Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 02:01:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam  (Đọc 54737 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:42:59 am »


NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÀ ĐIỀU KIỆN CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH ĐỘNG CHIẾN ĐẤU TRÊN ĐỊA HÌNH RỪNG NÚI

        Những đặc điểm thiên nhiên của địa hình rừng núi có ảnh hưởng rất nhiều đến tổ chức chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng đối địch, khác với điều kiện địa hình đồng bằng thông thường. Bất cứ một đội quân nào dù hiện đại hoặc kém hiện đại, dù sử dụng vũ khí hủy diệt lớn hay không, muốn đánh thắng đều phải tính đến những đặc điểm này.

        Địa hình rừng núi vùng nhiệt đới nói chung và đặc biệt là địa hình rừng núi nước ta mang đặc điểm là hết sức mấp mô: núi cao vách đứng, vực sâu, khe núi hẹp, rừng dày rậm rạp, nhiều suối; khí hậu thay đổi đột ngột theo độ cao, theo ngày và đêm, theo mùa, không khí ẩm thấp. Hiện nay, ở vùng rừng núi làng bản ít lại phân tán, dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển, ít đường ô tô và đường sắt, chất lượng đường xấu, đường mòn khó đi.

        Những đặc điểm địa hình trên đều có anh hưởng đến khả năng chiến đấu của ta và địch. Nổi bật nhất là:

        Trong chiến đấu tiến công, bị hạn chế trong việc sử dụng tập đoàn đột kích lớn trên một hướng, bị hạn chế về tính cơ động và tác dụng của hỏa lực bắn thẳng, khó quan sát, do đó hạn chế nhiều tác dụng của xe tăng, thiết giáp, pháo binh cơ giới, các phương tiện vận tải đường bộ,... tốc độ tiến công không thể cao như ở địa hình thông thường. Địa hình mấp mô, ít đường sá, bị núi cao chia cắt nên khi tác chiến với lực lượng lớn thì khó hiệp đồng. Trên các hướng riêng lẻ, thường dễ hở cạnh sườn, bộ đội phải sẵn sàng độc lập hoàn thành nhiệm vụ của mình, không có đơn vị bạn phối hợp. Vì vậy, việc xác định vị trí của các phân đội, trung đoàn, binh đoàn chiến thuật để nó có khả năng cơ động kịp thời, thực hiện được nhiệm vụ đã giao là hết sức quan trọng.

        Các hệ thống đường cách xa nhau, khoảng cách giữa các hướng lớn, nên các dải tiến công thường rộng hơn ở địa hình thông thường, hiệp đồng và chỉ huy khó khăn hơn, bố trí lại lực lượng lớn và cơ động lực lượng từ hướng này sang hướng khác cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khi không làm được.

        Tuy vậy, nếu lực lượng gọn nhẹ, trang bị thích hợp thì có thể lợi dụng sự kín đáo, che khuất của núi rừng để tiếp cận một cách bí mật, bất ngờ, thực hiện bao vây, vu hồi, luồn sâu chia cắt quân địch phòng ngự.

        Trong chiến đấu phòng ngự, do có địa hình mấp mô, có cây, có vật che chắn, nên bên phòng ngự có thế lợi để ngăn cản hành động tiến công của địch, lợi dụng địa hình hiểm trở, lấy ít địch nhiều, có điều kiện thuận lợi để làm công trình, vật chướng ngại. Nhưng điều không lợi cơ bản cho hoạt động phòng ngự là do dịa hình rộng, nhiều khe hở, bị che khuất, nên dễ bị đối phương chia cắt, bao vây, đánh bọc, tập kích bất ngờ, từng bộ phận (điểm tựa, cụm điểm tựa) dễ bị cô lập, cơ động lực lượng, cơ động phương tiện rất khó khăn...

        Như vậy, đặc điểm của địa hình rừng núi ảnh hưởng rất lớn đến hành động chiến đấu của bộ đội. Phải từ thực tế ấy mà nghiên cứu cách đánh, tổ chức lực lượng, trang bị và huấn luyện bộ đội cho phù hợp, phát huy những thuận lợi và hạn chế, đi đến khắc phục khó khăn của loại địa hình này. Không thể rập khuôn máy móc cách đánh và tổ chức lực lượng như khi tác chiến ở địa hình mấp mô trung bình, đồng thòi cũng không vì khó khăn của địa hình rừng núi mà không tìm cách phát huy hết sức mạnh của trang bị vũ khí hiện đại, của phương tiện cơ động các loại…

        Các lực lượng vũ trang ta, nhất là các binh đoàn chủ lực ngày nay được trang bị nhiều vũ khí và phương tiện hiện đại, cần tổ chức và thực hành chiến đấu phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước ta, nhất là khi nền công nghiệp ta còn rất kém phát triển; đường sá, bến cảng, sân bay... còn ít, và chất lượng về nhiều mặt còn thấp; khả năng bảo đảm về vật chất và kỹ thuật còn hạn chế. Ở vùng rừng núi, những hạn chế đó càng nhiều hơn. Trong những năm tới nền kinh tế nước ta đương nhiên sẽ có những chuyển biến mới, nhưng chưa chắc có thể biến đổi một cách cơ bản. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải biết phát huy những cái mạnh mới của ta do vũ khí và trang bị kỹ thuật hiện đại tạo nên, mạnh dạn sử dụng và kiên quyết khắc phục khó khăn để sử dụng những vũ khí, trang bị đó trong chiến đấu ở địa hình rừng núi. Mặt khác cần nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa tổ chức, biên chế, trang bị và cách đánh, nâng cao chất lượng tổ chức, biên chế, trang bị của bộ đội phù hợp với địa hình rừng núi, tạo nên sức đột kích, hỏa lực mạnh và sức cơ động cao hơn trong chiến dịch, chiến đấu. Đồng thời, ta cũng phải biết phát huy những cái mạnh, những sở trường vốn có của bộ đội ta trên chiến trường rừng núi, nhất là biết phát huy kinh nghiệm của bộ binh trang bị nhẹ đã từng chiến thắng rất oanh liệt quân đội Pháp và Mỹ. Quân đội Mỹ được trang bị rất hiện đại, khi vào Việt Nam cũng đã phải thay đổi cả cách tổ chức, trang bị cũng như cách đánh ở chiến trường rừng núi ở miền Nam nước ta (như sư đoàn bộ binh cơ giới phải chuyển thành các sư đoàn bộ binh, sư đoàn kỵ binh đổ bộ đường không...). Kinh nghiệm của quân đội Xô-viết tác chiến ở rừng núi cũng cho ta những điều bổ ích. Theo tư liệu của Liên Xô, quân đoàn và tập đoàn quân tác chiến ở địa hình rừng núi đều có trang bị, biên chế và cách đánh khác với các đơn vị tác chiến trên địa hình trung bình phổ biến trên chiến trường châu Âu. Quân đoàn và tập đoàn quân chiến đấu ở rừng núi trong biên chế đều có sư đoàn trang bị nhẹ, có các phương tiện, vũ khí phù hợp với địa hình rừng núi, và về cách đánh, cũng rất coi trọng kết hợp sức mạnh đột kích từ chính diện của lực lượng mạnh, trang bị nhiều xe tăng, thiết giáp, bộ binh cơ giới hóa với bộ đội trang bị nhẹ, quân đổ bộ đường không, thực hiện bao vây, vu hồi, lợi dụng các đường hẻm, bí mật, bất ngờ tiến công ngay vào phía sau quân địch.

        Việc chuẩn bị cho quân và dân ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là chuẩn bị cho bộ đội để đánh thắng quân xâm lược trên vùng địa hình rừng núi, ở biên giới, có rất nhiều vấn đề mới và vô cùng phức tạp. Chúng ta cần phát huy và phát triển những kinh nghiệm phong phú đã có của ta, học tập một cách sáng tạo kinh nghiệm của các nước để nghiên cứu góp phần giải quyết tốt những vấn đề đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:44:36 am »


CHIẾN ĐẤU TRÊN ĐỊA HÌNH RỪNG NÚI

        Kinh nghiệm các cuộc chiến tranh đã qua cho thấy, chiến đấu trên địa hình rừng núi thường phải tuân theo một số nguyên tắc có tính quy luật sau đây.

        Trong tiến công:

        Tiến công ở địa hình rừng núi thường phải đặc biệt coi trọng hành động luồn sâu, bao vây, vu hồi kết hợp với đột phá chính diện hệ thống phòng ngự của đối phương.

        Việc đột phá thọc sâu thường phải tiến hành dọc theo các thung lũng và các đường, đặc biệt phải dựa theo đường ô tô mới có thể sử dụng được đầy đủ ưu thế về trang bị kỹ thuật hiện đại, xe tăng, cơ giới. Cần phải tạo điều kiện để phát huy hết chỗ mạnh của trang bị kỹ thuật hiện đại. Đột phá thành công là điều kiện quyết định để đưa lực lượng lớn, cơ động mạnh với hỏa lực mạnh tiến hành thọc sâu, đập tan hệ thống phòng ngự chủ yếu của đối phương để nhanh chóng tiêu diệt chúng, hoàn thành nhiệm vụ tiến công. 

        Tuy vậy, đột phá chính diện sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tình hình binh khí kỹ thuật của bên tiến công còn ở mức độ nhất định, các quân chủng khác như không quân chưa đủ sức làm chủ vùng trời trong một thời gian dài; khả năng cơ động, sử dụng cơ giới bị hạn chế nhiều do mạng đường sá xuống cấp nghiêm trọng, địa hình phức tạp; đối phương lại có quân đông, tổ chức phòng thủ có chiều sâu, gồm nhiều thê đội.

        Do đó, bên tiến công không thể chỉ tiến hành đột phá, tiến công chính diện. Phải biết lợi dụng địa hình rừng núi, những đường mòn, rừng rậm kín đáo, lợi dụng việc bên phòng ngự tổ chức phòng thủ theo hệ thống điểm tựa, khống chế những điểm quan trọng, thường dễ lộ cạnh sườn, hở khoảng trống, để bí mật, bất ngờ dùng lực lượng nhẹ bao vây vu hồi, luồn sâu phía sau đối phương, kết hợp với tiến công chính diện, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng phòng ngự của đối phương. Những ý kiến của Ph. Ăng-ghen về chiến tranh ở miền núi đến nay vẫn còn ý nghĩa hiện thực: “Chính cái khả năng giản đơn có thể đi vòng quân thù đó đang bù trừ lại một cách thừa thãi sức mạnh của các vị trí phòng thủ mà việc đánh chính diện thường là một sự điên rồ hoàn toàn”1.

        Do đó, nếu bên tiến công chỉ đột phá chính diện, đánh những điểm tựa mà bên phòng ngự đã lợi dụng địa hình để cố thủ, thì sẽ vấp phải sự chống cự mạnh mẽ, việc phát triển tiến công sẽ chậm chạp, thương vong sẽ tăng lên, và có khi bị địch phản kích đánh bại. Nếu khéo tiến hành bao vây, vu hồi, thì chỉ cần một lực lượng nhỏ tiến đánh cạnh sườn và sau lưng bên phòng ngự, thì cũng gây được tác động rất lớn.

        Việc bao vây, vu hồi, luồn sâu không phải chỉ có thể tiến hành rộng rãi ở cấp chiến thuật, với các phân đội nhỏ đánh vào sườn vào sau lưng các điểm tựa mạnh và các ổ đề kháng của bên phòng ngự, nhằm chia cắt chúng, mà còn có thể tiến hành ở cấp chiến dịch, với các binh đoàn bộ binh nhẹ, các đơn vị tinh nhuệ, đánh vào trận địa pháo, sở chỉ huy, các căn cứ hậu cần của đối phương, cắt đường tiếp tế, phá kho tàng, chặn tiếp viện từ tuyến sau của bên phòng ngự.

        Khi tiến công ở rừng núi, đổ bộ đường không có vai trò rất quan trọng. Kết hợp chặt chẽ với đột phá chính diện, nó làrn tăng tốc độ tiến công, đặc biệt khi có điều kiện thuận lợi nó có thể giữ lâu được các vị trí đã chiếm ở sau lưng đối phương. Việc đổ bộ đường không vào những chiều sâu khác nhau của bên phòng ngự có thể chia cắt các lực lượng cơ bản của bên phòng ngự, chiếm các mục tiêu quan trọng ở tung thâm, kiềm chế bên phòng ngự cơ động lực lượng từ các phía, làm rối loạn việc chỉ huy và công tác hậu phương của chúng.

        Trong tiến công ở địa hình rừng núi, các hình thức chiến thuật mà ta đã có kinh nghiệm và sở trường đều có thể được vận dụng linh hoạt và phát triển thêm: như tiến công địch phòng ngự vững chắc; tiến công địch đang vận động dã ngoại; phục kích, tập kích địch đang vận động; bao vây, tiến công liên tục, v.v...

--------------
        1. Ph. Ăng-ghen, Chiến tranh ở miền núi trước kia và hiện nay, trích cuốn “Bàn về chiến tranh nhân dân”, Nhà xuất bản Sự thật. Hà Nội, 1970, trang 107, 108.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:45:05 am »

         
        Trong phòng ngự:

        Phòng ngự ở địa hình rừng núi, do sự chi phối của địa hình, thường được tổ chức theo hướng, theo đường, nhằm giữ vững các đường giao thông quan trọng, các điểm cao khống chế, đèo, ải, đầu mối giao thông bằng các điểm tựa, cụm điểm tựa, có công sự vững chắc, có đường hầm kiên cố. Ở các trung tâm đô thị, có thể tổ chức các khu vực phòng ngự của các đơn vị lớn với hệ thống trận địa gồm công sự dã chiến kết hợp với các điểm tựa kiên cố, các pháo đài, chiến lũy xây dựng lâu bền. Trong điều kiện địa hình của ta, tổ chức phòng ngự ở vùng núi phải là hệ thống trận địa phòng ngự nhiều tầng, có chiều sâu. Ngoài việc tổ chức các điểm tựa và hệ thống cụm điểm tựa vững mạnh, chống bộ binh, chống tăng, chống pháo, chống không quân và chống vũ khí hóa học của địch (như ở các loại địa hình thông thường), còn phải đặc biệt coi trọng việc bảo vệ cạnh sườn, phía sau, chống mọi hành động bao vây, luồn sâu, vu hồi của bên tiến công. Lực lượng phòng ngự phải phát huy được sức mạnh của chiến tranh nhân dân, kết hợp bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ.

        Hành động phòng ngự cơ bản có thể là: dựa vào các trận địa đã được chuẩn bị, dùng hỏa lực tại chỗ ngăn chặn, tiêu hao đối phương tiến công, đồng thời tích cực phản kích, phản đột kích vào sườn và phía sau quân địch bằng nhiều phương pháp và hình thức tác chiến khác nhau; dựa vào các căn cứ chiến đấu để xây dựng, các lực lượng chủ lực bộ binh, pháo binh, công binh, không quân, đặc công, và lực lượng vũ trang địa phương để phát triển nhiều hình thức tiến công như đánh hậu cứ, giao thông, đánh vào các sân bay, căn cứ hỏa lực các sở chỉ huy của đối phương... Cần xây dựng các bản, làng, xã chiến đấu, công trường, nông trường chiến đấu, các cụm chiến đấu vững chắc để các lực lượng tại chỗ (chủ yếu là dân quân, tự vệ và một phần bộ đội địa phương) ngoan cường, kiên quyết đánh bại quân địch tiến công nhằm thu hút, giam chân, phân tán, làm giảm tốc độ tiến công và tiêu hao lớn lực lượng bên tiến công. Đồng thời, các lực lượng tại chỗ tích cực đánh địch trong phạm vi phụ trách bằng các phương pháp thích hợp như phục kích, tập kích, đánh mìn, phá đường... trên các đường tiến quân và giao thông của bên tiến công.

        Trong quá trình phòng ngự, trước kẻ địch tiến công có ưu thế về lực lượng, trong điều kiện chiến đấu bất lợi hoặc bị bao vây, bên phòng ngự phải biết tổ chức chiến đấu trong vòng vây để giữ vững trận địa, hoặc phá vây. Bộ đội phải biết hành động khi có lệnh rút lực lượng ra khỏi vòng vây hoặc cơ động sang một hướng khác, thậm chí phải biết cả rút lui về phía sau để củng cố khi cần thiết. Song, mặt khác, để tạo nên một thế từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, đánh xen kẽ và đánh theo tuyến, kết hợp chặt chẽ chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương, lực lượng phòng ngự phải biết trụ lại phía sau quân địch, để tiếp tục đánh địch khi địch tràn qua khu phòng ngự của ta. Một bộ phận của quân chủ lực kết hợp với lực lượng địa phương có thể tổ chức được những căn cứ chiến đấu có ý nghĩa chiến dịch (chiến lược) để chiến đấu liên tục. Kinh nghiệm cho thấy, các đơn vị dù nhỏ, nhưng nếu ngoan cường giữ vững các mục tiêu then chốt ở phía sau lưng địch, vẫn có thể tiêu diệt được một bộ phận lớn lực lượng tiến công của đối phương và nhiều khi đã chặn được bước tiến của chúng.

        Có thể nói việc xây dựng căn cứ chiến đấu sau lưng địch là chức năng chủ yếu của quân địa phương. Song, trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, quân chủ lực cũng phải tham gia xây dựng căn cứ chiến đấu để trụ lại đánh địch tạo nên thế xen kẽ, chia cắt đi đến thực hiện đòn tiêu diệt lớn quân địch. Kinh nghiệm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho thấy, ngay ở địa hình đồng bằng, chúng ta cũng đã đưa bộ đội chủ lực vào phát động chiến tranh nhân dân địa phương, hình thành những căn cứ chiến đấu, những vùng giải phóng ở ngay sau lưng địch.

        Trong phản công:

        Phản công là tiến công quân địch đang tiến công, có thể vận dụng kết hợp tiến công với phòng ngự, lấy phòng ngự phục vụ tiến công, dùng phòng ngự chặn địch lại, đưa địch vào khu vực có chuẩn bị sẵn để tiến hành tiến công, thường là vào cạnh sườn, sau lưng địch, nhằm tiêu diệt chúng. Ưu thế lực lượng sử dụng trong phản công thường không lớn như trong tiến công, có khi chỉ xấp xỉ so với đối phương. Nhưng với cách đánh mưu trí, và trong điều kiện đã làm chủ được địa hình rừng núi, nên vẫn có thể bảo đảm giành thắng lợi. Lực lượng tiến công trong chiến dịch phản công là lực lượng chủ yếu, lực lượng phòng ngự các khu vực chỉ là để tạo thế, tạo thời cơ, chỉ là bộ phận. Đó là điểm khác nhau cơ bản của phản công so với phòng ngự. Kinh nghiệm chiến dịch phản công ở Đường 9 - Nam Lào trong kháng chiến chống Mỹ đã chứng minh rõ những vấn đề này. Tùy theo điều kiện địa hình của từng hướng, chiến dịch phản công ở địa hình rừng núi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể sử dụng kết hợp lực lượng bộ binh trang bị mạnh, bộ binh cơ giới, xe tăng với lực lượng bộ binh nhẹ để tiến hành tiến công và phòng ngự trong quá trình chiến dịch.

        Địa hình rừng núi có nhiều thung lũng, khe hở lớn, tạo ra khả năng cho quân địch tiến công có thể thực hiện vu hồi bằng lực lượng tương đối lớn từng sư đoàn hoặc hơn nữa. Do đó bên phòng ngự và phản công phải nghiên cứu để đập tan các mũi vu hồi, tiến tới đánh bại cuộc tiến công lớn của đối phương trên chính diện, bên phản công có thể buộc bên tiến công phải vu hồi vào những hướng mà họ đã định sẵn nhằm tiêu diệt từng cánh quân vu hồi của chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:47:14 am »


TỔ CHỨC TRANG BỊ VÀ HUẤN LUYỆN CHO BỘ ĐỘI CHIẾN ĐẤU Ở ĐỊA HÌNH RỪNG NÚI

        Việc tổ chức, trang bị và huấn luyện cho bộ đội chiến đấu ở địa hình rừng núi phải xuất phát từ cách đánh, từ nhiệm vụ mà đơn vị phải đảm nhiệm và từ đặc điểm của địa hình. Nhưng điều kiện địa lý của đất nước có ảnh hưởng đến việc xây dựng các lực lượng vũ trang. Không thể áp dụng một loại tổ chức, biên chế, huấn luyện thống nhất cho các đơn vị, trong khi các đơn vị lại làm nhiệm vụ khác nhau trên những chiến trường có những đặc điểm địa hình khác nhau.

        Về tổ chức biên chế của bộ đội chiến đấu ở rừng núi, mỗi nước đều có những cách tổ chức riêng: Quân đội Liên Xô trong những năm 1920 - 1930 có sư đoàn bộ binh rừng núi. Quân đội Tây Đức có sư đoàn bộ binh rừng núi. Quân đội Pháp, Ý có quân leo núi. Quân đội Trung Quốc có binh đoàn sơn cước, quân đoàn bộ binh nhẹ... Sư đoàn bộ binh rừng núi của Liên Xô gồm 3 - 4 trung đoàn bộ binh, 1 - 2 trung đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, 1 tiểu đoàn pháo chống tăng, 1 đại đội kỵ binh và các phân đội chuyên môn. Sư đoàn rừng núi Tây Đức có 2 lữ đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn cơ giới, một trung đoàn pháo, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ, các đơn vị bảo đảm và phục vụ. Ngoài ra còn có thể có các đơn vị vận tải hoặc dùng súc vật thồ.

        Như vậy, kinh nghiệm chiến đấu ở rừng núi cho thấy có thể tổ chức các sư đoàn bộ binh mạnh, sư đoàn bộ binh cơ giới, lữ đoàn xe tăng, đồng thời có các sư đoàn bộ binh nhẹ là các binh đoàn chiến thuật cơ bản. Khi đột phá chính diện, thọc sâu, tiến công trong hành tiến hiệp đồng binh chủng và quân chủng, ở những vùng đường sá phát triển, những hướng có thể cơ động được thuận lợi, có thể sử dụng các sư đoàn bộ binh mạnh, sư đoàn bộ binh cơ giới, các lữ đoàn xe tăng. Khi thực hành bao vây, vu hồi chiến dịch, vượt qua những địa hình khó khăn, đánh vào hậu phương, chia cắt đối phương, luồn sâu vào sau lưng địch, tác chiến trong các căn cứ chiến đấu... có thể sử dụng những sư đoàn bộ binh được trang bị nhẹ, dễ cơ động, lợi dụng được cả những đường mòn khó đi.

        Từ những sư đoàn bộ binh mạnh, sư đoàn bộ binh cơ giới, lữ đoàn xe tăng, sư đoàn bộ binh nhẹ, tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ của từng chiến dịch, theo ý định chiến lược từng giai đoạn của chiến tranh, có thể hình thành các tổ chức liên binh đoàn lớn hơn, như quân đoàn, tập đoàn quân, cụm quân đoàn với các sư đoàn từng loại khác nhau cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ. Kinh nghiệm của quân đội các nước anh em cho thấy, khi quân đoàn tiến công ở hướng chủ yếu dọc theo thung lũng rộng, có đường cái lớn, nơi mà địa hình cho phép sử dụng tập trung xe tăng, cơ giới, thì biên chế của các liên binh đoàn có thể chỉ gồm các sư đoàn bộ binh cơ giới, sư đoàn xe tăng. Khi quân đoàn hoạt động ở điều kiện địa hình phức tạp, biên chế có thể gồm một hay hai sư đoàn bộ binh cơ giới và một sư đoàn bộ binh miền núi.

        Đối với nhiệm vụ bao vây, vu hồi, đánh vào vùng sau lưng địch trong chiến dịch, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của quân địa phương. Tuy vậy, cách tiến công của quân chủ lực trên địa hình rừng núi theo phương thức chiến tranh bằng các bình đoàn chủ lực là cách đánh hoàn chỉnh: có tiến công chính diện, có bao vây, vu hồi; do đó cần nghiên cứu tổ chức ra các loại sư đoàn như trên. Chúng ta tiến hành chiến tranh bằng hai phương thức kết hợp chặt chẽ với nhau, phải lấy quân chủ lực làm lực lượng tập trung đánh những đòn quyết định. Do đó, việc bao vây, vu hồi, chia cắt lớn quân địch phía sau, không phải chỉ do các đơn vị địa phương thực hiện mà còn có các binh đoàn chủ lực tham gia. Những lực lượng đó phải được thống nhất chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, nhằm thực hiện tốt nhất mục đích của chiến dịch.

        Tùy theo khả năng của máy bay lên thẳng, ở địa hình rừng núi, có thể và cần thiết tổ chức ra các đơn vị đổ bộ đường không để giải quyết các nhiệm vụ như đánh chiếm các địa hình có lợi, góp phần nâng cao tốc độ tiến công, bao vây chia cắt, phản kích, tiêu diệt quân địch. Trong tình hình nào cũng vậy, việc tổ chức các tiểu đoàn, trung đoàn đặc công đánh rừng núi là rất cần thiết và có nhiều tác dụng lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:48:10 am »


        Việc trang bị vũ khí và phương tiện kỹ thuật cho các đơn vị chiến đấu ở địa hình rừng núi cũng có những đặc điểm riêng.

        Địa hình rừng núi nói chung hạn chế việc sử dụng tập trung số lượng lớn xe tăng. Nhưng cũng có thể sử dụng tập trung xe tăng ở một số khu vực, xe tăng có thể đi lại được, như trên những thung lũng lớn và trên cao nguyên vùng núi. Nói chung, việc trang bị, sử dụng xe tăng và cơ giới đối với chiến trường Việt Nam cần phải được nghiên cứu chu đáo. Theo tổng kết của Pháp trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng cho rằng địa hình Việt Nam là một địa hình khó dùng cơ giới một cách rộng rãi. Không phải chỉ ở chiến trường rừng núi, mà ngay cả ở đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ, đất thường có nhiều nước, độ lún cao, cho nên những đơn vị cơ giới cũng chỉ có thể chủ yếu hoạt động trên các trục đường chính, không thể cơ động rộng rãi ở ruộng được.

        Địa hình Việt Nam lại lồi lõm bất thường, chiến xa tiêu thụ rất tốn nhiên liệu, tuổi thọ của các xe tăng sau khi sử dụng ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với khi sử dụng trên chiến trường châu Âu. Như vậy, xe tăng dùng ở chiến trường châu Âu dùng được 10 năm, nhưng dùng ở Việt Nam chỉ một năm là hỏng1.

        Đối với các sư đoàn bộ binh nhẹ, thường trang bị vũ khí nhẹ, kích thước nhỏ, các xe quân sự và phương tiện vận tải dễ cơ động ở rừng núi.

        Pháo mặt đất và pháo cao xạ thường trang bị các loại có tầm cỡ và cấu tạo thích hợp, có thể cơ động dễ dàng theo đường rừng núi, mang vác bộ, hoặc do lừa ngựa kéo. Ngoài pháo nòng dài, pháo tên lửa, có thể trang bị và sử dụng pháo, cối có đường đạn cầu vồng, có góc bắn lớn, bắn được các mục tiêu che khuất để khắc phục địa hình có nhiều góc chết.

        Máy bay là một loại phương tiện có thể sử dụng có hiệu quả nhất để tiêu diệt sinh lực và binh khí kỹ thuật cửa đối phương bố trí ở mặt dốc phía sau, trong các khe hẹp và sâu. Máy bay lên thẳng có thể được sử dụng rộng rãi ở địa hình rừng núi, vận chuyển đội dự bị, di chuyển đài hiệu chỉnh pháo binh, vận chuyển khí tài, lương thực, đạn dược, bắc cầu qua sông ngòi, khe núi, xây dựng đường liên lạc thông tin, đặt mìn, v.v...

        Các đơn vị công binh thường phải được tăng cường gấp 2 - 3 lần so với điều kiện bình thường, được trang bị phương tiện bảo đảm cơ động đặc biệt để có thể dễ dàng vượt sông hoặc khe núi, thi công đường quân sự làm gấp và có thể đưa được những vật nặng lên cao.

        Các đơn vị kỹ thuật và hậu cần, ngoài việc vận tải bằng cơ giới cần sử dụng vận tải bộ và cả súc vật thồ hàng.

        Về huấn luyện chiến đấu, các đơn vị có nhiệm vụ chiến đấu trên địa hình rừng núi thường phải có những chương trình huấn luyện, nội dung giáo dục về chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật, tinh thần - tâm lý, thể lực v.v... với các thiết bị bãi tập, phương tiện huấn luyện, thiết bị địa hình sát với thực địa.

        Các sư đoàn bộ binh nặng, sư đoàn bộ binh cơ giới và xe tăng phải được huấn luyện bảo đảm xử trí tốt các tình huống phức tạp trong chiến đấu ở rừng núi. Các sư đoàn bộ binh nhẹ phải được huấn luyện sử dụng các hình thức chiến thuật truyền thống, như vận động tiến công, phục kích, tập kích, đánh địch trong công sự vững chắc... ở địa hình rừng núi.

        Việc rèn luyện thể lực cho cán bộ và chiến sĩ ở các đơn vị này cần chú ý rèn luyện khả năng cơ động, tập leo vách đá, bơi, vượt suối có mang vác trang bị, hành quân (đêm và ngày) trên đường rừng rậm và nhiều dốc.

---------------
        1. Trần Ngọc Quế - Nhận định của quân đội Pháp về sử dụng cơ giới trên chiến trường Việt Nam, Tạp chí Quân đội nhân dân số tháng 3-1958.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:52:31 am »

        
IV

MẤY SUY NGHĨ VỀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

        Bảo vệ Tổ quốc hiện nay là sự vận động và phát triển của quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta trong những điều kiện và hoàn cảnh của thời đại mới.

        Thực tế lịch sử đã chỉ rõ, kỷ nguyên xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay là giai đoạn phát triển và kế tục lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

        Dân tộc Việt Nam hình thành rất sớm với tư cách là một dân tộc độc lập, một quốc gia có chủ quyền. Nhân dân ta vốn giàu nghị lực và tài năng, giàu tinh thần tự lực tự cường, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã cùng nhau chung lưng đấu cật, đem hết sức lực và trí tuệ đấu tranh liên tục và bền bỉ để xây dựng cuộc sống, xây dựng nước nhà. Trong quá trình đó, đi đôi với cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên và các cuộc đấu tranh giai cấp trong nội bộ dân tộc là những cuộc chiến tranh yêu nước quyết liệt chống lại những thế lực xâm lược lớn mạnh và hung bạo đã liên tiếp diễn ra trên đất nước ta.

        Lịch sử đấu tranh của dân tộc ta cũng đã chỉ rõ, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc, qua tất cả các thời đại, các thế lực bành trướng và xâm lược luôn luôn nhòm ngó nước ta, đã gây nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo hòng nô dịch và bóc lột nhân dân ta1. Vì vậy, nhìn chung cả quá trình mấy ngàn năm xây dựng đất nước, nhiệm vụ giữ nước được đặt ra một cách thường xuyên trong tất cả các thời đại. Dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành một quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam.

        Hiện nay, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà thế giới đang thay đổi, đầy biến động. Các mâu thuẫn xã hội trong giai đoạn quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sâu sắc. Chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ đang có ý đồ xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.

        Các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế ngoại giao trong thế kỷ XX đang thay đổi trước một tương quan thực tế giữa các cường quốc thế giới, không còn giống như những năm sau đại chiến thế giới thứ 2.

        Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng công nghệ với sự tăng trưởng chưa từng có của lực lượng sản xuất đang tiến nhanh với những bước thần kỳ, vừa đem lại cho loài người một tương lai tươi sáng, văn minh hạnh phúc, vừa làm tăng thêm cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các nước trong hai hệ thống xã hội thế giới, tạo ra nguy cơ tiêu hủy cả nền văn minh nhân loại khiến toàn thế giới phải lo lắng tìm cách kiên quyết đấu tranh ngăn chặn chiến tranh thế giới, chiến tranh hạt nhân và chiến tranh vũ trụ.

        Hệ thống xã hội chủ nghĩa, sau một thời kỳ phát triển nhanh với những thành tựu to lớn về các mặt chính trị, kinh tế xã hội, quân sự, khoa học..., hiện nay đang đứng trước một cuộc khủng hoảng to lớn chưa từng có, Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa đã thay đổi chế độ, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang tập trung thực hiện một cuộc cải cách to lớn, đổi mới để vượt qua thử thách lớn lao.

--------------
       1. Từ cuộc kháng chiến chống Tần thế kỷ thứ III trước công nguyên đến nay, dân tộc ta đã tiến hành 15 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc quy mô cả nước, trong đó 12 cuộc kháng chiến đã giành được thắng lợi lớn; chỉ có 3 cuộc kháng chiến thất bại tạm thời đưa đến thảm họa mất nước (thời Bắc thuộc trên 10 thế kỷ, thời Minh được 20 năm và thời Pháp thuộc 100 năm); đã tiến hành hàng trăm cuộc khởi nghĩa, trong đó có hơn 10 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô rộng lớn. Thời gian chống ngoại xâm (mà chủ yếu là bọn xâm lược phương Bắc) lên đến trên 12 thế kỷ, chiếm hơn 1/2 thời gian lịch sử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:55:13 am »

       
        Trong lúc đó, chủ nghĩa đế quốc đang hết sức tìm cách khai thác điểm yếu và dùng nhiều thủ đoạn, hình thức tiến công các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, thực hiện diễn biến hòa bình, bao vây kinh tế. Cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội đã chuyển vào một thời kỳ hết sức đặc biệt: vừa hợp tác vừa đấu tranh quyết liệt. Chủ nghĩa đế quốc đang lợi dụng ưu thế về kinh tế và công nghệ, tăng cường “diễn biến hòa bình” mà bước đầu là thâm nhập kinh tế, đánh vào lý tưởng và ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội, coi đó là “một thời điểm cuối cùng của một tư tưởng, giai đoạn kết thúc của thử nghiệm Cộng sản” 1. Đó chính là chủ nghĩa đế quốc đang thực hiện âm mưu giành chiến thắng mà không cần chiến tranh.

        Các nước thuộc thế giới thứ ba: trừ một vài nước vượt lên thành các nước công nghiệp mới (NIC), còn phần lớn bị phụ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa về tài chính, công nghệ, thị trường tiêu thụ, tài nguyên, bị chìm đắm trong nạn đói thất nghiệp, nợ nần liên miên, mù chữ và bệnh tật, đang đòi hỏi một cuộc đấu tranh cho một trật tự kinh tế thế giới.

        Khu vực châu Á Thái Bình Dương.

        Đó là khu vực đáng chú ý nhất và là khu vực rộng lớn nhất trên hành tinh này (với diện tích 220 triệu km2, chiếm gần 1/2 diện tích của hành tinh, trên 40 nước và 3 tỷ dân). Với tính chất phong phú và đa dạng về nhiều mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, địa lý, nhất là tài nguyên hầu như vô tận2, khu vực này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI, đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước, nhất là các nước lớn đã được đế quốc Mỹ quan tâm đặc biệt, nhằm thực hiện mục tiêu mà Ru-dơ-ve trước đây đã nêu ra: “Mỹ phải trở thành cường quốc khống chế Thái Bình Dương”.

        Nhìn toàn cục, trong thời đại có khả năng đẩy lùi chiến tranh hạt nhân hủy diệt, xu thế hòa hoãn phát triển đi đôi với đấu tranh bằng các hình thức khác nhau, cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội một mất một còn vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt dưới những hình thức mới của bối cảnh lịch sử mới. Cần lưu ý là hiện nay chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ, đang ra sức lợi dụng khó khăn, có cả những lệch lạc trong công cuộc cải tổ, đổi mới, cải cách ở một số nước xã hội chủ nghĩa, tiến hành một chiến lược mới chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, và các nước thuộc thế giới thứ 3, hòng thủ tiêu chủ nghĩa xã hội và chống lại độc lập dân tộc. Chiến lược này áp dụng rộng rãi các biện pháp kinh tế và kỹ thuật, chính trị, tư tưởng và tâm lý, đồng thời vẫn lấy “răn đe quân sự” khi cần thiết, dưới nhiều hình thức xâm lược vũ trang bộ phận, “xung đột cường độ thấp”, “chiến tranh ủy nhiệm qua tay người khác, chiến tranh cục bộ”3.

---------------
        1. Bush: Diễn văn đọc ở Học viện những người bảo vệ biển 25-5-1989.

        2.  - 5 trong 7 nước lớn nhất thế giới nằm ở khu vực này.

             - 11 trong 19 nguyên liệu khoáng sản chiến lược có trữ lượng lớn nhất thế giới nằm ở khu vực này.

             - 1/3 kim ngạch buôn bán của Mỹ tập trung ở khu vực này.

             - Đầu tư trực tiếp của Mỹ ở khu vực này hiện nay là 30 tỷ đô la.

        3. Nguyễn Văn Linh: “Củng cố hòa bình, đề cao cảnh giác, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc”, Tạp chí quốc phòng toàn dân, 12-1989, trang 4, 5.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:55:48 am »


        Cục diện chiến lược quốc tế hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã tan vỡ. Cục diện thế giới mới với nhiều trung tâm quyền lực đang hình thành. Thế so sánh lực lượng chiến lược quốc tế thay đổi nghiêng hẳn về có lợi cho chủ nghĩa đế quốc và bất lợi cho các lực lượng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc. Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại tuy sức mạnh có hạn, sau khi nhà nước Liên Xô tan rã bớt đi một đối thủ chủ chốt, âm mưu xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, đẩy lùi chủ nghĩa dân tộc tiến bộ, xúc tiến lập một trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ: Trong nhiều năm trước mắt tìm cách đóng vai trò áp đặt đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, ngăn chặn Nhật, châu Âu hay bất kỳ cường quốc nào nổi lên tranh giành vị trí dẫn đầu bá chủ thế giới của Mỹ.

        Nhưng trật tự thế giới cũ bị phá vỡ tạo nhiều mâu thuẫn mới. Châu Âu nhất thể hóa ngày càng tỏ ra muốn độc lập hơn với Mỹ. Đức và Nhật ngày càng lớn mạnh thách thức địa vị lãnh đạo của Mỹ. Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở các lục địa chống lại sự khống chế, áp đặt của Mỹ. Nhân dân Mỹ nhất là các tầng lớp lao động đấu tranh đòi nhà cầm quyền quan tâm hơn giải quyết các vấn đề gay cấn về kinh tế xã hội có nhiều mặt bị trì trệ suy thoái ở trong nước.

        Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản vẫn là mâu thuẫn rất quyết liệt biểu hiện dưới nhiều hình thức mới. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau nhất là giữa Mỹ, Nhật, Đức trước hết trên lĩnh vực kinh tế thương mại phát triển hết sức phức tạp.

        Trong nhiều năm tới mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc Mỹ âm mưu áp đặt trật tự thế giới kiểu Mỹ, bá chủ thế giới với xu hướng độc lập tự chủ, tiến bộ của các dân tộc trên thế giới đang nổi lên là mâu thuẫn chủ yếu của thời đại.

        Trong cục diện mới của tình hình quốc tế đang biến động mau lẹ. Xu thế hòa bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, hòa bình thế giới có khả năng giữ vững, sự đối kháng về quân sự giữa các siêu cường cũng như nguy cơ chiến tranh thế giới giảm bớt. Nhưng đồng thời những nhân tố tranh chấp, khống ổn định, các cuộc xung đột chiến tranh khu vực mới nổ ra dưới nhiều hình thức quy mô khác nhau trong đó có nội chiến do tranh chấp về chủng tộc, tôn giáo, lãnh thổ, vùng biển, sự áp đặt bá quyền của các nước lớn... lại nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới (Đông Âu, Liên Xô cũ, châu Phi, Trung Đông...). Nhiều sự liên kết khu vực mới về kinh tế, chính trị, an ninh, tôn giáo, dân tộc đang xuất hiện. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan lan rộng có thể kéo theo các cuộc tranh chấp, xung đột về lãnh thổ. Tình hình còn biến động, đầy bất trắc, khó lường hết.

        Trước cục diện mới, các nước lớn nhỏ đều tìm cách điều chỉnh chiến lược quốc gia. Tùy theo lợi ích dân tộc và thế so sánh lực lượng mới trên thế giới và ở từng khu vực nhằm vượt qua thử thách, nắm bắt thời cơ mới đưa dân tộc mình tiến lên, tạo đà phát triển nhanh chóng khi bước sang thế kỷ 21.

        Tình hình quốc tế và khu vực còn đang biến động phức tạp cuộc chạy đua vũ trang đang tiếp tục. Hợp tác và đấu tranh đều phát triển không thể coi nhẹ việc mở rộng hợp tác quốc tế nhưng cũng phải thấy mặt đấu tranh mâu thuẫn cũng không ngừng tăng.

        Dân tộc Việt Nam ta trải qua mấy chục năm đấu tranh gian khổ, đã giành được thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng liên tiếp những tên đế quốc mạnh nhất của thời đại.

        Đất nước đã giành được độc lập tự do. Chúng ta đã tạo được môi trường hòa bình trên toàn cục để xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

        Từ cục diện tình hình trên, trong điều kiện lịch sử của dân tộc, nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước của nhân dân ta hiện nay mang tính chất một cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc sâu rộng trong hoàn cảnh hòa bình.

        Nhiệm vụ đó nhằm chiến thắng lạc hậu và nghèo nàn; nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, đồng thời nhằm tạo nên những tiền đề vật chất, chính trị, tinh thần để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn phản động trong nước, đánh bại mọi âm mưu xâm lược chống phá xã hội chủ nghĩa của kẻ thù. Cuộc đấu tranh đó vừa có ý nghĩa dân tộc, vừa có ý nghĩa quốc tế, bảo đảm cho dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới.

        Vì vậy, yêu cầu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vẫn đang được đặt ra một cách nghiêm túc trước toàn dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:56:28 am »


        Hiện nay nhiều kẻ vẫn chưa từ bỏ các mưu đồ đen tối của chúng đối với cách mạng Việt Nam, cách mạng ba nước Đông Dương. Chúng áp dụng các biện pháp kinh tế, chính trị, tâm lý và xâm lược vũ trang trong bộ phận, lấn chiếm cục bộ, gây chiến tranh xâm lược trên các quy mô, kể cả chiến tranh xâm lược quy mô lớn (tuy khó diễn ra trong tương lai gần, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn). Chiến lược phá hoại toàn diện của địch vẫn đang tiến hành trên cả nước ta.

        Tình hình trên đây đòi hỏi quân và dân ta phải ra sức củng cố nền hòa bình mới giành được, phải nhận thức rõ âm mưu thâm độc trước mắt và lâu dài của mọi thế lực, phải không ngừng nêu cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

        Giữ gìn hòa bình, tập trung xây dựng kinh tế, xã hội, tranh thủ nhanh chóng đưa đất nước tiến lên, là một yêu cầu có tính chiến lược hiện nay của đất nước.

        Xây dựng kinh tế xã hội theo đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm trong công cuộc xây dựng đất nước. Xây dựng kinh tế vừa là yêu cầu bức thiết của đời sống nhân dân, yêu cầu phát triển của dân tộc để tiến kịp các nước trên thế giới, vừa là yêu cầu của quốc phòng và an ninh. Trong kinh tế, vừa có vấn đề chính trị, vừa là định hướng chính trị của kinh tế, vừa là một mặt trận đấu tranh giai cấp, gắn liền với các mặt trận đấu tranh về chính trị, quân sự, tư tưởng, liên quan chặt chẽ đến quốc phòng và an ninh.

        Vì vậy, tập trung xây dựng kinh tế luôn luôn gắn chặt với củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội. Tập trung xây dựng theo hướng đó không phải là mất cảnh giác, vì quân sự mạnh trong bảo vệ Tổ quốc phải trên cơ sở phát triển kinh tế. Có phát triển kinh tế thì mới bảo đảm, phát huy và phát triển được quân đội tiến lên chính quy, ngày càng hiện đại. Đương nhiên, chỉ tập trung xây dựng kinh tế mà lơ là cảnh giác, không quan tâm đến việc củng cố quốc phòng là sai lầm rất nguy hiểm.

        Từ kinh nghiệm lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, đặc biệt là kinh nghiệm đấu tranh cách mạng trong mấy chục năm qua, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: trong những điều kiện lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở nước ta hiện nay, xây dựng và củng cố quốc phòng phải được coi là một bộ phận không thể tách rời của toàn bộ sự nghiệp xây dựng đất nước ta, của toàn bộ công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Đó không phải chỉ là một vấn đề cấp bách đặt ra trước mặt chúng ta, mà là một vấn đề cơ bản và lâu dài khi mà chủ nghĩa đế quốc chưa bị xóa bỏ, đấu tranh giai cấp trên phạm vi thế giới còn tồn tại.

        Sức mạnh quốc phòng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sức mạnh của toàn dân ta trong thời đại mới, của chế độ xã hội chủ nghĩa từng bước được xây dựng và củng cố trên đất nước ta. Đó là sức mạnh tổng hợp hết sức to lớn và ngày càng được tăng cường.

        Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cơ sở của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, là sức mạnh toàn diện do nhiều yếu tố hợp thành: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, khoa học, tư tưởng, tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật. Sự nhất trí về lợi ích kinh tế trong toàn dân, cơ sở khách quan vững chắc của sự nhất trí hoàn toàn về chính trị và tinh thần trong cả nước mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển. Nhờ đó, chúng ta sẽ phát huy được cao độ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa để động viên một cách rộng rãi và tổ chức một cách khoa học lực lượng vật chất và tinh thần của toàn dân ta, của cả nước, vừa xây dựng đất nước, vừa bảo vệ đất nước. Nói một cách khác, nền quốc phòng của ta trước hết dựa trên sức mạnh toàn dân. Toàn dân làm quốc phòng, toàn dân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, nền quốc phòng của ta là nền quốc phòng toàn dân và toàn quốc, một nền quốc phòng thực sự vì dân và do dân với nội dung và ý nghĩa đầy đủ nhất, phát triển cao nhất, xuất hiện lần đầu tiên ở nước ta. Nền quốc phòng đó khắc phục được những hạn chế trong nền quốc phòng của dân tộc ta dưới thời đại phong kiến, do có sự đối lập về lợi ích giai cấp giữa nông dân và phong kiến trong nội bộ dân tộc.

        Ngày nay, khi nhân dân ta tập trung vào nhiệm vụ xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong tình hình đất nước có hòa bình trên cả nước nhưng vẫn phải luôn luôn cảnh giác trước âm mưu xâm lược của các thế lực thù dịch, với khẩu hiệu “toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước”, thì chúng ta đã có nhiều điều kiện mới rất thuận lợi để xây dựng sức mạnh tổng hợp lớn nhất của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng một cách chủ động và có kế hoạch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:57:22 am »


        Nếu sức mạnh của chiến tranh nhân dân là một sức mạnh tổng hợp, thì sức mạnh của quốc phòng toàn dân cũng là một sức mạnh tổng hợp, thể hiện mọi mặt của đất nước. Chỉ khác nhau là: khi ta kháng chiến cứu nước thì toàn bộ sức mạnh tổng hợp đó đều được động viên và phát huy trên tất cả các mặt trận của cuộc chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng để đánh bại kẻ thù, giành thắng lợi về ta. Còn ngày nay thì sức mạnh tổng hợp của quốc phòng toàn dân biểu hiện một phần ở lực lượng thường trực để làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, còn một bộ phận cực kỳ quan trọng khác thì đang ẩn chứa tiềm tàng trong lực lượng mọi mặt của đất nước: lực lượng chính trị và tinh thần, lực lượng kinh tế, lực lượng văn hóa khoa học và kỹ thuật.

        Vì vậy, trong các yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, tất yếu phải có yếu tố quân sự. Phải có lực lượng quân sự đủ mạnh, an ninh, biên phòng đủ mạnh, phải rất coi trọng quốc phòng và an ninh.

        Những khó khăn về kinh tế, tình trạng kém phát triển của đất nước không những kìm hãm dân tộc trong lạc hậu, nghèo nàn mà còn làm suy yếu tiềm lực chính trị, quân sự, đặt đất nước trước nguy cơ mất an ninh. Khủng hoảng kinh tế có thể dẫn tới khủng hoảng chính trị - xã hội.

        Ngày nay, đứng trước sự phát triển cao của khoa học kỹ thuật, của phát minh về vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân..., trong khi ở một số nước, người ta quan niệm việc bảo vệ quốc gia là việc riêng của quân đội và chỉ có quân đội mới làm được, thì Đảng ta vẫn kiên trì quan điểm quốc phòng toàn dân. Quan điểm quốc phòng toàn dân là một quan điểm có tính truyền thống của dân tộc đã được đúc kết qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

        Kiên trì quan điểm quốc phòng toàn dân, xuất phát từ nhận thức của chúng ta, có sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cũng như sự nghiệp cách mạng nói chung là sự nghiệp của quần chúng. Chỉ khi nào động viên, tổ chức được đông đảo quần chúng tham gia thì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc mới trở nên vững chắc. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay, kẻ thù tiến công ta không chỉ bằng quân sự mà cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, tâm lý, tư tưởng, cả về kỷ cương lối sống xã hội. Hình thức mà chúng tiến hành không chỉ là gây vũ trang xâm lược quy mô lớn, mà trên thực tế, chúng đã và đang tiến hành “chiến lược phá hoại toàn diện” bằng bạo loạn, diễn biến hòa bình, bằng các cuộc xung đột vũ trang xâm lấn biên giới và hải đảo, bằng chiến tranh xâm lược qua tay người khác, với những dạng khác nhau của chiến tranh cục bộ theo “học thuyết xung đột cường độ thấp”.

        Một lẽ khác nữa là dù tiềm lực mọi mặt của đất nước ta ngày càng được tăng cường, thì trong tiến hành chiến tranh tương lai chúng ta vẫn phải lấy nhỏ đánh lớn (về mặt địa lý, dân số), lấy ít địch nhiều (về số lượng vũ trang), lấy yếu đánh mạnh (về tiềm lực) ngay từ khi bắt đầu chiến tranh. Do đó, sức mạnh của chúng ta phải là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của mọi lĩnh vực, của mỗi địa phương và của cả nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

        Để thực hiện được quốc phòng toàn dân, cần xây dựng và phát huy mấy yếu tố chính sau đây:

        Phát huy tiềm lực chính trị và tinh thần.

        Tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, trình độ giác ngộ chính trị, tinh thần đoàn kết các dân tộc, lòng tin ở Đảng... là ưu thế tuyệt đối của nhân dân ta trong chiến tranh giải phóng cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay, cần được ra sức bồi dưỡng và phát huy.

        Trong tình hình chính trị thế giới đang có những biến động rất mới mẻ và phức tạp, nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nẩy sinh nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Đã có không ít những biểu hiện giảm sút lòng tin vào chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng, mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, về đấu tranh giai cấp, dao động về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, sa sút về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với sự nghiệp chung của đất nước, nhiều tệ nạn xã hội đang phát triển thành quốc nạn.

        Những biểu hiện đó tất nhiên tác động đến tiềm lực chính trị, tinh thần của nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, tăng cường công tác tư tưởng, công tác giáo dục chính trị lúc này là hết sức cần thiết và trở nên cấp bách. Phải làm cho mọi người giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, và sự giác ngộ đó phải biểu hiện thành sức mạnh chính trị vững vàng, kiên trì phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội theo đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM