Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:37:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45171 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:31:00 pm »


Ngày nay thì ta thấy khắp nơi hàng núi sắt thép, phế liệu, thậm chí cả ở những nơi không bao giờ có bàn chân người đặt tới, bạn cùng có thể dẫm phải chiếc cầu sau cắm trong đất của một chiếc xe xích chả hiểu sao lại nằm ở đây. Trong những lần đi xa, tôi thích ngắm nhìn qua cửa sổ toa tầu, và mỗi lần gần đến một ga nào đó, dù là ga xép, tôi cứ nhấp nhổm ngó xem kho sắt thép phế liệu của họ ở chỗ nào?... Có lúc nhìn thấy chiếc cần cẩu to đang nâng cả một đống sắt, bạn có tin không, tôi nghe thấy tiếng thở dài của chính mình: giá mà tha đống của cải này vào gần sân nhà mình ở Curia nhỉ. Không, tôi sẽ không để ngoài sân! Tốt nhất để gần ngưỡng cửa rồi mình tự tay xem xét, khuân từng cái một vào nơi cất giấu bí mật thân thuộc.

Người ta nói rằng trong mỗi con người có mặt phức hệ phá hoại, nó bắt đầu biểu hiện gần như từ khi lọt lòng, khi đứa trẻ biết phá đồ chơi... Không phải thế! Trước khi bắt đầu xây dựng, mỗi đứa trẻ bình thường đều muốn biết: thế cái này làm thế nào?... Vật trong tay này có cấu tạo ra sao? Còn kết quả đạt đến đâu, thì lại là việc khác. Bởi vì ngay cả trong xưởng, những người thợ bậc cao khi sửa chữa cho bạn một vật gì đó cũng có thể đứt tay cơ mà. Vậy nên ở đây không thể nói phức hệ phá hoại tác động mà là phức hệ công bằng lên tiếng.

Tôi tin chắc chắn rằng, tuổi thơ là thời gian của những phát minh vĩ đại. Thời gian để con người khám phá ra các bí mật kỳ lạ. Nếu trong thời gian này, con trẻ theo ý muốn của chúng ta suốt ngày ngồi bên tivi hay trò chơi điện tử, thì đó không chỉ là một việc rất dở, mà còn là có tội. Các phương tiện ấy chẳng qua cũng chỉ là một cái ống kính vạn hoa nào đấy, là một trong các cửa sổ nhỏ hẹp nhìn ra thế giới - mà thế giới thì rộng mở, bao la bát ngát vô cùng!

Có biết bao nhiêu sắt thép bị bỏ quên, không ai chú ý đến, bị giẫm bẹp cong queo, han gỉ dưới chân chúng ta...

Đôi lúc tôi cứ muốn kêu lên thật to để thật nhiều, thật nhiều các bé trai ở nước Nga chúng ta nghe thấy: Các cháu yêu quí! Các cháu đừng ghen tị với các bạn có đồ chơi đắt tiền, được bố mẹ giầu có mua cho. Các cháu hãy nhặt miếng sắt vụn đầy bụi dưới chân lên, hãy rửa sạch nó, đánh số cho nó, sưởi ấm nó trong đôi bàn tay của mình, bằng hơi thở của mình... Nó sẽ biết ơn các cháu lắm... Các cháu đừng nghĩ rằng mọi thứ trên đời đã được phát minh hết, đã được làm hết cả rồi. Có thể cha ông các cháu không chủ tâm, mà cũng có thể do ác tâm của ai đó đã dẫn các cháu vào một khu rừng rậm rịt mà sau này các cháu phải phấn đấu gian khổ mới vượt được ra. Hãy dũng cảm lên, các cháu!... Đây là lời kêu gọi của một vị công trình sư già, một ông tướng đầu đã bạc gửi tới các cháu.

Lúc đó tôi ngồi trên chiếc ghế băng thô ráp, in bóng song sắt cửa sổ, đã không biết bao nhiêu lần vò đầu suy nghĩ: tại sao động cơ vĩnh cửu của tôi không làm việc?

Tôi cố gắng tháo nó ra trong tưởng tượng và xếp tất cả các chi tiết trước mặt... Nhưng, bỗng nhiên chúng bắt đầu thay hình đổi dạng và dần dần biến thành một vật gì đó trông rất quen. Vật gì nhỉ... tôi chợt hiểu đây không phải là các chi tiết của động cơ vĩnh cửu mà nó là các bộ phận của chính khẩu "braoning" đã làm tôi mắc nạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:33:38 pm »


Sự việc ấy xảy ra nhiều lần với tôi. Cứ như là một ảo ảnh: lúc thì các chi tiết hiện lên với các đường viền rõ nét, lúc thì tự nhiên biến mất chỉ để lại bóng dáng trong trí nhớ phai mờ.

"Mày điếc à? - Giọng người trực ban đưa tôi ra khỏi trạng thái u mê - Lên gặp thủ trưởng hỏi cung!".

Ông thủ trưởng nói là ông ta biết chắc chắn rằng tôi cất giữ vũ khí. Có thể trước đó tôi không biết rằng điều này bị cấm, nhưng sau khi được công an giải thích rõ tôi đã hiểu hậu quả gì đang chờ tôi...

- Cháu đã hiểu chưa?

Vâng, tôi đã hiểu ra nhiều điều - tôi nghĩ thế, và mãi về sau này vẫn nghĩ thế. Sau đó người thủ trưởng bảo:

- Thế thì hãy đi và cố gắng sửa chữa sai lầm. Đi ngay, không chậm trễ.

Hoá ra trên đời còn có nhiều người tốt!... Và thế là cho đến tận giờ tôi vẫn không biết những người bảo vệ trật tự ở làng quê chúng tôi hồi đó, thực chất họ chờ đợi gì ở tôi.

Tôi quyết định không về nhà, mà đến nhà chị tôi, chính làng mà tôi bị giam. Lúc đi vào làng, tôi có cảm giác như là có ai đó đi theo sau, có ai đó để ý từng bước tôi đi.

Đến nhà, tôi không dám mở cửa ngay, cứ nghĩ là thế nào người công an đến bắt tôi hôm trước cũng có mặt trong nhà. Vào nhà, không thấy người công an đâu mà chỉ thấy chị Anna tôi khóc, mừng cuống quýt vì tôi đến bất ngờ, rồi chị ra sức dỗ dành thuyết phục tôi đem nộp khẩu súng. Ngay tối hôm đó Xecgây xuất hiện. Bàn bạc xong, chúng tôi quyết định đi ngay Kazăcxtan, đến chỗ anh trai Xecgây.

Tôi chuẩn bị cho chuyến đi dự định vào sáng hôm sau. Tôi không còn nhớ tại sao hôm ấy lại chỉ có mình chị tôi ở nhà, rõ thật may! Tôi cố gắng thu xếp nhanh chóng và không cho chị biết. Nhưng giấu thế nào được. Chị hiểu hết và ra sức cản trở, khóc mãi. Tôi không biết làm thế nào để chị yên, bèn bảo nếu tôi không trốn đi ngay thì sẽ lại bị bắt, có thể bị bắn và cả gia đình bị đi đày. Tôi nhấn mạnh đến tình thế vô vọng không lối thoát. Chị hiểu, lau nước mắt, rồi giúp tôi chuẩn bị đi xa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:34:17 pm »


Để bí mật đi khỏi làng, tôi và Gavơrin ngủ cùng một chỗ, sáng sớm đi bộ ra ga. Đêm, chị tôi dậy mấy lần ra đường ngắm trời, đoán thời tiết sáng sớm. Đánh thức chúng tôi dậy, chị bảo: "Thời tiết thế này thì đi thế nào được!". Quả thật suốt đêm ngoài trời có bão tuyết.

Ai đã từng sống ở Altai đều biết mùa đông ở vùng này khắc nghiệt thế nào. Có khi chỉ trong một đêm, gió dồn tuyết lại thành đống che kín cả ngôi nhà.

Tìm cách giữ chân chúng tôi, chị rán bánh xèo rất nhiều (chị biết tôi rất thích bánh xèo) và dỗ dành: "Cố mà ăn thêm mỗi người một chiếc nữa! Đi đường xa biết đến lúc nào mới được ăn?" Chị tôi cứ dùng dằng không muốn chia tay, hy vọng biết đâu đấy chúng tôi thay đổi ý định, ở lại. Còn chúng tôi lại muốn nhanh chóng kết thúc cảnh chia tay bịn rịn này, nên giục nhau lên đường. Mặc xong quần áo, đứng bên ngưỡng cửa chuẩn bị đi, thì bỗng nhiên chị nhìn tôi chăm chú rồi cười: "Ủng em rách thế kia, đi làm sao được. Có mà ngồi sưởi trên bếp lò. Lấy đôi mới của chị mà đi, để đôi cũ lại cho chị". Chia tay chúng tôi xong, chị Anna còn đứng bên ngưỡng cửa ngóng theo chúng tôi mãi.

Thật khó lòng mà kìm được nước mắt khi phải vĩnh viễn rời xa quê hương yêu dấu, rời xa những người ruột thịt gần gũi của mình. Nhưng chúng tôi đã là những người trưởng thành đứng trước một quyết định nghiêm túc như thế, không muốn để lộ cái yếu đuối của mình ra ngoài. Hai anh em mỗi người quay mặt ra một phía, lặng lẽ chùi mắt...

Chúng tôi lặng lẽ đi một lúc, ngó quanh, sợ bị truy đuổi. Chẳng bao lâu chúng tôi biết rằng, xung quanh chỉ có thảo nguyên mông mênh tuyết trắng và trên trời là những đám mây xám nặng nề trôi.

Đút tay vào túi quần, tay tôi chạm vào cái mát lạnh dễ chịu của kim loại, cái vật mang đến cho tôi cả niềm vui sướng lẫn nỗi khổ đau, bất hạnh - loại vũ khí đầu tiên mà tôi làm quen. Khẩu '’Braoning" được chuyền qua tay hai anh em mấy lần. Chúng tôi hiểu, giữ nó trong người bây giờ là nguy hiểm, phải vứt bỏ nó xuống khe rạch nào đó gần nhất. Nhưng vứt thế nào? Nếu giấu dưới tuyết thì mùa xuân tuyết tan sẽ lộ ra hết, người ta không để yên cho chúng tôi.

Chúng tôi quyết định bắn súng tiễn biệt. Gavơrin có khoảng 20 viên đạn Braoning. Bắn xong, chúng tôi tháo khẩu súng ra từng bộ phận, rồi ném rải rác mỗi thứ một nơi cách xa nhau, xuống các khe rạch ngập tuyết trên thảo nguyên. Ném xong chi tiết cuối cùng, tôi cảm thấy nhẹ hẳn cả người, như vừa trút bỏ được gánh nặng trên vai. Lúc này chúng tôi cảm thấy bị mất một cái gì đó quý báu, thân thuộc vô cùng. Chúng tôi đi lâu trong lặng yên. Mỗi người xúc động theo cách riêng của mình. Lại những giọt nước mắt ngượng ngùng không muốn để ai thấy. Chúng tôi rảo bước như chạy trốn những xúc động của chính mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:36:46 pm »


Đi bộ nhanh, người nóng lên quá mức, như trên người gió thổi ngược ném vun vút những bông tuyết  sắc vào mặt. Đi mỗi lúc khó khăn hơn. Quần áo bị phủ một lớp băng mỏng cứng, bắt đầu khó cử động, đi lại. Bão tuyết mỗi lúc một tăng. Muốn giơ tay lên mặt để gạt tuyết hoặc che gió cũng khó khăn. Tuyết che kín đường, chúng tôi thường phải đi mò, thường bị chệch đường ngã dúi dụi xuống tuyết xốp. Bão tuyết vẫn gầm rú dữ dội. Không thể nói chuyện với nhau bình thường được. Mỗi khi cần trao đổi với nhau điều gì chúng tôi phải dừng lại, đứng sát lại với nhau để nói. Gavơrin có đọc ở đâu đó trong sách nói rằng: gặp khi bão tuyết lớn, kéo dài thì người ta phải nán trong tuyết chờ khi bão thuyên giảm mới đi. Nếu không, ở ngoài trời lâu, bão không biết bao giờ giảm, có thể sẽ bị chết.

Chúng tôi hoàn toàn không còn khái niệm gì về phương hướng, đi mò tìm chỗ có nhiều tuyết xốp để làm hang trú ẩn. Khi không cần, mỗi lần bị ngã chúng tôi tức tối, giờ thì tìm mãi vẫn không có chỗ nào nhiều tuyết xốp để dừng chân, đi trên cánh đồng cứ như là đi trên những tảng đá. Chúng tôi đi dò dẫm từng gò tuyết, từng cái hố một.

Nếu lúc này trên đường đi, phát hiện được cái hang gấu, có lẽ chúng tôi sẽ chui tuột luôn vào, không cần suy nghĩ gì, cốt để tránh cơn bão tàn ác này. Nhưng chúng tôi đã đến được chỗ tuyết xốp, chúng tôi tụt xuống sâu, sâu nữa, ngập luôn trong tuyết. Dừng lại, chúng tôi bắt đầu sửa sang hang trú ẩn. Đôi bàn tay gần như bị tê cứng, cào bới tuyết thật khó, đôi chân nặng, cứng trong đôi ủng đóng băng giậm nền hết sức vất vả. Tôi hỏi đùa anh bạn, xem trong sách có hướng dẫn cần phải hoàn thiện bên trong hang thế nào không?

Thế là chúng tôi đã làm xong cái "hang gấu" cho mình. Chúng tôi ngồi áp sát vào nhau trong hang để giữ hơi ấm. Nói chuyện ít. Rồi cơn buồn ngủ kéo đến. Gavơrin lại nhớ đoạn trong sách viết: "Khi người ta bị rét cóng, dứt khoát sẽ không kìm được cơn buồn ngủ. Đây sẽ là giấc ngủ cuối cùng của người đó". Nếu chúng tôi cũng bị như thế, thì suốt mùa đông sẽ không ai tìm thấy được. Chỉ vào mùa xuân, khi tuyết bắt đầu tan, chúng tôi mới từ từ lộ ra, như mọc từ dưới tuyết lên. Nếu như trước đó chưa hoá thành mồi cho thú ăn thịt.

Để chống lại cơn buồn ngủ, chỉ nói chuyện, thì không có hiệu quả. Bởi vì nếu người nói không ngủ thì người nghe sẽ ngủ. Chỉ còn cách cả hai cùng hát đồng ca mới mong tránh được lời cám dỗ "chợp mắt một tý". Thảo nguyên Altai trong những giờ phút chờ thời tiết tốt đã được nghe biết bao nhiêu là bài hát! Chương trình ca hát của chúng tôi không dự tính trong một thời gian dài như thế, nên chúng tôi cứ coi như được khán giả yêu cầu ra hát lại, đã hát hai ba lần.

Đến lúc giọng đã khản đặc, chúng tôi định đứng dậy để ngó xem thời tiết bên ngoài và thử xem liệu chúng tôi đã bị cóng trong cái mộ này chưa. Nhưng đứng dậy, sau một thời gian dài ngồi như thế, đâu phải dễ. Gavơrin dựa vào tôi gắng hết sức đứng dậy, đôi chân run như cầy sấy. Và bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng kêu gần như điên của Gavơrin: "Hàng rào! Hàng rào kìa! Tớ nhìn thấy hàng rào!". Tôi không tin vào tai mình nữa.

Khi chính mắt tôi nhìn thấy hàng rào, tôi nghẹn ngào sung sướng đến nghẹt thở, bất giác nước mắt trào ra. Tôi không xấu hổ vì sự yếu đuối này. Vâng, đây là những giọt nước mắt sung sướng: chúng tôi chỉ cách hàng rào nghĩa là chỉ cách ngôi nhà của ai đó có hai, ba trăm mét.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:37:18 pm »


Chúng tôi xăng xái vượt ra khỏi chỗ trú ẩn, gắng hết sức mới đến được mục tiêu tha thiết - ngôi nhà gỗ nông dân tuyết chắn gần ngập mái. Người chủ nhà tốt bụng, có lẽ đã quen với mọi sự bất ngờ có thể xảy ra vào những khi thời tiết như thế này, hầu như không ngạc nhiên, khi thấy chúng tôi quần áo bị đóng băng cứng đổ xô vào nhà. Ngay lập tức chúng tôi ngồi phịch xuống ngưỡng cửa và cảm thấy ngay hơi ấm mong đợi bao lâu toả ra từ bếp lò đang đỏ lửa.

Trong khi chúng tôi đang cởi quần áo bị băng cứng và ủng ra thì chủ nhà cho mang vào một thùng gỗ to đầy tuyết. Ông bà chủ với cử chỉ chăm sóc thật cảm động, lau rửa chân tay tê dại của chúng tôi, nói "Các cháu, cố chịu đựng chút nữa, mọi sự sẽ ổn cả thôi mà!". Chưa bao giờ chúng tôi bị đau buốt, cóng rét đến như thế, cứ muốn kêu lên nhưng đành cắn răng chịu đựng.

Sau khi cho ăn và uống nước chè đặc xong, chủ nhà mới hỏi chúng tôi là ai và đi đâu? Tất nhiên chúng tôi không thể nói thật hết được. Chủ nhà chắc cùng hiểu thế, không căn vặn thêm và bảo chúng tôi ở lại qua đêm. Chúng tôi vui sướng nhận lời.

Đêm đã về khuya, tựa lưng vào thành lò sưởi nóng, bỗng nhiên tôi cảm thấy luồng hơi ấm dễ chịu chảy khắp cơ thể rồi hoà với lớp sương mù mềm, ẩm... Lần đầu tiên trong đời, tôi bị mê man bất tỉnh. Ông bà chủ nhà tốt bụng một lần nữa lại tất bật, lo lắng cho tôi... Hôm sau thời tiết vần xấu. Đi trong thời tiết như thế hoạ có là người điên. Chúng tôi đành phải ở lại đợi thêm vài ngày.

Cuối cùng thì trời cũng lặng gió sáng sủa, chúng tôi cảm ơn ông bà chủ tốt bụng, tiếp tục đi xa. Khi đến gần ga đường sắt chúng tôi sợ bị truy đuổi, nên đi riêng từng người một, và tránh lọt vào mắt công an. Nhưng sự đề phòng ấy hoá ra không cần thiết. Không có ai truy tìm chúng tôi cả.

Trên tầu đi về ga đích, nằm ở tầng ba (chỗ để hành lý và người không vé) chúng tôi bàn luận về các sự kiện đã xảy ra. Bỗng dưng chúng tôi lặng buồn, nhớ nhà, nhớ người thân ruột thịt, chỉ mong nhanh chóng báo tin về để mọi người an tâm. Chúng tôi hẹn nhau, đến nơi ổn định chỗ ở xong thì sẽ viết thư về nhà, gửi qua bà con họ hàng xa.

Chúng tôi đến ga Matai, Cazăcxtan, tìm đến xưởng hỏi thăm anh trai Gavơrin. Anh không ngờ chúng tôi đến vào mùa đông, khi các trường đang học, nhưng nghe chúng tôi giải thích không được rõ ràng lắm, anh hiểu không có cách gì khác, cần phải giúp chúng tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:37:40 pm »


Khi về đến nhà, anh bảo: "Thôi thế này, giờ thì các cậu cứ ở đây đã. Vợ chồng anh sẽ ở trên xe. Rồi chúng mình cũng sẽ tìm được cho các cậu chỗ ở". Tôi nghĩ bụng hay là mình nghe nhầm: ở "trên xe" là ở thế nào? Hoá ra là rất nhiều cán bộ nhân viên xưởng hoả xa sống ở trên các toa tầu, hay như ở đây người ta gọi là "buồng sưởi".

Chúng tôi vào toa - "căn hộ" được ngăn ra thành các phòng nhỏ bằng các tấm chăn treo. Trong điều kiện như vậy nhưng có bàn tay phụ nữ sắp xếp, nên ta vẫn thấy hơi ấm của một căn nhà. Bên thành toa là một chiếc bàn nhỏ trên phủ khăn trải bàn trắng, bên chậu rửa mặt treo một chiếc khăn thêu, cạnh cửa sổ trên giá đỡ có một chậu hoa đang mọc, rồi khung kính với các tấm ảnh đã mờ vì thời gian và bụi khói dầu tầu. Mở hé chiếc chăn, chúng tôi bước vào bên trong "phòng”. Ở đây kê chiếc giường sắt, có đủ chăn, đệm, ga, gối. Tóm lại, căn hộ là căn hộ!

Sau khi thu xếp gọn gàng "trên xe", chúng tôi mới kể hết ngọn ngành câu chuyện phiêu lưu vừa qua. Tiếp đến là thảo luận vấn đề muôn thuở: "Sống tiếp thế nào đây?". Chúng tôi thống nhất với nhau, sáng hôm sau cả ba cùng lên gặp xưởng trưởng xin việc làm.

Cuộc sống lao động của tôi bắt đầu. Gavơrin đã qua khoá huấn luyện được nhận làm kế toán viên, còn tôi làm nhân viên kiểm kê cùng ở phòng kế toán. Chúng tôi được phân chỗ ở trong một toa có ghế nằm được gọi rất oai là: "Nhà dành cho cán bộ nhân viên kỹ thuật". Chúng tôi bắt tay vào công việc thật hăng hái, thật tích cực. Chúng tôi cố gắng trong một thời gian nhanh nhất nắm vững chức trách được giao. Bao quanh chúng tôi là một bầu không khí thiện chí và sự quan tâm mà chúng tôi cảm thấy ngay từ đầu. Điều đó đã giúp chúng tôi nhiều trong công việc. Chúng tôi thực sự hài lòng về cuộc sống mới đã bén rễ ở nơi đây. Chỉ biết nói rằng: chúng tôi đã gặp may!

Sau mấy tháng làm việc, tôi nhận được quyết định điều lên phòng chính trị làm bí thư đoàn thanh niên, phụ trách kỹ thuật.

Phòng tổ chức bảo tôi nộp hai cái ảnh mới. Tối hôm ấy tôi lấy chiếc ảnh cũ của tôi ra ngắm kỹ: Hai má lõm sâu...

Rất vui là ảnh in ra trông tôi rắn chắc khoẻ mạnh, riêng vẻ mặt thì như người ta nói đùa: gạch đập không vỡ. Trên ảnh, đôi mắt của bí thư Đoàn phòng chính trị đoạn đường sắt Xibêri -Turkêxtan thật nghiêm nghị, như muốn nói: chớ có lại gần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:00:05 pm »


NHỮNG NĂM LÀ LÍNH

Mùa thu năm 1938, tôi được gọi nhập ngũ vào Hồng quân công nông.

Ở địa điểm tập trung, tôi ghen tị nhìn các bạn cùng tuổi được gọi vào các binh chủng không quân, hải quân, pháo binh và thiết giáp. Nhưng thông thường những người được lấy vào các binh chủng đó đều là những người vạm vỡ "vai năm tấc rộng" - tôi làm sao mà sánh được với họ!

Nhưng tôi lại gặp may.

Ngày nay chúng ta đã đưa vào sử dụng quá nhiều những từ ngoại lai và những khái niệm có vẻ như hiện đại nhất. Ngoài những từ đã làm chán ngấy mọi người như "đa nguyên luận" rồi "đồng thuận"; lại còn "cởi mở", "khoan dung” - thôi thì không thiếu từ gì nữa!

Người ta thay đổi hết thần tượng phương Tây này sang thần tượng phương Tây khác. Ta chỉ nghe thấy rặt những tên: Carrêgi, trường cao đẳng Habbard.

Vào thời ấy đã có những thần tượng khác và những từ khác, nhưng cả lúc ấy và bây giờ tôi sẵn lòng trả lại hết những của lạ này chỉ để đổi lấy một câu chuyện thần thoại duy nhất về chàng Ngốc Ivan. Đã gần một trăm năm chúng ta kiên nhẫn chịu đựng để người ta giày xéo lên các khái niệm như là ý thức tự giác của nhân dân, tâm hồn Nga, tính cách Nga. Người ta chỉ nhắc đến những khái niệm đó vào lúc hiểm nguy chung - như là Xtalin đã khơi dậy trong cuộc chiến tranh Vệ quốc; thế nhưng cũng không nên lợi dụng để đầu cơ một cách trơ trẽn đến thế.

Nhìn lại quá khứ để một lần nữa (không biết lần thứ bao nhiêu rồi!) đánh giá mọi việc một cách tĩnh táo. Tôi không thể không cảm ơn số phận đã dành cho tôi một sự giáo dục truyền thống dân tộc dựa trên nền tảng uy tín thiêng liêng và vững chãi của các nhà kinh điển Nga: Puskin, Gôgôn, Lecmôntốp, Nêcraxốp... Tất cả những tác giả còn lại chỉ là những người kế tục họ. Sự hun đúc truyền thống dân tộc này không chỉ làm nền tảng tinh thần vững chắc cho cuộc sống mà còn là tấm giấy thông hành để tiến vào chiếm lĩnh các lĩnh vực mà không một Carnêgi, một Habbard nào cùng với những đồng sự của họ có thể giúp được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:01:12 pm »


Đối với tôi, một thanh niên còn rất trẻ, thật nhẹ nhàng và sung sướng được tiếp xúc với các thợ máy xe hoả lớn tuổi, những con người tuyệt vời lái những đoàn tàu siêu nặng trên những tuyến đường xa, với những người thợ sửa chữa tài năng nhiều kinh nghiệm và với những bạn bè cùng lứa mới vào làm ở đêpô xe hoả... Tình bạn với họ sau này đã sưỏi ấm suốt đời tôi, và chỉ cần một mẩu tin ngắn cũng đủ làm tôi phấn khởi, chưa nói đến những bức thư kể tỉ mỉ thì tôi luôn tìm mọi cách trả lời ngay, dù cho có bận bịu thế nào chăng nữa. Chính tình bạn đó, ngoài những cái khác ra, đã dạy cho tôi tình yêu sôi nổi, mà sau này không thể rời xa tôi được nữa, đối với công việc sau chiếc bàn nguội đơn giản, đồng thời không chỉ dạy tôi những bài học đầu tiên mà còn hướng tới bí quyết chính của nghề: tay nghề - đó chính là sự sáng tạo hứng khởi.

Khi tôi đến địa điểm tập trung để gặp người phụ trách ủy ban tuyển quân, thực sự tôi cảm thấy không chỉ có mình tôi, mà còn có bao nhiêu con người tuyệt vời khác cùng đến, họ là những đồng chí của tôi.

Tôi nói rằng từ bé tôi rất yêu máy móc kỹ thuật, và cũng có biết chút ít về chúng. Thế còn dáng người thấp bé thì để cho người nào lực lưỡng to lớn mà tôi cùng phục vụ trong xe tăng sẽ được rộng rãi hơn...

Tôi được điều về đại đội huấn luyện lái xe tăng. Chúng tôi được huấn luyện về binh khí kỹ thuật, cũng như các môn quân sự khác, trong đó có huấn luyện đội ngũ. Các cán bộ chỉ huy rất chú ý uốn nắn tư thế, tác phong, trang phục, đi đều trong đội ngũ, biết hát các bài hành khúc. Tóm lại là dạy việc thực hiện chuẩn xác các chức trách theo điều lệnh.

Một lần ở Igiepxk khi Cachia - vợ tôi - đã mất, mọi việc nhà đều do Natasa, con gái út tôi, đảm đương; tôi và thằng cháu ngoại Igor quyết định tặng Natasa món quà nhỏ: chúng tôi sẽ tự nấu một bữa trưa liên hoan. Việc đầu tiên là gọt khoai tây. Khi mới bắt đầu gọt, Igor đã hỏi: "Ông học bao giờ mà gọt nhanh thế, chẳng ai kịp ông!".

Tôi hỏi lại: "Sao lại ở đâu?... Ở Hồng quân chứ còn ở đâu. Khi ông bị phạt phải làm dưới nhà bếp!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:01:40 pm »


Thời gian phục vụ trong quân ngũ cứ thế trôi qua: các buổi lên lớp học khí tài, nghiên cứu mọi chi tiết cơ bản của xe tăng và vũ khí. Cái chủ yếu đối với người thợ máy - lái xe, và có lẽ đối với tất cả tổ lái, là nắm vững "binh khí" và sử dụng thành thạo trong mọi điều kiện. Học lý thuyết kết hợp với thực hành lái, và bắn các loại vũ khí.

Trong thời gian học tập này, tôi đã chú ý ngay đến sự bất tiện khi bắn trung liên TT (Tôcarép Tula), loại này mới được trang bị cho bộ đội tăng.

Loại súng máy này quay tự do không phân biệt bắn ở ngoài công sự tự nhiên hay bắn qua khe hẹp trong xe bọc thép. Mà phải nạp đạn lại, trong khi hộp đạn dung tích nhỏ.

Tôi bỗng nhớ lại khẩu "braoning" bất hạnh của mình và những bài học đầu tiên về vũ khí liên quan với nó... Sử dụng được! Tôi đã làm được "bộ gá" giúp cho khi bắn qua khe trong tháp xe dễ ngắm hơn, nghĩa là có hiệu quả hơn. Hộp đạn tôi đề nghị cải tiến có cấu tạo độc đáo hơn cũng được thông qua.

Tôi làm việc say mê, vào xưởng lúc nào cũng được, miễn là bảo đảm giờ học. Mà những giờ học càng ngày càng nặng.

Lý do là vì tháng 5 năm 1940 Ghêoocghi Konxtantinôvích Giucốp trở thành Tư lệnh quân khu đặc biệt Kiép. Uy tín và tên tuổi của vị tướng Nga vĩ đại này, ngày nay buộc ta phải lục lại trong trí nhớ những chi tiết mà khi nhắc lại ta thấy đều qua rồi.

Còn một đặc điểm nữa nổi bật trong mùa hè và mùa thu năm 40 có liên quan trực tiếp đến việc G.K. Giucốp trở thành Tư lệnh quân khu là công tác phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá được tiến hành rất tích cực và được quan tâm. Trong trung đoàn chúng tôi đã tổ chức một gian trưng bày đặc biệt. Trên đó có treo các tờ rơi ghi các chuyên mục vấn đề nêu ra cho các nhà sáng kiến đơn vị tham gia giải quyết. Mỗi chuyên mục có tính định hướng thực tế trước hết nhằm vào việc cải tiến sử dụng và bảo dưỡng khí tài và trang bị. Các cán bộ chỉ huy đảm bảo duy trì và phát triển bằng mọi cách, bầu không khí sáng tạo trong trung đoàn chúng tôi.

Đáng tiếc là ngày nay tôi đã quên mất tên những người đã đảm bảo cho chúng tôi luôn luôn có điều kiện để tham gia vào các cuộc thi tìm tòi sáng tạo thật đặc sắc hồi đó.

Điều này có lẽ liên quan đến những đặc điểm của "bộ nhớ" của tôi. Khó có thể rút ra ngay được từ trong bộ nhớ đó một chi tiết kỹ thuật nhỏ bé nhất nào đó mà có lẽ bạn chẳng bao giờ cần đến cả. Như là đi ngược lại ý muốn, bộ máy đó lưu giữ lại những tính năng kỹ thuật của các loại vũ khí mà từ lâu thế giới không còn dùng để bắn nữa. Thế nhưng những gì liên quan đến việc nhớ mặt, nhớ tên người, thì quả là tôi có lỗi. Trí nhớ chỉ lưu giữ từng đoạn hồi ức rời rạc nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 11:03:03 pm »


Vào một ngày mùa hè nóng nực, đại đội chúng tôi trở về từ trung tâm huấn luyện. Hình như bụi thao trường luồn lách qua cả vỏ bọc thép thấm vào tận bên trong. Cả tiểu đội phải ra sức lao động để cho từng chi tiết, từng cơ cấu bóng loáng như mới. Vào lúc ấy đại đội trưởng, một người đầy nghị lực vẫn thường xuyên nêu ra các ý tưởng để chúng tôi tìm tòi sáng tạo, gọi tôi ra khỏi hàng và nói chuyện. Ông cầm lấy tay tôi thân mật như người cha rồi hỏi:

- Misa này, cháu đã đến xem thông báo trên giá trưng bày chưa? Thế nào cháu cũng phải xem người ta viết gì ở đó. Thông báo đề nghị những người thợ lành nghề tham gia cuộc thi chế tạo chiếc đồng hồ đo rất cần cho những người lính xe tăng chúng ta. Chắc cháu sẽ quan tâm đến vấn đề này. Mà cháu cũng sẵn có kinh nghiệm...

Cần phải ghi công xứng đáng cho đại đội trưởng chúng tôi, vì ông là người biết rõ đặc điểm cá nhân của từng người chúng tôi, ông biết đi sâu vào tâm hồn con người, biết chạm đúng vào sợi dây tình cảm cần thiết nào đó trong tâm hồn con người. Ông là người phát hiện rất nhanh niềm say mê "sắt thép" của tôi, nguyện vọng tìm hiểu sâu sắc chúng, và cả những dự định rụt rè thiết kế cái gì đó của tôi. Tôi chưa kịp đến đại đội báo cáo, thì đại đội trưởng gặp tôi trên đường đã đưa tôi vào tham gia cuộc thi chế tạo máy đếm quán tính để đếm số lượng thực tế số đạn bắn ra từ pháo. Tôi không đi sâu vào chi tiết, chỉ nói rằng chiếc máy đếm này giúp tăng hoả lực bắn tập cho bộ đội xe tăng.

Trong kho lưu trữ của tôi, thật may mắn, còn giữ được tờ nhận xét gần 50 năm về trước của các chuyên gia về chiếc máy do tôi chế tạo: "Máy đếm đơn giản trong chế tạo và hiệu quả trong sử dụng". Có lẽ đây là sự thừa nhận chính thức đầu tiên về hoạt động sáng chế mới manh nha của tôi. Tôi nhớ lại với lòng biết ơn người đại đội trưởng đầu tiên của tôi đã biết nhận ra thiên hướng sáng tạo kỹ thuật trong con người một chiến sĩ Hồng quân gầy gò, xương xẩu như tôi. Và người không chỉ nhận ra, mà còn tạo điều kiện cho tôi phát triển.

Tôi đặc biệt chú ý đến mục: đề nghị thí sinh tham gia thiết kế đồng hồ định vị sự làm việc của động cơ xe tăng có tải và chạy không. Những chữ sau được in đậm: "Việc chế tạo chiếc đồng hồ nói trên có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đối với các chiến sĩ xe tăng".

Ý tưởng chế tạo chiếc đồng hồ đó đã cuốn hút tôi. Đại đội trưởng đã đến giúp tôi. Ông tạo điều kiện cho tôi tính toán vào giờ tự học, đưa tôi lên xưởng đồng hồ của trung đoàn, tôi thường ở đó vào thời gian rỗi sau khi ăn tối. Tôi không kể lại chi tiết việc chế tạo đồng hồ. Tôi chỉ muốn nói là tôi đã hoàn thành xong trong mấy tháng.

Không biết ai là người sung sướng hơn: tôi hay đại đội trưởng khi tôi báo cáo với ông kết quả này. Tôi xin phép cho thử đồng hồ trên xe tăng của mình. Đồng hồ được lắp vào nhanh chóng. Phải thừa nhận rằng chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi xác định được rằng đồng hồ hoạt động một cách chắc chắn và định vị chính xác sự làm việc của động cơ xe tăng khi có tải và khi chạy không.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM