Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:41:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện - Hỏi và Đáp  (Đọc 18037 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 11:23:54 am »


97. Nội dung chính thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi các cấp uỷ và cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 11 tháng 5 năm 1954?1

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng rất lớn của quân và dân ta từ trưóc đến nay:

- Nó là một thắng lợi lớn về tiêu diệt sinh lực địch, tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh của địch.

- Nó là một thắng lợi lớn của ta trong việc hoàn thành nhiệm vụ giải phóng vùng chiến lược Tây Bắc.

- Nó có tác dụng lớn trong việc góp phần đảm bảo thắng lợi cho một bước quan trọng của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của ta và tạo điều kiện cho ta giành nhiều thắng lợi lớn hơn nữa.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một đòn mạnh đánh vào đầu bọn thực dân hiếu chiến Pháp và can thiệp Mỹ hiện đang âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh Đông Dương, phá hoại Hội nghị Giơnevơ hòng làm cho Hội nghị này không đạt được kết quả tốt.

Chiến thắng Điện Biên Phủ của ta cũng là một thất bại không thể cứu vãn của kế hoạch Nava, đồng thời là một thất bại không thể cứu vãn của mưu mô lập xứ Thái tự trị giả dối của bọn đế quốc xâm lược.

Ý nghĩa thắng lợi Điện Biên Phủ rất to lớn.

2. Chúng ta đã thắng lợi lớn là vì:

a. Có sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ huy kiên quyết vững vàng và chính xác.

b. Bộ đội trên Mặt trận Điện Biên Phủ đã quyết tâm tiêu diệt địch, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu. Bộ đội và dân quân du kích trên chiến trường toàn quốc đã tích cực, liên tục hoạt động phối hợp. Cán bộ và chiến sĩ trong và ngoài Đảng đã trên dưới một lòng hoàn thành nhiệm vụ.

c. Nhân dân đã tích cực tham gia kháng chiến, hăng hái phục vụ tiền tuyến, đi dân công.

d. Ta được nhân dân Miên - Lào và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới tích cực ủng hộ.

98. Nội dung chính Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 11 tháng 5 năm 1954 về việc tổ chức cuộc tuyên truyền động viên mở rộng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ?2

I. Thành tích và ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ

1. Từ cuối năm ngoái đến nay, quân dân ta đã thu được những thắng lợi chưa từng có từ ngày bắt đầu kháng chiến đến nay. Ở các chiến trường toàn quốc và chiến trường Lào - Miên, Đông - Xuân này đã tiêu diệt trên 60.000 quân địch, giải phóng nhiều khu vực rộng lớn và quan trọng. Nhiều chiến trường mọi năm hoạt động bình thường, năm nay đã tiến bộ như Khu V, Nam Bộ, cũng như Trung - Hạ Lào. Đồng bằng Bắc Bộ tiến nhiều về mở rộng chiến tranh du kích liên tục. Những trận đánh vào trường bay Cát Bi, Gia Lâm và những trận đánh vào Nha Trang, Đồ Sơn, thị xã Nam Định cũng là những chiến công có giá trị. Nhưng thắng lợi lớn nhất, vang dội nhất là chiến thắng vĩ đại của ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ quân địch, gồm hơn 16.000 quân tinh nhuệ, tiêu diệt hoàn toàn một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương.

2. Thất bại thảm hại của địch ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường khác là một thất bại chiến lược, vì giữa lúc đế quốc Pháp - Mỹ đẩy mạnh chiến tranh mưu giành lại thế chủ động thì kế hoạch của chúng đã bị ta phá tan. Kế hoạch Nava bị thất bại về căn bản.

3. Đại thắng của ta ở Điện Biên Phủ và Đông - Xuân năm nay là một thắng lợi lịch sử của quân dân ta, vì:

1- Thắng lợi này chứng tỏ quân ta tiến một bước vượt bậc về mặt chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy tác chiến và xây dựng quân đội vì trận Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn chưa từng có trong lịch sử kháng chiến từ trước đến nay đã kết thúc bằng sự toàn thắng của ta.

2- Thắng lợi này cũng chứng tỏ sức cố gắng phi thường của nhân dân ta và Đảng ta về phục vụ tiền tuyến. Nó cũng chứng tỏ tổ chức phục vụ tiền tuyến của ta đã tiến bộ nhiều để đáp ứng với cuộc chiến tranh quy mô lớn và đang bắt đầu hiện đại hóa.

3- Chiến thắng ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường toàn quốc năm nay chứng tỏ không những bộ đội chủ lực của ta tiến bộ lớn, mà bộ đội địa phương, dân quân du kích trên các chiến trường cũng tiến bộ nhiều. Từ trước đến nay chưa lúc nào, quân ta phối hợp tác chiến rộng khắp và liên tục và thu nhiều thắng lợi như hiện nay, không những ở Việt Nam mà ở cả Lào - Miên.

4- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ và ở chiến trường toàn quốc chứng tỏ quân ta có một tinh thần anh dũng chịu đựng gian khổ phi thường, dân ta có sự cố gắng vượt bậc.

Chiến thắng ở Điện Biên Phủ và ở các chiến trường toàn quốc có tác dụng rất lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình của nhân dân Việt Nam, cũng như của nhân dân Miên - Lào, đồng thời góp phần đắc lực vào việc bảo vệ hòa bình thế giới. Thắng lợi lớn này sẽ gây đà phấn khởi và tạo nhiều điều kiện cho ta thu nhiều thắng lợi mới.
__________________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 96-97.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t. 15, tr. 99-101.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 11:30:11 am »


IX
NHỮNG CON SỐ VÀ SỰ KIỆN CÓ LIÊN QUAN

NƯỚC PHÁP TRONG THỜI GIAN DIỄN RA CHIẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG1


99. Trong thời gian tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương (1945-1954), nước Pháp đã trải qua bao nhiêu đời thủ tướng?

1. Charles De Gaulle (Từ tháng 8-1944 tới tháng 1-1946)
2. Felix Gouin (Từ tháng 1-1946 tới tháng 6-1946)
3. Georges Bidault (Từ tháng 6-1946 tới tháng 11-1946)
4. Léon Blum (Từ tháng 12-1946 tới tháng 1-1947)
5. Paul Ramadier (Từ tháng 1-1947 tới tháng 11-1947)
6. Maurice Schuman (Từ tháng 11-1947 tới tháng 7-1948)
7. André Marie (Từ tháng 7-1948 tới tháng 8-1948)
8. Maurice Schuman (Từ tháng 8-1948 tới tháng 1-1949)
9. Henri Queuille (Từ tháng 1-1949 tới đầu tháng 10-1949)
10. Jules Moch (Từ ngày 5-10-1949 tới ngày 17-10-1949)
11. René Mayer (Từ ngày 17-10-1949 tới ngày 24-10-1949)
12. Georges Bidault (Từ tháng 10-1949 tới tháng 6-1950)
13. Réne Pleven (Từ tháng 6-1950 tới tháng 2-1951)
14. Henri Queuille (Từ tháng 2-1951 tới tháng 7-1951)
15. René Pleven (Từ tháng 8-1951 tới đầu tháng 2-1952)
16. Felix Faure (Từ ngày 7-2-1952 tới ngày 27-2-1952)
17. Antoine Pinay (Từ tháng 3-1952 tới tháng 5-1953)
18. René Mayer (Từ tháng 5-1953 tới tháng 6-1953)
19. Joseph Laniel (Từ tháng 6-1953 tới tháng 6-1954)
20. Mendès France (Từ tháng 6-1954 tới tháng 2-1955)

100. Những thủ tướng nào cầm quyền trong thời gian ngắn nhất?

René Mayer, lần thứ nhất vào năm 1949: 7 ngày
Jules Moch: 12 ngày (1949)

101. Những ai giữ chức vụ thủ tướng hai lần trong những năm 1945-1954?

- Maurice Schuman (nhậm chức vào tháng 11 năm 1947 và tháng 8 năm 1948)
- René Mayer (nhậm chức vào tháng 10 năm 1949 và tháng 5 năm 1953)
- Georges Bidault (nhậm chức vào tháng 6 năm 1946 và tháng 10 năm 1949)
- Henri Queuille (nhậm chức vào tháng 1 năm 1949 và tháng 2 năm 1951)
- René Pleven (nhậm chức vào tháng 6 năm 1950 và tháng 8 năm 1951)

102. Những năm nào có số lần thay đổi thủ tướng nhiều nhất?

- Năm 1946: ba lần
- Năm 1949: bốn lần

103. Trong thời gian 1945-1954, Pháp đã thay bao nhiêu Cao ủy Pháp ở Đông Dương? Đó là những ai?

Chính phủ Pháp đã thay đổi bảy Cao ủy ở Đông Dương trong những năm 1945-1954.
- Th. D'Argenlieu, nhậm chức tháng 8 năm 1945.
- E. Bollaert (nhậm chức tháng 3 năm 1947)
- L. Pignon (nhậm chức tháng 9 năm 1948)
- J. Delattre De Tassigny (nhậm chức tháng 12 năm 1950)
- J. Letourneau (nhậm ọhức tháng 12 năm 1951)
- M. De Jean (nhậm chức tháng 6 năm 1953)
- Paul Ély (nhậm chức tháng 6 năm 1954).

104. Từ năm 1945 đến năm 1954, Pháp đã thay bao nhiêu Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh ở Đông Dương? Đó là những ai?

Chính phủ Pháp đã thay 8 Tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương trong những năm 1945-1954.
- Ph. Leclerc (nhậm chức tháng 8 năm 1945)
- E. Valluy (nhậm chức tháng 7 năm 1946)
- H. Blaizot (nhậm chức tháng 5 năm 1948)
- M. Carpentier (nhậm chức tháng 9 năm 1949)
- J. Delattre De Tassigny (nhậm chức tháng 12 năm 1950)
- R. Salan (nhậm chức tháng 12 năm 1951)
- H. Navarre (nhậm chức tháng 5 năm 1953)
- Paul Ély (nhậm chức tháng 6 năm 1954).

105. Những ai là Cao ủy Pháp kiêm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương?

Jean Delattre De Tassigny: 1950
Paul Ély: 1954
_______________________________________
1. Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bô Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 12:45:53 pm »


MỘT VÀI CON SỐ...

106. Tổng số quân của Pháp trên chiến trường Đông Dương trong các năm từ 1945 đến 1954 là bao nhiêu?1

Năm  Tổng số Trong đó
  Lính Âu PhiLính ngụy
1945  32.000 27.0005.000
1946  90.000 65.00025.000
1947  128.000 85.00043.000
1948  160.000 85.00075.000
1949  210.000 114.00096.000
1950  239.000 117.000122.000
1951  338.000 128.000210.000
1952  378.000 130.000319.000
1953  465.000 146.000319.000
1954  444.000 124.600320.300
   

107. Tổng chi phí hàng năm của Pháp trên chiến trường Đông Dương là bao nhiêu?2

   Năm    Tổng số chi phí
   1945   3,2 tỷ frăng
   1946   27 tỷ frăng
   1947   53,3 tỷ frăng
   1948   89,7 tỷ frăng
   1949   138,2 tỷ frăng
   1950   266,5 tỷ frăng
   1951   384,8 tỷ frăng
   1952   565 tỷ frăng
   1953   650 tỷ frăng
   1954   751 tỷ frăng
   Tổng cộng:   2.928,7 tỷ frăng

108. Có bao nhiêu dân công tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ? Họ đã thực hiện bao nhiêu ngày công? Cung cấp được bao nhiêu lương thực, thực phẩm?

Ta đã huy động được 261.451 dân công miền ngược, miền xuôi với 18.301.570 ngày công tham gia phục vụ chiến dịch, cung cấp 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác cho mặt trận Điện Biên Phủ.

109. Có bao nhiêu ôtô vận tải, bao nhiêu thuyền, xe đạp thồ, ngựa thồ được đưa ra mặt trận?

Có 628 ôtô vận tải, 11.800 thuyền (gồm canô, thuyền buồm, thuyền độc mộc đến bè mảng), 20.991 xe đạp thồ, 500 ngựa thồ và hàng nghìn xe trâu bò thồ được huy động phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
_________________________________________
1, 2. Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 12:54:13 pm »


MỘT SỐ NHÂN VẬT...

110. Khi dây tời kéo pháo bị đứt, ai đã dũng cảm hy sinh thân mình chèn pháo bảo vệ pháo an toàn đêm mùng 1 tháng 2 năm 1954?

Đó là đồng chí Tô Vĩnh Diện. Với sự hy sinh dũng cảm này, đồng chí đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

111. Ai đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai tạo điều kiện cho đồng đội tiến sâu vào sào huyệt của địch?

Đó là chiến sĩ Phan Đình Giót. Anh đã hy sinh anh dũng tại cứ điểm Him Lam, ngày 13 tháng 3 năm 1954, khi quân ta mở đợt tấn công thứ nhất vào các căn cứ điểm vòng ngoài của địch ở phía bắc và đông bắc.

112. “Những đồng chí thân chôn làm giá súng” trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu và sau này còn có một bài hát của Huy Du ca ngợi tấm gương hy sinh anh dũng của anh? Đó là ai? Và bài hát đó có tựa đề là gì?

Chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn. Bài hát đó có tên là Bế Văn Đàn sống mãi.

113. Hoạ sĩ nào đã hy sinh trên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ?

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân.

114. Trong trận Tà Lèng (phía đông Điện Biên Phủ), ai đã dùng lưỡi lê diệt năm tên địch và được truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đâm lê”?

Chiến sĩ Hoàng Văn Nô, Đại đoàn 316.

115. Khi phá thác trên dòng suối Nậm Na để khơi thông dòng chảy cho thuyền chở gạo, có một cán bộ tiểu đội công binh đã dũng cảm ôm những gói bộc phá nặng mấy kg có đầu dây cháy chậm đã được điểm hoả, lặn xuống sông đặt vào hộc đá để phá đá. Người cán bộ đó là ai?

Đó là đồng chí Phan Tư, thuộc Đại đội 555, Cục Công binh. Với thành tích này, đồng chí Phan Tư đã được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

116. Chiến sĩ điện thanh nào đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân?

Đó là chiến sĩ điện thanh Chu Văn Mùi. Khi được tuyên dương Anh hùng, Chu Văn Mùi là trung đội trưởng thông tin vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Trong trận chiến đấu ác liệt trên đồi A1, khi bị lọt vào giữa vòng vây địch, bị đói nhiều ngày, Chu Văn Mùi vẫn bình tĩnh, dũng cảm, dùng máy liên lạc, hướng dẫn các trận địa pháo ta bắn vào quân địch, bảo vệ thương binh.

117. Chiến sĩ anh nuôi nào được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Anh nuôi Đinh Văn Mẫu. Khi được tuyên dương Anh hùng, Đinh Văn Mẫu đang là tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Thành tích của anh trong chiến dịch là khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, vượt qua bom đạn, bảo đảm ăn uống cho bộ đội phòng ngự trên đồi C1, D1, D2.

118. Những cán bộ, chiến sĩ nào được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Liệt sĩ Phan Đình Giót
Liệt sĩ Tô Vĩnh Diện
Liệt sĩ Trần Can
Nguyễn Văn Ty
Lê Văn Trọng
Chu Văn Mùi
Phan Tư
Phùng Văn Khầu
Bùi Đình Cự
Đặng Đình Hồ
Trần Đình Hùng
Đinh Văn Mẫu
Đặng Đức Song
Lưu Viết Thoảng
Dương Quảng Châu (tức Dương Ngọc Chiến)
Nguyễn Văn Thuần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 12:54:48 pm »


119. Năm chiến sĩ Điện Biên về báo công lên Trung ương Đảng và Chính phủ là những ai?

1. Lê Thế Nhận - Đại đội trưởng 397, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308;
2. Bạch Ngọc Giáp - Trung đội trưởng Đại đội 806, Đại đoàn công pháo 351;
3. Hoàng Đăng Vinh - thành viên trong tổ chiến đấu vào hầm bắt sống Đờ Cát;
4. Nguyễn Quang Thuận - pháo thủ số 2 Trung đoàn pháo cao xạ;
5. Nguyễn Dũng - đại diện cho cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.

120. Đám cưới của ai đã được tổ chức tại hầm Đờ Cát sau chiến thắng Điện Biên Phủ?

Đó là đám cưới đồng chí Cao Văn Khánh, lúc đó là Đại đoàn phó Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308) và đồng chí Nguyễn Phúc Ngọc Toản, lúc đó là nữ quân y thuộc Đội điều trị số 2 thuộc Cục Quân y. Đám cưới được diễn ra vào chiều ngày 22 tháng 5 năm 1954.

121. Người sĩ quan Pháp cuối cùng rời khỏi Điện Biên Phủ là ai? Lúc đó ông ta đang làm nhiệm vụ gì?

Grôvanh. Lúc đó ông ta là thiếu tá quân y của quân đội Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi ra hàng, ông được lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận ở lại để chăm sóc các thương, bệnh binh Pháp.

122. Người thuỷ thủ nào đã cùng các đồng chí của mình vận động một phong trào phản chiến dữ dội trong lính hải quân Pháp và trong công nhân bốc dỡ hàng quân sự ở cảng Mác xây, sau đó trở thành người lãnh đạo có uy tín của phong trào công đoàn, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp?

Đó là Hăngri Máctanh. Sau này ông trở thành người phụ trách cơ quan phát hành báo L ’ Humanité.

123. Người nữ thanh niên Pháp nào đã nằm trên đường ray để ngăn chặn những chuyến tàu chở lính và vũ khí sang Việt Nam để phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương của nhà cầm quyền Pháp?

Đó là Ray mông Điêng. Chị đã sang thăm Việt Nam nhiều lần.

124. Một nhà điện ảnh nổi tiếng của Liên Xô trước đây và thế giới, khi sang quay phim ở Điện Biên Phủ đã nói: “Cả thế giới đang chú ý đến Điện Biên Phủ. Trong phim của chúng tôi không thể thiếu hình ảnh Điện Biên Phủ được. Nếu chúng tôi có hy sinh, chúng tôi cũng rất vinh dự là những người Xôviết đầu tiên hy sinh cho cách mạng Việt Nam... Ông là ai và bộ phim về Điện Biên Phủ của ông có tựa đề gì?

Đó là Rôman Cácmen (1906-1978). Bộ phim tài liệu của ông về Điện Biên Phủ có tựa đề "Việt Nam trên đường thắng lợi”. Sau tám tháng ở Việt Nam, ông đã viết cuốn sách “Ánh sáng trong rừng sâu”.

125. Ai đã đến Việt Nam và viết những bài báo “nảy lửa ” từ chiến khu Việt Bắc về đăng trên các báo Pháp, góp phần làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ thêm về cuộc chiến tranh phi nghĩa, về những thất bại và những chính sách sai lầm của thực dân Pháp ở Đông Dương?

Đó là Lêo Phighe (Léo Figuerre), Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Tổ chức thanh niên cộng sản Pháp, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới. Ông đã đến Việt Nam từ giữa năm 1950 và từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để góp phần thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của Pháp, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trao trả cho Pháp 228 tù binh và nhân viên dân sự Pháp; nhân dịp này Chính phủ ta đã đưa danh sách cho Lêo Phighe về Pháp công bố.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 12:56:13 pm »


MỘT SỐ KỶ LỤC...

126. Ai lập kỷ lục vác hàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Trong một lần chuyển hàng đột xuất, Nguyễn Văn Thành (Vĩnh Phúc) vác được 100kg.

127. Ai lập kỷ lục thồ nhiều nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Đó là anh Ma Văn Thắng (Phú Thọ) đã lập kỷ lục thồ bằng xe đạp được 352 kg, anh Cao Văn Ty (Thanh Hoá) thồ 320 kg một chuyến.

128. Chiến sĩ nào lập được kỷ lục quai búa khi đục đá núi mở đường?

Đó là chiến sĩ Tào Tư thuộc D555. Khi làm nhiệm vụ mở đường Tuần Giáo - Điện Biên, anh đã quai được liên tục 2.800 búa (loại 5kg), trong khi thông thường một người khoẻ chỉ có thể quai được 20 búa đã phải nghỉ lấy sức.

129. Trung đội của anh hùng Phan Tư đã phá được bao nhiêu thác trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

99 thác, riêng Phan Tư phá được 9 thác hung dữ nhất.

130. Chiến sĩ nào lập kỷ lục về thành tích đào hầm hào đánh địch?

Đó là chiến sĩ Phạm Viết Nghĩ. Trong cuộc thi đua đào trận địa, trong 18 đêm liền, một mình anh đào được 18 hầm và 110 mét hào dưới làn bom đạn địch.

131. Kỷ lục bắn tỉa trong chiến dịch Điện Biên Phủ thuộc về ai?

Đồng chí Lục Văn Thông ở Trung đoàn 98 đã lập kỷ lục bắn tỉa: một ngày diệt 30 tên địch. Sau đó, phong trào “bắn tỉa” từ bộ binh đã lan sang các binh chủng khác. Phùng Văn Khầu với khẩu sơn pháo 75 trên đồi D1, nhân lúc địch di chuyển trận địa, đã dùng cách bắn tỉa lần lượt diệt bốn khẩu pháo 105 ly của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 01:02:51 pm »


TẢN MẠN VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ...

132. Về tên gọi Điện Biên Phủ?

Theo các tài liệu còn lưu giữ được từ thời nhà Lý, Mường Thanh là tên gọi đầu tiên của Điện Biên ngày nay.
Đến thời nhà Lê, Mường Thanh được đổi thành Ninh Biên. Ninh Biên có nghĩa là vùng đất biên giới bình yên. Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), Ninh Biên được đổi thành Điện Biên. Vua Thiệu Trị còn ra sắc chỉ thay đổi tên gọi ở các địa phương, trong đó có Điện Biên. Các địa danh ông đặt đều theo nghĩa tiếng Hán: Điện Biên Phủ tức là huyện vững vàng ở miền biên ải (Điện = vững vàng; Biên = biên giới; Phủ = huyện hoặc tương đương)1.

133. Trong chiến dịch Thượng Lào, khi đóng quân ở đèo Pa Háng, bộ đội ta đã tìm được một loại rau rất đặc biệt. Đó là rau gì?

Đó là rau cải người Mông trồng để che cho cây thuốc phiện, lá dài đến 70-80 cm, một cây nặng tới gần 1kg. Loại cải này to nên ăn rất nhạt, người Mông không ăn, chỉ dùng để đổi cho bộ đội lấy muối. Nửa kg muối đổi được một gánh rau cải. Còn 1kg muối có thể đổi được số rau cải đủ cho một con ngựa thồ.

134. Các chiến sĩ Điện Biên ngâm giá đỗ bằng cách nào?

Các chiến sĩ Điện Biên “ngâm giá trên vai”, đan sọt, lót lá, cho đỗ vào ngâm nước, gánh theo dọc đường hành quân, tới nơi tập kết là có rau tươi ăn ngay.

135. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, loại vũ khí nào tuy rất thô sơ nhưng đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng?

Đó là cuốc, xẻng. Các chiến sĩ Điện Biên anh hùng đã dùng cuốc và xẻng âm thầm thâu đêm suốt sáng, liên tục cả tháng trời lao động dưới hoả lực ác liệt của máy bay và pháo binh địch để đào giao thông hào. Các hệ thống giao thông hào trục được đào kiểu “râu tôm” vòng trong vòng ngoài, lớp lớp bủa vây, vừa là trận địa tiến công vừa là trận địa phòng ngự của ta đã đẩy quân địch vào tình thế tuyệt vọng.

136. Bí danh của Trung đoàn pháo cao xạ 37 ly, xe chở đạn và xe kéo pháo là gì?

Trung đoàn pháo cao xạ được gọi là đoàn “Nữ học sinh”. Xe chở đạn được gọi là “nữ học sinh”, còn xe có kéo pháo 37 ly ở phía sau được gọi là “nữ học sinh có đuôi”.

137. Tại sao có những con dốc được gọi là “dốc bảy tời”?

Trong quá trình kéo pháo vàọ Điện Biên Phủ, ta phải đưa pháo vượt qua những con dốc rất cao, nơi đó công binh phải làm đến bảy chiếc tời kế tiếp nhau mới có thể kéo pháo lên. Chính vì vậy, những con dốc đó có tên gọi là “dốc bảy tời”.

138. Tên gọi cuộc vận động bảo vệ sức khỏe bộ đội trong thời gian hành quân?

Cuộc vận động này có tên là “Ba tốt”: ăn tốt - đi tốt - nghỉ tốt nhằm bảo vệ sức khỏe bộ đội trong hành quân, giữ vững quân số tham gia chiến đấu. Nội dung cụ thể bao gồm:

Ăn tốt: Bảo đảm ăn nóng, đủ chất, thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh ăn uống.

Đi tốt: Đi đúng cung chặng, đúng thời gian, đủ quân số tới đích. Bộ đội hành quân phải bảo đảm được ngâm chân bằng nước ấm hàng đêm, phải xoa bóp bắp thịt hàng ngày, nghỉ giữa chặng hành quân phải khởi động trước khi đi tiếp.

Nghỉ tốt: Bảo đảm giấc ngủ êm ấm, đúng chế độ vệ sinh, phòng bệnh.

Công tác bảo đảm sức khỏe chiến sĩ của chúng ta đã khiến cho kẻ địch bị bất ngờ. Trong hội nghị của Ủy ban liên hiệp đình chiến ở Trung Giã, một viên quan tư thầy thuốc Pháp đã nói với một bác sĩ quân y của ta như sau: “Tôi rất lấy làm lạ là tại sao sống kham khổ hàng mấy tháng ròng như thế mà các ngài vẫn giữ vững được quân số. Trong những ngày chúng tôi bị bao vây, chúng tôi vẫn nuôi một hy vọng sẽ có một trận dịch lớn lan ra trong các đơn vị của ông Võ Nguyên Giáp. Và như thế thì sẽ cứu chúng tôi...”
_______________________________________
1. Xem thêm: Báo Lao động ngày 9 tháng 3 năm 2004. Có nguồn tài liệu khác giải thích Điện là cái hồ cạn. Điện Biên là hồ cạn bình yên. Phủ là đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, trên cấp huyện (BT).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 01:03:32 pm »


139. Công tác chăm sóc thương binh của chúng ta đã được tổ chức hiệu quả như thế nào?

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngành quân y đã cố gắng rất lớn để cứu chữa thương binh kịp thời và hiệu quả. Các đơn vị quân y phấn đấu thực hiện khẩu hiệu “Ba không”: “không để thương binh đau, không để thương binh đói, không để thương binh rét” và “mỗi cáng thương là một gia đình”. Để cứu chữa thương binh kịp thời, tại chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội ta đã xây dựng những bệnh viện trong lòng đất ngay sát chiến tuyến với đầy đủ phòng mổ, hầm chứa thuốc, bông băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Phòng mổ trong lòng đất tối, không có đủ ánh sáng, các chiến sĩ quân y của ta đã có sáng kiến dùng đèn đinamô xe đạp để tạo ra ánh sáng phục vụ cho các ca mổ. Xe đạp được kê lên, một người ngồi trên yên đạp liên tục tạo ra nguồn sáng 6V cho các thầy thuốc làm việc.

140. Điểm nổi bật nhất của liên lạc vô tuyến điện trong chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?

Đó là lần đầu tiên có sự tham gia rộng rãi của các điện đài sóng cực ngắn, gọi là điện thanh. Những tổ điện thanh này thường gồm hai chiến sĩ đi theo những mũi xung kích tiến công vào các vị trí chốt của địch, bám chặt các cán bộ chỉ huy chiến đấu khi thọc sâu, luồn vào sau lưng địch chỉ điểm cho pháo bắn.

141. Đồi A1 được coi là “cổ họng của Điện Biên Phủ ” nên Pháp đã xây dựng một hệ thống hầm ngầm rất kiên cố với hàng loạt lô cốt, công sự, giao thông hào để tổ chức phòng ngự. Cứ điểm này có hai tiểu đoàn lính lê dương tinh nhuệ đóng. Vậy ai đã mang được khối bộc phá một nghìn cân đánh vào đồi A1?

Sau khi đơn vị công binh đặc biệt dưới hoả lực địch bền bỉ moi ruột đồi A1 để đào đường ngầm vào cạnh lô cốt cố thủ của tên quan tư chỉ huy đồi A1, tổ công binh của Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch được phái sang phía Bắc Mường Thanh tháo kíp những quả bom chưa nổ của địch, lấy ra 5 tạ thuốc bom đem về gói với 5 tạ thuốc nổ TNC rồi đặt vào cuối đường hầm đã đào giữa lòng đồi A1. Việc vận chuyển và xếp thuốc mất hai ngày một đêm và trong điều kiện hết sức khó khăn, các chiến sĩ đã phải lội qua những quãng hào ngập nước đến tận cổ, phải lấy ni lông bọc các kíp nổ và nụ xoè, trong khi càng vào sâu trong đường ngầm thì càng buốt óc, choáng váng và ngạt thở vì thiếu không khí. Việc phát hoả khối thuốc nổ được giao cho đồng chí Nguyễn Văn Bạch. Tuy bị thương nhưng anh đã cố gắng chịu đựng, hoàn thành phát hoả đúng thời gian quy định của cấp trên.

142. Đại đội pháo binh nào được giao nhiệm vụ bắn mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Đại đội 806 - đại đội pháo cơ giới đầu tiên của quân đội ta.

143. 17h30 ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta đã đánh chiếm sở chỉ huy của địch, bắt sống Tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị nào tiến vào sở chỉ huy địch đầu tiên?

Đại đội 360 thuộc Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 (Sông Lô), Đại đoàn 312 (Đại đoàn Chiến thắng). Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng bốn đồng chí là: Vinh, Nhỏ, Hiếu, Lam là những người đầu tiên đã xông vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

144. Chiếc máy bay đầu tiên bị pháo cao xạ Việt Nam bắn rơi tại Điện Biên Phủ vào thời gian nào?

Đó là chiếc máy bay trinh sát “Bà già” của Pháp, còn gọi là máy bay “Mật vụ”, bị Đại đội 815 (Tiểu đoàn 383) bắn rơi tại chỗ lúc 7 giờ sáng ngày 14 tháng 3 năm 1954.

145. Hai chiếc máy bay cuối cùng bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ vào lúc nào?

Đó là hai chiếc máy bay “Cướp biển” F4U mà Mỹ mới trang bị cho không quân Pháp. Hai chiếc máy bay này bị Đại đội 817 (Tiểu đoàn 383) bắn rơi vào sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, trong vòng 25 phút (từ 9 giờ tới 9 giờ 25).

146. Viên sĩ quan Pháp, người đã từng chỉ huy đoàn máy bay cường kích trên tàu chở máy bay Arô Măngsơ, năm lần được khen thưởng, hai lần được gắn “mề đay” chữ thập, nhưng ngày 31 tháng 3 năm 1954 lại bị Tiểu đoàn pháo cao xạ 394 bắn nổ tung khi lái chiếc máy bay Hencat dẫn đầu biên đội 12 chiếc. Viên sĩ quan đó là ai?

Đó là Đại uý Ăngđriơ.

147. Đại tướng Catơru, trưởng phái đoàn điều tra của Chính phủ Pháp, sau khi hoàn thành nhiệm vụ điều tra về “vụ thất thủ Điện Biên Phủ”đã viết cuốn sách nào?

Ông ta đã viết cuốn sách: Hai màn của tấn bi kịch Đông Dương. Hà Nội - Điện Biên Phủ (Deux actes du drame Indochinois. Hanoi - DienBienPhu) do Nhà xuất bản Plông (Plon), Paris ấn hành năm 1959.

148. Tên cuốn sách Nava đã viết về Đông Dương và Điện Biên Phủ?

Đó là cuốn sách Đông Dương hấp hối (Agonie d’Indochine), do Nhà xuất bản Plông (Plon) của Pháp ấn hành năm 1958.

149. Những phần thưởng cao quý nào mà bộ đội pháo cao xạ đã được trao trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

Cờ Quyết chiến Quyết thắng, giải thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (sơ kết đợt thứ nhất của chiến dịch).

Một Huân chương Quân công hạng nhì, 36 huân chương Quân công hạng ba và 27 Huân chương Chiến công các loại cho các tập thể.

200 Huân chương Chiến công các loại cho cán bộ chiến sĩ có thành tích xuất sắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 01:05:44 pm »


MỘT SỐ SỰ TRÙNG HỢP...

150. Ngày 7 tháng 5 có ý nghĩa gì đối với Đại tướng Nava?

Ngày 7 tháng 5 năm 1953, Nava được Thủ tướng Rơnê Mayê đặc cách giao cho chức vụ Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Một năm sau, đúng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, dẫn đến sự kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và kết thúc luôn cả sự nghiệp huy hoàng của Đại tướng Nava.

151. Có phải ngày chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc trùng với ngày chiến thắng phát xít Đức?

Đúng. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc vào hồi 2 giờ sáng 8 tháng 5 năm 1954. Đây cũng là ngày kỷ niệm 9 năm chiến thắng phát xít Đức.

152. Cả Tướng Nava và Cao uỷ Đờgiăng đều bị cách chức cùng một ngày, đó là ngày nào?

Ngày 3 tháng 6 năm 1954 (chưa đầy một tháng sau khi quân Pháp đại bại tại Điện Biên Phủ).



ĐIỆN BIÊN PHỦ NHÌN TỪ PHÍA BÊN KIA...

153. Nhận thức của Nava về thất bại của quân Pháp?

"Quân đội viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với một đội quân chính quy mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc".

154. Lời than thở “nổi tiếng” của Tướng Êly, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp khi diễn ra sự kiện Điện Biên Phủ?

“Một lần nữa, kỹ thuật lại bị thua cuộc bởi những con người có tâm hồn và một lòng tin”.

155. Tin Điện Biên Phủ thất bại đã được Lanien thông báo như thế nào?

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lúc 16 giờ 45 phút (theo giờ Pháp), trong bộ y phục màu đen, với nét mặt co rúm vì xúc động, Lanien nặng nề bước lên từng bậc của diễn đàn Buốcbông. Ông ta bắt đầu bằng giọng đứt quãng: “Chính phủ vừa được tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã thất thủ sau 20 giờ chiến đấu gay go liên tục”. (Theo báo Rạng Đông ngày 8 tháng 5 năm 1954).

156. Ký giả J. Roa đã nói gì về chiến thắng Điện Biên Phủ của ta?

“Trên toàn thế giới, trận Oateclô cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ đang gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hoà”.

157. Ký giả Mỹ Becna Phôn đã viết gì về cuộc chiến tranh Đông Dương?

“Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến tranh này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:31:20 pm »


ĐIỆN BIÊN PHỦ QUA CÁC TÁC PHẨM...

158. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tái hiện qua bài thơ nào?

Đó là bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, lúc đó là Trưởng ban tuyên truyền Trung ương. Ông viết bài thơ này vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngay trong đêm đầu được tin chiến thắng từ mặt trận báo về. Toàn bộ bài thơ như sau:

HOAN HÔ CHIẾN SĨ ĐIỆN BIÊN1

Tin về nửa đêm
Hoả tốc hoả tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa...

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!
Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi
Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay...
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!

Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hoà vui chung

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống!
Máu của anh, chị, của chúng ta, không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

Lũ chúng nó phải hàng, phải chết,
Quyết trận này quét sạch Điện Biên
Quân giặc điên!
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!

Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta!
Chúng bay chỉ một đường ra:
Một là tử địa hai là tù binh.
Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!

Nghe trưa nay, tháng năm mồng bảy
Trên đầu bay, thác lửa hờn căm!
Trông: bốn mặt, luỹ hầm sập đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...
Từ khi vượt núi băng đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông.
Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây anh, Điện Biên Phủ hoàn thành.
Ngày mai, vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống mặt bọn Biđôn, Smit2 
Anh sẽ nói: “Thực dân, phát xít
Đã tàn rồi!
Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hoà bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”

Tháng 5 – 1954
_________________________________________
1. Tuyển tập Tố Hữu, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990, tr. 117-120.
2. Biđôn (Georges Bidault): Ngoại trưởng Pháp, Trưởng phái đoàn đại diện của Pháp tại Hội nghị Giơnevơ vào thời điểm đó; Smit (Bedell Smith): Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Trưởng phái đoàn đại diện của Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM