Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:05:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-1975)  (Đọc 42860 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:03:30 am »


        Song song với cuộc đấu tranh bảo vệ sản xuất, chống địch phá hoại kinh tế, quân và dân vùng giải phóng, vùng căn cứ thường xuyên chú trọng tăng gia sản xuất, khai thác nguồn hậu cần tại chỗ. Năm 1967, vùng căn cứ Khu 5 bị bom đạn và chất độc Mỹ phá hoại hầu hết mùa màng. Khắc phục thiếu đói, khó khăn, nhân dân vùng căn cứ khai thác sản vật của rừng làm nguồn lương thực, kiên quyết trụ bám căn cứ, đẩy mạnh khai phá nương rẫy, từng bước phục hồi sản xuất. Sau thắng lợi Tết Mậu Thân, nghĩa là từ giữa năm 1968 kéo dài tới năm 1969 và năm 1970, cách mạng miền Nam gặp khó khăn và thử thách nặng nề về nhiều mặt, trong đó có vấn đề thuộc về hậu phương tại chỗ. Ở nhiều nơi, cơ sở cách mạng bị vỡ, hậu phương tại chỗ ở thành thị, vùng ven, đồng bằng bị thu hẹp, vùng căn cứ rừng núi thường xuyên bị uy hiếp, sự chi viện từ miền Bắc bị địch ngăn chặn quyết liệt. Trong tình hình đó, vấn đề bảo đảm hậu cần cho các đơn vị bộ đội chủ lực, cho lực lượng vũ trang, các cơ quan dân - chính - đảng và nhân dân vùng căn cứ trở nên bức xúc. Trong các cấp lãnh đạo, chỉ huy chiến trường xuất hiện ý kiến cho rằng cần phân tán khối chủ lực về hoạt động nhỏ lẻ ở các địa phương để khôi phục phong trào, khắc phục trở ngại khó khăn về lương thực... Trung ương Cục, Quân ủy Miền đã chỉ thị cho các đơn vị vừa đánh địch bảo vệ căn cứ vừa tổ chức tăng gia sản xuất; xem tăng gia sản xuất là một nhiệm vụ cần kíp và rất quan trọng. Quân dân Khu 5 nêu khẩu hiệu “Sản xuất như đánh giặc”. Hết thảy cán bộ, chiến sĩ trong quân khu đều thực hiện “ngày sản xuất, đêm chiến đấu và công tác”. Quân khu Trị - Thiên - Huế phát động phong trào trồng 5 triệu gốc sắn. Đảng bộ, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định dành 10% quân số làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Một số đơn vị bộ đội chủ lực được đưa ra miền Bắc để củng cố và khắc phục khó khăn về hậu cần ở các vùng căn cứ... Những chủ trương, biện pháp trên đây đã thúc đẩy phong trào phát triển sản xuất tự túc, góp phần ổn định dần tình hình vùng căn cứ, giữ vững khối bộ đội tập trung.

        Trong điều kiện chiến tranh liên miên, địch thường xuyên càn quét, đánh phá, để duy trì và phát triển sản xuất, nhân dân các vùng giải phóng và vùng căn cứ đã phát huy mạnh mẽ truyền thống “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất và cuộc sống thông qua hình thức các tổ vần công và đổi công. Hình thức này ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được duy trì và phát triển trong kháng chiến chống Mỹ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, mặc dù Mỹ - Diệm cấm đoán và khủng bố nhưng tại nhiều vùng, nông dân vẫn duy trì các tổ vần công, đổi công. Đây còn là chỗ dựa nửa hợp pháp cho cán bộ, đảng viên ta hoạt động. Sau Đồng khởi, cùng với vùng giải phóng rộng lớn hình thành, các tổ đổi công, vần công xuất hiện ngày càng nhiều; thu hút đông đảo nông dân lao động tham gia.

        Nhờ vần công, đổi công mà nông dân vùng giải phóng, vùng căn cứ khắc phục có hiệu quả sự đánh phá của địch, sự tàn phá của thiên tai; duy trì và đẩy mạnh sản xuất cả về diện tích, năng suất, thời vụ; bảo vệ sản xuất khỏi sự phá hoại của địch. Các tổ vần công, đổi công đã tổ chức cảnh giới để cày cấy thu hoạch, giúp nhau làm công sự chống bom, pháo, cất giấu trâu bò, dụng cụ, lương thực mỗi lần địch càn quét..: Ngoài ra, các tổ viên còn động viên và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày, trong việc đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến, cho việc xây dựng và bảo vệ hậu phương tại chỗ...

        Sản xuất được duy trì và đẩy mạnh, đời sống kinh tế tương đối ổn định tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng đời sống văn hóa mới ở các vùng giải phóng. Chính quyền cách mạng và các đoàn thể như Công hội, Nông hội, Đoàn Thanh niên giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng... đã vận động nhân dân tham gia bài trừ văn hóa thực dân, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc để xây dựng đời sống văn hóa mới. Cùng với sự phát triển của cách mạng, các tổ chức văn hóa như Hội Văn học - Nghệ thuật giải phóng, Hội Nhà báo giải phóng, Đài phát thanh giải phóng, Nhà xuất bản Giải Phóng, Xưởng phim tài liệu giải phóng, các đội văn công chuyên và không chuyên ra đời với đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Hoạt động của các tổ chức đó đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, của mặt trận; xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần ở các vùng giải phóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:04:17 am »


        Sau năm 1954, ở các “làng rừng” sâu trong các cánh rừng tràm, rừng đước U Minh (tây Nam Bộ), ở chiến khu Đ (miền Đông Nam Bộ), ở Tây Nguyên... một số cán bộ giáo dục được phân công ở lại đã tổ chức các lớp bổ túc văn hóa và dạy chữ cho cán bộ, cho con em nhân dân vùng căn cứ. Từ sau Đồng khởi, vùng giải phóng ngày càng rộng lớn. Nhiều địa phương thành lập Tiểu ban giáo dục bên cạnh ủy ban tự quản để chăm lo việc học tập ở vùng giải phóng. Được sự chi viện của miền Bắc, ngành giáo dục giải phóng nhanh chóng phát triển vươn lên đáp ứng yêu cầu “giải phóng tới đâu, mở trường tới đấy”. Đến năm 1966, toàn vùng giải phóng đã có gần 6.000 trường học phổ thông với 500.000 học sinh. Năm 1967, các trường sư phạm giải phóng đào tạo giáo viên cấp I, cấp II được thành lập. Bên cạnh giáo dục phổ thông, phong trào bổ túc văn hóa đã bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ các cấp của mặt trận, của chính quyền Cách mạng và đoàn thể quần chúng. Giáo dục giải phóng của cách mạng miền Nam cũng đã mở rộng ảnh hưởng vào các trường học ở vùng tranh chấp. Tại đây, cán bộ giáo dục giải phóng khắc phục hy sinh, gian khổ đã trụ bám địa bàn, mở lớp học cho con em nhân dân lao động. Trong khói lửa chiến tranh, ngành giáo dục giải phóng đã góp phần vào cuộc đấu tranh chống văn hóa - giáo dục nô dịch của Mỹ - ngụy, đào tạo thế hệ trẻ lòng yêu quê hương, đất nước, căm thù địch; có kiến thức, đạo đức, sức khỏe. Giáo dục giải phóng còn góp phần nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho nhân dân vùng giải phóng, cho cán bộ, các ngành, các cấp và lực lượng vũ trang.

        Mạng lưới y tế phát triển mạnh mẽ ở vùng giải phóng, vùng giáp ranh, vùng tranh chấp từ sau ngày miền Nam đồng khởi. Các ban dân y của các khu, tỉnh, huyện, xã lần lượt được thành lập cùng với hệ thống bệnh viện, các cơ sở bào chế, cơ sở nghiên cứu... tạo thành mạng lưới y tế điều trị, khám chữa bệnh rộng khắp. Mạng lưới này ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ nhân dân vùng giải phóng và tham gia cứa chữa thương bệnh binh từ tuyến trước gửi về. Bên cạnh số cán bộ dân y từ miền Bắc vào (bao gồm 1.641 người từ 1961 đến 1975), ngành y tế giải phóng đã thành lập hệ thống các trường trung cấp, sơ cấp y, dược; mở các lớp chuyên tu, bổ túc; đào tạo được một đội ngũ những người thầy thuốc và nhân viên y tế tận tụy trong công việc, có năng lực chuyên môn, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của cuộc kháng chiến, của các vùng giải phóng ngày càng mở rộng.

        Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Mỹ - ngụy điên cuồng phá hoại, tùy điều kiện và tình hình cụ thể, chính quyền cách mạng các cấp, các địa phương chú trọng bảo đảm quyền tự do, dân chủ cho nhân dân: quyền bầu cử các cơ quan chính quyền, quyền về ruộng đất, về văn hóa - xã hội...

        Nhìn chung lại, do Đảng ta đề ra và thực hiện các chủ trương, biện pháp đúng, động viên và phát huy được sức mạnh của lòng yêu nước, ý thức dân tộc truyền thống đoàn kết, bất khuất tiềm tàng trong mỗi người dân miền Nam nên sự nghiệp xây dựng và bảo vệ hậu phương tại chỗ thực sự là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, dựa trên sự giác ngộ chính trị của nhân dân. Vì thế, mặc dù chiến tranh kéo dài và ngày càng ác liệt, kẻ thù không từ một thủ đoạn, biện pháp tàn bạo và thâm độc nào để khuất phục nhân dân, đè bẹp cách mạng miền Nam... nhưng đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng hay vùng địch chiếm vẫn giữ vững niềm tin, khắc phục gian khổ, hy sinh, vừa đẩy mạnh cuộc đấu tranh quân sự, chính trị vừa ra sức xây dựng, bảo vệ hậu phương tại chỗ. Nhờ đó, hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam không ngừng mở rộng và được củng cố vững chắc trên khắp ba vùng chiến lược, với nhiều hình thức đa dạng, ngày càng phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:05:47 am »


        3. Phát huy vai trò của hậu phương tại chỗ

        Kháng chiến chống Mỹ, quân và dân trên cả nước nói chung và ở miền Nam nói riêng đụng đầu với thế lực xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, có bộ máy ngụy quân, ngụy quyền tay sai hung hãn, chống phá cách mạng điên cuồng ngay từ những ngày đầu khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết. Trong điều kiện đó, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta buộc phải trải qua chặng đường dài 21 năm mới giành được thắng lợi. Suốt chặng đường dài đó, quân và dân miền Nam phải khắc phục bao trở ngại khó khăn, phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Dù vậy, cách mạng miền Nam không ngừng phát triển, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh. Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực tế đó là cách mạng miền Nam đã dựa vào lòng dân, dựa vào sức dân để xây dựng và mở rộng hậu phương tại chỗ làm cơ sở để bảo tồn và phát triển lực lượng cách mạng. Giai đoạn 1954 - 1959, được sự đùm bọc, che chở, nuôi giấu của nhân dân mà cán bộ, đảng viên nằm vùng mặc dù bị tổn thất nặng nề nhưng vẫn duy trì được lực lượng vẫn dựa chắc vào nhân dân mà tồn tại và đi lên. Trong khi đó, tại vùng rừng núi, bưng biền, một số căn cứ kháng chiến cũ được duy trì, một số khác mới hình thành là nơi xây dựng các đơn vị vũ trang, bán vũ trang; là bàn đạp thực hiện một số hoạt động tiến công quân sự vào chi khu, đồn bốt địch. Sau ngày miền Nam đồng khởi, vùng làm chủ, vùng giải phóng rộng lớn được mở ra đã tạo điều kiện để xây dựng lực lượng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân. Tại những vùng này, với sự tham gia tích cực của nhân dân vào nhiệm vụ sản xuất và đánh giặc, với nguồn tích trữ, cất giấu và tiếp tế từ ngoài vào, lực lượng cách mạng miền Nam có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Lực lượng đó bao gồm các cơ quan dân - chính - đảng, lực lượng vũ trang ba thứ quân và đông đảo quần chúng nhân dân một lòng đi theo kháng chiến.

        Thời điểm cách mạng miền Nam gặp những thử thách nặng nề như những năm 1969, 1970... vai trò của hậu phương tại chỗ càng trở nên quan trọng. Trước sự đánh phá ác liệt và những biện pháp tàn bạo của Mỹ - ngụy, cơ sở cách mạng ở đô thị, vùng giải phóng rộng lớn và các căn cứ du kích ở đồng bằng bị thu hẹp. Mất chỗ đứng chân và bàn đạp tấn công ở vùng ven và đồng bằng, bộ đội ta phải lùi dần về căn cứ rừng núi dọc miền biên giới Việt - Lào, Việt - Cam-pu-chia. Tại đây, quân dân vùng căn cứ phải trải qua những tháng ngày đầy gian khổ, thiếu thốn, khó khăn. Bộ đội Khu 5 hy sinh hàng nghìn người trong khi đi thu gom lương thực. Bộ đội và nhân dân vừa vận chuyển vũ khí vừa phải đào củ mài, hái rau rừng thay cơm. Phụ nữ vùng căn cứ Khánh Hòa không có vải mặc phải lấy vỏ cây rừng làm quần áo, khi tải đạn phải mở lối đi riêng. Ở Khu 6 và Trị - Thiên - Huế, do địch ném bom, bắn pháo, rải chất độc hóa học cộng với thiên tai nên mùa màng bị mất. Mỗi tấn gạo thu gom lúc này phải đổi bằng sinh mệnh của 6, 7 chiến sĩ. Những đơn vị trực tiếp chiến đấu phía trước, mỗi người chỉ được cấp 2, 3 lạng gạo mỗi ngày. Còn ở phía sau, cán bộ, nhân dân, chiến sĩ ăn củ rừng, khoai, sắn thay cơm. Ở Tây Nguyên, toàn bộ gạo tồn lại của năm 1968 chỉ còn 1/3 so với số tồn kho năm 1967. Dự trữ lương thực đến giữa năm 1969 chỉ đủ nuôi sống bộ đội ta trong khoảng 1 tuần... Đói rét, ghẻ lở đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của bộ đội, nhân dân. Vũ khí thiếu hụt. Sức chiến đấu của lực lượng vũ trang sút giảm. Dù vậy, một lần nữa, dựa vào căn cứ rừng núi, dựa vào sự đùm bọc, che chở của nhân dân, lực lượng vũ trang ba thứ quân khắc phục khó khăn, vừa đẩy mạnh tăng gia tự túc, tích cực đánh địch bảo vệ căn cứ vùng rừng núi, vừa bám đất bám dân, bám địch ở đồng bằng; từng bước khôi phục vùng làm chủ, vùng giải phóng, phục hồi thế trận chiến tranh nhân dân ở ba vùng chiến lược. Nhờ đó, cách mạng miền Nam vượt qua thời kỳ đầy thử thách, tiếp tục phát triển. Như vậy, hậu phương tại chỗ là cơ sở để xây dựng, duy trì và phát triển lực lượng cách mạng trong mọi tình huống chiến tranh.

        Mặt khác, suốt 21 năm kháng chiến, hậu phương tại chỗ là một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng thế chiến lược của chiến tranh nhân dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:07:43 am »


        Về mặt quân sự, chiến trường miền Nam hẹp, mật độ quân địch (bao gồm lực lượng vũ trang, bộ máy kìm kẹp) dày đặc. Chỉ riêng lực lượng vũ trang, địch tập trung một số lượng lớn gồm các quân binh chủng của Mỹ - ngụy, chư hầu với những vũ khí hiện đại và chi phí chiến trường khổng lồ... vượt xa mức độ và chi phí của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên hoặc hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai. Trên một diện tích xấp xỉ 18 vạn ki-lô-mét vuông, lúc cao nhất, lực lượng vũ trang địch lên tới 1.591.356 gồm 1 triệu quân ngụy, 550.136 quân Mỹ và 70.220 quân chư hầu...

        Để đương đầu và đánh thắng địch, Đảng ta đã phát động quân và dân ta tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân dựa trên thế trận được xây dựng và ngày càng phát triển ở khắp ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đó là thế trận xen cài giữa vùng ta và vùng địch tạm thời kiểm soát; bao gồm những cơ sở cách mạng, lõm căn cứ, khu du kích, vùng làm chủ, vùng giải phóng, vùng căn cứ được xây dựng thành hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam, thành địa bàn triển khai các lực lượng vũ trang và chính trị một cách tương đối hợp lý trên khắp các vùng chiến lược. Thế trận đó cho phép quân và dân miền Nam thực hành chiến lược tiến công quân địch rộng khắp, liên tục và ngày càng mạnh mẽ cả về quân sự và chính trị; bằng nhiều bình thức, với những vũ khí sẵn có trong tay. Bị bao vây, chia cắt, bị tiến công liên tục và từ mọi phía, Mỹ - ngụy buộc phải dàn mỏng lực lượng để đối phó khiến cho ưu thế về binh lực, hỏa lực, sức cơ động của chúng bị hạn chế. Suốt cuộc chiến tranh, chúng luôn bị lâm vào tình thế giằng co, mâu thuẫn giữa chiếm đóng và cơ động, giữa phân tán và tập trung, giữa phòng giữ và tiến công, giữa “bình định” và “tìm diệt”… Trong “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ” hay trong “Việt Nam hóa chiến tranh”, mặc dù số quân chủ lực, quân địa phương và lực lượng kìm kẹp không ngừng tăng lên nhưng Mỹ - ngụy luôn luôn thiếu quân. Trong “chiến tranh cục bộ”, 1/3 lực lượng quân Mỹ thường xuyên buộc phải làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ trước sức tiến công, uy hiếp của quân và dân ta ở các “vành đai diệt Mỹ”. Lính thủy đánh bộ Mỹ - một trong số những binh chủng mạnh nhất của quân đội Mỹ sau khi vào miền Nam đã phải “tập trung cố gắng vào việc phòng thủ ba căn cứ Chu Lai, Phú Bài, Đà Nẵng”1. Thế trận chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ trong những năm “chiến tranh cục bộ” là một trong những cơ sở để Đảng ta hạ quyết tâm mở cuộc tiến công và nổi dậy “Tết Mậu Thân” 1968 nhằm tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh.

        Ngoài vai trò quan trọng trên đây, hậu phương tại chỗ còn là nguồn cung cấp sức người, sức của quan trọng cho chiến trường; nơi tiếp nhận, bảo quản, phân phối vũ khí, phương tiện chiến tranh và các vật phẩm khác từ hậu phương miền Bắc chuyển vào.

        Bên cạnh sự chi viện của miền Bắc, nguồn hậu cần khai thác từ hậu phương tại chỗ đóng góp cho chiến trường một phần quan trọng. Dựa vào sự giúp đỡ ủng hộ của nhân dân vùng địch chiếm và dựa vào cơ sở cách mạng ở đô thị ta đã tổ chức thu mua và vận chuyển được một số thuốc chữa bệnh và các vật chất thiết yếu khác từ vùng địch kiểm soát. Trong các giai đoạn kháng chiến, tổ chức hậu cần của ta bao gồm hậu cần miền, quân khu, hậu cần các địa phương và hậu cần nhân dân đã trụ bám tại vùng tranh chấp, vươn sâu vào vùng địch kiểm soát tới tận hậu phương chiến lược của địch là vùng nông thôn đồng bằng đông dân, nhiều của và vùng đô thị để khai thác nguồn hậu cần ngay trong hậu phương của địch. Ngoài ra, thị trường nội địa Cam-pu-chia cũng là một địa bàn quan trọng mà tổ chức hậu cần của ta đã khai thác có hiệu quả trong suốt những năm chiến tranh. Từ năm 1969, trước những khó khăn của cách mạng miền Nam, chúng ta đã mở rộng phạm vi hoạt động hậu cần sang Cam-pu-chia. Trên chiến trường miền Nam lúc bấy giờ chỉ còn có một số đoàn hậu cần và cơ sở hậu cần bám trụ ở vùng sâu. Đó là Đoàn hậu cần 81 ở khu vực chiến khu Đ, một bộ phận lực lượng Đoàn hậu cần 82, 83 ở khu vực núi Bà Đen, Dầu Tiếng, Long Nguyên... Do kịp thời mở rộng tổ chức và phạm vi hoạt động ở Cam-pu-chia nên ta đã tạo được nguồn vật chất rất quan trọng, đủ đảm bảo cho các đơn vị vũ trang ta đang đứng chân trên đất Cam-pu-chia; đồng thời chi viện về cho các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ và chi viện một phần quan trọng ra chiến trường Tây Nguyên, tuyến 559, góp phần tích cực cùng với hậu cần trung ương giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp và vận chuyển vật chất cho chiến trường trong những năm 1970 - 1971. Từ cuối năm 1971, bên cạnh một số đoàn hậu cần vẫn hoạt động ở Cam-pu-chia, các đoàn hậu cần của ta đã vươn sâu về chiến trường miền Nam để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

------------------
1. S. L.Xetentơn, Sự thăng trầm của đạo quân đánh bộ Hoa Kỳ ở Việt Nam, Nxb Presido Press, 1986. Trích đăng trong Tạp chí Lịch sử quân sự, số 8-1987.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:08:54 am »


        Vùng làm chủ, vùng giải phóng được xây dựng vững mạnh toàn diện và ngày càng mở rộng, đã tạo điều kiện cho việc huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến, thực hiện hậu cần tại chỗ. Dựa vào sự giác ngộ chính trị của nhân dân vùng căn cứ, hậu phương tại chỗ, chúng ta đã phát huy mạnh mẽ sự tham gia đóng góp của nhân dân vào nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng hậu phương tại chỗ. Đồng thời, hàng triệu lượt người được huy động phục vụ chiến đấu, hàng chục vạn thanh niên nam nữ vùng giải phóng đã gia nhập lực lượng vũ trang ba thứ quân. Từ đô thị và vùng nông thôn địch chiếm, nhiều thanh niên yêu nước đã tìm đến với cơ sở cách mạng hoặc vào vùng giải phóng gia nhập lực lượng vũ trang. Trên thực tế, suốt những năm chiến tranh, ở vùng giải phóng hay vùng địch tạm thời kiểm soát, phần lớn các tầng lớp nhân dân miền Nam từ cụ già tới em bé đều tự nguyện tham gia, ủng hộ cách mạng bằng nhiều hành động như che giấu cán bộ, giao liên dẫn đường, đấu tranh chính trị chống địch phá hoại nhà cửa, mùa màng hoặc tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu... Về vật chất, trong 15 năm từ 1960 đến 1975, hậu phương tại chỗ đã đảm bảo 22,5% nhu cầu vật chất của lực lượng vũ trang miền Nam. Nếu tính cả số chiến lợi phẩm thu được của địch và số lương thực, thực phẩm do bộ đội tập trung sản xuất thì trong 21 năm chiến tranh, hậu cần tại chỗ đáp ứng được khoảng 35% nhu cầu của các chiến trường. Tỉ lệ 35% đó có ý nghĩa to lớn trong điều kiện Mỹ - ngụy thường xuyên sử dụng các biện pháp quân sự, kinh tế, chính trị để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, phá hoại và bao vây kinh tế đối với vùng giải phóng, đánh phá kho tàng, căn cứ, dự trữ chiến lược... của ta. Đặc biệt, tỉ lệ 35% mà hậu cần tại chỗ đáp ứng nhu cầu của các chiến trường càng trở nên quan trọng vào những thời điểm sự chi viện từ miền Bắc bị ngừng trệ và nguồn thu mua từ thị trường Cam-pu-chia gặp khó khăn.

        Cùng với sự gia tăng của chiến tranh, nhu cầu về nhân lực và vật chất của các chiến trường ngày càng lớn. Tuyến vận tải chiến lược 559 không ngừng được mở rộng với hệ thống trục dọc, trục ngang và hệ thống đường nhánh vươn tới các chiến trường, các hướng chiến dịch để đáp ứng sự chi viện ngày càng mạnh mẽ của hậu phương miền Bắc cho cách mạng miền Nam. Hầu hết mạng đường chiến lược 559 chạy qua các khu vực hậu phương của chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, vào tới Lộc Ninh của chiến trường miền Đông Nam Bộ. Hệ thống căn cứ hậu cần, kho chứa, trạm sửa chữa, khu vực tập kết bộ đội... cũng được bố trí ở các vùng giải phóng, vùng căn cứ dọc theo trục dọc, trục ngang và mạng đường nhánh chiến dịch thuộc tuyến vận tải chiến lược 559 và hệ thống các đường trục trong khu vực căn cứ, vùng giải phóng. Trong điều kiện vận tải chiến lược trên đường Trường Sơn chủ yếu thực hiện vào mùa khô, toàn bộ số vật chất, vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh từ miền Bắc đưa vào nhằm tạo nguồn dự trữ chiến lược, cung cấp cho các chiến trường hay phục vụ cho việc xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ, vùng giải phóng đều dồn vào một số tháng trong năm. Dựa vào hệ thống kho tàng, mạng đường trong khu căn cứ, vùng giải phóng, vật chất, vũ khí... được tiếp nhận cất giấu, bảo quản kịp thời nên đã hạn chế được hư hao, tổn thất, ùn tắc do địch lùng sục đánh phá và do thiên tai, thời tiết gây nên.

        Ở vùng ven biển miền Nam, dựa vào sự che chở của nhân dân, sự giúp đỡ của chính quyền và đoàn thể cách mạng vùng giải phóng, một số bến bãi, kho chứa tiếp nhận vũ khí do miền Bắc chi viện bằng đường biển đã được xây dựng. Năm 1962. Đoàn 926 đã mở được các bến bãi ở Cà Mau, Trà Vinh, Bến tre. Từ năm 1963 đến 1965, Đoàn 759 thuộc Miền đã xây dựng bến bãi ở vùng giải phóng Hàm Tân - Xuyên Mộc, tiếp nhận 70 tấn vũ khí, giải quyết một phần khó khăn về vũ khí của lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ thời kỳ này. Tại ven biển Khu 5, khắc phục địa hình trống trải, cơ sở bí mật của ta đã tổ chức được các bến ở Vũng Rô (Phú Yên), Lộ Giao (Bình Định), Đạm Thủy (Phổ An, Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam); tiếp nhận vũ khí do Đoàn 125 hải quân chuyển giao. Cuối năm 1965, theo đường hàng hải quốc tế, tàu biển của ta đã cập bờ biển Rạch Kiến Vàng (Tây Nam Bộ) và bãi biển Cà Mau, chuyển giao cho các đơn vị chủ lực Miền 197 tấn vũ khí, đạn dược, góp phần quan trọng giải quyết vấn đề trang bị vũ khí thời kỳ đầu “chiến tranh cục bộ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:10:10 am »


        Càng về cuối cuộc chiến tranh, hậu phương tại chỗ, đặc biệt là vùng căn cứ rừng núi càng được mở rộng, đảm bảo cho các binh đoàn chủ lực lớn tập kết lực lượng, chuẩn bị điều kiện thực hiện các đòn đánh chiến lược.

        Trong cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam, tác chiến của các binh đoàn chủ lực ngày càng quan trọng - giữ vai trò quyết định trong việc tiêu diệt những bộ phận sinh lực lớn và quan trọng của địch, làm chuyển biến cục diện chiến trường, tạo điều kiện để kết thúc chiến tranh thắng lợi. Một trong số những nhân tố đảm bảo cho các binh đoàn chủ lực phát huy vai trò và hiệu lực trên chiến trường là hậu phương tại chỗ phải được xây dựng và mở rộng, trở thành chỗ đứng chân vững chắc và bàn đạp tiến công của các binh đoàn.

        Trong những năm “chiến tranh cục bộ”, sở dĩ Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị được thành lập và trở thành hướng tiến công mới của ta vào nơi yếu của địch trên chiến trường miền Nam, thành chiến trường thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động địch là bởi tại đây dựa vào vùng căn cứ tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ của các cơ sở hậu cần ở nam Quảng Bình, ta có điều kiện đảm bảo hậu cần, đảm bảo bàn đạp tiến công cho các sư đoàn, trung đoàn tử miền Bắc đưa vào.

        Những năm 1969, 1970, tại vùng căn cứ rừng núi dọc miền biên giới phía tây và vùng giải phóng của cách mạng Cam-pu-chia, của cách mạng Lào, các đơn vị bộ đội tập trung của ta được duy trì, củng cố, từng bước tăng cường lực lượng, đẩy mạnh tiến công, phục hồi thế trận chiến tranh nhân dân ở nông thôn đồng bằng và mở rộng căn cứ địa rừng núi. Bước sang năm 1971, các sư đoàn và trung đoàn bộ đội tập trung của ta mở một số chiến dịch lớn, đặc biệt là chiến dịch binh chủng hợp thành quy mô lớn đầu tiên của chủ lực ta ở Đường 9 - Nam Lào, đánh bại các cuộc hành quân của Mỹ - ngụy, giữ vững và mở rộng hậu phương tại chỗ miền rừng núi phía tây. Đây là khu vực tiếp nhận, bảo quản một khối lượng vật chất, vũ khí, là địa bàn tập kết của các binh đoàn chủ lực từ miền Bắc vào, tạo điều kiện quyết định để ta thực hiện cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đánh vào tập đoàn lớn quân địch trong hệ thống phòng thủ chiến lược của chúng.

        Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, quân và dân ta trên chiến trường tiếp tục đẩy mạnh tiến công, mở rộng hơn nữa hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam nói chung, của các binh đoàn chủ lực nói riêng. Hai năm 1973, 1974, một vùng giải phóng rộng lớn nối liền từ tây Trị - Thiên tới vùng rừng núi Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ được xây dựng thành hậu phương trực tiếp của các binh đoàn chủ lực. Dựa vào đó, sau khi củng cố và tăng cường lực lượng, chuẩn bị thế trận, các binh đoàn chủ lực mở cuộc tiến công mãnh liệt giải phóng Tây Nguyên, tiến nhanh xuống đồng bằng, cùng quân và dân cả nước mở cuộc tiến công thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển miền Trung... góp phần tạo nên tính thần tốc của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, tạo nên thế và lực áp đảo đối phương trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Được thắng lợi Tây Nguyên cổ vũ, quân và dân ta trên khắp chiến trường, từ rừng núi, đồng bằng nông thôn tới thành thị đã tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, làm tan rã tại chỗ chính quyền và lực lượng địch ở cơ sở, hỗ trợ cho đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực. Trên những nẻo đường quân ta tiến công, nhân dân biểu lộ sự vui mừng và ủng hộ quân giải phóng bằng nhiều hành động thiết thực. Thái độ đó của hầu hết nhân dân miền Nam tác động mạnh tới tinh thần của ngụy quân, ngụy quyền, khiến chúng bị suy sụp hoàn toàn về ý chí, bị tan rã về mặt tổ chức, buộc chúng phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:10:48 am »


*

*        *

        Nhìn chung lại, trong kháng chiến chống Mỹ, hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam là một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng và tăng cường tiềm lực, sức mạnh của cách mạng, xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân trên khắp ba vùng chiến lược. Thế trận đó cho phép quân và dân miền Nam thực hành chiến lược tiến công, giữ vững quyền chủ động chiến trường, uy hiếp và thu hẹp hậu phương của địch, buộc chúng phải lâm vào tình thế bị động về chiến lược chiến thuật, phải đối phó cả phía trước, phía sau, khiến chúng không sao phát huy đầy đủ ưu thế về binh lực, hỏa lực và sức cơ động trong một trận thế đan xen, cài răng lược không phân vùng, phân tuyến.

        Sở dĩ hậu phương tại chỗ đã phát huy ngày càng đầy đủ vai trò, tác dụng đối với cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam là bởi hậu phương đó được xây dựng, bảo vệ và không ngừng mở rộng theo một đường lối đúng đắn, bằng những biện pháp hiệu quả. Đường lối và biện pháp đó đã tạo được sự bền vững, tạo ra tính đa dạng và rộng khắp của hậu phương tại chỗ ở rừng núi, ở đồng bằng, ở thành thị. Tùy điều kiện từng nơi, từng lúc mà đề ra và thực hiện các biện pháp xây dựng, bảo vệ, củng cố và mở rộng hậu phương tại chỗ phù hợp với tình hình cụ thể nhưng tựu trung, phải biết tin vào nhân dân, dựa vào nhân dân, cùng đồng cam cộng khổ với nhân dân, xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng và ý chí của nhân dân mà tìm ra các hình thức và biện pháp xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng trong nhân dân, phát động nhân dân đẩy mạnh đấu tranh, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và bảo vệ hậu phương tại chỗ ngày càng vững mạnh.

        Thực tiễn chiến trường những năm đánh Mỹ cho thấy ở đâu và lúc nào công tác xây dựng, bảo vệ và mở rộng hậu phương tại chỗ được chú trọng thích đáng, được thực hiện bằng những biện pháp tích cực, đúng đắn thì các nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng đạt được kết quả rõ rệt, to lớn. Buông lỏng việc chỉ đạo xây dựng và bảo vệ hậu phương tại chỗ, để cho địch lấn đất, giành dân, thu hẹp hậu phương tại chỗ thì lực lượng cách mạng bị tổn thất, thế trận chiến tranh nhân dân bị sa sút, cách mạng miền Nam bị uy hiếp nặng nề.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:12:40 am »


C. XÂY DỰNG VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC

        I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI

        Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đến năm 1958, ta đã có đường dây Thống Nhất do Ban Thống nhất Trung ương tổ chức để đưa đón cán bộ, chuyển tài liệu và một số hàng cần thiết giữa miền Bắc và miền Nam. Đây là thời kỳ Mỹ - ngụy ra sức phá hoại hiệp định, đàn áp cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng, gây ra hàng loạt vụ khủng bố, tàn sát dã man, khiến cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề. Thế nhưng, trong điều kiện đó, đường dây Thống Nhất vẫn được duy trì, giữ vững.

        Bước vào năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam có bước phát triển, nhiều căn cứ hình thành ở vùng rừng núi, bưng biền đã tạo nên thế đứng mới của lực lượng cách mạng miền Nam.

        Từ giữa năm 1959, cách mạng Lào chuyển hẳn sang thời kỳ kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, mở rộng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập chính quyền cách mạng.

        Sau gần 5 năm (1955 - 1959) phục hồi và xây dựng mới nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực của Nhà nước, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và quân đội nhân dân, sự nghiệp củng cố miền Bắc thành nền gốc cho cách mạng miền Nam đã đạt được một số kết quả vững chắc. Khắc phục vấp váp, sai lầm trong cải cách ruộng đất và trong một số mặt công tác khác, miền Bắc càng tự tin hơn vào sức mạnh của mình.

        Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và khẳng định: con đường phát triển cơ bản của cách mạng miền Nam là con đường sử dụng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, miền Bắc phải đẩy mạnh chi viện cho miền Nam. Trong điều kiện đó, đường dây Thống Nhất Bắc Nam không còn phù hợp. Hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ chỉ có thể phát huy đầy đủ vai trò, tác dụng và sức mạnh khi nó được nối liền bằng hệ thống giao thông thông suốt. Đất nước ta dài và hẹp, nhân dần miền Bắc còn nghèo, Mỹ là nước giàu về tiềm lực kinh tế,.quân sự và có nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại... Vì vậy việc xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải nối giữa miền Bắc với chiến trường miền Nam vừa cấp thiết, vừa phức tạp và khó khăn...

        Nhận thức được tầm quan trọng cùng những phức tạp và khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng tuyến vận tải chiến lược; chỉ đạo chặt chẽ quá trình xây dựng, mở rộng, bảo vệ và phát huy vai trò, tác dụng của nó trong chiến tranh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:14:36 am »


        II. XÂY DỰNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC

        Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Quân ủy Trung ương ra quyết định thành lập tuyến giao liên quân sự trên bộ (Đoàn 559). Tiếp đó, tháng 7 năm 1959, tuyến vận tải đường biển chi viện miền Nam ra đời (Đoàn 759).

        Buổi đầu, tuyến vận tải đường bộ dựa vào đường dây Thống Nhất để thực hiện nhiệm vụ, chủ yếu làm công tác giao liên, vận chuyển một số vật chất bằng phương thức gùi thồ với phương châm: phòng tránh, giữ bí mật tuyệt đối để bảo vệ lực lượng, bảo vệ mục tiêu nhiệm vụ. Tuyến vận tải biển, do Mỹ có lực lượng hải quân mạnh, khống chế ngặt vùng biển miền Nam nên Đoàn 759 gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã tìm nhiều biện pháp, mở nhiều tuyến ven biển, vòng ra tây Trường Sa, vòng qua đông Trường Sa nhưng kết quả hạn chế. Từ năm 1962 đến năm 1972, đoàn vận tải biển chi viện miền Nam tổ chức 101 chuyến vận chuyển cho chiến trường được 5.616 tấn vũ khí, đạn dược. Việc đảm bảo chi viện chiến trường, nối liền giữa hậu phương miền Bắc với hậu phương tại chỗ của cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và Cam-pu-chia chủ yếu dựa vào tuyến vận tải chiến lược trên bộ.

        Tháng 1 năm 1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đưa đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị. Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương và Ban Thống Nhất Trung ương chỉ đạo công tác quân sự ở miền Nam, quyết định tăng cường cán bộ, đẩy mạnh việc tiếp tế vũ khí, tài chính cho cách mạng miền Nam và mở rộng giao thông liên lạc Bắc - Nam.

        Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 nhằm mở rộng tuyến vận tải Trường Sơn theo phương hướng: kiên trì giữ vững hành lang phía đông, khẩn trương mở đường vận tải phía tây Trường Sơn. Đồng thời, mạnh dạn áp dụng phương thức vận tải cơ giới, kết hợp với phương thức vận tải thô sơ (xe đạp thồ), chú trọng khai thác đường sông.

        Được tăng cường lực lượng và bằng những biện pháp tổ chức chặt chẽ, hiệu quả, đến giữa năm 1964, Đoàn 559 đã xây dựng được địa bàn hoạt động từ tây Quảng Bình vào đến ngã ba Biên Giới, triển khai được một số tuyến, thành lập được các cung trạm, xây dựng được tuyến hành lang nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam. Nhờ đó, trong 4 năm thực hiện nhiệm vụ (1961 - 1965), Đoàn đã vận chuyển bàn giao cho các chiến trường gần 3.000 tấn vật chất các loại đảm bảo hành quân cho 12.000 lượt người qua lại trên đường Trường Sơn.

        Từ năm 1965, Mỹ sử dụng không quân, hải quân leo thang đánh phá miền Bắc, đưa các đơn vị quân bộ của Mỹ và chư hầu vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ”. Trước tình hình đó, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc. “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là ý chí của hậu phương miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Từ đây, miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa tăng sức chi viện cho chiến trường miền Nam, cho cách mạng Lào và Cam-pu-chia.

        Để đảm bảo vận chuyển người và phương tiện chiến tranh cùng các loại vật chất cần thiết khác vào chiến trường, trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, toàn bộ hệ thống giao thông vận tải từ miền Bắc vào các chiến trường đều được chấn chỉnh và tăng cường. Lực lượng vận tải quân sự cùng lực lượng vận tải dân sự trên miền Bắc tập trung năng lực vận chuyển tạo chân hàng cho Đoàn 559. Lực lượng phòng không, lực lượng đảm bảo giao thông tăng nhanh về số lượng; hình thành thế trận vừa đánh địch rộng khắp vừa tập trung bảo vệ, bảo đảm các đầu mối giao thông, các địa bàn trọng điểm.

        Trên tuyến vận tải chiến lược, Đoàn 559 được tăng cường lực lượng và phương tiện, hình thành lực lượng binh chủng hợp thành. Lực lượng này được bố trí thành thế trận đánh địch, đảm bảo giao thông và vận tải quân sự trên toàn tuyến theo phương châm vừa có lực lượng tại chỗ vừa có lực lượng cơ động mạnh. Nhiều cán bộ và nhân viên kỹ thuật thuộc nhiều binh chủng và cơ quan dân sự được điều động vào chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn.

        Khắc phục gian khổ, khó khăn, cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong và nhân viên kỹ thuật của Đoàn 559 đã bền bỉ, anh dũng và mưu trí đánh địch, mở đường, đảm bảo giao thông, thực hiện nhiệm vụ trung tâm là tiếp nhận các nguồn hàng từ hậu phương miền Bắc (bao gồm của Tổng cục Hậu cần, của Ban Thống Nhất Trung ương, của các cơ quan nhà nước gửi vào chiến trường, gửi cho bạn Lào) và nguồn thu mua ở hướng Cam-pu-chia, tổ chức vận chuyển chi viện tới các chiến trường miền Nam và Lào, đảm bảo hành quân cho bộ đội và các đoàn cán bộ dân - chính - đảng qua lại trên đường Trường Sơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 01:16:53 am »


        Bốn năm (1965 - 1968), Đoàn 559 đã chuyển tới chiến trường miền Nam và Lào gần 100.000 tấn vật chất, đảm bảo cho hơn 200.000 lượt người qua lại trên đường Trường Sơn; góp phần đánh bại “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” ở Lào; tạo điều kiện cho việc hoàn thành nhiệm vụ trong các giai đoạn tiếp theo.

        Từ năm 1969 đến năm 1972 là thời kỳ Mỹ triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn bằng được mọi nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào miền Nam, đặc biệt là tuyến vận tải chiến lược từ Bắc vào Nam. Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng triệt để những thành tựu mới nhất của nền khoa học - công nghệ Mỹ vào mục đích ngăn chặn, tăng cường độ, mật độ đánh phá của không quân, bộ binh và các hoạt động biệt kích trên khu vực Trường Sơn và hệ thống đường ngang rẽ tới các chiến trường của tuyến vận tải chiến lược. Cùng một lúc, bộ đội Trường Sơn phải đương đầu với điều mà Mỹ mệnh danh là “chiến tranh ngăn chặn” và “chiến tranh hủy diệt” trong thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh”.

        Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước chủ trương tăng cường thêm lực lượng và phương tiện để đảm bảo cho Đoàn 559 tác chiến bảo vệ giao thông, đủ sức đối phó có hiệu quả mọi âm mưu và thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch, giữ vững sự chi viện cho chiến trường.

        Được tăng cường về lực lượng và phương tiện, bộ đội Trường Sơn nhanh chóng tổ chức lại đội hình, bố trí lại thế trận, điều chỉnh giới tuyến chiến đấu, hiệp đồng giữa các quân binh chủng và từng binh trạm, cải tiến hệ thống chỉ huy, tăng cường cho các trọng điểm... Rút kinh nghiệm thời kỳ “chiến tranh cục bộ”, hệ thống binh trạm, khu kho, mạng đường, các điểm vượt, các đoạn vòng tránh và việc tổ chức cung đoạn, đội hình vận tải... cũng được cải tiến phù hợp với tình hình mới... Vì vậy, mặc dù địch đánh phá ác liệt bằng bộ binh, bằng không quân; giội xuống khu vực đường Trường Sơn một khối lượng bom đạn, chất độc hóa học và các loại thiết bị điện tử hiện đại tăng gấp 4 lần thời kỳ Giôn-xơn (1965 - 1968) và gấp 20 lần thời kỳ 1960 - 1964... nhưng tuyến vận tải chiến lược vẫn không ngừng được xây dựng và mở rộng, vươn sâu và vươn xa vào các chiến trường. Nếu trong thời kỳ “chiến tranh cục bộ”, Đoàn 559 mới mở thông được trục đường 20 - cửa khẩu vượt đỉnh Trường Sơn, nối với hệ thống đường chiến lược ở sườn phía tây Trường Sơn, rút ngắn cung độ đến các hướng chiến trường... thì từ 1968 đến 1972, thêm 4 trục đường từ đông Trường Sơn sang tây Trường Sơn được mở, bao gồm đường 18, 16, 10 và 12, tạo thành hệ thống đường vượt khẩu chống địch ngăn chặn, nâng tổng số chiều dài tuyến đường từ 2.930km (1968) lên tới gần 11.000km (1972), chưa kể 6.500km đường giao liên, gùi thồ. Nhờ đó, trong 4 năm thực hiện nhiệm vụ (1969 - 1972), tuyến vận tải chiến lược đã vận chuyển được tổng khối lượng vật chất đạt 118%; đảm bảo hành quân đạt 184 đến 190% so với chỉ tiêu; bàn giao cho các chiến trường một khối lượng vật chất và một số lượng nhân lực tăng gấp 3 - 6 lần so với 4 năm trước đó1, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và Cam-pu-chia, đặc biệt vào những thời điểm quân và dân miền Nam mở cuộc tiến công chiến lược 1972, quân và dân Lào mở cuộc tiến công chiến lược buộc địch phải ký Hiệp định Pa-ri và Hiệp định Viêng-chăn.

        Thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh (1973 - 1975), nhiệm vụ của tuyến vận tải chiến lược là phải tranh thủ thời cơ, “tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, tiếp tục bảo đảm hành quân vào các chiến trường... đảm bảo cho các quân khu thực hiện tốt việc tổ chức chiến trường, xây dựng lực lượng dự trữ chiến lược. Đồng thời phải bảo đảm một phần nhu cầu dân sinh kinh tế, góp phần xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng miền Nam và các nước bạn”2.

        Tháng 11 năm 1973, Hội đồng Chính phủ phê chuẩn kế hoạch thiết kế, mở rộng tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn. Lực lượng công binh của Đoàn 559 và ngành vận tải miền Nam được huy động làm đường. Từ 8 trung đoàn và 65 tiểu đoàn năm 1972, lực lượng công binh của Đoàn 559 đã tăng lên 1 sư đoàn, 17 trung đoàn và 40 tiểu đoàn với tổng quân số bằng 36.341 người. Bên cạnh lực lượng công binh, lực lượng mở đường còn bao gồm 2.741 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến... Đồng thời, Nhà nước và quân đội còn tăng cường thêm phương tiện cho Đoàn 559, bao gồm hàng nghìn xe máy các loại, xe lu, máy ép hơi, máy nghiền đá, máy san ủi...

----------------
1. 1965 - 1968: kế hoạch chi viện 85.000 tấn, hành quân 324. 000 lượt người; 1969 - 1972: kế hoạch chi viện 114.820 tấn, hành quân 598.000 lượt người. Dẫn theo Công tác vận tải quân sự chiến lược. Tài liệu lưu hành nội bộ của Tổng cục Hậu cần, 1984, tr.100.

2. Nghị quyết số 221/NQĐU 559. Dẫn theo Công tác vận tải quân sự chiến lược. Tài liệu đã dẫn, tr. 106, 107.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM