Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:36:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975)  (Đọc 42859 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:18:13 am »


        Khí thế chiến thắng trên khắp chiến trường cùng với việc lực lượng và phương tiện được bổ sung, được tổ chức chặt chẽ đã tạo nên sức mạnh mới, giúp Đoàn 559 nhanh chóng mở thêm 3.480km đường cơ giới với các trục dọc men theo đông và tây Trường Sơn. Số ki-lô-mét đường mới mở đó lớn hơn tổng số chiều dài giao thông được xây dựng trong vòng 13 năm trước đó. Các tuyến đường ngang hỗ trợ cũng được khai thông. Gần 5.000km đường ống dẫn nhiên liệu lỏng với hệ thống trạm bơm, bể chứa tương đối hiện đại từ hậu phương miền Bắc, men theo các trục dọc Trường Sơn, vươn tới các chiến trường. Các tuyến đường bộ phía tây được sửa chữa, bảo dưỡng, mở rộng, bảo đảm cho việc vận chuyển cơ giới theo đội hình lớn.

        Qua 16 năm xây dựng, từ lối mòn giao liên bí mật len lỏi dưới các triền rừng, với phương thức vận tải thô sơ, gùi thồ là chủ yếu, tuyến vận tải chiến lược phát triển thành hệ thống trục dọc và trục ngang, ngày càng vươn xa tới các chiến trường, vươn sâu vào các hướng chiến dịch. Tính đến năm 1975, tuyến vận tải chiến lược lên tới gần 20.000km, bao gồm 4 hệ thống trục dọc dài 6.810km, 13 hệ trục ngang dài 4.980km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700km, 1 hệ thống đường vòng tránh các trọng điểm dài 4.700km, 1 hệ thống đường ống dài 1300km, tuyến vận tải đường sông vào tới Stung-treng.

        Trên các nẻo đường, hệ thống cung binh trạm làm nhiệm vụ vận tải, điều chỉnh giao thông, cấp phát, giao liên, bảo đảm hành quân, đưa đón và điều trị thương bệnh binh; hệ thống kho trạm, trận địa phòng không, trạm sửa chữa và bảo dưỡng xe máy... cũng được xây dựng và ngày càng hoàn chỉnh, bảo đảm sự hoạt động thông suốt của con đường trong mọi tình huống.

        Dọc dài theo các tuyến, nhiều khu căn cứ dự trữ chiến lược của Bộ và các khu căn cứ hậu cần của các quân khu, các mặt trận được bố trí dưới những tán rừng Trường Sơn, tiếp cận các hướng chiến trường, đáp ứng mọi yêu cầu chiến lược, chiến dịch...

        Từ khi được đưa vào sử dụng cho tới lúc kết thúc kháng chiến chống Mỹ, tuyến vận tải chiến lược thường xuyên bị địch đánh phá dữ dội bằng nhiều lực lượng, nhiều thủ đoạn. Chúng mở hàng nghìn cuộc tiến công của bộ binh, hàng chục vạn cuộc đánh phá của không quân, tung hàng nghìn toán biệt kích, thám báo hoạt động sâu trong khu vực đường mòn, rải xuống các cánh rừng hàng chục triệu quả bom, mìn vướng nổ và nhiều thiết bị điện tử tinh vi cùng nhiều tấn chất độc làm trụi lá cây rừng...

        Trung bình hàng năm, mỗi ki-lô-mét thuộc khu vực đường Trường Sơn phải chịu 736 quả và loạt bom. Chỉ 2 năm 1970, 1971, ngoài 4.959.489 quả và loạt bom, cùng hàng chục vạn quả mìn và nhiều thiết bị điện tử tinh vi rải xuống đường Trường Sơn, Mỹ - ngụy còn sử dụng một lực lượng lớn quân đội đánh cắt tuyến vận tải: cuộc hành quân Chen-la 1, Chen-la 2 của 25.000 quân đánh vào vùng ngã ba Biên Giới; cuộc hành quân “Lam Sơn – 719” của 20.000 quân với sự yểm trợ của 9.000 quân Mỹ cùng 2.000 máy bay các loại đánh vào Đường 9 - Nam Lào - một chi nhánh quan trọng của tuyến vận tải chiến lược.

        Dọc các đường 14, 23, 16, 13... Mỹ - ngụy miền Nam và ngụy Lào bố trí hàng loạt cứ điểm, sân bay quân sự và hệ thống đồn bốt hòng khống chế, chặn cắt ngăn cách khu vực Trường Sơn với vùng giáp ranh và vùng đồng bằng.

        Tuyến vận tải chiến lược trở thành mặt trận nóng bỏng, quyết liệt, nơi thử thách ý chí, quyết tâm, lòng dũng cảm, sức chịu đựng của đôi bên.

        Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, khí hậu thời tiết phức tạp, việc xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải kéo dài hàng nghìn ki-lô-mét qua nhiều khu vực địa hình bị chia cắt mạnh đòi hỏi không chỉ lòng dũng cảm mà còn phải có trí thông minh, có biện pháp tổ chức lực lượng, bố trí thế trận... đúng đắn, hiệu quả.

        Buổi đầu, lực lượng công tác trên tuyến chỉ có một số đơn vị nhỏ lẻ, tổ chức thành các “trạm đường dây” với nhiều vụ xoi đường, dẫn quân, gùi thồ luồn sâu qua các vùng địch chiếm. Dần dần, trước yêu cầu chi viện chiến trường ngày càng tăng, không gian chi viện ngày càng rộng, địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, lực lượng chiến đấu và công tác trên tuyến không ngừng lớn mạnh. Lực lượng đó bao gồm các đơn vị binh chủng hợp thành như vận tải cơ giới, bộ binh, phòng không, công binh, thông tin và các lực lượng bảo đảm khác như quân y, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Đến cuối cuộc chiến tranh, chỉ riêng bộ đội Trường Sơn đã tăng đến 100.495 người, trong đó có 8 sư đoàn và cấp tương đương, 14 trung đoàn trực thuộc và cấp tương đương, lực lượng công tác, phục vụ trong các xưởng sửa chữa, khu kho, trạm xá... Toàn bộ lực lượng trên đây được tổ chức thành hai bộ phận: lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ. Lực lượng cơ động là những đơn vị hợp thành, những đơn vị chuyên môn binh chủng thực hiện các chiến dịch vận chuyển và đánh địch trên từng hướng hoặc vào những thời điểm quan trọng, phục vụ ý đồ chiến lược chung. Lực lượng tại chỗ là những binh trạm với các bộ phận binh chủng và lực lượng phục vụ, đảm nhiệm công tác chiến đấu, vận chuyển, bảo vệ giao thông, bảo đảm hành quân... trên từng cung, chặng được giao. Giữa các bộ phận lực lượng có sự liên quan chặt chẽ, hỗ trợ, phối hợp và dưới sự lãnh đạo chỉ huy tập trung, thống nhất. Các lực lượng đó lấy việc vận chuyển, mở đường, bảo đảm hành quân, bảo vệ tuyến vận tải làm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó nhiệm vụ vận chuyển chi viện là trung tâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:19:28 am »


        Để hoàn thành nhiệm vụ đó, bộ đội Trường Sơn đã chủ động, tích cực quy hoạch và xây dựng mạng giao thông bao gồm nhiều trục dọc, trục ngang, đường vòng tránh, đường nghi binh; hình thành nhiều hệ thống đường cho các loại xe cơ giới, triệt để khai thác đường sông, xây dựng tuyến đường ống với hệ thống trạm bơm, bể chứa tương đối hiện đại; phối hợp với các chiến trường, các quân khu mở mạng đường chiến dịch nối với mạng đường chiến lược; cấu trúc các công trình cầu, bến vượt, bãi trú quân, bãi giấu xe; tổ chức các binh trạm, khu kho, trạm sửa chữa, bệnh viện; xây dựng các đài quan sát, trạm điều phối giao thông... Cùng với sự gia tăng của chiến tranh, thế trận giao thông vận tải của tuyến ngày càng phát triển, hoàn chỉnh, đảm bảo cho việc vận chuyển liên tục, mức độ ngày càng tăng, quy mô ngày càng lớn bảo đảm tốt yêu cầu cơ động lực lượng của các binh đoàn chủ lực.

        Thế trận đó được mệnh danh là “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, khiến sự đánh phá của địch không thể nào ngăn chặn nổi nguồn tiếp tế từ miền Bắc tới các chiến trường.

        Ngoài việc xây dựng và hoàn chỉnh thế trận giao thông vận tải, bộ đội Trường Sơn còn luôn gắn chặt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ tuyến vận tải chiến lược với việc tác chiến mở rộng khu vực hành lang, xây dựng địa bàn vững mạnh, xem đó là một điều kiện quan trọng làm thất bại các hoạt động ngăn chặn, phá hoại của địch; khắc phục tác động tiêu cực của địa hình và thời tiết đối với nhịp độ mở đường và vận chuyển. Ngay từ những năm sáu mươi, các trung đoàn chủ lực của ta đã phối hợp với bạn tổ chức nhiều đợt chiến đấu giải phóng một khu vực khá rộng phía tây Trường Sơn bao gồm Mường Phìn, Bản Đông (1960 - 1961) đường 12, từ Mụ Giạ đến đường 9 (1962 - 1963); Pha Lan - Đồng Hến (1964 - 1965)... Trong những năm 1970 - 1972, bộ đội ta đã giải phóng A-tô-pơ, cao nguyên Bô-lô-ven, Sa-ra-van, Pha Lan (lần 2)... Những hoạt động tác chiến đó nhằm mở rộng vùng giải phóng dọc tuyến hành lang, tạo ra sự liên hoàn giữa tuyến vận tải chiến lược với các chiến trường, qua đó, tạo nên sự vững chắc của tuyến vận tải chiến lược. Mở rộng địa bàn đến đâu, bộ đội Trường Sơn khẩn trương tổ chức triển khai các đơn vị như công binh, giao liên, cơ sở sản xuất, kho tàng... Các đơn vị này vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa đảm nhiệm chức năng lực lượng vũ trang địa phương tác chiến bảo vệ địa bàn, khắc phục điều kiện thiếu vắng dân cư.

        Đối với vùng có dân, bộ đội Trường Sơn đã giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng làng chiến đấu, xây dựng lực lượng bảo vệ làng bản, duy trì và đẩy mạnh sản xuất. 16 năm chiến đấu và công tác, bộ đội Trường Sơn đã góp phần bảo đảm, ổn định đời sống và sinh hoạt cho 250.000 đồng bào trên địa bàn hoạt động của mình. Đối với vùng giải phóng Lào dọc tuyến vận tải, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã tích cực giúp đỡ bạn xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, phát động chiến tranh nhân dân bảo vệ và mở rộng tuyến hành lang, xây dựng thành địa bàn vững chắc, đủ sức quét sạch bọn biệt kích, thám báo, đối phó có hiệu quả các thủ đoạn và hành động nống lấn vùng giải phóng, vùng căn cứ hành lang, làm thất bại âm mưu ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược của Mỹ - ngụy (miền Nam, Lào, Thái Lan).

        Như vậy, trong điều kiện địch chiếm ưu thế về binh lực, hỏa lực, sức cơ động; có hệ thống căn cứ xuất phát tiến công trên chiến trường miền Nam, trên đất Lào và Thái Lan, nếu chỉ dựa vào lực lượng của bản thân thì bộ đội Trường Sơn không thể xây dựng, bảo vệ và mở rộng tuyến vận tải chiến lược với tổng chiều dài gần 20.000km; không thể đủ lực lượng rải khắp địa bàn có chiều dài 1.000km và chiều rộng 100km để bảo vệ con đường, thực hiện nhiệm vụ trung tâm là vận chuyển chi viện cho các chiến trường Nam Đông Dương. Vì vậy, bộ đội Trường Sơn luôn luôn phối hợp chặt chẽ với các chiến trường, với các đơn vị bạn, với lực lượng giao thông vận tải trên hậu phương miền Bắc và lực lượng vận tải của các mặt trận, các quân khu... tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh địch bảo vệ vận chuyển, mở rộng con đường, mở rộng hành lang, mở rộng vùng giải phóng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:20:40 am »


        Bằng sức mạnh đó và với quyết tâm cao, lòng dũng cảm, sự mưu trí, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn phát huy tư tưởng tiến công, khắc phục gian khổ hy sinh, suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc mồ hôi và máu xương vì sự nghiệp con đường đã bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông nối giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, với cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Nhờ đó, suốt 16 năm, tuyến vận tải chiến lược không ngừng mở rộng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.

        Trong 16 năm, bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển một khối lượng lớn vật chất, giao cho các chiến trường 1.500.000 tấn hàng hóa, vũ khí, 5.500.000 mét khối xăng dầu; đưa đón, vận chuyển, đảm bảo hành quân trên 2 triệu lượt người. Những năm quân và dân miền Nam mở các cuộc tiến công chiến lược, miền Bắc tăng sức chi viện cho chiến trường, tuyến vận tải chiến lược đảm bảo chuyển từ bậu phương ra tiền tuyến một khối lượng vật chất và quân số gấp 4 đến 5 lần những năm trước đó. Do vậy, sự thông suốt và năng lực đảm bảo hành quân, vận tải chi viện của Tuyến 559 đóng vai trò to lớn trong việc tập kết lực lượng và vật chất, tạo nguồn dự trữ chiến lược cùng quân và dân cả nước nói chung, quân và dân miền Nam nói riêng thực hành thắng lợi các đòn (đánh) chiến lược làm chuyển biến cục diện chiến trường.

        Càng về cuối cuộc chiến tranh, yêu cầu của chiến trường ngày càng cao, nhiệm vụ của tuyến vận tải chi viện chiến lược ngày càng nặng nề. Nhờ tăng cường lực lượng nhanh chóng, mở rộng mạng đường chiến lược và chiến dịch, Tuyến vận tải 559 đã đảm bảo cho cách binh đoàn chiến lược, các đoàn cán bộ dân - chính - đảng cơ động gấp vào chiến trường, nhận từ các mặt trận chuyển ra 22 vạn thương binh, vận chuyển bàn giao cho các mặt trận, các hướng chiến dịch một khối lượng vật chất bằng tổng số vật chất đã giao cho các chiến trường trong suốt 13 năm trước đó (1959 - 1972), tạo được một khối lượng vật chất dự trữ 240.000 tấn trong tổng khối lượng vật chất dự trữ chiến lược 255.000 tấn trước khi chiến dịch hạch sử Hồ Chí Minh mở màn.

        Với hệ thống hậu cần bảo đảm được bố trí dưới các cánh rừng Trường Sơn mênh mông, dọc theo các cung đường, vươn theo các hướng chiến dịch, tuyến vận tải chiến lược trở thành chỗ đứng chân, bàn đạp xuất phát tấn công thành hậu phương trực tiếp của các binh đoàn chủ lực.

        Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, một số binh trạm và mạng quân y, thông tin, vận tải, công binh... của Đoàn 559 đã góp phần tích cực vào quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến của các binh đoàn chủ lực như đoàn 70, sư đoàn 324, sư đoàn 2 và các binh chủng kỹ thuật tham gia chiến dịch. Đồng thời, lực lượng phòng không và các đơn vị thuộc Đoàn 559 đóng vai trò là lực lượng tại chỗ đã kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực tiến công và phản công trên các hướng chiến dịch, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn – 719” của 3 sư đoàn quân đội Sài Gòn được quân Mỹ chi viện.

        Trong những năm 1973, 1974, để chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy khi thời cơ tới, bộ đội Trường Sơn phối hợp với các đơn vị bạn đẩy mạnh tác chiến tiêu diệt và bức rút các vị trí khống chế hành lang phía đông, mở rộng tuyến hành lang đông Trường Sơn. Tuyến hành lang này đã nối thông từ đường 9 qua các khu vực hậu phương tại chỗ của chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và đến Lộc Ninh (miền Đông Nam Bộ). Trong khi đó, các chiến trường khác cũng đẩy mạnh tác chiến mở rộng địa bàn, xây dựng mạng đường chiến dịch nối từ các trục của Tuyến 559 tới các vùng giáp ranh, áp sát các vùng hậu phương và vùng kiểm soát của địch. Dọc theo các tuyến vận chuyển, hệ thống hậu cần, khu kho, trạm cấp phát xăng dầu, trạm sửa chữa, quân y, thông tin... của Đoàn 559 được triển khai, bố trí tiếp cận với các căn cứ hậu cần của các chiến trường, các quân khu, tạo thành thế trận hậu cần vững chắc...

        Như vậy, vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, khu vực đường Trường Sơn trở thành căn cứ chiến lược rộng rãi lớn nối liền hậu phương miền Bắc với hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam; gắn vùng Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thành thế trận hậu phương trực tiếp của các binh đoàn chủ lực. Từ địa bàn Trường Sơn, nhiều binh đoàn chủ lực đã tiến xuống đồng bằng phối hợp với lực lượng tại chỗ giải phóng Huế - Đà Nẵng và vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Từ địa bàn Nam Tây Nguyên, nhiều binh đoàn chủ lực đã tiến quân về tham gia lực lượng đánh chiếm và giải phóng Sài Gòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:22:10 am »


        Suốt 16 năm, Tuyến vận tải chiến lược 559 còn đảm bảo vận chuyển chi viện cho cách mạng Lào, tạo điều kiện cho việc cùng bạn giải phóng và giữ vững vùng rộng lớn, xây dựng thành khu vực hậu phương trực tiếp của cách mạng ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

        Trong những năm kháng chiến chống Pháp, để đáp ứng yêu cầu của sự liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc Việt - Miên - Lào, trên địa bàn Trường Sơn đã hình thành những nẻo đường giao liên. Những nẻo đường đó liên kết các căn cứ kháng chiến của Cam-pu-chia và Lào với các căn cứ kháng chiến của cách mạng Việt Nam ở phía đông dãy Trường Sơn thuộc Tây Nguyên, Khu 5, Trị - Thiên, Khu 4...

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cách mạng ba nước cùng chung một kẻ thù xâm lược. Do vậy, truyền thống đoàn kết chiến đấu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng ba nước tiếp tục được củng cố và phát triển suốt những năm đánh Mỹ. Về phương diện đó, sự ra đời và quá trình mở rộng tuyến vận tải chiến lược trên khu vực Trường Sơn mênh mông không chỉ xuất phát từ nhu cầu của cách mạng Việt Nam mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng Lào và Cam-pu-chia.

        Suốt 16 năm xây dựng, tuyến vận tải chiến lược đó đã không ngừng mở rộng, vươn sâu, vươn xa, trở thành hậu phương tại chỗ, thành căn cứ vững chắc của cách mạng ba nước, nối liền hậu phương tại chỗ của cách mạng ba nước với hậu phương chiến lược miền Bắc. Nhờ đó, sự chi viện của miền Bắc và bạn bè quốc tế cho cách mạng hai nước Lào, Cam-pu-chia luôn luôn được giữ vững và ngày càng tăng cường với sự mở rộng của tuyến đường. Từ năm 1959 đến năm 1964, tuyến vận tải chiến lược đã đảm bảo vận chuyển và hành quân cho chiến trường miền Nam và Lào được 10.136 tấn cùng hàng nghìn tấn vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho cách mạng Lào. Trong các năm 1967 đến 1969, vận chuyển chi viện cho chiến trường Lào và các đơn vị hành quân đạt từ 105% đến 115% chỉ tiêu kế hoạch. Năm 1970, tuyến vận tải chiến lược đã chuyển trên 5.000 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ kịp thời cho lực lượng giải phóng Cam-pu-chia phối hợp với quân giải phóng miền Nam đập tan cuộc hành quân “Chen-la”. Các đơn vị tình nguyện của Tuyến 559 phối hợp với quân và dân Lào đánh địch, giải phóng một vùng rộng lớn phía tây bao gồm A-tô-pơ, Sa-ra-van, Keng-cốc, Pha Lan... Từ sau cuộc đảo chính của Mỹ - Lon-non, đường vào cảng Xi-ha-núc Vin bị cắt đứt, toàn bộ vật chất chi viện cho lực lượng quân giải phóng Cam-pu-chia đều do Đoàn 559 đảm nhiệm. Hai năm 1973 - 1974, Tuyến 559 đã vận chuyển chi viện chiến trường Lào, Cam-pu-chia và miền Nam một khối lượng vật chất gấp 3,8 lần giai đoạn 1969 - 1972 và bằng 65,5% tổng khối lượng vận chuyển chi viện trong 17 năm trước đó (1955 - 1972), tạo điều kiện thuận lợi cho bạn tiến lên giành thắng lợi vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.

        Như thế, quyết định xây dựng tuyến vận tải chiến lược và thực hiện thắng lợi quyết định đó là một trong những thành công lớn trong chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Nhà nước, là biểu hiện của ý chí, sức mạnh, trí thông minh, lòng dũng cảm của con người Việt Nam trong những năm chống Mỹ; biểu hiện của tình đoàn kết chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào, Cam-pu-chia.

        Kết quả hoạt động của tuyến vận tải chiến lược tác động trực tiếp tới quy mô, cường độ của các hoạt động trên chiến trường ba nước Đông Dương. Càng về cuối cuộc chiến tranh, tác chiến binh chủng hợp thành của các binh đoàn chiến lược càng đóng vai trò quan trọng. Để bảo đảm cho hoạt động của các binh đoàn đó, phải có hệ thống hậu cần và đảm bảo kỹ thuật cùng địa bàn tập kết, bàn đạp tiến công, mạng đường cơ động lực lượng... Tuyến vận tải được mở rộng trên hai cánh đông và tây Trường Sơn đã biến một vùng rừng núi rộng lớn theo dải Trường Sơn thành địa bàn chiến lược của cách mạng ba nước, thành hậu phương trực tiếp đủ sức vận chuyển quy mô lớn, đủ sức tạo lập nguồn dự trữ chiến lược, đủ sức bảo đảm hậu cần và bàn đạp xuất phát tiến công cho các binh đoàn chiến lược lớn thực hành tác chiến hiệp đồng quân binh chủng...

        Để bảo vệ, mở rộng và phát huy đầy đủ hiệu lực của tuyến vận tải chiến lược, ngoài ý chí và quyết tâm cao, phải có biện pháp tổ chức chỉ huy, tổ chức lực lượng, bố trí thế trận, phối hợp hiệp đồng giữa các bộ phận lực lượng trên toàn tuyến và giữa lực lượng Đoàn 559 với các chiến trường, các đơn vị bạn, với lực lượng giao thông vận tải trên miền Bắc và các đoàn hậu cần của các chiến trường, các quân khu. Ngoài ra, phải không ngừng tác chiến mở rộng vùng giải phóng dọc theo tuyến hành lang; xây dựng thành địa bàn vững mạnh, thành căn cứ tự bảo vệ của tuyến vận tải chiến lược....
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:23:38 am »


D. MỘT SỐ NHẬN XÉT

        Hình thành sau khi kháng chiến chống Pháp kết thúc, hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những kinh nghiệm của thời kỳ trước, theo một đường lối thống nhất, bằng những biện pháp có hiệu quả. Đường lối và biện pháp đó đã tập hợp, đoàn kết, khơi dậy và phát huy được sức mạnh tiềm tàng và to lớn của lòng yêu nước và ý thức dân tộc, của trí thông minh, lòng dũng cảm, sự táo bạo, khả năng chịu đựng bền bỉ trước mọi thử thách đầy phức tạp và khó khăn của mọi người Việt Nam vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ nói chung, vào việc xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh liên tục, ngày càng tăng của hậu phương nói riêng.

        Cùng với sự gia tăng của chiến tranh, hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ không ngừng mở rộng, bao gồm hậu phương chiến lược miền Bắc, vùng giải phóng miền Nam, cơ sở cách mạng trong lòng hậu phương của địch và căn cứ du kích, vùng làm chủ xen cài với vùng địch kiểm soát, tuyến vận tải chiến lược nối liền hậu phương miền Bắc với hậu phương tại chỗ trên các chiến trường của cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Trải bao năm chiến tranh, hậu phương đó ngày càng phát triển, áp sát và đẩy lùi vùng kiểm soát và hậu phương, hậu cứ của địch. Hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ còn bao gồm lòng dân vùng địch chiếm vẫn thủy chung với cách mạng, luôn hướng về kháng chiến, về miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Vượt ra ngoài biên giới, hậu phương trong kháng chiến chống Mỹ còn là sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước anh em, bầu bạn; sự đồng tình, cổ vũ của dư luận quốc tế, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Hậu phương của ta càng mở rộng, hậu phương của cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam càng bị đẩy lùi, thu hẹp. Nó trở thành áp lực tác động mạnh tới quá trình điều hành chiến tranh của giới lãnh đạo cao cấp Mỹ ở Oa-sinh-tơn và của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn (MACV)... Được như vậy là bởi tính chính nghĩa của sự nghiệp kháng chiến mà nhân dân ta tiến hành, bới đường lối chính trị, đường lối quân sự, đường lối đối ngoại và đối nội của Đảng, Nhà nước ta đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ, phù hợp với thực tiễn chiến tranh, thực tiễn chiến trường, thực tiễn truyền thống và con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Được như vậy còn bởi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ là sự kế tục truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha, là sự tiếp tục kháng chiến chống Pháp vì độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phù hợp với nguyện vọng sâu xa của mọi người Việt Nam yêu nước...

        Trải suốt 21 năm chiến tranh dằng dặc và ngày càng ác liệt, hậu phương đã phát huy ngày càng đầy đủ mạnh mẽ vai trò, tác dụng to lớn vào các lĩnh vực hoạt động chiến tranh, vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. Quy mô hoạt động và kết quả của mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ trên chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ tùy thuộc một phần quan trọng vào sự lớn mạnh và khả năng đáp ứng về nhân lực, vật lực của hậu phương cho chiến trường, cho các nhu cầu của chiến tranh. Hậu phương được cấu thành bởi nhiều nhân tố địa lý, con người, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, đường lối đối nội, đối ngoại của Nhà nước... Do đó, mọi tác động liên quan tới hậu phương, mọi biến động của bản thân hậu phương đều ảnh hưởng tới chiến trường.

        Từ năm 1954 đến 1959 là quãng thời gian miền Bắc ra sức khắc phục hậu quả hơn 80 năm thống trị của thực dân Pháp và 9 năm tàn phá của chiến tranh, tạo dựng nền móng của một quốc gia, làm cho miền Bắc trở thành hậu phương căn cứ địa của cách mạng miền Nam, cách mạng cả nước. Đó là quãng thời gian không thể nào khác được. Hơn nữa, trên con đường xây dựng một chế độ xã hội mới, chúng ta phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm đòi hỏi phải có thời gian khắc phục. Trong khi đó, cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề về tổ chức và lực lượng. Một số căn cứ có từ thời chống Pháp được duy trì, một số căn cứ mới hình thành ở miền rừng núi. Đó là điều kiện cho việc xây dựng một số đơn vị vũ trang tập trung, phổ biến là cấp trung đội... Vì vậy thời kỳ này, ở miền Nam, chúng ta buộc phải thực hành phương thức đấu tranh chính trị là chủ yếu nhằm bảo tồn lực lượng, chuẩn bị điều kiện (ở cả miền Bắc, miền Nam, trong nước và quốc tế) cho bước phát triển tiếp theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:24:45 am »


        Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương và phong trào đồng khởi toàn miền Nam đã đưa cách mạng miền Nam bước sang giai đoạn phát triển mới. Từ đây, miền Bắc vừa ra sức thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất vừa tổ chức chi viện cho chiến trường. Tuyến vận tải chiến lược trên bộ và trên biển ra đời, nhanh chóng khai thông luồng đường và tổ chức tiếp tế, chi viện cho cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Sau Đồng khởi, một vùng giải phóng rộng lớn mở ra. Vùng giải phóng đó được xây dựng và củng cố thành hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam, thành chỗ đứng chân cho mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cho các đơn vị vũ trang tập trung. Được sự chi viện của hậu phương miền Bắc và dựa vào hậu phương tại chỗ ngày càng mở rộng, lực lượng cách mạng nói chung, lực lượng vũ trang giải phóng nói riêng nhanh chóng lớn mạnh về tổ chức, về biên chế, về trang bị, về quân số, về khả năng tác chiến.

        Mặt khác, dựa vào hậu phương tại chỗ, quân và dân miền Nam đã đẩy mạnh tiến công quân địch về quân sự, chính trị, binh vận; mở rộng vùng giải phóng, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược. Thế trận đó cho phép quân và dân miền Nam vừa tăng cường lực lượng, vừa thực hành chiến lược tiến công rộng khắp và mạnh mẽ theo phương châm “hai chân, ba mũi” trên cả ba vùng, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

        Sau gần 10 năm miền Bắc xây dựng trong điều kiện hòa bình và sau gần 5 năm cách mạng miền Nam bước ra khỏi thế giữ gìn lực lượng, phát triển mạnh mẽ, hậu phương chiến lược, hậu phương tại chỗ, tuyến vận tải chiến lược được xây dựng và củng cố vững chắc. Đó là một cơ sở quan trọng để Đảng và Nhà nước ta hạ quyết tâm chiến lược đánh thắng “chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Nam và chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ trên miền Bắc. Trên cơ sở phân tích một loạt các nhân tố liên quan đến hai bên, trong đó có nhân tố hậu phương, Đảng và Nhà nước ta cho rằng: Trong “chiến tranh cục bộ” mặc dù Mỹ đưa quân vào chiến trường miền Nam tham chiến nhưng lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn... Do đó quân và dân miền Nam có đầy đủ điều kiện để đẩy mạnh chiến lược tiến công, giữ vững chính quyền chủ động trên chiến trường. Sự vững mạnh toàn diện của hậu phương miền Bắc sau 10 năm xây dựng đảm bảo cho miền Bắc cùng một lúc thực hiện ba nhiệm vụ: vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa đẩy mạnh chi viện sức người sức của cho chiến trường.

        Sau gần 3 năm trực tiếp đương đầu với bộ binh, với không quân và hải quân của Mỹ - ngụy, quân và dân ta trên khắp hai miền đã làm thất bại một bước các biện pháp, các mục tiêu chiến lược của “chiến tranh cục bộ”. Hậu phương miền Bắc vững vàng và dạn dày thêm trong khói lửa chiến tranh. Hậu phương tại chỗ trên chiến trường miền Nam cũng ngày càng mở rộng, áp sát, bao vây căn cứ quân sự, các vùng đô thị, các tuyến giao thông huyết mạch. Tình hình đó đặt Mỹ trước thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược; cho phép ta mở cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ vào đầu Xuân Mậu Thân 1968, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ”.

        Từ giữa năm 1968 kéo dài sang năm 1969, 1970, cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề. Hậu phương tại chỗ ở thành thị và vùng nông thôn đồng bằng bị thu hẹp. Mất bàn đạp tiến công, các đơn vị vũ trang ta lùi dần về rừng núi, sang bên kia biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Nhiều đoàn hậu cần của Miền cũng phải lật cánh hoạt động sang Cam-pu-chia, chỉ để lại một bộ phận gọn nhẹ tiếp tục hoạt động trên chiến trường miền Nam. Một số đơn vị vũ trang tập trung Khu 5 phải phân tán thành bộ phận lực lượng nhỏ hơn để khắc phục khó khăn về vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men. Trong điều kiện hậu phương tại chỗ bị thu hẹp; thế trận chiến tranh nhân dân bị sa sút, vai trò của hậu phương miền Bắc và Tuyến vận tải chiến lược 559 càng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, bước ra khỏi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964 - 1968), miền Bắc phải dành một thời gian nỗ lực để khắc phục hậu quả chiến tranh phục hồi sản xuất, ổn định mọi mặt trong khi vẫn duy trì sự chi viện toàn diện cho cách mạng miền Nam, cho cách mạng Lào và Cam-pu-chia. Để giữ vững sự chi viện đó, các binh đoàn chủ lực miền Bắc phối hợp với lực lượng tại chỗ của Đoàn 559 đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” của quân đội Sài Gòn, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược khu vực Đường 9 - Nam Lào (1971).

        Tiếp đó, đầu năm 1972, từ miền Bắc, các binh đoàn chủ lực hành quân vào Nam mở cuộc tiến công chiến lược. Trên miền Bắc, quân và dân ta đập tan cuộc tập kích của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, đánh bại các mục tiêu của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của không quân và hải quân Mỹ. Như vậy, sức mạnh của hậu phương miền Bắc là một trong những nhân tố quyết định tạo nên thắng lợi to lớn năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri.

        Giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh (1973 - 1975), miền Bắc dồn sức chi viện cho chiến trường. Được sự chi viện mạnh mẽ, to lớn, toàn diện của hậu phương miền Bắc, thế và lực của cách mạng miền Nam chuyển biến nhanh chóng, áp đảo quân địch. Thời cơ chiến lược lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam xuất hiện.

        Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, miền Bắc xã hội chủ nghĩa dốc toàn sức mạnh tiềm tàng cho miền Nam tổng tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ.

        Như vậy, vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự chi viện kịp thời, to lớn của hậu phương miền Bắc là nhân tố quyết định tạo ra thế và lực của cách mạng miền Nam áp đảo quân địch; mở ra thời cơ chiến lược lớn; tạo nên sức mạnh đánh bại hoàn toàn quân địch, kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:28:41 am »

       
PHẦN KẾT LUẬN

XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA HẬU PHƯƠNG  CHIẾN TRANH NHÂN DÂN VIỆT NAM
(1945 - 1975)

        Thắng lợi oanh liệt của sự nghiệp kháng chiến kéo dài ba mươi năm của nhân dân ta đã khẳng định vị trí to lớn của hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là một hậu phương được tổ chức chặt chẽ theo một đường lối đúng đắn, sáng tạo và bằng những biện pháp có hiệu quả. Vì thế, trước thử thách ác liệt của chiến tranh, hậu phương kháng chiến của ta được xây dựng được bảo vệ và ngày càng mở rộng đã phát huy mạnh mẽ vai trò, tác dụng to lớn, toàn diện, góp phần quyết định vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Trên thực tế, căn cứ địa Việt Bắc... trong kháng chiến chống thực dân Pháp hay hậu phương lớn miền Bắc và hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là nơi đặt cơ quan đầu não lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến; nơi xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là các binh đoàn chủ lực; nơi đáp ứng sức người, sức của ngày càng tăng của cuộc chiến tranh; nơi tổ chức và triển khai công tác đối ngoại, công tác tuyên truyền nhằm làm cho thế giới hiểu rõ, hiểu đúng sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta, qua đó, mở rộng mặt trận đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bè bạn khắp năm châu. Bên cạnh đó hậu phương là nơi tiếp nhận, bảo quản, cải biên, cải tiến và tổ chức vận chuyển tới các chiến trường một khối lượng lớn vũ khí, thiết bị chiến tranh do các nước xã hội chủ nghĩa anh em chi viện. Cuộc chiến đấu để bảo vệ hậu phương là một bộ phận quan trọng của cuộc chiến tranh nhân dân của cả nước chống chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, góp phần rất quan trọng đập tan ý chí xâm lược của kẻ địch. Với chế độ xã hội mới, ưu việt được thiết lập, được bảo vệ vững chắc, hậu phương không chỉ là chỗ dựa về vật chất mà còn thực sự là chỗ dựa về tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận và cho nhân dân đang sống trong vùng tạm bị chiếm, giúp họ giữ vững niềm tin và quyết tâm trong gian khổ, ác liệt của chiến tranh. Những thời kỳ tiền tuyến gặp khó khăn về quân số, về vũ khí, về lương thực và thuốc men... hậu phương đã dồn sức chi viện, đảm bảo cho các chiến trường khôi phục thế trận, tăng cường lực lượng, giữ vững và phát huy chiến lược tiến công. Vào những thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh, sự ổn định và vững mạnh của hậu phương chiến lược là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm chiến lược kịp thời và chính xác. Tại hậu phương, lực lượng dự bị chiến lược được xây dựng và tăng cường, sẵn sàng cơ động ra chiến trường, thực hiện các đòn đánh lớn có tác dụng làm xoay chuyển cục diện chiến tranh có lợi cho ta và bất lợi cho đối phương. Giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, hậu phương chiến lược đã dốc toàn bộ sức mạnh tiềm tàng cho tiền tuyến tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến 30 năm của toàn dân tộc.

        Việc giải quyết thành công vấn đề hậu phương trong hai cuộc kháng chiến nói trên đã góp phần giải thích tại sao dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc to có tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự và khoa học công nghệ mạnh hơn ta rất nhiều.

        Xưa nay trong các cuộc chiến tranh, hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên quyết định kết quả được hay thua của hai bên. Tôn Tử coi vật chất là chỗ dựa chủ yếu của hành động quân sự, là cơ sở để tiến hành chiến tranh, qua đó nhấn mạnh chiến tranh phải “dựa vào hậu phương hùng mạnh, dựa vào lực lượng hùng hậu; quân đội nào tách khỏi hậu phương hùng mạnh thì không thể giành được thắng lợi trong chiến tranh, không thể tồn tại được”. Những nhà quân sự lỗi lạc như Na-pô-lê-ông, Cờ lao-dơ-vít đều coi trọng việc xây đựng và bảo vệ hậu phương, chuẩn bị thật chu đáo việc bảo đảm hậu cần. Mác, Ăng-ghen và Lê-nin, những người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản đều nhấn mạnh đến vai trò của hậu phương vững chắc và có tổ chức, vì hậu phương là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh. Hồ Chí Minh nói: “Khi có chiến tranh phải huy động và tổ chức tất cả lực lượng trong nước để chống giặc”1.

----------------
1. Hồ Chí Minh Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, Tập I, tr.474.)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:30:49 am »


        Nhìn chung, vai trò của hậu phương đều được các nhà chiến lược, các nhà quân sự đánh giá cao và yêu cầu những người lãnh đạo quốc gia và những người cầm quân phải quan tâm thường xuyên trong thời chiến cũng như thời bình. Bởi lẽ, chiến tranh là sự thử thách toàn diện với mỗi bên tham chiến, trong đó hết thảy mọi lực lượng đều bị thử thách, bị tiêu hao, do đó đòi hỏi phải được bổ sung và phát triển, nhằm đè bẹp đối phương để chiến thắng. Cơ sở vật chất của đất nước mạnh hay yếu, dồi dào hay thiếu thốn là một điều kiện quan trọng, có tác động rất lớn đến thắng hay bại của chiến tranh. Sức mạnh của cơ sở vật chất đó thường được thể hiện rõ nét qua nền kinh tế có nông nghiệp và công nghiệp mạnh, giao thông vận tải phát triển, sản phẩm dồi dào. Đặc biệt đối với lực lượng vũ trang, những thứ mà con người cần dùng để sinh sống và chiến đấu đều do nền kinh tế và khoa học, công nghệ cung cấp. Vì vậy, nhìn vào những chỉ số về kinh tế, về mức sống và trình độ hiểu biết khoa học kỹ thuật của con người, vũ khí và trang bị kỹ thuật của quân đội, các nhà quân sự phương Tây nhất là trong giới thực dân thường có một kết luận cứng nhắc là: bên nào có kinh tế mạnh hơn, lực lượng vật chất dồi dào hơn, thì bên đó sẽ thắng trong chiến tranh. Chính từ quan điểm và cách nhìn như vậy nên trưởng đoàn đại biểu Pháp tại hội đàm ở Phông-ten-bơ-lô tháng 9 năm 1946 đã trắng trợn tuyên bố: “Nếu các ông không khôn ngoan mà chấp nhận những điều kiện của chính phủ Pháp đề ra thì chúng tôi sẽ bẻ cổ các ông trong vòng 8 ngày bằng một chiến dịch cảnh sát thông thường”. Cũng giống như thực dân Pháp, trong khi xâm lược Việt Nam, tướng không quân Mỹ Lơ May đã ngạo nghễ đe dọa “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.

        Song, lịch sử chiến tranh đã từng chứng kiến những trường hợp bên có hậu phương lớn, có lực lượng vật chất dồi dào lại bị bên có lực lượng vật chất ít hơn và yếu hơn làm cho hao mòn suy sụp và cuối cùng phải chịu thất bại. Thí dụ như nước Đức phát xít của Hít-le, sau khi thôn tính được các nước trên lục địa châu Âu đã có một nền công nghiệp chiến tranh mạnh hơn Liên Xô gấp từ 2 đến 2,5 lần. Tỉ lệ so sánh về số quân giữa hai bên là: Liên Xô: 1 Đức: 1,9. Nhưng cuối cùng quân phát xít đã phải đầu hàng vô điều kiện.

        Lại có trường hợp những đội quân nhà nghề vừa đông, vừa có trang bị kỹ thuật hiện đại, được huấn luyện tốt lại phải chịu thua trong khi hậu phương của chúng vẫn còn nhiều tiềm lực, quân còn đông, trang bị vũ khí còn nhiều. Đó là trường hợp thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã bị nhân dân Việt Nam đánh thua liểng xiểng và phải chịu chấm dứt chiến tranh, rút quân viễn chinh về nước.

        Hậu phương vẫn là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi hay thất bại của chiến tranh, song so sánh hậu phương của hai bên, giải quyết vấn đề hậu phương, xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương như thế nào lại không phải là một vấn đề đơn thuần của số học. Hậu phương có thể chuyển hóa từ yếu sang mạnh, hoặc từ mạnh sang yếu. Hậu phương cũng có thể vẫn còn lực lượng hùng hậu, nhưng lại không phát huy được tác dụng để phục vụ cho nhu cầu của chiến tranh và đành để cho cuộc chiến tranh bị cuốn xuống vực thất bại, không có cách gì cứu vãn được. Đó là trường hợp của những cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã gây ra ở Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975. Công tác xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương, việc làm chuyển hóa sức mạnh đó từ nhỏ đến lớn, từ yếu thành mạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất chính nghĩa hay phi nghĩa của chiến tranh mà hậu phương phải phục vụ; phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng hay chiến tranh cổ điển; khả năng huy động và tổ chức nhân dân nhiều hay ít; đường lối chiến tranh và nghệ thuật quân sự sáng tạo hay máy móc; trình độ giác ngộ của con người cao hay thấp; năng lực xử lý cơ sở vật chất hiện có sẵn để phát triển lên giỏi hay kém, v.v... Vì vậy trong cả hai cuộc kháng chiến của nhân dân ta, Đảng và Chính phủ ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chịu bó tay trước tình trạng nghèo nàn, đầy khó khăn của đất nước khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Lúc đó, nhìn vào hậu phương mỗi bên tham chiến, ai cũng dễ thấy hậu phương của nhân dân ta quá yếu. Vì thế nhiều người ở nước ngoài, có cả một số người trong nước, cho rằng kháng chiến là liều lĩnh, khác gì “châu chấu đấu voi”. Nhưng kết cục lại là đế quốc Pháp phải chịu thua. Cuộc kháng chiến chuống Mỹ bắt đầu với miền Bắc đã được giải phóng hoàn toàn. So sánh hậu phương của hai bên trong cuộc chiến tranh mới này, ai cũng thấy rõ sự chênh lệch nghiêng về phía Mỹ là quá lớn. Hầu như các nước trên thế giới đều nghĩ rằng kháng chiến chống Mỹ là phiêu lưu, mạo hiểm; đòi đánh thắng Mỹ là ảo tưởng, hão huyền. Nếu “chỉ nhìn về vật chất, chỉ nhìn ở hiện trạng, chỉ lấy con mắt hẹp hòi mà xem thì như thế thật”1. Nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem xét và đánh giá hiện trạng khi bắt đầu từng cuộc kháng chiến theo quan điểm duy vật biện chứng, dựa vào nhân dân nên đã đề ra được đường lối kháng chiến đúng đắn nói chung và giải quyết chính xác vấn đề xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương nói riêng.

----------
1. Hồ Chí Minh Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, Tập I, tr.474.)
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:36:00 am »

       
*

*       *

        Vấn đề hậu phương được quan tâm thường xuyên ngay khi chính quyền cách mạng mới được thành lập. Những chủ trương lớn như nâng cao trình độ chính trị của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết của toàn dân, xóa nạn mù chữ, tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới, củng cố chính quyền nhân dân, mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố và phát triển Đảng, v:v... được toàn dân và toàn Đảng nô nức thực hiện. Khí thế cách mạng sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước được chuyển thành hành động tích cực trong mọi mặt hoạt động của xã hội.

        Sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác hậu phương mang tính lý luận và tính thực tiễn cao, tính tri thức và tính kỹ thuật phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và trình độ của con người được nâng cao từng bước. Chiến lược hậu phương được xây dựng và thực hiện bằng sự kết hợp chặt chẽ tính cách mạng với tính khoa học của quần chúng và Đảng lãnh đạo. Chiến lược đó dựa vào sự đánh giá đúng đắn thực tế tình hình, coi trọng vai trò con người khi đã được giải phóng khỏi ách nô lệ và đề ra được những biện pháp thực hiện thiết thực, sáng tạo, không máy móc, giáo điều. Những biện pháp đó đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng, tính tổ chức và kỷ luật của quần chúng để biến thành hành động tích cực trong việt thực hiện đường lối của Đảng. Vì hậu phương của ta phục vụ cho chiến tranh chính nghĩa được toàn dân nhất trí tiến hành với tinh thần tự giác cao, nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát huy sức mạnh của hậu phương được mọi người chấp hành nghiêm chỉnh và sáng tạo. Chính nghĩa khi đã được toàn dân nhận thức đầy đủ đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với toàn dân kháng chiến. Có chính nghĩa, mọi người dân có điểm chuẩn để bóc trần những hành động và thủ đoạn chiến tranh phi nghĩa của quân xâm lược, luôn luôn làm cho sự nghiệp chính nghĩa càng tỏa sáng, càng lan rộng, có thêm điều kiện thuận lợi để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ quốc tế.

        Tình trạng nghèo nàn và đầy khó khăn của nền kinh tế khi mới bắt đầu kháng chiến không làm cho Đảng và nhân dân ta lùi bước. Trái lại Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân biết khai thác cơ sở vật chất hiện có, khắc phục khó khăn, xây dựng hậu phương bằng mọi cách mà trước hết là bằng sức mạnh của truyền thống lịch sử, của con người có giác ngộ về chính trị ngày càng cao và được tổ chức chặt chẽ.

        Đất nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa, nửa phong kiến, vẫn còn bị những hậu quả tai hại của chiến tranh. Nạn lụt, nạn đói, nạn mù chữ còn gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân. Lực lượng vũ trang còn nhỏ bé, không được trang bị đày đủ vũ khí và khí tài tối tân như các quân đội xâm lược. Ta chỉ có con người, có Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo để đấu tranh cho sự nghiệp chính nghĩa. Đây là vốn liếng của cách mạng và cũng là những yếu tố cơ bản để xây dựng hậu phương, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài cho đến thắng lợi. Kẻ địch dựa vào sức mạnh của vũ khí và những thành tựu của khoa học kĩ thuật là ưu thế của chúng hòng buộc nhân dân ta phải khuất phục. Ta dựa vào chính nghĩa vào sức mạnh của toàn dân, vào các giá trị truyền thống của dân tộc, vào trí tuệ Việt Nam, là những ưu thế của ta để kiên quyết đập tan mưu đồ và hành động xâm lược của chúng. Điểm khởi đầu của ta chỉ được biểu hiện bằng những con số không gây được ấn tượng về sức mạnh đối với nhiều người nhất là đối với kẻ xâm lược. Dưới đây là một vài điểm so sánh giữa Việt Nam và Pháp.

Hạng mục so sánh                        Việt Nam                                     Pháp
Dân số                                      25 triệu người                              53 triệu người
Gang thép (theo đầu người)               0                                           262kg
Than đá (theo đầu người)                107kg                                    1.000kg
Điện (theo đầu người)                  3,9kw/giờ                                417kw/giờ
Thu nhập bình quân (theo đầu người)49 đồng
                                        (tương đương 490 phơ-răng)        6.200phơ-răng
Quân số                                      82.000 người                 90.000 người  (65.000 Âu Phi)

        Vấn đề đặt ra là phải có thời gian triển khai công tác hậu phương, xây dựng và phát huy sức mạnh của cả nước để thắng giặc. Trước tình hình đất nước lúc đó kháng chiến thế nào? Nhân dân ta không thể tiến hành chiến tranh kiểu cổ điển, chiến tranh quy ước. Không thể chỉ đưa quân đội ta ra chọi với quân đội địch, mà phải thực hiện toàn dân kháng chiến. Không phải chỉ đánh địch trên mặt trận quân sự mà còn đánh trên các mặt trận chính trị, kinh tế đối ngoại, văn hóa, tư tưởng... được phối hợp chất chẽ với nhau. Không phải đánh theo kiểu dàn trận địa, phân trận tuyến giữa địch và ta trên chiến trường, mà phải phát động và đẩy mạnh chiến tranh du kích khắp nơi, đi từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Để đánh thắng kẻ địch có vũ khí, trang bị nhiều và mạnh hơn ta, cuộc kháng chiến phải lâu dài, không thể đem hết lực lượng ra “quyết sống mái” với địch bằng một vài trận, thực hiện chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh được”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:37:28 am »


        Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hoa Kỳ luôn luôn bỏ xa Việt Nam ở phía sau về kinh tế và khoa học kỹ thuật. Theo Niên giám bách khoa toàn thư trên thời báo Niu Yoóc năm 1972, những chỉ số sau đây nói lên sự chênh lệch to lớn giữa Việt Nam và Mỹ về mặt kinh tế và khoa học kỹ thuật: về tổng sản phẩm quốc gia Mỹ hơn ta 325 lần, về đường bộ gấp 505 lần, về đường sắt gấp 225 lần, về xuất khẩu gấp 310 lần, về báo chí gấp 437 lần, về máy thu thanh gấp 210 lần, v.v...

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ được tiến hành theo đường lối chiến tranh nhân dân đã được thử thách qua kháng chiến chống Pháp và được phát triển tới đỉnh cao. Công tác xây dựng hậu phương trong hai cuộc kháng chiến đã quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.

        Hậu phương đã động viên sức người, sức của cho kháng chiến, đồng thời là nguồn cổ vũ mạnh mẽ về chính trị tinh thần cho các lực lượng vũ trang chiến đấu trên các chiến trường. Để làm được như vậy, phải qua một quá trình vừa kháng chiến vừa kiến quốc từng bước củng cố và phát triển hậu phương từ nhỏ yếu thành lớn mạnh. Trong quá trình đó hậu phương phải thường xuyên tái tạo ra tiềm lực mới cả về vật chất và tinh thần để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của kháng chiến. Công tác hậu phương đã được tiến hành theo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, bảo đảm cho toàn dân và toàn quân đánh được lâu dài, càng đánh càng mạnh. Trước yêu cầu đó hậu phương tuy còn yếu sức nhưng vẫn bảo đảm cho cuộc kháng chiến triển khai nhanh chóng trên cả nước. Hậu phương đã có sức bền bỉ, biết khai thác, động viên của cải vật chất và sức mạnh tinh thần để phục vụ cho kháng chiến trường kỳ, không phải dốc hết khả năng để đánh cho được một vài trận đầu rồi kiệt sức.

        Chiến tranh du kích được phát động và ngày càng mở rộng làm cho địch đi đến đâu cũng bị đánh, đóng quân ở đâu cũng bị tiến công. Thế xen kẽ giữa ta và địch được hình thành. Vì vậy quân xâm lược không thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo ý định chiến lược của chúng. Trong khi đó hậu phương ta vừa có thể đáp ứng được những yêu cầu bảo đảm cho chiến tranh du kích, vừa có thể mở rộng hoạt động để chuẩn bị cho những giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến.

        Thực hiện phương châm đánh địch trên cả ba vùng chiến lược nông thôn đồng bằng, rừng núi và đô thị, ta càng làm cho thế xen kẽ trở nên phổ biến và phức tạp. Hậu phương vì thế xen lẫn với tiền tuyến, không có ranh giới ổn định, vì biến động luôn.

        Ta thực hiện toàn dân kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Từ cụ già đến em nhỏ ai làm việc gì có lợi cho kháng chiến và kiến quốc cũng là chống xâm lược. Với tinh thần đó, trường học, ruộng đồng, xí nghiệp, cơ quan, công trường... đều là chiến trường. Sách bút, cuốc cày, máy móc, thiết bị nghiên cứu, công cụ lao động... đều là vũ khí. Học sinh, người cày ruộng, người làm thợ, nhà văn, bác sĩ, kỹ sư đều là chiến sĩ. Ở mỗi ngành, trong mỗi tổ chức kháng chiến, trong mỗi con người dù ở đâu và làm gì, đều có yêu cầu phải giải quyết về xây dựng hậu phương và chiến thắng kẻ thù. Nhiệm vụ xây dựng hậu phương không của riêng ai, nhưng lại được phân công phụ trách cụ thể đến từng bộ phận nhỏ thậm chí đến từng người một. Chính phương thức xây dựng hậu phương đó đã tập hợp được toàn dân, tạo nên sức mạnh ngày càng lớn, đạt hiệu quả ngày càng nhiều và cao, làm cho kẻ địch không lường nổi. Lực lượng xây dựng hậu phương của ta còn có nguồn phong phú từ ngoài biên giới quốc gia, ở nhiều nước trên thế giới, kể cả nước Pháp và nước Mỹ. Sự nghiệp chính nghĩa ngày càng sáng tỏ, được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ thì sự cổ vũ và giúp đỡ quốc tế kể cả từ nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ ngày càng mạnh mẽ, có hiệu quả. Sức mạnh từ hậu phương chuyển ra tiền tuyến để giành chiến thắng vì thế mà có nguồn vô tận. Trái lại về phía địch, tuy đất nước của họ giàu mạnh, nhưng vì tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, nên việc huy động những tiềm lực mạnh giàu đó vào cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng bị phong trào quần chúng ở nước họ phản đối quyết liệt. Đến một lúe nào đó, các chính phủ hiếu chiến trên thực tế không thể tùy tiện huy động sức người, sức của cho chiến tranh được. Tiềm lực còn nhiều, lực lượng vũ trang còn khá hùng hậu, nhưng họ đành phải kết thúc chiến tranh, từ bỏ ý đồ xâm lược.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM