Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:50:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chặng đường mười nghìn ngày  (Đọc 42811 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:44:30 am »


Chương 8

        Sáng nay anh Thanh cho gọi chúng tôi lên làm việc. Có cả anh Trần Văn Trà, Văn Phác cùng dự. Với tôi đây không phải là lần đầu nghe tiếng anh, được gặp anh. Hồi ở ngoài Bắc trong các chiến dịch Biên Giới, Trung Du, Tây Bắc chúng tôi đã được biết anh, tiếp nhận những ý kiến chỉ đạo của anh trên cương vị chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

        Những lần gặp anh sau này, lúc anh đến thăm sư đoàn tôi càng thấy được đức tính rất quý của anh, trong những điều anh muốn biết trước hết, đó là tình hình thực tế, là những khó khăn cụ thể, không chỉ cho anh mà cho cả cấp trên đều biết để có biện pháp giải quyết. Trước khi vào đây tôi được nghe kể những ngày đầu anh nhận trách nhiệm Bí thư Trung ương Cục, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu thực tế, anh đi chân đất, đầu đội nón giả làm dân ruộng lội khắp vùng ven đô để hiểu dân, nắm địch, biết đặc điểm địa hình địa vật.

        Anh đã có mặt ở khắp nơi, quân khu, quân binh chủng, xuống đến cả tiểu đoàn, đại đội trong những năm tháng quân đội bước vào thời kỳ xây dựng tiến lên chính quy hiện đại Từ tình hình thi đua tốt của một đại đội, anh nhân rộng ra toàn quân, biến thành phong trào thi đua "Ba nhất", tạo nên một khí thế mới trong nhiệm vụ xây dựng quân đội củng cố quốc phòng, góp phần đưa quân đội tiến lên những bước vững chắc.

        Bất cứ ở đâu, trên lĩnh vực nào anh cũng phát hiện ra những vấn đề, những nội dung mới của sự vận động và kèm theo là những kiến giải thích hợp.

        Từ quân đội chuyển sang phụ trách nông nghiệp, anh thích ứng nhanh và đưa ra các tường trình ăn, mặc thiết thực, phù hợp với điều kiện miền Bắc lúc bấy giờ. Anh đã nghĩ dùng đay lanh thay vải để giải quyết vấn đề mặc, đang gặp nhiều khó khăn lúc đó.

        Từ nông nghiệp về lại quân đội, được chỉ định phụ trách chính uỷ Quân giải phóng miền Nam, anh đã có một đáp số cực kỳ chính xác:

        - Mỹ vào ta làm cách sao?

        - Tiến công.

        - Đánh Mỹ như thế nào?

        - Cứ đánh Mỹ sẽ tìm ra cách đánh Mỹ.

        Và từ trong tiến công đối phó thắng lợi hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của Mỹ (1965 - 1966) và (1966 - 1967) anh đã viết một loạt bài bình luận quân sự lấy bút danh Cửu Long, Trường Sơn, gây chấn động trong công luận thời đó. Nó không những củng cố lòng tin một cách khoa học cho quân và dân ta về cuộc chiến đấu không cân sức, mà còn là những vấn đề mang tính chỉ đạo chiến lược nghệ thuật chiến dịch, bài học về chỉ huy chiến đấu, có giá trị chỉ đạo thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày toàn thắng - mùa Xuân 1975.

        Kẻ địch phải kiêng nể về các vấn đề tổng kết rút ra qua hai cuộc phản công mùa khô. Chúng giật mình vì đối phương đã chỉ ra một cách thuyết phục con đường nhất định thất bại của chúng. Đã có tên trong hàng ngũ tướng tá Mỹ tò mò tìm hiểu ai là tác giả của những bài báo đó.

        Là một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội nhưng anh Thanh chan hoà vào cuộc sống đời thường, giản dị, khiêm tốn. Anh yêu cầu tổ chức đối với vợ anh, con anh không có cái gì khác biệt trong lúc anh đi xa. Cũng bởi lẽ đó mà bài nói chuyện "Chống chủ nghĩa cá nhân" của anh trong một lớp học của cán bộ trung cao cấp hồi 1958 - 1960 có giá trị thuyết phục rất cao đối với mọi người. Ai cũng thấy mình có khuyết điểm, ai cũng thấy mình bị anh phê phán, nhưng ai cũng vui vẻ chấp nhận vâ muốn tìm đọc chuyền tay nhau bài nói của anh, vì anh nêu vấn đề rất đúng, anh phân tích rất sâu, anh đề ra biện pháp khắc phục có lý có tình.

        Hôm nay anh gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Được dịp ngồi bên anh tại trụ sở Trung ương Cục, một căn nhà nhỏ lợp lá trung quân nằm dưới tán rừng già ở Đầm Đun giữa vùng chiến khu C lịch sử, trong tôi cứ trào dâng một tình cảm khó tả. Anh vừa là cấp trên kính trọng, vừa là người anh trìu mến. Anh điện ra xin đích danh tôi vào, đó là một phần thưởng quý giá nhưng cũng lâ nỗi lo đang đặt ra với tôi. Ngay lúc này đây đang phải chuẩn bị những điều anh hỏi, đang phải tính sao tiếp nhận những điều anh giao, vậy mà tôi vẫn cứ tự nhủ mình: Phải làm gì đây để khỏi phụ lòng anh trong những tháng năm ở trong này?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:46:14 am »


        Mới chỉ hơn một năm xa anh, nay gặp lại thấy anh già và gầy đi nhiều. Da sạm đen và môi thâm đậm, nhưng cặp mẩt vẫn sáng thông minh, sâu thẳm. Có lẽ phần vì nắng gió khắc nghiệt của mùa khô ở Đông Nam Bộ, phần vì sốt rét rừng đã thâm nhập nơi cơ thể, trên hết là do suy tư, lo nghĩ việc chỉ đạo điều hành cuộc chiến đấu, mà anh là một trong số những đồng chí lãnh đạo giữ trọng trách chủ yếu.

        Buổi làm việc hôm nay diễn ra trong không khí bình đẳng, thân tình, dân chủ, thoải mái, như một cuộc hội thảo khoa học về những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cần phải giải quyết hơn là buổi cấp trên giao nhiệm vụ cho cấp dưới.

        Mở đầu buổi làm việc, với giọng tâm tình, anh Thanh nói:

        - Các đồng chí vào đây là để cùng với trong này xây dựng lực lượng chủ lực và tổ chức chiến đấu. Địch đang phát triển "chiến tranh đặc biệt" ở mức cao 1 và chúng định thắng ta trong loại chiến tranh này. Làm tốt nó chịu nhưng cũng phải có kế hoạch dự phòng chứ. Đến đây tay phải anh giơ cao, năm ngón tay xòe ra lên xuống như chém vào không khí, nét mặt kiên nghị, lạc quan. Anh nhấn mạnh, như để khắng định: Phải sẵn sàng đánh thắng "chiến tranh đặc biệt", mà muốn thắng loại chiến tranh này phải đưa bộ đội chủ lực ra chiến đấu, tiến tới xây dựng những quả đấm chủ lực đánh dập xương sống của "chiến tranh đặc biệt" là quân chủ lực nguỵ. Bỗng anh nhìn thẳng vào tôi và anh Trần Độ như một sự trao đổi - chúng ta, cả tôi, đều là "tân binh" mới vào, nhận thức và tầm nhìn qua các cuộc hội nghị, các lớp tập huấn ngoài dó, được Trung ương, Bộ Chính trị trang bị, nhưng thực tiễn chiến trường lại sống động vô cùng, nên càng phải đi sâu vừa xây dựng tổ chức chiến đấu vừa qua đó nắm quy luật địch, vì đối tượng bây giờ là Mỹ, nguỵ cũng do Mỹ dựng lên; phải nghiên cứu cả đặc điểm của cán bộ, chiến sĩ người Nam Bộ, cùng chung đất Tổ vua Hùng nhưng cũng có những đặc điểm riêng.

        Thấy vậy, anh Trần Văn Trà tư lệnh Quân giải phóng miền Nam xen vào:

        - Trung ương và Bộ tư lệnh Miền đang bàn đẩy mạnh chủ trương xây dựng chủ lực thì các anh vào. Thật là đúng lúc. Trong này hiện đang có hai ý kiến - phái cán bộ chính trị nhất trí với Trung ương, với Bộ Chính trị cần thiết phải xây dựng lực lượng chủ lực mạnh.

        - Đúng! - Anh Thanh nhấn mạnh - Trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc, không thấy sự kiện lịch sử nào kết thúc thắng lợi bằng đánh nhỏ Nếu không có trận Bạch Đằng Giang lần thứ nhất do Ngô Quyền chỉ huy thì làm sao quân Nam Hán chịu thua, chấm dứt hơn 1.000 năm nước ta bị Bắc thuộc, mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc. Nếu không có trận phản công chiến lược của nhà Trần ở Bạch Đằng Giang, thì làm sao đánh bại được ý chí xâm lược lần thứ ba của quân xâm lược Nguyên - Mông.

        Anh Trần Văn Trà lại nêu tiếp loại ý kiến thứ hai của số đông cán bộ quân sự, với lý lẽ ở An-giê-ri người ta có trung đoàn đâu mà vẫn thắng Pháp. Vì vậy không nên xây dựng chủ lực tốn kém lắm, hiện đã có mấy trung đoàn nhưng đánh chác có ra gì (?!).

        Đúng là ở chiến trường Nam Bộ suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mãi đến trước khi xảy ra chiến dịch Bình Giã về tổ chức chủ lực có lúc cao nhất là trung đoàn nhưng rất ít nên thực tế chiến đấu chưa đánh đội hình trung đoàn bao giờ chỉ sử dụng tiểu đoàn là phổ biến, vì thế mới có tiểu đoàn 307 oai hùng biết mấy. Đến đây tự nhiên anh quay sang tôi vỗ vai hỏi:

        - Ngoài đó các anh có nghe trận thắng Ấp Bắc và Đường Long chưa?

        - Có! Chúng tôi đều được thông báo kịp thời, riêng trận Ấp Bắc được thông tin cụ thể hơn - Tôi trả lời.

-------------
        1. Từ 1961- 1965, Mỹ thực hiện chíến lược "chiến tranh đặc biệt xâm lược miền Nam Việt Nam với công thức lục quân nguỵ cộng với vũ khí và phương tiện chiến tranh Mỹ. Từ 17 vạn năm 1961, Mỹ tăng quân nguỵ lên 56 vạn, tổ chức thành 9 sư đoàn với 375 máy bay, 732 xe tăng, xe bọc thép; từ 8280 cố vấn và lực luợng yểm trợ Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam năm 1961, giữa tháng 4 năm 1964 tăng lên 20.000 tên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:47:47 am »


        Anh Trà lại tiếp:

        - Đúng là hai trận thắng này đều có ý nghĩa về mặt chiến thuật, thắng lợi là quá rõ, nhưng trong nội bộ chúng ta cần phải nhận chân vấn đề - thắng nhưng không có chủ lực nên không diệt gọn được địch. Gần đây như chiến dịch Bình Giã cũng vậy, lần đầu Đông Nam Bộ đánh cỡ trung đoàn, diệt được nhiều địch, nhưng không tạo được thế, vì chủ lực ta còn yếu. Thôi, đó là chuyện cũ, kể để các anh nghe về những bước thăng trầm trong việc tạo lực của Nam Bộ, nghĩ là thấy thấm và tiếc. Nếu sớm nhận thức được vấn đề thì tình hình sẽ khác. Bây giờ thì khác nhiều rồi, sau Bình Giã ai cũng vui vì thắng lớn, từ đó càng nhận ra sự cần thiết phải xây dựng lực lượng chủ lực.

        Cuối cùng như là để kết thúc suy nghĩ của mình, anh Trà nói:

        - Về chủ lực sau này Hoàng Cầm lo.

        Anh Thanh kết luận bằng một ý đầy hình ảnh.

        - Thôi, ta không để cho địch nhai mãi "kẹo cao su du kích" mà chúng chịu thua, nhả mồi ra đâu, trong lúc chúng tiếp tục tăng cường cuộc chiến tranh ở mức cao - các sư đoàn nguỵ còn nguyên vẹn chưa bị đánh.

        Không khí buổi giao nhiệm vụ vừa nghiêm túc trên dưới, vừa rất đậm đà tình đồng chí, sôi nổi, hào hứng. Càng vào gần mặt trận, cuộc sống thấy giản đơn đi nhiều, chỉ còn nổi lên tình đồng đội gắn bó. Mặt trời đã gần đỉnh đầu, hoa nắng in hình to nhỏ trên nền đất cứ lung linh qua kẽ lá theo gió, nom ngộ nghĩnh đủ mọi hình thù. Lúc này ở ngoài Bắc vẫn còn gió mùa, bầu trời thấp nặng nhiều mây, đang còn trong khoảng rét Nàng Bân. Còn ở đây khác hẳn. Nắng vàng nhưng không nóng tràn khắp nơi, bầu trời xanh quang, mây như tiết thu vậy. Tôi thấy mình thanh thản và khoan khoái.

        Anh Thanh lại mở đầu buổi hội thảo nhiệm vụ chiều bằng tất cả sự sôi nổi, nhiệt tình quen thuộc như khi anh đến nói chuyện với các lớp tập huấn cán bộ cao cấp toàn quân ở ngoài Bắc trong những năm sáu mươi về nhiệm vụ xây dựng quân đội. Anh như muốn giãi bày hết những suy nghĩ dồn nén từ lâu của mình về những vấn đề tạo lực, tạo thế để cùng nhau làm rõ hơn, cùng nhau thống nhất hơn về nhận thức, quan điểm và các phương án tối ưu đánh địch và thắng địch trong thời điểm cuộc "chiến tranh đặc biệt" đang phát triển tới mức cao; đồng thời đã và đang manh nha các yếu tố của cuộc "chiến tranh cục bộ" 1.

        Anh nói:

        - Làm tốt việc xây dựng bộ đội chủ lực là để tạo lực mới thắng địch. Nhưng vấn đề không đơn giản một chiều, cần phải chuẩn bị thích ứng với hai khả năng - anh dằn giọng nhấn mạnh - Thắng "chiến tranh đặc biệt" để nếu Mỹ vào ngay từ đầu đã mất thế, mà cái thế lúc ban đầu là quan trọng. Còn ta thì có đà phát triển để đánh và đàm đều tốt cả.

        Anh cho biết hiện đang có những luồng nhận thức khác nhau quanh việc Mỹ vào. Một là, chưa chắc Mỹ vào - Anh cười - càng tốt chứ sao; Hai là, Mỹ vào. Nhưng ngay khả năng này cũng có các dự đoán khác nhau: có thể đứng sau giữ thế cho nguỵ; có thể yểm trợ trực tiếp bằng không quân, hải quân, có thể Mỹ vào tham gia chữa cháy luôn.

        Cuối cùng anh kết luận:

        - Dù thế nào thì chúng ta vẫn phải tích cực, khẩn trương chuẩn bị ở mức cao nhất để vừa thắng "chiến tranh đặc biệt", vừa sẵn sàng khi Mỹ vào!

        Tôi nêu câu hỏi:

        - Báo cáo anh! Chuẩn bị thế nào, chẳng lẽ mải đánh nguỵ, khi Mỹ vào đứng nhìn?

        - Hoàng Cầm nêu vấn đề rất đúng - Anh biểu dương tôi và tiếp - Phải chuẩn bị sẵn sàng đánh Mỹ, lúc đầu đánh nhỏ, sau phát triển đánh lớn. Đánh nhỏ nhưng phải thắng, không được đẻ số - Rồi anh nêu câu hỏi - Đánh nhỏ là thế nào?

        Anh nhìn tôi như muốn tôi nêu ý kiến trước. Tôi mạnh dạn trình bày:

        - Báo cáo anh! Đánh nhỏ phải là cỡ trung đoàn, sư đoàn. Đã là chủ lực theo tôi nghĩ phải đánh cỡ đó.

        Anh Thanh nói:

        - Đây là một ý kiến. Để có cơ sở, chúng ta chuẩn bị đi dự tổng kết chiến dịch Bình Giã.

--------------
        1. Mỹ đã thành lập Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) thay cho phái đoàn cố vấn (MAAG) do Ha-kin cầm đầu. Bộ máy này có 16 tướng, để trực tiếp điều khiển quân nguỵ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:48:31 am »


        Hai ngày sau vẫn bằng phương tiện xe đạp, chúng tôi cùng anh Thanh từ bắc Tây Ninh men theo bắc Bình Dương. Khi qua Dầu Tiếng anh em công nhân cao su dùng ô tô đưa qua đường 13. Dừng lại ở Bến Bung vào một nhà hàng uống nước, thấy có hai lính nguỵ đang ngà ngà say, súng để bên, đầu ngả vào cô chiêu đãi viên. Dân lính, địch ta đụng nhau, có khi lính nguỵ đoán biết có "Việt cộng" đi lẫn trong dân nhưng cho qua vì chúng cũng muốn êm. Dọc đường người xe đi lại tấp nập không khác mấy cảnh ta bắt gặp trên các nẻo đường thuộc vùng tự do Thái Nguyên, vùng giáp ranh Trại Cờ, Đức Thắng (Bắc Giang), Nho Quan (Ninh Bình) như hồi kháng chiến chín năm. Nhưng đây là vùng địch kiểm soát, đồn bót có ở khắp nơi - Tây Ninh, Lộc Ninh, Phước Vĩnh, Bến Cát, Lai Khê. Thật khó mà phân biệt chiến tranh hay hoà bình, vùng ta hay vùng địch. Thế cài răng lược của cuộc chiến tranh ở đây thật kỳ lạ.

        Càng đi càng hiểu địa lý đất nước thật phong phú và đa dạng.

        Nam Bộ đồng ruộng thẳng cánh cò bay, ngút tận chân trời, nhưng Đông Nam Bộ lại là rừng đại ngàn. Lại nhớ về buổi anh Văn gặp báo dự kiến của Thường vụ Quân uỷ Trung ương xếp tôi vào danh sách những người được cử vào chiến trường Nam Bộ.

        - Báo cáo anh tôi quen hoạt động ở rừng núi.

        Chưa kịp trình bày nguyện vọng xin được vào Khu 5 hay Tây Nguyên hợp hơn, thì anh Văn hỏi:

        - Đông Nam Bộ rừng núi hay đồng bằng?

        - Báo cáo, đồng bằng.

        - Học lại địa lý đi.

        Gần đến địa điểm họp tôi hỏi đồng chí phó phòng tác chiến của bộ tư lệnh Miền làm nhiệm vụ dẫn đường:

        - Qua sông Sài Gòn chưa?

        - Qua rồi anh ạ? Qua hết cả sông Bé, suối Nhung rồi.

        - Sao sông gì mà cạn vậy?

        - Báo cáo anh, lúc này đang vào cuối mùa khô.

        Một hai năm sau, tôi mới thấy được đặc điểm thời tiết trong này chỉ có hai mùa đối lập nhau. Mùa mưa thì tầm tã, xối xả, dữ dội, nước trút xuống như thác đổ; tràn khắp nơi, dồn xuống sông suối thành những dòng chảy dữ dội, gây tắc nghẽn việc đi lại.

        Mùa khô thì nắng chói chang từ tinh mơ đến tận chiều hôm, mặt đất rắn đanh, đường đầy bụi, nước hiếm, cây cỏ khô rang.

        Xế chiều chúng tôi đến địa điểm họp, nằm trên một đoạn của suối Nhưng thuộc khu rừng Mã Đà chiến khu Đ, gần thác Trị An.

        Lại thêm một ngạc nhiên nữa về thế trận chiến tranh nhân dân ở đất miền Đông. Nơi họp tổng kết chính là "hậu cứ" của các đơn vị vừa tham gia chiến dịch Bình Giã. Nằm giữa vòng vây của quân thù mà các anh vẫn xây cất một khu vực ăn ở đàng hoàng, khang trang, thoáng rộng, sạch sẽ ngăn nắp. Những căn nhà nhỏ xinh dã chiến mà bền, phân tán ẩn mình dưới tán cây mái lợp lá trung quân mịn đẹp - một thứ lá to bằng bàn tay không nát, khó cháy, nếu cháy cũng không bốc lửa. Ở miền Bắc cũng có nhưng không nhiều bằng Đông Nám Bộ, đi đâu cũng bắt gặp, tác dụng của nó đúng như tên gọi, thực sự là "người bạn" của chiến sĩ trên các nẻo đường chiến đấu.

        Lúc này phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang thực hiện hai chân (chính trị, quân sự), ba mũi (chính trị - quân sự - binh vận) đang sục sôi khí thế, đạt nhiều hiệu quả. Đi đến đâu cũng được nghe nói đến cụm từ hay hay, dễ nhớ, gợi cách đấu tranh. Ngay tại nơi họp tổng kết cũng được nhắc đến, được kẻ thành khẩu hiệu dán khắp nơi, có người còn đề cao quá mức - cho như một phép màu vạn năng, có sức công phá như bom nguyên tử, phủ nhận việc phát triển bộ đội chủ lực, thực hiện đánh lớn.

        Phút đầu gặp gỡ thật xúc động, tưởng lạ mà quen. Vẫn là những người đồng chí chín năm, phần lớn các anh đều tập kết ra Bắc, từng gặp nhau trong các cuộc hội nghị quân chính toàn quân, các lớp tập huấn, các cuộc diễn tập tham mưu và diễn tập thực binh trong binh chủng hợp thành trong thời kỳ toàn quân sôi nổi thi đua xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy hiện đại, nay các anh lại có mặt rất sớm - như những người mở lối đầu tiên trở về theo tiếng gọi của quê hương, Tổ quốc. Đó là các anh Nguyễn Minh Châu, Lê Văn Tưởng, Trần Đình Xu, Nguyễn Văn Bứa, Tạ Minh Khâm, Nguyễn Thế Truyện (tức Năm Sài Gòn). và cả anh Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hoà vào trước cũng được tham dự chiến dịch này. Tuy nước da có đậm màu sương gió, mặt mày hốc hác, nhưng tất cả các anh đếu hiện lên niềm phấn khởi, lạc quan và cả tự hào đã góp phần xứng đáng của mình làm nên một chiến thắng mang nhiều nghĩa lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:51:32 am »


        Mở đầu buổi tổng kết, anh Thanh giới thiệu:

        - Lực lượng chiến đấu Bê Hai1 chúng ta được bổ sung thêm hai chiến sĩ Trần Độ và Hoàng Cầm. - Nhìn xuống phía tôi anh nói tiếp - Hoàng Cầm sư đoàn trưởng Sư 312, chủ lực của Bộ. Tuy chưa là tướng nhưng đã chỉ huy trận đánh bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri ở chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Những người dự họp vỗ tay. Tôi cảm động đứng dậy vừa để trình diện, vừa đáp lễ cám ơn các anh đã dành cho tôi những tình cảm nồng hậu ngay từ giờ phút đầu. Niềm phấn chấn lan nhanh trong tôi.

        Những giờ giải lao là dịp tình cảm chan hoà đồng chí được thể hiện. Anh nào cũng vồ vập đến gần, cầm tay lắc mạnh, thân mật xởi lởi như đã quen nhau từ lâu nay gặp lại. Đủ thứ chuyện muốn nói, đủ thứ tin muốn biết, đủ vấn đề muốn hỏi, trao đổi. Các anh kéo tôi ra vừa mời uống nước, hút thuốc vừa tranh thủ trao đổi, hỏi han, từ đường lối quân sự, nghệ thuật chiến dịch, chỉ huy chiến đấu. Có ý kiến quá nhấn đến đặc điểm đánh nguỵ bây giờ khác hồi kháng chiến chín năm để phủ nhận tính kế thừa của kinh nghiệm cũ; có ý kiến không nhất thiết phải "đấm" vào quận lỵ, chi khu, nhấn nhiều đến đánh tập kích, phục kích; vẫn có ý kiến đánh theo phương thức du kích, tự do lựa chọn mục tiêu, chưa muốn phát triển đánh tập trung trên cấp trung đoàn, sư đoàn, đánh theo cỡ Bình Giã là thích hợp, chắc ăn.

        Đúng là có nhiều ý kiến khác nhau, điều này là cần thiết, con đường dẫn tới chân lý đâu giản đơn. Cái quý chung mà tôi học được ở các anh là tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình rất cao đối với những gì mà Tổ quốc đòi hỏi không ai muốn mình tụt lại phía sau trong cuộc chiến đấu đang đứng trước những thử thách đầy cam go.

        Các vấn đề nêu ra của các anh rất mới mẻ, tế nhị, không giản đơn - như anh Thanh nói - Phải vừa tổ chức đánh địch vừa coi trọng nghiên cứu tổng kết nắm vững các quy luật hoạt động của địch, từng bước hoàn chỉnh phương thức tác chiến phù hợp với thực tiễn chiến trường.

        Vì vậy sau khi nghe các anh trao đổi, tôi nói một cách thực lòng: ở ngoài Bắc chúng tôi thường xuyên được Bộ Tổng Tham mưu thông báo về các diễn biến quân sự trên các chiến trường miền Nam, trước khi vào đây có được nghiên cứu sư đoàn 5 cụm của Mỹ, tham gia diễn tập sư đoàn chiến đấu trong điều kiện có vũ khí hạt nhân. Nhưng đó mới chỉ trên lý thuyết.

        Qua dự tổng kết được nghe các ý kiến trao đổi, tranh luận với tất cả thực tế sống động, tôi học được nhiều điểm mới so với thời kỳ đánh Pháp, với những điều đã học ở trường quân sự nước ngoài. Hình như cách đánh phân tuyến, cấu trúc trận địa theo các lớp chiến hào đều không phù hợp với thực tế chiến trường. Nhưng chính lúc này đây, trong tâm trí tôi bỗng hiện về lời dạy của Bác Hồ trong trận đánh Đông Khê năm xưa: "Muốn thắng địch phải đánh bại các thủ đoạn của địch" vẫn đúng với tình hình hiện nay, không thể khác được.

---------------
        1. Về tổ chức chỉ huy, toàn miền Nam được chia thành bốn chiến trường, mỗi chiến trường được mang ký hiệu chữ B:

        B1: các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quâng Nam - Đà Nẵng đến Khánh Hoà.

        B3: các tỉnh vùng Tây Nguyên, Đắc Lắc, Gia Lai. Công Tum.

        B4: các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

        B2: từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào gồm có:

        - Khu 6: Quảng Đức (Gia Nghĩa), Tuyên Đức (Đà Lạt), Ninh Thận, Bình Thuận, Lâm Đồng Bình Tuy.

        - Khu 7: Phước Long, Bình Long, Long Khánh, Phước Tuy, (Bà Rịa), Bình Dương (Thủ Dầu Một), Biên Hoà, Tây Ninh, Hậu Nghĩa.

        - Khu 8: Long An, Kiến Tường (Mộc Hoá), Kiên Phong (Sa Đéc), Định Tường (Mỹ Tho), Gò Công, Kiến Hoà (Bến Tre).

        - Khu 9: Châu Đốc, An Giang (Long Xuyên), Vĩnh Long, Vĩnh Bình (Trà Vinh), Phong Dinh (Cần Thơ), Ba Xuyên (Sốc Trăng), Kiên Giang (Hà Tiên), Rạch Giá, Chương Thiện (Bạc Liêu), An Xuyên (Cà Mau).

        - Đặc khu Sài Gòn - Gia Định.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2016, 04:53:29 am »

     
        Tất cả phòng họp đang ồn ào náo động, vì không khí tranh luận sôi nổi, hăng say bỗng nhanh chóng trở lại trật tự, khi anh Thanh phát biểu. Ngắn mà rõ, các vấn đề nêu lên mang tính tổng kết:

        - Về thắng lợi mang ý nghĩa chiến lược của chiến dịch Bình Giã khỏi bàn. Ngay cả kẻ địch cũng phải thừa nhận, chúng ví Bình Giã như "một Điện Biên Phủ thu nhỏ của Việt Cộng". Đó là một sự kiện, một cột mốc lịch sử, là điều mà tất cả chúng ta đều có quyền tự hào. Nhưng một thắng lợi quan trọng hơn, thực tiễn hơn là trong hội nghị tổng kết này chúng ta đã thấy được nguyên nhân dẫn đến hạn chế thắng lợi do chưa đủ lực lượng chủ lực để đánh lớn và chưa đủ trình độ tổ chức chỉ huy đánh lớn. Hơn một tháng chiến đấu mới đánh năm trận cấp trung đoàn, hai trận cấp tiểu đoàn, còn lại phổ biến đánh cấp đại đội. Nếu chúng ta có đủ điều kiện đánh cấp trung đoàn và sư đoàn thì chiến thắng Bình Giã còn giòn giã hơn, có thể mở rộng căn cứ Hát Dịch đến giáp tỉnh lộ số 2, nối liền hành lang từ vùng giải phóng Phước Long qua Chiến khu Đ, tới sát ven biển Bà Rịa, Bình Thuận tạo thuận lợi để tiếp nhận chi viện của miền Bắc qua đường biển1. Có thể nói sự kiện Bình Giã có sức thối động mọi người, mở ra một khúc quanh cả về nhận thức và quan điểm về nghệ thuật quân sự, về vai trò và phương thức tác chiến bằng các binh đoàn chủ lực trên chiến trường B2.

        Sau cuộc họp, trước khi trở lại Trung ương Cục, anh Thanh còn nói vui vừa như động viên, vừa như nhắc nhở thêm tôi:

        - Bình Giã là một thí điểm, nếu không thắng không có tổng kết hôm nay, cậu vào e ế đấy!

        Đúng là tôi vào Nam là theo lệnh của anh với nhiệm vụ cùng các anh trong này nghiên cứu tìm biện pháp xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực phục vụ đánh lớn.

        Vấn đề đã rõ nhưng công việc tiến triển vẫn còn chậm chạp, tôi vẫn chưa được các anh trong Bộ chỉ huy Miền gian nhiệm vụ cụ thể.

        Chủ trương đã được khẳng định, không còn bàn cãi, nhưng phương hướng và biện pháp tỉến hành thì các anh đang còn bàn vì đâylà vấn đề mới. Lúc đầu có ý kiến Đông Nam Bộ không đủ điều kiện kiện phát triển chủ lực vì dân thưa, lương thực hiếm. Bàn tới bàn lui đã có ý kiến dựa vào Tây Nam Bộ (tức vùng châu thổ sông Cửu Long) rất thuận lợi cho phát triển lực lượng, không phải một sư đoàn mà nhiều sư đoàn cũng có đủ người, còn lương thực, thì khỏi lo Lúc đó các anh có tính cả việc đưa tôi về Khu 8 làm phó cho anh Đồng Văn Cống chuyên lo xây dựng lực lượng chủ lực, hoạt động ở khu vực Tiền Giang (Mỹ Tho cũ).

        Ý kiến đi thì như thế, ý kiến ngược lại, dần dần thành đa số, cho rằng nếu dựa vào đồng bằng châu thổ để phát triển chủ lực, trước mắt chưa thấy có vấn đề, sau đó sẽ là những khó khăn rất cơ bản: cơ động lực lượng bị hạn chế vì nhiều sông lạch, trụ lại càng khó, vận động lên hoạt động ở vùng ven đô Sài Gòn không phải giản đơn.

        Cuối cùng Trung ương Cục, Quân uỷ Miền quyết định: Lấy Đông Nam Bộ là địa bàn xây dựng, phát triển lực lượng chủ lực của chiến trường Nam Bộ nói chung vì nơi đây địa hình tốt, có thế đứng cơ động, có điều kiện nối thông với Tây Nguyên, Khu 5 và hậu phương miền Bắc, tạo thế hỗ trợ và chi viện trong tổ chức tiến công và phản công. Cái thế lúc này là quan trọng, là điều kiện tiên quyết để cho lực tồn tại, chiến đấu và phát triển lực lượng lớn hơn, tạo thành các quả đấm mạnh đánh địch và thắng chúng.

        Thế đó, con đường xây dựng và phát triển lực lượng chủ lực ở chiến trường Nam Bộ đã trải qua những bước thăng trầm với những lý do lịch sử của nó. Phải qua chín năm đánh Pháp, mười năm thử sức với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, qua các trận Ấp Bắc, Đường Long2, Vĩnh Thuận3, sau cùng là chiến dịch Bình Giã mới tìm được hướng đi của mũi tiến công quân sự.

        Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, không có chân lý chung chung.

-------------
       1. Trong năm 1964, đoàn 759 vận tải biển thuộc Bộ tư lệnh Hải quân đã dũng cảm, khôn khéo vượt qua sự kiểm soát của địch đưa trót lọt nhiều chuyến vũ khí vào bãi biển Hàm Tân, Xuyên Mộc.

        2. Ngày 31-12-1963 tại Đường Long - Bến Cát (Thủ Dầu Một), lần đầu tiên trên chiến trường miến Nam ta diệt một tiểu đoàn biệt động mang tên "Cọp đen" của quân nguỵ Sài Gòn.

        3. Từ 4 đến 8-4-1964 ta tiến công chi khu quân sự Vĩnh Thuận gần căn cứ U Minh, đánh đich cứu viện diệt trên 1.000 tên, bắt 300 tên, thu hai khẩu pháo 105 và toàn bộ quân trang quân dụng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 04:18:22 am »

       
Chương 9

        Phước Long - Đồng Xoài - trận đánh chuyển tiếp giữa hai chiến lược chiến tranh: "chiến tranh đặc biệt" chưa tàn lụi mất đi nhưng đã bắt đầu xuất hiện các yếu tố của "chiến tranh cục bộ".

        Trong trận đánh này, anh Lê Trọng Tấn tư lệnh trưởng, anh Trần Độ chính uỷ và tôi được giao nhiệm vụ tư lệnh phó Bộ chỉ huy chiến dịch.

        Thực là một sự ngẫu nhiên đầy hứng khởi! Bộ tư lệnh Sư đoàn 312 lại đủ mặt trong chiến dịch này.

        Anh Tấn vỗ vai tôi tâm sự:

        - Anh em mình sống với nhau từ mặt trận Sơn La. Đã có lúc mình hiểu không đúng về cậu. Bây giờ vào đây không hẹn mà gặp đủ cả - Tấn - Độ - Cầm, và còn khỏe cả. Phải cùng nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

        Tôi xúc động thật nhiều về những điều anh tâm sự, tuy ngắn mà ấm lòng trước khi ra trận.

        Thời gian lúc này thật khẩn trương, tôi cười và thật lòng đáp:

        - Nhưng không ai hiểu Hoàng Cầm bằng anh, nhất là từ sau thất thủ ở mặt trận Mộc Châu trở về tây-nam Phú Thọ.

        - Cảm ơn Hoàng Cầm - Anh Tấn nói và cầm tay tôi lắc mạnh, để rồi mỗi người vào việc được giao.

        Trước khi vào chuyện xin được lưu ý bạn đọc đôi điều.

        Về sự kiện Phước Long, Đồng Xoài có một vài cuốn sách, bài báo, phản ánh nhưng lại theo biên niên như hai trận đánh tách biệt nhau. Cũng có tài liệu phản ánh trận Đồng Xoài như một chiến dịch riêng biệt, không liên quan gì với chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài. Đúng là về thời gian trận Phước Long đã được khởi sự trước vào thượng tuần tháng 5 năm 1965, Đồng Xoài mãi thượng tuần tháng 6 mới nổ súng.

        Nhưng sự thật thì hai trận đánh này đều gắn bó trong một ý đồ chung. Còn lý do vì sao khoảng cách giữa hai trận đánh dài thế (trên dưới một tháng) sẽ trình bày phần diễn biến cụ thể Như bạn đọc đã biết, Phước Long dưới triều Nguyễn chỉ là một huyện của dinh Trấn Biên, sau thành huyện Bà Rá thuộc tỉnh Biên Hoà cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

        Phước Long mang dáng dấp một cao nguyên chuyển tiếp, thấp dần và là chân đứng phía nam của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy từ Bắc vào.

        Phước Long là một dải rừng bằng trải rộng xen lẫn với rừng cao su nhân tạo, giữa nổi lên một ngọn núi đột xuất uy nghi, đường bệ mang tên núi Bà Rá cao 730 mét, như một điểm tựa vững chắc trấn giữ phía tây-nam của Tổ quốc. Dưới chân núi là sông Bé uốn khúc, tạo thành các ghềnh thác hưng dữ mang những cái tên dịu dàng - thác Mơ Thượng, thác Mơ Hạ, cách thị xã 4 ki-lô-mét về phía đông có công suất điện năng từ 50.000 - 100.000 kw. Nhưng dưới chân núi Bà vẫn còn in hằn dấu vết tội ác của bọn thực dân Pháp thống trị, chúng đã đặt ở đây một nhà tù - gọi là "Căng Bà Rá" giam cầm các chiến sĩ Cách mạng, trong đó có các đồng chí Trần Văn Giàu, Tô Ký, Nguyễn Thị Định.

        Nhưng Phước Long không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn là một vị trí chiến lược quân sự quan trọng của cả hai bên. Nhìn vào bản đồ quân sự đặt trong bối cảnh chung lúc ấy dễ thấy Phước Long địa thế thuận lợi cho việc tạo thế cho chiến trường Đông Nam Bộ nói riêng, cho chiến trường Nam Bộ nói chung.

        Chính vì lẽ đó từ năm 1954 Mỹ - Diệm đã đổ tiền của vào để xây dựng Phước Long thành tuyến phòng ngự bảo vệ Sài Gòn từ xa. Thực hiện chia nhỏ để kiểm soát, kìm kẹp, địch tách Phước Long từ một huyện của tỉnh Biên Hoà, lập tỉnh mới gồm bốn huyện: Phước Bình, Đôn Luân (Đồng Xoài), Đức Phong (Bù Đăng), Bố Đức (Bù Đốp). Từ 1957 đến 1962, cùng một lúc địch tiến hành nhiều âm mưu tăng quân, xây dựng căn cứ, sân bay, mở rộng hệ thống đồn bót, dồn đồng bào các dân tộc tại chỗ vào các ấp chiến lược, đẩy nhân dân từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, giáo dân di cư của vùng Bùi Chu, Phát Diệm lên Phước Long để lập các khu dinh điền, hình thành một hệ thống bao quanh thị xã, thị trấn, trên các trục đường. Mỗi ấp chiến lược khu dinh điền đều được quân sự hoá, có rào kẽm gai bao quanh, có bãi mìn, có lực lượng dân vệ, bảo an ngày đêm tuần phòng canh gác. Địch phát cho mỗi gia đình một cái mõ để khua lên khi có người lạ đến, cả ấp khua theo, gây tâm lý nghi kỵ lẫn nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 04:19:15 am »


        Phước Long từ một thị trấn hẻo lánh, thưa vắng ở vùng biên ải bỗng trở thành một thị xã chứa đầy ắp các sắc lính, hình thành một hệ thống phòng ngự vững chắc chạy từ núi Bà Rá qua tỉnh lỵ ra sân bay xuống chi khu quân sự Phước Bình, thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với 8 trận địa pháo, 200 ấp chiến lược, khu dinh điền bao quanh, quân số chiếm đóng lên tới 3.000 tên.

        Đúng là địch tạm thời kìm kẹp và khống chế được nhân dân, cơ sở cách mạng bị xáo trộn, quần chúng trung kiên tạm thời nằm yên, số cán bộ, đảng viên được phân công ở lại bám trụ nằm vùng giữ vững phong trào tạo thời cơ, tạm thời phải phân tán rút vào rừng sâu sống cầm hơi bằng rau rừng nước lã, để mà tồn tại tính kế khác. Tình hình trở nên cực kỳ khó khăn, Xứ uỷ Nam Kỳ (sau này là Trung ương Cục) đã chủ trương mua sở cao su Bù Ca vừa làm nơi sản xuất lấy tiền nuôi cán bộ vừa là nơi hợp pháp để chỉ đạo phong trào.

        Tháng 9 năm 1959 theo chỉ thị của Xứ uỷ, một tổ công tác do các anh Nguyễn Văn Thuận (Ba Thu), Nguyễn Văn Dinh (Ba Dinh), Phú, Sáu A, do đồng chí Lâm Quốc Đăng chỉ huy, từ chiến khu Đ lên vùng Phước Long soi đường liên lạc với các đoàn cán bộ từ miền Bắc đang trên đường trở vào. Cuộc hành trình đầy gian khổ, phải đóng giả nhiều vai, dò tìm các đồng chí ta còn nằm vùng ở đây, bắt liên lạc với đồng bào trung kiên vẫn một lòng với cách mạng bị địch xáo trộn đẩy vào các ấp chiến lược khu dinh điền. Cứ thế vừa tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở trong đồng bào các dân tộc tổ chức trạm liên lạc, vận chuyển quyên góp, mua lương thực dự trữ; vừa làm đủ nghề kiếm sống, các anh đã tạo được chỗ đứng chân ở vùng Đắc Nhân, được đặt tên là căn cứ "nửa lon", vì những ngày ở đây hàng ngày mỗi người ăn chưa đầy nửa lon gạo. Tổ soi đường đi tiếp theo hướng bắc thì gặp đoàn cán bộ miền Bắc khởi hành từ 20-4-1959. Phải mất hơn sáu tháng các anh mới đặt chân lên phía tây Quảng Nam. Đoàn có 29 người, phần lớn là cán bộ quân đội, cấp bậc cao nhất là thượng uý. Trong số này có anh Bảy Kính, quê miền Bắc đi phu cao su rồi tham gia chiến đấu ở miền Nam, tập kết ra Bắc nay trở lại.

        Tôi gặp anh trong chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài năm ấy, đã gần như người địa phương thực thụ. Anh người xương xương nhưng chắc khỏe, trụ lại đây đến miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau đại hội IV, anh tham gia tỉnh uỷ Sông Bé kiêm bí thư huyện Phước Long. Được biết anh đã nghỉ hưu, về sống với gia đình ở chân núi Bà Rá. Ở hoàn cảnh anh, việc đưa gia đình về thị xã Thủ Dầu Một, Lái Thiêu không khó, nhưng anh tự nguyện định cư tại Phước Long, nhưng không ở thị xã cũ mà về chân núi Bà Rá là có cái lý cái tình của riêng anh. Vì anh gắn với mảnh đất đầy đau thương này từ những năm chưa có đồng khởi rất đen tối còn chịu được, nay đã khác xưa, đi làm sao được xa làm sao được, mảnh đất sâu nghĩa nặng tình này. Cuộc sống của anh thật giản dị, khiêm nhường mà cao cả.

        Cuộc hành trình soi đường của tổ công tác đã thành công, Phước Long đã chuyển mình, trở thành nơi hội tụ các đồng chí miền Bắc vào hợp sức. Phong trào được hồi phục, cơ sở chính trị được phát triển. Tháng 1 năm 1960 lực lượng vũ trang của Phước Long thành lập mang tên B270, thiết thực hỗ trợ cho cuộc nổi dậy của nhân dân. Hàng loạt ấp chiến lược, khu dinh điền trên trục đường 10, đường 14 bị phá vỡ. 24 đồn bót lẻ của địch bị san bằng, vùng giải phóng được mở rộng từ Bù Na - Quảng Đức đến Phước Quả - Liếu Đức. Lực lượng du kích được tổ chức, lực lượng dân công được thành lập sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Tiếng mõ khua báo mỗi khi có người lạ mặt đến ấp đã tắt và xa dần. Đã có đủ điều kiện đưa lực lượng chiến đấu vào gần đồn địch, cho phép chúng tôi, những người đi trước chuẩn bị chiến trường, nằm lại núi Bà Rá ban ngày để quan sát toàn cảnh trận địa địch ở thị xã Phước Long; đã có các điều kiện thuận lợi để chúng tôi bò sát vào rào kẽm gai của địch để nghiên cứu tính toán đặt bộc phá mở cửa cho bộ đội tiến vào diệt địch. Đã có biết bao gương hy sinh thầm lặng của đồng bào đồng chí, của những người đi trước soi đường tạo thế cho trận đánh hôm nay.

        Phước Long đã trở thành căn cứ của ta. Từ đây có thể đón người và hàng từ miền Bắc vào, từ đây có thể ra Tây Nguyên, sang Khu 6. Cái thế ấy là nguyên nhân làm nên thắng lợi của chiến dịch mà tôi sẽ kể cùng bạn đọc dưới đây.

        Nhân hoà tạo nên thế lợi như vậy là tạm ổn. Nhưng cái khó chính lúc này khiến tôi băn khoăn thực sự là lấy đâu ra lương thực đủ cung cấp cho hơn một sư đoàn ăn trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 04:19:50 am »


        Hình như đoán biết được điều băn khoăn này, nên khi gặp tôi đồng chí bí thư huyện uỷ Bù Đốp nói ngay:

        - Các anh khỏi lo, lương thực cho bộ đội ăn tụi này đã chuẩn bị rồi.

        - Bao nhiêu? - Tôi hỏi lại.

        Vừa tự hào vừa ra vẻ quan trọng, đồng chí bí thư huyện uỷ dẫn tôi đến một vạt rừng rậm nhiều cây to rồi chi lên, nói:

        - Anh thấy không, lương thực treo trên các cây cao - ngoảnh lại tôi anh hỏi tiếp - Thấy không?

        Tôi ngước mắt nhìn lên, từng bó lúa nương được chải tuốt sạch sẽ chỉ còn hạt thóc treo lơ lửng trên các cành cây, đề phòng biệt kích địch phát hiện và thú rừng phá hoại.

        - Bao nhiêu ký - tôi hỏi.

        - Năm tạ! - đồng chí bí thư trả lời, kèm theo tiếng cười sảng khoái.

        Tôi thực sự xúc động: Năm tạ thóc xay xát còn ba tạ rưỡi là cùng. Đủ nuôi hàng nghìn con người được mấy ngày. Đúng là như muối bỏ bể, nhưng ở cái vùng đang còn đầy rẫy khó khăn, nhiều gia đình mà tôi bắt gặp đang ăn cháo, ăn củ rừng, lá bép thay gạo, vậy mà khi nói góp gạo nuôi bộ đội ăn no đánh giặc là ai nấy đều sẵn sàng.

        Lại một chuyện cảm động khác mà tôi được nghe kể trên đường đi chuẩn bị chiến trường: trên giao nhiệm vụ cho nhân dân Sóc Bom Bo trong hai ngày phải có đủ một tấn gạo trong điều kiện có nhiều khó khăn, địch uy hiếp, phi pháo của chúng bắn phá không kể giờ. Nhưng nhân dân vẫn bình thản, lạc quan, ai có sức khỏe đều xung phong nhận nhiệm vụ, tiếng chày giã gạo các cùm cum suốt đêm. Chỉ năm ngày sau số gạo cần có đã được đồng bào gùi tới địa điểm tập trung. Nhạc sĩ Xuân Hồng cảm hứng về hình ảnh đẹp này dã sáng tác "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" - một ca khúc trữ tình sâu đậm ngợi ca tinh thần yêu nước của người dân Bom Bo thuần phác, nói ít mà nghĩ sâu, nhìn lẽ phải bằng việc làm thực tế, cái tư chất quý hiếm ấy đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng.

        Đến đây xin đi vào nội dung của sự kiện.

        Một câu hỏi được đặt ra sau hội nghị tổng kết chiến dịch Bình Giã: Hướng hoạt động quân sự trong thời gian tiếp theo là đâu?

        Lại một dịp trao đổi sôi nổi. Có ý kiến đề nghị Long Khánh (Xuân Lộc); ý kiến khác: thọc lên Mê Pu, Tánh Linh, mở rộng địa bàn, tạo thêm chỗ đứng.

        Như thế là vẫn duy trì đánh cấp trung đoàn trở xuống, chắc chắn sẽ diệt được địch, nhưng không lớn, nhất là không phục vụ cho củng cố thế đứng để phát triển lực lượng.

        Tất nhiên là không nhất trí với ý kiến này nhưng tôi không biểu thị thái độ rõ ràng dù sao thì mình mới vào mà đề xuất chuyển hướng hoạt động để có điều kiện đánh lớn thì không có cơ sở. Vì các yếu tố địch tình, địa hình, dân tình chưa có tích luỹ gì tất cả đều mới mẻ đang trong thời gian tìm hiểu.

        Hôm sau, cả Bộ tư lệnh chiến dịch chúng tôi lại được lệnh đến họp để nghe anh Thanh phổ biến quyết định của Bộ chỉ huy Miền mở chiến dịch mới: Phước Long.

        Anh nói:

        - Về mọi mặt chiến dịch này cao hơn Bình Giã, bước đầu chúng ta thí nghiệm đánh tập trung. Ấp Bắc, Đường Long, Bình Giã tuy thắng lớn nhưng chưa phải đánh lớn trên cấp trung đoàn. Cuộc ra quân lần này trước hết phải tiêu diệt cho được một bộ phận sinh lực quan trọng của chủ lực nguỵ, đẩy mạnh chiến tranh du kích, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, củng cố và mở rộng căn cứ.

        Đến đây anh chỉ tay vào bản đồ, vùng Phước Long đã được nét chì đỏ tô đậm thành hình bầu dục, nhấn mạnh:

        - Đánh địch để tạo điều kiện xây dựng nơi đây thành căn cứ trong cái thế đứng liên hoàn của mặt trận Đông Nam Bộ là một yêu cầu vừa bức bách vừa cơ bản.

        Bỗng giọng anh thấp dần và chậm lại, như tiếp sức lòng tin cho chúng tôi. Anh nói:

        - Lấy Phước Long làm hướng tiến công chủ yếu trong đợt hoạt động xuân hè còn nhằm thực hiện ý định nghi binh lừa địch, tạo thế bất ngờ, bảo đảm chắc thắng. Sau Bình Giã, địch đoán và đề phòng ta đánh Long Khánh, vì Bà Rịa, Long Khánh cùng một địa bàn. Để củng cố thêm phán đoán sai lầm của địch, ta để lại một bộ phận ở đó phối hợp với bộ đội địa phương và lực lượng vũ trang khu G hoạt động trên lộ 2 (Bà Rịa – Long Khánh), đồng thời Bộ tư lệnh Miền đã điện cho các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Biên Hoà có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động quân sự trước và trong khi Phước Long nổ súng.

        Cuối cùng anh như trao đổi tâm tình, để có thêm thực tế thuyết phục một nhận thức gần như cố hữu, tuyệt đối hoá chiến tranh du kích, vì sau Bình Giã, cán bộ đại đội, tiểu đoàn vẫn chưa thật thông lối đánh tập trung, quen phân tán, đánh theo kiểu tự do lựa chọn mục tiêu. Nếu sau Ấp Bắc địch thấy khó thắng ta, thì sau Phước Long phải chứng tỏ ta có khả năng đánh lớn, tiêu diệt ngày càng nhiều sinh lực địch, diệt quận lỵ, chi khu, diệt tiểu đoàn, chiến đoàn địch; đánh phục kích, tập kích và đánh cả địch phòng thủ trong công sự vững chắc, giáng một đòn cơ bản vào chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2016, 04:20:07 am »


        Anh động viên chúng tôi:

        - Đây là chiến dịch quy mô lớn đầu tiên ở chiến trường Nam Bộ, đòi hỏi chúng ta không những có quyết tâm cao mà còn có cả biện pháp chiến đấu mưu trí, để giành cho được thắng lợi.

        Kết thúc buổi giao nhiệm vụ, anh Thanh lần lượt nắm chặt tay từng người lắc mạnh và chúc thắng lợi.

        Tất cả chúng tôi đều đã trải qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chín năm, vậy mà hôm nay như có chung sự háo hức, hăm hở của những người lần đầu ra trận, vì đây là một chiến trường thật xa, tất cả đều mới lạ!

        Lúc này đã là đầu tháng tư, bầu trời vần vũ mang những đám mây mọng nước báo hiệu mùa mưa sắp đến. Thời gian không còn nhiều. Bộ tư lệnh họp trong tinh thần khẩn trương, sau khi khẳng định quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, rồi phân công từng người hoàn thành công tác chuẩn bị trước khi bàn kế hoạch tác chiến cụ thể. Anh Tấn, anh Trần Độ lo sắp xếp lực lượng, chuẩn bị tư tưởng, tinh thần bộ đội, tôi dẫn đoàn cán bộ đi trinh sát thực địa.

        Đêm trước khi lên đường, tôi miên man suy nghĩ. Đúng là muốn giải quyết được vấn đề đánh tập trung, đánh địch trong công sự vững chắc thì điều kiện tiên quyết là tạo được thế bất ngờ. Điều này cấp trên đã tạo cho ta, chọn Phước Long vừa có tầm nhìn chiến lược trong tạo thế, vừa thông minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch. Tuy bộ đội phải hành quân tiếp cận chiến đấu xa và vất vả, nhưng lợi là đánh lạc hướng địch theo dõi, đề phòng. Ta phải bằng mọi cách giữ cho được lợi thế này, không được sơ suất một hành động nhỏ trước hết là trong chuẩn bị chiến đấu. Yêu cầu đặt ra cho đoàn cán bộ đi trinh sát thực địa không phải chỉ nhận biết đầy đủ địa hình, hệ thống phòng thủ của địch để có kế hoạch bố trí binh hoả lực, mà còn phải xác định được hướng đột phá, điểm đặt pháo, ĐKZ, thích hợp để làm nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ bộ binh có hiệu quả ngay từ phút đầu của giờ G - Giờ nổ súng tiến công thống nhất.

        Tuy chưa hình dung đầy đủ hình thể vùng rừng núi Phước Long nói chung, thị xã Phước Long nói riêng nhưng đầu óc tôi lúc này lại hiện về những trận công đồn ở Đông Khê, Nghĩa Lộ, hữu ngạn sông Đà và ở Điện Biên Phủ năm xưa mà mình đã tham gia, từ đó mà hình dung những khó khăn sẽ gặp, cùng các việc phải làm.

        Sáng hôm sau đoàn cán bộ trinh sát thực địa lên đường. Từ căn cứ Mã Đà đoàn cắt rừng qua suối Nhung ngược lên hướng bắc - sát biên giới Campuchia để gặp các anh trong thường vụ tinh uỷ Phước Long sơ bộ bàn kế hoạch phối hợp với nhân dân nồi dậy và xin các anh cho giao liên dẫn đường và móc nối với cơ sở hoạt động hợp pháp trong vùng địch trao đổi nắm tình hình cụ thể. Vẫn là những cánh rừng bằng đại ngàn đi không mỏi gối chồn chân nhưng tầm nhìn rất khó, ngay cả bầu trời có lúc cũng không thấy vì các cây đan chen thành một lớp lá dày như một trần nhà rộng mênh mông che lấp. Không gian thu hẹp cả bốn chiều, rất khó quan sát, dễ mất hướng và lạc đường.

        Từ cực bắc chúng tôi lại xuôi về hướng đông-nam. Bốn giờ chiều ngày thứ ba mới đến bờ bắc thác Mơ. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước gầm réo như đang đến gần một nhà máy cơ khí cỡ lớn.

        Không biết ai đã đặt tên cho con thác này thật đúng với cảnh quan đầy chất thơ. Dòng thác rộng vừa phải nhưng độ dốc cao, từng cột nước đổ xuống quyện với sương mù ban chiều tạo thành biển mây bạc, bờ thác gồ ghề bởi nhiều phiến đá to nhỏ tạo thành êm ả mà gân guốc, ngồi trên những phiến đá thả chân xuống dòng nước tận hưởng cáì mát dịu trong lành, tan nhanh những mệt nhọc, âu lo, thần kinh mau được thư giãn trở lại.

        Từ thác Mơ chúng tôi nhìn thấy núi Bà Rá, mặc dầu dãy núi đột xuất có "ngoại hình" hùng vĩ cao gần 800 mét mà mãi hôm nay - sau ba ngày hành quân mới nhìn thấy nó.

        Lại một đặc điểm nữa của riêng Đông Nam Bộ, vì nơi đây, chủ yếu vẫn là hình dáng của rừng bằng, muốn quan sát được địch phải leo lên các cây cao - tức là phải biết leo trèo. Từ thực tiễn sau chuyến đi chúng tôi cho bộ đội tập luyện, từ leo trèo tự nhiên đúc kết ra thành yếu lĩnh động tác, thứ tự phối hợp chân, tay, nâng, bám đẩy người lên cao để phổ biến cho cán bộ chiến sĩ ở ngoài Bắc mới bổ sung vào, coi đây như một "kỹ thuật" chiến đấu cần biết đối với mọi người.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM