Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:30:19 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam  (Đọc 54780 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:13:23 am »


        Như vậy nghệ thuật “lấy thế thắng lực” là nhằm lập được thế ta, phá được thế địch, phải buộc địch đánh theo cách đánh của ta, bị điều khiển theo ý muốn của ta, mà ta lại tập trung được đánh đòn chủ yếu vào nơi hiểm yếu, trong lúc chúng phải phân tán. Các mặt mạnh của địch thì bị kìm chân, các mặt yếu bị ta khoét sâu, sở đoản của ta thì được khắc phục, sở trường lại được phát huy.

        Thế trận vận động, chuyển hóa trên toàn chiến trường cbứ không tĩnh tại. Nó tạo ra sự phát triển dây chuyền từ phá vỡ địch đến khuếch trương thắng lợi và tiêu diệt địch, thời cơ địch ở thế thất bại rõ ràng, nguy cơ bị tiêu diệt bầy ra trước mắt, trong thế hoang mang rối loạn cao độ, không có cơ cứu vãn, nếu bị bồi ngay một đòn giáng quyết định cuối cùng.

        Tóm lại:

        Trong chiến tranh, đấu tranh vũ trang là hình thức đấu tranh đặc trưng, mà lực lượng vũ trang bao giờ cũng đóng vai trò quyết định, quân đội nhất là bộ đội chủ lực luôn giữ vai trò chủ yếu trong việc tiêu diệt lực lượng đối phương.

        Do đặc điểm cơ bản của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giải phóng dân tộc của Việt Nam là luôn luôn phải chống kẻ thù xâm lược mạnh hơn, phải lấy ít địch nhiều lấy nhỏ đánh lớn cho nên dân tộc Việt Nam đã tạo ra một nghệ thuật quân sự riêng của mình qua mấy nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm.

        Lịch sử Việt Nam chứng minh khi nào phát huy được nghệ thuật đánh giặc giữ nước truyền thống thì thắng.

        Nghệ thuật đó được tập trung vào hai đặc trưng:

        Một là, Nghệ thuật của toàn dân đánh giặc của chiến tranh nhân dân, lấy lực lượng vũ trang có chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc để chống lại những đội quân đông hơn, được trang bị tốt hơn của những nước có tiềm lực mạnh hơn. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, đấu tranh toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa tư tưởng, binh địch vận, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, và khởi nghĩa của quần chúng nhân dân là quy luật phát huy sức mạnh tổng hợp, là nguyên tắc.

        Hai là, do lực lượng thường thua kém địch về số lượng và trang bị, nên nghệ thuật lấy thế mạnh để với lực nhỏ hơn thắng lực lớn hơn, là truyền thống quân sự của Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát là “lấy thế thắng lực”. Đặc trưng chủ yếu của nghệ thuật này:

        - Tinh thần yêu nước của toàn dân, khí thế cao của lực lượng vũ trang bao gồm cả tinh thần chiến đấu, trình độ kỹ chiến thuật, tài nghệ chỉ huy theo quan điểm quý hồ tinh bất quý hồ đa, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.

        - Phát huy cái mạnh và cách đánh sở trường của ta không cho địch phát huy cái mạnh, cái sở trường của chúng, lấy cái mạnh của ta đánh thẳng vào chỗ yếu của địch mà Trần Hưng Đạo đã khái quát ngắn gọn “địch cậy trường trận, ta cậy đoản binh - dĩ đoản chế trường là lẽ thường của binh pháp”.

        - Nghệ thuật đánh địch một cách chủ động tích cực mưu trí linh hoạt, sáng tạo, bí mật bất ngờ, luôn nghi binh lừa địch, điều địch vào thế bị bất ngờ, thế bất lợi, thế bí, buộc địch đánh theo cách đánh của ta.

        - Tư tưởng tiến công là tư tưởng chỉ đạo trong mọi hình thức tác chiến, tiêu diệt địch là mục tiêu trong tác chiến để đạt mục đích.

        - Tập kích, phục kích là hình thức chiến thuật phổ biến theo quan điểm:

                         “Yếu đánh mạnh hay đánh bất ngờ,
                           Ít địch nhiều thường dùng mai phục”.


        Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam do quá trình lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, thường là kẻ địch mạnh hơn nên có những nét đặc sắc riêng của nó. Ngoài những điểm riêng, nghệ thuật quân sự của ta vẫn phải theo những nguyên tắc chung phù hợp với quy luật của chiến tranh và đấu tranh vũ trang mà mọi lực lượng vũ trang trong hành động tác chiến phải tuân theo.

        Phải phát huy được nghệ thuật quân sự độc đáo này trong tác chiến với kẻ thù mạnh, hiện đại, có vũ khí chính xác, uy lực lớn và có sức cơ động cao, có đủ phương tiện hiện đại để phát hiện đối phương và có sức mạnh về chiến tranh điện tử hơn hẳn là một yêu cầu hết sức cấp thiết đối với quân đội Việt Nam.

        Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong cuốn sách về bài giảng “đường lối quân sự của Đảng”.

        “Điểm nổi bật trong chỉ đạo chiến tranh của ta là phải biết phát huy cái mạnh và cách đánh sở trường của ta, không cho địch phát huy cái mạnh và cách đánh sở trường của chúng, lấy cái mạnh của ta đánh thẳng vào chỗ yếu của địch, liên tiếp phá tan âm mưu chiến lược của chúng”1.

-----------
       1. Võ Nguyên Giáp, bài giảng về “đường lối quân sự của Đảng”, Viện khoa học quân sự, 1977, trang 404.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:15:47 am »


II

MẤY VẤN ĐỀ VỀ ĐỊA LÝ QUÂN SỰ VIỆT NAM

        Như mọi người đều biết, những phương pháp tiến hành chiến tranh, quá trình và kết cục của chiến tranh phụ thuộc vào trình độ xã hội, chính trị và kinh tế của các nước tham chiến, vào trình độ phát triển khoa học, tinh thần của nhân dân và sức mạnh của các lực lượng vũ trang. Nhưng các điều kiện tự nhiên và mức độ chuẩn bị vùng lãnh thổ mà ở đó có thể xảy ra các hoạt động tác chiến cũng ảnh hưởng rất quan trọng đến cuộc đấu tranh vũ trang.

        Chiến tranh hiện đại là một hiện tượng xã hội phức tạp, nó đụng chạm đến mọi mặt đời sống và hoạt động của cả nước cũng như của liên minh nhiều nước. Nếu chiến tranh thế giới xảy ra, nó sẽ là cuộc xung đột vũ trang quyết liệt giữa hai hệ thống xã hội đối địch trên thế giới. Cuộc chiến quy mô lớn xâm lược nước ta nếu xảy ra, cũng có tính chất phức tạp và hủy hoại lớn. Với tính chất của một cuộc chiến tranh như thế thì tri thức của khoa học quân sự không thể chỉ giới hạn ở những phương thức tiến hành đấu tranh vũ trang, mà khoa học quân sự còn phải quan tâm đến những khả năng chính, kinh tế, tinh thần và quân sự của các nước như của liên minh các nước, phải quan tâm đến những điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh xã hội ở các vùng có thể xảy ra tác chiến.

        Những yêu cầu trên đây phải được các ngành khoa học, trong đó có địa lý quân sự, cùng nghiên cứu. Do đó, nghiên cứu địa lý quân sự Việt Nam chính là góp phần giải đáp những vấn đề mà khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự đề ra.

        Từ những điều kiện tự nhiên, điều kiện chính trị - quân sự và kinh tế - quân sự của đất nước Việt Nam, có thể rút ra những kết luận về ảnh hưởng của nhân tố địa lý quân sự đến các hoạt động quân sự dưới đây.

VIỆT NAM GIŨ VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC QUAN TRỌNG TRONG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á VÀ ĐẶC BIỆT LÀ Ở ĐÔNG DƯƠNG

        Về vị trí địa lý, Việt Nam nằm ở phía Đông của bán đảo Đông Dương kéo dài từ bắc xuống nam theo chiều dài của bán đảo, là cửa ngõ của Đông Nam Á; là cái cầu nối liền phần lục địa của Đông Nam Á với các quần đảo bao bọc quanh biển Đông; là đầu mối giao thông quan trọng của những con đường biển quốc tế đi từ Ấn Độ Dương lên phía Bắc Thái Bình Dương, từ bán đảo Đông Dương đến các quần đảo ở châu Đại Dương và khống chế một ngã tư đường biển trọng yếu. Một đầu của đất nước nằm ở phía Bắc của bán đảo Đông Dương, Việt Nam có tác dụng án ngữ các con đường từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á. Chiều dài của đất nước nằm ở phía Đông của bán đảo, Việt Nam như một chiếc áo giáp che chở cho Lào và Cam-pu-chia ở hướng biển Đông.

        Về chính trị, Việt Nam là một nước ở Đông Nam Á đã đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ là đế quốc Pháp và Mỹ nên cách mạng Việt Nam có tác động đến Lào và Cam-pu-chia và có ảnh hưởng đến phong trào cách mạng ở các nước Đông Nam Á.

        Từ xưa đến nay, bất cứ một tên xâm lược nào, dù là ở phương Bắc hay là các nước ở phương Tây, có tham vọng bành trướng ra vùng Đông Nam Á đều coi chiến trường Đông Dương là một địa bàn cần chiếm lấy để cướp đoạt những tài nguyên giầu có, dùng xứ sở này làm nơi cung cấp cho chiến tranh và làm bàn đạp đánh ra các nước ở Đông Nam Á. Do đó đối với các nước trên bán đảo Đông Dương, nếu kẻ địch đã thôn tính được nước này thì cũng đồng thời sẽ uy hiếp nước kia.

        Chính vì thế mà ba dân tộc Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã từng chiến đấu bên nhau để bảo vệ sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình.

        Ngày nay, ba dân tộc Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã giành được độc lập hoàn toàn, có nhà nước của mình. Cho nên mối quan hệ chiến lược giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương trong điều kiện mới là một yêu cầu tất yếu của cả ba nước, là nhân tố quan trọng bảo vệ hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:17:04 am »


ĐỊA HÌNH CHỦ YẾU Ở VIỆT NAM

        Ở Việt Nam, rừng núi chiếm 3/4 diện tích đất liền, gồm có nhiều vùng:

        Vùng Đông Bắc nằm ở phía tả ngạn sông Hồng, độ cao từ 200 đến 1.000 mét, phần lớn là 500 mét; khu vực thượng lưu sông Chảy, sông Lô, sông Gấm tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cao trên 1.000 mét, có những đỉnh cao trên 2.000 mét, là khu vực cao nhất vùng Đông Bắc. Độ chia cắt sâu tới 700 - 800 mét, sông suối cách nhau 500 - 600 mét.

        Vùng Tây Bắc nằm ở phía hữu ngạn sông Hồng, là vùng núi cao nhất cả nước, phần lớn có độ cao trên dưới 1.500 mét.

        Dải núi Hoàng Liên Sơn kéo dài 180 km với những đỉnh cao trên dưới 3.000 mét; dải núi sông Mã dọc theo biên giới Việt - Lào dài 500 km với những đỉnh cao tới 1.800 mét và vào đến Thanh Hóa, Bắc Nghệ An vần còn cao tới 1.000 - 1.500 mét. Nằm kẹp giữa hai dải núi trên là dải Cao nguyên đá vôi xen kẽ núi, rộng 10 - 25 km, dài 400 km từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Thanh Hóa, cao trên dưới 1.000 mét.

        Độ chia cắt sâu ở Tây Bắc từ 750 - 1.000 mét, sông suối cách nhau 600 - 750 mét. Vùng Trường Sơn Bắc từ thung lũng sông Cả đến đèo Hải Vân, nằm trong một địa bàn hẹp bề ngang nhất cả nước, là vùng núi thấp, hiểm trở với sườn phía Đông dốc mạnh chạy sát ra tới biển; sườn phía Tây thoải dần về phía sông Mê Công. Độ cao từ 800 đến 2.000 mét. Độ chia cắt sâu từ 500 đến 1.000 mét, sông, suối cách nhau 450 đến 600 mét.

        Vùng Trường Sơn Nam và Tây Nguyên từ đèo Hải Vân đến hết cực Nam Trung Bộ gồm có núi xen kẽ các sơn nguyên và cao nguyên. Các cao nguyên phía Tây (Tây Nguyên) có độ cao khoảng 700 - 800 mét, dải núi chạy dọc rìa phía Đông của Tây Nguyên, cao trên 1.500 mét.

        Trong các vùng rừng núi, những núi cao trên dưới 1.000 mét thường tập trung thành những khu vực lớn ở Hoàng Liên Sơn, thượng nguồn sông Chảy, dãy núi sông Mã, vùng cực Nam Trung Bộ; những núi thấp dưới 1.000 mét phân bố chủ yếu ở Đông Bắc, phần Tây Nam của vùng Tây Bắc, ở Trường Sơn Bắc và một phần ở cực Nam Trung Bộ.

        Rừng ở nước ta bị khai phá nghiêm trọng, hiện nay rừng còn che phủ khoảng 30% diện tích cả nước với nhiều kiểu rừng khác nhau, từ rừng lá kim, rừng lá bản đến rùng hỗn hợp, rừng tre nứa và các loại rừng hình thành trong những điều kiện đặc biệt như rừng gỗ chai, gỗ nghiến trên núi đá vôi, rừng đước, vẹt trên đất mặn. Trong rừng thường nhiều tầng cây (nhiều nhất là 5 tầng cây), nhiều dây leo chằng chịt và mặt đất trong rừng hầu như bị phủ kín.

        Viền quanh biên giới nước ta với Trung Quốc và Lào hầu hết là địa hình rừng núi. Địa hình rừng núi từ biên giới phía Bắc và phía Tây chuyển tiếp tới vùng đồi trung du là tấm áo giáp ôm lấy đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Thanh Hóa và là nơi tựa lưng cho các đồng bằng miền Trung.

        Vùng đồi trung du cao từ 100 - 500 mét phân bố chủ yếu ở rìa Tây Bắc và Bắc của đồng bằng Bắc Bộ và rìa phía tây của đồng bằng miền Trung. Vùng đồi trung du bị khai phá từ lâu đời, lớp phủ rừng tự nhiên bị hủy hoại mạnh, nay chỉ còn lại lớp phủ tre nứa, cọ và sim, mua; nhiều nơi đồi bị trọc hoàn toàn. Đây là vùng thuận lợi để triển khai binh lực lớn, nó có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng thủ bảo vệ đồng bằng và chi viện cho các vùng biên giới của đất nước. Tuy nhiên, diện tích cửa vùng đồi trung du không lớn, đáng kể là vùng đồi trung du Bắc Bộ (Phúc Yên, Bắc Ninh, Nam Bắc Giang và Nam Thái Nguyên).

        Vùng đồng bằng chỉ chiếm gần 1/4 diện tích cả nước, phần lớn là những đồng bằng nhỏ hẹp, nằm giáp biển và có xu thế đang mở rộng ra phía biển như đồng bằng Bắc Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long (hàng năm mở rộng ra phía biển gần 100 mét). Từ Bắc vào Nam là đồng bằng Bắc Bộ, diện tích 15.000 km2, gồm hai bộ phận: đồng bằng sông Thái Bình và đồng bằng sông Hồng, nằm lọt giữa các vùng đồi núi bao quanh, trừ phía Đông giáp với biển Đông; đồng bằng Thanh Hóa rộng 3.100 km2, ngăn cách với đồng bằng Bắc Bộ bởi dãy núi đá vôi Tam Điệp; đồng bằng miền Trung kéo dài trên 1.000 km theo dọc bờ biển, gồm các đồng bằng Nghệ Tĩnh rộng 3.400 km2; Nam Nghệ Tĩnh, 4.350 km2; Bình Trị thiên, 2.150 km2; Phú Khánh, 1.220 km2; Thuận Hải, 530 km2. Những đồng bằng này thường phân cách nhau bởi những dãy núi chạy theo hướng Tây - Đông và có thể lan sát ra tận biển như dãy Hoành Sơn, Bạch Mã. Cuối cùng là đồng bằng Nam Bộ, diện tích 63.000 km2, gồm 2 bộ phận: đồng bằng cao miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tuy hai đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ lớn hơn cả, nhưng so với các phương tiện hỏa lực hiện đại thì cũng không phải lớn. Đồng bằng của ta phần lớn là cấy lúa nước, có nhiều vùng lầy, trũng, ngập nước. Mạng lưới sông ngòi ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, trung bình 5 - 15 km có một sông rộng trên 20 mét, 2 - 5 km có một sông rộng trên 10 mét, 1 - 2 km lại có một mương máng rộng dưới 10 mét. Ở đồng bằng sông Cửu Long lại có thêm mạng lưới kênh, lạch chằng chịt, mật độ trung bình 2km/km2, có nơi 2 - 3km/km2, dọc bờ biển, cứ 20 km lại có gặp một cửa sông. Mạng lưới đường sá ở đồng bằng tuy có phát triển hơn ở vùng núi, nhưng phát triển cũng không đều, chất lượng còn kém, lại phải vượt qua nhiều cầu, phà, nên sử dụng xe tăng, xe cơ giới bị hạn chế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:17:31 am »


        Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam từ xa xưa cũng như trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chiến trường chủ yếu để tiêu diệt địch cũng thường diễn ra ở rừng núi. Nhiều chiến dịch có tính chất chiến lược đã diễn ra ở vùng rừng núi như chiến thắng Chi Lăng năm 981, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Cũng có một số đòn chiến lược quyết định diễn ra ở vùng đồng bằng như trận đại phá quân Thanh tại Thăng Long của Quang Trung năm 1789, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.

        Do vậy, ở Việt Nam, địa hình rừng núi là địa hình cơ bản và phổ biến.

        Đặc điểm địa hình rừng núi ở nước ta là bị chia cắt lớn: núi cao, vực sâu, khe núi hẹp, nhiều sông, suối (trung bình 3 - 10 km đường lại có một chướng ngại nước), rừng dày, rậm rạp; đường sá kém phát triển: đường sắt, đường ô-tô còn ít (mật độ đường ô-tô chưa tới 100m/km2), chất lượng đường kém, hay bị sụt lở, dễ gây ùn tắc. Các trục đường thường chạy theo hướng các thung lũng sông lớn (hướng Tây Bắc - Đông Nam) như sông Hồng, sông Đà, sông Mã... tạo nên những con đường độc đạo chạy từ biên giới phía Bắc về tới đồng bằng. Điều đó, một mặt tạo thuận lợi cho cơ động lực lượng lớn, mặt khác, cũng gây khó khăn không ít khi phải cơ động ngang theo hướng Tây - Đông, thậm chí cơ động giữa các khu vực trong vùng cũng gặp nhiều trở ngại (như Cao Bằng - Lạng Sơn, Cao Bằng - Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn - Lai Châu... ). Các đường ở vùng núi cách xa nhau từ 30 - 60 km, có chỗ tới 100 km, gây khó khăn cho hiệp đồng, chỉ huy cơ động lực lượng giữa các hướng, thậm chí có khi không thực hiện được. Khí hậu của Việt Nam nói chung và của vùng rừng núi nói riêng luôn có nhiều biến động: mưa nắng thất thường, dao động nhiệt độ trong tháng lớn. Trong phạm vi rừng núi cũng có nhiều vùng khí hậu khác nhau: vùng núi Đông Bắc có mùa đông lạnh nhất cả nước, độ ẩm trung bình cũng cao nhất, nên cũng là vùng ẩm ướt nhất; vùng núi Tây Bắc, mùa hạ đến sớm nhất trong nước và có nhiều hiện tượng thời tiết đặc biệt như: giông, mưa đá, sương mù và gió Tây khô nóng; vùng Bắc Trung Bộ có mùa mưa hoàn toàn không trùng với mùa hạ như ở đồng bằng Bắc Bộ; các thung lũng núi lớn ở phía Tây của vùng, khí hậu có phần khắc nghiệt hơn như ở Mường Xén (Nghệ An) là trung tâm hạn hán của cả nước...

        Dân cư vùng rừng núi rất thưa thớt, làng bản ít, lại ở rất phân tán và cách xa nhau. Mật độ dân ở vùng núi Bắc Bộ: 50 người/km2, miền núi Thanh - Nghệ - Tĩnh: trên 40 người/km2, Tây Nguyên: 27 người/km2; Lai Châu, thấp nhất cả nước: 18 người/km2, huyện thấp nhất của Lai Châu là Mường Tè chỉ có 4 người/km2. Kinh tế ở vùng rừng núi kém phát triển...

        Những đặc điểm trên đây của địa hình rừng núi có nhiều ảnh hưởng đến chiến đấu và tổ chức chiến đấu. Sự ảnh hưởng đó còn liên quan đến sự phát triển của phương tiện chiến đấu, đến tình hình và khả năng hoạt động của lực lượng vũ trang trong các điều kiện khác nhau của địa hình rừng núi.

        Trong chiến đấu tiến công, địa hình rừng núi hạn chế việc sử dụng tập trung lực lượng lớn, tính cơ động và hiệu quả của các hỏa lực bắn thẳng, khó quan sát, hạn chế tác dụng của xe thiết giáp, pháo binh cơ giới, các phương tiện vận tải đường bộ..., do đó tốc độ tiến công không cao như ở địa hình thông thường. Địa hình mấp mô nhiều, lại hiểm trở, ít đường sá, bị những núi cao chia cắt, nên tác chiến với lực lượng lớn khó hiệp đồng.

        Trong chiến đấu phòng ngự, có điều kiện phòng giữ, che giấu lực lượng, ngăn cản được hành động tiến công của địch. Lợi dụng địa hình hiểm trở, lấy ít đánh nhiều, có điều kiện xây dựng các công trình trận địa, các vật chướng ngại, nhưng do địa hình rộng, nhiều khe hở, bị che khuất, nên cũng dễ bị đối phương chia cắt, bao vây, vu hồi, tập kích bất ngờ...

        Cần nắm vững những đặc điểm này để tận dụng những thuận lợi và khắc phục những khó khăn của địa hình rừng núi và nghiên cứu cách đánh cho phù hợp, đồng thời vận dụng những kinh nghiệm tác chiến của bộ đội ta trước đây trên địa hình này.

        Xuất phát từ cách đánh, từ nhiệm vụ của đơn vị phải đảm nhiệm và đặc điểm của địa hình rừng núi mà tổ chức trang bị, huấn luyện cho thích hợp. Không nhất thiết biên chế đồng loạt cho các đơn vị có nhiệm vụ khác nhau và chiến đấu trên các địa hình khác nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:18:10 am »

     
ĐỊA HÌNH CỦA VIỆT NAM DỄ BỊ CHIA CẮT CHIẾN LƯỢC VÀ CHIA CẮT TỪNG VÙNG

        Hình thế của nước ta kéo dài theo hướng Bắc - Nam, từ điểm cực bắc (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đến điểm cực Nam (xóm Rạch Tầu trên mũi Cà Mâu, tỉnh Minh Hải) dài 1.650 km. Hai đầu của đất nước mở rộng, đoạn giữa thon hẹp. Ở phía Bắc, chỗ rộng nhất từ bờ biển Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến mỏm núi Khoan La San thuộc tỉnh Lai Châu dài 500 km; ở phía Nam chỗ rộng nhất từ xã Tân Phú huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đến xã Vĩnh Hi, huyện An Sơn, tỉnh Thuận Hải dài 380 km. Đoạn giữa rất hẹp, từ thung lũng sông Cả đến đèo Hải Vân là dải đất hẹp bề ngang nhất của nước ta với chiều rộng khoảng vài chục ki-lô-mét, chỗ hẹp nhất từ lũng Co Rong đến Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình, rộng 50 km.

        Ở phía Tây Việt Nam có đường biên giới chung với hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em khá dài, hàng mấy nghìn ki-lô-mét.

        Ở phía Đông, Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan; những đồng bằng nằm sát biển thường bị ngăn cách nhau bởi những núi lấn sát ra biển. Đường giao thông Bắc - Nam chạy sát ven biển miền Trung dễ bị hỏa lực của không quân và hải quân địch khống chế, ngăn chặn cơ động Bắc Nam. Vùng biển của ta rộng gấp ba lần đất liền, lại tiếp giáp với hải phận của nhiều nước: phía Bắc, giáp với một phần hải phận của Trung Quốc, phía Đông, phía Nam và Tây - Nam giáp với hải phận của các nước Đông Nam Á: Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia và Thái Lan. Vùng biển của ta là một bộ phận xung yếu của Biển Đông - một biển đang có nhiều tranh chấp về chủ quyền và thềm lục địa, nên nhiều nước có âm mưu xâm chiếm.

        Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, hướng đường biển phía Đông là một hướng chiến lược mà kẻ địch có thể tận dụng để tổ chức những chiến dịch đổ bộ bằng đường biển để đánh chiếm các đảo hoặc các bờ biển xung yếu như bờ biển vịnh Bắc Bộ, bờ biển Trung Bộ nhằm chia cắt chiến lược chiến dịch, buộc ta phải đối phó trên nhiều hướng và phải phân tán lực lượng.

        Đặc điểm về địa hình dễ bị chia cắt có ảnh hưởng lớn tới sự bố trí lực lượng trên các hướng và ảnh hưởng đến việc bảo đảm mọi mặt để tác chiến cho các vùng khác nhau trong hoàn cảnh bị chia cắt.

        Biển Đông, trong đó vùng biển Việt Nam chiếm một phần quan trọng (bằng 1/3 diện tích của Biển Đông), là một biển rộng gần 3,5 triệu km2 (đứng thứ ba trong các biển trên thế giới) và là một trong những biển quan trọng bậc nhất trên thế giới. Biển Đông là đầu mối giao thông quan trọng trên biển không chỉ cho những quốc gia có biển trong vùng Đông Nam Á, mà còn là đường giao thông nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương qua hai eo biển Ba Si và Ma-lắc-ca vừa ngắn, vừa an toàn hơn đường đi vòng qua châu Đại Dương, và cũng từ Biển Đông còn có thể qua các eo biển khác để tới các biển kế cận rồi ra đại dương như eo Đài Loan đến biển Trung Hoa, eo Ca-lim-man-ta đến biển Gia-va...

        Sự vận chuyển trên Biển Đông rất thuận tiện, lại có nhiều vị trí neo, đậu tránh sóng, bão và để tiếp tế bổ sung nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt... Từ các nước trong vùng Biển Đông đến bờ biển Việt Nam bằng đường biển, đường không đều tương đối ngắn gọn do vị trí nước ta nằm gần chính giữa bờ phía Tây của Biển Đông. Với Việt Nam, Biển Đông chẳng những là đường thông thương với quốc tế mà còn là đường giao thông trong nước giữa Bắc và Nam.

        Đường bờ biển phía Bắc và phía Tây của Biển Đông dài khoảng 7.600 km, trong đó đường bờ biển của Việt Nam dài gần bằng một nửa và nằm chắn gần hết bờ phía Tây. Do tính chất đường bờ biển khúc khuỷu, nên đã tạo thành những vịnh lớn, lớn nhất là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, cả hai vịnh đều có quan hệ mật thiết đến chủ quyền của Việt Nam, có nhiều căn cứ quân sự lớn quan trọng, có nhiều thương cảng lớn mà trong thời chiến có thể nhanh chóng biến thành các căn cứ hải quân.

        Biển Đông có gần 20.000 đảo lớn nhỏ, trong đó Việt Nam có trên 3.000 đảo (đứng thứ 3 trong các nước có đảo ở Đông Nam Á). Các đảo và quần đảo liên kết thành từng cụm, từng tuyến chạy dài thèo đường kinh tuyến: tuyến đảo giáp Thái Bình Dương, tuyến đảo giữa Biển Đông, tuyến đảo gần bờ phía Tây của Biển Đông cũng phân bố thành từng tuyến, có tác dụng che chắn bờ biển, thuận tiện cho việc phòng thủ bờ biển, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có tác dụng kiểm soát phần lớn Biển Đông và là hai tiền đồn bảo vệ suốt dải đảo và bờ biển của ta từ vịnh Bắc Bộ đến mũi Cà Mau.

        Với vùng biển rộng, đường biển dài, có nhiều đảo, lại là bộ phận xung yếu của Biển Đông, một biển có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ta cần phải xây dựng lực lượng hải quân mạnh để bảo vệ vững chắc vùng biển và hải đảo, bảo đảm cho nước ta không bị bao vây tứ phía, ngăn chặn mũi tiến công từ phía Biển Đông và cũng là để phá vỡ thế bị chia cắt chiến lược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:19:21 am »


Ở VIỆT NAM, CÁC HOẠT ĐỘNG TÁC CHIẾN THƯỜNG THEO MÙA KHÍ HẬU

        Chiến tranh bao giờ cũng diễn ra trong một không gian nhất định và trong một thời gian nhất định. Không gian rộng hay hẹp, thời gian ngắn hay dài là tùy thuộc vào mục tiêu và so sánh lực lượng của hai bên đối địch trong chiến tranh. Nhưng ở không gian nào và thời gian nào trong năm thuận lợi cho các chiến dịch lại còn do mùa khí hậu quyết định.

        Hai yếu tố địa hình và khí hậu thời tiết luôn luôn có tác động đến hoạt động tác chiến của quân đội.

        Khí hậu là một trong những yếu tố quan trọng nhất của địa lý tự nhiên, nó tác động sâu sắc đến địa hình như một nhân tố ngoại lực chính. Địa hình ở nước ta, như đã trình bày ở trên, 3/4 là rừng núi, có nhiều núi cao, vực sâu, khe núi hẹp, nhiều sông, suối, đồng bằng chiếm gần 1/4 diện tích cả nước nhưng có nhiều vùng trũng, nhiều sông ngòi, đầm lầy… Mưa to sẽ làm cho bề mặt địa hình thay đổi: sông ngòi lúc rộng lúc hẹp, bãi cát khi nổi khi chìm, sông, suối nhỏ cũng có thể biến thành sông rộng mênh mông, đất lở, đá trôi, phá hủy đường sá, gây nên ùn tắc..., gây nhiều trở ngại cho việc cơ động lớn.

        Khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa, khí hậu không đồng nhất, có sự phân biệt rõ rệt từ Bắc vào Nam, từ vùng đồng bằng lên vùng núi. Gió mùa ở nước ta đặc biệt phức tạp, tạo nên nhịp điệu mùa và sự phân hóa giữa các vùng khí hậu. Cả nước chia thành ba miền khí hậu lớn. Miền khí hậu phía Bắc tính từ dãy Hoành Sơn (đèo Ngang) trở ra Bắc, có hai mùa nóng, lạnh rõ rệt ứng với hai mùa: mưa và mùa ít mưa, khí hậu thời tiết rất không ổn định. Miền khí hậu phía Đông Trường Sơn từ đèo Ngang đến khoảng vĩ tuyến 12 độ vĩ Bắc (tỉnh Phú Yên), có mùa mưa ẩm lệch pha hẳn với toàn quốc cũng như với toàn bán đảo Đông Dương; mùa hạ ở các nơi trong nước thường là mùa mưa, trong khi đó ở đây những tháng đầu mùa hạ lại là những tháng khô hạn nhất. Miền khí hậu phía Nam bao gồm vùng Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ, thể hiện rõ nét khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm hầu như chỉ có một mùa nóng với nhiệt độ, độ ẩm lớn và sự tương phản giữa mùa mưa và mùa khô sâu sắc nhất trong phạm vi toàn quốc (mùa mưa tập trung tới 90% lượng mưa cả năm), khí hậu ở đây ít biến động hơn nhiều so với hai miền khí hậu trên.

        Trong mỗi miền khí hậu lại gồm nhiều vùng khí hậu khác nhau và có ảnh hưởng khác nhau đến các hoạt động tác chiến. Trong năm lại có nhiều loại mùa khác nhau: mùa nóng, mùa lạnh, mùa mưa, mùa khô, mùa bão và các loài mùa có tính chất địa phương khác nhau như mùa mưa phùn, mùa gió Tây khô nóng v.v..., trong đó mùa mưa, mùa khô có ảnh hưởng nhất tới các hoạt động tác chiến lớn.

        Các nơi trên lãnh thổ nước ta đều có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Tuy thời gian bắt đầu và kết thúc có khác nhau giữa năm này với năm khác, giữa nơi này với nơi khác, nhưng mùa mưa đều chiếm tới 70 - 80% lượng mưa cả năm.

        Mùa mưa thường kéo dài 5 - 6 tháng từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 9, tháng 10, với độ xê dịch của các năm, từ nửa tháng đến một tháng và sự chênh lệch giữa vùng này với vùng khác có thể từ một đến hai tháng.

        Mùa khô từ tháng 9 năm nay tới tháng 5 năm sau, tùy nơi, có xê dịch từ một đến một tháng rưỡi, là mùa ít mưa, lượng mưa không đáng kể, địa hình khô ráo, mức nước sông thấp, không có dông bão, ít mây, có nhiều sương mù.

        Đặc biệt, thời gian mùa mưa của dải đất miền Trung ở phía Đông dãy Trường Sơn, từ đèo Ngang đến gần Cam Ranh, lại lệch pha với cả nước, tức là mùa mưa ở đây lại trùng vào mùa khô ở Bắc Bộ và Nam Bộ (mùa mưa ở dải đất này từ tháng 8 đến tháng 12, tháng 1 năm sau).

        Như vậy, mùa khô là thời kỳ thuận lợi nhất cho các hoạt động tác chiến lớn trên không, trên biển, trên mặt đất. Tuy nhiên, trong đó kế hoạch phối hợp hoạt động giữa các chiến trường trên cả nước cũng như trong chỉ đạo tác chiến cụ thể, cần phải tính toán đầy đủ đến sự không đồng nhất về thời gian mùa của dải đất miền Trung so với cả nước.

        Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, phần lớn những trận tiêu diệt địch có ý nghĩa chiến lược đều diễn ra vào mùa khô:

        Trận Bạch Đằng, cuối năm 938; Trận Chi Lăng, cuối năm 981; Trận đánh thành Ung Châu, mùa xuân năm 1076; Trận Như Nguyệt, tháng 2 năng 1077; Trận Đông Bộ Đầu, tháng 1 năm 1258; Trận Vạn Kiếp, tháng 6 năm 1258; Trận Bạch Đằng, tháng 4 năm 1288; Trận Chi Lăng - Xương Giang, tháng 10 năm 1247; Trận Rạch Gầm - Xoài Mút, 1 năm 1785; Trận đại phá quân Thanh, tháng 1 năm 1789, v. v...

        Các chiến dịch lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng diễn ra vào mùa khô:

        Chiến dịch Việt Bắc, tháng 12 năm 1947; Chiến dịch Biên Giới, tháng 10 năm 1950; Chiến dịch Hòa Bình, tháng 12 năm 1951 đến tháng 2 năm 1952; Chiến dịch Tây Bắc, cuối năm 1952; Chiến dịch Thượng Lào, đầu năm 1953; Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3 đến tháng 5 năm 1954; Cuộc tiến công Mậu Thận, đầu năm 1968; Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tháng 3 năm 1971; Cuộc tiến công chiến lược đầu năm 1972; Cuộc tổng tiến công và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975.

        Đứng về mặt quân sự, qua các sự kiện lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, thì tác chiến lớn theo mùa khí hậu đã trở thành hiện tượng có tính quy luật nói chung đối với các nước trên bán đảo Đông Dương và nói riêng với Việt Nam - những nước nằm trong miền nhiệt đới, ẩm, gió mùa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:20:09 am »


VIỆT NAM CÓ TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN ĐÁNH GIẶC

        Từ khi dựng nước, Việt Nam đã là một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, có thành phần đông người, có thành phần ít người, có thành phần bản địa có mặt từ buổi đầu lịch sử, có thành phần mới gia nhập trong những thời kỳ lịch sử khác nhau.

        Hiện nay, dân nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em, dân tộc Việt (Kinh) chiếm đa số (84% dân số), tập trung chủ yếu ở các vùng đồng bằng, các thành phố, thị xã, thị trấn. Các dân tộc ít người sống xen kẽ nhau ở các vùng rừng núi, trung du. Trong số các dân tộc ít người, có hàng chục dân tộc từ nhiều địa phương di cư đến Việt Nam và phần lớn là từ miền Hoa Nam (Trung Quốc) di cư sang bằng nhiều đường khác nhau, trong những thời gian lịch sử khác nhau, do những nguyên nhân như chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, dịch tễ, đói khổ...

        Trải qua hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, thời gian chống ngoại xâm đã chiếm tới gần một nửa thời gian lịch sử (tức là trên 12 thế kỷ). Trong hầu hết các trường hợp, những nước đi xâm lược lại lớn hơn ta nhiều lần và thường diễn ra trong so sánh lực lượng rất chênh lệch. Nhưng dân tộc Việt Nam đã chiến thắng và ngày nay đã giành được độc lập và thống nhất đất nước một cách trọn vẹn.

        Đó là ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết toàn dân đánh giặc, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên quyết tiêu diệt quân cướp nước, sẵn sàng hy sinh vì đất nước, vì thắng lợi chung. Đứng trước nạn xâm lăng và nguy cơ mất nước, các thành phần dân tộc khác nhau đã tự nguyện đoàn kết để bảo vệ sự sống còn của đất nước. Các dân tộc ít người cùng hòa vào với dân tộc Việt Nam, cùng nhau đoàn kết chống xâm lược để bảo vệ đất nước và cũng là bảo vệ sự sống còn của bản thân dân tộc mình, bảo vệ quê hương, làng bản của mình. Các triều đại phong kiến như nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần... trước lợi ích sống còn của đất nước, đã biết phát huy ưu thế của các dân tộc là tinh thần đoàn kết toàn dân đánh giặc giữ nước. Còn mọi tầng lớp xã hội, mọi thành phần dân tộc, mọi lứa tuổi, mọi giới tạm gác quyền lợi riêng tư, những mâu thuẫn nội bộ, đoàn kết xung quanh triều đình để đánh giặc.

        Tinh thần đoàn kết toàn dân đánh giặc, tinh thần hy sinh chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt giặc đã được thể hiện trong hàng phục cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc trên 12 thế kỷ chiến đấu chống xâm lược. Tinh thần ấy, được tôi luyện, thử thách trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ.

        Nếu chỉ tính 14 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc từ cuối thế kỷ thứ III trước công nguyên đến nay thì 11 cuộc kháng chiến đã giành thắng lợi hiển hách; chỉ có ba cuộc kháng chiến bị thất bại tạm thời dẫn đến ba lần mất nước đau thương và nguy hiểm. Nguyên nhân của sự thất bại đó là không thực hiện được khối đoàn kết toàn dân, để cho sự chia rẽ làm yếu thế nước.

        Dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu trên cơ sở đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ý thức dân tộc, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết vì việc lớn đã được phát huy cao độ làm cho sức mạnh chính trị tinh thần của nhân dân được tăng lên gấp bội. Từ xa xưa trong lịch sử, dân tộc Việt Nam đã ở vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, luôn luôn phải đương đầu với kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần và ở ngay sát nách mình, vì thế dân tộc Việt Nam đã thực hiện chính sách “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, biến cả nước thành một khối thống nhất, mỗi làng là một làng chiến đấu trong thế trận làng nước, cư dân trong làng gắn bó với nhau bằng tình nghĩa gia đình, dòng họ, quê hương, lại thông thuộc địa hình, tùy theo thế đất mà tổ chức chiến đấu làm cho giặc đến như rơi vào thiên la địa võng, bị phân tán, chia cắt, cô lập, bị bao vây, rồi bị tiêu hao, tiêu diệt.

        Ngày nay, với đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta, phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tinh thần hy sinh chiến đấu, kế thừa những kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc trong điều kiện địa lý của đất nước chúng ta đã tạo nên sức mạnh của toàn dân, sức mạnh toàn diện của đất nước, sức mạnh tổng hợp lớn nhất để đánh địch và thắng địch. Tuy nhiên, thực trạng phân bố dân cư và mật độ dân cư hiện nay cũng gây những khó khăn đối với việc phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng, ảnh hưởng tới việc thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, nhất là ở vùng rừng núi biên giới. Dân cư phân bố không đều, mật độ từng vùng cũng rất chênh lệch. Vùng đồng bằng đất đai ít, số dân lại quá đông, vùng núi đất đai nhiều nhưng số dân lại quá ít. Ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ riêng 3 tỉnh Hải Hưng, Thái Bình, Nam Hà mật độ lên tới 870 người/km2, ở vùng rừng núi phía Bắc 50 người/km2, trong đó Lai Châu thấp nhất cả nước, chỉ có 18 người/km2.

        Vùng núi phía Bắc, nơi có tiềm năng kinh tế, nơi có thể bị kẻ thù dùng làm bàn đạp tiến công, lại là những địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự, nhưng dân cư ở đây thưa thớt, số du canh du cư cũng còn lớn, còn vài chục vạn lao động chưa được bố trí ổn định.

        Do đó, việc phân bố lại dân cư, lao động một cách hợp lý, đưa thêm người lên vùng núi, biên giới, hải đảo..., các vùng nhiều đất mà thưa dân để phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và tăng cường thêm mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, đang là một yêu cầu khẩn trương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:21:09 am »


VIỆT NAM CÓ TIỀM LỰC KINH TẾ MẠNH BẢO ĐẢM CHO CUỘC CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC

        Việt Nam có nhiều khả năng to lớn để xây dựng tiềm lực mọi mặt cho đất nước.

        Nguồn nhân lực dồi dào, cả nước có gần 25 triệu lao động và hàng năm tăng khoảng 1 triệu, trong đó có gần 11 triệu lao động ở lứa tuổi thanh niên, có trình độ văn hóa, nghiệp vụ và hàng năm được bổ sung thêm hàng chục vạn người. Lực lượng lao động kỹ thuật khoảng 2 triệu người (8% lực lượng lao động xã hội) và hằng năm cũng được tăng thêm hàng vạn người với nhiều ngành, nghề khác nhau.

        Tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, bao gồm khoáng sản, đất đai, rừng, nguồn năng lượng, sông, biển... có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng:

        Có khoáng sản năng lượng: than, dầu mỏ, khí đốt; kim loại đen: sắt, ti-tan, crôm, măng-gan, đặc biệt là sắt có trữ lượng lớn; kim loại màu: đồng, chì, kẽm, thiếc, bô-xít, ăng-ti-moan; kim loại quý: vàng, bạc; kim loại phóng xạ, đất hiếm; khoáng sản không kim loại: đá quý a-pa-tít, cát thủy tinh, gra-phít, py-rít; khoáng sản làm nguyên liệu trợ dụng và làm nguyên liệu xây dựng.

        Có đất đai phong phú và tốt gồm nhiều loại, trong đó có trên 6 triệu ha đất canh tác mà nhiều vùng có thể làm 2 đều 3 vụ lúa/năm, 12 triệu ha đất rừng và 12 triệu ha các loại đất khác.

        Có gần 10 triệu ha rừng giầu về số lượng loại và tăng trưởng nhanh: hàng chục nghìn loại và nhiều loại có giá trị kinh tế và khoa học cao, như để lấy gỗ, lấy dầu, làm sợi, lấy nhựa, làm thuốc, ăn quả... Mỗi héc-ta rừng hằng năm tăng trưởng 4 - 5m3. Trữ lượng gỗ tới 800 triệu mét khối và hơn 10 tỷ cây tre, nứa.

        Có khí hậu nhiệt đới ẩm với lượng nhiệt của mặt trời rất lớn, một tháng mùa hè có khoảng 200 giờ nắng, còn tháng mùa đông cũng được 70 giờ nắng, tổng lượng bức xạ trong một năm ở khắp nơi đều vượt quá 100 Kcal/cm2. Lượng ẩm hàng năm cũng khá phong phú, độ ẩm tương đối thường đạt trên 80%, lượng mưa trung bình năm từ 1.200 - 2.000mm, có nơi mưa tới trên 3.000mm. So với những nước cùng vĩ độ thì việt Nam có khí hậu tươi mát, chan hòa ánh sáng, ẩm nhiệt phong phú, làm cho cây cối mau tăng trưởng, có điều kiện thâm canh, tăng vụ trong nông nghiệp.

        Có nguồn nước sông dồi dào là nguồn “than trắng” không mất tiền và luôn luôn được tái tạo. Nước trong các sông chính của ta sạch và nói chung bảo đảm cho tiêu dùng và cho công nghiệp, nhưng hiện nay sử dụng chưa nhiều, khoảng 3 – 5% toàn bộ nước sông. Trữ năng thủy điện của nước ta rất lớn. Nếu chỉ tính những sông, suối dài trên 10 km trong 10 hệ thống sông đã có 2.500 dòng sông, trong đó mới tính toán cho 2.192 sông, suối đã có một năng lượng trên 30 triệu ki-lô-oát, với lượng điện hàng năm gần 300 tỷ ki-lô-oát/giờ điện.

        Có vùng biển rộng gần 3 lần đất liền với nhiều tài nguyên phong phú và giàu có như: khoáng sản, năng lượng, sinh vật mà ta mới khai thác được một phần rất nhỏ. Từ nước biển có thể thu được nhiều kim loại quý, hiếm, kể cả đất hiếm mà trên đất liền rất hạn chế về số lượng. Muối ăn rất cần thiết cho người mà còn là nguyên liệu quan trọng của công nghiệp hóa chất. Nước ta có bờ biển dài, bãi biển rộng, số ngày nắng cao... là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành làm muối. Hiện nay ta đang dùng cát biển để nấu thủy tinh, khai thác các hóa chất hiếm từ các loại rong biển, khai thác dược liệu từ nhiều loại hải sản như vỏ bào ngư, ngọc diệp, ngọc trai, mai mực...; sử dụng vỏ sò, ốc biển, xương san hô để nung vôi, làm nguyên liệu cho công nghiệp xi-măng. Dầu mỏ nằm ở vùng thềm lục địa nước ta là nguồn tài nguyên rất có giá trị và có trữ lượng lớn đang được đầu tư thăm dò và khai thác. Vùng biển của ta có những bãi cá lớn và những nguồn lợi hải sản khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:21:34 am »


        Một kho báu nữa của biển nước ta là nguồn năng lượng vô tận của thủy triều, nhiệt biển và gió biển. Bờ biển nước ta có nhiều ưu việt đối với việc sử dụng trong tương lai cả ba nguồn năng lượng mới này.

        Những tiềm năng trên đây nói lên khả năng xây dựng một tiềm lực kinh tế - một trong những yếu tố quyết định sức mạnh của đất nước - bảo đảm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, hiện đại, đáp ứng những yêu cầu cho lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

        Nhưng nền kinh tế của ta còn lạc hậu, trình độ phát triển kinh tế còn yếu do nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ, đang từng bước đi lên sản xuất lớn.

        Điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của đất nước ta như thế, nhất là công nghiệp còn kém phát triển, cơ sở hạ tầng về đường sá, bến cảng, sân bay... còn ít và chất lượng về nhiều mặt còn thấp, khả năng bảo đảm về vật chất và kỹ thuật còn hạn chế... đã ảnh hưởng lớn tới việc bảo đảm cho một quân đội chiến đấu trong cuộc chiến tranh hiện đại.

        Xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ mật thiết với nhau, do đó việc xây dựng phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng cũng phải cân đối và phù hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, xây dựng quân đội chính quy, ngày càng hiện đại phải dựa trên cơ sở nền kinh tế phát triển.

        Ta phải tận dụng sức lao động và tài nguyên sẵn có để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản... và dựa trên nền tảng công nghiệp quốc dân mà xây dựng công nghiệp quốc phòng, nhằm đáp ứng một phần yêu cầu về trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang trong những năm gần đây; mặt khác phải dựa vào sự hợp tác quốc tế và mở rộng sự hợp tác quốc tế đó để bảo đảm cho quân đội phát triển và chiến đấu thắng lợi trên các chiến trường, cần xây dựng hậu phương vững chắc, các cơ sở hậu cần kỹ thuật cần thiết. Những yêu cầu này đặt ra cho kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, cần xây dựng được những lực lượng dự trữ về sức người, sức của để động viên cho chiến tranh trên từng hướng, từng vùng và trên cả nước. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đất nước lại đòi hỏi phải có một lực lượng dự trữ lớn về vật chất, thì lực lượng vũ trang cũng phải căn cứ vào nhiệm vụ được xác định, có thể đảm nhiệm nhiệm vụ lao động sản xuất để góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo đảm xây dựng tiềm lực quốc phòng.

        Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ kinh tế có quan hệ chặt chẽ đến xây dựng kinh tế. Vì vậy, phải thực hiện chủ trương của Đảng về kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, thể hiện trong các kế hoạch kinh tế dài hạn và ngắn hạn của Nhà nước, trong việc xây dựng thế bố trí chiến lược của nền kinh tế, xây dựng các khu vực chiến lược quan trọng, trong kinh tế trung ương và kinh tế địa phương, trong từng ngành và các đơn vị kinh tế, cả trong thiết kế, xây dựng các công trình dân sự, thiết kế sản xuất những phương tiện và dụng cụ phục vụ dân sinh.

        Địa hình của ta dài và hẹp, dễ bị chia cắt chiến lược và chia cắt từng vùng. Phải dựa vào chiến lược kinh tế và chiến lược quân sự, dựa vào tài nguyên từng vùng và thế hiểm của địa hình mà xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên cả nước và trên từng vùng chiến lược.

        Trong những năm tới, kinh tế nước ta sẽ có những chuyển biến từng bước. Cho nên, cần biết phát huy những cái mạnh mới của ta do những trang bị kỹ thuật hiện đại tạo nên để sử dụng chúng có hiệu quả trong chiến đấu, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; mặt khác phải phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật quân sự để bảo đảm chiến thắng mà không gây căng thẳng trong kinh tế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 05:22:37 am »


VỊ TRÍ CHIẾN LUỢC CỦA SÔNG BIỂN TRONG CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

        Đất nước Việt Nam mà Hiến pháp Việt Nam đã tuyên bố thuộc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền với diện tích 331.688 km2, vùng biển rộng gần một triệu km2 và các hải đảo trên 3.000 đảo lớn nhỏ và vùng trời có liên quan. Tài nguyên trên Biển Đông thuộc chủ quyền của ta rất to lớn, trữ lượng dầu hỏa theo khảo sát hiện nay đã lên tới 10 tỷ tấn. Ngoài ra, hải sản hiện nay đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ta.

        Như vậy, phần đất bao gồm cả sông ngòi nằm trong đó chỉ bằng 1/3 diện tích của phần biển, nếu bao gồm cả phần nước của sông ngòi và biển thì phần đất thực, không bị nước thường xuyên bao phủ, không được một phần ba diện tích thuộc chủ quyền. Do đó, Tổ quốc Việt Nam ngay từ xa xưa đã được người Việt Nam dùng từ “đất nước” để gọi, vì nó không phải chỉ có vùng đất mà còn có vùng nước rộng lớn. Do đất ở đồng bằng trũng với số lượng mưa ở nước ta cao vào loại nhất nhì trên thế giới, trung bình 1.500mm/năm (ở miền núi lên tới 2.000 - 3.000mm/năm), cho nên ở Bắc Bộ, trong thời kỳ chưa có đê, 80% diện tích đồng bằng Bắc Bộ đã bị ngập nước vào mùa mưa và 60% ngập nước vào mùa khô. Cho đến năm 1974, diện tích mặt nước ở miền Bắc vẫn còn tới 50 vạn héc-ta. Tính chất sông nước và đầm ao thể hiện rõ trong cảnh quan xưa của nước ta. Từ đó, ta thất rõ nền kinh tế nông nghiệp của Việt Nam gắn liền với sông nước, từ lúa nước đến đạm thủy sản và giao thông cho đến thời trung đại ở nước ta, chủ yếu cũng là giao thông thủy.

        Sông ngòi và biển ven đất liền trở thành trục sống của dân cư, sống bám vào trục sông, ven biển. Và từ đó, phần lớn các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và cả quân sự đều nằm ở đây, như các thành phố, thị xã: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, ngay cả trên vùng núi, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, đến trung du và đồng bằng, như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình và cả vào phía Nam, như Nha Trang, Bình Định, Phú Yên và các thị xã lớn ở Nam Bộ, như Cần Thơ, Bến Tre... Nhân dân làm ăn, cư trú, đi lại trong suốt bao thế kỷ đều gắn chặt với sông nước, và cũng từ đó truyền thống thạo nghề sông nước đã gắn liền với dân tộc Việt Nam. Chiến tranh và nghệ thuật quân sự ở nước ta cũng bị đặc điểm sông nước này chi phối rất lớn. Cho nên, trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam từ cổ xưa, các trận chiến đấu phần lớn đều mang tính chất tác chiến hiệp đồng thủy, bộ. Ngay kẻ địch từ phương Bắc đến xâm lược nước ta, thường lấy quân bộ làm chủ yếu, cũng không thể quên đặc điểm địa hình nhiều sông ngòi chằng chịt, có biển lớn phía Đông và phải đương đầu với những đội quân và người dân quen nghề sông nước, cơ động chủ yếu bằng thuyền.

        Vì vậy khi Triệu Đà đánh Âu Lạc có Nhâm Ngao mang thuyền đến Tiền Giang, Mã Viện có Đoàn Chí mang 2.000 thuyền đánh Hai Bà Trưng. Và các trận thất bại lớn của quân xâm lược phương Bắc từ thế kỷ thứ X, sau 1.000 năm Bắc thuộc chẳng đã diễn ra trên sông Bạch Đằng năm 938 với chiến thắng của Ngô Quyền; năm 1077 quân Tống bị đánh bại trên tuyến sông Như Nguyệt. Các trận phòng ngự rút lui tiến công chiến lược trong thời Trần đều dựa vào sông biển để cơ động và tác chiến ở Lục Đầu Giang, Vạn Kiếp, A Lỗ, Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, Thăng Long, Bạch Đằng Giang, Vân Đồn.

        Quân thủy Đại Việt thiện chiến đã bao lần cùng quân bộ làm nên chiến tích lịch sử, như cuộc đổ bộ lên Liêm Châu, Khâm Châu và đánh Ung Châu, rồi đánh Chiêm Thành của Lý Thường Kiệt; trận đánh quân Xiêm ở Rạch Gầm, Xoài Mút của Nguyễn Huệ và trận diệt 20 vạn quân Tôn Sĩ Nghị; thủy quân trên hai cánh quân đánh vào sườn và phía sau của tập đoàn quân xâm lược nhà Thanh ở Hải Dương và Lạng Giang, Phượng Nhỡn. Thủy binh Việt Nam từ thời Lý đến thế kỷ XVIII dưới thời Tây Sơn vẫn là thủy binh mạnh vào loại nhất ở Đông Nam Á.

        Kháng chiến chống Mỹ cứu nước nổ ra, ngoài các nhiệm vụ chiến đấu trên biển, trên các triền sông ở miền Bắc, từ sông Gianh đến sông Hồng, các tàu chiến của hải quân ta đã tham gia với lực lượng phòng không bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở ven sông chống sự bắn phá của máy bay Mỹ, đạt hiệu quả chiến đấu khá tốt. Mùa xuân 1979, cùng với các cánh quân trên bộ, một mũi tiến công bằng đường thủy do các tàu hải quân đảm nhiệm đã ngược dòng Mê-công đánh đuổi các tàu của quân Pôn Pốt, bắn phá các mục tiêu trên bờ, bảo đảm vượt sông cho các binh đoàn chủ lực và tiến vào giải phóng Phnôm-pênh cùng với cánh quân trên bộ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM