Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:31:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chặng đường mười nghìn ngày  (Đọc 42815 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 05:06:36 pm »


        Nhưng cuộc chiến đấu chống địch giải toả càng gặp muôn vàn khó khăn. Vừa mệt mỏi, căng thẳng và bị tiêu hao trong chiến đấu. Sang tháng 6, tháng 7 mưa càng nhiều, hầm hào sụt lở ăn ở của bộ đội càng gian khổ, thiếu thốn, ốm bệnh đủ loại, quân số chiến đấu giảm, từng đại đội, tiểu đoàn chỉ còn 50%, thậm chí 30% so với biên chế.

        Bộ tư lệnh chiến dịch chúng tôi nhận định: trên thế chung chúng ta vẫn giữ được quyền chủ động. Qua tin tức của đài Tiếng nói Việt Nam, từ Bộ chỉ huy Miền thông báo xuống; tại hướng chiến lược chủ yếu Quảng Trị, đã hút thêm lữ đoàn dù 1 và liên đoàn biệt kích 81 từ đường 13 đưa ra; địch cũng rút bớt quân ở Tây Nguyên và đồng bằng Khu 5 đi chi viện các nơi khác vì tại đây ta vẫn tiếp tục tiến công uy hiếp. Trên mặt trận đường 13, địch phải rút sư đoàn 21 về đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với sư đoàn 5 của ta đang cùng quân dân Khu 8 mở chiến dịch tổng hợp đạt hiệu quả. Sư đoàn 18 và liên đoàn biệt động quân 5 vẫn bị giam chân ở thị xã An Lộc, thay sư đoàn 5 rút về phía sau củng cố, chưa thể tiếp tục đưa ra phía trước được Trên mặt trận đường 13 vẫn chỉ có sư đoàn 25 và một số đơn vị tăng cường khác, đã bị sứt mẻ và sa sút tinh thần qua gần một tháng thay sư đoàn 21 tiến công trận địa chốt Tàu Ô.

        Về phía ta, Sư đoàn 7 đã chứng tỏ là một sư đoàn có bản lĩnh trong nhiệm vụ chống địch giải toả, làm thất bại nhiều thủ đoạn nham hiểm của địch trong cuộc tiến công nhằm đánh bật ta ra khỏi trận địa chốt; chúng vẫn dậm chân tại chỗ trước hệ thống chốt chặn Tàu Ô của ta.

        Từ nhận định trên và quán triệt sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Miền, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương: Kiên trì giữ các chốt cơ bản kết hợp với tổ chức các chốt cơ động đưa lực lượng ra phản kích.

        Bắt đầu triển khai thực hiện chủ trương chuyển hoạt động vào khu trung tuyến, là thiết thực chi viện cho trận địa chốt chặn Tàu Ô, đồng thời hạn chế khả năng địch đưa lực lượng đánh ra vùng giải phóng.

        Đây là nhiệm vụ đã được đề cập trong nội dung quyết tâm chiến đấu đợt hai chiến dịch. Trong bố trí lực lượng chống giải toả trên đường 13, chúng tôi chỉ đạo Sư đoàn 7 chỉ để Trung đoàn 209 chất chặn Tàu Ô, Trung đoàn 165, 141 và 205 làm nhiệm vụ cơ động tiến công, thời gian đầu đánh địch vu hồi phía sau khu vực Tân Khai, Đức Vinh, sau vận động tiến công khu vực phía trước, hỗ trợ Trung đoàn 209 giữ vững khu vực chốt chặn Tàu Ô, để khi có điều kiện dễ dàng rút ra làm nhiệm vụ mới.

        Thời cơ để triển khai dự kiến ban đấu đã đến. Nhưng khi vào việc thì lại không đơn giản! Khó khăn trước hết là việc rút hai trung đoàn của Sư đoàn 7. Người không thông chính là sư đoàn trưởng Đàm Văn Nguỵ. Một mặt anh ra lệnh cấm không ai được nói với những người chưa biết tin này, "cụ thể thế nào sau khi tôi lên Bộ tư lệnh chiến dịch về sẽ hay". Ngay đêm hôm được tin rút, Đàm Văn Nguỵ cứ trằn trọc về những suy nghĩ miên man (khi lên sở chỉ huy chiến dịch anh tâm sự lại, như phân bua với mọi người): "thị xã Quảng Trị đã mất, Hiệp định Paris vẫn chưa ký, ta bỏ Tàu Ô thì sư đoàn 25 địch đang đứng trước mặt sẽ tràn vào, thẳng đường lên giải toả An Lộc, cùng lực lượng ở đây tái chiếm sân bay Téc-ních, chi khu quân sự Lộc Ninh, thì lấy đâu địa điểm đặt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam? Đông Hà? Gần miền Bắc quá, không có lợi về chính trị. Sư đoàn 7 đã đóng giữ đoạn đường 30 ki-lô-mét từ nam An Lộc đến bắc Chơn Thành, nay rút uổng quá? Trên thương ta mà lệnh cho ta rút ra để nghỉ ngơi củng cố. Nhưng rút lúc này là mất thời cơ chiến lược.

        Không, nhất định phải giữ, nhưng cần điều chinh lực lượng, thay đổi cách bố trí và cách đánh.

        Biết sáng hôm sau sư trưởng Sư đoàn 7 Đoàn Văn Nguỵ lên báo cáo, xin ý kiến, tôi đã bố trí thời gian tiếp.

        Gương mặt anh vẫn hiện rõ nét lạc quan, tự tin, nhưng hình thể thì gầy, da xanh, hai mắt trũng sâu! Rất muốn có cái gì chiêu đãi người ở phía trước sau gần hai tháng trời vất vả, nhưng ngó trước nhìn sau chẳng tìm ra thứ gì để gọi là bồi dưỡng nhẹ.

        Nắm chặt tay Đàm Văn Nguỵ, tôi nói:

        - Ngồi xuống, uống tạm nước đun sôi, rồi trình bày ngay, tụi mình sẵn sàng nghe.

        Không đắn đo suy nghĩ, như tất cả đã chuẩn bị sẵn trong đầu cứ việc mở nút là bật tung, Đàm Văn Nguỵ sôi nổi trình bày những điều mình đã nghĩ đêm qua.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 05:07:23 pm »


        Ôi! Phẩm chất đáng quý của một con người. Là người đứng mũi chịu sào, trăm cái gian nan vất vả, nghìn cái gian khổ, gay go đều đổ vào mình, mà vẫn không hề nao núng phân tâm, không muốn xả hơi, trái lại vẫn tha thiết trình bày, đề nghị trên cho được tiếp tục trụ lại ráng chịu đựng, sẵn sàng chấp nhận tất cả, dù có thế nào, miễn là không để địch bước qua Tàu Ô.

        Trước hết tôi chân thành bày tỏ sự cảm phục của mình về sư đoàn trường sư đoàn 7 Đàm Văn Nguỵ. Qua hơn 60 ngày thử lửa, chất vàng nhân phẩm của anh vẫn óng ánh, anh đã góp phần củng cố bản lĩnh, lòng tin cho cấp dưới và cả cấp trên trong thời điểm cần phải có.

        Sau đó, thay mặt Bộ tư lệnh chiến dịch, tôi trình bày kế hoạch hoạt động tiếp theo được tập thể nhất trí:

        - Ý định rút phần lớn lực lượng Sư đoàn 7 ra khỏi khu vực chốt chặn không phải để nghỉ ngơi, mà là… - Tôi vừa mở đầu công việc giao nhiệm vụ.

        Sư trưởng sư đoàn 7 cắt ngang:

        - Đi đâu thủ trường? - Anh hỏi dồn - Đi hướng nào, làm nhiệm vụ gì?

        Tôi tiếp tục trao đổi, bắt đầu từ cách đặt vấn đề.

        - Hơn hai tháng qua Sư đoàn 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng nếu đánh theo kiểu vỗ mặt thì khả năng đẩy lùi địch có khó khăn, chỉ tạo thế giằng co như hiện nay, rất có thể dẫn tới tình huống xấu, bất lợi cho ta. Muốn giải quyết căn bản vấn đề, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định rút hai Trung đoàn 165 và 141 của Sư đoàn 7 hợp cùng Trung đoàn 205 độc lập của Miền thành một sư đoàn đầy đủ, tranh thủ củng cố ngắn ngày, sau đó bí mật rời Tân Khai - Đức Vinh xuống khu trung tuyến, tiến công vào cụm căn cứ địch phía sau như Chơn Thành, Lai Khê là những nơi đóng sở chỉ huy tiền phương sư đoàn 25, quân đoàn 3 địch nhằm thu hút địch từ phía trước về phía sau, hạn chế sức ép của địch ở khu vực Tàu Ô, đồng thời hạn chế khả năng chúng đưa lực lượng đánh ra vùng giải phóng của ta.

        Về Trung đoàn 209, Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn tiếp tục để trung đoàn này làm nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô, với lý do tránh phải thay phiên lúc này dễ gây xáo trộn, trong khi kẻ địch đang đóng chốt xen kẽ, chúng dễ phát hiện sơ hở tổ chức nhất loạt phản kích đánh chiếm thì tình hình sẽ trở nên phức tạp, ta rơi vào thế bị động, kế hoạch mở mặt trận vào vùng trung tuyến sẽ có nhiều khó khăn. Mặt khác địch đã hiểu đối diện trực tiếp với chúng ta ở Tàu Ô là Trung đoàn 209, nay Trung đoàn 209 vẫn còn đó vừa sẵn sàng đối đầu với địch, vừa trong kế hoạch nghi binh, tạo cho chúng giữ thói quen phán đoán - sau Trung đoàn 209 là Trung đoàn 165, 141 của "công trường 7".

        Như vậy rõ ràng không đứng trong đội hình mới nhưng Trung đoàn 209 lại có vai trò không thể thiếu trong kế hoạch tổng hợp mở mặt trận đánh vào vùng trung tuyến. Một mặt làm nhiệm vụ nghi binh, luôn luôn khẳng định mình vẫn đứng chân trên khu vực Tàu Ô, mặt khác đòi hỏi Trung đoàn 209 phải tự thân chiến đấu giữ vững dải chốt chặn trong suốt thời gian các trung đoàn 165, 141 rút ra củng cố, chuẩn bị chiến đấu ở phía sau cho đến khi mặt trận vùng trung tuyến nổ súng.

        Trên dưới ăn ý, công việc chạy đều mặc dầu khó khăn không giảm. Các đồng chí chỉ huy Sư đoàn 7, ba ngày sau khi nhận lệnh đã khẩn trương triển khai nhiệm vụ và điện báo cáo về sở chỉ huy chiến dịch, đã hoàn thành hơn nửa phần việc. Các đơn vị được giao nhiệm vụ đang rút về địa điểm tập trung. Đoàn khảo sát thực địa đã lên đường. Lúc này đang là những ngày cuối tháng 7, thời gian chuẩn bị không nhiều, theo dự kiến của chúng tôi, chậm nhất thượng tuần tháng 8 là phải khởi sự.

        Không thể chậm hơn, bởi lẽ không thể để Trung đoàn 209 "gồng mình" lâu quá tự mình giữ trận địa chốt chặn, như thế áp lực địch ở Tàu Ô sẽ tăng lên quá sức chịu đựng của anh em, thế trận có thể xấu đi. Mặt khác cũng cần tranh thủ lúc tối trời, nhất là đơn vị đặc công được giao nhiệm vụ pháo kích Lai Khê, để khi tuần trăng đến sẽ có điễn biến phức tạp khó lường.

        Tôi lại tiếp Đàm Văn Nguỵ sau khi dẫn đoàn cán bộ đi quan sát thực địa vùng tuyến sau của địch trở về. Hình hài vẫn thế, người gầy xương xương, da xanh mai mái. Nhưng gương mặt tươi tỉnh, cười nói cởi mở, như có tin vui mới nhận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 05:08:13 pm »


        Sau khi báo cáo, như là trình bày những thu lượm của mình về cảnh vật vừa lạ vừa quen của vùng nam Chơn Thành qua Bầu Lồng đến bắc Bầu Bàng, sư đoàn trường Đàm Văn Nguỵ nêu nhận xét: ở đây mật độ địch dày đặc, ngoài quân đồn trú, là lực lượng hậu cần của sư đoàn 25, làm nhiệm vụ vận tải lên phía trước với số lượng xe cộ nhiều, chúng nối đuôi nhau lên xuống ngày đêm như mắc cửi; nhộn nhịp như đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng. Đề nghị Tư lệnh cho đơn vị được chuyển dịch đội hình xuống phía nam, kịp thời tiến công càng sớm càng tốt, vì địch đông, nhưng chúng chủ quan, nghênh ngang lắm!

        - Lực lượng là bao nhiêu? - Tôi thăm dò.

        Đàm Văn Nguỵ trả lờỉ:

        - Báo cáo tư lệnh, một trung đoàn.

        - Đồng ý - Tôi trả lời - nhưng trước khi Bộ tư lệnh chính thức quyết định, tôi cần được tận mắt thấy địch.

        - Chúng tôi chờ lệnh - Đàm Văn Nguỵ trả lời.

        - Anh cùng tôi trực tiếp xuống xem lại lần nữa - Tôi nói.

        Ngay sau đó, tôi và Đàm Văn Nguỵ trở lại nơi mà anh vừa ở đó trở về xin lệnh cho đơn vị triển khai trận đánh.

        Đã gần bảy năm trôi qua tôi mới về lại một vùng quen thuộc.

        Bao kỷ niệm hiện về. Ngày ấy vào đầu tháng 10 năm 1965 tôi và anh Thế Bôn cũng đi trên đoạn đường này làm nhiệm vụ khảo sát chiến trường, chuẩn bị cho Sư đoàn 9 tham gia chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng. Chúng tôi trà trộn cùng nhân dân đi từ Bầu Lồng xuống tận Lai Khê, Bến Cát. Đường ngày ấy nhỏ, mặt đường xấu nhưng quang cảnh hai bên thật nên thơ, rừng cây còn nhiều, tất cả hiện lên một màu xanh mát mắt, thoảng mùi thơm của hoa rừng qua làn gió nhẹ gây cảm giác dễ chịu. Thì nay vẫn đoạn đường năm xưa, tất cả đều đổi thay, đường tuy có rộng, mặt đường phẳng lì nhẵn bóng, nhưng rừng cây thì bị thiêu trụi, chỉ còn một mùi khét lẹt của bom đạn, cảnh vật hoang tàn. Hai bên đường chỉ còn thứ cỏ không tên, bị bom na pan đốt cháy, dù bị chất độc hoá học huỷ hoại, vẫn cứ bám lấy đất mà sống.

        Cơ sở địa phương giúp đỡ, tạo thuận lợi cho chuyến đi của chúng tôi. Vừa nghe các đồng chí địa phương báo cáo, vừa tận mắt quan sát, cả ngày và đêm, nhiều lúc phải trèo cây cao quan sát vì vùng này cũng là rừng bằng rất hạn chế tầm mắt. Tình hình đúng như Đàm Văn Nguỵ báo cáo. Ở đây nhiều xe địch lên xuống làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, súng đạn lên phía trước, nhưng lại sơ hở, chủ quan, thuận lợi cho ta làm nhiệm vụ. Và khi bị đối phương bất thần tiến công, địch sẽ lúng túng, rối loạn. Vì lúc này bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Sài Gòn và bộ Tổng Tham mưu quân nguỵ vẫn dồn sức theo dõi, đề ra các biện pháp tự tin vào cuộc phản kích của Sư đoàn 25 đánh phá Tàu Ô, Sư đoàn 18 nống ra đồn điền Quản Lợi, sân bay Téc-ních. Đánh là rung không những trận địa phía sau mà cả trận địa phía trước.

        Nhưng lực lượng làm nhiệm vụ thì không thể một trung đoàn.

        Phải đưa lực lượng như dự kiến ban đầu, biên chế đủ một sư đoàn bộ binh gồm ba trung đoàn, có lực lượng binh chủng nhất định để trước hết bảo đảm chắc thắng quân địch tại chỗ, đủ sức đánh bại các lực lượng chi viện; đồng thời còn nhằm cài thế chiến dịch và có tác động cả về mặt tâm lý; khi có điều kiện ta còn tiến sát vùng ven đô, vô hiệu hoá vùng trung tuyến1, uy hiếp Sài Gòn.

        Tôi trao đổi tại chỗ về sử dụng lực lượng nói trên với Đàm Văn Nguỵ để chuẩn bị tư tưởng cho anh trước khi về sở chỉ huy trao đổi thống nhất với các đồng chí trong bộ tư lệnh chiến dịch.

        Toàn bộ kế hoạch chung không có gì thay đổi, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định một số công việc cụ thể:

        - Một là, lực lượng đặc công chiến dịch được trang bị súng cối 122 ly và hoả tiễn chuẩn bị gấp, chậm nhất cuối thượng tuần tháng 8 thực hiện bất ngờ tiến công căn cứ Lai Khê.

        - Hai là, lực lượng cơ động của Sư đoàn 7 (trung đoàn 165, 141) và Trung đoàn 205 do sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Đàm Văn Nguỵ chỉ huy, triển khai vận động phục kích trên đường Chơn Thành đi Lai Khê, kết hợp với chốt cứng đoạn nam Bầu Lồng - bắc Bầu Bàng để đánh địch từ phía bắc có thể quay về giải toả Lai Khê.

        - Ba là, thời gian không thể chậm, các đơn vị phải vừa di chuyển, vừa chuẩn bị, thực hiện thật nghiêm kỷ luật giữ bí mật và kế hoạch nghi binh; Trung đoàn 209 cần ráng sức chịu đựng, phải tổ chức đánh địch liên tục chứng tỏ vẫn chiến đấu trong đội hình chiến dịch, vẫn có lực lượng phía sau lên chi viện, kéo dài lừa địch cho đến khi mặt trận trung tuyến nổ súng tiến công.

        Cuộc chuyển quân đầy vất vả nhưng vẫn giữ được bí mật cho đến phút chót.

-----------------
        1. Địch phòng thủ Sài Gòn thành ba tuyến: tuyến ngoài giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, tuyến giữa (trung tuyến), tuyến ven đô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2016, 05:08:42 pm »


        Theo kế hoạch chung, đêm 10 rạng 11 tháng 8 tiểu đoàn 28 đặc công chiến dịch phối hợp với một bộ phận của lữ đoàn 429 đặc công Miền tiến công sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 nguỵ đặt tại Lai Khê mở màn trận chiến đấu ở vùng trung tuyến; đồng thời các đơn vị cơ động sẵn sàng đánh địch trên đoạn đường Bầu Bàng - Lai Khê.

        Cả một vùng địch coi là hậu cứ của cuộc hành quân giải toả đã bị đối phương đánh phá. Cơ quan chỉ huy chóp bu của Mỹ - nguỵ ở Sài Gòn vội vã điều liên đoàn biệt động số 6 từ Biên Hoà lên ứng cứu Lai Khê và điều liên đoàn biệt động quân số 3 từ đường số 2 sang đường 13 bố trí ở Bến Cát làm dự bị phía sau.

        Ngay lúc này Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định: mặc dầu Trung đoàn 141 đã tổ chức được một số trận đánh, đã đặt được cái chốt ở Bầu Bàng, địch vẫn đưa lực lượng phía sau lên ứng cứu, chưa chịu rút lực lượng về phía trước, chứng tỏ chúng vẫn ngoan cố duy trì áp lực ở Tàu Ô. Vì vậy cần phải đánh mạnh, gây thiệt hại trực tiếp vào lực lượng mới đến ứng cứu.

        Quán triệt tinh thần chỉ đạo trên, lực lượng cơ động chiến dịch tiến hành vận động phục kích chặn đánh tiểu đoàn 35 (liên đoàn biệt động quân số 6) ở bắc Lai Khê; diệt tiểu đoàn 51 cũng thuộc liên đoàn biệt động quân số 6 ở tây-nam Bầu Bàng (21 đến 22-8), lực lượng còn lại của liên đoàn này phải luồn rừng chạy về phía nam (27-8), thì địch bắt đầu hoang mang, bối rối, sức ép của ta vào Bình Dương, vào ven đô đang tới gần.

        Tảng sáng ngày 28 tháng 8, đài kỹ thuật của ta bắt được tin của địch: Nguyễn Văn Minh tư lệnh quân đoàn 3 nguỵ điện cho Lê Văn Tư, tư lệnh sư đoàn 25: công trường 7 (chỉ sư đoàn 7) đang tiến mạnh, tiến sâu, sư đoàn 25 bỏ Tàu Ô lui về Chơn Thành, Lai Khê, bảo vệ vùng trung tuyến. Cùng lúc, từ khu vực chốt chặn, Trung đoàn 209 báo cáo về sở chỉ huy chiến dịch, địch đang rục rịch rút bỏ Tàu Ô.

        Chúng tôi điện báo tin này xuống cho lực lượng cơ động chiến dịch để động viên khí thế cán bộ chiến sĩ và lệnh tiếp: "Cần tổ chức chốt chặn kết hợp với vận động tiến công truy kích đánh địch từ phía trước rút về".

        Do kịp thời chuyển thế trận, ta đã tổ chức tiến công sư đoàn 25 từ phía trước rút về phía sau, diệt 600 tên, bắt 84 tên, thu 170 súng ở bắc Bầu Bàng vào ngày 1 tháng 9. Trận đánh này là trận đánh cuối cùng của 135 ngày đêm ta thực hiện chốt chặn trên đường 13, làm phá sản âm mưu giải toả đường 13 của địch.

        Chặng đường của chiến dịch Nguyễn Huệ vẫn còn, nhưng tất cả chúng tôi đều như cất được một gánh nặng, nhẹ nhõm, khoan khoái, không chủ quan, thoả mãn nhưng được phép tự hào, đã góp sức trực tiếp vào sức mạnh tổng hợp không để cho địch vượt qua Tàu Ô, đặt chân lên thị xã An Lộc, tái chiếm Lộc Ninh, thực hiện âm mưu lập lại cục diện trước ngày 1-4-1972.

        Mỗi chúng tôi sau cuộc thử thách đầy cam go, lại thêm xanh gầy hốc hác, tóc càng bạc nhiều. Nhưng vui! Rất vui, bởi ngay lúc nguy nan, hiểm nghèo nhất, cũng có cách lật ngược được thế cờ vì mỗi chúng tôi, từ trường học thực tế đã biết và nắm được nghệ thuật chủ động tiến công trong đường lối quân sự mang màu sắc Việt Nam mà Đảng đã tổng kết từ thực tiễn chiến đấu.

        Thắng lợi của cuộc chiến đấu chốt chặn Tàu Ô tạo đà cho việc hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đợt ba chiến dịch. Từ bàn đạp tạo thế này, đội hình cơ động chiến dịch phát triển sâu xuống vùng trung tuyến, tiến công địch ở bắc Bình Dương và Phú Hoà Đông, Củ Chi; đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, tiêu diệt chiến đoàn 8 địch ngày 19-1-1973, lập nên thế trận "da báo" ở miền Đông Nam Bộ, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, đã kết thúc nhiệm vụ đợt ba; đồng thời cũng là tình huống cuối cùng của chiến dịch Nguyễn Huệ kéo dài ròng rã gần mười tháng (từ tháng 4 năm 1972 đến-1-1973).

        Ngay từ khi Tàu Ô được xác định là khu vực trận địa chốt chặn nhằm đánh bại âm mưu giải toả đường 13 của địch, thì liền đó một vấn đề về cách đánh được nêu lên, dai dẳng trong nhiều năm.

        Vì chốt chặn là đồng nghĩa với phòng ngự, mà phòng ngự là trái với tư tưởng tiến công trong chiến lược quân sự của Đảng cần phải quán triệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; rằng chốt chặn Tàu Ô là phòng ngự đơn thuần v.v.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Chín, 2016, 05:14:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 07:01:29 pm »


        Sự kiện Tàu Ô là một biện hộ, một minh chứng đầy sức thuyết phục cho một biện pháp, một cách đánh đúng đắn phù hợp với thực tế bấy giờ, chẳng ai còn đặt vấn đề trao đổi nữa.

        Nhưng một thời gian dài sau đó, do nhiều nguyên nhân, cuộc tranh luận vẫn cứ tiếp tục, nhiều ý kiến tán thành, xem đó như một cách đánh mới, cũng không ít ý kiến phản đối, phê phán gay gắt, khiến anh Đàm Văn Nguỵ, sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, người trực tiếp đề xuất và chỉ huy cuộc chiến đấu chốt chặn Tàu Ô nhiều lúc phân vân đến hoang mang, không dám nhận cái đúng về mình. Sau này những lúc gặp anh trong hội nghị quân chính toàn quân, trong các lớp tập huấn cán bộ cao cấp, chúng tôi có dịp hàn huyên, được nghe anh kể về cách đánh mà sau này anh vận dụng vào khu vực Tàu Ô.

        - Bắt đầu từ trận Hú Mường (Thượng Lào) - Anh Đàm Văn Nguỵ mở đầu câu chuyện.

        Thực hiện liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung, từ năm 1960, trung đoàn 174 của chúng tôi được lệnh hành quân sang đất nước Lào phối hợp cùng quân dân nước bạn chiến đấu. Một thời gian dài các đợt hoạt động quân sự của ta ở bên đó thường tổ chức theo quy luật thời tiết. Mùa khô tiến công, mùa mưa rút về nước nghỉ ngơi, củng cố vì việc vận chuyển tiếp tế lương thực, vũ khí từ trong nước sang gặp không ít khó khăn. Ta rút, địch chiếm lại. Mùa khô đến, ta tổ chức tiến công chiếm lại, địch rút, chờ mùa mưa. Cứ thế ta rút địch chiếm lại, ta chiếm lại địch rút, lặp đi lặp lại dai dẳng trong cùng một khu vực, một mục tiêu!

        Hú Mường là một ví dụ.

        Mùa mưa năm 1965 đã đến! Rút hay đánh? Một câu hỏi được nêu ra, như đáp ứng sự chờ đợi của mọi người. Tất cả ta và bạn đều trả lời: "Trụ lại, tổ chức đánh địch giữ vững trận địa, quyết không cho chúng chiếm lại".

        Nhưng đánh bằng cách nào? Tôi tự hỏi mình, rồi đưa ra trao đổi trong ban chỉ huy về những suy nghĩ của mình đã có từ hai mùa mưa trước. Tôi xin phép được trình bày trước. Mùa mưa này chúng ta ở lại chiến đấu là một quyết định mang tính tích cực thể hiện tinh thần liên tục tiến công, chiến đấu không theo mùa. Nhưng muốn tiêu diệt địch, bảo vệ mình, giữ vững trận địa, tôi đề nghị: trước hết ta cần chiếm các điểm cao quan trọng, xây dựng thành các trận địa vững chắc đủ sức đánh địch, địch vào ta đánh, chủ động vận động tiến công khi địch phản kích, nhằm bảo vệ thị trấn Hú Mường.

        Cuộc họp đều nhất trí kiến nghị của tôi và bổ sung: Cần chiếm điểm cao Tháp Xưa, dồn sức xây dựng nhanh trận địa chốt vững chắc, bí mật bố trí lực lượng ở đây sẵn sàng đánh địch khi chúng tiến công. Mười lăm ngày sau trận địa chốt được hoàn thành, có lực lượng chiến đấu bảo vệ chốt, có lực lượng vận động tiến công. Tất cả đã sẵn sàng. Đúng kế, địch chủ quan, tổ chức hành quân chiếm lại, tưởng dễ dàng như các mùa mưa trước. Bị ta tiến công bất ngờ, gây cho địch nhiều thiệt hại, ta thu được nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm, súng đạn, lương thực, giữ được thị trấn Hú Mường.

        Cuối năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị tổng kết đợt hoạt động quân sự ở Lào tại Câu lạc bộ quân đội trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội, có cả các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội hai nước tới dự.

        Tại cuộc họp có hai câu hỏi chung được nêu lên:

        - Tại sao các đợt tiến công quân sự của ta ở Lào thu nhiểu thắng lợi, đánh bại nhiều âm mưu chiến lược của địch nhưng chỉ làm tan rã chứ không tiêu diệt nhiều sinh lực địch?

        Các đồng chí bạn Lào trả lời: Ở Lào dân ít, đất rộng, nếu diệt được đầu sỏ, lính hoang mang, mất tinh thần bỏ chạy về nhà làm dân thế là được, đạt yêu cầu.

        - Trung đoàn 174 diệt nhiều sinh lực địch là tốt nhưng lại đánh theo cách đánh phòng ngự.

        Câu hỏi vừa khẳng định biểu dương vừa khêu gợi, phê phán.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2016, 07:12:35 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 07:01:58 pm »


        Nghe xong tôi chỉ nghĩ về vế phê phán, buồn lo hơn là phấn khởi! Tôi thật sự choáng váng, hoang mang vì ý nghĩ của bản thân không như thế. Đắn đo, suy nghĩ và cả đấu tranh tư tưởng nữa. Cuối cùng tôi mạnh dạn giơ tay, đứng dậy, tim đập mạnh vì cử toạ trước mặt phần lớn là các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy cao cấp, là những giảng viên quân sự ở học viện, cán bộ nghiên cứu của các cơ quan trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Nhưng lòng tin đã lấy lại thăng bằng; tôi mạnh dạn phát biểu, không dài mà đủ những điều nghĩ và thực tế đã làm:

        - Báo cáo các anh! Mùa mưa phải chốt như thế mới diệt được địch, giữ được vùng giải phóng.

        Không khí cuộc họp bỗng sôi động hẳn lên. Nhiều ý kiến phát biểu nhưng vẫn theo chiều hướng phê phán, cho như thế là sai, đánh theo kiểu phòng ngự. Một đồng chí lãnh đạo của Học viện quân sự giờ nghỉ đến hỏi tôi:

        - Đã tổ chức phòng ngự cụ thể thế nào?

        - Không, có phòng ngự đâu - Tôi thanh minh.

        - Đánh thế nào? - Đồng chí lãnh đạo Học viện Quân sự hỏi tiếp.

        - Theo kiểu chốt chặn kết hợp với vận động tiến công - Tôi trả lời.

        - Làm gì có kiểu đánh thế! - Đồng chí lãnh đạo Học viện Quân sự nhận xét.

        Cả ngày và đêm hôm ấy tôi thật buồn, ăn không ngon, ngủ không yên, không biết trao đổi cùng ai! Nếu khuyết điểm thì nhận để sửa chữa có sao đâu, đó là quy luật phát triển như Đảng, Bác Hồ đã dạy. Nhưng thực tế ta thắng, thắng giòn giã, trụ lại suốt mùa mưa, không còn tình trạng rút đi chiếm lại, chiếm lại rút đi một cách chán ngấy. Thế thì khuyết điểm ở chỗ nào, chưa có ai chỉ ra một cách cụ thể?

        Hôm sau, anh Hoàng Văn Thái gọi sang nhà riêng, yêu cầu tôi kể lại tỉ mỉ cả buổi sáng. Anh chăm chú nghe và ghi chép.

        Anh ngạc nhiên khi nghe tôi kể bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí một hiện tượng hiếm thấy ở chiến trường Lào trước đó.

        Anh hỏi như để lắng nghe đầy đủ các chi tiết, chứ không áp đặt phê phán:

        - Như vậy có phải là phòng ngự không?

        - Báo cáo anh, không phải - Tôi trả lời.

        Nghe tôi khẳng định lần cuối, anh thân mật nói:

        - Đây là một kiểu chiến thuật.

        Tôi như muốn reo lên, muốn ôm lấy anh vì vui sướng. Đầu óc bớt căng, và thấy tự tin hơn, vì đã có người thông cảm với mình, nhất là người đó lại là anh Hoàng Văn Thái.

        Kết thúc hội nghị, đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận. Sau khi biểu dương những cố gắng vươn lên, vượt nhiều khó khăn, liên tục tổ chức những đợt hoạt động quân sự không theo mùa, đạt hiệu quả cụ thể, tạo ra thế trận vững chắc ở Thượng Lào, đủ điều kiện đánh bại các âm mưu thâm độc của bọn đế quốc và thế lực tay sai trong nước, anh kết luận: trung đoàn 174 chốt điểm kết hợp với vận động tiến công là đúng, nhưng nếu chốt điểm phòng ngự là sai.

        Lúc này theo anh Đàm Văn Nguỵ kể, không bị sốc như hôm trước nữa, nhưng anh vẫn đứng dậy thanh minh: "Vâng, tôi có phòng ngự đâu, mà là chốt điểm kết hợp với vận động tiến công. Tiến công chứ không phải phòng ngự".

        Sau hội nghị này tôi được giải toả về nhận thức nhưng vẫn chưa hết tâm tư.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2016, 07:13:02 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 07:03:19 pm »


        Lần thể nghiệm thứ hai - là vào đầu năm 1967, tôi cùng Trung đoàn 174 được lệnh vào tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên.

        Lúc này Tây Nguyên mưa to, đi lại gặp nhiều khó khăn.

        Đồng chí tham mưu phó phụ trách tác chiến của B3 (Tây Nguyên) gặp tôi buổi ban đầu nói:

        - Vào đây đối tượng tác chiến là quân Mỹ, chúng có sức cơ động cao, nên phải đánh nhanh và rút cũng nhanh - ngừng một lát anh nhìn tôi nhấn mạnh - Không như ở chiến trường Lào đâu.

        Rồi chúng tôi theo kế hoạch tác chiến của Bộ tư lệnh B3, hành quân cấp tốc đến Đắc Xiêng, Đắc Péc làm nhiệm vụ tác chiến đệm trong mùa mưa với lối đánh nhanh và rút nhanh như đồng chí tham mưu phó trao đổi.

        Mưa ở Tây Nguyên cũng dữ dằn, xối xả như Thượng Lào, cây cối bị xói mòn, đổ, gãy bừa bãi, nước sông lên nhanh, chảy xiết, vận động gặp nhiều khó khăn. Bước đầu chúng tôi cũng tổ chức được một số trận nhưng chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì không thắng cũng không thua.

        Đánh kiểu này thì ăn nhằm gì? Nếu cứ tiếp tục thì rõ ràng là thiếu tinh thần tự chủ, tự tin. Ta có kinh nghiệm chiến đấu ở Lào sao không vận dụng.

        Đang lúc suy nghĩ thấy có vấn đề, thì tháng 10 năm đó chúng tôi lại được lệnh hành quân tham gia chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh. Gặp anh Nguyễn Hữu An, sư đoàn trưởng sư đoàn 1 tôi nóỉ:

        - Nếu Mỹ biết ta từ đâu đến, ta tổ chức trận địa vững chắc, chúng bâu vào ta tổ chức vận động tiến công tiêu diệt.

        - Làm thử - Anh An thúc giục, động viên.

        Các anh em khác ủng hộ.

        Chúng tôi bắt tay vào việc. Vì đã có kinh nghiệm, tất cả đều chủ động, mỗi người mỗi việc nhịp nhàng ăn ý. Lấy điểm cao 875 làm nơi chốt điểm kết hợp với vận động tiến công. Giao cho đại đội 7, tiểu đoàn 2 xây dựng trận địa vững chắc, có hệ thống giao thông hào thực hiện cơ động lực lượng tiến công; làm đến đâu nguỵ trang giữ bí mật đến đấy.

        Tất cả đã sẵn sàng sau một tuần bắt tay vào thiết bị trận địa. Thời gian chờ đợi không lâu, chỉ một ngày sau, lữ đoàn dù 173 Mỹ đổ quân trúng khu vực chốt chặn, ta chốt giữ tốt và vận động tiến công cũng tốt; lữ 1 của sư đoàn không vận 101 vào đánh tiếp cũng bị ta chặn đánh. Lữ dù 173 vào thay phiên lần thứ hai lại thất bại.

        Trong khi địch lúng túng, hoang mang, tôi trực tiếp chỉ huy một tiểu đoàn vận động vào diệt tiểu đoàn 2 Mỹ, giữ vững trận địa chốt chặn được mười ngày, cũng là thời điểm kết thúc chiến dịch.

        Anh Hoàng Minh Thảo, tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh B3 xuống xem xét, thấy đại đội 7 vẫn đủ sức trụ giữ trận địa chốt.

        - Sau đó còn đánh tiếp trận nào không? - Tôi hỏi Đàm Văn Nguỵ.

        - Có. Nhưng không phải ở Tây Nguyên mà là tại Đông Nam Bộ.

        Anh Đàm Văn Nguỵ kể tiếp. Còn một trận nữa, nhỏ thôi nhưng là một kỷ niệm đầu tiên khi đặt chân lên mảnh đất Nam Bộ thân yêu. Hồi ấy sau chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh kết thúc, trung đoàn 174 chúng tôi được lệnh cấp trên hành quân cấp tốc vào tăng cường cho chiến trường B2. Tháng 6 năm 1968 chúng tôi tới Lộc Ninh, thì tháng 8 năm đó được vinh dự tham gia đợt ba cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh địch phản kích ở vùng ven đô. Sau đó lùi về khu vực Cầu Khởi trên doạn đường Tây Ninh - Dầu Tiếng. Tại đây do yêu cầu của nhiệm vụ, chúng tôi thấy không có cách nào khác là trụ lại, tổ chức trận địa chốt chặn kết hợp với vận động tiến công, đánh địch, kìm chân chúng lại, vừa diệt được sinh lực, giữ vững khu vực này được mười ngày.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2016, 07:13:31 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 07:04:41 pm »


        Rõ ràng chốt chặn kết hợp với vận động tiến công ở khu vực Tàu Ô là cách đánh không phải do ngẫu hứng, mà được rút ra từ thực tế chiến đấu, đến chiến dịch Nguyễn Huệ được hoàn chỉnh một bước quan trọng, đạt kết quả, mang tính hiện thực sống động.

        Đúng là lịch sử của một cách đánh đã trải qua những bước đi thăng trầm, như cái mới ra đời không bao giờ được cuộc sống chấp nhận ngay, mà phải trải qua sự sàng lọc, tuyển chọn.

        Tư tưởng quân sự tiến công của Đảng và phương châm chỉ đạo đấu tranh vũ trang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là hoàn toàn đúng đắn, bởi vì chúng ta còn đất đâu mà phòng ngự, chỉ có tiến công mới tìm ra cách đánh phù hợp để tồn tại, để chiến thắng quân xâm lược, giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc, cho Tổ quốc. Tư tưởng quân sự tiến công của Đảng là thể hiện quyết tâm chiến đấu, ý chí sắt đá của một dân tộc anh hùng "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", thể hiện tinh thần "Không có gì quý hơn độc iập tự do".

        Chỉ đối lập với tư tưởng quân sự tiến công trên, biểu hiện phòng ngự tiêu cực, hữu khuynh, giảm sút ý chí chiến đấu, thoái thác nhiệm vụ mới là sai, cần được phê phán, lên án.

        Phòng ngự với đúng nghĩa của từ này không có gì sai, nó là một trong hai cách đánh cơ bản của nghệ thuật quân sự, có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong chiến dịch tiến công, cũng có phòng ngự, trong chiến dịch phòng ngự cũng có tiến công. Trong chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ mùa khô năm 1967 vào chiến khu Dương Minh Châu, chúng ta chủ trương trụ lại chiến đấu chứ không rút là phòng ngự, nhờ đó ta thắng, địch đã thua, tạo ra một cục diện có lợi cho ta.

        Trong đợt hai chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ, chúng ta chủ trương trụ lại ở Tàu Ô, chặn đứng không cho địch vượt qua thực chất là phòng ngự, nhưng là phòng ngự kết hợp với tiến công. Cách đánh nảy sinh từ thực tế chiến đấu được áp dụng thích hợp với thực tế tình hình, địa hình và nhiệm vụ cụ thể, đã giành thắng lợi thì sao ta sợ không dám nhận đó là phòng ngự.

        Sẽ không tìm thấy ở đây những yếu tố ngược lại với tư tưởng tiến công quân sự của Đảng. Phòng ngự ở Tàu Ô chỉ là tạm thời, tạo đà tạo thế cho tiến công thực hiện đợt ba chiến dịch.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Chín, 2016, 07:14:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 08:13:57 pm »


Chương 16

        Bước ngoặt quyết định đã đến!

        Đó là ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được chính thức ký kết tại Paris.

        Đây là kết quả của cuộc đấu tranh phối hợp nhịp nhàng giữa ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao do Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo thực hiện một cách đầy bản lĩnh, thông minh và sáng tạo.

        Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang chúng tôi từ lâu đã ý thức được rằng, chỉ có thắng lợi trên chiến trường mới có thắng lợi trên bàn hội nghị. Và chỉ có lực lượng quân sự mạnh, luôn luôn mài sắc ý chí cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu thì hiệp định mới được thực thi.

        Những ngày cuối tháng 1 năm 1973, trước khi Hiệp định Paris được ký kết, không khí trong sở chỉ huy càng nhộp nhịp, khẩn trương. Trên chỉ thị hướng dẫn dưới, dưới báo cáo xin ý kiến trên, không phải hàng ngày mà hàng giờ nhằm thực hiện các cuộc chuyển quân rầm rộ mà yên lặng, khẩn trương mà đĩnh đạc không khác gì các cuộc chuyển quân đầy sôi động trong giai đoạn đầu và cuối chiến dịch Nguyễn Huệ nhằm thực hiện "kế hoạch thời cơ" chống lại có hiệu quả âm mưu "tràn ngập lãnh thổ" của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Cho đến 8 giờ ngày 28-1-1973, trên toàn miền Nam ta lại có thêm thắng lợi mới, làm chủ thêm được 586 ấp, 24 xã, 28 vạn dân, diệt và bức rút 106 đồn bốt.

        Đêm 27 rạng 28-1-1973, không khí trong các đơn vị vũ trang, từ sở chỉ huy đến các phân đội, giống như đêm giao thừa của ngày tết cổ truyền. Gần như tất cả mọi người đều thức, thức trong niềm vui náo nức đợi chờ giây phút Hiệp định Paris có hiệu lực để mang những lá cờ cách mạng cắm lên phần đất mà mình đã đổ máu trong nhiều năm mới giành được vào lúc không giờ ngày 28-1-1973 lịch sử.

        Sáng mai, chỉ sáng mai thôi khi mặt trời hửng lên ở phía chân trời là những lá cờ mầu đỏ chiến đấu và chiến thắng cũng hiện lên rực rỡ. Thật sung sướng và xúc động đến muốn khóc về cái giây phút thiêng liêng nói lên bao ý nghĩa.

        30-1-1973, ba ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, trên thực tế toàn miền Nam tiếng súng chiến tranh đã cơ bản ngừng nổ. Tôi và một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần tranh thủ xuống các đơn vị để vừa kiểm tra phương án tác chiến mới đề phòng địch phản trắc, vừa quan sát thế trận mới lập chỉ trong một đêm đã hoàn thành. Đó là thế trận "da báo" đan xen được phân ranh bằng những hàng cờ tưởng như thế trận được kể trong các chuyện Tàu thời xa xưa, hai bên giao chiến bằng cung tên giáo mác. Trận địa bên địch là những cây cờ màu vàng úa với ba sọc đỏ chạy dọc thân cờ; còn trận địa bên ta lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng nửa đỏ nửa xanh, giữa có ngôi sao vàng, có nơi lá cờ Tổ quốc nền đỏ sao vàng xuất hiện từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phần phật tung bay trước gió sớm ban mai, cái màu đỏ hồng ấy ở thật xa vẫn nhìn rõ.

        Vào những ngày này đi trên các khu vực đóng quân giữ chốt của các đơn vị từ Lộc Ninh theo đường 13 xuống quanh vùng thị xã An Lộc, thị trấn Chơn Thành, qua Rạch Bắp, đường Bảy Ngang, qua sông Bé sang đường 14 giáp chiến khu Đ đều bắt gặp không khí vui mừng chiến thắng. Một số nơi cảnh sống yên bình, vừa có lực lượng sẵn sàng chiến đấu, vừa dành một phần lực lượng để xây dựng nhà cửa, tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống, tiến hành củng cố, huấn luyện quân sự phục vụ nhiệm vụ mới. Một số đơn vị như trung đoàn 141, Trung đoàn 209 tiến hành xây dựng doanh trại tuy chỉ là dã chiến bằng vật liệu tranh tre nứa lá tại chỗ nhưng rất khang trang, theo quy định thống nhất: nhà tám cột, bốn mái, đường rộng một đến hai mét. Mỗi đại đội có đủ sáu công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn của quân y; đồng thời còn có cả thao trường để luyện tập chiến thuật, kỹ thuật nâng cao trình độ quân sự, chất lượng chiến đấu ở Bầu Trư (trên đường 14), Thăn Rớt, Bầu Bàng (trên dường 13) anh em còn xây dựng các ngôi nhà "văn hoá thông tin" làm nơi sinh hoạt tinh thần vui chơi giải trí nội bộ đã gây sự tò mò đến háo hức đối với bà con cô bác quanh vùng, kể cả binh sĩ địch đóng chốt gần đó. Ta mời bà con vào thăm, chỉ là những ngôi nhà tre nứa bình thường nhưng xinh xắn, bên trong là những bức ảnh, những tranh vẽ của các chiến sĩ tự "sáng tác" diễn tả cảnh chiến đấu, sinh hoạt của đơn vị, mối quan hệ quân dân đã gây sự chăm chú theo dõi của đồng bào. Anh em còn tổ chức chiếu phim tài liệu: Chúng con nhớ Bác, Một ngày Hà Nội, Đường 9 - Nam Lào gây ấn tượng đẹp của nhân dân đối với Quân giải phóng. Ngay cả những binh lính, sĩ quan Sài Gòn lúc đầu qua thăm chỉ là sự hiếu kỳ, tò mò, nhưng xem rồi, đã hiểu đúng hơn về đối thủ của mình: họ không chỉ là những người lính chiến đấu dũng cảm, mưu trí, mà còn là những người có văn hoá, có tài năng và trí thức.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2016, 08:15:54 pm »


        Khi đến thăm những ngôi "nhà thông tin văn hoá" trên đoạn đường 13, ngoài biểu dương những việc làm tốt đẹp của các đơn vị tôi nói thêm:

        - Những ngôi nhà này sẽ mở đường cho xe đò Sài Gòn - Chơn Thành qua lại, sẽ đón chào bà con trong vùng địch kiểm soát, cả ở nội đô Sài Gòn ra thăm tìm thi hài thân nhân. Ngôi nhà này chỉ chốt chặn quân địch rắp tâm phá hoại Hiệp định Paris chứ không chốt chặn tình quân dân.

        Những cái giây phút hoà bình ấy đến và đi rất nhanh; vừa hé mở rồi vụt tắt cũng rất nhanh!

        Bởi kẻ địch đâu có thật lòng.

        Trước khi có lệnh ngừng bắn, địch đã xua quân mở cuộc tiến công chiếm Cửa Việt (Quảng Trị), mở cuộc hành quân "cắm cờ" chiếm đất ở tây Quảng Ngãi, bắc Bình Định (Khu 5), ở bắc Công Tum, Đức Cơ (Tây Nguyên), bắc Dầu Tiếng, nam Long Mỹ (Nam Bộ) v.v…

        Từ cuối năm 1972, thời gian đang bước vào giai đoạn chuẩn bị ký kết, Mỹ - nguỵ Sài Gòn đề ra "Kế hoạch Hùng Vương", xua quân chiếm đất theo "kế hoạch tràn ngập lãnh thổ" ngay trước và sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Trong thời gian hai tháng từ 28 tháng 1 đến 28-3-1973, "chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris hơn bảy vạn lần, bao gồm 19.770 cuộc hành quân lấn chiếm, 2.300 vụ bắn pháo, 3.375 vụ ném bom bắn phá bằng máy bay vào vùng giải phóng và 21.075 cuộc hành quân cảnh sát trong vùng chúng kiểm soát"1. Vì vậy cũng trong thời gian này, tại Thừa Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và miền Trung Nam Bộ ta đã mất hầu hết những vùng mới giải phóng trước ngày 28-1-1973. 2.

        Riêng ở khu vực miền Đông Nam Bộ, các Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và các đơn vị trực thuộc khác của Bộ chỉ huy Miền đã liên tục chiến đấu chống địch lấn chiếm. Tình hình trở nên nghiêm trọng và căng thẳng, thế trận "da báo" bị đe doạ, địch trắng trợn vi phạm Hiệp định, thực hiện kế hoạch bốn không3. Khối chủ lực miền Đông Nam Bộ phải điều chỉnh lại thế bố trí, không chỉ làm nhiệm vụ phản công đánh địch lấn chiếm mà còn chuyển sang tiến công mở rộng vùng giải phóng, giữ vững vùng "da báo", tạo thế tạo lực phục vụ yêu cầu giai đoạn chiến lược mới của cách mạng mà Bộ chỉ huy Miền đã chỉ thị.

        Để làm được nhiệm vụ này, chúng tôi điều chỉnh lại thế trận. Toàn bộ Sư đoàn 9 áp sát xuống vùng trung tuyến tây-bắc Sài Gòn, tây đường 13 (từ Bầu Bàng đến Bến Cát), khu vực đường Bảy Ngang, phía bắc thị trấn Dầu Tiếng. Sư đoàn 7 chuyển sang đông đường 13 và đường 14 nhằm củng cố vững chắc thế chiến lược và tạo điều kiện xây dựng phát triển lực lượng, phạm vi hoạt động từ đông đường 13 sang chiến khu Đ; từ đông-bắc Bình Dương đến bắc Biên Hoà.

        Thế đứng này vừa bảo vệ vùng giải phóng vừa sẵn sàng tiến công mớ rộng vùng giải phóng, thuận tiện cho việc tổ chức đánh cả vào những nơi xuất phát vi phạm Hiệp định của địch như sân bay và các hậu cứ hành quân của chúng.

        Nhưng dựa vào Mỹ tăng viện trợ4, nguỵ quyền Sài Gòn huy động 65% quân chủ lực và toàn bộ lực lượng vũ trang địa phương mở hàng chục vạn cuộc hành quân lớn nhỏ trên toàn chiến trường miền Nam. Riêng ở chiến trường Nam Bộ, trọng điểm đánh phá của địch là đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh quanh Sài Gòn. Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 1973 ở đồng bằng sông Cửu Long, địch phân tán quân chủ lực kết hợp với bảo an dân vệ thực hiện lấn chiếm, cắm cờ, giành đất hết sức quyết liệt ở Cai Lậy, Cái Bè (Mỹ Tho) Tân Châu, Hồng Ngự (Kiến Phong), Châu Đốc, Chương Thiện, Phong Dinh, Ba Xuyên thuộc miền Tây Nam Bộ, địch tranh chấp quyết liệt với ta ở Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Gia Định, Biên Hoà.

        Chúng dùng chủ lực, có cả không quân yểm trợ, đánh mạnh khu tiếp giáp vùng giải phóng thuộc Phước Vĩnh, Đồng Xoài, Lộc Tấn (Bình Long), Xa Mát (Tây Ninh); dùng biệt kích và bảo an chốt khu vực Bu Prăng và ngã ba Tuy Đức hòng chặn hành lang vận chuyển Bắc - Nam của ta.

        Thực tế đã chứng tỏ: Do hành động của địch công khai trắng trợn phá hoại hiệp định ngay từ đầu, nên chiến trường vẫn chưa im tiếng súng.

-----------------
        1. Thông báo của Uỷ ban tố cáo tội ác chiến tranh Việt Nam ra ngày 6-4-1973.

        2. Tính đến giữa năm 1973, ở Khu 5 ta mất 26 vạn dăn, 45 xã, 320 ấp, địch đóng thêm 200 đồn bót, Khu 6 và Khu 7 ta mất 308 ấp với 29 vạn dân. Khu 8 mất 28 xã với 120 ấp, 10 vạn dân, địch đóng thêm 287 đồn bót, Khu 9 chỉ còn gần 36 vạn dân được giải phóng.

        3. - Không liên hiệp.

        - Không thương lượng với đối phương.

        - Không có hoạt động của cộng sản hoặc lực lượng đối lập trong nưỡc.

        - Không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thố nào, tiền đồn nào do quân đội Việt Nam Cộng Hoà chiếm giữ.

        4. Trước khi rút quân, Mỹ đã đưa vào miền Nam gần 700 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng - thiết giáp và rất nhiều tàu chiến, dự kiến đưa thêm một số lớn binh khí kỹ thuật, tăng dự trữ vật tư chiến tranh của quân nguy lên mức tương đối cao, gần hai triệu tấn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM