Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:06:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam  (Đọc 54766 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:23:10 am »


        Như vậy, lịch sử sông nước trong chiến tranh chống xâm lược nói lên một điều: các hoạt động chiến đấu hiệp đồng thủy, bộ trên sông là những hoạt động không thể thiếu được trong quá trình đấu tranh vũ trang của dân tộc ta, trước đây nó được tiến hành bởi các đơn vị thuỷ bộ của các triều đại phong kiến, gần đây của lực lượng vũ trang Việt Nam. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tới đây, nếu xảy ra, các hoạt động trên có thể sẽ phong phú hơn, và sự có mặt của hải quân trên một số dòng sông và ven biển là cần thiết trong phòng ngự và tiến công của các binh đoàn Lục quân.

        Nhìn rộng ra để tham khảo, chúng ta thấy, trong chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô, ngoài các hạm đội Xô-viết hoạt động trên biển, các giang đội trên các sông Von-ga, sông Đu-nai,... đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của quân đội Xô-viết. Giang đội Đu-nai đã tiến ngược sông Đu-nai 2.000 km với những trận đánh ác liệt và tham gia giải phóng 6 nước Trung Âu. Trong quá trình tác chiến, các tàu của giang đội này đã vận chuyển trên sông Đu-nai khoảng 250 sư đoàn.

        Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sắp tới nếu xảy ra, sẽ là chiến tranh toàn dân, toàn diện, hiện đại, diễn ra trong một không gian rộng lớn, lượng tiêu hao vặt chất kỹ thuật rất lớn. Việc cơ động lực lượng và bảo đảm vận chuyển cho chiến trường kịp thời là một yêu cầu cấp bách. Hành động của địch và của ta khi tổ chức phòng ngự và tiến công vượt sông bằng sức mạnh, cũng như khi đổ bộ của các đội đổ bộ đường sông, biển là những hoạt động chiến đấu cần thiết với địa hình của đất nước ta. Do đó, vị trí của sông và ven biển vẫn giữ nguyên giá trị của nó và có thể được nhân lên trong điều kiện trang bị kỹ thuật đổi mới. Chiến trường sông biển gắn với chiến trường trên bộ, chiến tranh nhân dân trên chiến trường này vẫn thể hiện một cách sinh động phương. thức chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh nhân dân bằng binh đoàn chủ lực, trong đó có các binh đội, binh đoàn hải quân tham chiến để đánh bại địch trên đất liền, trên sông biển, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ bảo đảm khác. Các yêu cầu về hoạt động tác chiến trên sông, biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có thể sẽ nhiều hơn đối với hải quân trong hoạt động phối hợp với lục quân trên những chiến trường có những trục sông lớn chảy qua ven biển, trên đảo và trên biển có các quần đảo xa bờ.

        Đặc biệt, với chiến lược phát triển biển của một số nước vùng Biển Đông, chúng ta cần nghiên cứu tổ chức quân đội ta cho phù hợp, đáp ứng các yêu cầu trên.

        Từ nhu cầu thực tế đó, trên một vài chiến trường trọng yếu có hệ thống sông ngòi thuận lợi, có cần một lực lượng thủy quân có khả năng tác chiến cả trên bờ, dưới nước trong các hoạt động chiến đấu không? Đây là những hải đội tàu có lượng giãn nước phù hợp, hoạt động được ở biển gần và trên sông. Cũng có thể nên có những phân đội hải quân đánh bộ đi kèm theo những hải đội tàu mặt nước trên để cùng nhau thực hiện một số nhiệm vụ, như đổ bộ ven sông hay vượt sông, hộ tống các đoàn tàu vận tải, quét mìn trên sông... Khi đã xác định đây là một dạng hoạt động chiến đấu của quân đội ta trên địa hình có nhiều sông nước, thì trong nghệ thuật quân sự cần đề cập tới việc phối hợp giữa bộ đội lục quân và các đơn vị thủy quân, hoạt động trên sông và các trận tác chiến hiệp đồng thủy bộ.

        Các vùng hải quân trên các chiến trường có sông ngòi lớn cùng với các quân khu ven biển thống nhất soạn thảo một kế hoạch phòng thủ vùng ven biển, các căn cứ hải quân, đồng thời cũng có một kế hoạch tác chiến trên một số địa bàn trong nội địa, ở đó các tàu hải quân sẽ đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho lục quân trong các trận tác chiến lớn có thể xảy ra tại các thành phố, thị xã ven sông, biển.

        Cũng có thể trên một chiến trường nào đó, trong điều kiện cho phép, chúng ta xây dựng một giang đội với quy mô thích hợp, với loại tàu mà chúng ta có thể tự thiết kế và đóng lấy, trang bị vũ khí phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:23:36 am »


        Đối với việc vận chuyển bộ đội và những trang bị khí tài khi cần cơ động lực lượng, ngoài đường sắt, đường bộ và đường không ra, giao thông đường thủy có vai trò rất quan trọng. Trong báo cáo chính trị ở Đại hội VI, khi nói về giao thông vận tải, khâu trung tâm của kết cấu hạ tầng có đoạn viết “phù hợp với điều kiện địa lý và tình hình thực tế hiện nay, chúng ta ưu tiên phát triển vận tải đường thủy”. Đường sắt và đường bộ yêu cầu đầu tư cả về làn đường, cả về phương tiện như tầu xe có chiều cao hơn mức thông thường. Trái lại, sông biển có sẵn, chỉ cần nạo vét và tầu pha sông biển ta có khả năng tự sản xuất, giá thành rẻ. Truyền thống thạo sông biển, thích sống ngay trên thuyền, cả gia đình sống trên thuyền là một thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy.

        Trên quan điểm kinh tế kết hợp với quốc phòng, và phù hợp với tinh thần trên của báo cáo chính trị, ngành giao thông thủy của nhà nước đã đưa vào sử dụng loại tàu, sà lan pha sông biển với trọng tải tương đối lớn, loại phương tiện này có thể đáp ứng được yêu cầu vận chuyển của quân đội trong phạm vi một chiến trường hoặc giữa các chiến trường. Nên chăng, có sự kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, để khi các loại phương tiện này được động viên, diện tích và dung tích chuyên chở được phát huy tối ưu. Ngoài ra, các bến sông ở các đầu mối giao thông quan trọng cần được xây dựng để nâng cao năng lực bốc xếp các thiết bị nặng của ngành kinh tế và quốc phòng. Trong vấn đề này, ngành vận tải quân sự có vai trò nhất định. Việc phát triển các loại phương tiện vận chuyển chủ yếu có lẽ nên tập trung vào một số kiểu loại, đảm bảo chức năng như chiến đấu đổ bộ chẳng hạn.

        Sông biển Việt Nam giữ vị trí chiến lược của nó trong cả hai nhiệm vụ, xây dựng Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc, đó là đặc trưng của địa lý Việt Nam và truyền thống dân tộc, cả về các mặt hoạt động kinh tế, đời sống xã hội và nghệ thuật quân sự.

        Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vai trò của lục quân, không quân, phòng không và cả hải quân là hết sức quan trọng. Cần nghiên cứu tổ chức lực lượng quân sự với nghệ thuật quân sự phù hợp với đặc điểm của địa lý, con người và truyền thống quân sự của đất nước.

        Hải quân Việt Nam hiện đại lấy chiến trường biển là hướng chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ chủ quyền trên biển của ta. Hoạt động trên sông chỉ được đặt ra trên một số địa bàn khi có yêu cầu nhưng cũng là một nhiệm vụ không thể thiếu dược. Từ đó, gợi ra cơ cấu thành phần lực lượng tàu mặt nước của hải quân: bên cạnh lực lượng hải quân hoạt động ở biển và quần đảo xa bờ cần có lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Lực lượng này hoạt động ở biển gần, và khi cần có thể cơ động vào trong sông được để phối hợp chiến đấu cùng lục quân. Việc tổ chức một vài giang đoàn trên một số trục sông lớn có nên đặt ra không? Lúc nào nên đặt ra? Đó cũng là một vấn đề gợi ra để chúng ta cùng suy nghĩ.

        Ngoài ra, các tỉnh, các quân khu đồng bằng và ngay cả một số binh đoàn hoạt động ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long trên địa hình nhiều sông, rạch, có nên có thêm binh chủng thủy trong hoạt động và tác chiến chăng? Kẻ địch xâm lược dù từ đâu tới, mạnh về xe tăng thiết giáp, xe cơ giới và cả hải quân, nhưng vào sâu nội địa không thể phát huy được trong hệ thống sông ngòi chằng chịt của ta. Kỵ binh Mông Cổ mạnh, đi khắp Á - Âu, thuyền chiến Mông - Nguyên lớn nhưng đều thua bộ binh và thủy binh nhẹ của Đại Việt trong các trận tác chiến trên sông Hồng, sông Thái Bình và sông Bạch Đằng thời Trần. Truyền thống đó ta cần phát huy. Địch cậy trường trận (kỵ binh), ta cậy đoản binh (bộ binh và thủy binh) là lẽ thường của binh pháp. Đến nay địch mạnh về xe tăng thiết giáp, hải quân với tầu chiến lớn, ta lại càng phải chú ý phát huy thủy binh và chiến tranh nhân dân địa phương trên chiến trường sông biển, đặc biệt ở các làng, xã ven sông, ven biển đông dân của đồng bằng. Chúng ta cần giải quyết thế trận trên biển kết hợp bờ - đảo - quần đảo, biển; kết hợp hải quân, không quân, thủy quân đánh bộ, bộ đội giữ các đảo, quần đảo với phát triển lực lượng tự vệ trên các tàu dân dụng và dân quân du kích trên bờ biển, trên đảo và quần đảo để bảo vệ chủ quyền trên biển và giải quyết các vùng còn đang tranh chấp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:26:56 am »

        
III

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CÁCH ĐÁNH TRONG CHIẾN TRANH  BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

KẾT HỢP CHẶT CHẼ CÁC CÁCH ĐÁNH TIẾN CÔNG, PHẢN CÔNG VÀ PHÒNG NGỰ, LẤY PHẢN CÔNG, TIẾN CÔNG LÀM HÌNH THỨC TÁC CHIẾN CHỦ YẾU

        Mỗi cuộc chiến tranh, về nguyên tắc, đều được tiến hành bằng những phương thức và hình thức khác nhau. Những phương thức và hình thức đó đã thể hiện qua lịch sử được tích lũy của từng nước, từng dân tộc trong tiến hành chiến tranh. Chúng được hoàn thiện và biến đổi theo sự phát triển của xã hội, của phương tiện đấu tranh vũ trang và do điều kiện chính trị cụ thể của việc phát sinh chiến tranh và việc tiến hành chiến tranh. Ngày nay, nước ta đang ở trong một bối cảnh vừa phải ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, vừa phải chuẩn bị để đối phó với một cuộc chiến tranh xâm lược có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau, mà đối tượng bảo vệ hòa bình, độc lập và chủ nghĩa xã hội, phản đối chiến tranh phi nghĩa xâm lược dưới mọi hình thức khác nhau. Do đó, mọi cuộc chiến tranh, nếu chúng ta buộc phải tiến hành đều mang tính chất tự vệ chính nghĩa chống xâm lược.

        Trong một bức thư của Mác gửi cho Ăng-ghen ngày 17-8-1870, bàn về chiến thuật của vô sản Đức trong chiến tranh Pháp - Phổ có đoạn: “Cu-ghen-man nhầm lẫn chiến tranh phòng thủ (bảo vệ) với chiến đấu phòng ngự, có nghĩa là nếu có kẻ côn đồ nào đó đánh tôi giữa đường phố thì tôi chỉ có thể gạt đỡ chứ không phải đánh gục nó, bởi vì nếu làm như vậy tôi sẽ là kẻ đi tiến công: Những người này trong từng chữ từng lời tỏ ra hiểu sai phương pháp biện chứng”.

        Xác định tính chất, nhiệm vụ của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là thuộc về đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng và Nhà nước. Còn để thực hiện những nhiệm vụ đó về mặt quân sự phải có chiến lược quân sự. Trong đường lối quân sự, chiến lược quân sự có nhiều nội dung lớn mà phương thức đấu tranh vũ trang và hình thức tác chiến có vị trí đặc biệt quan trọng.

        Trong một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh tự vệ thì dù có vận dụng hình thức tác chiến nào cũng phải tiến công, như Ăng-ghen đã nói: “Thường người ta cho rằng tiến công sẽ đem lại thắng lợi lớn, vì vậy một quân đội giữ thế thủ, tức là tiến hành một chiến tranh có tính chất phòng ngự nghiêm ngặt, thì thường hay mở những chiến dịch tiến công, thậm chí trong các chiến dịch phòng ngự cũng tiến hành những hoạt động tiến công”1.

        Vì vậy vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu một cách đầy đủ và khách quan tinh thần đó, nhất là thông qua những bài học kinh nghiệm về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh tự vệ của ông cha ta chống lại các cuộc xâm lược của các thế lực bên ngoài và kinh nghiệm của thế giới, đặc biệt là của Liên Xô.

        Vào thế kỷ XI, Lý Thường Kiệt, trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhà Tống, đã mở một cuộc tiến công trước đánh phá các căn cứ xuất phát tiến công của chúng ở Ung - Khâm - Liêm, sau đó nhanh chóng rút về phòng ngự có chiều sâu từ biên giới đến phòng tuyến sông Như Nguyệt. Từ phòng ngự trận địa với phòng tuyến tiền duyên theo đê sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã chọn thời cơ thực hành phản công, tiến công tiêu diệt đại bộ phận quân Tống, buộc chúng phải rút chạy về nước.

        Đến đời Trần, năm 1285, trước cuộc tiến công xâm lược lần thứ 2 của quân Nguyên Mông, với chiến lược “Kiên thủ chờ suy - hoàn kích”, dùng phòng ngự để chặn địch rồi phản công. Do không chặn nổi quân địch ở Nội Bàng (Chũ), Bình Than (Phả Lại), sông Cầu, nên phải rút lui chiến lược (rút đại quân về Thanh Hóa). Nhưng sau đó đã chiến thắng 60 vạn quân Nguyên - Mông bằng một cuộc tiến công chiến lược của ba đạo quân:

        Đạo quân của Trần Quang Khải đánh dọc sông Hồng với các trận Tây Kết, Hàm Tử - Chương Dương, Thăng Long, đánh bại lực lượng chủ lực của Thoát Hoan, buộc chúng phải rút lui chiến lược.

--------------
       1. Tuyển tập luận văn quân sự, Ăng-ghen, NXBQĐ, HN 1978, quyển II, trang 318.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:28:44 am »


        Đạo quân vu hồi do Trần Quốc Tuấn trực tiếp chỉ huy đánh từ Vạn Kiếp qua Quế Võ và sông Sách trên đường rút lui của địch.

        Đạo quân do vua Trần trực tiếp chỉ huy tiêu diệt cánh quân Toa Đô từ Thanh Hóa ra, bắt sống 5 vạn tên ở Tây Kết.

        Trong cuộc tiến công xâm lược của quân Nguyên Mông năm 1288 (lần thứ ba), bằng cách đưa dịch vào thế trận biển, ta đã buộc địch tiến công vào nơi không có chủ lực của ta, lại bị bao vây và quân tiếp tế lương thực bị diệt. Bị tiêu hao, mệt mỏi, tinh thần chiến đấu giảm sút, địch buộc phải chuyển sang phòng ngự và rút lui. Ta tiến công địch rút lui trên sông Bạch Đằng và trên đường 13, tiêu diệt 30 vạn tên, kết thúc vẻ vang chiến tranh, lần thứ ba đại thắng quân Nguyên - Mông. Đến năm 1789, Mãn Thanh xâm lược nước ta, do đặc điểm vùng Bắc Hà lúc ấy, khi Lê Chiêu Thống “rước voi về giày mồ”, Ngô Thì Nhậm với kế sách “cho giặc ngủ trọ một đêm”, quân ta tạm thời bỏ Thăng Long rút lui về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn, sau đó, bằng một cuộc phản công chiến lược chớp nhoáng, Quang Trung đã đập tan đạo quân xâm lược cùng bè lũ tay sai, làm nên chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long lịch sử, tiêu diệt 30 vạn quân Thanh trong mấy ngày đêm.

        Nhưng lịch sử cũng đã ghi lại những bài học cay đắng như thất bại của nhà Hồ ở thế kỷ XV và nhà Nguyễn ở thế kỷ 19. Cũng chỉ vì mang nặng tư tưởng phòng ngự đơn thuần tiêu cực, dựa vào thành quách để cố thủ của quân triều đình với chiến lược quân sự “kiên thủ chặn địch” mà đi đến thất bại. Tnrớc cuộc xâm lược của Na-pô-lê-ông, Ku-tu-dốp sau trận Bô-rô-đi-nô đã rút lui chiến lược, bỏ ngỏ thủ đô Ma-xcơ-va, thực hiện tiêu thổ kháng chiến (thanh dã), phát động chiến tranh du kích phía sau lưng địch, buộc Na-pô-lê-ông phải rút lui mà truy kích tiêu diệt quân đội Pháp.

        Lịch sử chiến tranh Xô Viết cho thấy, trong những năm chống phát xít Đức xâm lược 1941 - 1945, Liên Xô, lúc đầu, với ý đồ chiến lược chặn địch ở biên giới rồi nhanh chóng tiến công ra ngoài nước, đánh bại chiến tranh xâm lược, nhưng đã bị bất ngờ chiến lược, mất quyền chủ động chiến lược buộc phải chuyển sang phòng ngự chiến lược trong 2 năm 1941 - 1943, rồi mới phản công chiến lược và kết thúc chiến tranh bằng tiến công chiến lược năm 1945.

        Nói chung, trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc chống xâm lược dù có phòng ngự ban đầu, nhưng cuối cùng muốn giành thắng lợi, vẫn phải lấy phản công, tiến công làm chủ yếu. Nhưng phòng ngự ở đây phải là phòng ngự tích cực, phòng ngự có mối quan hệ chặt chẽ với phản công và tiến công. Nếu không, dù có vững chắc như chiến lũy Ma-gi-nô của Pháp cũng trở nên vô ích. Khi bàn về đặc điểm của phòng ngự chiến lược đối với sự phát triển nghệ thuật quân sự Xô Viết đồng chí Đại tướng M. Cô-dơ-lốp, Viện trưởng Học viện Bộ Tổng tham mưu Liên Xô có nêu: “Với tính thuyết phục của mình, chiến tranh chỉ ra rằng, tiến công chiến lược là loại hình chủ yếu, chỉ bằng tiến công kiên quyết mới có thể tiêu diệt được hoàn toàn quân địch, đập tan khả năng, tiếp tục chiến tranh của địch. Thế nhưng, trên các chiến trường lục địa riêng biệt hoặc là trên các hướng chiến lược, khi điều kiện tình huống không thuận lợi, khi quân địch có ưu thế rõ rệt về lực lượng và phương tiện, hoặc là địch giành được quyền chủ động chiến lược, thì phòng ngự chiến lược có thể xảy ra”1.

        Ngày nay, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), Nghị quyết 24 Bộ Chính trị về đường lối quân sự đã chỉ rõ cách đánh “Kết hợp các cách đánh tiến công, phản công và phòng ngự, lấy tiến công, phản công làm hình thức tác chiến chủ yếu của bộ đội ta. Tiến công và phản công giữ vai trò quyết định trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chỉ có tiến công, Phản công kiên quyết, chủ động, với quy mô ngày càng lớn mới thực hiện được tiêu diệt lớn quân địch, làm chủ chiến trường, làm chủ đất nước, mới thay đổi được so sánh lực lượng và cục diện chiến tranh, mới đập tan được ý chí xâm lược của địch và giành thắng lợi về ta”2.

        Như vậy, ta có thể đi đến một kết luận là trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, một cuộc chiến tranh mang tính chất phòng ngự nghiêm ngặt thì tiến công vẫn là hình thức tác chiến chủ yếu để đánh bại quân xâm lược, đuổi địch ra khỏi đất nước. Dù có dùng hình thức phòng ngự mang tính chất chiến lược chủ động như Lý Thường Kiệt đã làm, hoặc bắt buộc như Liên Xô năm 1941 đến 1943, thì đòn quyết định kết thúc chiến tranh vẫn phải là phản công, tiến công chiến lược.

--------------
        1. Tạp chí Quân đội nhân dân số 6-1982.

        2. Trích Nghị quyết 24 Bộ Chính trị, Đại hội Đảng lần thứ V.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:29:46 am »


MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA PHÒNG NGỰ
TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC.

        Trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã nêu: “Tổ chức phòng ngự phải kết hợp chặt chẽ hoạt động của các lực lượng trực tiếp bám giữ trân địa, phản kích, phản đột kích với các hoạt động tiến công của các lực lượng khác trên địa bàn tác chiến, nhằm chặn đứng, làm chậm từng bước tiến công của địch, giữ vững mục tiêu và địa bàn trọng yếu, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch tiến công, làm cho chúng suy yếu, sa lầy, tạo điều kiện và kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tiến công, phản công đánh bại hoàn toàn quân địch”. Như vậy, mục đích của phòng ngự trong chiếu tranh bảo vệ Tổ quốc là: chặn đứng hoặc kìm hãm từng bước tiến công của địch, giữ vững các khu vực trọng yếu có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch; tiêu diệt từng bộ phận quan trọng quân địch tiến công, làm chúng suy yếu, sa lầy, tạo điều kiện và kết hợp chặt chẽ với tiến công, phản công, đánh bại hoàn toàn quân địch.

        Tùy hoàn cảnh khác nhau mà đặt mục đích, nhiệm vụ cho bộ đội phòng ngự phù hợp với ý đồ của cấp trên. Thí dụ, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống phát xít Đức của Liên Xô, mục đích của phòng ngự là ngăn chặn bước tiến công của địch, tranh thủ thời gian để tổ chức phòng ngự trong chiều sâu. Sang giai đoạn II và III của cuộc chiến tranh, mục đích của phòng ngự thường là giữ vững địa bàn phòng ngự, đánh lui các đợt tiến công, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công hoặc cho chiến dịch phản công, tiến công tiếp nối, như những chiến dịch chiến lược ở vòng cung Cuốc-xcơ. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của ta, tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã chỉ ra là: “phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn quân và toàn dân, đánh bại các cuộc tiến công của địch ngay trên khu vực tuyến đầu (vùng biên giới và vùng ven biển), không để chúng mở rộng chiến tranh và quyết đánh bại chúng trong một thời gian ngắn”. Các chiến dịch phòng ngự cấp quân khu và quân đoàn với chiều sâu là chiều sâu của khu vực tuyến đầu cửa Tổ quốc nhằm mục đích chặn đứng quân địch trước khu vực phòng ngự của mình, tạo điều kiện cho phản công và tiến công đánh bại hoàn toàn quân địch. Mục đích của chiến dịch phòng ngự quân khu, quân đoàn do đó rất kiên quyết. Chiến dịch phòng ngự quân khu trên khu vực tuyến đầu có ý nghĩa chiến lược. Nó phải quán triệt tinh thần “tổ chức các khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận làm chủ trong từng địa phương và trong cả nước để tiến công tiêu diệt địch”, chứ không thể chỉ nhằm ngăn chặn bước tiến công của địch, tranh thủ thời gian để phòng ngự trong chiều sâu như của Liên Xô năm 1941 được.

        Kinh nghiệm cho thấy, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trong lịch sử chống xâm lược phong kiến thường diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, mà một phần cũng do nước ta đất đai không rộng và chiều sâu cũng không lớn (nhà Lý chống Tống khoảng 5 tháng, từ tháng 11-1076 đến tháng 3-1077; nhà Trần chống Nguyên - Mông lần thứ nhất hơn 1 tháng, từ tháng 1-1258 đến đầu tháng 2-1258, lần thứ hai, khoảng 6 tháng, từ tháng 2-1258 đến tháng 7-1285, lần thứ ba, khoảng 4 tháng, từ tháng 1-1288 đến tháng 4-1288; Tây Sơn chống Thanh, khoảng tháng rưỡi, từ 16 tháng 12- 1788 đến 30-1-1789; nhà Hồ chống xâm lược Minh cũng chỉ vài tháng là mất nước).

        Trong điều kiện hiện đại, khi quân đội có sức cơ động rất cao như trong chiến tranh Triều Tiên 1953, và các cuộc chiến tranh Ấn - Hồi (1975), I-xra-en - Li-băng (1984), chiến tranh vùng vịnh 1991 do có khả năng tiến công trên nhiều hướng xa nhau vào chiều sâu đất nước và có tốc độ tiến công nhanh, sức đột kích và hỏa lực mạnh của đối phương, nên chiến tranh có thể diễn biến nhanh và đột ngột. Do đó phòng ngự lại càng phải vững chắc và tiến công, phản công cũng phải có khả năng tiến hành ở quy mô chiến lược trong những tháng đầu của chiến tranh. Nó đòi hỏi phải có một thế trận chiến lược vừa vững chắc vừa cơ động cao. Tất nhiên, chúng ta cũng phải đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và thế trận để có thể đánh lâu và kiên quyết giành thắng lợi hoàn toàn trong tình huống chiến tranh kéo dài và mở rộng.

        Để đảm bảo yêu cầu trên, khu vực tuyến đầu phải phòng thủ vững chắc, tiến công kiên quyết, ghìm địch tại chỗ, chia cắt bao vây, tiêu diệt chúng, cả nước dồn sức chặn đánh địch, tiêu diệt địch, đánh bại chiến tranh xâm lược của địch ngay trên khu vực tuyến đầu (Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị).

        Do đó, lại càng không thể không nắm vững mục đích của chiến dịch phòng ngự quân khu, quân đoàn với tung thâm là tuyến đầu của Tổ quốc. Hơn nữa, với đặc điểm địa lý và kinh tế của nước ta, tung thâm đó còn mang ý nghĩa chiến lược. Vì vậy mục đích của chiến dịch phòng ngự quân khu phải là chặn đứng quân địch trên địa bàn quân khu, giữ vững mục tiêu và địa bàn trọng yếu, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch tiến công, làm cho chúng suy yếu, sa lầy, tạo điều kiện và kết hợp chặt chẽ với phản công, tiến công, đánh bại hoàn toàn quân địch. Chiến dịch phòng ngự quân khu, quân đoàn không phải chỉ để đánh lui tiến công, giữ vững địa bàn khu vực được giao, mà còn phải tạo điều kiện cho phản công chiến lược, tiến công chiến lược, phải chặn đứng quân địch lại, đánh bại địch trên một hướng chiến dịch, đặc biệt là trên hướng chủ yếu. Muốn vậy, ngay trong quyết tâm của chiến dịch phòng ngự đã phải hình thành những nhân tố cơ bản cho phản công và tiến công kế tiếp, từ đó nắm vững mục đích và nhiệm vụ để tổ chức phòng ngự cho đúng. Các cấp chỉ huy cần hết sức khách quan, trên cơ sở thực tế địch, ta, địa hình, mà xây dựng quyết tâm cho chính xác trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:34:42 am »

       
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÁNH BẠI HOÀN TOÀN QUÂN ĐỊCH
TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC

        Không thể không tiêu diệt lớn quân địch mà kết thúc được chiến tranh. Thực tế lịch sử của chúng ta đã chứng tỏ điều đó thí dụ như:

        - Lý chống Tống, ta đã diệt gần 40 vạn quân địch, thu hàng chục vạn tấn lương thực, khí giới chiến cụ.

        - Trần chống Nguyên - Mông:

              + Lần thứ nhất 1258: địch có 4-5 vạn quân, ta diệt.gần 3 vạn.

              + Lần thứ hai 1285: địch có 60 vạn quân, ta diệt gần 50

              + Lần thứ ba 1288: Địch có khoảng 50 vạn quân, ta diệt 30 vạn.

        - Quang Trung chống Thanh ta diệt gần 29 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị: (đi có 29 vạn tên, về còn 500 tên).

        Nhà Hồ để đất nước rơi vào tay quân Minh cũng chỉ vì phương châm chiến lược sai lầm, định dùng phòng ngự trong thành quách lớn, kiên cố để cố thủ, hãm chân địch, làm chúng nản chí mà buộc rút quân. Lịch sử chiến tranh thế giới cũng đã chứng minh nguyên tắc: chỉ có tiêu diệt lớn quân xâm lược mới bảo vệ được đất nước. Chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ kết thúc với thắng lợi của các nước bị xâm lược trên cơ sở lực lượng vũ trang của Đức, Ý, Nhật bị tiêu diệt về cơ bản trên các mặt trận Châu Âu, Châu Á và Thái Bình Dương.

       Phải có thế trận chiến lược đúng.

        Không thể tiêu diệt lớn quân xâm lược nếu không có thế trận đúng. Tiêu diệt địch ngay trên tuyến đầu, thời gian ngắn, thì tất nhiên lúc đó địch còn đông. Tuy nằm trong thế đông nhưng chúng không mạnh. Trong lịch sử chiến tranh, thế trận đó đã từng thể hiện trong các tình huống sau:

        - Khi địch phải chuyển từ tiến công sang phòng ngự.

        Như Quách Quỳ 1077, sau ba tháng xâm lược nước ta vẫn bị chặn đứng trước phòng tuyến sông Như Nguyệt, mặc dù đã vận dụng nhiều biện pháp, thủ đoạn, mở hai cuộc tiến công hòng chọc thủng phòng tuyến, nhưng đều thất bại nặng nề, buộc phải chuyển vào phòng ngự bị động ở phía Bắc sông Như Nguyệt.

        - Khi địch đã phải dừng lại trong thế phân tán không tập trung.

        Như Thoát Hoan năm 1285, mặc dù đã chiếm được Thăng Long, nhưng không thể nào kiểm soát nổi những vùng đã đi qua, tướng của Thoát Hoan là A-rich-kha-đai đã lập các đồn trại trên con đường từ Lạng Sơn đến Thăng Long. Cứ ba mươi dặm, chúng lập một trại, sáu mươi dặm dựng một trạm ngựa. Mỗi trại hoặc mỗi trạm có ba trăm quân đóng giữ. Ngoài ra, chúng còn dựng thêm nhiều đồn để đốc thúc công việc của các trại, trạm. Với việc xây dựng nhiều đồn trại như thế, không những không kiểm soát và khống chế được vùng sau lưng chúng, mà còn làm cho lực lượng bị phân tán. Các đồn trại đóng rải rác trên khắp miền đất rộng chỉ làm mục tiêu cho các cuộc tiến công của các đội dân binh địa phương hay những cánh quân của vua Trần ở lại tiếp tục hoạt động sau lưng địch.

        - Khi địch phải rút chạy.

        Như Thoát Hoan (1288), vì lương hết, không giao chiến được trận nào với chủ lực của ta, không bắt được vua Trần, lại có nguy cơ bị bao vây và bị tiến công, buộc phải rút lui khốn đốn trên con đường rút chạy khỏi biên giới nước ta, cũng như Na-pô-lê-ông (1810) trong cuộc chiến tranh ở nước Nga.

        - Trong tình thế địch còn đông nhưng lâm vào hoàn cảnh bất lợi không có tiếp tế hậu cần.

        Như năm 1077, đạo quân xâm lược của Quách Quỳ đã bị Lý Thường Kiệt đưa vào thế “cô quân”, phía trước là phòng tuyến Như Nguyệt, phía sau bị quân và dân ta đánh phá giao thông vận chuyển lương thực và thực hiện thanh dã. Năm 1288 Thoát Hoan bị thất bại, bởi ngay từ đầu cuộc chiến tranh đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị ta tiêu diệt, đồng thời ở những nơi nào địch tiến đánh, “người Giao Chỉ dấu hết thóc gạo rồi trốn đi”.

        Bị kéo xa tuyến xuất phát, như Na-pô-nê-ông, năm 1810 đã mang đạo quân viễn chinh sang đánh nước Nga, cách xa nước Pháp hàng ngàn ki lô mét; Quách Quỳ năm 1077 và Thoát Hoan năm 1288 cũng đều ở vào thế “cô quân”, cách xa tuyến xuất phát, trong khi tiếp tế hậu cần thì lâm vào tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng. Tinh thần sa sút do mệt nhọc và không thắng được trận quyết định nào như Thoát Hoan năm 1288, trong cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ ba. Đối với quân và dân ta, do đã có kinh nghiệm của hai lần chiến thắng trước, chúng ta đã tạo nên được một thế trận hiểm mà kẻ địch sa vào, đó là thế trận “thiên la địa võng”, địch có mắt cũng như mù, bị đẩy đến chỗ suy sụp ý chí.

        Bị bệnh tật, chết chóc do thời tiết khí hậu: như đạo quân chủ lực của Quách Quỳ (1077) gồm người phương Bắc vùng Thiên Tây, không quen thủy thổ, sang xâm lược nước ta vào khoảng tháng 2-3, lúc đó thời tiết oi bức, ẩm tháp, sinh nhiều bệnh tật “vì nóng nực và lam chướng, quan phu đã chết mất quá nửa rồi, còn non nửa cũng đều ốm”1; hoặc đối với đạo quân của Na-pô-nê-ông (1810), khi vào sâu trong đất Nga, vượt qua sông Nê-va, mệt mỏi vì chưa thắng được trận nào quyết định, lại gặp phải thời tiết giá lạnh rất khắc nghiệt... đã làm cho quân đội Pháp giảm sút rất nhanh khả năng chiến đấu và cơ động.

--------------
        1. Tống sử, theo cuốn “Lý Thường Kiệt” của Hoàng Xuân Hãn, Hà Nội, 1947, tập II, 294.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:37:56 am »


        Phải tạo ra được thời cơ chiến lược

        Thời cơ tiêu diệt địch là lúc địch bị động, sa sút, tinh thần, ý chí khó khăn về mọi mặt. Thời cơ do nhiều nhân tố phát triển đến độ chín muồi tạo thành, gồm cả nhân tố chủ quan và nhân tố khách quan, cả về ta và địch. Những nhân tố đó có quá trình phát triển và tác động lẫn nhau. Ta có thể nhận thức được xu thế phát triển của chúng.

        Muốn tạo và tận dụng thời cơ phải nắm vững các nhân tố đó, nắm được quy luật của chúng, phải có sự tác động chủ quan thúc đẩy chúng phát triển chín muồi, hạn chế những nhân tố không có lợi và ra sức chuẩn bị những điều kiện chủ quan để tận dụng thời cơ. Vì thế phải có lực lượng, có kế hoạch rõ, đặc biệt chú trọng sử dụng lực lượng dự bị mạnh để thực hành phản công và tiến công. Ngay khi tổ chức phòng ngự tại chiến tuyến sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt đã “tiết kiệm lực lượng”, tổ chức những đội dự bị mạnh gồm 20.000 quân của Hoàng Chấn và Chiêu Văn đóng quân ở Vạn Lý, vừa có khả năng cơ động để tiếp ứng cho Lý Kế Nguyên, vừa có khả năng làm lực lượng phản công trên hướng chủ yếu. Hoặc như cuộc kháng chiến lần thứ hai chống Nguyên - Mông năm 1285 của nhà Trần, với lực lượng dự bị chiến lược có tới 30 vạn quân, Trần Quốc Tuấn đã tổ chức một cuộc tiến công chiến lược của 3 đạo quân, vùa đánh chính diện kết hợp với bao vây, vu hồi tiêu diệt 60 vạn quân địch.

        Thời cơ có sự tác động mạnh mẽ của chủ quan. Thời cơ thuận lợi nhất là khi buộc địch rút và tiêu diệt địch khi chúng rút lui. Kinh nghiệm này đã diễn ra vào năm 1288, khi quân và dân nhà Trần đã tạo được thế chiến tranh nhân dân sâu hiểm, buộc quân Nguyên-Mông phải rút lui để ta tiêu diệt. Ở nước Nga năm 1810, một sự ngẫu nhiên trùng lặp mà Cu-tu-đốp cũng đẩy Na-pô-lê-ông vào thế buộc phải rút lui mà đi tới bị diệt vong. Còn đến năm 1944-1945, giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới lần thứ 2, bị thất bại nặng nề, quân phát xít Đức buộc phải rút lui, Hồng quân Liên Xô đã giáng những đòn quyết định, chôn vùi chủ nghĩa phát xít ngay tại hang ổ của chúng.

        Bài học về nghệ thuật nắm và sử dụng thời cơ đã được Đảng ta vận dụng một cách sáng suốt và tài tình, mà đỉnh cao là nghệ thuật nắm và sử dụng thời cơ chiến lược của trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân 1975. Thời cơ này đã được xác định trong quyết tâm của Bộ Chính trị tháng 1-1975. Đặc biệt, sau chiến thắng Buôn Ma Thuộc và Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã xác định thời cơ chiến lược mới trên cơ sở các yếu tố sau:

        - Tinh thần quân ngụy đã có bước sa sút mới, đòn Tây Nguyên làm rung động cả nông thôn và đồng bằng đô thị.

        - Ta đã phá vỡ thế chiến lược phòng ngự của địch được xây dựng từ 20 năm nay, buộc địch phải điều chỉnh việc bố trí chiến lược.

        - Bộ máy chỉ huy của quân ngụy đã bắt đầu rối loạn và mất hiệu lực, có triệu chứng bước đầu của sự tan rã và suy sụp lớn.

        - Khả năng can thiệp của Mỹ một lần nữa tỏ ra rất hạn chế.

        - Ta còn sung sức, khí thế ngày càng cao, lực lượng và khả năng chiến đấu tăng thêm, đã tạo ra một thế chiến lược mới rất cơ động và có lợi, trình độ chiến đấu của chủ lực đã có bước phát triển mới.

        Như vậy, đến ngày. 24-3-1975, tổng số quân địch tuy còn đông (trên 60 vạn, trong đó có 30 vạn quân chủ lực gồm 10 sư đoàn và 8 trung đoàn), nhưng thế và tinh thần của quân địch đã suy yếu. Thời cơ chiến lược được tạo ra do hành động tích cực chính xác của ta thể hiện chủ yếu ở đòn tiêu diệt lớn ở Tây Nguyên. Điều đó còn do địch phạm sai lầm nghiêm trọng về chiến lược: vội vã rút bỏ Tây Nguyên một cách thiếu tổ chức.

        Thời cơ chỉ xuất hiện trong một thời gian nhất định, cho nên kịp thời nắm thời cơ chiến lược là một vấn đề quyết định của thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:39:54 am »


        Phải có khu vực quyết chiến chiến lược và kế hoạch quyết chiến chiến lược được xác định đúng đắn và chuẩn bị từ trước khi nổ ra chiến tranh.

        Muốn vậy yêu cầu quyết tâm chiến lược là:

        Phải nắm chắc địch: Quân xâm lược thường được trang bị hiện đại, có tiềm lực kinh tế, có thể từ đất liền, từ biển, từ trên không tiến vào nước ta, vì vậy:

        Thời gian chuẩn bị của chúng không cần dài, nên ta cần chú ý đề phòng địch tiến công bất ngờ. Điểm lại lịch sử về vấn đề này ta thấy:

        - Để xâm lược nước ta nhà Tống chuẩn bị 1 năm kể từ khi chọn tướng, điều quân (2-2-1076), đến khi đại quân vượt biên giới (11-2-1076).

        - Đế quốc Mông - Nguyên đầu năm 1287 ra lệnh chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ ba, tháng 6-1287 quân tới Tĩnh Giang (Quế Lâm), tháng 9-1287 tập trung 300 chiến thuyền ở Khâm Liêm; 11-12-1287 cánh quân Vân Nam đã vượt biên giới đến Bạch Hạc, thời gian cũng mất khoảng 1 năm.

        Địch tiến quân trên nhiều hướng, kết hợp tiến công chính diện với bao vây vu hồi sâu trên đất liền, trên biển, đánh nhiều hướng, cả Bắc, Nam, Đông, Tây. Tất nhiên từ phía Bắc và trên hướng đất liền là hướng tiến công chủ yếu. Nhưng có thể cả từ phía Nam tới, như cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông 1285, hoặc từ hướng Biển Đông vào như cuộc xâm lược của Nguyên - Mông 1288. Trên hướng đất liền là hướng chủ yếu thì cũng đánh bằng nhiều mũi và nhằm vào trung tâm là Thăng Long (Hà Nội).

        Địch tập trung trên hướng chủ yếu mà con đường ngắn nhất từ biên giới Trung - Việt đến thủ đô của ta là đường số 1 và số 13.

        Thời Tống xâm lược, Quách Quỳ tập trung toàn bộ lực lượng tiến công theo hướng đường thiên lý (số 1), cánh chủ yếu theo đường số 1 và một cánh yểm hộ theo đường Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn). Thời Nguyên - Mông xâm lược, năm 1285 Thoát Hoan tập trung 50 vạn quân tiến theo hai trục đường số 1 và số 13, đến năm 1288 chúng cũng vẫn tiến quân theo hai đường đó và có thêm một lực lượng theo đường Hà Tuyên - Việt Trì và một lực lượng theo đường biển.

        Địch có khả năng huy động lực lượng ưu thế hơn ta. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật mang tính chất lịch sử khi mà bên cạnh đất nước ta kẻ xâm lược là một nước lớn, dân đông.

        - Lý chống Tống: ta 10 vạn, địch 40 vạn.

        - Trần chống Nguyên – Mông:

        Năm 1285: ta 30 vạn, địch 60 vạn.

        Năm 1288: ta 30 vạn, địch 50 vạn.

        - Quang Trung chống Thanh: ta 10 vạn, địch 30 vạn.

        - Tháng 2-1979: địch 32 sư đoàn, ta có 10 sư ở miền Bắc, còn trên từng hướng, từng khu vực tác chiến, thường quân địch ưu thế hơn ta từ 3 đến 4 lần, như ở Cao Bằng, địch 7 sư đoàn, ta 2 sư đoàn; ở Phong Thổ, địch có 4 sư đoàn, ta 1 sư đoàn; tại Lạng Sơn, địch 8 sư đoàn, ta lúc đầu chỉ có 1 sư đoàn.

        Tóm lại, nếu chiến tranh xâm lược xảy ra, ta có thể thấy tư tưởng quân sự của đối phương sẽ được thực hiện thông qua các hành động sau:

        Tập trung ưu thế binh hỏa lực và phương tiện.

        Thực hiện kết hợp tiến công chính diện với bao vây vu hồi, chia cắt.

        Tiến công bất ngờ với tốc độ cao.

        Liên tục nhiều thê đội, tiến nhanh, vào sâu.

        Kết hợp tiến công quân sự với bạo loạn lật đổ

        Phải nắm chắc địa lý quân sự Việt Nam:

        Trước một kẻ địch mạnh, đông quân, liền đất, liền trời, liền biển với ta, kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra là thường ta phải chặn đánh từ biên giới, trên Biển Đông. Nhưng những khu vực quyết chiến tiêu diệt địch, đánh bại quân địch thường diễn ra xung quanh khu vực Chũ, Chi Lăng, Phả Lại, Bắc Hà Nội.

        - Quân Quách Quỳ (1077) bị đánh bại trước phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu).

        - Quân của Thoát Hoan (1285) bị đánh bại từ Thăng Long, nơi diễn ra các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, đến Bắc Giang với trận đánh của Hoài văn hầuTrần Quốc Toản và Vạn Kiếp với các trận ở Quế Võ và sông Sách (sông Thương) của Trần Quốc Tuấn.

        - Quân của Tôn Sĩ Nghị (1788) bị diệt ở Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long, Phượng Nhỡn.

        Khu quyết chiến này bao gồm các yếu tố:

              + Địch không phát huy được sức mạnh lúc mới xuất quân, thế hăng hái lúc ban đầu, lúc tập trung, khí thế cao, gần nơi xuất phát, lương thực còn nhiều và dễ dàng bảo đảm khi vẫn còn gần nước địch. Cho nên, thường các trận đánh sát biên giới không thể là những trận quyết chiến, những trận thắng lớn, mà chỉ có thể là những trận có tính chất tạo thế, tiêu hao, làm chậm bước tiến của địch.

              + Địch bị động phân tán, tiến công không thắng, lực lượng hao mòn, quân lính mệt mỏi, bị bao vây chia cắt, phân tán, bị cắt tiếp tế giao thông, buộc phải chuyển sang phòng ngự một cách bị động.

              + Ta có điều kiện đột phá kết hợp với bao vây vu hồi chiến lược. Ta lại có 6 con sông có thể cơ động lực lượng, thực hiện bao vây vu hồi, đánh vào bên sườn, kết hợp đột phá từ chính diện. Như trong chiến tranh 1285, cánh quân của Trần Quang Khải đột phá theo sông Hồng vào Thăng Long, cánh quân của Trần Hưng Đạo bao vây vu hồi ở Vạn Kiếp, tiêu diệt quân Nguyên - Mông; hoặc như Nguyễn Huệ đánh bại Tôn Sĩ Nghị năm 1768 bằng 5 cánh quân, kết hợp đột phá Ngọc Hồi, vu hồi vào Đống Đa, phát triển vào Thăng Long, đồng thời bao vây chiến lược bên sườn ở Hải Dương và phía sau ở Bắc Giang theo cửa sông Hồng và sông Thái Bình vào Lục Đầu Giang từ cửa biển tiến vào, hình thành thế bao vây chia cắt quân địch, trong chiều sâu thế trận chiến lược của địch.

              + Ta có điều kiện tạo thế đánh sau lưng địch khi địch đã tiến qua, như thời Lý chống Tống: Thân Cảnh Phúc dựa vào các khẩu ải và động giáp, thường xuyên đánh vào đội hình phía sau lưng địch, cắt phá đường vận chuyển lương thực chiến lược của địch khi đội hình của chúng đã vượt qua.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:41:24 am »


        Đến thời nhà Trần chống quân Nguyên - Mông, khi đội hình quân địch đã vượt qua, năm 1285, ta vẫn có các trận đánh lớn của Nguyễn Lộc ở Lạng Sơn, hoặc năm 1288 có trận đánh lớn ở Nội Bàng (1-2-1288), trận đánh ở ba cửa sông (sông Bình Than, sông Cầu, sông Thương) khi Thoát Hoan rút khỏi Thăng Long.

        Một vấn đề nữa không thể quên được là địa hình của hầu hết các tỉnh biên giới phía bắc nước ta là địa hình rừng núi. Đặc điểm tác chiến ở rừng núi khó cho việc triển khai lực lượng và binh khí kỹ thuật, hơn nữa khó sử dụng lực lượng tập trung và phát huy sức mạnh, hiệu quả của các loại vũ khí. Tuy nhiên, khi bàn về chiến tranh ở miền núi Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Phòng ngự không được chỉ mang tính chất phòng ngự, nó phải lấy sức mạnh của nó trong tính linh hoạt và bất kỳ ở đâu mà điều kiện cho phép, thì người phòng ngự bao giờ cũng phải hành động tiến công”. Theo Ph. Ăng-ghen, “ưu thế duy nhất mà một đạo quân phòng ngự có thể lợi dụng được, là ở chỗ tìm ra những nhược điểm đó của quân thù và lao vào quãng giữa những đội quân phân tán của chúng. Trong trường hợp đó, những vị trí phòng ngự mạnh mẽ mà một cuộc phòng ngự thụ động sẽ trông mong độc vào chúng thôi, thì sẽ trở thành những chiếc cạm bẫy đối với quân thù, ở đấy có thể thu hút chúng vào bằng cách bắt chúng đánh đòn chủ yếu đúng vào những điểm đó, trong lúc những cố gắng chính của phòng ngự lại nhằm chống lại các đơn vị đang thực hiện việc đánh bọc, mỗi một đơn vị này đến lượt mình lại có thể bị đánh bọc và rơi vào đúng tình hình không lối thoát mà nó định đặt phía phòng ngự vào”1.

        Như vậy, chiến dịch phòng ngự quân khu, quân đoàn ở trên tuyến đầu mà địa bàn của nó lại trùng hợp với yêu cầu của chiến lược là phải đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược ở đó thì tính kiên quyết của nó phải hết sức cao. Nó phải bảo đảm các điều kiện cần thiết cho phản công và tiến công chiến lược giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian ngắn. Đây là một vấn đề cực kỳ khó khăn mà trong đó đòi hỏi nó phải đáp ứng được những yêu cầu rất khe khắt, thậm chí mâu thuẫn gay gắt với nhau. Cụ thể là nó phải tiêu diệt được bộ phận quan trọng của địch, làm chúng suy yếu, sa lầy tạo điều kiện và kết hợp chặt chẽ với hoạt động tiến công, phản công. Trên cơ sở yêu cầu chiến lược này mà xác định quyết tâm chiến dịch phòng ngự cấp quân đoàn, quân khu ở trên tuyến đầu cho phù hợp với tình huống diễn ra trong thực tế. Vì thế nội dung của quyết tâm phải bao hàm những bước chuẩn bị hết sức quan trọng cho phản công và tiến công. Hay nói một cách khác là phải kết hợp nhuần nhuyễn ý định phòng ngự với phản công và tiến công, trong đó phản công và tiến công là chủ yếu, phòng ngự là quan trọng.

        Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, muốn chiến thắng quân xâm lược phải nắm vững việc vận dụng kết hợp các cách đánh của chiến tranh nhân dân; phải dựa trên cơ sở quán triệt tư tưởng tiến công, nắm vững chiến lược quân sự làm chủ và tiến công, tiến công và làm chủ, nắm vững các phương thức tác chiến và tình hình mọi mặt của chiến tranh; phải căn cứ vào tình hình cụ thể về lực lượng so sánh giữa ta và địch về thế trận và địa hình trong từng tình huống chiến tranh và trên từng địa bàn tác chiến để có quyết tâm chính xác, sử dụng sáng tạo các lực lượng, các thứ quân dựa trên thế trận đã được chuẩn bị sẵn và ngày càng được củng cố, kết hợp chặt chẽ và linh hoạt tiến công, phản công và phòng ngự một cách có hiệu quả nhất, nhằm làm thất bại mọi chủ trương, biện pháp chiến lược và mọi thủ đoạn chiến dịch, chiến thuật của kẻ thù, giành thắng lợi về ta.

        Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nếu xảy ra sẽ là một cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại cao với quy mô lớn về lực lượng và phương tiện được huy động của cả hai bên địch và ta. Trên cơ sở cách đánh chung của Bộ Chính trị nêu trong đường lối quân sự của Đảng, phải có phương thức tiến hành chiến tranh về chiến lược, phải tìm ra cách đánh của từng quân chủng, từng thứ quân trong mọi thế trận chiến lược đã được xác định.

        Đó là trách nhiệm của Đảng ủy quân sự Trung ương, của Bộ Quốc phòng, của các cơ quan chiến lược của các quân khu quân đoàn và cũng là của toàn thể cán bộ cao cấp trong quân đội. Quán triệt các cách đánh trong đường lối quân sự là phải trên cơ sở tìm ra cách đánh sáng tạo về chiến lược và cách đánh cụ thể về chiến dịch mà chiến đấu, đó là một trọng trách của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.

---------------
        1. Ph. Ăng-ghen, Bàn về chiến tranh nhân dân, NXB Sự thật Hà Nội, 1970, trang 110.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:42:25 am »


BÀN VỀ MẤY VẤN ĐỀ TÁC CHIẾN TRÊN ĐỊA HÌNH RỪNG NÚI

        Địa hình rừng núi nước ta kéo dài từ Đồng Văn (Hà Tuyên) đến cực nam Trung Bộ. Rừng núi chiếm hơn 3/4 diện tích cả nước, trong đó có khoảng 40% diện tích là địa hình núi; chỉ có 1/4 là địa hình đồng bằng. Thảm thực vật thường là rừng tự nhiên, cây cối không đồng nhất. Viền quanh biên giới nước ta với Trung Quốc, với Lào, hầu hết là địa hình rừng núi.

        Trong lịch sử nước ta, một trong những chiến trường chủ yếu để diệt địch cũng là chiến trường rừng núi. Nhiều chiến thắng lịch sử có tính chất chiến lược đã diễn ra ở đây như: chiến thắng Chi Lăng (1427), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), chiến dịch Tây Nguyên (1975)...

        Địa hình rừng núi từ biên giới phía bắc và phía tây chuyển tiếp tới vùng đồi trung du là tấm áo giáp ôm lấy đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Thanh Hóa và là nơi tựa lưng cho các đồng bằng miền Trung. Ngày nay, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ta có thể dựa vào tấm áo giáp rừng núi chặn đánh địch từ biên giới phía bắc theo đường bộ đánh xuống, phía tây đánh sang, không cho chúng vào sâu đất liền.

        Địa hình rừng núi là địa hình đặc biệt đối với nhiều nước, nhưng lại là địa hình cơ bản và phổ biến ở Việt Nam. Ngược lại địa hình mấp mô trung bình là địa hình cơ bản và phổ biến ở nhiều nước, nhưng lại là địa hình không phổ biến ở nước ta.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM