợi võ công oanh liệt của quân dân ta gắn liền với những chiến tích đó:

        Thành Nam thập thị Kình nghê quán,
        Chiếu diệu anh hùng đại võ công.

        Nghĩa là:

        Phía nam thành, mười hai gò xác giặc,
        Rạng rỡ võ công lớn của anh hùng.


        Tuy vậy, mười hai gò lớn vẫn chưa vùi hết xác quân xâm lược đây đó trên cánh đống vẫn còn nhiều xác giặc chôn rải rác. Chứng cớ là năm 1851, khi đào đất để đắp đường, mở chợ ở khu vực này, người ta còn tìm thấy nhiều xương cốt và thu nhặt đem chôn vào một hố, đắp thành gò thứ 13.

        Trải qua năm tháng, trên các gò đống đó, cây cối mọc um tùng, nhiều nhất là cây đa. Với tên đất sẵn có, nhân dân thường gọi những gò động đó là “gò Đống Đa” và vùng có những gò đống đó là “xứ Đống Đa” (Cho đến giữa thế kỷ XIX, các gò Đống Đa vẫn còn y nguyên. Nhưng đến bản đồ Hà Nội năm Tự Đức thứ 26 (năm 1873) thì chỉ còn thấy 6 gò trong khu vực ghi là “Đống Đa xứ”. Trong khoảng đời Nguyễn và Pháp thuộc, những chiến tích lịch sử đó không được bảo vệ nên đã bị phá hoại dần. Nhiều gò bị san bằng. Hiện nay chỉ còn lại hai gò được gọi là gò Đống Đa tức gò thứ 13 lập thêm năm 185l (trên gò này có đền Trung Liệt nên còn gọi là gò Trung Liệt) và gò đống Thiêng (trong khu Thái Hà ấp, trên gò này trước đây có chùa của làng Thịnh Quang, gọi là chùa Thiêng). Phía sau chùa Bộc, giáp chùa Đồng Quang còn gò Đầu Lâu nhưng gò đã bị phá từ lâu, nhân dân chỉ còn ghi nhớ vị trí và tên gò).

        Tại đại bản doanh đóng ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị và bộ chỉ huy quân Thanh đang lo lắng theo dõi chặt chẽ diễn biến của mặt trận phía Nam.

        Sáng mồng 4, hắn có bị sửng sốt về cuộc tiến công bất ngờ của quân Tây Sơn nhưng vẫn chủ quan về sức mạnh của quân Thanh và sự phán đoán đúng đắn của hắn. Hắn tập trung sự chú ý vào mặt trận phía Nam và sẵn sàng tung đạo quân chủ lực chi viện cho đồn Ngọc Hồi khi cần thiết. Cứ khoảng chốc lát, lại có một kỵ binh tin cậy mang tin tức của mặt trận phía Nam về đại bản doanh cho Tôn Sĩ Nghị. Nhưng như tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã nhận xét: “ý của Nghị chỉ lo có một mặt đó, không ngờ lại có mặt khác ập tới” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn,  tr. 365).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:10:50 am »


        Sáng mồng 5, lúc canh tư, Tôn Sĩ Nghị đột nhiên nghe tiếng súng nổ liên hồi ở phía tây - nam thành Thăng Long. Hắn vô cùng kinh ngạc, vội sai thám tử cấp tốc phi ngựa ra xem tình hình. Sau đó ít lâu, khoảng đầu canh năm, lính kỵ mã ở đồn Ngọc Hồi lại phi báo cho hắn biết: đồn Ngọc Hồi đang bị đánh dữ dội. Hắn đang băn khoăn chưa kịp điều quân đi tiếp ứng cho mặt trận phía Nam thì thám tử vừa sai đi đã trở về báo tin: đạo quân Điền Châu, Triều Châu đã tan vỡ, đồn Đống Đa có nguy cơ bị tiêu diệt. Ngay sau đó, hắn lại được tin quân Tây Sơn đã ập vào cửa ô thành Thăng Long “đốt giết lung tung, khói lửa bốc lên đầy trời” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 365).

        Theo kế hoạch của Quang Trung, trong khi đạo quân chủ lực công phá đồn Ngọc Hồi, thì đạo quân của đô đốc Đông bất ngờ tập kích tiêu diệt đồn Đống Đa, rồi nhanh chóng thọc sâu vào thành Thăng Long, uy hiếp đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị. Do đó, mờ sáng ngày mồng 5, lúc đồn Đống Đa sắp bị tiêu diệt, đô đốc Đặng Tiến Đông đã hết sức khẩn trương mau lẹ, đem đội kỵ binh tiên phong của mình đánh thọc vào Thăng Long. Như một mũi dao nhọn, đội kỵ binh Tây Sơn lao thẳng về phía cung Tây Long. Đấy là hành động bất ngờ, táo bạo mà Tôn Sĩ Nghị không thể nào lường trước được. Trong một bài văn bia đương thời, Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm đã ca ngợi hành động của Đặng Tiến Đông: “Ông một mình một ngựa tiến lên trước, dẹp yên nơi cung cấm” (Tông đức thế tự bi tại chùa Thủy Lâm (Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Tây). Bài văn bia do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc, khắc ngày 15 tháng 6 năm Cảnh Thịnh thứ 5 (ngày 9-7-1797)).

        Những tin tức khủng khiếp của mặt trận phía Nam và phía tây - nam đồng thời đến với Tôn Sĩ Nghị như những đòn trời giáng. Cả một đạo quân chủ lực còn nguyên vẹn trong tay, nhưng viên chủ soái của quân Thanh hoảng hốt, không còn biết xoay xở, đối phó thế nào. Như trong bản tâu gửi về triều đình nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị cảm thấy “quân giặc nhiều quá” và quân Thanh đã bị “vây kín bốn mặt” (Đại Thanh lịch triều thực lục, q. 1326, tr. 16). Hắn “sợ mất mật” và “ngựa không kịp đóng yên, ngưòi không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng Bắc mà chạy” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 365). Viên thiên tổng Tiết Trung phải dắt cương ngựa cho Tôn Sĩ Nghị chạy trốn và phó tướng Khánh Thành đi theo hộ tống (Đại Thanh lịch triều thực lục, q. 1326, tr. 16).

        Chủ tướng bỏ chạy, “quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 365).

        Tình hình hỗn loạn đến mức độ, tổng binh Lý Hóa Long chạy đến giữa cầu phao cũng bị quân lính đẩy ngã  nhào xuống sông. Thật là một cuộc tháo chạy thảm hại, nhục nhã.

        Qua khỏi cầu phao sang bờ bắc sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị lại sợ quân Tây Sơn lợi dụng cầu phao đuổi theo. Chỉ lo bảo toàn tính mạng của bản thân, viên bại tướng đó không ngần ngại ra lệnh “cắt đứt cầu phao để chẹn phía sau” (Thánh vũ ký, sách đã dẫn, q. 6, tr. 37; Thanh sử lược biên, sách đã dẫn). Đúng như một áng sử ca của ta đã nói:

Qua sông lại sợ truy binh,
Phù kiêu chém đứt, quân mình thác oan.

        (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1966, tr. 208).

        Hành động ích kỷ và tàn nhẫn của Tôn Sĩ Nghị đã làm cho hàng vạn quân Thanh bị dòng nước sông Nhị cuốn trôi. “Cầu gẫy, người bị chết vô kể” (Việt sử thông giám cương mục, bản dịch đã dẫn, t. 20, tr. 62) và “nước sông Nhị vì thế mà tắc nghẽn không chảy được” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 365). Số quân Thanh không kịp qua cầu phao cũng tìm mọi cách liều lĩnh vượt sông. Có bọn cướp được một số thuyền buôn và thuyền đánh cá đang đỗ bên bờ sông nhưng rồi chúng tranh nhau xuống thuyền đông quá nên hầu hết cũng bị đắm. Có bọn thì buộc giáo, mác, khiên, mộc lại thành từng bó để làm bè vượt sông (Minh đô sử, sách đã dẫn, q. 44). Vừa lúc đó, quân Tây Sơn ập tới. Số phận quân Thanh chưa kịp qua sông đã được định đoạt; nếu không vùi xác theo dòng sông Nhị thì cũng bị chém giết hoặc bắt làm tù binh. Một số tàn quân trốn tránh vào các xóm làng thì sau đó trong vòng 10 ngày, đều phải ra đầu thú.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:11:29 am »


        Số phận đám quân Thanh đóng ở bờ bắc sông Nhị cùng với số tàn quân vượt qua cầu phao chạy trốn theo Tôn Sĩ Nghị cũng không may mắn hơn bao nhiêu.

        Bọn chúng bị quân Tây Sơn truy kích phía sau và đến Phượng Nhãn lại bất ngờ bị đạo quân của đô đốc Lộc chặn đánh. Tôn Sĩ Nghị và bọn tàn quân không dám chạy theo đường cái. Chúng phải luồn rừng, lội suối, leo núi “đường đi quanh co, rẽ ngang rẽ dọc... luôn luôn lạc lối, không tìm được nẻo đi” (Trần Nguyên Nhiếp, An Nam quân doanh kỷ yếu, sách đã dẫn) và “đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr.366). Tôn Sĩ Nghị phải vất bỏ tất cả mọi thứ mang theo kể cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn chủ soái do vua Thanh ban cho, để lo chạy thoát thân. Theo Minh đô sử thì điều đáng tiếc là đạo quân của đô đốc Lộc trong khi vượt biển vì gặp gió đông - bắc nên tập kết ở sông Lục Đầu hơi chậm. Do đó, đạo quân này chưa kịp bịt kín hết các ngả đường như kế hoạch của Quang Trung đã đề ra, “nếu đến sớm vài ngày thì quân Thanh đã bị bắt hết, không còn sót một mống”.

        Theo Trần Nguyên Nhiếp, bí thư riêng và là người cùng chạy trốn theo Tôn Sĩ Nghị thì bọn bại tướng, bại quân này phải “đói cơm khát nước, không kiếm đâu ra được ăn uống, cứ phải đi bảy ngày bảy đêm mới đến trấn Nam Quan" (Trần Nguyên Nhiếp, An Nam quân doanh kỷ yếu, sách đã dẫn). Một giáo sĩ người Pháp sống lâu năm ở nước ta thời bấy giờ là Đơ la Bít-xa-se (De la Bissachère) cho biết số tàn quân Thanh chạy trốn “bị chết gần hết trong rừng” (Ch. May bon. La relation sur le Tunkin et la Cochinchine de M.De la Bissachère, Paris, 1820. Tr.132) và chỉ còn độ ba, bốn chục tên thoát chết trở về nước mang theo tin bại trận thảm hại (De la Bisschere, État actuel du Tunkin, de la Cochinchine et des autres royaumes de Cambodge, Laos et Lạc Thổ, Paris, 1812, t.2, tr. 170, F.R. de Sainte Croix, Voyoge commercial et politique aux Indes orientales, aux iles Philippines, à la Chine, avec des notions sur la Cochinchine et le Tonquin pendant les années, 1803, 1804, 1805, 1806 et 1807, Paris, 1810, t. 3, tr. 320). Đó có lẽ là nhóm tàn quân chạy theo Tôn Sĩ Nghị và về đến biên giới sớm nhất. Ngoài ra còn có những bọn chạy tán loạn vào rừng và trong khoảng một tháng sau mới lục tục tìm đường về nước. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị thì số lính sống sót chạy về Quảng Tây trước sau cả thảy hơn 5.000 người. Một bọn hơn 500 người trốn tránh trong rừng núi, bị lạc đường, cuối cùng chạy bạt về Vân Nam (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1323, tr.33 và 37). Khí thế chiến thắng vang lừng của quân Tây Sơn và cảnh trốn chạy tả tơi của bọn tàn quân địch làm cho quân Thanh ở vùng biên giới cũng hốt hoảng. “Từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái, già trẻ bồng bế dắt díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm lặng ngắt không một bóng người” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 370; Đại nam chính biên liệt truyện sơ tập, sách đã dẫn, q. 30, tr. 35).

        Đạo quân Thanh đóng ở Hải Dương cũng bị đánh tan. Riêng đạo quân Vân Nam do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy, ngày 21 tháng chạp năm Mậu Thân (ngày 16-1-1789) đến Tuyên Quang và những ngày cuối năm đó mới đến Sơn Tây, vừa đóng quân được mấy ngày thì được tin Tôn Sĩ Nghị bại trận, cả đạo quân này hốt hoảng tháo chạy về nước. Không bị tiến công nhưng đạo quân Ô Đại Kinh cũng bị tan vỡ và rút chạy trong cảnh hỗn loạn. Qua vùng Tuyên Quang, chúng lại bị một đội dân binh dân tộc Tày do Ma Doãn Dảo chỉ huy, chặn đánh  (Tài liệu kháo sát điền dã dân tộc học của Hoàng Hoa Toàn, tư liệu khoa Sử, Đại học tổng hợp). Chúng càng hoảng sợ chen lấn, xô đẩy nhau giành đường về nước và một bộ phận khá đông tán loạn vào núi rừng. Một toán quân do Phùng Chấn Tiên cầm đầu, bị lạc đường chạy sang Quảng Tây. Theo lời tâu của tổng đốc Vân Quý là Phú Cương thì trong đạo quân Ô Đại Kinh có một số không thấy trở về, trong đó có một viên vũ cử (cử nhân võ), một viên ngoại ủy (võ quan cấp dưới) và mấy chục tên lính (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1322, tr.18, 23 và 34).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:11:49 am »


        Thắng lợi của cuộc kháng chiến thật là rực rỡ. Toàn bộ quân xâm lược Mãn Thanh khoảng 29 vạn quân cùng với vài vạn quân của bù nhìn Lê Chiêu Thống đã bị đánh tan tành, bị tiêu diệt đại bộ phận và bị quét sạch ra khỏi bờ cõi. Trong bốn đạo quân Thanh thì ba đạo, trong đó có đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị, bị tiêu diệt gần hết và một đạo không bị đánh mà cũng tan tác. Hàng loạt tướng soái cao cấp của dịch bị bỏ mạng: đề đốc phó tướng Hứa Thế Hanh, phó tướng Hình Đôn Hạnh; các tổng binh Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long, Lý Hóa Long; tri phủ Sầm Nghi Đống; các tham tướng Dương Hưng Long, Tương Tuyên, Anh Lâm. Đó là chưa kể một số võ quan khác cũng bị chết trận như: du kích Minh Trụ, Trương Thuần, Vương Đàm, Trương Hội Nguyên, Lưu Việt; đô ty Đặng Vĩnh Lượng, thủ bị Lê Trí Minh, tri huyện Vi Thiên Quỳ, kinh lịch Trương Thành  (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1322, tr.18, 23 và 34). Số quân Thanh đầu hàng và bị bắt làm tù binh có đến vài vạn (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 371. Trong các bài biểu gửi cho nhà Thanh, Quang Trung nói số tù binh chỉ có trên 800 người. Bài Chiếu phát phối hàng binh nội địa của Quang Trung do Ngô Thì Nhậm viết, cho biết Quang Trung chủ trương giữ lại một số tù binh khá đông để “bổ sung vào quân ngũ”. Con số 800 chỉ là số tù binh Quang Trung định trao trả cho nhà Thanh).

        Vua Càn Long, Tôn Sĩ Nghị cho đến các sử thần nhà Thanh đều cố che đậy thất bại thảm hại của quân Thanh và tìm cách biện bạch trách nhiệm của vua quan nhà Thanh. Tôn Sĩ Nghị thì đổ tội cho Lê Chiêu Thống mới nghe tin: “Nguyễn Huệ thân hành đem binh đến đánh” đã mất cả hồn vía” và bỏ chạy trước làm cho “binh sĩ hoang mang rối loạn” (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1321, tr.16). Điều đó thật oan uổng cho tên vua bù nhìn này. Sáng mồng 5, đang ở trong cung điện, được tin quân Thanh bại trận, Tôn Sĩ Nghị rút chạy, Lê Chiêu Thống vội vàng bám gót chạy theo. Nhưng ra đến bờ sông thì cầu phao đã bị cắt, hắn hoảng sợ theo bờ sông chạy lên Nghi Tàm, cướp được chiếc thuyền đánh cá chèo qua sông. Hắn tìm đường chạy lên ải Nam Quan mới gặp Tôn Sĩ Nghị để bắt đầu cuộc sống lưu vong nhục nhã nơi đất khách quê người. Vua Càn Long nhà Thanh thì cho rằng quân Thanh bại trận là vì “Trời đã chán ghét họ Lê” và Tôn Sĩ Nghị sau khi chiếm được thành Thăng Long, không chịu rút quân về nước như chỉ dụ của nhà vua. Vị hoàng đế nhà Mãn Thanh còn lo xa, viết hai bài An Nam ký sự và An Nam thuỷ mạt sử ký với mục đích: “sợ người đời sau không hiểu cái kế nặng nhẹ lâu dài của ta cho nên bày tỏ mà chép ra đây” (Thanh Cao Tông, An Nam thuỷ mạt sử ký). Thực ra, trước đó chính vua Thanh đã cho phép Tôn Sĩ Nghị tiến quân vào tận sào huyệt Quảng Nam để bắt sống Nguyễn Huệ hoặc tiến quân đe dọa buộc Nguyễn Huệ đầu hàng. Vì vậy, tuy quy trách nhiệm cho Tôn Sĩ Nghị, vua Thanh không dám xử tội bại tướng họ Tôn. Vua Thanh có thu hồi tước công nhưng vẫn coi Tôn Sĩ Nghị là người “xuất sắc trong hàng tổng đốc” và triệu về kinh cho giữ chức Thượng thư rồi bổ làm tổng đốc Tứ Xuyên; thăng lên tổng đốc Lưỡng Giang.

        Tuy biện bạch nhiều mặt để cứu vớt thể diện của “thiên triều”, nhưng vua nhà Thanh cũng phải công nhận “thế giặc rất dữ dội” và về phía nhà Thanh “chết mất nhiều võ quan cao cấp”, “quốc thể không đến nỗi bị tổn thương, nhưng uy danh lẫm liệt cũng bị sút kém ít nhiều” (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1321 và 1322).

        Trên thực tế, cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Thanh đã bị thất bại hoàn toàn, ý chí xâm lược của kẻ thù đã bị đè bẹp. Vua tôi nhà Thanh lúc này lúc khác còn có những hành động phô trương lực lượng, những lời lẽ đe dọa, nhưng hoàn toàn không dám xâm phạm đến nước ta lần nữa. Phúc Khang An là một đại thần người Mãn Châu được cử xuống làm tổng đốc Lưỡng Quảng thay Tôn Sĩ Nghị là để lo thu xếp việc “giảng hòa” cho ổn thỏa với Quang Trung. Ý đồ đó của vua Thanh được phản ánh kín đáo trong câu nói: “Nước An Nam xưa nay vẫn nhiều lam chướng và dịch tễ, nước độc, khí hậu xấu, thì việc gì còn đem binh mã và tiền lương của thiên triều bỏ phí ở nơi viêm nhiệt hoang vu. Vả lại nếu đem quan quân sang đánh lấy được cả nước thì lại phải phái nhiều binh lính sang để phòng thủ. Dân tình An Nam lại hay phản phúc, những triều đại trước đã từng là quận huyện đất đai của ta không được bao lâu họ lại sinh biến, hiện có những gương tày liếp. Bây giờ ta lấy đất của họ, biết đâu một vài chục năm nữa họ lại chẳng sinh sự. Trẫm đã nghĩ kỹ, thực không nên làm và trẫm đã xuống chỉ bảo cho Phúc Khang An biết... Tóm lại, bây giờ đã không nên đánh thì chi bằng hãy nên khoan hồng một chút để bọn Nguyễn Huệ thành tâm quy thuận...” (Đại Thanh lịch triều thực lục, sách đã dẫn, q. 1323, tr.29).

        Bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Quang Trung Nguyễn Huệ, đã đập tan mộng tưởng cướp nước của nhà Thanh, bán nước của bè lũ Lê Chiêu Thống, giải phóng hoàn toàn kinh thành và đất nước khỏi ách chiếm đóng của nước ngoài giữ vững nền Độc lập Tự do của Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:13:27 am »


*

*        *

        Về căn bản, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Thanh đã kết thúc từ sáng ngày mồng 5 Tết với chiến thắng có ý nghĩa quyết định của trận Ngọc Hồi, Đống Đa (Khương Thượng).

        Mờ sáng ngày hôm đó, sau khi tiêu diệt đồn Đống Đa một cách chớp nhoáng, đạo quân của đô đốc Đông là lực lượng Tây Sơn đầu tiên tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long. Đến trưa, sau khi quét sạch quân Thanh ở mặt trận phía Nam, đạo quân chủ lực của Quang Trung cùng với đạo quân của đại đô đốc Bảo, đội ngũ chỉnh tề, tư thế hiên ngang, tiến vào kinh thành. Từ cửa thành phía nam, Quang Trung thấy lá cờ đỏ bách chiến bách thắng của quân đội Tây Sơn đã tung bay trên bầu trời Thăng Long và đô đốc Đông đem quân ra đón tiếp. Quang Trung trên mình voi chiến, với chiếc áo chiến bào đen sạm khói súng qua những ngày đêm chiến đấu ác hệt, dẫn dầu đoàn quân chiến thắng. Nhân dân kinh thành tràn ngập trong niềm vui khải hoàn, đổ ra chật phố phường hoan nghênh, đón chào người anh hùng vĩ đại của dân tộc vừa lập nên những chiến công thần kỳ.

        Được vinh dự sống những giờ phút lịch sử đó, nhà thơ Ngô Ngọc Du đã ghi lại cảnh chiến thắng huy hoàng trong một bài thơ:

                                   Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng,
                                   Quân vua một giận, oai bốn phương.
                                   Thần tốc ruổi dài xông thẳng tới,
                                   Như trên trời xuống ai dám đương.
                                   Một trận rồng lửa giặc tan tành,
                                   Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh.
                                   Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
                                   Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.
                                   Mây tạnh mù tan trời lại sáng,
                                   Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
                                   Chung vai sát cánh cùng nhau nói
                                   Cố đô vẫn thuộc núi sông ta


        (Ngô Ngọc Du, Long thành quang phục ký thực, bản dịch của Vũ Tuấn Sán, Nghiên cứu lịch sứ số 119, tháng 2 năm 1969, tr.22).

        Như vậy là chỉ trong năm ngày đêm - năm ngày đêm đầu tiên của mùa xuân Kỷ Dậu (1789) kể từ đêm giao thừa đến ngày mồng 5 - quân dân ta đã tốc chiến tốc thắng, đánh tan tành hàng chục vạn quân xâm lược, giành thắng lợi rất nhanh, gọn, triệt để. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến, đã từng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, nhưng cho đến cuối thế kỷ XVIII, chưa có lần nào khi phải đương đầu với hàng chục vạn quân xâm lược mà đánh thắng oanh liệt trong một thời gian ngắn đến như thế. Điều đó càng có ý nghĩa lớn lao khi cuộc kháng chiến chống Thanh diễn ra vào lúc chế độ phong kiến suy tàn, kẻ thù có sẵn chỗ dựa bên trong là bọn phong kiến phản động, và quân xâm lược đã chiếm được kinh thành cùng nhiều vùng rộng lớn chung quanh. Mùa xuân rực rỡ chiến công năm Kỷ Dậu (1789) vì thế đã di vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam như một trong những mùa Xuân kỳ diệu nhất tiêu biểu sức sống phi thường, ý chí kiên cường và năng lực sáng tạo phong phú của dân tộc ta.

        Trong toàn bộ cuộc kháng chiến, chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Da (Khương Thượng) giữ vai trò những trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh yêu nước.

        Nhìn riêng từng hướng tiến công thì trận Ngọc Hồi là trận quyết chiến trên hướng tiến công chủ yếu và trận Đống Đa (Khương Thượng) là trận quyết chiến trên hướng tiến công thứ yếu.

        Với chiến thắng Ngọc Hồi, quân Tây Sơn đã san bằng một cứ điểm kiên cố nhất của địch, đập nát hệ thống phòng thủ chủ yếu ở phía nam Thăng Long, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực tinh nhuệ nhất của địch. Dưới  trướng Tôn Sĩ Nghị, trong bộ chỉ huy đạo quân chủ lực có 5 viên tướng cao cấp cỡ đề đốc và tổng binh thì ba người (một đề đốc, hai tổng binh) đã bị giết chết tại trận Ngọc Hồi. Vua Thanh coi đó là những tổn thất làm “sứt mẻ oai nước tổn hại tướng sĩ” (An Nam quân doanh kỷ yếu, sách đã dẫn, q. 6, tr. 37) và sai đem thờ những viên tướng tử trận đó vào đền Chiêu Trung. Riêng đề đốc Hứa Thế Hanh, vua Thanh coi là một “đề trấn đại viên”, vừa được phong tước tử, nay lại được truy phong tước bá.

        Với chiến thắng Đống Đa, quân Tây Sơn nhanh chóng tiêu diệt một đồn binh quan trọng bảo vệ trực tiếp cửa ô tây - nam thành Thăng Long rồi thừa thắng lao thẳng vào sào huyệt trung tâm của địch.

        Mỗi trận đánh có vị trí và tác dụng trực tiếp của nó, nhưng điều quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng và hỗ trợ đắc lực của hai trận quyết chiến đó đã tạo nên giá trị chiến lược quyết định dối với toàn cục chiến tranh, làm đảo lộn và sụp đổ hoàn toàn, nhanh chóng thế trận của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:14:09 am »


        Trận Ngọc Hồi là trận tiến công chính diện nhằm đập nát vị trí then chốt trong hệ thống phòng thủ cứng rắn phía trước, đồng thời thu hút chủ lực địch và sự chú ý của bộ chỉ huy địch. Trong lúc đó, trận Đống Đa là trận vu hồi, thọc sâu hết sức bất ngờ, đánh thẳng vào một cửa ngõ thành Thăng Long và cũng là chỗ sơ hở, chỗ yếu của địch để trực tiếp uy hiếp bộ chỉ huy đầu não của dịch. Sự phối hợp của hai trận đánh làm cho quân địch bị chia cắt, cô lập không thể ứng cứu được cho nhau và đặc biệt, làm cho Tôn Sĩ Nghị cùng với đạo quân chủ lực, cơ động to lớn của địch, bị lâm vào tình thế bất ngờ, bị động nghiêm trọng không kịp phát huy được tác dụng gì và cuối cùng bị tê liệt tan rã, bỏ chạy tán loạn.

        Mối quan hệ giữa hai trận Ngọc Hồi và Đống Đa nằm trong mối quan hệ giữa chính binh và kỳ binh trong thế trận “chính hợp, kỳ thắng” được Quang Trung vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. Khi tiến vào Thăng Long, gặp đô đốc Đông đem quân ra đón, Quang Trung khen ngợi: “Việc quân cốt ở thần tốc, tướng quân đánh một trận mà thành công, ta đến sau thật là xấu hổ”. Đô đốc Đông trả lời: “Chúa Thượng đem chính binh đánh phía trước, thần đem kỳ binh lẻn đánh phía sau, đang đêm nhân khi giặc không phòng bị mà đánh nên dễ thành công. Vả lại Nghi Đống không phải là người có tài làm tướng. Đánh được địch là nhờ oai linh của chúa Thượng và sự cố gắng của các tướng” (Minh đô sử, sách đã dẫn. q.44. Sách chép đô đốc Long nhưng theo chúng tôi có lẽ là đô đốc Đông). Câu chuyện cho thấy rõ ý đồ và thế trận của Quang Trung cũng như nhận thức sâu sắc của các tướng lĩnh Tây Sơn về vai trò, nhiệm vụ của đạo quân do mình phụ trách trong mối quan hệ hữu cơ giữa chính binh và kỳ binh của một kế hoạch tác chiến thống nhất.

        Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã giáng những đòn quyết định đập tan cuộc chiến tranh xâm lược của quân Thanh, đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù. Chiến thắng lừng lẫy đó biểu thị tập trung tài năng quân sự kiệt xuất của anh hùng Nguyễn Huệ, ý chí quyết chiển quyết thắng và bản lĩnh chiến đấu cao cường của quân đội Tây Sơn, sự tham gia và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.

        Quang Trung Nguyễn Huệ là thủ lĩnh tối cao của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn, là người tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến, lại cũng là người trực tiếp đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, đích thân chỉ huy trận Ngọc Hồi, trận quyết chiến gay go, ác liệt nhất và giữ vai trò định đoạt nhất, Quang Trung đã đưa nghệ thuật thực hành quyết chiến, chiến lược lên một bước phát triển mới với nhiều nét độc đáo sáng tạo. Tuy với lực lượng so sánh chỉ bằng khoảng một phần ba quân địch, nhưng Quang Trung đã sớm tạo nên ưu thế và nhiều mặt, nhanh chóng giành lại quyền chủ động, nắm đúng thời cơ và xác định chính xác hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu, bổ trợ để tạo nên một thế trận hoàn chỉnh, lợi hại, sử dụng binh lực một cách hợp lý với hiệu suất chiến đáu cao nhất. Trong chỉ đạo tác chiến, Quang Trung nêu cao phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh; tận dụng và phát huy cao độ yếu tố bất ngờ.

        Trên hướng tiến công chủ yếu, quân đội Tây Sơn phải san bằng hàng loạt đồn lũy của địch trên một chiến tuyến dài gần 90 ki-lô-mét, mà vẫn bảo đảm tốc độ tiến công trung bình khoảng 18 ki-lô-mét một ngày. Đó là tốc độ đạt mức kỷ lục trong điều kiện và phương tiện giao thông thời bấy giờ. Trận Đống Đa (Khương Thượng) là một trận đánh tiêu diệt nhanh, gọn, chỉ diễn ra trong khoảng từ canh tư sang canh năm. Trận Ngọc Hồi rất quyết liệt cũng chỉ đóng khung trong một buổi sáng. Lối đánh thần tốc của quân Tây Sơn đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, không kịp trở tay đối phó. Chúng nói quân Tây Sơn “ẩn hiện như quỷ thần”, như “ở trên trời xuống”, “ở dưới đất chui lên”; “hành binh như bay, tiến quân rất gấp..., đi lại vùn vụt mau chóng như thần, chống không thể được, đuổi không thể kịp” (Hoàng Lê nhất thống chí, sách đã dẫn, tr. 356, 365, 238).

        Ph. Ăng-ghen có nói rằng: “Cũng giống như trong thương nghiệp có câu “thời giờ là vàng bạc”, trong chiến tranh cũng có thể nói rằng: “thời giờ là bộ đội”” (Ph. Ăng-ghen, Tiến trình cuộc chiến tranh ở Thổ, trích dẫn trong Trích luận văn quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr. 139).

        Sự vận động và cơ động hết sức nhanh chóng của quân đội Tây Sơn là một nhân tố trọng yếu bảo đảm giành thời cơ phát huy sự bất ngờ và bù đắp chỗ yếu về số lượng quân đội.

        Trong toàn bộ diễn biến của cuộc quyết chiến chiến lược, quân địch đã bị đẩy từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ thất bại này đến thất bại khác và cuối cùng bị tiêu diệt hoàn toàn. Những đồn trại từ Gián Khẩu đến Ngọc Hồi lần lượt bị diệt gọn, hết sức bất ngờ trong ba ngày đầu xuân Kỷ Dậu (từ đêm giao thừa đến tối ngày mồng 3). Đồn Ngọc Hồi được chuẩn bị và đề phòng trước, nhưng cũng hoàn toàn bất ngờ trước lối đánh mưu trí, sáng tạo của Quang Trung. Đồn Đống Đa bị tiêu diệt quá nhanh là một tiếng sét đánh không kịp bịt tai đối với Tôn Sĩ Nghị. Những đòn bất ngờ liên tiếp và khủng khiếp dó làm cho viên đại tướng tổng chỉ huy quân Thanh “sợ mất mật”, “bủn rủn cả chân tay” và chỉ còn có cách tháo chạy để lo bảo toàn lấy thân mình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM