Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:17:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45154 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:31:28 am »


Đã đến ga cuối cùng, ga Taiga (rừng rậm). Mọi người vội vàng xuống toa, chất đồ đạc lên xe trượt tuyết.

Người lớn mang đồ đạc vào lán trại, chờ ở đó khi nào có xe ngựa đến đón thì đi tiếp.

Lán trại làm bằng gỗ, trong có sạp ván bốn tầng làm chỗ ngủ. Bọn trẻ chúng tôi chỉ trong nháy mắt đã trèo tót lên tầng bốn, sát mái. Bố mẹ chúng tôi thì ở tầng dưới.

Sau hai ngày ở đây, được cấp một số thực phẩm, thì có một đoàn xe ngựa dài, đủ các kiểu khác nhau, do những người nông dân râu tóc rậm rạp đến đón chúng tôi tới huyện Báctrarơxki. Huyện này ở đâu, nó như thế nào, không ai biết. Nếu có hỏi sẽ được trả lời ngắn gọn: "Bí mật quốc gia". Con đường đi này dài hun hút và đầy gian nan. Nhưng rồi vẫn đến được Báctrarơxki. Những người đàn ông đánh xe phải chịu vất vả cùng chúng tôi suốt chặng đường dài, vội vàng vứt đồ đạc chẳng có gì đáng giá của chúng tôi xuống những đống tuyết sâu. Đến rồi.

Người chỉ huy đeo súng lục bên hông, chuyển danh sách đoàn chúng tôi cho người chỉ huy địa phương mà chúng tôi thuộc quyền quản lý. Nhiệm vụ của người chỉ huy địa phương là phân chia chúng tôi đi các làng mạc trong rừng. Bắt đầu có những lời cầu xin ai đi cùng với ai, còn đi đâu thì không quan trọng. Tôi nghe thấy ai đó nói với người chỉ huy: "Thưa đồng chí chỉ huy", nhưng anh ta chẳng cho nói tiếp lời yêu cầu. Anh to nói to dõng dạc để cho mọi người đều nghe thấy: "Ở trong rừng Brian này, đồng chí của các người là chó sói, còn ta với các người là ông chỉ huy. Hãy nhớ suốt đời là chỉ được xưng hô với ta như thế."

Ai đó không chịu nổi, nói nhỏ, như là lời cầu khẩn "Rõ khổ, gọi bằng đồng chí nó đơn giản dễ gọi hơn, chỉ có thế thôi".

Người chỉ huy sửa lại bao súng lục, nói giọng giáo huấn: "Những gì mà các người có, giờ không còn nữa. Trước mặt các người giờ chỉ là "ông chỉ huy".

Sau sự việc này, trong óc trẻ thơ non nớt của tôi cứ phỏng đoán mãi sự khác nhau giữa "đồng chí" và "ông, ngài" là ở chỗ nào? Những năm sau đó, nhiều lần có mặt ở các cuộc họp của làng, tôi còn được nghe đi nghe lại mãi những lời giáo huấn đầy đe nẹt này. Vẫn thế, tôi chẳng hiểu gì, và dần dần cũng quen: Tôi - cũng có thể gọi là ông công dân1.
________________________________
1. Tác giả chơi chữ, vừa có nghĩa là công dân, vừa có nghĩa là ông (từ xưng hô).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:32:05 am »


Đầu tiên, người ta dẫn chúng tôi đi trên những con đường gập ghềnh để đến làng Rêu Trên, nhưng được vài ngày lại bảo đi tiếp. Lần này chúng tôi đến làng Rêu Dưới. Ở đây chúng tôi được cấp một cái nhà bỏ không: tuỳ ý mà sắp xếp, tu bổ.

Láng giềng của chúng tôi là những tín đồ cựu giáo người Kerơgiăc. Họ cư xử với chúng tôi không được thân thiện. Vâng, ai mà muốn thân với cả một đoàn quân đói rách có những năm thằng quỷ sứ chúng tôi. Những người dân lương thiện Kerơgiăc sợ đến mùa hè tới, anh em chúng tôi sẽ "thu dọn sạch" vườn tược của họ chăng?

Những lo ngại đó là vô ích. Vì bố tôi đã răn đe anh em chúng tôi nghiêm khắc đến mức, chúng tôi trở thành tấm gương tốt không chỉ ở làng mà còn ở cả toàn vùng người đi đày.

Sau này từ "người đi đày" được thay bằng từ "người di cư đặc biệt".

Chúng tôi bắt đầu đi học ở trường phổ thông mới được thành lập. Mùa xuân đến, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị công việc làm đồng. Công cụ lao động chính là rìu, cưa, xẻng. Trên các khoảnh đất rừng, chúng tôi phải đánh gốc cây, cuốc đất, gieo hạt và rào kín xung quanh. Lao động thật nặng nhọc cực khổ. Rồi lại còn bị ruồi, muỗi đông vô kể quấy nhiễu, hành hạ. Không có cách gì chống lại chúng được, kể cả màn quấn vào đầu vào cổ.

Vào vụ xuân, tất cả đều ra đồng, từ đứa trẻ mới biết đi đến ông già, bà già ốm yếu. Một cuộc đấu tranh sinh tồn trong những điều kiện quá sức người của những người di cư đã bắt đầu.

Có một điều thật hiển nhiên là: muốn gieo hạt, muốn trồng rau, nhưng tìm đâu ra hạt giống?

Thôi thì gom góp mọi thứ có trong nhà đem đi đổi chác để lấy lương thực, thực phẩm làm giống và sống qua ngày. Tất cả mọi người, luôn hy vọng vào vụ tới, hay có thể nói, sống bằng hy vọng... Thật khó có thể diễn đạt bằng lời, cảnh chúng tôi hy vọng, chờ đợi vào vụ thu hoạch đầu tiên ở chỗ mới đến như thế nào.

Tôi còn nhớ rõ, vào một ngày mùa thu, chúng tôi đi gặt. Lúa đại mạch đã chín. Do chưa quen gặt tôi đã cứa liềm phải ngón tay trái một vết sâu. Ở nông thôn mọi việc thật đơn giản: Lấy ít tàn thuốc lá cuốn rắc vào vết thương là xong. Cho đến giờ, trên ngón tay tôi vẫn còn vết sẹo nhắc tới những ngày khó khăn ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:32:38 am »


Chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu quen dần với nơi ở mới, kinh tế gia đình mới tạm ổn định một chút thì cảnh đau thương khủng khiếp đã đổ ập xuống gia đình chúng tôi: do làm việc quá sức cha tôi đã chết.

Người luôn làm gương cho chúng tôi noi theo. Hình như cho đến nay tôi vẫn còn nghe thấy giọng nói giễu cợt của người: "Không sợ bàn tay nhem nhuốc, không sợ - Trong bàn tay đen là đồng bạc trắng!". Phải như thế. Và người đã chờ đợi đồng bạc đó: tất cả vì chúng tôi, người đã ngã gục. Mẹ tôi phải gánh chịu nỗi đau quá sức nơi đất khách quê người.

Mùa đông năm ấy, mọi người đều nói rằng, đó là mùa đông khác thường và nhiều tuyết. Khi bố tôi hấp hối thì bão tuyết nổi mạnh, còn lúc người chết thì nó gầm rú càng dữ dội hơn. Không thể đi ra khỏi nhà được, mới ló mặt ra ngoài đã không chịu nổi. Thế là thi thể bố tôi được đặt vào phòng không sưởi ấm bên cạnh một tuần.

Ôi! Trước kia ở Curia, những ngày khi thời tiết như thế này chúng tôi mới hạnh phúc làm sao. Lò sưởi ấm rực, mẹ tôi ngồi chải len, các chị đan len, mấy anh em trai hí hoáy làm việc vặt gì đó, một người cầm cuốn sách đọc thơ, rồi bỗng nhiên bố tôi cất tiếng hát...

Tôi run lên vì rét khi đến gần cửa phòng lạnh, nơi bố tôi nằm, tôi lắng tai nghe thật lâu, thật lâu, và dường như tôi nghe thấy đâu đây văng vẳng tiếng người vang lên trầm trầm... Nhưng không, người không còn ca ngợi "Baican thiêng liêng", người không còn là kẻ lang thang chạy trên con đường mòn hẹp của thú rừng, không còn là chàng kỵ sĩ côdắc cưỡi ngựa vượt qua thảo nguyên - qua các miền xa xôi "vùng Kazắcxtan’’... Chỉ có cơn bão tuyết quái ác hoành hành quanh ngôi nhà cũ nát của chúng tôi, và bão giật từng cơn như muốn hất bỏ mái nhà bằng vỏ bạch dương xuống đất. Tôi đứng mãi bên cửa, thật lâu đến nỗi mẹ tôi phải đến và nói: Con làm gì thế? Nước mắt đông cứng lại rồi.

Khi bão tuyết ngưng, thì ngựa lại không thể đi nổi, tuyết cao ngập mũi ngựa. Đành phải để quan tài bố tôi lên bàn trượt tuyết kiểu rừng taiga để kéo. Khi ra nghĩa địa, anh em chúng tôi bị tụt ngập đầu và khóc trong cái hố tuyết, mãi sau mới kéo nhau lên được và lại đi tiếp.

Nhà tôi trống vắng như nhà không chủ, thật khó tưởng tượng được chúng tôi sẽ sống ra sao khi mất bố. Người biết làm mọi việc, còn chúng tôi mới học được ở người không đáng bao nhiêu. Mọi việc đều hy vọng vào các anh lớn, còn tôi vẫn được đi học.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:33:12 am »


Ở làng tôi chỉ được học đến lớp bốn. Học tiếp phải đi xa mười lăm kilômét ở làng khác, về mùa đông, khi thời tiết tốt, một tuần một lần vượt quãng đường này thì rất thoải mái. Còn về mùa xuân và mùa thu, khi những đống tuyết dày tan hết hoặc chưa đóng băng cứng kịp, thì đi lại cực kỳ khổ sở. Suốt quãng đường đi phải dùng các cây gỗ để lót đường mới đi được. Không chỉ mỏi chân mà còn mỏi mắt. Phải chú ý nhìn từng bước đi để khỏi tụt xuống đầm lầy. Suốt đường đi phải cầm cành cây để xua đuổi ruồi muỗi vùng đầm lầy. Có những chỗ chúng bu đen lại thành một đống trên cây gỗ, có chỗ chúng lại bay lượn thành cả một vùng dày đặc thật khó mà qua được. Và nếu chạy thì cứ phải xua liên tục và lấy tay đập vào mặt để đuổi và giết chúng rồi lại phải vung tay để lấy thăng bằng, lúc một tay, lúc cả hai tay. Được học ở trường phổ thông Vôrônhikhin thật thích thú. Nhà trường có một tập thể giáo viên giỏi, họ cũng là những người di cư như chúng tôi. Và các thầy cô giáo muốn truyền lại cho chúng tôi tất cả những gì mà họ có thể. Hiện giờ, nhiều học sinh đã mất, huống hồ nói gì đến các thầy cô, nhưng tôi vẫn muốn, dù cho là muộn, cúi rạp đầu sát đất kính cẩn gửi đến các thầy cô lời cảm ơn muộn mằn của một trong những học sinh giỏi nhất nhưng cũng nghịch ngợm nhất của trường.

Tôi vẫn hình dung rõ nét ngày ấy các thầy cô đã phải làm việc vất vả như thế nào: Tất cả học sinh đều ở phân tán ở các làng khác nhau, nếu muốn liên lạc với bố mẹ cũng đành chịu; rồi sách giáo khoa, vở viết giấy, bút đều không đủ. Chúng tôi lấy vỏ bạch dương làm giấy, vở. Ngày nay các nhà bác học ở thành phố Nốpgôrơt cổ vẫn giải mã chữ viết trên vỏ cây bạch dương, nhưng chính giấy vỏ bạch dương của trường Vôrônhikhin chúng tôi cũng sẽ kể ra được nhiều điều. Nó thấm đượm mồ hôi, thấm các vết máu những con muỗi bị đập chết! Dần dần chúng tôi có cả sách giáo khoa trên vỏ cây: Tôi còn nhớ, theo yêu cầu của cô giáo, chính tôi đã khắc bảng cửu chương cho lớp một. Câu thành ngữ Nga thật chí lý: "Cái khó không bó cái khôn". Nhưng tại vì sao mà cái nghèo, cái khó cứ bó mãi ta không dứt thế?

Những năm tiếp theo lại trôi qua, và mẹ chúng tôi quyết định gắn cuộc đời mình với người hàng xóm. Ông ta có ba con: hai gái, một trai. Ông là người Ucraina chăm chỉ, hay làm đã thuyết phục được mẹ chúng tôi gắn bó cuộc đời với ông...

Sự xuất hiện của ông trong nhà chúng tôi đã làm cho tôi cáu kỉnh, giận dữ. Nhưng với tính kiên trì, chịu đựng vô hạn và lòng tốt bụng, cuối cùng ông đã chinh phục được tất cả chúng tôi. Lúc thì chúng tôi chưng nhựa từ gỗ trong rừng, lúc thì đốn gỗ, làm nhà mới, lúc thì xẻ ván lát trần và nền nhà, công việc nhà nông thiếu gì. Và tất cả mọi việc này đều được làm dưới sự chỉ bảo vui vẻ, thân thiện của người bố dượng không biết mệt của chúng tôi. Ông gọi tôi là Misa lớn, còn con trai ông ít hơn tôi ba tuổi thì ông gọi là Misa bé. Các công việc nặng nhọc, ông cũng chia đều như nhau không giảm bớt cho Misa bé. Chính vì thế mà gia đình mới của chúng tôi luôn đoàn kết lại thành một khối. Nhưng vẫn có những giây phút cay đắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:33:56 am »


Thông thường nếu tất cả mọi người ở nhà chúng tôi vẫn ăn trưa cùng nhau, thế là xuất phát chính từ đây, tôi bắt đầu bị dày vò dằn vặt: tôi phát hiện ra mẹ tôi đã tìm mọi cách cho tôi ăn thêm một cách thật khôn khéo!... Lúc thì cứ làm như vô tình mẹ đặt lại cái chảo, cố ý quay phía có miếng thịt to hơn, béo hơn về phía tôi. Lúc thì cứ quấy cháo thật lâu và kỹ nhằm cho cục bơ cuối cùng tan đúng vào phía đối diện với tôi. Tất cả những việc làm ấy của mẹ, làm tôi bị mất thăng bằng, tôi không ăn tiếp, đứng dậy nói rằng tôi đã no. Những lúc như thế, mẹ tôi rất lo, nhưng mẹ không bao giờ nói gì về việc này cả.

Tôi bắt đầu ấp ủ ý tưởng trở về quê với các chị gái. Tôi cho rằng ở đó tôi sẽ sống yên ả hơn.

Cả mẹ tôi và cả bố dượng đều không tán thành, tìm mọi cách có thể để ngăn cản kế hoạch đó của tôi, nhưng cuối cùng thì họ cũng hiểu rằng, không thể ngăn tôi được, và chuẩn bị mọi thứ cần thiết trên đường đi và cùng các thứ mà khi ở nhà các chị đã cho tôi. Chuẩn bị thức ăn cho cả chuyến đường dài. Bố dượng đặt vào túi tôi tờ giấy ghi các điểm dân cư mà tôi sẽ đi qua. Để có được mảnh giấy đó ông đã phải mất nhiều thời gian hỏi thăm những người đồng hương và cả những người Nga vốn thông thạo đường đi trong vùng và các con đường đi xa nữa.

Thế là, vào giữ mùa hè nóng nực, tôi tạm biệt người thân để tiến bước vào con đường xa xôi. Với trái tim đập rộn ràng, từ rừng taiga khắc nghiệt đến thảo nguyên mênh mông, từ cánh đồng đang cắt cỏ này đến cánh đồng cỏ kia, tôi chạy, tôi đi, tôi bay về phía Antai yêu dấu.

Lúc đầu tôi đã gặp may!

Trên đường đi, khi gặp tụi con trai cùng lứa hơn kém tuổi không đáng kể, chúng tôi trò chuyện thân mật với nhau, ai nhớ và thuộc bài thơ nào yêu thích thì đọc cho nhau nghe, thế là đã kết thành bạn và buổi tối lại tập trung ở nhà ai đó để cùng nhau tiếp tục "sinh hoạt văn thơ". Giống như các buổi tối, chúng tôi gặp nhau trò chuyện ở Curia đã lâu rồi! Và cũng như tôi đang ở nhà mình: mọi người cho tôi ăn, sắp xếp cho tôi ngủ lại... Sao lại có sự tin cậy đến thế nhỉ? Giờ đây, liệu lòng tin đó có còn ở chúng ta hay không? Hay là đã bị mai một, xói mòn bởi những trò lừa đảo, lợi dụng lòng tin để cuỗm sạch sành sanh những gì ta có.

Còn lúc bấy giờ, khi tôi gặp cậu bé cùng trạc tôi ở rìa làng, tôi chào hỏi lịch thiệp và lập tức đọc luôn:

- Pête đi chăn cừu
Sống trên đời cực khổ...


"Tớ không phải Pête, - Cậu bé người địa phương cười mỉm - mà là Paska!"

- Ừ thì Paska! - tôi nói.

- Paska chăn cừu.
Sống trên đời cực khổ
Đàn cừu non vỡ tổ
Chạy tán loạn khắp rừng!


- Sao cậu biết? - Cậu bé địa phương ngạc nhiên một cách chân thành.

- Tớ biết hết! - Tôi nói mạnh dạn - Tớ là người như thế mà.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:34:55 am »


Một lần tôi được nghỉ lại ở một gia đình người Ucraina. Cả nhà nghe tôi nói chuyện, đọc thơ rất lâu, tỏ rõ lòng thương đối với tôi. Bà chủ nhà bảo tôi: "Này cháu, cháu hãy học thơ Ucraina đi, thơ của Micôla về nhà trường ấy. Nhưng thằng Ivancô nhà bác nó lại không thích, rõ thật uổng phí!".

Những câu thơ không bao giờ mất đi uổng phí - tôi còn nhớ chúng mãi đến bây giờ. Có biết bao lần sau đó, trong các hoàn cảnh khác nhau, tôi lại có dịp "kể lại" những vần thơ Ucraina! Hôm ấy, trong căn nhà người Ucraina bị đầy biệt xứ tốt bụng, tôi đã học thuộc chúng, và lần đầu khi đọc thuộc lòng, trong tôi hình như hoàn toàn biến mất những gì tăm tối, hoang sơ nhất, và bỗng bừng lên niềm hân hoan ấm áp. Nếu như còn gặp lại, tôi nghĩ, thế nào tôi cũng sẽ đọc bài thơ này cho mọi người thân thích, ruột thịt và nhất là cho cả mẹ và bố dượng tôi cùng nghe.

Sau đó tôi đã gặp tai hoạ.

Sang ngày thứ năm hay thứ sáu gì đó, tôi đi cùng đường với một người đàn ông trung tuổi, vai đeo túi, tay cầm một cái gậy to. Suốt ngày cho đến tận chiều tối, ông kể cho tôi nghe đủ các chuyện nổi tiếng trên đời, dần dà tôi tin ông ta. Có lẽ tôi đã vô thức đặt niềm tin chân thành vào ông ta như là tôi đối xử chân thành với mọi người tôi gặp.

Sẩm tối ngày thứ bảy, chúng tôi đến gần một làng. Tôi đề nghị vào nhà xin ngủ nhờ theo phương cách mà tôi đã làm trước đó. Ông ta phản đối quyết liệt giải thích rằng họ sẽ bắt và giải về đồn công an, sau đó chắc chắn sẽ bị giải về nơi xuất phát, rồi ông càng làm cho tôi thêm lo ngại và sợ hãi. Khi ông bảo, trước khi trời tối còn gì trong túi thì ăn nốt, tôi bèn sốt sắng đồng ý ngay: Chả hiểu sao, lúc ấy tôi lại rất muốn ăn.

Sau đó, ông bảo tôi tốt nhất hãy cứ ẩn náu đâu đấy đã để ông tự vào làng trinh sát. Tôi đợi mãi và lo lắng mong ông trở về. Cuối cùng, mãi mới nghe thấy tiếng chân bước thận trọng của ông trở về. Ông thông báo cho tôi biết, đã tìm được một chỗ an toàn lý tưởng. Tôi đi theo ông một cách tin vậy và... thật đáng sợ! Chúng tôi đứng cạnh một nhà tắm nhỏ ở mãi góc vườn sau của một nhà. "Sợ gì? - Ông ta bắt đầu thuyết phục tôi - Hơi ấm vẫn còn đây này, chủ nhà là người chu đáo, nền cọ sạch sẽ lắm". Không hiểu sao tôi không thích ngủ xa người và lại không hỏi qua chủ nhà, nhưng ông ta hích tôi tiến đến cửa nhà tắm: Này nhìn mà xem!

Quả thật, trong nhà tắm rất sạch sẽ, mùi lá bạch dương bốc lên thơm phức, nhưng tôi cứ thấy sờ sợ và nghi ngại. Nói vậy thôi, chứ biết làm gì bây giờ? Cứ ngủ đã. Tôi sửa lại túi đồ đạc cho phẳng phiu để làm gối đầu, có biết đâu sau đó tôi đã vĩnh viễn phải chia tay với nó.

Sáng sớm tôi ngồi bên cạnh cái nhà tắm rủi ro, và suy nghĩ mông lung: Tôi biết làm gì tiếp đây?

Chủ nhà thấy tôi khóc sướt mướt liền hỏi: Sao lại ở đây? Làm sao mà khóc?... Nghe tôi kể xong, chủ nhà đưa tôi vào nhà, ông bà tỏ ra xót thương tôi hồi lâu: Sao cháu lại tin người qua đường như thế được? ... Bà chủ nhà bảo tôi ngồi xuống bàn ăn, múc cho một đĩa súp cải bắp to, lạnh và đưa cho tôi miếng thịt. Tôi cảm ơn chủ nhà và ăn hết ngon lành, rồi uống một cốc sữa tươi cuối cùng. Chủ nhà ngồi cạnh nhìn tôi ăn uống vẻ xót xa. Sau đó ông bà chủ nhà tốt bụng và thương người cung cấp cho tôi thức ăn đi đường và rân rấn nước mắt khuyên tôi: Vì Chúa Trời mà cẩn thận nhé, Misa!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:35:53 am »


Chẳng được bao lâu, thức ăn đã hết, mà đường đi thì xa lắc xa lơ. Tôi ngày càng bị đói dữ. Nhưng biết làm gì? Hay là ăn trộm? Tôi đâu biết ăn trộm mà tôi cũng không thể làm được việc này. Bỗng tôi nhớ lại cảnh những người nghèo khó đứng dưới cửa sổ nhà tôi, khi còn ở Curia xin bố thí. Mẹ tôi dặn chúng tôi rằng khi cho người ăn xin thì quay mặt vào tượng Chúa.

Còn đối với tôi phải nói thế nào cho người ta thương xót chứ? Và làm sao cho họ đừng coi khinh tôi?

Không, tôi thà chết đói chứ không thể nói được những câu này!

Lúc đó tôi có cảm giác hình như tất cả các làng mạc mà tôi đi qua hầu hết là nghèo, còn con người trong đó đều ác độc.

Nhiều lần, tôi thử chọn một nhà nào đó giầu hơn nhà khác, đến gần, định gõ cửa, giơ tay lên không nổi, cánh tay như cứng lại. Bởi vì gõ cửa đã đành, chứ sau đó phải nói những câu nặng nề không chịu nổi, thì làm sao mà tôi thốt nên lời được. Và tôi lại rời chân khỏi ngôi nhà xa lạ.

Cứ thế mất đúng hai ngày. Đôi chân tôi đã khuỵu xuống vì đói, trong đầu chỉ có duy nhất một ý nghĩ: phải kiếm cái gì để ăn, nhưng khi đến gần một nhà nào đó thì hình như lại bị chính mình đẩy ra xa. Tôi lại thầm nhủ: Không, tôi không thể nói lời van xin được!... Nhưng lúc đó cái đói lại khẩn thiết yêu cầu: Hãy quên lương tâm đi. Thế nào là "cái tôi của riêng mình", về điều này các thầy giáo bị đày ở Vôrônhikhin đã nói cho anh nghe nhiều rồi còn gì? Hãy quên nó đi. Cóc cần đến nó.

Tôi không biết sự thể sẽ như thế nào, nếu tôi không gặp được một bà có tuổi, nét mặt phúc hậu. Biết được cảnh khổ sở của tôi, bà ôm chầm lấy tôi mà nói: "Con ơi, đi ăn trộm mới nhục và xấu hổ, chứ đi xin khi sa cơ lỡ bước thì không phải xấu hổ. Hay là chưa có ai nói với con điều này bao giờ: Lòng nhân từ của chúa Trời là bao la, sẽ có cả phần dành cho con, Tổ quốc ta không chỉ sống nhờ vào ơn Trời mà còn nhờ vào lòng nhân từ, bác ái của cả con người nữa. Con không phải là kẻ hành khất, mà là một cậu bé thông minh, nền nếp, không phải lòng tự hào nhắc nhủ con, mà chính là thói kiêu căng đã kìm giữ con. Hãy vượt qua thói kiêu căng đó!".

Bà nói xong, đi khỏi.

Sau này, nhiều lần tôi trở lại với ý nghĩ: Sao chính bà lại không muốn cho ta một mẩu bánh mì? Đôi lúc tôi lại nghĩ: Biết đâu bà cũng chẳng có gì cả, hay có thể bà ta từ nơi khác đến, không phải người làng này? Chắc đúng là không phải người vùng này! Có thể...

Những phỏng đoán ngày ấy, đến nay cũng vẫn chỉ là phỏng đoán. Nét mặt phúc hậu như thế, cái nhìn trìu mến như thế, và giọng nói thấm thía đến thế. Bà đã cho tôi cái quý giá hơn bánh mì nhiều, cho tôi sự hiểu biết mà trước đó tôi không có và bấy giờ tôi đã áp dụng ngay. Chính nhờ điều đó đã cứu sống tôi.

Thực ra, mãi về sau này tôi mới tư duy được như thế, và không hiểu sao cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thường nghĩ thế, còn lúc bấy giờ thì tôi ở trong trạng thái tinh thần hoàn toàn khác. Tôi không còn nhớ, tôi nói thế nào khi lần đầu, lần thứ hai đứng dưới cửa sổ nhà người ta để xin ăn. Tôi không nhớ người ta có nhìn tôi không. Thế nhưng điều này thì hằn sâu trong ký ức tôi: trước khi nuốt miếng bánh mì, tôi đã nuốt nước mắt, và hình như nước mắt còn cứng hơn cả bánh mì.

Thú thật lúc đầu tôi định không nhắc đến điều này trong những trang viết của mình, nhưng nếu im lặng thì hoá ra không chân thành và thiếu công bằng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:36:22 am »


Thế là tôi đến được ga Taiga và từ đây tôi có thể đi "lậu" trên tầu hàng đến Pôxpelik. Và từ Pôxpelik đến Curia đi bộ mất 65 km.

Ngày hôm ấy trời nóng, tôi tháo bỏ giầy, đi chân không vượt một chặng đường xa. Chẳng bao lâu cơn khát hoành hành tôi dữ dội, tôi cứ thấy một ảo ảnh xuất hiện suốt trên đoạn đường phía trước: Kia rồi, nước - nước kia rồi! Nhưng làm gì có nước.

Đến khuya thì tôi về được đến nhà chị Nhura, còn cách Curia không xa mấy. Khi thấy tôi, chị không tin vào mắt mình nữa. Cứ nhắc đi nhắc lại mãi một câu "Có phải em Misa đây không?... Có phải em không?!". Rồi chị rên rỉ, than vãn: Làm sao mà em có thể vượt qua được chặng đường dài, gian nan vất vả, và nguy hiểm như thế được. Mẹ, anh em ra sao, ông bố dượng thế nào? Tôi bắt đầu kể hết mọi chuyện, còn chị thì lại đặt ra bao nhiêu là câu hỏi mới, không biết lấy đâu ra mà lắm thế!... Thế còn chuyện ngủ trong nhà tắm và tôi bị đói như thế nào, tôi không kể ngay mà mãi tận mấy hôm sau khi chị đã nguôi nguôi tôi mới kể.

Sau khi nghỉ ngơi được hai tuần, tôi nghĩ đã đến phải làm việc gì đó. Tôi quyết định xin đi đốn gỗ cùng với mấy ông nông dân trong làng. Họ đồng ý cho tôi đi nhưng họ nói trước là công việc rất nặng nhọc. Tôi sẵn sàng chịu đựng tất cả, miễn là không ăn bám gia đình vốn đã nghèo của chị.

Việc đốn gỗ trong rừng thật quá sức với tuổi tôi. Tôi được giao việc đốn cành. Quần áo rách rất nhanh. Giầy lại bị hỏng, không đi được. Thấy không thể làm tiếp được, tôi xin thanh toán tiền công. Họ trả tôi hai mươi nhăm rúp, tiện xe đi qua tôi về làng luôn.

Chị Gasa định giữ tôi ở nhà chị nhưng cảm thấy chồng chị không thân thiện gì với "thằng con culắc", nên tôi lại quay về nhà chị Nhura. Và. một lần nữa tôi lại cảm thấy mình như là người thừa trong cái gia đình nghèo khổ của chị Nhura.

Tôi quyết định, khi mùa hè còn chưa kết thúc, phải quay lại Xibêri: ở đó tôi có bao nhiêu là bạn bè và người thân, vả lại tôi còn phải tiếp tục đi học nữa.

Chị Nhura thuyết phục mãi tôi bỏ ý định này, nhưng tôi một mực không nghe. Và quyết định trở về Curia lần cuối để nhìn lại mảnh đất nơi chúng tôi đã ở ngày xưa.

Nhà cửa, rào giậu chẳng còn một tí dấu vết nào. Tôi đi vòng quanh, tưởng tượng ra vị trí của các công trình xưa cũ. Những người láng giềng ngạc nhiên thấy tôi ngẩn ngơ, quanh quẩn ở khu đất cũ nhà tôi, sau này họ có nói với chị Gasa rằng: “Thằng Misa nhà chị tìm gì mãi ở chỗ cũ, hình như là tìm vàng". Chị tôi trả lời rằng, khi bố mẹ tôi ra đi, chị đã xách xô đến định lấy một xô khoai tây dưới hầm chứa, nhưng người ta đã cuỗm sạch hết, phá tan tành cả hầm chứa. Đấy, vàng cho các người đấy, chứ vàng ở đâu. Lúc ra đi chúng tôi không hề nghĩ sự việc lại như thế.

Khi tôi đứng trên đống hoang tàn của ngôi nhà xưa, tôi không nghĩ đến vàng mà nhớ lại những câu thơ của Xecgêi Exênhin, những câu thơ viết trên vỏ bạch dương, được truyền tay nhau ở trường Vôrônhikhin "Ở đây tôi chẳng quen ai. Những người xưa cũ từ lâu đã quên rồi. Ngôi nhà cha mẹ còn đâu. Tàn tro bụi phủ một màu tang thương".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:37:09 am »


Thế là tôi lại lên đường. Đến ga đường sắt Pôxpelik tôi đi nhờ xe ôtô qua đường, và đi tiếp một cách dễ dàng đến ga Taiga. Còn đoạn đường đi bộ mới cực kỳ vất vả. Trên đường phải vượt qua bao nhiêu là con suối to nhỏ, đang khát, tôi thả sức uống cho đã. Sang ngày thứ hai thì bị đau bụng quằn quại, không thể đi tiếp. Tôi cố lê bước đến gần được một ngôi nhà có người thì ngã vật xuống bờ đất cạnh nhà và thiếp đi. Tôi ngủ bao lâu, không biết, lúc mở mắt ra thấy xung quanh có các bà phụ nữ lớn tuổi đang tíu tít cạnh tôi: họ không hiểu tôi ở đâu ra, sao lại nằm đây. Hỏi han tôi vài câu, họ đã biết hết sự thể và mang lại cho tôi bát nước thuốc gì đấy bảo uống. Ôi, khủng khiếp, thuốc gì không biết mà khó nuốt thế! Đến tận bây giờ, qua bao nhiêu năm tôi vẫn thấy ghê trong mồm. Nhưng đến tối, tôi vẫn phải uống thứ nước đó, rồi được ăn cháo và uống một bát nước chè. Tối đến, chủ nhà tốt bụng cho ngủ theo “kiểu địa chủ” trong kho cỏ khô. Sáng sớm bà cụ chủ nhà lại mang đến cho bát nước thuốc, cháo và nước chè. Nước chè được pha bằng các loại cỏ gì đấy, uống thật dễ chịu. Ăn uống xong tôi cảm ơn các cụ già tốt bụng và lại lên đường như đã định. Tôi cứ tiếc mãi sao mình không còn nhớ tên làng và tên những người dân tốt bụng ấy.

Lần này tôi đi thấy vất vả hơn lần trước nhiều, có cảm giác là cơ thể đã hoàn toàn bị suy yếu.

Đến làng Rêu Dưới thì trời còn sáng, tôi không dám đi qua làng vì ở đó ai cũng biết tôi. Đành ngồi lại, đốt lửa, chờ tối. Muỗi từng đàn xông đến nhâu nhâu. Lấy cành cây đập, xua chúng vào khói vẫn thế. Cuối cùng trời tối hẳn, tôi mới lại bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà gỗ của chúng tôi, mà từng vết rạn trên tấm ván sàn hay trên thân cây gỗ tường từ lâu đã từng quen thuộc.

Mẹ tôi cho tôi ăn, nhưng bà chẳng ngơi lấy một phút, hết hỏi về Nhura, Gasa, lại đến Vichtor nghèo túng. Cuối cùng tôi leo lên trên nhà nơi ngủ vào mùa hè có căng màn chống muỗi sẵn. Các bạn cùng lứa anh em trai xúm quanh tôi, chúng tôi trò chuyện đến quá nửa đêm.

Thế là chuyến đi đầu tiên của tôi, chuyến đi đầy gian nan vất vả, chuyến đi không còn ấu trĩ nữa đã kết thúc... Bao nhiêu cây số tôi đã đi qua nhằm mục đích gì? Tôi nghĩ câu trả lời đang ở phía trước.

Tôi tiếp tục đi học ở trường Vôrônhikhin. Tôi bắt đầu nghĩ lại rằng, chuyến đi đầu tiên về quê hương của tôi không được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện hơi sớm. Đáng lẽ phải đợi đến khi đủ tuổi cấp chứng minh thư theo như quy định của luật pháp. Nhưng trong tôi lập tức xuất hiện câu hỏi: "Ai sẽ cấp chứng minh thư cho mình?"

Làm thế nào để có chứng minh thư, đó là câu hỏi thường xuyên tôi nghĩ đến và lo lắng. Và rồi ý tưởng trở về quê lần nữa lại xuất hiện chín muồi trong tôi: Lần này về mang theo giấy chứng nhận xác định quyền được cấp chứng minh thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:37:49 am »


Nhưng làm thế nào để có giấy chứng nhận đó? Vì giấy đó có mẫu sẵn và không phải do Xô Viết xã mà do ủy ban khu ký... Vậy lấy chúng ở đâu? Đó là ý tưởng không thể thực hiện được, nhưng nó vẫn đeo bám vào cái đầu nhỏ bé, khôn khó của tôi. Thường thường bắt đầu việc gì tôi hay đem ra thảo luận với bạn bè. Nhưng việc này, thì lạy Chúa, tôi đâu dám nói với ai. Chỉ một mình, mình biết. Tôi như sống biệt lập. Tâm trạng lo lắng của tôi, mẹ tôi biết, liền tra hỏi xem có việc gì xảy ra với tôi? Người gặng hỏi, nhưng tôi chỉ trả lời gióng một: Đến tuổi nó phải thế! Mẹ tôi bắt đầu giụi mắt: Tuổi tác gì, hở ông ranh con!

Tôi tìm cách nói đùa với mẹ tôi: "Thế, có lẽ mẹ coi con là trẻ con đến già chắc?"

Nhưng tôi không thể đánh lừa trái tim người mẹ được.

Tôi ngày càng xa lánh mọi người.

Mẹ tôi biết tôi là đứa khéo tay. Những vật dụng trong nhà do tôi tự làm như bát đĩa rất khó kiếm, có tiền cũng không mua được, mẹ tôi cứ khen tấm tắc mà quả thật trông rất đẹp. Dùng làm quà tặng bạn bè hay hàng xóm láng giềng đều được cả, ai cũng thích. Nhưng lần này thì mẹ tôi thấy trong túi áo tôi có loại vật liệu hoàn toàn lạ mắt, không phải đá và cũng không phải gỗ, chả hiểu là cái gì?

Đây chính là bí mật của tôi.

Trong nhiều tháng liền tôi lặng lẽ thu thập các bì thư từ khắp nơi gửi về làng Rêu Dưới chúng tôi và tôi tìm cách thử tái tạo lại các con dấu in trên bì thư. Trên trần nhà tôi từ lâu đã có một xưởng thực sự, trên đó tôi bố trí các chỗ giấu dụng cụ, vật liệu, đồ đạc, nơi nào ra nơi ấy, mà để nhớ được hết thì là cả một vấn đề. Và không một ai có thể biết được những thử nghiệm bạo gan tôi làm trên đó. Tôi làm thử hàng trăm lần! Tất cả các lần đó chưa cho kết quả tôi mong muốn. Thất bại không ngăn tôi được, mà chỉ thôi thúc tôi, giục tôi hãy thử lần nữa, lần nữa. Cứ thế, chậm chạp từng bước một tôi tiến dần đến mục đích đề ra. Thế rồi trên một loại vật liệu, tôi đã đạt được hình con dấu gần giống nguyên bản. Điều đó tạo cho tôi niềm tin, vì tôi đang đi đúng hướng.

Từ ngày hôm ấy, tôi lại càng hồ hởi tiếp tục công việc một cách kiên trì hơn. Đây là một việc làm thực sự nghiêm túc, chứ không phải là trò chơi tiêu khiển.

Đến lúc con dấu đã hoàn toàn giống nguyên bản thì phải lo việc khác. Để đưa công việc đến đích phải có người tin cậy. Anh Gavơri Bônđarencô, hơn tôi hai tuổi, người quen thân của tôi, làm kế toán nông trường. Anh vẫn thường mời tôi đến văn phòng để giúp việc cho anh mỗi khi cần, tôi sẵn lòng giúp anh. Nhưng lần này thì tôi tự đến và nhờ anh xin cho tờ giấy mẫu in sẵn có dấu của ủy ban khu. Lúc đầu anh tỏ ra ngạc nhiên, nhưng sau vẫn bảo: "Được, để anh thử hỏi xem". Rồi một hôm, anh mang đến cho tôi tờ giấy giữ rất cẩn thận và báo trước: Phải trả lại ngay đấy! Tôi trả lời: Ừ, thì tất nhiên là trả lại rồi, nhưng xin anh cho vài tờ giấy trắng. Thế là anh cho ngay tôi giấy.

Giấu kín giấy tờ dưới áo, tôi quay trở lại xưởng kín của mình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM