Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:20:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45151 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:50:23 pm »


Sẽ không vô ích nếu tôi cố gắng giải thích những điều này! Đó là kiểu tính trước con thú bắn được: ta giết cho nó chết hẳn, khỏi giãy giụa, coi như ta bắn được một con nữa tính vào sổ, sau đó mới thực hiện trong thực tế, đó là cách tính của người Nga.

- Con nai không còn răng! - Anatôli, người chạy đến gần con nai đầu tiên thốt kêu lên - Chúng ta bắn được con nai già...

Về sau tôi nói với Anatôli:

- Ma xui cậu kêu toáng lên thế à! - Nhưng cũng chính với câu hỏi y hệt thế, có thể đặt ra với chính bản thân tôi: - Ma xui mày giết chết hẳn con thú à?

Nhưng tất cả những điều này lại lặp lại mấy tháng sau đó, khi chúng tôi, những người thợ săn hạng bét tụ tập nhau lại quanh chiếc tivi để quay đi quay lại bộ phim đã chiếu trên màn ảnh thế giới mà nhân vật trong đó, lại là người được xem cuối cùng... Và ta lại được nghe cái câu không chỉ chối tai mà còn xé tim "chúng ta giết chết con nai già".

Còn khi đó, ngay đầu mùa đông tất cả mọi việc đều tuyệt vời: mọi người ngồi quây quần thân mật quanh một chiếc bàn lớn ở nhà tôi, chúng tôi đãi khách món lưỡi, môi của "nai già", còn gan xào với táo, rồi món thịt băm viên, mọi người nâng cốc chúc mừng cuộc đi săn thành công, và chúc cho sự hồng vinh của hai nước, chúc cho sự hiểu biết lẫn nhau mà không cần biết tiếng.

- Món lưỡi đã xích lưỡi gần nhau lại!1 - Một người Anh cứ nhắc lại mãi câu nói đùa ấy - Và cũng như mọi khi, chúc cho tình hữu nghị, hoà bình trên toàn thế giới, chúc cho Igiepxk chỉ chế tạo toàn máy săn và chỉ nghe thấy tiếng súng trong những khu rừng sâu - tất nhiên là có giấy phép - và chúc cho những tiếng súng ấy không chia cắt con người mà hợp nhất như là chúng ta hợp nhất bên chiếc bàn nhiều món sang trọng này...

Những người Anh không rời chiếc Kamera.

Có thể tất cả những cảnh quay này, kèm theo những lời nói hữu nghị, những nụ cười thắm thiết vẫn còn trong kho lưu trữ của đài BBC và biết đâu sẽ có lúc xuất hiện trên màn hình tivi.
____________________________________
1. Tác giả chơi chữ: Lưỡi - ngôn ngữ, tiếng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:50:49 pm »


Những gì mà chúng ta thấy trên màn hình có khác một ít so với kế hoạch mà các nhà báo Anh tuyên bố trước khi bắt đầu vào việc... Đầu tiên trên màn hình xuất hiện các cảnh quay ở Aganixtan... Trong một thung lũng hẹp quân phiến loạn bắn súng máy "của tôi" vào đoàn xe ôtô chúng ta và một phần chiến sĩ ta chết tại chỗ, phần còn lại bị bắt làm tù binh, tay giơ cao lên trời, đón họ là các vệ binh trong tay cũng là các khẩu "Kalasnhicốp"... Còn chính Kalasnhicốp vào lúc đó bắt đầu đi săn: mặc chiếc áo da lông rách, đứt cúc, đầu đội mũ lông chiến sĩ...

Lại các cảnh quay chiến tranh: cảnh xử bắn dã man các con trai ở Nicaragoa, hàng đống thây người, tiếng rên rỉ, tiếng kêu khóc...

...Và Kalasnhicốp trong chiếc áo da lông rách xuất hiện, có lẽ tượng trưng cho mức sống nguyên sơ, đang chờ đợi tất cả những người còn lại trên trái đất và nếu "sự nghiệp Kalasnhicốp" chiến thắng... Kalasnhicốp, ánh mắt tinh tường nhìn vào cảnh hoàng hôn chạng vạng: xem có con thú nào thoáng hiện ra không?

Lại cảnh chiến tranh đẫm máu. Lần này là ở Nam Phi, và tiếp sau đó là cảnh "đi săn trong hoà bình". Toàn là những cảnh thực, thật chi tiết: cái đầu rơi sau khi bị bắn, tiếng người chạy lạo xạo trên tuyết lúc chạng vạng, tiếng người thở nặng nhọc, và tiếng kêu của Anatoli: "Nó không có răng! Chúng ta giết phải con nai già!"

Phải chăng bọn giết người biết thương xót dù chỉ một người? Phải chăng chính Kalasnhicốp thương xót lấy một ai đó?

Tại sao ông trời lại tạo ra con người theo mẫu của mình, dạng như Kalasnhicốp để thiết kế ra một vật tàn nhẫn: khẩu tiểu liên.

Kia hãy xem: những bà già, những phụ nữ, trẻ con đang khóc trên khắp thế gian này!

Chúng tôi quấn lại cuộn băng, xem lại lần nữa, lần nữa vì sợ có thể bỏ sót chỗ nào đó chăng? ... Có thể chưa hiểu điều gì đó chăng?

Tôi lại nhớ đến người bạn quá cố của tôi, tiến sĩ Izel một lần tại Mỹ ông đã che chở cho tôi thoát khỏi một đám quay phim chụp ảnh bám chặt lấy tôi quá mức.

Lúc đầu tôi không hiểu có việc gì xảy ra với ông: đang từ một ngươi lịch lãm bậc nhất bỗng chỗc đùng đùng nổi giận, gần như nổi khùng lên. Sau khi đám nhà báo đã đi xa, ông xin lỗi tôi và giải thích nhẹ nhàng: - Mikhin, tôi biết từ lâu rằng, ông hiểu rất rõ rừng Nga, rừng Tiaga Xibêri và những quy luật khắc nghiệt của nó. Nhưng ở quanh chúng ta có những rừng rậm, trong đó không có một luật nào, ông bạn thân mến chân thành của tôi ạ. Thế nên, tôi không muốn để bạn phải đối mặt một mình với bọn thú dữ, bản năng chính duy nhất của chúng là: moi gan, mổ ruột.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:38:23 am »


"VỊ TƯỚNG ĐẦU BẠC VẪN CÀY VÀ CÀY..."

Trên đường từ Mátscơva về Igiepxk chạy qua các cánh rừng có một ga nhỏ với cái tên thật dễ thương: Vecốpca. Ga không lớn, nhưng khi đến gần bỗng náo nhiệt hẳn lên và những người có kinh nghiệm truyền lại cho người mới: hãy rút ví ra, chuẩn bị sẵn tiền, ở đây dù không muốn, nhưng rồi vẫn phải cho... Vì sao? Không xa đây là xí nghiệp thuỷ tinh pha lê Gux. Đã lâu rồi công nhân không có lương phải nhận thay bằng sản phẩm và thế là mang ra đây... Chút nữa ta sẽ thấy!

Quang cảnh ngoài cửa sổ toa tầu chưa từng có bao giờ: sân ga chật cứng những người trong tay lấp lánh đồ pha lê và thuỷ tinh. Thôi thì không thiếu một thứ gì! Lọ hoa các kiểu, các cỡ khác nhau; bình đựng nước, các loại lọ có khắc mức nước, các loại cốc. ly để trong các hộp các tông, hay kẹp giữa các ngón tay đĩa đựng thức ăn, đế cắm nến, cốc và đèn thờ, con gà trống, con công, các chùm đèn treo, lọ hoa để sàn nhà... Tất cả các góc cạnh đều được khoe ra, tất cả đèn sáng lấp loá, tiếng kêu leng keng hoà trong tiếng rao tuyệt vọng của phụ nữ: "Bác ơi, bác mua hộ đi, rẻ lắm mà, chúng cháu đã một năm rồi không biết đồng tiền là gì, lấy đâu ra tiền để mua bánh mỳ cho các cháu, nào bác, mua cho cháu nhé!..." Và những cặp mắt phụ nữ bỗng sáng rực lên hơn cả pha lê bởi những giọt lệ rưng rưng...

Một năm trước, qua ga Vecốpca tôi có xuống và mua ngay một lọ hoa nhỏ của một người phụ nữ có tuổi, không mặc cả và cũng không nhìn xung quanh. Bà ta đi ra xa cất tiền và thở dài nhẹ nhõm.

- Bà có hay đến đây bán không? - Tôi hỏi.

Bà ta trả lời:

- Biết làm thế nào? Giờ người ta không đuổi, thế là còn tốt, chắc người ta cũng hiểu, nếu không để chúng tôi bán thì chúng tôi sẽ chết. Trước kia ấy à, tầu một phía, còn phía kia là công an cầm dùi cui trong tay... Ôi, người ta đã đuổi chúng tôi như thế nào, ông có biết không! Mọi người vứt bỏ hết, lấy tay che đầu, chạy... Này ông thử ghé nhìn mà xem! - Bà ta cúi xuống chỉ tay vào khe hở giữa các tấm bê tông lát sân ga, dưới đó đầy ắp những mảnh thuỷ tinh vỡ...

Tôi đứng bên cửa sổ toa tầu mà chẳng nhìn thấy gì lướt qua bên ngoài... Sao sự thể lại xảy ra với tất cả chúng ta thậm tệ đến như thế? Với tất cả mọi người, trong đó có cả tôi. Trước đó, họ vẫn còn nuôi những ước mơ lấp lánh như pha lê, mà giờ đây ước mơ đó đã vỡ tan tành và chôn vùi dưới bùn đen.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:38:58 am »


Hoá ra tôi đã trở thành một trong những kẻ phụng sự chính sự thống nhất của tổ hợp công nghiệp quân sự của chúng ta. Chính tổ hợp này trong thực tế là chiếc lá chắn tin cậy của đất nước và trong một thời gian dài là đối tượng xứng đáng trước các mưu toan bá chủ toàn cầu của các nhà cầm quyền trên thế giới giấu mặt hay lộ mặt... Thế mà giờ đây trong thành phố, nơi tôi bước từ toa tầu ra, trong chính cái thành phố mà tôi đã cống hiến 50 năm của cuộc đời mình, không ai tiếp những người đại diện của nhà máy cơ khí Igiepxk đến kiên trì đề nghị mua sản phẩm cho họ. Họ không có lương vì sản phẩm của họ quá nguy hiểm. Không được cấp tiền, không được cấp khoản vật chất nào khác bù đắp tương ứng. Các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài, vốn hay dùng lối so sánh hoa mỹ, mới đây thôi còn gọi Igiepxk là "hòn ngọc trên vương miện" của tổ hợp công nghiệp quân sự (BΠK). Bây giờ thì chả còn BKΠ, chả còn vương miện, ngọc ngà gì nữa. Tôi muốn hỏi: có phải chúng tôi cố ý làm ra thế? Hay chúng tôi thực tế có thoả thuận với nhau?

Tất cả những điều này là sự nghiệp của đời tôi, và tôi có thể khách quan. Để tránh nói suông, tôi xin dẫn chứng từ "phía ngoài". Đây là đầu đề bài báo đăng trong số tháng hai năm 1992, báo Izvexchia: "Vũ khí thừa của Liên bang Nga trị giá gần 10 tỷ đôla". Giá mà ta bán được số vũ khí này để thu ngoại tệ quốc tế về! Để khỏi phải cầu cạnh nhục nhã quỹ tiến tệ quốc tế. Tuy nhiên, mọi việc đâu đơn giản: " BΠK là con gà mái có thể đẻ ra trứng vàng. Nhưng... không chịu đẻ". Tại sao vậy, tại sao?! "Tất cả các loại vũ khí sản xuất trong nước đều có khả năng cạnh tranh, - chủ tịch ủy ban Quốc gia về đổi mới trực thuộc Tổng thống tuyên bố như vậy. - Vũ khí bộ binh không có đối thủ cạnh tranh. Quả vậy, trong thời gian gần đây, loại vũ khí này đã được người Ba Lan, người Séc, người Đức, người Hungari tích cực buôn bán. Rất nhiều vũ khí đã bị lấy cắp từ các kho của quân đội ta ở Đức, chế độ kế toán cố ý nhầm lẫn và không thể kiểm kê được số lượng vũ khí còn giữ lại ở đó.

Hiện nay mới đang soạn thảo cơ chế buôn bán vũ khí. Một ủy ban kinh tế đối ngoại về xuất nhập khẩu vũ khí đã được thành lập, ủy ban này sẽ thực hiện và kiểm soát ngành kinh doanh đem lại lợi nhuận này, và tính cả đến các khía cạnh chính trị cũng như các vấn đề khác. Nhưng, nếu ta không tiến hành hoạt động này thì không nên, bởi vì thực tế đã chỉ ra rằng, chúng ta vừa ngừng cung cấp vũ khí cho khu vực nào đó, thì lập tức nhà cung cấp khác chiếm lĩnh ngay thị trường ấy".

Tình trạng bất ổn làm cho cả tờ báo bên kia đại dương "Niu Oóc Taimơ" lo lắng: "Sau khi chính thức mở cửa với thế giới bên ngoài, nền kinh tế của Igiepxk ngấp nghé ở con số không. Các hợp đồng quân sự trước kia chiếm đến 70% nền công nghiệp ở đây, nay hầu như bị cắt hết".

Dư luận ngày càng tăng lên cho rằng, nước Nga đã vội vàng từ bỏ vị trí công nghiệp quân sự, không tính đến một số những thành tựu mà chính quyền Xô Viết đã đạt được đó là: "Kho tàng tài năng và kinh nghiệm công nghệ".

Nước Nga nói chung, trong đó có Utmurchia nói riêng, đã trải qua một số năm nặng nề nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:39:40 am »


Tôi ngồi vào bàn làm việc để viết bức thư tiếp theo: "Gửi ngài Viliam Ioc, người gửi: Tiến sĩ Kalasnhicốp

Ngài Bil vô cùng kính mến!

Cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành về cử chỉ thiện chí - sự giúp đỡ nhân đạo đã dành cho tôi. Món quà này được phân cho những công nhân và nhân viên kỹ thuật đã tham gia chế tạo và cải tiến các loại vũ khí bộ binh dòng AK. Ngoài ra món quà còn được phát cho các trẻ mồ côi, các học sinh và sinh viên nghèo. Thay mặt họ, tôi xin chuyển tới ông lòng biết ơn sâu sắc".

Lúc này đây, phải chăng vai trò của Kremli đã quá thừa chăng?

Kremli đang đầu hàng, giờ chỉ còn biết làm cái việc là xuất khẩu lòng biết ơn sang phương Tây, để đổi lấy của bố thí thảm hại mà có ma quỷ mới biết được sau này cháu chắt chúng ta phải trả nợ với lãi suất bao nhiêu.

Còn tôi lại ngồi xuống bàn làm việc. Tôi lại viết những điều còn nặng nề hơn nữa... Vì đây là điều mà chúng ta thường gọi là tâm huyết.

"Các cựu chiến binh thân mến!

Các ông nhắc tôi có dịp gần gũi với giới thân cận tổng thống - nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của tôi, tổng thống Bôrix Enxin đến Igiepxk để trao cho tôi huân chương số một của nước Nga, thì hãy cố gắng đề đạt để nhà nước dành cho những người công nhân lao động lão thành từ những năm chiến tranh gian khổ một số điều khoản ưu tiên, đáp ứng nguyện vọng của họ. Nếu được thế thì còn gì bằng!

Sau khi nhận được thư của các ông, tôi đã trực tiếp hỏi han lãnh đạo thành phố và nước cộng hoà, nhưng ở đâu cũng chỉ nhận được một câu trả lời như nhau: Lấy đâu ra tiền để bù vào, dù chỉ là một phần ưu đãi mà đáng lẽ ra các bậc công nhân lão thành trong chiến tranh vệ quốc được hưởng?

Các ông chắc cũng xem tivi và nghe đài, ai cũng biết rằng hiện nay các nhà máy chúng ta hầu như không làm việc. Không có sản phẩm tiêu thụ, thì không có lợi nhuận để trả lương cho công nhân viên nhà máy. Giá cả tăng vọt, tình trạng kinh tế của đa số dân cư giảm sút và không biết đến bao giờ mới kìm được tốc độ đi xuống. Phải nói một cách chân thành và thẳng thắn rằng, lớp người chúng tôi buồn nhớ khôn nguôi những thời đã qua. Thế hệ chúng tôi, những người đã trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại gian khó nhất, người thì đã từng ở ngoài chiến hào, người thì đứng máy, nhưng ngày nay do Liên Xô đổ vỡ lại phải chịu bất bình nhất, thiệt thòi nhất, của cải của toàn dân tích luỹ được do lao động miệt mài của chúng ta bỗng chốc bị tàn phá, huỷ hoại, vung phí bởi bọn kẻ cắp, tham nhũng và đồng bọn, cho đến ngày nay vẫn còn đang tiếp tục bị tiêu tán..."

Tôi đã phải viết ra bao nhiêu bức thư gửi đi các địa chỉ khác nhau!

Dây chuyền chính của "ZMAS" đứng im. Các giá treo trống không. Trong các phân xưởng rộng mênh mông hoạ hoằn mới thấy thấp thoáng bóng công nhân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:40:19 am »


Một lần, cách đây không lâu, không biết lần thứ bao nhiêu tôi dẫn khách lãnh đạo từ thủ đô xuống thăm nhà máy. Khi gặp một công nhân có tuổi, người quen cũ, tôi tự hào nói với vị khách:

- Xin giới thiệu, đây là một ông tổ của cả một thế hệ những người sản xuất vũ khí lao động ở nhà máy chúng tôi. Nhà ông có tất cả bao nhiêu người nhỉ, ông Pêtrôvích? - Và tôi gập ngón tay thử tính - Hai con trai. Đúng không?..

Ông ta nhìn tôi và nhìn sang ông khách Mátscơva nói thảm hại:

- Con rể, con dâu. Cháu nội mới về. Thôi đủ rồi!... Đừng nói nữa. Cả thế hệ tốt hơn là đi bán hàng vặt, kẹo cao su ngoài quán!... Còn ở đây lấy gì mà ăn!

- Cấp trên đến thăm chúng ta làm gì nhỉ, có lẽ để phân phối đơn đặt hàng chăng? - Phân xưởng trưởng đi cùng nói đỡ lời tôi - Có đơn đặt hàng chúng tôi sẽ dễ chịu hơn...

Quả thật vị khách cấp cao có "phân phối" đơn đặt hàng cho "Izmas" làm bằng tay một khẩu súng săn rất đắt tiền. Chỉ làm duy nhất có một khẩu. Vâng, dù thế chúng tôi vẫn cảm ơn! Thậm chí những đơn đặt hàng nhỏ thế vẫn giúp những người thợ tài ba chúng tôi sống qua ngày. Và tôi muốn, giống như người rao hàng ở ngoài chợ phiên, kêu to lên cho toàn nước Nga nghe thấy: Hãy xem đây, những khẩu súng săn của chúng tôi, đừng tiếc tiền mua!

Ngày nay, đã có bán những khẩu súng săn cácbin nhẵn nòng và xoắn nòng, chế tạo trên cơ sở sơ đồ thiết kế của AK. Đó là khẩu "Saiga 7.62" lập tức chiếm được cảm tình của người đi săn, rồi tiếp sau nó là "Saiga- 410". "Saiga-20". Việc sản xuất loại vũ khí này không cần phải chi phí phụ, không cần lắp đặt lại dây chuyền công nghệ. Vì nhiều chi tiết có thể lắp lẫn với AK, và hơn nữa có nhiều phụ tùng lắp ráp dùng từ dây chuyền quân sự cũ không dùng tới để lại.

...Buổi tối, cháu Igor đến chơi, chúng tôi cùng ngồi uống trà rồi xem thời sự trên tivi. Tôi không đeo tai nghe, thử nghe không như vậy. Trên màn hình, cảnh Grôđnưi bị tàn phá, cảnh quân "không khoan nhượng", sau đó là quân đánh thuê. Người ta sẽ làm gì, nếu như hiến tranh vĩnh viễn chấm dứt? - Trong phim có cảnh phỏng vấn một người

- Sống thế nào được? Tôi sẽ đi tìm điểm nóng ở nơi khác. - Người đó trả lời. Và anh ta đi đi lại lại, tay vuốt ve khẩu tiểu liên - như là muốn nựng nó: "Kalasnhicốp nuôi sống ta đây!"

Tôi cứ nghĩ là nghe nhầm, hỏi Igor: "Nó nói gì thế?"

- Nó nói rằng, ông nuôi nó đấy, nội ạ! - Igor vẻ khó chịu giải thích - Kìa ông xem, cả một kho súng... Biết bao nhiêu mà kể! Thế mà ông lại sinh bệnh... Tay ông giờ ra sao?

Tôi thật không may: Ngón tay phải bị tê dại, chỗ giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ tôi cảm thấy có vết lõm đáng nghi ngờ. Làm thế nào đây? Tôi gọi điện nhờ một giáo sư quen xem hộ. Ông khám kỹ bàn tay, lấy tay nắn toàn bộ cánh tay đến tận khớp vai và kết luận chung chung: "Không giúp gì được mấy... Tuổi già mà!". Một lời an ủi thế thôi!

Tuy nhiên, giáo sư vẫn chỉ định liệu pháp: đeo cái “cổ áo" đặc biệt và hứa sẽ tìm cho một loại thuốc nước ngoài nào đó, không rõ lắm... có thể chỉ mới ở giai đoạn đầu - không thể khác.

Thế là tôi sinh ra giận dữ: giận ông ấy, giận mình và giận cả trời lẫn đất. Tôi bắt đầu quở trách mình: Làm sao mà mày phải ủ dột đến thế? Mày không nhớ câu tục ngữ này à: "Đừng vội nhụt chí!"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:40:49 am »


Tôi mở cuốn "Khoa học chiến thắng" của bá tước Alêchxanđr Vaxilievich Xuvôrốp, để xem vị đại nguyên soái nói gì về trường hợp này?... Lời chỉ dẫn hoàn toàn rõ ràng: "Hãy tránh xa nơi lười biếng! Thuốc của Đức từ xa tới dễ bị hỏng, hoàn toàn mất tác dụng, lại vừa có hại. Người lính Nga không quen dùng. Chúng ta có nhiều loại cây, rễ, lá, cỏ làm thuốc".

Tôi nhớ, trong một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về những người vùng núi, có những dòng đọc lên thật sửng sốt. Người kỵ sĩ già quở trách người kỵ sĩ trẻ: "Mày là kẻ lười nhác! Chỉ muốn kiếm miếng bánh mỳ bằng mồ hôi chứ không chịu đổ máu!" Lúc đó tôi nghĩ: Chà chà, thời ấy khiếp thật.

Phải chăng, thời ấy đã trở lại? Không chỉ ở ta, mà trên khắp thế giới cũng vậy. Mong cho đất nước Môzămbich có lá cờ in hình khẩu AK-47, cái cuốc và quyển sách mở được yên hàn một chút. Mong cho các nước khác ở khắp châu Phi, châu Á, ở Trung Đông thực sự quên đi rằng, súng không nuôi được người, mà chỉ có lao động và học tập mới nuôi sống được con người.

Một lần, đang suy ngẫm về tất cả những điều này, thì bỗng nhiên trong đầu tôi xuất hiện một từ nghề nghiệp chuyên môn, nhưng nó lại nói đúng những gì đã xảy ra với các nhà thiết kế vũ khí, đó là từ: "Bật trở lại". Ít nhất cũng có ba người chúng tôi gồm Iutgin Ktôuner, Uzin Galin - Blasnhicốp và tôi thiết kế ra các khẩu tiểu liên nhằm mục đích tiêu diệt nhanh chóng bọn phát xít... Nhưng những viên đạn bay ra từ khẩu M.16 là để rượt đuổi người Việt Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Những loạt tiểu liên từ khẩu UZI phá tan niềm hy vọng mong manh ở Palextin, và ở các nước láng giềng... Thế còn nói gì về khẩu AK của tôi? Đó là sự bật trở lại của lịch sử để lại những hậu quả đau buồn nhất: bắn giết lẫn nhau.

Mùa hè năm 96, vào một ngày chủ nhật tôi đi nghỉ, đến gần trung tâm thành phố, tôi dừng chiếc UAT trước đèn tín hiệu. (Chiếc xe này Bộ trưởng quốc phòng Uxtinốp cấp riêng cho tôi dùng để "nghỉ ngơi tích cực"). Ngó đi ngó lại, tôi nhìn thấy chiếc vỏ đạn AK lăn trên đường nhựa, có thể nó bị bánh xe đi qua trước mặt tôi bắn văng ra, hoặc do gió thổi đẩy tới. Vô tình tôi đưa mắt nhìn xung quanh thì bỗng nhiên, lại nhìn thấy cái thứ hai gần đấy... Thế là rõ, đêm qua ở đây người ta đã bắn... Và tôi bỗng nhớ lại thời ở trường bắn, các chiến sĩ không được trở về doanh trại nếu chưa tìm thấy hết vỏ đạn trong bãi cỏ. Đôi khi việc này trở thành nỗi hành hạ chung... nhưng việc phải thế! Còn bây giờ thì ở ngay ngã tư nhộn nhịp này, chẳng ai buồn nhặt vỏ đạn, cũng không động chạm đến ai: coi như là chuyện bình thường!

Tôi mải nghĩ ngợi mông lung và cảm thấy cay đắng quá đến nỗi đèn xanh đã bật mà tôi vẫn không đi. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông trẻ măng đến gần hỏi: "Có việc gì xảy ra vậy?"

- Không, không, - Tôi trả lời - Cảm ơn.

Người cảnh sát đi khỏi, cuối cùng tôi cũng cho xe chạy và lại tiếp tục dòng suy nghĩ: tai hoạ đã đến với chúng ta với tất cả mọi người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:41:28 am »


Vũ khí đáng ra phải dựng theo hình tháp, có người canh giữ nghiêm ngặt, phải để trong kho có bảy lần khoá cửa, nhưng thực tế lại trôi nổi, trao tay, hầu như tự do buôn bán. Thật là tai hoạ, tai hoạ khủng khiếp!!

Thế nhưng, tại sao người ta vẫn tiếp tục coi những nhà thiết kế chứ không phải những nhà chính trị là "kẻ thù của xã hội?".

Dưới đây là bức thư tôi mới nhận được.

"Kính thưa ông Mikhain Timôphêêvích!

Thứ bẩy tuần trước, trên tờ báo "Herald Sun" của Menbuốc có đăng bài báo về ông. Tôi nghĩ rằng toà soạn, có thể không nghĩ tới việc gửi tờ báo cho ông, vì vậv tôi cắt ra đây để gửi cho ông. Chỉ dở một điều là tôi không biết địa chỉ ông, nên tôi gửi giống như Sêkhốp gửi cho "ông già ở quê". Qua bài báo tôi biết rằng ông sống ở đâu đó thuộc Igiepxk. Hy vọng rằng ông sống không quá bí mật, nên người đưa thư sẽ chuyển tới được cho ông. Tôi rất hài lòng khi ông nói về nước Nga hiện đại. Tôi cũng gửi cho ông lời của bài hát về nước Nga hiện nay. Lời thơ này hình thành vào dịp gần đến năm mới, khi tôi nhìn thấy trên màn hình tivi bản đồ đất nước vĩ đại của chúng ta như đang bị gặm dần xung quanh.

Chúc ông mọi điều tốt lành!

Xin gửi lời chào từ nước Úc xa xôi!

Kính thư. Igor Megiacốp - Côriackin"

Kèm theo bức thư là lời của "Bài hát về nước Nga", đây là đoạn đầu của bài hát đó:

Như đàn chó núi gặm nước Nga
Bản đồ xưa cũ chẳng nhận ra
Tên vẫn thế, nhưng đã thành nước khác
Có bao giờ nghèo đói thế, nước Nga
Gọi là "Nga" nhưng chẳng còn nước Nga
Kẻ thù chinh phục? Chiến tranh tàn phá xót xa?


Có thể ta không tán thành với tác giả - nhưng điều ghi nhận là ở chỗ khác: về tình cảm sâu sắc đối với Tổ quốc mà điều đó ngày nay ở đây, trong nước Nga, người ta đang tìm cách xoá bỏ trong giới trẻ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:42:18 am »


Gần đây, nhà văn người Ađưgêi Iunux Truiacô có gửi cho tôi cuốn tiểu thuyết của ông mang tên "Truyền thuyết về con Sói sắt". Diễn biến của câu chuyện bao trùm gần hai thế kỷ: Từ khi tướng Ermôlốp chinh phục Capcadơ ở đầu thế kỷ trước, cho đến tận những cuộc chiến tranh đau xót ngày nay ở Apkhadia và ở Treesnhia theo tôi nghĩ. Cuốn tiểu thuyết viết rất chân thực và sâu sắc, nhưng điều mà làm trái tim tôi day dứt hơn cả là đoạn mô tả ngày Chiến thắng ở Beclin vào năm 1945. Muốn hay không muốn, chiến tranh đã biến tôi thành người lính, và sẽ là người lính suốt đời - cho dù bây giờ tôi mang quân hàm tướng. Truiacô viết rằng, trên quảng trường lớn trước nhà quốc hội Đức còn nóng rực tiếng nhạc vùng Ađưgêi nổi lên, cuốn hút những người "của mình" lại: "Mọi người từ vùng Capcadơ cứ đến với chúng tôi dần dần rất đông". "Cậu ở đâu?" "6 Lezgin" "Còn cậu" "Tớ là người Apkhadia". “Nhìn cậu thì nhận ra ngay là dân Acmêni!" "Còn cậu?" “Cumức!” "Còn cậu?" "Agiecbaidan!" "Tôi là người vari!” "Còn chúng tôi là người Oxêtin!". Cả vùng Capcadơ, toàn bộ Capcadơ đã có mặt ở đó! Có hai chàng cadắc vùng Cuban đến gần yêu cầu: Hãy chơi tiếp điệu nhảy này nhé! Xong rồi! Anh em chúng tôi bắt đầu nhảy, các bạn Kadắc hừng hực lửa nhiệt tình hoà vào, và thế là tất cả cùng nhảy. Và kìa, con trai, có thấy gì ở đằng kia không? Đầu tiên là các chàng trai vùng Capcadơ nhảy, sau đó là tất cả ai có mặt trên quảng trường đều nhảy điệu "Ixlamêi" của chúng tôi. Tôi chuyển chiếc dùi trống cho "đứa con" của trung đoàn người Bêlarux và cùng tham gia với các bạn trẻ. Thế là tất cả chúng tôi cùng nhảy, cùng cười và cùng khóc..."

Tôi cũng khóc: Vì sự thống nhất của chúng ta đã mất.

Không phải chúng ta tấn công nước Pháp: Mà Napôlêông đã tấn công nước Nga. Không phải Liên Xô tấn công nước Đức, Hítle đã ra lệnh cho các trung đoàn tấn công ta. Và ta đều rõ cả hai cuộc chiến tranh 1813 và 1945 kết cục thế nào. Vì khi đó các dân tộc của nước Nga tin tưởng thiêng liêng vào tình đoàn kết anh em không gì phá vỡ nổi... Vâng, mong cho tình cảm đó hồi sinh lại trong tâm hồn ta, trong trái tim ta, vì Tổ quốc đang chịu nhiều đau khổ!

Ngay trước khi năm mới, tôi kết thúc những dòng ghi chép này. Năm nay, mùa đông mãi không đến vùng chúng tôi, nhưng rồi cuối cùng những bông tuyết đã rơi, ở những chỗ đông người đã có bán cây thông.

Tôi đứng trong nhà bếp, bên cửa sổ và nhìn thấy trên sân trường đối diện ông già Tuyết áo đỏ, mũ đỏ bước từ xe ra, còn những người giúp việc đi cùng thì bắt đầu dỡ các gói quà ra... Tôi nghĩ: Có sớm lắm không nhỉ? Hay là ông già Tuyết nhiều việc quá nên phải bắt đầu sớm. Lúc này, trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ cay đắng: cầu mong cho ông ta khỏi phải mất việc trong thành phố chúng ta.

Nghe thấy tiếng chuông điện thoại, mà những người tốt bụng đã lắp thêm cho bộ khuếch đại công suất mạnh, tôi cầm lấy ống nghe. Tổng giám đốc nhà máy cơ khí Igiexk Truguepxki một nhà vũ khí nhiệt tâm, có chuyên môn cao, một người lao động vĩ đại gọi cho tôi. “Tôi nhớ ra, vào tháng ba chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của khẩu tiểu liên Kalasnhicốp, tôi quyết định làm người đầu tiên chúc mừng..." "Thế là ông không kịp - Tôi trả lời vẻ cố ý tiếc rẻ. - Đã có người chúc trước...". Vốn là người hóm hỉnh, ông nói to giọng sôi nổi: "Hãy nói tên người đó cho tôi biết!". Tôi cầm chiếc phong bì để trên bàn cạnh điện thoại: "Raphic Kabirôvich Aizatulốp" - "Ông ấy là ai?" - Truguepxki hỏi. "Ông ấy là đồng nghiệp của ông: Tổng giám đốc nhà máy cơ khí tây Xibêri. Ông chúc mừng trước ngày kỷ niệm AK và mời tôi đến thành phố Nôvacuzônhetxk của ông. Ông nói rằng, tôi là một điển hình của người lao động sống lâu...". Ông đỡ lời: "Vị tướng đầu bạc vẫn đi cày, đi cày".

Đây là một câu trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Igiepx Vlađimir Trapkin tặng tôi. Bài thơ đã kịp phổ biến rộng rãi trong giới bạn bè đồng hương chúng tôi và tôi tin rằng nó sẽ được phổ biến rộng hơn, không phải vì nhà thơ đã "đoán trúng" mối quan hệ của tôi. Không đơn giản là toàn thể nhân dân Nga chúng ta - nhân dân lao động và mọi người đã từ lâu chán không muốn nghe những lời ngược lại về họ, những lời chỉ trích họ. Và họ, cũng đã chán cảnh rời rạc phân tán và không có những tấm gương tốt để noi theo. Mọi người đều rất muốn để tất cả chúng ta cùng lao động chung, và lao động trong một môi trường xứng đáng kể từ "vị tướng đầu bạc" cho đến em bé lau kính xe đứng trên ngã tư đường đầy khói ga, bụi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #169 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:43:37 am »


Tuyết rơi ngoài cửa sổ. Qua màn tuyết, hiện ra những ngọn đèn trên cây thông toả sáng trong căn phòng đối diện của nhà trường.

Cuối năm: đã đến lúc tiến hành tổng kết. Cuối thế kỷ. Và cuối một nghìn năm. Từ nay đến lúc đó còn lại bao nhiêu thời gian nữa? - Và nếu như mỗi người "tổng kết năm" không khó khăn lắm thì chúng ta sẽ giải trình thế nào cho mười thế kỷ đã qua? Chúng ta sẽ bước vào thế kỷ mới - kỷ nguyên mới như thế nào?

Đã lâu rồi, từ khi còn trẻ, vào cái thời tranh chấp với kỹ sư Deriabik chỗ đứng bên hồ đối diện với toà nhà cũ của "IMAS", trong đau khổ tôi đã viết câu thơ sau:

Bằng lao động kiên cường tôi dựng tượng mình lên,
Bàn tay lính giơ cao cương trực.
Biểu tượng nước Nga, không bao giờ khuất phục
Là chính khẩu AK chiếm trọn vẹn niềm tin.


Từ "nước Nga" hồi đó không mốt, mà nói chung tôi viết không phải để in mà chỉ để cho bản thân. Thế nhưng vào tháng năm, khi tôi ở thăm Thuỵ Sĩ, đại sứ Xtêpanốp đã cho kéo cờ trước toà nhà đại sứ ta. Ông nói với tôi:

- Chúng tôi rất hiếm khi kéo cờ, chỉ khi nào có sự kiện đặc biệt nổi tiếng. Hôm nay kéo cờ là để chào mừng ông.

Ngay khi ở bên đó, tôi đã suy ngẫm: Cá nhân tôi là gì mà đại sứ lại làm như vậy? Chắc hẳn để ra quyết định như vậy ông đã cân nhắc kỹ, tin tưởng vào sự đúng đắn của quyết định, nhất là đối với giới ngoại giao vốn là những người thông minh, không có hành động thừa... Và trở về nhà, nghĩ đi nghĩ lại thì mới hiểu. Hoá ra là báo chí Thuỵ Sĩ đã kể về chuyến đi của tôi rất rộng rãi và thân tình - có thể chính họ đã thúc đẩy hành động ngoại giao trên?

Ở Thuỵ Sĩ, người ta rất trân trọng giữ gìn những kỷ niệm về Xuvôrốp và về những tráng sĩ diệu kỳ của ông, như chính Xuvôrốp vẫn gọi những chiến sĩ của mình như vậy. Trong vùng núi Xen-Gôtarđ người ta đã xây dựng khu tưởng niệm mới tuyệt vời làm sao! Và khi chúng tôi có mặt ở đó, những nhà bình luận và các nhà báo rỗi rãi đã bắt đầu nói và viết: Nhà thiết kế Nga nổi tiếng Kalasnhicốp rất giống đại nguyên soái Xuvôrốp. Khi lần đầu nghe thấy câu này, thậm chí tôi đã đi đến gần gương soi, nhưng chỉ phát hiện ra sự ngạc nhiên trên mặt mình. Có thể nguyên nhân là do tôi thấp? Hoặc thể tạng khô cứng, không thể nào gọi khác đi được?

Và chỉ sau đó tôi mới hiểu: Đó là ở sự vinh quang vĩ đại mà Xuvôrốp đã để lại cho đồng bào mình. Và có lẽ tôi cũng là người được thừa hưởng một phần vinh quang đó. Ánh sáng phản chiếu đã đổ xuống... Nhưng để giữ nguồn sáng đó, ta phải có trách nhiệm thiêng liêng để giữ gìn và xứng đáng với sự vĩ đại của những người lớp trước.

Giờ đây, khi năm mới đã cận kề, khi sắp kết thúc quyển sách của mình tôi lại nghĩ đến điều này. Và tôi cũng nghĩ rằng: "Bức tượng" của tôi cũng thế không chỉ dành cho riêng tôi mà còn để tưởng nhớ đến biết bao con người đã lao động quên mình để có được khẩu AK như ngày nay, nhưng họ lại không được ai biết đến và không được ở đâu nhắc tới... Cũng như vậy, lá quốc kỳ kéo lên trước sứ quán Nga ở Thuỵ Sĩ không chỉ để chào mừng riêng tôi mà còn dành niềm vinh quang ấy cho cả các bạn, những người giúp việc và bạn chiến đấu của tôi. Hơn thế nữa, đó cũng là niềm vinh quang của tất cả đồng bào thân thiết của tôi, những người đang phải kiên gan chịu đựng nhiều đau khổ!

Cho dù những điều nói trên có hơi giống sự ban phát những lời chúc tụng huyễn hoặc, thì lời nói chân thành, tốt đẹp hiện nay ở nước Nga chúng ta vẫn được đánh giá cao hơn là tiền. Nhưng tôi vẫn muốn dành những lời nói đó gửi tới nhân dân vĩ đại chúng ta, những người đang phải sống trong những ngày khó khăn chung với mọi người hiện nay.

Cho dù bức màn che trên chiếc cửa sổ thiêng vẫn còn bưng bít, không một đốm lửa lọt qua, thì chẳng bao lâu nữa nhất định nó sẽ xuất hiện từ xa. Và lúc ấy tất cả chúng ta sẽ thở phào nhẹ nhõm và cùng vui sướng rảo bước trên đường...

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM