Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:00:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chặng đường mười nghìn ngày  (Đọc 42814 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 07:15:19 am »


        Nhưng trung đội vẫn không quên nỗi buồn, nó cứ canh cánh bên lòng. Đó là trường hợp anh Liêm, người con của Quỳnh Nhai, người trợ thủ đắc lực của đơn vị những ngày đầu khi vào trận. Anh bị Tây bắt do có sự sơ suất của chúng tôi. Hôm ấy là một ngày cuối tháng 3, đơn vị chuyển quân đến Mường Hịch để vừa chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ nhân dân, bảo vệ mùa màng, vừa làm công tác vận động quần chúng tham gia kháng chiến. Theo kế hoạch toàn đơn vị ém quân ở sườn núi sau bản đề phòng địch đánh úp, anh Liêm cùng với cơ sở địa phương vào các nhà dân giải thích chính sách vận động quần chúng tham gia kháng chiến, ủng hộ bộ đội. Là người địa phương, anh Liêm làm nhiệm vụ này rất có kết quả. Đi đến đâu quần chúng cũng dễ gần, dễ trò chuyện, dễ tiếp thu những điều giải thích rất mộc mạc dễ hiểu của anh. Trong sự che chở, đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân đối với đơn vị, anh là người có công lớn. Bất thần địch ập tới (sau này tôi được biết do tên tổng đoàn đã bí mật cho người đi báo Tây) bắt anh Liêm. Thấy động dưới bản, tôi cho đơn vị vận động xuống thấp nổ súng tiến công, địch hoảng hốt vừa bắn trả vừa rút chạy. Linh tính biết anh Liêm gặp nguy, tôi lệnh cho một tiểu đội rẽ trái chạy vượt lên, cứu anh Liêm. Nhưng đã muộn, đến nơi địch rút và anh Liêm cũng không còn nữa! Đồng bào nói Tây nó bắt cán bộ Liêm rồi. Tôi sững lại như muốn khóc. Vì mất anh là một thiệt thòi lớn cho đơn vị lúc này. Đêm đó và cả những ngày sau, tôi như người hụt hẫng, buồn thương nuối tiếc anh Liêm cứ luôn ở bên tôi, nhiều đêm không sao ngủ được. Tôi tự trách mình sơ suất nếu hôm đó tổ chức cảnh giới tốt, có một tổ đi cùng anh Liêm thì đâu đến nỗi này! Mãi đến năm 1990, anh Liêm từ Sơn La về Hà Nội gặp tôi, báo đã thoát tù trở về. Gần 50 năm mới gặp lại nhau, cả hai đã già, đều trở thành ông nội, ông ngoại. Nhưng những giờ phút gặp lại không ngờ này khiến chúng tôi trẻ lại, bao kỷ niệm cũ dồn nén được bung ra, trong đó vẫn xoay quanh những ký ức khó quên về những ngày sống ở Quỳnh Nhai. Tôi nhận lỗi do sơ suất để anh bị địch bắt, phải sống những ngày gian truân. Anh không nói, chỉ cười thật sảng khoái "gặp lại nhau thế này là quý rồi!". Đó là điều anh đã cảm thông, gỡ cho tôi nỗi ân hận, day dứt bấy lâu.

        Đầu tháng 5, từ Tạ Bú chúng tôi tìm được đường về sở chỉ huy trung đoàn lúc này vẫn còn ở khu vực thị xã Sơn La, trong lúc cũng đang thu quân chuyền hướng hoạt động xuống phía nam. Thật hú vía! Chỉ chậm một ngày nữa là chúng tôi lại tiếp tục chịu cảnh đứa con nhỏ bị lạc mẹ.

        Anh Tấn và cả cơ quan trung đoàn bộ ra tận mép đường đón đơn vị Vừa nhìn thấy, anh bước nhanh tới cầm tay lắc mạnh và ôm ghì lấy tôi. Các anh xếp thành hàng vỗ tay hoan hô, cho đến khi hàng quân qua khỏi mới thôi.

        Trên đường về sở chỉ huy, anh Tấn tranh thủ hỏi han:

        - Cậu có sao không, sức khỏe thế nào?

        - Báo cáo anh, vẫn nguyên vẹn, bệnh sốt rét hình như phải kiêng tôi.

        - Bọn mình cứ tưởng các cậu đã hy sinh.

        Anh đang định nói tiếp, tôi xen vào:

        - Báo cáo anh có, nhưng không hết.

        - Hy sinh ở đâu, trận đánh nào?

        - Báo cáo anh, ở khu rừng già Quỳnh Nhai khi bị địch vây và khi bò vào lấy thuyền địch để vượt sông.

        Anh Tấn xúc động, đầu hơi cúi, hai mắt đỏ hoe, chớp chớp cố ngăn không cho ngấn nước đọng thành hạt nơi đáy mắt.

        Hai chúng tôi đi trong yên lặng vào nhà - nơi anh Tấn làm việc. Nơi điều hành chỉ huy công việc của mặt trận Sơn La giản dị, thiếu thốn vô cùng. Anh phải sử dụng bản đồ hành chính, dùng trong các trường học vào việc chỉ huy chiến đấu.

        Sau khi đưa tôi bát nước chè rót từ cái ấm đặt trên bếp vẫn còn bốc hơi nóng, anh Tấn nói:

        - Thôi, bây giờ chúng ta có thì giờ để vào chuyện - anh nhấn mạnh chứ chưa vào việc - Việc hãy để đó, chiến đấu còn lâu dài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 07:16:10 am »


        Lúc này giọng anh trầm lắng, chậm rãi chứ không gọn đanh như khi giao nhiệm vụ. Cả khuôn mặt nghiêm nghị thường ngày bây giờ biến đổi ẩn chứa nét buồn. Anh nói cả ban chỉ huy trung đoàn trong nếp nghĩ hàng ngày đâu có quên, các buổi giao ban chiến đấu vẫn điểm danh các đơn vị, trong đó có đơn vị cậu được anh em tặng mật danh "Trung đội viễn chinh của trung đoàn". Nhưng chẳng có tin tức gì, cho đến hôm nay đã hơn hai tháng rồi - Anh dừng lại nhìn thẳng vào tôi hỏi:

        - Có đúng thời gian như vậy không Hoàng Cầm?

        - Báo cáo anh! Tính đến nay là hai tháng 17 ngày chúng tôi xa trung đoàn.

        - Không phải xa, mà là các cậu bị bao vây, chiến đấu giữa vòng vây của quân thù.

        - Dạ! - Tôi hơi lúng túng trả lời.

        Anh Tấn lại thủ thỉ vào chuyện.

        - Bọn mình thực sự day dứt vì không giúp được gì cho các cậu trong thời gian gặp khó khăn. Giờ đây nhìn thấy cậu mình càng ân hận về trách nhiệm của người chỉ huy. Vì tất cả đều mới quá, có nhiều việc không biết đâu mà định liệu trước, nếu có đặt ra thì không biết bắt đầu, thứ tự trước sau là gì. Chúng mình phải thông cảm, tha thứ cho nhau những khiếm khuyết không muốn có. Vừa rồi khi xuống đường đón đơn vị, câu thứ hai mình nói "tưởng các cậu hy sinh cả rồi" là ý nghĩ thật của tất cả bọn mình, vì sau một tháng không có tin tức trong khi được biết địch ở Quỳnh Nhai đang mở rộng khu chiếm đóng, đã đưa lực lượng xuôi theo sông Đà, tham gia uy hiếp Sơn La từ hướng nam.

        Nghe anh kể, tôi thấy chính mình phải chủ động thông cảm, phải xin lỗi nhận khuyết điểm với cấp trên mới đúng. Lúc ấy các anh đâu có rảnh rang, mặt trận phía bắc thủng, địch chiếm Thuận Châu, cách thị xã không xa, còn phía nam, chiến sự đã diễn ra ở Hát Lót, Mai Sơn. Tình thế đặt ra cho các anh nhiều việc quá sức đủ thứ phải lo, phải trả lời, phải đáp ứng tức thì. Lo chỉ huy chiến đấu, lo lương thực, lo giải quyết thương binh, bệnh binh (nhất là lúc này sốt rét đang lan rộng như một thứ dịch khó chữa, quân số giảm nhanh, có người đã vĩnh viễn nằm lại vì không qua nổi một trận sốt ác tính).

        Buổi nói chuyện thật đầm ấm, chứa chan tình đồng chí, kết thúc bằng bữa cơm mà trung đoàn trưởng đã có ý định "chiêu đãi" với "thực đơn" là măng rừng Tây Bắc nhưng nhạt muối và thiếu mỡ.

        Ngày hôm sau anh lại cho gọi tôi lên từ rất sớm. Thị xã Sơn La còn mờ trong sương mai, cảnh vật mờ ảo.

        Như đã sắp xếp sẵn, thấy tôi là anh bắt tay, mời ngồi và vào việc luôn. Anh nói đêm qua chỉ huy trung đoàn họp chủ yếu nghe ban tham mưu báo cáo về thành tích "viễn chinh" của các cậu - anh nhấn mạnh - Phải nói là cánh quân thọc sâu mới đúng - vì lên Quỳnh Nhai là lên địa đầu của Sơn La, giáp Lai Châu là đi vào đất địch. Lên đó an toàn trở về là đã khá, đằng này các cậu còn chiến đấu, xây dựng lập thành tích, quân số từ một trung đội thiếu tăng thành hơn hai trung đội (đại đội thiếu), có thêm cả vũ khí - anh dừng lại hỏi:

        - Tổng số vũ khí lấy được của địch là bao nhiêu?

        - Báo cáo anh: 10 súng trường, 20 lựu đạn, 150 viên đạn.

        - Ôi! Thật quý hơn vàng - anh biểu dương. Còn việc của cậu, thì trung đoàn đã quyết định thăng vượt cấp - từ trung đội phó lên đại đội phó và quyền đại đội trưởng luôn.

        Tôi chưa kịp trình bày nguyện vọng, thì anh chỉ thị:

        - Về làm đại đội trưởng đại đội 230, tiểu đoàn 90 thuộc Trung đoàn 148 vừa mới thành lập theo quyết định của Bộ Tổng Tham mưu.

        Mặt trận chuyển về nam.

        Tháng 4 năm 1947, có thêm viện binh từ Pháp sang, nâng tổng số quân Pháp ở Việt Nam lên 11 vạn, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn lên Tây Bắc, mở rộng vùng chiếm đóng, nối Tây Bắc với Hà Nội theo hai hướng: từ Hà Nội lên, từ Yên Châu xuống hợp điểm với quân dù chiếm đóng Mộc Châu; đại bộ phận Trung đoàn 148 từ đông Mộc Châu phải vượt sông Đà rút về Lai Đồng, Thu Cúc tây nam tỉnh Phú Thọ.

        Còn tôi lúc này được điều về đại đội 250, tiểu đoàn 86 đang đứng chân ở Bột Sộp giáp biên giới Lào trên đường đi Sầm Nưa, thì địch nhảy dù Mộc Châu bịt đường về. Đây là thời kỳ thứ hai chúng tôi mất liên lạc với trung đoàn, lọt vào giữa vòng vây của quân thù.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 07:16:51 am »


        Thời gian này đại đội chúng tôi được gặp anh Bình Kim, Lê Thăng cũng đang hoạt động ở đây. Hai anh báo cáo về Bộ chỉ huy chiến khu Hai. Các anh Lê Hiến Mai, chính uỷ, Hoàng Sâm tư lệnh hoan nghênh và động vỉên đơn vị ở lại với chiến khu, ở đâu cũng là vệ quốc đoàn, cũng làm nhiệm vụ chiến đấu.

        Theo kế hoạch, các đơn vị Tây tiến lùi lại (vì các anh đã trải qua thời kỳ chiến đấu gian khổ ở nước bạn Lào, lực lượng bị tiêu hao, quá mệt mỏi, cần được nghỉ để củng cố bồi dưỡng sức khỏe). Đại đội 250 chúng tôi được giao nhiệm vụ chặn địch tại khu vực tây Cô Ma, Tà Lao yểm trợ bộ phận tiền phương của sở chỉ huy Chiến khu Hai chuyển về Xân Nha, Hoà Bình.

        Trận đánh thắng lợi, nhiệm vụ hoàn thành được các anh trong Bộ tư lệnh Chiến khu Hai biểu dương, được đồng đội mến phục; nhiều anh em trong trung đoàn Tây tiến do bị đau yếu tụt lại mất liên lạc với đơn vị cũ cũng tình nguyện nhập quân số vào đại đội lực lượng tăng nhanh đến gần một tiểu đoàn, sự giao lưu cũ mới từ nhiều địa phương, nhiều mặt trận bổ sung nhiều điều mới lạ, thu nhận được nhiều kinh nghiệm hay trong chiến đấu, nhiều lẽ phải trong ứng xử đời thường. Tinh thần, tư tưởng của đại đội eũng có biến đổi. Lúc đầu khi lọt vào giữa vùng địch kiểm soát, không khỏi phân vân, lo lắng, lo chiến đấu trong thế lẻ loi, đơn độc, lúc nào cũng nghĩ tìm cách trở lại trung đoàn đã từng gắn bó từ những ngày đầu ở Mặt trận Sơn La. Nay lại khác, không ít anh em muốn tình nguyện ở lại làm lính Chiến khu Hai, vì chiến trường đã quen thuộc, đã hiểu địch, tình đồng chí thêm gắn bó; và một lý do riêng nữa phần đông anh em đều quê ở miền xuôi, về đây có điều kiện thăm gặp gia đình. Ngay cả tôi, anh em cũng khuyên nên ở lại, nhất là khi đơn vị chuyển về gần khu vực Chợ Bến, có anh em nửa đùa nửa thật vừa tranh thủ thăm dò; đường về quê đại đội trưởng quá gần, nếu ở lại có điều kiện xin hẳn về đó hoạt động để được gần nhà.

        Thực tình tôi cũng mủi lòng, sau nghĩ lại thấy không ổn, nhưng biết nói thế nào cho anh em đồng tình với mình, thật khó. Một hôm nhiều anh em kéo đến thúc giục đòi tôi tỏ thái độ, bỗng tôi bột phát trả lời:

        - Cũng như các cậu mình rất muốn ở lại, nhưng trung đoàn đã có lệnh gọi đại đội ta trở về. Câu giải thích ngắn gọn không chuẩn bị trước của tôi không ngờ lại có hiệu lực từ giờ phút này.

        Từ đó ý kiến bàn tán ở lại giảm dần sau hết hẳn. Mệnh lệnh mà, đã là mệnh lệnh thì chỉ có chấp hành.

        Tháng 10 năm 1947, Mặt trận Mộc Châu tạm lắng, tôi báo Bộ tư lệnh Chiến khu Hai, xin cho đại đội trở lại đội hình Trung đoàn 148 Sơn La, được các anh đồng ý và tạo thuận lợi cho chuyến trở về của chúng tôi, như cung cấp tin tức, cử người dẫn đường. Một kế hoạch hành quân chiến đấu được vạch ra, nhưng để đảm bảo bí mật, chúng tôi chỉ phổ biến từng ngày. Từ tây Mộc Châu sang tây nam Phú Thọ không dài, vậy mà đoạn đường thực tế chúng tôi phải qua lại thật dài đến khó hiểu. Như người ném tạ lùi lại lấy đà từ tây bắc Mộc Châu đại đội phải lùi xuống hướng tây nam vào vùng Bá Thước, Quan Hoá thuộc Thanh Hoá, rồi vọt lên men theo vùng giáp ranh Nho Quan, Ninh Bình, chếch tây vào địa phận Hoà Bình qua Yên Thuỷ, Tân Lạc, Mai Châu, vượt sông Đà sang vùng Thanh Sơn - Phú Thọ, mất hơn 10 ngày mới tới đích.

        Lại anh Lê Trọng Tấn trung đoàn trường ra đón chúng tôi.

        Lần này không kìm nổi, nước mắt anh trào ra, lăn rõ trên hai gò má của anh dành cho buổi sum họp hôm nay. Anh và ban chỉ huy trung đoàn xuống thăm đơn vị, bắt tay từng người chúc mừng thắng lợi. Anh thân mật nói chuyện với đơn vị và kể những gì đã xảy ra sau khi đại đội chúng tôi bị địch vây, chặn không có đường về. Anh nói:

        - Ngay sau khi trung đoàn kiểm điểm quân số và điểm đầu đơn vị trước khi giã từ Mộc Châu không thấy các cậu, trung đoàn đã cử một đơn vị quay trở lại tìm kiếm, nếu thấy là dẫn theo đường đã định, nhưng hai ngày sau vẫn biệt tăm. Khi trung đoàn trở về Phú Thọ tuần nào, tháng nào cũng phái các đơn vị tiếp tục đi tìm nhưng đều trở về không. Mới cách đây hai tuần, tức là sau hơn hai tháng đi tìm đều trở về không, buộc phải báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu là đại đội Hoàng Cầm mất tích thì hôm nay các cậu trở về.

        Cuối cùng anh thay mặt chỉ huy trung đoàn biểu dương:

        - Cuộc "viễn chinh" lần thứ nhất từ Quỳnh Nhai trở về, quân số một trung đội thiếu, tăng hơn hai trung đội.

        Cuộc "viễn chinh" lần thứ hai từ Mộc Châu trở về, quân số một đại đội tăng thêm hai trung đội, coi như một tiểu đoàn thiếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 07:18:37 am »

     
        Tôi tranh thủ báo cáo lý do tăng quân số, chủ yếu là các anh em trong trung đoàn Tây tiến bị lạc, gặp đơn vị xin gia nhập để được tiếp tục chiến đấu. Vừa báo cáo, tôi vừa chỉ tay giới thiệu cụ thể với trung đoàn trưởng về số anh em này đang đứng phía bên trái hàng quân.

        Nghe tôi giới thiệu xong, anh Tấn đến bắt tay cám ơn từng người. Các anh em trong đoàn Tây tiến vui mừng và xúc động, có anh em khóc!

        Tháng 7 năm 1947, đại đội 250 chúng tôi được lệnh trở lại hoạt động ở vùng địch hậu Mộc Châu, khu du kích Mộc Hạ.

        Quân Pháp từ Hoà Bình mở cuộc càn quét lớn vào Suối Rút, Đà Bắc. Đang phân tán làm công tác vận động quần chúng và tổ chức huấn luyện cho du kích các xã thì được tin Pháp tiến công, đại đội tôi khẩn trương tập trung vân động, vừa tổ chức phục kích đánh nhỏ, đánh lén làm giảm tốc độ hành quân của chúng để đồng bào kịp sơ tán, vừa bày sẵn trận phục kích bất ngờ ở Hướng Càn. Trong trận này địch bị thiệt hại nhiều1, chúng phải dừng lại đối phó đánh trả đối phương, vừa giải quyết hậu quả Nhưng phía ta cũng bị thương một số, trong đó có tôi. Bị thương nặng, hỏng tay phải, ngất tới ba phút. Tưởng chết, anh em lấy chăn gói kín, chuẩn bị khiêng đi chôn cất. Khi tỉnh dậy, tôi hỏi:

        - Sao lại làm thế này?

        - Tưởng anh hy sinh, chúng em.

        - Mình đau quá ngất lịm chứ không chết.

        Anh em kéo đến vội cởi chăn và cứ thế khóc oà, xin lỗi chúng em không biết.

        Vì vết thương quá nặng, tôi phải đi viện điều trị ba tháng mới hồi phục sức khỏe, duy có tay phải từ ngày đó đến nay vẫn để di chứng là không viết được, đành thay bằng tay trái, vì thế chữ vốn gà bới càng thêm gà bới.

        Sau trận này tôi được Chính phủ tặng huân chương Quân công hạng ba.

        Đầu năm 1948 tôi lại bị thương lần thứ ba sức khỏe giảm, trên điều về làm phái viên quân sự của trung đoàn 148, nhiệm vụ xuống kiểm tra, giúp đở các đại đội địa phương Mộc Châu, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ hoạt động ở tây nam Phú Thọ giáp với vùng địch chiếm Mộc Châu. Nhưng thường tôi không làm nhiệm vụ được giao mà trực tiếp xuống tổ chức chỉ huy các đại đội hợp đồng chiến đấu với ý nghĩ cần phải có thắng lớn mới xây dựng được phong trào của địa phương.

        Bỗng một hôm tôi được lệnh trên gọi về giao nhiệm vụ tiểu đoàn phó. Tôi hơi ngỡ ngàng vì trước đó được anh em nói lại, là Bộ tư lệnh phân khu 4 nhiều lần nhắc: "Định đề bạt cậu lên tiểu đoàn phó từ lâu. Về thành tích chiến đấu, tinh thần dũng cảm thì không ai có ý kiến gì. Chỉ có một băn khoăn là trình độ văn hoá cậu kém". (Đúng là văn hoá của tôi không phải là kém mà là quá kém, lúc này lớp 1 cũng chưa xong). Tôi không thắc mắc về nhận xét này, chỉ băn khoăn sao bây giờ lại đề bạt? Cậu bạn thân của tôi thuật lại lý do. Đó là một hôm anh Song Hào, chính uỷ Khu 10 xuống kiểm tra đơn vị, có hỏi:

        - Hoàng Cầm đâu?

        - Báo cáo anh Hoàng Cầm bị thương nhiều, điều về làm phái viên.

        - Cụ thể nhiệm vụ?

        - Giúp đỡ xây dựng các đại đội, nhưng anh Hoàng Cầm thường tổ chức hai, ba đại đội cùng phối hợp vào hậu địch hoạt động.

        - Có làm được không?

        - Báo cáo làm tốt, anh trực tiếp chỉ huy các đại đội địa phương hoạt động, chiến đấu khá.

        - Như vậy là chỉ huy tiểu đoàn rồi, sao không đề bạt.

        Lý do tôi được đề bạt tiểu đoàn phó là như thế đấy.

--------------
        1. Ngày 28 tháng 7 năm 1947, địch bị đánh bất ngờ ở Hướng Càn, ta diệt nhiều lính nguỵ thu nhiều vũ khí, lương thực. Ngay đêm đó đại đội 250 phối hợp với du kích, công an địa phương bắt sống một tên phản động nguy hiểm, tri châu Mộc Châu và một số phìa ở Hướng Càn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 03:37:13 am »

         
Chương 4

        Cuối năm 1949, đầu năm 1950 tiểu đoàn 130 chúng tôi lúc ấy thuộc Liên khu X, sau khi kết thúc đợt tập trung học chiến thuật công kiên (nay gọi là chiến thuật tiến công cứ điểm) được trên điều về đứng trong đội ngũ Trung đoàn 209 mang tên Sông Lô1.

        Một niềm vui nữa lại đến. Từ Phú Thọ chúng tôi được lệnh chuẩn bị hành quân tham gia chiến dịch Biên Giới, còn gọi là chiến dịch Lê Hồng Phong II, dự định sẽ mở vào trung tuần tháng 9 năm 1950.

        Trong chiến dịch này, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174 (chủ lực của Liên khu Việt Bắc) được giao nhiệm vụ diệt cụm cứ điểm Đông Khê - một cứ điểm mà địch gọi là "bậc thang quan trọng trên tuyến đường số 4 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Tiểu đoàn 130 do tôi làm tiểu đoàn trường được giao nhiệm vụ đánh chiếm Phủ Thiện - Khu hành chính của huyện lỵ Đông Khê.

        Giữa lúc đơn vị đang khẩn trương sôi nổi chuẩn bị chiến đấu thì một tin làm phấn chấn lòng người: Bác Hồ đã lên Cao Bằng để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chiến dịch.

        Vì nguyên tắc giữ bí mật, không ai dám bàn tán, nhưng mọi người đều cảm thấy vinh dự, và háo hức muốn biết cụ thể về sự kiện "Bác đi chiến dịch".

        Rồi bỗng một hôm, có điện từ trung đoàn gọi xuống lệnh tôi và đồng chí Tạ Đình Hiển chính trị viên tiểu đoàn (sau này là thiếu tướng Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô đã nghỉ hưu) yêu cầu chuẩn bị gấp tình hình mọi mặt, kế hoạch chuẩn bị chiến đấu cụ thể của đơn vị để báo cáo cấp trên.

        Cấp trên là ai? Tôi không kịp hỏi, chỉ biết khi nhận điện trung đoàn nhấn mạnh cần chuẩn bị thật tốt, tốt nói tốt, chưa tốt nói chưa tốt, không được chung chung.

        Hôm sau ngày 12 tháng 9, một đồng chí liên lạc của trên xuống dẫn hai chúng tôi đi theo con đường cắt rừng mới được tạo dựng đã hằn vết chân người. Đường quanh co uốn khúc nhưng được che bằng tán cây rừng thoáng mát, máy bay địch khó phát hiện. Một lúc sau lại rẽ sang một con đường nhỏ hơn, bí mật hơn, không để hằn vết mòn, vì đi đến đâu sửa lại nguỵ trang đến đấy, không để lại cây đổ gãy, cỏ úa.

        Trong lúc tôi đang phán đoán đây đã phải là đường vào nơi cấp trên ở chưa, thì đồng chí liên lạc quay lại ghé sát tai tôi nói nhỏ tỏ vẻ quan trọng:

        - Chuẩn bị, sắp đến nơi rồi.

        Một căn lán nhỏ xinh nằm giữa rừng sâu thuộc bản Nà Lau cạnh Sở chỉ huy chiến dịch, cách Đông Khê 10 ki-lô-mét theo đường chim bay đang chìm trong chiều muông đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Tất cả đều bằng cây rừng, lá rừng chặt từ xa mang về xây dựng, đơn giản mà chắc chắn, ẩn dưới tán rừng mà thoáng đãng.

        Gần đến trước cửa, đồng chí liên lạc bảo tôi và anh Hiển: các anh đứng ngoài này chờ để tôi vào báo cáo.

        Lúc này trời đã nhá nhem tối. Không đầy một phút, tôi được lệnh vào. Hình như thượng cấp đã có chương trình nghe chúng tôi báo cáo.

        Bước vào cửa phòng tôi thấy có hai ba người ngồi trên một cái giường tự tạo bằng cây rừng, giữa là cây đèn dầu vặn nhỏ.

        Bước thêm ba bước tôi sửng sốt chững lại. Tôi nhận ra ngay người ngồi giữa là Bác Hồ. Tôi đang hồi hộp lúng túng, chưa kịp chào thì Bác đã thân mật hỏi như đã biết chúng tôi từ trước:

        - Chú là Hoàng Cầm và Tạ Đình Hiển của tiểu đoàn 130 đến báo cáo Bác phải không? - Rồi Bác nói tiếp - Các chú ngồi luôn đây uống chén nước cho ấm bụng đã.

        Vừa nói Bác vừa đưa chén nước mới rót cho chúng tôi. Tôi cảm động và ấp úng:

        - Dạ, thưa Bác.

        Ngọn đèn dầu vặn to, tôi nhìn rõ Bác hơn. Bác mặc bộ quần áo Vệ quốc đoàn màu cỏ úa, dáng rắn khỏe, mặc dầu so với ngày 2-9-1945 ngày Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ở vườn hoa Ba Đình thì giờ đây Bác già hơn, tóc thưa và bạc nhiều.

        Ngày ấy, trung đội tự vệ Thành chúng tôi được tham gia bảo vệ cuộc mít tinh, đứng ngay dưới chân kỳ đài, được nhìn rõ Bác, nhưng vì nhiệm vụ nên không dám ngắm kỹ Bác như lần này.

        Giờ đây tôi vinh dự đang được ngồi đối diện với Bác trong căn lán dã chiến đơn sơ giữa nơi rừng sâu mà thấy ấm cúng, như con ngồi bên cha để báo cáo với Bác.

        Sau khi hỏi sức khỏe, hỏi quê hương, gia đình, Bác bảo thời gian lúc này rất quý, Bác cháu ta tranh thủ làm việc để các chú còn về cùng đơn vị lo chuẩn bị tiếp.

        Tôi bắt đầu báo cáo những điều đã chuẩn bị theo điện hướng dẫn của trung đoàn. Bác nghe tôi báo cáo, tỏ vẻ hài lòng về quyết tâm chiến đấu của tiểu đoàn. Bác hỏi:

        - Số quân của tiểu đoàn chú hiện có bao nhiêu chiến sĩ mới, bao nhiêu chiến sĩ cũ?

        - Thưa Bác, hai phần ba là chiến sĩ mới.

        - Cán bộ có đủ không?

        - Dạ! Đủ ạ!

        - Chú có tin trận này ta nhất định thắng không?

        - Báo cáo Bác, tin ạ!

        Bác lại hỏi:

        - Chú Hiển có nói gì nữa không?

        - Thưa Bác chúng cháu đã thống nhất để anh Hoàng Cầm báo cáo.

-------------
        1. Trung đoàn 209 lập công xuất sắc trong các trận đành địch trên sông Lô khi chúng tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 03:40:53 am »


        Đêm tĩnh mịch. Tiếng của Bác vừa đủ nghe, giọng đầm ấm tình cha con. Còn tôi ngồi yên lặng, nghiêm túc lắng nghe, lòng tin về trận thắng cứ dâng đầy. Bác nói tầm quan trọng của chiến dịch nay đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta; Bác phán tích cặn kẽ mà ngắn gọn thế địch, thế ta trong chiến dịch; Bác giải thích vì sao ta không lấy Cao Bằng làm hướng tiến công chủ yếu, mà lại chọn Đông Khê; Bác nhấn mạnh bí mật và nghi binh là rất quan trọng trong quân sự.

        Kể lại dòng hồi ức này cách đây đã 41 năm, nhiều chi tiết không sao nhớ hết, nhưng nhờ độ lùi của thời gian đã giúp tôi hiểu biết, cảm thụ sâu sắc tư tưởng quân sự của Bác kính yêu, cùng những sự kiện lịch sử cứ sáng chói mãi theo năm tháng, gắn quyện hình ảnh Bác với mảnh đất Cao Bằng. Ở đây năm 1941, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó, vạch phương hướng tổng thể chỉ đạo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

        Ở đây tháng 7 năm 1944, Bác đã kịp thời đình hoãn chủ trương phát động vũ trang khởi nghĩa chưa đúng thời cơ của Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, bằng những nhận xét cụ thể mà khái quát nêu bước đi đúng cho một thời kỳ. Bác bảo bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa đến. Bác nhấn mạnh ngay cả điều kiện quân sự cho khởi nghĩa cũng chưa đủ, vì Ban lãnh đạo Khởi nghĩa chưa tuân theo "nguyên tắc tập trung lực lượng: cán bộ, vũ khí phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt".

        Về chỉ đạo chiến lược, quyết định khởi nghĩa, Bác chú ý đến Thời cơ, đến các điều kiện cụ thể của khởi nghĩa.

        Còn với chiến tranh giải phóng đất nước, Bác là người lãnh đạo tối cao nhưng luôn luôn theo sát các chiến dịch. Lần này Bác trực tiếp ra mặt trận, quan tâm đến mọi vấn đề của chiến dịch, nêu lên cả nguyên tắc quân sự để bảo đảm cho trận đánh thắng lợi.

        Những vấn đề Bác nói rất giản dị mà sâu sắc.

        Sau khi nghe tôi báo cáo kế hoạch tiến công Đông Khê từ hướng đông - nam của tiểu đoàn 130, Bác nhắc thêm:

        - Lần đầu tiến công cụm cứ điểm1 có quân đông, có lô cốt hầm ngầm kiên cố, các chú có quyết tâm cao như thế là tốt, nhưng chưa đủ. Muốn tiêu diệt địch, các chú phải có biện pháp đánh bại các thủ đoạn của chúng; phải có cách phá hàng rào thép gai, bãi mìn, đánh sập lô cốt. Khi chiến đấu phải thực hiện tốt việc đoàn kết hiệp đồng trong nội bộ đơn vị, với đơn vị bạn và nhân dân. Bác hoan nghênh tinh thần sẵn sàng chiến đấu, ý chí quyết chiến, quyết thắng của các chú. Nhờ chú chuyển lời chúc sức khỏe của Bác đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Bác chúc các chú thắng lợi!

        Trên đường trở về đơn vị, tôi cảm thấy lòng lâng lâng, vui sướng. Được gặp Bác, được nghe lời chỉ bảo ân cần của Bác là một hạnh phúc lớn, điều mà tôi không dám nghĩ tới nhưng nay là sự thật, rất giản dị mà sâu lắng.

        Về đến đơn vị tôi cho họp cán bộ để bàn kế hoạch triển khai thực hiện làm theo lời Bác. Cuộc họp chưa bắt đầu, anh em đã nóng lòng muốn nghe tôi thuật chuyện về chuyến đi gặp Bác như đã dự kiến trên đường trở về. Trước hết tôi kể về sức khỏe của Bác, những ý kiến của Bác giải thích về tầm quan trọng của chiến dịch. Bác bảo ta nổ súng đánh Đông Khê trước là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu nhưng lại là vị trí rất quan trọng trên tuyến phòng thủ đường số 4 từ Lạng Sơn đi Cao Bằng. Mất Đông Khê khi ấy địch có thể sẽ giành lại Đông Khê đề giữ Cao Bằng hoặc phải đánh lên để đón quân Cao Bằng rút lui Ta nhân lúc đó nhử thú dữ vào tròng mà khép vòng lưới thép. Quân viện của địch đã tan thì ta đánh Cao Bằng không phải là việc khó nữa, nếu chúng rút khỏi Cao Bằng thì đánh càng thuận lợi hơn.

        Dư âm phấn khởi được Bác tiếp sức vẫn nóng bỏng trong tôi, khiến tôi thấy mình lúc này rất minh mẫn trong khi kể lại lời Bác dạy.

        Cuối cùng tôi hạ thấp giọng và nói chậm hơn:

        - Bác bảo rằng theo sự phân công của Trung ương Đảng, Bác lần này đi sát mặt trận để giúp đỡ Bộ chỉ huy chiến dịch. Các chú cùng Bác tham gia chiến dịch này, ai nấy cần cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình.

        Không khí cuộc họp trở nên trang nghiêm và xúc động khi nghe tôi nhắc lại lời nói thân tình, gần gũi của Bác, không chỉ riêng cho tiểu đoàn 180 chúng tôi mà còn cả với toàn thể cán bộ, chiến sĩ có mặt trên trận tuyến biên giới lúc đó.

---------------
        2. Sau khi bị trung đoàn 174 tiến công tháng 5 năm 1950, Đông Khê từ một cứ điểm địch củng cố thành cụm cứ điểm mạnh, gồm hai điểm tựa lớn, bảy vị trí vành ngoài, có hầm ngầm cố thủ, lực lượng có hai đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn Lê dương số 3, một trung đội lưu động, một phân đội pháo 105 ly hai khẩu, quân s6 350 tên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 03:41:46 am »


        Đây là trận đầu tiên đơn vị tiến công vào một cứ điểm kiên cố nhưng chúng tôi cảm thấy bình tĩnh, phấn khởi, tự tin. Lúc này các đơn vị đang ở ngay sát nách cứ điểm Đông Khê, để chờ lệnh nổ súng, vậy mà quân địch vẫn không hay rằng hướng tiến công của quân ta sắp tới là đâu: Đông Bắc, Tây Bắc hay là đồng bằng Bắc Bộ. Nghệ thuật nghi binh lừa địch do Bác chỉ đạo thật tài tình.

        Ngày 12 tháng 9, theo lệnh của Bác, ta nổ súng đánh địch tại Pa Kha (Lao Cai), thì địch càng tin vào sự phán đoán của chúng là đúng: Hướng tiến công của Việt Minh trong Thu - Đông này là Tây Bắc.

        Bộ chỉ huy Pháp ký "Lệnh đặc biệt" hoàn thành đánh chiếm thị xã Thái Nguyên" vào đầu tháng 10, để hạn chậm nhất 15 tháng 10 phải rút xong các đơn vị quân Pháp đồn trú tại Cao Bằng.

        Thế nghĩa là địch không thấy nguy cơ Đông Khê sắp bị rơi vào tay đối phương, do đó Thất Khê, Lạng Sơn bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập, có muốn rút cũng không được. Chúng vẫn xúc tiến tham vọng đánh chiếm Thái Nguyên, để sau đó từ hai hướng bắc (Biên Giới), nam (Thái Nguyên) ép ta, dồn chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta vào một cái túi để cất vó, mau chóng kết thúc chiến tranh (!).

        Bác vĩ đại của chúng ta hiểu rõ "nước cờ trên đây của kẻ địch chỉ là ảo vọng, nên từ trung tuần tháng 9, Người tạm dời nơi làm việc ở một khu căn cứ Tây Bắc Thái Nguyên lên biên giới Khi mà Các-păng-chi-ê, tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đang tất tả như con thoi hết Sài Gòn lại ra Hà Nội, cưỡi máy bay lên Lạng Sơn lệnh cho viên đại tá Công- xtăng chỉ huy quân đội Pháp ở Liên khu biên giới Đông Bắc gấp rút thực thi "lệnh đặc biệt" nói trên, thì Bác đã rất ung dung thư thái "chống gậy lên non xem trận địa", đang cài thế.

        Sáu giờ sáng ngày 16 tháng 9 (trùng hợp với ngày Bộ chỉ huy quân đội Pháp thực hiện kế hoạch đánh chiếm thị xã Thái Nguyên để hỗ trợ cho quân pháp rút khỏi Cao Bằng), đạn pháo ta theo lệnh Bác đã nổ vang tại cứ điểm Đông Khê.

        Trận đánh quyết định mở màn chiến dịch bắt đầu.

        Cuộc chiến đấu diễn ra liên tục suốt một ngày và một đêm, mãi 10 giờ sáng ngày 17 chúng tôi mới chiếm được các đồn ngoại vi của cụm cứ điểm Đông Khê.

        Ở hướng đông bắc, trung đoàn 174 chiến đấu cực kỳ dũng cảm, gương La Văn Cầu, chiến sĩ đánh bộc phá không do dự nhờ đồng đội chặt cánh tay bị thương để khỏi bị vướng, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Nhưng ở hướng đó đang gặp khó khăn, địch từ hầm cố thủ dồn lực lượng tổ chức phản kích đánh bật ta ra ngoài cứ điểm.

        Ở hướng tiểu đoàn 130 chúng tôi, cả ngày 17 địch cũng liên tục phản kích hòng chiếm lại khu vực đã mất, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Nhưng ta vẫn chiếm giữ toàn bộ khu Phủ Thiện, tạo thế áp sát vào đồn chính từ hướng đông nam.

        Gặp tôi, Trần Cừ hậm hực:

        - Thế này là không ổn! Ta bị địch phản kích là do hướng bắc chưa đánh tốt. Hiệp đồng kiểu này thì nguy đấy!

        Đúng là nếu đêm qua trung đoàn 174 hoàn thành nhiệm vụ chắc chắn không có chuyện địch phản kích ngày hôm nay. Nhưng chiến đấu là một cuộc đọ sức quyết liệt, đâu phải dễ dàng, trơn tru như ta dự kiến. Địch cũng có phản ứng chứ, càng quyết liệt khi chúng bị dồn vào bước đường cùng. Ta không dự kiến hoặc dự kiến không hết là thuộc về khuyết điểm hoặc năng lực có hạn.

        Tôi hoàn toàn thông cảm với tâm trạng của đại đội trưởng đại đội làm nhiệm vụ chủ công. Đơn vị của Trần Cừ bị thương vong nhiều do bị địch phản kích quyết liệt. Nhưng tôì vẫn nghiêm khắc:

        - Chúng ta phải quyết tâm thực hiện lời Bác dạy. Đơn vị bạn cũng khó khăn chứ đâu riêng chỉ có đơn vị mình. Chính mình phải nổ lực hơn nữa mới thực hiện được đoàn kết hiệp đồng hỗ trợ cho đơn vị bạn.

        Nhắc đến lời Bác, Trần Cừ hối hận, đầu hơi cúi xuống.

        Sau khi thông báo với Trần Cừ về diễn biến chung, tôi nói thêm:

        - Bác vẫn theo dõi trận đánh và chỉ thị cho chúng ta, dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục, đánh cho kỳ thắng trận đầu.

        Như có cái gì đó gần gũi mà thiêng liêng, sau khi nghe tôi nói những điều Bác căn dặn, Trần Cừ đứng thẳng người, với gương mặt phấn chấn, kiên quyết, tự tin, anh báo cáo:

        - Dù khó khăn đến mấy, đại đội tôi hứa kiên quyết thực hiện.

        Tôi siết chặt tay Trần Cừ và chúc đại đội hoàn thành xuất sắc đợt hai trận đánh.

        Cả tôi và Trần Cừ đứng giữa cảnh đổ nát của trận địa sau một đêm đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, không ai nói thêm điều gì nhưng lại có chung một điều suy nghĩ: Dù bất cứ tình thế nào cũng phải kiên quyết vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ Bác giao.

        Chỉ thị của Bác thật hết sức súc tích, trở thành tư tưởng chỉ đạo trận đánh đêm nay của chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 03:42:21 am »


        17 giờ ngày 17 tháng 9, chúng tôi nổ súng bắt đầu đợt hai của trận đánh quyết định, tiêu diệt cái cứ điểm kiên cố còn lại của cụm cứ điểm Đông Khê.

        Cuộc chiến đấu diễn ra đúng như dự đoán, quyết liệt suốt đêm 17 cho đến 10 giờ sáng ngày 18-9-1950.

        Nhưng chúng tôi đã nghiêm chỉnh thực hiện đúng chỉ thị của Bác - thắng cho kỳ được trận đầu. Cụm cứ điểm Đông Khê đã hoàn toàn bị tiêu diệt, "cái bậc thang" trên tuyến đường số 4 Lạng Sơn đi Cao Bằng của địch đã bị đánh gẫy.

        Đại đội 866 mũi chủ công của tiểu đoàn 180 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Nhưng Trần Cừ người chỉ huy mưu trí, dũng cảm của đại đội không còn nữa!

        Tôi vô cùng xúc động khi nhận được tin này. Không quản mệt nhọc, nguy hiểm, tôi đến ngay nơi Trần Cừ vừa ngã xuống.

        Trần Cừ vẫn còn đó, trong tư thế áp mình vào lỗ châu mai, hai tay dang rộng, mười ngón xòe ra bám vào vách đứng của cái lô cốt thấp mà to ngang, "da dẻ" xù xì xám mốc. Gương mặt anh vẫn hiện lên đường nét quen thuộc cởi mở, lạc quan và kiên nghị.

        Đứng trước thi hài Trần Cừ, tôi bật lên tiếng khóc thật to.

        Không phải chỉ mình tôi mà cả ban chỉ huy tiểu đoàn, tất cả cán bộ, chiến sĩ còn lại của đại đội 336 đều khóc. Khóc vì tiếc thương một đồng chí giàu tình nhân ái, khiêm nhường, một đại đội trường sung sức, chiến đấu dũng cảm, thông minh, quyết đoán.

        Tôi nhớ mãi câu nói cuối cùng của Trần Cừ: "Đại đội tôi hứa kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ đêm nay, dù có gặp bất kỳ khó khăn nào".

        Anh hứa và anh đã làm. Không hoa mỹ, sáo rỗng. Đã nói là làm, đã làm là phải thành công, dù phải xả thân.

        Tuy không được gặp Bác, nhưng được tin Bác đi chiến dịch, Bác trực tiếp đến gần theo dõi trận đánh Đông Khê, Trần Cừ lúc nào cũng nhắc tới Bác với một niềm tự hào: Bác là chỉ huy danh dự của tiểu đoàn ta. Tinh thần quyết chiến quyết thắn của Trần Cừ thể hiện tư tưởng "chỉ cho đánh thắng" của Bác.

        Tôi được số anh em cán bộ, chiến sĩ còn sống trong trận đánh này kể lại khi chiến dịch kết thúc. Trần Cừ đã chỉ huy đại đội vượt qua bức tường đá cao dày như bức tường Thành Cổ, tiếp đó là hàng rào kẽm gai và bãi mìn, tiếp sát vào lô cốt thuộc khu đồn chính thì trời tảng sáng, lại bị hoả lực từ trong hầm ngầm, lô cốt cố thủ bắn cản lại, anh em bị thương một số. Mũi tiến công bị chững lại. Lúc này anh bị thương vào chân, nhưng cố nén chịu tiếp tục chỉ huy đơn vị tiến lên mục tiêu cần đánh phá; cố tiếp cận lô cốt trước mặt - nơi các họng súng của địch từ các lỗ châu mai đang bắn ra dữ dội. Ném nốt quả lựu đạn cuối cùng vào lỗ châu mai, đồng thời Trần Cừ đứng thắng người, áp cả thân mình vào lỗ châu mai, bịt hoả điểm địch, bắt chúng câm họng chỉ trong vài giây cho bộ đội xung phong đánh chiếm.

        Trần Cừ chủ động chấp nhận hy sinh, dùng thân mình cản hoả lực địch, tạo thuận lợi cho toàn đơn vị tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, góp phần cùng đơn vị bạn hoàn thành giành thắng lợi trận đánh quyết định của chiến dịch.

        Bước phát triển của chiến dịch diễn ra đúng như Bác dự đoán, mất Đông Khê buộc địch phải cho quân đi ứng cứu lẫn nhau, tạo cơ hội cho ta tiêu diệt chúng trong vận động, như tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Bác - là "nhử thú dữ vào tròng" để "khép vòng lưới thép" tiêu diệt chúng. Mất Đông Khê, binh đoàn Lơ-pa-giơ buộc phải làm ứng cứu bị ta tiêu diệt ở Nà Cạo cao điểm 477 trên đoạn đèo Bông Lau. Mất Đông Khê, binh đoàn Sắc-tông buộc phải rút khỏi Cao Bằng, bị ta tiêu diệt ở Cốc Xá gần điểm cao 477.

        Hai binh đoàn thiện chiến của địch bị tiêu diệt, thị xã Lạng Sơn bị uy hiếp.

        Chỉ một trận Đông Khê, làm rung chuyển toàn bộ tuyến phòng thủ biên giới của địch, buộc chúng phải bỏ thị xã Lạng Sơn, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu, Chũ, Lục Nam, con đường số 4 từ Cao Bằng đến sát Tiên Yên, con đường 13 từ Lục Nam - Chũ qua An Châu đến Đình Lập sạch bóng thù, nhân dân được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của quân xâm lược.

        Chiến dịch Biên Giới toàn thắng.

        Trong phạm vi hồi ức, tôi thấy không cần thiết bình giá về ý nghĩa chiến thắng lịch sử này cũng như sự chỉ đạo sáng suốt, tài giỏi của Trung ương Đảng, Tổng Quân uỷ và trực tiếp là Bộ chỉ huy chiến dịch. Vả lại các vấn đề này sách báo đã đề cập.

        Là cán bộ chỉ huy, lần đầu được vinh dự tiếp nhận ánh sáng tư tưởng quân sự của Bác, nhưng không phải ngay từ đầu tôi đã thấy hết được tư tưởng sâu sắc của Người, mà phải có thời gian, thông qua thực tiễn chiến đấu. Với tôi, trước bất kỳ trận chiến đấu nào, chiến dịch nào kỷ niếm gặp Bác trước trận đánh quyết định vẫn hiện về. Và những lúc như thế, lời dạy của Bác trong chiến dịch Biên Giới luôn luôn là chỗ dựa để tôi suy nghĩ, nghiền ngẫm, vận dụng.

        Kỷ niệm gặp Bác trước trận đánh quyết định trở thành ký ức không bao giờ quên, là điểm khởi đầu của dòng hồi ức của tôi về Bác, để rồi chính những hồi ức đó lại nhắc nhở tôi, soi sáng trong nếp nghĩ của tôi đi vào các trận chiến đấu, các chiến dịch Trung Du, Tây Bắc, Điện Biên phủ, Đồng Xoài, Phước Long. cho đến ngày 30-4-1975 tôi cùng đồng đội tiến vào Sài Gòn, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 03:55:24 am »

        
Chương 5

        Chúng tôi lại tiếp tục trên đường ra trận. Nhưng lần này là con đường rẽ ngoặt dẫn tới trận "Quyết chiến chiến lược - Điện Biên Phủ".

        Trong những ngày nô nức hành quân lên Tây Bắc, chúng tôi lại được đón nhận thư Bác:

        "Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.

        Thu đông này các chú lại có thêm nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén".

        Bác lại nhắc "Cần phải giữ quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi". Chưa có thì cần phải xây dựng quyết tâm, có rồi thì "phải giữ vững". Quyết tâm không bao giờ thừa đối với một trận chiến đấu, một chiến dịch nào.

        Phải đến chiến dịch này tôi mới nhận biết thêm tư tưởng quyết tâm của Bác mang tính nguyên tắc cao trong quân đội, chứa đựng nội dung chỉ đạo cụ thể; đồng thời là cơ sở để ngườị chỉ huy có thêm sáng suốt, bản lĩnh, xử trí kịp thời, hợp lý các tình huống chiến đấu đặt ra.

        Quyết tâm trong tư tưởng quân sự của Bác thực sự khích lệ chúng tôi trong suốt quá trình chiến dịch.

        Hạ tuần tháng 12 năm 1953 từ một địa điểm giấu quân ở khu rừng thuộc tỉnh Yên Bái, Trung đoàn 209 nằm trong đội hình Đại đoàn 312 theo đường tắt hành quân liên tục suốt mấy đêm liền mới ra tới ngã ba Thượng Bằng La - con đường năm xưa đã dẫn chúng tôi đi vào chiến dịch Tây Bắc. Vừa đặt chân lên mặt đường, bắt gặp ngay cảnh "ngựa xe như nước" của các đoàn dân công, của các đơn vị hậu cần nườm nượp theo hướng tây mà tiến tới.

        Khi hành quân qua Nà Sản thì nỗi hận trong tôi lại trỗi dậy.

        Nà Sản nằm trên đường 41, cách thị xã Sơn La 20 ki-lô-mét về phía tây nam. Trong chiến dịch Tây Bắc Thu-Đông năm 1952 bị ta tiến công tiêu diệt hàng loạt vị trí, số quân sống sót phải rút chạy, được bộ chỉ huy Pháp tập hợp về đây xây dựng thành tập đoàn cứ điểm lớn gồm 21 đồn bót, điểm tựa với lực lượng hơn tám tiểu đoàn bố trí theo từng hàng lớp để đối phó với ta. Tập đoàn này được mệnh danh "pháo luỹ" Nà Sản, "Công trình Nà Sản - con đê ngăn sóng" một hình thức phòng thủ mới để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta1.

        Cùng với Trung đoàn 102 (đại đoàn 308) đánh Pú Hồng (đêm 30-11) Trung đoàn 174 (đại đoàn 316) đánh Nà Sỉ (đêm 11-12), Trung đoàn 209 được giao nhiệm vụ diệt Bản Vây. Nhưng chúng tôi chẳng những không thắng mà còn bị thương vong khá nặng, chỉ vì chúng tôi chưa hiểu đầy đủ thủ đoạn chiến thuật mới của địch, không tính hết sự phối hợp hoả lực giữa các cứ điểm trong cụm cứ điểm. Khi đơn vị bắt đầu nổ súng, phá xong hàng rào xung phong lên, thì các vị trí khác của địch dồn hết hoả lực tập trung bắn tới. Lực lượng xung kích của trung đoàn xông lên mấy lần đều bị hất lại. Cuối cùng phải rút. Đêm hôm đó, trời rét, trăng lại sáng, chúng tôi rút ra đến đâu địch bắn đuổi theo đến đấy. Tất cả cơ quan trung đoàn bộ phải đi làm công tác vận chuyển thương binh. Nhìn bộ đội thương vong, nghĩ đến nhiệm vụ không hoàn thành, tôi phát khóc, vì thiếu kinh nghiệm để xảy ra thiệt hại như vậy.

        Hôm nay hành quân qua Nà Sản, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác trong trận đánh Đông Khê: "Các chú muốn tiêu diệt địch thì phải có biện pháp đánh bại các thủ đoạn của chúng".

        Sự ân hận đó đã trở thành bài học trong phương pháp suy nghĩ quyết tâm, xử trí các tình huống đặt ra trong suốt thời gian tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ với cương vị trung đoàn trưởng (trung đoàn 209, đại đoàn 312) cùng với các đồng chí Trần Quân Lập chính uỷ, Thăng Bình trung đoàn phó, Chu Phương Đới tham mưu trường, Kim Mỹ chủ nhiệm chính trị.

        Trong đợt một của chìến dịch, Trung đoàn 209 chúng tôi cùng với Trung đoàn 142, sau 6 tiếng tiến công liên tục (từ 17 giờ ngày 13 tháng 3 đến 23 giờ 23 phút cùng ngày) đã san bằng cụm cứ điểm (gồm ba cứ điểm) Him Lam là trung tâm phòng ngự kiên cố vào bậc nhất của địch ở Điện Biên Phủ, cách trung tâm Mường Thanh 2,5 ki-lô-mét về phía đông-bắc. Cùng với cứ điểm Độc Lập bị diệt đêm 14 tháng 3, ta đã mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm từ phía bắc và đông-bắc, uy hiếp sân bay Mường Thanh bắt đầu từ đây. Nhân đây xin kể một vài chi tiết mà mãi sau này, nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, được đọc hồ sơ mới về Điện Biên Phủ của Mai-kơn Mắc-lia, phóng viên hãng vô tuyến truyền hình Canada CBC, mới rõ lúc ấy địch còn rất chủ quan ngạo mạn. Theo phóng viên này kể lại: "Ngày 12-3-1954, đại tá Đờ Cát-xtơ-ri (lúc này chưa được phong tướng) triệu tập các sĩ quan chỉ huy tới báo động về nguồn tin tình báo khẩn cấp: Cuộc tiến công của tướng Giáp sẽ bắt đầu vào 5 giờ chiều ngày hôm sau. Nhưng các sĩ quan cảm thấy an tâm, chờ điều sẽ xảy ra, họ đang được tiếp tế tốt, kể cả 49.000 chai rượu vang.

-------------
       1. Cuối tháng 11, địch ở Nà Sản có 8 tiểu đoàn và 8 đại đội bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại độí công binh, tổng quân số lên tới 12.000 tên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2016, 03:56:23 am »


        Cuộc đụng độ sẽ thoát ra trước hết khỏi vòng vây tinh thần vì hình như ở Hà nội bị xáo động hơn là ở đây".

        Đúng là số phận bất hạnh bao giờ cũng dành cho những kẻ ngạo mạn. Đại tá Pi-rốt chỉ huy pháo binh trong ban tham mưu của Đờ Cát đã dùng lựu đạn tự sát sau khi được biết cụm cứ điểm Him Lam bị san bằng trong trận tiến công đầu tiên của đối phương, có pháo binh yểm trợ - điều mà y khẳng định trước đó là không thể có (!).

        Sau chiến thắng Him Lam, Trung đoàn 209 bừng bừng khí thế tin tưởng, phấn khởi. Những bài học nóng hổi của trận đánh được vận dụng vào đợt hai của chiến dịch. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận tư tưởng "đánh chắc thắng" của trên, ngày đêm xẻ núi thành hào, đắp hầm xây trận địa vững chắc, tham gia kéo pháo ra rồi lại kéo pháo vào để cho pháo ta đủ sức nhả đạn vào đầu thù.

        Từ cái thế vững chắc đó, Trung đoàn 209 đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt của đợt hai chiến dịch là đánh chiếm cụm đồi Dl, D2, D3 không cho địch phản kích lấy lại, tạo được cái thế ngồi trên đầu Đờ Cát-xtơ-ri.

        Cuối tháng 4 Trung đoàn 209 được giao nhiệm vụ đánh chiếm khu vực bàn đạp mở đầu đợt tiến công thứ ba của chiến dịch.

        Khí thế của đơn vị đang có đà từ sau chiến thắng Him Lam, sau nhiều trận bẻ gãy các đợt phản kích của địch định chiếm lại cụm đồi D, nhưng chỉ huy trung đoàn chúng tôi vẫn thấy lo vì đây là những trận đánh nhằm kết thúc số phận của tập đoàn cứ điểm, kẻ địch sẽ chống trả quyết liệt.

        Đảng uỷ và ban chỉ huy trung đoàn họp bàn sôi nổi, cuối cùng đều nhất trí phải chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức chiến đấu. Tôi xuống hẳn với tiểu đoàn 154 làm nhiệm vụ chủ công để cùng anh em khẩn trương chuẩn bị, kịp thời cùng anh em bàn cách khắc phục khó khăn nảy sinh, vì thời gian lúc này đã rất khẩn trương.

        Ngày 1 tháng 5 theo kế hoạch đã được trung đoàn phê chuẩn, tiểu đoàn 154 nổ súng tiến công một trong năm điểm cao mang tên 505.

        Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đúng như dự đoán. 20 giờ 30 phút, tiểu đội đi đầu của đại đội 606 chiếm được bàn đạp cửa mở, bị hoả lực địch từ nhiều phía (kể cả pháo ở Hồng Cúm) bắn cản dữ dội; 20 giờ 45 phút trung đội đầu cầu của đại đội này thực hành xung phong. Đây là trung đội còn lại của đại đội, vì phần lớn những người lọt vào cứ điểm của địch đều mang thương tích, loại khỏi lực lượng chiến đấu.

        21 giờ 27 phút địch lại tổ chức phản kích. Phần lớn các chiến sĩ đều bị thương nặng, hoặc ù tai, hoặc điếc vì bom đạn địch.

        Chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức chiến đấu. Đại đội 606 được lệnh dừng lại củng cố rồi lại tiếp tục tiến công; đại đội 618 được trung đoàn đưa từ phía sau lên tăng viện bước vào chiến đấu.

        Cửa mở hẹp mà hoả lực địch tập trung vào đó để cản ta.

        Nhưng tất cả nhanh chóng vận động, vọt tiến, lọt được vào chiều sâu trận địa địch.

        Đến 4 giờ 20 phút, tiểu đoàn 16 diệt gọn một đại đội địch còn lại, đánh chiếm hoàn toàn điểm cao 505, kết thúc trận đánh sau nhiều đợt tiến công kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ.

        Đứng trên đỉnh cao 505, 505A mới thấy hết giá trị của các vị trí này - bằng phẳng, nằm cạnh đường 41, tiếp sau nó là hàng loạt các điểm cao khác nối nhau: 506, 507, 508, 509. chạy thẳng vào sân bay Mường Thanh và vào sở chỉ huy trung tâm Mường Thanh không còn xa nữa, mới cắt nghĩa được vì sao cái giá đắt phải trả khi ta đánh chiếm được 505. Đây là năm cứ điểm đệm yểm trợ đồng thời là những vỏ thép bảo vệ sở chỉ huy trung tâm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM