Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:53:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện - Hỏi và Đáp  (Đọc 18038 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:24:28 pm »


76. Sự kiện nào đã tác động rất mạnh mẽ đến hội nghị Giơnevơ theo hướng có lợi cho ta?

Đó là chiến thắng giòn giã của quân và dân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ. Tin chiến thắng Điện Biên Phủ tới Giơnevơ đúng vào lúc hội nghị bắt đầu thảo luận vấn đề Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ thực sự là một đòn choáng váng đối với Chính phủ Pháp ngay trước ngày khai mạc hội nghị. Phái đoàn Việt Nam đã bước vào bàn đàm phán trong tư thế người chiến thắng.

77. Hội nghị Giơnevơ trải qua mấy giai đoạn?

Hội nghị Giơnevơ trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất, từ ngày 8 tháng 5 năm 1954 tới ngày 19 tháng 6 năm 1954, với 6 phiên toàn thể và 17 phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn.

Giai đoạn thứ hai, từ ngày 20 tháng 6 năm 1954 đến ngày 9 tháng 7 năm 1954, là thời gian các trưởng đoàn về nước báo cáo; tại Giơnevơ các chuyên viên tiếp tục làm việc, diễn ra 6 phiên họp hẹp.

Giai đoạn thứ ba, từ ngày 10 tháng 7 năm 1954 đến ngày 21 tháng 7 năm 1954, diễn ra các cuộc gặp gỡ tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn, một phiên họp hẹp cấp trưởng đoàn và một phiên họp toàn thể, bế mạc hội nghị.

78. Nội dung lập trường đàm phán của Việt Nam tại hội nghị Giơnevơ là gì?

Lập trường đàm phán của Việt Nam trong việc giải quyết chiến tranh ở Đông Dương gồm tám điểm:

* Pháp công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào;

* Ký hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, Campuchia và Lào trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định;

* Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam, Campuchia và Lào để thành lập chính phủ thống nhất trong mỗi nước;

* Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chính phủ Campuchia và Chính phủ Lào sẽ xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp cùng với những điều kiện gia nhập;

* Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Campuchia và Lào công nhận các quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp tại ba nước. Sau khi các chính phủ duy nhất ở từng nước được thành lập sẽ cùng nước Pháp quy định các quyền này theo nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng quyền lợi của nhau;

* Hai bên cam kết sẽ không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh;

* Trao đổi tù binh;

* Ngừng bắn trên toàn Đông Dương; điều chỉnh các khu vực mà hai bên chiếm giữ; đình chỉ đưa quân đội và thiết bị quân sự mới vào Đông Dương; thành lập uỷ ban gồm đại diện của các bên tham chiến để kiểm tra bảo đảm thực hiện hiệp định đình chiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:26:37 pm »


79. Nội dung lập trường đàm phán của Pháp tại hội nghị Giơnevơ?

Pháp chỉ đề cập giải quyết các vấn đề quân sự, lẩn tránh những vấn đề chính trị. Về vấn đề Việt Nam, gồm 5 điểm:

* Tập kết quân đội hai bên vào vùng quy định;
* Giải giáp lực lượng dân quân du kích;
* Trao trả tù binh dân sự và quân sự;
* Kiểm soát quốc tế;
* Đình chỉ chiến sự

Về phía Lào và Campuchia, có 4 điểm:

* Rút quân đội của Việt Nam Dân chủ cộng hoà khỏi hai nước này;
* Giải giáp lực lượng dân quân du kích;
* Trao trả tù binh quân sự và dân sự;
* Kiểm soát quốc tế.

80. Các hiệp định đình chiến được ký vào lúc nào?

Các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào được ký lúc 2 giờ 45 phút ngày 21 tháng 7 năm 1954; Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Campuchia được ký vào lúc 11 giờ ngày 21 tháng 7 năm 1954. Nhưng để giúp Thủ tướng Mendès France giữ được lời hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong vòng một tháng, nên thời gian được ghi ở cuối các hiệp định là ký lúc 24 giờ ngày 20 tháng 7 năm 1954.

81. Những văn kiện chính của Hiệp định Giơnevơ?

Ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia

Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị

Bản tuyên bố riêng của Mỹ ngày 21 tháng 7 năm 1954

Bản tuyên bố của Chính phủ Pháp ngày 21 tháng 7 năm 1954 khẳng định nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia trong việc giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan tới việc tái lập và củng cố hòa bình ở ba nước.

Các công hàm trao đổi giữa Thủ tướng Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Mendès France.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:32:40 pm »

82. Nội dung chính của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam?

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam có sáu loại điều khoản, với 47 điều:

I. Giới tuyến quân sự tạm thời1 và khu phi quân sự, gồm chín điều khoản, trong đó quy định việc Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía bắc, quân đội Liên hiệp Pháp ở phía nam giới tuyến, với một khu phi quân sự; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày.

II. Nguyên tắc và cách thức thi hành hiệp định, gồm sáu điều khoản, trong đó theo nguyên tắc ngừng bắn trên toàn cõi Đông Dương, sự đình chỉ chiến sự phải đồng thời trên toàn cõi Việt Nam.

III. Cấm đưa thêm quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí đạn dược mới, căn cứ quân sự, gồm năm điều khoản, trong đó cấm không được đưa thêm vào Việt Nam bộ đội và nhân viên quân sự, vũ khí, dụng cụ chiến tranh, tuy nhiên cho phép thay thế ngang cấp, một thay một; cấm không được thành lập căn cứ quân sự mới, cấm không được lập căn cứ quân sự ngoại quốc, không gia nhập liên minh quân sự, không bị sử dụng để gây lại chiến tranh hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược.

IV. Tù binh và thường dân bị giam giữ, gồm một điều khoản, quy định tất cả tù binh và thường nhân Việt, Pháp hoặc quốc tịch khác bị giam giữ từ đầu chiến tranh sẽ được tha trong vòng 30 ngày.

V. Điều khoản linh tinh, gồm sáu điều khoản, trong đó quy định tư lệnh hai bên trừng phạt những người thuộc quyền mình làm trái điều khoản hiệp định; cho phép các chuyên viên liên quan vào trong vùng của phía bên kia lấy thi hài của quân nhân hoặc tù binh chết.

VI. Ban liên hợp và Ban quốc tế ở Việt Nam, gồm 17 điều khoản, trong đó quy định thành lập một ban liên hợp, với số đại biểu bằng nhau của Bộ tổng tư lệnh hai bên; thành lập một Ban quốc tế giám sát và kiểm soát thực hiện hiệp định gồm các nước Ấn Độ, Ba Lan, Canađa, với số đại biểu bằng nhau, do Ấn Độ làm chủ tịch2.
_____________________________________
1. Giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là ở vĩ tuyến 17 (B.T).
2. Xem: Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 157-158.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:36:22 pm »


83. Nội dung chính của Bản Tuyên bố cuối cùng?

Lúc 15 giờ ngày 21 tháng 7 năm 1954, diễn ra phiên họp toàn thể cuối cùng của hội nghị. Trong phiên họp này, Lời tuyên bố của Hội nghị Gicmevơ được công bố. Thay cho việc các bên ký vào văn kiện này, phần đầu bản Tuyên bố đưa tên các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương: Cao Miên, Quốc gia Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Lào, Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Trung Quốc, Anh và Liên Xô.

Bản Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điều:

1. Hội nghị chứng nhận các bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cao Miên, Lào và Việt Nam;

2. Hội nghị tin tưởng việc thi hành bản Tuyên bố và các Hiệp định đình chỉ chiến sự làm cho Cao Miên, Lào, Việt Nam từ nay có thể đảm nhận độc lập, chủ quyền hoàn toàn;

3. Hội nghị chứng nhận tuyên bố của hai chính phủ Cao Miên và Lào về việc để tất cả mọi công dân tham gia tổng tuyển cử tiến hành trong năm 1955;

4. Hội nghị chứng nhận những điều khoản cấm đưa vào Việt Nam quân đội và nhân viên quân sự ngoại quốc, cũng như vũ khí đạn dược; chứng nhận những tuyên bố của Chính phủ Cao Miên và Lào chỉ yêu cầu viện trợ quân sự, nhân viên, huấn luyện viên trong phạm vi cần thiết để bảo vệ lãnh thổ hiệu quả;

5. Hội nghị chứng nhận Hiệp định về Việt Nam định rằng không được thành lập căn cứ quân sự nước ngoài, không tham gia liên minh quân sự; chứng nhận những tuyên bố của hai chính phủ Cao Miên và Lào nói rằng sẽ không ký kết bất cứ hiệp định nào với nước khác buộc họ phải tham gia một khối liên minh quân sự không phù hợp với nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, hoặc nếu hiệp định đó buộc họ phải lập những căn cứ quân sự nước ngoài khi mà an ninh hai nước đó không bị đe doạ;

6. Hội nghị chứng nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ;

7. Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956; kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1955, hai bên sẽ gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó;

8. Phải để cho tất cả mọi người Việt Nam tự do lựa chọn vùng họ muốn sinh sống;

9. Ở Bắc và Nam Việt Nam, Lào và Cao Miên không được báo thù những người đã hợp tác với một trong hai bên trong chiến tranh;

10. Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi Cao Miên, Lào và Việt Nam, trừ trường hợp do thoả thuận hai bên, một số có thể ở lại những điểm nhất định, trong thời gian nhất định;

11. Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Cao Miên, Lào, Việt Nam;

12. Trong quan hệ với Cao Miên, Lào, Việt Nam, mỗi nước tham gia hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước và không can thiệp vào nội trị của các nước đó;

13. Các nước tham gia hội nghị sẽ hỏi ý kiến nhau về mọi vấn đề mà Ban giám sát và kiểm soát quốc tế chuyển tới, nhằm nghiên cứu những biện pháp cần thiết bảo đảm tôn trọng các hiệp định đình chỉ chiến sự.


84. Thủ tướng Pháp Mendès France đã nhận xét như thế nào về lời văn của hiệp định?

Mendès France đã thừa nhận: “Lời văn hiệp định đôi khi tàn nhẫn bởi vì nó xác nhận những sự kiện tàn nhẫn”1.

85. Ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định Gỉơnevơ?

Ghi nhận thắng lợi to lớn của của nhân dân Việt Nam sau chín năm kháng chiến đầy hy sinh gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.

Chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn cõi Đông Dương.

Các nước lớn tham gia Hội nghị đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước ta.

Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam.
__________________________________________
1. Trích theo cuốn Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.162.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:41:46 pm »


VI
BÁC HỒ VỚI ĐIỆN BIÊN PHỦ

86. Toàn văn bức thư của Bác gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ?1

Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ

Thu - Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.

Năm ngoái, các chú đã anh dũng chiến đấu, tiêu diệt nhiều địch, đã thắng lợi to. Bác rất vui lòng.

Năm nay, sau những cuộc chỉnh huấn chính trị và quân sự, các chú đã tiến bộ hơn. Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh:

Quyết tâm tiêu diệt địch,
Quyết tâm giữ vững chính sách,
Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi.

Bác và Chính phủ chờ tin tháng lợi để khen thưởng các chú.
Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 12 năm 1953
HỒ CHÍ MINH”

87. Ngày 22 tháng 12 năm 1953, Bác Hồ đã trao lá cờ cho Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trên lá cờ đó viết dòng chữ gì?

Lá cờ của Bác mang dòng chữ: “Quyết chiến Quyết thắng”. Lá cờ này được trao luân lưu cho các đơn vị lập thành tích đặc biệt. Bộ đội pháo cao xạ đã được nhận cờ sau đợt sơ kết thứ nhất của chiến dịch. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã tung bay trên nóc sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

88. Toàn văn bức thư của Bác khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ? 2

“Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.
Chào thân ái và quyết thắng
Ngày 8 tháng 5 năm 1954
HỒ CHÍ MINH”
___________________________________________________
1. Nguồn: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002, t.7, tr. 198.
2. Hồ Chí Minh, Sđd, tr.272.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:46:02 pm »


89. Toàn văn thư chúc mừng chiến thắng và quyết định khao quân khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc của Bác Hồ?1

Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ

Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.

Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.

Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao.

Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.

Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Các chú tán thành không?

Bác dặn các chú một lần nữa:

Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
Bác hôn các chú
Bác
HỒ CHÍ MINH”

90. Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã làm một bài thơ ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của bộ đội, dân công ta. Nội dung bài thơ đó như thế nào?2

QUÂN TA TOÀN THẮNG Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ

20 tháng 11 năm cũ,
Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ.
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất.
Chúng khoe rằng: “kế hoạch Nava
Thật là mạnh dạn và tài hoa.
Phen này Việt Minh phải biết tay,
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Nava tới.

Bên ta thì:
Bộ đội, dân công quyết một lòng,
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,
Khắc phục khó khăn và hiểm trở:
Đánh cho giặc tan mới hả dạ;
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày,
Không quản gian khổ và đắng cay;
Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ,
Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ.

13 tháng 3 ta tấn công,
Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:
“Mình có thầy Mỹ lo cung cấp;
Máy bay cao cao, xe tăng thấp,
Lại có Nava cùng Cônhi,
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy.
Chúng mình chuyến này nhất định thắng,
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.
Hơn 50 ngày, ta đánh đồn,
Ta chiếm một đồn lại một đồn,
Quân giặc chống cự tuy rất hăng,
Quân ta anh dũng ít ai bằng.
Nava, Cônhi đều méo mặt,
Quân giặc tan hoang ta vây chặt.
Giặc kéo từng loạt ra hàng ta.
Quân ta vui hát “khải hoàn ca”.
Mười ba quan năm đều hàng nốt,
Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.
Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây,
Đều là tù binh hoặc bỏ thây.

Thế là quân ta đã toàn thắng
Toàn thắng là vì rất cố gắng.
Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:
“Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,
Chúng cháu cố gắng đã sắm được.”
___________________________________________
1. Hồ Chí Minh, Sđd, tr.276.
2. Nguồn: Hổ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.277-279.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 11:10:23 am »


VIII
MỘT SỐ VĂN KIỆN ĐẢNG VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ

91. Đề án Tổng Quân uỷ trình Bộ Chính trị về chủ trương tác chiến của ta trong Thu Đông 1953?1

Tình hình và âm mưu của địch ở đồng bằng Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản

1- Địch rút khỏi Nà Sản là để tập trung lực lượng giữ vững đồng bằng. Việc địch rút Nà Sản là một sự thay đổi lớn trong tình hình quân sự Bắc Bộ. Trước đây, ở Bắc Bộ có hai chiến trường; từ nay chỉ có một (trừ Lai Châu). Vùng Tây Bắc phần lớn đã trở nên một căn cứ địa giải phóng, tiếp giáp với vùng giải phóng rộng lớn của Thượng Lào. Trước đây, chủ lực địch phân tán trên hai chiến trường: đồng bằng và rừng núi Tây Bắc; từ nay lực lượng địch tập trung lại để làm nhiệm vụ chiến lược chính của chúng ở Việt Nam: giữ vững đồng bằng Bắc Bộ.



4- Âm mưu của địch hiện nay là tăng cường binh lưc tập trung thêm bộ đội cơ động, để “bình định ” và giữ vững đồng bằng và tiến tới giành lại chủ động. Đó là nội dung chính của kế hoạch quân sự Nava.



Nhiệm vụ đề ra trước mắt cho chúng ta là phải phá âm mưu tập trung binh lực và “bình định ” đồng bằng của địch, để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn.

92. Nội dung chính báo cáo của Tổng Quân uỷ trình Bộ Chính trị ngày 6 tháng 12 năm 1953 về phương án tác chiến mùa Xuân 1954?2

I- Tình hình địch và phương hướng chiến dịch

1. Trước sự uy hiếp của ta, địch đã phân tán lực lượng cơ động, ngày 20 tháng 11 nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, mục đích là yểm hộ cho Lai Châu và bảo vệ cho Thượng Lào. Hiện nay, ở Điện Biên Phủ, lực lượng địch có chừng sáu tiểu đoàn (chắc chắn là bốn tiểu đoàn), chúng đã sửa sân bay và đang kiến trúc công sự.

Trong lúc đó, thì ở Thượng Lào, địch mở một cuộc hành binh với binh lực chừng năm tiểu đoàn đánh chiếm vùng sông Nậm Hu từ Pác Seng đi Mường Khoa và Điện Biên Phủ.

2. Rồi đây tình hình địch còn thay đổi:

a) Chúng có thể giữ cả Lai Châu và Điện Biên Phủ, một nơi chính, một nơi phụ.

b) Chúng có thể rút Điện Biên Phủ.

c) Khi chủ lực ta uy hiếp thật mạnh thì ở Điện Biên Phủ, địch có thể tăng cường đến khoảng trên dưới 10 tiểu đoàn, biến thành một tập đoàn cứ điểm lớn; và cũng có thể rút.

3. Hiện ta chưa thể phán đoán khẳng định địch nhất định rút hay nhất định tăng, vì hiện nay địch có triệu chứng củng cố, nhưng rồi đây chủ lực ta tập trung lên nhiều, địch bị đánh ở Trung và Hạ Lào, khi đó địch sẽ phải cân nhắc.

Tuy hiện nay chưa thể khẳng định nhưng muốn bảo đảm thực hiện được quyết tâm của Trung ương là tiêu diệt địch và giải phóng vùng Lai Châu - Phong Xalỳ cho đến Luông Phabăng trong đông xuân thì phải nhằm trường hợp tăng cường thành tập đoàn cứ điểm mà chuẩn bị.

Trong trường hợp này, trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay, không kém Nà Sản, và đường sá còn xa hơn. Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn.

III - Nhu cầu nhân lực, vật lực

1. Dân công
Số dân công phải huy động từ trung tuyến trở lên khoảng chừng 14.500, gồm cả dân công theo đơn vị, vận tải xe đạp và khuân vác, chưa kể số dân công của Hội đồng cung cấp mặt trận.
Thời gian phục vụ ở mặt trận ước trên dưới ba tháng (so với kế hoạch đánh Nà Sản số dân công dự trữ lên đến 30.000 người).

2. Lương thực
Gạo: từ trung tuyến trở ra: 4.200 tấn, chưa kể số gạo phải huy động cho dân công của Hội đồng cung cấp mặt trận.

Trong số 4.200 tấn gạo trên đây, sẽ tận dụng khả năng ở địa phương Tây Bắc, còn lại sẽ lấy ở Phú Thọ và ở Thanh Hoá, và đề nghị Trung Quốc giúp một số, từ phía bắc Lai Châu đưa xuống. Con số hiện chưa tính cụ thể.
- Lương thực: cần 100 tấn rau khô, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường, tất cả các thứ này chủ yếu sẽ đưa từ Thanh Hoá lên.

- Đạn dược: nhu cầu độ 300 tấn, nhưng chỉ cần vận chuyển ra hoả tuyến trên 170 tấn. Số này có thể rút xuống vì có thể dùng một phần đạn dược lấy của địch trong đợt I và một phần của ta còn lại.

Những con số về nhu cầu trên đây đã được tính toán tương đối kỹ nhưng còn đang tiếp tục tính lại nữa.

IV - Kế hoạch đường sá và vận chuyển

1. Đường sá

Vấn đề làm đường và sửa đường là vấn đề quan trọng nhất trong các công tác chuẩn bị cho chiến dịch, nhưng hiện nay tình hình các con đường cần thiết cho kế hoạch còn nghiêm trọng:

a) Đường số 13 từ Yên Bái đi Tạ Khoa tuy nói là hoàn thành từ đầu tháng 11 và sau đó chỉ tu bổ nhưng thực tế thì đường chưa đúng tiêu chuẩn cho xe kéo pháo chạy như nhiều quãng đường cong còn dưới 15 mét, xe kéo pháo không thể đi được, hoặc từ kilômet 50 đến kilômet 70 còn nhiều đoạn lầy, có đoạn dài đến 1 kilômet, xe đi một giờ chỉ có hơn 5 kilômet. Số dân công để tu bổ cho đường đến cuối tháng 11 số lượng chỉ được bảy phần trăm số nhu cầu.

b) Đường số 41: Từ Mộc Châu đi Lai Châu nguyên là đường làm cho xe vận tải chạy, lại có nhiều đoạn hiểm trở, hiện nay muốn cho xe kéo pháo đi được thì phải sửa chữa lại rất nhiều, nhưng số dân công hiện nay cần thiết để tu bổ thường xuyên thì rất thiếu.

c) Theo sự phân công giữa Bộ Công chính và công binh thì đến đầu tháng 12, Bộ Công chính phụ trách hẳn đường số 13 đến Cò Nòi và đường 41 thì phụ trách đến Sơn La. Công binh phụ trách đường 41 từ Sơn La trở lên, sau khi đã sửa chữa xong đoạn đường từ Cò Nòi đi Sơn La.

Nhưng đến nay, sự phân công đó vẫn chưa thực hiện, công binh vẫn phải còn để lại một tiểu đoàn để tiếp tục tu bổ đường Tạ Khoa đi Cò Nòi để bảo đảm cho kế hoạch vận chuyển cho chiến dịch.

d) Đoạn đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ đã lâu năm khống dùng đến, hiện hư hỏng rất nhiều, công binh bắt đầu sửa chữa nhưng cũng phải mất thời gian lâu vì đường dài và xấu (84 kilômét) có nhiều đoạn lở lâu ngày, mặt đường chỉ còn một thước.

Muốn bảo đảm sự thực hiện quyết tâm của Trung ương là giải phóng Lai Châu - Phong Xalỳ, vấn đề mấu chốt hiện nay trong công tác chuẩn bị là vấn đề đường sá. Cần phải tập trung khả năng và có kế hoạch cụ thể để tích cực giải quyết ngay từ bây giờ, chậm lắm là đến cuối tháng giêng năm 1954, cần phải bảo đảm cho xe kéo pháo chạy được. Nếu những đường nói trên không gấp rút sửa chữa thì việc chuẩn bị cung cấp không thể làm đúng theo kế hoạch đã định, và xe kéo pháo không chạy được thì kế hoạch tác chiến cũng không thể thực hiện được.

2. Phương tiện vận chuyển

Để bảo đảm việc chuẩn bị cung cấp kịp thời chủ yếu là phải dùng xe để vận chuyển gạo và đạn dược từ Yên Bái và từ Mộc Châu ra đến hoả tuyến.

Tổng số xe cần có 176 chiếc. Số xăng cần dùng là 2.250 phuy, chưa kể xăng cho pháo và cao xạ phải vận chuyển đi và về khoảng 1.000 kilômét cần đến 510 phuy.

Ngoài ra còn phải huy động thêm độ 3.000 xe đạp.

Như trên đã nói, căn cứ vào tình hình địch và binh lực sử dụng, và nhu cầu nhân, vật lực và giao thông vận chuyển, chiến dịch này là một chiến dịch rất lớn từ trước đến nay, ta có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện chủ trương của Trung ương, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề cung cấp, mà chủ yếu là vấn đề đường sá. Chúng ta cần phải tập trung lực lượng, tích cực chuẩn bị thì mới bảo đảm được thắng lợi cho chiến dịch.

Để công việc chuẩn bị có thể tiến hành kịp thời, chúng tôi đề nghị Bộ Chính trị:

1. Thông qua mấy vấn đề trên về nguyên tắc.

2. Chỉ thị cho Hội đồng cung cấp tiền phương và các khu phải tập trung lực lượng vào việc chuẩn bị, phải xúc tiến ráo riết kế hoạch đường sá và kế hoạch động viên nhân, vật lực.

3. Về đường sá thì theo như đã phân công giữa Bộ Giao thông công chính và công binh, Bộ Giao thông công chính cần phụ trách bảo đảm đường sá đến Sơn La, để công binh có thể tập trung sửa chữa từ Sơn La trở lên và con đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên.
____________________________________
1. Nguồn: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 29-30.
2. Nguồn: Sđd, tr. 73-78.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 11:13:11 am »


93. Nội dung chính Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 19 tháng 4 năm 1954 về tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đề cao quyết tâm tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ?1

1. Hai đợt tấn công của quân ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ đều thắng lợi, tiêu diệt hơn 2/5 sinh lực địch, chiếm lĩnh những cao điểm ở phía bắc và hầu hết những cao điểm ở phía đông khu Mường Thanh, đánh chiếm sân bay và bắt đầu hạn chế tiếp tế của địch, tạo những điều kiện căn bản cho quân ta hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Những thắng lợi đó chứng tỏ sự chỉ đạo đúng của Trung ương và sự trưởng thành của quân đội. Trung ương rất vui mừng nhận thấy các cấp ủy, các đảng viên, các cán bộ của chúng ta đã cố gắng và tiến bộ nhiều...

Nhưng vì cán bộ ta mắc nhiều khuyết điểm: chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, còn ngại thương vong mỏi mệt, tinh thần trách nhiệm không đầy đủ, tác phong quan liêu đại khái còn phổ biến; nguyên nhân chủ yếu là vì tư tưởng hữu khuynh còn nghiêm trọng. Vì vậy cho nên đã gây nên ít nhiều tổn thất không cần thiết và hạn chế thắng lợi của ta một phần.

2. Chiến dịch Điện Biên Phủ đối với tình hình quân sự và chính trị ở Đông Dương, đối với sự trưởng thành của quân đội ta, cũng như đối với công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới có một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lúc Hội nghị Giơnevơ sắp họp. Bởi vậy ta phải kiên quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này. Các cấp ủy, các đảng viên và toàn thể cán bộ phải:

a. Nhận rõ những thắng lợi của hai đợt tấn công của quân ta vừa qua, nhận rõ những khả năng của quân đội và nhân dân ta hiện nay có đủ điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch, đồng thời nhận rõ những khó khăn của ta về tư tưởng, về tác chiến, về cung cấp.

Những khó khăn đó một phần do địch gây nên vì địch nhận rõ chiến dịch này có quan hệ đối với toàn bộ cục diện chiến tranh xâm lược của chúng và được Mỹ giúp đỡ, chúng còn cố sống, cố chết chống giữ. Nhưng đó là những khó khăn ta hoàn toàn có khả năng khắc phục được.

b. Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Đảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này.

3. Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này.

Toàn thể cán bộ và đảng viên ở các đơn vị và cơ quan, ở Mặt trận Điện Biên Phủ phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong Chiến dịch lịch sử này, đồng thời làm cho toàn thể chiến sĩ thấu triệt quyết tâm của Trung ương, tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho Chiến dịch.

94. Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 19 tháng 4 năm 1954 về việc tiếp tục quán triệt phương châm “đánh nhỏ ăn chắc” và phối hợp chặt chẽ với mặt trận Điện Biên Phủ?2

Các chiến trường toàn quốc phải tiếp tục quán triệt phương châm "đánh nhỏ ăn chắc" và liên tục hoạt động trong một thời gian dài để phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Điện Biên Phủ.

1. Ở Mặt trận Điện Biên Phủ quân ta đã mở hai đợt tấn công thắng lợi, đã tiêu diệt hơn 5.000 quân địch, chiếm hầu hết những vị trí ở xung quanh và ở sát khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của địch. Quân ta hiện đang chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ của Chiến dịch. Để thu được toàn thắng, quân ta phải thực hiện phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Bởi vậy để kết thúc Chiến dịch thắng lợi, còn phải một thời gian.

2. Để tranh thủ tiêu diệt và tiêu hao thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa ở các chiến trường và phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Điện Biên Phủ, các chiến trường toàn quốc phải ra sức đẩy mạnh hoạt động một cách liên tục trong một thời gian dài, và phải quán triệt phương châm "đánh nhỏ ăn chắc". Phải triệt để lợi dụng sơ hở và khó khăn của địch mà mở rộng chiến tranh du kích, triệt phá những đường giao thông vận tải quan trọng và những kho tàng của địch.

3. Các cấp ủy phải có kế hoạch hoạt động cụ thể và phải kiểm tra đôn đốc chặt chẽ để thi hành Nghị quyết này.
___________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 87-89.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t. 15, tr. 90-91.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 11:17:02 am »


95. Nội dung chính thư của Ban Bí thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 21 tháng 4 năm 1954?1

1. Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị đã họp nghe anh Hoàng Tùng báo cáo về đợt tấn công thứ hai và kế hoạch chuẩn bị tác chiến hiện nay. Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của anh về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Bộ Chính trị nhắc anh chú ý mấy điểm: vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể:

- Rút kinh nghiệm chống giữ đồi A mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm;

- Tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa ta;

- Ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điểm.

Mục đích của chúng là cố giữ đến mùa mưa, cho rằng lúc đó quân ta phải rút vì không khắc phục được những khó khăn về cung cấp.

Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhảy dù thì khi cần, chúng có thể nhảy dù ở sau trận địa ta hoặc ở một điểm nào có thể giữ trên tuyến cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng.

Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm "đánh chắc, tiến chắc"; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến.

Bộ Chính trị đã đôn đốc Hội đồng cung cấp và các khu, các tỉnh thực hiện cho được việc động viên nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Đã phái anh Trân đi mặt trận, anh Dũng đi khu IV, anh Thao (tức Thanh) đi Việt Bắc để kiểm tra, đôn đốc. Ở nhà anh Lương lo đôn đốc chung. Anh nhớ báo cáo hàng ngày về Trung ương kết quả việc vận chuyển lương thực và đạn dược lên hỏa tuyến.

2. Bộ Chính trị cũng đồng ý với kế hoạch xây dựng quân đội theo ý kiến bạn và ý kiến các anh. Đã giao anh Thanh, anh Dũng thi hành ngay những việc cần thiết, đồng thời cùng nghiên cứu thêm một vài vấn đề có liên quan.

3. Bộ Chính trị có Nghị quyết vắn tắt kèm theo đây2 để anh phổ biến cho toàn thể cán bộ và đảng viên nhận rõ quyết tâm của Trung ương Đảng ra sức hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi phổ biến, anh em cần thêm bớt gì thì cứ sửa rồi phổ biến, và điện về cho biết.
___________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t. 15, tr. 92-93.
2. Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 19 tháng 4 năm 1954.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 11:18:34 am »


96. Nội dung chính Thông báo đặc biệt của Bộ Tổng Tư lệnh ngày 8 tháng 5 năm 19541

Đúng 22 giờ ngày 7 tháng 5, quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại đã thu được toàn thắng.

Bộ Tổng tư lệnh báo tin chính thức cho toàn thể cán bộ và chiến sĩ, toàn thể các đơn vị, toàn thể các binh chủng, toàn thể các cơ quan và các ngành, toàn thể các anh chị em dân công và thanh niên xung phong đang phục vụ trên mặt trận Điện Biên Phủ, toàn thể đồng bào Tây Bắc:

Đêm mồng 6 tháng 5, lúc 21 giờ, quân ta đã chia làm nhiều cánh, mở cuộc đại tấn công vào Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng anh dũng và dữ dội suốt đêm mồng 6. Đến trước sáng ngày mồng 7 tháng 5 thì quân ta đã hoàn toàn làm chủ ngọn đồi số 5 (tức là đồi A1) là ngọn đồi kiên cố và xung yếu nhất của địch ở đông nam Mường Thanh trực tiếp án ngữ cho khu chỉ huy của chúng ở phía tây nam, ta đã đánh chiếm vị trí Nà - noọng cách cơ quan chỉ huy của địch không đầy 300 thước.

Cuộc tấn công của quân ta tiếp tục suốt ngày mồng 7. Đến 9 giờ 30 thì quân ta tiêu diệt trên một tiểu đoàn quân dù ở trên ngọn đồi Yên Ngựa, tức là đồi Châu Ún, đồng thời đánh chiếm một vị trí ở chân đồi về phía sông Mường Thanh.

Cuộc tấn công của ta luôn luôn có trọng pháo và cao xạ pháo yểm hộ rất đắc lực, tiếp tục suốt buổi chiều ngày mồng 7. Một cánh quân của ta từ phía đông bắc đánh vào những vị trí còn lại của địch ở giáp cầu Mường Thanh, trong khi các hướng khác quân ta tiếp tục công kích địch.

Vào khoảng 15 giờ 30 thì những vị trí cuối cùng của địch án ngữ cầu Mường Thanh bị tiêu diệt. Số còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Trong khi đó, trọng pháo của ta không ngớt bắn phá các lôcốt và công sự của địch, không ngớt bắn chặn bọn địch ở bên này sông bỏ chạy trốn về Mường Thanh. Đến 16 giờ, quân ta thừa thắng mãnh liệt vượt qua sông Mường Thanh phát triển ngay vào giữa các vị trí còn lại của địch, đánh thẳng vào cơ quan tư lệnh của địch, trong khi cánh quân ở phía tây của ta tấn công vào khu trọng pháo.

Đúng 16 giờ 20 ngày 7 tháng 5, quân ta bắt sống toàn bộ cơ quan tư lệnh của địch trong đó có tên Thiếu tướng Đờ Cát (De Castries). Ngay lúc đó quân ta từ các mặt tiến thẳng vào Mường Thanh; sự chống cự của địch hoàn toàn bị tê liệt. Hàng nghìn quân địch ở 27 cứ điểm còn lại hoảng loạn kéo cờ trắng ra hàng. 17 giờ ngày mồng 7 tháng 5, bộ đội ta đã được lệnh chiếm đóng khu Mường Thanh.

Ở phân khu miền Nam (Hồng Cúm), lúc 19 giờ, gần hai nghìn quân địch hoảng hốt tìm cách chạy trốn. Bộ đội ta lập tức truy kích. Đến 22 giờ thì tiêu diệt toàn bộ quân địch, kể cả tên quan năm chỉ huy Hồng Cúm.

Bộ Tổng tư lệnh chính thức công bố tin chiến thắng vĩ đại của quân ta. Sau 5 tháng bao vây và gần 2 tháng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội nhân dân anh dũng của chúng ta đã tiêu diệt 17 tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ của địch, tổng cộng trên dưới 1 vạn 5 nghìn tên, phá huỷ và bắn rơi 57 máy bay địch, thu được một thắng lợi vĩ đại xưa nay chưa từng có trong lịch sử kháng chiến của quân dân ta.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ngày nay đã toàn thắng, thực hiện được quyết tâm của Trung ương, Chính phủ và Hồ Chủ tịch.

Bộ Tổng tư lệnh nêu cao công trạng của bộ đội, dân công, nhân dân ta trong chiến dịch lịch sử này và kêu gọi toàn thể các cán bộ và chiến sĩ, các anh chị em dân công trong khi vui mừng phấn khởi, phải tiếp tục và tích cực tiến hành nhiệm vụ của mình để củng cố thắng lợi to lớn của chúng ta.

Ngày 8 tháng 5 năm 1954
BỘ TỔNG TƯ LỆNH
_______________________________________
1. Nguồn: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1984, tr. 133-135.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM