Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:36:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc  (Đọc 36083 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 01:55:56 am »

   
        - Tên sách: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc
        - Tác giả: Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại  Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
        - Số hóa: ptlinh, exocet, rongcoithit.
        - Hiệu đính: Giangtvx

MỤC LỤC


        Lời nhà xuất bản

        Mở đầu

        Chương I Chiến thắng Như Nguyệt

        Chương II Chiến thắng Bạch Đằng

        Chương III Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động

        Chương IV Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang

        Chương V Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút

        Chương VI Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

        Chương VII Kết luận

        Tài liệu tham khảo





LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Đánh giặc giữ nước là một nội dung chủ yếu của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thế kỷ nào, thời đại nào quân và dân ta cũng đều phải chống giặc ngoại xâm. Những chiến công hiển hách từ Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ đến chiến dịch Hồ Chí Minh sẽ để lại cho các thế hệ mai sau những bài học, những tấm gương ngời sáng về chủ  nghĩa yêu nước Việt Nam, về trí tuệ Việt Nam.

        Cuốn sách MỘT SỐ TRẬN QUYẾT  CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỨ DÂN TỘC của các tác giả: Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại  Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí, được tái bản theo yêu cầu của một số đơn vị, cơ quan và những nhà nghiên cứu.

        Ở cuốn sách này tập thể tác giả đã cố gắng phục dựng lại sáu chiến thắng oanh liệt có ý nghĩa quyết định của quân và dân ta trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thời kỳ phong kiến độc lập. Đó là:

        - Chiến thắng Như Nguyệt năm 1077.

        - Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

        - Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động năm 1426.

        - Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427.

        - Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785.

        - Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789.

        Trong bản in lần thứ ba này trên cơ bản vẫn giữ như cũ, các tác giả chỉ sửa chữa những địa danh tỉnh huyện cho phù hợp với thực tế hiện nay và bổ sung thêm tư liệu ở một số chỗ cần thiết.

        Để nghiên cứu và biên soạn sáu chiến thắng được giới thiệu trong cuốn sách này, tập thể tác giả đã khai thác mọi nguồn tư liệu có thể sử dụng được. Vận dụng phương pháp kết hợp các tư liệu thành văn và tư liệu thực địa, các tác giả đã phân tích, khai thác, tận dụng mọi giá trị thông tin sử liệu, xác minh bổ sung cho nguồn sử liệu trong thư tịch. Đó là cơ sở tư liệu tổng hợp để nghiên cứu và biên soạn cuốn sách này nhhằm dựng lại một số chiến công vĩ đại của tổ tiên thuở xưa. Qua đó giúp quân và dân ta nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc, góp phần vào việc tìm hiểu, kế thừa và phát huy những truyền thống, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hết sức phong phú, độc đáo, sáng tạo của dân tộc, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới - đẩy mạnh công ngniệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Chín, 2016, 02:11:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 01:57:10 am »


MỞ ĐẦU

        Nhìn lại con đường lịch sử đã qua, trong bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải chiến đấu chống ngoại xâm gần như thường xuyên và đã chiến thắng ngoại xâm một cách oanh liệt. Đó là một nét nổi bật của lịch sử Việt Nam, là thử thách gay go nhất nhưng cũng là niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ta. Nước ta có tài nguyên phong phú, lại ở vào một vị trí địa lý quan trọng của vùng Đông - Nam á. Nằm ở góc cực đông nam của đại lục châu Á, nước ta vừa nhìn ra Thái Bình Dương với bờ biển dài 3.260 ki-lô-mét, vừa nối liền với lục địa bằng những đường giao thông thủy bộ thuận lợi từ nam lên bắc, từ đông sang tây. Với vị trí đó, nước ta là nơi gặp gỡ của nhiều nhóm cư dân trên đường thiên di, nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa phương Đông và củng là địa bàn chiến lược mà nhiều thế lực xâm lược thèm khát, nhòm ngó. Trong lịch sử, nhiều đế chế cường thịnh thời Cổ - Trung đại và nhiều cường quốc đế quốc thời Cận - Hiện đại đã âm mưu xâm chiếm nước ta. kẻ thù muốn đánh chiếm nước ta không những để bóc lột nhân dân, vơ vét của cải, khai thác những nguồn tài nguyên phong phú, mà còn biến nước ta thành một đầu cầu chiến lược để bành trướng khắp vùng Đông – Đông Á, để từ biển cả tiến sâu vào vùng đại lục bao la cũng như từ đất liền tỏa ra các vùng hải đảo. Chính vì vậy, kể từ khi dựng nước đến nay, trong suốt lịch sử lâu dài của mình, dân tộc ta phải luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng chống ngoại xâm và phải liên tiếp đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, phần lớn là những quốc gia lớn mạnh, những đế quốc cường bạo.

        Vừa mới dựng nước thì nhân dân ta đã phải chiến đấu chống lại nhiều mối đe dọa từ bên ngoài xô tới. Nước Văn Lang trẻ tuổi đời Hùng Vương đã phải chống nhiều thứ "giặc" mà ký ức lâu đời của nhân dân còn ghi nhớ dưới dạng những truyền thuyết như giặc Man, giặc Xích tỷ (Mũi đỏ), giặc Thạch linh thần tướng... Nước ta cũng như cậu bé làng Phù Đổng sinh ra mới ba tuổi đã phải vụt lớn lên thành người khổng lồ để đánh giặc giữ nước. Câu chuyện Phù Đổng thiên vương đượm màu sắc thần thoại là một biểu tượng hào hùng về quyết tâm chống ngoại xâm và sức mạnh vùng dậy chiến thắng của toàn dân như nhà thơ Cao Bá Quát đã ngợi ca:

                                       Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn,
                                       Đằng vân do hận cửu thiên đê.


        Nghĩa là :

                                       Phá giặc chỉ hiềm ba tuổi muộn,
                                       Lên mây còn giận chín trời thấp.

        Cuối đời Hùng Vương sang đời An Dương Vương, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với vận mạng của nước ta. Từ đây, giặc ngoại xâm không còn là những thứ giặc trong truyền thuyết nữa, mà đã hiện nguyên hình với tên gọi và xuất xứ cụ thể của nó, được ghi chép rõ ràng trong sử sách. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của đế chế Tần vào cuối thế kỷ III trước công nguyên là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ác liệt, có quy mô lớn trong lịch sử. Sau hơn 10 năm chiến đấu bền bỉ, dũng cảm, mưu trí, nhân dân ta đã đánh bật quân giặc ra khỏi đất nước, ghi lại một chiến công hiển hách.

        Chỉ tính toán sơ bộ, từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa kết thúc thắng lợi, trong khoảng hơn 22 thế kỷ, dân tộc ta đã tiến hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước hết sức quyết liệt (*). Trong 13 cuộc chiến tranh đó, dân tộc ta đã 10 lần chiến thắng oanh liệt giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, chỉ có 3 lần bị thất bại.

        (*) Theo chúng tôi, đó là những cuộc chiến tranh sau đây.

        1 Chống Tần (thế kỷ III trước công nguyên).

        2. Chống Triệu (thế kỷ II trước công nguyên).

        3. Chống Tống lần thứ nhất (năm 981).

        4. Chống Tống lần thứ hai (năm l075-1077).

        5. Chống Mông - Nguyên lần thứ nhất (năm 1258).

        6. Chống Mông - Nguyên lần thứ hai (năm 1285).

        7. Chống Mông - Nguyên lần thứ ba (năm 1287-1288).

        8. Chống Minh (năm 1406-1407).

        9. Chống Xiêm (năm 1784-1785).

        10. Chống Thanh (năm 1788-1789).

        11. Chống Pháp (năm 1858-1884) .

        12. Chống Pháp và can thiệp Mỹ (năm 1946-1954).

        13. Chống Mỹ, cứu nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 01:58:06 am »


        Trong số 13 cuộc chiến tranh trên chỉ có ba lần thất bại là cuộc kháng chiến chống Triệu đời An Dương Vương, chống Minh đời Hồ và chống Pháp đời Nguyễn.

        Sau mỗi lần thất bại, đất nước tạm thời bị nước ngoài đô hộ, nhưng nhân dân ta lại vùng lên đấu tranh liên tục, mãnh liệt, quyết giành lại bằng được độc lập dân tộc. Trong ba quãng thời gian mất nước - thời Bắc thuộc, thời Minh thuộc, thời Pháp thuộc, nhân dân ta đã tiến hành hàng trăm cuộc khởi nghĩa, trong đó có hàng chục cuộc khởi nghĩa phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng lớn, đưa đến những thắng lợi tạm thời, cục bộ và cuối cùng là thắng lợi quyết định giải phóng hoàn toàn đất nước.

        Trong khoảng hơn 22 thế kỷ mà ta phải tiến hành 13 cuộc chiến tranh giữ nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, hàng chục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng lớn để giành lại độc lập dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm lên đến khoảng 12 thế kỷ, chiếm hơn một nửa thời gian lịch sử (tính từ kháng chiến chống Tần vào thế kỷ III trước công nguyên đến ngày nay). Có thể nói, ít thấy một dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm triền miên với thời gian kéo dài và số lượng các cuộc kháng chiến nhiều đến như thế.

        Trong lịch sứ chống ngoại xâm lâu dài của dân tộc, chỉ có vài trường hợp, kẻ đi xâm lược so với ta không hơn kém bao nhiêu. Đó những lúc dân tộc ta chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện tương đối cân sức. Còn hầu hết trường hợp, cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc ta đều diễn ra trong hoàn cảnh so sánh lực lượng hết sức chênh lệch. Kẻ xâm lược là những quốc gia phong kiến lớn phương Đông. Những đế chế lớn thời Cổ - Trung đại, những cường quốc đế quốc chủ nghĩa thời Cận - Hiện đại có tiềm lực lớn hơn ta nhiều lần. Do đó, “giặc cậy trường trận, ta cậy đoản binh, lấy đoản chế trường... " (lời Trần Quốc Tuấn) hay "lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” (lời Nguyễn Trãi) là điều kiện chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta, và cũng là một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dân tộc ta không những phải chống ngoại xâm thường xuyên mà còn chiến đấu trong hoàn cảnh rất gian khổ, ác liệt với so sánh lực lượng rất chênh lệch như vậy.

        Chiến tranh là cuộc đọ sức một mất một còn, là sự thử thách quyết liệt nhất, toàn diện nhất sức sống của một dân tộc. Trong cuộc chiến đấu lâu dài vì Độc lập Tự do của đất nước, dân tộc ta không phải không có lần bị thất bại, thậm chí có khi thất bại nặng nề, đau xót. Trong số 13 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc mà dân tộc ta đã trải qua, có 3 lần kháng chiến bị thất bại. Trong số hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành lại chủ quyền dân tộc có biết bao nhiêu cuộc khởi nghĩa dã bị kẻ thù đàn áp dã man, bị nhấn chìm trong biển máu. Lịch sử Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm và làm sao tránh khỏi những lúc lầm than, tủi nhục. Con đường mà dân tộc ta đã đi qua đầy gian nan, nguy hiểm. Nhưng "lửa thử vàng, gian nan thử sức, không để cho kẻ thù khuất phục, không để cho chông gai thử thách của lịch sử cản bước, dân tộc ta luôn luôn hướng về phía trước, vươn lên với ý chí kiên cường, sức sống phi thường và năng lực sáng tạo phong phú. Thất bại chỉ là tạm thời và không bao giờ vì thất bại mà chùn chân, nản chí, dân tộc ta cuối cùng đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, kể cả những đế quốc cường thịnh bậc nhất của thời đại bấy giờ. Quyết tâm, ý chí và nghị lực của dân tộc thể hiện rõ rệt trong các cuộc chiến tranh yêu nước và sớm được đúc kết lại trong những lời tuyên bố đanh thép của các anh hùng dân tộc.

        Thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt nói:

                                      “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
                                       Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

        Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi khẳng định:

                                      “Như nước Đại Việt ta từ trước,
                                       Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
                                       Cõi bờ sông núi đã riêng,
                                       Phong tục Bắc, Nam cũng khác,
                                       Mạnh yếu tuy có lúc kthác nhau,
                                       Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu”.
                                       Thế kỷ XVIII, Nguyễn Huệ kêu gọi:
                                       “Đánh cho nó chích luân bất phản
                                       Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
                                       Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu
chủ”.

        Và năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho cả dân tộc, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới:

        “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".

        Kẻ thù đã thử thách sức sống của dân tộc ta một cách ghê gớm và lịch sử là bằng cứ hùng hồn chứng minh rằng "dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Bốn nghìn năm giữ nước của dân tộc ta là một thiên  anh hùng ca rạng rỡ với biết bao chiến công oanh liệt chống ngoại xâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 01:59:18 am »


        Riêng trong thời kỳ phong kiến độc lập, kể từ sau chiến thắng Bạch Đằng cuối năm 938 giành lại độc lập hoàn toàn cho đến trước cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mở đầu năm 1858, trong hơn 9 thế kỷ, dân tộc ta đã phải tiến hành 8 cuộc kháng chiến giữ nước. Đó là các cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981 và năm 1075-1077, chống Mông - Nguyên năm 1258, năm 1285 và năm 1287-1288, chống Minh năm 1406-1407, chống Xiêm năm 1784-1785, chống Thanh năm 1788-1789. Trong 8 cuộc kháng chiến trên, dân tộc ta đã 7 lần giành thắng lợi vẻ vang, chỉ có 1 lần thất bại tạm thời. Nhưng ngay sau thất bại ấy - thất bại của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh dưới thời Hồ Quý Ly - dân tộc ta lại vùng lên khởi nghĩa liên tục và chỉ 20 năm sau (năm 1407-1427) đã quét sạch quân giặc ra khỏi đất nước bằng một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi vang dội.

        Những cuộc chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng thắng lợi trên đây cũng như nhiều cuộc chiến tranh yêu nước khác trong lịch sứ chống ngoại xâm của dân tộc ta, đều đánh dấu và kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược lừng lẫy. Tùy theo so sánh lực lượng và hoàn cảnh cụ thể của mỗi cuộc kháng chiến, những trận quyết chiến chiến lược diễn ra hết sức khác nhau, với những hình thức phong phú, hầu như không trận nào giống trận nào. Nhưng nói chung, đó là lúc dân tộc ta tập trung tất cả sự nỗ lực của mình để giành lấy thắng lợi có ý nghĩa quyết định về mặt quân sự, tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, làm thất bại mọi cố gắng chiến tranh và âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, đánh bại ý chí xâm lược của chúng.

        Kẻ thù của dân tộc ta vốn là những đế chế lớn, có nhiều tiềm lực kinh tế và quân sự, có quyết tâm xâm lược cao và ngoan cố. Do đó, nền độc lập dân tộc của ta chỉ thực sự giành và giữ được khi cuộc chiến tranh yêu nước đạt đến thắng lợi oanh liệt, đè bẹp hoàn toàn hoặc ít nhất, làm thất bại về cơ bản ý chí xâm lược của kẻ thù. Có như vậy, chúng mới chịu từ bỏ dã tâm xâm lược và không dám xâm phạm nước ta nữa. Mức độ thắng lợi của quyết chiến chiến lược phản ánh thắng lợi chung của toàn bộ cuộc chiến tranh và là cơ sớ có ý nghĩa quyết định để kết thúc chiến tranh bằng những biện pháp chính trị, ngoại giao khéo léo và mềm dẻo, bảo đảm giừ vừng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

        Sau khi mới giành lại được độc lập, hai lần xâm lược của quân Tống vào cuối thế kỷ X và XI là những thử thách nguy hiểm đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất vào mùa xuân năm 981, quan dân ta do Lê Hoàn lãnh đạo đã tách rời và đánh bại cả hai đạo quân thủy bộ của địch Ở Bạch Đằng và Chi Lăng1. Cuộc kháng chiến đã giành được thắng lợi, nhưng chỉ mới đẩy lùi chứ chưa thủ tiêu được nguy cơ xâm lược của nhà Tống. Giữa thế kỷ XI, nhà Tống lại ráo riết chuẩn bị mở cuộc xâm lược lần thứ hai với quy mô lớn hơn, âm mưu thâm độc hơn. Lý Thường Kiệt đã tổ chức và lãnh đạo một cuộc kháng chiến chống xâm lăng rất chủ động và tích cực, phản ánh một bước lớn mạnh về mọi mặt và tư thế hiên ngang của dân tộc ta. Với chiến thắng Như Nguyệt vào mùa xuân năm 1077, quân dân ta đã đập tan cuộc viễn chinh của quân Tống, đè bẹp ý chí xâm lược của nhà Tống. Trên cơ sở đó, Lý Thường Kiệt chủ động đứng ra giảng hòa nhằm mở ra một lối thoát cho nhà Tống. Sau thất bại nặng nề này, nhà Tống phải công nhận nước ta là một vương quốc độc lập và không dám đụng chạm đến nước Đại Việt nữa.
------------------
        1. Vào đầu thập kỷ 70 (1970), do điều kiện tư liệu còn hạn chế, chúng tôi chưa biên soạn Chiến thắng Bạch Đằng  năm 938 và năm 981. Trong công trình này không có chương về hai chiến thắng trên. Nếu cần tìm hiểu, xin bạn đọc tham khảo sách Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (xuất bản năm 1988) của Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Nguyễn Quang Ngọc và sách Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (980-981) (xuất bản năm 1992) cua Trần Bá Chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 01:59:52 am »


        Vào thế kỷ XIII, quân xâm lược của đế quốc Mông - Nguyên tung hoành khắp Á, Âu, đánh đâu thắng đó, thế mà ba lần xâm lược nước ta đều bị thất bại thảm hại. Mỗi cuộc kháng chiến lại kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược nổi tiếng làm rạng rỡ non sông đất nước. Kháng chiến lần thứ nhất (năm 1258) có chiến thắng Đông Bộ Đầu. Kháng chiến lần thứ hai (năm 1285) có chiến thắng Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Ki ếp. Kháng chiến lần thứ ba (năm 1287-1288) có chiến thắng Bạch Đằng: quân dân ta, (dưới sự chỉ huy của nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn, đã chôn vùi hoàn toàn một đạo quân thủy của địch. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 không những đánh dấu thắng lợi rất oanh liệt của cuộc kháng chiến lần thứ ba mà còn cùng với những chiến thắng khác đưa đến sự chấm dứt nạn xâm lược của đế quốc Mông - Nguyên đối với nước ta. Đó là một chiến công huy hoàng trong thắng lợi vĩ đại của ba lần kháng chiến chống ngoại xâm thế kỷ XIII, bảo đảm cho dân tộc ta giữ vững được nền độc lập, tồn tại sát bên cạnh một đế quốc cường bạo bậc nhất trên thế giới đương thời đang nuôi tham vọng làm bá chủ thế giới và bành trướng xuống vùng Đông - Nam châu Á.

        Khác với những cuộc chiến tranh giữ nước trên đây, cuộc chiến tranh do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo đã bắt đầu từ một cuộc khởi nghĩa phát triển lên thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước. Nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu trong sự tham gia ủng hộ của nhân dân và kết hợp với sự nổi dậy rộng rãi của nhân dân. Trong bảng vàng chiến công của nghĩa quân Lam Sơn nổi bật lên hai chiến thắng lớn nhất: chiến thắng Tốt Động - Chúc Động và chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang. Chiến thắng Tốt Động -  Chúc Động năm 1426 là thắng lợi của một trận quyết chiến có ý nghĩa chiến lư¬ợc quan trọng đánh dấu bước chuyển biến căn bản trong cục diện chiến tranh. Từ đấy, quân địch bị lún sâu vào thế phòng ngự bị động cho đến lúc thất bại hoàn toàn, còn quân dân ta thì giành quyền chủ động tiến công địch trên toàn bộ chiến trường. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang cuối năm 1427 là thắng lợi hết sức oanh liệt, triệt để của trận quyết chiến chiến lược có ý nghĩa quyết định kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 10 năm. Bằng chiến thắng đó, dân tộc ta đã giành lại độc lập tự do và bảo đảm cho đất nước từ đó về sau không bị nhà Minh xâm lược.

        Những cuộc chiến. tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng trên đây đều do giai cấp phong kiến lãnh đạo trong hoàn cảnh chế độ phong kiến đang phát triển. Tuy vậy, những cuộc chiến tranh đó mang tính chất nhân dân và thể hiện rõ rệt vai trò chủ động định đoạt và tự giác của nhân dân. Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm và Thanh cuối thế kỷ XVIII do người anh hùng “áo vải” Nguyễn Huệ lãnh đạo, mang khí thế và sức mạnh mới của phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn khi chế độ phong kiến đã tàn tạ và nông dân dang vùng lên vừa chống phong kiến phản động, vừa chống ngoại xâm. Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút đầu năm 1785 là một đòn sấm sét nghiền nát mưu đồ xâm lược của bọn phong kiến Xiêm và hành động bán nước của bè lũ Nguyễn Ánh. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Khương Thượng) vào mồng năm tháng giêng Xuân Kỷ Dậu (năm 1789) đã quét sạch hàng chục vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi kinh thành Thăng Long, làm tiêu tan một tưởng xâm lược của nhà Thanh được bọn Lê Chiêu Thống giúp sức.

        Bạch Đằng, Như Nguyệt, Tốt Động -  Chúc Động, Chi Lăng - Xương Giang, Rạch Gầm - Xoài Mút, Ngọc Hồi -- Đống Đa (Khương Thượng) vốn là những tên đất bình thường – tên sông, tên núi, tên xóm làng nhưng đã được ghi đậm nét vào lịch sử dân tộc và khắc sâu vào tâm trí của người Việt Nam bởi đó cũng là tên những chiến công bất diệt tiêu biểu cho thắng lợi hiển hách của dân tộc ta trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ thế kỷ XI đến XVIII.

        Lịch sử chống ngoại xâm vừa thử thách, vừa tôi luyện dân tộc ta. Những cuộc chiến tranh yêu nư¬ớc đã tạo nên cho dân tộc ta một bản lĩnh kiên cường, một sức sống bền bỉ, mãnh liệt, đã hun đúc nên nhiều truyền thống tốt đẹp tiêu biểu là: lòng yêu nước tha thiết, ý chí độc lập tự chủ mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết keo sơn, chí quật cường bất khuất, trí thông minh sáng tạo. Là một dân tộc đã nhiều lần quằn quại tủi nhục trong cảnh nước mất nhà tan, đã chiến đấu không biết mệt mỏi với vô vàn hy sinh gian khổ để giành và giữ nền Độc lập Tự do của Tổ quốc, dân tộc ta hiểu rõ và thấm sâu giá trị thiêng liêng của Độc lập Tự do. Vì thế "Không có  gì quý hơn Độc  lập Tự do" sớm trở thành lẽ sống cao cả, tư tưởng và tình cảm lớn nhất của dân tộc ta.

        Lịch sử chống ngoại xâm còn để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá. Đó là kinh nghiệm và truyền thống đánh giặc dũng cảm và mưu trí, phong phú và độc đáo của tổ tiên ta. Trên cơ sở kinh nghiệm ấy, các nhà quân sự thiên tài của dân tộc trước đây, như Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Trãi đã từng đúc kết, viết nên những tác phẩm có ý nghĩa lý luận quân sự dầu tiên, đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển của khoa học quân sự Việt Nam rất ưu việt, độc đáo. Hệ thống tri thức quân sự đó bao gồm nghệ thuật tiến hành chiến tranh giữ nước và nghệ thuật tiến hành khởi nghĩa tiến lên chiến tranh giải phóng trong điều kiện “lấy đoản chế trường”; “lấy yếu chống mạnh, lấy  ít địch nhiều” và dựa trên cơ sở "cả nước chung sức”, "toàn dân là binh”.

        Những trận quyết chiến chiến lược biểu hiện tập trung và điển hình nhất sức mạnh vật chất tinh thần, những phẩm giá cao quý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam; chứng tỏ rõ rệt vai trò quyết định của nhân dân và tác dụng to lớn của nhân tố tinh thần trong chiến tranh yêu nước. Đó cũng là những mẫu mực về tài thao lược, về truyền thống quân sự lâu đời của dân tộc ta.

        Ngày nay, những truyền thống thao lược nói trên đã được Đảng ta kế thừa và phát triển một cách trân trọng và sáng tạo trong cuộc đấu tranh giành Độc lập Tự do của dân tộc. Sự kế thừa và phát triển dó đã thực sự góp phần làm cho đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự Việt Nam ta trở nên hết sức tài tình, độc đáo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 02:03:30 am »

       
CHƯƠNG I

CHIẾN THẮNG NHƯ NGUYỆT
MÙA XUÂN NĂM 1077

                                       Nam quốc sơn hà Nam đế cư
                                       Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                       Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                       Nhữ đẳng hành khang thủ bại hư


LÝ THƯỜNG KIỆT         

        Ai đi qua Hà Bắc cũng phải nhận rằng sông Như Nguyệt hiền lành, êm đẹp, rất hợp với tên. Vào đời Lý, Như Nguyệt là tên sông Cầu, đoạn chảy từ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu (ngã ba Xà ở thôn Như Nguyệt, Phương La Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Hà Bắc) đến Phả Lại (Chí Linh, Hải Hưng)1. Nhưng giống như nhiều tên núi, tên sông khác của Việt Nam, Như Nguyệt cũng là tên một chiến công oanh liệt. Gần 900 năm trước, bên dòng Như Nguyệt, quân dân ta đã chặn đứng cuộc tiến công của hàng chục vạn quân Tống xâm lược, giải phóng phần đất phía Bắc của Tổ quốc vừa bị chiếm đóng, đập tan âm mưu xâm lược của triều Tống.

        Chiến thắng Bạch Đằng vĩ đại cuối năm 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đã chấm dứt hẳn thời kỳ đô hộ kéo dài trên 10 thế kỷ của phong kiến phương Bắc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của đất nước.

        Nhưng nền độc lập dân tộc vừa giành được vẫn luôn bị ngoại ban đe dọa và công cuộc dựng nước phải gắn liền với những cuộc kháng chiến bảo vệ và củng cố nền độc lập dân tộc. Vào thế kỷ X, XI nhà Tống đã hai lần tiến hành xâm lược nước ta. Vua Tống nuôi hy vọng “Lấy lại Giao Châu bị mất " vì cuối đời Đường "nhiều khó khăn chưa kịp khu xử”2.

        Mùa xuân năm 981, mấy vạn quân xâm lược Tống đã bị quân dân ta do Lê Hoàn lãnh đạo đánh tan. Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất đã giành được thắng lợi vẻ vang, đẩy lùi âm mưu xâm lược của nhà Tống trong một thời gian.

        Sang giữa thế kỷ XI nhà Tống lại lăm le xâm lược nước ta lần nữa với mục đích vừa để chiếm đất đai, mở rộng phạm vi bóc lột, vừa để trả thù lần thất bại trước, vừa để giải quyết một số mâu thuẫn về mặt đối nội, đối ngoại. Lúc bấy giờ, nhà Tống đang phải đối phó vất vả với hai nước Liêu, Hạ ở phía bắc và tây bắc. Nhiều cuộc xung đột lớn đã xảy ra, quân Tống bị chết hàng vạn người và nhà Tống có lúc phải nhượng bộ, "ban" cho hai nước nhiều của cải, đất đai mà vẫn không trừ bỏ được mối đe dọa đó. Trong nước, mâu thuẫn giai cấp ngày một tăng lên và nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã bùng nổ. Năm 1068, Tống Thần Tông lên nối ngôi, cùng với tể tướng Vương An Thạch thi hành một số cải cách nhưng cũng không giải quyết được những khó khăn về mặt đối nội. Trước các nguy cơ đó, vua tôi nhà Tống chủ trương xâm lược nước ta để đánh lạc hướng đấu tranh của quần chúng, củng cố uy thế trong nước và uy hiếp các nước Liêu, Hạ. Theo sự tính toán của nhà Tống, đánh nước ta để "Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiêng nể”3.

        Nhà Tống chuẩn bị rất chu đáo cho cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Tống Thần Tông và Vương An Thạch thường bàn bạc với nhau kế hoạch đánh chiếm nước ta4. Nhà Tống ráo riết xây dựng nhiều căn cứ quân sự và hậu cần giáp vùng biên thùy đông bắc nước ta (từ Cao Bằng ra đến biển) làm nơi xuất phát trực tiếp cho các đạo quân xâm lược. Đây là vùng biên giới nhà Tống kiểm soát chặt chẽ và là đầu mối nhiều đường giao thông thủy bộ tiến xuống Đại Việt. Trong vùng này, thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây) giữ vị trí quan trọng và là nơi tập kết quân rất tiện lợi. Từ đó đến các châu biên giới của ta là Quảng Nguyên (Quảng Uyên, Cao Bằng), Quang Lang (Ôn Châu, Lạng Sơn), Tô Mậu (Na Dương, Đình Lập, An Châu, Hà Bắc) đều có đường đi, dài chừng 150 ki-lô-mét. Từ đó đến hai cửa biển Khâm Châu và Liêm Châu (Quảng Đông) cũng có đường đi thuận lợi, dài khoảng 120 ki-lô-mét. Nhà Tống biến Ung Châu thành một căn cứ xâm lược trọng yếu. Ở đó những viên tưóng Tống được lệnh tăng cường bắt lính, tổ chức tập trận và tích trữ quân lương. Mặt nam Ung Châu sát biên giới nước ta, nhà Tống đặt 5 trại quân: Hoành An, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long. Nhà Tống còn xảo quyệt tìm cách lôi kéo, mua chuộc một số tù trưởng dân tộc thiểu số vùng biên giới làm nội gián đế chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc của ta.

--------------------
        1. Khúc sông Cầu từ Như Nguyệt trở lên, đời Lý gọi là sông Phú Lương. Các tác giả đời Tống vẫn gọi sông Như Nguyệt là sông Phú Lương, có khi gọi là sông Nam Định.

        2. Thư vua Tống gửi Đinh Toàn - con nối ngôi Đinh Tiên Hoàng, Đại Việt sứ ký toàn thư, bản dịch. Nhà xuất bàn Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967, t.I, tr 163.

        3. Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, dẫn theo Tống – Lý ban giao tập lục, bản chép tay do Hoàng Xuân Hãn sao.

        4. Tống sử, Phan Túc truyện và Hòa Bân truyện, bản in Thương vụ ấn thư quán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 02:06:50 am »


        Nhà Tống chuẩn bị xâm lược nước ta một cách thận trọng, chu đáo và thâm độc. Song đến năm 1075, mọi việc chuẩn bị vẫn lộ liễu đến mức độ viên quan coi Ung Châu là Tô Giám cũng nói: “Phải bỏ ngay ba việc đang làm: tập lính, đóng tàu, cấm  chợ, để người Giao Chỉ không có danh nghĩa cất quân”1. Ung Châu cùng với các trại quân biên giới và cửa biển Khâm, Liêm đã trở thành những mũi dao nhọn đe dọa sự sống còn của đất nước ta, uy hiếp nền độc lập dân tộc của ta.

        Sau hơn một thế kỷ giành được độc lập kể từ chiến thắng Bạch Đằng (năm 938), dân tộc ta đã lớn lên nhanh chóng về mọi mặt. Trải qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, đặc biệt là từ đời Lý, công cuộc xây dựng đất nước được đẩy mạnh trên quy mô lớn. Kinh tế phát triển mạnh mẽ, quốc gia thống nhất được củng cố, văn hóa dân tộc bước vào một giai đoạn rực rỡ - giai đoạn văn hóa Lý, Trần hay văn hóa Thăng Long. Trên cơ sở kinh tế, chính trị đó, lực lượng quốc phòng cũng được tăng cường. Quân đội chủ lực của nhà Lý gồm cấm quân (hay thân quân, thắng binh) bảo vệ hoàng thành và theo vua đi chiến trận, quân các lộ đóng giữ các địa phương. Tất cả dân đinh từ 18 đến 20 tuổi gọi là hoàng nam đều phải vào lính trong 2 năm. Dân đinh 20 tuổi trở lên gọi là đại hoàng nam ở nhà làm ruộng nhưng phải ghi tên vào sổ quân và khi cần thiết, nhà nước gọi nhập ngũ. Đó là chính sách "ngụ binh ư nông" (gửi binh ở nhà nông) nhằm tăng cường lực lượng quân đội nhưng vẫn bảo đảm sản xuất và tiết kiệm chi phí cho nhà nước. Ngoài ra, vương hầu quý tộc và một số tù trưởng miền núi còn có quân đội riêng nhưng phải đặt dưới sự điều động của triều đình. Vào đầu đời Lý, quân đội ngoài bộ binh, có kỵ binh, tượng binh, thủy binh. Thủy binh nước ta mạnh và có truyền thống lâu đời. Trang bị quân đội, ngoài giáo, mác, kiếm, thương, mộc, cung nỏ... còn có máy bắn đá là loại vũ khí lợi hại trước khi hỏa pháo ra đời. Quân sĩ được huấn luyện theo một số nguyên tắc, chế độ chặt chẽ lúc đó đã được biên soạn thành sách mà Tống sử gọi là An Nam hành quân pháp2.

        Sự lớn mạnh về mọi mặt của đất nước cho phép nhà Lý đối phó với âm mưu xâm lược của nhà Tống một cách kiên quyết chủ động, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập dân  tộc và ý  chí tự lập tự cường mạnh mẽ của cả dân tộc. Bằng cách tranh thủ các tù trưởng thiểu số, nhà Lý thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa triều đình trung ương và các dân tộc miền núi, củng cố khối đoàn kết dân tộc, làm thất bại thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ của nhà Tống.

        Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, con lên nối ngôi là Lý Nhân Tông mới 7 tuổi. Công việc triều chính lúc bấy giờ ở trong tay thái úy Lý Thường Kiệt3, cương vị như tể tướng. Ông là một người yêu nước tha thiết, có ý thức độc lập tự chủ mãnh liệt, là một nhà chính trị lỗi lạc và một nhà quân sự tài ba. Theo dõi chặt chẽ âm mưu và hành động của nhà Tống, ông chủ trương: "Ngồi đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc"4. Chủ trương "tiên phát chế nhân" đó là một sáng tạo độc đáo của Lý Thường Kiệt, xuất phát từ sự nhận thức vững vàng về sức mạnh vật chất và tinh thần của dân tộc, sự phân tích đánh giá đúng những chỗ mạnh, chỗ yếu của địch. Nhà Tống tuy là một nước lớn, có quyết tâm xâm lược nhưng đang đứng trớc một số khó khăn về đối nội đối ngoại, không thể hành động một cách kiên quyết, đối phó một cách kịp thời. Chủ trương đó biểu thị một tư tưởng chiến lược tích cực, lấy tiến công để tự vệ một cách chủ động.

        Cuối năm 1075, 10 vạn quân thủy bộ của ta do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, bất ngờ tập kích vào các căn cứ xâm lược của quân Tống mà trung tâm là thành Ung Châu. Ngày 18 tháng 01 năm 1076, quân ta bao vây thành Ung Châu và sau 42 ngày công phá dữ dội, ngày 01 tháng 3 năm 1076, quân ta hạ thành. Lý Thường Kiệt ra lệnh hủy thành luỹ, phá kho tàng trong cả vùng Tả Giang và lấy đá lấp sông để ngăn chặn đường cứu viện của quân Tống. Mục đích của cuộc tiến công đã đạt được, Lý Thường Kiệt lập tức rút quân về nước trong lúc vua tôi nhà Tống đang bị động bàn bạc cách đối phó.

        Bằng cuộc tập kích táo bạo, tiến công vào kẻ dịch đang chuẩn bị xâm lược, Lý Thường Kiệt đã “chặn mũi nhọn của giặc”  đẩy kẻ thù vào thế bị động ngay từ đầu và tạo ra nhiều điều kiện có lợi cho cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc ta. Bao nhiêu căn cứ quân sự và hậu cần nhà Tống chuẩn bị bấy lâu nay, trong chốc lát bị phá hủy tan tành. Những khó khăn của nhà Tống bị khoét sâu thêm. Các nước Liêu, Hạ được dịp coi thường "thiên tử". Nhân dân Trung Quốc càng thêm oán ghét triều đình Tống. Mâu thuẫn trong nội bộ triều Tống lại sâu sắc thêm. Phái chủ chiến bị đã kích mạnh và tháng 10 năm 1076, tể tướng Vương An Thạch phải từ chức trong một thời gian.

        Cuộc tiến công thành Ung Châu là một bộ phận và là giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Thắng lợi của cuộc tiến công để tự vệ đó đã dập tắt được ý đồ xâm lược của nhà Tống, nhng đã cổ vũ quân dân ta thừa thắng đập tan những đạo quân xâm lược Tống trong một thế chiến lược có lợi cho ta.

-----------------
       1. Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, sách đã dẫn.

        2. Tống sử, Thái Diên Khánh truyện, sách đã dẫn.

        3. Lý Thường Kiệt người ở kinh đô Thăng Long, xuất thân trong một gia đình võ tướng. Từ nhỏ, Lý Thường Kiệt đã say mê đọc sách, luyện tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Ông sớm thông hiểu các phép binh thư. Năm 1041, lúc 23 tuổi, ông được bổ vào ngạch thị vệ. Sau đó. ông lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong cấm đình. Đời Lý Thánh Tông  (1054-1072) ông làm đến chức kiểm hiệu thái bảo (theo bia Linh Xứng đời Lý). Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), ông giữ chức phụ quốc thái úy cương vị như tể tướng.

        4. Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, bản dịch Nhà xuất bản Vãn hóa. Hà Nội. 1960.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 02:10:44 am »


*

*        *

        Đầu tháng 3 năm 10761, quân ta rút hết về nước. Biết thế nào quân Tống cũng sẽ kéo sang xâm lược, Lý Thường Kiệt cùng với triều đình nhà Lý lo xúc tiến ngay công việc chuẩn bị chống giặc. Bằng một mạng lưới thám tử tung sang hoạt động trên đất Tống dưới nhiều hình thức như nhà sư, lái buôn, dân chài..., Lý Thường Kiệt nắm chắc tình hình địch và theo dõi từng bước hành động của quân Tống.

        Nhà Tống rất bất ngờ trước cuộc tập kích của quân đội nhà Lý. Lúc đầu họ hoang mang, lúng túng rồi sau mới đề ra được chủ trương: lợi dụng khi quân Lý Thường Kiệt đang bị giam chân Ở Ung Châu, điều đại quân đánh thẳng sang chiếm lấy nước ta. Nhưng chủ trương đó chưa kịp thực hiện thì quân ta đã hạ xong thành Ung Châu và ung dung rút về nước. Nhà Tống lại một lần nữa phải bị động thay đổi kế hoạch xâm lược và lo chuẩn bị kỹ hơn cho cuộc viễn chinh.

        Vua Tống cử Quách Quỳ là một võ tướng cao cấp đã từng giúp Phạm Trọng Yêm giữ biên thùy phía bắc chống lại nước Hạ, làm chánh tướng. Triệu Tiết giữ chức viên ngoại lang bộ lại đang coi Diên Châu (Thiểm Tây) được điều về làm phó tướng. Dưới trướng Quách Quỳ và Triệu Tiết, có nhiều tướng đã quen chiến trận ở miền bắc. Về quân số, Quách Quỳ muốn huy động một lực lượng thật lớn, càng nhiều càng tốt. Trả lời câu hỏi cần bao nhiêu quân, Quách Quỳ nói: "Cần nhiều, miễn sao cho đủ dùng, chứ nói ra không hết”2. Cuối cùng, nhà Tống quyết định điều 10 vạn quân chiến đấu gồm bộ binh và kỵ binh, 1 vạn ngựa và 20 vạn phu vận chuyển lương thực. Ngoài ra, nhà Tống còn tổ chức một đội thuỷ binh tiến sang để cùng hiệp đồng với bộ binh, kỵ binh trong hành quân và chiến đấu vì địa hình nước ta có bờ biển dài, sông ngòi chằng chịt.

        Như vậy toàn bộ quân xâm lược Tống lên đến trên 30 vạn, trong đó có 10 vạn quân chiến đấu tinh nhuệ. Theo kế hoạch, bộ binh và kỵ binh địch sẽ tập trung ở Ung Châu rồi đột nhập vào vùng biên giới đông - bắc nước ta. Thủy binh địch sẽ từ cửa biển Khâm, Liêm vượt biển tiến vào cửa sông Bạch Đằng để phối hợp với bộ binh. Các căn cứ xâm lược ở vùng châu Ung, Khâm, Liêm lại được lệnh gấp rút xây dựng. Vua Tống Thần Tông căn dặn Quách Quỳ: "bốn phương nhìn  về" cuộc viễn chinh này nên “nếu không vạn toàn thắng hẳn thì bất tiện cho nước nhà”3.

        Trong hoàn cảnh so sánh lực lượng chênh lệch giữa ta với địch và trước cuộc tiến công ào ạt của hàng chục vạn quân viễn chinh Tống, rõ ràng nếu ta đưa toàn bộ lực lượng ra quyết chiến với địch ngay từ đầu là hết sức bất lợi Vì vậy Lý Thường Kiệt không chủ trương chặn địch ở biên giới. Nhưng, Lý Thường Kiệt cũng không chủ trương tạm thời rút lui chiến lược để cho quân địch tiến quá sâu vào lãnh thổ của đất nước. Trên cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ thế và lực của ta và địch, đồng thời phát huy thắng lợi vừa giành được của cuộc tiến công để tự vệ, ông đề ra một kế hoạch kháng chiến rất chủ động, tích cực nhằm hạn chế đến mức cao nhất sự tàn phá của quân xâm lược và giành thắng lợi oanh liệt cho dân tộc.

        Nhà Tống phải lo đối phó nhiều mặt và luôn luôn phải duy trì lực lượng quân sự lớn ở biên thùy phía bắc và tây bắc để đề phòng những cuộc đột nhập của hai nước Liêu, Hạ. Tình hình quốc phòng đó không cho phép nhà Tống huy động nhiều lực lượng vào cuộc chiến tranh xâm lược nước ta và khi gặp khó khăn, ít có khả năng tăng viện. Nhà Tống hết sức giữ bí mật cuộc Nam chinh này và muốn đánh nhanh thăng nhanh vì không thể kham nôi cuộc hành binh lâu ngày trên đất nước ta. Vua Tống đã nói rõ những khó khăn và ý đồ chiến lược đó: "Tuy ở biên thùy phía bắc, Quách Quỳ đã phân phát kế hoạch đề phòng cho các tướng ở lại, nhưng người bắc thấy triều đình bận việc Nam chinh chắc muốn quấy. Vậy phải lo việc An Nam cho chóng xong" (Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, sách đã dẫn; xem Lý Thường Kiệt sách đã dẫn, tr. 243). Như thế là quân Tống tiến hành xâm lược trong thế bị động, lại ít khả năng tiếp viện và không thể kéo dài chiến tranh. Còn quân dân ta thì bước vào cuộc kháng chiến với tư thế chủ động, với quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và chiến đấu ở ngay trên đất nước quê hương của mình.

------------------
        1. Theo Tư Mã Quang trong Tốc ký thủy văn, thì ngày 21/01 quân ta hạ thành Ung Châu và ngày 23/01 rút về nước. Tục tư trị thông giám trường biên lại chép ngày 23/01 tức ngày 01/3/1076 quân ta mới hạ thành Ung Châu. Đại Việt sử lược chép nhà Lý tâu thắng trận ở nhà Thái miếu vào tháng giêng. Như vậy quân ta rút về nước khoảng cuối tháng giêng âm lịch, tức đầu tháng 3/1076.

        2. Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, sách đã dẫn.

        3. Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, sách đã dẫn; xem Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn, Nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội, 1950,  tr. 243-244.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 02:12:25 am »


        Do những điều kiện khách quan, chủ quan như vậy, Lý Thường Kiệt chủ trương lập chiến tuyến ở  nơi có lợi nhất để chặn đứng bước tiến của quân xâm lược bảo vệ an toàn kinh thành Thăng Long và địa bàn cơ bản của đất nước, rồi sau một thời gian đánh bại mọi cuộc tiến công của địch, giam hãm chúng vào tình trạng tiêu hao, mệt mỏi, cuối cùng, sẽ tiến lên phản công, thực hành quyết chiến chiến lược giành thắng lợi quyết định. Chủ trương chiến lược đó lại là một sáng tạo độc đáo nữa của Lý Thường Kiệt, nói lên tư tưởng tiến công chủ động, tích cực của ông.

        Binh lực chủ yếu và tinh nhuệ của quân Tống vẫn là bộ binh và kỵ binh. Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, các đạo bộ binh trong đó có kỵ binh cũng giữ vai trò những mũi tiến công quyết định. Còn thủy binh chỉ là lực lượng phối hợp nhằm hiệp đồng với bộ binh, tổ chức vượt sông để tiến sâu vào nước ta. Nhà Tống đề ra nhiệm vụ của thủy binh là vượt biển tiến vào nước ta để ”ghé thuyền vào bờ bắc chờ đại quân qua sông, vì trên đường bộ tiến binh đến kinh thành giặc còn cách sông lớn, người Giao lại giỏi thuỷ chiến, sợ thuyền giặc giữ các chỗ hiểm, đại binh khó lòng qua được" (Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, sách đã dẫn). Lực lượng thúy binh này mới được tổ chức gồm những người dân chài ven biển Quảng Đông bị nhà Tống bắt vào lính. Họ chưa quen chiến trận, lại không có tinh thần chiến đấu.

        Thủy binh địch tập trung ở cửa biển Khâm Châu rồi vượt biển vào nước ta. Theo sách Lĩnh ngoại đai đáp của Chu Khứ Phi (một tác giả đời Tống) thì từ Khâm Châu thuyền đi theo hướng tây - nam một ngày đến châu Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh) ở địa đầu nước ta. Từ Vinh An, thuyền theo sông Đông Kênh vào cứa sông Bạch Đằng lên Vạn Xuân rồi vào Thăng Long. Sông Đông Kênh là dải nước ven biển giữa đất liền và các hải đào vùng biền đông - bắc nước ta, từ Móng Cái đến cửa sông Bạch Đằng, mà lúc đó người ta coi như một con sông. Lý Thường Kiệt bố trí một lực lượng thủy binh đóng ở Đông Kênh do tướng Lý Kế Nguyên chỉ huy. Nhiệm vụ của đoàn chiến thuyền này là kiên quyết ngăn chặn không cho thủy binh địch tiến vào đất liền, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch hiệp đồng quân thủy bộ của địch, gây những khó khăn lớn cho cuộc tiến quân của bộ binh địch.

        Bộ binh nhà Tống định tập kết ở Ung Châu rồi theo nhiều đường qua vùng đông - bắc nước ta tiến vào Thăng Long. Kinh thành Thăng Long là mục tiêu tiến công chủ yếu của địch vì theo quan niệm chiến tranh chung lúc đó thì phải chiếm được kinh thành, bắt được vua, tiêu diệt được quân chủ lực cua đối phương mới giành được thắng lợi. Cũng theo Chu Khứ Phi, từ Ung Châu có ba đường tiến vào Thăng Long. Con đường chính tiện lợi hơn cả là qua Bằng Tường vào Lạng Sơn rồi theo lưu vực sông Thương và vượt sông Cầu vào Thăng Long. Đó là con đường thiên lý, con đường sứ thần hai nước qua lại, gần trùng với đường xe lửa và quốc lộ 1A hiện nay. Đường này đi bộ mất 4 ngày đến Thăng Long. Phía tây con đường chính có một đường phụ từ trại Thái Bình (thuộc Ung Châu) vào Lạng Châu (Lạng Sơn, Bắc Giang) rồi cũng phải qua sông Cầu vào Thăng Long. Đường này đi mất 6 ngày. Một con đường phụ nữa cũng ở phía tây đường chính, từ trại Ôn Nhuận thuộc đạo Hữu Giang vào vùng Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Đường này quanh co, đi mất 12 ngày và cũng phải qua sông Cầu vào Thăng Long.

        Lý Thường Kiệt đã nghiên cứu kỹ địa hình và các đường giao thông vùng đông - bắc để bày một thế trận lợi hại nhằm đánh kiềm chế, tiêu hao rồi chặn đứng các mũi tiến công của bộ binh địch. Các đường tiến quân của địch đều phải đi qua vùng núi rừng đông - bắc có địa thế hiểm trở và là khu vực cư trú của các dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày - Nùng. Lý Thường Kiệt giao cho những đội quân của các dân tộc thiểu số - lúc đó gọi là quân thượng du - do các tù trưởng của họ chỉ huy, lợi dụng địa hình đón đánh các mũi tiến công của địch. Sát biên giới phía bắc, Lưu Kỷ cùng 5.000 quân người thiểu số đóng ở Quảng Nguyên đón đánh đạo quân địch từ Ôn Châu tiến vào Cao Bằng. Dưới Quảng Nguyên, trên đường Cao Bằng, Thái Nguyên, một vạn quân đóng ở hai động Cổ Lộng, Hạ Liên (vùng Ngân Sơn, Bắc Cạn) làm nhiệm vụ ngăn chặn đường tiếp tế uy hiếp vùng sau lưng địch. Phò mã Thân Cảnh Phúc, đóng quân ở động Giáp (vùng Kép, Bắc Giang) trên con đường chính qua Lạng Sơn vào Thăng Long. Con đường này tuy gần nhưng qua nhiều chỗ hiểm yếu, nhất là đèo Quyết Lý (khoảng làng Nhân Lý, phía bắc Ôn Châu) và ải Giáp Khẩu (tức ải Chi Lăng, Lạng Sơn). Đạo quân của Thân Cảnh Phúc lợi dụng các vị trí hiểm yếu đó để chặn đánh mũi tiến công chủ yếu của địch theo con đường chính. Phía tây Thân Cảnh Phúc, các tù trưởng Sầm Khánh Tân, Nùng Thuận Linh, Hoàng Kim Mãn trấn giữ vùng Môn Châu (Đông Khê) và ngăn chặn con đường từ Bình Gia đến Thái Nguyên. Phía đông, Vi Thu An trấn giữ châu Tô Mậu và ngăn chặn con đường từ Tư Lăng đến Lạng Châu. Đồng thời, ông còn có nhiệm vụ chỉ huy một đạo quân chặn thủy quân của địch từ Quảng Đông tiến xuống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 02:13:32 am »


        Vi Thủ An là vị tướng có nhiệm vụ trấn giữ miền đất nước từ trước. Trong cuộc tiến công để tự vệ vào năm 1075, ông chỉ huy một đạo quân thủy theo Lý Thường Kiệt đánh sang Khâm Châu. Tại đình làng Cựu Điện (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), nơi thờ ông, có đôi câu đối ghi lại sự tích đánh Tống của ông:

                                      “Nhất sóc định giang san, Tống binh lạc phủ
                                      Bách niên quang tự điển, Cựu Điện lưu hương"

                                      (Một giáo định non sông, Tống binh rơi mật
                                      Trăm năm ngời lễ lớn, Cựu Điện hương thơm).


        (Theo Thần tích thành hoàng làng Cựu Điện (chữ Hán)).

        Những đạo quân miền núi trên đây khá mạnh và đặc biệt rất am hiểu địa hình, thông thạo đường đi lối lại, chiến đấu ngay trên quê hương của mình. Phó tướng quân Tống là Triệu Tiết phải công nhận: “Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Thân Cảnh Phúc ở động Giáp đều cầm cường binh” (Lý Đào, Tục tư trị thông giám trường biên, sách đã dẫn; xem Lý Thường Kiệt, sách đã dẫn, tr.268). Nhiệm vụ của các đạo quân thượng du là đánh kiềm chế tiêu hao các đạo quân địch khi chúng tiến sang và sau đó đẩy mạnh hoạt động vùng sau lưng địch nhằm quấy rối và nhất là ngăn chặn đường vận chuyển, tiếp tế của địch, đồng thời sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực khi chuyến sang phản công.

        Trong cuộc kháng chiến chống Tống thế kỷ XI, vùng đông - bắc là một địa bàn chiến lược trọng yếu và các dân tộc thiểu số ở vùng đó đã có những đóng góp rất to lớn. Đó cũng là một thành công lớn của Lý Thường Kiệt và triều Lý trong việc củng cố quốc gia thống nhất, thắt chặt quan hệ đoàn kết với các dân tộc miền núi.

        Nhưng các lực lượng vũ trang của các dân tộc miền núi rõ ràng không thể chặn đứng được bước tiến của các đạo quân Tống. Các mũi tiến công của địch với thế mạnh ban đầu có thể vượt qua sức chống cự đó, nhưng muốn tiến về Thăng Long đều nhất thiết phải qua dòng sông Cầu. Sông Cầu bắt nguồn từ Cao Bằng đổ ra sông Lục Đầu ở Phả Lại. Dòng sông chặn ngang tất cả con đường bộ từ Quảng Tây vào Thăng Long. Thượng lưu sông Cầu rất hiểm trò. Khúc sông từ Thái Nguyên đến Đa Phúc có thể qua lại được, nhưng phía sau lại có dãy núi Tam Đảo án ngữ khó vượt qua. Chỉ có khúc sông từ Đa Phúc đến Phả Lại dài khoảng gần 100 ki-lô-mét, nhất là từ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu trở về xuôi, tức sông Như Nguyệt, là qua lại dễ dàng, có bến đò và đường bộ về Thăng Long.

        Theo Đại Nam nhất thống chí thì trên sông Như Nguyệt, thế kỷ XIX, có 11 bến đò ngang: Như Nguyệt, Tiểu Lâm, Dũng Liệt, Phù Yên, Đẩu Hàn, Phù Cầm, Lượng Sài, Đáp Cầu, Yên Ngô, Bằng Lâm, Phả Lại (Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tập IV, tr.94. Hiện nay trên sông Như Nguyệt từ Như Nguyệt đến Phả Lại có 11 bến đò ngang: Như Nguyệt, Đông Xuyên, Phù Cầm, Đại Lâm, Vạn An, Đáp Cầu, Quang Biểu, Trúc Tây, Cung Kiệm, Đông Viên Hạ, Phả Lại). Xưa kia, số bến có lẽ ít hơn, nhưng có hai bến quan trọng nhất đã có từ lâu đời là bến đò Như Nguyệt và Thị Cầu (tức Đáp Cầu sau này) nằm trên những con đường giao thông về Thăng Long. Con đường chính - đường thiên lý - qua bến Thị Cầu về Thăng Long theo đường Bắc Ninh - Hà Nội ngày nay.

        Qua bến Như Nguyệt có hai đường bộ về Thăng Long. Một đường qua thôn Đông (tức Phương La Đống, xã Tam Giang, huyện Yên Phong) và các làng Yên Vĩ, Yên Phụ (thuộc Yên Phong, Bắc Ninh); Thuỷ Lôi, Vân Điềm (Vân Hà, Đông Anh); Hà Vĩ (Liên Hà, Đông Anh), Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) về Thăng Long. Đây là con đường giao thông cổ dài khoảng hơn 20 ki-lô-mét. Nhân dân vùng này có câu ca dao:

                                      Thứ nhất là cứa đền Xà (thôn Đông, Tam Giang)
                                      Thứ nhì cầu Gạo (Yên Phụ)
                                      Thứ ba Vân Điềm (Vân Hà)


        Đó là ba chỗ lầy lội trên con đường này. Con đường thứ hai từ Như Nguyệt qua Nguyệt Cầu, Trác Bút, Hàm Sơn (Yên Phong, Bắc Ninh) rồi ra con đường chính về Thăng Long (tức đường Từ Sơn - Hà Nội ngày nay). Con đường này dài chừng 30 ki-lô-mét và đã có ít nhất từ cuối thế kỷ XVIII (Đình làng Như Nguyệt còn giữ được mấy bản giao ước giữa Như Nguyệt và Nguyệt Cầu về việc Nguyệt Cầu để cho dân Như Nguyệt đi qua làng. Bản giao ước xưa nhất có niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 6 (năm 1798). Như vậy con đường này phải có trước năm 1798, nhưng có lẽ mới mở trước đó ít lâu nên mới có sự tranh chấp và có giao ước giữa hai làng). Đó là những bến đò và con đường thuận lợi nhất để quân Tống vượt qua sông Như Nguyệt tiến về Thăng Long.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM