Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:25:00 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45168 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #150 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:38:06 pm »


CUỘC SĂN LÙNG KALASNHICỐP

Về đi săn và đi câu có rất nhiều câu nói vui từ cổ xưa, tất cả các câu nói đó đều trúng đích hơn nhiều so với các xạ thủ bắn các loại súng hiện đại nhất có kính ngắm, có thiết bị bắn đêm và, v.v... Nhưng có một câu tục ngữ tôi cho là hay hơn cả, ấy là câu: "Săn nai thì đi vào mùa thu và mùa đông còn săn kẻ ngốc thì săn quanh năm".

Tất nhiên cũng có khi hai mùa này trùng nhau: điều đó xảy ra trong trường hợp của tôi. Nhưng chẳng lẽ ta bắt đầu ngay câu chuyện từ một nốt nhạc buồn?...

Vì rất nhiều lần vai trò của tôi trong các hoạt động hữu nghị mang tính chất tự nguyện ấy, tựu trung lại là để an ủi người dân lương thiện.

Thú thực chính tôi cũng thấy xót xa lắm.

Ta sẽ bỏ qua mất những năm tháng tuổi thơ, cái thời thật đẹp đẽ khi mà bạn ta chỉ ngón tay lên trời trong căn nhà ta mà cười thả sức, hay trong đám bạn bè tụ tập tự do đùa vui cười đến vỡ bụng... Ta sẽ bỏ quên một mảng tối trong đời tôi khi mà gà và thỏ rừng hầu như là nguồn thực phẩm duy nhất nuôi sống cả một gia đình lớn nhà tôi.

Ta sẽ bắt đầu từ những năm đầy hứa hẹn, khi tôi bắt đầu sống "trên toa xe" và làm việc trong phòng chính tại đoạn đường sắt ở ga Matai thân thiết ấy.

Lần ấy, vào cuối thu, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ cho cuộc đi bắn chim bay di cư. Chúng tôi thuê một chiếc xe hai ngựa kéo và bốn người đến vùng hồ lớn có những bãi cói mọc. Người ta bảo rằng vùng đó ngỗng nhiều đến nỗi bay che kín cả mặt trời, vịt nhiều đến nỗi bay che kín cả ngỗng... Chúng tôi dừng lại bên một con sông nhỏ không tên. chuẩn bị chỗ ngủ đêm và quyết định trinh sát tình hình xung quanh lều cói của chúng tôi.

Gió lạnh thổi rất khó chịu. Ở những chỗ nước nông yên tĩnh, những lớp băng mỏng trong suốt đầu tiên đã xuất hiện. Cứ đi tiếp, đi tiếp mãi trong bãi cói tôi hoàn toàn mất phương hướng. Xung quanh tôi quang cảnh đơn điệu đến nỗi tôi có cảm tưởng mình đi vòng quanh. Và quả thế thật, tôi nhìn thấy vết ủng cao su của mình đã đi qua. Tôi đánh dấu chỗ mình đã đi qua bằng cách cắt mấy cây cói buộc túm vào cây cỏ lác, thế nhưng vẫn không tránh được con đường cũ vì chỗ thì nước đầy không đi được, chỗ thì bãi cói quá dày không qua nổi nên cứ phải đi vòng.

Rồi gọi, hú, bắn báo hiệu cũng không nghe thấy tiếng đáp lại của các bạn đi cùng. Sau đó mới biết họ cũng bị lạc trong bãi cói như tôi.

Tôi đành quyết định táo bạo: cắt cói, nhóm lửa giết thời gian chờ sáng. Nhưng ngay lúc đó như là có người nào đó nhắc ngay: "Làm gì có diêm mà nhóm lửa". Thế là bèn nghĩ ra cách cắt cói xếp thành đống trèo lên đấy ngủ qua đêm. Rồi có thể đứng trên đó để dễ quan sát xung quanh. Dùng dao mới cắt được vài cây cói, tôi chợt hiểu ra: ý tưởng này sẽ không thực hiện nổi. Cây cói cứng gần như cây lau, cao gần hai đầu người, phải có rìu mới chặt nổi, mà tôi đâu có rìu...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #151 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:38:49 pm »


Đạn dự trữ chỉ có ba viên mà thời gian thì còn suốt một đêm đầy những bất trắc. Đi trong cói chỉ nhìn thấy một khoảng trời nhỏ xíu. Có thể chính trong những trường hợp đáng sợ như thế này, người ta hay nói câu: hồn vía lên chín tầng mây. Tôi đứng đây giữa bãi cói, đơn độc như con diệc giữa đầm lầy và suy nghĩ: Giờ ta phải làm gì?... Có lẽ phải bắt chước con diệc, kêu to lên để cho cả một vùng nghe thấy tiếng; nhưng vẫn không hy vọng có ai đó nghe thấy, mà chỉ để khuây khoả cho riêng mình.

Nhưng bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng súng từ xa vọng lại. Tôi bắn trả lời ngay. Tôi nóng lòng chờ. Tiếp tục lại có tiếng súng, ngày càng gần hơn, gần hơn. Cuối cùng nghe thấy một loạt súng nổ làm định hướng cho tôi thoát khỏi vùng đầm cói!

Vượt qua vùng bãi cói tôi có cảm giác mình như con thú hoang suốt đời sinh sống ở vùng này. Tay bị đứt nhiều chỗ, mặt đỏ ửng vì bị cào xây xát, nhưng tôi đang hứng khởi, chẳng để ý gì đến những việc vặt ấy! Tôi chỉ biết rằng, các bạn tôi đang ở đâu đó gần đây lắm!

Cuối cùng tôi vượt ra được bãi cỏ trống nhỏ trong rừng và nhận ra mùi khói dễ chịu từ đống lửa các bạn tôi nhóm, lúc ấy cảm thấy mọi khó khăn đã lùi về sau... Không còn trong cảnh lạc như cũ nữa! Con lạch nhỏ đã ngăn cách chúng tôi làm hai. Trong cảnh chiều tối, mặt nước con lạch trông đáng sợ: cả một dải đen thẫm đe doạ ta.

Chúng tôi không nhìn thấy nhau, nhưng nói chuyện vẫn nghe thấy tiếng. Các bạn đồng thanh hô lên bảo tôi lội qua lạch, nhưng chỉ riêng cái mặt nước đen ngòm kia đã làm tôi đủ sợ rồi - tôi vốn không biết bơi. Trong khi đó tôi vẫn tưởng tượng rằng con lạch sâu không đáy. Thế nhưng không biết làm gì khác: sau một hồi lâu lưỡng lự, tôi đành liều lội xuống, nước sâu ngang ngực, rồi bỗng cảm thấy đôi chân đi ủng cứ nặng dần nặng dần và lún sâu xuống bùn. Tôi sợ quá vội vã quay lên bờ. Tôi không kêu mà gào to với các bạn "Thà chết trên bờ còn hơn chìm trong bùn".

Cái lạnh ban đêm và quần áo ưót làm tôi run lên cầm cập và tôi lại xuống nước, chính ở trong nước lại ấm hơn trên bờ nhiều.

Các bạn quyết định dùng sợi dây để kéo tôi qua lạch. Nhưng không nghe theo lời khuyên của họ, vừa lội xuống đến chỗ nước sâu tôi lại bắt đầu sợ, vội thả đầu dây ra ngay.

Cuối cùng biết tôi không thể tự sang được, một người trong số họ cưỡi ngựa sang bờ bên tôi.

Tôi không muốn rời chỗ nước nông và để cho ấm người cứ nhẩy lên nhẩy xuống mãi trong nước, thế là lập tức bị chửi rủa thậm tệ. Ngoài mặt trận sau này tôi không bị ai chửi thế, chỉ có một lần khi đã ở vùng hậu phương, bạn tôi, Đeikin, cũng đã chửi tôi. Nhưng lúc đó ông là cộng tác viên của Tổng cục Pháo binh!... Theo điều lệnh thì có thể chấp nhận được. Thế còn đây lại là cái chú bé miệng còn hơi sữa mà lại dám chửi tôi?

Thật khó khăn, người bạn mới giúp tôi leo lên lưng con ngựa cũng đang run lên bần bật vì rét và vì sợ tôi, trong khi bên bờ kia đang vang lên tiếng doạ dẫm chửi rủa đủ kiểu.

Cuối cùng các bạn giúp tôi cởi bỏ quần áo ướt, mặc lại đồ khô và mỗi người đưa cho tôi một phần bánh mì của mình.

Sau đó anh em rót cho tôi một cốc rượu bắt uống cạn và chạy xung quanh đống lửa. Dáng vẻ tôi có lẽ thật hết sức buồn cười, nên các bạn nửa nằm nửa ngồi trên đống cói vừa xem tôi biểu diễn điệu múa của thầy phù thuỷ vừa cười ầm ĩ, đến nỗi nghe thấy trên đầu tiếng kêu nặng nề và tiếng cánh vỗ của con vịt cuối cùng rời tổ, mà trước đó chúng tôi chưa thể làm nó thức dậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #152 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:40:17 pm »


Trời rạng sáng, nhưng chính ánh bình minh chờ đợi lâu này đã tự nó làm xấu xí đi vẻ đẹp của nó. Đấy là cảnh trở về của chúng tôi: Ba chàng trai trẻ ngồi trên xe ngựa kéo, bỏ thõng chân ra ngoài, chạy lạch bạch theo sau xe là người thứ tư mặc quần áo không đúng cỡ, hai vai áo trễ xuống...

Các bạn tôi nhất định bắt tôi phải chạy bộ suốt quãng đường và chỉ khi sắp vào đến làng thì mới cho ngồi vào xe. Nói gì thì nói chứ vào thời gian đó chúng tôi đã là những thợ săn nổi tiếng khắp vùng, không muốn biến cuộc đi săn về không thành một trò cười cho mọi người...

Cuộc đi săn chó sói lần sau của tôi cũng trở thành kỷ niệm. Đâu có phải cuộc săn thường, mà là cuộc săn có dùng tiếng lợn kêu nhử mồi.

Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Một lần bên đống lửa đêm ngồi chờ sáng, một tay săn chó sói già đời đã mách tôi cách đi săn này. Đầu tiên anh ta bảo cho anh ta xem khẩu súng săn mới của tôi, đây là khẩu súng duy nhất mà tôi có được khi nhận giải thưởng Xtalin. Xoay xoay khẩu súng trong tay, anh ta nói một cách khinh rẻ: "Không ăn thua" Tôi vội hỏi: "Sao lại thế" "Bởi vì - Anh ta nói vẻ dạy đời - Cậu chưa nghe câu chuyện này à?... Có một tay thợ săn kia, vừa ra khỏi làng thì thỏ mẹ bảo thỏ lớn: Này, con chạy đi coi thử xem nó đeo cái gì ở vai? Thỏ con chạy đi một lúc, rồi báo cho thỏ mẹ: "Mẹ ơi, nó đeo cái... thế này này... thế này, ... mới lắm, cứ sáng loáng cả lên...". Thỏ mẹ liền nói: "Rồi, các con hãy chơi đùa thoải mái, loại này chẳng bao giờ bắn trúng các con đâu". Sau đó lại có tay thợ săn thứ hai đi ra khỏi làng, thỏ mẹ lại sai thỏ lớn: "Con lại chạy đi ngó xem". Thỏ con về báo cáo: "Mẹ ơi, cóc sợ, nó mang cái đồ gỗ, cũ ơi là cũ, chỗ thì buộc giằng sắt, chỗ thì buộc bằng dây, bằng giẻ". Mẹ nó liền nói: "E hèm, các con ơi hãy nhớ, đây là tay thợ săn thiện xạ đấy!". Chế diễu món quà tặng, có thể coi như thế được chứ, chán chê rồi, anh ta tiếp tục dạy khôn tôi: "Cậu chưa bao giờ đi săn chó sói à? ... Chưa hả? Cậu hãy đi thử mà xem. Việc bỏ đấy, vợ bỏ đấy... úi dà!". Tôi tự nhiên cúi người xuống anh ta, nhưng anh ta cười nói: "Sói, nó không như cừu. Nó không thế. Cậu có cái bóng đèn cháy nào sẵn trong nhà không?... Nếu có tớ sẽ dạy cách thổi: vu... vu... u! Cậu biết không, như thế là gọi chúng đến đấy. Có những con đến sát tận nơi, cứ như là sờ được mõm nó ấy, chỉ việc bắn. Thế cậu đã đi săn dùng lợn con nhử bao giờ chưa? Đối với loại sói, không có thứ nhạc nào ngọt ngào hơn là tiếng lợn con kêu. Nếu vào mùa thu khi bắt đầu có sương giá, thì cách hàng chục cây số nó vẫn nghe thấy. Nó bỏ cả lợn rừng mà chạy bổ đến nơi có tiếng lợn con nhà kêu! Chỉ có cái là kiếm đâu ra lợn con, hả?".

Nói chung tôi đã ngấm lời anh ta.

Không sao, không sao, tôi nghĩ, lần sau gặp nhau trong lúc đi săn, tôi sẽ hãnh diện nói với anh ta rằng: "Đây này, một phát ăn ngay, từ khẩu súng chẳng ra gì, bỏ đi ấy! Lão luyện chưa, sói đây mới là sói. Trúng chưa! Tiếng lợn con nhử đấy."
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #153 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:41:02 pm »


Và sau một tuần, tôi đến trại nuôi lợn chìa cái hoá đơn có đủ chữ ký cho các cô gái: "Đây nhá, trả tiền cho kế toán rồi nhá!". Các cô thật hào phóng!... Anh lấy con nào? Chọn đi. Tôi hơi bối rối: "Tôi muốn tìm con nào to mồm kêu hăng nhất". Thế là một cô vung tay khoái trá: "Ôi, cuối cùng thì có người đến rước thằng Zurek rồi!".

Họ lao vào túm lấy một con vô phước nào đó. Đích thực là tiếng kêu của nó dữ dội, và chói tai đến mức, tôi nghĩ là mình đáng lẽ phải mang theo cái bịt tai, giống như mỗi khi ra trường bắn.

Tôi phải lấy xe nhà máy để đi đón chú Zurek to mồm về, thế là trên đường đi hầu như cả thành phố Igiepxk đều biết, nhìn theo xe, bảo nhau: Quái nhỉ chắc họ bắt lợn về mổ để đi săn chăng?

Đêm ấy, ở nhà tôi chú Zurek đã trổ tài hết cỡ như thế nào, thật khó mà diễn đạt nổi. Và đến quá trưa hôm sau thì mọi người không phải tiễn mà đồng loạt... đuổi tôi đi săn cho nhanh.

Tôi xách cái túi đựng con Zurek không im mồm lấy một giây để vào thùng hàng và kỳ lạ thay nó im bặt. Lúc đầu tôi cũng mừng: ừ, mày hãy nghỉ lấy tí chút mà tao cũng muốn nghỉ. Nhưng khi đi đến chỗ săn, sau khi buộc chân, tôi thả con Zurek ra, thì trông dáng vẻ của nó tôi ngờ ngợ... chẳng thấy kêu gì cả! Nó khịt khịt cái mũi dáng tỉnh bơ, cứ như là chính nó, chứ không phải tôi bố trí cuộc gặp với sói và giờ đây đã hoàn toàn yên tâm: mọi việc ổn thoả, đến đúng thời gian.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, khi đi tôi có dừng lại ghé vào người quen ở gần một làng mà hôm trước đàn sói đã hoành hành, để kể về kế hoạch của mình, nghe xong câu chuyện các bạn dúi cho tôi một con chó con lạc và khoe, con này nó kêu phải nói tuyệt vời, không dừng lấy một phút. Lúc đầu thì nó sủa hăng thật, nhưng lúc đến đây thì im bặt, không một tiếng sủa!... Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi, hay là chúng đã cấu kết với nhau trong thùng hàng để chống lại tôi?

Trước đó tôi đã hình dung rõ ràng buổi hoà nhạc đêm khuya do chúng biểu diễn, khúc song tấu nhịp nhàng làm sao và vang xa rộng khắp cả khu rừng xung quanh, thế mà bây giờ chúng chỉ ngửi nhau ra vẻ thích thú cứ như là trước đó chúng cùng sống chung trong một mái nhà, cùng ăn chung một chậu, bát vì lý do gì đó phải xa nhau, và giờ gặp lại nhau.

Trong khi tôi đang chỉnh cái vòng cổ cho con chó con thì chú Zurek cứ lấy mõm hích hích vào chiếc ủng của tôi rồi lại ngửi ngửi cửa chiếc xe "pôbetđa": ra ý bảo: cho vào xe chứ?... sắp đi chưa?... hay còn ở đây?

Cuối cùng thì tôi quyết định cho mồi nhử sống vào bụi cây, giong dây vào trong xe, hạ kính cửa nhỏ, gác nòng súng qua cửa và chăm chú lắng nghe. .. Chúng ngáy nghe mới đều làm sao! Thật im ắng!

Ban đầu tôi còn khe khẽ giật dây, các "bạn giúp việc" chẳng đáp lại gì. Tôi bắt đầu giật mạnh, rồi kéo, cả hai con lê sền sệt trên cỏ lạnh cóng, nhưng không con nào tỉnh dậy.

Nhiều năm sau tôi vẫn trăn trở với câu hỏi bí ẩn này: Sao con Zurek lại kiên trì im lặng? Sao con chó con lại ngủ say sưa đến thế?... Mãi rồi tôi mới hiểu ra!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #154 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:41:39 pm »


Tôi đã có dịp kể về chuyến tôi đưa chiếc "pôbetđa" từ Mátscơva về Igiepxk, tôi đã phải ngủ đêm dọc đường trong một ngôi nhà của người nông dân. Những con lợn của nhà chủ ra vẻ rất thích thú vật thể lạ mạ kền sáng loáng và mầu sơn mới tinh, nên suốt đêm chúng chen chúc nhau quanh chiếc xe, thi nhau kỳ cọ người vào xe rồi thả sức hít, ngửi vẻ thích thú, biết ơn... Sau đó dù tôi có cọ rửa chiếc xe thế nào đi nữa, có lau chùi ghế ngồi thế nào đi nữa thì cái mùi hôi của lợn vẫn còn giữ mãi trong nhiều năm, thế thì ở đây đã xảy ra một điều như người ta vẫn nói - chả có gì lạ cả: có thể con Zurek đã rất thích thú khi ở trong chiếc "pôbetđa" của tôi?... Mùi thân thuộc y hệt như ở trại, thế mà lại sạch, khô, ấm được ru đung đưa nhè nhẹ - cuộc sống như thế còn đòi hỏi gì? Rồi lại có cả chó, bảo vệ riêng đi cùng.

Giật, kéo mãi tôi đâm chán, ngủ như chết lúc nào không hay. Thời kỳ ấy chúng tôi làm việc từ 16 đến 18 tiếng một ngày, rất ít nghỉ ngơi nên tôi mới bày ra trò đi săn sói để cho tâm hồn được chút thảnh thơi.

Tôi tỉnh dậy vì có ai đó lay lay vai tôi: "Này ông bạn. Ông bạn! Ông đem bán hay mua con lợn con đấy?". May mà khẩu súng đã tự trượt xuống dưới chân. "Tôi mua!" - Tôi nói. Chỉ đến lúc này tôi mới nhìn thấy gần bờ giậu có đến một nửa làng đang tụ tập. Người thì đứng, người thì tựa ngực vào các bờ cỏ khô, người thì chống khuỷu tay, còn trẻ con thì lấp ló giữa các bờ cỏ khô...

Đột nhiên con lợn con của tôi bắt đầu kêu rống lên tuyệt vọng. Chắc nó hiểu rằng đã bỏ qua mất cơ hội và giờ nó sợ phải trở về trại lợn của nông trường?

Con chó con được tháo dây chạy vòng quanh rồi dừng lại và bắt đầu sủa ra bốn phía... Đấy, đấy bản song tấu chờ đợi bấy lâu nay mới bắt đầu!

Các cậu bé bên bờ dậu cố tình bịt hai tai, những người phụ nữ thì cau mặt lắc đầu và người nông dân đánh thức tôi thì bắt đầu hét to lên: "Này ông bạn, ông có bắt chúng đi không, hay để tôi phải giúp ông?!”.

Tôi dúi con lợn vào cái bao tải, quăng vào thùng hàng, còn con chó thì túm không được, cuối cùng tôi lao vào xe, nổ máy. Con đường quá xấu, không thể tăng tốc độ nhanh được, con chó vừa chạy đuổi theo chiếc xe "pôbetđa" vừa sủa ngậu xị, chú Zurek cũng không kém, kêu đáp lại liên tục. Thế là tôi phải chịu đựng cảnh chia tay bất tận của chúng...

Sau đó là cuộc đi săn gấu, trong cánh đồng kiều mạch.

Tôi tin chắc rằng không chỉ mình tôi cảm thấy tội lỗi nặng nề và không yên lòng, khi cái hăng máu đã qua đi, đến lúc ta lột da con gấu bất hạnh bắn được, hiện ra một cơ thể, trông giống như con người! Không phải vô cớ mà người dân Xibêri và phương Bắc có một nghi lễ đặc biệt vỗ về an ủi và đánh lừa linh hồn con gấu bị giết!

Nhưng điều gì đã xảy ra, thì đã qua rồi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #155 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:42:27 pm »


Chúng tôi cùng đi với ông bạn thân Xôcôlốp, giờ đã là tiến sĩ khoa học, còn hồi đó chỉ mới là phó tiến sĩ - thú y. Cho dù ông có công tác ở lĩnh vực nào đi nữa; hoạt động khoa học hay giảng dạy hoặc là quan chức nhà nước thì ông vẫn là người say mê đi săn và là người hiểu biết nhất vùng: săn ở đâu, săn thú gì. Vào bao giờ thì có kết quả nhất. Vào thời gian đó, giữa chúng tôi hình như có sự phân công nhiệm vụ tự nhiên: tôi chịu trách nhiệm súng và xe. Còn ông thì đảm bảo khâu cung cấp thông tin, và bắn thật chuẩn, thường là phát bắn quyết định.

Năm ấy, ông báo cho chúng tôi biết, không xa Igiepxk có một khu ruộng kiều mạch lớn trong rừng. Người ta gieo khá muộn, vào khoảng giữa mùa hè, nhưng giờ thì đúng lúc đang chín, đúng lúc các chú gấu chờ mong đến để tàn phá đùa nghịch, đúng lúc chúng thay lông, hoạt động tích cực. Chẳng còn gì làm hơn nữa vào lúc này: cần phải lên đường thôi!

Chúng tôi đi cùng với một người săn gấu có kinh nghiệm nữa, đến nơi trời còn sáng, kịp làm một cái lều bằng cành thông cạnh ruộng lúa, chui vào đó và chờ...

Có thể hiểu được tại sao người ta khao khát đi săn đến thế, nếu ta được nhìn thấy cảnh tượng vầng trăng lưỡi liềm mầu vàng đang từ từ nhô lên trên cánh rừng đen thẫm, và cả khu rừng như một cánh đồng ấm áp được sưởi ấm suốt ngày, rồi một làn sương mỏng rụt rè bốc lên và chẳng bao lâu khu rừng lại chìm trong lớp sương xanh, trong suốt mờ ảo... Mà đâu có phải rỗi việc mà ta đến đây để ngắm cảnh này.

Một con gấu đã đến gần chỗ chúng tôi, và tiến vào ăn lúa. Cái đầu đen của nó quay sang bên này, rồi lại quay sang bên kia, thỉnh thoảng hất nhẹ lên, tiếng cây lúa kêu xào xạc, lào rào, tiếng nuốt ừng ực ngon lành... Đúng lúc ấy một tiếng súng nổ vang.

Con gấu ngã chúi xuống, nhưng lập tức lại chồm dậy và lao xé qua những bụi cây gần đấy. Tất cả ba chúng tôi chậm rãi, hồi hộp đi theo nó từng bước, trông chừng bóng cây và gốc cây. "Nhìn thấy chưa? - Bạn tôi thì thầm - Cậu tiến gần và bắn, còn mình sẽ bảo hiểm...". Nhưng chẳng cần đến thế nữa.

Bộ lông gấu đã kịp thay và mọc dày, ướt đẫm sương đêm. Chúng tôi cố lắm mới kéo lê nó tới được gần xe. Theo tục lệ đi săn, chúng tôi ngồi lên nó day nhẹ để sau đó lột da cho dễ. Nhà khoa học của chúng tôi, người bạn tôi vốn quen với việc phân loại thú, vui sướng như trẻ con: "Chúa tể của rừng xanh đấy nhé". Tôi đáp lại "Vâng, chúa tể của rừng xanh...”

Trời còn sớm, chúng tôi không ngủ lại trong rừng mà về nhà. Về tới nhà tôi bảo vợ và con tôi hãy xuống mà xem con gấu thật dưới xe, nhưng vợ tôi chỉ bảo: "Gì thế hả ông? Làm gì có chuyện ấy. Gấu nào? Thôi hãy đi mà ngủ!".

Cả những người đến xem chúng tôi mổ thịt gấu ở bờ sông cũng không tin vào mắt mình nữa. Một người đàn ông đứng tuổi sốt sắng hơn cả: "Có thật không? Gấu thật chứ?... Phải thì xin các ông cái vuốt nhỏ có được không?".

Bạn tôi mặc dù không muốn làm "khuyết" bộ da gấu nhưng vẫn rộng lòng lấy cái vuốt thứ mười tặng ông ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #156 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:43:20 pm »


Một tuần sau chiếc vuốt này đã được để gọn trong phong bì và được đặt lên bàn bí thư tỉnh uỷ, trước mặt chúng tôi, đang sửng sốt: "Đây là cái gì thế?... Mặc dù các anh quả quyết không đi săn trong phạm vi lãnh thổ của thành phố, nhưng thanh tra nhân dân, một người cộng sản già, đã gửi cho chúng tôi vật chứng cụ thể này, nên chúng tôi phải tin ông ta".

À, ra chính người van nài xin chiếc vuốt, là người "báo thù của nhân dân"! Giờ mới biết ông ta xin vuốt để làm gì!

Bí thư tỉnh ủy gõ gõ đầu ngón tay xuống chiếc bàn, trên đó có chiếc vuốt mà người "báo thù của nhân dân" đã nài xin bằng được với mục đích phản bội. Chẳng biết sự việc sẽ kết thúc ra sao, nếu không có tin báo rằng, có vị khách quý là bí thư tỉnh ủy tỉnh láng giềng Kirốp đang ở phòng chờ... Khi ông ta vào, chúng tôi đã ôm hôn nhau như những người bạn tốt, và chỉ cần vài lời ông đã hiểu ý nghĩa của việc đã xảy ra. Ông nháy nháy mắt với tôi một cách thân thiện, rồi nói: "Mikhain Timôphêêvích sao lại vậy? Cậu sai lầm to rồi đấy!... Nếu cậu gọi điện cho mình, thì mình đã chuẩn bị cho cậu cái giấy phép đi săn trong toàn tỉnh. Phải giữ lấy danh dự chứ..."

Vài ngày sau, quả nhiên tôi nhận được giấy phép từ người bí thư tỉnh ủy Kirốp, nhưng không thể sử dụng nó: vì tôi đã có kế hoạch cải tiến mẫu súng gấp, nên không đi săn được. Độ vài năm sau tôi mới hiểu được bí mật của việc xử lý quá nghiêm khắc của bí thư tỉnh ủy đối với chúng tôi hồi đó. Người bật mí chính là người bí thư láng giềng tỉnh Kirốp, khi chúng tôi gặp nhau ở Mátscơva. "Thế nào đồng chí Kalasnhicốp? - Ông hỏi đùa tôi trong giờ nghỉ giải lao của một buổi gặp mặt quan trọng nào đó - Các anh cho rằng ruộng lúa kiều mạch gieo chậm à? Không đâu, chúng tôi gieo đúng thời gian đấy! Mọi việc đều đã tính để cho nó kịp chín khi bắt đầu lạnh! Lúc ấy chúng tôi đợi khách từ Mátscơva đến vào mùa thu - nên phải gieo vào giữa mùa hè. Khách "đặc biệt", thích đi săn, rất thích đi săn. Điều chính yếu là ở chỗ đấy... Ly rượu đang giữ trong tay. Còn ông thì chẳng "hỏi cha hỏi mẹ" gì. Mikhain Timôphêêvích! "Cha mẹ" phải được tôn trọng chứ. Kể cả những người nổi tiếng như ông, cũng phải thế..."

Lạy trời: trên đời có những người tốt, khi nhớ lại thật thú vị!

Sau đó còn có một cuộc đi săn nữa mà tôi không bao giờ quên được. Lần đi săn ấy ở xa nhà, xa Igiepxk.

Khu rừng rậm Bêlavêgia ngày ấy thanh danh chỉ có một, rõ ràng và trong sáng không lắt léo như sau này.

Hôm ấy vừa mới nghe thông báo trên đài rằng Piôtr Mirônôvich Maserốp đã từ trần do bị tai nạn ôtô thì lúc đó tôi cũng nhận ngay được bức điện của Giênhia Klimtrencô "xin hãy bay đến".

Tôi hiểu cả: trong hai chữ "xin hãy" ấy là biểu hiện của cả một con người tốt bụng nhất và lịch lãm nhất, ấy là Giênhia. Tôi hiểu nỗi đau buồn chung của Bêlarux và thậm chí hiểu cả bí mật bao trùm lên tai nạn rất kỳ lạ này...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #157 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:44:48 pm »


Chi tiết của vụ tai nạn đó tôi không muốn nói tới cũng như không tìm cách bổ sung thêm điều gì, vì chẳng cần thế thì mọi chuyện xảy ra đã quá rõ ràng rồi. Thời đó người ta cười mỉa về câu chuyện một kỹ sư nông học vĩ đại đã có biệt tài "từ Miền đất nhỏ1 mà thu hoạch được một mùa bội thu". Một thời đã thịnh hành những người anh hùng chân chính không được tôn vinh. Riêng tiếng đồn về Maserốp ngay thẳng, nhiệt tình, dù ở cương vị cao, nhưng hàng ngày vẫn có những người bạn cũ cùng hoạt động trong phong trào du kích đến thăm đã vượt khỏi biên giới của nước Bêlarux nhỏ bé.

- Tôi sẽ đi săn cùng ông, - Ghiênhia nói với tôi một ngày sau đám tang - Chả lẽ ông về mà lại không ghé qua rừng Bêlavêgia chúng tôi? Maserốp là một người am hiểu, tôi nghĩ rằng ông sẽ tha thứ cho chúng ta điều này.

Thế là chúng tôi đã ở trong rừng, tôi nhìn vào đám bụi cây màu hung vàng phía trước... Giênhia vẫn như mọi khi không nói gì, không hỏi thẳng về vấn đề này và từ lúc nào không hay đã để bàn tay một cách thân mật lên vai tôi; thầm bảo: Misa, đừng phụ lòng tin, chính bạn cũng biết rằng anh em sẽ rất vui lòng khi thấy Kalasnhicốp chứng minh được rằng: Con nai không đi một mình! Hoặc là con nó ngẫu nhiên tụt lại sau một chút, hoặc là con mẹ cố ý đi vượt lên để ngó xung quanh xem có gì nguy hiểm không.

Tôi để hờ ngón tay trên cò súng và bỗng nhiên, y như dự đoán, con nai con đã theo kịp mẹ, xuất hiện ở phía bên!... Con mẹ hơi quay đầu lại như muốn xác định chính xác rằng con nó đã theo kịp và hai mẹ con cùng đi hướng về phía khẩu súng.

Một ý nghĩ xoáy trong đầu tôi: Nếu có ai đó lại cho rằng tôi ngủ thiếp đi và để xổng con mồi? Và chính người ấy đang ngắm súng vào chúng... Thế là để cướp dịp, tôi nhấc súng nòng hướng lên trời cho nổ luôn cả hai nòng.

Con nai mẹ quay lại thật nhanh!... Tôi không kịp nhìn xem con nai con biến đi đâu? Hay là con nai mẹ, dù cho sợ hết hồn, vẫn còn kịp che chở nó trốn phía bên tôi?

Giênhia chạy đến cách phía bên phải tôi một ít, trong tay không có súng. Ông giơ tay lên về phía tôi nói to:

- Tôi biết mà, Misa, tôi biết mà!

Tôi để khẩu súng dựa vào gốc cây, chúng tôi ôm chặt lấy nhau dụi đầu vào vai nhau... Giênhia cứ lặp đi lặp lại mãi một câu "Tôi biết mà, Misa, tôi biết mà!"

Từ các hàng cây, từ các bụi rậm những người tham gia cuộc săn bước ra từ các vị trí khác nhau. Họ nhìn chúng tôi quay đi, dụi mắt... "Tôi biết, tôi biết" - Giênhia nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Tôi nghĩ cần phải nói với ông một lời nào đó, nhưng tôi rất sợ những lời nói to phát vào lúc này, nhưng vì đây là một sự thật đau buồn về đất nước Bêlarux của ông:

- Vì ở đây quá nhiều trẻ mồ côi, Giênhia ạ! - Tôi gắng gượng thốt qua giọt nước mắt vui sướng - Từ hồi chiến tranh, nên hãy để con nai con sống yên ổn, hãy để con mẹ nó được vui sướng!"
__________________________________
1. Chơi chữ “miền đất nhỏ” – địa danh liên quan đến tác phẩm cùng tên của Blếchkha.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #158 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:45:31 pm »


Cuộc đi săn cuối cùng mà tôi muốn kể lại đã được chuẩn bị rất lâu... Thời gian cuộc đi săn định vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 nhưng công việc chuẩn bị bắt đầu từ mùa hè. Đầu tiên là tiếng chuông điện thoại liên tỉnh gọi về từ cơ quan đại diện của hãng BBC ở Mátscơva: tiếng nhỏ nhẹ của một phụ nữ nghe rất dễ chịu, hỏi tôi về kế hoạch công việc vào cuối thu. Người phụ nữ tiếp chuyện, nói tiếng Nga rành rẽ:

- Thưa ngài Kalasnhicốp, xin được gọi ngài theo tên - phụ danh như thế nào ạ? Vâng, xin cảm ơn ngài. Thế này ạ, thưa ngài Mikhain Timôphêêvích, không chỉ chúng tôi mà mọi người đều biết ngài là một người say mê đi săn. Có phải thế không ạ?

- Tôi bỗng nhớ câu ngạn ngữ sinh thời bố tôi vẫn nói: "Con thỏ nhát là thế mà vẫn đi săn lùng cải bắp!"

- Rất tuyệt, câu này ngài sẽ nói khi quay phim nhé!

- Phim nào? Quay cho ai và quay để làm gì?

Người phụ nữ trả lời:

- Quay cho người Anh. Một số người có tên tuổi, muốn quay một cuốn phim video với cái tên đại khái là "Nhà thiết kế Kalasnhicốp đi săn"... Đại loại là như thế. Mục đích là nhằm tạo hấp dẫn cho câu chuyện kể về một trong những nhà sáng chế lớn nhất của thế kỷ hai mươi; ông cũng là một con người không có gì khác lạ. Có phải thế không ạ? Theo tôi hiểu, ông cũng không có gì nói dối. Bởi vì chính ông vừa mới nói rằng ông đích thực là người thích đi săn.

- Tôi không thể trả lời được rằng, tôi không thích đi săn. Chỉ riêng hai tiếng "đi săn" đã bao hàm bao nhiêu là ý nghĩa! Chẳng phải vô cớ mà người Nga nói rằng thiếu thú vui săn bắn con người hoá thành đần độn.

- Ngài nói về những vấn đề này thật tuyệt vời! - Người phụ nữ thán phục. Bà ta hiểu tôi rất sâu sắc, rất chân thực và cũng rất Nga.

Có thể, chưa có ai hiểu tôi sâu sắc như thế bao giờ?

- Họ đang tập trung! - Người phụ nữ gọi điện cho tôi lần thứ hai, giờ đã thành người quen, thông báo cho tôi biết.

Tôi thử tỏ ra khó chịu:

- Nhưng chưa có sự đồng ý của tôi.

- Vâng. - Bà ta nói rất mềm mỏng, - Vâng, nhưng người Anh vẫn hy vọng vào sự mến khách truyền thống của người Nga!

Cuối cùng thì truyền thống cũ đã thắng thế... Nhưng nhóm quay phim trang bị những thiết bị nhấc không nổi, thế thì làm sao họ đi được trong rừng mùa đông tuyết phủ. Nhóm có ba phụ nữ, kể cả người tôi quen từ đầu ở Mátscơva, và những nam giới dáng không khoẻ lắm. Chia đều mỗi người mang ít hay sao? Vả lại sẽ đi săn kiểu gì, khi trên người lỉnh kỉnh hòm xiểng, chân chống?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #159 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2016, 11:48:44 pm »


Phải nói rằng vào lúc này mỗi người chúng tôi đã kịp phô diễn trước ống kính, và đã bắt đầu cuốn hút vào cuộc chơi và muốn hay không muốn cũng đều lo lắng đến kết quả của xí nghiệp làm phim... Sau này trong phim không có những cảnh ban đầu chúng tôi ngồi trước ống kính, cảnh các chàng "Tartaren1 từ Igiepxk" tán chuyện huyên thuyên... tất cả các cảnh đó chỉ là để làm quen với người Anh, với ống kính.

Việc bắn nai từ trên xe chúng tôi coi là không xứng với chúng tôi. Ban đầu họ còn giải thích nhẹ nhàng, sau đó càng kiên trì và mạnh mẽ hơn.

Chúng tôi đến chỗ săn trên mấy chiếc xe con, sau đó tất cả chuyển sang chiếc xe tải chạy mọi địa hình.

Vị trí săn là khu rừng liễu hoàn diệp, nơi nai thường ở, hai bên nơi rậm, nơi thưa. Valentin Vlađimirôvích cố vấn chính của chúng tôi tin rằng nai sẽ đợi chúng tôi ở đây... Và bắt đầu ngay cảnh quay: chúng tôi ngó nghiêng xung quanh như là đang đi tìm con thú.

Tôi hiểu ngay rằng người Anh thích chiếc áo da lông cũ của tôi: ống kính của họ không rời chiếc áo, đặc tả từng chi tiết một, cứ như là để sau đó ở vùng "Albiôn sương mù" sẽ cắt may những chiếc áo y hệt như vậy, "kiểu Kalasnhicốp". Thỉnh thoảng tôi nghĩ, cái mũ lông rái cá nâu mà cố vấn chính chúng tôi đội sẽ cạnh tranh xứng đáng với chiếc áo của tôi. Chiếc mũ mới đến cả trong thành phố cũng không thấy có! Thế nhưng người Anh lại không quan tâm đến vật mới.

Họ vẫn tiếp tục quay chiếc áo kỹ đến nỗi tôi nghĩ: Có khi chỉ cần cho mỗi chiếc áo đi săn?... Còn bản thân thì ngồi nhà để làm những việc không thể trì hoãn được nữa. Không sao cả, dù cho nó cũ, có thủng lỗ chỗ, có vết dầu, vết ố, có đứt cúc còn cụm chỉ trắng đấy, không sao! Thế là chiếc áo lông cũ đã "hạ gục" những nhà báo Anh? Khéo lại hạ gục cả con nai!

Chúng tôi phát hiện thấy con nai cái già khi trời đã chạng vạng tối, ai đó đã đập đập vào ca bin để cho xe dừng lại. Theo yêu cầu của khách, tôi bắn đầu tiên. Con nai cái ngã đổ xuống lớp tuyết dày. Lập tức mọi người tíu tít bắt tay vào việc, chúng tôi leo nhanh xuống xe đỡ các thiết bị cồng kềnh cho khách, "tiếp đất" an toàn xong mọi người tiến nhanh vào trong rừng liễu. Con nai nằm đấy, đầu hơi nghếch, ráng sức để đứng dậy. Valentin Vladimirovich gọi Anatôli - người lái chiếc xe "công vụ" - của tôi đi đầu tiên lại rồi bảo:

- Này Tôlia, cậu kết thúc đi để cho nó khỏi vật vã đau khổ... - Mikhain Timôphêêvích tiện hơn! - Tôlia đáp lại - Ông ấy ở xa hơn nhưng không vướng các bụi cây!

Người Anh đương nhiên cũng hiểu chúng tôi nói gì bèn kêu to đằng sau:

- Ngài Kalasnhicốp! Ngài Kalasnhicốp!

Cả giọng phụ nữ nhẹ nhàng tuyệt trần cũng vang theo: "Mikhain Timôphêêvích hãy ra tay đi!”

Biết ngã ở đâu mà lót rơm trước.

Nhưng rồi tôi đã bắn. Nói gì thì nói đây là luật: phải giết chết hẳn con thú bị thương. Đó là một kiểu thương xót theo cách tính tàn khốc của người thợ săn.
________________________________________
1. Tác giả nhại tên cuốn tiểu thuyết "Chàng Tartaren từ Taracôn" của Anphôngxơ Đôđê - nhà văn Pháp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM