Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:25:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43602 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:15:34 am »

       
6

        Sau trận Bông Lau, từ Bình Gia, tôi và cơ quan chỉ huy trở lại Tràng Xá. Đồng chí Đào Văn Trường ở lại mặt trận Đường số 4 làm phái viên đốc chiến. Tôi đánh điện cho anh Thái trao lại quyền chỉ huy mặt trận Đường số 3 cho trung đoàn Bắc Kạn và trở về cơ quan.

        Những xáo trộn do bị bất ngờ ngày đầu chiến dịch đã được khắc phục. Binh lực ta đã bố trí xong và các mặt trận đang đánh địch một cách chủ động. Đã tới lúc Bộ Tổng chỉ huy một mặt phải tiếp tục chỉ đạo đánh bại cuộc tiến công chiến lược của địch ở Việt Bắc, một mặt phải giải quyết nhiệm vụ của toàn quân trên cả nước, trước mắt và lâu dài.

        Tin chiến thắng từ câc mặt trận vẫn tiếp tục bay về. Ngày 10 tháng 11, pháo binh Khu 10 lại chiến thắng lớn trên sông Gâm, đánh đắm 4 trong số 5 tàu địch trên đường từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, diệt hơn 200 quân địch. Trận đánh này là một biểu hiện trưởng thành về cách đánh, có kế hoạch, biết nghi binh, phối hợp với bộ binh, dân quân vừa diệt được tàu địch, vừa thu được chiến lợi phẩm. Trong trận đánh này, lầu đầu ta thu được của địch 2 khẩu lựu pháo 105 li.

        Ngày 19, công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đánh địa lôi diệt gần một trăm tên địch ở kilômét số 6 đường Hà Tuyên.

        Do những trận đánh liên tiếp của ta trên sông Gâm và đường số 2, các cơ quan thông tấn địch đã gọi “Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ”. Báo cáo của quan tư Lơgiốt (Lejosne) ngày 13 tháng 11 năm 1947 viết: “Vì trận đại bại của thủy binh, nên binh lính rất chán nản. Sĩ quan ra sức giữ vững tinh thần, nhưng không nên đưa họ ra trận nữa vì tinh thần sẽ suy sụp mau… Những hạ sĩ quan và đội trưởng tốt nhất đều bị thương”.

        Từ đầu tháng 11, quân Pháp buộc phải đóng thêm nhiều đồn bốt nhỏ bảo vệ các tuyến đường tiếp tế số 4 và số 3. Trước khi có một đoàn xe qua, địch phải tung quân lùng sục hai bên đường, vẫn không tránh khỏi những trận phục kích bất ngờ diễn ra chỗ này hay chỗ khác.

        Ngày 23 tháng 10, cánh quân Bôphrê đến Đài Thị. Ngày 26, quân của Commuynan tới Đài Thị thì Bôphrê đã lui quân trở lại Chợ Đồn. Cuôc gặp gỡ của hai cánh quân ở hợp điểm Đài Thị đã không diễn ra. Từ cuối tháng 10, cả hai gọng kìm đều bắt đầu co lại. Phía tây, Commuynan rút khỏi Đầm Hồng, Chiêm Hóa. Phía đông, Bôphrê rút khỏi Bản Thi, Chợ Đồn, Chợ Rã.

        Nhiều chiến trường trên cả nước đã có những hoạt động chiến đấu phối hợp với với quân và dân Việt Bắc.

        Khu 14, bộ đội Tây tiến giải phóng Chiềng Sai. Công tác vận động quần chúng ở Sơn La đạt nhiều kết quả. Nhiều lính Thái đào ngũ.

        Ở Hà Nội, biệt động hoạt động mạnh tại nội thành, diệt trừ Trương Đình Tri, thủ hiến Bắc phần Việt Nam. Du kích quấy rối Chèm, Cầu Giấy, Văn Điển, Vĩnh Tuy. Đại đội độc lập phối hợp với du kích tập kích địch ở Đan Phượng, Hoài Đức, Cần Kiệm. Cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội đã bắt giữ gần 300 tên tề gian ác. Ở Nam phần Bắc Ninh, toàn bộ tề bị phá. Quần chúng nổi dậy như hồi Tổng khởi nghĩa.

        Khu 5 và Khu 6 đánh địch khá mạnh. Những trận tập kích ở Ninh Hòa, Trại Dầu, Cam Ranh gây cho địch nhiều thiệt hại. Trên đường lộ 19, chiến sĩ Ngô Mây dùng bom diệt gọn một trung đội địch, anh dũng hi sinh.

        Nam Bộ phối hợp với Việt Bắc tốt hơn cả. Bộ đội Gia Định phục kích ở Gò Nổi. Nửa đêm 14 tháng 11 năm 1947, tất cả các vị trí ven Sài Gòn đều bị tập kích: Thị Nghè, Gai Định, Gò Vấp, Bến Cát, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Lộc, Phú Thọ, Ngã Năm… Các ban công tác thành ném lựu đạn vào trại lính, vào những nơi ăn chơi riêng cho binh lính. Bộ đội Thủ Dầu Một phục kích ở Phú Văn Hưng. Trận phục kích trên đường Thủ Dầu Một - Phú Riềng phá 10 xe, diệt 60 địch, bắt một số.

        Ở Biên Hòa, Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân An, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, nhiều vị trí quân địch bị tập kích, nhiều toán quân đi lẻ bị đánh. Hàng trăm binh sĩ ngụy mang súng trở về với kháng chiến.

        Qua một tháng đối phó với cuộc tiến công chiến lược của địch, cùng với những thắng lợi đã nổi lên một số nhược điểm:

        Quân đội ta phát triển nhanh về số lượng, có tinh thần chiến đấu cao, nhưng phần lớn chưa qua huấn luyện cơ bản, trình độ chiến thuật, kĩ thuật thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

        Kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, lấy chiến tranh du kích làm chính, nhưng trong thực tế đến nay chiến tranh du kích của ta chưa phát triển rộng khắp, hiệu quả còn hạn chế.

        Ngày 10 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy ra huấn lệnh “Luyện công lập công” nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ kĩ thuật, chiến thuật cho bộ đội.

        Ngày 14 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy ra tiếp Huấn lệnh “Phát động chiến tranh du kích, nhiệm vụ quân sự cơ bản trong giai đoạn này” nhằm khẳng định lại vị trí của chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến.

        Kế hoạch Clôclo đã không diễn ra như địch dự kiến.

        Ngày 17 tháng 11, tôi trở về Lục Giã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:22:36 am »

       
7

        Binh đoàn Commuynan đã tập trung lại ở thị xã Tuyên Quang. Phần lớn binh đoàn Bôphrê cũng dồn về thị xã Bắc Kạn. Hai đạo quân lớn vẫn nằm ở hai sườn căn cứ địa. Có cơ sở để phán đoán địch sẽ phải rút. Những tuyến tiếp tế cho hai đạo quân, đường bộ cũng như đường sông, đều bị uy hiếp nặng. Không quân Pháp không đủ khả năng bảo đảm việc tiếp tế. Nhưng bao giờ quân Pháp sẽ rút? Rút theo đường nào? Và cũng không thể không tính đến một âm mưu của địch nhằm vào khu căn cứ! Đây chính là một mục tiêu quan trọng của cuộc tiến công mà quân Pháp chưa đạt được.

        Ngày 18 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy nhận được điện của Khu 10: “Địch rất hoang mang rệu rã. Đề nghị cho tập trung bộ binh và pháo binh tiến công tiêu diệt địch ở Tuyên Quang”.

        Tôi thấy tinh thần địch tuy kém sút sau những thất bại liên tiếp, nhưng quân địch còn rất đông, vũ khí còn mạnh, bộ đôi ta với trình độ trang bị, kĩ thuật như hiện nay không có khả năng mở một trận đánh lớn vào thị xã Tuyên Quang. Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Khu 10: Theo dõi thật sát mọi hoạt động của địch, sẵn sàng đánh địch khi chúng rút lui.

        Sáng 21, Bộ Tổng chỉ huy được báo cáo lúc 2 giờ sáng, quân Pháp đã bí mật rời thị xã Tuyên Quang. Địch chia làm hai bộ phận: một bộ phận nhỏ đi tàu xuôi dòng sông Lô, còn đại bộ phận tiến sang Bình Ca đi về phía đông. Địch bỏ lại toàn bộ quân trang quân dụng vì không dám đốt phá. Ta bỏ lỡ cơ hội đánh địch khi chúng rời thị xã. Bộ đội đã tiến vào thị xã.

        Chúng tôi phán đoán cuộc rút lui của địch đã bắt đầu, trong khi rút có thể quân Pháp sẽ kết hợp lùng sục đánh phá những cơ quan đầu não của ta.

        Tôi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu viết điện, lệnh cụ thể cho các đơn vị chuẩn bị đánh địch trên đường rút lui và bố trí bảo vệ các cơ quan.

        Ngày 22, đại bộ phận binh đoàn Bôphrê từ Bắc Kạn chuyển về Chợ Mới; sau đó, vì đường sá đã bị phá hoại, phải bỏ xe đi bộ về Thái Nguyên, cùng lúc, một tiểu đoàn luồn rừng qua Quán Vuông tiến về hướng Chợ Chu.

        Binh đoàn Commuynan rút về Sơn Dương rồi chia làm hai bộ phận: một bộ phận theo đường đèo Kháng Nhật đi về Vĩnh Yên, một bộ phận vượt Đèo Khế tiến sang Phú Minh.

        Như vậy, ngày 25 hai bộ phận, quân của Bôphrê ở Chợ Chu và quân của Commuynan ở Phú Minh từ hai phía đang tới gần khu vực ngoại vi ATK của ta. Ở đây, ta đã bố trí các đơn vị chủ lực mạnh do đồng chí Phạm Ngọc Mậu, đồng chí Thái Dũng, đồng chí Vũ Lăng… chỉ huy để tiêu diệt các cánh quân tiến sâu của địch.

        Tất cả các đơn vị bộ đội, cán bộ, nhân viên cơ quan, dân quân đều sẵn sàng chiến đấu.

        Anh Trường Chinh gọi điện cho Bộ Tổng Tham mưu hỏi tình hình:

        - Liệu địch có thể vào ATK không?

        Anh Hoàng Văn Thái báo cáo:

        - Dọc đường hành quân cho tới nay, địch không lùng sục quá sâu vào hai bên đường. Bộ đội nhất định không để quân địch lọt vào ATK của Trung ương.

        Ngày 26, một tiểu đoàn quân dù Pháp nhảy xuống La Hiên và Tràng Xá, thuộc huyện Võ Nhai, nơi bộ phận cuối cùng của cơ quan ta vừa rút đi. Quân Pháp lùng sục vùng chung quanh chỉ thấy bản làng vắng lặng.

        Chúng tôi được tin thêm, ngoài cánh quân từ Phả Lại tiến lên Phủ Lạng Thương, Nhã Nam, còn một cánh quân từ Hà Nội tiến lên Vĩnh Yên. Rõ ràng là những cánh quân này có nhiệm vụ đón và yểm trợ cho những binh đoàn rút lui từ Việt Bắc

        Dọc đường số 3, đường số 13, đường Phú Minh - Chợ Chu, quan của Bôphrê cùng quân dù chỉ sục sạo hai bên đường, không dám tiến sâu. Nhiều cơ quan của ta chỉ cách địch một, hai kilômét. Có lúc tôi đang làm việc ở Lục Giã thì có tin quân địch đã tới gần. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan đều cầm vũ khí ra sát rìa rừng cùng với bộ đội chủ lực bố trí ở những nơi địch có thể đột nhập, nhưng đã không phải nổ súng.

        Quân Pháp chỉ lướt qua những nơi này một cách chiếu lệ. Trời sắp tối là họ vội dừng chân, tổ chức canh phòng cẩn mật. Ban đêm, họ đốt đèn, lửa một nơi, giấu quân một nơi. Nhiều lúc binh lính Pháp đội nón, mặc quần áo giả làm dân địa phương.

        Mặc dù tinh thần địch sút kém, nhưng chúng có trang bị mạnh, lại tổ chức hành quân thận trọng và chặt chẽ, còn quân ta trang bị kém, thiếu phương tiện thông tin cho nên không có điều kiện đánh tiêu diệt lớn mà chỉ có thể bám địch tiêu diệt từng bộ phận nhỏ.

        Những tiểu đoàn chủ lực của ta bám sát hai binh đoàn rút lui và quan dù tăng viện, đánh địch ở quán Ông Già, Mỹ Trạng, cầu Huy Ngạc, Phú Ninh, Quảng Nạp, Lục Giã, La Hiên, Quân Quang, Trại Cà, La Khê, Dào Vuông, Nà Nội… Một bộ phận của trung đoàn 174 phục kích ở Đèo Khế đã làm cho quân của Commuynan và Bôphrê không liên lạc được với nhau.

        Ở mặt trận Sông Lô lại diễn ra một số trận phục kích trên bộ, trên sông ở Bình Ca, kilômét số 5, Lã Hoàng, đánh đắm một số tàu, diệt một bộ phận quân địch rút lui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:23:02 am »


        Trên đường số 3, đường số 4 đã có những hoạt động tác chiến phối hợp. Bộ đội ta diệt một trung đội địch ở Phủ Thông, phục kích ở Đèo Giàng, phá hủy 17 xe, diệt hai trung đội địch. Một tiểu đoàn của trung đoàn Cao Bằng phục kích trên đường Đông Khê -  Cao Bằng làm thiệt hại nặng một đại đội Âu Phi.

        Những đại đội độc lập phối hợp với dân quân du kích đánh địch khắp nơi. Tự vệ thị xã Thái Nguyên đánh du kích diệt hàng trăm địch. Du kích Phú Xuân đánh 20 trận nhỏ làm cho quân địch không dám sục vào làng, được tặng thưởng huân chương. Du kích Đại Từ phục kích ở Khương Linh, Cù Vân, Đình Đôi, Cầu Giốc.

        Trên chiến trường trung du, dân quân du kích và đại đội độc lập đánh địch ở Đông Anh, Thiện Kế, Phù Lỗ, An Đạo, Chợ Vàng, Yên Thế. Tiểu đoàn tập trung Việt Yên phục kích ở Tam Lộng diệt hai trung đội địch. Đại đội bộ đội địa phương Đáp Cầu diệt 30 quân địch trên đường đi Bắc Giang. Một lão dân quân ở Nhã Nam dùng nỏ bắn gục 6 tên địch trong một trận đánh.

        Các thị xã, thị trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đáp Cầu, Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên… lần lượt trở về tay ta.

        Ngày 19 tháng 12, đúng một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, cuộc tiến công chiến lược của Pháp nhằm vào căn cứ địa Việt Bắc kết thúc. Chỉ còn một lực lượng địch ở thị xã Bắc Kạn, thị xã Cao Bằng và những vị trí nhằm bảo vệ giao thông trên đường số 4 từ Lạng Sơn tới Cao Bằng và đường số 3 từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn.

        Hàng nghìn binh lính địch đã chết và bị thương trên các nẻo đường Việt Bắc. 270 lính ngụy rời bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. 18 máy bay bị bắn hạ. 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm. 255 xe các loại bị phá hủy.

        Phía ta, 260 chiến sĩ hi sinh. 168 người bị thương. Ta phải phá hủy 1 khẩu pháo 75 li, mất 4 trung liên, 40 súng trường. Ta thu được 2 lựu pháp 105 li, 3 sơn pháo 75 li, 16 pháo 20 li, 42 súng cối, 377 súng liên thanh các cỡ, 45 badôca, 1.660 súng trường và hàng chục tấn quân trang quân dụng.

        Hai mươi ba năm sau, năm 1971, trong tập hồi kí của mình, tướng Xalăng đã dành một đoạn dài viết về cuộc tiến công Việt Bắc. Xalăng cũng nhận thấy đây là một chủ trương mạo hiểm. Nhưng với tin tức tình báo thu lượm được và hai binh đoàn quân viễn chinh gồm những đơn vị thiện chiến trong tay, ông ta tin tưởng có thể nắm chắc phần thắng lợi.

        Xalăng coi cuộc hành binh Lêa, ngày 7 tháng 10 năm 1947 là một đòn quyết định “đánh thẳng vào tim kẻ thù”. Ông ta đã ngồi trên máy bay trực tiếp thị sát cuộc nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Lúc 11 giờ 35 phút, Xôvanhắc (Sovagnac) từ mặt đất báo cáo qua vô tuyến điện: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xalăng vội vã bay về Hà Nội báo tin mừng với Sài Gòn. Cao ủy Bôlae và quyền Tổng chỉ huy Bátte (Battet) hấp tấp bay ra Hà Nội. Xalăng lúc đó đã biết mình lầm, đánh phải thú nhận: “Tôi - chúng ta đã bị đánh lừa”. Cũng theo lời Xalăng, hai vị cấp trên đã bỏ bữa cớm chiều, quay trở về ngay Sài Gòn sau khi đã đã tặng cho ông ta những lời: “Không phải là … biểu dương!”.

        Phía Pháp đã cho điều tra tin trên mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận. Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù đã bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hi sinh là một tổn thất lớn cho ta.

        Những ngày cuối tháng 10, Xalăng cùng với Bôlae nhiều lần bay thị sát chiến trường, đã rút ra kết luận:

        1. Quân Pháp chiếm được một số thị trấn, thị xã, nhưng lực lượng đã bị dàn mỏng trên những vị trí cô lập quá xa nhau, thường xuyên bị đối phương bao vây, quấy rối, tiến công.

        2. Tuy quân Pháp lùng sục vào một vài kho tàng ở Bắc Kạn, Chợ Đồn, nhưng mục tiêu chủ yếu của chiến dịch còn quá xa vời.

        3. Quan Pháp thiệt hại quá nhiều về người và phương tiện, nhất là trên các trục đường giao thông trên bộ và trên sông, đến nỗi việc tăng viện và tiếp tế chỉ còn dựa vào đường không là chính, vừa rất tốn kém vừa rất khó khăn, vì không đủ máy bay.

        Xalăng không đề cập tới kế hoạch Clôclo mà chúng ta đã có trong tay, nhưng lại nói tới một kế hoạch mới có tên gọi là Xanhtuya (Ceinture), có nghĩa là “Siết vành đai”, bắt đầu từ ngày 19 tháng 11 đến 30 tháng 1 năm 1948, nhằm dồn sức và khu tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì để tiêu diệt lực lượng ta, nhưng đã không đat được mục tiêu. Như chúng ta đã thấy, những cuộc hành quân “đèn cù” hạ tuần tháng 11 của quân Pháp chỉ nhằm nghi binh, hạn chế mức thiệt hại của hai binh đoàn Bôphrê, Commuynan trên đường rút lui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:26:19 am »

       
8

        Sau khi địch rút khỏi Việt Bắc, tôi đi gặp Bác và anh Trường Chinh để báo cáo.

        Bác đã từ Bản Cóc trở về Khuổi Tát. Người đã qua cơn yếu mệt, nhưng còn gầy và xanh. Ánh lửa lại reo vui trong nhà sàn giữa rừng sâu. Đôi mắt Người lấp lánh. Người đưa tôi xem bài viết tổng kết một năm kháng chiến vừa thảo xong.

        “Từ ngày đầu, bọn quân phiệt thực dân khoe miệng rằng: chóng thì dăm tuần, chậm thì ba tháng chúng sẽ chinh phục ta, nhưng này đã trải qua mấy lần dăm tuần, mấy lần ba tháng, chúng đã được kết quả gì? Chúng mất hơn 3 vạn lính Pháp chết và 3 vạn bị thương. Chúng tốn hơn 3.000 triệu bạc, chúng chiếm mấy thành phố đã hóa ra đống tro tàn… Mặc dầu gian nan cực khổ, nhân dân ta ngày càng đoàn kết, càng kiên quyết kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Chiến sĩ ta ngày càng nhiều kinh nghiệm, càng thêm rèn luyện, càng thêm dũng cảm… Lực lượng của chúng cũng như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ… Lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến, không có thoái…”.

        Sáng hôm sau, tôi chào Bác lên đường sang Tuyên Quang dự lễ mừng chiến thắng.

        Hơn hai tháng qua là những ngày cực kì căng thẳng và bận rộn. Lo bảo vệ an toàn cho cơ quan Trung ương, lo đánh giặc, lo di chuyển cơ quan, nhà máy, kho tàng, lo bảo vệ sinh mệnh và đời sống cho đồng bào. Người nào cũng gầy đi vì thiếu ăn, mất ngủ và luôn luôn hành quân di chuyển. Nhiều ngày khổ sở vì bệnh nấm phát triển do mùa mưa, quần áo giặt không kịp khô, đôi chân lở loét vì lội suối nhiều.

        Ngồi trên mình ngựa lững thững ra khỏi rừng, thấy đất trời như vừa qua một cơn bão. Những ngôi nhà đổ rụi, những đống tro tàn, những ngôi mộ mới. Nhưng không gian yên tĩnh lạ lùng. Không còn tiếng máy bay, tiếng pháo, tiếng bom. Rừng cây xanh hơn. Những dải sương trắng trên sườn núi càng mượt mà hơn.

        Đồng bào sơ tán lục tục quay về làng, bản, mang theo những vác tre, nứa, chuẩn bị dựng lại nhà mới. Nét mặt ai nấy đều tươi tỉnh.

        Dòng sông Lô sau những ngày gầm thét, chan hòa máu giặc, đã trở lại màu xanh bất tận, êm đềm chảy giữa núi rừng Việt Bắc.

                                                      Sông Lô đang trôi mau
                                                      Tin mừng về với bao người
                                                      Sông trôi quanh co về
                                                      Mừng một mùa chiến công…


        Bản Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao đã ra đời trong dịp này cùng với những bài hát khác ca ngợi những dòng sông Lô, sông Gâm đầy chiến công của các anh Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác.

        Thị xã Tuyên Quang đổ nát, sực mùi tanh tưởi của những thứ giặc Pháp còn để lại.

        Đồng bào lũ lượt từ khắp nơi kéo về dự lễ mừng chiến thắng.

        Một kì đài lớn, khẩu hiệu, cờ xí rực rỡ đã được dựng trên sân vận động. Vũ khí thu được của địch xếp từng đống trong các gian phòng triển lãm.

        Các anh trong Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu 10, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang… cùng các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, dân quân tự vệ đã chiến thắng quân địch trên sông Lô, sông Gâm, đường Hà Tuyên, kilômét số 7 đều có mặt.

        Hàng nghìn bó đuốc sáng rực xua tan sương giá và gió lạnh mùa đông, làm rạng rỡ khuôn mặt những chiến sĩ mang vũ khí tự động mới thu được của địch, nước thép xanh bóng rầm rập diễu qua lễ đài.

        Tôi đọc bản Nhật lệnh của Bộ Tổng chỉ huy nhân kỉ niệm một năm, toàn quốc kháng chiến, ba năm, ngày thành lập Giải phóng quân, và lễ mừng chiến thắng quân giặc trong cuộc tiến công Thu Đông đầu tiên vào Việt Bắc, chuyển lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch và Chính phủ.

        Sau đó, tôi thay mặt Bộ Tổng chỉ huy gắn huân chương lên quân kì những đơn vị đã lập chiến công.

        Trong vinh quang của chiến thắng Việt Bắc lại nổi lên những cái tên mới: trung đoàn sông Lô, tiểu đoàn Bông Lau, tiểu đoàn Bình Ca, tiểu đoàn pháo binh 410.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:32:26 am »

       
9

        Cuộc tiến công chiến lược vào Việt Bắc, ngày nay nhìn lại, là cuộc tiến công mang nhiều tham vọng nhất của Pháp trong suốt quá trình chiến tranh xâm lược Đông Dương. Nó diễn ra trong thời kì lực lượng vũ trang ta còn ở độ tuổi ấu thơ.

        Tác giả của nó là Vanluy, tham mưu mưu trưởng quân đoàn 1 của Đờ Lát trong thế chiến thứ hai, và là người được Lơcléc chọn để kế nhiệm ở Đông Dương. Tôi đã gặp Vanluy nhiều lần ở Hà Nội. Cả Lơcléc và Vanluy đều có phong cách nhà binh Pháp. Nhưng tính cách cũng như hình dáng hai người rất khác nhau. Lơcléc cao gầy, có cặp mắt thông minh, tươi cười, nói năng thẳng thắn. Vanluy dáng người vững chãi, lịch thiệp nhưng thâm trầm.

        Vanluy nhận xét Việt Nam không còn là những cộng đồng riêng rẽ như trong quá khứ, cho phép đánh chiếm bằng chiến lược bình định cổ truyền, chiếm tuần tự từng vùng đất đai. Xã hội Việt Nam ngày nay là một cấu trúc hình tháp (pyramide) cố kết bằng một ý thức hệ, được lãnh đạo chặt chẽ từ trên. Muốn tái chiếm Việt Nam trước hết phải “đập nát cái đầu” (écraser la tête) là Việt Minh, tức là tách cái đỉnh khỏi đáy tháp. Để làm việc này, cần tiêu diệt “khu cố thủ Việt Minh” (réduit Viet-minh) nằm ở thượng du Bắc Bộ, bao gồm: chụp bắt cơ quan đầu não, loại từ quân đội thường trực và phá hủy mọi tiềm năng chiến tranh. Xalăng, người đã chứng tỏ tài năng khi còn là chỉ huy sư đoàn thuộc địa thứ 9 trong chiến dịch giải phóng nước Pháp, đã có mười ba năm ở Đông Dương, rất quen thuộc vùng thượng du Bắc Bộ được trao nhiệm vụ này. Với những binh lực hùng hậu trong tay, trước ngày mở cuộc tiến công, Xalăng tuyên bố sẽ hoàn tất mọi mục tiêu trong ba tuần.

        Xalăng quá chủ quan với những kinh nghiệm từ khi còn là đồn trưởng một đồn binh ở thượng du thời Pháp thuộc, khi một viên quan Tây với vài chục lính khố xanh, khố đỏ có thể không chế cả một vùng dân cư rộng lớn. Lần này, quân Pháp không được những thổ ti, chánh mán đem rượu và gái ra đón, mà chỉ thấy những bản làng hoang vắng, không lương thực, không gia súc. Họ thú nhận: “Dân chúng lẩn tránh chúng ta như tránh dịch hạch”.

        Sĩ quan và binh lính Pháp trên chiến trường nhận thấy sớm hơn rất nhiều so với Tổng chỉ huy của họ về những khó khăn, nguy hiểm và thất bại mà họ phải đương đầu trong cuộc chiến tranh này. Những thư từ, nhật kí mà ta thu được trong chiến dịch nhòa máu và nước sông đã nói lên nỗi khiếp sợ  của họ:

        “Chúng tôi bị bao vây bốn phía. Đi ra ngoài một bước là lập tức bị đạn bắn tỉa từ trên núi xuống”. (viên đội Gátxtông Varen - Gaston Varenne). “Bọn Việt Minh đông không thể tưởng tượng được. Chúng tôi bị phục kích nhiều lần và thua thiệt khá nhiều… Chúng tôi không càn quét được gì hết, vì vừa đi qua, địch liền trở lại ngay (quan ba Tibô - Thibout). “Đây là cuộc chiến đấu của những toán quân nhỏ trên rừng núi. Nó đã gây cho ta những tổn thất nặng nề…” (đại úy Boócđô- Bourdeaux). Anh lính Pécnô (Pernos) trong thư gửi vợ ngày 15 tháng 11 năm 1947, viết: “Nếu chúng ta có con, sẽ không để cho chúng đi cái xứ khủng khiếp này”. Quan hai Lôgiê (Logier) viết trong nhật kí: “Người ta tự hỏi những sự hi sinh và cố gắng của mình sẽ vô ích chăng?...”.

        Thất bại lớn của quân Pháp không phải ở số lượng binh lính bị tiêu diệt, những dụng cụ chiến tranh bị mất hay phá hủy, mà ở chỗ không những không tiêu diệt được khu cố thủ Việt Minh mà còn không đạt được mục tiêu chủ yếu nào đã đề ra cho cuộc tiến công.

        Xalăng đã không chụp bắt được cơ quan đầu não của kháng chiến. Cuộc hành binh Lêa táo bạo quả có gây cho ta sự bất ngờ. Nhưng Vanluy đã lầm lẫn lớn khi cho rằng thị xã Bắc Kạn nhỏ bé đã trở thành “thủ đô mới” của kháng chiến. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, không khi nào có một cơ quan Trung ương của ta ở tại một thị xã, thị trấn. Tất cả đã chia thành những bộ phận nhỏ thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện, trong khi vẫn duy trì mọi hoạt động lãnh đạo điều khiển cuộc kháng chiến trên cả nước.

        Địch đã không đánh quỵ được quân chủ lực ta. Không nhưng thế, qua cuộc tiến công, bộ đội ta còn được rèn luyện trong tác chiến, trưởng thành thêm một bước và được bổ sung thêm khá nhiều trang bị, vũ khí.

        Địch tuy phá được một số kho tàng, thu được mười triệu bạc Việt Nam của Ty Ngân khố, nhưng còn quá xa với mục tiêu “phá hủy tiềm năng chiến tranh”, vì những kho tàng của ta đều bố trí phân tán, và tiềm năng kháng chiến chủ yếu nằm trong dân.

        Địch cũng không bịt được biên giới phía bắc. Những thị xã, thị trấn địch mới chiếm và một loạt đồn bốt dựng lên dọc biên giới chỉ là những vị trí cô lập giữa vùng kiểm soát rộng lớn của ta, trở thành mục tiêu cho những trận đánh tiêu diệt của bộ đội ta sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:32:59 am »


        Mặc dù bị tấn công bất ngờ và gặp khó khăn trong những ngày đầu, chúng ta đã sớm giành lại quyền chủ động trong quá trình đối phó, làm thất bại cuộc tiến công đầy tham vọng của địch, với những nguyên tắc chiến lược, chiến thuật đề ra từ mùa hè. Chúng ta đã sớm tìm ra đuộc cách đánh với một kẻ thù nhiều lần mạnh hơn mình.

        Về nghệ thuật quân sự, cũng đã hình thành cơ sở cho một hình thức chiến dịch phản công, phối hợp các lực lượng quân và dân ta, ba thứ quân, với sự chỉ huy trực tiếp các hướng của chiến trường dưới sự chỉ đạo của một cơ quan chỉ huy gọn nhẹ sau này thường gọi là Bộ chỉ huy tiền phương.

        Nếu như thắng lợi lớn về quân sự trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là do ta chủ động buộc địch phải chấp nhận, sớm hơn một đêm, cuộc tổng giao chiến tại những đô thị, thì lần này, ta lại giành được thắng lợi do chủ động khước từ trận đánh lớn mà kẻ địch cố tình tìm kiếm với ý định đánh quỵ chủ lực ta. Một kinh nghiệm được rút ra trong chiến tranh cách mạng là khi lực lượng còn yếu thì trì hoãn trận đánh quyết định là điều cần thiết, sử dụng những đơn vị vừa và nhỏ nhằm những nơi hiểm yếu mà tiến công tiêu diệt địch.

        Ngay từ buổi đầu cuộc chiến, đã có những mệnh lệnh chỉ thị cho bộ đội phải kiên quyết tránh dàn tuyến đánh những trận lớn mà chỉ tiêu hao, tiêu diệt với những trận phục kích, tập kích trên đường vận chuyển, những nơi địch mới đóng quân bằng những lực lượng tương đối nhỏ, kết hợp với hoạt động rộng khắp của dân quân du kích, quấy rối, bắn tỉa, phá hoại, làm vườn không nhà trống… Quyết định kịp thời phân tán bộ đội thành tiểu đoàn tập trung hoạt động trên từng khu vực và đại đội độc lập gắn liền với từng địa phương để đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, là tổ chức bảo đảm cho phương châm tác chiến này.

        Những nhát búa tiến công của địch đã giáng vào chân không.

        Bộ chỉ huy Pháp đã phạm sai lầm cơ bản khi đem 12.000 quân mở hai gọn kìm tiến công bao vây trên một vòng cung quá rộng, ôm cả năm tỉnh Việt Bắc. Với chiến thuật “con trăn” này, dù có một lực lượng quân đông gấp bội cũng sẽ thất bại, vì ở chiến trường rừng núi nó dễ bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta đã kịp thời khai thác đúng chỗ yếu nhất của cuộc tiến công là những đoàn quân xa, những chiến thuyền buộc phải thường xuyên di chuyển trên những trục đường bộ, đường sông nhất định để duy trì sức sống cho một đạo quân quá lớn không thể tìm ra lương thực, đạn dược ở địa phương. Nó cho phép những đơn vị nhỏ của ta với trình độ, trang bị hạn chế có thể giáng trả quân địch những đòn hiệu quả. Lần đầu tiên, tàu chiến và tàu đổ bộ của Pháp, tưởng là bất khả xâm phạm, đã bị pháo binh dũng cảm và sáng tạo của ta đánh chìm.

        Thời tiết, khí hậu, muỗi rừng Việt Bắc cũng là một thứ cường toan nhanh chóng gặm mòn lực lượng quân viễn chinh trên chặng đường dài hành quân; hai binh đoàn Bôphrê và Commuynan chưa gặp nhau đã mất dần sức chiến đấu. Lực lượng quân Pháp hùng hậu lúc đầu, không thể tìm được một trận giao chiến quyết định với chủ lực ta, buộc phải xé nhỏ thành những đội quân chiếm đóng ở một số thị xã, thị trấn, những đồn bốt nhỏ rải rác trên dọc đường giao thông để đối phó với những trận phục kích có cường độ ngày càng cao, không biết xảy ra lúc nào. Và cuối cùng, quân địch chỉ còn cách co lại để tìm đường rút lui.

        Đồng bào các dâ tộc, quân và dân ta ở Việt Bắc đã làm sống lại hào khí của dân binh, thổ binh các làng bản, hang động thời Trần, cùng quân các lộ, quân triều đình, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Đội du kích Cao Bằng do một cụ già 70 tuổi chỉ huy, anh dũng đánh giặc giữ làng bản được Bác tặng bài thơ:

                                                          “Tuổi cao chí khí càng cao
                                                          Múa gươm giết giặc ào ào gió thu
                                                          Sẵn sàng tiêu diệt quân thù
                                                          Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.


        Có thể hiểu vì sao trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dầu Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh chưa chịu từ bỏ mưu đồ, đã không diễn ra cuộc tiến công chiến lược lần thứ hai vào căn cứ địa Việt Bắc.

        Cuộc tấn công thu đông của Pháp là một thất bại chiến lược nặng lề, ảo tưởng dùng hành động quân sự quy mô lớn hòng sớm kết thúc chiến tranh đã tan thành mây khói.

        Với ta, thắng lợi Việt Bắc trước hết là thắng lợi của đường lối chiến tranh toàn dân, của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân và dân, của khối đoàn kết keo sơn các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông… tại căn cứ địa cách mạng với sự phối hợp của các chiến trường toàn quốc.

        Thắng lợi ấy là một cái mốc lịch sử, động viên cổ vũ cả nước, tạo ra tiền đề và điều kiện để chuyển cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 08:36:14 am »

       
Chương năm

HẬU PHƯƠNG ĐỊCH - TIỀN PHƯƠNG TA

1

        Chiến thắng Việt Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kì. Từ mọi miền, mọi chiến trường thư và điện chúc mừng liên tiếp gửi về. Đài phát thanh và báo chí ta phổ biến rộng rãi ý nghĩa thắng lợi và những kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Bắc.

        Tôi trao đổi với Cục Chính trị tập hợp tư liệu, đặc biệt là những điển hình chiến đấu và thư từ lấy được của địch, giao cho anh Tạ Quang Bửu và anh Trần Công Tường nhanh chóng biên soạn cuốn “Cuộc tiến công của địch vào Việt Bắc” bằng tiếng Pháp (Offensive francaise le Viet Bac) để tác động đến dư luận Pháp và quốc tế.

        Ngày 15 tháng 1 năm 1948, nửa tháng sau chiến thắng Việt Bắc, Trung ương triệu tập hội nghị mở rộng tại khu căn cứ.

        Trời mưa. Cán bộ về họp phải lội qua mười khúc suối trước khi tới nhà hội trường nằm giữa rừng cây, tre nứa còn tươi. Nhiều người xúng xinh chiếc áo chiến lợi phẩm. Quần áo ướt lướt thướt, nhưng bộ mặt ai nấy đều tươi vui.

        Hội nghị phân tích về những biến chuyển mới trong tình hình quốc tế. Nhiều nước Tây Âu đã chấp nhận kế hoạch Mácsan (Marshall). Căn cứ quân sự Mỹ xuất hiện ở nhiều nơi nhằm bao vây Liên Xô và đe dọa phong trào dân chủ và hòa bình đang hình thành và lan rộng trên thế giới. Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều dân tộc vẫn sôi nổi, đặc biệt là ở Mađagátxca và Inđônêxia. Hồng quân Trung Hoa đang mở những trận phản công lớn. Tại Pháp, sau khi gạt được những người cộng sản ra khỏi chính phủ, giới cầm quyền Pháp quyết lao sâu vào chiến tranh duy trì thuộc địa.

        Với đà phát triển của chiến tranh du kích ở Nam Bộ và của kháng chiến trên cả nước, đặc biệt là sau chiến thắng Việt Bắc, hội nghị thống nhất với nhận định của Thường vụ là “Lực lượng so sánh giữa ta và địch đã biến chuyển. Nếu ta tích cực và mau lẹ phát triển ưu điểm, sửa chữa nhược điểm thì chiến dịch Việt Bắc là một cái đà cho ta nhảy sang giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến lâu dài”1. Hội nghị dự kiến, trước mắt địch sẽ chuyển sang bình định và càn quét dữ đội vùng tạm chiếm, dồn nỗ lực vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lập ra những vùng tự trị, tổ chức thêm chính quyền  tay sai ở các cấp, chuẩn bị đưa Bảo Đại về nước.

        Về quân sự, với quyết tâm đẩy cuộc kháng chiến sang đoạn mới, hội nghị Thường vụ nhận thấy cần “phát triển dân quân, phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là trong vùng địch kiểm soát” và “tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, quét những đòn lẻ của địch, bắt địch thu hẹp địa bàn lại, đột kích những thành phố nhỏ”.

        Ngày nay nhìn lại, thấy những nhận định, chủ trương trên đây là chính xác, thể hiện sự nhạy cảm và trưởng thành của Đảng ta qua hai năm lãnh đạo kháng chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:12:36 am »

        
2

        Ngày 19 tháng 1 năm 1948, Hội đồng Chính phủ họp.

        Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội và tặng thưởng huân công cho những người đã lập được chiến công. Chủ trương của Đảng được toàn thể thành viên trong Hội đồng Chính phủ hoan nghênh.

        Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Bác kí sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tôi được trao quân hàm Đại tướng. Các anh Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Đối với Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ chiến đấu sớm nhất, đã trên hai năm. Bác và Trung ương đã cân nhắc; cuối cùng, đi tới quyết định phong quân hàm Trung tướng cho anh Nguyễn Bình. Ngoài ra, một số cán bộ cấp cục hoặc chỉ huy các liên khu được phong cấp Đại tá. Việc phong quân hàm chỉ mới tiến hành cho những cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân.

        Hội đồng Chính phủ dự định tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 27 tháng 5 năm 1948.

        Mấy ngày này trời mưa rất to.

        Ngày 27 tháng 5, trời vẫn mưa, các sông suối nước lớn không qua lại được. Các đại biểu chưa đến đủ. Cụ Bùi đại điện Quốc hội cũng chưa đến được. Hội đồng Chính phủ tranh thủ họp phiên toàn thể để giải quyết một số vấn đề quan trọng: đánh giá tình hình trong nước, âm mưu của bọn thực dân phản động Pháp, nhất là âm mưu chia rẽ của bọn chúng và cách thức đối phó; lập quy chế công chức mới thay thế cho chế độ công chức thời thuộc Pháp và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu thang lương công chức; ra sắc lệnh thành lập Ban thi đua toàn quốc và chọn ngày 19 tháng 6 năm 1948, ngày kỉ niệm 1.000 ngày kháng chiến làm ngày phát động phong trào thi đua toàn quốc.

        Cuộc họp kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong, phải tiếp tục họp vào sáng hôm sau.

        Ngày 28 tháng 5, vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể.

        Một hội trường mới dựng bên dòng suối lớn, dưới tán cây rừng, dựa vào sườn núi, vách mới đan còn thơm mùi nứa. Phía trong đặt một bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập nhất định thành công. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh gọi tôi lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “… Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh. Cụ trưởng ban Thường trực thay mặt Quốc hội, anh Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chức mừng. Anh Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Tôi xúc động phát biểu mấy lời, từ đáy lòng vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho tôi vinh dự cao cả. Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm trọn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc.

        Sau buổi lễ, chúng tôi ngồi quây quần bên Bác. Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hi sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, những trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh những người đã khuất… Cuộc nói chuyện trở thành buổi ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, truyền thống cách mạng của dân tộc ta.

        Sau đó các thành viên Chính phủ chụp chung một bức ảnh kỉ niệm.

        Khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy, việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào. Bác trả lời giản dị: Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng; thắng trung tướng phong trung tướng; thắng đại tướng phong đại tướng.

        Tháng Tám năm đó, tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, Bác nói về “tư cách một người tướng”: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người làm tướng là phải: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm Trung”. Đối với kỉ luật, “mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm tới mỗi đội viên… Báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng, thiết thực… Phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt. Ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”. Đối với binh sĩ, thì “từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, tới cái ăn cái mặc, nhất hiết phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi; khi bảo đánh, họ sẽ hăng hái đánh… Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định đi lạc hướng”. Đối với dân, “bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục vụ thì nhất định thắng lợi”. Đối với địch, thì “tuyệt đối chớ khinh địch… Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại”.

        Mồng 7 tháng 2 năm 1948, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bác và Thường vụ mới cán bộ Đảng và Nhà nước có mặt ở khu căn cứ tới dự một Tết đoàn kết. Tết kháng chiến đơn sơ những đầy phấn chấn sau chiến thắng Việt Bắc và tin Hồng quân Trung Hoa đang tiến hành phản công chiến lược từ khu giải phóng sang khu của chính quyền Quốc dân đảng. Bác nói trong buổi liên hoan: “Pháp khôn ngoan thì nên tìm cách kết thúc chiến tranh. Nếu Pháp dùng Bảo Đại để tiếp tục chiến tranh thì càng sớm thất bại. Bảo Đại không đại diện cho ai”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:16:58 am »

       
3

        Bước sang năm 1948, quân Pháp đã mở rộng phạm vi chiếm đóng trên nhiều vùng khá rộng của lãnh thổ nước ta.

        Ở miền Nam, chúng đã chiếm tất cả những thành phố, thị xã. Tại miền Trung, ta còn giữ được Thanh - Nghệ - Tĩnh và ba tỉnh ở Liên khu 5. Thu Đông 1947, Pháp lại chiếm thêm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Thất Khê, Nghĩa Lộ. Địch kiểm soát hầu hết miền Tây Bắc và phần lớn miền Đông Bắc, tạo sức ép vào căn cứ địa Việt Bắc.

        Để đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, chúng ta kiên quyết thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì đã được đề ra từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sớm hơn nữa, trong chỉ thị thành lập quân đội năm 1944, Bác đã nói: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”.

        Ngược dòng lịch sử, dân tộc Việt Nam từ thời lập quốc bốn nghìn năm trước ở lưu vực sông Hồng, đất hẹp người thưa, vỗn đã có truyền thống cả nước quật cường chung sức đánh giặc, thể hiện trong những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng… các thời Lê, Lý, Trần đều thực hiện “trăm họ là binh”, “ngụ binh ư nông”. Ông cha ta đã biết tổ chức ra cấm quân, du binh của triều đình, quân các lộ và hương binh, thổ binh, dân binh các xã, các hang động để thực hiện “cả nước đánh giặc”. Thời Trần, trước ba lần xâm lược của quân cường địch Nguyên Mông, nhà vua đã quy định thôn, xã nào giặc đi qua không đánh thì sẽ bị xóa tên.

        Chiến thắng vĩ đại đầu năm 1789 của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh đã chấm dứt thời kì đường đầu với các đội quân xâm lược hùng mạnh của triều đình phong kiến phương Bắc, tuy nước lớn hơn, quân đông hơn, nhưng về kinh tế xã hội thì vẫn ở một trình độ phát triển như nước ta.

        Bước vào thời kì cận đại, nhân dân ta, cũng như những dân tộc nhược tiểu khác, bắt đầu phải đối phó với chiến tranh xâm lược của những cường quốc tư bản không những có số dân đông hơn, mà còn vượt xa về trình độ kinh tế, kĩ thuật.

        Từ giữa thế kỉ XIX những cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực ở Gia Định, Phan Đình Phùng ở Hương Sơn, Đốc Ngữ ở sông Đà, Nguyễn Quang Bích ở Tây Bắc, Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy, Đinh Công Tráng ở Ba Đình, Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế…, có cuộc kéo dài mười năm, ba mươi năm, nhưng đều diễn ra đơn độc ở một địa phương và cuối cùng đều thất bại.

        Trong lịch sử cận đại của thế giới, chưa hề có tiền lệ thắng lợi trong cuộc đối đầu giữa các dân tộc nhược tiểu với các cường quốc đế quốc thực dân hùng mạnh.

        Chúng ta cần tìm ra những phương thức hữu hiệu để thực hiện “cả nước đánh giặc” trong thời đại mới với những điều kiện hết sức ngặt nghèo: nước nhỏ, dân không đông, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu vũ khí, thiếu cán bộ và tri thức quân sự hiện đại, chiến đấu giữa vòng vây, hoàn toàn không có nguồn tiếp tế từ bên ngoài.

        Để thực hiện chiến lược toàn dân kháng chiến, Đảng ta đã đề ra: “Triệt để dùng chiến thuật du kích”.

        Chiến thuật du kích đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử chiến tranh của loài người. Vì đây là cách đánh của kẻ yếu chống lại địch thủ mạnh hơn mình. Chiến thuật du kích đã trở thành quen thuộc với nhiều dân tộc, với những quan niệm và cách áp dụng khác nhau.

        Ở đây, tôi muốn xuất phát từ thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng và giữ nước của nhân dân ta mà nêu ra những đặc điểm cơ bản của chiến tranh du kích ở nước ta, của chiến tranh du kích Việt Nam.

        Trước hết, nói đến đặc điểm chiến trường. Có những nhà lí luận kinh điển về quân sự thế  giới, như Claudơvít, đã từng nói đến cách đánh du kích và khẳng định rằng, cách đánh ấy chỉ có thể tiến hành được ở những nước không gian rộng lớn như nước Nga. Mao Trạch Đông khi nói đến chiến tranh du kích cũng cho rằng, chiến tranh du kích chỉ có thể thực hiện thắng lợi trên những nước có không gian bao la như Trung Quốc chẳng hạn; còn đối với những nước nhỏ như nước Bỉ thì không thể đánh du kích được.

        Khi Đảng ta đề ra chủ trương dùng chiến thuật du kích, thì nhân dân ta đều hưởng ứng; đó là do lòng tin của Đảng và do chí khí quật cường nhất định phải đứng lên đánh kẻ địch xâm lược. Tuy nhiên, trong hàng ngũ cán bộ cũng có người tự đặt câu hỏi: nước ta là nước nhỏ, chiến trường hẹp, có khả năng thực hiện chiến thuật du kích để giành thắng lợi hay không? Cũng đã có những cuộc trao đổi ý kiến, những cuộc thảo luận trong phạm vi hẹp và thông thường đi đến kết luận, nói chung vẫn tôn trọng chủ trương của Đảng. Trong không khí hào hùng của cả nước kháng chiến, sự tồn vong của dân tộc động viên và thôi thúc toàn thể đồng bào đứng lên đánh du kích, không còn ai đặt nghi vấn gì hết. Và thực tiễn lịch sử đã chứng minh một chân lí mới: Chiến tranh du kích Việt Nam, chiến tranh du kích của một nước nhỏ đã đi đến thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 29 Tháng Tám, 2016, 03:17:27 am »


        Đứng về lực lượng tác chiến, thì đối với ta, đánh du kích chủ yếu là cách đánh của người dân, có súng và không có súng, có khi chỉ dùng giáo mác gậy gộc; như vậy bất kì đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều có thể đánh được, tạo nên một hình thái chiến tranh thực sự của toàn dân. Những đơn vị bộ đội nhỏ cũng tham gia đánh du kích, thường ở một mức tiểu tổ, tiểu đội, trung đội, có khi đến đại đội.

        Quần chúng nhân dân rộng rãi sẽ tiến hành những hoạt động chiến đấu thích hợp với khả năng của mình, trong đó không ít hoạt động mà chỉ họ, những người dân, mới làm được.

        Đây là một đặc điểm rất cơ bản trong kháng chiến toàn dân của ta. Nó cho phép ta duy trì cuộc chiến đấu ngay ở những vùng tạm chiếm, ở những nơi không có quân đội, hoặc quân đội đã rút đi.

        Một số nhà nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương cho tới nay vẫn cho rằng, du kích của ta thường dùng số đông áp đảo số ít, lấy mười chọi một, giống như cách đánh của những binh đoàn du kích Trung Quốc: “Tập trung lực lượng đánh bộ phận nhỏ của địch là một trong những nguyên tắc chiến trường của chiến tranh du kích”. Ta không chủ trương và hoàn toàn không có điều kiện tổ chức những binh đoàn du kích lớn như ở Trung Quốc hay trong chiến tranh Vệ quốc Liên Xô. Nguyên tắc tác chiến của chiến tranh du kích ta xuất phát từ những nguyên tắc truyền thống chung: Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít thắng nhiều; một trung đội, một tiểu đội, một tiểu tổ, một người chiến sĩ, một người dân thường cũng lao vào cuộc chiến đấu, dũng cảm và sáng tạo, tìm ra cách đánh địch và thắng địch.

        Những đặc điểm nói trên về phạm vi chiến trường và lực lượng tác chiến đưa đến một đặc điểm nữa. Nếu trong chiến tranh cách mạng Trung Quốc, du kích được hiểu là “đi để đánh” với đặc điểm là “đi”, thì những đội du kích của ta luôn luôn gắn với làng, xã, xí nghiệp. Trong những trận đánh lớn nó làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội. Mỗi người dân, mỗi người du kích, không “đi để đánh”, mà nhiệm vụ là trụ bám địa phương, có di chuyển cũng chỉ trong địa phương; vì tình làng nghĩa xóm lại quen thuộc địa hình địa vật, am hiểu đến từng cành cây ngọn cỏ, họ hoàn toàn có khả năng tiến hành vô vàn những hoạt động nhỏ, có tiếng súng và không tiếng súng, những hoạt động chiến đấu muôn hình muôn vẻ, những hoạt động toàn diện, không phải chỉ là thuần túy quân sự.

        Những đặc điểm cơ bản của chiến tranh du kích Việt Nam trong kháng chiến toàn dân cho phép ta phát động và duy trì cuộc chiến đấu ở ngay vùng tạm bị chiếm, ở cả những nơi không có quân đội. Đó là cách đánh du kích sáng tạo, phù hợp với dân tộc mình, tại một nước đất không rộng, người lúc đó chưa đông, kẻ thù lại đã có mặt khắp nơi. Nó là tấm lưới vô hình bao la, giăng khắp nơi, níu chặt lấy quân viễn chinh và làm cho một bộ phận lớn của chúng ngày càng bị tiêu hao và sa lầy, không có lối thoát.

        Từ lâu, chúng ta đã nghe nói đến chiến thuật du kích mà nhiều nước phương Tây gọi bằng một từ Tây Ban Nha “ghêrila” (guerilla) có nghĩa là đánh nhỏ. Theo cách gọi này, du kích được hiểu là những hoạt động quấy rối, phục kích, tập kích của nghĩa quân, kể cả bộ đội chủ lực. Từ lúc nhân dân Trung Hoa đứng lên kháng Nhật, chúng ta cũng đã từng theo dõi những hoạt động của Bát lộ quân, Tân tứ quân. Lúc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì ở Việt Nam đã có cuốn sách “Trì cựu chiến” của Mao Trạch Đông và cuốn “Chiến tranh du kích kháng Nhật” của Chu Đức. Chúng ta cũng đã có những cuốn sách nhỏ về du kích Nga, du kích Pháp, du kích Nam Tư. Những kinh nghiệm của Trung Quốc, Liên Xô và các nước đã giúp chúng ta nhiều về kiến thức quân sự. Vấn đề là không tiếp thu máy móc những kinh nghiệm ấy mà phải biết vận dụng sáng tạo, từ thực tiễn chiến trường nước ta mà đi đến một kiểu chiến tranh du kích thích hợp, chiến tranh du kích Việt Nam.

        Trong cuốn “Cách đánh du kích” dùng để huấn luyện cho các cán bộ ở Pắc Bó từ năm 1941, Bác đã viết: “Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Đế quốc có khí giới tốt, có quân đội đàng hoàng, quân du kích không có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng, nhưng quân du kích được dân chúng ủng hộ, thuộc địa hình, địa thế, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng, khéo xếp đặt kế hoạch nên quân du kích vẫn có thể đánh được đế quốc”.

        Đó là quan niệm về “du kích của ta, cách đánh của đông đảo những người dân, của cả một dân tộc. Có người có súng; tuyệt đại đa số là những người không có súng. Tất cả cùng chung một điểm xuất phát: là người dân, không am hiểu về quân sự quyết tâm không cam tâm tiếp tục sống cuộc đời nô lệ.

        Từ giữa năm 1947, dân quân, tự vệ, du kích đã trở thành một bộ phận cấu thành của quân đội quốc gia Việt Nam.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM