Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:18:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam  (Đọc 54482 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 04:49:18 am »


        Khi đạo quân viện binh của Liễu Thăng đã bị thất bại nặng nề và bị giam chân ở Xương Giang, Lê Lợi cho một số tù binh mang thư và bằng sắc ấn tín của Liễu Thăng và những tên tướng tử trận đến trại quân của Mộc Thạnh.

        Mộc Thạnh thất kinh, vội vàng đang đêm đem quân gấp rút tháo chạy về nước.

        Nghĩa quân đã chuẩn bị trước, lập tức tung quân đánh đuổi. Quân ta thắng lớn ở Lãnh Câu và Đan Xá diệt trên 1 vạn địch, bắt sống 1 nghìn tên và 1 nghìn ngựa, thu nhiều chiến lợi phẩm. Mộc Thạnh chỉ một mình một ngựa chạy thoát về Vân Nam.

        Chiến thắng ở Lãnh Câu và Đan Xá càng cổ vũ tinh thần quân dân ta ở chiến trường Xương Giang. Vừa xiết chặt vòng vây, Lê lợi, Nguyễn Trãi kiên trì dụ hàng quân địch ở cánh đồng Xương Giang.

        Quân Minh tỏ ra ngoan cố, không chịu hàng, lại có âm mưu giảng hòa để kéo vào thành Chí Linh, lợi dụng thành lũy này để cố thủ và tiếp tục chiến tranh.

        Lê Lợi ra lệnh gấp rút hạ thành Chí Linh và gửi tới Thôi Tụ, Hoàng Phúc một bức tối hậu thư.

        Đúng ngày 3-11-1427, nghĩa quân được lệnh tổng công kích cụm viện binh cuối cùng này. Quân địch đại bại, các tướng chỉ huy lớn nhỏ từ Thôi Tụ, Hoàng Phúc đến Sử An, Trần Duy, v.v... đều bị bắt cùng với hơn 5 vạn quân địch bị giết, một số chạy trốn được, sau cùng đều bị dân ta bắt giữ.

        Đến đây, hai đạo viện binh của nhà Minh đều bị tiêu diệt và đánh bại.

        Toàn bộ chiến cục từ Chi Lăng đến Xương Giang, với các trận đánh liên tiếp đã được bố trí và thực hiện đúng kế hoạch dự định. Quân ta hoàn toàn đẩy địch vào thế bị động. Nghĩa quân đã sử dụng tài tình địa hình hiểm trở và chọn quyết chiến điểm một cách chính xác.

        Sau trận phản kích tuyệt vọng cùng với sự kiên trì thuyết phục của Nguyễn Trãi, cuối cùng Vương Thông đã phải chịu đầu hàng bằng một cuộc đàm phán gọi là “Hội Thề Đông Quan” cam kết rút toàn bộ quân lính ra khỏi nước ta.

        Ngày 29-12-1427, quân Minh bắt đầu rút lui và đến ngày 3-1-1428 thì đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước.

        Bình Ngô Đại Cáo đã nêu:

        Tham tướng Phương Chính, nội quan Mã Kỳ trước cấp hơn năm trăm thuyền, đã vượt biển, vẫn hồn kinh phách lạc. Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, lại cho trên mấy nghìn ngựa, đã về nước, còn ngực đập chân run. Nó đã sợ chết tham sống, phải thành khẩn cầu hàng. Ta để cho giặc toàn quân, mà quân ta được nghỉ và đất nước ta sau 20 năm bị mất, nay lại được giải phóng một cách oai hùng.

              Xã tắc từ đây vững yên.
              Giang sơn từ nay đổi mới
              Càn khôn hết bĩ lại thái.
              Nhật nguyệt hết mờ lại trong
              Mở rộng nền thái bình muôn thuở
              Rửa sạch điều hổ thẹn nghìn thu.


        Bài học lớn trong cuộc chiến tranh bảo vệ và giải phóng tổ quốc, chống xâm lược của nhà Minh trong 20 năm trường là chống kẻ thù lớn mạnh hơn phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, phải có nghệ thuật của chiến tranh nhân dân và luôn quán triệt tư tưởng lấy yếu chống mạnh, phải biết tạo thời lập thế để thắng kẻ định có lực lượng mạnh hơn. Phải có cách đánh phù hợp lừa địch, đưa địch vào những thế trận bất ngờ, bằng phục kích, tập kích - Sai lầm về chiến lược thì quân trăm vạn, thành quách kiên cố cũng chỉ vài tháng là thua, đổ mất nước. Nhưng kẻ thù xâm lược phải luôn nhớ rằng nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước sâu đậm, có ý chí quật cường không chịu cam tâm làm nô lệ. Các cuộc khởi nghĩa liên tiếp trong gần 20 năm bị đô hộ của nhân dân đã chứng minh nhân dân Việt Nam không thể bị đồng hóa. Trong 20 năm chống Minh xâm lược, nghệ thuật giải phóng dân tộc đã được xây dựng hoàn chỉnh từ khởi nghĩa ở rừng núi nông thôn tiến hành chiến tranh du kích, đến vây thành diệt viện binh tiến tới chiếm khoanh trì - kết hợp tiến công với nổi dậy của quần chúng, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị binh địch vận và ngoại giao - Trong tác chiến thì luôn quán triệt tư tưởng lấy “yếu chống mạnh hay đánh bất ngờ, ít địch nhiều thường dùng mai phục” lấy đánh vận động là chính - Dùng chiến lược đánh lâu dài, từng bước xây dựng và phát triển lực lượng và thế trận, xây dựng căn cứ địa ở nơi hiểm trở của núi rừng và trong lòng dân ở những nơi địch yếu trước và khi đã có thời cơ thì không bỏ lỡ mà tranh thủ đánh nhanh mở rộng địa bàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 04:56:26 am »

       
IV

QUANG TRUNG CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA MÃN THANH NĂM 1789

        Cuộc chiến tranh xâm lược nước ta diễn ra vào lúc triều Thanh đang ở trong thời kỳ thịnh trị. Năm 1683, Khang Hi đánh chiếm Đài Loan, năm 1718 và năm 1720, Khang Hi đánh Tây Tạng, năm 1754, Càn Long đánh chiếm được Đun-ga-ri (một xứ ở miền Tây Tân Cương).

        Biên cương của Trung Quốc đã được mở rộng về phía Tây. Đôi mắt của Càn Long nhìn về phương Nam. Gặp lúc Lê Chiêu Thống cho người sang xin “cứu viện”, Càn Long cho rằng cơ hội để bành trướng xuống phương Nam đã đến. Vì thế, Càn Long đáp ứng ngay yêu cầu của Lê Chiêu Thống, tổ chức một đạo quân viễn chinh gồm 29 vạn chiến binh và dân phu, giao cho tổng đốc Lưỡng Quảng và Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh, có đề đốc Hứa Thế Hanh làm phó tướng.

        Như vậy, Càn Long đã tiến hành cuộc Nam chinh vào lúc triều Thanh đang ở vào độ cường thịnh nhất của nó. Lực lượng của chúng hùng hậu, hậu phương của chúng ổn định, vững chắc. Cả lực lẫn thế của đạo quân viễn chinh nhà Thanh đều mạnh, “khí kiêu” từ thống soái đến binh sĩ đều cao ngất.

        Về phía ta, tình hình trong nước vào năm 1788 thật vô cùng phức tạp. Nội bộ phong trào Tây Sơn rạn nứt. Lực lượng nghĩa quân Tây Sơn lại phân tán ra cả khắp 3 miền. Ở Bắc Hà, nhiều sĩ phu và nhân dân còn chịu ảnh hưởng cửa nhà Lê. Tại Gia Định phía Nam, Nguyễn Ánh sau lần thất bại thứ 3 đã quay trở lại chiếm được Gia Định, đang ráo riết chuẩn bị quân đội để đánh ra Bình Thuận, mà quân của Nguyễn Nhạc lại yếu, kém. Quang Trung sau khi đánh bại chúa Trịnh, đại quân rút về Phú Xuân, chỉ để lại Bắc Hà một vạn quân. Phía Bắc quân Thanh uy hiếp, tiến quân xâm lược. Phía Nam, lực lượng Nguyễn Ánh, với sự giúp đỡ của Pháp đang phát triển với kỹ thuật của phương Tây, phía Tây quân Xiêm và Vạn Tượng sẵn sàng đợi thời cơ phối hợp.

        Từ tình hình trong và ngoài trên đây, vấn đề chiến lược đặt ra cho Quang Trung là phải nhanh chóng đánh bại quân Thanh xâm lược, không cho Nguyễn Ánh và Xiêm lợi dụng thời cơ đánh vào sau lưng và bên sườn. Phải tiêu diệt một kẻ thù mạnh hơn, trong tình hình chính trị ở Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm nói:

        “Nay quân Thanh sang đây, tiếng tăm rất lớn. Những kẻ trong nước làm nội ứng cho chúng, phần nhiều lại phao tin đồn nhảm, làm cho thanh thế của chúng to thêm, để lòng người sợ, phải lay động. Quân ta có ai được sai phái đi đâu, vừa ra khỏi thành là đã bị bắt, giết. Số người Bắc Hà thuộc vào số quân của ta, hễ gặp dịp sơ hở là bỏ trốn liền thì thật không phải là chuyện đơn giản. Chiến thắng của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo cũng phải vài tháng trời, chiến thắng của Lê Lợi chống nhà Minh đã phải trải qua thất bại của nhà Hồ và hậu Trần kéo dài ách đô hộ 20 năm”.

        Mỗi thời một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều giống nhau ở một điểm: nhân dân Việt Nam đều phải lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn. Các cuộc chiến tranh đều chiến thắng trong một quy luật chung như Trần Hưng Đạo đã nói: “Quần thần đồng tâm, huynh đệ hòa mục, quốc gia tính lực, bỉ tự tự cầm”.

        Trước tình hình vừa điểm qua, thực là một khó khăn lớn đặt ra trước Quang Trung, nhà quân sự tài ba của dân tộc, một tướng bách chiến bách thắng, trong gần 20 năm trường chiến đấu suốt chiều dài của đất nước từ Nam chí Bắc.

        Ngày 22 tháng 10 năm Mậu Thân tức 25 tháng 11 năm 1788, 29 vạn quân Mãn Thanh gồm các đạo binh của 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị, tiến vào nước ta trên 3 đường.

        1. Các đạo quân Vân Nam, Quý Châu do đô đốc Vân Quý Ô Đại Kinh từ Vân Nam qua cửa ải Mã Bạch Quan theo đường Tuyên Hóa (huyện Định Hóa, Thái Nguyên), Tuyên Quang xuống Sơn Tây.

        2. Đạo quân Điền Châu do Sầm Nghi Đống chỉ huy, theo đường Long Châu sang Cao Bằng, xuống Thái Nguyên, có đoàn quân tình nguyện Hoa Kiều người Triều Châu đi theo tiến vào Thăng Long.

        3. Các đạo lục quân Quảng Đông, Quang Tây do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy, có đề đốc Hứa Thế Hanh làm phó tướng tiến qua ải Nam Quan vào Lạng Sơn theo đường thiên lý (số 1) vào Thăng Long.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 05:02:10 am »


        Từ tháng 7 năm Mậu Thân (1788), Quang Trung đã được Ngô Văn Sở báo cáo về việc chuẩn bị của quân Thanh xâm lược, nên một mặt giao cho các tướng lĩnh ở Bắc Hà sẵn sàng đối phó lúc đầu và chuẩn bị mọi mặt lực lượng, lương thực, sẵn sàng xuất quân ra Bắc đánh quân xâm lược. Theo thư của Đu-sa-in viết cho Bá Đa Lộc, thủy quân của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân có tới 120 thuyền chiến và nhiều thuyền chở lục quân có tới 300 voi chiến và nhiều đại bác.

        Lực lượng địch ngoài 29 vạn quân Thanh, còn có 2 vạn quân của Lê Chiêu Thống. Trước một đạo quân xâm lược lớn như vậy, mà quân Tây Sơn chỉ có hơn một vạn ở Bắc Hà, chủ trương chiến lược của Ngô Thời Nhiệm đã được chấp nhận: cho thủy quân chở đầy các thuyền lương đến vùng Biện Sơn đóng quân, quân bộ lui về giữ Tam Điệp. Hai mặt thủy bộ liên lạc với nhau giữ chỗ hiểm yếu, rồi cho người về bẩm với chúa công. Thử xem quân Thanh đến thành, khu xử việc nhà Lê ra sao? Lê Chiêu Thống sau khi phục quốc, xếp đặt việc quân, việc nước như thế nào? “Tướng giỏi đời xưa, lường thế giặc rồi mới đánh, nắm phần thắng rồi mới hành động, tùy theo tình thế thay đổi mà bày ra chước lạ. Giống như đánh cờ, trước thì chịu thua người một nước, sau mới được người ta một nước, đừng có đem nước sau làm nước trước, đó mới là tay cao cờ. Nay ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên. Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì...”.

        Tới ngày 13 tháng 1, tức 10 tháng 12 năm 1788 quân Thanh tới bờ Bắc sông Thương.

        Ngày 20 tháng 1 năm Mậu Thân, tức ngày 17 tháng 12 năm 1788 quân Ngô Văn Sở đã bố trí xong trên tuyến từ Tam Điệp đến Biện Sơn.

        Đây là một chủ trương chiến lược táo bạo và hết sức chính xác, bảo đảm cho đại quân của Nguyễn Huệ từ Phú Xuân cơ động lực lượng ra Bắc Hà và thực hành phản công ở Bắc Hà, không phải tướng nào cũng dám hạ quyết tâm khi chưa có lệnh của cấp trên. Dám bỏ cho địch chiếm Thăng Long để rồi chiếm lại phải có một lòng tin vững chắc ở cấp trên và lực lượng của mình. Hai lần Nguyễn Huệ xuất quân ra Bắc Hà đánh bại chúa Trịnh; Vũ Văn Nhậm, chỉ trong 10 ngày tiêu diệt hàng chục vạn quân chúa Trịnh trong năm 1786 đã bảo đảm khả năng chiến thắng đó.

        Vũ Trịnh, một quan lại nhà Lê đã nói với Tôn Sĩ Nghị: “Nguyễn Huệ là tay lão luyện về trận mạc, lại nắm giữ đội quân hùng mạnh... còn ở quốc thành của nước tôi, chỉ có đồ đảng của chúng là bọn Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân mà thôi. Được tin thiên binh đến, bọn chúng chưa biết hư thực thế nào, nên hãy thu quân tạm lánh. Nhưng nghe đâu bọn chúng đóng quân chặn ở núi Tam Diệp, ngăn hẳn từ đất Trường Yên về Nam, mưu đồ lại tiến ra đất Bắc lần nữa. Một tên tỳ tướng còn kiệt thiệt như thế, huống chi tên đại tù trưởng của chúng?”.

        Nhưng chủ tướng nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị lại đánh giá một cách chủ quan khinh địch: “Theo ta xem xét thì chúng chỉ như hạng trâu, dê, sai một người đem thừng buộc lấy cổ mà lôi về, hẳn cũng không khó gì. Đợi khi quân ta đến La Thành, nhổ bãi nước bọt xoa tay là làm xong việc, ngươi hãy chờ mà xem”.

        Chủ tướng mà kiêu ngạo như vậy làm sao tránh khỏi hậu quả tất nhiên của nó.

        Ngày 17-12-1788, quân Thanh vào được Thăng Long. Để nghỉ ngơi và cho quân sĩ ăn tết, Tôn Sĩ Nghị bố trí lực lượng theo một thế trận tạm thời. Đạo quân chủ lực của hắn đóng ở hai bờ sông Hồng, giữa có cầu phao qua lại. Phía Nam Thăng Long Tôn Sĩ Nghị bố trí một hệ thống phòng ngự gồm nhiều dồn lũy với 11 vạn quân, mà cứ điểm then chốt là đồn Ngọc Hồi (Thường Tín, Hà Tây) có trên 5 vạn quân chiếm giữ dưới sự chỉ huy của phó tướng Hứa Thế Hanh. Đạo quân Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) bảo vệ mặt Tây Nam thành Thăng Long. Đạo quân Ô Đại Kinh đóng ở Sơn Tây. Còn ở Hải Dương có quân Lê Chiêu Thống đóng bảo vệ sườn phía Đông. Ở Nam Thăng Long, phía dưới đồn Ngọc Hồi còn có đồn Hạ Hồi và từ Hạ Hồi đến Gián Khẩu còn có nhiều đồn nhỏ do quân Lê Chiêu Thống đóng giữ, cùng những toán quân Thanh trinh sát tuần tra.

        Như vậy, hệ thống phòng thủ phía Nam Thăng Long do Tôn Sĩ Nghị bố trí khá vững chắc và cẩn mật, những đồn binh được xây dựng nối tiếp nhau theo những cự ly nhất định trên một tuyến dài theo hướng đường thiên lý với gián cách đủ để báo động và ứng cứu cho nhau kịp thời. Càng gần Thăng Long, những đồn binh lớn càng có binh lực mạnh hơn và được xây dựng kiên cố hơn. Cứ điểm then chốt phía Nam Thăng Long là đồn Ngọc Hồi. Hệ thống cứ điểm phòng thủ có chiều sâu, có trọng điểm.

        Việc bố trí binh lực của Tôn Sĩ Nghị nhìn chung hợp với chủ trương chiến lược của hắn là cho đại quân Thanh tạm nghỉ ăn tết, rồi sẽ tiếp tục tiến quân xuống phía Nam. Tôn Sĩ Nghị cũng thi hành những biện pháp cảnh giới cần thiết ở hướng Nam.

        Ở đây, nhược điểm cơ bản của quân địch bộc lộ ra là tính chủ quan khinh địch của tên tướng “thiên triều”. Chính từ nhận định lực lượng Tây Sơn “như vậy nằm trong túi, thò tay lấy ra lúc nào mà chẳng được”, nên quân sĩ lại càng ngông cuồng, chỉ nghĩ đến nghỉ ngơi, cướp bóc. Còn quân của Lê Chiêu Thống thì đói khát, hoang mang, lấy trả thù riêng làm thỏa thích. Giết người, cướp của, hãm hiếp liên tiếp xảy ra, nhân dân Bắc Hà thật là khổ sở oán hận. Bộ mặt bán nước đê hèn của Lê Chiêu Thống ngày càng lộ rõ. Việt sử thông giám cương mục tập XX trang 60 có ghi: “Đường tiếp tế lương thực cho quân Thanh thì xa, nên bao nhiêu lương và tiền mà triều đình thu được của dân đều đem cung cho họ hết sạch. Vài vạn người vừa nghĩa binh các đạo, vừa của binh Thanh Nghệ thì đều đồng lòng không dạ trống đi theo việc binh nhung, lòng người do đấy lại càng chia rẽ tan tác”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 05:05:50 am »


        Đạo quân xâm lược thì chủ quan, mất cảnh giác, lại dựa vào ngụy quân Lê Chiêu Thống mất tinh thần bảo vệ phía trước và bên sườn, là chỗ yếu cơ bản của quân địch. Biết địch, biết mình, trăm trận không thua, đó là một quy luật quân sự mà người làm tướng không thể quên. Đưa quân xâm lược đất người, cách xa biên giới gần 200 cây số, hành quân của bộ binh thời đó phải mất từ trên 10 ngày đến 20 ngày. Bài học thất bại của Quách Quỳ thời Tống, của Thoát Hoan thời Mông - Nguyên hầu như Tôn Sĩ Nghị chưa hề biết khi xâm lược Việt Nam. 29 vạn quân Thanh nằm gọn từ Sơn Tây, Thăng Long về đến Hạ Hồi. Phía sau và bên sườn chỉ có quân Lê Chiêu Thống. Hệ thống quân lương đặt theo đường thiên lý từ ải Nam Quan về Thăng Long trên 70 hạm, thủy quân không có. Thế trận chiến lược thật là nguy hiểm. Bài học Thoát Hoan với 60 vạn quân thiện chiến nhất của thế kỷ XIII bị tiêu diệt trước thành Thăng Long đang đè nặng lên đầu quân Thanh xâm lược. Tiến quân vào đất nước người, lại không hiểu tài nghệ của quân đội đối phương một cách thấu đáo. Trên 20 năm chinh chiến, suốt từ Nam đến Bắc Hà, quân Sơn Tây đã đánh thắng quân chúa Nguyễn, chúa Trịnh, có cả quân Xiêm tham chiến. Họ có sức cơ động chiến lược rất cao, có nghệ thuật chiến thắng chỉ trong một trận, chỉ trong một ngày diệt 20.000 quân Xiêm với 300 thuyền chiến. Và họ đã chiếm thành Phú Xuân, tiêu diệt 30.000 quân Trịnh phòng giữ trong thành cao hào sâu có cả pháo binh mạnh chỉ trong một ngày một đêm. Tôn Sĩ Nghị làm tướng thống lĩnh xuất quân chiếm thành Thăng Long mà không hề nghiên cứu sự kiện, cũng tại đây ngày 21 tháng 7 năm 1786, mới 2 năm trước, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt hàng mấy vạn quân có 100 voi chiến của Trịnh Khải trong 1 ngày.

        Quan trọng hơn nữa là Quang Trung đã chuẩn bị sẵn quân đội ở Phú Xuân và nghiên cứu cách phá quân Thanh khi chúng xâm lược. Quân đội Tây Sơn không phải chỉ có voi chiến và hỏa hổ như trong 8 điều quân luật của Tôn Sĩ Nghị, mà còn có hàng mấy trăm thuyền chiến đủ các loại. Thủy quân Tây Sơn đã là một quân chủng có thành tích đánh từ Nam chí Bắc, cơ động từ xa hàng 500 - 600 cây số, ra cả các đảo ven biển cách bờ hàng 200 cây số và cả trong sông rạch. Hỏa lực của quân Nguyễn Huệ có cả đại bác cỡ lớn và hàng mấy trăm đại bác dã chiến cơ động trên voi. Súng trường đã được trang bị khá nhiều cho lính bộ binh, chứ không phải chỉ có bạch binh.

        Với một đối phương thiện chiến trang bị mạnh, kỷ luật nghiêm, có tướng tài bách chiến bách thắng như Nguyễn Huệ, mà coi thường chủ quan thì thất bại là không thể tránh khỏi. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà quyết tâm đánh thắng quân Thanh trong bảy ngày của Quang Trung khi xuất quân lại thành sự thật một cách chính xác cao đến như vậy.

        Trong khi, Tôn Sĩ Nghị không nắm được và xem thường đối phương, thì trái lại, quân Tây Sơn, đúng như Vũ Trịnh đã nhận xét, là rất hùng mạnh. Ngay từ ngày 21-12-1788, sau khi nghe đô đốc Nguyễn Văn Tuyết báo cáo về việc quân Thanh xâm lăng và quân Ngô Văn Sở đã lui về Tam Diệp, Biện Sơn, Quang Trung đã ra lệnh xuất quân ngày 22-12-1788, ra Nghệ An tuyển mộ thêm quân và định kế hoạch tác chiến. Ngày 26-12-1788 quân thủy bộ đã tới Nghệ An. Năm ngày đi trên 300 cây số, không phải quân thiện chiến làm sao đi nổi. Ngày 20 tháng chạp, tức 15-1-1789, đại quân đã đến Tam Diệp và Biện Sơn, khu vực tập kết. Ngày 30 tháng chạp, lợi dụng ngày tết, chủ lực quân Tây Sơn vượt sông Gián Thủy, mở đầu cuộc tiến công. Chỉ trong 3 ngày, các đồn tiền tiêu từ Gián Khẩu đến Hạ Hồi đều bị quét sạch nhanh gọn, bất ngờ đến mức ngày 4 tháng giêng, khi đại quân của Quang Trung đến Ngọc Hồi thì quân Thanh mới biết. Quân Thanh đã phải kêu lên: “Thật là tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”.

        Trên 10 vạn quân với 300 voi chiến và mấy trăm chiến thuyền mà lên đường được ngay hôm sau, khi Quang Trung nghe đô đốc Tuyết báo cáo, thì thực là giỏi. Và từ 22 tháng 12 đến 20 tháng 1-1789, trong vòng một tháng trời, vừa hành quân trên 500 cây số, vừa mộ quân thêm vài vạn ở Nghệ An, đặt kế hoạch tác chiến, động viên và chuẩn bị toàn diện cho một chiến dịch tiến công chiến lược tiêu diệt trên 30 vạn quân xâm lược và ngụy quyền Lê Chiêu Thống, thì thật là một điển hình về chỉ đạo, chỉ huy chiến lược quân sự của Việt Nam từ cổ chí kim.

        Khi đến Tam Điệp, Quang Trung đã được Ngô Văn Sở báo cáo cặn kẽ về tình hình quân Thanh, về lực lượng, hệ thống bố trí, đến tư tưởng, tâm lý từ thống soái đến binh sĩ Thanh và bọn vua quan Lê Chiêu Thống cùng quân ngụy. Từ “phương lược đã định sẵn” tại Phú Xuân, và bất ngờ đánh đòn sấm sét để nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân Thanh trong vòng vài ngày, Quang Trung đã xác định thời cơ chiến lược là Tết Kỷ Dậu, sử dụng thời điểm này để tạo yếu tố bất ngờ chuyển hóa tương quan lực lượng. “Thời, thời, thực không nên lỡ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 07:38:36 am »


        Yêu cầu chiến lược đặt ra cho Quang Trung là phải đánh nhanh, thắng nhanh, tiêu diệt gọn đại quân Thanh trong vòng vài ngày, vừa nhằm không cho triều Thanh vốn có lực lượng dự bị dồi dào có được thời gian tổ chức và đưa các đạo quân cứu viện đến kịp, vừa nhằm không cho quân Xiêm, Vạn Tượng và Nguyễn Ánh lợi dụng phối hợp đánh vào bên sườn và phía sau. Tiêu diệt nhanh chóng đại quân Thanh vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu chiến lược cấp thiết đối với Quang Trung và chi phối việc vạch kế hoạch tác chiến.

        Theo kế hoạch này, một cánh thủy quân trên 1 vạn người do đô đốc Tuyết chỉ huy, vượt biển đánh vào miền Hải Dương theo cửa sông Văn Úc, nhằm tiêu diệt quân Lê Chiêu Thống án ngữ tại đây và đề phòng quân thủy Mãn Thanh nếu chiến tranh kéo dài đồng thời đánh vào sườn Đông của quân Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long. Một cánh thủy quân Tây Sơn thứ hai do đô đốc Lộc chỉ huy với 20.000 quân, tiến vào sông Bạch Đằng, rồi vào sông Lục Đầu để sau đó đổ bộ vào Phượng Nhỡn, Kinh Bắc, chặn đường rút lui của quân giặc về nước nếu cần sẽ chặn viện binh địch sang đánh bọc hậu vào Gia Lâm.

        Hai cánh quân thủy gồm trên 100 chiến thuyền với hàng ngàn đại bác trên thuyền và 30.000 quân thiện chiến đánh vào vài nghìn quân Lê Chiêu Thống bảo vệ Hải Dương và Kinh Bắc, thật như lấy núi Thái Sơn đè lên quả trứng. Thủy quân Tây Sơn lúc đó rất mạnh, đã từng tiêu diệt 20.000 quân Xiêm tại Rạch Gầm, Xoài Mút và tiêu diệt chủ lực quân của chúa Trịnh do Đinh Tích Nhưỡng và Đỗ Thế Dân chỉ huy trên cửa sông Luộc vào phố Hiến chỉ trong đêm 23 rạng ngày 24 tháng 6 năm Bính Ngọ, tức 19-7-1786. Vậy làm sao quân ô hợp của Lê Chiêu Thống có thể chống cự nổi. Sườn phía Đông bị hở, nguy cơ thất bại của quân Trịnh ở Thuỷ Ai sẽ diễn lại ở Thăng Long nếu quân Tôn Sĩ Nghị chống cự mạnh với cánh quân chủ lực của Nguyễn Huệ đánh chính diện từ hướng Nam lên Thăng Long.

        Là hướng tiến công kỳ binh, phối hợp, rất hiểm trong thế trận tiêu diệt đại quân của Tôn Sĩ Nghị ở Thăng Long, giống như cánh quân từ Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo diệt quân Thoát Hoan năm 1285 tại sông Sách và Quế Võ phối hợp với cánh quân tiến công chính diện của Trần Quang Khải qua Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long.

        Cánh thủy quân này sẽ vừa bảo đảm chống viện binh chiến lược từ Trung Quốc sang bằng đường thủy và đường bộ, vừa bảo đảm bao vây và phối hợp với hướng tiến công chính diện tiêu diệt gọn quân Thanh từ Thăng Long về phía Nam.

        Kinh nghiệm diệt quân Trịnh ở trên tuyến sông Gianh và Phú Xuân của thủy quân Tây Sơn, phối hợp với lục quân đánh từ Hải Vân xuống, đã được phát triển thêm một bước.

        Hướng chủ yếu đánh thẳng vào trên 20 vạn quân Thanh từ Hạ Hồi đến Thăng Long gồm đại quân bộ của Nguyễn Huệ với trên 70.000 quân, vài trăm voi chiến, cùng hàng trăm đại bác dã chiến.

        Trên hướng tiến công chính diện này, Quang Trung đã đặt một kế hoạch tác chiến hết sức tỉ mỉ, với một trình độ nghệ thuật cao, có sự hiệp đồng từng ngày, từng giờ của ba đạo quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quang Trung. Tập đoàn quân chủ yếu này phải đánh trực tiếp vào trên 20 vạn quân xâm lược đóng trên nhiều điểm có chiều sâu trên 60 cây số gồm 1 tập đoàn mạnh của Hứa Thế Hanh, phó tướng ở Ngọc hồi, Hạ Hồi và 1 tập đoàn do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy, đóng ở Thăng Long, hai bên bờ sông Hồng.

        Lực lượng của ta chỉ có 7 vạn, nhưng địch gấp 3 lần (trên 20 vạn), đã đóng quân trên 10 ngày, đã dựng công sự phòng ngự, có hỏa lực mạnh, và kế hoạch yểm trợ lẫn nhau.

        Làm sao trong 7 ngày, từ đêm 30 tết đến sáng mồng bảy phải đánh bại được trên 20 vạn quân này. Tác động phối hợp của hai cánh quân đánh vào sườn và sau lưng tập đoàn địch ở Thăng Long tất nhiên cũng hết sức quan trọng, nếu cuộc chiến trên hướng chủ yếu kéo dài. Trên hướng chủ yếu chỉ có 7 vạn quân đánh trên 20 vạn với chiều sâu trên 60 cây số với quyết tâm vào Thăng Long đúng ngày mồng 7 tết, Quang Trung tổ chức thành 3 cánh quân:

        Một cánh quân gồm một vạn bộ binh, tượng binh, mang theo pháo và kỵ binh, do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy, đi theo hướng thượng đạo ra Chương Mỹ, bí mật tiếp cận, tập kích tiêu diệt đồn Khương Thượng do quân Triều Châu và Điền Châu của Sầm Nghi Đống trấn giữ. Đây là một đạo quân ô hợp, tuy đông nhưng chất lượng kém, dễ đánh tan để nhanh chóng thọc sâu thẳng vào chỉ huy sở của Tôn Sĩ Nghị ở Tây Long cung. Cánh quân thọc sâu như một mũi dao nhọn, chọc thẳng vào đầu não của địch, có tác dụng hết sức lớn lao, đánh vào bộ máy chỉ huy của quân Thanh, tạo điều kiện để chủ lực quân của Quang Trung tập trung tiêu diệt đạo quân chủ lực của Hứa Thế Hanh ở Ngọc Hồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 07:42:52 am »


        Đòn thọc sâu của Quang Trung hai năm trước đánh thẳng vào chỉ huy sở của Trịnh Khải ở lầu Ngũ Long, tiêu diệt rất nhanh quân chủ lực của chúa Trịnh có hàng trăm voi chiến, lần này được vận dụng và phát huy trong trận tiêu diệt đội quân của Tôn Sĩ Nghị. Thắng lợi của đòn sấm sét bất ngờ này đã được xác định ngay từ khi người chỉ huy lão luyện, bách chiến, bách thắng Quang Trung vạch định kế hoạch.

        Cánh quân thứ hai gồm 10.000 quân, với hàng trăm voi chiến, do đô đốc Bảo chỉ huy, theo đường Mỹ Đức, Ứng Hòa đến Đại Áng, phía Tây Bắc đồn Ngọc Hồi, có nhiệm vụ bao vây chia cắt Ngọc Hồi và Thăng Long, sẵn sàng đánh quân ứng viện từ Thăng Long xuống, đồng thời làm dự bị chiến lược cho chủ lực quân, khi cần được sử dụng đánh Ngọc Hồi hoặc Thăng Long.

        Cánh quân chủ yếu gồm 50.000 quân, trên 100 voi chiến và pháo dã chiến mang trên mình voi, do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, đánh dọc đường thiên lý từ Gián Khẩu qua Hạ Hồi, Ngọc Hồi vào Thăng Long. Trận Ngọc Hồi là trận then chốt của chiến dịch.

        Trong trận này, lực lượng chủ yếu mạnh nhất của Quang Trụng cũng tập trung vào đây. So sánh lực lượng riêng trong trận này, thì quân Tây Sơn có ưu thế cả về số lượng, chất lượng cả binh và hỏa lực. Nguyên tắc quân sự tập trung lực lượng ở nơi quyết định, vào thời điểm quyết định trong hoàn cảnh tương quan ta yếu hơn địch đã được Quang Trung vận dụng một cách kiên quyết và chính xác, khoa học.

        Trong suốt 20 năm chiến đấu từ Nam chí Bắc, Quang Trung đã từng diệt hàng chục vạn quân của chúa Nguyễn và chúa Trịnh, đã đánh mấy chục trận thì đối với ông lần này là lần đọ sức quan trọng nhất với một đội quân mạnh trong thời bấy giờ.

        Tương quan lực lượng chung của chiến dịch chiến lược này: ta 1, địch 3 (ta 10 vạn địch 30 vạn). Nhưng so sánh về chất lượng và thế trận, thì lực lượng Tây Sơn mạnh hơn đối phương rất nhiều, cả về tinh thần chiến đấu, chất lượng trang bị, vũ khí, phương tiện, tài năng và kinh nghiệm của chỉ huy các cấp, đặc biệt là của người thống lĩnh tối cao. Rõ ràng thế chủ động tiến công bất ngờ đã thuộc về quân Tây Sơn. Thế trận của quân Tây Sơn vừa bảo đảm thắng nhanh, đồng thời vừa bảo đảm thắng lợi trong hoàn cảnh phải kéo dài. Dù địch có đề phòng, đối phó trong quá trình tác chiến như thế nào, quân Tây Sơn đều có sẵn phương án để chiến thắng.

        Kế hoạch tác chiến này nếu được thực hiện một cách hoàn hảo thì thắng lợi là tất yếu, quân Thanh không còn cách gì để tránh được thất bại. Không thể quên câu nói của Quang Trung với tướng sĩ ngày 30 tháng 12 năm Mậu Thân trước khi xuất quân: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến mồng 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các người hãy ghi lấy lời ta xem có đúng không”1.

        Tại Ngọc Hồi, do được tập trung cả về quân số lẫn phương tiện chiến đấu, nên lực lượng Tây Sơn chiếm ưu thế áp đảo so với quân thù.

        Cách bố trí cánh quân của đô đốc Bảo cho thấy Quang Trung vừa hành động táo bạo, vừa rất thận trọng. Cánh này vừa có nhiệm vụ sẵn sàng chi viện cho cánh quân chủ lực nếu việc công phá đồn Ngọc Hồi gặp khó khăn, mặt khác, lại làm nhiệm vụ chủ yếu là bày sẵn thế trận bao vây, nhằm tiêu diệt tại Đầm Mực tàn quân địch rút từ đồn Ngọc Hồi.

        Cánh kỳ binh do đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy là mũi dao đâm thẳng vào sườn và đầu não đại quân Thanh đóng ở Thăng Long. Sự xuất hiện của cánh quân này đã nâng yếu tố bất ngờ đến cao độ. Bố trí cánh quân vu hồi này, Quang Trung có ý định gây hoảng loạn, dẫn đến tan rã nhanh chóng hàng ngũ quân giặc tại chính sào huyệt của chúng, không chỉ đánh đòn tâm lý mà còn uy hiếp thực sự tính mạng của viên tướng địch chỉ huy, tạo điều kiện tiêu diệt nhanh chóng toàn bộ đại quân Thanh. Kế hoạch chính xác kỳ diệu, lại được thực hiện một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo.

        Vào giữa đêm 30 tết, đạo quân chủ lực của Quang Trung vượt sông Gián. Đồn tiền tiêu của địch do quân ngụy Lê Chiêu Thống đóng giữ bị tiêu diệt. Quân Tây Sơn thừa thắng, nhanh chóng diệt luôn các đồn quân Thanh ở bờ Bắc sông Nguyệt Quyết và Nhật Tảo, toàn bộ tàn quân và những toán quân Thanh do thám đều bị bắt gọn, không một tên nào trốn thoát.

        Quân Tây Sơn đã tiến đến Phú Xuyên, cách Thăng Long khoảng trên 30 km, mà quân Thanh đóng ở đồn Hạ Hồi vẫn không hay biết gì. Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hạ Hồi, rồi bắc loa gọi hàng. Bị bất ngờ hoàn toàn và khiếp đảm trước lực lượng của quân Tây Sơn, toàn bộ quân địch trong đồn đã đầu hàng nhanh chóng. Ngày 4 tháng Giêng quân Tây Sơn triển khai lực lượng và mờ sáng ngày 5 tháng Giêng tết Kỷ Dậu tiến công đồn Ngọc Hồi.

---------------
1. Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập. Q. 30, tr. 33.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 07:48:43 am »


        Trận đánh lớn này diễn ra hết sức ác liệt. Dưới sự yểm trợ của hàng trăm khẩu pháo dã chiến Quang Trung tung đội tượng binh gồm hơn 100 voi chiến vào trận. Ngồi trên voi chiến là những binh sĩ Tây Sơn được trang bị súng, cung, nỏ, giáo, lao và hỏa hổ. Đàn voi chiến mở đường cho một đội quân cảm tử gồm 600 người, chia làm 20 toán, khiêng theo những tấm mộc bằng gỗ, phía ngoài quấn rơm ướt. Những tấm mộc này có tác dụng chống đỡ đạn và tên của địch từ trong chiến lũy bắn ra, che chở cho đội quân xung kích nấp sau tiến lên phá cửa lũy, đột nhập vào phía trong doanh trại của địch. Từ những cửa mở do đội voi chiến và đội quân xung kích tạo nên, quân ta tràn vào đồn Ngọc Hồi. Đô đốc Hứa Thế Hạnh, phó tướng của Tôn Sĩ Nghị và tổng binh Thượng Duy Thăng, tướng chỉ huy quân ta dực của Tôn Sĩ Nghị đã bị giết tại trận. Số tàn quân tìm đường tháo chạy về Thăng Long, vấp phải những toán quân Tây Sơn chặn mất lối về, buộc phải chạy dạt về phía Tây và sa vào khu Đầm Mực. Tại đây đô đốc Bảo đã chờ sẵn chúng. Theo Hoàng Lê Nhất thống chí, “Quân Thanh hết hồn, hết vía, vội trốn xuống Đầm Mực, làng Quỳnh Đô”. Thế là toàn bộ quân địch ở đồn Ngọc Hồi đều bị tiêu diệt, trong đó có tên tổng binh Trương Triều Long. Thừa thằng, đại quân chủ lực của Quang Trung cùng đạo quân của đô đốc Bảo tiến thẳng về thành Thăng Long.

        Cũng vào sáng mùng 5 tháng Giêng, lúc trời còn tối, trên hướng tiến công phối hợp, cánh quân của đô đốc Đặng Tiến Đông mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ vào đồn Đống Đa. Đồn này do đạo quân Điền Châu và Triều Châu, với số lượng khá đông, khoảng vài vạn tên, nhưng rất ô hợp của Sầm Nghi Đống, chiếm giữ.

        Được nhân dân các làng xã, địa phương giúp đỡ, việc chuẩn bị đánh đồn đã giữ được bí mật hoàn toàn. Nhân dân các vùng lân cận lại “mở trận rồng lửa”, dùng rơm và các chất cháy đốt lửa chung quanh đồn để bao vây quân giặc và uy hiếp tinh thần của chúng. Trận đánh diễn ra nhanh chóng. Chỉ sau vài giờ chiến đấu, đại bộ phận quân địch bị tiêu diệt, đồn trại địch bị phá tan, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử tại Đống Đa. Số quân địch chạy thoát ra ngoài bị nhân dân giết và bắt hầu hết.

        Cánh quân do đô đốc Đặng Tiến Đông dẫn đầu thừa thắng tiêu diệt luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng, rồi nhanh chóng tràn vào cửa Ô Tây Nam thành Thăng Long. Dẫn đầu một toán kỵ binh, đô đốc Đặng Tiến Đông phóng ngựa đánh thẳng vào cung Tây Long, chỉ huy sở của Tôn Sĩ Nghị. Ngay trước đó, Tôn Sĩ Nghị “sợ mất mật” và ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình vượt trước qua cầu phao rồi nhằm hướng Bắc mà chạy”, khiến cho “quân sĩ các doanh trại nghe tin đều hoảng hốt, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống nước mà chết rất nhiều” (Hoàng Lê Nhất thống chí) Tôn Sĩ Nghị, khi đã vượt khỏi cầu phao sang bờ Bắc sông Nhị, đã không ngần ngại ra lệnh “cắt đứt cầu phao để chặn phía sau” (Thanh sử lược biên), như một áng sử ca của ta đã viết:

Qua sông lại sợ truy binh
Phù Kiều chém dứt quân mình chết oan
(Đại Nam quốc sử diễn ca).         

        Sáng mồng 5 tết Kỷ Dậu, cánh quân của đô đốc Đặng Tiến Đông tiến vào giải phóng thành Thăng Long. Trưa ngày hôm đó đạo quân chủ lực của Quang Trung cùng với đạo quân của đô đốc Bảo cũng tiến vào kinh thành.

        Các cánh quân thủy do đô đốc Lộc và đô đốc Tuyết chỉ huy đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ chiếm Hải Dương và Yên Thế, Phượng Nhỡn, nên Tôn Sĩ Nghị và một số tàn binh phải chạy lội trong rừng, vứt cả ấn, tín để chạy thoát thân.

        Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, số tàn quân Thanh sống sót chạy về đến Quảng Tây trước sau khoảng 5000 người. Một bọn hơn 500 tên trốn tránh trong núi rừng, cuối cùng chạy về được đến Vân Nam. Đấy là tất cả những gì còn lại của 29 vạn quân mà Tôn Sĩ Nghị đã thống lĩnh vượt biên giới sang xâm lược nước ta. Đây là một trong những trận đánh tiêu diệt lớn, nhanh chóng, giòn giã và gọn ghẽ nhất trong lịch sử nước ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 07:52:35 am »

      
        Chiến thắng này cho ta nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự.

        - Bài học thứ nhất: cuộc xâm lược của Mãn Thanh năm 1788 - 1789 vào Việt Nam bị thất bại, diễn ra trong hoàn cảnh lãnh thổ nước ta đã kéo dài từ Bắc đến Nam với diện tích gần như hiện nay. Chiều dài đất nước đã gấp 2 lần thời Lý, Trần (khi đó địa giới nước ta mới tới Quảng Bình). Cả trong cuộc xâm lược của nhà Minh ở thế kỷ thứ XV, chiều sâu của đất nước mới đến Phan Rang.

        Đặc điểm của cuộc chiến tranh xảy ra trong khi nội bộ đất nước chưa thống nhất, chính quyền của Tây Sơn chưa trải khắp cả nước, ở Bắc Hà, ảnh hưởng của nhà Lê còn tác động đến một số bộ phận nhân dân, còn tại phía Nam, Nguyễn Anh còn sức mạnh. Thế chính trị thực sự của Tây Sơn chỉ tương đối vững từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến Bình Thuận.

        Tổ chức quân sự do đó cũng mới có lực lượng nghĩa quân tập trung mà khác các thời trước, chưa tổ chức quân các lộ, hương quân, cho nên việc tiến hành chiến tranh đều do lực lượng quân sự tập trung đóng vai trò to lớn, còn chiến tranh toàn dân chưa phát huy được như thời Trần.

        Trước các đặc điểm này, dù biết rõ ý đồ xâm lược của Càn Long, khác hẳn với Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn hoặc Hồ Quý Ly, Quang Trung ngay từ đầu không tổ chức ngăn chặn quyết liệt quân xâm lược phương Bắc từ biên giới Việt Trung, mà chỉ để ở Bắc Hà trên 1 vạn quân. Còn đại quân vẫn tập trung ở Phú Xuân, chuẩn bị sẵn sàng cơ động ra Bắc Hà đánh quân xâm lược khi chiến tranh xảy ra.

        Thực tiễn chiến lược này thể hiện ý đồ dùng vận động chiến của lực lượng quân đội Tây Sơn để giải quyết chiến tranh, lấy việc tiêu diệt quân xâm lược làm mục tiêu, lấy tiến công, phản công chiến lược làm phương thức tác chiến quyết định.

        Do đó, ta thấy Quang Trung đã tán thành việc rút quân của Ngô Văn Sở theo mưu kế của Ngô Thời Nhiệm bằng câu nói: “Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay”1.

        Dám bỏ Thăng Long để bảo toàn lực lượng, không mất một mũi tên, cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi, cũng như ngọc bích của nước Tấn đời xưa vẫn nguyên lành, chứ có mất gì... là một chủ trương chiến lược chính xác đã tạo điều kiện cho việc tiêu diệt quân Thanh trong trận Ngọc Hồi, Đống Đa (Thăng Long) ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu.

        Bài học chiến thắng quân Mông - Nguyên xâm lược năm 1288 của Trần Hưng Đạo đã được Quang Trung phát triển trung điều kiện hoàn cảnh mới.

        Vấn đề giải quyết chiến tranh chủ yếu là phải lấy tiêu diệt quân xâm lược, chứ không phải như Hồ Quý Ly đã sai lầm lấy phòng ngự ngăn chặn làm nản lòng địch làm phương thức tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

        Thắng lợi của Quang Trung và của Trần Quốc Tuấn càng khẳng định nguyên lý cơ bản của việc giải quyết chiến tranh là tiêu diệt lực lượng đối phương, chứ không phải cứ lấy giữ đất làm chính mà bảo vệ được Tổ quốc trong chống chiến tranh xâm lược.

        Dừng quân ở Thăng Long 40 ngày mà không tiến công tiếp tục quân Tây Sơn ở Tam Điệp là một. sai lầm có tính chất chiến lược của Tôn Sĩ Nghị. Mà theo sử sách của ta còn ghi lại, chỉ một cung nhân già của Lê Chiêu Thống cũng đã thấy như vậy và than thở với mẹ Lê Chiêu Thống: “Xe vua trở về kinh thành đã gần một tháng. Hiệu lệnh ban ra, chẳng qua mới đến các vùng Ứng Hòa, Thường Tín, Từ Sơn, Thuận Thành, Quảng Oai, năm lộ mà thôi. Còn như từ Trường Yên trở về Nam Thanh Hóa là đất căn bản Nghệ An cũng là quân chân tay quân cấm vệ, quân túc trực, đều lấy người ở đấy, thì thật là điều đáng lo rất lớn. Hiện nay việc nước hư thực thế nào, thế giặc mạnh yếu ra sao, những người đứng ngoài mà xem không ai không biết... Tổng đốc họ Tôn từ Thượng quốc tới đây, thế nước và tình hình của giặc chỉ biết đại khái. Đến như các miền cũng có nơi suy yếu, nơi bình thường, chia đồn và mai phục phải tính cho kỹ càng. Viện binh có lúc đánh, lúc nên giữ, phải tùy cơ ứng biến trong chốc lát. Tất cả những điều ấy, họ làm sao mà hiểu được rõ ràng đích xác?... Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc, vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết... E rằng chẳng mấy lâu nữa, hắn lại trở ra, tổng đốc họ Tôn đem thứ quân nhớ nhà kia mà chống chọi, thì địch sao nổi?”. Thời cơ để đánh chiếm Tam Điệp, một địa hình hiểm yếu án ngữ miền Trung, giành lấy thắng lợi ban đầu với hai chục vạn quân trong khi quân của Ngô Văn Sở có hơn 1 vạn, bị bỏ lỡ, thể hiện Tôn Sĩ Nghị không có tài về chiến lược quân sự, chưa đủ sức đem đi đánh nước người mà lại phải đối chọi với Quang Trung thì làm sao tránh khỏi thất bại thảm hại.

        Dù có dùng phòng ngự ban đầu như Lý Thường Kiệt chống Tống, Trần chống Mông - Nguyên trong 2 cuộc chiến tranh năm 1258 và 1285, cũng phải lấy tiêu diệt địch bảo tồn mình làm mục tiêu. Giữ, chặn địch ở đâu, trên sông Như Nguyệt hay tại Thăng Long, Tam Điệp, còn do tình hình cụ thể của từng thời kỳ, nhưng đều phải nhằm mục đích bao đảm tạo thời, lập thế có lợi cho phản công và tiến công chiến lược. Ngay cả không chặn, giữ quyết liệt để đưa địch vào thế trận của ta, tạo ra thời cơ để tiêu diệt địch bằng phản công, tiến công chiến lược như cuộc chiến tranh Trần chống Mông - Nguyên lần thứ 3 năm 1288, hoặc trong chiến tranh Nguyễn Huệ chống Mãn Thanh cũng đều là phương thức chính xác vì nó phù hợp với thực tế khách quan địch, ta, thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Làm tướng soái chỉ đạo chiến tranh không phải là chỉ lo từng tấc đất mà không tính đến hơn thua, thắng bại lợi hại toàn cục, thì không thể đem lại thắng lợi chiến lược, giải quyết chiến tranh được.

-------------
1. Ngô Gia Văn phái, Hoàng Lê Nhất thống chí, Nxb Mai Linh, Hà Nội 1945 trang 551.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Chín, 2016, 07:58:44 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 07:58:14 am »


        - Bài học thứ hai rút được từ chiến thắng này Quang Trung đã nêu rõ trong thư gửi Thang Hùng Nghiệp (trong Tây Sơn bang giao tập): “Quân cốt tinh nhuệ không cốt nhiều”. Quân đông mà tinh thần kém, kỹ thuật chiến thuật yếu, trang bị tồi, tướng sĩ thiếu kinh nghiệm thì cũng không thể thắng được.

        “Đông hàng trăm vạn người mà trăm vạn lòng” như quân của Hồ Quý Ly thì thành cao hào sâu, hỏa lực mạnh cũng thua. Quân của Nguyễn Huệ trong cả quá trình 20 năm chinh chiến, trong các chiến dịch nói chung và trong từng thời, so sánh lực lượng về chiến lược đều ít hơn đối phương, nhưng Quang Trung đều chiến thắng hết sức nhanh chóng, giòn giã, tiêu diệt địch gọn gàng, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ chiến lược nào đã được xác định.

        Tới cuối thế kỷ thứ XVIII mà nghĩa quân Tây Sơn đã tổ chức được hàng chục vạn quân, có cả bộ binh trang bị súng hỏa mai, hỏa hổ, chứ không phải chỉ toàn bạch binh, có đội ngũ chỉnh tề từ dưới lên trên, có các đội từ 60 đến 100 lính, rồi từ 300 đến 500 người, đến đạo 1.500 đến 2.500, cao hơn nữa có doanh, mỗi doanh gồm có 5 đạo với quân số từ 10.000 đến 15.000, tương đương với sư đoàn hiện nay. Trong từng doanh, ngoài bộ binh còn có pháo binh, kỵ binh và tượng binh, mà trong chiến dịch chiến lược diệt quân Tôn Sĩ Nghị, ta thấy các cánh quân của đô đốc Bảo, hoặc đô đốc Đông là từng doanh với hàng vạn quân. Riêng cánh quản chủ yếu có 5 vạn quân do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, củng gần như một tập đoàn quân nhiều sư đoàn hiện nay.

        Pháo binh Tây Sơn đã phát triển so với pháo binh đương thời cả về số lượng và chất lượng. Quân Tây Sơn đã dùng pháo binh cả trong phòng ngự và tiến công với số lượng cao, như trong trận Khô Sơn năm 1793, với 4.000 quân phòng ngự đã có 35 đại bác gang, đồng; năm 1801 tại cửa ải Đa Qua, quân Tây Sơn đã đặt 80 đại bác để phòng thủ và trong trận đột phá lũy Trấn Ninh không thành công, quân Tây Sơn đã bỏ lại 700 đại bác trên đường rút lui qua sông Gianh năm 1802. Pháo của Tây Sơn là loại nặng 1.000 cân một khẩu với đạn đường kính mười phân (Đại Nam thực lục).

        Tượng binh dưới thời Nguyễn Huệ đã thành một binh chủng: trong trận đại phá quân Thanh ở Thăng Long - Ngọc Hồi đã dùng tới 300 voi chiến để xung phong đột phá mở thành. Thủy quân Tây Sơn là một thủy quân mạnh và được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch và trận chiến đấu lớn suốt quá trình vào Nam, ra Bắc chiến chinh. Thủy quân Tây Sơn đã tiêu diệt 20.000 thủy binh Xiêm với trên 300 chiến thuyên ở Rạch Gầm, Xoài Mút ngày mùng 8 tháng chạp năm Giáp Thìn tức ngày 18-1-1785 đã làm mất vía thủy quân Xiêm có tiếng là mạnh lúc đó. Trong các chiến dịch vào Gia Định ra Phú Xuân, đánh Bắc Hà rồi đánh quân Thanh, thủy quân Tây Sơn đều phụ trách từng cánh quân, từng hướng của chiến dịch với số lượng thuyền chiến và thuyền chở quân, vũ khí lương thực đạn dược lớn. Trong trận diệt quân Thanh, việc cơ động thủy quân Tây Sơn là một thuỷ quân mạnh, có các loại thuyền chiến lớn nhỏ bảo đảm tác chiến ven biển, trong sông. Có loại lớn, mỗi thuyền được trang bị 60 đại bác và 700 lính, có loại mang 50 đại bác với 500 lính, có loại vừa với 16 đại bác và 70 lính, có loại nhỏ có 1 đại bác và 50 đến 150 lính1.

        Như vậy đứng về tổ chức, trang bị, quân đội Tây Sơn là một quân đội mạnh so với các quân đội các nước đương thời. Riêng về tinh thần chiến đấu và tài nghệ quân sự thì dưới sự chỉ huy của Quang Trung, quân đội Tây Sơn hơn hẳn quân đội của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, hơn cả quân Trung Quốc thời Mãn Thanh của Càn Long, cùng thời với Nguyễn Huệ.

        Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân đội Tây Sơn trưởng thành từ nghĩa quân, những nông dân căm thù chế độ phong kiến thối nát, tình nguyện tham gia chiến đấu, có mục đích lý tưởng chiến dấu chính nghĩa vì sự nghiệp giải phóng nông dân, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Do luôn chiến thắng giòn giã trong nhiều trận chiến đấu và chiến dịch lớn, nên tinh thần chiến đấu của họ rất cao, dựa trên lý tưởng, lòng yêu nước và vững tin vào người chỉ huy, vào khả năng của từng người, từng đơn vị. “Quân cốt tinh, không cốt đông”, đúng như Quang Trung đã tổng kết nguyên nhân sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của ông. Không phải bất cứ chỉ huy nào cũng đã nắm chắc được nguyên lý này, thực tiễn lịch sử quân sự thế giới và cả trong nước cũng đã chứng minh điều đó. Quân đội thời Lý, dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt và quân đội thời Trần, dưới trướng của tiết chế Hưng Đạo Vương có sức mạnh “nuốt sao ngưu”. Còn quân đội của Hồ Quý Ly thì trăm vạn trăm lòng, đông mà yếu, mới đánh, thậm chí có lúc chưa đánh đã thua. Một bài học lớn cho chúng ta, là cũng vẫn đội quân ấy, chỉ 10 năm sau khi Quang Trung mất, đã bị thất bại liên tiếp dưới thời Quang Toản. Đó cũng là một sự thật phũ phàng, do nhiều nguyên nhân, cả về chính trị, xã hội và quân sự, nhưng một điểm không kém phần quyết định là vai trò hết sức quan trọng của người lãnh đạo, chỉ huy.

        Quần chúng làm nên lịch sử, nhưng lãnh tụ lại có ảnh hưởng hết sức quan trọng đến chiều hướng của lịch sử.

----------------
1. Theo sách Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng, Nxb QĐND, Hà Nội, 1977, trang 352.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 08:01:33 am »


        - Bài học thứ 3, qua cuộc chiến tranh chống xâm lược Mãn Thanh là về nghệ thuật đánh tiêu diệt chiến lược, trong thời gian ngắn giải quyết chiến tranh.

        Lý Thường Kiệt chống Tống xâm lược phải mất 5 tháng, từ tháng 11-1076 đến tháng 3-1077.

        Trần Hưng Đạo thắng Mông - Nguyên trong chiến tranh lần thứ hai phải mất 7 tháng từ 1-1285 đến tháng 7-1285; trong chiến tranh lần thứ 3, phải mất 4 tháng, từ tháng 1-1288 đến tháng 4-1288. Quang Trung diệt 29 vạn quân Thanh chỉ trong 2 tháng (từ tháng 11-1788 đến 30-1-1789) kể từ khi Tôn Sĩ Nghị cho quân vượt biên giới nước ta. Còn nếu chỉ kể thời gian quyết chiến chiến lược thì mất tất cả có 5 ngày đêm.

        Có thể khẳng định là, trong hàng chục thế kỷ chống xâm lược phương Bắc, đây là trận tiêu diệt chiến lược gọn gàng nhất và nhanh nhất của quân dân Việt Nam chống xâm lược. Đúng như đồng chí Trường Chinh đã viết: “Ưu điểm trội nhất của cuộc kháng chiến đời Nguyễn Quang Trung là tiến công nhanh chóng và mãnh liệt”.

        Từ Phú Xuân hành quân ra Bắc, vượt trên 800 cây số, vừa hành quân, bổ sung thêm quân ở Nghệ An, vừa đặt quyết tâm, kế hoạch tác chiến và tổ chức bảo đảm thực hiện quyết tâm tiêu diệt quân xâm lược trong những ngày tết Nguyên Đán khi chúng đang nghỉ ngơi, ăn tết, Quang Trung chỉ sử dụng 35 ngày từ 22 tháng 1 năm Mậu Thân tức ngày 22 tháng 12 năm 1788 đến ngày 30 tháng Chạp năm đó tức 25 tháng 1 năm 1789. Hành quân nhanh, tổ chức, chuẩn bị chiến dịch chiến lược nhanh và tiến công nhanh, với tốc độ tiến công trung bình 15 km một ngày đêm, đã làm cho Tôn Sĩ Nghị bị bất ngờ, đi tới hoảng sợ và tháo chạy, bỏ cả quân, vứt cả ấn tín. Chỉ trong 5 ngày, quân của Quang Trung đã tiêu diệt xong đạo quân trên 20 vạn của Tôn Sĩ Nghị.

        Bất ngờ về chiến lược thường không phải do không biết đối phương sẽ tiến công mình, mà thường là bất ngờ về thời gian và phương thức hành động của đối phương. Trong trận Ngọc Hồi, Thăng Long, quân Thanh đã hoàn toàn bị bất ngờ về thời gian tiến công (nhằm vào ngày tết) và sự tiến quân thần tốc của Tây Sơn, chúng đã phải kêu lên: “Thật là tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên” (Ngô Gia Văn phái Hoàng Lê Nhất thống chí, trang 465).

        Nói chung các cuộc tiến công của Nguyễn Huệ trong các trận tiêu diệt quân Xiêm, quân chúa Nguyễn ở Gia Định, quân Trịnh ở Phú Xuân, Bắc Hà cũng như trong trận diệt quân Thanh lần này đều hết sức mãnh liệt, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công chính diện hết sức bất ngờ với vu hồi, bao vây chia cắt.

        Ít có trận nào trong tiến công của quân Nguyễn Huệ phải kéo dài quá một ngày đêm, và các chiến dịch do Nguyễn Huệ chỉ huy thường cũng chỉ trên dưới 10 ngày, với hiệu suất chiến đấu cao, diệt hàng vạn, hàng chục vạn đến 20 vạn tên, giải phóng một địa bàn rộng lớn để giành thắng lợi trong cả cuộc chiến tranh chống xâm lược.

        Về mặt tác chiến, muốn lấy ít thắng nhiều thì cần tạo ra bất ngờ, tạo thời cơ. Quang Trung đã thấy trước thời cơ và chọn Tết Kỷ Dậu làm thời điểm quyết chiến chiến lược ngay từ khi ông còn ở Phú Xuân.

        Muốn tiêu diệt địch phải tạo được thế trận bao vây quân địch. Năm mũi tiến công của Quang Trung trong trận đánh Thăng Long được bố trí rất bài bản, vừa hợp lý, vừa rất lợi hại, khác nào giăng lưới bủa vây con thú rừng để rồi sau đó phóng lao đâm chết nó. 

        Quang Trung hiểu rõ địa hình Việt Nam, tận dụng khả năng của các con sông lớn ở Bắc Hà, đặc biệt là điểm hội tụ của 6 con sông (Lục Đầu - Vạn Xuân hay Vạn Kiếp, hay Phả Lại hiện nay), phát huy tác dụng sức mạnh của thủy quân Việt Nam có truyền thống từ thời Lý - Trần.

        Kẻ thù từ phương Bắc vào đồng bằng Bắc Bộ không thời nào thoát khỏi thế trận bao vây vu hồi chiến lược này.

        Quang Trung còn chú ý đến các đường hành quân bộ của lực lượng ở hướng chủ yếu, sử dụng đúng địa điểm ngăn chặn chiến lược Tam Điệp, và từ Thanh Hóa xuất quân đường bộ đánh Thăng Long, 5 con đường cơ động của các cánh quân từ phía Nam ra mà Quang Trung đã sử dụng, đến nay vẫn là một phương án tối ưu của dạo quân đánh chính diện.

        Ngay trong trận đánh lớn ở Ngọc Hồi và Thăng Long, ta cũng thấy tài lợi dụng địa hình của Nguyễn Huệ. Trận Đầm Mực đã thể hiện tài năng lợi dụng địa thế của ông.

        Muốn đánh tiêu diệt phai có qủa đấm mạnh và dùng quả đấm đó đánh đúng vào mắt xích then chốt, tử huyệt của giặc sức đột phá của nghĩa quân Tây Sơn thật hết sức mãnh liệt. Từ đội voi chiến đến đội xung kích cảm tử, tất cả đã bảo đảm chắc chắn cho việc mở các cửa đột phá để sau đó đánh tung thâm, chia cắt lực lượng địch ra mà tiêu diệt.

        Đánh chính diện mãnh liệt, đánh vu hồi hiểm hóc, lợi dụng thượng đạo để đánh mũi kỳ binh (của Đặng Tiến Đông), khiến cho quân Thanh liên tiếp bị bất ngờ, hàng ngũ rối loạn.

        Lập thế trận hiểm hóc, tận dụng thời cơ, tập trung lực lượng ở địa điểm và thời gian quyết định, đánh dòn quyết định, giành thắng lợi nhanh, tiêu diệt gọn địch là đặc điểm của nghệ thuật quân sự của Nguyễn Huệ chúng ta cần học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc.

        Tại chiến trường này, năm 1285 đã diễn ra trận tiêu diệt điển hình quân Mông - Nguyên của Trần Quang Khải ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long và của Trần Hưng Đạo ở sông Sách và Quế Võ, Vạn Kiếp, và cũng ở đây, quân Mãn Thanh đã bị tiêu diệt hết sức nhanh trước cuộc tiến công chiến lược sấm sét trong 5 ngày đầu xuân Kỷ Dậu 1789 của Nguyễn Huệ, với các trận Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long lịch sử.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM