Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:35:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45186 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:19:07 am »


Trong gia đình chúng tôi có một quy ước: Nếu ai đi xa, trước khi ra khỏi nhà, nhất thiết phải ngồi lại một chút trước lúc lên đường. Hai ngày liền chúng tôi làm như thế, đến ngày thứ ba, Natasa đi ra mở cửa ngay, cùng Igor bước nhanh xuống dưới. Natasa vai đeo túi, Igor cũng mang theo cái gì đó.

Trước kia tôi không bao giờ bước qua ngưỡng cửa trước lúc người đi xa bước qua. Lần này cửa đã mở sẵn, tôi đứng đó nhìn theo sau hai dì cháu đang vội vàng chạy đi. Bỗng nhiên, không hiểu sao một ý nghĩ gàn dở thoảng qua trong đầu tôi: Đây là lần cuối cùng mình nhìn thấy con?

Hôm ấy là ngày chủ nhật, tôi xuống nhà bếp nhìn qua cửa sổ ra ngoài; kìa, hai dì cháu đang vào tắcxi, xe chuyển bánh. Và trong đầu tôi lại xuất hiện ý nghĩ ban nãy: Phải chăng đây là lần cuối nhìn thấy con?

Tôi đến phòng làm việc, lật đi lật lại giấy tờ một cách vẩn vơ, vô nghĩa, ngóng chờ tiếng chuông điện thoại. Vì Natasa đã hứa khi chuyến bay được thông báo chính thức thì cháu sẽ cho Igor lên tắcxi, và sẻ gọi điện thoại về ngay.

Tiếng chuông điện thoại réo gắt phá tan sự tĩnh lặng trong phòng. Tôi cầm ống nghe và nghe thấy giọng Natasa: "Bố ơi, thời tiết xấu, vẫn không bay được, con sẽ trả vé, ngày mai con đi tầu hoả" "ừ, cũng được, thì đi tầu hoả".

Trên đường về nhà, Natasa ngồi ghế trên bên cạnh người lái xe tắcxi, Igor cùng đồ đạc ngồi ở ghế sau. Lái xe là bạn học cũ và cùng tuổi với Natasa. Khi xe đi ra đường chính từ Davialốp thì lái xe cua gấp sang phải, xe không ăn tay lái bay thẳng vào dải phân cách phía trước văng ra đâm ngang vào chiếc xe tải hạng nặng. Đúng vào chỗ Natasa ngồi... Cú va mạnh, bắn chiếc xe ra mép đường. Người lái xe theo quán tính chân vẫn đạp ga, tiếng động cơ rú ầm ĩ. Người trong xe bị choáng còn xung quanh thì tíu tít lo lắng. Tiếp theo sau là chiếc xe chở người đi dự cưới về. Khách trên xe nhẩy xuống đường tìm cách mở cửa tắcxi bị kẹt. Thêm người tiếp sức từ các xe khác, mở được cửa, đưa Natasa ra ngoài, gửi xe đi qua đưa ngay vào thành phố. Chiếc mũ trên đầu Natasa rơi ra, được nhặt lên và úp sụp sâu vào trán.

Igor và đồ đạc được đưa vào xe tắcxi đi sau. Sau này Igor kể lại: Hai dì cháu và có một đôi nam nữ trẻ đến điểm đỗ tắcxi cùng một lúc, hai bên lịch sự nhường nhau chọn xe mất hàng phút. Thế mà bây giờ chỉ có mình cháu về, không thấy dì Natasa đâu.

Tiếng chuông điện trong nhà vang lên. Tôi ra mở cửa và chỉ thấy mình Igor cùng đồ đạc. Tôi vội vàng hỏi: Thế còn Natasa đâu? ... Cháu hoảng quá chỉ nói lí nhí: "Chúng cháu bị tai nạn. Có lẽ người ta chở dì Natasa đi viện".

Bắt đầu những phút chờ đợi sốt ruột, sốt gan: Kia kìa, con sắp về rồi, phải thế chứ sao khác được?

Lúc thì tôi chạy xuống nhà bếp nhìn qua cửa sổ ra ngoài đường, rồi lại chạy vội ra cửa, khép hờ để con có về thì khỏi phải bấm chuông chờ. Natasa sẽ về bây giờ mà!

Nhưng chẳng thấy bóng dáng con đâu... Tôi bắt đầu gọi điện dò hỏi các bệnh viện. Người ta giải thích rằng, hôm nay là ngày nghỉ chỉ có bệnh viện "Igrơmas" trực. Đây là bệnh viện của nhà máy chúng tôi, nó ở ngay cạnh đường đi sân bay... Thế nhưng gọi hai lần đến hỏi đều được trả lời là cháu không có ở đấy.

Tôi gọi điện cho Vichia, con trai và các bạn bè hỏi xem phải làm gì bây giờ? Ai đó khuyên tôi: Gọi điện ngay hỏi công an!

Tôi quay 02 và được nghe câu trả lời: "Con gái ông trong nhà xác bệnh viện ZZMAS". Đầu tôi tưởng như vỡ tung ra, bàn tay như chết trên đĩa điện thoại. Igor tự gọi điện cho Vichtor sau đó cho người bạn cũ của tôi, tướng Nheverốp Nhicôlai Ivanôvích, ông ơi, hãy đến nhà cháu.

Ba chúng tôi phóng đến bệnh viện, suốt thời gian trên đường tôi nghe tiếng họ nói cứ như tận đâu vẳng lại: "Cứ bình tĩnh... đây là một sự nhầm lẫn... chính anh cũng biết là nhầm lẫn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:20:10 am »


Đến bệnh viện, người ta dẫn chúng tôi đi lòng vòng, rồi tới nhà xác, trong đó có những xác chết không còn nhận dạng được nữa. Tất cả trong tôi như cưỡng lại, như muốn kêu to lên: Chúng ta đến đâu thế này? Đến để làm gì!... Và tôi đã nhìn thấy Natasa ở đây... Sao họ lại mang con đến đây? Sao họ lại để con một mình ở đây - giữa các xác chết?!

Tôi chạy lại ôm chầm lấy Natasa và lặp đi lặp lại mãi một câu: "Natasa con ơi con vẫn sống sao con lại ở đây?... Giờ chúng ta sẽ đi khỏi đây, con ơi...?". Tiếng con trai và người bạn không lọt được vào tai tôi. Chỉ loáng thoáng, đứt đoạn như từ rất xa vọng tới rời rạc: anh... bình tâm... Natasa không còn... làm nào được... anh nghe thấy không? Không còn nữa...

Sao lại không còn?

Gì thế nhỉ, phải chăng tất cả chúng tôi: Natasa tội nghiệp, tôi, Vichtor và Nhicôlai, các bác sĩ, y tá, tất cả thành phố, mọi vật xung quanh đang ở trong cơn ác mộng chăng?

Khi Natasa nằm ở nhà, xung quanh là những bó hoa, người y tá già nức nở: "Bác quý con lắm... Bác nhớ con lắm, con ơi!... Lúc nào gặp bác, con cũng chào hỏi - con rực sáng như mặt trời sưởi ấm... thế mà giờ đây bóng đen lại mang mất con thế này!

Người qua đường đã chở cháu vào thành phố, đến bệnh viện, tìm bác sĩ trực. Người y tá già, người quen cũ của chúng tôi chạy ra kiểm tra.

Đến cạnh xe, người y tá vành mắt Natasa và trút một hơi thở theo thói quen: "Chúng tôi không thể giúp gì được nữa. Cậu bé đã chết. Giờ phải chờ người dự thẩm". Những người đưa cháu nói với người y tá: "Sao lại thế? Suốt đường đi tôi vẫn còn nghe cháu rên mà, vì thế mới phải vội vội vàng vàng đánh xe đi mà". "Có thể rên - Người y tá nói - Nhưng bâv giờ thì nó hết khổ rồi".

Natasa dáng vóc nhỏ bé, hôm ấy lại mặc quần và áo săng đay, đội mũ lông đàn ông hai lớp, chân đi ủng...

Khi cháu sinh ra tôi đã gọi đùa là Vaxenca con trai của bố, và giờ đây cháu ra đi là "một cậu bé không còn nhận ra".

Chúng tôi chôn cất Natasa bên cạnh mẹ cháu. Bên tấm bia kỷ niệm trên mộ cháu luôn có hoa tươi... Khi còn sống cháu đã dành tình cảm ấm áp cho tất cả mọi người. Tình cảm đó, thật quý giá vô cùng, nhất là đối với tôi, người suốt cả cuộc đời theo đuổi một mục đích, tuân thủ một ý chí, bỏ ra bao sức lực trong phòng thiết kế, trong nhà máy, ngoài thao trường, phòng làm việc, họp hành - hội nghị.

Cái mục đích ấy, ngay cả hôm nay tôi vẫn coi là vĩ đại... Thế nhưng khi thiếu vắng nụ cười của Natasa, mục đích ấy hình như trở nên lu mờ và tẻ nhạt.

Trên tấm bia của Natasa có khắc dòng chữ số "30.1.1954 - 13.11.1983". Trong dân gian quan niệm ngày 13 là ngày xấu... Thế nhưng đối với tôi, hình như con số đó lại là con số may. Suốt ngần ấy năm trời, cứ mẫu súng nào mang số 13 là khi thử toàn diện đều trôi chảy, hầu như không có nhận xét về khuyết tật.

Đi đường tôi cũng thích chọn con số 13, mọi người biết điều đó. Nhiều lần các đại biểu Xô Viết Utmuri đi Mátscơva họp, khi lên tàu ở Igiep, thể nào cũng có ai đó nói to: "Đừng ngồi vào số ghế 13 nhé! Số này suốt đời dành riêng cho nhà thiết kế đấy!"

Tôi quen nghĩ thế, nên thỉnh thoảng phải ghi ngày sinh 10.11 thì tôi lại viết thành 13.11. Nhưng lần này, chính con số 13 chứ không phải con số nào khác lại trở thành nỗi bất hạnh cho tất cả chúng tôi: Ngày Natasa vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời. Và nỗi đau ấy hoà cùng với những hồi ức hạnh phúc - tất cả giờ đây trong thực tế đã "gắn liền" suốt đời với tôi...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:20:54 am »


Mỗi năm vào ngày sinh Natasa, bạn bè của cháu lại tập trung ở nhà tôi. Sau này có người kể với tôi rằng: Một lần người lái xe tắcxi cũng đến và ngồi khóc lặng lẽ.

Ở ngoại vi thành phố, trên bờ cái hồ lớn của nhà máy, mà từ xa xưa Đirabin đã xây dựng, có một khu nhà nghỉ nhỏ của chính phủ Utmuri. Hàng năm tôi tới đây nghỉ, nhưng ngôi nhà dành cho tôi lại ở nơi ồn ã nhất. Không thể tập trung làm việc được, không thể nghỉ ngơi được gì, vì cũng phải chào hỏi nhau qua lại vài câu với người đi qua, ghé vào...

Và cuối cùng người ta làm cho tôi một hàng rào chắn riêng, thế là nhà tôi ở ngoài hàng rào chung, ngôi nhà nhỏ đặc biệt bằng gỗ ván. Xung quanh là rừng, vốn từ trước vẫn thế. Nhưng từ khi tôi chuyển về đây, tôi trồng thêm cây cối nên vườn trông rậm hơn.

Khi đi câu cá hay đi săn về tôi thường mang theo cây con về trồng. Tôi thấy cây con nào mọc ở những chỗ khó khăn nguy hiểm, khả năng không tồn tại được lâu là tôi cẩn thận đào lên và mang về khu vực xung quanh nhà ở trồng lại. Tôi trồng, chăm sóc và bắt đầu lo lắng: Liệu thân cây non nớt kia có bén rễ ở nơi mới không?... Tôi trò chuyện với chúng, động viên an ủi chúng: rằng, không sao đâu rồi mọi việc sẽ qua đi tốt đẹp, mi có thấy không, ta đã già lắm rồi? Hãy gắng lên! Và những thân cây nhỏ bé dường như hiểu hết lời tôi, đáp lại sự chăm sóc của tôi, lớn lên như thổi, dường như ra sức để làm cho tôi và chúng cùng vui chung. Cứ thế chúng lớn lên, tự biến đổi, xum xuê hơn, cân đối hơn. Có những cây cong queo, xấu xí trong rừng, chẳng hiểu sao tôi thấy thương hại, nên mang về trồng, rồi nó lớn lên, và thật bất ngờ trở thành một cây xinh đẹp.

Còn cây bạch dương này, nhìn là thấy ngay dáng thon thả xinh đẹp tuyệt vời của nó. Nhưng kế liền bên, thấy rõ vết hằn sâu của xích sắt máy kéo... Liệu nó còn đứng đây được lâu không?

Tôi đào lên, cho vào túi xách mang về trồng bên cạnh cổng. Tôi gọi tên cây bạch dương này là Natasa. Nó thật hồ hởi và vui thích nhận cái tên này!

Tôi chăm sóc nó đặc biệt cẩn thận. Vào mùa khô, những ngày nóng bức tôi đi từ thành phố ra để tưới nước cho nó, và nó lớn lên không phải từng ngày mà từng giờ. Sau ba năm đã thành một cây cao và cân đối! "Hãy lớn lên - Tôi vỗ về nó - Hãy lớn lên đi, Natasa!"

Kế liền, phía bên kia đường là một cánh rừng dầy đặc, có biết bao nhiêu là bạch dương và các loại cây khác, nhưng vì cây này tôi mang từ xa về, đem lại cuộc sống mói cho nó ở nơi an toàn, nên giờ đây nó mới dịu dàng và xinh đẹp làm sao.

Nhưng rồi một hôm, vào mùa xuân, tôi đến thăm cây bạch dương thân thiết ấy, thì thật không tin vào mắt mình nữa. Nó đâu rồi, cây bạch dương xinh đẹp? Đâu rồi Natasa?!

Tôi lao đến cổng... Không còn nữa. Bàn tav nhẫn tâm nào nỡ chặt cây sát tận gốc.

Cháu Igor thấy tôi phẫn nộ đến nghẹt thở, bèn tiến đến gần gốc cây, lấy tay xoa xoa mặt gốc rồi chìa lòng bàn tay cho tôi: "Ông ơi, nhìn này!... Bao nhiêu là nhựa, có lẽ nó mới bị chặt".

Tôi trả lời cháu: "Đây không phải là nhựa bạch dương, mà là nước mắt Natasa đấy". Tôi đã bật khóc. Đó là những giọt nước mắt của tôi dành cho Natasa yêu quý.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:22:23 am »


BỨC THƯ CỦA GASA

Tôi nhận được thư từ Curia, lúc đầu đọc còn thấy vui, đọc xong thấy trong lòng trĩu nặng: Gasa chị cả tôi - nhũ mẫu của tôi, kể lể lắm chuyện lôi thôi quá. Bà đã chín mươi hai tuổi, ở một gia đình đông con như gia đình chúng tôi, đứa lớn trông đứa bé, thì chị thật tội nghiệp, phải trông coi tất cả. Có lần trên tivi tôi thấy cảnh người kéo chuông cùng một lúc phải kéo mười quả chuông, bất giác tôi nhớ lại ngày mình còn thơ bé chị đã phải đưa đẩy hai cái nôi treo một lúc. Thường thì dùng hai tay để đưa, mỏi tay thì dùng chân đẩy đỡ, cốt làm sao để cho tụi em hay kêu thét ấy im cho. Còn chị Gasa thì qua tay bao nhiêu là đứa em, bao nhiêu là trường hợp để mà hồi tưởng lại!

Tôi bảo cháu Igor quay lại cuộn băng mà cháu đã ghi ở Curia năm năm trước: Khi Anhia còn sống, chị hay cùng Gasa cười đùa, gọi vui nhau là "cô gái": "Này cô gái, cô còn nhớ đã đánh đổ chai dầu, chảy phần tư chai, nhưng lại nói...". Gasa vẫn còn nhớ hết những câu thơ mà chị đọc thuộc lòng cho chúng tôi nghe khi bé, đang đọc chị phải dừng lại, vì đứng lâu, đọc nhiều mệt, thế nhưng ngồi đọc thì lại không muốn.

Sau đó trên màn hình xuất hiện mảnh vườn nhỏ trước nhà Gasa. Trong vườn rực sáng bao nhiêu là hoa đinh hương và cẩm chướng đang độ nở! Và lại nghe thấy tiếng nói: "Mọi người nói với tôi rằng "cô” như thiếu nữ ấy, vẫn còn thích trồng hoa. Tôi cũng rất yêu cái đẹp, nên tôi rất thích trồng hoa. Dù sau đó có bị ốm, phải nằm, tôi vẫn cuốc xới, trồng tỉa, tưới tắm, chăm sóc...". Khoai tây tôi cũng tự trồng, chăm sóc như vậy... nhiều lúc chân thì đau - mà đôi khi lại cảm thấy như "không có chân", thôi thì đau gối, đau chân các kiểu nhưng vẫn cố! Nếu có nhờ thì thể nào mợ ấy chả đến giúp. Nhưng không muốn luỵ, sự thể là tính nhà "Kalasnhicốp" vẫn thế mà. Thôi thì có ốm o, mệt mỏi tự mình làm vẫn hơn đi nhờ. Thế còn tự mình giúp đỡ ai việc gì thì lại khác. Chả cần phải đến gọi, người nhà Kalasnhicốp vẫn thế, thấy họ hàng hay hàng xóm láng giềng có việc gì làm không nổi thì lặng lẽ đến giúp. Chẳng phải hỏi chúng tôi cũng đến.

Đêm đã khuya tôi mới viết lời chúc sức khoẻ chị Gasa, nhưng nằm mãi không ngủ được, rồi bồng nhiên nhớ lại một câu chuyện đã lâu: Cũng về hoa.

Khi ấy, tôi mới được bầu làm đại biểu Xô Viết trong một lần đến công tác ở một huyện phía bắc sau cuộc họp, chúng tôi ra đứng ở bậc thềm, tôi nói với người bí thư huyện uỷ: Sao ở ngay trước cửa mà lại để cỏ dại mọc hoang thế, ở đây khó trồng hoa lắm à?

Hôm sau tôi sang huyện khác. Tôi thấy trước câu lạc bộ có một vườn hoa rực rỡ làm sao!... Tôi lấy làm lạ, song vì công việc bận bịu nên tôi quên không hỏi tới!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:23:59 am »


Sau đó khoảng ba tháng, tôi lại về chính huyện này công tác, lúc đó đã có tuyết đầu mùa. Tôi ngắm vườn hoa, vẫn thấy rực mầu. Tôi nghĩ thầm: Hoa gì thế?... Giống đặc biệt chịu rét?

Đến gần, lấy tay cầm lấy một cành hoa thì thấy cả cành lẫn hoa tụt ra khỏi đất... hoá ra là hoa giấy, dây sắt giả làm thân!

Thế là tôi đã hiểu ra chuyện: Huyện láng giềng đã gọi điện báo: Ông đại biểu đã hỏi sao lại không trồng hoa?... Vậy là cỏ lập tức được nhổ đi và cắm hoa cúc giấy vào đấy, sau nhìn thấy quen, để luôn vậy.

Tôi giấu bông cúc giấy trên tay và hỏi bí thư huyện ủy ra chiều chưa biết: "Này, sao các anh không lấy hạt để giống? ... Bỏ phí mất loại hoa đặc biệt!"

Anh ta nhìn tôi với đôi mắt chân thật và nói sôi nổi "Giờ chưa rét lắm đâu ạ, thể nào chúng tôi cũng kịp thu hoạch..."

Tôi thật chết lặng người: Hay, hay!

Thế rồi, tôi lại có dịp trở lại huyện, lần này vào đầu mùa hè... Các bạn có biết không? Trong đời tôi, thực chưa thấy có vườn hoa nào đẹp hơn, rực rỡ hơn vườn hoa trước cơ quan huyện uỷ.

Tôi phát hiện thấy mắt người bí thư huyện ủy lóng lánh, ra chiều muốn tôi hỏi về vườn hoa. Biết thế, tôi hỏi với giọng buồn buồn: Thế ra hồi ấy anh vẫn kịp thu hoạch hạt giống hoa?

"Vâng, chính đồng chí thấy đấy" - anh ta trả lời giọng ráo hoảnh.

“Những bông hoa tuyệt vời!" - tôi nói.

Anh ta cười rất thoải mái: "Đất tốt lắm ạ, Mikhain Timôphêêvích! Đất Umurơchia mà!".

Nhớ lại chuyện này, tôi cười thầm trong bụng, nhưng rồi vẫn không ngủ được và lại nghĩ tiếp: Lúc gia đình chúng tôi chuyển từ Cuban đến Antai, Gasa mới là một cô bé con. Bà vẫn cứ nhắc lại mãi rằng, bà phải lẽo đẽo "như anh lính tốt đen"1 theo sau xe ngựa kéo chở chiếc máy đập lúa "từ Nôvônhicôlaepxk"... Sau đó tôi được sinh ra ở làng Curia, và khi còn bé xíu tôi đã được chuyển lên phía bắc hẻo lánh, trên chiếc xe trượt tuyết vào mùa đông. Sau nhiều năm, tôi về hẳn với Curia không phải bằng xương bằng thịt mà "bằng đồng" - trên một chiếc xe tải lớn, theo sau là chiếc xe cẩu: Tôi đã được dựng tượng bán thân ở chính quê hương mình.

Ở đó chị Gasa đang sống nốt quãng đời của mình - bức tượng bán thân kia sẽ ở bên chị và có thể lâu hơn! Họ hàng tôi ở đấy còn nhiều người lắm...

Nhưng, giờ đây, mảnh đất nào là quý giá nhất, gần gũi nhất đối với tôi. ... Antai? Xibêri? Kazắcxtan? Hay Umurchia, nơi tôi đã sống nhiều năm?

Cũng có lẽ - Một Umurchia lao động, thân ái, ranh mãnh một chút, nơi mà có cả những bông hoa giấy cũng bừng lên rực rỡ...
____________________________________
1. Tác giả chơi chữ “neiuku” “nemkom” (quân tốt) và (đi bộ).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:25:10 am »


MƠ VÀ THỰC

Giờ tôi không thể nói chính xác được tôi đã mơ thấy giấc mơ này từ khi nào, nhưng dường như là, tôi luôn luôn mơ thấy nó. Tôi nhớ được bao nhiêu, thì mơ thấy bấy nhiêu: Buổi chiều, tôi đang đi trên con đường lạ, biết rằng còn xa mới có nhà ở, mà trời đang tối dần. Tôi vội rảo bước chân, sau đó chạy, nhưng ngày đã tàn, tôi làm sao đuổi kịp, xung quanh tối đen, không một đốm lửa... Có lẽ phải ngủ lại dọc đường, nhưng có một điều gì đó nhắc tôi rằng không thể ngủ lại được, trong lòng tôi không hề lo lắng mà tràn ngập một nỗi buồn cay đắng vì bất lực: Phải chăng ta không đủ sức để đi tới đích?

Tôi đã nhiều lần tìm cách giải nghĩa giấc mơ thường đến này, tìm mối liên hệ của nó với cuộc sống thực tại, mà tôi cho rằng nhất định nó có thực.

Ngay cả bây giờ tôi cũng không có thiên hướng nghiêng về thần học, mà lúc đó thì lại càng không, nhưng tôi vẫn muốn khám phá nguyên nhân, kết quả đúng đắn nào đó, tháo gỡ không phải các khối sắt thép mà là một cơ chế rất lạ, phức tạp hơn nhiều đó là cơ chế sinh học. Và các bạn có lẽ sẽ hiểu tôi.

Có một thời kỳ giấc mơ này cứ ám ảnh tôi mãi và tôi đã tự thầm nhủ: Do quá căng thẳng! Tất cả nguyên nhân là ở đó.

Nhưng giấc mơ cũ vẫn cứ ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Một lần, tôi hài hước buồn bã nghĩ rằng, ở một ý nghĩa nào đó giấc mơ ấy giống như "sản phẩm" AK-47 đầu tiên của tôi mà bây giờ người ta cải biên, sản xuất tràn ngập cả thế giới: Các chi tiết nhỏ được thay đổi, còn cấu tạo và nguyên tắc làm việc thì vẫn như cũ. Thế là, giống như trong giấc mơ kia, sản phẩm của tôi cũng đang rong ruổi trên con đường dài vô định, biết là về đâu.

Có một lần, lâu rồi, tôi kể về giấc mơ kỳ lạ của mình cho Climtrencô, người bạn tâm tình vốn là thợ nguội ở Minsk nghe. Ông cũng như tôi, là đại biểu Xô Viết lâu năm. Quan hệ giữa chúng tôi gần gũi và thân thiết, chúng tôi rất hiểu nhau. Nghe xong câu chuyện ông nói:

- Có thể đây là giấc mơ tổ tiên truyền lại từ các đời cụ kỵ xa xưa, những người đầu tiên đến vùng Cuban từ một vùng xa lạ nào đó, phải chăng là như vậy? Rồi sau đó lại đi Xibiri lập đất. Thế là bao lần họ đã quyết định, rồi lại nghi ngờ, phải chuyển đi khỏi vùng đất đã quen thuộc từ lâu. Con đường dài xa hút mang vác nặng nhọc, lúc thì đi bộ, lúc thì xe ngựa, rồi biết bao là cây số trên đường sắt. Tất cả những nỗi lo âu, sợ hãi từ bao đời ấy giờ di truyền sang cậu - như là phần bổ khuyết cần thiết vào toàn bộ cái thiện trong ta, và chính vì thế mà ta mang ơn những người đã sinh thành ra ta... Đấy, cậu có nghĩ thế không? Rồi chính cậu đã vượt qua bao đường đất trên những con đường to, nhỏ khác nhau. Ngay cả khi còn niên thiếu cậu đã dám dấn thân vào cuộc hành trình xa xôi trong rừng Taiga, mà cả đến người lớn, cũng chưa chắc dám liều thế. Rồi vượt vòng vây ngoài mặt trận, chuyến đi công tác về các quân khu, các trường bắn mà cậu còn nói, đã đi dọc hầu hết đường biên giới. Chiếc đồng hồ ghi cây số riêng của cậu đã chỉ đến con số bao nhiêu? Tất, tất những điều đó cộng hưởng vào giấc mơ di truyền dòng họ của cậu. Có lẽ không phải thế?... Cậu hãy nghĩ đi!

Nhưng lúc đó tôi chưa thật để ý đến lời nói của người bạn nay đã quá cố; câu chuyện ấy ban đầu tôi đã quên và gần đây tôi mới bỗng nhớ lại thật rõ ràng, chi tiết và sâu sắc hơn so với trước kia. Điều này không chỉ chứng minh rằng: Lứa tuổi làm ta vừa "lẩm cẩm" hơn nhưng cũng thông thái hơn. Và còn bởi những suy nghĩ căng thẳng dành cho cuốn sách, trong đó tôi đã nhắc tới biết bao nhiêu đường đi lối lại khác nhau.

Lần ấy, tôi lại thức giấc vào nửa đêm, do giấc mơ quen thuộc từ lâu, với tay rờ tay nắm trên cánh cửa tủ đầu giường, lấy ra cuốn sổ tay. Không bật đèn, tôi bắt đầu viết tên gọi cuốn sách vừa đến trong đầu: "Từ ngưỡng cửa nhà khác đến cánh cổng tháp Xpaxki"... Bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn tên gọi này khi "hộp đen" của tôi được giải mã. Tôi có suy nghĩ: Phải chăng giấc mơ về con đường dài vô tận - là giấc mơ truyền kiếp của nước Nga chúng ta?... Có thể cả một đất nước có một giấc mơ như thế?

Ngày nay đất nước ấy đang bước đi một cách rất khó khăn, và trở nên mệt mỏi hơn bao giờ hết. Trời sập tối nhanh chóng... Tiếng chó sủa xa xa ở phía sau và hai bên. Còn phía trước - không một đốm lửa.

Nhưng, cho dù phải chịu đựng những khổ ải đớn đau cay đắng cực hình thì vẫn còn tốt hơn, còn xứng đáng hơn là trùm chăn tự mãn trong giấc ngủ ngọt ngào.

Như người xưa vẫn nói: núi cao thì mặc núi cao... ta không thể tránh, cần tiếp bước!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:27:44 am »


CHIẾC "HỘP ĐEN" CỦA TÔI

Năm 1930, khi còn đang học phổ thông, mọi sự kiện xảy ra trong làng chúng tôi đều rõ cả. Vào những năm xa xôi ấy, phải nói thật rằng, đối với một số hộ nông dân thực sự là một thảm họa. Liên tục có các cán bộ được ủy quyền đến làng tổ chức họp "bần cố nông" - như hồi đó vẫn gọi thế. Trong các cuộc họp này, tiến hành phân loại các hộ thành ba thành phần: bần cố nông, trung nông và culắc. Hộ nào thuộc thành phần thứ ba thì bị tịch thu tài sản, còn người thì bị đi đày Xibêri xa xôi.

Các cuộc họp thường diễn ra sôi sục, đôi khi kéo dài suốt đêm từ tối đến sáng.

Nếu bạn phát biểu tranh cãi, không tán thành khi ai đó chưa tới mức "phú hào" mà đã bị liệt vào thành phần thứ ba, thì chính bạn sẽ bị quy là "culắc lớp dưới".

Vậy bạn có dám liều, có thử bênh che cho người láng giềng cạnh bạn?

Biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, khi những người được lệnh tịch thu tài sản đến nhà. Những gì được coi là thừa đều bị lấy đi: gia súc, gia cầm, lúa mì, thậm chí cả khoai tây là nguồn thực phẩm chính của người nông dân cũng bị lấy. Họ khám xét kỹ xem anh ta có chôn giấu kỹ ở đâu đó không. Người nông dân không thể tưởng tượng được khi nghe nói: "cái này, cái kia mày thừa không được giữ".

Bọn trẻ con biết rõ bố mẹ thằng nào tích cực ủng hộ việc tước quyền công dân và những ai có quá hai con ngựa và số lượng các gia súc khác quá quy định đầy đi Xibêri. Trong trường học bắt đầu phân hoá, hỗn loạn, ở đây cũng phân ra kẻ giàu người nghèo, thôi thì mắng nhiếc, lăng mạ các kiểu, đôi khi dẫn đến ẩu đả dữ dội. Các từ mới: culắc, culắc lớp dưới, địa chủ, bọn ăn bám... đã trở thành những từ thông dụng hàng ngày. Trong các trận ẩu đả "bọn ăn bám" luôn bị buộc tội, mặc dù chúng chẳng bao giờ gây sự trước mà chỉ tự vệ.

Thế còn khoảng cách giữa giầu và nghèo có lớn không? "Người giầu" thường là gia đình đông người nên phải nuôi gia súc, gia cầm nhiều hơn. Đấy, ta thử phân tích ra mà xem.

Vào một ngày mùa đông, khi đến trường, chúng tôi được nghe tin rằng, đêm qua có bốn học sinh cùng cha mẹ đã bị đưa ra ga đường sắt để sau đó đưa tiếp đi Xibêri xa xôi. Cô giáo kể lại rằng, cả làng nghe thấy tiếng khóc của những người bị đi đày. Điều này đã tác động nặng nề đến nỗi, chúng tôi cảm thấy như mình có tội trước những bạn đang ở trên con đường vô định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:28:36 am »


Một năm học kết thúc, người nông dân như thường lệ, chuẩn bị bắt tay vào vụ xuân ngoài đồng. Tôi lại được nhà hàng xóm thuê dắt ngựa. Khi thoả thuận với nhau, người chủ khen tôi vụ trước làm việc tốt, bố tôi thật hởi lòng, hởi dạ khi nghe nói tôi biết tiếp xúc với ngựa và chúng nghe tôi điều khiển.

Chỉ có ai đã từng làm vụ hè thu ngoài đồng mới hiểu hết nỗi khó nhọc của công việc này? Trong những ngày dài lê thê vô tận ấy, từng đàn ruồi, muỗi, nhặng háu ăn bay rào rào tấn công anh.

Anh phải đánh đuổi chúng không chỉ để bảo vệ mình... Anh vung roi quật vào những mảnh da ngựa rung rung đuổi ruồi, ruồi thì chẳng chết, vết roi hằn lên da, nhìn mà xót xa cho thân con ngựa và xót xa cho cả chính mình.

Tuy vậy cuộc sống này trên mảnh đất ruột thịt nuôi sống ta vẫn được các nhà văn chúng ta mô tả thật là đẹp.

Vậy nên, tôi chuyển sang mô tả một năm nặng nề ấy: Năm ba mươi mốt.

Mấy tháng đã trôi qua, kể từ khi đợt đầu các hộ nông dân bị đưa đi đày ở Xibêri. Họ hàng thân thích đã nhận được những bức thư đầu tiên của người nhà đang dần ổn định nơi ở mới. Đã có biết bao dòng nước mắt rơi khi đọc những bức thư kể về nỗi gian nan, bất hạnh đổ xuống đầu những người di cư đợt đầu. Đường xá đi lại không có, sự đối xử thô bạo của những người phụ trách và quân lính hộ tống, sự nghi kỵ của những người dân Xibêri sống trong các làng heo hút, họ đề phòng người láng giềng bất dắc dĩ, đông con và thường là đói khổ.

Năm học mới bắt đầu. Trong các lớp học, giữa học sinh với nhau lại bùng lên những trận cãi nhau, đánh nhau, thật khó mà hiểu nổi nguồn gốc sinh ra những vụ lộn xộn giữa những đứa vốn là bạn chí thiết của nhau ấy. Ai chịu trách nhiệm về tất cả những tội lỗi này? Và trẻ em như là một phong vũ biểu có độ nhạy cao, nó như đang báo trước những cơn bão giữa những người lớn và mối đe doạ thực sự đối với tất cả chúng ta.

Lại như năm ngoái, đoàn cán bộ được ủy quyền đặc biệt đến làng để tổ chức giai đoạn hai đánh đổ culắc và chuẩn bị đưa người đi đày Xibêri đợt hai.

Lần này gia đình chúng tôi cũng nằm trong sổ đen, nghĩa là sẽ bị "loại bỏ culắc như là một giai cấp". Bố tôi hiểu rõ rằng từ những xung đột của trẻ con có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, nên đã gọi cả sáu anh em trai chúng tôi lại rồi doạ: "Đứa nào mà tụ tập, gây gổ với bọn con nhà bần cố nông thì tao sẽ vặt đầu ngay lập tức!". Chúng tôi biết rõ, bố tôi không bao giờ nói suông cả. "Đứa nào cứng đầu" đã nhiều lần biết thế nào là tính tình nghiệt ngã của người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:29:16 am »


Vào một ngày mùa đông, người ta lùa vào chiếc sân rộng nhà tôi một số lượng lớn bò, cừu đã được tịch thu của các hộ nông dân bị đày đi Xibêri...

Bao nhiêu sức lực bố tôi đều tập trung vào làm kinh tế, chiếc nhà cũ của chúng tôi như đang run rẩy không chịu nổi trước tiếng kêu ầm ĩ đủ giọng của cả đàn gia súc lớn.

Qua cửa sổ, chúng tôi thấy những con bò mẹ cùng với những con bê, lợn, cừu và như là linh cảm thấy cái chết sắp tới, chúng cứ chạy quanh hàng rào để tìm lối thoát. Những con bò đực to lớn vốn tiếng rống của nó từ xa đã làm cho tim ta như muốn rung lên, thế mà giờ đây tiếng nó khè khè, tắc nghẹn, nặng nề quanh quẩn trong sân. Hai chân trước nó cào mạnh xuống sân làm đất bắn tung toé vào nhà kho, vào tường.

Bất ngờ có mấy người đàn ông khỏe mạnh trong tay cầm rìu và dao đi vào nhà chúng tôi. Và lần đầu tiên tôi được thấy cảnh chỉ cần đập một búa mà người ta có thể hạ gục con bò mộng to lớn, tưởng như không ai thắng nổi nó. Khi hai chân trước con bò vừa khuỵu gối xuống, đổ vật sang bên hông, người nông dân thứ hai nhanh chóng cắt cổ con vật. Nó như hồi tỉnh lại một chút sau cú đập, định nhổm đứng dậy, nhưng đã muộn, máu từ cổ phun tung toé ra sân. Bắt đầu xả thịt, xương bò, cừu... Toàn bộ nội tạng được vất ra bên ngoài hàng rào thành một đống, trong đó nhìn thấy rõ những con bê và cừu con chưa đẻ đang cựa quậy... Mặc dù cảnh tượng thật là khủng khiếp, nhưng những người nông dân mình dính bê bết đầy máu vẫn cười đùa thản nhiên: "Thế là ta giúp ông chủ khỏi phải trông nom vất vả chúng nhé, giúp các cháu nhỏ khỏi nghĩ ra trò: chăn nuôi khoa học."

Về sau tôi mới hiểu ra! Những người nông dân này là bố của những đứa lớp tôi, nhà họ không có gia súc.

Họ giết sau cùng bò và cừu nhà tôi . Sau khi họ mang các súc thịt và da treo trên một chiếc sào gác ở sân, đi khắp sân nhà tôi trông thật khủng khiếp. Bố tôi sai anh em tôi lấy xẻng hót tuyết lấp kín các vũng máu, nhưng xung quanh sân chỗ nào cũng có máu đọng, nên phải hót tuyết từ vườn vào, và thậm chí phải sang bên vườn nhà bên hất sang - Đó là một gia đình bị quy là culắc một năm trước.

Nhà tôi ngoài sáu anh em trai còn có hai chị em gái. Các chị đã đi lấy chồng, và đã có gia đình riêng.

Chị cả Gasa đã có bốn cháu, còn chị Nhura mối lấy chồng được một năm, nhà chồng nghèo lắm nhưng hay lam hay làm. Chồng chị Gasa là người cộng sản đầu tiên trong làng. Ông biết gia đình tôi bị liệt vào danh sách đi đày từ lâu nên cấm tiệt chị Gasa đến nhà tôi. Biết làm thế nào được, chồng vẫn là chủ gia đình mà! Ông đặt Đảng lên trên hết. Và thế là chúng tôi cũng không đến nhà ông nữa.

Tôi nhớ có một lần, khi đi học về tôi nghe thấy tiếng người lăng mạ chế riễu tôi từ một khe cổng túp lều xiêu vẹo. Tôi tức lắm, chỉ muốn đập cho nó một trận, nhưng nhớ tới lời cha tôi dặn, mà ông thì chẳng bao giờ nói suông cả... Tôi tức đến chảy nước mắt, đành chạy xa khỏi túp lều để cho thằng đểu lười chảy xác, thậm chí không dám đến gần ngựa ấy, khỏi nhìn thấy những giọt nước mắt của tôi. Bố nó cũng lười biếng như nó. Người nhà chúng tôi và nhà láng giềng gọi ông ta là người "hãi cả tiếng kêu của xe ngựa kéo".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 11:29:55 am »


Vài ngày trôi qua trong tĩnh lặng khác thường, không nghe thấy cả lời nói to, không tiếng gà gáy. Hôm ấy, có hai xe trượt tuyết chứa đầy rơm đến nhà chúng tôi. Ngày ra đi về nơi vô định của gia đình chúng tôi đã đến. Chúng tôi xếp lên xe tất cả những gì có thể mang theo được rồi vội vã ngồi lên xe. Những chiếc xe xa lạ đưa chúng tôi rời khỏi ngôi nhà thân yêu của mình.

Tiếng khóc nức nở của mẹ tôi trên xe, tiếng gào của Nhura chạy đuổi theo xe làm cho anh em trai chúng tôi cũng chảy nước mắt. Bố tôi chỉ nói đi nói lại mỗi câu khô khốc: "Thôi, thế là đủ rồi".

Anh trai cả Vichto mới cưới vợ vài ngày trước đó đã đi trốn ở nhà khác. Công an tìm kiếm ráo riết, nhưng không thấy, vì vậy chúng tôi lên đường không có anh ấy.

Sau đấy vài tuần có “một người tốt bụng" chỉ cho công an biết nhà anh Vichto trốn. Việc này phải trả giá bằng bảy năm lao động trên kênh đào Bêlamôr. Bảy năm sau khi được tự do, Vichto hỏi người phụ trách: "Tại sao tôi phải cải tạo bảy năm?" Người phụ trách cười khẩy, nói: "Hả, mày không biết tại sao à?" Người phụ trách xé bỏ tờ giấy chứng nhận anh được tự do và bắt quay về nơi cũ. Thế là mất đứt hai năm nữa, anh mới được tuyên bố tự do. Lần này anh chẳng hỏi han gì nữa. Nhận xong giấy chứng nhận, anh lặng lẽ đi ra chẳng dám thốt ra nửa lời.

Đoàn người đi đày của huyện tôi trong cảnh nước mắt, khóc than của phụ nữ và con trẻ, cuối cùng cũng đến được ga đường sắt Pôxpelik.

Ở đây đã có đoàn tầu gồm các toa chở bò, chờ chúng tôi.

Đối với bọn trẻ chúng tôi, ngay từ đầu đã cảm thấy các toa tầu mới tuyệt làm sao chứ! Vì chúng tôi có nhìn thấy toa tầu nào khác bao giờ.

Bắt đầu xếp lên toa. Làng tôi và làng bên vào chung một toa. Bố mẹ chúng tôi biết họ, còn chúng tôi nhìn họ cứ như là nhìn người ngoại quốc.

Những chiếc cửa sắt nặng nề luôn đóng. Khi tầu dừng, ai muốn ra phải được phép của người chỉ huy đi hộ tống đoàn tầu.

Ánh sáng lọt vào toa qua các khe hở ở cửa và qua lỗ cửa sổ nhỏ xíu. Khi đoàn tầu chuyển bánh thì bố mẹ chúng tôi lấy chăn chắn một góc toa lại, để chiếc xô sắt to vào đấy làm nơi đi vệ sinh. Nhờ có bóng tối trong toa và tiếng đập mạnh của bánh xe sắt nên có thể sử dụng nhà vệ sinh kiểu ấy được. Chỉ được phép đổ thùng khi tầu đỗ, lúc ấy cánh cửa được mở, hay nói đúng hơn được đẩy ra một phía. Những người đàn ông có thể thực hiện thao tác này cả khi tầu đang chạy, để tránh mùi khó chịu bốc lên trong toa kín mít, có lò sưởi gang.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM