Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:02:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45176 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:03:25 pm »


Chiếc đồng hồ được quyết định gửi lên các chuyên gia của quân khu để thẩm định. Trung đoàn trưởng ký lệnh cử tôi lên ban tham mưu quân khu công tác. Tôi không biết rằng lần đi Kiép ấy tôi đã vĩnh viễn chia tay với đơn vị thân yêu của tôi. Tất nhiên tôi không thể biết được. Tôi dự tính sau vài ngày tôi sẽ trở về. Tôi biết: mọi người, cả đại đội và cả trung đoàn đang chuẩn bị cho cuộc tập trận lớn trước mắt. Nhưng tôi đã không dự cuộc tập trận. Việc chế tạo chiếc đồng hồ đã được báo cáo lên đại tướng G.K. Giucốp. Ông ra lệnh cho người chế tạo lên gặp ông.

Tôi rụt rè bước vào phòng làm việc của vị tướng lừng danh, người anh hùng của các trận đánh trên sông Khankhin-Gôn. Khi đứng trước thủ trưởng báo cáo có mặt, giọng tôi bị lạc đi. Và có lẽ nhận ra tâm trạng tôi lúc đó, ông mỉm cười, vẻ nghiêm khắc trên khuôn mặt rộng của ông biến mất, chỉ còn lại cái nhìn tốt lành đầy thiện chí.

Tư lệnh không phải chỉ có một mình. Trong phòng làm việc còn có một số tướng lĩnh và sĩ quan nữa. Tất cả đều chăm chú xem bản vẽ và cái đồng hồ.

- Tôi muốn nghe đồng chí Kalasnhicốp, - G.K.Giucốp quay về phía tôi. - kể cho chúng ta nghe về nguyên lý hoạt động và công dụng của chiếc đồng hồ.

Thế là lần đầu tiên trong đời tôi được báo cáo trước mặt ủy ban đường bệ như thế về sáng kiến của mình. Tôi đã nói một cách chân thành về những mặt mạnh, mặt yếu của chiếc đồng hồ.

Về sau này, trong suốt năm mươi năm hoạt động sáng chế đã nhiều lần bảo vệ các mẫu vũ khí mới chế tạo, bảo vệ các quan điểm của mình, phải tranh đấu giành quyền thực hiện các ý tưởng thiết kế vào cuộc sống, và cũng nhiều khi bị phản bác. Thế nhưng, vì hồi hộp, bản báo cáo đầu tiên này của tôi, có phần lộn xộn, đã ghi sâu trong ký ức tôi suốt đời.

Tư lệnh kết luận rằng chiếc đồng hồ quán tính này có cấu tạo độc đáo, và đương nhiên cho phép kiểm tra tuổi thọ của động cơ xe tăng với độ chính xác cao. Điều đó cho phép nâng cao trình độ sử dụng khí tài, tạo ra khả năng tiến hành có hiệu quả các biện pháp tiết kiệm nhiên liệu và vật liệu bôi trơn. Tóm lại là chế phẩm của tôi được đánh giá cao.

Sau cuộc nói chuyện với Tư lệnh, tôi được cử đến trường Trung cấp kỹ thuật tăng Kiép. Xưởng trường có nhiệm vụ sản xuất hai mẫu đồng hồ đo thí nghiệm và thử toàn diện trên các xe chiến đấu. Trong một thời gian ngắn nhiệm vụ đã được hoàn thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:03:55 pm »


Lần thứ hai tôi lại được gặp Đại tướng Giucốp, sau khi tiến hành thử nghiệm xong. Lần này thời gian làm việc ngắn hơn lần trước. Tư lệnh biểu dương tôi vì có sáng kiến tốt và tuyên bố tặng thưỏng tôi một món quà có giá trị là chiếc đồng hồ. Sau đó tôi được cử đến một đơn vị thuộc quân khu Mátscơva để tiến hành thử nghiệm so sánh.

Chiếc đồng hồ được tặng tôi không còn giữ. Nhưng một lần nhà báo Kixelép, trong bức thư gửi tôi, đã nhắc lại những ngày không quên vào cuối năm 1940 ấy. Chả là khi tìm tài liệu lưu giữ, nhà báo vô tình đọc được bài kể lại buổi Đại tướng Tư lệnh quân khu Giucốp tiếp chiến sĩ Kalasnhicốp trong tờ "Hồng quân" của quân khu.

Ngày nay, khi mà xung quanh tên tuổi tôi, muốn hay không muốn, người ta đã thêu dệt biết bao nhiêu huyền thoại các kiểu, trong đó có câu chuyện: vào năm bốn mốt, khi mà nước Nga đang trải qua những ngày tháng khó khăn nhất. Kalasnhicốp đã được nguyên soái Giucốp gọi lên và lệnh: Quân đội đang cần một loại tiểu liên chất lượng cao!

Cốt truyện này được người nước ngoài rất ưa thích, mà đầu tiên cũng bởi tại một nhà báo nào đó trong nước đã "thêm mắm, thêm muối" rằng vị nguyên soái vĩ đại, với tình cảm cha con, thân mật vỗ vai trung sĩ mà rằng: "Con trai cưng, ta hy vọng vào con!"

Tất nhiên, suy diễn như thế là có hại, bởi dần dần chính bản thân Kalasnhicốp sẽ quen với câu chuyện cảm động này và sẽ vỗ ngực kể toáng lên khắp nơi, rằng: năm bốn mốt nguyên soái gọi tớ lên và nói: các chiến sĩ đang chờ đợi ở cậu loại vũ khí đầy hy vọng...

Đối với tôi sự việc hoàn toàn không phải thế, mà hơi khác: lúc bấy giờ một anh lính trơn như tôi đứng trước một vị tướng tiếng tăm như thế, thì không thể tránh khỏi sự hồi hộp, lo sợ, đan xen với tình cảm ngưỡng mộ, tôn kính và một chút tự hào về phát minh của bản thân, nhưng... cũng hãi lắm chứ, nhỡ bỗng nhiên các vị tướng thông thái mà Tư lệnh quân khu triệu tập đến kia, kết luận rằng sáng kiến của tôi quá là thô sơ, không có ý nghĩa thì sao?

Và còn một điều nữa.

Tất nhiên trong cuộc tìm kiếm người đỡ đầu theo ý muốn chủ quan hay ngoài ý muốn chủ quan về sau này đã nhiều lần tôi suy nghĩ về Ghêoocghi Konxtantinôvíoh Giucốp... Vâng, trước khi được gặp ông, đã có nhiều người giúp đỡ, khuyên răn, ủng hộ với tất cả khả năng và tấm lòng. Nhưng riêng Ghêoocghi Konxtantinôvích, thì ông đã hoan nghênh một cách thiết thực nhất. Kể từ khi được gặp ông, cuộc đời tôi đã có những bước ngoặt lớn: tôi, một anh lính phục vụ theo niên hạn, trước chiến tranh không lâu mới bước vào con đường thiết kế gian nan này, mà nay đã có chiếc máy đo đưa đi thử ngoài chiến trường, đảm bảo chất lượng, được các chuyên gia quân sự kỹ tính thông qua và giới thiệu để sản xuất hàng loạt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:04:31 pm »


Tôi không trở về đơn vị cũ, theo lệnh của Tổng cục trưởng Tổng cục tăng - thiết giáp tôi được điều về nhà máy chế tạo ở Lêningrát. Tại đây, sau khi sửa chữa các bản vẽ thi công, chiếc máy đo được đưa vào sản xuất hàng loạt. Khi ấy là mùa xuân năm 1941...

Ở Lêningrát, lần đầu tiên trong tôi dậy lên những cảm xúc lạ kỳ: cảm xúc của cái "tôi" tư hữu, cảm xúc của một nhà sáng chế, sinh ra được cái "của tôi!". Tôi thật sung sướng đến ngỡ ngàng, khi nhìn thấy các chi tiết mà tôi từng vắt óc suy nghĩ giờ đây được người khác làm thật hào hứng và đầy chất lượng! Hầu như chi tiết nào làm xong, tôi cũng muốn nâng niu trên tay và ngắm nghía không biết chán.

Mẫu máy đo chế thử của tôi đã được thử thành công trong điều kiện của phòng thí nghiệm nhà máy. Trong bản thuyết trình gửi về Tổng cục tăng - thiết giáp Hồng quân công nông do chủ nhiệm thiết kế nhà máy kí, có ghi rõ: so với chiếc máy đo hiện hành, mẫu mới đơn giản hơn về thiết kế, độ tin cậy cao hơn, trọng lượng và kích thước nhỏ hơn. Cuối bản thuyết trình, kết luận như sau: "Dựa trên cơ sở máy đo do đồng chí Kalasnhicốp đề nghị, có thiết kế đơn giản và đạt kết quả tốt trong thí nghiệm, tháng bảy năm nay nhà máy đã hoàn thiện các bản vẽ thi công và chế tạo mẫu để thử toàn diện, lần cuối trước khi cho sử dụng trong các xe đặc dụng".

Thật đáng tiếc việc thử toàn diện đã không được tiến hành. Bản thuyết trình được ký ngày 24 tháng 6 năm 1941 - hai ngày sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu.

Vài ngày sau, tôi tạm biệt nhà máy, tạm biệt các công nhân, kỹ sư đã trở thành thân thiết với tôi trong quá trình cộng tác căng thẳng vừa qua. Tôi nhớ suốt đời lời tạm biệt của chủ nhiệm thiết kế lúc chia tay:

- Anh bạn trẻ hãy chiến đấu thật tốt, hãy tin vào sức mạnh của những người ở lại đây. Chiếc máy của bọn chúng mình nhất định sẽ hoàn thành, sau khi chúng ta nhanh chóng chiến thắng quân thù.

Khi ấy chúng tôi nuôi một niềm tin cháy bỏng vào "chiến thắng nhanh chóng" của chúng ta. Hầu như tất cả chúng tôi đều đinh ninh tin tưởng rằng chúng ta sẽ chiến đấu hoàn toàn phù hợp với học thuyết quân sự Xô viết "tổn thất ít ngay cả ở trên lãnh thổ nước ngoài".

Trên đường về đơn vị, tôi cũng nghĩ thế. Nhưng biết tìm đơn vị ở đâu?

Đài đưa tin thành phố Xtrưi miền Tây Ucraina, nơi đơn vị tôi trú quân đã rơi vào tay quân địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:05:15 pm »


Trên đường tìm đơn vị, tôi đã gặp một trường hợp xảy ra khá bất ngờ và thú vị. Đến gần Kháccốp, tàu chúng tôi dừng lại ở một ga. Kiểm tra xong giấy tờ, một số bước xuống sân ga. Nhân viên đường sắt nhắc chúng tôi chú ý kẻo nhỡ tàu.

Trên sân ga lúc ấy, rất nhiều chiến sĩ tập trung lên tàu. Mọi người vội vã lên tàu để chiếm chỗ, tiếng í gọi nhau khắp nơi. Bỗng nhiên tôi nghe thấy một giọng nói quen quen. Chưa kịp định hướng tiếng nói từ đâu thì thấy một đoàn tàu hàng, toa trần phủ bạt nổi hình xe tăng, ngay trên đường tàu bên cạnh. Trên một toa tôi thấy đồng chí chuẩn uý lực lưỡng trưởng xe chúng tôi đang đứng, người rất thích tiếng kêu tích tắc của chiếc đồng hồ quả quýt do ông nội, người đã tham gia thế chiến thứ nhất để lại.

Tôi gọi giật giọng: Chuẩn uý và lao nhanh đến toa anh đứng, hai anh em ôm chầm lấy nhau, sửng sốt vì gặp nhau bất ngờ, chúng tôi lặng đi, một lúc sau mới tỉnh lại, chỉ biết xuýt xoa vỗ vai nhau. Hoá ra, trước chiến tranh không lâu, các lái xe của đơn vị đi Ural để nhận khí tài mới. Riêng xe chúng tôi không bổ sung lái xe mới, đợi tôi về, nên buộc trưởng xe phải đến nhà máy nhận xe.

Thế là cuộc chiến đã đưa anh em cùng trung đoàn chúng tôi gặp nhau trên đường. Và, tôi nhập vào đơn vị mới ở ngay một ga nhỏ gần Kháccốp. Trong khi tôi mải mê tay bắt mặt mừng với anh em cùng đơn vị thì đoàn tàu của tôi đã rời khỏi sân ga, mang theo chiếc áo khoác và cái va ly của tôi. Cũng may là giấy tờ tôi mang theo người và xung quanh tôi là đồng đội cả.

Khi biên chế vào đơn vị, tôi được chỉ định làm trưởng xe, và được phong quân hàm Thượng sĩ. Tiểu sử tôi lật sang trang mới: trang mặt trận.

Bây giờ thật khó nhớ lại từng giai đoạn chiến đấu một. Giai đoạn đầu, như đã rõ, quân đội Xô viết ở tình thế bất lợi, trong nhiều trường hợp - có thể nói là bi đát. Tiểu đoàn chúng tôi đôi lúc không rõ mình đang chiến đấu ở đâu: ở hậu phương địch hay đang ở tiền duyên. Liên tiếp hành quân cơ động, lúc thì tổ chức đánh vào sườn địch các trận tấn công ngắn ngủi, nhưng ác liệt, lúc thì lui về phía quân ta. Phần lớn chúng tôi được tung vào những nơi bộ binh ta gặp khó khăn.

Tôi không phải chiến đấu lâu. Vào đầu tháng 10 năm 1941, trong một trận đánh gần Brianxk tôi bị thương nặng. Khi ấy trong một đợt phản kích, đại đội tôi xông vào cạnh sườn quân Đức, đã đụng phải đại đội pháo binh địch. Chiếc xe tăng đầu tiên bị bắn cháy là xe đại đội trưởng. Sau đó, bất thình lình, trong tai tôi vang dội tiếng nổ to, trước mắt bung lên ngọn lửa chói sáng dữ dội...

Tôi không rõ đã bất tỉnh bao lâu, có lẽ là khá lâu, vì khi tỉnh dậy thì đại đội đã rút ra. Ai đó định cởi áo cho tôi. Vai trái và tay trái cảm giác như của người khác. Tiếng ai đó thoảng qua như trong giấc mơ:

- Thằng này tốt số thật!

Vai trái tôi đã bị mảnh đạn văng ra từ trong xe xuyên thủng. Tay trái không cử động được. Tôi lơ mơ không rõ điều gì đã xảy ra với tôi và xung quanh tôi. Hoá ra, người bác sĩ trưởng mà tôi cảm thấy rất già xác định tôi bị dập thương.

Tiểu đoàn trưởng ra lệnh chuyển số bị thương nặng về đại đội quân y. Nhưng nó ở đâu, khi chính chúng tôi đang ở trong hậu phương của địch? Tôi xin ở lại, nhưng không được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:05:49 pm »


Lúc đầu 15 chiến sĩ bị thương chúng tôi được chở trên chiếc xe tải, có bác sĩ và nữ y tá đi hộ tống. Tôi chỉ còn nhớ tên người lái xe, đó là Côlia. Có lẽ chính vì anh là chỗ dựa chắc chắn cho chúng tôi trên đường đi, lúc ấy phần lớn chúng tôi không tự do đi lại được.

Xe đi đến chập choạng tối, thì đến gần một làng, bác sĩ cho xe dừng lại, và cử ba người đi được gồm trung uý bị bỏng tay, lái xe Côlia và tôi vào làng trinh sát xem có quân Đức hay không, cả ba được trang bị súng ngắn và súng trường. Mới vào, trong làng rất yên tĩnh, hoang vắng. Những ngôi nhà gỗ đen sẫm, u tịch, có cảm giác trong mỗi ngôi nhà đều ẩn náu, rình rập mối nguy hiểm nào đó. Và quả thật, trên đường làng bỗng vang lên một tràng liên thanh hướng về phía chúng tôi. Chúng tôi nằm ép mình xuống đất, bò qua cánh đồng khoai tây trở lại rừng.

Bỗng nhiên, từ phía chiếc xe tải đỗ có tiếng súng liên thanh nổ. Anh trung uý rít qua kẽ răng: "Quân chó đểu. Nó bắn bằng tiểu liên đấy - giá mà ta có lấy một khẩu". Tôi kẹp khẩu súng trường TT giữa hai đầu gối, dùng tay phải lên quy lát.

Chúng tôi chạy lom khom qua các bụi cây, tiến về phía tiếng súng.

Tôi không hiểu điều gì sẽ xảy ra, nếu chúng tôi đến sớm độ hai - ba phút. Còn lúc này thì bọn Đức đi trên các xe môtô ba bánh đã mất hút sau chỗ ngoặt của con đường rừng.

Trước mắt chúng tôi là một cảnh hãi hùng!... Những người nào trèo xuống được thì bị bắn chết dưới đất, còn những người nằm trong thùng xe thì bị lê đâm lỗ chỗ khắp thi thể.

- Chúng mình mà không đi, khéo cũng bị! - Côlia lẩm nhẩm giục mọi người đi nhanh.

Chúng tôi lại chạy, núp trong các bụi cây nghe ngóng, lấy sức, chạy tiếp, tránh xa con đường rừng. Khi trời đã về đêm, chúng tôi quyết định nghỉ lâu hơn, rồi lại đi tiếp. Chúng tôi đi rất chậm và mệt mỏi. Vết thương trên vai tôi nhức nhối dữ dội, đôi lúc làm tôi mê man, bất tỉnh, lúc tỉnh thì thấy cằm đang tì vào chiếc tay áo khoác khô cứng của Côlia... Cậu ta đã bế tôi đi? Hay là lúc tôi lảo đảo sắp ngã, thì Côlia đã kịp ôm choàng lấy tôi. Tình trạng sức khoẻ của trung uý cũng không khá hơn tôi. Trong một lần nghỉ lấy sức, Côlia nhìn thấy một bác nông dân già đi ngoài bìa rừng, trong tay có một bọc nhỏ. Ông là người làng bên, ra đồng tuốt lấy ít lúa mạch đem về cứu đói cho gia đình. Tất cả lương thực, thực phẩm của gia đình đã bị quân Đức cướp sạch. Thu hoạch vụ mùa ngoài đồng, không được phép: cánh đồng lúa thuộc quyền "nước Đức Đại đế".

Thật xót xa khi phải nhai từng hạt lúa mà người nông dân bốc cho mỗi người một nhúm vào lòng bàn tay.

Sau đó người nông dân tốt bụng ấy dẫn chúng tôi đi trên con đường rừng nhỏ, cỏ mọc um tùm vì lâu không có người qua lại, tìm đến nhà một người thầy thuốc ở cách đó cỡ 15 kilômét.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:06:17 pm »


Chúng tôi đi mãi, khi rừng bắt đầu thưa dần thì người dẫn đường dừng lại bảo: "Bây giờ trời đã sáng, các anh không được mạo hiểm. Từ đây đến con đường vào làng chỉ còn độ 300 mét. Đợi đêm xuống lúc ấy mới ra đường cái đi về phía nam". Chỉ cách tìm nhà người thầy thuốc xong, bác nông dân chào chúng tôi và quay trở về.

Lại một ngày trời chờ đợi căng thẳng, mệt mỏi, cảm thấy như là mặt trời đứng nguyên một chỗ, không chịu lặn xuống sau cánh rừng xa. Trong lòng chúng tôi lo lắng, chẳng được yên, muốn ngủ mà không thể ngủ nổi...

Khi bóng đêm trùm xuống, chúng tôi đi ra đường, thận trọng nghe ngóng từng tiếng động, lần theo con đường rừng ngoằn ngoèo dẫn vào làng tìm người giúp đỡ. Chúng tôi đi suốt đêm, rạng sáng vẫn chưa vào trong làng được. Lại phải chờ đến tối.

Nhận ra nhà người thầy thuốc, chúng tôi tìm cách tiếp cận, ẩn náu và tiến hành quan sát, thay nhau nghỉ ngơi. Đến chiều chúng tôi mới phát hiện ra, trong làng không có quân địch, mà dân cư thì hầu như đã bỏ đi hết: vườn tược hoang vắng, mọi nơi yên tĩnh, không người qua lại. Chúng tôi quyết định cử Côlia luồn qua vườn vào nhà người thầy thuốc để trinh sát. Hai anh em ở ngoài nạp đạn cho hai khẩu súng lục, đề phòng nếu gặp nguy hiểm thì yểm hộ cho Côlia rút ra.

Côlia chạy an toàn đến ngôi nhà người thầy thuốc và vào khuất trong đó. Bắt đầu những phút chờ đợi hồi hộp, lo âu, không biết liệu Côlia có ra được không?

Cuối cùng thì cũng nghe thấy tiếng huýt gió ngắn ám hiệu quy ước của chúng tôi vọng tới từ phía bên. Chúng tôi đáp lại tín hiệu trả lời. Hai ba phút sau Côlia xuất hiện, mang theo một bọc thức ăn. Chúng tôi mở gói thức ăn, còn Côlia thì kể lại mọi chuyện xảy ra trong nước mắt: "Các anh ơi, thế mới gọi là con người. Thật sự là một con người! Một người Nga chân chính!".

Gói thức ăn được mở ra, chúng tôi thật ngạc nhiên vô cùng. Trên mặt tờ báo đã ố vàng, như là khăn trải bàn, là nửa ổ bánh mì nướng lấy, ba củ khoai tây luộc, hai quả táo và một gói muối nhỏ! Vì Côlia đã được chủ nhà mời ăn trong nhà rồi, nên số mang ra là dành cho hai chúng tôi. Khi chúng tôi ăn thì Côlia kể cho chúng tôi nghe về người thầy thuốc. Ông tên là Nhicôlai Ivanôvích, có ba người con đang chiến đấu ngoài mặt trận. Bọn Đức đã mấy lần đến nhà và gọi ông sang ban quân quản làng bên trình diện, nên ông khuyên chúng tôi hãy thận trọng. Côlia đã nói rõ để Nhicôlai Ivanôvích hiểu rằng, nếu chúng tôi không được sự giúp đỡ của thầy thuốc thì không thể đi nổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:06:46 pm »


Đến chiều tối thì chúng tôi đến nhà Nhicôlai Ivanôvích. Ông đã chờ sẵn chúng tôi, ý tứ kéo rèm che kín hết các cửa sổ, chuẩn bị sẵn sàng dụng cụ y tế, bông, băng... Với tình cảm yêu thương, trìu mến như người cha, ông lẩm bẩm xót xa lau rửa vết thương, băng bó cẩn thận cho chúng tôi. Làm xong ông nói nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết: "Các cháu không được đi ngay bây giờ! vết thương không gây chết người, nhưng rất nguy hiểm và nên tuân thủ chế độ bất động, ít nhất là hai ba ngày... Bác sẽ giấu các cháu trong kho cỏ khô. Bác không để các cháu đi trong tình trạng như thế này!”. Và không đợi câu trả lời của chúng tôi, ông nói liền: "Cứ thế các cháu nhé, mời các cháu vào phòng bệnh!" - Nói rồi ông dẫn chúng tôi vào kho cỏ khô. Tôi như ngất ngây đắm chìm trong mùi hương cỏ khô thân thuộc, trìu mến.

Nhicôlai Ivanôvích chúc chúng tôi ngủ ngon, và như là thấy mình có lỗi không để chúng tôi ngủ trong tthà, ông nói thêm: "Mùa hè các chàng trai nhà bác thích ngủ trong kho cỏ khô lắm!".

Tôi nằm đây, trong mùi hương cỏ khô bỗng sống lại tuổi thơ xa vắng đã lùi xa tự bao giờ. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, người thân, gieo vào lòng tôi một câu hỏi buồn: rồi điều gì sẽ xảy ra với tôi? Liệu tôi có sống sót trong cuộc chiến tranh khủng khiếp này không? Mẹ ơi, mẹ có sao không? Các con trai của mẹ đều đi chiến đấu, còn lại mẹ một mình. Những ngày tháng khó khăn gian khổ này, chắc các chị gia đình ở gần đấy chẳng thể nào lại để mẹ ở một mình... Tôi đem theo những ý nghĩ buồn, thương ấy chìm vào giấc ngủ...

Sáng sớm cả làng vẫn còn ngủ, ông y sĩ đã đánh thức chúng tôi dậy. Ông mang vào kho thức ăn cả ngày, hai xô nước ấm và cả một chồng sách báo cũ mà phần lớn là sách báo ngành y. Ông khám lại các vết thương của chúng tôi và băng bó lại. Khi đi ra ông dặn, để tránh nghi ngờ, ban ngày ông sẽ không vào kho, đến đêm ông sẽ khám lại kỹ hơn.

"Sách đấy, hãy đọc đi nhé! - Ông khuyên - Nó sẽ cần cho các cháu đấy''.

Khi ấy chúng tôi thật vô ý, không hỏi họ ông, người đã cứu giúp chúng tôi, là gì? Và cũng không biết các con ông chiến đấu ở đơn vị nào? Những sự kiện ấy không chỉ để sau này kể lại mãi mãi, mà còn ghi nhớ đời đời!

Ban ngày chúng tôi đọc sách báo, làm quen với các vấn đề y học, lo lắng bàn luận diễn biến tình hình xảy ra, cùng nhau tìm cách thoát vòng vây, trở về đơn vị. Ban đêm Nhicôlai Ivanôvích kể cho chúng tôi nghe về tình hình trong làng và tình hình chiến sự của quân ta. Hồi ấy, những tin tức quân sự thật đáng buồn...

Chúng tôi ở lại hai ngày trong kho cỏ khô. Đêm thứ ba thì Nhicôlai Ivanôvích cho chúng tôi đi. Ông gói cho chúng tôi thức ăn cho hai ngày đường, dự trữ bông băng, cồn iốt, rồi dẫn chúng tôi đi qua vườn ra đường làng, chỉ cho chúng tôi hướng đi đến mặt trận gần nhất. Chúng tôi ôm ông, cảm ơn tấm lòng đôn hậu và sự giúp đỡ của ông, rồi chia tay. Chúng tôi đi xuyên rừng, hoặc qua những vùng hẻo lánh không có đường, không có người qua lại, mỗi lúc một khó khăn vất vả hơn. Cũng như trước, chúng tôi đêm đi, ngày nghỉ, cố gắng ăn dè xẻn, tiết kiệm thực phẩm. Nhưng cũng chỉ đủ ăn được ba ngày. Cái đói buộc chúng tôi phải tìm đến quả dại, lá rừng, nấm tươi... Cái đói đã vậy, còn cái khát hành hạ cũng không kém. Trong rừng chỉ tìm được những vũng nước tù nhỏ, mà uống vào lập tức bị đau bụng dữ dội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:08:42 pm »


Tình thế lại càng trở lên phức tạp, khi chúng tôi phát hiện ra suốt thời gian chúng tôi đi trên đường, xung quanh đều yên tĩnh vắng lặng. Hình như chúng tôi đi ngày càng xa mặt trận chứ không phải ra mặt trận… Điều đó lại càng làm cho chúng tôi lo lắng, ủ dột. Chúng tôi không tìm cách xác định phương hướng chính xác, mà chỉ giữ hướng đi về phía đông. Đôi lúc tôi lại bị ngất xỉu, và tỉnh lại khi cằm đụng phải vai cứng như gỗ của Côlia.

Mãi đến ngày thứ bẩy chúng tôi mới tìm đến được khu vực có quân ta ở gần thành phố Trupthepsk. Chúng tôi kiệt sức vì đói và mệt lả, bông băng các vết thương rách nát, bẩn thỉu, nhưng mặt mày thì hả hê sung sướng khi được làm "tù binh" của quân ta. Sau khi hỏi han, tìm hiểu không lâu, thủ trưởng đơn vị cho tôi và trung uý, hai người bị thương về bệnh viện, còn Côlia được bổ sung vào đơn vị lái xe...

Tháng 6 năm 1996 tôi nhận được phong thư của đại sứ Nga tại Thuỵ Sĩ Anđrêi Xtêpanốp. Tôi đã sang thăm Thuỵ Sĩ trước đó một hai tháng, và lúc đó vẫn còn giữ nguyên những ấn tượng về tất cả những gì đã thấy ở đó. Nhưng ấn tượng mạnh nhất không phải là ở đó người ta dùng sampun gội đầu để làm mọi việc: từ việc rửa con đường nối hai thành phố sạch tinh với nhau đến việc tắm cho bò trên bãi cỏ... Cái làm cho tôi cảm động là ở chỗ khác: người dân Thuỵ Sĩ đã tôn vinh chân thành và sâu sắc nhà chỉ huy quân sự của chúng ta: Alêcxanđr Vaxilievích Xuvôrốp. Người dân ở đây gìn giữ một cách cảm động những kỷ niệm về vị tướng và những người lính Nga hai trăm năm trước đã vượt qua dãy núi Anpơ hiểm trở, đánh thắng quân thù đem lại vinh quang sáng chói đời đời. Một sự kiện đã xảy ra từ ngần ấy năm!

Ở Thuỵ Sĩ về đến Ijieps, tôi đến thư viện thành phố. Trên đường đi tôi tự trách mình: Bởi đâu nên nỗi hình tượng người hùng thân yêu của tôi thuở thanh niên sôi nổi, một hình tượng yêu quý của mọi người dân Nga trong những năm chiến tranh khốc liệt với quân Đức, nay hầu như đã lặn chìm, lặng lẽ vào phần đời còn lại của đời tôi. Nếu có nhớ lại, thì cũng chỉ thoảng qua, mà đôi khi nhờ vào bánh xe quảng cáo nhố nhăng nào đó khơi gợi. Thế mà, ở đất nước xa lạ kia, người ta lại trân trọng, nhiệt tâm hồi tưởng lại hình tượng người lính Nga đến thế.

Lúc này tôi hỏi mượn cả cuốn "Khoa học chiến thắng" và cả "Những bức thư" của Xuvôrốp - tóm lại là tất cả những gì về người ta tôn vinh người lính, viết về người lính.

Về nhà, tôi lật từng trang cuốn sách mỏng "Khoa học chiến thắng" và tự hỏi mình: Này nhà thiết kế, mi có xấu hổ không?

"Mỗi người chiến sỹ phải hiểu được hành động của mình. Là người lính thì phải khoẻ mạnh, dũng cảm, kiên quyết, trung thực”.

Đây cũng chính là những lời giáo huấn mà tôi vẫn ấp ủ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:09:27 pm »


Tôi cắt chiếc bì thư dầy cộp, và rút ra bức thư riêng của đại sứ Xtêpanốp, một cuốn tạp chí của Thuỵ Sĩ, những bài báo cắt rời, kèm theo các bản dịch sang tiếng Nga... Có lẽ phải trực tiếp gặp ông đại sứ để bầy tỏ sự kính trọng và cảm ơn ông, một con người lịch sự, tinh tế và rất đáng tin cậy.

Trên một bài báo có cái tít lớn đập ngay vào mắt: "Ông già và khẩu tiểu liên".

Ông già là tôi, còn khẩu tiểu liên, đương nhiên là khẩu AK. "Ông Mikhain Timôphêêvích Kalasnhicốp 77 tuổi, người phát minh ra khẩu súng tiểu liên cùng tên trong khuôn khổ chuyến thăm năm ngày tại Thuy Sĩ hôm thứ sáu đã đến Anđerơmát, thủ phủ của tổng Uri. Tại đây ông đã thăm trường bắn trung tâm, viện bảo tàng và tượng đài kỷ niệm các chiến sĩ "Xuvôrốp".

Tiếp đến là bài báo thứ hai: "Mikhain Kalasnhicốp: người Nga nổi tiếng ở Anđerơmát".

"Vào thứ bảy - chủ nhật vừa qua, quân đoàn chủ lực số Năm quân đội Thuy Sĩ và trường bắn bộ binh sơn cước trung tâm ở Anđerơmát đã tiếp một vị khách đặc biệt. Đó là thiếu tướng Nga về hưu Mikhain Kalasnhicốp.

Đại tá Phranx Gơnôx đại diện trường bắn và đại uý Măc Bauman đại diện quân đoàn Năm đã nhiệt liệt hoan nghênh vị khách quý và những người cùng đi trên mảnh đất Nga bên tượng đài kỷ niệm các chiến sỹ Xuvôrốp ở Sôllennen. Tên tuổi "Kalasnhicốp" nổi tiếng trên toàn thế giới. Mikhain sinh năm 1919, vào những năm của thập kỷ 40 đã sáng chế ra loại vũ khí đã đi vào lịch sử quân sự dưới cái tên "tiêu liên Kalasnhicốp, cỡ 7,62mm, kiểu 1947. (AK)". Nhà thiết kế người Nga do có nhiều công lao đã được tặng thưởng nhiều huân chương của Liên Xô.

Trong chương trình đi thăm của vị khách Nga có cả phần trưng bày vũ khí bộ binh ở khu trại Altkirơk. Stèphan Egensviler sĩ quan tuỳ tùng quân đoàn Năm cho biết, trong cuộc trưng bày sẽ có những vật mẫu quý hiếm, thậm chí có cả mẫu đặc biệt hiếm từ năm 1817.

Mikhain Kalasnhicốp đã hoàn thành chuyến thăm của mình ở Uzertal, ở đây ông đã thăm những nơi kỷ niệm về Xuvôrốp, sau đó ông trở vẻ đèo Xanh-Gôtar".


Và, bỗng nhiên trong tôi xuất hiện cái cảm giác sắc bén của lưỡi dao mới mài, cái cảm giác về ý thức tội lỗi. Nhưng không phải lỗi trước vị đại nguyên soái, không...

"Thân mình dù lâm nạn, nhưng đồng đội vẫn còn".

Ông già Kalasnhicốp ơi, liệu ông có thể đến được Xanh-Gôtar với khẩu tiểu liên nổi tiếng của mình không, nếu như năm 41 không có người nông dân già đã bốc cho vào tay anh nắm lúa mạch đen... Nếu như không có người y sĩ làng băng bó vết thương cho anh và giấu anh trong "phòng bệnh" chứa cỏ khô của mình?... Nếu không có chú Côlia trẻ, người lái xe không biết mệt, bị địch bắn mất xe, mình đẫm mồ hôi, chạy về báo với anh: "Ôi, thế mới là người!... Một người Nga chân chính!".

Biết bao nhiêu người đã hy sinh thân mình, để cho đồng đội được còn như vậy?

Nhưng sau này người ta sẽ kể gì về chúng tôi?

"Người lính vẫn còn sống...."

Ở quân y viện Elexk, sau khi khám cho tôi, người bác sĩ già lẩm bẩm:

- Sao cậu lại để vết thương thế này? - Rồi, ngay sau đó ông đổi giọng - Bị bao vây à?
- Vâng, gần như thế.
- Đành phải giữ cậu lại một thời gian ở đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:10:12 pm »


Nằm trong phòng bệnh ngày lại ngày tôi bồn chồn lo lắng về những gì đã xảy ra với tôi. Trong đầu tôi chất chồng những ý nghĩ: khẩu tiểu liên tự động của ta ở đâu? Thứ vũ khí lợi hại bắn nhanh, nhẹ và ít hỏng hóc ấy?

Trong phòng bệnh có đủ các binh chủng: tăng, bộ binh, pháo binh và công binh. Đôi khi nổ ra các cuộc tranh luận về những ưu điểm, thiếu sót, mặt mạnh, mặt yếu của vũ khí nào đó. Tôi không tham gia nhiều vào các cuộc tranh luận ấy, nhưng trong đầu vẫn giữ lại một số ấn tượng nhất định. Tôi rất thích thú lắng nghe những người đã trực tiếp sử dụng trung liên trong tấn công, trong cản phá các đợt xung phong ác liệt của kẻ thù về phía chiến hào của ta. Chính họ là người biết rõ nhất sự hoạt động, tác dụng của loại vũ khí tự động này như thế nào trong đánh gần. Sau những cuộc tranh luận ấy, trong quyển sổ riêng của tôi xuất hiện những bản vẽ phác thảo mới. Tôi tìm đến sách vở, tài liệu, tôi suy nghĩ về mối liên quan lẫn nhau giữa các bộ phận của khẩu tiểu liên tự động. Tôi lập riêng cho mình một bảng tổng hợp các mẫu vũ khí tự động khác nhau, lịch sử ra đời, quá trình chế tạo chúng và so sánh tính năng kỹ - chiến thuật của chúng.

Tình hình chiến sự ngoài mặt trận càng xấu đi, thì các cuộc tranh luận lại càng sôi nổi hơn.

- Súng trung liên loại tốt, đó là thứ vũ khí cần thiết của bộ binh - Anh lính trinh sát nằm giường bên mở đầu cuộc tranh luận với giọng đau buồn cố hữu. – Mỗi người một khẩu! Chỉ có thế mới mạnh được.

- Ừ, cái khẩu trung liên của cậu thì mạnh thật. Nhưng ta hãy lấy cự ly ngắm bắn để xét. Không thể so sánh với súng trường được, chẳng hạn súng trường kiểu MOXIN có cự ly đến 2000m còn kiểu Tocareps tự động thì cự ly bắn là 1500m. Thế còn trung liên ΠД? Được 500m là cùng, - Anh lính công binh nằm cạnh cửa sổ nổi nóng.

Về chuyện này sau tôi sẽ kể tiếp. Chủ yếu mãi đến những năm sau chiến tranh, số phận mới run rủi cho tôi được gặp các nhà thiết kế F.V.Tôcarép. V.A Điôchiarép và G.X.Spagin. Còn bây giờ thì, với cây bút chì và tờ giấy trong tay, lúc thì ở trong phòng bệnh, lúc thì ở ngoài hành lang quân y viện, tôi cùng với một trung uý lính dù thảo luận với nhau về các bộ phận của các loại vũ khí tự động do các nhà vũ khí chúng ta chế tạo. Chúng tôi nhận thức được tài năng sáng tạo và tư duy kỹ thuật của họ và mong muốn được thử sức tìm tòi con đường riêng của mình để chế tạo thử một mẫu trung liên mới. Những kinh nghiệm thu được từ sách vở tài liệu, từ các cuộc trao đổi với người trung uý, rõ ràng là chưa đầy đủ, chỉ có tính chất bổ sung thêm kiến thức. Tôi rất muốn được kiểm tra trên thực tế những ý định thiết kế của mình bằng cách thực hiện chúng trên kim loại.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM