Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:37:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975)  (Đọc 42645 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 04:35:43 am »

       
        II. XÂY DỰNG, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY SỨC MẠNH HẬU PHƯƠNG MIỀN BẮC

        Kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc sạch bóng quân xâm lược. Để hoàn thành độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc, “điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam”1. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa II) khẳng định “miền Bắc là chỗ đứng của ta. Bất kể trong tình hình nào, miền Bắc cũng phải được củng cố”2. Tiếp đó, phát biểu trong Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”3. Để củng cố miền Bắc thành hậu phương chiến lược của cách mạng miền Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lầu thứ III của Đảng (1960) chủ trương phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng cả nước, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà.

        Như vậy, từ đầu, vị trí và vai trò của miền Bắc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước được xác định rõ. Để làm tròn vai trò đó, miền Bắc phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Bắc mới trở thành hậu phương vững mạnh, đáp ứng được đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

        1. Xây dựng miền Bắc vững mạnh toàn diện

        80 năm thống trị của thực dân Pháp và 15 năm chiến tranh làm cho nền kinh tế miền Bắc vốn đã lạc hậu lại bị tàn phá nặng nề. Về nông nghiệp, hơn 140.000 ha đất bỏ hoang không người trồng cấy. Hệ thống thủy lợi hư hại nặng khiến 200.000 ha ruộng không nước tưới tiêu, hoang cằn và úng ngập. Xóm làng xơ xác, dân cư xiêu tán, chưa kịp hồi cư. Cuối 1954 đầu 1955, thiên tai tàn hại mùa màng, nạn đói lan trên 200 xã toàn miền Bắc.

        Công nghiệp nhỏ bé, què quặt, mất cân đối nghiêm trọng, bị đối phương phá hoại, tháo gỡ máy móc, thiết bị, phụ tùng... đưa vào Nam. Hầu hết các nhà máy,. xí nghiệp của tư sản người Pháp, tư sản dân tộc đều ngừng hoạt động sau ngày ta tiếp quản. Cuối năm 1954, tỉ trọng công nghiệp trong tổng sản lượng công - nông nghiệp từ 10% trước chiến tranh sụt xuống còn 1,5%.

        Là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế quốc dân nhưng giao thông vận tải và bưu điện chắp vá, lạc hậu, bị tổn thương nghiêm trọng. Hầu hết đường sắt, đường bộ bị đào xẻ bốc dỡ. Đường sông không được nạo vét trong nhiều năm nên bị bồi cạn. Phương tiện vận tải cũ nát. Một loạt thiết bị, tài liệu bưu điện bị chuyển vào Nam. Hệ thống điện thoại sau ngày giải phóng trở nên vô hiệu.

        Chín năm kháng chiến, ở vùng tự do, những yếu tố thương nghiệp xã hội chủ nghĩa hình thành, phục vụ kháng chiến. Ở vùng mới giải phóng, với 1.750 hộ tư sản thương nghiệp, hơn 226.000 hộ tiểu thương, hoạt động đầu cơ, nâng giá lũng đoạn thị trường là phổ biến. Hàng hóa khan hiếm. Đồng tiền chưa thống nhất. Phân phối, lưu thông, ổn định giá cả, tổ chức lại thị trường nội địa gặp khó khăn trở ngại.

        Hòa bình lập lại, bên cạnh những khó khăn về kinh tế, miền Bắc đứng trước nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng, phức tạp. Số người mù chữ rất đông. Một số lớn công chức giáo viên, y bác sĩ, nhân viên kỹ thuật... bỏ miền Bắc vào Nam. Hệ thống trường, lớp cơ sở y tế nhỏ bé, lạc hậu. Các bệnh xã hội như lao phổi, hoa liễu, sốt rét... hoành hành. Các tệ nạn xã hội như mại dâm, mê tín dị đoan... phổ biến ở thành thị và nhiều vùng nông thôn. Hàng nghìn trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Hàng trăm nghìn người không nơi trú náu. Hàng nghìn gia đình lâm vào thiếu đói. Hơn 50.000 lao động không có việc làm. 240.000 tề, ngụy tan rã chưa qua cải tạo. Vấn đề tôn giáo, dân tộc vốn đã phức tạp do chính sách cai trị của người Pháp trước đây, bây giờ càng trở nên căng thẳng do âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo giữa các dân tộc để kích động sự chống đối, phá hoại trong lòng miền Bắc. Trước, trong và sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, làn sóng di cư vào Nam phổ biến ở vùng đồng bằng theo đạo Thiên chúa. Trong khi đó, hàng nghìn gián điệp, mật vụ và tổ chức phản động của nước ngoài cài lại vẫn ngấm ngầm hoạt động. 11.000 thổ phỉ tác oai, tác quái trên miền rẻo cao.

        Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ nông thôn chuyển vào thành thị, từ phân tán nay về tập trung... trong cán bộ đảng viên và một bộ phận nhân dân xuất hiện tâm lý nghỉ ngơi, dừng lại. Tại những vùng mới giải phóng, chính quyền cách mạng vừa thành lập nhưng chưa được củng cố. Kinh nghiệm tổ chức, quản lý xã hội, quản lý. kinh tế của các ngành các cấp từ trung ương đến địa phương còn nhiều hạn chế. Để hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất tổ chức, nhiệm vụ “củng cố miền Bắc và chiếu cố miền Nam không thể tách rời... Cần khắc phục tư tưởng sai lầm cho rằng: để chiếu cố miền Nam nên hạ thấp yêu cầu củng cố miền Bắc. Đồng thời cũng đề phòng tư tưởng chỉ đơn thuần củng cố miền Bắc chứ không chiếu cố miền Nam một cách thỏa đáng”4.

        Ổn định tình hình miền Bắc sau chiến tranh, xây dựng miền Bắc trở thành nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Đảng và Nhà nước ta phải giải quyết một cách toàn diện những vấn đề cơ bản đặt ra trong lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội và quân sự.

--------------
1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1955), Văn kiện lịch sử Đảng, Trường Nguyễn Ái Quốc ấn hành, tập 9, tr.66.

2. Như trên, tr.67.

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, tập 7, tr.331.

4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1955), Văn kiện lịch sử Đảng, Trường Nguyễn Ái Quốc ấn hành, tập 9, tr. 66-67.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 04:38:46 am »

               
        a. Về chính trị

        Chín năm trong vòng khói lửa, Đảng, chính quyền dân chủ nhân dân phải dồn tâm lực vào nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến giành độc lập dân tộc và từng bước thực hiện nhiệm vụ dân chủ - tịch thu ruộng đất của những phần tử phản động chia cho nông dân. Từ cuối 1953, Đảng, Nhà nước quyết định đưa cuộc cách mạng ruộng đất lên một quy mô lớn, thể hiện bằng cương lĩnh ruộng đất của Đảng và Luật cải cách ruộng đất do kỳ họp Quốc hội khóa I (12-1953) thông qua.

        Hòa bình lập lại, “để củng cố miền Bắc, trước hết cần cải cách ruộng đất.... Vì có đẩy mạnh cải cách ruộng đất mới đoàn kết được đại đa số nhân dân, củng cố được khối công nông liên minh, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng; mới có thể khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng và có thêm điều kiện tăng cường quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng”1. Thực hiện nhiệm vụ này là cần thiết nhằm xây dựng miền Bắc vững mạnh về chính trị, tạo điều kiện để xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, tăng cường tiềm lực quốc phòng của hậu phương miền Bắc. Tuy nhiên, do không nắm vững những biến đổi trong nông thôn miền Bắc từ sau Cách mạng tháng Tám, đánh giá thấp lực lượng cách mạng ở nông thôn, đánh giá quá cao thế lực kinh tế và chính trị của địa chủ miền Bắc nên trong chỉ đạo thực hiện ta phạm một số sai lầm2. Những sai lầm đó nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài; làm cho lực lượng của Đảng ở nông thôn bị tổn thất; khiến cho uy tín của Đảng bị giảm sút trong quần chúng, quan hệ giữa Đảng, chính quyền và quần chúng nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Thế nhưng, khi phát hiện những sai lầm, Đảng ta đã nghiêm khắc tự kiểm điểm, công khai tự phê bình, kiên quyết sửa chữa những sai lầm phạm phải. Thái độ đó được nhân dân đồng tình và vì thế lòng tin của dân vào Đảng, Chính phủ được củng cố, uy tín của Đảng được phục hồi, khối đại đoàn kết được giữ vững.

        Hoàn thành cải cách ruộng đất, tiến hành các kết quả việc sửa chữa sai lầm đã đưa lại chuyển biến lớn trong nông thôn và nông dân miền Bắc. Thế lực chính trị, kinh tế của địa chủ bị đánh đổ. Chế độ phong kiến bị xóa bỏ. Thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, làm người dân của một nước tự do, độc lập và giờ đây được giải phóng khỏi ách áp bức của địa chủ, phong kiến, trở thành người chủ nông thôn là sự đổi đời của người nông dân miền Bắc.

        Sau chiến tranh, bên cạnh một loạt các vấn đề kinh tế, xã hội phải giải quyết, việc nâng cao sức mạnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định để xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh, trước hết là về chính trị. Đảng chú trọng công tác tư tưởng và tổ chức, xây dựng công tác lý luận, chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng, tích cực sửa đổi lề lối làm việc và phương pháp lãnh đạo, đi sát thực tế và gắn bó với nhân dân, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình đi đối với việc thực hiện dân chủ nội bộ. Bên cạnh đó Đảng luôn chăm lo công tác lựa chọn, rèn luyện, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, đẩy mạnh công tác kiểm tra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa II) chỉ rõ: “Phải mạnh dạn cất nhắc cán bộ, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ công nông, một cách thường xuyên trong công tác hàng ngày, lựa chọn cán bộ cho thích hợp với từng công tác, tập trung lực lượng, bố trí cán bộ để đảm bảo thực hiện chu đáo những công tác chính trị. Thực hiện việc thống nhất quản lý cán bộ. Cần lập Ban Kiểm tra Trung ương, và ngành nào cũng phải tự tổ chức việc kiểm tra của mình để kiểm tra một cách có trọng điểm việc thi hành những chính sách của Đảng và Chính phu”3. Nhiều đảng viên của Đảng có phẩm chất tốt, có năng lực, qua rèn luyện và thử thách trong thực tế công tác, chiến đấu được bố trí vào bộ máy nhà nước và các cấp chính quyền. Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình thông qua việc đề ra và chỉ đạo thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, phương châm công tác lớn. Đồng thời Đảng thông qua các tổ chức đảng đoàn ở Hội đồng Chính phủ và các cơ quan khác của Nhà nước, của Mặt trận để biến đường lối của Đảng thành chính sách hoạt động của Nhà nước. Các cấp ủy đảng chú trọng lãnh đạo việc tăng cường hiệu lực của các cấp chính quyền, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, chống hiện tương “khoán trắng” cho chính quyền.

--------------
1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (3-1955), Văn kiện lịch sử Đảng, tài liệu đã đẫn, tập 9, tr.44.

2. Xem kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương cải cách ruộng đất số 148/BCT, ngày 25-5-1994.

3. Văn kiện lịch sử Đảng, tài liệu đã dẫn, tập 9, tr. 53.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:17:41 am »


        Chuyển sang thời bình, đội ngũ cán bộ, đảng viên đứng trước những nhiệm vụ nặng nề về kinh tế xã hội. Do vậy, tất cả các cấp ủy đảng ở miền Bắc và toàn bộ đảng viên được học tập chính sách kinh tế, tài chính, nhằm nâng cao hiểu biết và năng lực lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực mới này.

        Trong những năm kháng chiến chống Pháp, bộ máy chính quyền từng bước được xây dựng, nhưng do điều kiện lúc bấy giờ, tổ chức và hoạt động còn nặng về hành chính và kháng chiến. Hòa bình lập lại Đảng ta chủ trương: “Củng cố chính quyền nhân dân là công tác cần thiết để củng cố miền Bắc”1. Một mặt, chúng ta kết hợp phát động quần chúng cải cách ruộng đất với việc củng cố chính quyền cấp xã và huyện, làm cho chính quyền các cấp thực sự là chính quyền của nhân dân lao động. Mặt khác, chúng ta từng bước chỉnh đốn, cải tạo, nâng cao hiệu lực của chính quyền ở các vùng mới giải phóng, xây dựng chính quyền ở các đô thị một cách vững vàng và rộng rãi. Sau chiến tranh, các cơ quan nhà nước trở lại hoạt động đều đặn. Trách nhiệm, quyền hạn, thể lệ, chế độ được quy định rõ ràng, cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực tổ chức và quản lý kinh tế. Các kỳ họp của Quốc hội tiến hành theo định kỳ nhằm thông qua các chủ trương chính sách lớn; các kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước. Hội đồng Chính phủ được kiện toàn về cơ cấu, tổ chức, từng bước nâng cao hiệu lực quản lý, chỉ đạo thực tiễn. Chính quyền các cấp được tăng cường theo nguyên tắc vừa đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Hội đồng Chính phủ vừa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cơ sở.

        Nhằm đẩy mạnh việc dân chủ hóa cơ quan tư pháp, Quốc hội quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao và Viện Công tố nhân dân; tách hệ thống tòa án nhân dân và hệ thống công tố khỏi Bộ Tư pháp, chuyển thành hai cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ.

        Để phát huy tinh thần chủ động của nhân dân, động viên nhân dân tham gia tích cực sự nghiệp xây dựng miền Bắc, Nhà nước đã ban hành Luật Công đoàn, luật bảo đảm quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Trung ương Đảng công bố các chính sách đối với trí thức (8-1957), đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh (8-1957). Bộ Chính trị ra nghị quyết về công tác văn hóa, văn nghệ... Sau gần 3 năm soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 31 tháng 12 ngày 1959 Hiến pháp mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Quốc hội thông qua. Phản ánh những thành tựu và những biến đổi của đất nước suốt 14 năm chiến đấu và xây dựng, hiến pháp mới là đạo luật cơ bản, quy định tính chất, chế độ chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước Việt Nam, là sự thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, quyết tâm xây dựng bảo vệ vững chắc miên Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, đảm bảo cho miền Bắc trở thành cơ sở của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tiếp đó, các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các cấp chính quyền từ trung ương tới cơ sở về kinh tế, văn hóa, xã hội, về quyền tự do dân chủ, về quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được ban hành. Việc ban hành các văn bản pháp luật đó góp phần tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động trong đời sống chính trị kinh tế, văn hóa, xã hội...

        Khối đại đoàn kết toàn dân - nguồn sức mạnh của chính quyền dân chủ nhân dân tiếp tục được củng cố. Đảng và Nhà nước thường xuyên chăm lo tuyên truyền, giáo dục cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hiểu rõ tình hình và nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, nêu cao ý thức cảnh giác, củng cố niềm tin và quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, tăng cường khả năng định hướng về chính trị cho mọi người dân, trước hết là cho đợi ngũ cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang.

        Trên cơ sở sự nhất trí về chính trị, sự ổn định xã hội ở miền Bắt được tăng cường, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh.

-----------------
1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, Văn kiện lịch sử Đảng, tài liệu đã dẫn, tập 9, tr.46.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:21:00 am »


        Tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thay cho Mặt trận Liên Việt trước đấy. Tuyên ngôn và cương lĩnh của mặt trận thể hiện nguyện vọng và ý chí của mọi người Việt Nam yêu nước là đại đoàn kết để hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Phát biểu tại buổi bế mạc đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn thực hiện cương lĩnh của mặt trận thì chúng ta phải ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, phải làm cho miền Bắc vững mạnh và tiến lên mãi”1.

        Trong Mặt trận, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới thành phần các dân tộc ít người. Đảng, Nhà nước ban hành và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế văn hóa - xã hội miền núi. Nhằm mục tiêu đó khu tự trị Thái - Mèo (khu tự trị Tây Bắc) và khu tự trị Việt Bắc lần lượt được thành lập. Trong thư gửi đồng bào khu tự trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mục đích thành lập khu tự trị là để cho các dân tộc anh em và toàn khu cùng nhau tự quản lý công việc của mình, phát huy khả năng của mình để tiến bộ mau chóng về mọi mặt”2. Tiếp đó, từ tháng 8-1959, các khu vực và tỉnh miền núi thực hiện cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ. Cuộc vận động thu được kết quả đã làm cho vùng núi bước đầu phát triển, tăng cường tình đoàn kết anh em giữa các dân tộc, cải thiện một bước đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc vùng cao...

        Đối với các tôn giáo, một thành phần của Mặt trận Tổ quốc, Đảng và Nhà nước thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân hiểu rõ và làm đúng chính sách bất di bất dịch của Đảng, Chính phủ: tôn trọng tự do, tín ngưỡng, không can thiệp vào hoạt động tôn giáo, không xâm phạm đến tài sản và lợi ích hợp pháp của nhà thờ, nhà chùa. Trên cơ sở phân biệt rõ tín ngưỡng tôn giáo với việc lợi dụng tín ngưỡng đó, Đảng, Nhà nước ta kiên trì thuyết phục, giáo dục đồng bào theo đạo tham gia tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc, đồng thời kiên quyết trừng trị những bọn phản động đội lốt tôn giáo, lợi dụng nhà thờ, nhà chùa để chống phá cách mạng, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân. Đây là công tác phức tạp, khó khăn. Chính sách thống trị của chủ nghĩa thực dân và những hoạt động lợi dụng tôn giáo của Mỹ - Diệm trước, trong và sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết để lại trong đồng bào miền Bắc mặc cảm và tâm trạng cách biệt giữa người theo đạo và người không theo đạo... Tuy nhiên, do biết dựa vào dân, tin dân nên các cấp chính quyền ở vùng có đông đồng bào theo đạo dần dần khắc phục được sự cách biệt đó, đã động viên được mọi người ra sức làm ăn xây dựng đời sống, góp phần xây dựng miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

        Để mở rộng khối đoàn kết toàn dân, củng cố chính quyền, liên minh công nông được tăng cường trên nền tảng chính trị - kinh tế - xã hội mới. Những biến động sâu rộng trong đời sống chính trị, kinh tế những năm sau giải phóng đưa lại sự thay đổi về kết cấu giai cấp trong xã hội miền Bắc. Giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức trở thành chủ thể của chế độ xã hội mới được xây dựng trên miền Bắc. Trình độ giác ngộ chính trị, năng lực sản xuất, ý thức làm chủ, tinh thần cách mạng của công nhân, nông dân, trí thức ngày càng nâng cao. Đó là một đảm bảo cho miền Bắc được xây dựng vững mạnh về chính trị.

--------------
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tập 7, tr.331, 520.

2. Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:22:29 am »


        b. Về kinh tế, văn hóa, xã hội

        Sự vững mạnh về chính trị vừa là điều kiện, vừa là kết quả của một chế độ kinh tế phát triển lành mạnh, cân đối. Cho nên, cùng với việc xây dựng miền Bắc vững mạnh về chính trị, Đảng, Nhà nước đã đề ra và tổ chức thực hiện các kế hoạch kinh tế văn hóa, xã hội ngắn hạn nhằm biến đổi sâu rộng nền kinh tế miền Bắc.

        Trước thực trạng kinh tế miền Bắc sau giải phóng, Đảng, Nhà nước chủ trương giành khoảng thời gian 3 năm (1955 - 1957) để phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Chính sách và biện pháp của Đảng, Nhà nước thời kỳ này đã động viên được khí thế chiến thắng thành sức mạnh phục hồi kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống trên miền Bắc; đã phát huy được mọi năng lực sản xuất của các thành phần kinh tế. Nhờ đó, những mục tiêu của kế hoạch đã được thực hiện. Mặc dù yếu tố kỹ thuật trong canh tác chưa có gì mới, nhưng nhờ phục hồi các công trình thủy lợi bị chiến tranh tàn phá, nhờ sức sản xuất được giải phóng khỏi quan hệ phong kiến, đế quốc nền nông nghiệp được khôi phục và có bước phát triển cả về diện tích, năng suất, chăn nuôi, nghề phụ. Sau 3 năm, nông thôn miền Bắc một thời điêu tàn đang hồi sinh khởi sắc. Nạn đói với những kỳ giáp hạt từng bám riết đời người nông dân được khắc phục một phần.

        Trải qua thử thách chiến tranh, phát huy ý chí tự lực tự cường, đội ngũ công nhân miền Bắc khắc phục thiếu thốn, khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất ở các xí nghiệp mới. Nhờ vậy, năm 1957, sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp đạt mức năm 1939; đưa giá trị sản lượng công nghiệp trong tổng sản lượng công - nông nghiệp từ 1,5% (1954) lên 24% (1957), đáp ứng nhu cầu thiết yếu về hàng tiêu dùng của nhân dân.

        Trong 3 năm, lần lượt 4 tuyến đường sắt với 168 cầu cống được phục hồi, nối thủ đô với các miền đất nước. Đường bộ, đường sông, cảng biển cũng đã lưu thông. Các tuyến điện thoại, điện báo, đường thư và công văn từ trung ương về địa phương và đường dây liên tỉnh, nội tỉnh được nối liền, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất, cải cách ruộng đất, chống cưỡng bức di cư, chống phỉ và các yêu cầu về quốc phòng, an ninh.

        Kết quả khôi phục kinh tế thúc đẩy sự nghiệp văn hóa giáo dục, y tế. Hai hệ thống giáo dục ở vùng tự do và vùng tạm chiếm trước đây, bây giờ được thống nhất thành hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm. Chăm lo tới việc học hành của con em nhân dân, các địa phương mở nhiều trường cấp I, cấp II và cấp III. Các trường học sinh miền Nam, các trường sư phạm miền núi cũng được xây dựng. Năm học 1956 - 1957, 65 vạn học sinh miền Bắc cắp sách tới trường, trong đó có 60.000 con em các dân tộc ít người và 15.000 học sinh con em cán bộ miền Nam tập kết. Cùng với giáo dục phổ thông, các lớp bình dân học vụ được mở ra ở mọi địa phương, mọi công trường, xí nghiệp... Lần thứ hai trong lịch sử của chế độ dân chủ cộng hòa, “diệt dốt” trở thành phong trào quần chúng biểu hiện ý chí của một dân tộc không cam chịu thất học và đói nghèo. Ngoài ra, để nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên và nhân dân lao động, Nhà nước và chính quyền các cấp mở các lớp bổ túc văn hóa, lập các trường bổ túc công nông. Hệ thống các trường đại học, trung học chuyên nghiệp được tổ chức lại. Trong tuyển sinh, các trường chú trọng cơ cấu xã hội theo hướng tăng dần tỉ lệ học sinh xuất thân từ công nhân, nông dân, bộ đội, miền núi, phụ nữ... Năm học 1956 - 1957, toàn miền Bắc có 3.860 sinh viên đại học.

        Khắc phục hậu quả của chế độ cũ, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, mạng lưới y tế bước đầu hình thành với 50 bệnh viện, 13 cơ sở điều dưỡng, 5.000 ban phòng hoạt động ở các địa phương. Nhân viên y tế đi về các bản làng xa xôi các vùng nông thôn hẻo lánh, khám chữa bệnh cho nhân dân, phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Ba năm sau chiến tranh là khoảng thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian đó, mặc dù vẫn còn nhiều gian khổ, phức tạp phải vượt qua để đưa miền Bắc trở thành hậu phương vững mạnh nhưng với sự cố gắng của mọi người, mọi nhà, tình hình bớt khó khăn gay gắt. Chính trị ổn định, sản xuất phục hồi, đời sống văn hóa được cải thiện, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa mọi miền đất nước được khuyến khích đã góp phần bồi đắp tình đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:23:17 am »


        Kết thúc kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế, miền Bắc bước vào kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế (1958 - 1960). Trọng tâm của kế hoạch này là cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân; thiết lập chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhân dân, nhờ có biện pháp tổ chức thực hiện đúng nên sau 3 năm, công cuộc cải tạo đã hoàn thành về cơ bản. 85,8% số hộ nông dân, 87,9% thợ thủ công vào hợp tác xã. 100% số hộ tư sản công nghiệp, 99% tư sản vận tải và 97,1% tư sản thương nghiệp đã được cải tạo bằng hình thức công tư hợp doanh và các hình thức khác. 5 vạn tiểu thương chuyển sang sản xuất. Các chỉ tiêu khác về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng được hoàn thành. Nạn thất nghiệp và nhiều tệ nạn xã hội khác do chế độ cũ để lại tiếp tục được khắc phục tích cực bằng các biện pháp hiệu quả.

        Hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo nền kinh tế thiết lập quan hệ sản xuất mới trong một thời gian tương đối ngắn là một thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, để giữ vung thành tựu đó cần có một khoảng thời gian dài hơn nhiều, trong đó đòi hỏi phải có đường lối, chính sách, biện pháp đúng để biến đổi và phát triển sản xuất. Đường lối cơ bản để giải quyết nhiệm vụ này được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra. Theo đó, miền Bắc phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng này gắn bó chặt chẽ với cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của cách mạng cả nước; đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà.

        Theo phương hướng đó, từ năm 1960 - 1965, miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Khắp nơi trên miền Bắc, phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch diễn ra sôi nổi. Nhiều cuộc vận động lớn cũng được phát động trong công nghiệp, nông nghiệp, trong lực lượng vũ trang... Mặc dù những tháng cuối năm 1964, chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ lan ra miền Bắc buộc ta phải gấp rút tăng cường sức mạnh quốc phòng không thể tập trung sức người, sức của cho việc hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng đến cuối năm 1965, các mục tiêu cơ bản cũng được thực hiện. Nếu năm 1960, toàn miền Bắc có 4.300 hợp tác xã bậc cao thì đến 1965, con số đã tăng lên 18.600. Gần 700 hợp tác xã có năng suất lúa vượt 5 tấn thóc trên 1 ha mỗi năm. Về công nghiệp, toàn miền Bắc có 1.132 xí nghiệp, trong đó 205 xí nghiệp trung ương. Tỉ trọng công nghiệp trong giá trị tổng sản lượng công nông nghiệp từ 42,4% năm 1960 lên 53% năm 1965. 90% hàng tiêu dùng thiết yếu và một phần tư liệu sản xuất do công nghiệp trung ương và địa phương đảm bảo. Hệ thống giao thông vận tải, bưu điện được mở rộng, nâng cấp; được trang bị thêm phương tiện, máy móc, thiết bị tương đối hiện đại.

        Như vậy, kết thúc kế hoạch 5 năm, các ngành kinh tế chủ đạo đạt được bước tiến khá vững chắc. Được như vậy, một phần do sự hỗ trợ tích cực của các ngành tài chính, ngân hàng, ngoại thương... Hoạt động của các ngành này hoàn toàn do Nhà nước quản lý điều hành, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế văn hóa và củng cố quốc phòng.

        Tiếp tục xóa bỏ tàn tích của chế độ cũ, nhiệm vụ chủ yếu của sự nghiệp văn hóa, giáo dục là xây dựng nền văn hóa mới và con người mới Việt Nam.

        Theo định hướng trên, giáo dục phổ thông và đại học phấn đấu gắn việc học tập với thực tiễn cuộc sống, với điều kiện Việt Nam. Việc học tập của con em nhân dân lao động, của các dân tộc ít người được chú trọng. Nhà nước ban hành các chế độ, chính sách khuyến khích giáo viên miền xuôi lên dạy học ở miền núi. Nhiều người trong số đó suốt đời gắn bó với sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao. Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện tốt nhất cho việc học tập của con em mình. Con em những gia đình thuộc diện chính sách (thương binh, liệt sĩ, nghèo, có 3 con đi học...), con em các vùng dân tộc ít người được miễn học phí, nhận học bổng của nhà nước...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:24:21 am »


        Nhờ chăm lo sự nghiệp giáo dục, việc dạy và học đạt kết quả cao. So với những năm 1954 - 1955, đến năm 1964, số học sinh phổ thông tăng gấp 3,5 lần; năm học 1965 - 1966 dù chiến tranh phá hoại trở nên ác liệt nhưng toàn miền Bắc số học sinh đến lớp đạt 4.969.000. Điều đó có nghĩa cứ bốn người dân miền Bắc có một người đi học.

        Sự nghiệp giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp cũng đạt được kết quả đáng tự hào. So với năm đầu sau khi miền Bắc được giải phóng, số học sinh đại học và trung học chuyên nghiệp năm 1964 tăng 2 lần. 21.332 cán bộ đại học và trên 55.000 cán bộ trung học được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Họ có mặt khắp mọi miền đất nước phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, củng cố quốc phòng. Con số trên đây tuy chưa nhiều, nhưng so với gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp thì đó là thành tựu lớn. Trong gần 100 năm bị thực dân Pháp thống trị, tổng số người Việt Nam có trình độ đại học chưa quá 200 người. Thời thuộc Pháp, 95% dân số Việt Nam không biết đọc, biết viết. Trước ngày được giải phóng, toàn miền Bắc còn 3,5 triệu người ở độ tuổi từ 12 - 50 mù chữ. Sau gần 10 năm phấn đấu, đến năm 1965, hầu hết nhân dân miền Bắc đã được xóa mù.

        Cùng với sự nghiệp phát triển giáo dục, nền văn hóa mới đa dạng và phong phú, truyền thống và hiện đại kết hợp đã hình thành và phát huy tác dụng to lớn trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc. Hầu hết các văn nghệ sĩ từng trải qua một thời chiến tranh nay đang cùng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân lao động, ra sức khám phá và sáng tạo để xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, phản ánh sâu sắc hiện thực lao động và chiến đấu trên miền Bắc và ở miền Nam.

        Văn học nghệ thuật nói riêng, sự nghiệp văn hóa giáo dục nói chung góp phần quan trọng hun đúc ý chí, tình cảm và đạo đức cách mạng trong sáng; bồi đắp tình thương yêu giai cấp, thương yêu đồng chí, đồng bào và tình cảm quốc tế cao cả cho các tầng lớp nhân dân. Nó xứng đáng là vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng.

        Mạng lưới y tế, vệ sinh phòng bệnh phát triển rộng khắp các địa phương trên miền Bắc từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Đến năm 1965, 70% số huyện có bệnh viện, 90% số xã đồng bằng và 78% số xã miền núi có trạm y tế với đội ngũ những người thầy thuốc tận tụy. Đội ngũ này ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. So với năm 1960, đến năm 1965, đội ngũ y bác sĩ và dược sĩ được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa tăng gấp 5 lần. Do mạng lưới y tế phát triển nên các dịch bệnh được phát hiện kịp thời và được phòng trừ tích cực. Sức khỏe của nhân dân, đặc biệt là người lao động được chăm sóc tốt hơn. Phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe, trong đó có nhiều môn thể thao quốc phòng phát triển rộng rãi trong nhân dân, ở các trường học, xí nghiệp, công trường, các đơn vị quân đội... góp phần nâng cao ý thức quốc phòng trong mọi tầng lớp nhân dân.

        Mười năm sau ngày giải phóng, từ đổ nát của chiến tranh, nhân dân miền Bắc khắc phục nhiều trở ngại, khó khăn, bền bỉ lao động xây dựng cuộc sống mới với chế độ xã hội ưu việt, với nền kinh tế có bước tiến vững chắc về cơ cấu, về thành phần, về năng suất. Nền kinh tế đó đi dần vào thế tương đối ổn định với hai ngành sản xuất chính - công nghiệp và nông nghiệp; với hai hình thức sở hữu bao trùm - quốc doanh và tập thể. Trên nền tảng chính trị và kinh tế đó, sức mạnh quân sự của miền Bắc cũng được tăng cường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:27:14 am »

       
        c. Về quân sự

        Sau ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Bộ Chính trị họp (9-1954), chỉ rõ: “Bất kỳ tư tưởng và hành động nào cho là đình chiến rồi thì mọi việc đều tốt đẹp rồi bỏ rơi việc chuẩn bị chiến đấu, để cho tinh thần đấu tranh uể oải, lơ là việc xây dựng lực lượng vũ trang đều là sai lầm, nguy hiểm... Cho nên, tăng cường quân đội nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân”1.

        Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bộ đội ta từ các chiến trường miền Nam, Lào, Cam-pu-chia rút ra miền Bắc. Hoàn thành tập kết, quân số bộ đội tập trung gần 33 vạn, chủ yếu là bộ binh; biên chế, điều lệnh, trang bị chưa thống nhất.

        Trước thực tế đó, thời gian đầu, quân đội tập trung chấn chỉnh một bước về mọi mặt. Các đại đoàn chủ lực, các đơn vị tập kết, bộ đội tình nguyện, lực lượng vũ trang liên khu và một số đơn vị chủ lực tỉnh biên chế thành các sư đoàn và các trung đoàn bộ binh. Một số đơn vị bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang ven biển được xây dựng thành các đơn vị phòng thủ bờ biển. Các đơn vị bộ đội biên phòng, bộ đội bảo vệ nội địa, bảo vệ giới tuyến cũng được thành lập. Các đơn vị binh chủng, hệ thống cơ xưởng quốc phòng, cơ sở kho tàng, viện quân y được biên chế và bố trí phù hợp với phương án phòng thủ miền Bắc.

        Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 đã quyết nghị các vấn đề xây dựng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới. Hội nghị đã thông qua kế hoạch 5 năm xây dựng quân đội tiến lên chính quy và tương đối hiện đại.

        Thực hiện kế hoạch này, quân đội tiến hành giảm tổng quân số đi đôi với nâng cao chất lượng toàn diện của bộ đội tập trung, tận dụng khả năng xây dựng kinh tế, xây dựng các công trình quân sự và đẩy mạnh công tác tổng kết nghiên cứu khoa học quân sự.

        Hoàn thành việc giảm quân số, bộ đội thường trực ở mức 16 vạn, biên chế thành 7 sư đoàn, 6 lữ đoàn, 12 trung đoàn độc lập và các đơn vị quân binh chủng khác. Các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần các cấp trong toàn quân cũng được chấn chỉnh, sắp xếp theo biểu biên chế mới nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo, chỉ huy. Một số quân binh chủng mới lần lượt ra đời. Từ chỗ bộ binh chiếm ưu thế tuyệt đối về số lượng, đến năm 1960, cơ cấu, biên chế quân đội được điều chỉnh căn bản. Tỉ lệ giữa bộ binh và các binh chủng kỹ thuật xấp xỉ nhau: 51/49%. Vũ khí trang bị đều được đổi mới nhờ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Hỏa lực, sức cơ động của bộ đội do vậy được tăng cường. 37.250 cán bộ từ trung đội trở lên bao gồm cán bộ chính trị, quân sự, hậu cần và các quân binh chủng được bổ túc hoặc đào tạo chính quy ở các trường quân sự trong nước hoặc nước ngoài. Đó là một đảm bảo quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội tiến lên chính quy.

        Thực hiện nhiệm vụ này, việc huấn luyện quân sự ở các đơn vị đi vào nền nếp với nội dung sát thực và phương pháp ngày càng được cải tiến. Thông qua huấn luyện, bản lĩnh chiến đấu, trình độ kỹ thuật, chiến thuật và trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao. Khả năng chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn cũng được dự tính và triển khai huấn luyện.

        Hệ thống điều lệnh quân đội được tổ chức biên soạn và thực hiện nhằm đưa bộ đội vào nếp sống chính quy, tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của quân đội.

------------------
1. Nghị quyết Bộ Chính trị (9-1954), Văn kiện lịch sử Đảng, tập 9, tài liệu đã dẫn, tr. 29.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:28:17 am »


        Xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, xây dựng quân đội trở thành một quân đội cách mạng nói riêng, Đảng ta đặc biệt coi trọng việc xây dựng về chính trị, xem đó là yếu tố quyết định bản lĩnh và sức mạnh của quân đội. Vì vậy, song song với các mặt công tác khác, Đảng ta đẩy mạnh công tác đảng - công tác chính trị trong quân đội. Từ năm 1957, đại hội đảng bộ ở các cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn bắt đầu được tiến hành thường xuyên theo định kỳ nhằm thực hiện sự lãnh đạo toàn diện theo chế độ tập trung dân chủ của các cấp ủy đảng trong lực lượng vũ trang. Tháng 11 năm 1958, hội nghị chính ủy và chủ nhiệm chính trị toàn quân được triệu tập. Hội nghị đã bàn bạc và quyết nghị về tính chất, nhiệm vụ, nội dung công tác đảng - công tác chính trị, chức trách và quyền hạn của các cơ quan chính trị trong các đơn vị.

        Tổng cục Chính trị chỉ đạo toàn quân mở nhiều đợt học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, thời kỳ này, các đơn vị thực hiện cuộc vận động lớn nhằm “nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa”, “rèn luyện lập trường quan điểm giai cấp vô sản cho đảng viên”, “xây dựng chi bộ vững mạnh”. Hiệu quả của công tác đảng - công tác chính trị và bầu không khí chính trị xã hội ở miền Bắc cũng như sự mẫu mực của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã cổ vũ lôi cuốn mạnh mẽ thanh niên trong quân đội; thôi thúc họ phấn đấu trong công tác, học tập, rèn luyện và chiến đấu. Trên cơ sở đó, hàng chục nghìn đoàn viên, chiến sĩ qua thử thách, đã gia nhập hàng ngũ Đảng, đưa tỉ lệ đảng viên trong toàn quân lên xấp xỉ 40% năm 1960.

        Tháng 2 năm 1961, Bộ Chính trị họp nhận định về kết quả 5 năm xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại; thông qua nhiệm vụ quân sự 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965) nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng toàn dân, đáp ứng đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới.

        Sau hội nghị, các đơn vị tập kết từ miền Nam ra được tổ chức thành các lữ đoàn bộ binh gọn nhẹ, sẵn sàng cơ động vào chiến đấu ở miền Nam. Các sư đoàn trực thuộc bộ, được biên chế đủ quân số, trang bị mạnh. Một số sư đoàn biên chế theo khung thời bình (bao gồm khung cán bộ và quân số rút gọn), bảo đảm khi cần có thể nhanh chóng bổ sung quân số và trang bị đủ. Các quân binh chủng kiện toàn về biên chế, tổ chức, tăng cường về lực lượng trang bị.

        Tháng 10 năm 1962, bộ đội phòng không và không quân hợp nhất thành Quân chủng Phòng không - Không quân gồm 12 trung đoàn, 17 tiểu đoàn. Hệ thống ra-đa triển khai thành mạng trinh sát cảnh giới phòng không quốc gia... một số sân bay được tu bổ, phục hồi, xây dựng mới.

        Lực lượng hải quân xây dựng 4 tiểu đoàn tàu ven biển làm nhiệm vụ tuần tiễu, vận tải, săn ngầm. Các đơn vị phòng thủ biển tổ chức thành lực lượng tác chiến binh chủng hợp thành, bố trí ở các trọng điểm. Đến năm 1965, bộ đội chủ lực miền Bắc từ 16 vạn (1960), 18 vạn (1964) tăng lên 27 vạn. Mặc dù giải thể trong các năm 1960 - 1964 nhưng từ năm 1965 bộ đội địa phương được xây dựng lại. So với năm 1959, trong vòng một năm, bộ đội địa phương tăng từ 18.000 lên 46.000 người.

        Sở dĩ bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương được tăng cường nhanh chóng như vậy là bởi trong khi tập trung xây dựng lực lượng thường trực, Đảng và Nhà nước đồng thời chú trọng xây dựng lực lượng hậu bị. Năm 1962, gần 1 triệu người ở độ tuổi từ 18 đến 45 đăng ký ngạch dự bị, trong số đó có gần 8 vạn bộ đội chuyển ngành, giải ngũ làm nòng cốt. Lực lượng dự bị được quản lý chặt chẽ. Hàng năm, các địa phương tập dượt việc động viên lực lượng dự bị. Dân quân tự vệ từ 1 triệu (1960) tăng lên 1.670.786 (1965). Lực lượng này bố trí rộng khắp, được huấn luyện theo định kỳ hàng năm, đảm nhận vai trò nòng cốt trong đảm bảo trật tự trị an, xung kích trong lao động, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ngay tại các địa phương. Trang bị của dân quân tự vệ cũng được đổi mới. Các vùng trọng điểm, dân quân tự vệ còn được trang bị đại liên, súng máy phòng không 12,7, ĐKZ và súng cối.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 12:28:41 am »


        Đường lối quân sự của Đảng là đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Vì vậy, cùng với việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra và thực hiện nhiều biện pháp nhằm củng cố nền quốc phòng toàn dân.

        Sức mạnh của nền quốc phòng miền Bắc là sức mạnh của quần chúng nhân dân có giác ngộ cao về chính trị, được tổ chức chặt chẽ. Vì thế, Đảng ta thường xuyên chăm lo giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, ý thức quốc phòng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhà trường xã hội chủ nghĩa, bên cạnh giáo dục cho học sinh về kiến thức, khoa học, luôn chú trọng bồi đắp lòng yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, đồng chí, yêu chế độ, trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trước vận mệnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước đã phát động nhiều phong trào thi đua, mở nhiều cuộc vận động lớn, tổ chức cho các tầng lớp nhân dân học tập chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng... Thông qua các hoạt động này, sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân càng được củng cố. Dựa trên cơ sở đó, Nhà nước đã huy động nhân dân tham gia, đóng góp vào việc xây dựng các công trình quân sự, các hệ thống phòng thủ ven biển, vùng giới tuyến, phục hồi và xây dựng mới nhiều tuyến giao thông chiến lược có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn quân sự.

        Để củng cố nền quốc phòng toàn dân, căn cứ vào thế bố trí chiến lược chung, miền Bắc được chia thành các quân khu. Bộ tư lệnh quân khu là cơ quan quân sự cao nhất chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, xây dựng tiềm lực quân sự trên địa bàn quân khu.

        Một nội dung lớn của sự nghiệp củng cố nền quốc phòng là giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Thể hiện sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này, các nông trường, lâm trường quốc doanh và quân đội, các tập đoàn sản xuất của cán bộ tập kết ra đời. Các cơ sở đó được bố trí trên những địa bàn có ý nghĩa chiến lược về chính trị, kinh tế và quân sự. Trên thực tế từ năm 1965, nhiều nông lâm trường trở thành địa bàn đóng quân, đảm bảo hành quân... cho các đơn vị chủ lực vào miền Nam chiến đấu. Đồng thời, mạng đường sá nông thôn liên xã, liên huyện và liên tỉnh cũng được tu bổ, xây dựng mới. Mạng đường sá đó đã phát huy tác dụng to lớn chẳng những trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới mà còn trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo sự chi viện liên tục và ngày càng tăng cho các chiến trường. Mặc dù vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Pháp, nguồn thu còn ít, đất nước còn nghèo, nhưng ngân sách quốc gia đã dành một khoản chi lớn cho quốc phòng, cho việc đảm bảo chế độ đối với 36.916 thương binh, hàng chục nghìn gia đình liệt sĩ và hàng vạn bệnh binh. Mặt khác, Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp chính quyền luôn luôn chăm lo công tác hậu phương quân đội.

        Sau khi thí điểm ở một số địa phương, ngày 31 tháng 3 năm 1959 Quốc hội đã thông qua Luật nghĩa vụ quân sự. Từ chế độ tòng quân tình nguyện, chuyển sang chế độ nghĩa vụ quân sự là bước phát triển mới của sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Nó cho phép tăng cường lực lượng hậu bị, giảm bớt số quân thường trực, tiết kiệm tài lực để tập trung cho công cuộc kiến thiết miền Bắc. Ngoài ra, chế độ nghĩa vụ quân sự còn tạo điều kiện phổ cập tri thức quân sự, nâng cao ý thức quốc phòng trong xã hội, động viên sự tham gia đóng góp của toàn dân vào sự nghiệp củng cố quốc phòng.

        Mười năm xây dựng trong hòa bình, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, xã hội miền Bắc trên đà chuyển biến sâu sắc: chuyển biến trong đời sống kinh tế và cuộc sống tinh thần, chuyển biến trong mỗi khu phố, xóm thôn. Trên nền tảng kinh tế chính trị, tinh thần đó, uy tín của Đảng được nâng cao, chính quyền được củng cố, lực lượng vũ trang và nền quốc phòng xây dựng ngày càng vững mạnh.

        Sau những năm dài nô lệ lầm than trước Cách mạng tháng Tám và gian khổ, hy sinh trong chín năm kháng chiến, đây là thời kỳ phấn khởi, tin tưởng và đầy hy vọng của nhân dân miền Bắc. Dẫu cuộc sống còn nhiều chật vật, còn lắm khó khăn nhưng mọi người, mọi nhà sống chan hòa, ổn định và bình yên trong chế độ mới - một chế độ mà bất công tủi nhục đã trở thành dĩ vãng. Mọi người tin yêu nhau, tin yêu Đảng và Chính phủ, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ miền Bắc thành hậu phương chiến lược của cách mạng miền Nam.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM