Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:18:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975)  (Đọc 42639 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:40:26 am »


        Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, với những nét độc đáo của mình đã cho phép tiến hành chiến tranh trong nền kinh tế của ta còn lạc hậu rất nhiều so với kẻ địch. Nghệ thuật đó coi trọng nhân tố chính trị tinh thần, phát huy cao độ vũ khí và trang bị có trong tay của nhân dân và các lực lượng vũ trang, chú trọng lập thế, dùng mưu, tạo và tận dụng thời cơ để tiến công diệt địch, giữ gìn và phát triển lực lượng của ta. Với nghệ thuật quân sự đó, quân và dân ta đã làm cho kẻ địch xâm lược, mặc dù có đông quân, nhiều súng, không sao phát huy được sức mạnh theo ý muốn của chúng. Trái lại nhân dân ta đã làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “dùng tinh thần hăng hái của toàn dân để tìm cách giải quyết sự thiếu kém về vật chất”1. “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc xuổng, gậy gộc”2. Theo giời kêu gọi đó, đồng bào cả nước tự vũ trang cho mình, tự tạo ra vũ khí, cùng đứng lên đánh giặc. Trong khi nền kinh tế của nước ta còn yếu kém, chưa đủ sức giải quyết vấn đề trang bị vũ khí ngay cả cho một số đơn vị chủ lực thì cuộc chiến tranh do kẻ thù buộc nhân dân ta phải chấp nhận vẫn được tiến hành. Ta không có trang bị đầy đủ ngay lúc đầu, không có máy bay, xe tăng và các loại vũ khí hiện đại như kẻ địch, nhưng ta vẫn đánh được ở khắp nơi, không cho chúng thực hiện được kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”. Trong khi ở các nước công nghiệp, bánh xe đã thay cho vó ngựa, điện lực đã thay cho cánh buồm, súng pháo thay cho cung nỏ, đầu đạn thay cho tên tre, thì ở Việt Nam những khẩu súng trường kiểu cũ, súng khai hậu, súng kíp, những gậy tầm vông, tên nỏ cùng với hầm chông, bẫy đá… do nhân dân tự tìm kiếm hoặc tự tạo ra và sử dụng trong chiến đấu vẫn phát huy được sức mạnh làm cho quân xâm lược bị tiêu diệt và tiêu hao ở khắp nơi. Nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam không đòi hỏi du kích phải đánh lớn, đánh tập trung. Chắc thắng mới đánh. Đánh khắp nơi, đánh bằng lực lượng nhỏ là phổ biến. Khi có điều kiện thì du kích phối hợp với bộ đội tập trung cùng đánh. Ta đánh lúc nào, đánh ở đâu, đánh như thế nào, kẻ địch không sao lường được. Ta đến hay đi, địch không sao thấy hình bóng, không sao phát hiện nổi. Nhờ nghệ thuật đó mà lúc mới kháng chiến, tuy chưa có bộ đội chủ lực đông và mạnh, dân quân du kích chưa được huấn luyện nhiều, nhưng ta đã hãm được địch vào thế trận hiểm hóc của chiến tranh nhân dân. Điều này, những nhà chiến lược quân sự trong các quân đội xâm lược không thể hiểu được, do đó không đánh giá được sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Rõ ràng là dù trang bị vũ khí còn ít ỏi thô sơ, nhưng với ý chí chiến đấu kiên cường, với đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, quân và dân ta có điều kiện triển khai kế hoạch kháng chiến lâu dài, tổ chức công tác hậu phương về mọi mặt. Vì vậy hậu phương của ta trong hai cuộc kháng chiến đã hoàn thành được những nhiệm vụ rất nặng nề, bảo đảm cho ba thứ quân, đặc biệt là Quân đội nhân dân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa trưởng thành nhanh chóng và vững chắc.

        Trên mặt trận quân sự, kết quả của các trận đánh, các chiến dịch không những đem lại cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu mà còn bổ sung dần dần cho các lực lượng vũ trang nhân dân những vũ khí, khí tài và nhiều loại trang bị vật chất khác mà quân đội ta đang rất thiếu.

        Trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... những thắng lợi mỗi ngày một lớn đã động viên toàn dân và toàn quân tiếp tục khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Kẻ địch phải đối phó không những trên mặt trận quân sự mà cả trên các mặt trận khác. Tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược càng sớm bị bóc trần làm cho hậu phương của chúng ở ngay chính quốc ngày càng mất ổn định và dẫn tới rối loạn: phong trào phản chiến ngày càng lan rộng, mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền ngày càng gay gắt. Hậu phương đã như thế tất nhiên sẽ gây ra nhiều khó khăn và bối rối cho hậu cần của quân đội, cho tinh thần và hành động tác chiến của binh sĩ trên chiến trường. Dư luận trong nước và thế giới lên án “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” mà đế quốc Pháp tiến hành ở Đông Dương, lập ra tòa án quốc tế để xử tội đế quốc đã gây ra nhiều tội ác trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chiến tranh càng kéo dài, địch càng bị tổn thất lớn. Các tướng chỉ huy quân viễn chinh trên chiến trường lúc nào cũng đòi tăng quân, thêm vũ khí, nâng ngân sách quân sự và luôn luôn phàn nàn “không có được hậu phương vững chắc để trông cậy”3. Phải đối phó với kiểu chiến tranh “kỳ lạ” mà họ chưa từng được học ở bất kỳ học viện quân sự nào của các cường quốc tư bản giàu mạnh, các tướng lĩnh được cử sang cầm quân để xâm lược Việt Nam đều ngỡ ngàng, lúng túng, không tìm ra được cách gì để đánh ngã đối phương.

-------------
1. Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tr.105.

2. Hồ Chí Minh Tuyển tập, Tập I, tr.403.

3. Hăng-ri Na-va, Thời điểm của những sự thật, Nxb Plông Pa-ri, 1979, tr.251.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:41:41 am »


        Trong khi đó cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển theo phương châm đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến tranh ác liệt. Kẻ thù gây cho quân và dân ta rất nhiều khó khăn và tổn thất, nhưng thế đứng của hậu phương ta vẫn vững vàng. Có hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, hậu phương của từng chiến trường, có căn cứ tại chỗ của những lực lượng kháng chiến, căn cứ du kích, căn cứ “lõm” trong vùng địch tạm chiếm, cơ sở cách mạng ngay ở nơi mà địch cho là đã “bình định” xong. Kẻ thù thấy rõ sự lợi hại của hậu phương ta nên tìm mọi cách đánh phá. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, không có nơi nào trên đất nước Việt Nam mà máy bay Hoa Kỳ không thể tới đánh phá được. Miền Bắc, hậu phương lớn của tiền tuyến lớn càng bị đánh phá dữ dội. Ngoài thủ đoạn dùng bom đạn, địch còn phá hoại hậu phương ta bằng chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp hòng gây hoang mang, dao động, làm sa sút ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Vì vậy sự ổn định và vững chắc của hậu phương luôn luôn bị thử thách. Chiến đấu bảo vệ hậu phương, bảo vệ các căn cứ kháng chiến là một nhiệm vụ lớn được đặt ra trong suốt quá trình chiến tranh. Ranh giới giữa hậu phương và tiền tuyến trên chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ biến hóa khôn lường. Việc giành đi giật lại giữa ta và địch nhằm giữ dân, giữ địa bàn hoạt động, tạo thế đứng có lợi làm cho hai mặt chiến đấu và xây dựng, đánh địch và phát triển lực lượng ta, tiến công để làm chủ, làm chủ để tiến công gắn chặt với nhau. Hoạt động của tiền tuyến và hậu phương vì thế luôn luôn phối hợp và hỗ trợ cho nhau. Khái niệm về hậu phương trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ cũng vì thế được mở rộng ra nhiều, phù hợp với quan điểm chiến tranh nhân dân Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh. Hậu phương không còn là đối xứng của tiền tuyến theo nghĩa cổ điển, cũng không thể được xác định chỉ bằng yếu tố không gian. Một khi toàn dân đã đồng tâm nhất trí đứng lên kháng chiến, thì đương nhiên ở đâu có người Việt Nam kháng chiến hoặc hướng về kháng chiến dù ở nước ngoài thì ở đó có nhân tố hậu phương của ta. Kháng chiến là do toàn dân tiến hành với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, cho nên ở đâu có giặc, ở đâu giặc đến, ở đó có lực lượng đánh trả, ở đó là tiền tuyến, khi giặc bị diệt hoặc phải rút đi thì ở đó dân ta lại làm ăn theo điều kiện thời chiến, vừa củng cố hậu phương, vừa sẵn sàng chiến đấu. Ở nơi nào địch vẫn chiếm đóng mà còn có dân sinh sống thì ở đó có lực lượng kháng chiến, có chỗ dựa của cách mạng. Đồng bào ta ở đây, mặt đối mặt với quân thù, vận dụng các hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp, công khai và bí mật đã biến hậu phương của địch nhiều khi thành tiền tuyến đấu tranh trên các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Khi có điều kiện và thời cơ còn có thể dùng hình thức đấu tranh vũ trang. Ở những vùng như thế, hậu phương của địch cũng là nơi luôn luôn xảy ra nhiều cuộc đấu tranh, cũng là nơi tổ chức cách mạng hoạt động. Tiền tuyến cũng là hậu phương. Hậu phương cũng là tiền tuyến. Đó là “hiện tượng kỳ lạ” trong hai cuộc chiến tranh chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Hình thái xen kẽ rất phù hợp với tính chất hoạt động của chiến tranh nhân dân. Công tác xây dựng hậu phương gắn liền với việc phục vụ chiến đấu tại chỗ đồng thời còn tạo điều kiện khai thác nguồn cung cấp ngay trong lòng địch để khuyển ra vùng tự do. Có những vùng hậu phương thường xuyên phát huy tác dụng. Có những vùng phát huy tác dụng từng lúc. Có những vùng lúc này dường như “nằm im”, lúc khác lại hoạt động mạnh. Hình thức hoạt động mỗi vùng rất phong phú, có giống nhau, có khác nhau.

        Trong cả hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, ngay từ đầu địch đã bị lâm vào thế cài răng lược trên quy mô cả nước cũng như trên từng khu vực. Lực lượng của chúng bị căng ra. Có quân số đông, nhưng số đơn vị cơ động chiến lược lại thiếu nghiêm trọng.

        Thế xen kẽ giữa ta và địch đương nhiên cũng gây cho ta không ít khó khăn nhất là về giao thông liên lạc, về tiếp tế, vận chuyển, song vì ta chiến đấu trên nước mình, có nhân dân đùm bọc nên có thể khắc phục được nhiều khó khăn xây dựng được thế liên hoàn giữa hậu phương và tiền tuyến, giữa các chiến trường với nhau và tận dụng thế xen kẽ để đánh địch, phát triển chiến tranh du kích cũng như tổ chức những trận đánh của bộ đội tập trung. Trái lại, thế xen kẽ gây cho địch vô vàn khó khăn mà không không sao vượt qua được vì phải chiến đấu ở một chiến trường xa lạ, ở đâu, đi đâu cũng bị đánh. Vận chuyển, tiếp tế, giao thông liên lạc đều gặp nhiều trở ngại, dễ bị gián đoạn, cắt đứt. Quân đồn trú cũng như quân cơ động luôn luôn nằm trong thế bị bao vây. Chiến tranh du kích phát triển trong vùng địch cũng như xung quanh các đồn bốt làm cho chúng bị què, mù, đui, điếc, bị mệt mỏi, bị tiêu hao, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tập trung được lực lượng đánh vào những chỗ địch sơ hở. Nếu địch thường xuyên đánh phá các căn cứ và hậu phương của ta thì trong vùng chúng tạm chiếm cũng không có nơi nào được an toàn tuyệt đối. Nhiều kho tàng, sở chỉ huy, sân bay, nơi cư trú của các sĩ quan, đường giao thông chiến lược, công sở... đều bị đánh phá không biết bao nhiêu lần. Ngày cả sứ quán Mỹ, nơi được canh phòng rất cẩn mật cũng bị tiến công và tổn thất nặng nề. Tinh thần binh sĩ trong quân đội xâm lược và quân ngụy, nhân viên trong chính quyền bù nhìn, kể cả những tên ngoan cố, vì thế mà ngày càng sa sút.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:45:20 am »


*

*      *

        Việc xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương đã được tiến hành theo phương châm từ yếu đến mạnh, từ nhỏ đến lớn. Bằng việc xây dựng như thế, hậu phương có thể đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh nhân dân để đánh thắng kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “trong cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”1. Chân lý này đã được chứng minh qua thực tiễn đấu tranh của Cách mạng tháng Tám và thời kỳ bảo vệ chính quyền nhân dân từ 19 tháng 8 năm 1945 đến khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19 tháng 12 năm 1946. Tinh thần cách mạng của toàn dân kiên quyết chống ách nô lệ của thực dân, sẵn sàng hy sinh để giữ vững thành quả cách mạng đã phá tan âm mưu lật đổ của các loại kẻ thù lúc đó có lực lượng quân sự đông và mạnh hơn ta rất nhiều. Bài học về dựa vào sức dân đã tạo nên niềm tin ngày càng vững chắc cho nhân dân cả nước thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng. Quán triệt đường lối đó, toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Toàn dân vừa đánh giặc vừa củng cố hậu phương. Vì vậy nói hậu phương là nói đến vai trò của nhân dân. Nhân dân vừa là chủ thể trong việc xây dựng hậu phương, vừa là đối tượng phục vụ của hậu phương để kháng chiến đến thắng lợi.

        Nhân dân Việt Nam vốn có bản chất dân tộc cao đẹp, lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm từ lịch sử hàng nghìn năm nên có đầy đủ sức mạnh và mưu trí để xây dựng và tổ chức hậu phương vững mạnh. Từ khi chính quyền về tay nhân dân, sức mạnh giáo dục và tổ chức của cách mạng càng làm tăng thêm khả năng hành động thực tiễn của nhân dân ta.

        Kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa cách mạng và khu giải phóng từ thời kỳ tiền khởi nghĩa cho thấy rằng hậu phương vững chắc trước hết và chủ yếu là ở lòng dân. Có dân là có tất cả. Vì vậy nói xây dựng hậu phương trước hết là nói đến phát động và tổ chức nhân dân các dân tộc trên mọi miền đất nước tích cực thực hiện nhiệm vụ đó. Hậu phương mạnh là do dân cùng chung sức lo vun đắp nên. Được thắng lợi của Cách mạng tháng Tám cổ vũ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân một lòng đứng lên kháng chiến. Song chiến tranh chống đế quốc xâm lược là một hình thức đấu tranh mới mà nhân dân ta chưa có kinh nghiệm. Nhiệm vụ kháng chiến đòi hỏi mọi người Việt Nam phải có tinh thần cách mạng triệt để, ý thức trách nhiệm cao, năng lực hành động giỏi. Vì vậy xây dựng hậu phương là hướng vào bồi dưỡng sức dân, động viên dân góp sức càng nhiều cho kháng chiến đồng thời lại không làm cạn nguồn lực.

        Để đạt được những yêu cầu trên, công tác chính trị được triển khai bằng nhiều hình thức nhằm đoàn kết toàn dân để kháng chiến đến thắng lợi. Mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng trên cơ sở nông liên minh dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân. Công tác giáo dục chính trị được tiến hành thường xuyên. Nhờ đó trình độ giác ngộ cách mạng của đồng bào cả nước được nâng cao, quyết tâm kháng chiến được củng cố ngày một vững chắc thêm. Mọi người, trừ một số Việt gian bán nước, đều biết phân rõ ranh giới giữa bạn, thù và ta, nhận rõ sự nghiệp chống đế quốc xâm lược là chính nghĩa, cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc đang tiến hành để chống nhân dân Việt Nam là phi nghĩa. Được thử thách rèn luyện trong thực tế đấu tranh, nhân dân ta có bản lĩnh chính trị vững vàng. Những thủ đoạn lừa bịp, chia rẽ của kẻ thù đều bị đồng bào và chiến sĩ ta vạch trần và đập tan rất kịp thời. Tư tưởng được giải phóng, ý thức chính trị được nâng lên làm cho toàn dân hăng hái đi vào cuộc kháng chiến với lòng tự hào của người dân làm chủ đất nước mình, với niềm tin quyết thắng. Tư tưởng cách mạng ngày càng được quán triệt sâu sắc đã thúc đẩy mọi người thêm tích cực, sáng tạo vượt qua khó khăn, khắc phục nhiều trở ngại trong kháng chiến nói chung và trong xây dựng hậu phương nói riêng.

---------------
1. Hồ Chí Minh Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, Tập 1, tr.429.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:47:09 am »


        Việc nâng cao trình độ chính trị cho toàn dân là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp mở mang dân trí. Dân trí không thể cao nếu nhãn quan chính trị của quần chúng nhân dân không được mở rộng, trình độ xem xét và đánh giá các vấn đề chính trị thiếu nhạy bén và chính xác. Song việc mở mang dân trí không chỉ dừng lại ở giáo dục chính trị. Kiến thức về mọi mặt của từng người lao động trên mọi miền đất nước cần được mở rộng để có thể tiếp cận những thành tựu văn hóa và tham gia tích cực vào các lĩnh vực khác nhau của cuộc kháng chiến cũng như của đời sống xã hội. Vì vậy ngay từ khi chính quyền nhân dân được thành lập và trong quá trình kháng chiến, Đảng và Chính phủ ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã quan tâm đến việc xây dựng nền văn hóa mới, chăm lo đời sống văn hóa ở cơ sở. Nạn mù chữ được giải quyết. Giáo dục phổ thông được phát triển. Trình độ học vấn của mọi người được nâng lên làm cho việc phổ biến tin tức chiến sự, tình hình thế giới và trong nước đạt được hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó, việc động viên toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thêm thuận lợi.

        Cuộc sống kháng chiến còn rất mới mẻ. Hoạt động văn hóa kháng chiến càng mới mẻ hơn. Đi vào cuộc chiến tranh cách mạng, đội ngũ văn nghệ sĩ dưới chế độ cũ còn nhiều bỡ ngỡ về chỗ đứng, về đối tượng phục vụ, về đề tài sáng tác,... Số văn nghệ sĩ mới, trẻ tuổi và hăng hái lại thiếu vốn sống; trình độ nghề nghiệp còn hạn chế. Những tàn dư của nền văn hóa thực dân còn tác động nhiều đến quan điểm, tư tưởng và hoạt động văn hóa cách mạng của các văn nghệ sĩ. Ảnh hưởng của văn hóa thực dân còn khá mạnh trong tập quán cũng như trong tư tưởng của cán bộ và nhân dân ta. Đảng đã đề ra hai nhiệm vụ kháng chiến trên mặt trận văn hóa là: 1- Đánh đổ văn hóa ngu dân, văn hóa xâm lược của thực dân Pháp; 2- Xây dựng một nền văn hóa mới cho nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân mà còn phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới biết. Các nhà văn hóa của ta phải có những tác phẩm xứng đáng chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền những gương oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho con cháu đời sau”1.

        Vừa kháng chiến, nhân dân ta vừa xây dựng nền văn hóa mới có bản chất dân tộc, khoa học, đại chúng. Các văn nghệ sĩ đi vào quần chúng công nông binh để hòa nhập với cuộc sống kháng chiến, vừa rèn luyện mình, vừa phục vụ cho công việc mở mang dân trí, động viên quân và dân đoàn kết chiến đấu bằng nhiều hình thức dễ cảm hóa quần chúng như báo chí, phát thanh, kịch ngắn, tranh ảnh, áp phích, thơ ca, kể chuyện, múa hát, hò, vè, v.v... Những sáng tác về người thực việt thực, phục vụ kịp thời, được quần chúng rất ưa thích. Những gương sáng của các chiến sĩ thi đua, của những anh hùng trên các mặt trận kháng chiến, những chiến công và thành tích ở các chiến trường và hậu phương là chất liệu phong phú để sáng tác. Nhiều văn nghệ sĩ tham gia quân đội, cùng với các chiến sĩ đi chiến đấu, dự các chiến dịch. Nhiều người lăn lộn với đồng bào trong các vùng bị địch chiếm, tổ chức truyền tin thời sự, cùng lao động và cùng chiến đấu. Những luận điệu phản động của đế quốc và tay sai nhằm chia rẽ dân tộc, làm yếu sức kháng chiến đều bị vạch trần. Đường lối chính sách kháng chiến và kiến quốc của Đảng được phổ biến, giải thích thông qua các hình thức văn nghệ thường dễ đi sâu vào lòng người và trở thành hành động có hiệu quả cao. Hoạt động văn hóa còn đáp ứng ngày càng nhiều những yêu cầu giải trí lành mạnh của quân và dân ta. Các tổ chức chi hội văn nghệ được thành lập và phát triển ở các liên khu. Đội ngũ văn nghệ sĩ mở rộng. Kháng chiến đem đến cho họ một sức sống mới. Khí thế quyết chiến quyết thắng của toàn dân với những hành động anh hùng là lò rèn đúc nên nền văn nghệ mới. Cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa được tiến hành với đường lối đúng đắn, đội ngũ chiến sĩ văn hóa trưởng thành, và phong trào quần chúng tham gia đông đảo đã góp phần rất quan trọng vào công tác xây dựng hậu phương trong kháng chiến chống Pháp. Đời sống văn hóa ở cơ sở với những hoạt động giáo dục, thông tin đại chúng, văn học nghệ thuật, xây dựng nếp sống mới, vui chơi giải trí lành mạnh, đã tạo nên tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Cuộc đấu tranh đó đã tạo nên những vốn liếng quý báu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ trên mặt trận này. Đó là đường lối văn hóa đã được thử nghiệm, đội ngũ cán bộ văn hóa được rèn luyện và phát triển cả về số lượng và chất lượng và những kinh nghiệm phong phú và quý giá đã tích lũy được.

-----------------
1. Hồ Chí Minh, Thư gửi hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 15-7-1948.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:49:40 am »


        Kết quả của công tác giáo dục, văn hóa đã từng bước cung cấp cán bộ cho các ngành hoạt động xã hội và đáp ứng cho nhu cầu cuộc kháng chiến ngày càng phát triển. Nhờ đó sản xuất được đẩy mạnh, kinh tế và văn hóa phát triển, việc củng cố và phát huy sức mạnh của hậu phương được thực hiện theo yêu cầu càng ngày càng vững hơn để phục vụ cho kháng chiến thắng lợi. Đường lối đúng đắn của Đảng đã phát động được quần chúng sáng tạo ra nhiều hình thức để thực hiện các chương trình văn hóa, giáo dục, đào tạo cán bộ bằng những hình thức và phương pháp linh hoạt, thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ.

        Việc chăm lo đền đời sống vật chất của nhân dân giữ một vị trí quan trọng trong đường lối kháng chiến nói chung cũng như trong chiến lược xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương nói riêng. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng ngay khi chính phủ cách mạng mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dề nghị với Quốc hội trong phiên họp đầu tiên giải quyết những nhiệm vụ cấp bách nhất là: “1- Làm cho dân có ăn; 2- Làm cho dân có mặc; 3- Làm cho dân có chỗ ở; 4- Làm cho dân được học hành”. Tiếp tục chủ trương đó, trong hai cuộc kháng chiến những vấn đề cấp bách nói trên được cải thiện. Có như vậy, cuộc kháng chiến lâu dài mới được tiếp sức để giành thắng lợi. Kháng chiến thắng lợi sẽ tạo ra điều kiện cơ bản để mang lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, cho cả nước. Vấn để chăm lo đời sống được giải quyết một cách thiết thực sát với hoàn cảnh của đất nước vừa đánh giặc vừa sản xuất. Nhu cầu trước nhất và cơ bản nhất của đời sống là ăn no, mặc ấm. Biện pháp tích cực và có hiệu quả để đáp ứng nhu cầu này là thực hiện triệt để chủ trương toàn dân tăng gia sản xuất, tiến tới tự cấp tự túc, thực hành tiết kiệm. Toàn dân hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh hăng hái lao động, sản xuất ra nhiều lương thực, hoa mầu, vải vóc. Bộ đội, công nhân, cán bộ cũng dành thời gian để tăng gia tự túc một phần lương thực. Công tác y tế trong kháng chiến được tổ chức tốt và phát triển mạnh. Bệnh viện và bệnh xá tăng gấp hơn 3 lần vào năm 1953 so với thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Đội ngũ cán bộ y tế và hội sinh viên cũng được đào tạo đủ bảo đảm để chăm lo sức khỏe cho nhân dân ở các xã trong vùng tự do.

        Cùng với việc chăm lo cải thiện đời sống cho quân và dân, Đảng và Chính phủ còn chú ý giáo dục mọi người tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Trong chiến đấu cùng nhau đoàn kết, hiệp đồng, trong lao động sản xuất để củng cố hậu phương cũng phải hiệp đồng, đoàn kết.

        Dưới chính quyền cách mạng, tuy cuộc sống còn nhiều vất vả, nhất là còn phải kháng chiến chống ngoại xâm, đồng bào các dân tộc trên cả nước đã thấy được sự chăm lo của Đảng và Chính phủ Cụ Hồ đối với đời sống của mình về mọi mặt. Phải đánh giặc ngoại xâm để bảo vệ chế độ cách mạng này, giành lại nền độc lập và thống nhất Tổ quốc. Đó là nguyện vọng, là lý tưởng và cũng là hành động thống nhất của quân và dân cả nước ở tiền tuyến cũng như ở hậu phương trên các mặt trận dấu tranh.

        Trên mặt trận kinh tế, đất nước ta từng bị thực dân xâm lược làm cho kiệt quệ. Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, việc xây dựng hậu phương về kinh tế được tiến hành bằng một chiến lược đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam. Chiến lược đó đã xác định nền kinh tế kháng chiến phải được xây dựng trên cơ sở dựa vào nông dân, vì ở nước ta lúc đó nông dân là lực lượng sản xuất cơ sở của xã hội. “Bộ phận kinh tế công nghiệp của ta chỉ có một số cơ sở sản xuất quốc phòng. Ngoài bộ phận kinh tế quốc phòng này, còn có bộ phận kinh tế thu hút đông đảo lực lượng nhân dân của cả nước là nền kinh tế nhân dân, kháng chiến của nông dân. Đó là nền kinh tế duy nhất của chúng ta để bảo đảm sự sinh sống cho nhân dân và cung cấp mọi nhu cầu cho cuộc kháng chiến”1. Nông dân được giúp phương tiện sản xuất, giúp vốn, trâu bò, nông cụ... để có thể phát huy hết khả năng lao động của mình. Chính sách giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất làm cho sức nông dân được bồi dưỡng cả về vật chất và tinh thần. Trên cơ sở của nền kinh tế nông dân, khu vực kinh tế nhà nước gồm các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng, các xí nghiệp công nghiệp dân dụng quốc doanh, các cơ sở mậu dịch, vận tải quốc doanh và ngân hàng nhà nước được hình thành. Trong nông nghiệp, một số nông trường quốc doanh được thành lập do tịch thu đồn điền của thực dân và Việt gian. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ; vận tải được tổ chức ở nhiều nơi. Nền kinh tế kháng chiến được xây dựng và phát triển từng bước vững chắc qua những thành công và vấp váp khó tránh khỏi những năm chiến tranh chống Pháp đã cung cấp nhiều kinh nghiệm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.

-----------------
1. Lê Duẩn, Giai cấp vô sản và vấn đề nông dân trong cách mạng Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1965, tr. 183.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:50:42 am »


        Những kết quả xây dựng và phát triển kinh tế đều phải trải qua đấu tranh gay go, quyết liệt với kẻ địch. Nền kinh tế kháng chiến hàng ngày hàng giờ phải chống lại những thủ đoạn thâm độc mà bọn thực dân luôn luôn sử dụng để phá hoại tiềm lực vật chất tinh thần của ta. Trong vùng tạm bị chiếm, chúng giám sát chặt chẽ việc sản xuất và thu hoạch sản phẩm, tìm mọi cách ngăn chặn việc lưu thông hàng hóa giữa vùng chúng kiểm soát với vùng tự do. Chúng thiết lập những “vành đai trắng” để thực hiện thủ đoạn phong tỏa kinh tế. Đồng thời đối với các khu căn cứ và hậu phương, chúng dùng bom đạn, tổ chức những cuộc hành quân phá hoại sản xuất, cướp phá mùa màng. Hai nền kinh tế địch, ta đấu tranh không khoan nhượng. Kẻ địch muốn dùng biện pháp kinh tế để bóp chết cuộc kháng chiến của nhân dân ta đồng thời để thực hiện thủ đoạn “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chúng, cứu vãn thất bại trên mặt trận quân sự. Đặc biệt sau thất bại trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, tâm lý chán nản trong quân đội Pháp càng lan rộng. Pháp phải cầu xin viện trợ quân sự và kinh tế Mỹ. Đồng thời các tổ chức kinh tế Pháp ở Đông Dương bắt đầu rút vốn sang các thuộc địa khác và thi hành chính sách vơ vét tràn lan đối với những xí nghiệp và đồn điền của chúng. Hậu phương lớn là nước Pháp với sự kiệt quệ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với sự bất bình của quần chúng đối với cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” không thể hỗ trợ được mãi cho cuộc xâm lược Đông Dương đã tới năm thứ chín. Trái lại về phía ta đường lối kinh tế kháng chiến của Đảng đề ra đã được thực hiện thắng lợi. Nền kinh tế lúc mới kháng chiến rất yếu kém tưởng chừng không có cách gì đáp ứng được yêu cầu đánh lâu dài cho đến khi thắng lợi, đã vươn lên từng bước, bảo đảm cho toàn dân, chiến thắng kẻ thù. Kinh tế kháng chiến đã thắng trên toàn miền Bắc được giải phóng. Kinh tế thực dân bị đẩy lùi và phát triển theo kiểu thực dân mới của đế quốc Mỹ trên nửa phần phía nam của đất nước ta.

        Mọi công tác xây dựng hậu phương theo đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng sẽ không thể thực hiện với kết quả to lớn như đã diễn ra nếu tổ chức Đảng ở các cấp không được củng cố và phát triển. Chính vì vậy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, rút kinh nghiệm, tổ chức bồi dưỡng đảng viên và cán bộ, kiểm tra đôn đốc sinh hoạt Đảng ở các cấp theo Điều lệ Đảng, các chỉ thị của Trung ương và những lời căn dặn của Người. Việc tự phê bình và phê bình được tiến hành có nền nếp trong các đảng bộ. Mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được đảng viên và quần chúng coi trọng và thực hiện toàn tâm, toàn ý trên cơ sở cùng chung mục đích cách mạng, cùng nhất trí với đường lối của Đảng. Việc học tập và tu dưỡng của đảng viên để làm được nghĩa vụ trước Đảng, trước nhân dân được khuyến khích và thực hiện tích cực. Những đảng viên và cán bộ gương mẫu được quần chúng rất quý mến, giúp đỡ, nuôi dưỡng và đùm bọc, bảo vệ. Nhờ đó mà ngay ở những vùng địch tạm chiếm, chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể trong mặt trận thống nhất dân tộc vẫn hoạt động, vẫn phát triển và phát huy tác dụng. Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, sinh hoạt thiếu thốn, nguồn cung cấp sức mạnh cho đảng viên và cán bộ là sự giác ngộ về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, tinh thần kỷ luật và đoàn kết ngày càng được củng cố. Sự giúp đỡ chân tình của tập thể và quần chúng làm cho việc đấu tranh để khắc phục những khuyết điểm, sai lầm trong nội bộ được tiến hành có kết quả tốt. Trong thời kỳ kháng chiến chính sự vững mạnh của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên đã làm cho đồng bào cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đi cùng với Đảng để đánh thắng mọi kẻ thù. Cũng như thời kỳ giành chính quyền, mọi người dân Việt đều “tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh”, thì trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân ta trên mọi miền đất nước lại đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giành độc lập tự do. Không một luận điệu lừa bịp xảo quyệt nào, không một thủ đoạn khủng bố dã man nào có thể làm cho nhân dân ta xa rời mục tiêu đó. Kết quả cuối cùng là cả hai kẻ thù xâm lược đều bị thất bại hoàn toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:54:51 am »

       
*

*        *

        Vấn đề hậu phương trong chiến tranh nhân dân Việt Nam được giải quyết trong những điều kiện lịch sử của nước ta, một nước thuộc địa nửa phong kiến bị áp bức bóc lột suốt gần một thế kỷ và tiếp đó kháng chiến chống xâm lược kéo dài tới 30 năm. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống hai đế quốc to đặt ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn để xây dựng hậu phương trong thời bình, giải quyết có hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược hiện nay là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

       
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÓ LÀ:

        1. Khái niệm về sự vững mạnh và vai trò quyết định của hậu phương trong chiến tranh. Về vấn đề này, Mác, Ăng-ghen, Lê-nin và Xta-lin đều đánh giá cao nhân tố chính trị - tinh thần, đồng thời cũng nhấn mạnh đến yếu tố trang bị vũ khí. Xta-lin khi đề cập đến sự thử thách khắc nghiệt của chiến tranh đã nói: “Lịch sử chiến tranh dạy rằng chỉ có những nước nào mạnh hơn đối phương của mình về mặt phát triển và tổ chức kinh tế, về kinh nghiệm, tài nghệ và tinh thần chiến đấu của quân đội, về tinh thần kiên cường và đoàn kết của nhân dân trong suốt cả quá trình chiến tranh thì mới chịu đựng được sự thử thách đó”1. Nói về điều kiện vật chất, kỹ thuật, Xta-lin viết: “nếu cho rằng chúng ta giành được thắng lợi đó là nhờ kết quả của tinh thần dũng cảm của quân đội ta thì đó lại càng sai lầm. Không có tinh thần dũng cảm tất nhiên không thể giành được thắng lợi. Nhưng chỉ dựa vào tinh thần dũng cảm thì vẫn chưa có thể đánh được quân đội của kẻ thù rất đông, được vũ trang mạnh mẽ, sĩ quan được huấn luyện kỹ càng, quân trang quân dụng được cung cấp đầy đủ. Để có thể chống lại sự tiến công của một kẻ địch như vậy, sau đó lại phản công và hoàn toàn đánh bại chúng thì ngoài việc dựa vào tinh thần dũng cảm vô song của quân đội ta ra, còn cần phải có những vũ khí hiện đại nhất với số lượng thật đầy đủ; thêm vào đó còn phải tổ chức thật tốt việc cung cấp với số lượng theo yêu cầu. Để làm được việc này cần phải chuẩn bị đầy đủ những thứ tối thiểu sau đây: những thứ kim loại nhằm cung cấp cho việc chế tạo vũ khí và những thiết bị của các xí nghiệp, nhiên liệu để các cơ quan vận tải và các xí nghiệp hoạt động, lương thực để cung cấp cho quân đội...”2.

        Có thể thấy rõ khi nói đến hậu phương vững mạnh, không thể không nói đến một tiêu chuẩn quan trọng là tiềm lực kinh tế. Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, Đảng ta không hề coi nhẹ tiêu chuẩn này. Theo đồng chí Lê Duẩn, “một hậu phương vững mạnh là một hậu phương có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng hậu, có một nguồn dự trữ dồi dào để cung cấp lương thực, súng đạn, sức người, sức của đầy đủ cho tiền tuyến”3. Đồng chí Trường Chinh coi một trong những “nhân tố thường xuyên của thắng lợi trong một cuộc chiến tranh nhân dân ở thời đại chúng ta” là “hậu phương chiến tranh nhân dân được củng cố, nguồn cung cấp nhân tài vật lực cho chiến tranh dồi dào, chỗ dựa của các lực lượng vũ trang vững mạnh”4. Đảng ta không coi nhẹ vai trò của hậu phương, đồng thời cũng khẳng định những yếu tố tạo nên sức mạnh của hậu phương. Song nhìn vào thực tế tình hình đất nước khi buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến để bảo vệ thành quả cách mạng, chống quân xâm lược, Đảng nhận thức và giải quyết vấn về hậu phương bằng quan điểm biện chứng và khẳng định: tuy không có nền kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật bằng kẻ địch, nhưng nhân dân ta vẫn có thể đánh thắng chúng. Tính quyết định của nhân tố hậu phương để giành thắng lợi trong chiến tranh chống xâm lược ở Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là ở chỗ hậu phương được xây dựng phát triển và huy động được tới mức cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của của toàn dân cho kháng chiến theo yêu cầu càng đánh càng mạnh để đi tới thắng lợi hoàn toàn. Khi buộc phải phát động chiến tranh cách mạng, Đảng ta hiểu rằng giá trị quyết định của hậu phương lúc này không phải chủ yếu ở tiềm lực kinh tế và kỹ thuật, tuy đây là một yếu tố quan trọng. Hậu phương tuy chưa có kinh tế mạnh nhưng vẫn có thể bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi. Trình độ học vấn của nhân dân tuy còn thấp, khoa học kỹ thuật còn kém, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, nhất quyết không chịu làm nô lệ, đồng bào cả nước có thể xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương để đáp ứng mọi yêu cầu của cuộc kháng chiến. Trình độ nhân văn cao, truyền thống cố kết dân tộc chống ngoại xâm sẽ tạo ra lực lượng to lớn để khắc phục những khó khăn và yếu kém về trang bị vật chất, kỹ thuật và giành toàn thắng. Trí tuệ của cả dân tộc nhằm đánh thắng kẻ xâm lược sẽ cao hơn trí tuệ của kẻ đi xâm lược bị đánh trả ở khắp nơi. Sức mạnh của hậu phương trước hết là ở lòng dân. Chân lý đó đã được chỉ ra qua lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của chúng ta là hàng chục triệu đồng bào nông dân lao động, sẵn sàng chờ Đảng và Chính phủ tổ chức và lãnh đạo để hăng hái vươn mình dậy đánh tan ách nô lệ của phong kiến và thực dân. Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan”5. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, Đảng ta với quan điểm phát triển đã lãnh đạo toàn dân làm chuyển hóa tiềm lực về mọi mặt của hậu phương từ yếu đến mạnh. Quan điểm đó là một căn cứ quan trọng để xác định quyết tâm kháng chiến.

-----------------
1. Dẫn theo Về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên Xô, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1965, tr.113.

2. J.V.Xta-lin, “Không có công nghiệp nặng thì không bảo vệ được Tổ quốc”, in trong Sức mạnh của quân đội ta, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr.69-70.

3. Lê Duẩn, Ta nhất định thắng, địch nhất định thua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1965, tr.28.

4. Trường Chinh, Bàn về chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1966, tr.54.

5. Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.155.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:56:12 am »

        
        2. Bằng cách gì Đảng và nhân dân ta đã giải quết thành công vấn đề hậu phương trong kháng chiến? Chúng ta không bao giờ coi thường vai trò của kinh tế trong chiến tranh, không đánh giá thấp tác dụng của trang bị vũ khí, kỹ thuật trong cuộc đấu tranh vũ trang. Đảng và Chính phủ ta khi phát động khởi nghĩa vũ trang cũng như trong quá trình lãnh đạo toàn dân tiến hành chiến tranh cách mạng luôn luôn tìm mọi cách để vũ trang cho toàn dân, đặc biệt là cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Song, trong hoàn cảnh vật chất thiếu thốn, Đảng đã giáo dục và hướng dẫn cho quân và dân cả nước biết sử dụng cơ sở vật chất hiện có để vừa kháng chiến vừa kiến quốc, biết tạo thêm của cải, thực hành tiết kiệm, biết làm hao mòn lực lượng vật chất, kỹ thuật của địch làm cho chúng càng theo đuổi chiến tranh càng kiệt quệ, biết khoét sâu mâu thuẫn nội bộ của chúng, biết tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ ngày càng nhiều và có hiệu quả của quốc tế. Bằng những cách đó hậu phương của ta vẫn có thể làm được chức năng và nhiệm vụ của mình. Kháng chiến lâu dài không làm cho hậu phương bị kiệt sức. Tiềm lực kinh tế yếu kém hơn địch vẫn bảo đảm được cho kháng chiến thắng lợi. “Thắng lợi với trường kỳ phải đi đôi với nhau”1. Lời dạy đó Bác Hồ đã được toàn dân và toàn quân thực hiện triệt để.

        Qua việc tổ chức và phát huy sức mạnh hậu phương trong hai cuộc kháng chiến, có thể khẳng định những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thành công là:

        1. Có quyết tâm kháng chiến cao, không vì khó khăn, thiếu thốn mà chịu khuất phục trước kẻ thù có sức mạnh vật chất hơn ta.

        2. Có đường lối đúng đắn, sáng tạo độc lập tự chủ được xác định trên cơ sở nắm vững và phát huy chính nghĩa của Việt Nam, đánh giá đúng địch, ta và các mối quan hệ phức tạp của tình hình thế giới và trong nước. Đường lối đó sử dụng được những khả năng rất hạn chế của hậu phương khi mới nổ ra chiến tranh, đồng thời lại tạo điều kiện cho hậu phương nhân lên và khai thác được sức mạnh tiềm tàng, phát huy từng bước sức mạnh đó làm cho cuộc kháng chiến ngày càng phát triển cho đến thắng lợi.

        3. Đường lối đúng đắn đó được nhân dân cả nước nhất trí thực hiện với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc được xây dựng trên cơ sở giác ngộ chính trị cao. Nhờ đó, mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được biến thành hiện thực, đem lại kết quả to lớn. Trong quá trình thực hiện đường lối kháng chiến cũng như chiến lược hậu phương, vai trò của nhân dân các dân tộc mà nền tảng là khối công nông liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo đã được đánh giá đúng đắn và được phát huy bằng nhiều chủ trương và chính sách thích hợp. Sức dân được huy động để phục vụ kháng chiến đồng thời cũng được bồi dưỡng để phục vụ được lâu dài, bền bỉ.

        4. Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng gắn bó với dân, được nhân dân cho dựa và cũng là chỗ dựa để nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

        5. Có nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân vừa thực hiện được nhiệm vụ đánh địch trong điều kiện của đất nước và con người Việt Nam, vừa tạo được thuận lợi để xây dựng hậu phương vững mạnh.

        6. Tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế khắc phục những chỗ yếu và thiếu trong quá trình phát triển tiềm lực của hậu phương.

        Những kinh nghiệm về giải quyết vấn đề về hậu phương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua vẫn có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng đất nước hiện nay theo yêu cầu làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh. Trước những thuận lợi mới và thử thách mới, Nghị quyết của Đại hội VIII đã chỉ ra phương hướng, nội dung và biện pháp lớn để xây dựng và bảo vệ chế độ và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện có kết quả những nghị quyết đó toàn Đảng và toàn dân ta đang phải chiến đấu chống những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội mà đế quốc Mỹ vẫn là kẻ tiêu biểu. Bị thất bại trong cuộc chiến tranh nóng, Mỹ đang lợi dụng tình hình quốc tế có lợi cho chúng hiện nay tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng đang dùng đô-la, khoa học công nghệ tiên tiến và lý luận phản động để thực hiện mục tiêu đó. Sức mạnh quân sự không ngừng phát triển trong điều kiện mới được dùng để răn đe và khi gặp thời cơ có lợi, cũng sẽ được sử dụng.

-----------------
1. Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.92.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:59:53 am »


        Qua thực tế lịch sử được trình bày trên đây, tập thể tác giả xin nêu mấy kiến nghị sau đây:

        1. Quan tâm nhiều hơn nữa đến việc củng cố và phát triển sức mạnh tinh thần của toàn dân. Tuy là “lực lượng vô hình”, nhưng đây lại là sức mạnh cụ thể đã được biểu hiện rõ trong suốt quá trình cách mạng của dân tộc ta. Đó là khối đoàn kết, thống nhất của toàn dân xung quanh Đảng được xây dựng trên nền tảng nhất trí về mục tiêu và đường lối cách mạng. Vì vậy trong xã hội ta mọi tầng lớp dân cũ và các giai cấp sống hòa hợp và tương trợ lẫn nhau. Ngày nay trong điều kiện mở cửa, khi nền kinh tế còn có thành phần tư doanh, việc làm ăn buôn bán tư nhân còn được hiến pháp thừa nhận thì vấn đề đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể thực hiện được khi mọi người trong xã hội, mọi thành phần kinh tế đều quán triệt đường lối của Đảng trong giai đoạn cách mạng này. Điều quan trọng là làm sao trong xã hội ta hiện nay không có đối kháng giai cấp. Muốn vậy thì điều cơ bản là mọi người không mất phương hướng xã hội chủ nghĩa. Việc giáo dục chính trị vì vậy cần được tiến hành tích cực và thường xuyên cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Cần giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách cơ bản, có hệ thống; gắn lý luận với thực tiễn để giải thích những sự kiện trong xã hội, đấu tranh chống các luận điệu phản động, giáo dục lòng yêu nước, yêu nhân dân, không làm gì hại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

        2. Củng cố các cơ quan có chức năng nghiên cứu lý luận, giáo dục chính trị. Đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận để có lực lượng nghiên cứu cơ bản lâu dài liên tục.

        3. Coi trọng công tác tổng kết lý luận, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, sử dụng thành quả đạt được làm tài liệu để giáo dục cho lớp cán bộ trẻ. Lớp cán bộ này có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật trong đó nhiều người đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các ngành hoạt động xã hội. Song vì không có điều kiện rèn luyện trong đấu tranh cách mạng nên họ thường gặp khó khăn và vấp váp trong cách nhìn nhận tình hình nhất là trong giao dịch với nước ngoài.

        4. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, kiểm tra đôn đốc thường xuyên việc sinh hoạt Đảng cho thiết thực, có chất lượng cao, theo Điều lệ Đảng. Đặc biệt thực hiện dân chủ, nâng cao tính kỷ luật tự giác thực hiện đoàn kết, giúp nhau tiến bộ trên cơ sở đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Vì vậy cần thực hiện tự phê bình và phê bình thành nền nếp và thiết thực. Vấn đề này ít được nhắc tới nên tuy có làm, nhưng kết quả thấp. Cần tái bản tài liệu Sửa đổi lề lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1946 cho đảng viên và cán bộ nghiên cứu liên hệ với bản thân để rèn luyện mình.

        5. Củng cố các đoàn thể quần chúng và Mặt trận Tổ quốc để các đoàn thể đó có sức sống mạnh mẽ, thực sự phát huy vai trò và tác dụng trong công tác giáo dục nhân dân làm tốt nghĩa vụ đối với Tổ quốc, giữ vững kỷ cương, đoàn kết chặt chẽ, giúp nhau nâng cao trình độ chính trị, chống mọi hành động tiêu cực và những tập quán lạc hậu.

        6. Tuyên truyền quốc tế rộng rãi về sự nghiệp chính nghĩa của ta, về thiện chí giữ gìn và hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và không can thiệp vào nội bộ của nhau. Giáo dục cán bộ và nhân dân nắm vững đường lối đối ngoại, có ý thức cảnh giác, giữ bí mật quốc gia, giữ vững lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 04 Tháng Chín, 2016, 09:43:46 pm »

    
PHỤ LỤC

THÀNH TÍCH CHIẾN ĐẤU CỦA QUÀN VÀ DẰN TA TRONG 9 NẢM (1945 - 1954)



TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG GIỮA TA VÀ ĐỊCH TRONG KHẢNG CHIẾN CHỐNG PHÁP



CHI PHÍ VÀ SỐ QUẢN CỦA PHÁP TRÊN CHIẾN TRƯỜNG ĐÔNG DƯƠNG (1945 - 1954)



CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CHI NGÀN SÁCH (nĂm 1950 = 100)

1951    1952    1953    1954    
Tổng số chi152181204310
Riêng - Chi kiến thiết kinh tế129142254712
Chi cho văn hóa y tế142153189297

« Sửa lần cuối: 04 Tháng Chín, 2016, 10:04:30 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM