Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 01:16:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45248 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:21:53 pm »


Con sông nhỏ Lôcchépca chảy qua làng tôi không rộng và không sâu, nhưng hay dở chứng bất thường và có những chỗ nguy hiểm, những vực nước sâu, đến cả người lớn cũng phải sợ. Mặt nước nhìn lặng lờ yên tĩnh, nhưng nó đã từng mang đi nhiều mạng người. Thường thì bọn chúng tôi tránh xa những vực nước ấy. Nhưng chúng không chỉ đe doạ mà còn hấp dẫn, thu hút chúng tôi nữa!... Và một lần chúng tôi tắm ở một đoạn sông không xa vực lắm, tôi đã không kìm được, để trôi xuôi vào vòng xoáy. Đáng lẽ phải cố để ngoi lên, tôi lại thích thú hụp xuống thêm sâu hơn, sâu hơn nữa. Xuống đến đáy sông tôi ngồi bó gối, co rúm người, uống nước, khi mở mắt ra thì thấy phía trước có đám cỏ gì đấy mọc, lá của chúng rập rờn, uốn lượn lên trên. Thật khó nói, tôi đã ở trong trạng thái sững sờ ấy bao lâu... Và bỗng nhiên, với óc tưởng tượng của trẻ con, tôi hình dung ra mẹ tôi đang khóc bên rất đông họ hàng, xóm giềng đến đưa tang đứng thành vòng chật cứng quanh tôi.

Ai cũng bảo rằng: tại ma xui, quỷ khiến lôi kéo thằng Misa xuống vực, chứ nó không thể tự bơi đến đấy... Tất cả những điều đó tôi đã hình dung ra và cảm thấy như có thực! Rồi sau đó điều gì xảy ra tiếp theo tôi không còn nhớ.

Nghe kể lại rằng, vớt được tôi lên bờ, mọi người đặt tôi lên một chiếc chăn mỏng, nâng lên khỏi mặt đất, lắc đi lắc lại như đánh võng để xổ nước ra... Khi bố mẹ tôi chạy đến thì tôi đã hoàn toàn hồi tỉnh. Sự cố này đã để lại dấu ấn trong đời tôi, khiến cho đến tận bây giờ tôi vẫn không biết bơi. Bao nhiêu lần bơi tập, bao nhiêu năm vẫn thế, không vượt qua được cái khuyết tật bực mình này... chỉ mới bơi được năm, mười mét đã hoảng sợ ngoái lại nhìn bờ như nhìn một báu vật thiêng liêng rồi... Đồng thời lúc nào tôi cũng có cảm giác bên dưới là một khoảng sâu thăm thẳm! Thật khó tưởng tượng được rằng, một người đã trưởng thành lại không thể vượt qua nỗi sợ hãi đã trải qua một lần thời thơ ấu. Nhưng đó là sự thật.

Còn một ký ức tuổi thơ nữa: bệnh đậu mùa. Lúc tôi gần năm tuổi thì bị đậu, khắp người đậu mọc dày, suốt ngày đêm ngứa ngáy không yên. Không chịu nổi, tôi cứ muốn cấu nát những cái nốt nhỏ trên người. Bố mẹ tôi cứ đe nẹt luôn mãi: "Bỏ tay ra!... mày mà cào nốt đậu là rồi mai sẽ rỗ như con Xônhia ấy!". Xônhia là cô bé hàng xóm mặt rỗ chằng rỗ chịt cứ y như cái bàn xát khoai. Nhưng có lúc ngứa quá không chịu nổi, tôi đành chấp thuận giống... Xônhia cũng được... Bố mẹ tôi thấy thế liền trói tay tôi lại. Mặc dù bố mẹ tôi đã hết sức cố gắng và tôi đã cắn răng chịu khổ, chịu sở, nhưng dấu vết của căn bệnh vẫn còn lại trên mặt tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:23:17 pm »


Về những năm tháng tuổi thơ, cho dù có khó khăn vất vả bao nhiêu chăng nữa, mỗi khi nhớ lại, suốt đời tôi vẫn thấy bồi hồi xao xuyến... Từ năm bảy tuổi đến chín tuổi, hàng xóm đã mướn tôi dắt ngựa làm đồng. Sáng sớm đi làm khi mặt trời mọc, đến tối mịt mới đi ngủ. Ở Altai giữa mùa hè tối mịt nghĩa là 11 giờ tối. Đêm mùa hè chỉ như một thoáng qua. ngắn ngủi... Lúc ấy tôi không thể tưởng tượng được rằng đến bao giờ mới được ngủ chán mắt. Từ sáng sớm đến đêm, tôi ngồi trên lưng ngựa cày hoặc bừa, cứ nhìn mãi lên trời và lấy làm ngạc nhiên: sao mặt trời lại đi chậm chạp thế?

Chính bản thân chủ tôi làm việc đến "sáu bàn chân", đương nhiên tôi cũng phải theo thế...

Sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời vừa lên, bóng bất cứ ai đều trải dài trên mặt đất, sau đó khi mặt trời bò lên dần, lên dần thì bóng người cũng ngắn dần lại... Đồng hồ lúc ấy không có, giờ nghỉ trưa tính theo độ dài của bóng nắng. Khi nào bóng tôi co ngắn lại bằng đúng sáu bàn chân tôi, thì mới đến giờ nghỉ. Càng gần đến trưa tôi lại càng nhiều hy vọng, cứ tính mãi: một này, hai này!... Cuối cùng tôi reo lên sung sướng, báo tin cho ông chủ: sáu rồi!

Giờ nghỉ chiều cũng quy định "sáu bàn chân". Từ khi mặt trời vượt đỉnh đầu, bóng ngả về phía ngược lại dài bằng sáu bàn chân thì... lạy Trời! Lúc này cái nóng bức chưa hề giảm, còn các con ruồi, con mòng thì lại đeo bám càng dữ dội hơn...

Sau này, đôi khi tôi buồn bã nghĩ rằng: có thể chính vì hồi bé tôi chỉ mong sao cho bóng mình thật ngắn, nên sau này lớn lên tôi không có tầm vóc cao! Thực sự con người tôi đã ăn sâu vào đất, trước khi bắt đầu lê đôi chân không, sáu lần sang phải, sáu lần sang trái... Có biết bao nhiêu ý nghĩ hăng say và ngây thơ đi qua cái đầu nhỏ non dại trong cái thời "sáu bàn chân" cực nhọc ấy của tôi. Đã có bao nhiêu bài hát tôi đã hát từ khi mặt trời lên đến khi mặt trời lặn! Tôi hát để khỏi buồn ngủ và khỏi ngã ngựa. Nhưng đôi khi bài hát cũng không giúp gì được: tôi đã ngã hai lần xuống bừa. Thật may, đôi ngựa mừng vì có cớ để nghỉ đã dừng lại ngay, và bắt đầu đuổi ruồi, muỗi. Đôi lúc, thợ cày đi sau phát hiện ra tôi ngủ gật, liền cho một roi để tôi tỉnh táo trở lại.

Chẳng phải giấu giếm làm gì, nhiều lần tôi đã khóc... Thế nhưng, thật sung sướng biết bao khi làm xong trở về nhà! Bạn bè cùng lứa nhìn tôi với vẻ ganh tị trong lòng, chúng nó nghĩ tôi cao hơn hẳn một cái đầu và già dặn kinh nghiệm sống. Tôi tự hào về điều đó, thầm nghĩ: "Mình biết phải khó nhọc thế nào mới kiếm được miếng bánh mì. Chứ các cậu, còn non nớt lắm...”.

Có thể vào những ngày nóng bức, công việc nhà nông vất vả, tôi đã hát nhiều, hay nói đúng hơn đã gào hết cỡ bao nhiêu bài hát, nên từ bấy đến nay tôi luôn hát một mình một giọng. Vâng, có lẽ thiên nhiên không phú cho tôi "đôi tai nghe nhạc", nên tôi hoàn toàn không có nhạc cảm.

Lần ấy, khi tôi đã là chủ gia đình, nghe giọng hát tuyệt trần của ca sĩ nhỏ tuổi người Ý Rôbetinô Lôretli, tôi nói với các con gái: "Các con có nghe thấy không, trẻ con người ta hát hay đến thế!". Các con tôi trả lời: "Chúng con có gien âm nhạc đâu mà hát được như thế!". Một lời ám chỉ nhẹ nhàng và hoàn toàn có căn cứ. Mặc dù vậy khi có một mình, tôi vẫn khe khẽ hát những bài dân ca Nga cổ. Tôi rất thích các bài dân ca, đặc biệt do các dàn đồng ca nổi tiếng trình diễn hay do các nghệ sĩ có chất giọng dân gian mênh mông hát. Được nghe băng ghi các bài hát của ca sĩ tuyệt vời Liđia Ruxlanôva đối với tôi thực sự là một ngày hội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:24:03 pm »


Nhớ lại tuổi thơ là nhớ lại những buổi đi chơi đêm. Thông thường những gã trai lớn hơn hẹn ngày giờ đi. Chúng tôi tập trung thành nhóm năm - sáu người một. Thỉnh thoảng tôi cũng được đi, trong hội "người lớn" ấy chỉ có tôi là trẻ con. Tôi rất tự hào về điều đó, nó chứng tỏ tôi rất được tin cậy. Các bạn bè cùng lứa ghen tị với tôi – bởi ai chẳng muốn ban đêm được ở ngoài thảo nguyên, nghe những câu chuyện kể say mê đến hút hồn để rồi có khi thao thức cho đến sáng không ngủ...

Thường là thế này: sau khi đến chỗ hẹn, buộc chân ngựa, thả ra bãi cỏ non tươi mênh mông dưới bầu trời sao sáng, rộng. Chúng tôi ngồi quanh đống lửa, bàn luận các sự kiện trong tuần, hát hò, kể những câu chuyện "rùng rợn"... Đến lúc phải có mặt trong các cuộc vui tối ở làng, các gã lớn hơn cứ hai người một ngựa phóng về làng. Trước khi đi họ dặn tôi: hãy nhanh nhanh mà đi ngủ nhé!

Nói dễ thật!... Tiếng vó ngựa vừa im ắng thì một nỗi sợ hãi khủng khiếp bao trùm lấy bạn... Lúc thì nghe như có tiếng sói hú; lúc thì như có bóng đen nào đó lừ lừ tiến về phía bạn; lúc thì bỗng nhiên cảm thấy dưới nệm cỏ có rắn bò; lúc thì tưởng tượng ra tiếng gào thét của ma quỷ! Và thế là tôi cứ co rúm người lại sợ hãi, căng thẳng nghe ngóng, lo lắng nhìn quanh và chỉ biết tự an ủi một điều: các bạn ấy sắp về rồi...

Và, cuối cùng cho đến tận quá nửa đêm mới nghe thấy tiếng họ về. Lúc ấy mới thấy nhẹ nhõm trong lòng, và thật sự hạnh phúc. Ngay đến tận giờ tôi vẫn coi mình lúc ấy là một anh hùng: một mình dám đối mặt với bao nỗi sợ hãi trong đêm tối giữa thảo nguyên! Nhưng tôi sẽ không bao giờ kể lại cho ai sự thật về những ảo ảnh ma quái trong đêm ấy. Các bạn lớn về rồi, còn chuyện trò thì thào mãi, gần sáng mới lăn ra ngủ. Những cuộc chơi đêm của họ đương nhiên là đi giấu, nhưng cha mẹ vẫn đoán biết, và làm ra vẻ không phát hiện ra...

Khi còn niên thiếu, đứa trẻ nào cũng bắt chước người lớn, không cần biết điều đó tốt hay xấu. Vào những buổi tối mùa đông dài dằng dặc, khi ngoài trời gió bão, những người bố - chủ gia đình thường đến chơi với bố tôi. Họ tỉ tê chuyện trò về quá khứ, họ mơ ước về tương lai, đôi khi kéo dài đến tận bình minh. Bọn trẻ chúng tôi nằm trên ổ nín thở nghe những lời luận bàn, những câu chuyện xảy ra có thật với họ. Nếu như chúng tôi không nghe thấy hết, hoặc không hiểu hết những gì mà họ thầm thì với nhau thì cũng chả sao. Chúng tôi thích thú ngắm nhìn họ - những người đàn ông Xibêri lực lưỡng, và khát khao nắm bắt, nuốt lấy một cái gì đó rất riêng trong các thói quen, trong các động tác, điệu bộ và cung cách giao tiếp với nhau của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:25:44 pm »


Ông láng giềng thường đến nhà tôi chơi là một người đàn ông vai rộng, cao lớn đi lại khoan thai. Miệng ông luôn toả khói thuốc, trông đến nghẹt thở. Quan sát ông, tôi giấu kín sự thèm khát trong lòng. Đặc biệt tôi rất thích kiểu hút thuốc của ông, rất đặc biệt, hoàn toàn không giống người khác. Rút gói thuốc ra, ông kẹp vào giữa hai ngón tay trái, hai ngón tay khác giữ một mẩu giấy báo. Tay phải lấy một dúm thuốc trong túi thuốc ra và quấn lại thành điếu rồi dùng môi kẹp lấy điếu thuốc. Ông từ từ rút que diêm trong túi ra, gác chân trái lên gối chân phải, rồi bằng một động tác dứt khoát ông quẹt diêm vào đế ủng. Thời điểm quyết định này làm cho tôi khoái trá đến tột cùng. Với trí tưởng tượng của trẻ con, tôi hình dung ra bức tranh mới: không phải ông, mà chính tôi biết châm thuốc kiểu ấy, làm mọi người xung quanh phải kính phục! Ôi, tôi mong chóng thành người lớn làm sao! Tôi mong được hút thuốc làm sao! Tôi sẽ hút giống hệt ông láng giềng. Và rồi tôi không thể chờ lâu đến thế được...

Một hôm, đứng giữa bè bạn cùng lứa, tôi đã thử "vẽ” lại bức tranh ấy. Tôi lấy ít lá khô quấn như điếu thuốc "thật", rồi cũng... trịnh trọng rút diêm từ túi ra như ông láng giềng, choẹt... không cháy vào đế ủng. Đúng vào lúc quan trọng nhất, hấp dẫn nhất, không thành công, đáng xấu hổ ấy, thì anh cả tôi xuất hiện! Anh ấy cầm tai tôi, lôi về mách bố. Tôi hiểu toàn bộ tình trạng thảm hại của mình nhưng vẫn cứ băn khoăn một ý nghĩ: sao anh tôi biết chỗ "bí mật" ấy? Tại sao anh ấy đến nhìn trộm mà không ai biết? Lời "giảng giải” của bố tôi đã đạt được ý nghĩa giáo dục: cho đến khi trưởng thành, tôi không hề hút thuốc dù chỉ một lần. Bố tôi không áp dụng biện pháp đặc biệt nào như những người khác đã làm. Có trường hợp như thế này: khi phát hiện ra đứa trẻ hút thuốc tự cuốn, bố nó hoặc anh nó bắt nó hút cho đỏ điếu thuốc, rồi cầm lấy và gí đầu đang cháy vào lỗ tai hoặc lỗ mũi đứa trẻ... Phải nói là biện pháp quá khắc nghiệt, nhưng cũng có tác dụng giáo dục!

Tất nhiên cũng không nên nghĩ rằng vì trình độ văn hoá thấp mà thời đó cha ông chúng ta đã dùng những biện pháp ấy.

Tôi nhớ rõ những buổi tối dài lê thê vào những ngày mùa thu xấu trời, hoặc vào những ngày bão tuyết mùa đông. Gió đập vào kính cửa sổ mang theo những hạt mưa li ti, những bông tuyết ướt... Rồi sau đó bắt đầu tiếng gió hú gào rú triền miên. Cơn bãi tuyết từ thảo nguyên tự do tràn vào, đập lên tường như muốn giật tung cửa ra để xông vào nhà... Tấm ván khô trên gác thượng kêu cót két cứ như có người đi trên đó... Ừ, cứ việc đi. Ta không sợ.

Bố tôi miệng tủm tỉm cười, nửa nằm nửa ngồi trên giường đã trải khăn, chúng tôi túm tụm xung quanh ông. Ngọn đèn dầu hoả toả sáng. Nhưng ngọn lửa từ bếp lò hắt ra còn sáng hơn. Những vệt sáng phản chiếu từ các khe cánh cửa lò bằng gang in lên trên tường... Mẹ tôi ngồi bên chiếc giá đỡ bằng gỗ trên có cuộn len lông cừu to tướng, lúc thì phân loại len trong các ngón tay, lúc thì chải len cho trơn. Các chị tôi ngồi cạnh, người thì xe sợi người thì quay guồng sợi. Chị cả Gasa ngồi đan len, còn anh Vich-to ngồi dưới đèn, tay cầm sách đọc “diễn cảm” - chỉ có đọc kéo dài như ngâm thơ thì bố tôi mới ưa - cho chúng tôi nghe về "mảnh ruộng chưa gặt" hoặc đọc chuyện về bảy người đàn ông "ngồi với nhau và tranh luận: ở nước Nga ai là người sống vui vẻ và sung sướng?"

Có lẽ đối với Vich-to, việc đọc thơ thuộc về trách nhiệm hơn là ý thích của bản thân anh: đôi lúc hình như anh nghĩ trầm ngâm về việc gì đó, đọc ngắc ngứ. Trong nhà im phăng phắc... Và Gasa bỗng hoà nhịp, đọc thuộc lòng tiếp bài thơ, còn cha tôi khẽ nâng bàn tay ra hiệu cho Vich-to: rằng, bây giờ thì hãy yên, để Gasa đọc!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:26:40 pm »


Chị Gasa, một người con gái cần cù, hay lam hay làm và thông minh nữa!... Giờ đây việc đi lại thăm hỏi nhau chẳng đơn giản chút nào: cả sức khoẻ không cho phép, cả tiền vé tầu xe, - muốn hay không muốn buộc ta phải suy nghĩ... Lần cuối chị em chúng tôi gặp nhau đã cách đây gần năm năm. Lúc ấy chị tôi đã tám mươi tám tuổi. Bà ca thán với chúng tôi là hoàn toàn "hổng còn chân", đi lại khó khăn... thế nhưng khi nhớ lại ba phần tư thế kỷ trước khi đại gia đình chúng tôi còn ở chung một chỗ, bà đã từng đọc thơ Nêcraxốp... thì bà dựa vào chiếc gậy đứng lên giọng hân hoan lại đọc, đọc lâu,.. Thấy thế các con gái tôi và đứa cháu trai bắt đầu sửa lại tư thế ngồi cho thoải mái hơn, nói: xem ra bà Gasa sẽ còn "kể chuyện" lâu...

Còn khi ấy, trong những buổi tối bão tuyết, nếu Gasa dừng đọc, thì bố tôi lại khe khẽ hát... Chờ một chút mẹ tôi cũng hoà giọng theo, và mời cả nhà cùng hát, trừ tôi. Ai cũng bảo "Misa hát chán ngoài đồng rồi, để khi nào nó hát một mình". Thế là mọi người cùng hát mới vui làm sao!

Thôi thì "Baican thiêng liêng, Baican lẫy lừng", "Bão gầm, sấm nổ”, "Kẻ lãng du chạy từ Xakhalin"... Rồi bài "Chàng trai Kôzăc phi ngựa qua thung lũng, qua miền Capcadơ", không hiểu sao, là bài làm tôi rung động nhất.

Mắt bố tôi nhìn ngấn nước khi ông bắt đầu hát bài "Miền Capcadơ" và cả tôi nữa chẳng hiểu sao cũng thấy xót trong lòng - y như người lớn.

Khi bắt đầu đi học tôi đã biết đọc, biết viết. Điều này có lẽ do lợi thế của gia đình đông con: hoặc anh chị lớn hơn dạy, hoặc tự học lỏm, miễn là không tụt lại sau "người lớn".

Cô giáo đầu tiên của tôi là Dinaiđa Ivanốpna, một phụ nữ đẹp, trung tuổi, có giọng nói nhẹ nhàng, âu yếm. Chúng tôi đều coi cô như người mẹ thứ hai của mình, và ai cũng mong ước được cô khen. Cô thật kiên nhẫn và rộng lượng dạy dỗ chúng tôi, những đứa trẻ nông thôn rất khác nhau về thể chất cũng như về khả năng trí tuệ.

Dinaiđa Ivanốpna đến thăm từng nhà học sinh, xem xét hoàn cảnh gia đình, việc học ở nhà, sở thích từng học sinh, quan hệ bè bạn của học sinh. Nói chuyện với phụ huynh, cô không áp đặt mà chỉ thận trọng đưa ra những lời khuyên về phương pháp giáo dục. Cô thật thương yêu học sinh và mong muốn ai cũng thông minh và tốt bụng. Thật khó nói là ai yêu cô Dinaiđa hơn: chúng tôi - học trò của cô hay là bố mẹ chúng tôi. Uy tín của cô ở làng tôi là tuyệt đối. Nhiều trường hợp bố mẹ chỉ cần nói với đứa con phạm lỗi rằng "Rồi bố sẽ nói với cô giáo!", chỉ thế là đủ để đứa trẻ nhận ra lỗi của mình.

Cô giáo đã tổ chức cho chúng tôi các cuộc đi chơi thú vị, kết hợp với nhiều trò chơi hấp dẫn để giáo dục mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau của học sinh. Trong các cuộc đi chơi, các bạn gái được giao nhiệm vụ nhẹ hơn so với các bạn trai, còn việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thì cô đòi hỏi mọi người phải chấp hành một cách cẩn thận đặc biệt.

Vào mùa đông, giữa các tiết học cô thường hướng dẫn chúng tôi múa vòng tròn. Chúng tôi nắm tay nhau tạo thành vòng tròn nhỏ hơn ở trong. Vòng lớn chuyển động theo chiều kim đồng hồ, vòng nhỏ chuyển động ngược lại. Vòng lớn vừa đi vừa hát "Ta gieo hạt ta gieo hạt...", còn vòng nhỏ thì hát: "Còn ta giẫm nát, ta giẫm nát...”. Trong mọi trò chơi trẻ con trong các giờ nghỉ, bao giờ cô Dinaiđa cũng cùng chơi với chúng tôi.

Lòng yêu mến đối với lao động của người nông dân, tính tự lập cao, giúp đỡ người lớn là những nội dung gắn liền với công tác giáo dục trong nhà trường chúng ta thời ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:27:05 pm »


Tôi cũng có mối tình đầu "trẻ con” với cô bé Dina xinh đẹp. Dina là một nữ sinh được giáo dục tốt, thông minh, chu đáo, người có vở sạch chữ đẹp của lớp. Chẳng giấu gì, lúc đó tôi rất muốn được giống Dina!

Trường chúng tôi hồi đó phát động phong trào "Mỗi học sinh nuôi một con vật theo phương pháp khoa học". Khi biết Dina nuôi một con bê, tôi xin bố mẹ cho nuôi con bê sắp đẻ nhà tôi. Tôi gặp may, chẳng bao lâu nhà tôi có bê con. Tôi thật sung sướng báo với cô giáo, để cô ghi khẩu phần ăn cho bê trong hai tuần tới. Bố mẹ cho phép tôi đặt tên cho con bê. Tôi gọi nó là "Người đẹp". Quả thật nó xứng đáng với tên gọi này: mình nó đen tuyền, giữa trán điểm nốt đốm trắng xinh xinh và cặp mắt trông thật khôn ngoan và trìu mến. Tôi đã đăng ký thi đua: "Ai có con vật tốt nhất".

Cô Dinaiđa thường xuyên kiểm tra xem chúng tôi có vi phạm định mức cho ăn và "hướng dẫn chăn nuôi gia súc sơ sinh theo khoa học" hay không. Và một lần cô đến nhà tôi kiểm tra, cô nói: "Tôi không đến một mình, có người giúp việc đi cùng". Tôi thật ngỡ ngàng Và vui sướng khi nhìn thấy cô bạn gái của mình cạnh cô giáo. Dina đứng đấy, mặt đỏ tưng bừng vì giá lạnh mùa đông, hay vì bối rối và cô làm ra vẻ quan trọng? Cô ấy chỉ có một lần, làm ra vẻ như vô tình nhìn sang phía tôi. Lúc ấy trong lòng tôi rạo rực niềm xao xuyến, khiến không thể tập trung tư tưởng được để báo cáo thành tích của mình.

Mẹ tôi đã hiểu cả, giúp tôi giới thiệu con bê của tôi với khách. Cô Dinaiđa hỏi, mẹ tôi trả lời. Tôi và Dina cả hai đều bối rối, chỉ biết đứng lặng im. Cô bé với vẻ thích thú đặc biệt cứ ngắm nghía mãi "Người đẹp" mà không một lần ngó sang phía tôi.

Trước khi về, cô Dinaiđa có lời khen tôi, còn Dina thì nói lí nhí: "Bạn nuôi... con bê tốt thật". Tôi đỏ mặt... Tôi nghĩ, thế là tôi và Dina đã tỏ tình. Và mẹ tôi cũng hiểu như thế. Ôm Dina, mắt nhìn sang tôi, mẹ tôi nói đầy ý nghĩa: "Đây là công của nó cả, của Misa nhà chúng tôi đấy!". Chia tay xong, khách đi khỏi, tôi lặng lẽ, không để cho ai thấy, vào buồng đứng bên cửa sổ nhìn mãi theo họ...

Tình bạn thời niên thiếu của chúng tôi kéo dài không lâu... Một lần vào cuối mùa hè, khi tôi đi làm đồng về, mẹ tôi, như vô tình, nói rằng Dina cùng với gia đình đã chuyển sang làng khác ở rồi... Tôi không muốn tin vào điều này!

Sau này tôi mới biết, gia đình Dina bị buộc phải chuyển chỗ ở, tôi sẽ kể rõ hơn trong chương "Chiếc hộp đen". Còn ở chương này tôi sẽ viết về việc gia đình chúng tôi sắp phải chuyển đi Xibêri xa xôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:27:30 pm »


Năm tháng trôi qua. Từ một cậu thiếu niên mơ mộng tôi đã trở thành một chàng trai - vẫn mộng mơ... Tốt nghiệp Trung học, tôi suy nghĩ về số phận tương lai: làm gì đây? Không hiểu sao mọi người đều cho rằng, số phận tôi đã được định đoạt từ trước: dứt khoát tôi sẽ trở thành nhà thơ.

Từ năm lớp ba tôi đã làm thơ. Thật khó nói rằng trong suốt thời gian đi học tôi đã viết được bao nhiêu: thơ ca, tranh biếm hoạ, và thậm chí cả kịch mà có vở đã được diễn ở trường. Quyển sổ tay và cái bút chì là những người bạn đồng hành thường xuyên suốt ngày đêm của tôi. Đôi khi, bất ngờ tôi thức giấc giữa đêm khuya, rút sổ và bút từ gối ra viết mò trong đêm tối những dòng thơ mà sáng hôm sau phải cố gắng lắm mới đọc được.

Trong số các bạn bè, tôi được công nhận là nhà thơ nổi tiếng nhất làng. Nhưng, như sau này cuộc sống đã chỉ rõ, tôi đã phụ hy vọng của bạn bè đồng hương.

Thật hết sức ngạc nhiên đối với mọi người, tôi trở thành "nhà kỹ thuật". Tuy nhiên lòng say mê sáng tác sau này vẫn theo tôi suốt cả cuộc đời.

Thời gian trong quân ngũ, tôi đã sáng tác được một số bài thơ gửi cho báo quân đội. Những bài thơ ấy đã được in. Sau đấy vào năm 1940, tôi được cử đi Kiép dự cuộc gặp mặt các nhà văn trẻ quân đội.

Tôi còn nhớ trên chủ tịch đoàn có các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thời đó tham dự. Hội nghị tiến hành phân tích các tác phẩm của các nhà văn trẻ. Có nhiều ý kiến nghiêm túc, nhưng cũng có cả những ý kiến khôi hài. Các nhà văn - chiến sĩ trẻ nhiều lần nhất loạt cười vui vẻ khi từ trên sân khấu nêu ra những sáng tác còn non nớt của chính họ. Nhưng cũng có những người, mặc dù vốn từ vựng không lớn, nhờ có đôi cánh tưởng tượng phong phú mà đã bay đi quá xa cứ tưởng mình đã sáng tác được "tuyệt tác" thực sự. Tôi còn nhớ phòng họp nổ tung một trận cười, khi được nghe đọc một tác phẩm của một chàng trai người Tula so sánh người yêu vừa đẹp người lại đẹp nết của mình với chiếc ấm xamôva Tula yêu quý của anh.

Nhưng mọi điều đó không làm mếch lòng các tác giả trẻ, vì mọi sự đánh giá, phân tích đều có tính giáo dục, bổ ích và chân thành. Cũng có những tác phẩm viết hay gần như nhà văn chuyên nghiệp.

Tôi phải thú nhận rằng, lòng ham mê sáng tác của tôi theo năm tháng có giảm dần, nhưng không hề mất hẳn. Khi đã trở thành công trình sư nổi tiếng, đôi khi tôi "cho ra đời" những bài thơ hài hước, đa phần vào những dịp lễ hội long trọng hay những ngày kỷ niệm của bạn bè.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:29:14 pm »


Năm 1972, vợ chồng tôi bay đến Tula để nhận học vị tiến sĩ khoa học kỹ thuật phong cho tôi do có "một loạt các công trình". Trong suốt thời gian bay, tôi và vợ tôi đã trao đổi những câu thơ hài hước. Vợ tôi , thỉnh thoảng cũng làm thơ và trong giới bè bạn được phong là một "nhà thơ gia đình".

Chiếc máy bay mà chúng tôi bay nhỏ xíu, rung mạnh, nhưng điều mà chúng tôi quan tâm lại là: liệu các đồng chí Tula đã cân nhắc kỹ chưa, liệu chúng tôi có "bảo vệ” được không, hay là chúng tôi phải về tay trắng. Thế là tôi viết lên tờ giấy:

Ầm ầm tiếng rú phi cơ
Vang lên khắp chốn, nghĩ là chuông thi
Tiếp sao "con rệp" Tula
"Ôkê"! "Đóng móng" hay ta ra rìa?

Đối với người Tula thì đề tài về người nghệ nhân thuận tay trái trong truyện của Leskov đóng móng ngựa bằng những chiếc đinh "bọ chẹt" tuyệt vời của anh là một đề tài rất đáng tự hào. Người Ijepsk chế tạo vũ khí chúng tôi cũng không chịu kém. Hàng thế kỷ chúng ta đã cùng nhau ganh đua trong nghề thủ công và cả trong những câu châm ngôn cửa miệng. Trong thời gian chuẩn bị sản xuất hàng loạt tiểu liên AK-47, đại diện quân đội Vôinarốpxki làm việc cùng chúng tôi ở Ijepsk, sau ông chuyển về Tula. Nhân ngày sinh lần thứ 50 tôi có viết tặng ông bài thơ:

      Ngày trước ông cùng tôi
      Thử súng ngoài khe đồi
      Tula nay bạn mới
      Tìm "rệp" cũ cho đời
      Ông tìm rồi sẽ thấy
      Trên móng ngựa sáng ngời
      Những chiếc đinh không gỉ,
      Mang đến tự quê tôi,
      Bàn tay người thợ giỏi
      Giữ chữ tín từng giờ
      Cho mỗi chiếc đinh sắt
      Ký hiệu chữ I-zờ (Izepxk)


Cuộc "bảo vệ" đã thành công. Các nhà bác học Tula nhất trí và thân ái phong học vị tiến sĩ kỹ thuật cho tôi. Tôi thật sung sướng khi được dự cuộc picnic tổ chức ngay sau khi bảo vệ. Thật là một cuộc chiêu đãi cả thế giới! Nếu không phải cả thế giới, thì cũng cho cả Tula, đúng là như vậy!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:29:43 pm »


Nhưng sao tôi lại kể chuyện về chuyến đi Tula và về vợ tôi ngay sau câu chuyện buồn về mối tình đầu không thành ấy?... Thường thì những tình cảm ban đầu trẻ con rồi sẽ chuyển sang mối tình "thật sự" khi trưởng thành và chuyển sang người vợ - người bạn... Hoá ra phần tình cảm của người vợ - người bạn đã vô tình gợi đến mối tình trước, thời trẻ trung của mình?

Tôi không biết điều gì đã xảy ra với Dina, khi cô cùng với gia đình buộc phải rời quê hương bản quán để đến một vùng xa lạ ở phương Bắc xa xôi... Cachia từ lâu cũng đi ở nơi khác, còn xa hơn nữa...

Sự thống nhất mọi mặt, sự cô đơn được dung hoà đã lên tiếng trong tôi? Hay đây là một ý tưởng đối lập với con người tôi? Kể cả những bài thơ không thành của tôi nữa...

Sự thật thì có thể tôi đã thành nhà thơ nếu như không có chiến tranh...

Những năm tuổi thơ, tôi rất mê say kỹ thuật. Kiếm được bộ phận máy móc hỏng nào đó, là tôi dành thời gian để tìm hiểu nghiên cứu... Đầu tiên tôi mang về nhà, giấu kín chắc chắn trên gác, rồi lựa thời cơ mang xuống, lấy dụng cụ của bố tôi trong kho mang máy ra khỏi nhà. Ở đó tôi vặn, tôi xoay, tháo: tôi rất háo hức muốn biết, chi tiết này đã làm việc như thế nào và tại sao giờ nó không làm việc? Thường thì tôi không chữa được máy hỏng. Trường hợp chữa được, thì tôi hết sức hài lòng và tự hào vì mình đã trở thành người chiến thắng!

Tất nhiên người nhà rồi cũng biết những mày mò bí mật của tôi. Nhưng tôi chỉ tự nói ra khi nào có kết quả. Như thế sẽ đỡ xấu hổ vì thời gian bỏ ra vô ích, trong khi việc nhà, việc đồng cả nhà làm không xuể! Thời gian đó tôi cảm thấy ngoài máy móc ra tôi chẳng thích việc gì khác.

Vài tháng sau khi về Curia, tôi và Gavơrin cùng ở trạm máy kéo, tôi bắt tay vào nghiên cứu khẩu "brao ning" mà Gavơrin mang theo từ quê! Tôi trịnh trọng, cẩn thận mở gói giẻ bọc "cái gì đó" xa lạ với tôi: thật đáng sợ và thật thú vị! Tay tôi run run bắt đầu tháo cái đồ vật kỹ thuật - huyền diệu ấy. Các chi tiết đều bị gỉ, nhưng tôi tháo ra khá nhanh. Trước mắt tôi mở ra cả một thế giới máy móc mới - thế giới vũ khí! Hình như tất cả các chi tiết của khẩu Braoning đều hoàn hảo, đều được chế tạo thật đơn giản và thật đẹp. Tôi dùng gạch đập nhỏ mài những chỗ bị han gỉ sạch sẽ, rồi lắp lại, rồi lại tháo ra và lắp lại. Cầm khẩu súng trong tay, tôi khát khao muốn bắn thử, kiểm tra sự hoạt động của nó. Nhưng lấy đâu ra đạn, không biết Gavơrin có không?... Hoặc có nhưng anh ấy không dám đưa vì biết khả năng tôi có thể chữa được súng. Tôi đành giấu khẩu súng lẫn vào đống đồ đạc cũ. Nhưng có ai đó đã đánh hơi được nó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:30:10 pm »


Ít hôm sau, một người công an đến nhà tôi. Sáng hôm sau tôi đã phải ngồi trong phòng giam có song sắt. Trước sau tôi chỉ khẳng định có một điều: ''Tôi không hề có khẩu súng lục nào cả!"

Bây giờ nhớ lại, mới thấy thời ấy phức tạp thật... Mà cũng phải thú nhận rằng, việc đó không chỉ do lỗi của tôi mà là lỗi của cả gia đình tôi nữa. Các chị tôi đến thăm và mang đồ ăn cho tôi đã khéo léo dỗ tôi mang nộp cái của bất hạnh ấy đi. Nhưng tôi đứng vững, không thay đổi ý kiến.

Bị giam mấy ngày mà tôi tưởng như vô tận. Thỉnh thoảng tôi lại có ý định chạy trốn. Tôi bắt đầu vạch kế hoạch hành động, nhưng chẳng bao lâu sau thấy rằng không thể thực hiện nổi được.

Tôi nhớ lại những bài thơ của mình, đọc thành tiếng, và cay đắng nghĩ rằng: "Sao cuộc sống lại đẩy mình từ lĩnh vực thi ca dịu dàng sang tư duy kỹ thuật khắc nghiệt thế?".

Sau này nhớ lại, hồi ấy tôi đã mất mấy năm mày mò gian khổ với ý định chế tạo một động cơ vĩnh cửu. Thế rồi, tôi không sao hiểu nổi, tại sao lại không thể đưa nó vào trạng thái làm việc được? Tôi đưa cho mọi người xem các bộ phận của máy ai cũng nhất trí bảo: nó sẽ làm việc.

Chính trên cơ sở này tôi đã kết thân với một giáo viên vật lý tuổi đã kha khá, mà sự có mặt của ông ở vùng chúng tôi là một bí ẩn. Ông tách riêng những học sinh có năng lực kiến thức riêng và gọi tên theo lối cổ, tôi được ông gọi là: Kalasnhicốp Mikhain Timôphêep. Đương nhiên ông là cố vấn kỹ thuật chính của tôi và đồng thời là người phản biện nghiêm túc nhất. Một hôm, sau khi lục xem các chi tiết tháo rời của chiếc động cơ tương lai mà tôi mang đến trường, và xem xong các "bản vẽ" của tôi, thầy trầm ngâm nói: "Mikhain Timôphêep, em có hiểu những bộ óc nổi tiếng nhất thế giới từ khá lâu đã có chung một ý kiến rằng không thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu… Thế nhưng em lại cố chứng minh điều ngược lại!”.

Một số người biết tôi từ lâu, thường khẳng định rằng, tôi có một đặc điểm bẩm sinh bộc lộ rất sớm từ lúc còn trẻ: đó là không chỉ biết chứng minh lẽ phải của mình mà còn biết "truyền bá" và thực hiện nó bằng chính tâm gương của mình, bằng chính sự say mê đến mức "thái quá" của mình. Có lẽ là như thế thật. Nhưng liệu tôi có tiến được xa không, khi mà chỗ tôi ở cách ga xe lửa gần nhất cũng mấy chục cây số, khi mà mỗi "mảnh đất" đều phải đi xin, đi đổi, hoặc phải mua... Lại nhớ, hồi bé tôi mỏi cổ đi tìm "quả bánh mì" trên cây, trong khắp rừng lân cận, và nay tôi như con chó săn, lùng sục tìm kiếm sắt thép phế thải không còn thiếu ngóc ngách nào!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM