Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:49:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43589 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:19:31 am »

   
        Đầu năm 1948, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển chiến tranh du kích, ở Bộ Tổng chỉ huy, Phòng Dân quân được đổi thành Cục Dân quân do anh Lê Liêm làm cục trưởng. Các quan khu bắt đầu có phòng dân quân. Từ tỉnh trở xuống có ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc ủy ban kháng chiến các cấp. Dân quân ở làng, xã lúc này gồm hai lực lượng: một bộ phận nhỏ là du kích thoát li không tham gia sản xuất, đại bộ phận là dân quân, tự vệ không thoát li sản xuất.

        Ngày 15 tháng 4, Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ hai khai mạc. Anh Trường Chinh cùng tôi và anh Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Giữa hội nghị, Bác tới thăm. Sau khi ân cần thăm hỏi các đại biểu Bắc, Trung Nam, biểu dương các ưu điểm của dân quân, nêu lên những khuyết điểm cần khắc phục, Bác chỉ thị: Phải lấy dân quân du kích làm nền tảng, đồng thời kiện toàn các đội du kích thoát li sản xuất… phải phối hợp chặt chẽ với Vệ quốc quân…, luôn giữ quyền chủ động, tìm địch mà đánh, cộng những thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to.

        Trước tổng khởi nghĩa, Bác đã viết một cuốn sách nhỏ: Kinh nghiệm du kích ở Trung Hoa.

        Vào dịp này, Bác lại viết tiếp Kinh nghiệm du kích Pháp, và một bài thơ hô hào mọi người đánh du kích với mọi thứ vũ khí trong tay:

                                                  Bất kì trẻ hay già
                                                  Đàn ông hay đàn bà
                                                  Đều ra sức tham gia
                                                  Đánh du kích
                                                  Không có súng
                                                  Ta dùng dao
                                                  Ta dùng cuốc
                                                  Ta dùng cào
                                                  Ta lấy đòn gánh
                                                  Ta nhổ cọc rào…
                                                  Đánh cho chúng nhào.


        Nhớ lại những năm chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tôi cũng đã soạn cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh” gồm mười bai thơ năm chữ trong đó có bài nói về cách đánh du kích, để làm tài liệu tuyên truyền đồng bào tham gia các hội cứu quốc trong hàng ngũ Việt Nam độc lập đồng minh. Cuốn sách soạn bằng tiếng Kinh; tôi đã miệt mài dịch ra ba thứ tiếng dân tộc, cũng bằng thơ năm chữ: tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Mông. Những bài của Bác cũng như cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh” được phần lớn đồng bào các dân tộc Cao - Bắc - Lạng, từ đồng bằng cho đến vùng cao hẻo lánh đọc thuộc lòng; không ít trường hợp gặp những cô gái dân tộc vừa đi lấy củi hoặc giã gạo vừa hát thơ ca đánh du kích.

        Trong hội nghị, tôi giải thích thêm về huấn lệnh: “phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự căn bản trong giai đoạn này”. Nhiệm vụ của các đội dân quân, du kích được xác định cụ thể như sau:

        Một là quấy rối: một chiếc pháo sáng, một mảnh gang giả địa lôi, một phát súng kíp, mấy cái bẫy cạm trên đường hành quân của địch, một quả lựu đạn, một trái địa lôi giết một vài tên địch là những việc cần làm cho phổ biến. Các trận lẻ tẻ cướp được một khẩu súng, một vài viên đạn cần phải khuyến khích.

        Hai là phá hoại đường sá, cắt điện tín, điện thoại của địch. Điều này quan trọng vô cùng có thể làm giảm sức tiến công của địch rất nhiều và thêm hiệu lực cho hoạt động của quân ta. Những thành tích về phá hoại phải được coi là những chiến công.

        Ba là trừ gian, phòng gian.

        Bốn là tìm cách tiêu diệt từng bộ phận nhỏ của địch và cùng bộ đội tác chiến.

        Phương châm hoạt động của du kích là: “Tích cực - bí mật - nhanh chóng - tránh mạo hiểm, thực hiện phương châm càng đánh càng mạnh”.

        Đây chính là những gì quân và dân ta đã thực hiện ở miền Nam, làm sa lầy một nửa đội quân viễn chinh Pháp với năm trăm đồn bốt và những cuộc càn lớn, nhỏ liên miên. Đây cũng là những gì quân và dân ta đã thực hiện trong những trận đánh ở các thành phố và vùng tạm bị chiếm suốt một năm qua. Nếu trở thành phổ biến, nó sẽ làm mất sức quân viễn chinh, biến Việt Nam thành một vực sâu không đáy với quân xâm lược.

        Chúng ta cần một bà đỡ để đường lối kháng chiến toàn dân phát động chiến tranh du kích trở thành hiện thực. Những đại đội độc lập và các đội vũ trang tuyên truyền được trao sứ mệnh nặng nề này:

        - Tuyên truyền vận động dân, bảo vệ dân, giúp dân sản xuất.

        - Phá tề trừ gian, diệt địch; vận động ngụy quân, giải tán các hội tề hoặc biến họ thành chính quyền hai mặt; ở những nơi có điều kiện thì lập lại chính quyền nhân dân;

        - Vừa hoạt động vừa xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang; tổ chức dân quân du kích, và bộ đội địa phương để khi cần thì rút các đại đội độc lập trở vể tập trung chủ lực.

        Với việc đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, từ năm 1948 chúng ta thực sự triển khai một cuộc phản công chiến lược, với hình thức độc đáo, quy mô rộng khắp, đánh vào toàn bộ quân viễn chinh và bộ máy tay sai trên toàn cõi Việt Nam.

        Bài thơ nói về chiến tranh du kích như sau:

                                                  Du kích đánh bí mật
                                                  Chúng có mắt như mù
                                                  Cắt dây thép quân thù
                                                  Chúng có tai như điếc
                                                  Đường sá ta phải tiệt
                                                  Chúng có chân như què,
                                                  Lương thực giấu sạch đi
                                                  Chúng chết đói chết khát!
                                                  Ta dùng lối đánh úp
                                                  Cưới súng thù đánh thù
                                                  Dù tàu bay tàu bò
                                                  Cũng không làm gì được
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:24:30 am »

       
4

        Mùa xuân năm 1947, nhiều đơn vị,, từng trung đoàn, tiểu đoàn của ta lần lượt bị bật ra khỏi vùng tạm chiếm, vì họ không thể tìm được chỗ đứng chân yên ổn. Có khi họ phải rút ra chỉ vì thiếu lương thực, đạn dược. Nhiều đơn vị đã được lệnh quay trở về địa bàn cũ. Nhưng những đoàn quân dài dằng dặc rất khó tránh tai mắt của địch. Mỗi lần bị lộ, họ lâm vào những trận đánh bất lợi, và cuối cùng lại bị bật ra.

        Từ đầu mùa xuân năm 1948, với những đại đội độc lập, các đội vũ trang tuyên truyền và các đội công tác, đông đảo bộ đội của ta đã quay về vùng tạm chiếm một cách êm thấm, lặng lẽ vượt qua vành đai đồn bốt, mạng lưới tề điệp của địch. Họ có khả năng đi rất sâu vào vùng địch hậu mà vẫn giữ được an toàn vì không bị kẻ địch phát giác.

        Ở những vùng cơ sở bị mất trắng, công việc phải tiến hành dài ngày và rất gian khổ. Đêm đêm, cán bộ, chiến sĩ từ một miếu hoang, một bãi tha ma ngoài cánh đồng, hoặc một hang sâu, bụi cây bên bờ suối, lần vào làng, bản bắt mối với từng người dân, từng gia đình, thăm hỏi, tìm hiểu tình hình. Có lúc họ bất thần xuất hiện giữa đám đông, một phiên chợ, một buổi cầu kinh, một ngày hội chùa, dùng loa vạch tội ác của quân Pháp, tuyên truyền kháng chiến, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh, rồi biến mất trước khi quân địch kéo tới. Bộ đội ta trở về với cách làm của những đội tuyên truyền vũ trang trước ngày Tổng khởi nghĩa. Dần dà họ gây lại được cơ sở, phục hồi những tổ chức quần chúng, những tổ chức du kích bí mật. Họ bắt đầu có chỗ đứng chân. Những cán bộ, đảng viên, du kích trước kia bị bật khỏi địa phương giờ lại theo lực lượng vũ trang trở về làng xóm cũ.

        Đến cuối năm 1948, trừ những trung đoàn chủ lực của Bộ, các trung đoàn khác trong toàn quân giữ lại ban chỉ huy trung đoàn với một tiểu đoàn tập trung, còn đều giải thể thành các đại đội độc lập; tổng số có 103 đại đội tiến vào vùng tạm chiếm và vùng tranh chấp, làm nhiệm vụ đại đội địa phương của các huyện. Nhưng vậy, hai phần năm chủ lực các khu, chứ không phải một phần ba như dự kiến, đã trở thành đại đội độc lập.

        Từ lâu trên chiến trường miền Bắc, mối quan tâm của chúng ta là vùng rừng núi Tây Bắc và Đông Bắc, đặc biệt là Tây Bắc. Đứng về hình thái chiến trường, Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng không những đối với Việt Bắc mà cả Đông Dương. Từ những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tôi đã nghĩ tới khả năng hình thành hai cánh quân: cánh quân phía tây từ Việt Bắc qua Yên Bái, Hòa Bình; cánh thứ hai ở phía đông qua Tiên Du (Hà Bắc) bao vây Hà Nội trong trường hợp quân Pháp chiếm trước Thủ đô nước ta. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ta đã sớm đưa những đơn vị lên mặt trận miền tây chiến đấu và xây dựng căn cứ địa ở vùng rừng núi giáp với Lào. Một người chiến sĩ trẻ tài hoa trong đoàn quân Tây tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ:

                                                Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
                                                 Quân xanh màu lá dữ oai hùm
                                                 Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
                                                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…

        Khi trở lại Việt Bắc, tôi đã nhiều lần trao đổi với anh Trần Tử Bình, lúc bấy giờ là Ủy viên Quân ủy Trung ương và một số cán bộ chủ chốt về một kế hoạch chiến lược quy mô lớn. Bước thứ nhất là giải phóng Tây Bắc, Hòa Bình và giúp bạn giải phóng Thượng Lào, tạo nên một bàn đạp để từ đó mở ra một hướng vu hồi chiến lược, đưa chủ lực của ta theo sông Mêkông tiến vào Nam Bộ.

        Trong những lần bàn bạc với các anh Bùi Quang Tạo, Song Hào, Lê Trọng Tấn, chúng tôi nhận thấy chưa có khả năng đưa đơn vị lớn trở lại Tây Bắc. Lai Châu vẫn còn là tỉnh duy nhất ta chưa lập được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Sơn La lập được chính quyền một thời gian ngắn thì bị địch chiếm lại. Quân Pháp đã tạo ra cái gọi là khu tự trị Thái, bình định ráo riết, xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc và sử dụng bọn phìa, tạo, thổ ti khống chế khá chặt chẽ đồng bào dân tộc thiểu số. Cần phải tiến hành từng bước có chuẩn bị chu đáo. Tôi gợi ý các anh vận dụng những kinh nghiệm đội quân Nam tiến trước Tổng khởi nghĩa. Bắt đầu bằng những đội tuyên truyền vũ trang mở đường, gồm đa số những người am hiểu địa phương, nhất là các chiến sĩ người dân tộc. Đội tuyên truyền đi trước, bắt mối xây dựng cơ sở ở những vùng sâu, mở đường cho những đại đội độc lập đi tiếp theo. Từng đại đội độc lập sẽ gắn bó với địa phương, phát triển phong trào ở từng vùng nối liền với nhau thành những căn cứ liên hoàn. Phối hợp với các hoạt động này, các tiểu đoàn tập trung sẽ đánh một số trận có tiếng vang để mở rộng căn cứ.

        Ngày 20 tháng 1 năm 1948, sau Hội nghị Trung ương, tôi kí bản chỉ thị trao nhiệm vụ cho Liên khu 10 (Khu 10 và Khu 14 hợp thành) tổ chức các Ban xung phong tuyên truyền tiến vào bốn tỉnh ở Tây Bắc xây dựng cơ sở, lập chỗ đứng chân, mở rộng căn cứ Tây Bắc, mở đường quốc tế sang Lào, chuẩn bị sau này để tiến vào Nam.

        Một thời gian ngắn, Liên khu báo cáo bốn đội vũ trang xung phong tuyên truyền Quyết thắng, Trung Dũng, Quyết Tiến và Lào Bắc do những cán bộ chính trị và quân sự tin cậy phụ trách đã được tổ chức xong, sẵn sàng lên đường.

        Tôi về Liên khu 10 làm việc với Liên khu bộ tại một vùng rừng cọ tỉnh Phú Thọ. Rồi đi qua Đào Giã, Vũ Ẻn, vượt sông Thao, lại đi một chặng đường nữa qua vùng đồi cọ và đầm lầy, tới huyện Cẩm Khê; gặp anh Lê Trọng Tấn cùng với cán bộ và chiến sĩ trung đoàn Sơn La vừa rút về, trong đó có những cán bộ vừa được chỉ định tham gia các ban xung phong.

        Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ta lần này rất nặng. Họ sẽ phải vượt hàng trăm kilômét đường rừng toàn là vùng trắng, quân địch kiểm soát chặt chẽ. Những ngày dài gian khổ, hiểm nghèo, bệnh tật, đói rét đang chờ họ. Nhưng trên gương mặt trẻ măng của mỗi người, từ cán bộ tới chiến sĩ, đều ánh lên niềm tin ở thắng lợi. Họ cảm thấy vinh dự lớn của thế hệ trẻ được lựa chọn làm người mở đường giành giật lại những vùng đất quan trọng của Tổ quốc.

        Tôi nói chuyện với anh em về vị trí nhiệm vụ của Tây Bắc đối với kháng chiến của ta và cách mạng các nước Đông Dương, sự cần thiết phải giải phóng đồng bào các dân tộc Tây Bắc khỏi cuộc sống đọa đầy, và nhắc lại nhiệm vụ Bác trao cho các đội là phải xây dựng tốt cơ sở quần chúng, cắm bằng được lá cờ đỏ sao vàng trên đất Điện Biên Phủ.

        Trong không khí xúc động đưa tiễn anh em lên đường thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn, tôi ứng khẩu đọc tặng anh em mấy câu thơ:

                               Sông Đà, sông Mã uốn dòng,
                               Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào,
                               Con vàn1 tung cánh bay cao
                               Ngọn cờ chỉ lối, ngôi sao dẫn đường


        Sau một thời gian, căn cứ Tây Bắc được mở rộng.

-------------
1. Tên loài chim như con vạc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:29:42 am »

       
5

        Nhìn vào bố trí quân sự của Pháp trên chiến trường Bắc Bộ thì ngoài miền Tây Bắc, Đông Bắc và một tuyến chiếm đóng Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn luôn bị uy hiếp, trục đường số 5 là một chiến trường có ý nghĩa cực kì quan trọng.

        Đối với địch, đây là con đường uyết mạch nối liền căn cứ đầu não và căn cứ hậu cần chủ yếu của quân Pháp trên miền Bắc là Hà Nội và cảng Hải Phòng.  Đối với ta, phần lớn nguồn nhân lực, vật lực từ đồng bằng Bắc Bộ và một phần từ Thanh - Nghệ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc và tỏa đi các nơi đều phải vượt qua hành lang này.

        Ngay từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, quân Pháp đã thường xuyên dồn mọi cố gắng để giải tỏa đường số 5. Những đơn vị lê dương thiện chiến và quân ngụy mở hàng trăm cuộc càn quét dữ dội những xã ven đường, đóng nhiều đồn bốt ở những nơi hiểm yếu và thực hiện “đốt sạch, giết sạch, phá sạch” để lập vành đai trắng. Địch lập hội tề và tuần tra, canh gác suốt ngày đêm. Một trung đoàn pháo binh đêm đêm bắn chặn những ngả đường quân ta có thể tiếp cận. Địch ráo riết đánh phá vùng tranh chấp để mở rộng vành đai bảo vệ đường số 5 tại địa phận Hải Dương.

        Mùa hè năm 1947, trong một cuộc họp riêng với các đồng chí chỉ huy quân khu đồng bằng tại Yên Giã, huyện Đại Từ để bàn chủ trương hoạt động ở khu vực đường số 5, tôi đã nói với anh Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Chiến khu 3 rằng: “Đây sẽ là nơi giành giật ác liệt giữa ta và địch. Cần dùng các tổ du kích bí mật và các đội vũ trang tuyên truyền để xây dựng và giữ vững cơ sở tổ chức chính quyền hai mặt, phát động một cuộc chiến tranh giao thông bằng mọi hình thức, đặc biệt là phục kích và đánh địa lội, giữ vững các tuyến liên lạc và vận chuyển của ta”.

        Tháng 2 năm 1948, thực hiện chủ trương của Bộ Tổng chỉ huy, Mặt trận 5 được thành lập để thống nhất và trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tác chiến ở khu vực đường số 5. Ban chỉ huy Mặt trận do đồng chí Dương Hữu Miên, trung đoàn trưởng trung đoàn 42 làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Năng Hách, chủ tịch tỉnh Hải Dương làm chính ủy. Anh Đỗ Mười và anh Nguyễn Khai thay mặt Liên khu ủy Liên khu 3 trực tiếp chỉ đạo mặt trận.

        Đầu tháng Năm, Mặt trận 5 mở đợt “Tổng công kích đưởng 5” lần thứ nhất. Đợt tổng công kích không đạt được kết quả mong muốn là do dựa vào hoạt động quân sự đơn thuần của bộ đội chủ lực, thiếu phối hợp chặt chẽ với mọi lực lượng của địa phương, chưa gắn liền hành động quân sự với hoạt động đánh địch về cả chính trị, kinh tế.

        Lúc này, các cán bộ, du kích cùng các đơn vị bộ đội vũ trang tuyên truyền đã trở vể thâm nhập vùng địch hậu gây dựng cở sở, nắm dân, sống chết cùng nhân dân đấu tranh với địch. Ngay ở khu tập trung đông dân như Kẻ Sặt, địch đóng hơn một chục vị trí, nhân dân vẫn nuôi dưỡng, che chở cán bộ, giúp bộ đội nắm địch, cất giấu thương binh. Nhân dân các xã Ái Quốc (Nam Sách), Như Quỳnh (Văn Lâm), Bình Định (Cẩm Giàng) đã đào hàng trăm hầm bí mật, có gia đình đào tới 6 hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn, ngay cạnh hàng rào vị trí địch để che giấu cán bộ. Ở thôn Kim Huy (Mỹ Hào), gia đình ông Nguyễn Huy Cường cho một nửa tiểu đội bộ đội ở chuẩn bị trận đánh mìn trên đường số 5. Địch đánh hơi thấy, sục vào nhà tìm hầm bí mật. Chúng ra lệnh cho ông bà Cường: “Nếu không chỉ hầm cứ 15 phút bắn chết một đứa con”. Sau 45 phút, địch bắn chết cả ba người con của gia đình. Ông Cường phanh ngực áo thách địch bắn tiếp. Địch khiếp đảm phải kéo ông về bốt. Các chiến sĩ ta đường bảo vệ an toàn. Những tấm gương bất khuất, anh dũng hi sinh bảo vệ cán bộ, bộ đội ở vùng địch hậu dọc đường số 5 cũng như trên cả  nước không sao kể xiết.

        Tháng 10 năm 1948, Ban chỉ huy Mặt trận 5 mở  đợt “Tổng công kích đường5” lần thứ hai. Du kích xã Trần Hưng Đạo đánh địa lôi phá hủy một đầu máy và tám toa xe, làm chết và bị thương hàng trăm quân địch. Nữ du kích Nguyễn Thị Ái giật mìn lật đổ một đầu tàu ở Kim Thành, diệt 30 lính Pháp. Đại đội Vũ Hổ, bộ đội Văn Lâm, bộ đội Kim Thành cũng đánh đổ nhiều đoàn tàu địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:30:11 am »


        Trong năm 1948, 26 đoàn tàu của địch bị đánh đổ liên tiếp trên đường số 5, chủ yếu là trong những tháng cuối năm. Một số chiến sĩ Quách Phù, Nguyễn Văn Sóc - chuyên đánh mìn, được coi là: “Vua mìn đường 5”. Lực lượng vũ trang An Dương (Hải Phòng), được sự phối hợp của công nhân nhà ga Hải Phòng đánh nhiều trận, phá hủy nhiều đoàn tàu địch, được tặng danh hiệu “Con sư tử đường 5”.

        Cuối tháng 11 năm 1948, tôi chủ trì hội nghị mặt trận Hà Nội - Đường 5 Hải Phòng do Bộ Tổng chỉ huy triệu tập gồm đại biểu ủy ban kháng chiến và ủy ban bao vây kinh tế của các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, cán bộ chỉ huy dân quân du kích ven đường số 5, chỉ huy các đại đội độc lập, các đội biệt động, các đơn vị chủ lực khu. Kết luận hội nghị, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận đã nêu trong huấn lệnh.

        “Chiến lược của ta trong lúc này không những nhằm mục đích đánh tan mưu đồ chính trị và kinh tế của địch nói chung, mà phải đánh rất mạnh vào vùng sau lưng địch để phá hủy lực lượng chính trị, kinh tế của địch, quấy rối hậu phương của chúng… Đem chiến lược này áp dụng vào chiến trường Bắc Bộ thì Hà Nội phải được coi là mặt trận địch hậu quan trọng nhất về chính trị và quân sự, Hải Phòng và đường 5 là mặt trận địch hậu quan trọng nhất về quân sự và kinh tế. Nhiệm vụ của chúng ta là phải biến Hà Nội và Hải Phòng thành một chiến trường cắt đứt đường 5”.

        Đường số 5 đã trở thành “Con đường khiếp đảm” đối với kẻ địch. Trong lời tuyên dương của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy năm 1948, mặt trận Đường số 5 được coi là “Mặt trận điển hình thứ nhất đánh vào địch hậu, vùng biển và miền đồng bằng”.

        Bình - Trị - Thiên là một chiến trường dài và hẹp, không phải là trọng tâm hoạt động của địch. Nhưng về phía ta, vùng cán xoong này lại có tầm quan trọng nối liền Thanh - Nghệ-  Tĩnh với Khu 5, miền Bắc với miền Nam. Với quyết tâm của Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Khu 4, theo khẩu hiệu “Tất cả cho Bình - Trị - Thiên”, hàng chục đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền cùng hàng trăm cán bộ, đảng viên đã tiến vào sau lưng địch, khôi phục cơ sở, phát động chiến tranh du kích, đẩy mạnh kháng chiến trong những ngày “Quật khởi”. Trận đánh vận động ở Đồng Dương đã diệt gọn một đại đội Âu - Phi. Trận phục kích Hói Mít phá hủy toàn bộ đoàn tàu địch với 80 tấn vũ khí, tiêu diệt và bắt sống đại đội hộ tống đã gây tiếng vang lớn trên cả nước. Một nhà báo phương Tây viết là “cái chết treo lơ lửng trên đầu binh lính viễn chinh, thậm chí có lúc một tiếng gió thổi, tiếng nước chảy cũng làm cho họ giật mình…”.

        Trên chiến trường Khu 5 và Cực Nam Trung Bộ, phương thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” cùng các tổ vũ trang công tác thuộc trung đoàn 120, 80, 83, 108… đã được vận dụng có kết quả rõ rệt. Chiến tranh du kích phát triển ven các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Hòa. Ta đánh nhiều trận tập kích và phục kích trên đèo Hải Vân và dọc đường sắt Nha Trang - Phan Thiết, diệt cai đội Tabo ở Quảng Nam… kết hợp địch vận, tiêu diệt và bức hàng nhiều vị trí, giải phóng hàng chục vạn dân ở Đại Lộc và Duy Xuyên.

        Bộ đội ta đã theo cán bộ tiến lên Tây Nguyên, kết hợp tiến công quân sự với vận động gây cơ sở, lập các khu căn cứ ở Kon Tum, Đắc Lắc…

        Cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích, công tác vận động binh lính địch là cuộc chiến đấu phối hợp không có tiếng súng, đi vào lòng người để thức tỉnh tinh thần yêu nước ở mỗi người Việt, vì lẽ này hay lẽ khác phải cầm súng cho địch. Đảng ta coi công tác địch vận là một công tác có ý nghĩa chiến lược, nhất là từ khi địch mở rộng hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Trong năm 1948, công tác địch vận đã làm mọt rỗng những đồn bốt, những đơn vị thân binh. Ở nhiều vùng nông thôn, ngụy quyền địch mới dựng lên đã trở thành người giúp đỡ kháng chiến, được nhân dân gọi là “tề hai mặt”, “tề cứu quốc”. Cuối năm 1948, theo mệnh lệnh của Trung ương, cuộc tổng phá tề đã diễn trên khắp các vùng địch hậu, đập tan bộ máy chính quyền địch ở cơ sở và khôi phục chính quyền ta ở nhiều nơi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:30:33 am »


        Đưa chiến tranh vào sau lưng địch tất yếu phải đối phó với những cuộc càn quét ngày càng dữ dội của chúng; do đó, từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc ở Bắc Bộ cũng như trước nữa, ở Nam Bộ, đã xuất hiện những “làng chiến đấu”, “ấp chiến đấu”.

        Ông cha ta đã có truyền thống rào làng, tổ chức hương binh để chống giặc cướp cũng như giặc ngoại xâm. Làng xã vốn có từ nghìn xưa trong cộng đồng người Việt cư trú ở lưu vực sông Hồng, đã trở thành một đơn vị hành chính từ thời lập quốc. Sự gắn bó huyết thống của một hay vài dòng họ trong một làng ngày càng thêm bền chặt qua cuộc đấu tranh lâu dài với thiên nhiên khắc nghiệt và những cuộc chống ngoại xâm liên tiếp để tồn tại.

        Chính từ đây đã hình thành nên văn hóa Việt Nam. Nằm trong lũy tre xanh, sau những rặng dừa, hệ thống đướng sá, vườn tược, ao hồ và kênh rạch bình yên từ lâu đã trở thành trận địa hiểm nghèo với quân xâm lược.

        Lũy tre, gò đống, mương lạch, hồ ao bao quanh làng cùng với hào giao thông, hầm hố chiến đấu trở thành phòng tuyến chặn địch. Nhiều làng xóm được chia thành tuyến, thành các khu vực có ổ tác chiến, các đường hào, hầm bí mật nhiều tầng nối thông nhau để tiện cơ động chiến đấu. Một hệ thống canh gác và báo động từ xa được thiết lập cả trong và ngoài làng. Từ những làng chiến đấu riêng rẽ, ở một số nơi đã hình thành cụm làng chiến đấu liên hoàn.

        Nhân dân dựng làng chiến đấu để bám trụ ngay tại quê hương, vừa sản xuất, vừa đánh giặc, chống càn, làm bàn đạp tấn công địch, đấu tranh chính trị, địch vận. Làng chiến đấu đã trở thành mục tiêu chủ yếu của các cuộc tấn công càn quét vào khu du kích. Trong 2 năm 1948- 1949 số lần càn quét đánh vào làng chiến đấu chiếm hơn 3/4 tổng số hàng nghìn cuộc hành quân càn quét của địch ở đồng bằng Bắc Bộ.

        Đich có khi dùng đơn vị nhỏ đánh biệt kích, nhiều khi dùng lực lượng lớn bao vây hợp kích có đại bác, xe tăng, máy bay bắn phá, ném bom dữ dội. Chúng bao vây phục kích ngoài làng để chặn bắt cán bộ, bộ đội và du kích. Khi tấn công vào được trong làng, chúng lùng sục, đốt phá, giết chóc.

        Quân dân các làng, ấp được tập dượt theo nhiều phương án chiến đấu, từ ngoài làng, địch đã bị tiêu hao vì mìn chông, cạm bẫy và hỏa lực từ các tuyến ven làng bắn ra. Lợi dụng địa hình tự nhiên và nhân tạo phức tạp trong làng cùng hệ thống chiến lũy, công sự, hầm ngầm chuẩn bị sẵn, bộ đội và dân quân, du kích ẩn hiện bất ngờ, dùng lựu đạn, súng trường, giáo mác… đánh gần, tiêu diệt địch khi chúng lọt vào làng.

        Bắt đầu nổi lên những lá cờ: Đình Bảng (Bắc Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn), Vật Lại (Sơn Tây), Cảnh Dương, Cự Nẫm (Quảng Bình), Khu Xitơ của anh hùng Núp (Gia Lai), Tân Phú Trung với những địa đạo tiền thân của Củ Chi nổi tiếng sau này…

        Làng chiến đấu là một biểu hiện của tinh thần bất khuất của dân tộc ta, một thách thức với kẻ thù xâm lược. Làng chiến đấu trở thành pháo đài kiên cố của chiến tranh nhân dân ở địa phương, một đặc điểm của chiến tranh Việt Nam.

        Đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch là một chủ trương đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo chiến tranh của ta. Chỉ một năm sau ngày kháng chiến toàn quốc, lực lượng vũ trang còn rất non trẻ đã cùng toàn dân mở một cuộc phản công chiến lược “mềm” nhằm vào sào huyệt địch trên cả nước. Với việc “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, chúng ta đã đảo lộn thế cờ, tạo sự bình ổn cho hậu phương ta, biến hậu phương địch thành chiến trường. Chiến trường mới này đã ghìm chân quân địch tại chỗ, buộc địch phải chuyển những cuộc tiến công vào chủ lực ta thành những cuộc càn quét không có hiệu quả. Mặt trận mới này cho phép chúng ta đánh những đòn trực diện vào chính sách cơ bản của thực dân xâm lược Pháp là “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”.

        Đây là thành công lớn nhất của ta trong năm 1948. Phát động chiến tranh du kích rộng khắp ở vùng sau lưng địch đã mang lại cho cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện sự chuyển biến về chất, đưa cuộc kháng chiến vững vàng bước sang một giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 05:01:56 am »

     
6

        Tại Nam Bộ, đúng như ta đã nhận định, trong năm 1948 Pháp tập trung lực lượng đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm hậu thuẫn cho “giải pháp chính trị” bắt đầu bằng việc xây dựng một chính quyền bù nhìn thân Pháp với lá bài Bảo Đại.

        Nam Bộ đã tiến hành chiến tranh du kích ngay sau khi Pháp mở lại cuộc xâm lăng lần thứ hai. Qua hơn hai năm chiến đấu, chiến tranh du kích ở nam Bộ đã phát triển có chiều rộng và chiều sâu. Du kích xã, liên xã, liên huyện ở Nam Bộ có khả năng đối phó với những cuộc càn quét nhỏ. Với những trận càn lớn thì kinh nghiệm của lực lượng vũ trang Nam Bộ là phải “xoay vần” cùng với quân địch.

        Căn cứ Đồng Tháp Mười nằm cách Sài Gòn hai chục kilômét là mục tiêu của nhiền cuộc tiến công đánh phá của địch. Tháng 2 năm 1948, diễn ra cuộc hành quân Vêga (Véga) với tính chất giống như cuộc tiến công vào Việt Bắc Thu Đông 1947. Bộ chỉ huy Pháp huy động 11 tiểu đoàn, trong đó có 2 tiểu đoàn dù và 2 đơn vị thủy quân lục chiến, nhiều đơn vị thiết giáp, xe lội nước, có máy bay và đại bác yểm hộ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và các chi đội của Nam Bộ. Quân Pháp từ ba phía nam, bắc và đông siết dần vòng vây quanh vùng căn cứ Đồng Tháp Mười. Từ sáng đến trưa ngày 14 tháng 2, vòng vây đã hoàn tất ở ở khu vực trung tâm cánh đồng trên một chu vi đường tròn dài 80 kilômét. Những tiểu đoàn quân Pháp có xe lội nước thực hiện cuộc càn quét, lùng sục suốt bốn ngày trên cánh đồng ngập nước, đầy cỏ dại và những cây tràm. Một số cuộc đụng độ đã diễn ra chứng tỏ đối phương có mặt ở đây. Nhưng tới ngày cuối cùng, khi vòng vây đã siết chặt thì họ thấy chỉ có cánh đồng trống. Tất cả cơ quan chỉ huy, những chi đội, binh công xưởng, bệnh viện, đài phát thanh… đều đã biến khỏi đây.

        Cuộc tiến công lớn nhát của địch ở Nam Bộ đã thất bại.

        Cuối tháng 7 năm 1948, Xứ ủy Nam Bộ họp mở rộng do đồng chí Lê Duẫn và đồng chí Phạm Hùng chủ trì. Hội nghị nhận định: đối với địch, “Nam Bộ đã trở nên trung tâm hoạt động chính trị và cũng là vị trí quân sự quan trọng”. Pháp đang dùng võ lực để lập ngụy quyền, và mở cuộc tiến công chiến lược vào nguồn dự trữ của ta, hòng làm cho ta hết người, hết lương thực, hết vũ khí “thì đội quân chủ lực phải bị tiêu diệt”. Hội nghị quyết định mở rộng phong trào dân quân, để bảo vệ dự trữ của ta, phá hoại dữ trữ của địch và gây phong trào tạo làng chiến đấu rộng rãi. Đồng thời “phải có chủ lực mạnh mẽ để đánh những trận lớn”.

        Sau hội nghị, Xứ ủy đã điện để đề nghị Bác và Trung ương tăng cường cho Nam Bộ một cán bộ quân sự có khả năng xây dựng và chỉ huy bộ đội chủ lực. Bác và Thường vụ nhận thấy nên cử một phái đoàn đại diện Đảng và Nhà nước vào thăm Nam Bộ để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu giữa hai miền. Thường vụ trao nhiệm vụ cho Bộ Tổng chỉ huy thảo một huấn lệnh gửi Nam Bộ.

        Anh Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng được cử dấn đầu phái đoàn. Về mặt công khai, anh Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, là trưởng đoàn vì Đảng lúc này còn hoạt động bí mật. Trong đoàn có anh Lê Hiến Mai và một số cán bộ quân đội vào tăng cường cho Nam Bộ.

        Bản huấn lệnh gửi Nam Bộ viết: “Cuộc kháng chiến Nam Bộ mạnh chính là ở tự động, không ỷ lại, tự lực cánh sinh”. “Từ không có núi rừng hiểm trở mà tạo nên rừng người, núi người, xây dựng những căn cứ kháng chiến lâu dài”. “Chiến tranh du kích Nam Bộ mạnh chính là ở chỗ lấy dân làm gốc”.

        Huấn lệnh nêu lên những nhiệm vụ căn bản của Nam Bộ. Về chính trị, tranh thủ nhân dân ở cả thành thì và nông thôn, chú trọng các tôn giáo, đồng bào Khơ-me, các tầng lớp người Hoa. Về quân sự, tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, vấn đề mấu chốt là thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Hết sức coi trọng căn cứ địa ở khu rừng núi miền Đông, khu Đồng Tháp Mười và khu rừng U Minh, trong đó khu rừng núi miền Đông là quan trọng nhât. Ở thành thị, nhất là Sài Gòn, lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp với hoạt động của các đội biệt kích, đội công tác trên nguyên tắc bảo vệ cơ sở nội thành. Du kích chiến phải tiến lên vận động chiến. Vì thế trên cơ sở xây dựng dân quân du kích ở thôn, ấp, bộ đội địa phương ở huyện, tỉnh phải tiến lên tập trung mỗi khu vực một tiểu đoàn rồi một trung đoàn chủ lực khi có điều kiện.

        Trung tuần tháng Chín, phái đoàn anh Lê Đức Thọ lên đường mang theo nhiều tài liệu, trong đó có tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của anh Trường Chinh, Huấn lệnh Nam Bộ và một số văn kiện quan trọng của Bộ Tổng tư lệnh như: huấn lệnh “Phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự căn bản trong giai đoạn này”, huấn lệnh “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, "Đề án xây dựng quân giới”…

        Ngày 21 tháng 9, cơ quan tham mưu báo tin ngày 20 tháng 9, quân Pháp dùng 20 máy bay thả quân dù xuống Vân Đình ở Hà Đông, đồng thời khá đông quân địch từ thị xã Hà Đông cũng tiến ra Vân Đình. Được tin này, Bác và chúng tôi đều lo lắng. Một phái đoàn đại biểu của Nam Bộ từ đồng bằng sông Cửu Long ra thăm miền Bắc đang có mặt ở Vân Đình. Phái đoàn của anh Lê Đức Thọ đã có kế hoạch gặp phái đoàn Nam Bộ tại đây… trước khi tiếp tục đi vào Nam1.

-----------------
1. Đầu tháng 5 năm 1949, phái đoàn anh Lê Đức Thọ tới Nam Bộ an toàn, không gặp phái đoàn anh Trà đi ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 05:02:16 am »


        Cuối tháng Chín, đoàn đại biểu của Nam Bộ tới Việt Bắc.

        Anh Trần Văn Trà, khu trưởng Khu 8 là trưởng đoàn, cùng anh Trần Bửu Kiếm, chị Nguyễn Thị Định, anh Lương Văn Trọng, đại diện của anh Nguyễn Bình, một đại biểu của Bình Xuyên, một vị linh mục đại diện cho công giáo Nam Bộ, và họa sĩ Diệp Minh Châu. Chị Định đã ra Bắc một lần năm 1946, xin vũ khí chở vào Nam Bộ theo đường biển. Những người khác đều mới ra Bắc lần đầu.

        Cuộc hành trình gian khổ của đoàn từ Nam Bộ ra Việt Bắc kéo dài tám tháng. Khi đoàn đi ngang Vân Đình, địa phương tổ chức một cuộc mít tinh chào mừng trọng thể, có cả đèn điện sáng trưng. Cơ sở ta từ nội thành báo ra, quân Pháp định chụp bắt phái đoàn rất quan trọng này, nhưng chúng đã vồ hụt…

        Bác chủ trì buổi tiếp đoàn tại hội trường Phủ Chủ tịch, một ngôi nhà lá lớn nằm giữa rừng sâu, bên cạnh một dòng suối. Các bàn đều trải vải hoa trên đặt những bó hoa rừng. Cùng đón đoàn với Bác có cả thành viên của Hội đồng Chính phủ, Bác Tôn, lúc này là Hội trưởng Hội Liên Việt, ông Phan Kế Toại, linh mục Phạm Bá Trực, và anh Trần Duy Hưng.

        Đoàn mang theo những tặng phẩm của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và Chính phủ. Bác rất cảm động khi họa sĩ Diệp Minh Châu đưa tặng Bác một tác phẩm được vẽ bằng chính máu của mình, có hình ảnh Bác và ba em bé tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam đứng vây quanh, một em đang giơ tay trìu mến cầm râu Bác.

        Ngày hôm sau, anh Trà báo cáo tình hình kháng chiến ở Nam Bộ từ sau ngày kí Hiệp định mồng 6 tháng 3, Bác và anh Trường Chinh và tôi cùng nghe. Với báo cáo của anh Trà, chúng tôi nắm cụ thể hơn tình hình chiến trường Nam Bộ, trước đây chỉ theo dõi qua các bức điện.

        Cuối buổi báo cáo, anh Trà xúc động bày tỏ nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ mong được đón Bác vào Nam.

        Bác nói:

        - Mình cũng có nguyện vọng đó từ lâu. Nếu cán bộ, chiến sĩ cùng đồng bào cả nước đều cố gắng  thì ngày Bắc, Trung, Nam sum họp sẽ không xa.

        Lúc đó, không ai nghĩ là ngày Bắc Nam sup họp lại vắng Bác.

        Hôm sau, anh Trà sang làm việc với Bộ Tổng chỉ huy. Tôi cùng anh Thái, anh Dũng dành nhiều thời gian trao đổi với anh về tình hình tổ chức và phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang Nam Bộ.

        Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ có nhiều đặc điểm riêng.

        Sài Gòn khởi nghĩa thành công chưa đầy một chưa đầy một tháng thì quân Pháp gây hấn, tiếp đó quân viễn chinh ồ ạt kéo vào. Lực lượng vũ trang kháng chiến lúc đầu gồm phần đông là bảo an binh, những đơn vị của chính quyền Sài Gòn cũ, của Bình Xuyên, của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo…, tuy đông, có nhiều người yêu nước, nhưng trang bị kém, tổ chức quá phức tạp, chỉ huy không thống nhất, đã không đứng vững trước những đòn tiến công mạnh mẽ của kẻ thù. Nhân dân, đa số là thanh niên công nhân, nông dân với súng lửa, gậy tầm vông, mã tấu đã lập vành đai, tổ chức mặt trận, ngăn sông, chặn từng bước tiến của quân địch, đã đánh những trận vang dội ở cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Bến Phan, Chợ Đầm… Sau khi vỡ mặt trận, lực lượng kháng chiến này tản rộng về vùng nông thôn, phân tán nhỏ ra đánh du kích khắp nơi. Những đơn vị Nam tiến, như chi đội Nam Long từ Bắc vào, đã sát cánh cùng quân và dân Nam Bộ đánh địch ở Lái Thiêu và tiếp tục chặn đánh địch từ Sài Gòn tới Phan Thiết, Phan Rang. Đảng ta đã quyết định chia Nam Bộ ra làm ba chiến khu, tổ chức lại lực lượng vũ trang, cải tổ những đơn vị cộng hòa vệ binh, Bình Xuyên thành chi đội giải phóng quân, phân công toàn bộ đảng viên, nhiều người vừa thoát khỏi ngục tù Côn Đảo, về lãnh đạo kháng chiến ở các khu, tỉnh, đặc biệt là nắm các đơn vị vũ trang, kể cả những đơn vị của các giáo phái.

        Cuộc kháng chiến ở Nam bộ đã vượt qua những ngày đầu vô cùng gian nan và tiếp tục đứng vững là nhờ ở tinh thần yêu nước rất cao và lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bác Hồ.

        Một phong trào đấu tranh có tính chất nhân dân, với những hình thức phong phú đã diễn ra rộng khắp ở Nam Bộ. Đấu tranh chính trị ở đô thị lên rất cao, công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, chị em buôn bán bãi thị, hàng nghìn trí thức kiến nghị phản đối chính quyền bù nhìn, nhiều người xuống đường đòi xử tử Bảo Đại. Lực lượng vũ trang Nam Bộ coi trọng chống càn, đánh phá giao thông, đánh phá kinh tế địch, xây dựng căn cứ, xây dựng làng chiến đấu. Những đơn vị phân tán nhỏ hòa vào dân đánh du kích đã bắt đầu được tổ chức thành một số tiểu đoàn mạnh. Tiểu đoàn 307 đã đánh những trận vây đồn diệt viện ở Mộc Hóa, La Bang. Trên đường số 20 ở Tầm Vu, đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những trận phục kích xuất sắc của bộ đội chủ lực ở Nam Bộ (sẽ được đề cập ở chương sau).

        Trong điều kiện hết sức khó khăn vì không hề có thời gian chuẩn bị, với tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời, phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã đững vững và phát triển trong suốt ba mươi năm đương đầu với một kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 05:06:48 am »

       
Chương sáu

DU KÍCH VẬN ĐỘNG CHIẾN VỚI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐỒN BỐT

1

        Từ ngày đầu kháng chiến toàn quốc, quân đội quốc gia Việt Nam đã có khoảng 85.000 người, được tổ chức thành những trung đoàn, tiểu đoàn. Những đơn vị này thực chất do địa phương tổ chức, nuôi dưỡng, trang bị yếu kém, chưa hề được rèn luyện trong đánh tập trung, nhưng vẫn là nòng cốt của lực lượng vũ trang toàn dân. Chúng ta đã sớm nghĩ tới việc sử dụng lực lượng này khi cả nước bước vào chiến tranh. Nếu tung vào những trận đánh lớn, nó rất dễ tan vỡ. Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 22 tháng 12 năm 1946 đã chỉ ra cách đánh của bộ đội chủ lực là “Triệt để du kích vận động chiến”.

        Vận động là phương thức duy nhất làm cho ta tránh khỏi thế bị động, thoát được những đòn tiến công quyết định của địch nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ của ta. Vận động giúp ta giành lại quyền chủ động với những trận đánh có lựa chọn, có chuẩn bị, giành thế bất ngờ, nhằm vào những nơi địch thiếu phòng bị, những lúc địch sơ hở. Nó cho phép một quân đội yếu kém đánh lại có hiệu quả một quân đội xâm lược mạnh hơn nhiều lần, mà vẫn bảo tồn được lực lượng theo đúng phương châm càng đánh càng mạnh.

        Vận động có khi chỉ là di chuyển bộ đội đến một địa điểm dễ ngụy trang hay có đầu đủ lương thực, để bộ đội nghỉ ngơi và huấn luyện trong điều kiện tương đối an toàn. Vận động trong trường hợp như vậy chỉ là sự chuyển quân, một sự “cơ động” như ta thường nói, không nằm trong kế hoạch tác chiến.

        Nếu như đặc điểm chủ yếu trong chiến tranh du kích do nhân dân và bộ đội nhỏ tiến hành là bám trụ, ẩn hiện ngay tại địa phương, thì trong tác chiến của bộ đội chủ lực là thường xuyên vận động, đánh địch bất ngờ. Cả hai lực lượng phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là từ khi ta thực hiện phương thức bố trí bộ đội chủ lực thành đại đội  độc lập và tiểu đoàn tập trung, kẻ địch đứng trước một loại hình chiến tranh mới chúng chưa hề gặp phải, càng chưa hề được mô tả trong bất cứ sách giáo khoa quân sự nào của các học viện, một cuộc chiến tranh không có mặt trận, không có mục tiêu, với những đòn tấn công bất ngờ từ những hướng mà địch cho là hoàn toàn yên tỉnh.

        Những tháng đầu kháng chiến toàn quốc, quân đội ta chưa quen với chiến thuật “du kích vận động chiến” nên đã dẫn tới “vỡ mặt trận” ở một số nơi. Sau khi được uốn nắn, bộ đội ta đã vận dụng tốt chiến thuật này trong vận động phục kích gây thiệt hại nặng cho quân địch tới giải vây mặt trận Nam Định, trong vận động tập kích vào thành phố Hải Phòng khi quân địch vừa tung quân đi càn quét buộc chúng phải rút về. Trong cuộc tiến công Thu Đông của địch vào Việt Bắc, bộ đội ta đã vận động đánh địch có hiệu quả lớn với những trận phục kích ở mặt trận Đường số 4, mặt trận Sông Lô, mặt trận Đường số 3.

        Mùa xuân 1948, bộ đội ta đã tiến hành nhiều trận phục kích và vận động phục kích thắng lợi trên những trục giao thông quan trọng. Nhiều trận có hiệu suất chiến đấu cao. Đường số 4 ở Bắc Bộ đã trở thành con đường lửa đối với địch. Nhiều trận phục kích đã diễn ra dọc đường quốc lộ, trên đèo Hải Vân, trên các nẻo đường ở Tây Nguyên… Bộ đội Nam Bộ đã đánh được những trận phục kích xuất sắc.

        Ngày 7 tháng 3 năm 1948, trung đoàn Biên Hòa phục kích một đoàn xe 79 chiếc tại La Ngà, trên đường Sài Gòn đi Đà Lạt, tiêu diệt hoàn toàn 60 xe. Viên quan năm Paruyt (Paust), tổng tham mưu phó quân viễn chinh chết tại trận. Viên quan năm Đờ Xêrinhê (De Sérigné) chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13 vừa càn quét ở Đồng Tháp Mười về, bị bắt. Trận La Ngà làm xôn xao dư luận Pháp vốn coi Nam Bộ là chiến trường đã bình định xong. Hơn hai chục năm sau, trong tập hồi kí của mình, khi nhắc tới trận La Ngà, Xalăng coi đây là trận đánh “tuyệt diệu cả về tổ chức và chỉ huy nắm thời cơ nổ súng” của đối phương, là “trận đánh bất hạnh” đối với quân viễn chinh Pháp. Hơn một tháng sau đó, ngày 18 tháng 4 năm 1948, bộ đội Khu 9 đánh tiếp trận Tầm Vu, nhanh chóng tiêu diệt một đoàn 24 xe địch, thu nhiều vũ khí, trong đó có một khẩu lựu pháo 105 li. Điểm nổi bật của trận Tầm Vu là bộ đội ta đã giành chiến thắng trong một trận phục kích giữa vùng đồng bằng có nhiều kênh rạch.

        Trong những năm đầu, bộ đội ta còn tiến hành một kiểu vận động chiến mang nặng tính chất du kích thì vấn đề địa hình địa vật, vấn đề đánh ngày hay đánh đêm, đánh địch từ xa hay đánh gần đã được đề ra cân nhắc nghiên cứu. Hướng giải quyết các vấn đề ấy đều nhằm một mục đích là hạn chế đến mức cao nhất chỗ mạnh tuyệt đối của địch về vũ khí và phương tiện chiến tranh, đặc biệt là hỏa lực của pháo binh, xe tăng và máy bay. Những trận thắng giòn giã của quân ta lúc bấy giờ phần lớn là diễn ra trên chiến trường rừng núi, được tiến hành ban đêm và phát huy hiệu quả của cách đánh gần. Đánh trên chiến trường rừng núi thì “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Sức mạnh của địch về hỏa lực các loại khó phát huy. Đánh đêm thì ta có điều kiện tiếp cận, còn địch thì khó phát hiện ra. Đánh gần thì ta khai thác được thế mạnh về tinh thần chiến đấu, còn địch thì khó sử dụng các loại hỏa lực tầm xa của chúng. Bởi vậy, khả năng đánh địch trên chiến trường rừng núi đánh đêm và đánh gần  đã trở thành sở trường của quân đội ta, cả mãi về sau này. Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề triển khai  bộ đội tương đối lớn, tác chiến thời gian tương đối dài trên địa hình đồng bằng. Đây là một vấn đề quan trọng, suốt những năm kháng chiến chống Pháp đã được đặt ra để nghiên cứu giải quyết và đã từng là một hạn chế đối với khả năng tác chiến của bộ đội ta. Trong nhiều năm, trên địa hình trống trải, bộ đội ta chỉ có thể đánh những trận nhỏ, khéo ngụy trang, khéo tạo bất ngờ, đánh nhanh rút nhanh. Phải đợi đến những ngày bộ đội ta xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên chiến trường Điện Biên Phủ thì vấn đề dùng bộ đội lớn đánh liên tục suốt ngày đêm mới được giải quyết.

        Như vậy, du kích vận động chiến của ta rất khác vận động chiến quy mô lớn trong chiến tranh hiện đại, với cách đánh của những binh đoàn lớn vận động từ xa, tiến quân thật sâu, bao vây chia cắt, đi đến tiêu diệt những binh đoàn lớn đang vận động hoặc mới đóng quân của địch, tiêu diệt lực lượng lớn của đối phương trên một chiến trường rộng. Du kích vận động chiến của ta là hình thức tác chiến của một đội quân non trẻ, hoạt động với những đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn; là hình thức tác chiến quá độ của một giai đoạn. Thực tiễn đã chứng minh, cách đánh sáng tạo ấy đã phát huy hiệu lực trên chiến trường, tránh được những thất bại có thể xảy ra, mang lại những thắng lợi có ý nghĩa cho bộ đội ta. Nó bao gồm những trận phục kích, tập kích, tiêu diệt địch đang vận động hoặc ở những nơi địch mới lấn chiếm chưa kịp củng cố công sự. Nó chính là vận động đánh nhỏ.Con đường phát triển của nó là từ vận động đánh nhỏ tiến lên vận động đánh lớn, bao gồm cả đánh địch ngoài công sự và trong công sự.

        Do vậy, bước sang năm 1949, khi ta đề ra nhiệm vụ tích cực, chuẩn bị để chuyển sang giai đoạn mới thì ranh giới giữa tác chiến của dân quân du kích và tác chiến của bộ đội, nhất là bộ đội chủ lực, ngày càng rõ rệt. Ta đã đề ra phương châm tác chiến: du kích chiến là cơ bản, vận động chiến là phụ trợ1.

---------------
1. Vào năm 1951, khi tướng Đờ Lát (De Lattre) xây dựng phòng tuyến boongke (bunker) thì đã từng có ý kiến đề nghị với Trung ương Đảng ta tạm thời trở lại “du kích vận động chiến”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 05:11:27 am »

       
2

        Nếu chiến tranh toàn dân của ta có những đặc thù, thì chiến tranh xâm lược của Pháp cũng không phải diễn ra như các cuộc chiến tranh thông thường. Ngay sau khi cái gọi là “cuộc diễu hành quân sự” (promenade militaire) của tướng Lơcléc thất bại, chiến tranh du kích phát triển ở Nam bộ, thì quân đội viễn chinh Pháp đã phải quay về với những chiến thuật cổ truyền của một quân đội xâm lược là chiếm đóng và bình định. Việc chiếm đất bắt đầu bằng một cuộc hành binh có xe tăng, trọng pháp mở đường, máy bay, tàu chiến yểm trợ cho những đơn vị bộ binh tiến đánh. Tiếp đó, lực lượng tiến công rút lui, sau khi để lại một bộ phận nhỏ binh lính và những sĩ quan cấp thấp chia nhau đóng thành những đồn bốt tiến hành việc “quân quản”. Chúng phục hồi những chức sắc của thời kì thực dân trước đây với những người trong bộ máy tay sai cũ, tổ chức “thân binh” với nhiệm vụ loại trừ lực lượng kháng chiến, bảo vệ an ninh của vùng đất mới chiếm.

        Những đồn bốt này đã xuất hiện trên đất nuốc ta từ cuộc xâm lược lần thứ nhất với Lôytây (Lyautay) và Galiêni (Galliéni). Dựa vào những đồn bốt, chúng đã xúc tiến việc bình định, thực hiện cái gọi là “vết dầu loang”. Ngày nay, trong tình hình mới, chiến thuật ấy lại được cải tiến theo trình độ trang bị và năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang ta ở từng vùng.

        Tại Nam Bộ, lúc đầu quân Pháp chiếm đóng những đình chùa hay những ngôi nhà gạch kiên cố làm nơi đóng quân. Với Đờ Latua (De Latour), người thay thế Niô (Nyo) làm tư lệnh quân Pháp ở Nam Bộ, nó trở thành những “tháp canh” (tour de garde). Đó là những chòi cao khoảng năm, sáu mét, xây bằng gạch hoặc những vật liệu tre, gỗ kiếm được ở địa phương, chứa từ nửa đến một tiểu đội do một sĩ quan hoặc hạ sĩ quan Pháp chỉ huy. Với “hệ thống tháp canh” dầy đặc, quân Pháp đã kiểm soát những vùng đồng bằng rộng lớn, phát hiện mọi hoạt động của ta, bảo vệ những đoàn quân xa di chuyển hoặc tìm bắt cán bộ, xây dựng mạng lưới tề điệp.

        Sau ngày kháng chiến toàn quốc, Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, những đồn bốt mới xuất hiện ở Bắc Bộ. Tại đây nó trở thành những cứ điểm với số quân đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, và cách bố phòng cẩn mật hơn. Lực lượng đồn trú mỗi nơi từ một trung đội tới một đại đội. Ở những vị trí trọng yếu, quân đồn trú là lính Âu Phi. Những cứ điểm được bố trí thành hệ thống nằm trong lưới lửa bảo vệ của hỏa lực pháo binh, khi cần thì sẽ được cứu viện bằng lực lượng ứng chiến.

        Hiểu rõ trình độ trang bị yếu kém của bộ đội ta, công thức Bộ chỉ huy quân Pháp dùng lúc này là “cứ điểm nhỏ, đội quân ứng chiến nhỏ”. Hệ thống cứ điểm nhỏ vừa có nhiệm vụ không chế những vùng trọng yếu, hình thành thế chia cắt, bao vây, ngăn chặn bộ đội ta từ xa, vừa làm nhiệm vụ chỗ dựa cho hội tề, gián điệp hoạt động, lùng sục cơ sở cách mạng, vây bắt cán bộ, o ép nhân dân địa phương. Đội ứng chiến nhỏ vừa là lực lượng ứng chiến cho những đồn bốt khi bị quân ta tiến công, vừa là lực lượng đánh phá những vùng địch nghi có cơ quan, bộ đội, công xưởng, kho tàng của ta.

        Đối với quân đội viễn chinh thì biện pháp chiến lược có tầm quan trọng bậc nhất là quyết sách do tướng Vanluy đề xướng: tập trung lực lượng tấn công tiêu diệt khu cố thủ Việt Minh, đặc biệt là cơ quan đầu não.

        Chiến tranh đồn bốt (guerre des postes) là biện pháp chiến lược có tầm quan trọng không kém; nó có tác dụng quyết định đối với nhiệm vụ chiếm đất và bình định, nhằm hoàn thành mục tiêu của cuộc chiến tranh xâm lược. Người Pháp ví nó với “chiến tranh chiến hào” (guerre des tranchées), trong đại chiến thế giới lần thứ nhất.

        Vận chuyển trên đường giao thông là một nhược điểm lớn của địch trong chiến tranh mà ta cần triệt để khai thác. Nhưng chỉ với những trận phục kích không đủ để buộc quân địch phải thu hẹp địa bàn chiếm đóng, để mở rộng vùng giải phóng, giành lại nhân lực vật lực là nguồn dự trữ cơ bản cho cuộc kháng chiến lâu dài. Và chính là với chiến thuật những tháp canh, cứ điểm nhỏ, địch sẽ hạn chế những trận phục kích của ta. Trong năm 1948, tại Nam Bộ, Đờ Latua đã nâng con số tháp canh từ 500 lên 2000. Trên đường giao thông quan trọng, mỗi kilômét có một tháp canh. Binh lính ở từng tháp canh nhìn thấy nhau, kịp thời báo hiệu khi bộ đội, du kích xuất hiện. Những đoàn quân xa đều có xe bọc thép mở đường và binh lính hộ tống. Với những biện pháp này, người Pháp tuyên bố ở đồng bằng Nam Bộ, số những trận phục kích của ta đã xuống thấp hơn số tai nạn xe cộ trên đường giao thông.

        Chiến tranh du kích phát triển mạnh có khả năng thu hẹp phạm vi kiểm soát của những đồn binh, nhưng ít có khả năng loại trừ chúng. Và chính những đồn binh này lại là trở ngại cho phát triển chiến tranh du kích. Nhờ những đồn binh, quân địch với số lượng không đông vẫn khống chế được những địa bàn chiến lược quan trọng, đông dân, nhiều tài nguyên.

        Từ sau cuộc tiến công lên Việt Bắc, số cứ điẻm nhỏ của Pháp phát triển rất nhanh. Ở Cao - Bắc - Lạng, từ 68 vị trí đầu năm 1948 đã tăng lên 79 vị trí vào giữa năm, với số quân chiếm đóng tăng từ 2.500 tên lên 6.900 tên. Vùng Tây Bắc và Đông Bắc, địch đóng thêm 100 cứ điểm. Liên khu 3 thêm 53 cứ điểm, đưa số quân chiếm đóng từ 12.000 lên 25.000. Điều này chứng tỏ sau khi mở rộng đáng kể phạm vi chiếm đống ở Bắc Bộ, địch đang chuyển sang thực hiện chiến thuật “siết chặt và vết dầu loang”.

        Nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng trung tuần tháng 1 năm 1948 đã đề ra: “Quét những đồn lẻ của giặc, bắt địch thu hẹp địa bàn lại”. Cùng với những trận phục kích, tiêu diệt những đồn bốt là cách chặn đứng quá trình bình định, hoàn tất nhiệm vụ tái chiếm thuộc địa của quân viễn chinh. Nó cho phép ta giành lại những vùng đất đã mất cùng với nhân dân, tài nguyên và cả những vị trí quan trọng về chiến lược.

        Mặt khác, hệ thống cứ điểm nhỏ, đặc biệt là những cứ điểm ở vùng rừng núi, đã bộc lộ những nhuộc điểm mới của địch. Đây chính là một khâu yếu của địch trong chiến tranh. Những cứ điểm nhỏ với số quân không đông, hỏa lực có hạn, đóng cố định tại một vị trí, hầu như hoàn toàn cô lập, ban đêm cho phép ta tập trung một lực lượng nhất định, tiến hành những trận đánh có chuẩn bị kĩ lưỡng, tiêu diệt quân địch đồn trú và giải quyết vấn đề thương binh trong một đêm và rút lui trước khi trời sáng, không phải đối phó với máy bay, thiết giáp và quân cơ động của địch. Mỗi cứ điểm nhỏ là một kho tiếp tế súng đạn, đặc biệt là đạn, rất cần cho bộ đội ta lúc này.

        Đánh bại chiến lược “chiến tranh đồn bốt” là một việc không thể không làm để đi tới chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Trước mắt, đi đôi với những trận phục kích và vận động phục kích, thì tiêu diệt những cứ điểm nhỏ sẽ góp phần làm thất bại một biện pháp chiến lược của địch, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đạn mới. Đây cũng là một sự tập dượt cần thiết để chuẩn bị cho bộ đội ta ngày càng nâng cao khả năng đánh địch trong công sự. Địch càng lún sâu vào phòng ngự thì càng dồn nhiều binh lực vào các cứ điểm, từ cứ điểm nhỏ đến cứ điểm lớn, với lực lượng trung đội, đại đội, rồi tiểu đoàn, trung đoàn cho đến hình thức tập đoàn cứ điểm vòa thời kì cuối của cuộc chiến tranh.

        Nhiệm vụ khai phá một con đường tiến tới đánh bại chiến lược chiến tranh đồn bốt được trao cho những tiểu đoàn chủ lực của Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 30 Tháng Tám, 2016, 05:17:14 am »


3

        Cuối năm 1947, giữa chiến dịch Việt Bắc, Bộ Tổng tham mưu đã bắt đầu nghiên cứu cách đánh cứ điểm nhỏ.

        Làm được nhiệm vụ này, đối với bộ đội ta, không dễ dàng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm đánh địch trong công sự, đặc biệt là đánh cứ điểm. Một nhược điểm lớn chưa có khả năng khắc phục trong lúc này là bộ đội ta rất thiếu vũ khí. Qua một năm chiến đấu, ta đã thu được một số vũ khí, trang bị của địch,  nhưng số chiến lợi phẩm này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của bộ đội đang phát triển nhanh về số lượng. Bộ đội Liên khu 10 được trang bị khá hơn cả trong toàn quân, nhưng số người có súng trong một đơn vị chỉ mới là 52 phần trăm. Những tiểu đoàn chủ lực của Bộ chỉ đạt được 41 phần trăm. Chúng ta hoàn toàn không có thuốc nổ để mở hàng rào, thiếu súng trường, rất ít súng liên thanh, đặc biệt là tiểu liên cần cho lúc xung phong.

        Trong quá trình nghiên cứu, một chiến sĩ “Việt Nam mới” (trước đây là sĩ quan tình báo của Nhật) đề nghị, với trung đoàn trang bị của bộ đội hiện nay, nên chọn cách đánh kì tập. Với cách này, cần tổ chức những đại đội, tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ, dùng bạch binh, tìm cách bí mật đột nhập đồn, tiêu diệt địch bằng đánh giáp lá cà. Ta đã có kinh nghiệm về kì tập qua những trận Phai Khắt, Nà Ngần trước Tổng khởi nghĩa. Đây là cách đánh phù hợp với trình độ trang bị, sự thông minh và tinh thần dũng cảm của bộ đội. Nhưng cần tính tới trường hợp địch đề phòng cẩn mật, củng cố công sự, kì tập không giải quyết được. Tôi chỉ thị đi đôi với nghiên cứu cách đánh kì tập, ta phải nghiên cứu một cách đánh thứ hai: cường tập, có nghĩa là diệt đồn địch bằng sức mạnh, dùng hỏa lực mở cửa đột phá, sau đó bộ binh xung phong tiêu diệt quân đồn trú. Như đã nói, ta chưa có kinh nghiệm về cách đánh này, và có một nhược điểm lớn là thiếu hỏa lực.

        Mùa xuân và mùa hè năm 1948, tiểu đoàn 45 của Bộ được trao nhiệm vụ đánh một vài cứ điểm nhỏ trong hệ thống phòng ngự của địch ở vùng rùng núi để rút kinh nghiệm. Những trận đánh cứ điểm Tu Vũ (18-3-1948), Phố Chùng (10-6-1948) ở Yên Bình Xã đều không thành công. Đánh địch trong công sự khác xa với những trận phục kích địch không có công sự che chở. Quân Pháp vốn có nhiều kinh nghiệm bố trí công sự và hỏa lực phòng ngự.

        Mùa hè năm 1948, một số nơi đã áp dụng cách đánh kì tập thành công. Tiêu diệt đồn Cầm Lý ở Bắc Giang là một trận khá tiêu biểu. Một đại đội độc lập cải trang thành phụ nữ gánh gạch vào đồn, rồi bất thần tiến công quân địch. Đại đội trưởng Ngô Ngọc Dương trong khi vật lộn với viên đồn trưởng Mulay, mặc dù tầm vóc nhỏ bé nhưng đã làm cho y chết vì tắc thở. Bộ đội diệt và bắt sống cả trung đội đồn trú, thu toàn bộ vũ khí rồi rút lui. Sau vài lần bị lừa, địch đã thông báo cho nhau cảnh giác đề phòng, cách đánh kì tập gặp khó khăn.

        Chúng tôi quyết định chọn một vài tiểu đoàn đã qua rèn luyện trong chiến dịch Việt Bắc, nghiên cứu cách tiêu diệt cứ điểm nhỏ bằng sức mạnh, có thể kết hợp cả hai cách kì tập và cường tập. Cơ quan Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo việc thực hiện. Các tiểu đoàn được bổ sung cán bộ, quân số, tăng cường vũ khí trước khi đi vào học tập chiến thuật và kĩ thuật.

        Đầu mùa hè năm 1948, trên một trái đồi gần ngã ba Phú Minh (huyện Đài Từ) nằm giữa khu căn cứ, xuất hiện một “cứ điểm” có lô cốt, ụ súng và hàng rào lông nhím bao quanh.

        Đây là sáng kiến của đồng chí Vũ Yên.

        Tiểu đoàn 11 do anh chỉ huy, đã được lệnh chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm Phủ Thông do một đại đội lê dương đóng giữ trên đường số 3 bảo vệ cho thị xã Bắc Kạn. Đồng chí tiểu đoàn trưởng nhiều lần cùng cán bộ đi trinh sát. Anh quyết định cho bộ đội dựng lên công trình này, rập đúng theo mẫu đồn địch.

        Phương pháp dựng mô hình cứ điểm để bộ đội diễn tập trước khi ra trận lần này là lần đầu, sau này được vận dụng phổ biến trong bộ đội ta.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM