Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:29:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam  (Đọc 54466 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #180 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:57:50 am »


        Ra sức phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng hậu phương vững chắc.

        Phát triển kinh tế nhằm nâng cao từng bước đời sống nhân dân, nhưng đồng thời cũng là tạo ra cơ sở vật chất để tăng cường sức mạnh quốc phòng, tạo điều kiện ngày càng vững chắc trong việc đảm bảo hậu cần - kỹ thuật cho chiến tranh. Kinh tế càng phát triển thì càng có điều kiện xây dựng quốc phòng mạnh.

        Đương nhiên, kinh tế và quốc phòng là hai lĩnh vực khác nhau; quá trình vận động của mỗi lĩnh vực đều có những quy luật riêng của nó. Vấn đề đặt ra là phải giải quyết tốt việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng.

        Trong chiến lược phát triển kinh tế, cần xem xét kết hợp với chiến lược xây dựng và củng cố quốc phòng. Các kế hoạch kinh tế của trung ương cũng như của từng địa phương, dài hạn hay ngắn hạn cũng cần được xem xét mọi mặt, vừa đảm bảo yêu cầu kinh tế, vừa có tác dụng nâng cao tiềm lực quốc phòng. Trong xây dựng cơ cấu của nền kinh tế, bố trí chiến lược các vùng kinh tế, cũng phải kết hợp với yêu cầu xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, nhu cầu đảm bảo cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

        Mỗi cơ sở kinh tế, ngoài nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất phục vụ đời sống xã hội, cần có kế hoạch chuyển sang hoạt động phục vụ quốc phòng khi có chiến tranh.

        Kết hợp trong việc phát triển nền công nghiệp nặng của đất nước với việc xây dựng hệ thống các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng để ngày càng tăng cường các khả năng tự sản xuất đảm bảo nhu cầu trang bị thiết yếu cho lực lượng vũ trang. Đứng về mặt kinh tế, việc kết hợp với quốc phòng cũng là yêu cầu về đảm bảo an toàn, an ninh của bản thân nền kinh tế trong thời bình cũng như trong thời chiến.

        Vì vậy, có tập trung sức lực vào nhiệm vụ kinh tế, ra sức phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng mới tăng cường được tiềm lực quốc phòng, nâng cao được khả năng quốc phòng, mới xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Do đó, xây dựng kinh tế và xây dựng quốc phòng về cơ bản là thống nhất. Phải làm cho việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng và kinh tế được thực hiện cân đối, nhịp nhàng, hợp lý, tiết kiệm, làm sao cho mỗi bước phát triển của nền kinh tế đều có tác dụng nâng cao sức mạnh quốc phòng và mỗi bước phát triển của nền quốc phòng lại tăng cường khả năng xây dựng và bảo vệ kinh tế, bảo vệ đất nước. Mặt khác, để góp phần phát triển kinh tế, giảm bớt một phần đóng góp của nhân dân, quân đội phải tích cực lao động sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế với những hình thức tổ chức thích hợp.

        Lực lượng quân đội làm kinh tế nói chung và các đơn vị chuyên làm kinh tế nói riêng có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện đời sống của bộ đội, xây dựng nền kinh tế của đất nước, kết hợp kinh tế quốc phòng (như làm đường, tham gia xây dựng các công trình hiện đại với kỹ thuật tinh vi phức tạp ở những môi trường gian khổ, khó khăn, những vùng chiến lược hiểm yếu... ).

        Quân đội làm kinh tế phải phấn đấu trở thành một bộ phận tiêu biểu của lực lượng kinh tế quốc doanh.

        Phải nghiên cứu sử dụng các tiềm lực phương tiện quân sự lưỡng dụng và các xí nghiệp quốc phòng vào làm kinh tế để tự đổi mới trang bị và bảo quản duy trì vũ khí trang bị hiện có.

        Xây dựng sức mạnh toàn dân đánh giặc với lực lượng vũ trang 3 thứ quân làm nòng cốt trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân đã được chuẩn bị sẵn.

        Sức mạnh của toàn dân đánh giặc trong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc phải được thể hiện ngày càng cao ở những điểm sau: trình độ tổ chức sẵn sàng chiến đấu của toàn dân, khả năng động viên đông đảo quần chúng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu bằng mọi loại vũ khí và phương tiện, chất lượng lực lượng vũ trang, trình độ xây dựng và trình độ tác chiến ngày càng tinh nhuệ, vận dụng giỏi cách đánh, các hình thức chiến đấu có hiệu quả của các đơn vị quân đội; trình độ tổ chức chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến, khả năng động viên để khôi phục và phát triển nhanh các lực lượng vũ trang, khả năng tổ chức huy động phương tiện vật chất của các ngành kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến tranh; khả năng chiến đấu của mỗi làng xã, mỗi khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, quận, huyện, tự lực bảo vệ địa phương một cách vững chắc; khả năng tổ chức vừa đánh địch, vừa sản xuất, duy trì được mức chiến đấu liên tục dài ngày, càng đánh, càng mạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #181 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:58:30 am »


        Tóm lại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là một quá trình lâu dài và phức tạp, là nhiệm vụ của cả hệ thống chuyên chính vô sản dưới sự chỉ đạo tập trung của các cấp ủy đảng và chính quyền. Chỉ có kiên trì nắm vững quan điểm quốc phòng toàn dân mới tạo được sức mạnh tổng hợp để đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        Nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phải là lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân, là quân đội nhân dân chính quy và ngày càng hiện đại.

        Trong thời bình, do tác động tổng hợp của các yếu tố chính trị, kinh tế, đối ngoại..., do có sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và cơ sở của chiến tranh nhân dân, tình hình phát triển của đất nước, của sự nghiệp củng cố quốc phòng, đang trực tiếp đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng lực lượng vũ trang.

        Phương hướng cơ bản là “xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân phải phù hợp với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, sẵn sàng bảo vệ vững chắc thành quả của chủ nghĩa xã hội và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống”.

        Đảng ta xác định: “tạo một bước chuyển biến mạnh hơn và vững chắc hơn về chất lượng của các lực lượng vũ trang với số quân thường trực hợp lý..., chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ”.

        Điều đó có nghĩa là trong tình hình mới, lực lượng vũ trang phải được xây dựng theo hướng giảm số lượng nhưng tăng cường chất lượng và sức mạnh chiến đấu. Giảm số lượng, trước hết và chủ yếu là giảm số lượng quân đội thường trực. Về thực chất, điều đó sẽ giảm bớt một phần ngân sách của nhà nước dành cho quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho công cuộc đổi mới hiện nay.

        Song, đây không phải là giảm số lượng đơn thuần mà là giảm số lượng một cách hợp lý. Nói một cách khác là tạo nên một tương quan mới giữa số lượng và chất lượng, giữa các thứ quân, giữa quân thường trực và lực lượng dự bị, giữa quân đội chính quy và lực lượng vũ trang quần chúng, giữa các quân chủng, binh chủng... phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó cũng là tạo nên tương quan phù hợp giữa tổ chức quân sự và khả năng kinh tế cũng như nhu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới.

        Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới không chỉ tập trung xây dựng quân đội thường trực mà phải chú ý xây dựng lực lượng dự bị và xây dựng dân quân tự vệ.

        Bên cạnh đội quân thường trực gọn nhẹ, thiện chiến, phải xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu và dân quân tự vệ mạnh mới tạo nên sức mạnh chiến đấu tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân, bù đắp được việc giảm quân thường trực, bảo đảm yêu cầu bảo vệ đất nước trong điều kiện giảm mạnh quân thường trực. Do đó, cần có một phương hướng xác định mô hình tổ chức quân sự tối ưu nhằm giải quyết những co kéo giữa yêu cầu xây dựng đất nước với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tránh cách nhìn lệch lạc, chỉ thấy giảm số lượng, không thấy yêu cầu nâng cao chất lượng, chỉ thấy trước mắt mà không thấy phải xây dựng một tổ chức quân sự mạnh để bảo vệ Tổ quốc lâu dài.

        Nói gọn lại là xây dựng một quân đội thường trực vừa đủ số lượng không lớn nhưng chất lượng và hiệu lực cao, với một lực lượng hậu bị hùng hậu được quản lý chặt và huấn luyện tốt, có cơ chế động viên thích hợp để nhanh chóng mở rộng lực lượng khi có chiến tranh. Đồng thời, phải xây dựng lực lượng vũ trang địa phương một cách thích hợp, bao gồng cả bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Xây dựng bộ đội địa phương mạnh ở tuyến đầu để phòng thủ những vùng xung yếu. Tổ chức dân quân tự vệ phải rất linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng cơ sở.

        Trước tình hình và nhiệm vụ mới, mỗi thứ quân cần được nghiên cứu, xây dựng về mặt tổ chức, biên chế, trang bị cũng như phương thức hoạt động phù hợp.

        Dân quân tự vệ cần phải được củng cố và bồi dưỡng nâng cao chất lượng cả về chính trị và quân sự. Cần quan tâm và tích cực giải quyết các chính sách cụ thể về hậu phương quân đội, bảo đảm để họ yên tâm rèn luyện và sản xuất.

        Tổ chức dân quân tự vệ cần gọn, nhẹ, phù hợp với đặc điểm địa lý, dân cư và điều kiện sản xuất, trình độ tổ chức hoạt động và tác chiến, khắc phục kiểu tổ chức hình thức, không thiết thực, nặng về số lượng, phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #182 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:59:37 am »


        Bộ đội địa phương phải được xây dựng theo hướng chính quy và được tăng cường trang bị, phương tiện vũ khí ngày càng hiện đại hơn, đủ sức thực hành các hoạt động tác chiến theo quy mô vừa và nhỏ, theo phương thức tập trung và phân tán linh hoạt, có khả năng bám trụ chiến đấu dài ngày sau lưng địch.

        Bộ đội chủ lực là thành phần chủ yếu của lực lượng vũ trang, là lực lượng chủ yếu đánh những đòn quyết định trong chiến tranh, thực hiện những nhiệm vụ chiến lược, chiến dịch trên chiến trường cả nước. Bộ đội chủ lực cần được xây dưng theo hướng chính quy, ngày càng hiện đại, có số lượng hợp lý, có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, chất lượng cao.

        Cần xây dựng quân đội thường trực với các quân chủng và binh chủng thích hợp, trang bị hiện đại và tương đối hiện đại, có khả năng phản ứng kịp thời với các cuộc xung đột vũ trang bộ phận, những hình thức xâm lược hạn chế hoặc chiến tranh hạn chế, và đủ sức đối phó thắng lợi với các cuộc tiến công lớn của địch trong thời gian đầu chiến tranh quy mô lớn, đảm bảo cho đất nước chuyển sang thời chiến.

              + Lục quân phải tiến lên, có đủ những binh chủng cần thiết, có cơ cấu và quy mô tổ chức thích hợp; có hỏa lực và sức đột kích mạnh, có khả năng cơ động cao trên mọi địa hình và trong mọi thời tiết ở nước ta, phát huy đầy đủ vai trò quyết định thắng lợi trên chiến trường. Với tình hình hiện nay, yêu cầu trước mắt, ngoài các binh đoàn và bộ đội đặc công thiện chiến, cần phải có một số binh đoàn mạnh có khả năng cơ động nhanh bằng cơ giới trên các chiến trường.

              + Không quân phải được tăng cường mạnh hơn nữa với yêu cầu có số lượng thích hợp, nhưng phải có chất lượng chiến đấu cao (như có sức cơ động cao, tốc độ lớn, tầm hoạt động xa. có uy lực mạnh và khống chế được một không gian rộng), có cách đánh thật sáng tạo để bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc, có khả năng phối hợp chiến đấu chặt chẽ với hải quân và lục quân trong tác chiến hợp đồng, sẵn sàng đánh bại các cuộc đổ bộ đường không của địch. Không quân cũng cần có trang bị máy bay chiến đấu hiện đại, có khả năng vươn tới đảo xa.

        Ở địa hình rừng núi, cần có tổ chức những đơn vị máy bay lên thẳng và máy bay lên thẳng vũ trang.

              + Phòng không cần được tổ chức thích hợp với yêu cầu quản lý bầu trời tốt hơn và sẵn sàng chiến đấu cao hơn.

              + Hải quân phải được xây dựng theo phương hướng có số lượng vừa đủ, nhưng chất lượng chiến đấu phải cao; luôn có cách đánh thích hợp trên chiến trường sông biển của ta, đủ sức bảo vệ bờ biển dài (3260 km) và hệ thống sông ngòi dày đặc của Tổ quốc. Cần có một hạm đội đủ sức và cùng với các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đánh bại các cuộc tập kích đổ bộ của hải quân địch, phối hợp với không quân làm thất bại những mưu đồ đánh chiếm các đảo và quần đảo của ta.

        Hiện nay, trong việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mà nòng cốt là quân đội nhân dân, có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng nổi lên vẫn là mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, mối quan hệ giữa con người và vũ khí.

        - Về mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng: giải quyết mối quan hệ này không đúng thì quân số có thể rất đông mà không mạnh, ngược lại quân có thể mạnh mà không cần đông. Nhiều khi quân đông nhưng tổ chức không hợp lý, cồng kềnh, kém hiệu lực, kỷ luật lỏng lẻo, các điều kiện đảm bảo vật chất thiếu thốn, các mặt hoạt động của tổ chức không ăn khớp, chồng chéo lẫn nhau do yếu kém của lãnh đạo, chỉ huy, do cơ chế không thích hợp.

        Giải pháp của vấn đề này là có số lượng thích hợp nhưng chất lượng phải cao.

        Lấy chất lượng cao của ta thắng số lượng đông của địch là vấn đề chiến lược cốt tử để giải quyết mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng. Số lượng quân đội quá đông, trong tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn là một vấn đề cần phải được giải quyết. Thông thường tỷ lệ quân số so với dân số ở một số nước lớn cũng chỉ chiếm 0,5 đến 1% (như ở Mỹ, tỷ lệ đó cũng chỉ từ 0,9 - 1%; Trung Quốc cũng chỉ có 0,3%. Còn các nước ASEAN thì tỷ lệ rất thấp như In-đô-nê-xi-a dân số 160 triệu người, quân đội chỉ có 281 nghìn người, tỷ lệ là 1/517, Phi-líp-pin là 1/525 người, Thái Lan là 1/269 người, Ma-lay-xi-a là 1/140 người)1.

-------------
        1. AFP. Uacarta 25-10-1987.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #183 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 06:00:16 am »


        - Về mối quan hệ giữa con người và vũ khí.

        Không phải quân đội có trang bị hiện đại là đã mạnh. Trang bị hiện đại mới chỉ là cơ sở vật chất của chiến đấu. Quyết định trực tiếp sức mạnh chiến đấu là tổ chức, là những con người hợp thành tổ chức, cả cán bộ và chiến sĩ, mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ. Do đó, đòi hỏi cán bộ và chiến sĩ phải quản lý tốt và sử dụng thành thạo vũ khí. Không thể có tình trạng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại mà trình độ con người lại quá thấp kém, không quản lý và sử dụng được các loại trang bị vũ khí đó, nhất là đối với cán bộ chỉ huy các cấp.

        Thực trạng của ta hiện nay là nhiều vũ khí trang bị hiện đại chưa được bảo quản và sử dụng tốt nên chóng hư hỏng và uy lực của vũ khí trang bị không được phát huy tốt trong chiến đấu. Đó là những mặt yếu kém cần được khắc phục.

        Nói tóm lại là quân phải tinh, không nhất thiết phải đông (quý hồ tinh, bất quý hồ đa).

        Trong cục diện tình hình hiện nay, vấn đề cơ bản nhất của việc xây dựng lực lượng vũ trang vẫn phải là coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị tư tưởng. Nâng cao ý chí cách mạng, tinh thần cảnh giác, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội, đánh thắng chiến lược “diễn biến hòa bình” và mọi hình thức chiến tranh xâm lược của địch.

        Cần gắn chặt việc xây dựng lực lượng vũ trang với công cuộc xây dựng và củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ và vững chắc trên từng địa phương, từng chiến trường và trên cả nước, cả trên biển, đảo và quần đảo, đặc biệt trên các trọng điểm, đảm bảo cả nước làm quốc phòng, cả nước sẵn sàng chiến đấu, cả nước đánh giặc, thế trận quốc phòng an ninh vững chắc.

        Quá trình xây dựng lực lượng vũ trang đòi hỏi phải cải tiến và thực hiện tốt các chính sách đối với lực lượng vũ trang, đối với quân đội thường trực và chính sách hậu phương quân đội.

        Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với lực lượng vũ trang. Song trong tình hình mới, nhiều điểm trong các chính sách, chế độ không còn phù hợp nữa. Vì thế, hiện nay đời sống của cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và hậu phương của họ gặp nhiều khó khăn mà chưa được giải quyết. Mối quan tâm chung của xã hội đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội cần được tăng cường hơn. Trong cán bộ, chiến sĩ quân đội, nẩy sinh những tư tưởng lệch lạc và những vướng mắc trong tâm tư, ảnh hưởng không tốt đến việc nâng cao chất lượng của các lực lượng vũ trang.

        Yêu cầu quan trọng và cấp bách là “có tổ chức và chính sách đúng nhằm đào tạo và xây dựng đội ngũ sĩ quan và tướng lĩnh giỏi, đội ngũ nhân viên chuyên môn, kỹ thuật giỏi, coi đó là một khâu then chốt trong xây dựng quân đội. Cải tiến và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với quân thường trực và chính sách hậu phương quân đội”.

        Muốn vậy, phải đổi mới những nội dung của chính sách hiện hành và nghiên cứu đề ra chính sách mới phù hợp với thực tế.

        Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang và củng cố quốc phòng.

        Trong sự nghiệp phát triển khoa học và kỹ thuật phục vụ cho việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là “xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, nhân dân ta đang đứng trước sự thách thức lớn lao về trí tuệ và tư duy lý luận, về kỹ thuật và công nghệ, về khoa học quản lý, thời đại mà thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ sôi động đang được nhiều nước sử dụng như một nhân tố quyết định để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi bộ mặt của đời sống xã hội và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang.

        Các nước đang phát triển cũng không đứng ngoài trào lưu lịch sử đó. Một số nước năng động, sáng tạo đã chớp lấy thời cơ thuận lợi đó của những thập kỷ 60, 70, tranh thủ được sức mạnh của thời đại, chủ động đề ra những chính sách thích hợp để thu hút ồ ạt vốn và kỹ thuật hiện đại của nước ngoài; đề cao tự lực tự cường, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật hiện đại được chuyển giao, thích nghi và phát triển các kỹ thuật đó để hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân và đã vươn lên trở thành những nước công nghiệp mới (NIC) chỉ trong vòng có vài ba mươi năm, chứ không phải vài ba thế kỷ (Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Lông, Sing-ga-po - 4 con rồng của châu Á).

        Các nước Asean với chính sách “Hướng về phương Đông”, đang ra sức áp dụng những kinh nghiệm của Nhật Bản và Nam Triều Tiên vào điều kiện cụ thể của mỗi nước để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, tốc độ công nghiệp hóa và cũng đã đạt được những thành tích to lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #184 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 06:01:07 am »


        Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước nghiên cứu chiến lược trên thế giới thuộc nhiều trường phái khác nhau đều thống nhất dự báo rằng: đến cuối thế kỷ XX, khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực phồn vinh nhất thế giới và thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ châu Á Thái Bình Dương.

        Về mặt lịch sử cũng như về mặt địa lý, nước ta có một vị trí cực kỳ quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

        Vấn đề đặt ra cho chúng ta hiện nay là làm sao tiếp thu được những thành tựu của cách mạng công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, để nhanh chóng vượt ra khỏi tình trạng lạc hậu, đói nghèo hiện nay, phấn đấu trở thành một đất nước phồn vinh trong một khu vực phồn vinh.

        Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp cận nền khoa học thế giới, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trên cơ sở đó mà tăng cường tiềm lực quốc phòng, đưa khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang và củng cố quốc phòng.

        Ngày nay, tiềm lực khoa học đã trở thành một yếu tố cơ bản, một động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng cường sức mạnh quốc phòng. Trong lĩnh vực quân sự, khoa học cũng trở thành lực lượng chiến đấu trực tiếp; ở các nước, những thành tựu mới nhất và quan trọng nhất đều được ưu tiên vận dụng vào quân sự.

        Đối với nhiệm vụ bảo vệ đất nước, củng cố quốc phòng, nhiều bộ môn khoa học, có lẽ là những bộ môn quan trọng nhất của khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật là những cơ sở không thể thiếu được về lý luận và thực tiễn để phát triển khoa học quân sự. Đó là một ngành khoa học tổng hợp đặc thù của lĩnh vực đấu tranh cho vũ trang, có nhiệm vụ nghiên cứu những quy quật của chiến tranh và chiến tranh cách mạng trong điều kiện của đất nước ta và thời đại của chúng ta trên quan điểm chiến tranh toàn dân và quốc phòng toàn dân.

        Đi đôi với khoa học quân sự, cần phát triển đồng thời khoa học kỹ thuật quân sự. Đây là một ngành khoa học có nhiệm vụ cực kỳ phức tạp trong hoàn cảnh của một nước công nghiệp chưa phát triển, kinh tế có nhiều khó khăn, nhưng lại phải xây dựng một quân đội chính quy ngày càng hiện đại, có một sức mạnh để giành thắng lợi trong chiến tranh hiện đại.

        Trên cơ sở một chính sách kỹ thuật quân sự đúng đắn, phải xác định rõ các mục tiêu kỹ thuật cụ thể của các lực lượng vũ trang, và các biện pháp, bước đi để thực hiện các mục tiêu kỹ thuật đó.

        Cần từng bước xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của nước ta, kết hợp với sự giúp đỡ của các nước anh em để trang bị cho các lực lượng vũ trang những phương tiện kỹ thuật có hiệu quả chiến đấu cao, theo yêu cầu của chiến tranh nhân dân trong điều kiện hiện đại.

        Trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, phần lớn các trang bị kỹ thuật hiện đại đều do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa cũ cung cấp hoặc thu được của địch, nhiệm vụ quản lý kỹ thuật và đảm bảo kỹ thuật nổi lên thành nhiệm vụ rất quan trọng và rất khó khăn của các hoạt động khoa học kỹ thuật quân sự lực lượng vũ trang. Hơn thế nữa, các phương tiện kỹ thuật đó cần không ngừng được hiện đại hóa. Bởi vì, với thời gian, những phương tiện kỹ thuật đó sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu, trong khi trang bị kỹ thuật của đối phương lại được hiện đại hóa rất nhanh bằng cách áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật hiện đại.

        Có hai cách nâng cao trình độ hiện đại của trang bị kỹ thuật quân sự: hoặc là thay thế trang bị cũ bằng trang bị mới hiện đại hóa, đó là cách thường dùng của những nước có tiềm lực lớn về công nghiệp hiện đại và những nước giàu ngoại tệ như những nước xuất khẩu dầu lửa ở Trung Cận Đông; hoặc là tiến hành hiện đại hóa từng phần những trang bị kỹ thuật hiện có nhằm nâng cao những chỉ tiêu chiến thuật, kỹ thuật quan trọng nhất của trang bị. Hiện đại hóa các trang bị kỹ thuật hiện có phải được đặt thành một nhiệm vụ ngày càng quan trọng của các hoạt động khoa học kỹ thuật của chúng ta. Nhiều thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là trong các lĩnh vực vi điện tử vật liệu mới và công nghệ mới ngày càng tạo ra nhiều khả năng to lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó mà không đòi hỏi quá nhiều đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng thời phải nhìn vào đặc điểm và hình thái của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai nhằm đối phó có hiệu quả với những âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, với các quy mô và hình thái chiến tranh. Vì vậy, ngay trong thời bình, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khoa học quân sự và khoa học kỹ thuật quân sự để đề xuất các giải pháp chiến thuật, kỹ thuật có khả năng hạn chế tác dụng hoặc vô hiệu hóa các thủ đoạn chiến thuật và kỹ thuật của địch, như vấn đề chống phá chiến tranh điện tử, phá hệ thống CSIS chỉ huy, kiểm tra, thông tin, trinh sát của đối phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #185 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 06:01:27 am »


        Trong khoa học kỹ thuật quân sự, cần chú ý đến khoa học kỹ thuật hậu cần. Chuyên ngành này có nhiệm vụ vận dụng những thành tựu của khoa học dinh dưỡng, vi sinh học, công nghệ sinh học và nhiều bộ môn khoa học kỹ thuật khác để bảo đảm đời sống vật chất, trang bị kỹ thuật, giữ gìn và hồi phục sức khỏe của bộ đội trong thời bình cũng như thời chiến.

        Để làm tốt được các vấn đề nêu trên cần phải:

        Kiện toàn các tổ chức nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hoạt động khoa học và kỹ thuật trong các lực lượng vũ trang: Cần tổ chức thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao trong những cơ quan khoa học thì mới có thể thu hút được sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan khoa học và kỹ thuật của các nhà nước, mới có thể tiếp thu được một cách nhanh nhạy và sáng tạo những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật trong nước và trên thế giới, phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Các hoạt động khoa học và kỹ thuật trong quân đội phải phục vụ tốt các mục tiêu trước mắt như các yêu cầu của công tác huấn luyện bộ đội, công tác đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo hậu cần, các yêu cầu sẵn sàng chiến đấu ở các vùng biên giới, trên đất liền, và trên biển v.v... Đồng thời phải coi trọng phục vụ các mục tiêu lâu dài, đảm bảo cho các yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.

        Tăng cường công tác thông tin khoa học, nghiên cứu sâu và có hệ thống sự phát triển của địch về nhiều mặt: học thuyết quân sự, âm mưu chiến lược, tổ chức lực lượng, trang bị kỹ thuật, thủ đoạn chiến đấu v.v... Trên cơ sở đó và trên cơ sở đường lối quân sự, chiến lược quân sự, thực trạng tình hình quân đội và tình hình kinh tế nước ta, xác định đúng đắn những mục tiêu và phương hướng chủ yếu phát triển khoa học và kỹ thuật trong quân đội; nhanh chóng phát triển tiềm lực khoa học và kỹ thuật một cách tương xứng về lực lượng cán bộ cũng như về cơ sở vật chất kỹ thuật; triển khai mạnh mẽ và kiên trì các hoạt động nghiên cứu khoa học; áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong nước và trên thế giới để hiện đại hóa từng phần các trang bị kỹ thuật hiện có; nâng cao hiệu lực công tác quản lý và chỉ huy bộ đội; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu theo yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

        Kết hợp chặt chẽ các hoạt động khoa học và kỹ thuật trong và ngoài quân đội.

        Các cơ quan quản lý khoa học và nghiên cứu khoa học trong quân đội cần tích cực tham gia vào việc xây dựng dự báo về chiến lược khoa học và kỹ thuật, các kế hoạch dài hạn, các chương trình khoa học và kỹ thuật trọng điểm của nhà nước để cho nội dung các chiến lược, kế hoạch và chương trình đó thể hiện được sự kết hợp những yêu cầu phát triển kinh tế xã hội với những yêu cầu quốc phòng. Các cơ quan nghiên cứu khoa học trong quân đội cần dành một lực lượng thích đáng để tham gia thực hiện những đề tài vừa có ý nghĩa kinh tế, vừa có ý nghĩa quốc phòng trong các chương trình khoa học và kỹ thuật trọng điểm của nhà nước. Sự tham gia có thể ở những mức độ khác nhau, từ mức độ phối hợp từng mặt đến mức độ chủ trì đề tài. Các kết quả của nghiên cứu khoa học và kỹ thuật trong quân đội cần được nhanh chóng áp dụng vào thực tế để phục vụ chẳng những cho các yêu cầu của lực lượng vũ trang, mà còn cho các yêu cầu của các ngành kinh tế. Ngược lại, đối với những vấn đề khoa học và kỹ thuật đặc thù của quân đội mà cần tập hợp lực lượng rộng rãi để giải quyết, thì có thể trình bày dưới dạng các chuyên đề khoa học và kỹ thuật chung để tranh thủ sự hợp tác của các chuyên gia có liên quan của các cơ quan khoa học nhà nước, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang và củng cố quốc phòng.

        Trong tình hình của đất nước ta hiện nay, chúng ta phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, làm cho khoa học kỹ thuật thực hiện được vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #186 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 06:02:13 am »


KẾT LUẬN

        Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã biết bao phen đứng trước nguy cơ còn, mất, suy vong và cũng có nhiều thời thịnh vượng. Trong quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược bền bỉ và anh dũng, liên tục và kiên cường, dân tộc ta vẫn tồn tại, vẫn tiến lên với một sức sống phi thường. Tổ tiên ta đã biết kết hợp chặt chẽ ngay từ ngày đầu dựng nước quy luật “dựng nước gắn liền với giữ nước”, và ngày nay quy luật đã phát triển thành quy luật “xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, như Lê-nin đã từng nói: “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc”.

        Ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ dưới mái đền Hùng năm xưa: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau ra sức giữ nước”, toàn thể dân tộc ta, trong khi tập trung sức lực vào sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vẫn không ngừng chăm lo quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Điều đó đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trong báo cáo chính trị của mình, khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng, tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...”.

        Cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước, sự nghiệp quốc phòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Sức mạnh quốc phòng của ta là sức mạnh tổng hợp, tiềm lực quốc phòng của ta là tiềm lực toàn diện.

        Đường lối quân sự của Đảng ta trong giai đoạn mới, đường lối về quốc phòng toàn dân, về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đang soi sáng cho công cuộc xây dựng thắng lợi nền quốc phòng và an ninh của Tổ quốc Việt Nam độc lập thống nhất, xã hội chủ nghĩa.

        Ngày nay, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua những thử thách mới trên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, giành lấy ấm no hạnh phúc cho nhân dân, giữ vững độc lập tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM