Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:21:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc  (Đọc 35716 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:00:09 am »


*

*       *

        Tại căn cứ Ninh Kiều, Phạm Văn Xảo, Lý Triện theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân địch tại Đông Quan và đã nắm được ý đồ của Vương Thông. Bộ chỉ huy nghĩa quân biết rằng "việc binh cốt phải mau chóng như thần, máy then mở đóng, như bánh xe chuyển, như đám mây bay, trong khoảng chốc lát, chợt nóng chợt rét, thay đổi khôn lường" (Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1961, tr. 34) và “phải chế được người chứ không để người chế mình” (Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Toàn tập, đã dẫn, tr. 45). Đạo quân thứ nhất ở Ninh Kiều đang trở thành đối tượng bao vây tiêu diệt của quân địch, nhưng nghĩa quân quyết giành thế chủ động, ngay từ đầu giáng trả địch những đòn đích đáng.

        Giữa ba cánh quân địch thì cánh quân do Vương Thông chỉ huy, đóng ở Cổ Sở là cánh quân chủ yếu, lực lượng tập trung. Cánh quân địch đóng ở Sa Đôi tuy không đông và mạnh lắm, nhưng lại ở vào một vị trí khó tiến công, phía sau có thành Đông Quan án ngữ, phía tây bắc có cánh quân ở Cổ Sở và phía tây - nam có cánh quân ở Thanh Oai yểm trợ. Chỉ có cánh quân địch đóng ở cầu Thanh Oai, binh lực không nhiều lại nằm hơi tách ra về phía tây - nam. Với phương châm "bỏ chỗ vững đánh chỗ hở, tránh chỗ chắc đánh chỗ hư, như thế thì dùng sức có một nửa mà thành công gấp đôi" (Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Toàn tập, đã dẫn, tr. 48). Phạm Văn Xảo, Lý Triện quyết định chọn cánh quân này làm mục tiêu tiến công tiêu diệt đầu tiên.

        Tướng chỉ huy cánh quân địch đóng ở cầu Thanh Oai là Sơn Thọ, Mã Kỳ. Đây là hai viên hoạn quan của nhà Minh đã từng giữ nhiều chức vụ về chính trị và quân sự trong chính quyền đô hộ ở nước ta. Chúng khét tiếng tàn bạo, quỷ quyệt nhưng cũng đã chịu nhiều thất bại cay đắng. Thái giám Sơn Thọ là người đã được triều Minh trao cho trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp để mua chuộc dụ dỗ Lê Lợi - Nguyễn Trãi, nhưng không có kết quả và đã bị khiển trách. "Sơn Tnọ chỉ chuyên việc chiêu phủ, đóng quân ở Nghệ An không chịu đi cứu viện" (Trương Đình Ngọc, Minh sử (q. 324, An Nam truyện). Súc ấn bách nạp bản, Thương vụ ấn thư quán, Thượng Hải, t. III, tr. 3539). Nội quan Mã Kỳ đã từng giữ chức thái biện sứ chuyên việc vơ vét của cải tài nguyên của nước ta. Sử nhà Minh cũng phải thừa nhận: “Mã Kỳ thâm hiểm và tàn bạo, người Giao Chỉ khổ sở vì hắn" (Cốc Ứng Thai, Minh sử ký sự, bản mạt, q. 22). Mã Kỳ đã nhiều lần cầm quân đàn áp nghĩa quân Lam Sơn ở Thanh Hóa, Nghệ An nhưng bị thất bại. Về mặt quân sự, Sơn Thọ, Mã Kỳ là nhưng viên tướng tầm thường, ít năng lực và không chuyên nghiệp.

        Cánh quân địch đóng ở cầu Thanh Oai, quân không nhiều, nhưng chiếm giữ một vị trí bàn đạp quan trọng. Tại vùng này, trước đây quân Minh đã đắp một thành lũy bằng đất gọi là "thành đất Thanh Oai" (Hoàng Minh thực lục.) để bảo vệ mặt tây - nam thành Đông Quan. Thành này do một thiên hộ sở - một đơn vị quân Minh lúc đó, theo phiên chế có 1.120 quân đóng giữ. Theo sử nhà Minh thì một bộ phận của đạo quân Lý Triện đã từng tiến công thành này nhưng bị quân địch do đô đốc Trần Tuấn chỉ huy, đánh lui (Hoàng Minh thực lục. Trong sử nhà Minh, tướng Lý Triện thường được chép là Lê Thiện.). Di tích của thành đất Thanh Oai hiện đang còn. Thành hình vuông, mỗi cạnh khoảng hơn 150 mét. Thành bị phá hủy gần hết để làm ruộng và để đắp đường. Vết tích của những đoạn thành còn lại - đoạn thành phía tây - chỉ còn cao hơn mặt ruộng khoảng 0,6 mét, chân thành rộng khoảng 6 mét (Đoạn thành phía bắc hiện nay trùng với một đoạn đường 71 gặp đưòng 22, chỉ còn lại vết tích một đoạn ngắn ở góc phía đông. Đoạn thành phía tây còn khoảng một nửa. Đoạn thành phía nam và phía đông bị san phẳng, nhưng đến nay nhân dân địa phương vẫn gọi cánh đồng đó là "ruộng đai đấu”). Tài liệu địa lý học lịch sử của ta và truyền thuyết dân gian địa phương đều cho rằng thành này do quân Minh xây dựng và thường gọi là "Ngô binh đấu thành" hay "đấu đong quân” (Đại Nam nhất thống chí chép là "Ngô binh đấu thành", nhân dân dịa phương gọi là "đấu đong quân". Theo truyền thuyết dân gian, quân Minh không những đóng quân ở đây mà còn sử dụng thành hình vuông như cái đấu này để "đong" quân (cho quân vào đầy thành để ước tính quân số) nên gọi là "đấu đong quân". Thực ra quân Minh lúc đó đây đạt tới trình độ tổ chức và biên chế chặt chẽ. "Đấu đong quân" có lẽ dịch chữ "Ngô binh đấu thành", nghĩa là thành hình như cái đấu của quân Ngô (quân Minh)). Hiện nay, thành thuộc địa phận thôn Bình Đà, xã Bình Minh (Thanh Oai, Hà Tây), sát phía nam cống nước của một đoạn sông Đỗ Động - gọi là cừ chợ Tư - chạy qua quốc lộ 22. Như vậy, xưa kia, thành Thanh Oai cũng nằm phía nam cầu Thanh Oai. Cánh quân của Sơn Thọ, Mã Kỳ đóng ở cầu Thanh Oai, tất nhiên cũng sử dụng thành đất này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:01:08 am »

      
        Tiến công vào một khu vực đóng quân của địch có thành lũy làm chỗ dựa, là điều khó khăn và bất lợi choquân ta, nhất là trong hoàn cảnh số lượng quân ta ít hơn quân địch. Do đó Phạm Văn Xảo và Lý Triện tìm cách điều quân địch ra khỏi căn cứ để tiêu diệt bằng lối đánh bất ngờ và bằng chiến thuật mai phục vận động sở trường của nghĩa quân Lam Sơn:

         Lấy ít địch niều, thường dùng mai phục,
         Lấy yếu chống mạnh, hay đánh bất ngờ.

(Nguyễn Trũi, Bình Ngô đại cáo).        

        Ngay sau khi quân địch vừa bố trí xong lực lượng thì từ Ninh Kiều, một bộ phận quan trọng của đạo quân thứ nhất do Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy, đã cấp tốc hành quân đến bố trí một trận địa mai phục tại cánh đồng Cổ Lãm (tức tổng Thắng Lãm, tên nôm là Sốm, nay gồm các xã Phú Lãm, Phú Cường, Văn Khê thuộc Thanh Oai, Hà Tây) trên đường từ cầu Thanh Oai đi Ninh Kiều và về Đông Quan.

        Đây là một cánh đồng thấp, có "ruộng nước, bùn lầy" (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, t. III, tr. 25) như sử cũ mô tả. Nói chung, địa hình ở vùng này thấp dần từ nam lên bắc. Phía bắc cánh đồng Cổ Lãm lúc đó có cầu Ba La (phía nam phố Ba La - quãng ngã ba đường số 6 và đường số 22 ngày nay - độ 50 mét, thuộc địa phận xã Văn Khê, Thanh Oai, Hà Tây), là vùng đầm lầy. Cánh đồng Cổ Lãm trải ra hai bên con đường cái Thanh Oai, Ninh Kiều, Đông Quan. Giữa cánh đồng, đây đó có một số gò đất cao. Hai bên đường có xóm làng. Địa hình tuy trống trải nhưng lại rất lợi để đánh bất ngờ, tiêu diệt bộ binh và kỵ binh đang vận động của địch.

        Quân ta khéo léo lợi dụng mọi điều kiện tự nhiên và nhân tạo để mai phục sẵn hai bên đường phía dưới cầu Ba La. Quân và voi của ta giấu mình trong các xóm làng bên đường và sau những gò đất cao giữa đồng. Lúc bấy giờ là đầu tháng 11. Nhân dân đã gặt hái xong nhưng rạ mới cất còn chụm thành từng cụm để phơi giữa đồng. Theo truyền thuyết dân gian xã Phú Lãm, Phú Cường thì nghĩa quân còn lợi dụng cả những cụm rạ đó để ngụy trang, giấu quân ngay giữa cánh đồng và bên cạnh đường cái.

        Sau khi trận địa mai phục bố trí xong, khoảng trưa ngày 5 tháng 11 năm 1426, một bộ phận khác của đạo quân thứ nhất, có thể do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy, công kích mạnh vào cánh quân Sơn Thọ, Mã Kỳ ở cầu Thanh Oai.

        Quân địch mới xuất quân, đang lúc hung hăng, muốn tìm quân ta để tiêu diệt, Sơn Thọ, Mã Kỳ vốn rất cay cú vì thua trận nhiều lần và bị nhà Minh khiển trách, đang mong có cơ hội để lập công chuộc tội. Thấy quân ta ít, chúng liền tung quân ra đuổi đánh.

        Quân ta giả vờ thua trận, vừa đánh vừa rút chạy về phía bắc để dử quân địch vào bẫy mai phục đã giương sẵn ở Cổ Lãm. Sơn Thọ, Mã Kỳ đang bị quân ta điều động đến chỗ chết mà không biết. Thấy quân ta thua chạy, chúng càng đuổi theo ráo riết.

        Chờ khi quân địch đuổi đến cầu Ba La, nghĩa là đại bộ phận đã lọt vào trận địa mai phục, phục binh của ta mới nổi lên, đánh tạt ngang vào hai bên sườn đội hình vận động của địch. Quân địch bị đánh bất ngờ, người và ngựa lại bị sa lầy nên không thể nào chống đỡ được. Quân ta tiêu diệt trên 1.000 tên tại trận. Sơn Thọ, Mã Kỳ hốt hoảng không dám trở lại vị trí cầu Thanh Oai. Chúng tháo chạy về thành Đông Quan.

        Quân ta thừa thắng, đuổi địch đến tận cầu Nhân Mục, tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch và bắt sống được hơn 500 tên. Mô tả thắng lợi của cuộc truy kích đó, sử ta chép: quân ta “đuổi mãi đến cầu Nhân Mục. Xác quân giặc chết ngổn ngang đến vài mươi dặm, bắt sống được hơn 500 tên”(Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, t. III, tr.25) và “Mã Kỳ chỉ kịp một người một ngựa trốn về Đông Quan" (Việt sử thông giám cương mục, bản dịch đã dẫn, t. VIII, tr. 29).

        Đuổi đến cầu Nhân Mục, nghĩa quân đã tiến sâu vào phía sau cầu Sa Đôi nơi đóng quân của Phương Chính, Lý An. Ý định của Lý Triện là "muốn chặn đánh dinh sau của Phương Chính” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, t. III, tr.25) nghĩa là bất ngờ đánh úp vào phía sau doanh trại của địch ở cầu Sa Đôi. Cuộc truy kích kiên quyết và táo bạo của quân ta không phải chỉ nhằm thừa thắng tiêu diệt thêm cánh quân Sơn Thọ, Mã Kỳ, mà còn nhằm thọc sâu vào phía sau đề tập kích cánh quân Phương Chính, Lý An. Điều đó càng chứng tỏ ý chí chiến đấu ngoan cường, tinh thần chủ động tiến công và quyết tâm cao độ của quân ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:02:14 am »


        Phương Chính, Lý An vừa từ thành Nghệ An bị quân ta vây hãm, theo lệnh Trần Trí, rút về Đông Quan.

        Phương Chính giữ chức đô đốc, đã nhiều lần đàn áp đẫm máu những cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta, nhưng cũng đã bị nghĩa quân Lam Sơn đánh thua nhiều trận ở Thanh Hóa, Nghệ An. Nguyễn Trãi đã từng tố cáo và lên án nhưng tội ác tày trời của tên tướng hung tàn này: "Bảo cho mày giặc dữ Phương Chính biết: Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng giúp thêm. Nay bọn mày chỉ chuyên lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương. Việc ấy trời đất không dung, thần người đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua” (Nguyễn Trãi, Quân trung từ mệnh tập, bản dịch đã dẫn, tr. 21, Toàn tập, đã dẫn, tr. 92-93). Do những thất bại nặng nề ở Nghệ An, năm 1425 Phương Chính bị gọi về triều, bị khiển trách nhưng rồi vẫn cho giữ chức đô đốc để lập công chuộc tội. Khi Vương Thông sang giữ chức tổng binh thì Phương Chính cũng như Trần Trí, bị lột hết chức tước, giáng xuống làm sự quan. Theo chế độ của nhà Minh, sự quan là người bị tội bị cách chức nhưng vẫn cho đi đánh trận để lập công chuộc tội. Minh sử nhận định: "Phương Chính dũng cảm nhưng ít mưu lược” (Trương Đình Ngọc, Minh sử (q. 321, An Nam truyện, sách đã dẫn, t. III, tr. 3539).

        Lý An tước An Bình Bá, năm 1425 được triều Minh cử sang làm tham tướng giúp tổng binh Trần Trí. Nhưng do những thất bại ở Nghệ An và vùng ngoại vi thành Đông Quan, Lý An cũng bị cách chức, giáng xuống làm sự quan.

        Giao cho hai viên tướng vừa bị cách chức chỉ huy cả một cánh quân, Vương Thông muốn lợi dụng tâm lý nóng lòng lập công chuộc tội của chúng để phục vụ cuộc phản công của hấn. Nhưng mặt khác, điều đó cũng chứng tỏ cánh quân của Phương Chính, Lý An không phải là một mũi tiến công quan trọng lắm.

        Tại cầu Sa Đôi, Phương Chính, Lý An chăm chú theo dõi sự tiến triển của cuộc phản công. Điều hoàn toàn bất ngờ đối với chúng là vừa ra quân, cánh quân Sơn Thọ, Mã Kỳ đã bị thất bại thảm hại ở Cổ Lãm và đang tháo chạy tán loạn về Đông Quan. Như vậy là mũi tiến công phía tây - nam bị bẻ gãy và vị trí cầu Sa Đôi bị đe dọa trực tiếp. Phương Chính, Lý An tuy muốn lập công chuộc tội đối với triều đình nhà Minh, nhưng đã trải qua nhiều thất bại ở nước ta và đã biết được sức mạnh cùng với tinh thần chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Từ bất ngờ đến khiếp sợ và hốt hoảng, Phương Chính vội ra lệnh bỏ vị trí cầu Sa Đôi, rút quân về Đông Quan để tránh đòn tiến công của quân ta.

        Vì vậy khi quân ta từ cầu Nhân Mục định thừa cơ đánh úp vào phía sau doanh trại của địch ở cầu Sa Đôi thì "trước đó (Phương) Chính đã rút đi rồi” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, t.III, tr. 25).

        Lúc bấy giờ trời đã tối. Quân ta trở về căn cứ Ninh Kiều để tiếp tục chuẩn bị trận chiến đấu mới.

        Chỉ trong buổi chiều ngày 5 tháng 11, quân ta đã giành được nhiều chiến thắng giòn giã. Bằng trận Cổ Lãm với nghệ thuật mai phục và điều động địch đạt đến mức điêu luyện, quân ta đã đập nát một cánh quân của địch. Cuộc truy kích tiếp theo đó đã có tác dụng phát huy đến cao độ thắng lợi của trận Cổ Lãm. Như Ph.Ăng-ghen đã nhận định về mặt lý luận: "Kết quả chiến thắng thường thường thu được khi truy kích địch... Mặt khác, mức độ hoàn hảo của thắng lợi cũng do sự dũng mãnh của truy kích, năng lực truy kích quyết định” (Ph. Ăng-ghen, Quân Áo rút về sông Min-xi-ô, trong Trích luận văn quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr. 141-142). Cuộc truy kích mãnh liệt của nghĩa quân Lam Sơn do Lý Triện chỉ huy đã dẫn đến kết quả không những tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch mà còn buộc cả một cánh quân địch đóng ở Sa Đôi phải bỏ vị trí rút chạy.

        Quân địch vừa ào ạt ra quân và bố trí xong lực lượng thì trong khoảng chốc lát, hai mũi tiến công đã bị bẻ gãy và hàng nghìn quân địch bị tiêu diệt. Thế trận của địch vừa bày xong đã bị phá sản. Kế hoạch phản công chiến lược của Vương Thông vừa thực hiện đã bị những đòn đánh trả đầu tiên.

        Với những thắng lợi trên đây, quân dân ta đã giữ vững được thế chủ động tiến công và dồn quân địch vào thế bị động đối phó. Âm mưu của Vương Thông nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược bước đầu bị thất bại. Chiến thắng Cổ Lãm cổ vũ mạnh mẽ quân dân ta thừa thắng xốc tới giành những thắng lợi mới lớn hơn nữa rồi tiến lên làm thất bại toàn bộ cuộc phản công quy mô lớn của quân địch. Cuộc chiến đấu còn rất khẩn trương và ác liệt, nhưng trận Cổ Lãm đã mở đường cho quân dân ta đi đến những thắng lợi có ý nghĩa quyết định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:03:03 am »

       
*

*       *

        Vừa mới hùng hổ ra quân, trong một buổi chiều, hai cánh quân địch đã bị thất bại, phải bỏ trận địa chạy thảm hại về Đông Quan. Thế trận ba mũi tiến công và vây quét của Vương Thông bị sụp đổ. Đó là điều bất ngờ và cay cú đối với hắn - một tướng lĩnh cao cấp của triều Minh vừa mới nhậm chức tổng binh và trực tiếp chỉ huy cuộc phản công lớn với binh lực gần 10 vạn quân.

        Vương Thông xuất thân trong một gia đình võ tướng. Cha là Vương Chân giữ chức đô chỉ huy sứ rồi thăng lên đến chức đô đốc thiêm sự. Cha chết trận, Vương Thông được phong tước Vũ Nghĩa bá. Năm 1413 hắn được phong tước Thành Sơn hầu và năm 1424 được phong thêm Thái tử thái bảo. Năm 1426, Thái tử thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông được vua Minh cử làm Chinh di tướng quân, đem quân sang tiếp viện và giữ chức tổng binh thống lĩnh toàn bộ quân Minh ở nước ta. Con đường công danh của hắn nói chung rất thuận lợi và đang mở rộng trước mắt.

        Thế mà sau năm ngày đặt chân lên cái đất nước nhỏ bé ở phương Nam này, Vương Thông đã bị những đòn phủ đầu bất ngờ. Hàng nghìn quân bị tiêu diệt ở Cổ Lãm – Nhân Mục so với 10 vạn quân, tỷ lệ chưa đáng kể lắm. Binh lực của hắn nói chung chưa bị hao tốn nhiều. Nhưng cả kế hoạch hành quân của hắn rõ ràng bị đảo lộn. Vương Thông không dám chủ quan, khinh địch như trước và tỏ ra thận trọng hơn trong việc đánh giá lực lượng quân ta. Hắn đành phải xóa bỏ thế trận cũ, nhưng vẫn quyết tâm tiếp tục cuộc phản công, mưu tính một kế hoạch mới bảo đảm chắc thắng hơn.

        Ngay tối ngày 5 tháng 11, Vương Thông đã nhanh chóng hội quân về bến Cổ Sở. Hai cánh quân của Sơn Thọ - Mã Kỳ và Phương Chính - Lý An vừa về đến Đông Quan thì được lệnh gấp rút kéo lên Cổ Sở.

        Tập trung trên 9 vạn quân lại thành một khối lớn đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình, Vương Thông trước hết muốn ngăn ngừa sự tiến công bất ngờ của quân ta và tránh tình trạng phân chia làm nhiều khối dễ có nguy cơ bị tiêu diệt từng bộ phận nhu kế hoạch hành quân cũ. Tại Cổ Sở, Vương Thông ra lệnh canh phòng nghiêm ngặt, đề phòng mọi cuộc tập kích của quân ta. Trên các ngả đường dẫn đến khu vực đóng quân ở Cổ Sở, hắn bố trí quân mai phục sẵn phía ngoài doanh trại. Qua trận Cổ Lãm, hắn biết quân ta có những con voi chiến lợi hại. Hắn sai quân lính lấy tre đan thành những lá chắn phía trong cài chông sắt để sẵn sàng chống lại voi chiến của ta.

        Cổ Sở là một làng thành lập từ lâu đời bên bờ sông Đáy. Vào đời Lý. vua nhà Lý đã có lần đi chơi thuyền qua bến Cổ Sở. Vào đời Trần, dân làng Cổ Sở đã hai lần anh dũng đánh tan những toán giặc Mông - Nguyên định vào cướp phá thôn xóm (Sự kiện này được ghi rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư (q. 1, tờ 8b, bản dịch, t. I, tr. 195), Việt điện u linh tập (thần tích Lý Phục Man), bia Cổ tích thánh Giá do Nguyễn Tuấn Ngạn soạn đời Cảnh Trị (1663-1671) và còn lưu truyền phổ biến trong nhân dân địa phương). Làng Cổ Sở xưa kia bao gồm cả hai xã Yên Sở và Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Tây) hiện nay và có tên nôm là làng Giá. Do đó, các đình, chùa, quán ở đây đều mang tên là đình Giá, chùa Giá, quán Giá. Đình và quán thờ Lý Phục Man - người anh hùng địa phương đã tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bôn vào thế kỷ VI. Hội Giá cũng là một hội lớn, có tiếng ở vùng này. Nhân dân đến nay vẫn thường hát:

                                                    Bơi Đăm, rước Giá, hội chùa Thầy
                                                    Vui là vui vậy chẳng tày giã La.


        (Đăm thuộc Từ Liêm, thường tổ chức bơi chải. Hội Giá thường tổ chức đám rước lớn Chùa Thầy thuộc Quốc Oai, Hà Tây. Giã La có người cho là giã đám làng La (xã Văn Khê, Hoài Đức, Hà Tây)).

        Hiện nay, làng Giá cách sông Đáy khoảng hơn 1 ki-lô-mét. Nhưng các cụ già địa phương cho biết, trước đây không lâu, sông chảy qua sát làng và bến Giá - tức bến Cổ Sở ở vào khoảng giữa đình Giá và quán Giá hiện nay (xã Yên Sở). Vết tích của dòng sông Đáy xưa và bến Giá cũ còn có thể xác định được qua các địa danh như xóm Bến (trước quán Giá), đường bến Giá (con đường từ đình Giá đến quán Giá), cống Khẩu (gần quán Giá, xưa là cửa ngòi thông với sông Đáy)... Còn bãi đất do sông Đáy mới bồi lên, ở khoảng giữa làng và sông hiện nay, gọi là bãi non hay bãi Tân Bồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:04:12 am »


        Vương Thông tập trung trên 9 vạn quân về bến Cổ Sở. Với một khối lượng quân lớn như vậy, tất nhiên bọn chúng không phải chỉ đóng ở bến sông mà cả vùng Cổ Sở. Quân địch chiếm lĩnh và chế ngự những con đường thủy bộ quanh vùng này: đường sông Đáy, đường bộ về Đông Quan, đường bộ men theo bờ sông Đáy xuống Ninh Kiều. Khi mới từ Đông Quan ra chiếm lĩnh bàn đạp này, Vương Thông đã cho bắc cầu phao qua bến Cổ Sở để tiện đi lại. Có thể một bộ phận quân địch đóng ở đầu cầu phao bên kia vừa để bảo vệ khu vực đóng quân, vừa để sẵn sàng vận động theo con đường ven bờ sông Đáy xuống Ninh Kiều.

        Âm mưu mới của Vương Thông là từ Cổ Sở, bằng một binh lực tập trung áp đảo quân ta, sẽ mở một cuộc công kích lớn vào căn cứ Ninh Kiều vừa nhằm tiêu diệt quân ta, vừa đánh thông con đường tiến vào Thanh Hóa. Trước mắt, Ninh Kiều vẫn là mục tiêu chủ yếu trong kế hoạch phản công của Vương Thông.

        Tại căn cứ Ninh Kiều, quân ta bám sát mọi hành động của quân địch, luôn luôn nắm vững tình hình để kịp thời hành động. Không để cho quân địch chủ động tiến công, ngay sáng ngày hôm sau - ngày 6 tháng 11 - một bộ phận nghĩa quân do Lý Triện chỉ huy, từ Ninh Kiều tiến lên, bất ngờ tập kích vào doanh trại ngoại vi của địch ở Cổ Sở.

        Sử cũ của ta mô tả trận đánh như sau “Ngày 7, Lê Triện đánh Vương Thông ở các xứ trại ngoài Cổ Sở. Bấy giờ giặc đã phục binh sẵn, đan tre làm lá chắn, bên trong cài chông sắt, giả cách bỏ lá chắn chạy, voi của ta giẫm lên trúng phải chông sắt. Quân (ta) thất lợi phải lui một chút” (Đại Việt sử ký toàn thư (q.10, tờ 22a), bản dịch đã dẫn, t.III, tr.25. Ngày 7 tháng 10 năm Bính Ngọ tức là ngày 6 tháng 11 năm 1426. Lý Triện được ban họ vua - họ Lê Lợi - nên sử cũ thường chép Lê Triện). Cách ghi chép không rõ ràng đó đã làm cho có người cho rằng cuộc tập kích thất bại.

        Đội quân của Lý Triện là bao nhiêu, không có tài liệu nào chép rõ, nhưng chắc chắn không nhiều. Đó là một đội quân tinh nhuệ, có voi chiến, nhưng số lượng không đông. Với một lực lượng như vậy, quân ta không có ý định "bổ vây”  (Việt sử. thông giám cương mục (q. 13, tờ 28, bản dịch, t.VIII, tr.796) chép: quân Lý Triện "bổ vây quân Thông” là không có căn cứ) hay tiến công tiêu diệt một căn cứ tập trung hàng vạn quân địch. Đây chỉ là trận đột nhập vào một số doanh trại phía ngoài của địch nhằm mục đích thăm dò, khiêu khích, tích cực quấy phá, tiêu hao địch.

        Quân ta chiến đấu dũng cảm nhưng quân địch không bị bất ngờ. Chúng đã bố phòng và chuẩn bị trước nên vừa đánh vừa giả thua, vứt bỏ những lá chắn cắm chông sắt ra giữa đường. Voi chiến của ta giẫm phải chông sắt, không tiến lên được. Đồng thời quân địch tổ chức phản kích, đánh lại quyết liệt. Sau một thời gian chiến đấu, quân ta rút lui.

        Trong trận tiến công này, quân ta có bị thiệt hại về người và voi nhưng không thể coi là thất bại, vì mục đích đề ra đã đạt được. Trận đánh cho thấy quân địch tỏ ra thận trọng và chuẩn bị chu đáo hơn. Ngay khi quân ta rút lui Vương Thông cũng không cho truy kích vì sợ lọt vào ổ phục kích của ta như trận Cổ Lãm ngày hôm trước. Để bảo đảm thắng lợi, hắn sẽ huy dộng toàn bộ lực lượng, từ Cổ Sở tiến thẳng xuống Ninh Kiều.

        Lúc bấy giờ, Ninh Kiều là một vị trí xung yếu phía tây - nam thành Đông Quan. Ninh Kiều nằm trên hai con đường giao thông thủy bộ quan trọng ở vùng này: đường sông Đáy và đường "thượng đạo" hay "lai kinh" từ Đông Quan vào Thanh, Nghệ.

        Ninh Kiều hay cầu Ninh vốn là cầu bắc qua sông Ninh - tức sông Đáy chảy qua vùng này (Hoàng Minh thực lục, An Nam khí thủ bản mạt chép rõ: Vương Thông đóng quân ở Ninh Kiều rồi ra lệnh cho quân “qua cầu”). Cầu đó không còn nữa những vị trí của nó ở vào khoảng bến đò Ninh, giữa xã Biên Giang (huyện Thanh Oai, Hà Tây) và xã Ngọc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Tây) ngày nay (Việt sử thông giám cương mục (q. 13, tờ 26b, bản dịch, t. VIII, tr. 797) chú thích: Ninh Kiều ở phía tây phủ Giao Châu. Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội, q. 18, bản dịch, t. III, tr. 185 xác định: Ninh Kiều ở "địa giới sông Bùi, huyện Chương Đức”. Yamamoto Tatsuro trong An Nam sử nghiên cứu (Tokyo 1950, t. I, tr. 694) chỉ định Ninh Kiều là vùng cửa Khè, tức cửa Đầm Rót đổ vào sông Bùi. Chúng tôi đã xác định lại vị trí Ninh Kiều trong bài Chiến dịch Tốt Động - Chúc Động, một chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn, Nghiên cứu lịch sử, số 121, tháng 4 năm 1969, tr. 22-23.). Xưa kia sông Ninh (sông Đáy) chảy sát dưới chân núi Ninh (thuộc xã Ngọc Sơn, Chương Mỹ). Vết tích của dòng sông cũ là những đoạn sông cụt hiện nay như vực Ninh, sông Lấp (hay sông Trước), sông Soi (hay sông Sau). Một vài đoạn đê của dòng sông cũ dó đến nay vẫn còn. Con đường cái xưa kia đường "thượng đạo" hay đường "lai kinh" - không phải qua sông Đáy ở đập Đáy như quốc lộ số 6 hiện nay. Con đường cũ men theo tả ngạn sông Đáy cũ tức đoạn sông Lấp, rồi qua sông ở bến đò Ninh (nay là vực Ninh) ngay dưới chân núi Ninh. Đại Nam thất thống chí (tỉnh Hà Nội, q. XIII) biên soạn đời Nguyễn, còn chép bến đò Ninh Sơn này trong số các bến đò ngang của sông Đáy. Con đường cũ đi qua bến đò Ninh này hiện nay vẫn còn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:04:33 am »


        Sau trận Ninh Kiều ngày 13 tháng 9, đạo quân của Phạm Vãn Xảo, Lý Triện đã chiếm cứ vùng Ninh Kiều và lập doanh trại ở phía tây Ninh Giang tức vùng Ninh Sơn (xã Ngọc Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây) ngày nay (Theo thần tích Lý Triện ở đình Chợ (xã Đồng Mai, Thanh Oai, Hà Tây) và đình Yên Duyệt xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Tây) soạn năm Kỷ Tỵ Hồng Thuận 11 (năm 1505 thì Lý Triện đóng doanh trại tại Ninh Kiều thuộc “giang phận Ninh Sơn” (xem Hà Đông tỉnh, Chương Mỹ huyện thần tích).

        Từ Cổ Sở tiến xuống Ninh Kiều, Vương Thông nuôi tham vọng sẽ dùng binh lực tập trung lớn gấp bội lần quân ta để càn quét khu căn cứ, tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Nhưng khi đến Ninh Kiều thì hắn không thấy bóng một nghĩa quân nào ở đấy nữa. Quân ta đã hủy bỏ doanh trại rút đi nơi khác. Phía tây Ninh Kiều - khu doanh trại cũ của nghĩa quân - là một vùng núi rừng hiểm trở. Ở đây có núi Ninh, núi Chúc, núi Ngọc Giả, có rừng cây rậm rạp. Con đường "lai kinh" chạy men theo chân núi. Chính tại vùng này, tháng trước, đạo quân Minh do tổng binh Trần Trí chỉ huy, đã lọt vào trận địa mai phục của quân ta và bị tiêu diệt trên 2.000 tên. Trước một địa hình lợi hại và hành động rút lui bất ngờ của quân ta, Vương Thông không khỏi băn khoăn, dè dặt. vồ hụt mồi, hắn phải hạ lệnh tạm thời đóng quân lại ở phía đông Ninh Kiều để do thám hoạt động của quân ta. Trong lúc đó, quân ta đã an toàn và chủ động rút về Cao Bộ để "giữ nơi hiểm yếu”.

        Như vậy là bằng trận tập kích doanh trại địch ở Cổ Sở và tiếp theo, bằng cuộc rút khỏi Ninh Kiều, quân ta đã đặt quân địch vào một tình thế bất ngờ, bị động. Đây lại là một thắng lợi mới của lối đánh mưu trí của nghĩa quân Lam Sơn.

        Cả một khối lớn quân địch đang ở thế hung hăng tiến công hòng tiêu diệt căn cứ quân ta, bỗng nhiên phải dừng lại và trú quân ở một nơi không có doanh trại, thành lũy.

        Mục tiêu tiến công biến mất? Đối phương rút đi đâu? Có ý đồ gì? Biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu óc bọn tướng giặc. Vương Thông lại một lần nữa phải bị động thay đổi kế hoạch tiến công.

        Trong bộ chỉ huy quân địch có kẻ tỏ ra hoang mang, lo lắng. Một số tướng giặc hết sức can ngăn Vương Thông không nên chủ quan, vội vàng: "Các tướng nói rằng chỗ này hiểm ải,nên đóng trại lại để xem thế giặc, chưa nên khinh tiến"(Hoàng Minh thực lục, trích dẫn trong An Nam nghiên cứu, sách đã dẫn, tr. 701; An Nam khí thủ bản mạt, q. 2, tờ 71b.). Binh bộ thượng thư Trần Hiệp cũng cho rằng: “Chỗ này địa thế hiểm trở sợ có phục binh, nên đóng quân lại cho đi do thám" (Trương Đình Ngọc, Minh sử, sách đã dẫn, t. II, tr. 1622.). Với cương vị tham tán quân vụ, Trần Hiệp đã "bàn lợi hại tjà trình bày phương lược, nhưng Vương Thông không nghe" (Bài văn bia ở mộ Trần Hiệp do Tăng Khải soạn, chép lại trong Hiển trưng lục, t. XV, q. 38, tờ 21).

        Vương Thông tỏ ra dè dặt, thận trọng khi hạ lệnh tạm đóng quân lại ở phía dông Ninh Kiều, không dám cho quân xông xáo ngay vào khu doanh trại cũ của quân ta ở phía tây Ninh Kiều. Nhưng hắn rất cay cú và với một binh lực trên 9 vạn quân trong tay, hắn vẫn quyết tâm tiếp tục truy lùng quân ta để tiêu diệt bằng được. Bất chấp ý kiến của Trần Hiệp và các tướng, hắn một mặt phái quân đi do thám, mặt khác ra lệnh chuẩn bị để sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành quân.

        Bấy giờ tại căn cứ mới Cao Bộ, quân ta vẫn tiếp tục theo dõi chặt chẽ từng hành động của kẻ thù và gấp rút chuẩn bị bước vào trận quyết chiến nhằm đập tan cuộc phản công của Vương Thông.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:05:24 am »


*

*        *

        Đinh Lễ, Nguyễn Xí đang giấu quân ở Thanh Đàm, ngay tối ngày 6 tháng 11, đem 3.000 quân và 2 voi chiến đến hội quân với Phạm Văn Xảo , Lý Triện tại Cao Bộ. Các tướng chỉ huy hai đạo này đã phối hợp với nhau từ trước và giữ liên lạc thường xuyên với nhau để kịp thời hành động và ứng phó với mọi tình thế. Đinh Lễ, Nguyễn Xí di chuyển quân vào lúc ban đêm để giữ bí mật hành quân và tăng cường lực lượng cho quân ta dúng lúc, đúng chỗ. Quân ta tập trung nhanh chóng, khẩn trương để chuẩn bị một thế trận mới, giáng cho kẻ thù đòn thất bại quyết định.

        Cao Bộ tên nôm là làng Bụa, nay thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (Việt sử thông giám cương mục (q. 13, tờ 31a; bản dịch, t. VIII, tr. 801) chú thích: Cao Bộ là tên xã, nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội. Căn cứ vào tài liệu đó, người ta xác định Cao Bộ là một xã thuộc tổng Đông Dương trước đây, ở về tả ngạn sông Đáy nay thuộc xã Cao Viên, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây. Chúng tôi đã xác định lại vị trí này trong Nghiên cúu lịch sử số 121, tháng 4 năm 1969, tr. 21-22.). Đây là một vùng đồi cao, cây cối rậm rạp, xen giữa là những dọc ruộng sâu. Vùng đồi rừng này lại tiếp giáp với những núi rừng trùng diệp thuộc tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình. Địa thế vùng Cao Bộ rất hiểm yếu.

        Cao Bộ cách Ninh Kiều khoảng 8 ki-lô-mét. Từ Ninh Kiều lên Cao Bộ lúc đó có hai con đường thuận lợi nhất:

        Con đường chính là theo đường "thượng đạo" hay "lai kinh", từ Ninh Kiều qua Chúc Sơn (xã Ngọc Sơn), Tốt Động (xã Tốt Động) đến Yên Duyệt (xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Tây) rồi lên Cao Bộ.

        Con đường thứ hai là "đường tắt" (gián đạo) từ Ninh Kiều qua Chúc Sơn rồi theo con đường ngày nay là quốc lộ số 6 đến khoảng Đại ơn (xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ, Hà Tây) rẽ xuống Cao Bộ (Ngoài hai con đường trên, còn có một con đường thứ ba không thuận lợi. Đó là con đường từ Ninh Kiều qua Quảng Bị (theo đường 21b ngày nay) rồi theo ven sông Bùi qua Tốt Động, Yên Duyệt lên Cao Bộ. Trước khi Quảng Bị trở  thành huyện lỵ, con đường này hẹp, thấp, đi vòng và chạy giữa cánh đồng chiếm lầy lội, rất khó hành quân.).

        Cao Bộ cách đường "lai kinh" chạy qua vùng Tốt Động, Yên Duyệt chỉ khoảng 3 ki-lô-mét. Đóng quân ở Cao Bộ, nghĩa quân vẫn khống chế được con đường mà Vương Thông định dùng để tiến quân vào Thanh, Nghệ.

        Sau khi dò biết căn cứ mới của quân ta, Vương Thông nhất định sẽ mở cuộc tiến công lên Cao Bộ để thực hiện kế hoạch phản công chiến lược của hắn mà bước thứ nhất là tiêu diệt lực lượng quân ta ở vùng này và mở thông đường vào Thanh, Nghệ. Từ Ninh Kiều muốn đánh lên Cao Bộ, quân địch phải hành quân theo cả hai hoặc một trong hai con đường trên đây. Chính trên những hướng đó, quân ta sẽ chọn những địa hình có lợi nhất dể mai phục nhằm tiêu diệt quân địch dang vận động.

        Rút về Cao Bộ, các tướng lĩnh ta không phải chỉ "thu quân giữ nơi hiểm yếu” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, t . III, tr. 25) mà còn nhằm dử địch vào một địa bàn mới, buộc chúng phải hành quân theo những con đường do ta quy định rồi sẽ bị dồn vào những trận địa mai phục do ta chọn và bố trí sẵn. Cuộc rút lui từ Ninh Kiều lên Cao Bộ thật là mưu trí. Chỉ bằng cuộc hành quân dó, quân ta không những thoát khỏi thế bị vây quét nguy hiểm, đẩy địch vào thế bị động mà còn sáng tạo ra những điều kiện mới rất lợi hại, bảo đảm cho quân ta giữ vững quyền chủ động tiêu diệt địch trong trận quyết chiến sắp tới.

        Bằng nhiều hoạt động do thám, điều tra, bộ chỉ huy quân ta luôn luôn nắm chắc tình hình và ý đồ quân địch. Quân ta còn bắt được "gián điệp" của địch. Qua lời khai của tù binh, các tướng lĩnh càng biết rõ ý định, kế hoạch tác chiến cụ thể và cả tín hiệu công kích của Vương Thông (Về vấn đề này, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép vắn tắt như sau: “Bắt được gián điệp của giặc, hỏi biết là giặc muốn đặt súng lớn (pháo) đằng sau quân ta" (q. 10, tờ 22a - 22b; bản dịch, t. III, tr. 25. Việt sử thông giám cương mục chép rõ hơn: "Bắt được gián điệp của địch, ta biết Thông đã đến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh đi rảo đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông thì sẽ qua sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau rằng hễ nghe nổ pháo thì các đạo quân địch đồng thời đánh khép lại" (q. 3, tờ 28b; bản dịch, t. VIII, tr. 799). Lê triều thông sử (phần đế kỷ và liệt truyện) chép tương tự như Đại Việt sử ký toàn thư). Tên tù binh này có lẽ là một tên tướng hay ít ra cũng là một người thân cận của bọn tướng Minh mới biết được những điều cơ mật như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:05:49 am »


        Tại Ninh Kiều, Vương Thông đã nhanh chóng phát hiện ra căn cứ mới của quân ta ở Cao Bộ. Hắn dự định sẽ chia quân làm hai cánh đánh lên Cao Bộ.

        Cánh đại quân gọi là "chính binh", do Vương Thông đích thân chỉ huy. Từ phía đông Ninh Kiều, cánh quân này sẽ qua cầu sông Đáy, theo đường cái - tức đường "lai kinh" đàng hoàng tiến thẳng đến trước mặt quân ta ở Cao Bộ.

        Cánh quân thứ hai gọi là "kỳ binh", theo đường tắt tức con đường thứ hai từ Ninh Kiều đến Cao Bộ đã mô tả ở trên - lẻn đến phía sau quân ta.

        Cánh kỳ binh tuy quân số không nhiều nhưng là lực lượng tinh nhuệ, cơ dộng, gồm nhiều kỵ binh và được trang bị nhiều hỏa pháo. Cánh quân này sẽ bí mật “đặt súng (pháo) đằng sau quân ta" và khi thời cơ đến, sẽ “nổ súng" (pháo) làm tín hiệu để cùng với chính binh mặt trước mặt sau “đồng thời đánh khép lại". Thế trận đó trong binh pháp nổi tiếng của Tôn Tử gọi là "dĩ chính hợp, dĩ kỳ thắng", nghĩa là dùng chính binh thu hút đối phương về mặt trước đề kỳ binh lao tới mặt sau, bất ngờ giáng đòn quyết định, giành thắng lợi. Đây là một thế trận mới mà Vương Thông gửi gắm vào đó tất cả quyết tâm và tin tưởng của mình. Với binh lực áp đảo đối phương và với thế trận lợi hại như vậy, viên tướng tổng chỉ huy quân Minh nắm chắc thắng lợi trong tay.

        Tài liệu khai thác của tù binh hoàn toàn phù hợp với sự phán đoán và dự kiến của quân ta khi rút về Cao Bộ. Trên cơ sở đó, bộ chỉ huy quân ta kịp thời đề ra một kế hoạch mai phục với quyết tâm phát huy tất cả sức mạnh của mình giáng một đòn tiến công mạnh nhất, hiểm nhất, giành thắng lợi quyết định cho ta.

        Hai đạo quân Lam Sơn đã kịp thời tập trung về Cao Bộ, nhưng về số lượng vẫn ít hơn hẳn quân địch. Quân Minh có trên 9 vạn trong lúc quân ta chưa kể dân binh, có thể tăng lên khoảng 1 vạn. Quân ta bước vào trận quyết chiến với địch trong so sánh lực lượng một chọi mười. Nhưng bên cạnh sự chênh lệch về quân số, quân ta đã giành và tạo ra được những ưu thế lợi hơn địch.

        Sau hai ngày chiến đấu, quân ta đã buộc quân địch phải hai lần thay đổi kế hoạch hành quân, dồn chúng vào thế bị động và điều chúng đến một chiến trường có lợi cho ta. Vùng Ninh Kiều - Cao Bộ là khu căn cứ của nghĩa quân. Nhân dân ở đây đã được hoàn toàn giải phóng, quyết tâm cùng với nghĩa quân bảo vệ xóm làng quê hương của mình. Nhân dân không những bổ sung đội ngũ nghĩa quân mà còn hăng hái tiếp tế lương thực, lập thành những đội dân binh cua các xà thôn cùng trực tiếp tham gia chiến đấu với nghĩa quân. Đây là một lực lượng hỗ trợ hết sức quan trọng, tiếc rằng các nguồn tài liệu không ghi chép cụ thể và không cho phép tính toán số lượng. Địa hình, đường đi lối lại ở vùng đó quân ta cũng thông thạo. Với những điều kiện "địa lợi, nhân hòa" như vậy, quân dân ta có thể phát huy mọi chỗ mạnh của mình đánh vào mọi chỗ yếu của địch. Tuy vậy, với quân số ít hơn hẳn địch, bộ chỉ huy quân ta phải tính toán, cân nhắc hết sức thận trọng để có thể sử dụng binh lực một cách hợp lý nhất, đạt hiệu suất chiến đấu cao nhất.

        Giữa hai cánh quân địch, quân ta quyết định đánh đòn chủ yếu vào cánh chính binh của Vương Thông. Phải bẻ gãy và đánh tan mũi tiến công chủ yếu này là một quyết tâm táo bạo và chính xác. Nhưng quân địch đông, lại hành quân trên một con đường không rộng lắm, đội hình của chúng tất nhiên khá kéo dài. Quân ta không đủ lực lượng để bố trí một trận địa mai phục dài đánh vào toàn bộ đội hình vận động của địch. Hơn nữa, như thế ta sẽ dàn mỏng lực lượng, không thực hiện được nguyên tắc tập trung binh lực vào những khâu có ý nghĩa quyết đình. Vì vậy, bộ chỉ huy quân ta chủ trương tập trung lực lượng đánh đòn phủ đầu mãnh liệt vào bộ phận tiền quân của cánh chính binh. Nhằm mục đích đó, trận địa mai phục chủ yếu được bố trí ở Tốt Động (xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Tây).

        Làng Tốt Động tên nôm là làng Rót, một làng dã có từ lâu đời Các thôn xóm của làng Tốt Động tập trung về phía nam trên những khu đất cao, nhất là dải đất cao dọc theo sông Bùi (Hiện nay thôn Tốt Động có 7 xóm: Neo (Phù Ninh), (Phúc Hòa), Đừu (Liêm Khê), Đầm, Bến (Mạnh Tân), Giữa (Trung Lang) và Trại (Đồng Kiến). Xóm Trại ở phía bắc thôn xóm mới thành lập cách đây không lâu.)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:06:11 am »

         
        Nhìn chung, làng Tốt Động là một vùng đất thấp, lầy lội. Cánh đồng Tốt Động là một cánh đồng chiêm trũng. Các cụ già địa phương cho biết, cách đây không lâu, khi chưa có các công trình thủy lợi dể tiêu nước, vào mùa mưa, cả cánh đồng đều ngập nước. Lúc đó, làng Tốt Động như một làng nổi, nhân dân đi lại phải dùng thuyền. Trước đây độ 40, 50 năm, cánh đồng sâu đó còn nhiều lau lách, cỏ lác rậm rạp. Nhân dân lúc bấy giờ chỉ mới khai khẩn những khoảnh đất cao ở rìa đồng, quanh các thôn xóm. Cánh đồng Tốt Động có độ dốc nghiêng dần từ tây sang đông. Đồng Trê ở phía cực đông là chỗ sâu nhất, quanh năm lúc nào cũng có nước. Đây đó, giữa cánh đồng nổi lên một số gò hơi cao như gò đồng Giả, gò đồng Gạo, gò đồng Mồ v.v...

        Con đường "lai kinh" chạy qua phía tây làng Tốt Động. Đoạn đường này rộng chừng hai trượng (khoảng 8 mét) (Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, tr. 341, sách đã dẫn). Phía bên kia con đường là làng Yên Duyệt (xã Tụy An, Chương Mỹ, Hà Tây) và một con ngòi nhỏ gọi là đầm Rót. Con ngòi này từ đầm Bung (giữa huyện Chương Mỹ và Quốc Oai) uốn khúc quanh co qua địa phận 19 xã rồi chảy vào sông Bùi. Vì vậy nó còn có tên là Thập Cửu Khê (nghĩa là con ngòi chảy qua 19 xã). Phía đông con đường "lai kinh" là cánh đồng Tốt Động lầy lội mà càng về phía đông càng sâu.

        Tận dụng vị trí và địa hình đó, quân ta thiết lập một trận địa mai phục ở Tốt Động. Bộ phận chủ yếu của ta gồm quân và voi, lợi dụng xóm làng ở phía nam và bờ sông Bùi, đầm Rót ở phía tây để giấu quân nhằm chẹn đầu, khóa chặt con đường "lai kinh" và đánh tạt ngang vào sườn phía tây đội hình tiến quân của địch, dồn ép chúng vào cánh đồng Tốt Động. Trận đánh xảy ra đầu tháng 11, vào đầu mùa khô, nhưng cánh đồng sâu này vẫn còn nhiều nước và lầy lội nhất là phía đông. Một bộ phận quân ta chiếm lĩnh những gò đất cao giữa cánh đồng và mai phục sẵn trong đám lau lách, cỏ lác để chia cắt đội hình của địch ra mà tiêu diệt, đẩy người ngựa của chúng lún sâu vào vũng lầy.

        Trận địa Tốt Động có nhiệm vụ đập nát tiền quân của cánh chính binh, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực dịch. Nhưng còn bộ phận trung quân, hậu quân của cánh chính binh và cả một cánh kỳ binh? Để phát huy cao độ thắng lợi của trận Tốt Động và cùng phối hợp với trận địa chủ yếu đó nhằm tranh thủ thời cơ tiêu diệt địch đến mức cao nhất, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch phản công của Vương Thông, bộ chỉ huy nghĩa quân bố trí một trận địa mai phục thứ hai ở Chúc Động (nay là Chúc Sơn, xã Ngọc Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây).

        Chúc Động cách Tốt Động khoảng 6 ki-lô-mét về phía đông - bắc và ở ngay phía tây Ninh Kiều. Vì vậy trong thư tịch cổ của ta, trận Chúc Động có khi gọi là trận Ninh Kiều (Lam Sơn thực lục và Bình Ngô đại cáo chép: trận đánh xảy ra ở Tốt Động và Ninh Kiều. Lê triều thông sử có chỗ chép là trận Tốt Động, Ninh Kiều (phần đế kỷ) nhưng lại có chỗ chép là Tốt Động, Chúc Động (phần liệt truyện, truyện Lý Triện, Đinh Lễ). Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục đều chép thống nhất: quân mai phục ở Tốt Động và Chúc Động.). Cả hai con đường từ Ninh Kiều đến Cao Bộ - đường lai kinh" và đường tắt - đều phải đi qua vùng Chúc Động.

        Cánh chính binh của Vương Thông vốn rất đông nên phải hành quân theo một đội hình kéo dài. Khi tiền quân của địch đến Tốt Động thì hậu quân của chúng mới qua hết cầu sông Đáy - Ninh Kiều - và đến khoảng Chúc Động.

        Cánh kỳ binh của địch không bị chặn đánh khi tiến đến phía sau Cao Bộ. Nhưng khi cánh chính binh bị đánh bại thì cánh kỳ binh không thể phát huy được tác dụng và tất nhiên sẽ hoảng hốt tìm đường tháo chạy về Đông Quan. Từ Cao Bộ cũng như từ Tốt Động về Đông Quan có hai con đường và cả hai đường đó đều phải qua vùng Chúc Động. Đó là đường Cao Bộ - Chúc Động và Tốt Động - Chúc Động rồi từ Chúc Động, hoặc qua Ninh Kiều về Đông Quan (theo con đường ngày nay là quốc lộ số 6) hoặc theo hữu ngạn sông Đáy ngược lên, qua bến Cổ Sở về Đông Quan (theo con đường ngày nay qua So Sở - Yên Sở - Sơn Đồng - Cầu Diễn - Cầu Giấy - Hà Nội, tức con đường trước đây Vương Thông đã hành quân từ Đông Quan đến Cổ Sở).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 03:06:32 am »


        Với vị trí lợi hại của nó, trận địa mai phục ở Chúc Động nhằm đánh vào hậu quân của cánh chính binh đồng thời chẹn đường rút lui của cả hai cánh quân địch sau khi bị thất bại đang tìm đường chạy trốn về Đông Quan. Cách bố trí trận địa thể hiện rõ ý đồ của bộ chỉ huy nghĩa quân. Quân dân ta tập trung lực lượng đánh vào bộ phận tiền quân và hậu quân của cánh chính binh, chẹn đường rút chạy tiêu diệt bọn tàn quân. Đối với cánh kỳ binh, ta không đón đánh khi chúng tiến công mà lại khóa chặt đường rút lui, bất ngờ tiêu diệt chúng vào lúc tháo chạy hỗn loạn với tinh thần hết sức hốt hoảng, bạc nhược.

        Vùng Chúc Động có địa hình đa dạng, phức tạp và hiểm yếu. Cánh đồng Chúc Động không rộng và sâu như cánh đồng Tốt Động nhưng cũng lầy lội. Cánh đồng đó ăn sát chân núi Chúc, nằm bên cạnh núi Ngọc Giả, núi Ninh và lan ra tận ven bờ sông Ninh (sông Đáy). Dòng sông Ninh chảy qua Ninh Kiều ngay sát chân núi Ninh. Con đường "lai kinh" qua Ninh Kiều rồi men theo chân núi Ninh, núi Chúc vào Chúc Động. Những ngọn núi này không cao lắm nhưng lúc bấy giờ cây cối rậm như rừng. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, rừng cây còn bao phủ quanh núi Chúc như Phan Huy Chú (1782-1840) đã mô tả trong Lịch triều hiến chương loại chí: "Núi Ninh ở về miền trên huyện Chương Dực, trông xuống sông Hát, phong cảnh âm u, thanh nhã... Núi Chúc ở bên hữu núi Ninh, có ngọn núi tròn nổi lên, xung quanh có nhiều rừng vây bọc” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960, t. I, tr. 75).

        Quân ta lợi dụng địa hình vùng Chúc Động, bố trí một trận địa phục kích ở hai bên đường cái, quãng từ chúc Động đến Ninh Kiều. Trận địa này nằm sát khu vực đóng quân của địch Ở bên kia sông Ninh. Do dó, để bảo đảm bí mật, tránh sự sục sạo thăm dò của địch, có thể quân ta không mai. phục sát hai bên đường mà giấu quân kín đáo trong rừng rậm và xóm làng cách đấy một khoảng cần thiết. Khi quân địch lọt vào trận địa, quân ta sẽ nhanh chóng vận động ra đánh theo lối vận động phục kích. Tất nhiên, quân ta đã nghiên cứu xác định sân những vị trì, địa hình lợi hại ở hai bên đường để bất ngờ đánh vào đội hình quân địch đang vận động. Bộ phận mai phục gần Ninh Kiều còn có nhiệm vụ sẵn sàng phá cầu, biến dòng sông Ninh thành con hào tự nhiên chặn đường rút chạy của tàn quân địch.

        Ngay tối ngày 6 tháng 11, quân dân ta bố trí các trận địa mai phục. Tại Cao Bộ, quân ta chỉ để lại một bộ phận nhỏ để nghi binh. Tài liệu khai thác tù binh cho biết Vương Thông đã quy định: cánh kỳ binh vòng đến phía sau Cao Bộ sẽ bắn hỏa pháo làm tín hiệu cho cánh chính binh cùng phối hợp tiến công quân ta từ hai mặt. Nắm được tín hiệu của địch, các tướng Đinh Lê, Lý Triện đề xuất một mưu kế: "Nay muốn dụ quân giặc vào chỗ quân ta mai phục thì không gì bằng tương kế tựu kế" (Lê Quý Đôn, Lê trềệu thông sử (tức là Đại Việt thông sử), q. 31, truyện Đinh Lễ (bản chép tay). Bộ phận nghĩa quân ở lại Cao Bộ sẽ phát tín hiệu để đánh lừa quân địch, nhử cánh chính binh lọt. vào trận địa mai phục ở Tốt Động. Còn đại bộ phận nghĩa quân cùng với các đội dân binh được lệnh rời Cao Bộ vào chiếm lĩnh các trận địa mai phục đã quy định.

        Công việc mai phục tiến hành rất khẩn trương và bí mật. Mờ sáng ngày hôm sau, ngày 7 tháng 11, quân địch bắt đầu xuất phát đánh vào Cao Bộ. Các trận địa mai phục của ta phải thiết lập xong trước lúc nửa đêm ngày 6 rạng ngày 7. Quân ta chỉ có một thời gian ngắn, khoảng một nửa buổi tối, để bố trí trận địa. Tất nhiên đó là thời gian chiếm lĩnh trận dịa, sẵn sàng chờ đón địch, còn công việc chuẩn bị về các mặt như tìm hiểu địa hình, xác định trận địa, phân phối binh lực, cung cấp lương thực... đã được gấp rút tiến hành từ chiều ngày hôm đó. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhân dân và vốn thông thuộc địa hình vùng căn cứ quân dân ta hoàn thành công việc chuẩn bị và tiến hành trận địa một cách nhanh chóng, kịp thời và bảo đảm bí mật. Quân địch đóng ở phía đông Ninh Kiều, cách Chúc Động chỉ một dòng sông và một nhịp cầu mà hoàn toàn không biết gì về thế trận quân ta.

        Tối ngày 6 tháng 11. Một đêm mùa đông giá lạnh, tối trời. Quân dân ta, tuy phải chịu đựng khó khăn gian khổ, nhưng đã giữ được bí mật trận địa, che mắt quân thù.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM