Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 04:53:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam  (Đọc 54749 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 02:37:28 pm »


        Thực hiện chủ trương đó, Bộ Chính trị đã phê chuẩn phương án: dùng chủ lực đánh vào những hướng địch sơ hở là Tây Bắc Việt Nam và Lào, là nơi địch yếu nhưng không thể bỏ được, buộc địch phải phân tán đối phó. Trong khi đó, ta đẩy mạnh chiến tranh du kích trên khắp các chiến trường toàn quốc, phối hợp chiến đấu với bạn Lào, tranh thủ tiêu diệt địch. Đó là cách bảo vệ vùng tự do chủ động và tích cực nhất, khi có đủ điều kiện và có thời cơ thì tiến tới giải phóng các vùng đất đai, dân cư, địa bàn có ý nghĩa chiến lược.

        Một điều hết sức quan trọng trong lúc này là, ta đã ở vào thế chủ động chiến lược.

        Sự kết hợp với du kích chiến và vận động chiến trong những năm 1950 đến 1952 ở trong thế tranh chấp giằng co quyết liệt giữa ta và địch đã tiêu diệt được một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự địch, bồi dưỡng và phát triển lực lượng ta; mở rộng được nhiều vùng căn cứ, ngăn chặn, đánh bại âm mưu bình định của địch, làm cho cục diện chiến trường sau lưng địch thay đổi có lợi cho ta; buộc chúng phải thường xuyên đối phó bị động, tạo điều kiện cho ta củng cố vùng tự do, xây dựng bộ đội chủ lực; làm thay đổi tương quan thế lực giữa ta và địch. Ta đã có thể mở các chiến dịch tiến công ngày càng lớn trên mặt trận chính diện. Đúng như Hồ Chủ Tịch đã nhận định: “Những sự thật đó chứng tỏ thế địch ngày càng yếu, thế ta ngày càng mạnh”1. Quân và tân ta ra sức thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội cũng được tăng cường. Qua chỉnh quân, sức mạnh về tư  tưởng, tổ chức và khả năng nâng cao trình độ chiến thuật, kỹ thuật của quân đội ta được tăng lên gấp bội.

        Thế trận chiến tranh nhân dân của ta ngày càng vững chắc, chúng ta có khả năng chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và trên toàn Đông Dương.

        Trước tình hình như vậy, qua kinh nghiệm các chiến dịch lớn đã diễn ra, Bộ Chính trị vẫn đề ra các nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến hết sức thận trọng, vững chắc cho chủ lực là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh”.

        Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán trên mặt trận sau lưng địch, chúng ta đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố và phát triển các căn cứ du kích, khu du kích, và sử dụng một bộ phận chủ lực tiến sâu vào vùng sau lưng địch, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch để đẩy mạnh mọi mặt đấu tranh, phá tan kế hoạch bình định của địch, mở rộng vùng tự do. Hàng loạt đồn bốt địch bị tiêu diệt, các căn cứ du kích của ta được mở rộng ở khắp nơi, ngay cả ở đồng bằng Bậc Bộ. Vị trí của du kích chiến lúc này đã hỗ trợ đắc lực cho các cuộc tiến công vận động chiến của chủ lực trên mặt trận chính diện. Chính nhờ đó mà ta đã thực hiện phân tán địch, khoét sâu mâu thuẫn của một đạo quân đi xâm lược vừa phải dàn quân ra chiếm đất để bình định, kìm kẹp nhân dân, bóc lột sức người, sức của, vừa muốn tập trung lực lượng để đối phó với chủ lực của ta ngày càng lớn mạnh. Trong khi đó chủ lực của ta thực hiện tác chiến vận động, căng địch ra trên khắp chiến trường Đông Dương theo một quy định thống nhất, buộc địch phải bị động đối phó, đồng thời lại biết tập trung lực lượng, giành thắng lợi quyết định ở khu vực quyết định.

        Phương châm đó đã được thể hiện cụ thể bằng nhịp điệu tiến công vận động thích hợp, đánh lạc hướng phán đoán của địch, điều động lực lượng cơ động của địch ra Thượng Lào, Luông - Pra - băng, Sê-nô, rồi Tây Nguyên; tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng ở Điện Biên Phủ. Kết hợp với chủ lực, lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đã kiên quyết đánh trả mãnh liệt các cuộc càn quét của địch, đánh mạnh vào sau lưng chúng, trói chân những lực lượng cơ động của địch tại nơi chúng điều đến để tiêu hao và không cho chúng ứng cứu lẫn nhau.

        Khi thế trận của chúng ta đã phát triển đến độ chín muồi cũng là lúc trong tay Na-va chỉ còn vài tiểu đoàn cơ động trên tổng số 84 tiểu đoàn cơ động toàn Đông Dương. Riêng ở đồng bằng Bắc Bộ chúng có 44 tiểu đoàn, thì tại Điện Biên Phủ đã có 21 tiểu đoàn, số còn lại Na-va đã phải lần lượt ném ra khắp các chiến trường Đông Dương và bị trói chân ở đó. Trong khi đó, bộ đội chủ lực của ta đã tập trung quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với lực lượng trên 27 tiểu đoàn. Quyết tâm đánh Điện Biên Phủ là một quyết tâm táo bạo và sáng suốt, khoa học, đánh ngay vào chỗ địch tập trung quân thiện chiến nhất, nhưng bị cô lập ở rừng núi, xa các căn cứ, trong thế bị bao vây, bất lợi về địa hình.

        Mặc dù ta còn có nhiều khó khăn về chiến thuật, về cung cấp vật chất, về lãnh đạo tư tưởng bộ đội, song những khó khăn đó đều có thể khắc phục được. Quân đội ta đã làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trở thành một “địa ngục trần gian” giam hãm 17 ngàn quân viễn chinh Pháp. Sau 55 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị ta tiêu diệt. Chúng ta đã toàn thắng trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Kế hoạch Na-va bị phá sản hoàn toàn.

---------------
        1. Hồ Chí Minh, Về quân sự, lời kêu gọi nhân dịp bảy năm toàn quốc kháng chiến, Nxb Quân đội nhân dân, 1975, tr. 265.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 02:39:46 pm »


        Trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 ta đã tiêu diệt 112.000 tên địch, thu 19.000 khẩu súng các loại, có 81 pháo, bắn rơi và phá hủy 177 máy bay, giải phóng nhiều vùng chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Riêng ở mặt trận Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt và bắt làm tù binh 16.000 tên địch của 17 tiểu đoàn bộ binh và quân dù của 3 binh đoàn chủ lực; 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh tổng cộng 21 tiểu đoàn. Đây là một chiến dịch tiêu diệt chiến có ý nghĩa chiến lược rất to lớn. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một chiến dịch tiến công trận địa hợp đồng binh chủng, đã tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm mạnh, phức tạp, kiên cố, do lực lượng tinh nhuệ nhất của địch đóng giữ. Nó đã đẩy quân Pháp tới trước nguy cơ là, các hệ thống phòng ngự khác yếu hơn Điện Biên Phủ nhiều sẽ tiếp tục sụp đổ.

        Với những trận tiêu diệt chiến ở các khu vực khác nhau, tuy rất xa các địa bàn, khu vực có ý nghĩa chính trị, kinh tế lớn như, Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng v.v..., nhưng nó đã làm cho địch mất hết tinh thần khi tiếp tục chiến tranh hòng giành thắng lợi trong cuộc đọ sức cuối cùng với ta. Cũng như trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, do ta tiêu diệt một lượng lớn tinh nhuệ của địch ở trên dọc đường số 4, địch đã phải bỏ chạy không những khỏi các cứ điểm, đồn bốt, căn cứ vững chắc ở biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn..., mà còn phải bỏ chạy khỏi nhiều nơi khác, như Lao Cai, An Châu, ngay cả ở những chỗ chưa bị uy hiếp lớn. Chiến thắng Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là trận tiêu diệt Điện Biên Phủ, đã buộc địch bỏ chạy ngay cả ở đồng bằng Bắc Bộ và rung động cả chính phủ Pháp ở Pa-ri.

        Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành chiến dịch tiêu diệt chiến chiến lược có ý nghĩa hết sức lớn lao.

        Bằng một chiến dịch tiêu diệt chiến chiến lược, chúng ta đã đánh qụy lực lượng chủ yếu - con chủ bài cuối cùng của địch. Nó đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

        Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, đi từ chiến tranh du kích, tiêu thổ kháng chiến để phá chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của quân địch mạnh hơn, đến kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, lấy phát động toàn dân, chiến đấu toàn diện cả quân sự, chình trị, kinh tế, kết hợp đánh vận động chiến của bộ đội chủ lực với mở rộng chiến tranh du kích ở địch hậu, quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, phá tan hết chiến lược này đến chiến lược khác của địch; đi từ tiêu diệt nhỏ đến tiêu diệt địch trong chiến dịch với quy mô lớn dần và kết thúc chiến tranh với chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch tiến công chiến lược Điện Biên Phủ.

        Mấy bài học lớn rút ra trong chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược:

        Thực tiễn là chân lý. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau 9 năm trường kỳ đã chứng minh một cách hùng hồn đường lối chủ trương của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức khoa học và sáng tạo. Nhiệm vụ của chúng ta là, phải viết những trang lịch sử hào hùng của dân tộc một cách chính xác và rút ra những bài học điển hình của cuộc chiến tranh chống thực dân trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, cho dân tộc ta và một phần cả cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Các dân tộc thuộc địa luôn luôn nhắc tới Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh chính là vì thắng lợi của chiến tranh Việt Nam, chống thực dân Pháp đã có một vị trí quan trọng, đóng góp vào việc làm tan vỡ và thủ tiêu chế độ thuộc địa thực dân cũ, cùng với các cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc bị thực dân đế quốc phương Tây đô hộ trong mấy thế kỷ qua. Chúng ta có thể khẳng định, một quy luật của chiến tranh nói riêng và của cách mạng nói chung là “không có đường lối chiến lược đúng thì không thể có thắng lợi”. Việc rút ra những bài học đúng chỉ có thể thực hiện được nếu biết khái quát hiện tượng khách quan, kinh nghiệm thực tiễn thành lý luận một cách khoa học.

        Không thể có thắng lợi nếu giáo điều, sao chép cái của người khác, không thể thành công nếu không nắm vững quy luật của chiến tranh cách mạng và không có sáng tạo.

        Phương thức tiến hành chiến tranh:

        - Đúng như Ăng-ghen đã nêu: “Một dân tộc muốn giành được độc lập cho mình thì không được tự giới hạn trong những phương thức tiến hành chiến tranh thông thường. Khởi nghĩa của quần chúng, chiến tranh cách mạng, các đội du kích ở khắp mọi nơi, đó là phương thức duy nhất, nhờ đó mà một dân tộc nhỏ có thể thắng một dân tộc lớn, mà đội quân ít mạnh hơn có thể đương đầu được với đội quân mạnh hơn và có tổ chức tốt hơn”.

        Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc kháng chiến toàn dân, đã đi từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, và đã kết hợp hai hình thức chiến tranh trong quá trình phát triển và kết thúc chiến tranh thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 02:42:15 pm »


        Phương thức tiến hành chiến tranh toàn dân của Việt Nam được khái quát trong đường lối quân sự của Đảng, từ cuộc kháng chiến chống Pháp, qua chiến tranh chống Mỹ, giải phóng Miền Nam là, dựa vào sức mạnh toàn dân, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh chính quy.

        Chiến tranh nhân dân địa phương có nhiệm vụ, sát thương rộng rãi, tiêu diệt từng bộ phận quân địch, phá hủy các phương tiện chiến tranh, ngăn chặn và làm chậm bước tiến của địch, phân tán lực lượng, làm rối loạn thế trận của chúng, hãm địch vào thế sa lầy, nguy khốn, bị bao vây, chia cắt tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực và cùng các binh đoàn chủ lực thực hành phản công, tiến công, tiêu diệt lớn quân địch. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân địa phương là sức mạnh của các lực lượng tại chỗ, chiến đấu bền bỉ dẻo dai, trụ bám, liên tục tiến công, đánh địch cả phía trước, phía sau, hai bên sườn, vận dụng nhiều phương pháp chiến đấu linh hoạt, của chiến tranh du kích.

        Chiến tranh chính quy với đoàn chủ lực giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt những lực lượng lớn của quân xâm lược và cùng chiến tranh nhân dân địa phương kết thúc chiến tranh thắng lợi.

        Nguyên tắc chủ yếu của nghệ thuật quân sự: Tích cực tiến công tiêu diệt địch.

        Nguyên tắc chủ yếu của nghệ thuật quân sự của các cuộc chiến tranh là “tiêu diệt địch bảo vệ mình”. Chỉ có tiêu diệt địch, tiêu diệt được lực lượng vũ trang địch mới bảo vệ được mình, mới giải phóng được đất đai, mới giành và giữ được quyền làm chủ của nhân dân, mới phát động được toàn dân chiến đấu càng ngày càng mạnh, mới thay đổi được tương quan thế - lực, mới giành được quyền chủ động, chuyển hóa được thế chiến lược, buộc địch là kẻ đi xâm lược bao giờ lúc đầu cũng mạnh hơn ta phải chuyển từ chủ động tiến công sang bị động phòng ngự về chiến lược. Và ta, trên cơ sở thay đổi tương quan lực lượng mới có thể chuyển được từ thế bị động chống đỡ sang chủ động phản công, tiến công về chiến lược.

        Muốn tiêu diệt địch phải tiến công, cho nên “tư tưởng chiến lược tiến công” là bao trùm trong các hoạt động tác chiến. Bất kỳ trong thời kỳ nào của chiến tranh giải phóng dù có phải phòng ngự về chiến lược, thậm chí rút lui, tiêu thổ kháng chiến trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh thì cũng phải dùng hành động tích cực, phải tiến công trong chiến đấu, chiến dịch chứ không thể bị động phòng ngự. Đúng như Ăng-ghen đã viết: “Thường người ta cho rằng tiến công sẽ đem lại thắng lợi lớn, vì vậy một quân đội giữ thế thủ, tức là tiến hành một cuộc chiến tranh có tính chất phòng ngự nghiêm ngặt thì thường hay mở những chiến dịch tiến công, thậm chí trong các chiến dịch phòng ngự cũng tiến hành những hoạt động tiến công”1.

        Và với những câu khái quát hết sức dễ hiểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi nhân dịp bảy năm toàn quốc kháng chiến đã viết:

        “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt” và Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tại hội nghị lần thứ ba của Trung ương Đảng tháng 1-1954 như sau: “Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiếm từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ, ở đó địch sơ hở, yếu ớt...”

        Tư tưởng đánh tiêu diệt đã ăn sâu vào đầu óc của mỗi người chỉ huy và lãnh đạo chiến đấu, chiến dịch và chiến tranh của Việt Nam, không một người Việt Nam nào đã biết sử Việt Nam mà có thể quên được các trận tiêu diệt chiến như Bạch Đằng, Chi Lăng, Như Nguyệt, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp, Tốt Động, Trúc Động, Đông Đô, Chi Lăng, Xương Giang, Ngọc Hồi, Thăng Long, Điện Biên Phủ, các trận quyết chiến lịch sử giành và giữ độc lập của Tổ quốc.

        Bài học trong kháng chiến chống Pháp, với những trận tiêu diệt lớn ở các chiến trường rừng núi, như Biên Giới, Điện Biên Phủ, rất xa các trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự nhưng đã buộc địch phải chịu thua và bỏ cả một địa bàn chiến lược, thậm chí cả 1/2 nước Việt Nam.

        Muốn đánh tiêu diệt một kẻ thù mạnh hơn ta, phải quán triệt và vận dụng một số nguyên tắc truyền thống của Việt Nam đã được ông cha ta khái quát như:

        Trần Hưng Đạo đã nêu: “Địch cậy trường trận, ta cậy đoản binh. Dĩ đoản, chế trường là lẽ thường của binh pháp”.

        Nguyễn Trãi đã viết: “Lấy yếu đánh mạnh phải đánh bất ngờ, lấy ít địch nhiều thường hay mai phục” và “người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi, được thời, có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn; mất thời, không thế thì mạnh hóa ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay mà thôi”.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thành mấy câu ngắn gọn:

        Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ
        Kiên quyết không ngừng thế tiến công
        Lạc nước hai xe đành bỏ phí
        Được thời một tốt cũng thành công.


-------------
        1. Ăng-ghen, Tuyển tập luận văn quân sự, Nxb Quân đội, Hà Nội, 1978, quyển II, tr. 317.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 02:44:39 pm »


        Trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, ta đã thành công trong lập thế trận, căng địch ra trên khắp các chiến trường Đông Dương, buộc địch phải bị động đối phó, điều động lực lượng cơ động của địch ra Thượng Lào (Luông Phra-băng) rồi Sê-nô, Tây Nguyên, tạo điều kiện, thời cơ thuận lợi để ta tập trung lực lượng, tiêu diệt địch bị bao vây ở Điện Biên Phủ.

        Nghệ thuật quân sự truyền thống đó đã được nêu thành nguyên tắc quân sự Việt Nam “mưu trí sáng tạo, khắc phục mặt mạnh, khoét sâu mặt yếu của địch, tạo thế có lợi, phá thế địch, diệt địch”.

        Thế trận này đã tạo ra các khả năng. Tập trung được lực lượng của ta vào địa điểm và thời cơ có lợi, để ta đánh đòn tiêu diệt, đồng thời phần tán địch cao độ, điều khiển địch theo ý muốn của ta, tạo nên sự sụp đổ dây chuyền, từ diệt địch ở chỗ yếu nhưng hiểm yếu sang tiêu diệt địch ở nơi mạnh, quyết định khi thời cơ tới, lúc địch đã rệu rã cả về lực lượng, tinh thần và thế trận.

        Vấn đề phân giai đoạn trong một cuộc chiến tranh 9 năm trường kỳ là một việc có tính khách quan tất yếu, và là một vấn đề khoa học.

        Trong chiến tranh vừa mang tính chất giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc chống một kẻ thù xâm lược mạnh hơn nhiều, thì thường phải đánh lâu dài, việc chia giai đoạn để chủ động có hướng cho việc lập kế hoạch chiến lược của từng giai đoạn là cần thiết và cũng là một bài học quý về chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta. Trên cơ sở chiến lược kháng chiến lâu dài (trường kỳ kháng chiến), ba giai đoạn đã được xác định ngay từ đầu cuộc kháng chiến toàn quốc (tháng 12 năm 1946) và dựa vào thực tiễn chiến tranh đã diễn ra, Đảng ta đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, xác định việc tổ chức lực lượng, phương thức tiến hành chiến tranh cụ thể cho từng giai đoạn. Việc xác định giai đoạn dài hay ngắn phải lấy tương quan thế lực giữa ta và địch mà quyết định. Xác định mô hình chiến tranh có thể xảy ra vừa là một vấn đề khoa học và vừa là nghệ thuật. Nó chỉ có thể chính xác khi lãnh đạo nắm được những quy luật chiến tranh và luôn chú trọng cụ thể hóa trong chỉ đạo thực tiễn. Không đơn giản chỉ nói trong chiến tranh chống Pháp chỉ có tiến công.

        Theo thông báo ngày 13 tháng 6 năm 1988 của Viện Lịch sử quân sự về vấn đề giai đoạn chiến lược của cuộc khángchiến chống Pháp, một cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức, gồm một số cán bộ quân sự cao cấp thời chống Pháp, sau đó có ý kiến một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thời bấy giờ đi đến nhất trí:

        Chủ trương cuộc kháng chiến chống Pháp có ba giai đoạn là đúng.

        Giai đoạn 1: Từ Nam Bộ kháng chiến đến sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), có thể gọi là giai đoạn giữ vững và phát triển lực lượng của ta, kiềm chế và tiêu hao lực lượng địch.

        Giai đoạn 2: Từ chiến thắng Việt Bắc đến trước chiến dịch Biên Giới, có thể coi là giai đoạn phát triển chiến tranh đu kích, chuẩn bị thế và lực để phản công.

        Giai đoạn 3: Từ chiến dịch Biên Giới đến chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể gọi là giai đoạn phản công và tiến công đi đến giải phóng miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ1.

----------------
        1. Võ Nguyên Giáp – Chiến đấu trong vòng vây - Nxb Quân đội và Nxb Thanh niên, trang 316.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 02:52:56 pm »


MỘT SỐ KINH NGHIỆM VỀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ TIẾN CÔNG VÂY LẤN TẬP ĐOÀN CỨ ĐIỂM KIÊN CỐ KHÔNG QUÂN - LỤC QUÂN ĐIỆN BIÊN PHỦ 1954

        Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm cho tên tuổi của Việt Nam trước kia ít người biết đến được vang dội trên thế giới với khẩu hiệu “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh”. Nó không những là tiếng chuông báo hiệu kết thúc chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Đông Dương, mà còn có vị trí quan trọng trong việc xóa sạch chủ nghĩa thực dân cũ trên các thuộc địa toàn cầu.

        Nhà văn Pháp Jule-Roy đã viết trong tác phẩm trận Điện Biên Phủ như sau: “Trên toàn cầu, mà Oa-téc-lô đã từng ít tiếng vang hơn, sự thất thủ Điện Biên Phủ, đã tạo ra một sự kinh hoàng ghê gớm, đây là một trong những thất bại lớn nhất của phương Tây, nó báo hiệu sự sụp đổ của các đế quốc và sự cáo chung của một nước Cộng Hòa - tiếng sấm của sự kiện còn rền vang”1.

        Bởi vậy, hàng năm ngày 7-5 không phải chỉ người Việt Nam nhắc đến Điện Biên Phủ mà không biết bao nhiêu người trong các nước trước kia bị thực dân đế quốc bóc lột và ngay cả ở các cường quốc đế quốc, cũng không ngừng nhắc đến “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh”.

        Những bài học của chiến cục Đông Xuân và của chiến dịch Điện Biên Phủ hết sức lớn, phong phú nhiều mặt, đã được nhiều người viết. Tôi chỉ đi vào một số bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật rút ra từ thực tiễn, của một cán bộ chỉ huy chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Tôi tin chắc rằng, bài học của chiến dịch này còn được phát triển với thời gian, qua các cuộc tổng kết kinh nghiệm, hội nghị khoa học, luận án khoa học và thực tiễn chiến tranh sau này, sẽ làm thêm phong phú và đầy đủ hơn.

        1. Một quyết tâm dũng cảm, đầy trách nhiệm, chính xác, khoa học, là cơ sở quyết định chiến thắng.

        15 giờ 30 ngày 26-1-1954, trung đoàn chúng tôi đã tới cửa rừng Hồng Lếch phía Tây cánh đồng Mường Thanh, chuẩn bị tiến công từ phía Tây qua cánh đồng trống, rộng 4 ki lô mét vào trung tâm, chỉ huy sở của Đờ Cát-xtơ-ri ở Mường Thanh.

        Đột nhiên, có lệnh từ Đại đoàn trưởng chuyển tới, cuộc tiến công dừng lại, toàn trung đoàn trở về khu vực tập kết, chuẩn bị gấp, sáng hôm sau tiến quân sang Lào theo hướng Mường Ngòi, Luông Pra-băng với hai ngày gạo và thực phẩm trên vai.

        Lúc đó, tôi chưa hiểu rõ vì sao quyết tâm tiến công tiêu diệt Điện Biên Phủ đã được thảo luận, tranh luận hết sức căng thẳng ở sở chỉ huy của chiến dịch ở Thẩm Púa ngày 11-1-1954 và với bao công sức, thương vong mới hoàn thành được công tác chuẩn bị, đưa được một lực lượng lớn 4 đại đoàn, đặc biệt là việc kéo pháo lịch sử trên 10 ngày đêm, đưa pháo cao xạ và pháo binh cơ giới vượt 15 ki lô mét đường núi, dưới sự bắn phá ác liệt của máy bay và phi pháo địch, cản đường quân ta vào vị trí xuất phát tiến công mà lại dừng lại chỉ vài giờ trước lúc mở màn chiến dịch.

        Nhưng chúng tôi chấp hành ngay với hai lẽ: Một là, với kỷ luật tự giác của quân đội cách mạng, mà rõ nhất là ở lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo và chỉ huy của cấp trên.

        Thứ hai, là người chỉ huy trung đoàn, chịu trách nhiệm đánh liên tục trong 3 đêm 2 ngày, qua các cứ điểm 106, 206, 311B, 338 vào trung tâm, trước khi đưa cả trung đoàn vào cuộc chiến mà trung đoàn chưa có kinh nghiệm đánh liên tục ngày đêm, hiệp đồng bộ binh, pháo binh qua nhiều cứ điểm liên tục như thế này. Thú thực lúc đó tôi cũng cảm thấy sự thay đổi quyết tâm này là đúng, vì kinh nghiệm bản thân trong quá trình nhiều trận đánh công kiên cứ điểm lẻ, nếu cán bộ không vào tới hàng rào trinh sát trước khi chiến đấu, thì có thể vấp, thương vong và có thể thất bại. Mà cuộc chiến đấu này, các cán bộ từ Trung đoàn trưởng trở xuống chỉ mới được quan sát đường tiến quân từ trên đài quan sát.

-------------
        1. Dans le monde entire, óu Waterlo avait fait moins de bruit la chute de Điện Biên Phủ provo, que Une Stupeur formidable c’est l’une des plus grandes léfaites de loccident quannoncé l’écroullement des empires coloniaux et la fin d’ une République - la tonnerre de l’éennement roule encore.

Labataille de               
Điện Biên Phủ - Jule Roy       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 02:55:02 pm »


        Đến ngày 7-5-1954, ngày chiến thắng lịch sử, qua thực tiễn hoàn thành nhiệm vụ cũng vẫn trên hướng đó, trung đoàn chúng tôi đã phải mất 55 ngày đêm, với nhiều công sức tổn thất, mới tiến tới mục tiêu đã định, qua 4 trận cấp trung đoàn ở Bản Kéo, 106, 206, 311B. Và chiều hôm đó, cũng từ cửa rừng Hồng Lếch, điểm xuất phát tiến công của trung đoàn hôm 26-1, tôi đi trên bờ giao thông hào mà trung đoàn chúng tôi dùng để tiến quân tiêu diệt liên tục trong 55 ngày đêm tại các cứ điểm trên cùng với 5 đồng chí cán bộ và bảo vệ mà phải gần một tiếng rưỡi đồng hồ, từ 15 giờ 30 mãi tới gần 17 giờ, mới tới hầm chỉ huy Đờ Cát, trong điều kiện không có phi pháo cản trở, không phải chiến đấu. Chắc các đồng chí đã chiến đấu trên đồi A1 cũng đồng tình với tôi qua các trận đánh liên tục 36 ngày đêm, của hai trung đoàn 174 và 102 thiện chiến. Đến nay, qua thời gian, qua trưởng thành thêm trong chiến đấu và học tập, bài học thấm thía đối với cán bộ chỉ huy là, quyết tâm của Bộ tư lệnh mặt trận ở Điện Biên Phủ, là một quyết tâm dũng cảm và đầy trách nhiệm, vì nó được hạ đúng vào lúc quân đội đã triển khai tiến công, không phải người chỉ huy nào cũng dám hạ quyết tâm như vậy. Lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới, nhiều thế kỷ, đã chứng minh điều đó.

        Quyết tâm đó hết sức chính xác và khoa học. Thực tiễn chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã chứng minh sự chính xác và khoa học của quyết tâm kịp thời đó, đã tránh cho cuộc tiến công có thể phải kéo dài ngoài ý muốn, như quân Đức đã vấp trước Mát-xcơ-va, Lê-nin-grát, Sta-lin-grát và đã đưa tới kết quả tai hại là bị thất bại sau hàng trăm đến chín trăm ngày bao vây, tiến công không thành. Lúc đầu, quân Đức với sức mạnh hơn hẳn đối phương về trang bị vũ khí phương tiện hiện đại, có pháo binh, xe tăng, thiết giáp, bộ binh hùng hậu, dùng cách đánh nhanh đột phá thọc sâu của học thuyết chiến tranh chớp nhoáng của phát xít Đức, rồi sau cũng phải chuyển sang cách đánh từng bước, kéo dài thời gian bao vây, tiến công. Chúng ta đều biết những tướng chỉ huy Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai, như Măng-xtanh, Vôn-pao-luýt cũng không phải là những tướng lĩnh tồi, qua những chiến thắng của Đức ở châu Âu và châu Phi.

        Với sự thay đổi quyết tâm ngày 26-1-1954 đã dẫn tới thay đổi từ cách đánh, lấy đột kích mạnh, thọc sâu nhanh vào tung thâm sở chỉ huy địch, khu vực sân bay, trận địa pháo, hậu cần trên các hướng Tây vào là chủ yếu, Bắc là thứ yếu và Đông là giáp công, thực hiện tiêu diệt địch trong ba đêm, hai ngày liên tục theo phương châm đánh nhanh thắng nhanh sang cách đánh tiến công, vây lấn, đánh từng bước, diễn ra trong một thời gian dài gồm cả một loạt trận đánh địch phòng ngự trận địa kiên cố kế tiếp nhau với ưu thế tuyệt đối trong từng trận, từng đợt tiến công bảo đảm chắc thắng cho từng trận, từng đợt, do đó bảo đảm chắc thắng cho toàn bộ chiền dịch, theo phương châm đánh chắc, tiến chắc. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội, lúc đó là Tư lệnh mặt trận, đã viết trong Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 4/1989 về sự thay đổi quyết tâm này như sau: “Điện Biên Phủ là một điển hình của sự kết hợp nhiệt tình cách mạng và tư duy khoa học thể hiện trong phân tích đúng tình hình khách quan, lựa chọn đúng phương pháp, vận dụng sáng tạo phương châm và cách đánh. Thực tế cho thấy, có quyết tâm cao, lại còn phải có phương pháp đúng. Với một lực lượng quân sự của ta, một lực lượng quân sự nhất định của địch, phương pháp sai thì thua, có thể thua to, phương pháp đúng mới thắng, có thể thắng lớn, rất lớn”.

        Việc thay đổi phương châm của chiến dịch Điện Biên Phủ là một ví dụ.

        Thật là một cân nhắc khó khăn đối với lãnh đạo và chỉ huy, có dũng cảm nhìn vào thực tế mới của tình hình, xem lại quyết tâm đã định, thay đổi phương châm, phương pháp, mới dám thay đổi một việc hệ trọng một cách đột ngột như vậy trước giờ tiến công. Biết bao vấn đề cực kỳ khó khăn sẽ đặt ra và phải giải quyết, phản ứng của cán bộ, chiến sĩ sẽ ra sao, trong đó có vấn đề bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày, trên một chiến trường rừng núi, rất xa hậu phương. Ngoài bài học quân sự, nổi lên một chân lý là, trong mọi hoạt động, quyết định chính xác của lãnh đạo và lòng tin của quần chúng tạo ra sức mạnh và thành công, là một quá trình nhân quả, biện chứng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 03:03:39 pm »

       
        2. Nghệ thuật quân sự độc đáo Việt Nam, lấy thế để thắng địch có lực mạnh:

        Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một căn cứ không quân lục quân chứ không phải chỉ là một tập đoàn cứ điểm của lục quân như Nà Sản, Hòa Bình, gồm 49 điểm tựa nằm trong tám trung tâm đề kháng và hai sân bay ở Mường Thanh và Hồng Cúm, dài 1.500 mét, các loại máy bay của Pháp từ đó đều có thể hạ, cất cánh, chia thành ba phân khu.

        Lực lượng chiếm đóng cả về số lượng và chất lượng đều là mạnh nhất của quân đội Pháp lúc đó, gồm có 17 tiểu đoàn chủ lực, đại bộ phận là Âu - Phi thiện chiến.

        10 máy bay chiến đấu và trinh sát đậu trực tiếp tại hai sân bay ở Điện Biên Phủ.

        Hai tiểu đoàn lựu pháo 105 ly.

        Một đại dội trọng pháo 155 ly

        24 cối 120 ly.

        10 xe tăng nhẹ Sherman có pháo 75 ly, 1 tiểu đoàn công binh, có cả không quân Pháp và có cả không quân Mỹ chi viện.

        So sánh tương quan lực lượng

              Bộ binh      

        Ta: 27 tiểu đoàn               Địch: 17 tiểu đoàn       Tỷ lệ: 1,5/1   

              Pháo mặt đất

        Ta: 24 lựu pháo 105, 18 sơn pháo 75 ly, 20 cối 120 ly, một đại đội hỏa tiễn H.6.

        Địch: 24 lựu pháo 105 ly, 4 trọng pháo 155 ly, 24 cối 120 ly

        Tỷ lệ không chênh lệch bao nhiêu về đầu khẩu. Nếu so cả cối thì ta gấp hai nhưng chủ yếu ta hơn về pháo cối nhẹ.

              Pháo cao xạ

        Ta: 36 pháo 37 ly ở Điện Biên Phủ, 36 súng 12,7 ly phòng không, 3 tiểu đoàn pháo 37 ly bảo vệ đường giao thông chiến dịch và chiến lược có liên quan.

         Địch: 0

        Phi cơ:

        Ta: 0

        Địch: Tuyệt đại bộ phận không quân của Pháp ở Bắc Bộ và 75 chiếc B26 và B24 cùng 49 chiếc C119 vận tải của Mỹ.

       Xe tăng:

        Ta: 0

        Địch: 10 Sherman loại nhẹ có pháo 75 ly.

KẾT LUẬN CHUNG

        a) Hỏa lực địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Cụ thể:

        - Địch bắn trong ba ngày 13, 14, 15-3: 30.000 viên đạn pháo lớn (105 + 155 ly) mà toàn chiến dịch ta chỉ dùng có 20.000 viên đạn 105 ly.

        - Từ 13-3 đến 27-3, theo thống kê của Pháp, chúng đã dùng 750 lần chiếc máy bay, thả hàng vạn tấn bom xuống quanh Điện Biên Phủ. Có ngày 200 lần chiếc, có giờ 20 lần chiếc chi viện cho Điện Biên Phủ.

        b) Tổ chức tập đoàn cứ điểm có hệ thống vững chắc gồm 49 điểm có công sự kiên cố trong tám trung tâm, ba khu vực yểm hộ lẫn nhau, pháo Hồng Cúm đã gây nhiều thương vong cho bộ đội đánh vào các điểm tựa ở Mường Thanh. Chướng ngại vật dày đặc, hàng rào dây thép gai và mìn ở từng điểm tựa có độ dài đến 100 mét.

        c) Các tướng cao cấp Pháp (Na-va, Cô-nhi, Plê-ven Bộ trưởng quốc phòng Pháp, Ê-ly tổng tham mưu trưởng Pháp) và tướng Mỹ O-Đa-ni-en lên Điện Biên Phủ ngày 2-2-1954 đều nhận định: Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là pháo đài kiền cố không sức mạnh nào phá nổi. Chúng cho rằng, nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì chỉ có thể có một kết quả, là đi vào con đường tự sát. Chúng tin chắc là hỏa lực pháo binh và không quân của chúng ở Điện Biên Phủ có đủ sức để tiêu diệt lực lượng tiến công từ ngoài, khi tiến vào cánh đông trong giai đoạn triển khai tiếp cận. Na-va tuyên bố: “Lực lượng của Việt Minh phải cơ động hành quân vài tuần, từ 6 đến 10 ngày trinh sát và triển khai và cuối cùng là: một giai đoạn công kích trải ra trên vài ngày tùy theo tầm quan trọng của phương tiện sử dụng và kết thúc với sự thất bại của Việt Minh”.

        d) Nhưng thế địch yếu vì bị cô lập, xa các căn cứ của chúng, chỉ dựa vào tiếp tế của không quân, không có khả năng chi viện và việc rút chạy là rất khó khăn, không thể thực hiện được một khi có nguy cơ bị tiêu diệt. Sức mạnh phi pháo, kỹ thuật bị hạn chế do địa hình, địch lại nằm trong lòng chảo, ta ở thế cao quanh Điện Biên Phủ, có khả năng quan sát, uy hiếp, bao vây chặt, tập đoàn cứ điểm vững chắc, nhưng cố định, dễ bị hỏa lực đối phương gây thương vong; kho tàng, phương tiện, vũ khí, dễ bị phá hủy. Chính do ta biết khoét sâu chỗ yếu này, hạn chế mặt mạnh của địch, phát huy sở trường của ta đề ra quyết tâm đúng lại có kinh nghiệm diệt từng cụm cứ điểm cỡ tiểu đoàn, nên đã chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 03:11:11 pm »


        3. Mấy vấn đề nghệ thuật trong tiến công vây lấn tập đoàn Điện Biên Phủ:

        Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình địch ta và hạ quyết tâm dùng cách đánh chắc, tiến chắc, Bộ chỉ huy chiến dịch phải giải quyết nhiều vấn đề về chọn hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu, sử dụng binh hỏa lực và các mặt bảo đảm, như hậu cần, tiếp tế, phòng chống pháo binh, phi cơ, mìn, chướng ngại vật dày đặc của chiến dịch. Đánh nhanh có cái khó nhưng đánh dài ngày ở một khu vực xa hậu phương, vấn đề tiếp tế hậu cần đã trở thành một vấn đề chiến lược, mà phải giải quyết trên quy mô toàn miền Bắc.

        Phương pháp tác chiến quen thuộc của quân đội ta trong đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc, từ trước tới lúc đó, chỉ là đánh công kiên trong một, hai ngày đêm, diệt từng đại đội, tiểu đoàn hoặc là tập kích. Chúng ta chưa có kinh nghiệm chiến thắng một tập đoàn cứ điểm vững chắc như Điện Biên Phủ. Do đó, cuộc chiến đấu thật vô cùng quyết liệt đòi hỏi quyết tâm cao và sáng tạo, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm.

        Theo tôi, mấy vấn đề sau là những điểm nổi bật trong trận chiến đấu quyết định này:

        1. Vây hãm và chống vây hãm

        2. Tiến công lấn dần từ ngoài vào trong.

        A - Vây hãm tập đoàn địch và chống phá vây hãm:

        Nguyên tắc của vây hãm là phải cô lập được đối phương định tiêu diệt, triệt mọi đường chi viện tiếp tế và phá hủy tinh thần và vật chất của chúng. Thế giới đã tổng kết có 3 cách vây: Vây rộng (chỉ khống chế các đường giao thông chính), vây chặt (gồm nhiều vòng vây sát), vây tạm thời (bằng cách sử dụng quân cơ động bao vây).

        Ở Điện Biên Phủ ta đã thực hiện ra sao?

        Vây: Cắt đường bộ, triệt mọi giao tiếp giữa tập đoàn địch ở Điện Biên Phủ với các lực lượng bộ binh ở nơi khác tới bằng đợt tiến công của đại đoàn 316 tiêu diệt quân địch ở Lai Châu trên đường rút chạy về Điện Biên Phủ và của đại đoàn 308 sang Lào, trong tháng 2-1954 tới Luông Pra-băng, đuổi và diệt địch ở Mường Khoa - Mường Sài đến sông Mê Kông, sát Luông Pra-băng, phá khả năng tiếp viện, phá vây và tháo chạy bằng đường bộ của quân Pháp. Đờ Cát-xtơ-ri gọi Điện Biên Phủ là một “Véc-đoong không có con đường thiêng liêng”. Chúng ta đều biết, trong chiến tranh thế giới thứ II:

        - Lê-nin-grát: địch không cắt được con đường qua hồ La-đô-ga,

        - Sta-lin-grát: địch không cắt được đường qua sông Vôn-ga nên đã bị thất bại, sau hàng trăm ngày đến 900 ngày tiến công.

        Triệt, phong tỏa, hạn chế rồi cắt đứt nguồn tiếp viện, tiếp tế bằng đường không của địch, thực hiện triệt đường tiếp tế duy nhất của tập đoàn cứ điểm. Na-va trong thư gửi chính phủ Pháp ngày 1-1-1954, có đoạn viết: “Trong trường hợp đối phương tiến công khả năng thắng của chúng ta ra sao? Cách đây hai tuần tôi đánh giá là 100%. Đây là một cuộc hội chiến được chấp nhận trên một địa hình do ta lựa chọn và trong những điều kiện tốt nhất để chống lại một kẻ địch có những phương tiện mà chúng ta đã biết cho tới ngày 15-12-1954. Nhưng, trước những phương tiện mới như pháo 105 và cao xạ 37 ly mà tình báo cho biết, tôi không thể bảo đảm thắng lợi một cách chắc chắn. Đây trước hết là một hội chiến của không quân”.

        Phải phong tỏa cầu hàng không nối liền Điện Biên Phủ với Gia Lâm, Cát Bi, tiến tới bằng mọi biện pháp cắt đường tiếp tế lương thực, đạn dược, thuốc men, phương tiện sinh hoạt, không cho tăng viện quân bổ sung, vũ khí đạn dược và ngăn chặn giải tỏa thương binh. Đây là một yêu cầu quan trọng có tính quyết định. Đối với chiến dịch Điện Biên Phủ và trong chiến tranh hiện đại, việc bao vây đường không lại càng quan trọng. Ta đã thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

        Ở đồng bằng, quân ta tập kích vào sân bay Gia Lâm và Cát Bi, tiêu diệt nhiều phi cơ của địch.

        Tại Điện Biên Phủ, ta dùng các biện pháp sau:

        Bằng hỏa lực phòng không:

        Hai tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly tiến sát vào cánh đồng Mường Thanh ngay sát cụm cứ điểm độc lập Bản Kéo, Him Lam, lúc mở đầu chiến dịch và sau đợt 1 tiến vào cánh đồng Mường Thanh. Các đại đội, tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7 ly tiến sâu vào tung thâm, bố trí trên các đồi và ngay cả trên cánh đồng, trong các cứ điểm ta đã chiếm được, như cứ điểm 206 cạnh sân bay, có tác dụng lớn bắn máy bay bay thấp thả dù, đặc biệt là về đêm. Kết quả là:

        7 giờ ngày 14-3, cao xạ của ta hạ chiếc máy bay đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Đến 17-3, sau năm ngày chiến đấu, pháo cao xạ bắn rơi 12 máy bay; ngày 12-4, pháo cao xạ hạ một B24 bốn động cơ của Mỹ, đến ngày 28-3, 43 máy bay đã bị ta bắn rơi. Lô Danh, tư lệnh không quân Pháp ở Đông Dương, ngày 18-3 báo cáo với Na-va rằng, việc tiếp tế bằng đường không hàng tháng từ 4.000 tấn đã phải tăng lên 1 vạn tấn. Dù thả xuống Điện Biên Phủ không lấy lại được. Na-va phải tính đến chuyện cầu cứu Mỹ, đặt mua lụa để may dù và phụ tùng ở Nhật và Phi-líp-pin. Phi cơ địch buộc phải thả dù với độ cao 1500 mét vào ngay trung tâm Mường Thanh, nhưng hàng hóa và người vẫn cứ rớt ra ngoài, có lúc tới một nửa. Địch phải kêu lên rằng, phi cơ của chúng như “bồ câu bị bắn”, không quân bị “tàn sát” đến mức không chịu nổi. Và khi ta bố trí cao xạ ở các điểm tựa 206, 105 sát sân bay Mường Thanh thì trong hai đêm 27, 28-4 toàn bộ 42 chiếc máy bay của địch phải bay trở về Gia Lâm với tất cả hàng hóa vận chuyển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 03:16:32 pm »


        Bằng pháo binh:

        Các loại pháo 105, 75 ly và cối 120 của ta bố trí trên các đồi quanh Điện Biên Phủ, bắn vào các máy bay đỗ và hạ cánh trên sân bay địch. Với kết quả là 10 giờ 30 ngày 12-3 pháo và cối của ta đã phá 3 máy bay địch ở sân bay Mường Thanh; tại đây 9 giờ ngày 13-3 sơn pháo ta bắn cháy một Đa-kô-ta; cũng ở đó 14 giờ 30 bắn cháy một máy bay Đa-kô-ta ở sân bay Hồng Cúm; 17 giờ pháo 105 tập kích vào sân bay Mường Thanh, phá hủy 5 máy bay, 14-3 pháo của ta bắn cháy hai trực thăng đổ xuống Điện Biên Phủ. Đến ngày 17-3 tất cả máy bay còn lại ở sân bay đều bị phá hủy. Và đêm 26-3 chấm dứt việc máy bay Pháp hạ xuống Điện Biên Phủ để vận chuyển thương binh.

        Các đơn vị bộ binh đào công sự nối liền phía Đông với phía Tây đã cắt đôi sân bay Mường Thanh vào ngày 23-4. Bầu trời Điện Biên Phủ thu hẹp đến mức các súng bộ binh cũng đã bắn được vào máy bay thả dù ở Điện Biên Phủ. Từ 2-5 địch chỉ còn thả dù dược nhỏ giọt trong đêm ở độ cao 1500 mét và đêm ngày 6-5 thì kết thúc việc thả dù ở Điện Biên Phủ với việc hai phi đội địch đã tới bầu trời Điện Biên Phủ lại phải quay trở về Gia Lâm, để lại ở Điện Biên Phủ hai C119 của Mỹ bị hạ.

        Không quân của Pháp không đủ khả năng chi viện cho Điện Biên Phủ nữa, Pháp đã phải cầu cứu Mỹ và từ đầu tháng 4, 75 chiếc B26 và B24 cùng 49 chiếc C119 của Mỹ đã trực tiếp tham gia chi viện Điện Biên Phủ. Và trận không chiến mà Na-va dự định trước khi mở đầu chiến dịch đã thất bại đến nỗi ngày 24-3-1954, Đô đốc Mỹ Rakfo đã đưa cho Ê-ly, Tổng tham mưu trưởng Pháp kế hoạch dùng 70 đến 80 máy bay B29 với sự tham gia yểm hộ của 150 khu trục thuộc hạm đội 7 Mỹ để oanh tạc Điện Biên Phủ và ngày 15-4 kế hoạch “diều hâu” của Mỹ được đề ra, với việc dùng 90 máy bay B29, từ Ma-ni-la đến oanh tạc Điện Biên Phủ, và có ý định dùng bom nguyên tử đánh xuống quanh Điện Biên Phủ.

        Phá: vây, triệt, phá là những nội dung thống nhất của bao vây. Ta dùng mọi biện pháp để phá huỷ công trình, vật chất và tinh thần của địch, cả pháo binh, cả hỏa lực bộ binh, cả dùng truyền đơn, loa và các hình thức địch vận khác, phá cả ngày và đêm, bắn tập trung, bắn tỉa làm cho tinh thần địch bị sa sút nghiêm trọng. Địch tại Điện Biên Phủ đều phải kêu lên rằng, sống ở Điện Biên Phủ như ở địa ngục trần gian, con người biến thành chuột chui rúc xuống hầm sâu vũng nước. Thương binh không chuyến đi được, nằm la liệt trong hầm quân y với mùi hôi thối nồng nặc của máu mủ và dòi bọ. Hơn 10.000 quân địch còn lại bị bắt, đều hầu như được cứu sống, tay cầm cờ trắng, miệng cười hớn hở khi bị dẫn ra khỏi các điểm tựa còn lại của địch. Đến ngày 1-5, theo báo cáo của địch, chúng chỉ còn có 3 ngày lương thực, 275 viên đạn 155 ly, 14.000 viên 105 và 5000 viên đạn 120 ly. Lịch sử quân sự thế giới và trong nước không thiếu thí dụ, cả một đoàn quân lớn bị vây hãm mà phải đầu hàng như Vương Thông ở Đông Quan, thành phố Mô-bơ-giơ (Pháp) dân số 32.172 người bị quân đoàn 7 của tướng Đức Von Zwehl vây hãm phải đầu hàng vì bị đói và bị tàn phá nặng. Năm 1944 - 1945, quân Liên Xô đã bao vây cụm tập đoàn quân phía Bắc của Đức ở bán đảo Kuốc-li-di-a buộc chúng phải hàng. Tập đoàn cứ điểm không quân - lục quân Điện Biên Phu chỉ sau năm ngày ta bắt đầu tiến công, toàn bộ phi cơ của Pháp ở sân bay Mường Thanh đã bị phá huỷ, đã trở thành tập đoàn lục quân. Không quân của địch đã phải bay xa thêm hàng nghìn ki-lô-met, từ Gia Lâm tới Điện Biên Phủ, đề bắn phá trận địa ta và bay về, do đó, tác dụng của không quân cường kích không còn nữa vì tầm bay có hạn. chỉ còn không quân ném bom bay tới lại phải ném bom trên độ cao 4 ki-lô-mét, trên tầm hiệu lực của pháo cao xạ 37 ly, nên rất kém hiệu quả. Do đó, vây hãm đã tạo điều kiện tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm và tiến công tiêu diệt từng điểm tựa, khu trung tâm, lại tạo điều kiện vây hãm triệt phá cầu hàng không tiếp tế của địch.

        Phá cách phá vây hãm của địch:

        Địch đã sử dụng mỗi ngày hàng trăm lượt phi cơ, đánh phá các đường giao thông cơ giới chiến dịch và chiến lược liên quan đến chiến dịch, để phá cuộc vây hãm phong toa cắt cầu hàng không về tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Do đó, một vấn đề hết sức quan trọng của ta là phải bảo đảm đường giao thông vận chuyển lương thực, đạn dược từ hậu phương xa đến Điện Biên Phủ. Ta đã đưa tới Điện Biên Phủ 200.000 tấn hàng với việc sử dụng trên 600 xe cơ giới, hàng chục nghìn xe thô sơ các loại và trên 20 vạn dân công, sử dụng nhiều đường, cả đường bộ và đường thủy. Nhờ đó, cuộc chiến tranh bằng không quân của Pháp và Mỹ đã hoàn toàn thất bại, quân dân Việt Nam đã phát triển kinh nghiệm của Điện Biên Phủ và đã chiến thắng cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ, mà nổi bật là chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ở Hà Nội, tháng 12-1972, bằng chiến tranh nhân dân vô địch chứ không phải chỉ bằng các binh, quân chủng hiện đại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 03:19:49 pm »


        Tiến công lấn dần tiêu diệt tập đoàn cứ điểm kiên cố.

        Trong nghệ thuật vây lấn tiến công có nhiều đặc điểm khác với tiến công nhanh ở các điểm sau:

        Chọn hướng tiến công chủ yếu trong tiến công nhanh dựa vào hoả lực và sức đột kích mạnh, thực hành đột phá thọc sâu, chọn vào nơi địch phòng ngự vòng ngoài yếu, ta có điều kiện đột phá nhanh và thọc sâu nhanh vào các điểm hiểm yếu như sở chỉ huy, sân bay, trận địa pháo, căn cứ hậu cần, thực hiện chia cắt chiến dịch, tiêu diệt từng bộ phận, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch, nên trong phương án ban đầu ta chọn hướng Tây làm hướng chủ yếu. Trái lại, trong vây lấn, tiến công, hướng chủ yếu lại là phía Đông nhằm chiếm các cao điểm khống chế sân bay, trận địa pháo, sở chỉ huy, tiến tới khống chế khu trung tâm ở lòng chảo Điện Biên Phủ và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm khi nó đã kiệt sức.

        Các điểm tựa quyết định sự chống cự của khu trung tâm tập đoàn cứ điểm là dãy cao điểm phía đông, mà đồi A1 có tầm khống chế toàn bộ khu trung tâm, bao gồm chỉ huy sở, trận địa pháo. Chỉ có đánh chiếm được cao điểm này quân địch mới hết khả năng chống cự, nên khi mất cao điểm A1 vào 2 giờ 30 ngày 7-5 khu vực chiếm đóng của địch chỉ còn mỗi chiều trên dưới 1000 mét. Tinh thần địch hoàn toàn tan rã. Và đến 14 giờ, hầu như trong tất cả các trận địa của địch đều xuất hiện cờ trắng, vải trắng. Lệnh tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã phát ra vào 15 giờ 30 và chính lúc đó Đờ Cát-xtơ-ri điện về cho Cô-nhi báo cáo sự chống cự của Điện Biên Phủ sẽ ngừng vào 7 giờ sáng 8-5. Quân ta đã đánh chỉ huy sở của Đờ Cát, bắt toàn bộ bộ tham mưu và tướng Đờ Cát lúc 16 giờ 30 ngày 7-5.

        Tầm quan trọng của việc đánh chiếm các pháo đài, các cao điểm có tính chất khống chế trong đánh tiêu diệt các căn cứ, trận địa kiên cố có vai trò quyết định. Nó được thể hiện không những trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà trong các trận đánh vây lấn lớn trên thế giới việc chiếm lĩnh các pháo đài chủ yếu cũng đều có những trận quyết định thắng lợi. Thí dụ, trong trận đánh Sê-va-stô-pôn của 200.000 quân Đức bao vây 125.000 quân Xô Viết từ tháng 11-1941, mãi tới tháng 6-1942, khi pháo đài Gooc-ki bị chiếm, quân Đức mới mở được cửa đột phá vào Sê-va-stô-pôn, nhưng mãi tới tháng 7-1942 Sê-va-stô-pôn mới bị thất thủ, khi bị mất thêm hai pháo đài nữa là Ma-la-kốp và In-ke-vơ-man.

        Phương pháp tiến công vào tập đoàn cứ điểm hoàn toàn khác so với cách đánh nhanh, giải quyết nhanh.

        - Về chiến dịch là những đợt tiến công kế tiếp nhau trong một thời gian dài, với sự tập trung cao độ vào từng trận đánh, vào từng điểm tựa từ ngoài vào trong. Ta thường tập trung lực lượng gấp ba đến sáu lần quân địch, trong từng trận đánh.

        - Ta đã xây dựng cả một hệ thống giao thông hào, một hệ thống trận địa tiến công và bao vây tạo điều kiện cho quân ta triển khai vận động và tiến công dưới hỏa lực phi pháo mạnh và phá vỡ hệ thống trận địa chướng ngại vật dày đặc của địch. Chúng ta đều thấy tầm quan trọng của chỉ thị của Bộ chỉ huy chiến dịch về xây dựng trận địa để tiến công.

        Chỉ riêng hỏa lực phi pháo và mìn của địch cũng đã gây cho ta trên 76% tổng số thiệt hại, trong điều kiện ta đã dùng cách tiến công bằng hệ thống giao thông hào và xây dựng trận địa kiên cố cho cả pháo binh, chỉ huy sở, lực lượng hậu cần phía sau.

        Nhiều cứ điểm bị tiêu diệt bằng chiến thuật vây lấn như 106, 206, 311B và ngay cao điểm A1 ta cũng đào đường ngầm đưa 1000 cân thuốc nổ vào đặt dưới hầm ngầm của địch và đào giao thông hào cắt đứt A1 và A3, cô lập A1 với khu trung tâm. Ở Điện Biên Phủ, giao thông hào, trận địa để tiến công là đặc trưng của sự khác nhau giữa tiến công vận động và tiến công trận địa. Đâu cũng có giao thông hào và trận địa.

        - Giao thông hào bao vây các điểm tựa.

        - Giao thông hào bao vây toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

        - Giao thông hào chia cắt Mường Thanh và Hồng Cúm.

        - Giao thông hào cắt đôi sân bay.

        - Giao thông hào vào tận từng cứ điểm.

        - Giao thông hào, trục bảo đảm vận chuyển hai chiều cả sơn pháo 75 ly, cả cối 120 ly và cáng thương binh, giao thông hào nhánh, chiến hào nổi, chiến hào dọc ngang, từ nơi trú quân cũng có hầm hố trong rừng ra đến trận địa tiến công, các lực lượng đều đi trong hào.

        - Toàn bộ lực lượng, phương tiện, kho tàng, bệnh viện, thương bệnh binh đều ở trong nhà hầm, hàng nghìn bếp “Hoàng Cầm” bảo đảm thổi cơm không có khói, đã được làm và sử dụng.

        Trận địa, giao thông hào đã bảo đảm cho pháo binh mặt đất, pháo cao xạ, bảo đảm cho bộ binh triển khai, chiếm lĩnh bao vây, phản kích. Các mặt quân sự, chính trị, hậu cần đều đã tập trung nhiều công sức vào bảo đảm cho xây dựng trận địa, giao thông hào. Thời gian, công sức đào hầm hào, trận địa, xẻ núi làm đường gấp nhiều lần thời gian trực tiếp tiến công, là đặc trưng của nghệ thuật tiến công vây lấn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM