Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:51:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975)  (Đọc 42648 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 02:47:43 am »

 
        Ngay sau thắng lợi của chiến dịch Biên Giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Tuyệt đối chớ vội thấy thắng mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng càng gần thất bại địch càng cố gắng, càng hung dữ, càng liều mạng. Càng gần thắng lợi, ta càng gặp nhiều sự gay go. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và lực lượng để đối phó với những khó khăn mới”4. Quân dân Việt Bắc coi đó là một bài học về công tác chính trị tư tưởng trong toàn đảng bộ, đặc biệt là ở những nơi vừa được giải phóng sau chiến dịch Biên Giới. Công tác xây dựng và phát triển đảng được coi trọng. Tính đến cuối năm 1950 số lượng đảng viên ở vùng tự do trong liên khu như sau:
TỉnhDân sốĐảng viênTỷ lê so với dân số %
-------------------------------------------------
Cao Bằng200.0007.0003,5
Thái Nguyên174.0006.9223,77
Tuyên Quang119.0006.5005,46
Lạng Sơn170.0006.0002,94
Bắc Cạn90.0002.1162,34
Hà Giang20.0002.0301,69

        Tại Liên khu 5: Từ vị trí chiến lược của chiến trường và sự phát triển của tình hình, quân và dân liên khu phải cùng một lúc thực hiện ba nhiệm vụ: đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm, đánh bại kế hoạch “bình định” của địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta; xây dựng và củng cố vùng tự do thành căn cứ địa vững chắc, hậu phương kháng chiến trực tiếp của chiến trường và cho cả chiến trường Hạ Lào, Đông bắc Cam-pu-chia; phối hợp với cách mạng Lào, Cam-pu-chia phát triển chiến tranh du kích, xây dựng thế trận đánh địch ở khu vực biên giới ba nước.

        Tháng 4 năm 1948 đồng chí Phạm Văn Đồng đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ triệu tập hội nghị quân, dân, chính, đảng toàn Nam Trung Bộ. Hội nghị đã vạch ra những chủ trương và biện pháp cụ thể cho từng vùng.

        Đối với vùng tự do: Về chính trị, trên cơ sở củng cố khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc ra sức tăng cường và củng cố bộ máy kháng chiến tỉnh, huyện, xã. Hết sức coi trọng công tác xây dựng đảng, phát triển đảng viên mới. Số đảng viên trong toàn đảng bộ Nam Trung Bộ đến tháng 3 năm 1949 là 16.000 đồng chí, trong đó có 600 đảng viên nữ, 50 đảng viên thuộc các dân tộc ít người. Hầu hết các xã vùng tự do đều có chi bộ. Tuy nhiên do nhận thức và thực hiện không đúng chủ trương xây dựng đảng nên có tình trạng phát triển đảng chạy theo số lượng, hạ thấp tiêu chuẩn đảng viên, nhất là ở vùng tự do. Từ 16.000 đảng viên tháng 3 năm 1949 tăng vọt lên 86.000 vào cuối năm và tiếp tục tăng mạnh vào đầu năm 1950. Đến tháng 5 năm 1950 toàn đảng bộ đã có 184.166 đảng viên với 926 chi bộ. Số đảng viên là công nhân chỉ có 1.582 người. Con số đó chưa phản ánh hết được phong trào công nhân với số lượng 44.700 công nhân trong liên khu. Công tác giáo dục quản lý đảng viên không theo kịp tình hình nên tổ chức đảng ở cơ sở đông nhưng không mạnh. Khuyết điểm này đã được phê phán và sửa chữa sau đó.

        Thực hiện chỉ thị của Liên khu ủy và ủy ban kháng chiến Nam Trung Bộ, các tỉnh ở vùng tự do đã cử cán bộ lên tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời giúp đỡ thiết thực về vật chất cho công tác xây dựng cơ sở ở Tây Nguyên. Tháng 3 năm 1949 Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 5 lần thứ nhất đã đánh giá cao thắng lợi bước đầu về xây dựng vùng tự do, nhất là xây dựng nền kinh tế tự chủ và lực lượng vũ trang. Đại hội chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng bị địch tạm phiếm, với khẩu hiệu “Tất cả cho vùng bị chiếm”, “Giành lại từng phần Tây Nguyên”. Sau đại hội, Khu ủy điều 500 cán bộ ở vùng tự do bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên, Cực Nam Trung Bộ và Hạ Lào.

        Thất bại trong âm mưu đánh chiếm toàn bộ vùng tự do, từ năm 1948 thực dân Pháp quay sang thực hành thủ đoạn bao vây, bóp nghẹt. Chúng ráo riết phong tỏa không cho đưa vào vùng tự do những mặt hàng thiết yếu như lương thực, vải, thuốc chữa bệnh, máy móc, hóa chất... Chúng liên tục càn quét cướp phá giết hại nhân dân vùng tự do, phá các công trình thủy lợi, các đầu mối giao thông, các cơ sở sản xuất, phun xăng đốt cháy các cánh đồng lúa chín, giết hại trâu bò... Chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ nhằm gây tình hình căng thẳng không ổn định ở vùng tự do, làm kiệt cùng tiềm lực kháng chiến của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 02:52:04 am »


        Trong tình hình ấy, đầu năm 1950 Đảng và Chính phủ chủ trương “gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”, thực hiện tổng động viên theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Do nhận thức không đúng về chủ trương, cho rằng cuối năm 1950 sẽ chuyển sang tổng phản công nên cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã động viên cao độ nhân tài vật lực, coi nhẹ bồi dưỡng sức dân, trái với quan điểm kháng chiến lâu dài. Việc huy động “Quỹ chuyển mạnh sang tổng phản công” đã gây cho nhân dân các vùng tự do lớn (Việt Bắc, Khu 4, Nam Trung Bộ) nhiều khó khăn. Do mức huy động quá cao, nhiều người phải nộp cả tư liệu sản xuất (ruộng đất, trâu bò), một số nông dân mất một phần cơ sở sản xuất. Khi đặt ra mức huy động, các liên khu đã căn cứ vào tình hình sản xuất, sự phá hoại của địch, vào tinh thần của nhân dân mà định ra mức huy động. Nhưng khi thực hiện thì các tỉnh, huyện lại chú ý đến tinh thần hơn là thực tế. Chẳng hạn như ở Quảng Ngãi, trên giao chỉ tiêu huy động 600 triệu đồng đã huy động tới 1.200 triệu. Ở Bình Định mức giao 700 triệu đã huy động 1.100 triệu (trước đó đã huy động 150 triệu quỹ nuôi quân). Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát hiện ra những sai lầm thiếu sót khuyết điểm trong tổng động viên, đã nghiêm khắc phê bình các liên khu ủy và tỉnh ủy; yêu cầu các địa phương tổ chức cho cán bộ, đảng viên công khai tự phê bình, nhận thiếu sót trước dân, trả lại những thứ huy động sai cho dân.

        Cuộc vận động học tập lý luận, kiểm điểm sai lầm trong việc thi hành lệnh tổng động viên năm 1950 của các địa phương có tác dụng nâng cao trình độ, năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên và điều quan trọng là lấy lại được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền cách mạng.

        Song song với công tác xây dựng đảng, Đảng và Chính phủ luôn chú ý củng cố bộ máy chính quyền các cấp. Những người không đủ trình độ năng lực làm việc, thiếu tinh thần gương mẫu, hy sinh, sa sút phẩm chất đạo đức... được đưa ra khỏi chính quyền các cấp thay vào đó là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu. Chính quyền các cấp đã tổ chức cho quần chúng phê bình ủy ban và tham gia đóng góp vào công việc của ủy ban các cấp. Theo chủ trương chung, các địa phương đều tinh giản cấp huyện, tăng cường quyền hạn cho cấp tỉnh và cấp xã. Các đoàn thể quần chúng trong kháng chiến ở tất cả các cấp được Đảng chú trọng xây dựng và củng cố. Nhiều tỉnh có nghị quyết bắt buộc các đảng viên, cấp ủy viên đều phải tham gia vào các tổ chức quần chúng.

        Trong công tác xây dựng hậu phương kháng chiến thì xây dựng hậu phương về chính trị là một lĩnh vực khó khăn hơn cả, nhất là ở những vùng tranh chấp và vùng địch tạm chiếm. Có thể nói xây dựng hậu phương về chính trị là kết quả tổng hợp của các lĩnh vực công tác lớn của Đảng: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ tinh thần tận tụy, gương mẫu của tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên, với hệ thống tổ chức chính quyền và đoàn thể không ngừng được củng cố và ngày càng vững mạnh, nhờ sự ủng hộ và tín nhiệm tuyệt đối của nhân dân, trong kháng chiến chúng ta đã xây dựng được hậu phương vững chắc về chính trị. Sự vững mạnh về chính trị của hậu phương kháng chiến có ý nghĩa quyết định đối với các lĩnh vực xây dựng hậu phương về kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội.

        Thành quả của công cuộc xây dựng hậu phương về chính trị đã phải trải qua một quá trình đấu tranh gian khổ, vừa làm vừa học tập để giải quyết những vấn đề do thực tế đặt ra, khắc phục những sai lầm lệch lạc về nhận thức và phương pháp tổ chức thực hiện, vừa làm vừa chống các hành động phá hoại của địch. Thành tựu và tính ưu việt của hậu phương kháng chiến là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến sự vững mạnh của hậu phương, đến việc hoàn thành nhiệm vụ chiến lược của hậu phương góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 02:53:45 am »


        II. XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỀ KINH TẾ

        Xây dựng hậu phương về kinh tế là một lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong vai trò của hậu phương đối với cuộc kháng chiến.

        Nhìn chung các vùng tự do của ta không có nhiều lợi thế về kinh tế. Bởi vậy xây dựng hậu phương về mặt kinh tế để ổn định đời sống nhân dân, phục vụ công cuộc kháng chiến trên địa bàn và chi viện cho tiền tuyến ngày một lớn nhất là về lương thực, thực phẩm là một quá trình đấu tranh gian khổ vừa chống chọi với thiên tai hạn hán, lũ lụt, vừa chống lại sự phá hoại của địch. Đồng thời đây cũng là một mặt trận đấu tranh với nghèo nàn lạc hậu.

        Theo sự chỉ đạo của Trung ương, phương hướng xây dựng kinh tế phát triển sản xuất trong kháng chiến là chú trọng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghiệp quốc phòng. Khuyến khích hình thức kinh tế cá nhân, kinh tế hợp tác xã và kinh tế nhà nước. Các đảng bộ, chính quyền các cấp đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương bằng các khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất, thực hiện kinh tế tự túc”, “Tiến tới toàn quốc tự cấp, tự túc, địa phương tự lập”, “Nhân dân tiếp tế cho bộ đội tác chiến, bộ đội giúp đỡ nhân dân làm ăn”, “Hết sức thực hành chính sách tiết kiệm”.

        Với phương hướng đó, sau một thời gian tiến hành tổ chức sắp xếp lại các ngành sản xuất, nhất là việc tích cực di chuyển máy móc, nguyên vật liệu đến nơi an toàn, xây dựng các công xưởng, xí nghiệp, lập các trại tăng gia sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nền kinh tế kháng chiến ngày càng phát triển mạnh mẽ và đã thu được nhiều thành tựu.

        1. Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp

        Để phù hợp với điều kiện kháng chiến, chúng ta đã xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng theo quy mô nhỏ, phân tán, bí mật. Các xưởng quân giới được bố trí rải rác khắp nơi, dựa vào núi rừng thiên nhiên hiểm trở. Ngay ở đồng bằng, đặc biệt là ở Nam Bộ chỉ có rừng thưa, núi thấp, ta vẫn bố trí được các xưởng an toàn do biết dựa vào dân.

        Ngoài các xưởng quân giới do Bộ Quốc phòng tổ chức, còn có các xưởng vũ khí dân quân do các địa phương tạo lập và chỉ đạo. Thí dụ: ở Liên khu Việt Bắc có 8 xưởng dân quân (5 xưởng cho tỉnh và 3 xưởng cho khu). Đến giữa năm 1948 theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, các xưởng vũ khí dân quân được thống nhất vào hệ thống các xưởng quân giới và chịu sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Quốc phòng.

        Để giải quyết khó khăn về máy móc, sau một thời gian nghiên cứu, chúng ta đã cải tạo các đầu máy xe lửa và đầu máy ô tô thành máy phát lực vừa đơn giản vừa dễ di chuyển. Về máy công cụ, ta đã tận dụng số máy cũ và tích cực tìm cách tự chế tạo máy mới.

        Để có nguyên liệu cho sản xuất, ta đã tích cực thu thập các nguyên liệu cũ sẵn có trong nước, quyên góp của nhân dân và lấy của địch. Với trí thông minh và bàn tay sáng tạo, công nhân và trí thức cách mạng đã chế tạo ra súng ba-dô-ca từ những thanh đường ray và biến những quả bom chưa nổ thành nguồn cấp thuốc nổ. Chúng ta cũng đã mò mẫm chế ra được thuốc nổ, a xít sun-phua-ríc bằng phương pháp thủ công.

        Phương châm sản xuất vũ khí của ta là hết sức chú trọng sản xuất vũ khí cơ bản, đồng thời tích cực tìm tòi chế tạo vũ khí mới. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, các xưởng quân giới của ta tăng cường sản xuất mìn, lựu đạn nhất là mìn đánh xe phục vụ cho phong trào chiến tranh du kích. Từ sau chiến thắng thu đông 1947, chúng ta chú trọng nghiên cứu sản xuất vũ khí công đồn. Chính trong giai đoạn này (1948 - 1949) đã xuất hiện nhiều kiểu súng cối Việt Nam đủ các cỡ, súng phóng bom và bom phóng, súng không giật (SKZ) có sức công phá gấp 3 lần ba-dô-ca khiến cho địch rất khiếp sợ và kinh ngạc. Liên khu 5 và Nam Bộ còn chế tạo được các loại mìn lõm (gọi là ba-dô-min) có sức công phá lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 02:55:23 am »


        Theo thống kê chưa đày đủ, trong chín năm kháng chiến nền công nghiệp quốc phòng non trẻ của chúng ta đã sản xuất được 12.000 tấn vũ khí đạn dược cho các lực lượng vũ trang (chiếm tỉ trọng khoảng 10% tổng số vũ khí đạn dược mà các lực lượng vũ trang ta sử dụng trong chín năm kháng chiến). Về nhịp độ phát triển từ Liên khu 4 trở ra, năm 1953 sản xuất tăng 35 lần so với năm 1946; ở Liên khu 5 tăng 3 lần so với năm 1948. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của ta, trong điều kiện xuất phát từ con số không, những con số sản xuất này có ý nghĩa rất to lớn góp phần quan trọng đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi. Công nghiệp quốc phòng trong kháng chiến còn bao gồm cả công binh, quân nhu, quân dược. Bằng các nguyên liệu sẵn có trong nước, chúng ta sản xuất được hàng chục vạn xẻng cuốc, kéo cắt dây thép gai, nhiều loại quân trang quân dụng từ chiếc áo trấn thủ, bộ quần áo xi-ta đến đôi dép cao su. Đặc biệt, ngành quân dược thấm nhuần phương châm tự lực cánh sinh và kết hợp đông tây y, vượt qua khó khăn đã sản xuất được hàng trăm loại thuốc chiến thương, bông băng và nhiều dụng cụ y tế phục vụ kịp thời cho chiến đấu. Viện Khảo cứu chế tạo dược phẩm đã sản xuất được thuốc chống sốt rét bào chế từ vỏ cây thường sơn. Lần đầu tiên người châu Á sản xuất được thuốc chống sốt rét từ đông dược. Chính loại thuốc này đã cứu sống sinh mạng cho hàng vạn đồng bào, chiến sĩ ta trong những năm kháng chiến gian khổ.

        Song song với công nghiệp quốc phòng, chúng ta cũng chú trọng phát triển công nghiệp dân dụng, trong đó có thành phần quốc doanh. Đây là những tổ chức kinh doanh của nhà nước nhằm mục đích xây dựng và phát triển khu vực kinh tế của nhà nước; lãnh đạo và giúp đỡ kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư nhân phát triển theo quỹ đạo của kinh tế nhà nước, tích lũy vốn và tăng thu cho tài chính quốc gia (theo điều lệ tạm thời của doanh nghiệp quốc gia ban hành tháng 10 năm 1952).

        Các xí nghiệp quốc doanh được xác định nhiệm vụ cụ thể như cung cấp giấy bạc, giấy in, giấy viết, giấy đánh máy, vải, xà phòng, bát đĩa, diêm... phục vụ các cơ quan dân chính đảng và các yêu cầu dân sinh, cung cấp gỗ cho xây dựng, cung cấp phân bón và công cụ cho nông nghiệp, cung cấp máy móc thiết bị cho công nghiệp... Số lượng và tình hình sản xuất của các xí nghiệp như sau:

        Về ngành than: Có các mỏ Lam Sơn, Làng Cẩm, Tân Thành, Phấn Mễ ở Thái Nguyên, mỏ Tân Trào ở Tuyên Quang, mỏ Bố Hạ ở Bắc Giang, mỏ Đồi Hoa ở Hà Nam, mỏ Quyết Thắng ở Ninh Bình, mỏ Khe Bố ở Nghệ An, mỏ Châu Long ở Hà Tĩnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 1946 đến 1950 các mỏ đã sản xuất được 20.000 tấn than cốc. Từ 1951 trở đi sản lượng đạt được còn cao hơn.

        Về khai khoáng: Có các mỏ thiếc ở Tĩnh Túc, mỏ chì và kẽm ở Bắc Sơn, mỏ phốt phát ở Bắc Giang, mỏ ăng-ti-moan ở Tân Trào. Mỏ thiếc Tĩnh Túc bắt đầu hoạt động từ tháng 4 năm 1947 đến cuối năm đó đã sản xuất được 20 tấn thiếc và đãi được 40 lạng vàng. Mỏ chì Bắc Sơn từ năm 1950 đến năm 1952 sản xuất được 43 tấn. Mỏ ăng-ti-moan ở Tân Trào từ cuối năm 1946 đến tháng 6 năm 1951 sản xuất được 1.327 kg.

        Ngành cơ khí: Có nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, xưởng cơ khí Liên khu 5, cơ khí Huỳnh Ngọc Huệ sau sáp nhập với xưởng cơ khí Liên khu 4. Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo đặt ở Tuyên Quang ngay từ những năm đầu kháng chiến đã sản xuất được máy in, máy hơi, máy nổ. Về sau do nhu cầu mới đã chuyển sang sản xuất cân treo, máy xay xát gạo, sắn...

        Ngành hóa chất: Ngoài các xưởng a-xít, chế thuốc nổ phục vụ quốc phòng còn có các xưởng sản xuất cồn 90 độ, ê-te ở Thái Bình. Xưởng sản xuất ca-phê-in ở chợ Thượng (Thanh Hóa) và một số xưởng sản xuất phân hóa học. Xưởng phốt phát Cát Văn ở Nghệ An 8 tháng đầu năm 1953 sản xuất được 172 tấn.

        Về công nghiệp nhẹ: Có nhiều xí nghiệp dệt, sản xuất giấy, nấu xà phòng ở Việt Bắc, Khu 4 và Khu 5. Xí nghiệp dệt quốc doanh Việt Thắng ở Khu 5 có hàng trăm khung dệt với hàng nghìn công nhân. Đến cuối năm 1950, chỉ tính riêng ở vùng tự do Liên khu 5 đã có gần 1 vạn khung dệt, mỗi năm sản xuất được 5 triệu mét vải, đảm bảo cung cấp đủ vải mặc cho bộ đội và cung cấp bình quân cho mỗi người dân 2m một năm. Năm 1949 số vải Liên khu 5 cung cấp cho bộ đội là 161.000m, năm 1950: 437.000m, năm 1951: 530.670m.

        Về quản lý: Nói chung các xí nghiệp quốc doanh đều hoạt động theo chế độ cung cấp. Xí nghiệp sản xuất theo kế hoạch của nhà nước, được nhà nước cấp vốn trả lương; lãi nhà nước thu, lỗ nhà nước bù. Trong thời chiến chế độ này là cần thiết và không thể làm khác được. Nhưng đây cũng chính là mầm mống nảy sinh ra chế độ quản lý tập trung quan liêu bao cấp mà chúng ta hiện nay đang phê phán và xóa bỏ.

        Tóm lại, trong chín năm kháng chiến, nền công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của nước ta bao gồm công nghiệp quốc phòng, công nghiệp dân dụng, công nghiệp tư doanh và quốc doanh... đã được xây dựng và phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn. Nền công nghiệp đó đã cung cấp cho quân và dân ta những vũ khí và hàng hóa cần thiết, góp phần bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi. Điều quan trọng nhất là nền công nghiệp đó đã để lại những cơ sở đầu tiên và một đội ngũ công nhân cán bộ trên 6 vạn người làm nòng cốt để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển nền công nghiệp của nước nhà trong giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 02:58:45 am »


        2. Về nông nghiệp

        Ngay sau khi giành được chính quyền, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải giải quyết nhiệm vụ cấp bách nhất lúc bấy giờ là “chống giặc đói”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm đã trở thành khẩu hiệu cách mạng lôi cuốn mọi tầng lớp đồng bào tham gia. Chính phủ cũng kịp thời ban hành nhiều chủ trương biện pháp cụ thể: tạm cấp ruộng đất của Việt gian phản động và của thực dân Pháp cho nhân dân, giảm tô 25%... Những biện pháp tích cực đó của Chính phủ đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân. Chỉ sau một năm “cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thực là một kỳ công của chế độ dân chủ” (Tuyên bố của Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 1 năm quốc khánh, 2-9-1946).

        Trong chín năm kháng chiến, Đảng, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự cấp tự túc, ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm huy động khả năng của nhân dân đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến. Riêng các vùng tự do, trong năm 1947 nhân dân ta đã cấy được 1.893.700 ha lúa, thu được 2.194.000 tấn thóc. Hoa màu trồng được 243.400 ha, thu được 474.100 tấn, tăng 189% so với năm 19411. Nhiệm vụ phản phong được thực hiện từng bước, phục vụ cho nhiệm vụ phản đế. Tháng 7 năm 1949, Chính phủ ban hành sắc lệnh giảm tô, thành lập hội đồng giảm tô ở cấp tỉnh nhằm triển khai sắc lệnh trên. Tiếp sau đó, Chính phủ còn ban hành sắc lệnh quy định chế độ lĩnh canh, cấm địa chủ vô cớ đòi đất lĩnh canh của nông dân, sắc lệnh xóa những khoản nợ nông dân vay trước cách mạng.

        Chính sách thuế nông nghiệp cũng sớm được ban hành, quy định biểu thức lũy tiến về sản lượng từ 6-50%. Biểu thức này có lợi cho nông dân, giảm hẳn mức đóng góp của nông dân, điều tiết thu nhập của địa chủ, phú nông. Với biểu thức suất mới, bần nông chỉ phải đóng từ 5-10%, trung nông 10-30%, còn địa chủ phải đóng 30-50% sản lượng thu hoạch.

        Nhằm giải quyết một bước khẩu hiệu ruộng đất về tay dân cày, năm 1950 Chính phủ ban hành sắc lệnh trưng thu ruộng đất hoang, ruộng đất của thực dân Pháp, của địa chủ cường hào chạy vào vùng địch để tạm cấp cho nông dân nghèo; ban hành điều lệ sử dụng đất công của làng xã nhằm ngăn chặn sự lũng đoạn của địa chủ. Những biện pháp này đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Nạn đói bị đẩy lùi, đời sống được cải thiện, đồng bào càng thêm phấn khởi tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, hăng hái đóng góp sức người sức của cho kháng chiến. Theo báo cáo của Bộ tài chính, riêng thuế điền thổ, năm 1948 Nhà nước thu được 174 triệu đồng; năm 1949 thu được 403 triệu đồng; năm 1950 thu được 1.002 triệu đồng2.

        Ở chiến trường Nam Bộ, Trung ương Cục chỉ đạo quân dân Nam Bộ tích cực tăng gia sản xuất, tự túc tự cấp. Theo báo cáo của ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tháng 1 năm 1950 thì năm 1949 riêng miền Đông trồng thêm được 10.000 ha lúa (thu được 1.000.000 giạ), 2.000 ha khoai, 1.500 ha ngô và 5.069 ha đậu. Đồng Tháp Mười cấy thêm 24.000 ha lúa, trồng thêm 3.018 ha khoai lang, 1.800 ha ngô3.

        Tại vùng tự do Liên khu 5, chính quyền các cấp đã chia 140.412 mẫu ruộng công và 4.436 mẫu ruộng của thực dân Pháp và Việt gian cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng. Nhiều địa phương còn động viên các hộ địa chủ hiến điền. Nhân dân trong liên khu hăng hái thực hiện chủ trương “Ra sức phát triển kinh tế và văn hóa, tự túc về ăn, mặc, nâng cao trình độ mọi mặt...”. Chỉ trong một thời gian ngắn, lúa xanh trải kín đồng. Đồi núi, rừng hoang, bãi cát đều biến thành nương khoai, rẫy sắn. Ngoài phong trào chung mỗi người đều thi đua nhau trồng 10 mét vuông rau, nuôi 1 con gà. Mỗi gia đình trồng 10 cây bông lấy sợi hoặc 10 cây dâu nuôi tằm dệt vải. Sáu tháng cuối năm 1948, riêng các đơn vị bộ đội của liên khu đã vỡ hoang và trồng được 1.150 ha lúa và hoa màu. Chính quyền các cấp đã lãnh đạo nhân dân đào đắp xây dựng hàng chục công trình thủy lợi. Kênh Bàu Sáng đào xuyên qua gần một nghìn mét núi đá ong, tiêu úng cho hàng nghìn mẫu lúa ở Mộ Đức. Kênh Sơn Tịnh, kênh Phú Sơn, đập ngăn mặn Tuy Phước đã biến đổi 40 nghìn héc-ta ruộng một vụ thành hai vụ. Chỉ trong chín năm kháng chiến, nhân dân Liên khu 5 đã xây dựng một hệ thống công trình thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất công nghiệp nhiều gấp 3 dân số công trình thực dân Pháp xây dựng trong 80 năm. Năm 1949 nhân dân Liên khu 5 đã cung cấp cho chiến trường 12.500 tấn gạo, năm 1950: 17.569 tấn, năm 1951: 16.537 tấn. Diện tích trồng bông năm 1950 đã lên tới 1 vạn héc-ta, bình quân mỗi năm thu hoạch 800 tấn bông sợi.

-------------
1. Báo cáo của Bộ Canh nông năm 1948. Theo Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, sđd, tr.112.

2. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, sđd, tr.113.

3. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, sđd, tr. 114.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:01:03 am »


        Sự phát triển và tác dụng ngày càng lớn của hậu phương đối với tiền tuyến đã góp phần làm đảo lộn các chiến lược và kế hoạch chiến tranh của địch. Chúng tập trung mọi cố gắng đánh phá, càn quét liên tục vào vùng tự do hòng làm cho ta kiệt quệ về kinh tế, rối loạn về xã hội.

        Do bị địch đánh phá ác liệt nên trong những năm từ 1948 đến 1950, diện tích sản xuất ở vùng tự do của ta bị thu hẹp, năng suất, sản lượng lương thực đều giảm sút nghiêm trọng. Nạn đói xảy ra ở nhiều địa phương. Ở nhiều vùng, bộ đội ta phải ăn đói mặc rách hàng năm trời. Tình hình này được phản ánh qua ngân sách Nhà nước những năm 1948 - 1949. Số thu năm sau kém hơn năm trước. Cũng vì vậy số chi cho quốc phòng không đảm bảo nhu cầu. Sau đây là một vài số liệu:

        - Năm 1948, từ Liên khu 4 trở ra.

             Tổng số thu: 105.000 tấn thóc.

             Tổng số chi: 500.000 tấn thóc.

             Tỉ lệ thu chi: gần 20%.

        - Năm 1949:

             Tổng số thu: 71.000 tấn.

             Tổng số chi: 417.912 tấn.

             Tỉ lệ thu chi: gần 18%1

        Đầu năm 1950 Liên khu ủy và ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ triển khai Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (21-1-1950): “Gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuyển mạnh sang tổng phản công thực hiện tổng động viên theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia đóng góp. Theo báo cáo của ủy ban kháng chiến hành chính các tỉnh, nhân dân vùng tự do đã đóng góp bằng tiền mặt, lúa, gạo, trâu, bò, ruộng đất quy ra tiền là 2.028 triệu đồng, tương đương với 34.700 tấn gạo, trong đó tiền mặt 634 triệu, ruộng hiến vĩnh viễn 5.800 ha, ruộng hiến có thời hạn 700 ha.

        Kết quả động viên nói trên đã giải quyết được khó khăn trước mắt về ngân sách, về nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang, tạo điều kiện cho bộ đội ta mở các chiến dịch tiến công vào vùng tạm bị chiếm. Nhưng do nhận thức không đúng về giai đoạn chiến lược nên đã động viên cao độ nhân tài vật lực, coi nhẹ bồi dưỡng sức dân, trái với quan điểm kháng chiến lâu dài của Đảng.

        Địch đánh phá ác liệt, cộng với khuyết điểm chỉ đạo động viên “Quỹ chuyển mạnh sang tổng phản công” và vụ bạo loạn ở Sơn Hà (Quảng Ngãi) khiến tình hình các mặt ở vùng tự do Liên khu 5 cuối năm 1950 đầu năm 1954 gặp nhiều khó khăn. Nạn đói xảy ra đầu năm 1952.

        Nhận thức được sai lầm, đảng bộ và chính quyền các cấp đã nghiêm khắc kiểm điểm, sửa chữa, nhanh chóng trả lại tư liệu sản xuất cho nông dân; động viên cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội nỗ lực sảnxuất tự túc. Chính phủ cũng kịp thời gửi vào liên khu 140 triệu đồng và 50 tấn thóc. Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ xuất 1.000 tấn thóc cứu tế và 1.300 tấn để thu mua sản phẩm tiểu thủ công. Một loạt biện pháp tiết kiệm, giảm chi ngân sách, giảm biên chế, điều hòa lương thực được triển khai. Nhờ những cố gắng nói trên, nạn đói bị đẩy lùi sản xuất được khôi phục, giá gạo bắt đầu hạ. Thu ngân sách bảo đảm được yêu cầu của chiến trường. Năm 1950 nhân dân Liên khu 5 cung cấp cho bộ đội 16.400 tấn gạo, năm 1952: 23.500 tấn.

        Tại Liên khu 4, vụ chiêm năm 1947 và năm 1948, sản lượng lương thực đạt khá. Ở Thanh Hóa giá gạo rẻ vì đường giao thông khó khăn không vận chuyển buôn bán được (giá gạo tháng 11 - 1947 ở Thanh Hóa là 1,8 đồng đến 2,8 đồng một ki-lô-gam). Trong khi đó ở Nghệ An từ 4,5 đến 5,5 đồng. Ở Hà Tĩnh được mùa liên tiếp nhưng có đông dân tản cư nên giá gạo từ 5 đến 5,5 đồng. Năm 1948 tổng số thu hoạch quy gạo của ba tỉnh là 406.890 tấn.

        Năm 1950, cùng với việc thi hành lệnh tổng động viên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đã thực hiện thêm một bước chính sách ruộng đất - tạm cấp ruộng đất vắng chủ và ruộng đất công cho nông dân thiếu ruộng. Việc thực hiện chính sách ruộng đất làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Chính phủ, vì thế tinh thần tham gia kháng chiến càng cao hơn. Vụ chiêm năm 1950 Thanh - Nghệ - Tĩnh đã cấy được 185.400ha lúa, thu hoạch trên 144.900 tấn. Ngoài ra còn thu hoạch được 155.900 tấn khoai, 10.790 tấn ngô.

        Cùng với việc thực hiện chính sách ruộng đất, các tỉnh còn có nhiều cố gắng trong việc xây dựng các hình thức sản xuất mới trong nông nghiệp. Năm 1949 có 5.107, năm 1950 có 9.831 hợp tác xã, tổ đổi công, tổ hợp công, hợp tác xã thủ công nghiệp. Số xã viên trong các hợp tác xã của ba tỉnh là 6.376.692 người, với số vốn 8.383.617 đồng, 59.566 trâu bò và 702.191 mẫu ruộng.
       
----------
1. Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, sđd, tr.123.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:07:28 am »


        Từ năm 1951, Chính phủ ban hành và thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, nhằm huy động công bằng hợp lý hơn đối với nhân dân và khuyến khích sản xuất. Chính sách thuế nông nghiệp thay cho các hình thức đóng góp tự nguyện trước đây như “Quỹ công lương”, “Công trái quốc gia”... Đây cũng là cơ sở pháp lý để huy động được nhiều hơn, nhất là với địa chủ, phú nông. Riêng trong năm 1951 Thanh - Nghệ - Tĩnh đã thu được 161.714 tấn thóc thuế nông nghiệp. Nhân dân còn dệt được 7 triệu mét vải, 6 vạn mét lụa, sản xuất 1,4 triệu thếp giấy.

        Hiểu rõ vị trí của vùng tự do Thanh - Nghệ. - Tĩnh đối với cuộc kháng chiến, kẻ địch đã tăng cường đánh phá với mức độ ngày càng cao. Chúng tập trung đánh phá các công trình thủy lợi như đập Bái Thượng, đập Đô Lương, cống Trung Lương và các kho tàng, công xưởng. Chúng bắn giết trâu bò, rải hóa chất phá hoại mùa màng. Nhằm hạn chế thiệt hại do địch gây ra, nhân dân các tỉnh tích cực xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ, đắp bờ giữ nước, chuyển một số diện tích trồng lúa sang trồng màu... Nhờ sự cố gắng và những biện pháp tích cực nên ba tỉnh vẫn giữ vững được diện tích trồng cấy và sản lượng lương thực. Năm 1951 Liên khu 4, chủ yếu là Thanh - Nghệ - Tĩnh đã nộp cho Nhà nước 161.714 tấn thóc. Năm 1953, Trung ương giao cho liên khu 190.200 tấn, riêng Thanh - Nghệ - Tĩnh thu được 145.968 tấn và nộp 25.000 tấn thóc thuế công thương nghiệp1. Ba tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh thực sự trở thành những địa phương đóng góp chủ yếu về lương thực đáp ứng yêu cầu của kháng chiến trên miền Bắc.

        Tại Liên khu Việt Bắc, phong trào tăng gia sản xuất đã đạt được mục đích tự túc về lương thực tại chỗ. Hơn 100 đồn điền, trại ấp của Pháp và Việt gian được tạm cấp cho nông dân. Kết quả sản xuất nông nghiệp ở Việt Bắc trong 4 năm từ 1947 đến 1950 như sau2:


        Diện tích trồng lúa và trồng hoa màu cũng như kết quả thu hoạch của nhân dân Việt Bắc ngày càng tăng. Năm 1947, toàn liên khu thu hoạch 450.288 tấn (lương thực và hoa màu), năm 1950 tăng hơn 68.150 tấn. Kết quả này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với việc củng cố căn cứ địa, “thủ đô” kháng chiến của cả nước.

        Từ 1950 đến 1953 tình hình sản xuất nông nghiệp của Việt Bắc tiếp tục ổn định và có những bước phát triển cao hơn. Năm 1952 diện tích lúa chiêm tăng 2.014 ha. Lâm thổ sản thu được 9.000 triệu đồng. Do biên giới khai thông số hàng xuất sang Trung Quốc ngày càng tăng, đạt giá trị 18.569.470.250 đồng (tiền Trung Quốc). Thuế nông nghiệp năm 1952 thu được 26.573 tấn. Thuế công thương nghiệp năm 1952 thu được quy ra thóc đạt gần 8.232 tấn.

        Năm 1952, mức thuế liên khu giao cho tỉnh Lạng Sơn là 10.850 tấn (bình quân một nhân khẩu 298kg) thực tế đã thu được 318kg. Thuế công thương nghiệp trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 1952 thu được 369.498.535 đồng. Tỉnh Tuyên Quang cũng thu được 6.762 tấn thóc thuế nông nghiệp và 9.337 tấn thóc thuế công thương nghiệp.

        Nhiều tỉnh trong liên khu đã tăng dần số hàng xuất chỉ nhập những mặt hàng địa phương chưa thể tự túc được. Tỉnh Hà Giang năm 1953 xuất về các tỉnh miền xuôi 300 tấn chè, 7 tấn đường, 2.317 con lợn, 438 con trâu, 510 kg sa nhân, 8.952 kg thảo quả. Cũng trong năm 1952 Hà Giang còn xuất sangTrung Quốc 10 tấn gạo, 2,1 tấn chè, 272 kg thảo quả, 16 kg sa nhân, 388 con trâu và 5.071 con lợn3.

        Kết quả sản xuất và thu thuế đã giữ cho giá cả ở Liên khu Việt Bắc thường xuyên ổn định. Ở Cao Bằng, năm 1952 giá 1kg gạo lúc thấp nhất là 1.200đ, lúc cao nhất 1.700đ. Giá muối 1kg lúc thấp nhất 10.500đ, cao nhất 17.000đ. Giá thịt lợn 1kg lúc thấp nhất là 8.000đ, lúc cao nhất 10.000đ. Ở Tuyên Quang tháng 1 năm 1952 giá 1kg gạo 350đ, 1kg muối 1.650đ, 1 mét vải 2.100đ. Tháng 10 năm 1953 giá gạo vẫn giữ nguyên, giá vải hạ chỉ còn 1.400đ 1m, giá muối chỉ còn 800đ 1kg.

---------------
1. Báo cáo nội chính năm 1953 của Ban thư ký nội chính Liên khu 4. Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phòng số 4, hộp 15. Đơn vị bao quản (ĐVBQ) 143.

2. Báo cáo của Liên khu ủy Việt Bắc về tình hình kháng chiến và chiến dịch Lê Hồng Phong. Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. ĐVBQ 644.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 03:10:23 am »


        Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” các vùng tự do vừa ra sức bảo vệ hậu phương vừa ra sức cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến. Các ngành sản xuất tiếp tục phát triển. Kết quả thu hoạch lúa và hoa màu trội hơn các năm trước. Tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp 3.051 tấn thóc, 31.041.141đ, 2.215 bộ quần áo trị giá 1.075.000đ, mua công phiếu kháng chiến 1.299.000đ, ủng hộ bộ đội địa phương và thương binh 21.027.773đ và 604 tấn thóc. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra mặt trận 829 tấn gạo, 43 tấn thóc, 7 tấn rau và 305.612 ngày công phục vụ chiến dịch1.

        Nhằm phát huy sức mạnh của hậu phương, thực hiện hai nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, tháng 1 năm 1953 Trung ương Đảng quyết định phát động quần chúng tiến hành triệt để giảm tô và thực hiện cải cách ruộng đất.

        Theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Liên khu Việt Bắc được chọn làm điểm phát động quần chúng triệt để giảm tô ở một số tỉnh, tiến hành làm 3 đợt ở 222 xã. Kết quả đợt 1 và đợt 2 đã đấu tranh với 174 địa chủ đầu sỏ ở 96 xã, thu được 2.215 tấn thóc, chia cho 21.028 hộ nông dân. Ở các tỉnh Liên khu 4, đến đầu năm 1954 đã tiến hành xong 3 đợt giảm tô ở 148 xã, trong đó 114 xã có đồng bào công giáo, 17 xã có đồng bào thiểu số, đấu tranh với 3.485 địa chủ. Kết quả đã thu được 4.560 tấn thóc chia cho nông dân. Đợt 4 toàn liên khu có thêm 46 xã được phát động giảm tô. Khi cuộc kháng chiến kết thúc thì cả 3 tỉnh trong liên khu đã căn bản hoàn thành việc giảm tô sau 5 đợt phát động.

        Cải cách ruộng đất được tiến hành thí điểm ở 6 xã của huyện Nông Cống, thu được 832 mẫu ruộng, 22 tấn thóc, 207 con trâu chia cho 1.285 gia đình nông dân.

        Tại Liên khu 5, ruộng đất phần lớn tập trung vào các đồn điền. Địa chủ chiếm 70% ruộng đất. Cuộc đấu tranh giảm tô ở Liên khu 5 diễn ra ngay từ năm 1948. Đến cuối năm 1949 đã có 12.276 mẫu ruộng giảm tô (chưa kể Phú Yên). Tháng 10 năm 1950 Hội nghị Liên khu ủy 5 tổng kết đã có 250.640 mẫu điền chủ thực hiện giảm tô và 291.719 tá điền được giảm tô2. Đầu năm 1953 Liên khu ủy quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô. Chỉ trong năm 1953, địa chủ đã phải trả lại cho nông dân 4.500 tấn thóc và trên 6 triệu đồng. Ở tỉnh Bình Định số điền chủ thực hiện giảm tô, số tá điền được giảm và số lúa thu được như sau6:

        Năm   Điền chủ đã giảm tô   Tá điền được giảm   Số thóc thu được (kg)

        1949           2.756                        8.770                       303.494

        1950           8.375                       12.965                       746.001

        1951         10.274                       14.930                       878.700

        1952           9.672                       13.817                    1.874.900

        1953          10.408                      16.212                    2.570.9113

        Việc thực hiện giảm tô và bước đầu cải cách ruộng đất trong kháng chiến đã bộc lộ một số khuyết điểm do chưa căn cứ đầy đủ vào thực tế Việt Nam, chưa nắm vững chính sách và phương pháp tiến hành, nên trong quá trình phát động triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất có nơi, có lúc gây phản ứng trong một bộ phận cán bộ và nhân dân.

        Tuy vậy các đợt phát động quần chúng đấu tranh đòi giảm tô, bước đầu cải cách ruộng đất, kết hợp với củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể từ cơ sở đã có tác dụng tích cực. Nó đã góp phần củng cố và tăng cường lực lượng chính trị, xây dựng hậu phương kháng chiến. Bộ mặt nông thôn bắt đầu đổi mới. Tinh thần được giải phóng, quyền lợi được đem lại nên nông dân phấn khởi, hăng hái tham gia mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nó chẳng những có ý nghĩa lớn lao đối với việc tăng cường sức mạnh hậu phương mà còn tăng thêm sức mạnh đối với cán bộ chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận.
 
---------------       
1. Báo cáo thành tích 8 năm kháng chiến của các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc, tài liệu đã dẫn.

2. Báo cáo tình hình chung ở Liên khu 5, năm 1950. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, ĐVBQ 174.

3. Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Định về tình hình chung, tình hình ruộng đất năm 1953. Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. ĐVBQ 625.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 03:13:30 am »


        3. Về giao thông vận tải

        Chủ trương phá hoại, đánh phá giao thông, cắt đứt thông tin liên lạc của địch, bao vây kinh tế địch được thực hiện trong suốt chín năm kháng chiến. Về phía địch, chúng cũng thực hiện gắt gao chính sách phong tỏa tất cả các đường giao lưu của ta, chặn đường tiếp tế giữa miền núi với đồng bằng ở Bắc Bộ, giữa miền Trung và miền Đông Nam Bộ. Bao vây và chống bao vây kinh tế của hai bên diễn ra rất quyết liệt. Sắc lệnh số 231 của Chính phủ đặt bao vây kinh tế địch thành một chiến dịch, một nội dung công tác lớn của các địa phương. Và việc thực hiện đã có kết quả rõ rệt. Hàng hóa trong vùng địch kiểm soát bị ứ đọng, sụt giá. Năm 1947 số gạo địch xuất khẩu chỉ bằng một phần tư so với những năm trước chiến tranh.

        Đồng thời, phía ta cũng gặp không ít khó khăn. Nông sản ở nhiều nơi bị ứ đọng. Một số mặt hàng thiết yếu như thuốc, vải, dầu hỏa... thiếu nghiêm trọng. Trước tình hình đó, từ đầu năm 1948 Chính phủ đã điều chỉnh chính sách, chủ trương thực hiện giao lưu kinh tế với vùng tạm chiếm một cách linh hoạt, tìm đường tiếp tế bí mật, cải tiến và mở mang các đường giao thông, phát triển các phương tiện thích hợp. Chính phủ tổ chức một cơ quan đặc biệt chuyên lo vận tải tiếp tế với số vốn ban đầu 30 triệu đồng. Kết quả hoạt động rất khả quan: giá lương thực, thực phẩm và giá một số mặt hàng thiết yếu hạ nhanh Ví như giá gạo ở một số nơi hạ từ 1.800đ/kg xuống còn 700đ. Công tác tiếp tế cho bộ đội và nhân dân ở những miền hẻo lánh được giải quyết một phần1.

        Từ sau chiến dịch Biên Giới, do yêu cầu mới của kháng chiến, ta tích cực mở và sửa chữa đường cũ cho ô-tô chạy. Riêng trong năm 1952 chúng ta đã làm mới 1.800km đường ô-tô, 25.000m cầu, chi phí hết 3 triệu ngày công và 8.402 tấn thóc. 71km đường sắt trên đoạn Yên Bái - Lao Cai và 60km trên đoạn Thanh Luyện - Đò Vàng cũng được khôi phục lại để chạy tàu, ô tô ray và goòng đẩy, phục vụ trước hết cho quân sự.

        Năm 1953, mặc dù địch đánh phá ác liệt, nhưng chúng ta đã làm mới được 156km, sửa chữa tu bổ đưa vào hoạt động thêm 2.075km đường bộ. Đáng chú ý là ngay từ đầu năm 1952 lực lượng vận tải quốc doanh được hình thành trên tuyến Thủy Khẩu - Phú Thọ với 26 ô-tô vận tải, 92 xe trâu bò, 6 thuyền. Chỉ trong 6 tháng đầu năm đã vận chuyển được 115.000 tấn/km.

        Các tập đoàn vận tải của nhân dân cũng được Chính phủ khuyến khích phát triển. Chỉ tính từ Liên khu 4 trở ra đã có 34 công đoàn thuyền, 216 tập đoàn vận tải thô sơ, 1 tập đoàn ô-tô. Phương tiện vận tải chủ yếu trên đường thủy là thuyền, trên đường bộ là xe súc vật kéo và xe đạp. Lực lượng xe đạp thồ phát triển nhanh chóng. Ở Phú Thọ năm 1952 có 50 chiếc, năm 1953 lên 616 chiếc. Thái Nguyên từ 360 lên 700 chiếc. Năm 1953 Hội đồng Cung cấp mặt trận đã huy động được 12.400 xe đạp thồ của đồng bào Việt Bắc phục vụ các chiến dịch. Tải trọng trung bình của xe cũng tăng dần từ 60kg lên tới 140kg. Cá biệt có dân công thồ được 270 - 300kg. Nhờ huy động được lực lượng vận tải của toàn dân mà trong chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta đã hoàn thành được khối lượng vận chuyển gấp 36 lần chiến dịch Biên Giới. Ngoài ô-tô, ta đã sử dụng 11.800 thuyền mảng, ca nô, 21.000 chiếc xe đạp thồ, 26 vạn dân công góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch2.

----------------
1. Báo cáo của Việt Minh đoàn Chính phủ trong Hội nghị Tổng bộ Việt Minh ngày 20-12-1948.

2. 25 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tổng cục Thống kê, 1980, tr.138-140.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 03:17:45 am »

         
       4. Trên lĩnh vực thương nghiệp

        Trong những năm đầu, Nhà nước áp dụng chính sách “bao vây kinh tế địch” ngăn cấm việc buôn bán giữa vùng tự do với vùng tạm chiếm. Song, trong thực tế thương nhân ở vùng tự do vẫn mang nông lâm sản vào vùng tạm chiếm, mua hàng công nghiệp đưa ra vùng tự do.

        Năm 1950, Nhà nước áp dụng chính sách kinh tế mới “tự do nội thương, quản lý ngoại thương”. Nội dung cơ bản của chính sách đó đã được Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (khóa II) đề ra là: “ Không phải ta đặt ra một hàng rào ngăn hẳn giữa ta và địch, mà chúng ta vẫn mở mang buôn bán với địch, nhưng chỉ cho vào vùng địch những thứ không có hại cho ta và đưa ra những thứ hàng cần cho kháng chiến và cần cho đời sống nhân dân”1. Chính sách kinh tế mới đã góp phần khôi phục và phát triển một số ngành sản xuất ở vùng tự do như dệt vải, sản xuất giấy... Khai thác được một số lượng lớn lâm thổ sản bán cho vùng tạm chiếm để mua vật tư thiết bị, hàng thiết yếu cho vùng tự do. Nhà nước đã lập ra những tổ chức kinh tế của mình để phục vụ nhân dân vùng tự do: Nha Tiếp tế (1946), Cục Tiếp tế vận tải (1948), Sở Nội thương (1950), Thương nghiệp nhà nước và tư nhân vừa buôn bán đường dài, vừa kinh doanh cố định ở các chợ, thị trấn. Nhiều thương nhân là dân thành phố tản cư ra vùng tự do.

        Đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, vùng tự do càng được mở rộng thì những hình thức tổ chức kinh tế được lập ra trước đây không còn đáp ứng được yêu cầu cao hơn của tình hình mới. Ngày 14 tháng 5 năm 1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Sở Mậu dịch quốc doanh trung ương. Ngày đó đã đi vào lịch sử kinh tế nước ta như ngày ra đời của một hình thức thương nghiệp mới.

        Hệ thống tổ chức mậu dịch quốc doanh được phát triển ở hầu khắp các vùng tự do Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, Liên khu 5 và ở Nam Bộ. Đến năm 1954 mậu dịch quốc doanh đã có trên 100 cửa hàng với 4.000 cán bộ công nhân viên. Doanh số mua vào nếu lấy năm 1950 làm gốc thì năm 1952 bằng 12,9 lần, năm 1953 bằng 21,5 lần và năm 1954 bằng 48,2 lần. Doanh số bán ra ở thời điểm tương tự là 8,9 lần, 18,8 lần và 25,9 lần2.

        Trong điều kiện nguồn hàng chưa dồi dào, mậu dịch quốc doanh cung ứng chủ yếu gạo, muối, vải, thuốc men. Ở miền Bắc mức cung ứng cho mỗi cán bộ từ 20 đến 24kg gạo mỗi tháng. Ở Nam Bộ hàng tháng mỗi cán bộ được cung ứng 27 lít, bộ đội 32 lít gạo. Muối là một mặt hàng chiến lược. Có lúc ở các vùng tự do miền Bắc giá muối đắt gấp 5 lần giá gạo, trong khi đó ở vùng địch tạm chiếm Nam Định, Thái Bình giá muối tương đương giá gạo. Mậu dịch quốc doanh dựa vào số lượng muối Chính phủ bí mật chuyển ra vùng căn cứ từ trước ngày toàn quốc kháng chiến (trên 2 vạn tấn) tổ chức cung ứng muối cho các chiến trường, đồng thời sớm có chính sách khuyến khích thương nhân kinh doanh muối, đưa muối từ vùng tạm chiếm ra các vùng tự do, lên Tây Bắc, Việt Bắc. Do vậy trong chín năm kháng chiến, đồng bào, cán bộ, bộ đội ở các vùng Việt Bắc, Tây Bắc và các khu căn cứ khác không bị thiếu muối; giá muối dần dần đi vào ổn định.

        Ngoài gạo, muối, vải, mậu dịch quốc doanh đã khai thác nguồn hàng, cung ứng thuốc chữa bệnh, văn phòng phẩm, phương tiện đi lại (chủ yếu là xe đạp) đồng thời kinh doanh một số tư liệu sản xuất như trâu, bò, công cụ cầm tay phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển các ngành nghề thủ công như dệt vải, làm giấy, sản xuất đường.

        Chính sách kinh tế mới đã thúc đẩy sản xuất phát triển, giao lưu hàng hóa mở rộng, khắc phục dần tình trạng biến động về giá cả, bình ổn dần giá cả giữa các vùng. Chẳng hạn như năm 1950, giá gạo của ba tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Thanh Hóa có sự chênh lệch lớn5:

        Tỉnh                    Tháng 1                    Tháng 6                    Tháng 12

        Lạng sơn            30,5 đ/kg                    90,0 đ/kg                    160 đ/kg

        Thái Nguyên       26,3 đ/kg                    115,0 đ/kg                  200 đ/kg

        Thanh Hóa          24,0 đ/kg                    42,5 đ/kg                    94 đ/kg3

        Nhưng đến những năm cuối của cuộc kháng chiến, sự chênh lệch giữa các vùng không lớn, ngày càng ổn định. Tỉ giá giữa một số mặt hàng công nghiệp với gạo ở Việt Bắc trong hai thời điểm như sau:

                                                                1948            1954

Giá 1m vải diềm bâu trắng (tương đương) 19 kg gạo         4,7 kg

Giá 1 lít dầu hỏa                                     17,5 kg gạo       4,3 kg

Giá 1 tập giấy học sinh                            6,0 kg gạo         1,4 kg4

        Có thể nói trên lĩnh vực lưu thông phân phối, nhờ kịp thời đề ra những chủ thương chính sách đúng, chúng ta đã góp phần xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh, điều hòa giá cả thị trường, bình ổn vật giá, giúp đỡ sản xuất phát triển, hướng dẫn thương nhân kinh doanh phục vụ kháng chiến và dân sinh đấu tranh kinh tế với địch, làm thất bại âm mưu của địch hòng bóp chết hậu phương kháng chiến.

---------------
1, 2. 45 năm kinh tế Việt Nam 1945 – 1990, sđd, tr.152, 154.

3, 4. 45 năm kinh tế Việt Nam, sđd, tr.155.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM