Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:39:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45181 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:38:15 am »


Trong nhiều ngày, tôi tiến hành làm giả chữ in sẵn và dấu của cơ quan quyền lực, kết quả đạt được rất khá. Tôi mang tờ giấy mẫu có chữ in sẵn cho Gavơri xem, anh không tin là tôi làm được: "Này, nói thật đi cậu kiếm đâu được giấy mẫu này thế?"

Giờ thì phải nghĩ cách hành động tiếp theo. Chúng tôi biết có thể dùng các giấy này về quê để xin chứng minh thư. Rồi sau đó sẽ tính tiếp việc xin đi làm ở đâu đó. Cốt là có chứng minh thư! Mơ ước, mơ ước ấy làm sao để thực hiện được? Chúng tôi tìm cách kiếm tiền bằng chính các giấy tờ này, vì được trở về quê hương là ước mơ cháy bỏng của mỗi người đi đày.

Chúng tôi quyết định đến một làng, ở đó không ai biết chúng tôi đề nghị phương án được tự do. Chúng tôi đã nghĩ sẵn nội dung viết trong giấy chứng nhận.

Kết quả đạt yêu cầu. Khi nêu phương án với một vài người nông dân thì họ sợ bị lừa. Chúng tôi liền nhập vai và nói: "Các ông không muốn được tự do - thì thôi!". Nói rồi, chúng tôi đi, ngoảnh lại thấy họ đã gần đuổi kịp. "Hơi đắt - Họ nói - Nhưng thôi các anh hãy viết đi". Chữ Gavơri rất đẹp, anh điền vào mẫu thật tài nghệ đến nỗi họ phải thốt lên "Các cậu cừ thật, cừ thật đấy". Cóp được một ít tiền rồi, chúng tôi tự làm giấy cho mình và chuẩn bị lên đường.

Bố mẹ tôi lần này không có ý định thuyết phục tôi ở lại nữa, vì thấy chúng tôi quyết tâm ra đi. Nhưng bà mẹ nào mà chả thế, bà bảo tôi: "Misa, lần đầu con khổ sở đến thế vẫn chưa đủ à, mà lại muốn lặp lại một lần nữa?". Tôi trả lời: "Mẹ ơi, lần này con đi để được tự do, mẹ đừng khóc, đừng buồn". Mẹ tôi vẫn khóc: "Mẹ biết thế nào là tự do rồi!”.

Sáng sớm tinh mơ hôm ấy, khăn gói quả mướp trên vai, chúng tôi thận trọng đi khỏi làng theo đường vòng. Bên cạnh con đường chúng tôi đi là nghĩa địa, nơi mấy năm trước bố tôi được chôn ở đây. Tôi nói giọng buồn rầu: "Gavơri, ta ghé vào đây tí đã". Anh trả lời: "Nhất định rồi, mình nhớ rõ ông cụ lắm". Chúng tôi phải đi một lúc lâu trên nghĩa địa mọc đầy cỏ dại mới tìm thấy được cây thánh giá gỗ bạch dương, còn giữ được dòng chữ ghi tên người. Tôi đứng lặng một lúc, rồi nói qua nước mắt: "Bố ơi, hãy tha thứ cho con. Con phải tìm cuộc sống khác. Bố hãy chúc con lên đường may mắn, bố ơi!". Ra đến đường chúng tôi đi trong im lặng, vả lại biết nói gì vào giờ phút này?

Bất ngờ một con thỏ lao ra từ bụi cây, phá tan sự im lặng của chúng tôi. Nó chạy nhảy thản nhiên trên đường, khoe chiếc đuôi trắng chưa thay lông về phía chúng tôi, như cố ý diễu cợt, coi thường hai chúng tôi đang đeo súng săn hẳn hoi trên vai đi sau nó. Cảnh tượng ngộ nghĩnh này làm cho chúng tôi vui hẳn lên. Chúng tôi thật thích thú được ngắm nhìn chú thỏ dũng cảm này ở phía trước mình. Nhưng đến chỗ ngoặt gấp của con đường vùng đầm lầy thì bỗng nhiên chú thỏ biến mất. Nó chạy đi đâu nhỉ? Đi độ trăm mét nữa thì chúng tôi phát hiện ra dấu chân cáo. Thảo nào mà nó biến mất! Chúng tôi đi và bàn luận với nhau: Loài thú có tài đánh hơi tuyệt vời thật! Nếu không, thì chắc chắn là chết rồi. Con người mà có được cái linh cảm ấy nhỉ?... Mà chính chú thỏ vừa rồi chẳng đã nêu cho chúng tôi bài học hay về sự cẩn trọng đó là gì. Chúng tôi cũng sẽ nghĩ cách bảo vệ mình. Vì "cả chúa Trời cũng bảo vệ người biết giữ mình" như lời mẹ tôi dặn trước lúc tôi đi. Đi được độ vài cây số qua khu rừng cây nhỏ đầu tiên, tôi thấy làn khói mỏng trên một ống khói và sau là ngôi nhà đầu tiên trên đường chúng tôi đi... Qua làng, chúng tôi giả bộ: tôi đóng vai người bị bắt đi trước, còn Gavơri cao lớn đeo súng đi sau, như là người ta giải tội phạm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:39:11 am »


Đi khỏi làng chúng tôi tạt vào trong bụi rậm cười đùa đến chảy cả nước mắt. Chúng tôi kêu nhỏ: "Qua rồi, qua rồi!". Tháo túi trên vai xuống lấy khoai tây nướng còn ấm, cải bắp dưa chuột muối, rồi bánh mỳ nướng đặc biệt không cho thêm rau muối. Mẹ tôi biết tôi thích bánh xèo, người đã nướng nhiều hơn, mỗi cái gấp làm bốn để đầy có ngọn một giỏ con tết bằng vỏ bạch dương. Đây là cái giỏ đẹp nhất cuối cùng mà tôi biết. Cái giỏ cuối cùng của tôi...

Ăn uống nghỉ ngơi xong, người đã đỡ mệt, chúng tôi lại rảo bước tiếp trên con đường gian nan vất vả mà chỉ có hai chúng tôi biết với nhau. Lúc ấy chúng tôi đã vui vẻ hơn! Niềm vui này quả thật không nhiều: Vì ở mỗi điểm dân cư nào chúng tôi qua cũng có thể bị bắt. Khi đi chúng tôi vạch ra một kế hoạch thế này: ít nhất là hai ba ngày đầu không một ai ở làng, ở nông trường được biết chúng tôi ra đi, mọi người trong nhà được dặn trước là không được nói với ai một lời. Chúng tôi đã mua được khẩu súng săn cũ với giá rẻ để đóng vai giải người bị bắt đưa về làng nào đó phía trước.

Thi thoảng gặp người đi ngược chiều, nhất là phụ nữ, cứ la toáng lên: Thằng ấy trẻ thế mà đã sinh sự, chả hiểu ra làm sao cả, lạ thế?

Chính vì còn trẻ nên chúng tôi rất thích thú cái trò diễu hành này. Nhưng khi đi qua một ủy ban quân quản thì có mấy người cưỡi ngựa, đang thảo luận sôi nổi về việc gì đó, nhìn thấy chúng tôi. Một người trong bọn gọi to: Dẫn thằng ăn cướp lại đây! Chúng tôi đi nhanh. Khi đến gần khu rừng rậm, nơi con đường chúng tôi sẽ đi qua, thì nghe thấy tiếng hô to đằng sau: Hãy giữ chúng nó lại, kiểm tra xem chúng là ai! Bọn người cưỡi ngựa phi thẳng về phía chúng tôi, nhưng chúng tôi đã kịp chui vào khu rừng rậm rịt: biến cho nhanh, cho xa! Nhưng vẫn còn nghe thấy tiếng chó nhà sủa và tiếng chửi xa xa: “Đồ súc sinh - Nó lừa ta".

Chúng tôi lẩn trong rừng đến đêm khuya thì lại lần ra đường cái và lạy Trời, co giò mà chạy!

Ngày hôm sau để tránh tai hoạ chúng tôi quyết định sẽ bỏ súng. Khi đi qua chiếc cầu bắc qua con sông nhỏ chảy xiết, chúng tôi ném xuống giữa sông cái vật đã từng cứu giúp chúng tôi nhiều lần, nhưng chỉ thiếu chút nữa cũng đã hại chúng tôi.

Đến ngày thứ năm thì chúng tôi đã đến được làng trước kia gia đình Gavơri đã ở. Họ hàng ôm lấy anh mà khóc lóc, kể lể: "Ôi Gavơri, cháu lớn quá rồi! Cháu không nói thì chả biết cháu là ai!"

Buổi tối, thôi thì không thiếu gì các loại câu hỏi: "Sống ở đấy thế nào? Ai còn ai mất? Thằng em trai thế nào, nó vẫn còn bé lắm mà."

Gavơri là người kể chuyện hay, anh kể chi tiết đủ chuyện, và tôi đã bị cuốn hút vào câu chuyện của một gia đình nữa bị đi đày... Sáng sớm, ăn sáng xong Gavơri đến công an xin cấp chứng minh thư.

Còn tôi thì chẳng biết trốn đi đâu. Trong lòng cứ lo ngay ngáy!... Chỉ sợ ngay lúc này Gavơri xuất hiện, và nói từ ngưỡng cửa: Chúng mình đã bị lộ!

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Cánh cửa bỗng bật mở. Gavơri xồng xộc bước vào nhà, tay đập bồm bộp vào ngực, như reo lên: "Ngày mai trong túi này sẽ có chứng minh thư!"

Mắt tôi bỗng cay xè - tự nhiên nước mắt chảy ròng ròng vì quá sung sướng. Nhưng ngay tức thời, như có dòng nước lạnh giá tràn qua tim mang theo câu hỏi đầy lo lắng: Tại sao lại là ngày mai mà không phải hôm nay?

Nếu bỗng nhiên là để kiểm tra...

Một đêm mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng: sớm mai điều gì sẽ xảy ra. Tôi nhẩm tính các phương án trong đầu: Nếu xảy ra điều gì thì phải làm thế nào, phải nói gì, giải thích mọi việc như thế nào?

Nhưng không cần điều này. Chẳng bao lâu Gavơri đã có chứng minh thư tạm thời trong túi. Chúng tôi chuẩn bị về quê tôi. Ở đó người ta sẽ nói gì? Chúng tôi vượt quãng đường này thật nhanh chóng và tôi cũng như Gavơri, sau một ngày đã có giấy chứng minh thư tạm thời.

Ở làng Gavơri sống, do một sự ngẫu nhiên kỳ diệu nào đó, anh có được khẩu súng lục "braoning", chúng tôi mang theo nó về làng, khẩu súng nằm dưới đáy vali tôi. Ở làng Curia chúng tôi được thu xếp việc làm ở trạm máy kéo - Gavơri làm kế toán còn tôi làm nhân viên tính toán, chấm công. Có người đánh hơi biết tôi có khẩu súng, và tôi đành phải đem giấu ở nhà chị Nhura...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:40:31 am »


*
*   *

Đã nhiều lần tôi định kể về những ngày đầu đời, những ngày tuổi trẻ này của tôi, nhưng bàn tay lại không muốn viết. Vào thời cởi mở hiện nay, liệu tôi đã có thể nói ra cái phần bí mật này trong đời tôi chưa? Tất nhiên điều này sẽ được phản ánh trong quan hệ với các cấp chính quyền. Vì nếu khi xưa mà chính quyền biết được những điều "chân thành cởi mở" của tôi thì, đứng trên quan điểm chính trị tư tưởng mà xét chắc tôi sẽ không được như ngày nay. Chẳng ai cho tôi làm việc trong một lĩnh vực bí mật, lĩnh vực vũ khí quân sự như thế.

Trong sự việc này, tất nhiên, có điều gì đó để mà suy ngẫm và cũng có điều gì đó để mà nở nụ cười buồn. Xung quanh Kalasnhicốp bao bọc một bức màn bí mật, không thể xuyên qua nổi.

Và chính ông Kalasnhicốp, người có đầy mình bí mật quốc gia được giữ gìn chắc chắn ấy, hoá ra lại giấu bí mật riêng của mình ngần ấy năm trời mà không một ai hay biết kể cả bí thư đảng uỷ, đại diện KGB (Uỷ ban an ninh quốc gia), bộ trưởng quốc phòng, cục tình báo... và thậm chí cả dì Masa suốt ngày, từ sáng đến tối ngồi trên chiếc ghế trước cầu thang với bạn bè, cái gì cũng biết, ai cũng biết nhưng lại không biết cái điều bí mật ấy.

Ta bỗng nhớ lại những câu chuyện cổ tích Nga: giữa "bến" có đảo, trên đảo có cây, trên cây có tổ chim, trong tổ chim có chim mẹ, trong chim mẹ có quả trứng, và cuối cùng trong quả trứng có cái kim, đó mới là câu đố lớn nhất... Vậy thì xét từ mặt khác, câu chuyện giấu kín của tôi nó là một việc thường tình! Lạy Trời thế là mọi chuyện đã ổn thoả. Và cầu mong cho bí mật của con người không ai và không bao giờ có thể bị tước mất và dò la xét hỏi.

Còn tôi ngày ấy đã giấu kín bí mật riêng, theo như tôi nghĩ, là vì công việc. Nếu ai biết được những chi tiết này của đời tôi, thì chắc chắn tôi đã bị vất ra ngoài lề đường, không còn được tham gia vào việc chế tạo các tổ hợp quốc phòng. Có nhiều kẻ suốt đời đã quỵ luỵ trước thế lực mạnh một thời, nay lại đập vào mặt họ, có những kẻ đã từng bợ đỡ luồn cúi bọn nhà giàu có của... những bọn ấy sẽ chẳng bỏ lỡ cơ hội để mà "cắn" thật đau người nào dám nói sự thật về mình... Chính sự thật của bọn chúng còn khủng khiếp hơn sự thật về bản thân tôi nhiều, nhưng cái nguy hiểm hơn cả là chúng lại cứ bôi nhọ người khác.

Không hiểu bạn đọc có ngạc nhiên không, khi đọc những dòng tôi viết này: Tôi muốn nói là không một ai trong số những người họ hàng gần gũi nhất của tôi, không ai trong số con cháu tôi biết những sự kiện trên khi tôi chưa viết ra trong cuốn sách này. Cầu Trời, hãy để cho sự thật này, sẽ là điều cởi mở chân thành đối với những người thân thích của tôi.

Trong "Hộp đen" câu chuyện về con đường đầy gian nan vất vả không tưởng tượng nổi mà tôi đã trải qua hồi còn trẻ, không chỉ hiểu ở nghĩa đen. Hiểu theo nghĩa bóng, có lẽ sẽ khó hơn nhiều và nguy hiểm hơn nhiều.

Nhưng khi tôi khóc vì xấu hổ, vì giận dỗi, khi tôi đứng giơ tay xin ăn dưới cửa sổ nhà khác, có lẽ lúc ấy tôi không xin mẩu bánh mì...

Tôi đã được nhiều: tôi xin cảm tạ số phận về những điều đó.

Và tôi luôn luôn yêu thiết tha Tổ quốc mình, cho dù phải trải qua biết bao cay đắng, phức tạp.

Những năm trước đây, tôi luôn được nhắc nhở điều này: Đừng nói tôi, mà hãy nói Chúng Tôi.

Tôi không tự mãn và tôi sẽ tổng kết những năm tháng đã qua bằng câu nói nổi tiếng: "Tôi đã làm những gì có thể làm. Người nào có thể, thì hãy làm tốt hơn"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:38:56 pm »


SAU “PHÁT SÚNG TRONG ĐÊM TỐI”

Bạn hãy tưởng tượng rằng câu chuyện đang xảy ra từ năm 1988 xa xôi ấy. Người nhà tôi nói: Ông có thư. Tôi cầm trong tay chiếc phong bì và sững sờ ngạc nhiên. Tôi là người được bảo vệ bí mật đến nỗi, những tin tức từ người hàng xóm ngày ngày có thể va mặt nhau hai lượt, đầu tiên được gửi về Mátscơva, cho Xô Viết tối cao, rồi sau đó qua hệ thống liên lạc đặc biệt mới gửi trở lại Igiepxk cho tôi. Thế mà bỗng dưng lại có chiếc phong bì từ nước ngoài màu xanh, viền mép đỏ từ Hợp chủng quốc Mỹ gửi tới!

Vị thế của người được bảo vệ, nhắc tôi một điều: Phải báo cho KGB biết. Có cái hay và dễ cho tôi là: Nhicôlai Ivanôvich Nheverốp chủ tịch ủy ban an ninh quốc gia tỉnh là bạn cũ của tôi.

Tôi gọi điện trước, đến gặp và đưa bức thư ra. Ông nhìn tôi đầy ý nghĩa đến nỗi tôi, không cố ý, vung hai tay phân trần:

- Ông nói gì vậy?... Tôi viết thư sang Mỹ để làm gì?

- Vậy thì, - Nhicôlai Ivanôvích nói ý tứ - Ảnh, tiểu sử tự đến với ông ta. Mẫu súng đang thử có lẽ ông ta chưa quyết định xin, chắc sau này mới hỏi nhỉ?

Ông bạn tôi rút thuốc hút và đăm chiêu...

- Ông ta muốn viết sách? - Như là tự nói với mình, Nhicôlai Ivanôvích tiếp tục trầm ngâm. - Nhà văn à?

Đừng vội nghĩ rằng bạn tôi thuộc dạng "cây đa cây đề'' mà người ta thường mô tả về các nhân viên an ninh của ta, ông là người lập dị. Tiếp xúc với ông, ta thấy thích thú. Thế còn những gì mà ông cố tạo ra cho hợp với chính hình tượng mà ông đại diện, thì đấy là do cuộc sống của chúng tôi đôi khi không chỉ phức tạp mà còn cay đắng, buộc mỗi con người có trí thông minh phải tìm ra cho riêng mình phương pháp tự cứu lấy bản thân.

Tôi còn nhớ một lần, chúng tôi ngồi trong phòng làm việc của ông, tôi nhắc lại rằng, người ta không cho tôi ra nước ngoài.

- Tội nghiệp nhỉ, thế ông chưa ra khỏi biên giới bao giờ à? - Ông ta hỏi tôi giọng xoi mói và cố ý cau mặt lại, rút từ tủ ra một cặp giấy. - Có chứng cớ ngược lại điều đó... Đây là thông báo của các đồng nghiệp, láng giềng gửi cho tôi. Trong khi đi săn ông đã vượt biên giới hành chính của Utmurin vào sâu lãnh thổ Tataria bẩy mươi kilômét... Có không? Rồi đi săn tiếp sâu vào lãnh thổ Baskiria một trăm kilômét... Thế mà ông còn phàn nàn!

Câu chuyện lần ấy kết thúc bằng một lời để nghị thân ái: Ông hãy sang hỏi ý kiến tỉnh uỷ. Tôi "hỏi ý kiến" bên đó khá lâu, cuối cùng bí thư thứ nhất nói: "Thế anh có biết rằng, phải nói chuyện với ủy ban an ninh quốc gia không?”. Tôi trả lời rằng tôi đã ở bên đó, ông bí thư tỉnh ủy thở dài: "Thế thì, có thể, phải chờ ít nữa?"

Cái "ít nữa" kéo dài đến mức một năm sau từ bộ Ngoại giao gọi điện về tỉnh ủy hỏi: Nhà thiết kế Kalasnhicốp đã nhận được thư của nhà nghiên cứu lịch sử vũ khí Izel từ Mỹ gửi sang chưa?... Nếu nhận được rồi - sao đến nay vẫn im lặng?

"Giống như phát súng bắn vào đêm tối, tôi viết bức thư gửi Kalasnhicốp với lời đề nghị cho biết thông tin về con đường sự nghiệp, công danh của ông. Đúng 13 tháng sau, ông mới trả lời bức thư của tôi kèm theo bức ảnh có bút tích". Đây là lời trong cuốn sách "Lịch sử khẩu AK-47" của tác giả Etvar Clintơn Izel.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:40:15 pm »


Gần 15 năm sau, vào tháng 8 năm 1986 tôi nhận được cuốn sách in đẹp, minh hoạ lộng lẫy, lời đề tựa chân thành của tác giả. Và từ đấy, những gì liên quan đến cuốn sách, liên quan đến sự làm quen riêng với tiến sĩ Izel đã mở ra một thời kỳ mới trong đời tôi. Một thời kỳ mới.

Sau đó tôi được vinh dự viết lời mở đầu cho lần xuất bản thứ hai cuốn sách ở Mỹ và tôi sẵn sàng viết nữa, viết nữa: "Căn cứ vào các sự kiện đã xảy ra và phát triển kế tiếp sau đó, có thể khẳng định rằng "phát súng trong đêm tối" là mũi tên bay trúng đích. Đọc các chương sách, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi sự hiểu biết kỳ diệu của tác giả về vũ khí bộ binh của đế chế Nga từ năm 1812 cho đến cuộc cách mạng Nga năm 1917. Ông cũng đã soi sáng một cách chi tiết quá trình cải tổ nền công nghiệp quân sự trong và sau cuộc nội chiến. Ông kể một cách tỉ mỉ về những nhà chế tạo vũ khí bộ binh ở Nga, và về các cuộc thi đua, cạnh tranh giữa các nhà thiết kế đã diễn ra như thế nào và trong các điều kiện gì. Ta sẽ thực sự ngạc phiên bởi sự chính xác của tư liệu nêu ra như: Ngày tháng vũ khí được trang bị cho quân đội; số lượng mà ngành công nghiệp sản xuất ra bao nhiêu, rồi tính năng chi tiết trong chiến đấu. Trong kho tàng sách quân sự trong nước, khó mà tìm được cuốn sách nào chỉ rõ ai và khi nào lãnh đạo các vấn đề phát triển kỹ thuật quân sự, thế mà trong cuốn sách của Izel lại có tất cả những điều này. Các bạn hãy cầm lấy cuốn sách, hãy đọc nó! Tôi tin rằng nếu cuốn sách này được in bằng tiếng Nga thì sẽ là nguồn cung cấp thông tin lớn cho bạn đọc.

Tác giả đặt tên cuốn sách là "Lịch sử khẩu tiểu liên AK-47" nhưng công trình này bao gồm cả sự phát triển, hình thành vũ khí bộ binh của nước Nga kể từ khi khởi thuỷ, cho đến những năm gần đây. Đây là cuốn từ điển Bách khoa về vũ khí bộ binh Nga từ năm 1812 cho đến nay.

Sau khi cho ra đời cuốn sách này, tiến sĩ Izel đề nghị tôi tham gia vào việc xây dựng một bộ phim video về các nhà thiết kế vũ khí của thế kỷ XX. Kể từ đó chúng tôi thường xuyên trao đổi thư từ thăm hỏi công việc. Tháng 7 năm 1989 chúng tôi gặp nhau lần đầu ở Mátscơva. Tiến sĩ đi cùng với một tổ quay phim. Đến nơi ông bắt tay ngay vào việc thực hiện chương trình đã định. Bốn ngày cùng làm việc thân ái với ông đã in đậm mãi trong ký ức tôi. Sau đó một năm tôi vượt đại dương bay sang Mỹ để tiếp tục công việc đang làm dở ở Mátscơva.

Ở sân bay tôi đã nhận ra ngay những khuôn mặt thân quen của những người ra đón và nụ cười hiền hậu của Izel giờ đã là bạn tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau như những người bạn cũ. Izel giới thiệu tôi với Viêcginhia người vợ yêu quý của ông, người giúp việc trung thành trong sự nghiệp lao động không mấy nhẹ nhàng của một nhà sử học quân sự như ông. Tôi không bao giờ quên được những ngày ở trường đại học Xmitxônốp, được gặp gỡ với nhiều chuyên gia và những người yêu thích vũ khí bộ binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:40:54 pm »


Vào một ngày ở Oasinhtơn, tôi nóng lòng chờ gặp người thiết kế khẩu súng trường M-16 và các loại vũ khí bộ binh khác. Và tôi đã gặp Iutzin Xtuner, người mà tôi biết từ lâu trong sách. Chúng tôi gặp nhau ở khách sạn "Oasinhtơn" như là những người bạn cũ thân thiết.

Tôi không thể ngờ được rằng tôi có ngày hôm đó. Thế mà nó đã đến!

Tôi muốn nói lời cảm ơn gửi đến những người đã tổ chức cho tôi tới thăm những nhà máy vũ khí và các bảo tàng vũ khí, trong thời gian tôi là khách của nhà thiết kế Mỹ Bil Riuger. Trong thời gian này, tôi gặp lại tiến sĩ Izel, ông giới thiệu với tôi về những kế hoạch sáng tạo tiếp theo của ông. Tôi vô cùng ngạc nhiên và sung sướng nhận thấy rằng, ông đã muốn làm thật nhiều để cho lịch sử vũ khí thế giới được đưa ra với độ chuẩn xác cao và để cho các thế hệ chế tạo vũ khí mới có thể tiếp thu được. Không phải ai khác, mà chính ông có thể làm được việc này. Tôi biết ông ốm, yếu, nhưng tôi tin rằng ông sẽ mạnh hơn những căn bệnh đã đổ lên vai ông.

Tôi thật đau đớn trong lòng khi được biết qua điện thoại rằng, ông - người chép tiểu sử đời tôi, người bạn tôi đã qua đời. Trong căn hộ tôi ở, còn lưu giữ nhiều cuốn sách của ông, và hàng trăm bức ảnh ông, điều đó luôn gợi cho tôi nhớ rằng, ông vẫn còn tiếp tục ở bên tôi.

Có nhũng người có biệt tài trong việc gây thiện cảm với người khác: theo tôi Izel, là một trong những người thuộc số đó... Một lần ông ấy viết trong thư riêng gửi tôi: "Với tư cách là một nhà lịch sử vũ khí bộ binh, tôi không xu nịnh và nói quá lên rằng, ông đã có ảnh hưởng quyết định đến việc phát triển loại vũ khí này vào cuối thế kỷ XX. Tôi cho rằng, trên thế giới không ai phủ định về điều này. Vì thế chúng tôi đã quan tâm đặc biệt đến hoạt động sáng tạo của ông. Hoạt động này đã đóng một vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành một con người nổi tiếng thế giới như ông. Cũng chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được giới thiệu ông với mọi người từ những đặc điểm trong quá trình sáng tạo, để hình thành nhà thiết kế, những phong cách, phương pháp, điều kiện làm việc quyết định đến khuynh hướng tư duy và khả năng làm việc mà ông đã từng áp dụng. Sự quan tâm trên không chỉ có ý nghĩa đối với những người làm khoa học, mà nó còn có giá trị lớn về giáo dục, học vấn đối với thế hệ trẻ và thúc đẩy phát triển mối quan hệ hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc của hai nước chúng ta".

Izel không chỉ chinh phục tôi mà có lẽ ông còn chinh phục tất cả những ai mà ông đã gặp ở nước Nga. Một lần, ông đến thăm khoá học "Xạ kích" ở trường bắn ngoại ô Mátscơva, mọi người rất ngạc nhiên khi phát hiện ra ông là một xạ thủ xuất sắc.

Các sĩ quan đến bắt tay chúc mừng ông, họ giơ ngón tay cái cho nhau biểu hiện sự vui mừng thán phục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:42:35 pm »


Có một khía cạnh nữa trong hoạt động của Izel làm tôi bị cuốn hút đó là sứ mạng đặc biệt của ông. Một lần tôi bỗng nhớ ra là ông không chỉ là một nhà lịch sử... mà ông còn giữ chức trưởng phòng lịch sử của các lực lượng vũ trang, người phụ trách bảo tồn bộ sưu tập hoả khí quốc gia, thuộc viện bảo tàng lịch sử quân đội quốc gia trực thuộc trường đại học Xmitxônốp Mỹ. Etvar Clintơn Izel còn là một nhà triết học vũ khí... có thể như thế chăng? Tiếc rằng tất cả những điều nói trên đều ở vào thời quá khứ!

Tôi không nói về cuốn sách sâu sắc của ông, hoặc về những cuộc phỏng vấn trên truyền hình rất chính xác và thành thạo trong thời gian quay phim - tôi có cảm tưởng rằng chỉ cần một nụ cười thân ái của ông, chỉ cần một cái nhìn trong đôi mắt buồn của ông, đôi khi cũng nói lên được nhiều điều hơn hẳn các bài nghiên cứu tràng giang đại hải... Tầm bao quát trong sáng tạo của Izel chính là điểm khác biệt của ông so với những cố gắng tìm hiểu, nắm vững những tài sản của nước Nga. Những vấn đề này ngay trong nước, chúng ta nghiên cứu còn dè dặt.

Chúng tôi kết bạn với nhau thật nồng thắm và sôi nổi như các cậu bé mới lớn. Tình bạn này đã cổ vũ tôi một cách lạ thường. Thậm chí tôi còn có ý định thế nào tôi cũng sẽ học tiếng Anh. đầu tiên để viết nhật ký, sau đó sẽ viết quyển sách không chỉ nói về vũ khí. Tóm lại tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới.

Tôi bắt đầu viết một cách thất thường những ghi chép ngắn, lúc thì ở phòng làm việc trong nhà máy, lúc thì ở trên máy bay, trong tầu hoả, trong khách sạn ở Mátscơva, và ở nước ngoài... Nhưng trước khi cho trình làng chúng, tôi muốn dẫn ra toàn bộ một cuộc phỏng vấn mà tôi cùng với Izel đã tiến hành cùng nhau khi ông ở thăm Nga. Cuộc phỏng vấn này đã đăng trong tờ "Sao đỏ".

"Phóng viên: Thưa ngài Izel, trong lời nói đầu cuốn sách "Lịch sử khẩu tiểu liên AK-47" có câu: "Hơn mười năm nhà sử học quân sự Etvar Clintơn đã tiến hành công việc do thám, thâm nhập vào vỏ bọc bí mật bao quanh cuộc đời Kalasnhicốp". Chuyến đến thăm lần này có liên quan gì đến nhiệm vụ cũ không?

E.K.Izel: Có thể nói rằng, ông đã đoán trúng. Vấn đề này xuất hiện một phần do tính tò mò đặc trưng của những người sinh ra ở phương Tây, khi có quan hệ với những người hoạt động trong tổ hợp công nghiệp quân sự của Liên Xô được bảo vệ trong màn bí mật. Còn một nguyên nhân nữa là, khi nghiên cứu và giới thiệu lịch sử "Kalasnhicốp", chúng tôi có điều kiện biết rõ hơn rằng bằng cách nào Liên Xô không phụ thuộc vào thiết kế và công nghệ sản xuất của nước ngoài mà vẫn hoàn toàn chủ động được trong các lĩnh vực này. Nhưng có lẽ cái chính nhất là để biết nhiều hơn nữa về một con người, người đã trở thành anh hùng của nhân dân Xô Viết trong lĩnh vực kỹ thuật.

M.T.Kalasnhicốp: Điều đó xét theo quan điểm lịch sử, còn những nhà thiết kế - đồng nghiệp của tôi có thể nghĩ khác. Hơn nữa, sự hoàn thiện là không có giới hạn, nên trên thế giới sẽ tồn tại nhiều mẫu vũ khí xứng đáng.

E.K.Izel: Để khẳng định cho lời tôi nói trên, xin dẫn ra những lời nhận định của nhiều nhà vũ khí xuất sắc nhất, trong đó có Xtônuer và Galili- Blasnhicốp mà ông đã biết, những người đã nghiên cứu rất kỹ các hệ thống vũ khí của Giônsơn, Khôlik "UZI" và của ông. Họ đã coi hệ thống vũ khí của ông là tốt nhất thế giới, cả hai nhà vũ khí nói trên gửi lời chào thân ái tới ông!

M.T.Kalasnhicốp: Xin cảm ơn.

E.K.Izel: Xin nói thêm, ngoài công việc thiết kế, ông và họ còn có một điểm chung nữa.

M.T.Kalasnhicốp: Điểm chung nào nữa?

E.K.Izel: Hai người Xtônuer và Galili cũng như ông, đã từng là người lính ngoài mặt trận của thế chiến thứ hai. Một người trong quân đội Mỹ, một người trong quân đội Anh.

Phóng viên: Đây là một sự kiện thú vị. Cuộc đấu tranh chống phát xít đối với cả ba nhà thiết kế Xtôuner, Galili, Kalasnhicốp là xuất phát điểm độc đáo để họ vươn tới chế tạo một loại vũ khí bộ binh hoàn toàn mới, nhằm nhanh chóng chiến thắng kẻ thù chung.

E.K.Izel: Vâng, có lẽ, sự kiện này đã đóng một vai trò không nhỏ trong số phận tiếp sau đó của họ. Tôi cho rằng có một điều không kém phần thú vị đối với bạn đọc Xô Viết, đó là Xtuner cũng như Kalasnhicốp đều là những thiên tài bẩm sinh, họ không có học vấn chuyên ngành cũng như không có trình độ đại học.

M.T.Kalasnhicốp: Vâng, cái gì đã không biết, là không biết. Chúng tôi biết về các hệ thống vũ khí mà chúng tôi chế tạo ra nhiều hơn là biết về nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:43:17 pm »


E.K.Izel: Để bổ khuyết chỗ trống này đối với người Mỹ về mặt cuộc đời và hoạt động của ông, từ lâu tôi đã chờ cuộc gặp này với ông. Nhóm quay phim đi cùng tôi sẽ ghi hình cuộc nói chuyện của chúng ta, và bộ phim sẽ trở thành một phần của chương trình phim khoa học - thời sự Xmitxônốp dành cho những nhà chế tạo kỹ thuật hiện đại.

Phóng viên: Nói một cách khác là, ông muốn vén toàn bộ bức màn bí mật che kín cuộc đời Kalasnhicốp?

E.K.Izel: Theo sự đánh giá của tôi như đã nói trong cuốn sách "Lịch sử AK-47" thì sự ra đời của khẩu tiểu liên Kalasnhicốp trên trường quốc tế là một trong những dấu hiệu chứng tỏ rằng, Liên Xô đã bước sang một kỷ nguyên kỹ thuật mới. Khẩu tiểu liên AK-47 và những phương án ứng dụng của nó là loại vũ khí bộ binh thông dụng nhất và nổi tiếng nhất sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự thực thì có một số chuyên gia phương Tây bác bỏ ý kiến này, họ cho rằng, sự đánh giá đó cũng xứng đáng với cả khẩu súng trường M.16 được trang bị cho quân đội Mỹ. Riêng tôi không nghĩ thế. Và không phải chỉ có tôi yêu thích khẩu tiểu liên Kalasnhicốp. Chúng ta nhìn thấy nó trong các chương trình thời sự trên tivi, trong các phóng sự ảnh từ Beirút, từ sa mạc Iran, từ rừng rậm En-Xanvađor và từ vùng núi Apganitxtan. Tình hình đó buộc người Mỹ chúng tôi phải đặc biệt chú ý đến hoạt động sáng tạo và cá nhân Mikhain Timôphêêvích Kalasnhicốp.

Tôi nhấn mạnh thêm một điều nữa là, ngoài mối quan tâm về khoa học và về con người, thì sự làm quen với các nhà vũ khí xuất sắc của thời đại có một giá trị giáo dục lớn đối với thanh niên Mỹ. Vâng, vâng xin các vị đừng ngạc nhiên. Chúng tôi là những người biết đánh giá, biết khâm phục các thành tựu cao cả của người khác.

Phóng viên: Nhân dịp này chúng tôi muốn nghe ngài giới thiệu về trường đại học Xmitxônốp. Vai trò của nó là gì?

E.K.Izel: Trường đại học Xmitxônốp là một cơ quan nhà nước của Mỹ, có nhiệm vụ thu thập, bảo quản và phổ biến các thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật của nền văn minh con người, đến toàn thể nhân dân Mỹ, cũng như đến các vị khách nước ngoài đa chủng tộc của chúng tôi. Viện có một mạng lưới rộng khắp các viện bảo tàng lớn nhất, các kho lưu trữ, các xưởng, các trạm, các phòng thí nghiệm, các tổ chức khoa học và giáo dục. Tôi hy vọng trong thời gian tới ông Kalasnhicốp sẽ có chuyến thăm đáp lại chúng tôi và tôi sẽ có vinh dự được đón tiếp và giới thiệu với ông những bộ sưu tập và các tài liệu mà ông quan tâm.

M.T.Kalasnhicốp: Xin cảm ơn tiến sĩ Izel về lời mời. Khi mà chúng ta có điều kiện gặp gỡ, tôi nghĩ rằng sẽ giúp chúng ta hiểu và gần gũi nhau hơn. Về phần mình, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, tôi đánh giá cao các thành tựu của các nhà thiết kế Mỹ, đặc biệt là ngài Garanđ, người đã chế tạo ra khẩu súng trường tự động có sơ đồ cấu tạo cơ cấu khoá rãnh nòng và hệ thống nạp đạn độc đáo.

Còn riêng về cuốn sách của ông, thưa tiến sĩ Izel, tôi phải thừa nhận rằng, nó làm tôi rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ rằng quan điểm từ phía "bên kia" về quá trình phát triển của ngành vũ khí bộ binh chúng tôi trong thời kỳ cách mạng, cũng như trong thời kỳ Xô Viết lại được đánh giá khách quan và sâu sắc đến thế.

E.K.Izel: Làm việc này không đơn giản chút nào. Việc thu thập từng mẩu tin một về lịch sử phát triển vũ khí ở Nga và các sự kiện trong đời tư của ông, quả thật giống như việc làm của một thám tử. Những thông tin viết về ông bằng tiếng Anh rất ít đã đành, mà cả các nguồn tư liệu Xô Viết cũng thế.

M.T.Kalasnhicốp: Tôi nghĩ rằng không lâu nữa, lỗ hổng này sẽ được lấp kín. Nhà xuất bản quân sự Bộ Quốc phòng Liên Xô đang chuẩn bị xuất bản cuổn sách của tôi. Tôi sẽ kể về con đường tôi đã đi qua. Sau một quãng đường dài đã trải qua, tôi đã thấy con đường ấy như thế nào, và hiện nay cách tôi nhìn nhận, hiểu biết nó ra làm sao.

E.K.Izel: Cuốn sách của ông? Đối với tôi đây là một bất ngờ thú vị. Có lẽ trong cuốn sách này ông sẽ tiết lộ ra Kalasnhicốp, không chỉ là nhà thiết kế đơn thuần mà còn là thầy của các nhà thiết kế khác.

M.T.Kalasnhicốp: Trong điều kiện hiện đại, nhà thiết kế vũ khí không thể làm việc đơn độc - thủ công. Trong các phòng thiết kế có các tập thể lớn làm việc bao gồm các nhà phân tích, các nhà công nghệ, các nhà kim loại và cả các xạ thủ nữa. Đương nhiên trong phòng thiết kế có cả những học sinh của tôi làm việc cùng. Tôi muốn truyền đạt kinh nghiệm của mình về công việc thiết kế, chế tạo các hệ thống vũ khí cho họ. Và tôi cũng có một người con trai là kỹ sư thiết kế.

E.K.Izel: À ra thế? Lại thêm một Kalasnhicốp - chế tạo vũ khí nữa?

M.T.Kalasnhicốp: Vâng. Có lẽ con sẽ hơn cha.

E.K.Izel: Theo dự báo của tôi, trên phương diện là nhà nghiên cứu lịch sử và công nghệ chế tạo vũ khí, tôi có thể nói chắc rằng nếu ở Liên Xô bất ngờ có một phát minh lớn trong lĩnh vực vũ khí bộ binh, các hệ thống vũ khí mới sẽ thay thế các hệ thống cũ thì các hệ thống của ông vẫn còn được sử dụng cho đến năm 2005. Tuy nhiên, tôi cho rằng phát minh đó ít có khả năng xảy ra, nên hệ thống vũ khí của Kalasnhicốp - bố sẽ còn được sử dụng lâu hơn. Nhưng, dù thế, tôi vẫn muốn chúc Kalasnhicốp - con đạt nhiều thắng lợi trong công việc thiết kế vũ khí.

Phóng viên: Thưa tiến sĩ Izel, vậy ngài cho rằng vũ khí bộ binh vẫn còn có tương lai, và nó sẽ sống lâu nữa?

E.K.Izel: Vũ khí bộ binh - là một trong những loại hình vũ khí tối thiểu cần được trang bị. Có lẽ nó sẽ biến mất sau cùng và nó sẽ sống lâu hơn so với các loại vũ khí khác. Ở Mỹ, chúng tôi đã bỏ ra một khoản chi phí lớn cho lĩnh vực này, nhưng thành tựu thì chưa nhiều. Hiện nay trong các đơn vị bộ binh chúng tôi đang tiến hành thử bốn loại mẫu mới. Nhưng tôi cho rằng đến năm 2000 vũ khí bộ binh của chúng tôi, vẫn chỉ tiến hành hiện đại hoá khẩu M.16."

Đánh giá cuộc gặp mặt của chúng tôi ở Nga, Rôbec Ađamx thư ký Viện Xmitxônốp, viết cho tôi thế này:

"...Các thành viên của nhóm chúng tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi Liên Xô và mối quan hệ bè bạn thân ái ở đất nước ông. Các công việc mà chúng ta đã tiến hành, phản ánh một cách tốt nhất những cố gắng của hai nước chúng ta, để đạt được một nền hoà bình và hữu nghị bền vững".

Tôi phải mạnh dạn nói rằng, sau cuộc gặp mặt đầu tiên không quên ấy, giữa chúng tôi đã hình thành nên mối quan hệ tin cậy lẫn nhau. Chúng tôi bắt đầu nhận được những lời chúc mừng lẫn nhau và đặt hy vọng vào cuộc gặp mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:44:24 pm »


Vào dịp sinh nhật lần thứ 70, tiến sĩ Izel tặng tôi một món quà và kèm theo bức thư ngắn: "Tôi xin gửi tặng ông mẫu tiểu liên M.16A2 lê M.9 mới được trang bị cho quân đội. Nhân kỷ niệm về cuộc gặp mặt, có thể coi là lịch sử vào năm 1989. Tôi nghĩ rằng nó đem lại ít nhiều thú vị cho ông". Vật kỷ niệm đúng là dành cho chúng tôi, những nhà làm vũ khí! Tôi rất cảm ơn vì món quà và treo nó trong phòng làm việc ở nhà của tôi trên chỗ dễ thấy nhất.

Đầu năm 1990, sự cộng tác chặt chẽ giữa hai bên đã đem lại kết quả. Ngày 30 tháng 3 năm 1990 tôi chính thức được Viện Xmitxônốp thông báo mời sang tham gia vào chương trình phim tài liệu từ ngày 15 đến 23 tháng 5. Trong thư, tiến sĩ Izel viết: Chúng tôi muốn tiếp tục làm cuốn phim thời sự về con đường công danh của ông và của ngài Xtuner . Xin ông hãy báo cho biết, ông có thể sang Mỹ vào thời hạn trên được không. Tôi hy vọng rằng, chúng ta sẽ tiếp tục một cách có kết quả dự kiến của chúng ta về các cuộc họp báo và phỏng vấn để quay video. Chúng tôi đã chuẩn bị cuộc thăm thú vị cho các bạn - những người bạn Xô Viết của chúng tôi".

Đọc chương trình cuộc thăm Mỹ sắp tới, tôi thực sự ngạc nhiên vì sự tính toán vô cùng chính xác, cho đến từng phút một! Mỗi một biện pháp tổ chức đều có người chịu trách nhiệm cụ thể, trong đó có người phụ trách thật cao. Đại diện cho chương trình "picnic" - người chịu trách nhiệm - Ông Trời. Chúng tôi cầu Trời đừng mưa!!!

Lời cầu khẩn trước ấy đã thấu đến Trời thật: Thời tiết hôm ấy thật đẹp, trời nắng xanh thẳm, không một bóng mây.

Sau khi điện báo đồng ý cuộc thăm, tôi lại được đọc những lời tốt đẹp của tiến sĩ Izel: "Tôi và Xtuner nóng lòng chờ ông hạ cánh ở Oasinhtơn".

Và cuối cùng chúng tôi lên đường. Tôi đi cùng với con gái Elena và người phiên dịch Alêchxanđr Morôdốp. Sau ba tiếng bay chúng tôi hạ cánh ở Phracuốc-na-Mainơ. Bay tiếp bảy tiếng nữa thì đến sân bay Đalétx.

Thật dễ chịu khi được gặp những bộ mặt đã quen hoặc chưa quen nhưng ai cũng tươi cười sung sướng. Sau khi ôm hôn thân thiết với bạn bè, chúng tôi được làm quen với bà Viêcginnhia dễ mến, vợ tiến sĩ Izel. Vợ chồng Côxtelo sau này cũng trở thành những người bạn tốt của chúng tôi.

Sau những lời chào hỏi, chúng tôi lên ôtô về Qasinhtơn. Nghỉ ngơi chút ít, chúng tôi vội vã đến viện Xmitxônốp. Đây là một ngôi nhà đồ sộ, đã để lại trong tôi những ấn tượng không phai mờ. Về hoạt động khoa học và văn hoá giáo dục của viện thì lại càng lớn và rộng khắp. Trong viện bảo tàng của Viện, tôi bất ngờ được làm quen với nhà lịch sử Nhật. Maxami Tôcôi, và Têruxi Dzimbô sang Viện chuẩn bị tài liệu nghiên cứu các mẫu vũ khí bộ binh khác nhau. Họ tặng tôi một số cuốn sách của họ về vũ khí, trong đó có cuốn: "AK-47 và các phương án của Kalasnhicốp”

Khi xem bộ sưu tập vũ khí trong bảo tàng và sau đó là các bộ sưu tập tư nhân, tôi nhận ra rằng, ở Mỹ không những người ta biết đánh giá hiện tại mà còn biết giữ gìn xứng đáng quá khứ của mình. Thật khó mà tưởng tượng được, ở đây có bao nhiêu loại vũ khí đã được chế tạo và giữ gìn một cách cẩn thận.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi được mời đi ăn tối trong một khách sạn ở thành phố Alêchxanđria, ngoại ô Oasinhtơn, nghe nói, khi sinh thời tổng thống Oasinhtơn vẫn thích đến ăn trưa ở đây. Sáng hôm sau tôi đã gặp nhà thiết kế Mỹ nổi tiếng Xtôuner trong khách sạn. Chúng tôi cùng ông đi thăm viện bảo tàng "Côsmôx" và đến thành phố Bantimor. Chuyến thăm thuỷ cung ở đây đã để lại cho tôi ấn tượng mạnh. Người phiên dịch cho chúng tôi trong cuộc đi này là anh Anđrêax Tômberg - một người thạo tiếng Nga. Anh đề nghị tôi gặp gỡ với các đại diện của tổ chức "Bảo vệ môi trường". Ngày 18 tháng 5 có cuộc gặp tại đại sứ quán Liên Xô sau đó thì đi thăm cơ sở của câu lạc bộ người đi săn "Nôrva". Chúng tôi ăn tối xung quanh đống lửa và ở lại đây chơi đến tối. Nhân viên đang chuẩn bị thịt cho ngày mai, vì khách và thành viên câu lạc bộ sẽ đến nhiều.

Người ta báo trước cho tôi biết rằng, sáng sớm mai tôi sẽ cùng đi săn với chủ tịch câu lạc bộ, ngài Máctin. Tôi dậy sớm một giờ trước khi đi và đợi Máctin đến sốt ruột. Và rồi chúng tôi đã ở trong rừng, súng đã nạp đạn. Máctin trong tay cầm còi nhưng lại không dùng đến mà dùng mồm huýt giả tiếng thú rừng rất điệu nghệ! Thật hay, ông không biết tiếng Nga, còn tôi không biết tiếng Anh, nhưng chúng tôi lại hiểu nhau rất tốt.

Khi chúng tôi đã mệt mỏi, ba lô rỗng không, trở về nơi tập trung, mọi người chỉ vào món thịt rán: Đây là kết quả đi săn của các ông phải không? Chúng tôi cười vang gật đầu và trả lời: Vâng, đây là chiến lợi phẩm thu được của chúng tôi! Cuộc đi chơi đã diễn ra trong bầu không khí thật ấm áp và thân ái. Chúng tôi phát hiện ra người chuẩn bị món thịt nướng ngon tuyệt đêm ấy là Etvar Giônsơn - một nhà sưu tập đồ cổ và vũ khí các loại nổi tiếng ở Mỹ. Trong kho cất giữ của ông, thôi thì không thiếu thứ vũ khí nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 07:45:00 pm »


Một ngày sau cuộc đi chơi, ông mời tôi đến ăn trưa tại trại của mình. Đến đây chúng tôi mới biết, ông còn một sở thích nữa: hồi phục và lưu giữ các loại ôtô cũ. Ông dùng một chiếc đã được hồi phục lại đưa tôi đi. Trên bộ tản nhiệt của chiếc ôtô có ghi năm sản xuất: 1933.

Mong bạn đọc đừng nghĩ rằng chúng tôi chỉ có thăm bảo tàng, đi picnic, dự các bữa ăn trưa được mời... Không, chúng tôi vẫn nhớ mình đến Mỹ với mục đích gì. Công việc chính theo chương trình đã định được bố trí rất sít sao. Chẳng hạn, một số các nhà sưu tập vũ khí của câu lạc bộ "Nôrva" mang đến các mẫu vũ khí bộ binh khác nhau đủ loại, kể cả trung liên đời cổ. Ai cũng muốn để Xtôuner và tôi thể nào cũng phải bắn trúng để quay phim vì điều đó gây uy tín lớn cho các nhà sưu tập. Thực ra thì không phải mẫu nào cũng hoạt động được, vì nó quá cũ. Còn hình thức bên ngoài của chúng thì vẫn được giữ gìn, bảo quản tốt.

Các công việc của chương trình video được tiến hành theo từng điểm một không vội vã. Tiến sĩ Izel xem xét công việc này rất kỹ lưỡng. Ông đã chỉ huy công việc chính xác, không để gián đoạn hay thay đổi bất cứ một điểm nào.

Những ngày ở Mỹ cùng với Xtuner đã in sâu mãi mãi trong ký ức tôi.

Có lẽ sự tôn trọng lẫn nhau đã làm cho cuộc giao tiếp giữa chúng tôi được cởi mở hơn, xây dựng hơn và thú vị hơn. Nói chung, ở Mỹ người ta nói và viết rằng, Xtôuner là một "người-bí-ẩn". Ông luôn trốn chạy các nhà báo và sống ẩn dật. Ông sinh năm 1922 ở bang Indiana, kém tôi ba tuổi. Xuất thân từ một nhân viên vẽ kỹ thuật trong công ty "Lôctrít" nổi tiếng. Đầu chiến tranh ông tham gia thiết kế đạn, sau đó mới thiết kế vũ khí bộ binh. Sáng chế hoàn thiện nhất của ông là khẩu súng trường M.16, đã kịp đem sử dụng trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Khác với khẩu AK của tôi, khẩu M.16 được cấp bằng sáng chế và từ bấy đến nay Xtuner được nhận một đôla cho mỗi khẩu sản xuất ra. Cho đến thời gian này ông đã có được một gia sản lớn, như trong báo chí đã viết rằng, nó đủ để đảm bảo một "cuộc sống không nghèo cho con, cháu". Ông có gần một trăm sáng chế khác nhau, trong đó nhiều sáng chế đem lại lợi nhuận, và nói chung ông là người của công việc, một nhà kinh doanh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM