Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 12:26:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43916 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 05:53:56 pm »

       
6

        Từ cuối tháng 7, do những khó khăn không khắc phục được, địch phải rút bỏ một loạt vị trí nhỏ xung quanh thị xã Cao Bằng, tăng cường củng cố những cứ điểm dọc đường số 4

        Ngày 9 tháng 8, địch rút quân khỏi thị xã Bắc kạn, sau đó tiếp tục rút một số vị trí khác ở Cao Bằng.

        Được tin Bắc Kạn giải phóng, Bác chỉ thị nên tổ chức mít tinh tại thị xã Bắc Kạn để tuyên truyền chiến thắng, động viên tinh thần kháng chiến của quân và dân cả nước.

        Cuộc mít tinh tổ chức ngày 24 tháng 8. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Chính phủ đến dự và đọc nhật lệnh.

        Bản nhật lệnh có đoạn viết:

        “Từ đầu năm đến nay, theo lệnh chuẩn bị tổng phản công của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, quân ta đã mở những trận tiến công mãnh liệt và đã liên tiếp chiến thắng trên chiến trường Cao - Bắc - Lạng, Đông Bắc, Sông Lô, Sông Thao và Tây Bắc.

        Trong lúc đó, khắp toàn quốc, trên các mặt trận đường số 5 và Hà Nội, Hải Vân, Bình - Trị - Thiên và Bắc Quảng Nam, Tây Nguyên, Đèo Cả, Đồng Tháp Mười và các mặt trận khác ở Nam Bộ, quân và dân ta đều lập nhiều chiến công.

        Chúng ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, đã tiêu diệt nhiều đồn trại và toán quân lưu động của chúng.

        Chúng ta đã giải phóng nhiều vùng đất đai, đặc biệt ở Đông Bắc và Tây Bắc.

        … Ngày 9 tháng 8, chiến trường Cao - Bắc - Lạng lại ghi thêm một thắng lợi mới: Bắc Kạn giải phóng và một phần Cao Bằng cũng vừa giải phóng. Đồng thời trong mấy ngày qua, quân ta đã quét sạch quân giặc khỏi một số châu, huyện ở ven sông Thao và sông Đà. Đó là những thắng lợi quan trọng trong bước đầu tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công của quân và dân ta.

        … Thế là kế hoạch hoàn toàn khống chế căn cứ địa Việt Bắc của giặc đã tan vỡ, âm mưu lợi dụng đồng bào miền núi của chúng lại thêm một thất bại nặng nề.

        Ngày nay, hơn lúc nào hết, Cao - Bắc - Lạng và cả Việt Bắc nói chúng đã trở thành căn cứ địa vững chắc của ta để giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi…”.

        Ngày 26 tháng 8, sau khi dự lễ mừng Bắc Kạn giải phóng, tôi viết thư gửi đồng chí bí thư tỉnh ủy và đồng chí chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Cao Bằng, góp ý kiến về kinh nghiệm thu hồi thị xã mới giải phóng và một số việc trước mắt:

        “1. Việc chuẩn bị vào thị xã phải được đầy đủ. Bên trong thị xã, cơ sở của ta phải được củng cố… Bên ngoài, quân dân chính phải có kế hoạch thống nhất.

        2. Khi vào, cần giải quyết ngay các việc cấp tốc về quân sự: tổ chức giới nghiêm, tìm cạm bẫy của địch, bắt Việt gian, phản gián, tịch biên tài sản của Việt gian, giữ trị an, lập chính quyền lâm thời cho thị xã.

        Trong mấy ngày đầu, bộ đội phải phụ trách rồi trao lại cho chính quyền địa phương.

        … Nguyên tắc là lúc ta vào, phải luôn luôn đề cao uy tín của chính quyền ta. ảnh hưởng lúc đầu rất quan hệ.

        - Tình hình biên giới biến chuyển nhanh… Chúng ta phải trù liệu trường hợp quân Tưởng vượt biên giới tràn sang phía ta.

        Tôi đã có gửi thẳng cho các đồng chí một chỉ thị quân sự về vấn đề đối phó ở biên giới, theo chủ trương của Trung ương. Sở dĩ tôi không gửi qua khu là để công việc được nhanh chóng. Các đồng chí cần cấp tốc điều động cán bộ ngay tuần lễ sắp tới và báo cáo lên khu…

        - Việc liên lạc giữa Cao Bằng với Trung ương cũng như liên khu rất cần. Trung đoàn 74 sẽ để lại đài vô tuyến cho Cao Bằng (tỉnh đội bộ). Mỗi ngày đài phải liên lạc với Bộ một lần để báo cáo tình hình biên giới. Đường dây điện thoại phải mắc lại qua Bắc Kạn. Đường liên lạc bằng người phải được chỉnh đốn...

        - Mỏ Tĩnh Túc cứ để y nguyên, sẽ có người của Cục Quân giới và của Bộ Kinh tế lên nghiên cứu. Đừng cho nhân dân phá.

        - Tôi nhắc lại, các đồng chí chú ý vấn đề liên lạc. Liên lạc có nhanh, bộ đội mới đối phó kịp thời”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 05:58:19 pm »

     
7

        Từ 1948, tôi được Thường vụ phân công chỉ đạo giúp cách mạng Lào và theo dõi việc giúp cách mạng Miên.

        Tháng 3 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy ra chỉ thị “Về phương châm, phương hướng hoạt động trên các mặt trận Lào và Miên”, nhấn mạnh giúp bạn gây cơ sở chính trị là việc cần thiết trước nhất. Muốn gây cơ sở chính trị, có thể cử những cán bộ chính trị bí mật đi sâu vào vùng địch tạm chiếm, hoặc dùng vũ trang tuyên truyền mà hoạt động. Nơi nào đã có cơ sở chính trị khá rộng thì phát động chiến tranh du kích đi đến thành lập căn cứ địa kháng Pháp hay khu giải phóng. Coi trọng nguyên tắc bảo tồn lực lượng, càng đánh càng mạnh. Hết sức chú trọng giúp bạn đào tạo cán bộ.

        Tôi dặn các anh phụ trách Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu 1, Khu 10, Khu 12, chú ý tìm thanh niên người Lào để đào tạo thành cán bộ giúp cách mạng nước bạn.

        Một hôm, tôi nhận được báo cáo của anh Nguyễn Khang, bí thư khu ủy Khu 12, cho biết có một số sinh viên người Lào sơ tán lên Bắc Giang, thường nói chuyện đánh Tây, chưa biết xu hướng như thế nào. Tôi yêu cầu anh Khang thông báo ý kiến của Bộ Tổng chỉ huy mời người phụ trách nhóm sinh viên Lào lên gặp tôi.

        Giữa năm 1948, tôi đến Văn Lãng thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên gặp anh Cayxỏn Phômvihản. Người sinh viên trẻ tuổi mới gặp lần đầu, đã để lại trong tôi ấn tượng về sự chân thành, thông mình và nghị lực của mình. Anh bày tỏ nguyện vọng được bộ đội Việt Nam giúp đỡ để trở về tổ quốc. Cuôc kháng chiến ở Lào đang thời kì khó khăn. Anh tin rằng về nước sẽ tìm được những người cùng chí hướng tập hợp thành đội ngũ chiến đấu. Tội nói bộ đội ta đang chuẩn bị mở một con đường xuyên qua vùng địch tạm chiếm ở Tây Bắc tới biên giới Việt - Lào. Anh yêu cầu được cùng tham gia; anh biết tiếng Thái, có thể tiếp xúc với nhiều đồng bào Tây Bắc dễ dàng. Anh ý thức có những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi mình, nhưng rất lạc quan và tin tưởng. Anh nói người Lào theo đạo Phật, rất yêu hòa bình, rồi nhắc một câu của Bác: “Nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do”. Vì thế họ sẽ đoàn kết với người Việt Nam chiến đấu để giải phóng nước Lào khỏi ách xâm lược.

        Tôi hoan nghênh ý kiến của anh và dành ba ngày giới thiệu với anh những kinh nghiệm công tác vận động quần chúng, gây cơ sở chính trị,  tổ chức dân quân, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu giải phóng. Sau đó, tôi cử cán bộ đưa anh đến đơn vị anh Bế Sơn Cương ở hướng Mộc Châu đang mở đường về Sầm Nưa, khuyên anh chú ý vùng Xiềng Khọ.

        Cùng vào thời gian này, ở Liên khu 5, anh Phạm Văn Đồng đại diện Chính phủ ta tại Nam Trung Bộ hội đàm với ông Thao Xổm đại diện Chính phủ Lào Ítxala. Hai bên hoàn toàn nhất trí về chủ trương và các biện pháp phối hợp hoạt động ở vùng Hạ lào. Sau đó, anh Phạm Văn Đồng lại hội đàm với anh Khămtày Xiphănđơn, Xithôn Commađam về các biện pháp Việt Nam giúp Lào đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa và phát triển chiến tranh du kích ở các tỉnh thuộc Hạ Lào.

        Một thời gian sau đó, anh Cayxỏn Phômvihản cùng anh Thao Ma lãnh đạo một đội vũ trang tuyên truyền gồm mấy chục chiến sĩ người Lào từ Tây Bắc Việt Nam vào Thượng Lào hoạt động và lập đơn vị vũ trang Lát Xa Vông. Chiến tranh du kích phát triển ở nhiều địa phương.

        Sang năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào có nhiều chuyển biến. Ngày 20 tháng 1, tại đơn vị Lát Xa Vông ở Xiềng Khọ (Sầm Nưa), anh Cayxỏn Phômvihản tuyên bố thành lập quân đội Lào Ítxala, tiền thân của quân đội giải phóng nhân dân Lào ngày nay.

        Sau này, tôi còn nhiều dịp tiếp xúc cộng tác chặt chẽ và thân thiết với anh Cayxỏn Phômvihản ở Sầm Nưa,Việt Bắc, Hà Nội, Viêng Chăn lúc anh làm Bộ trưởng Quốc Phòng trong Chính phủ kháng chiến Pathét Lào, cũng như lúc anh làm Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Giữa chúng tôi có nhiều kỉ niệm sâu sắc về tình bạn chiến đấu, tình đồng chí thân thiết, trong sáng, thủy chung.

        Tháng 3, khu giải phóng Hạ lào thành lập, sau đó ủy ban kháng chiến tỉnh Viêng Chăn cũng được thành lập. Bộ đội Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam  đoàn kết chặt chẽ, phối hợp hoạt động ở các địa phương, thu nhiều thắng lợi. Bộ đội Lào - Việt còn phối hợp với bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Sông Mã, tập kích tiêu diệt đồn Xiềng Khọ, buộc địch rút một số vị trí nhỏ, phát triển cơ sở chính trị và vũ trang.

        Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ thành lập Ban Ngoại vụ với nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch, tổ chức lực lượng giúp cách mạng Campuchia. Theo sự phân công của Ban Ngoại vụ và theo yêu cầu của bạn, các khu 7, 8, 9 lần lượt cử nhiều đoàn cán bộ dân vận và các đơn vị vũ trang sang Campuchia, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng và hoạt động du kích.

        Khu 9 đưa lực lượng sang phối hợp với bạn hoạt động ở Takeo, Kampốt. Tại đây, Ông Sơn Ngọc Minh, một nhà yêu nước nổi tiếng của Campuchia, đã tập hợn tổ chức nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang khá mạnh, có căn cứ kháng chiến tại 4 huyện.

        Khu 8 đưa cán bộ và lực lượng sang giúp bạn xây dựng cơ sở Prây Veng, Căng Đan, mở rộng hoạt động tới Takeo và Svâyriêng, xây dựng tổ chức Ítxắc, thành lập ủy ban dân tộc giải phóng ở nhiều nơi.

        Khu 7 đưa cán bộ và lực lượng sang cùng cán bộ và chiến sĩ Campuchia thành lập đơn vị hỗn hợp lấy tên là bộ đội Sivôtha hoạt động ở Svâyriêng. Bộ đội Sivôtha đánh một số trận, giải phóng nhiều phum (làng), đánh giao thông, làm gián đoạn nhiều lần đường thủy và đường bộ từ Sài Gòn đi Phnôm Pênh.

        Khu 5 đưa cán bộ và lực lượng sang giúp bạn xây dựng cơ sở ở hai tỉnh Stungtreng và Krachiê.

        Đến cuối năm 1949, phong trào kháng chiến Campuchia đã phát triển tương đối đều khắp trong các vùng tây nam, đông nam, đông bắc và tây bắc. Mười bốn trong số mười lăm tỉnh đã có vùng giải phóng và căn cứ du kích. Phong trào đang từng bước phát triển xuống đồng bằng, buộc bộ chỉ huy Pháp phải điều sáu nghìn quân từ Nam Bộ sang Campuchia đối phó. Chúng đóng thêm nhiều đồn bốt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, nhằm ngăn chặn sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang cách mạng của hai nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:00:34 pm »

        
8

        Từ đầu kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã có quan hệ mật thiết với Nam lộ Bát lộ quân Trung Quốc ở Hoa Nam và Bộ tư lệnh biên khu Điền Quế.

        Đầu năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai, sang Việt Bắc gặp các đồng chí lãnh đạo ta. Bác và Thường vụ tiếp phái viên ở Lục Giã. Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng đang tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam để củng cố hậu phương. Những đơn vị du kích của bạn ở vùng biên giới đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng.

        Đầu tháng Ba, quân Tưởng ở Quảng Tây tiến công hai khu Trấn Biên, Tĩnh Tây dữ dội. Một bộ phận bộ đội du kích và cơ quan hậu phương của hai khu này tạm thời chuyển qua biên giới Việt Nam.

        Bộ tư lệnh biên khu Điền Quế và Đảng ủy biên khu Việt Quế thường xuyên có quan hệ với chúng ta1. Tháng 4 năm 1949, lãnh đạo phong trào du kích ở Quảng Tây giáp biên giới Đông Bắc nước ta, đề nghị quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ đánh quân Tưởng để giải phóng khu Ung - Long - Khâm. Sau khi có sự đồng ý của Trung ương, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 “giúp Quân giải phóng xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới Đông Bắc của ta”, “đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế” của bạn.

        Mệnh lệnh nói rõ phải giáo dục chính trị cho bộ đội trước khi lên đường, phải xây dựng tình đoàn kết giữa hai nước Trung Hoa mới và Việt Nam mới, giữa Quân giải phóng Trung Quốc với bộ đội ta. Cán bộ, chiến sĩ ta cần thấy rõ những điều kiện thuận lợi và nhất là những khó khăn; phải tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao  kỉ luật chính trị, chú trọng công tác dân vận. Cần đứng trên lập trường đoàn kết giữa hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh “bản vị chủ nghĩa”.

        Bộ chỉ huy chiến dịch chung được chỉ định: anh Lê Quảng Ba, phó tư lệnh Liên khu 1 là tư lệnh chiến dịch; đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của bạn, là chính trị ủy viên. Bộ Chỉ huy chiến dịch lấy danh hiệu là Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn.

        Chiến dịch chia làm hai mặt trận: mặt trận Điền Quế do anh Nam Long làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Bình, cán bộ của bạn, làm chỉ huy phó, anh Đỗ Trình làm chính trị viên; mặt trận Long Châu do anh Thanh Phong làm chỉ huy trưởng, anh Chu Huy Mân và anh Long Xuyên làm chỉ huy phó.

        Bộ Tổng tham mưu cử một đoàn cán bộ tác chiến giúp Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn về công tác tham mưu, theo dõi diễn biến của chiến dịch, thường xuyên báo cáo với Bộ tư lệnh.

        Đầu tháng 6, bộ đội ta xuất phát theo hai hướng: Long Châu và Khâu Châu - Phòng Thành.

        Ngày 12 tháng 6, mặt trận Long Châu nổ súng diệt vị trí Thủy Khẩu và Hạ Đống, trong khi hướng phối hợp tiến công địch từ Bằng Tường xuống Nam Quan. Quân Tưởng co lại, biến Long Châu thành một cụm cứ điểm mạnh. Bộ chỉ thị cho bộ đội chuyển sang vây hãm Long Châu, đánh viện chặn đường tiếp tế, tiến công Ninh Minh và Thượng Kim, giúp bạn mở rộng và củng cố vùng mới giải phóng quanh Long Châu.

        Hướng Điền Quế và Thập Vạn Đại Sơn, đường đi khó khăn hơn. Bộ đội ta phải hành quân trèo đèo, lội suối mất gần một tháng dưới nắng hè gay gắt mới đến nơi. Phát hiện bộ đội ta, quân Tưởng rút bỏ nhiều vị trí, co về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng. Đầu tháng 7, bộ đội ta tiến công Trúc Sơn, một thị trấn có 4 đại đội quân Tưởng bảo vệ. Bộ đội ta phối hợp với bạn củng cố vùng giải phóng đã mở rộng  ở khu Thập Vạn Đại Sơn, đánh địch càn quét, tiễu phỉ ở vùng Khâm Châu. Ta tiêu diệt hơn một trung đoàn địch, diệt và bức rút 10 vị trí trong số 12 vị trí ở huyện Phòng Thành, làm cho các khu căn cứ nối liền một dải, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của quân địch ở huyện Khâm Châu.

        Tháng 10 năm 1949, khi lực lượng vũ trang của bạn ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với chủ lực Quân giải phóng, bộ đội ta được lệnh rút về nước. Ta để lại một đại đội tiếp tục phối hợp với lực lượng của bạn để xây dựng cơ sở, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Ta trao lại cho bạn những vũ khí thu được của quân Tưởng gồm hơn 500 khẩu súng các loại.

        Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn nhận định “thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Bộ đội ta đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về tinh thần quốc tế của một quân đội cách mạng.

        Một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Trung Quốc trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế này. Nhà văn quân đội Trần Đăng, một cây bút rất nhiều triển vọng, sau khi từ chiến dịch Sông Thao trở về, hăng hái đi tiếp lên đường số 4 cùng bộ đội qua biên giới làm nhiệm vụ đã hi sinh trong một trận đụng độ với quân Tưởng.

-------------
1. Biên khu Điền Quế là khu biên giới Vân Nam - Quảng Tây. Biên khu Việt Quế là khu biên giới Quảng Đông - Quảng Tây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:04:51 pm »

       
9

        Ở Pháp, tình hình càng ngày càng rối ren. Nội bộ giới cầm quyền có nhiều mâu thuẫn gay gắt và xung đột quyền lợi giữa các phe tư bản tài chính và phe tư bản công nghiệp. Nội các Hăngri Cơi (Henri Cueille) không giải quyết nổi những khó khăn của nước Pháp và những nhu cầu quá sức chịu đựng của cuộc chiến tranh xâm lược “đánh nhanh thắng nhanh” đã kéo dài 4 năm ngoài ý muốn của Pháp.

        Ở Đông Dương, người chỉ huy quân sự cao nhất và người cầm quyền chính trị cao nhất có những ý kiến trái ngược nhau về điều hành chiến tranh. Tưởng Bơledô, Tổng chỉ huy quân viễn chinh, chủ trương phải chiếm đóng và giữ Bắc Bộ bằng bất cứ giá nào, vì Bắc Bộ là “cái nút” của cuộc chiến tranh. Ngược lại, Cao ủy Pinhông muốn dồn nỗ lực quân sự cao nhất vào Nam Bộ, tập trung lực lượng để giữ và làm chủ Nam Bộ, vì Nam Bộ là cái “nhài quạt” của toàn bán đảo Đông Dương.

        Cặp khó khăn lớn về kinh tế, tài chính và bị sa lầy ở Đông Dương, chính phủ Pháp phải dựa vào Mỹ và ngày càng phụ thuộc và chính sách của Mỹ. Bị thất bại ở lục địa Trung Hoa, Mỹ lợi dụng những khó khăn của Pháp, nắm cơ hội can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, nhằm bám lấy Đông Dương hòng bố trí lực lượng ngăn cản phong trào cách mạng tràn xuống Đông Nam Á.

        Sau nhiều lần thương lượng, dàn xếp, Pháp phải nhượng bộ trước sức ép của Mỹ. Tháng 3 năm 1949, “hiệp ước Êlidê” được kí kết giữa Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Cốt Phlorê với Bảo Đại (tức Vĩnh Thụy) tại Pari. Pháp công nhận Việt Nam “độc lập”, nhưng thực chất Pháp vẫn nắm quyền chỉ huy quân sự, điều hành ngoại giao và chi phối kinh tế tài chính. Với hiệp ước này, Pháp tiến thêm một bước trong âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”.

        Tháng 5 năm 1949, trong tình thế bị động và khó khăn, Chính phủ Pháp cử đại tướng Rơve, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, cầm đầu một phái đoàn sang Đông Dương để nghiên cứu tình hình và vạch kế hoạch đối phó. Trong phái đoàn, ngoài một số thượng nghị sĩ, còn có tướng Vanluy - người có “thành tích” mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương năm 1946 - lúc đó đã lên cấp đại tướng.

        Rơve ở Việt Nam hơn một tháng. Ông đi nhiều nơi, các báo đưa tin ông đến cả Bắc Kạn và Cao Bằng. Ông tiếp xúc với các cơ quan tham mưu, gặp các đơn vị viễn chinh, trao đổi ý kiến với những người có trách nhiệm dân sự và quân sự. Cuối cùng Rơve đi đến một nhận định tổng quát về tình hình và rút ra kết luận là không thể có một giải pháp quân sự và cũng không còn hi vọng lật lại tình thế để đạt những điều kiện có lợi trong một cuộc điều đình. Chiến thắng của Quân giải phóng Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân lực lượng ở Viễn Đông, tạo ra một tình hình nghiêm trọng cho quân đội Pháp.

        Rơve thấy cần xác định cụ thể đường lối chính trị và chiến lược quân sự của Pháp ở Đông Dương. Rơve coi Bắc Bộ là chiến trường chính, chủ trương tăng quân cho Bắc Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường phòng thủ trung du và khu tứ giác Lạng Sơn - Tiên Yên - Hải Phòng - Hà Nội; gấp rút củng cố tuyến biên giới, nhưng do lực lượng có hạn nên chủ trương phòng thủ có trọng điểm, cụ thể là tập trung sức để giữ đoạn từ Lạng Sơn đến Móng Cái, còn đoạn từ Na Sầm trở lên thì có thể rút bỏ. Rơve đặt trọng tâm vào việc phát triển quân ngụy, dùng quân ngụy là nhiệm vụ bình định, tập trung quân Âu Phi để tổ chức lực lượng cơ động.

        Rơve cho rằng kế hoạch phòng thủ Đông Dương của Pháp nhằm ngăn cản “làn sóng đỏ” từ lục địa Trung Hoa tràn xuống Đông Nam Á. Kế hoạch này nằm trong kế hoạch chống Cộng chung của phe “dân chủ”. Vì vậy Pháp cần tích cực tranh thủ viện trợ của Mỹ.

        Những ý kiến của Rơve không phải được những nhà chỉ huy quân sự và những người cầm quyền chính trị ở Đông Dương đồng tình toàn bộ. Nếu như nhiều người thống nhất với nhận định về tình thế nghiêm trọng sẽ diễn ra nay mai với quân đội viễn chinh thì lại có ý kiến khác về giải pháp cụ thể. Tướng Alétxăngđơri đặc biệt phản đối việc rút quân khỏi Cao Bằng. Tướng Bơlêdô thấy quân Trung Quốc ít có khả năng sớm can thiệp vào Đông Dương, nhưng đồng tình về cơ bản với nhận định của Rơve, và cho rằng cần rút ngay khỏi Cao Bằng. Cao ủy Pinhông không coi nhẹ đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại thấy Nam Bộ rất quan trọng và cần được ưu tiên. Một cuộc tranh cãi nổi lên quanh những ý kiến của Rơve.

        Trở về Pháp, Rơve nhanh chóng soạn thảo xong một kế hoạch đệ trình Chính phủ Pháp,

        Tháng 7, Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua chủ trương của Rơve về phòng thủ có trọng điểm ở tuyến biên giới, cụ thể là tập trung sức để giữ đoạn từ Lạng Sơn trở xuống, còn đoạn từ Na Sầm trở lên thì có thể rút bỏ. Song những người có quyền lực lớn nhất ở Đông Dương và Bắc Bộ là cao ủy Pinhông, tổng chỉ huy Cácpăngchiê và chỉ huy Bắc Bộ Alétxăngđơri phản đối và trì hoãn không thi hành.

        Sang tháng 8, tình hình tuyến biên giới ngày càng xấu đi. Bộ chỉ huy Pháp buộc phải cho rút quân khỏi thị xã Bắc Kạn và một số vị trí khác. Còn đối với Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Phú Thọ, họ vẫn cố chiếm giữ và tăng cường phòng thủ.

        Kế hoạch Rơve đánh dấu một bước ngoặt trong chiến tranh Đông Dương. Lần đầu tiên, người đứng đầu quân đội Pháp khẳng định Pháp không còn khả năng giành thắng lợi trong chiến tranh. Rơve cũng là người đầu tiên nhận thấy lối thoát khỏi tình thế khó khăn là “đưa chiến tranh Đông Dương vào kế hoạch chiến lược của Mỹ”, cũng có nghĩa là bước đầu chuyển giao cuộc chiến tranh cho Mỹ.

        Vào đầu mùa mưa, chúng ta có trong tay bản kế hoạch Rơve. Ta quyết định công bố nội dung bản kế hoạch trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Kế hoạch Rơve trở thành “nổi tiếng” vì nó dẫn tới một vụ án trong đó Rơve bị tố cáo là làm lộ bí mật quân sự.

        Theo tin tức báo chí, từ giữa tháng 9, vụ án Rơve - Mát - một vụ bê bối lớn có liên quan đến nhiều nhân vật trong chính giới Pháp - đã phơi bày trước dư luận Pháp và nước ngoài những âm mưu, thủ đoạn tranh giành quyền lực và lợi nhuận hết sức xấu xa, bỉ ổi, giữa các phe phái cầm quyền ở Pháp. Tổng tham mưu trưởng Rơve sang Đông Dương, ngoài việc quan sát nghiên cứu tình hình và lập kế hoạch mới, còn có mưu đồ tìm cách lật Cao ủy Pinhông để  thay thế bằng Mát lúc ấy làm giám đốc Học viện quốc phòng tối cao Pháp, là người cùng phe nhóm. Nhưng việc này không thành. Lợi dụng việc kế hoạch Rơve bị lộ, phe nhóm Pinhông đã đưa vụ việc ra trước pháp luật. Rơve và Mát bị cách chức.

        Rơve bị cách chức, song hầu hết những gì người Pháp làm sau đó đều không ở ngoài những điều đã được nêu trong kế hoạch Rơve.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:22:51 pm »

       
Chương chín

ĐẠI ĐOÀN QUÂN TIÊN PHONG

1

        Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu đề ra nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, Hội nghị cán bộ quân sự và chính trị cao cấp họp vào trung tuần tháng 1 năm 1949 đã đặt vấn đề phát triển và xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực thành một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và coi vấn đề đào tạo cán bộ là có ý nghĩa quyết định. Lực lượng vũ trang của ta sinh ra và phát triển từ lực lượng chính trị của quần chúng, từ phong trào đấu tranh của nhân dân. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên, lần đầu đã nêu rõ vị trí của đội quân chủ lực, trong khi đồng thời phát triển bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

        Ngay từ những ngày Xôviết Nghệ Tĩnh với các đội Tự vệ đỏ, khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ với các đội Cứu quốc quân và nghĩa quân Nam Kỳ, cũng như khi phát triển rộng rãi các lực lượng dân quân tự vệ và các đội vũ trang thoát li ở Cao - Bắc - Lạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng vấn đề cán bộ, coi như là một vấn đề trung tâm.

        Bác đã từng chỉ ra rằng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng”.

        Bác đặc biệt coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ quân sự. Người đã sớm nghĩ tới việc đưa cán bộ đi đào tạo về quân sự ở nước ngoài. Bác đã cử các anh Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, Trương Văn Lĩnh sang học ở trường Hoàng Phố. Anh Lê Hồng Phong sau đó được cử sang Liên Xô học tiếp ở trường không quân. Bác cũng đã có dự kiến gửi cán bộ đi học Trường quân chính kháng Nhật ở Diên An. Nhưng tình hình thế giới thay đổi, phong trào cách mạng trong nước đang cần người nên chỉ anh Cao Hồng Lĩnh đi được.

        Việc đào tạo cán bộ quân sự ở trong nước thực sự được đặt ra từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, tháng 5 năm 1941, khi Đảng ta đề ra chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Để huấn luyện cán bộ, Bác đã biên soạn các tài liệu “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Kinh nghiệm du kích Pháp”. Ngoài ra Bác còn dịch “Phép dùng binh của Tôn Tử” và sách dạy làm tướng của Khổng Minh và đặt dưới một đầu đề hoàn toàn mới là “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”. Người luôn luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, muốn cho phong trào phát triển vững mạnh thì phải khéo phát hiện những phần tử trung kiên, đào tạo thành cán bộ nòng cốt cho các tổ chức cứu quốc. Thời gian này, ở liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, các anh Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Bằng Giang mở lớp huấn luyện quân sự ở các châu huyện; anh Hoàng Sâm và tôi mở liền mấy lớp đào tạo cán bộ quân sự địa phương. Lớp học được tổ chức khá quy mô. Học viên có tới trăm người.

        Theo quyết định của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tháng 6 năm 1945, Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập tại khu Giải phóng. Bác giao cho tôi trực tiếp phụ trách và chỉ định anh Hoàng Văn Thái làm giám đốc, anh Thanh Phong là phó giám đốc. Trường đặt tại một làng người Dao bên con suối, gần Tân Trào. Trường có nhiệm vụ đào tạo trung đội trưởng, sau khi học xong chương trình, một số học viên được giữ lại để bồi dưỡng thành chính trị viên. Về quân sự, trường dạy các kĩ thuật cá nhân chiến đấu, chiến thuật tiểu đội, trung đội theo những tài liệu huấn luyện do anh Trường Văn Lĩnh trưởng ban tu thư soạn ra. Trường đặc biệt coi trọng huấn luyện chiến thuật du kích, dựa theo cuốn “Cách đánh du kích” của Bác và kinh nghiệm các trận đánh đầu tiên. Phần giáo dục chính trị viên thì học thêm cuốn “Người chính trị viên” của anh Phạm Văn Đồng và cuốn “Công tác chính trị trong quân đội cách mạng” do tôi viết. Đây là những cuốn sách chúng tôi viết từ năm 1941, trong thời kì xây dựng các đội tự vệ và tự về chiến đấu ở Cao Bằng.

        Trường ở gần Tân Trào. Để giữ bí mật, Bác giả dạng làm “ông Ké” người Nùng ra chỗ học sinh tắm để gặp anh em. Bác nói chuyện tự nhiên, ân cần thăm hỏi tình hình mọi mặt từ ăn, ở, học tập tới công việc làm ăn của đồng bào dưới xuôi. Anh em khi đó chỉ coi là câu chuyện của một ông già Nùng sõi tiếng Kinh. Sau này, khi về Hà Nội mọi người mới biết đó là Bác Hồ.

        Trong khoảng thời gian hai tháng, trước Tổng khởi nghĩa, trường Quân chính kháng Nhật đã mở được ba khóa, đào tạo được 234 cán bộ chỉ huy và chính trị viên. Tuy số lượng đào tạo chưa nhiều, thời gian huấn luyện ngắn, nhưng đây là một vốn quý làm nòng cốt để phát triển lực lượng vũ trang thời kì ban đầu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:23:24 pm »


        Cách mạng tháng Tám thành công. Trường quân chính kháng Nhật chuyển về Hà Nội và được đổi tên thành Trường quân chính Việt Nam. Trường đặt địa điểm tại trường trung học Đỗ Hữu Vị, nay là trường phổ thông trung học cấp III Phan Đình Phùng ở phố Cửa Bắc. Anh Trương Văn Lĩnh được bổ nhiệm làm giám đốc. Trường đang học thì kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ. Tôi đến thăm và động viên anh em tích cực học tập để chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Hai tuần sau khóa học bế giảng. Một trăm phần trăm học viên xung phong Nam tiến.

        Quân Tưởng tràn vào miền Bắc. Để tránh mọi sự khiêu khích, tháng 10 năm 1945, Bác đổi tên trường Quân chính Việt Nam thành Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam và chuyểnvề khu Việt Nam học xã. Anh Trần Tử Bình được bổ nhiệm là chính trị ủy viên của trường. Sau một thời gian trường dời lên Sơn Tây.

        Tháng 3 năm 1946, theo quyết định của Trung ương, trường Quân chính Bắc Sơn được thành lập. Học viên là những thanh niên và cán bộ đã hoạt động trong phong trào Việt Minh do các tỉnh bộ Việt Minh lựa chọn, nhiều người là đảng viên. Khóa đầu do Tổng bộ Việt Minh phụ trách, sau chuyển cho Bộ chỉ huy Khu 1 tổ chức khóa 2.

        Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập. Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ và nghị quyết của Quân ủy hội, ngày 17 tháng 4 năm 1946, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường võ bị Trần Quốc Tuấn trên cơ sở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam. Anh Hoàng Đạo Thúy, một nhà giáo yêu nước, đã tham dự Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào, được bổ nhiệm là giám đốc, anh Trần Tử Bình là chính ủy.

        Đi dự hội nghị Đà Lạt về, tôi tới thăm Trường võ bị Trần QuốcTuấn. Do chưa hình dung đầy đủ cách đánh của ta trong một cuộc chiến tranh không cân sức, nhất là cách đánh du kích, nên chương trình đào tạo có nhiều điểm không phù hợp. Thời gian huấn luyện dành nhiều cho động tác đội ngũ, nghi thức và các khoa mục lái ô tô, đi mô tô, cưỡi ngựa v.v… Tôi chỉ thị cho đồng chí Cục trưởng Cục Quân huấn và Ban chỉ đạo nhà trường cần nghiên cứu bỏ bớt những nội dung không cần thiết. Việc đào tào cán bộ phải thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu của quân đội đang cùng toàn dân chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trong cả nước. Tôi cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường giáo dục chính trị cho các học viên trong tình hình mới.

        Ở phía Nam, Trường lục quân Trung học Quảng Ngãi thành lập tháng 6 năm 1946, do anh Nguyễn Sơn làm giám đốc, anh Nguyễn Chính Giao làm chính ủy, sau đó anh Đoàn Khuê về thay. Trường đào tạo được một khóa 5 tháng với 500 học viên. Do chiến tranh mở rộng, khóa học kết thúc đồng thời cũng kết thúc nhiệm vụ của nhà trường.

        Trước sự phát triển của quân đội, việc nâng cao trình độ cán bộ cấp tiểu đoàn, chi đội (trung đoàn) trở nên cấp thiết. Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ chỉ thị mở lớp bổ túc cán bộ trung cấp. Lớp học khai giảng tháng 7 năm 1946 tại Tông (Sơn Tây). Lớp bổ túc được hai khóa và kết thúc vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

        Trong suốt quá trình chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã coi trọng việc đào tạo và bổ túc cán bộ cở sở. Ta đã có một đội ngũ cán bộ đông đảo, nhất là cán bộ cấp trung đội đến tiểu đoàn, để triển khai rộng rãi việc huấn luyện bộ đội và dịu dắt các lực lượng vũ trang địa phương. Trong cuộc hội nghị các khu trưởng họp ngày 13 tháng 12 năm 1946 tại thị xã Hà Đông, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã báo cáo: do tích cực mở lớp bồi dưỡng và đào tạo cán bộ nên tình trạng thiếu cán bộ đã căn bản được khắc phục.

        Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do Trường võ bị Trần Quốc Tuấn có một thời gian chuyển vào khu 4, anh Nguyễn Sơn khu trưởng Khu 4 làm giám đốc, nên tháng 3 năm 1947 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Phân hiệu võ bị Trần Quốc Tuấn Bắc Bộ do anh Hoàng Đạo Thúy là giám đốc. Tháng 9 năm 1947, Trường võ bị Trần Quốc Tuấn lại trở ra Việt Bắc, nhập thêm Phân hiệu Bắc Bộ và đổi tên thành “Trường lục quân trung học Trần Quốc Tuấn”. Anh Lê Thiết Hùng được bổ nhiệm là giám đốc kiêm bí thư, hiệu ủy. Trường được củng cố và kiện toàn để vừa đào tạo cán bộ bộ binh, vừa đào tạo cán bộ một số binh chủng cho lục quân.

        Kháng chiến đã gần một nghìn ngày. Chúng ta đã có một số kinh nghiệm chiến đấu. Học viên được học về chiến tranh du kích, nhiệm vụ cơ bản của quân đội trong giai đoạn này, phương châm đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung, cách đánh cứ điểm nhỏ. Anh em còn được học kinh nghiệm của chiến dịch phản công Việt Bắc, những trận phục kích trên đường số 4, đường số 5, trận Hói Mít, trận La Ngà…

        Các phân khoa pháo binh và công binh được thành lập. Nhà trường chọn một số học viên vừa tốt nghiệp bộ binh có sức khỏe, có trình độ văn hóa khá để chuyển tiếp đào tạo thành cán bộ binh chủng.

        Tuy kiến thức về binh chủng được bồi dưỡng chưa nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta tự đào tạo với phương thức “chuyển loại” từ cán bộ tốt nghiệp chỉ huy bộ binh sang đào tạo thành cán bộ binh chủng. Kinh nghiệm này được áp dụng có kết quả trong thời kì xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy và hiện đại, cũng như sau này trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2016, 06:23:52 pm »


        Giữa năm 1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập phân hiệu lục quân Nam Bộ và Phân hiệu lục quân Trung Bộ. Trường lục quân trung học Trần Quốc Tuấn được giao nhiệm vụ cử giáo viên góp phần xây dựng hai phiên hiệu này.

        Trong khi chú trọng đào tạo cán bộ trung đội và cán bộ đại đội, chúng ta nhận thấy cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn còn là một khâu yếu. Trước yêu cầu khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, giữa năm 1947, Bộ Quốc phòng đã quyết định mở lớp bổ túc cho cán bộ cấp tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng về phương pháp tổ chức bộ đội, phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu sau 6 tháng kháng chiến, quán triệt đường lối quân sự của Đảng. Lớp học khai giảng đầu tháng 8 năm 1947 tại La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên, có 83 học viên. Anh Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ đạo lớp học. Học viên được tổ chức thành một đại đội do anh Phan Tử Lăng làm đại đội trưởng, anh Trần Tử Bình là chính trị viên. Đầu tháng 2 năm 1948 ta đã tổ chức được ba khóa học với 143 học viên.

        Để chuẩn bị cho việc xây dựng các trung đoàn mạnh, tiến tới thành lập các đại đoàn, việc cần thiết là phải đào tạo cán bộ quân sự, chính trị trung cấp. Ngày 12 tháng 3 năm 1948, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 88/BCH thành lập trường Quân chính trung cấp.

        Khóa đầu tiên khai giảng tại Sói Mít, Tân Cương, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, có 110 học viên. Chương trình bao gồm: đường lối kháng chiến, xây dựng căn cứ địa, xây dựng và tổ chức huấn luyện dân quân du kích, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tổ chức chỉ huy chiến đấu, quản lí bộ đội. Đến tháng 5 năm 1950 nhà trường đã liên tục mở được 5 khóa học với 675 học viên.

        Với thời gian 4 năm (từ 7-1946 đến 5-1950) chúng ta đã lên tiếp mở 10 khóa, bồi dưỡng trên một nghìn cán bộ chỉ huy trung cấp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và chiến đấu của quân đội ta trong những năm đầu kháng chiến. Nhiều đồng chí sau này trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp giữ những trọng trách trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc như Vũ Lăng, Vũ Yên, Thái Dũng, Nam Hà, Trần Văn Nghiêm, Anh Đệ…

        Ngoài các trường đào tạo cán bộ chỉ huy, chúng ta còn tổ chức một số trường khác như: trường cán bộ dân quân Lê Bình, trường quân y sĩ Việt Nam, trường bổ túc văn hóa cán bộ, trường thiếu sinh quân. Các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cũng được mở theo yêu cầu của nhiệm vụ công tác như nghiệp vụ tham mưu, tình báo, cơ cấu…

        Các trường đào tạo cán bộ quân sự của ta đều đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ và Quân ủy Trung ương. Nội dung học tập bao giờ cũng gồm phần quân sự và phần chính trị.

        Trong công tác đào tạo cán bộ những năm đầu kháng chiến, đội ngũ giáo viên của ta là các đồng chí đã từng học các lớp dài ngày hoặc ngắn ngày ở Trung Quốc, phần lớn là vào thời Tưởng Giới Thạch. Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng một số cựu binh sĩ yêu nước và một số sĩ quan Nhật tự nguyện theo ta. Do đó, nội dung giáo tình quân sự ít nhiều mang dấu ấn của đội ngũ giáo viên nhiều nguồn ấy. Điều thành công là ta đã sử dụng những kiến thức đó trong huấn luyện kĩ thuật chiến đấu cá nhân, trong động tác đội ngũ, trong nghiệp vụ chuyên môn quân sự. Còn về chiến thuật thì ta đã sớm đưa vào chương trình giảng dạy nội dung nghị quyết các hội nghị quân sự và kinh nghiệm tác chiến của quân đội ta trên các chiến trường, coi trọng giảng dạy những chiến lệ thành công. Công tác đảng và công tác chính trị cũng được coi trọng. Học viên được học về đường lối kháng chiến, các nghị quyết của Đảng. Đảng cũng đã sử dụng những cán bộ ưu tú phụ trách các trường.

        Bác Hồ rất quan tâm tới việc đào tạo ở các trường quân sự. Bác đã nhiều lần tới thăm hoặc gửi thư động viên các trường. Đối với khóa 5 Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, đã đến khai giảng và dự lễ tốt nghiệp, Bác vẫn cho là còn ít. Đối với khóa 1 Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác đã ba lần đến thăm.

        Lời dạy của Bác ngày 26 tháng 5 năm 1946 trong lễ khai giảng khóa 1 võ bị “trung với nước, hiếu với dân” trở thành lời thề của tất cả các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của ta.

        Người cán bộ quân sự không bao giờ quên lời dặn: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công”.

        Các tướng lĩnh ghi nhớ “nhiệm vụ” là phải:

        Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung.

        Bốn năm chiến đấu trong vòng vây, với đường lối đào tạo cán bộ đúng đắn, phương thức đào tạo phong phú linh hoạt vừa đào tạo ở trường, vừa đào tạo trong thực tiễn chiến đấu, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị, chuyên môn đáp ứng được nhu cầu của kháng chiến và phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng các trung đoàn mạnh và các đại đoàn chủ lực, sự phát triển của lực lượng vũ trang trong giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 12:11:16 am »

       
2

        Sau khi có quyết định chuẩn bị tổng phản công, Bác và Thường vụ thấy cần tăng cường cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương. Những ngày đầu kháng chiến, một số đồng chí đã được Trung ương phân công đến những vùng quan trọng trên cả nước. Anh Lê Duẩn, anh Phạm Hùng ở Nam Bộ. Anh Phạm Văn Đồng vào Khu 5, đại diện cho Trung ương Đảng và Chính phủ, với các anh Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh. Cụ Hồ Tùng Mậu, anh Nguyễn Chí Thanh, anh Trần Hữu Dực ở Khu 4 và mặt trận Bình - Trị - Thiên… Qua mấy năm chiến đấu, cán bộ các khu đã trưởng thành. Bác và Thường vụ quân đội rút một số anh về trung ương, trước mắt là điều anh Đồng từ Khu 5 ra.

        Đầu tháng 6 năm 1949, anh Đồng ra tới Việt Bắc, sau hơn ba tháng đi đường. Đường đi vất vả không những vì phải trèo đèo, lội suối theo dọc dải Trường Sơn mà còn phải vượt qua nhiều vùng địch kiểm soát.

        Sau khi báo cáo khá đầy đủ với Bác và Thường vụ, đến Lục Giã thăm anh Trường Chinh và Văn phòng Trung ương, anh Đồng sang thăm Bộ Tổng tư lệnh ở Bao Biên. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau sau hơn hai năm trời xa cách. Anh kể lại chuyến đi từ Khu 5 ra Việt Bắc, nhất là đoạn đường gian khổ của Bình - Trị - Thiên. Liên U, Ba Rền, U Bò, Cao Mại, những địa danh quen thuộc đối với những cán bộ ra Bắc vào Nam. Những cái tên dân dã, đầy hình tưượng đó đủ nói lên nỗi vất vả của đoạn đường. Chỉ riêng từ Quảng bình ra Hã Tĩnh, đường đi đã mất 15 - 20 ngày chưa kể những khi mưa ngàn, lũ suối. Dừng lại ở Nghệ An tham dự đại hội đảng bộ tỉnh, anh gặp anh Nguyễn Chí Thanh để nắm tình hình Liên khu 4. Ra Thanh Hóa, anh gặp các anh Đặng Thai Mai, Nguyễn Việt Châu ở Thọ Xuân.
        Ngày 14 tháng 6 năm 1949, Hội đồng Chính phủ họp nghe anh Đồng báo cáo tình hình Khu 5 và nhận xét của anh về các tỉnh trên đường đi từ Khu 5 và Việt Bắc. Hằng năm, Trung ương vẫn nhận được tình hình Khu 5, có lần anh Nguyễn Duy Trinh trực tiếp ra báo cáo. Lần này, anh Đồng ra Việt Bắc sau khi vừa cùng các anh Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh chủ trì hội nghị chính trị viên toàn liên khu lần thứ nhất.

        Tình hình Khu 5 vẫn còn một số khó khăn, nhưng đã đạt được thành tích khả quan. Phối hợp với chiến trường toàn quốc, Khu 5 đã phát động được chiến tranh du kích, đánh bại một bước âm mưu “bình định” vùng tạm chiếm của địch. Vùng tự do được củng cố về mọi mặt, bước đầu đáp ứng những nhu cầu của kháng chiến và đời sống nhân dân. Quân và dân Khu 5 đã thực hiện được lời dặn của Trung ương và Bác Hồ khi anh Đồng đi vào là: “Kiên trì chiến đấu và quyết tâm thắng địch ngay trên các mặt trận Nam Trung Bộ”.

        Vào đầu năm 1948, khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Lương thực thiếu thốn, nhiều đơn vị đứng chân trong vùng sau lưng địch phải ăn trái cây, củ rừng hàng tháng thay cơm. Quần áo mỗi người một bộ vá chằng vá đụp. Đau ốm không có thuốc, dụng cụ mổ xẻ có khi phải dùng cả cưa gỗ, kéo thợ may. Súng đạn thiếu thốn.

        Chiến trường chia cắt, quân thù bao vây bốn mặt, sự chi viện của hậu phương chiến lược không còn. Liên khu 5 đã tự lực vươn lên.

        Vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú với gần hai triệu dân, có núi rừng hiểm trở, nhiều tài nguyên, có đồng bằng tuy hẹp nhưng trù phú. Liên khu ủy đã chủ trương đẩy mạnh tăng gia tự túc, thực hiện khẩu hiệu “Toàn dân canh tác”. Mọi người gia, trẻ, lớn, bé đều thi đua thực hiện chỉ tiêu trồng 10 mét vuông rau xanh, nuôi một con gà. Mỗi gia đình trông 10 cây dâu để nuôi tằm hoặc 10 cây bông để lấy sợi dệt vải.

        Nhân dân đã đào đắp, xây dựng hàng chục công trình thủy lợi. Kênh Đầu Súng ở Mộ Đức xuyên quan gần một nghìn mét núi đá ong. Kênh Sơn Tịnh, kênh Phú Sơn, đập ngăn mặn Tuy Phước… tưới tiêu cho hàng chục nghìn hécta lúa. Sắn ngô được trồng ở mọi nơi, lương thực đã tự túc được.

        Dọc các con sông Tam Kỳ, Trà Khúc, sông Vệ, sông Cồn đều được trồng dâu. Đất trồng bông có trên một vạn hécta.

        Nghề dệt lụa, dệt vải phát triển mạnh và đạt đến trình độ khá cao. Hơn một vạn khung cửi dệt thủ công, hàng trăm khung dệt của xí nghiệp quốc doanh Việt Thắng, xí nghiệp dệt quân đội đã cung cấp đủ quân trang cho bộ đội và bình quân mỗi người dân một năm hai mét vải.

        Nghề làm giấy, nấu xà phòng, làm đồ gốm, nấu thủy tinh đều được mở mang.

        Hai mươi mốt xưởng quân giới có khả năng sản xuất được một số vũ khí có yêu cầu kĩ thuật phức tạp theo thiết kế từ Việt Bắc gửi vào như badôca 60, súng phóng lựu 50,8mm, súng phóng bom và SKZ 60.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 12:12:07 am »


        Được phép của Trung ương, Khu 5 đã cho phát hành tín phiếu. Tín phiếu không những lưu hành ở vùng tự do mà còn được sử dụng cả ở một số vùng địch kiểm soát. Cuộc đấu tranh tiền tệ thắng lợi thể hiện sức mạnh của kháng chiến và nền sản xuất ngày một ổn định ở vùng tự do.

        Giáo dục phổ thông không ngừng mở rộng. Học sinh cấp 2 và cấp 3 tăng 40 lần so với thời thực dân Pháp đô hộ. Vùng tự do không còn người mù chữ.

        Một thành công lớn của Khu 5 là đảm bảo giao thông thông suốt. Do có chủ trương phá hoại đúng đắn, chỉ sau nửa năm khôi phục, tháng 6 năm 1948, tuyến đường sắt 300 kilômét từ An Tân (Tam Kỳ, Quảng Nam) đến La Hai (Đồng Xuân, Phú Yên) đã bắt dầu hoạt động và duy trì cho đến kết thúc kháng chiến (có khi và có đoạn phải dùng lô ri). Đường liên lạc từ vùng tự do Phú Yên vào Cực Nam và Nam Bộ thông suốt từ cuối năm 1946. Đường hành lang từ vùng tự do Quảng Nam ra vùng tự do Khu 4 được củng cố vào giữa năm 1948. Cũng từ đây bắt đầu con đường giao thông trên biển vào chiến trường phía Nam.

        Khu 5 đã thành công bước đầu trong việc bám đất, giành dân ở Tây Ngueyen, từng bước làm thất bại “ba chính sách” lớn của thực dân Pháp ở vùng này, làm cơ sở cho đòn tiến công chiến lược lên cao nguyên sau này.

        Tây Nguyên là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng. Trong huấn lệnh về “Nhiệm vụ chiến lược của Nam Trung Bộ trong chiến tranh bước vào giai đoạn mới” ngày 23 tháng 8 năm 1948 tôi đã nhấn mạnh: “Quan trọng hơn hết là vùng Tây Nguyên. Khống chế vùng Tây Nguyên tức là không chế cả miền Nam (đó là chưa nói đến khả năng kinh tế)…

        Trong vùng Tây Nguyên, hai trọng điểm cần chú ý đặc biệt: Buôn Ma Thuột - trung tâm quân sự và Đà Lạt - Trung tâm chính trị”.

        Hai mươi bảy năm sau, mùa xuân 1975, Buôn Ma Thuột được lựa chọn làm điểm đột phá của cuộc tiến công chiến lược lớn vào chiến trường Nam Tây Nguyên. Đòn tiến công đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, làm xuất hiện thời cơ lớn: giải phóng toàn bộ  miền Nam trong năm 1975.

        Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã nhiều lần vào Tây Nguyên công tác. Tôi đã đến căn cứ Xitơ của anh hùng Núp, đến Đắc Tô - Tân Cảnh, khu vực Sa Thầy… Càng đi, càng thấy Tây Nguyên hùng vĩ, thấy tinh thần bất khuất, lòng thủy chung với cách mạng, lòng thành kính đối với Bác Hồ của đồng bào các dân tộc.

        Tôi vô cùng cảm phục các cán bộ, chiến sĩ của ta trong những ngày gian khó đã đi sâu vào buôn rẫy, lặn lội tìm bắt liên lạc với từng người dân, đem ánh sáng của cách mạng đến với đồng bào. Nhiều cán bộ, chiến sĩ người Kinh đã tự động cà răng, căng tai, phơi mình ngoài nắng cho da đen để hòa mình trong đồng bào. Cuộc chiến đấu trên mặt trận thành lặng này không đồn bốt, không hàng rào, không trận địa nhưng vô cùng gian khổ và không ít hi sinh.

        Giữa tháng 7 năm 1949, Thường vụ Trung ương họp. Kháng chiến đang trong thời kì chuyển giai đoạn. Công việc của Bác rất bận. Các chiến dịch quân sự cũng liên tiếp mở ở Tây Bắc và Đông Bắc. Thường vụ đã cử anh Đồng làm phó thủ tướng và bí thư Đảng đoàn Chính phủ để tôi tập trung vào công việc quân sự.

        Sáng 25 tháng 7 năm 1949 họp Hội đồng Chính phủ, các bộ trưởng lần lượt đến. Bác cho mời từng vị đến gặp để thăm dò ý kiến về vấn đề Phó thủ tướng. Mãi đến 11 giờ, cuộc họp mới khai mạc. Anh Đồng làm lễ tuyên thệ. Anh Lê Văn Hiến cũng đề nghị với Bác để anh Đồng kiêm chức phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

        Hội đồng Chính phủ lần này thảo luận và giải quyết các vấn đề lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… chuẩn bị để đón thời cơ thuận lợi do tình hình mới đưa đến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2016, 12:15:53 am »

       
3

        Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh lúc này ở Điềm Mạc. Tôi và Văn phòng ở Bao Biên. Bộ Tổng tham mưu ở Đồng Đau.

        Các nẻo đường Việt Bắc đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Tích cực cầm cự chuyển mạnh sang tổng phản công”. Không khí sôi sục. Dọc đường gặp rất nhiều bộ đội. Người từ mặt trận Sông Lô, Sông Thao trở về. Người lên mặt trận Đường số 3, mặt trận Đường số 4. Ai ai cũng vội vã.

        Địch đang bao vây rất gắt gao về kinh tế. Chúng cố không để thóc gạo lọt ra vùng tự do. Địch tung nhiều giấy bạc Việt Nam giả vào vùng tự do, khiến giá gạo tăng vọt, bộ đội rất thiếu ăn. Cán bộ phụ trách phải hằng ngày chạy tới các cơ quan, đoàn thể địa phương để vay gạo. Nhiều bữa, bộ đội phải ăn củ khoai, củ sắn cầm chừng, ai cũng biết sắp tới sẽ lao vào những trận đánh quyết liệt. Nhưng không khí vẫn hồ hởi.

        Trung tuần tháng Tám, lại có cuộc họp Thường vụ.

        Tôi từ Điềm Mạc qua nhà chủ tịch Chanh sang châu Tự Do. Núi rừng Việt Bắc gần đây đâu đâu cũng ấm hơi người. Nhưng đường rẽ vào Tân Trào vẫn hoang vắng như ngày xưa. Cảnh vật được cố giữ nguyên để bảo đảm bí mật cơ quan. Những chú khỉ vàng nghe tiếng vó ngựa rít rít gọi nhau chuyền cành chạy trốn.

        Bản Tân Trào sạch sẽ hơn trước nhưng vẫn im ắng. Hai cây đa cổ thụ, ngôi đình gỗ kiểu vùng xuôi vẫn y như ngày họp Quốc dân đại hội lần đầu. Không một dấu hiệu nào tỏ ra quanh đây có một cơ quan. Trong suốt chiến tranh chống Pháp, bọn gián điệp không bao giờ phát hiện được chỗ ở cụ thể của Bác.

        Mấy ngày qua trời mưa, thượng nguồn sông Đáy đục ngầu. Một sân bóng chuyền ở giữa rừng. Qua sân bóng chuyền, tôi thấy cái lán nhỏ ở bìa rừng là cơ quan Bác.

        Bác đang ngồi đánh máy. Có người vào báo, Bác ngước mắt nhìn ra, mỉm cười:

        - Chú Văn!

        Người bỏ kính, đóng chiếc máy chứ, đứng lên bắt tay tôi, không để tôi kịp hỏi thăm sức khỏe, Bác nói luôn:

        - Chú hơi xanh.

        - Thưa Bác, tôi khỏe.

        Bác mỉm cười. Lát sau, anh Trường Chinh và anh Phạm Văn Đồng tới.

        Trong cuộc họp này, tôi báo cáo về những tiến bộ của bộ đội ở các chiến trường, sự phối hợp chiến đấu của ta với bạn mở rộng căn cứ của bạn ở biên giới Việt - Trung, kế hoạch thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiền của Bộ nay mai chuẩn bị tiến lên đánh lớn.

        Thường vụ bàn về những chuyển biến mới của cách mạng Trung Quốc tác động tới cuộc kháng chiến, những tư tưởng nảy sinh trong bộ đội và đồng bào sau khi có chủ trương chuẩn bị Tổng phản công, dự kiến âm mưu của địch sau chuyến đi của Rơve, khả năng Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương…

        Bác và các anh nhận thấy phải củng cố vững chắc căn cứ địa Việt Bắc, làm giảm áp lực địch ở Đông Bắc, khai thông biên giới, phá vỡ thế bao vây của quân Pháp. Địch đang tăng quân, chiến tranh sẽ diễn ra ác liệt, nhưng trước mắt có nhiều triển vọng. Thường vụ  quyết định phát động toàn dân, toàn quân đẩy mạnh mọi hoạt động của kháng chiến, cố gắng mở những cuộc phản công lớn đánh bại quân Pháp trước khi Mỹ can thiệp sâu hơn. Bác nhắc trong công tác tuyên truyền chưa nên đụng tới Mỹ chừng nào Mỹ chưa trực tiếp nhúng vào chiến tranh Đông Dương.

        Đến bữa cơm, Bác và chúng tôi cùng tất cả các đồng chí đang làm việc tại cơ quan ngồi quây uần quanh mấy chiếc bàn tre. Rá cơm đưa lên, phần lớn là sắn cơ quan tăng gia, gạo chỉ loáng thoáng. Thức ăn duy nhất là măng rừng chấm muối. Biết có cuộc họp, mấy đồng chí vệ binh đã ra suối và vào rừng định tìm vài món cải thiện. Cuộc đi săn thất bại, cá suối cũng không chịu đớp mồi vì trời mưa, nước lớn, thức ăn nhiều, cá đã ăn no.

        Bác quay lại bảo đồng chí thư kí của Bác, ngồi bàn bên.

        - Hôm nay có khách, chú lấy thức ăn đặc biệt ra!

        Món đặc biệt đựng trong một ống tre. Bác mở nắp chia đều cho mỗi bàn một thức ăn màu đỏ. Đó là thịt lợn thái nhỏ trộn với rất nhiều ớt và muối. Bác thường dùng món này trên đường đi công tác. Bác dặn:

        - Chú nào không ăn được cay nhiều thì đùng dùng món này lẫn với măng. Các chú nên tập ăn ớt vì ớt rất nhiều sinh tố.

        Đây là những giờ phút đầm ấm mỗi lần chúng tôi về họp, quây quần bên Bác.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM