Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:09:03 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43967 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:04:46 pm »

       
5

        Sau Hội nghị quân sự lần thứ tư, theo dự tính tôi sẽ đi thăm Tuyên Quang, Chiêm Hóa trước khi bước vào mùa khô. Nhưng trong những ngày hội nghị, anh Nguyễn Khang, Bí thứ Khu 12, đã nói tới những hiện tượng mới về cuôc chiến đấu của ta ở vùng đất bị tạm chiếm Nam phần Bắc Ninh khiến tôi rất quan tâm. Tôi quyết định lên đường đi thăm Khu 12 trước. Chiến khu 12 lúc này gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên (kể cả Đông Triều và Chí Linh).

        Đây là chuyến về trung du đầu tiên của tôi kể từ ngày lên Việt Bắc. Trải qua mấy tháng, quang cảnh đã thay đổi nhiều. Tôi cùng với mấy đồng chí giúp việc cho ngựa đi nước kiệu. Dọc đường, chỉ dăm ba cây số lại gặp một “thị trấn” mới: Phú Minh, Ba Giăng, Cù Vân, Đại Từ, Quán Triều… Những cửa hàng xén, hàng cơm, hàng giải khát, hiệu ảnh, hiệu cắt tóc, chỉ nhìn qua cũng biết là của người dưới xuôi tản cư lên. Khách hàng phần lớn là bộ đội. Những cán bộ,chiến sĩ trẻ măng, đã có màu da mai mái của núi rừng. Không khí các phố mới này đầm ấm, vui vẻ. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, mọi người gặp nhau ở đâu đều gọi nhau là “đồng chí”. Cách gọi tiền khởi nghĩa này không còn phổ biến nữa. Nhưng hình như ai nấy đều có niềm tự hào kín đáo mình đang có mặt tại đất thánh của cách mạng.

        Trên những nền nhà phá hoại của thị xã Thái Nguyên đã mọc lên nhiều ngôi nhà bằng tre nứa, khá sáng sủa. Lại có những ngôi hàng với những tên thanh lịch, nổi tiếng của Thủ đô. Cuộc sống vẫn cứ sinh sôi. Trong cửa hàng, những cô gái tản cư đang chuyện trò cùng với những anh bộ đội trẻ.

        Qua thị xã Thái Nguyên, bắt đầu nhìn thấy chân trời. Núi rừng lùi dần về phía sau. Những quả đồi thấp dần. Những cánh đồng lúa của vùng trung du trải dài trước mắt. Chúng tôi đi theo đường sông Máng về Yên Thế. Quê hương của cụ Đề Thám đang mùa cam. Những vườn cam xanh mướt trĩu quả vàng. Bắc Giang vẫn là một tỉnh tự do.

        Sau khi nghe tình hình chung, tôi yêu cầu Khu ủy cử cán bộ báo cáo kĩ về cuộc chiến đấu tại Nam phần Bắc Ninh.

        Đây là vùng đất ở phía đông bắc sông Hồng, tiếp giáp với Hà Nội. Lại nghe nhắc tới những tên quen thuộc: cầu Long Biên, cầu Đuống, cầy Bây, cầu Chui, Gia Lâm, Trâu Quỳ… Địch càn quét bốn huyện ở Nam phần rất quyết liệt. Từ cuối tháng Tư, bộ đội của trung đoàn Bắc Bắc đã bị bật khỏi đây.

        Tôi chú ý tới một hiện tượng lạ: một đại đội chủ lực độc lập của tỉnh từ đó tới nay vẫn ở lại trong vùng tạm chiếm!

        Đơn vị này vốn gốc gác là một trăm cán bộ và chiến sĩ của đại đội tự vệ Ngọc Thụy (Gia Lâm), trong đó có nhiều công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm đã tham gia những đội quyết tử chiến đấu từ đêm 19 tháng 12. Tỉnh đã bổ sung vào đây một trung đội tự vệ của thị xã Bắc Ninh và gần một trăm chiến sĩ du kích được tuyển lựa từ các xã. Đại đội được tổ chức thành 5 trung đội, trong đó có tiểu đội tự vệ công giáo làng Ái Mộ và một tiểu đội nữ, được đặt tên là tiểu đội Trưng Trắc.

        Đại đội được phối thuộc chiến đấu với một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Bắc Bắc. Khi địch tiến công lớn, tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho toàn thể bộ đội rút lui. Người liên lạc mang lệnh cho đại đội bị thương. Vì vậy, họ mất liên lạc với tiểu đoàn, nằm lọt lại giữa vòng vây. Trung đoàn tưởng rằng đại đội này đã bị tiêu diệt. Ít lâu sau, được tin họ vẫn tồn tại và tiếp tục chiến đấu trong lòng địch, trung đoàn ra lệnh cho đại đội rút lui. Nhưng cả đơn vị từ cán bộ đến chiến sĩ đều xin ở lại tiếp tục chiến đấu để giữ gìn phong trào. Họ đoán chắc với cấp trên là kẻ địch không thể tiêu diệt được mình. Dân quân, du kích, nhân dân các huyện Nam phần, nhất trí đề nghị với tỉnh cho đại đội ở lại và hứa sẽ chăm lo về đời sống cho các chiến sĩ.

        Đại đội này tồn tại vì đã bám chắc vào dân, dựa vào những làng chiến đấu, khi tập trung, khi phân tán thành từng trung đội, tiểu đội, chiến đấu với quân địch. Kẻ địch biết một bộ phận quân ta còn ở lại, ráo riết lùng sục, tìm mọi cách để tiêu diệt hoặc đẩy ta ra ngoài. Nhưng chúng đã không làm được việc đó. Với đại đội này, phong trào chiến tranh du kích không những được duy trì mà còn phát triển. Những toán quân địch hành quân lẻ bị tiêu diệt. Chính quyền địch ở nhiều thôn xã e sợ bộ đội và du kích. Nhiều tên tề ác bị trừ khử. Số khá đông trở thành tề hai mặt, bề ngoài nhận làm việc cho địch, nhưng bên trong vẫn chịu sự chi phối, điều khiển của ta. Nhờ có đại đội này, bộ đội chủ lực của tỉnh lại có điều kiện thuận lợi vào ra vùng tạm chiếm, tổ chức những trận tập kích, phục kích ở sâu trong lòng địch.

        Với tinh thần hăng hái chiến đấu, bảo vệ dân và giữ gìn kỉ luật quần chúng, đại đội được nhân dân các huyện Nam phần Bắc Binh yêu mến và tin cậy. Các đồng chí ở tỉnh đã chọn cho đại đội một cái tên thích hợp: Đại đội nghĩa quân.

        Bắc Ninh đã có truyền thống tổ chức làng kháng chiến từ trước ngày Tổng khởi nghĩa. Quân Nhật và lính bảo an không dễ gì lọt vào những làng này. Sau ngày 19 tháng 12 năm 1946, làng kháng chiến được phát triển khá rộng rãi. Đi đầu là Đình Bảng, Tú He, Làng Giàng. Mỗi làng có một trận địa hầm hào, công sự tác chiến, mìn, chông, cạm bẫy. Dân quân tự vệ canh phòng cẩn mật, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Mặc dù chỉ là những trận địa đơn độc, nhiều khi nằm lọt vào giữa những trận càn lớn, dân quân, du kích với vũ khí, đạn dược không nhiều, dựa vào hầm hào đã không ít lần cầm chân được quân địch. Làng chiến đấu xã Ái Quốc, làng Cam nằm giáp đê sống Đuống, đã gây cho địch nhiều thương vong, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn. Riêng làng chiến đấu Đình Bảng, ở Bắc phần Bắc Ninh trong suốt sáu tháng chiến đấu chưa lần nào để kẻ địch nọt qua lũy tre xanh.

        Như vậy là không ít vấn đề nêu trong nghị quyết đã được thực hiện với nhiều sáng tạo ở cơ sở. Những khả năng rất to lớn đã mở ra cho cuộc kháng chiến lâu dài.

        Tôi bàn với các anh ở Khu ủy và trong Bộ chỉ huy tiếp tục phát triển những đại đội độc lấp kiểu đại đội nghĩa quân, đem kinh nghiệm của đại đội này vận dụng ở những vùng địch mới lấn chiếm, đồng thời mở rộng việc xây dựng làng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:09:55 pm »

       
6

        Thực tế chiến đấu ở Nam phần Bắc Ninh như một trang sách mới mở ra trước mắt tôi. Những ngày chiến đấu chống Nhật ở Cao - Bắc - Lạng, tôi đã nhận thấy đơn vị trung đội rất thích hợp với công tác vận động vũ trang tuyên truyền, nhưng phải là đơn vị đại đội mới đủ sức mạnh để tồn tại và tiến hành những hoạt động quân sự có hiệu quả trong vùng địch kiểm soát. Hội nghị quân sự lần thứ tư đã có quyết định “để lại đơn vị đại đội hoạt động ở vùng sau lưng địch”. Quyết định này rất chính xác. Muốn phát động chiến tranh du kích rộng khắp không thể thiếu vai trò đại đội độc lập ở mỗi địa phương. Dọc đường về, tôi chỉ còn băn khoăn sử dụng những đơn vị chủ lực ở quy mô nào là thích hợp nếu địch tiến công lên Việt Bắc?

        Từ sau ngày có chính quyền cách mạng, chúng ta dự kiến sẽ xây dựng hai đại đoàn chủ lực. Các khu đều hăng hái lựa chọn tiểu đoàn khá nhất, những vũ khí tốt nhất đưa lên Bộ để đóng góp xây dựng đại đoàn. Nhưng rồi chiến tranh sớm nổ ra và lan rộng rất nhanh. Những chi đội lên đường Nam tiến, những trung đội phải gắn với các chiến khu, các mặt trận. Chưa hề có điều kiện tập trung lực lượng dự bị chiến lược để đối phó với những cuộc tiến công lớn của địch.

        Hạ tuần tháng Tám vừa qua, Chính phủ ban hành sắc lệnh tổ chức Đại đoàn Độc lập trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy, dự kiến anh Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng sẽ kiêm nhiệm Đại đoàn trưởng. Công tác chuẩn bị ở Bộ đang được xúc tiến.

        Trong khi nghĩ đến không khí nô nức chuẩn bị thành lập đại đoàn, thì hình ảnh sinh động của đại đội nghĩa quân sống giữa vùng hậu địch Nam phần Bắc Ninh mỗi lúc một in đậm trong đầu. Ngựa bắt đầu lên dốc. Đây là một đèo nhỏ báo hiệu ranh giới giữa trung du và Việt Bắc. Trên đỉnh đèo, những lùm tre vàng rượi nắng thu. Những luồng gió mang theo hơi lạnh từ Thái Nguyên thổi về. Tâm hồn cảm thấy thư thái, lâng lâng. Ngồi trên mình ngựa, một ý nghĩ mới nẩy ra. Nó lóe lên như một ánh chớp soi rọi vào những chỗ trước đây còn mờ nhạt trong suy tư…

        Chính lúc này, tôi chợt nhận ra muốn đưa cuộc kháng chiến tiến lên vững chắc chưa phải là lúc tập trung bộ đội thành đại đoàn, chuẩn bị những trận đánh lớn, mà phải có một quá trình rèn luyện thích hợp cho bộ đội ta từ thấp đến cao, một quá trình kiên nhẫn, lâu dài. Những sự kiện lần lượt hiện lên trong óc tôi: mặt trận Huế vỡ, trận đánh trung đoàn vào thị xã Hà Đông không thành công, sự tồn tại của đại đội nghĩa quân giữa địch hậu Bắc Ninh… đều chứng minh việc cần làm ngay chưa phải là tập trung bộ đội để xây dựng đại đoàn; mà ngược lại phải mạnh dạn phân tán một bộ phận bộ đội thành những đại đội đi sâu vào địch hậu để phát động chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực ta thì cần được rèn luyện tác chiến ở quy mô tiểu đoàn, rồi trung đoàn, trước khi tác chiến quy mô lớn hơn.

        Qua thị xã Thái Nguyên, tôi quyết định rẽ lên Chợ Chu vào nơi Bác ở. Cơ quan của Bác đã chuyển về Điềm Mạc.

        Sau bữa cơm chiều, bên bếp lửa nhà sàn, tôi báo cáo với Bác về Hội nghị quân sự lần thứ tư và chuyến đi Chiến khu 12, rồi nói:

        - Địch đang chuẩn bị một trận đánh lớn tiêu diệt chủ lực ta để sớm kết thúc chiến tranh. Bộ tội ta với trình độ trang bị, kĩ thuật như hiện nay chưa thể tập trung đánh lớn được. Đề nghị Bác và Thường vụ cho hoãn việc thành lập đại đoàn một thời gian. Ta đề ra kháng chiến toàn dân, toàn diện, nhưng phong trào chiến tranh du kích của ta ở địch hậu phát triển chưa mạnh. Tôi thấy cần đưa ngay một bộ phận chủ lực phân tán thành những đại đội về những địa phương ở địch hậu để phát động chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực ở khu và Bộ hiện nay chỉ nên tổ chức tập trung ở quy mô tiểu đoàn; tiểu đoàn không phải là quá nhỏ, người Pháp coi tiểu đoàn là “một binh đoàn tác chiến nhỏ”; tác chiến ở quy mô tiểu đoàn là phù hợp với chiến thuật du kích vận động chiến. Tôi xin đề nghị một công thức cụ thể: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Theo phương châm Bác đề ra trước đây, dân quân du kích là nguồn bổ sung cho chủ lực. Khi phong trào du kích mạnh thì chủ lực sẽ rút, địa phương càng mạnh thì càng phải tiếp tục bổ sung cho chủ lực. Trong vài ba năm trước mắt, cần phải hoạt động chiến tranh du kích rộng khắp. Cuối cùng, muốn chiến thắng quân địch, nhất định phải có một đội quân chủ lực thật mạnh…

        Bác chăm chú nghe rồi nói ngay:

        - Phân tán một bộ phận chủ lực để phát động chiến tranh du kích là rất cần. Không phải chỉ đưa đại đội vào địch hậu mà đưa cả về những địa phương nay mai chiến sự sẽ lan tới. Công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” là phù hợp với tình hình hiện nay. Số lượng các đại đội đưa về địa phương do Thường vụ quyết định. Sau khi Thường vụ nhất trí, cần thực hiện ngay.

        Gia đình nhà chủ đem lại một rổ sắn và một ít mật mía.

        Bác ngồi hút thuốc vẻ trầm ngâm rồi nói:

        - Địch đưa sang thêm nhiều viện binh. Nay mai chiến sự lan rộng và ác liệt hơn, dân mình còn phải cực khổ nhiều… Thu Đông này các chú chuẩn bị tốt chưa?

        Tôi báo cáo đã có chỉ thị gửi các nơi, đã tiến hành việc cất giấu kho tàng, lương thực, làm vườn không nhà trống khi địch đến và phá hoại những đường giao thông quan trọng. Cả nước đã có trên một triệu dân quân, du kích. Bộ đội được bổ sung chấn chỉnh suốt mùa hè, đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu.

        Sáng hôm sau, tôi sang  chỗ anh Trường Chinh báo cáo lại ý kiến của Bác. Anh Trường Chinh nhất trí từ Khu 4 trở ra có thể đưa một phần ba bộ đội chủ lực phân tán thành đại đội độc lập về địa phương làm nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích; ở các khu, mỗi trung đoàn chỉ để lại bộ chỉ huy trung đoàn và một tiểu đoàn chủ lực tập trung; riêng ở Bắc Bộ, các tiểu đoàn chủ lực vẫn giữ nguyên, và sẽ được bố trí từng tiểu đoàn tác chiến trên một địa bàn hoặc một hướng.

        Anh mỉm cười nói:

        - Bây giờ đã hiểu vì sao bộ đội cứ thích dàn trận đông người. Với đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung thì toàn quân nhất định phải dùng du kích và du kích vận động chiến,.

        Anh Trường Chinh chuẩn bị lên đường đi thị xã Bắc Kạn. Không ai nghĩ là một nguy hiểm đang chờ anh ở phía trước.

        Trở về cơ quan, phòng 2 vẫn chưa có tin tức gì mới về cuộc tiến công của địch. Về sau, chúng tôi mới biết đúng vào thời gian đó, cơ sở ta ở Hà Nội báo tin địch tập trung rất đông quân ở Gia Lâm, có nhiều quân dù, chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Vì sơ suất không tổ chức giao thông liên lạc nên tin tức cực kì quan trọng này đã không đến với chúng tôi kịp thời.

        Bộ Tổng tham mưu đã dự thảo xong mệnh lệnh gửi các khu trong cả nước về kế hoạch đối phó với cuộc tiến công mùa khô của địch. Mệnh lệnh khẳng định Bắc Bộ sẽ là chiến trường chính. Địch có thể “quét đồng bằng Bắc Bộ, đánh lên căn cứ địa Việt Bắc”. Mệnh lệnh đề ra kế hoạch đối phó với địch trong cả hai trường hợp.

        Bản mệnh lệnh này chưa quán triệt những quyết định mới của Bác và Thường vụ về hình thức tổ chức mới của bộ đội. Tôi nghĩ tới một bản huấn lệnh bổ sung riêng về vấn đề này. Đã là mồng 4 tháng 10. Thời gian cấp bách. Tôi sửa một đôi chỗ trong mệnh lệnh rồi kí để kịp gửi các khu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:19:05 pm »

       
Chương bốn

VIỆT BẮC, THU ĐÔNG 1947

1

        Cuối mùa hè, cơ quan Bộ Tổng chỉ huy dời về Yên Thông, không xa Điềm Mạc nơi Bác ở.

        Hồi này, chúng tôi vẫn còn ở chung với đồng bào. Vùng này ruộng ít, dân nghèo. Những ngôi nhà nằm rải rác trên những vạt đất bằng, phía sau là đồi cọ hoặc rừng vầu, phía trước là những mảnh ruộng nhỏ. Xa xa, dãy núi Hồng chạy dài tới Phú Minh. Để giữ bí mật, cơ quan thường di chuyển. Có khi tôi phải làm việc trong một căn buồng chứa dụng cụ của đồng bào.

        Vào cuối thu, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tư tưởng có phần căng thẳng. Một đêm trăng đẹp ở núi rừng Điềm Mạc. Bác đã viết những câu thơ:

                                                     Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
                                                     Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa,
                                                     Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
                                                     Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.


        Ngày 6 tháng Mười, theo chương trình đã định, tôi tranh thủ đi Tuyên Quang và Chiêm Hóa. Tại Chiêm Hóa có mấy trường đại học với những nhà trí thức kháng chiến tiêu biểu và một số xưởng máy, kho tàng quan trọng của ta. Đây cũng là một điểm xung yếu của Việt Bắc. Tôi đã nhiều lần hẹn anh Nguyễn Văn Huyên, anh Tôn Thất Tùng… lên thăm Chiêm Hóa, biết là các anh đang mong khi sắp bước vào mùa khô.

        Đường lên Chiêm Hóa cũng chưa phá hoại. Xe đưa chúng tôi từ Yên Thông qua Phú Minh sang Tuyên Quang rồi ngược đường số 2. con đường trước đây vắng vẻ, nay từng quãng lại có một quán hàng, một dãy phố kháng chiến. Cư dân mới của những ngôi nhà tre nứa ẩn dưới lùm cây, hầu hết là gia đình cán bộ từ xuôi lên. Mỗi ngôi nhà đơn sơ này vừa là trạm liên lạc đối với những cán bộ từ xe về bỡ ngỡ, vừa là trạm kiểm soát với những kẻ lạ mặt tới dò la. Mạng lưới bảo vệ lỏng lẻo này thực ra rất hữu hiệu.

        Tới Chiêm Hóa, vừa bàn với các anh về việc sơ tán cơ quan, kho tàng khi có chiến sự và tổ chức những trậm quân y để phục vụ mặt trận thì có điện khẩn: ngày 7 tháng 10 quân Pháp đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Cuộc tiến công mùa khô của địch đã bắt đầu từ một thị xã nằm sâu giữa lòng Việt Bắc! Mọi người tỏ vẻ lo lắng. Trước khi mượn được mấy con ngựa để trở về gấp, tôi nói với anh Huyên và anh Tùng: “Theo kinh nghiệm của ông cha ta, khi giặc tới ào ào như nước, như lửa, thì không đáng sợ!”.

        Đầu tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy đã trao nhiệm vụ tác chiến cho các khu ở Bắc Bộ trong trường hợp địch đánh lên Việt Bắc. Trong mệnh lệnh, dự kiến hướng chính của cuộc tiến công sẽ là Thái Nguyên qua Phúc Yên, và Tuyên Quang qua Vĩnh Yên, Phú Thọ; hướng kiềm chế phối hợp sẽ là Bắc Giang, Lạng Sơn ở phía đông và Hòa Bình, Sơn La ở phía tây. Nhiệm vụ được phân công cho bộ đội chủ lực của Bộ và của Khu 1, Khu 10 là đánh địch ở hướng chính. Còn các khu khác thì có nhiệm vụ đánh địch trên các hướng kiềm chế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động để phối hợp khắp chiến trường, nhất là trên đường số 5.

        Những đơn vị của Bộ và các khu đang lên đường chuẩn bị làm nhiệm vụ.

        Cuộc tiến công của địch bắt đầu từ Bắc Kạn là ngoài dự kiến của ta. Một số cơ quan tập trung ở thị xã và vùng ven: Ty ngân khố, cơ sở in giấy bạc, trường võ bị Trần Quốc Tuấn, bộ phận dự bị Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nhà máy, kho tàng. Điều khiến tôi đặc biệt lo lắng là anh Trường Chinh vừa lên đây công tác và anh Hoàng Văn Thái cũng đang có mặt ở thị xã. Những con đường nối liền với Bắc Kạn đều chưa phá hoại.

        Trên đường về, tôi gặp tỉnh ủy và ủy ban tỉnh Tuyên Quang nhắc hoàn thành gấp việc phá hoại thị xã, đường sá, kiểm tra kế hoạch tác chiến dọc sông Lô và đường bộ lên Tuyên Quang. Tôi tạt vào Thanh La chỉ thị cho anh Phan Mỹ và anh Trần Duy Hưng bàn với các anh trong Chính phủ thực hiện quân sự hóa cơ quan và chuẩn bị phân tán di chuyển.

        Sáng ngày 8, tôi về tới sở chỉ huy. Không khí cơ quan khẩn trương. Những tài liệu quan trọng đang được bỏ vào hòm sắt.

        Đồng chí trưởng phòng tác chiến báo cáo: 8 giờ 45 phút và 10 giờ sáng ngày 7 tháng 10, quân Pháp đã nhảy dù hai đợt xuống thị xã Bắc Kạn, trinh sát đã đếm được khoảng tám trăm dù. 14 giờ 30, khoảng hai trăm quân Pháp nhảy dù xuống Chợ Mới, chỉ cách an toàn khu hai chục kilômét đường chim bay. Tham mưu đã thông báo tin tức cụ thể về địch cho tất cả các quân khu, các tỉnh, các đơn vị chủ lực và chỉ thị báo cáo ngay về Bộ những diễn biến mới của tình hình. Trong buổi hội ý, đồng chí Trần Hiệu, phục trách công tác tình báo cũng có mặt nhưng không cung cấp được thêm tin tức gì về địch. Công tác này đối với ta còn quá mới mẻ. Đài phát thanh các nước phương Tây cũng không hề đưa tin tức gì về cuộc tiến công của Pháp.

        Thường vụ đã có điện cho tỉnh ủy Bắc Kạn phải lãnh đạo các lực lượng vũ trang tích cực đánh địch, bảo vệ cơ quan, sơ tán kho tàng, lãnh đạo quân dân làm vườn không nhà trống và đã điện cho các địa phương trên cả nước báo tin cuộc tiến công Việt Bắc bắt đầu, các khu ủy và quân khu ủy phải lãnh đạo bộ đội đánh mạnh để chia sẻ lực lượng địch, phá kế hoạch tiến công của chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:19:47 pm »


        Cách đây nửa tháng, ngày 20 tháng 9, ở phía Tây Bắc, quân Pháp đã mở một cuộc tiến công trên toàn tuyến: từ Phong Thổ đánh ra Bát Xát, từ Bình Lư tiến chiếm Sa Pa sắp tới Lào Cai, từ Mường Chiên, Vạn Yên đánh ra, kết hợp với nhảy dù Than Uyên, Khâu Cọ, đã chiếm Thượng Đẳng La, sắp tiến đến Nghĩa Lộ… Bây giờ thì đã rõ: Tây Bắc là hướng nghi binh, kềm chế; Việt Bắc mới là hướng tiến công chính của địch.

        Tôi chỉ thị cơ quan tham mưu cử ngay người lên Bắc Kạn tìm anh Trường Chinh và anh Hoàng Văn Thái, tập trung mọi khả năng, phương tiện theo dõi địch, phát hiện kịp thời ý đồ và kế hoạch cuộc tiến công; ra lệnh cho trung đoàn 72 đang ở Bắc Kạn cùng với một tiểu đoàn chủ lực của Bộ làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, phát động chiến tranh du kích, đánh địch khi chúng lấn ra và vận động trên các đường Bắc Kạn - Chợ Mới, Bắc Kạn - Phủ Thông.

        Tôi thông qua dự thảo Quân lệnh tiêu diệt địch để bảo vệ Việt Bắc và Nhật lệnh của Bộ Tổng chỉ huy kêu gọi quân và dân cả nước chiến đấu phá tan kế hoạch tiến công mùa Đông của giặc Pháp. Sau đó, tôi đi gấp sang Điềm Mạc.

        Bác và Thường vụ đang rất lo lắng vì chưa có tin anh Trường Chinh và một số cán bộ bị kẹt ở thị xã.

        Tôi báo cáo về tình hình mới diễn biến trong ngày và một số việc đã làm của Bộ Tổng chỉ huy. Với tin mới về cánh quân lớn của địch xuất hiện trên đường số 4 trưa nay, dự đoán địch sẽ đánh chiếm Cao Bằng rồi bắt liên lạc với quân dù ở Bắc Kạn. Cao Bằng đã có chuẩn bị sẽ không rơi vào tình thế bị động như Bắc Kạn. Căn cứ địa Việt Bắc đang ở thế bị uy hiếp từ hai phía đông và tây. Hướng tây, địch sẽ chiếm Lào Cai và Hà Giang để phong tỏa biên giới phía bắc nước ta. Có thể sẽ có một cánh quân tiến theo đường số 3 và sông Lô lên Tuyên Quang, bộ đội khu 10 đã bố trí đánh địch ở hướng này.

        Bác hỏi: Địch có thể huy động bao nhiêu quân vào cuộc tiến công?

        Tôi đáp: Theo tin tức gần đây, Vanluy được tăng viện hai vạn quân.

        Bác nói: Nước Pháp không đủ sức để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Chúng phải cố gắng đánh một đòn quân sự quyết định tạo điều kiện cho Bôlae đưa Bảo Đại về tìm cách kết thúc chiến tranh. Dù Vanluy có huy động được cả hai vạn quân vào cuộc tiến công thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, và tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa, cũng không có gì đáng ngại…

        Chiều mồng 9, anh Thái từ Bắc Kạn trở về. Địch nhảy dù trong lúc anh đang nói chuyện với bộ đội và học sinh trường võ bị trên sân vận động thị xã. Lực lượng bộ đội ở đây chỉ có một tiểu đoàn tân binh. Lần đầu gặp quân dù, mặc dù còn bỡ ngỡ, lúng túng, bộ đội đã chiến đấu bảo vệ cho các cơ quan và nhân dân rút ra ngoài. Trên đường về, anh Thái đã ghé vào những cơ sở sản xuất của quân giới, quân y và đài dự bị Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo việc di chuyển gấp. Khi về tới cơ quan Bộ, anh mới biết anh Trường Chinh cũng có mặt tại Bắc Kạn.

        Chúng tôi trao đổi dự kiến về những diễn biến sắp tới. Sau khi nối liền Cao Bằng với Bắc Kạn, địch sẽ từ đó đánh lan rộng, có thể đánh xuống hướng nam, nơi cao an toàn khu. Tôi chỉ thị điều động gấp những lực lượng của Bộ ở Trung Du về để chuyển lên hướng bắc, lệnh cho trường võ bị Trần Quốc Tuấn bế giảng và đưa cán bộ về các đơn vị kịp thời tham gia chiến đấu.

        Tôi nói: “Địch mở đầu cuộc tiến công lớn bằng nhảy dù xuống Bắc Kạn nhằm chụp bắt và tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến. Chúng lầm tưởng Bắc Kạn là thủ đô chính trị mới của ta. Chúng gây cho ta một số thiệt hại nhưng đã không đạt được mục đích mà lại mất thế bất ngờ trên cả chiến trường Việt Bắc. Nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ cơ quan lãnh đạo bằng mọi giá. Cần bám sát mọi động tĩnh của địch để điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành lại chủ động. Trước mắt đôn đốc đánh đich trên đường số 4, số 3 và sẵn sàng chiến đấu trên hướng đường số 2 và sông Lô”.

        Tối hôm đó, cơ quan tham mưu gọi điện thoại mừng rỡ báo tin một đơn vị bộ đội đã gặp anh Trường Chinh ở phía nam Chợ Đồn. Sáng hôm sau, anh Thái sẽ cùng một tiểu đoàn vệ binh đi đón đồng chí Tổng bí thư. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

        Nửa đêm mồng 9, anh Trường Chinh mới về tới nhà. Anh Thái lên tới Thanh Cốc thì gặp đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đang ngồi nghỉ cùng một đơn vị bộ đội địa phương bên bờ suối. Theo anh nói lại, khi máy bay tới ném bom, bắn phá, anh đang làm việc với tỉnh ủy phải tạm lánh xuống hầm. Lát sau, địch nhảy dù xuống đúng khu vực trú ẩn. Chúng đi lại nhiều lần trên nóc hầm mà không biết có người bên dưới. Trời tối, anh cùng với cán bộ và đồng bào tìm đường rút ra ngoài. Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động bí mật đã giúp đồng chí Tổng bí thư thoát hiểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:24:17 pm »

       
2

        Ngày 8 tháng 10, quân Pháp chiếm Chợ Đồn.

        Ngày 9 tháng 10, một tiểu đoàn quân dù nhảy xuống thị xã Cao Bằng.

        Ngày 10 tháng 10, 35 tàu chiến địch từ Hà Nội theo sông Hồng tiến lên Sơn Tây.

        Cùng ngày, trên đường số 4, quân Pháp tiến tới Thất Khê.

        Bộ Tổng chỉ huy điện gấp cho Khu 10 tích cực đánh địch trên sông, đồng thời điều một tiểu đoàn chủ lực của Bộ, tiểu đoàn 18, tiến nhanh về phía Bình Ca, kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía tây của Việt Bắc, cũng là của an toàn khu. Tôi gửi cho tiểu đoàn trưởng Vũ Phương và chính trị viên tiểu đoàn Hồng Cư một mệnh lệnh viết tay: “Tiểu đoàn 18 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”.

        Ngày 11, Hội đồng Chính phủ do Bác chủ tọa họp giữa tiếng máy bay địch gầm rú bắn phá. Tôi báo cáo tình hình chiến sự. Toàn thể thành viên chính phủ biểu thị quyết tâm kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi.

        Ngày 12, bộ binh Pháp hành quân tiến lên thị xã Cao Bằng. Tàu chiến, ca nô địch cũng lên tới thị xã Tuyên Quang.

        Đài phát thanh phương Tây vẫn chưa hề đả động đến cuộc tiến công.

        Trong tuần đầu, bộ đội thiên về đánh tập trung, vận động từ xa tới, chuẩn bị vội vã, đánh địch không đạt nhiều hiệu quả. Pháo binh mấy lần bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt tàu địch trên sông Lô. Ở Phan Lư, pháo để xa, báo động chậm, cơ động tới gần sông thì tàu địch đã đi qua. Ở Ngọc Chú, pháo mới bắn được hai phát thì gục nòng. Riêng ở Bình Ca, ngày 12, pháo ta đã bắn chìm một tàu LCVP. Đây là chiến công đầu tiên trên sông Lô. Cùng ngày, tiểu đoàn 18 đánh bại cuộc tiến công đổ bộ của địch tại bến Bình Ca.

        Ở thị xã Cao Bằng, ta đã kịp thời di chuyển cơ quan, tài sản ra ngoài, nhưng khi địch nhảy dù, trung đoàn 74 đang phân tán làm nhiệm vụ phá hoại nhà cửa, không có bộ phận trực chiến nên chỉ đánh nhỏ tiêu hao địch. Đặc biệt, bộ đội Cao Bằng bắn rơi được một máy bay.

        Dân quân du kích đã có một số hoạt động đánh địch nhảy dù và phục kích những toán quân địch nống ra như ở Thanh Mai (Bắc Kạn), Đề Thám (Cao Bằng). Những “tổ chim sẻ” đã mang lại cái chết bất ngờ cho quân địch. Tuy nhiên, phong trào du kích còn chưa phát triển mạnh.

        Cường độ phát triển từng ngày của cuộc tiến công chứng tỏ tính chiến lược và quy mô rộng lớn chưa từng có của nó. Địch đang đi tìm một trận đánh quyết định ở ngay tại căn cứ địa của ta.

        Lực lượng bộ đội ở khu căn cứ lúc này không quá ít. Nhưng trừ trung đoàn Thủ đô và trung đoàn Lạng Sơn đã được thử thách ít nhiều, tất cả những đơn vị khác đều chưa qua chiến đấu. Trình độ trang bị, tổ chức của ta chưa cho phép tiến hành những trận đánh lớn để ngăn chặn quân địch, hoặc tiêu diệt quân địch tại những thị xã chúng vừa chiếm đóng. Những trận tập kích của bộ đội ta vào những vị trí đóng quân của địch tới lúc đó đều chưa đạt được kết quả gì đáng kể. Mấy ngày qua, các khu, các tỉnh đều báo cáo về, ở những nơi có bộ đội, nhân dân rất bình tĩnh, chuẩn bị chiến đấu, ở những nơi nào chỉ có du kích, mặc dù anh em hăng hái, nhưng đồng bào tỏ ra lo lắng.

        Tôi đã nhận thấy cách đối phó thích hợp với cuộc tiến công chiến lược của địch là thực tiện ngay công thức: “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Việc này cần làm ở tất cả các khu, trước hết là ngay tại Việt Bắc. Cần đưa gấp những đại đội độc lập về các địa phương để làm nòng cốt phát động chiến tranh du kích khắp nơi. Các tiểu đoàn chủ lực thì lưu động tác chiến trên chiến trường từng địa phương, trước hết là tập trung vào những đường giao thông huyết mạch.

        Tôi trao đổi những điều trên với anh Thái và giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu dự thảo gấp một bản huấn lệnh về “Đại đoàn độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

        Tối 13, cán bộ phòng 2 mang tới cho tôi một tài liệu vô giá trong lúc này: bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của Pháp kèm theo bản đồ.

        Sáng ngày 9 tháng 10, khi quân Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng, đại đội trợ chiến của trung đoàn 74, bố trí trên đồi thiên văn, đã bắn rơi một máy bay Jnnker-52. Xác máy bay rơi xuống xã Đề Thám. Máy bay này chở một số sĩ quan tham mưu của bộ chỉ huy chiến dịch Việt Bắc đi thị sát chiến trường. Những người đi trên máy bay đều chết, trong đó thiếu tá Lămbe (Lambert), đặc phái viên của Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương. Trong số những tài liệu thu được từ máy bay có bản kế hoạch tiến công Việt Bắc. Một chiến sĩ liên lạc, đồng chí Nguyễn Danh Lộc, đã chạy bộ xuyên rừng suốt bốn ngày đêm đưa tài liệu này về Bộ Tổng Tham mưu.

        Anh Hoàng Văn Thái gọi điện thoại báo cáo vắn tắt những nhận xét của cơ quan tham mưu sau khi nghiên cứu bản kế hoạch. Tôi bảo anh Thái chuẩn bị cuộc họp của các cơ quan tham mưu, chính trị vào sáng hôm sau và nhắc anh Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục chính trị, tặng thưởng huân chương cho đại đội trợ chiến trung đoàn 74 đã bắn hạ máy bay địch, thu được bản kế hoạch quan trọng, và khen thưởng đồng chí Nguyễn Danh Lộc.

        Tôi cho thắp thêm một ngọn đèn dầu thứ hai trên bàn làm việc.

        Tài liệu gồm một bản kế hoạch tiến công và một bản đồ Việt Bắc.

        Kế hoạch tiến công Việt Bắc gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh là Léa và Clôclo.

        Cuộc hành binh bước một lấy tên là Lêa hình thành hai gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc, bao gồm 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Binh đoàn B xuất phát từ hướng đông, từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, rồi vòng xuống hợp vây với cánh quân hướng tây, bắt liên lạc với cánh quân Bắc Kạn. Binh đoàn C ở hướng tây, xuất phát từ Hà Nội theo sông Hồng, đến Việt Trì, theo sông Lô lên Tuyên Quang, rồi theo sông Gâm tiến lên gặp binh đoàn B. Sau này chúng tôi biết, binh đoàn B do Bôphrê (Beaufré) chỉ huy; binh đoàn C do Commuynan (Communal) chỉ huy; hợp điểm của hai gọng kìm này sẽ là Đài Thị. Tiếp đó là cuộc hành binh bước hai lấy tên là Clôclo, quân địch sẽ tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới và phía tây đường số 3.

        Theo tính toán của cơ quan tham mưu ta, gọng kìm phía tây dài 270 kilômét, gọng kìm phía đông dài 420 kilômét. Bộ chỉ huy Pháp dự kiến hai cánh quân sẽ gặp nhau vào ngày 13 ở Đài Thị.

        Hôm ấy đã là ngày 13! Cả hai cánh quân Pháp còn ở khá xa Đài Thị. Cánh phía đông mới chỉ đến gần hồ Ba Bể, còn phải qua Bản Thi rồi mới tới Đài Thị. Còn cánh quân phía tây mới đến Tuyên Quang, cách Đài Thị xa.

        Như vậy, kế hoạch Lêa của địch đã không thực hiện đúng thời gian. Kế hoạch Clôlco do đó, sẽ phải chậm lại. Khoảng thời gian này là vô cùng quý giá đối với ta.

        Chắc chắn trên các mặt trận khác, Pháp cũng có những cuộc hành binh phối hợp với Việt Bắc. Ta chưa rõ binh lực dùng cho cuộc tiến công mùa đông này là bao nhiêu. Nhưng qua bản kế hoạch đã thấy đây là một cuộc tiến công chiến lược với những tham vọng rất lớn nhằm chụp bắt cơ quan đầu não của kháng chiến và đánh bại chủ lực ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:29:38 pm »

       
3

        Sáng 14, anh Trường Chinh tới Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy. Nét mặt anh tươi lên khi biết chúng ta đã có trong tay bản kế hoạch hành binh của địch. Anh trao đổi với chúng tôi về âm mưu của địch được thể hiện trong bản kế hoạch, tình hình các mặt trận, chủ trương của ta để chuẩn bị cho cuộc họp Thường vụ buổi chiều.

        Chúng tôi nhận định địch đã huy động một lực lượng lớn nhất mà chúng có thể huy động được gồm những đơn vị bộ binh tinh nhuệ, lính dù, cơ giới, pháo binh, công binh, máy bay, tàu chiến vào trận đánh quyết định này. Địch đã tạo được sự bất ngờ, gây cho ta những thiệt hại về vật chất ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Chợ Đồn, Tuyên Quang. Khuyết điểm của ta là không đánh giá thật đúng âm mưu và cách đánh của địch. Chiến tranh du kích tại các địa phương chưa mạnh. Bộ đội chưa đánh được trận nào đáng kể. Việc phá hoại các đường sá và thị xã, thị trấn ở trong khu căn cứ chưa triệt để. Ở một số nơi nhân dân có phần hoang mang.

        Tuy nhiên, kẻ địch đông không có nghĩa là chúng mạnh. Địch đã thất bại ngay từ đầu trong âm mưu chủ yếu  là muốn chụp bắt cơ quan lãnh đạo của kháng chiến. Cuộc tiến công của địch không diễn ra cùng một lúc, nên trừ thị xã Bắc Kạn bị bất ngờ, ở những nơi khác, ta đều đã có đề phòng. Lực lượng của địch bị rải ra trên một địa bàn quá rộng, lại là chiến trường rừng núi, tiếp tế khó khăn, các phương tiện kĩ thuật khó phát huy được sức mạnh, sẽ bộc lộ nhiều sơ hở. Hai gọng kìm tiến công của địch quá dài không thể thực hiện được nhiệm vụ bao vây căn cứ địa. Chủ trương hợp vây của địch so với kế hoạch đã bị chậm lại nhiều. Nếu ta phá hoại đường sá triệt để thì việc di chuyển của cơ giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Những gọng kìm của địch trải dài theo trục đường, trục sông rất dễ bẻ gãy. Điều cần đề phòng là kế hoạch Clôclo, những mũi dùi lùng sục địch dự kiến đều nằm trong khu căn cứ của ta.

        Tôi đề nghị:

        - Phân tán hai phần ba bộ đội chủ lực, đưa các đại đội về địa phương. Cùng dân quân du kích phát động chiến tranh du kích rộng rãi, bao vây và tiêu hao địch ở những nơi chúng mới đặt chân tới. Tiếp tục động viên và giúp đỡ nhân dân gặt hết lúa mới chín, phân tán kho tàng, triệt để làm vườn không nhà trống, phá hoại các đường giao thông quan trọng, hình thành phong trào chiến tranh toàn dân rộng khắp.

        - Bố trí các trung đoàn và tiểu đoàn ở những địa bàn hiểm yếu, trước hết là dọc đường số 4, dọc đường số 2 ven sông Lô và đường số 3, sẵn sàng tập kích, từng bước làm tê liệt và bẻ gãy hai gọng kìm chủ yếu của địch.

        - Cơ quan chỉ huy chia thành hai bộ phận: bộ phận nặng ở lại căn cứ đi sâu vào phía núi, bộ phận nhẹ chuyển ra ngoài khu vực bị uy hiếp, vừa chỉ đạo các chiến trường toàn quốc, vừa chỉ đạo ba mặt trận ở Việt Bắc. Tôi phụ trách bộ phận chỉ huy nhẹ và sẽ đi mặt trận Đường số 4; anh Thái đi mặt trận Đường số 3; anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng đi mặt trận sông Lô; anh Văn Tiến Dũng phụ trách bộ phận nặng ở lại căn cứ.

        Bác và Thường vụ Trung ương sẽ ở lại an toàn khu vì nhân dân ta tại đây đã có truyền thống và kinh nghiệm bảo vệ cán bộ từ thời hoạt động bí mật. Trước mắt, chuyển lên vùng cao và khi cần thiết sẽ chuyển tới nơi an toàn hơn, về phía Bản Cóc.

        Anh Trường Chinh nhất trí với những đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy. Trước khi anh Thái ra về, tôi nhắc thảo gấp một huấn lệnh mới về nhiệm vụ tác chiến Thu Đông cho Khu 1 và Khu 10, và hoàn chỉnh ngay bản huấn lệnh về “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

        Cuộc họp Thường vụ Trung ương chiều 14 có Bác cùng dự. Sau khi nghe báo cáo âm mưu của địch, kiến nghị của Bộ Tổng chỉ huy, dự thảo chỉ thị của Thường vụ do anh Trường Chinh trình bày, hội nghị nhận định: Cuộc tiến công lần này của Pháp không chứng tỏ địch mạnh, mà vì yếu nên phải mạo hiểm. Địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn, nếu ta biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của địch thì nhất định cuộc tiến công sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, tổ chức ba mặt trận, cơ quan lãnh đạo sẽ ở lại khu căn cứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 11:30:01 pm »


        Anh Trường Chinh nói:

        - Chúng ta vừa đánh vừa học, kể cả học cái hay của địch để sửa chữa sai lầm của ta, phát triển những ưu điểm của ta, lợi dụng triệt để những nhược điểm của địch, nhằm trúng vào chỗ yếu của địch mà đánh, làm cho kẻ địch bị thiệt hại đến mức không thể gượng lại sau chiến dịch này và buộc chúng phải chuyển sang thế thủ.

        Bác kết thúc cuộc họp.

        - Tình hình cực kì rồi ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn kết thúc sớm chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng phải dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này chúng không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta.

        Ngày hôm sau, 15 tháng 10, theo tinh thần buổi họp, Thường vụ Trung ương ra bản chỉ thị: “Phải phá cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp” cho quân và dân cả nước.

        Cùng ngày, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh ĐB/01, nêu ra những nguyên tắc mới về tổ chức bộ đội, và bố trí lực lượng, về nhiệm vụ của các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung: “Cuộc tiến công Việt Bắc lần này, địch hành binh táo bạo bằng nhảy dù chiếm đóng ngay hậu phương ta làm tình hình chiến sự thay đổi. Về chiến lược hiện nay, không có phân biệt hậu phương và tiền phương… Vì sự cần thiết phát động du kích chiến tranh rộng rãi nên kế hoạch bố trí và tác chiến cần phải thích hợp với tình thế.. Thực hiện ngay việc lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương… Bộ đội chủ lực thì đặt ở những nơi cơ động gần mặt trận hoặc đường giao thông quan trọng và nguyên tắc là nên tập trung lực lượng từng tiểu đoàn phụ trách từng khu vực một”. Nhiệm vụ của đại đội độc lập là: “Quấy rối tiêu diệt từng bộ phận địch đến. Phối hợp với bộ đội lưu động đánh những trận lớn”. Nhiệm vụ của các tiểu đoàn tập trung là: “Phối hợp với các đại đội độc lập và du kích địa phương tiêu diệt địch ở những vị trí lẻ hay khi đang vận chuyển trên đường giao thông”.

        Cũng trong ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân Việt Bắc ra sức đánh bại cuộc hành binh của địch, quân dân cả nước tích cực đánh địch phối hợp với Việt Bắc. Bác viết:”Địch hội quân ở Bắc Kạn tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến… Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”.

        Ngày 18 tháng 10, tôi kí các bản mệnh lệnh gửi Khu 1, nêu rõ: tất cả các trung đoàn của khu chỉ giữ lại bộ chỉ huy trung đoàn và một tiểu đoàn tập trung, các tiểu đoàn khác thì giải thể thành đại đội, đưa các đại đội về các huyện được chỉ ra trong mệnh lệnh. Cuối lệnh ghi rõ: “Mệnh lệnh phải được thi hành xong trước ngày 16 tháng 11 năm 1947 và báo cáo kết quả về Bộ”. Bộ Tổng tham mưu phái cán bộ đi trực tiếp giúp đỡ những đại đội độc lập ở một số huyện trọng điểm thuộc Bắc Kạn, Lạng Sơn và Tuyên Quang. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai phần ba lực lượng các trung đoàn đã được đưa về huyện làm nhiệm vụ bộ đội địa phương.

        Từ ngày 13, đài phát thanh của địch mới bắt đầu loan tin quân đội Pháp đánh chiếm Cao Bằng, Bắc Kạn, cùng với hàng loạt vị trí khác ở Việt Bắc. Quan chức Pháp ở Sài Gòn giải thích những cuộc tiến công đang diễn ra là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều đình với Bảo Đại. Chúng tuyên truyền rầm rĩ về thắng lợi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

        Thực dân Pháp đặt kì vọng vào cuộc tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc mà họ cho là đang diễn tiến thuận lợi. Sau này, chúng ta được đọc bản báo cáo ngày 17 tháng 10 năm 1947 của Xa lăng gửi Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp trong đó Xalăng đã nhận định: “Con đường tiếp tế chính nối liền Việt Minh với Trung Quốc qua Cao Bằng đã bị cắt đứt. Sự tan rã của căn cứ quốc gia Việt Minh bắt đầu nghiêm trọng trong khu vực đông bắc (Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn)… Quân Pháp đang ở thế tiếp tục càn quét mạnh và làm tan rã căn cứ… Không còn nghi ngờ gì nữa, kết quả của đòn đánh mãnh liệt và trực tiếp đã gây nên hậu quả đáng kể đối với tiềm lực và tinh thần đối phương”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 07:33:43 am »

       
4

        Ngày 17, tôi cùng bộ phận chỉ huy nhẹ rời Yên Thông sau khi đã điện lệnh cho trung đoàn 74 (Cao Bằng) và trung đoàn 11 (Lạng Sơn) phải tổ chức phục kích địch trên đường số 4, đồng thời chỉ thị cho Khu 10 chuyển gấp pháo lên thượng nguồn sông Lô, nơi có địa hình kín đáo, thuận lợi cho việc phục kích tàu địch. Anh Hoàng Văn Thái, anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng cũng lên đường đi mặt trận Đường số 3 và mặt trận sông Lô.

        Chúng tôi đi xuôi xuống Bờ Đậu, rẽ qua xã Trung Lương về Đồn Đu. Tiểu đội thông tin rải đường dây điện thoại và mang theo điện đài để duy trì liên lạc thường xuyên với các mặt trận.

        Các bản làng đều vắng vẻ. Đồng bào ở đây đã thực hiện vườn không nhà trống, triệt để sơ tán vào rừng, mang theo cả thóc lúa, trâu bò, gia súc. Không nghe thấy tiếng gà gáy, chó sủa. Nơi nào cũng có khẩu hiệu: “Đập tan cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”. Chỉ còn du kích, dân quân ở lại canh gác làng bản. Nhớ lại những ngày chạy địch lùng càn ở chiến khu trước Cách mạng tháng Tám thì ngày nay, kẻ địch mạnh hơn nhiều lần. Có tin trong các binh đoàn của Pháp, có cả những đội quân được huấn luyện đặc biệt để đánh rừng. Nhưng lần này chúng tôi tới đâu cũng được ủy ban kháng chiến báo cáo tình hình địch, cử giao thông dẫn đường. Đồng chí giao thông huyện Phú Lương đưa chúng tôi đi tiếp về phía La Hiên.

        Ngày 20 tới địa phận huyện Vũ Nhai. Buổi chiều, chúng tôi đi hết cánh đồng Tràng Xá rồi rẽ vào một bản nhỏ của đồng bào Dao đã được chọn để đặt Bộ chỉ huy nhẹ. Trước nhà là một bãi cỏ dẫn tới một khu rừng có suối trong, chung quanh nhiều núi đá. Gia đình nhà chủ không biết chúng tôi là ai. Đã lâu mới có cán bộ tới, bác chủ nhà đề nghị làm lễ kết nghĩa. Lại nhớ tới những ngày trước Tổng khởi nghĩa cùng đồng bào chích máu gà uống rượu ăn thề suốt đời hoạt động và hi sinh cho cách mạng.

        Sau tuần lễ thứ hai, tính từ khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, những hoạt động chiến đấu của ta đã tăng lên đáng kể.

        Ngày 15, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu pháo phối hợp tiến công vào 200 quân địch đóng tại Chợ Mới. Ngày 21, trên mặt trận Đường số 3, một tiểu đoàn của trung đoàn Thủ đô tiến công một đại đội địch đóng tại Chợ Đồn. Ở cả hai nơi, bộ đội ta chỉ tiêu hao quân địch, không thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt. Nhưng cả hai trận đánh này cùng với 17 trận phục kích nhỏ trên đường Phủ Thông - Bắc Kạn, Chợ Mới - Bắc Kạn đã làm cho quân địch thấy bắt đầu gặp sự chống trả mạnh, không dám sục ra ngoài thị xã và những vị trí đóng quân. Máy bay phải thả dù tiếp tế xuống Bắc Kạn.

        Ở phía tây, một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Hà Tuyên do đồng chí Lê Thùy chỉ huy tích cực bám sát gọng kìm Commuyan, liên tiếp tập kích địch, khiến chúng phải tiến quân dè dặt, ngày 20 mới tới Đầm Hồng và phải dừng lại chờ thêm lực lượng. Ngày 22, tự vệ thị xã Tuyên Quang dùng địa lôi do ta chế tạo đánh một trận ở kilômét số 7 trên đường số 2, diệt và làm bị thương gần một trăm quân địch. Một tiểu đoàn quân Pháp đang tiến lên Chiêm Hóa buộc phải quay trở lại.

        Cuộc hành binh của quân Pháp đã bị chậm nhiều so với kế hoạch.

        Hằng ngày, tôi vẫn báo cáo kịp thời những diễn biến chiến sự với Bác và anh Trường Chinh. Đề phòng quân địch nhảy dù bất ngờ, Bác đã từ Điềm Mạc lên Khuổi Tát.

        Ngày 22, có tin quân của Bôphrê đã có mặt ở Đài Thị và quân của Commuyan cũng sắp tới đây. Như vậy kế hoạch Lêa sẽ kết thúc, và kế hoạch Clôclo có thể sẽ bắt đầu và cuộc vây ép khu tứ giác Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Kạn - Thái Nguyên, mà điểm trung tâm là Chợ Chu. Tôi viết thư hỏa tốc đề nghị Bác và anh Trường Chinh di chuyển theo kế hoạch đã bàn trong Thường vụ. Đúng lúc Bác đang mệt. Anh Trường Chinh rất phân vân. Nhưng Bác nói cứ làm theo kế hoạch. Đường lên làng Cóc rậm rạp. Bác phải bỏ ngựa, ở nhiều đoạn phải rẽ lau vạch cỏ mà đi. Bản Cóc là một cơ sở cách mạng lâu ngày của ta ở vùng cao, có nhiều đồng chí người Dao trung kiên. Được tin Bác đã lên tới nơi, tôi rất yên tâm.

        Tôi quyết định đi gấp lên mặt trận Đường số 4.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 07:40:12 am »

       
5

        Con đường từ Đình Cả lên Bình Gia nằm giữa hai trền núi đá. Những ngọn núi đá nối tiếp nhau, xanh xanh nhấp nhô. Bản làng rải rác ở chân núi với những ngôi nhà sàn bốn mái. Cảnh đẹp và thanh bình đôi lúc làm quên đi tình hình gay gắt của chiến tranh.

        Suốt dọc đường, mỗi lần nghỉ chân, cán bộ tác chiến lại dùng điện thoại liên lạc với các mặt trận để nắm tin tức.

        Chiều ngày 25, qua Bắc Sơn, trong lúc chúng tôi đang nghỉ chân thì đồng chí cán bộ tác chiến chạy tới:

        - Báo cáo anh, có tin chiến thắng lớn tại mặt trận Sông Lô.

        Từ ngày địch đánh lên Tuyên Quang, tôi luôn trông chờ tin chiến thắng từ phía sông Lô. Địa hình hiểm trở của con sông rất thuận lợi cho những trận phục kích bằng pháo binh. Chúng ta đã có kế hoạch chuẩn bị từ trươc. Nhưng cho tới nay, pháo ta sau nhiều lần phát hỏa vẫn chưa gây cho địch những tổn thất đáng kể. Anh em báo cáo là chiến thuyền địch cơ động nên khó bắn trúng mục tiêu. Cũng có lí do là pháo của ta chắp vá, không đảm bảo kĩ thuật. Tại Bình Ca, khẩu pháo vừa bắn được một phát thì đổ gục, bánh pháo do ta chế không chịu nổi sức giật nên bị gãy. Có khẩu pháo được ghép tự những bộ phận ta thu được ở sáu tỉnh, được đặt tên là “Khẩu đội lục tỉnh”. Có khẩu riêng nòng pháo đã phải ghép nối từ hai chiếc nòng khác nhau, anh em thường gọi là pháo nối nòng.

        Đồng chí cán bộ tác chiến báo cáo, trưa nay pháo binh ta đã bắn chìm hai tàu chiến địch tại Đoan Hùng và bắn trọng thương hai chiếc khác.

        - Nhắc lại! - Tôi nói.

        Đồng chí cán bộ tác chiến nói rành rọt:

        - 12 giờ trưa nay, một đoàn tàu địch 5 chiếc từ Tuyên Quang xuống lọt vào trận địa phục kích của trung đội Xuân Canh (tức trung đoàn trước ở pháo đài Xuân Canh ngoại thành Hà Nội) và trung đội Lục tỉnh, anh em đã bắn chìm tại chỗ 2 chiếc, toàn bộ quân địch chết đuối, bắn hỏng nặng 2 chiếc khác, chỉ có một chiếc quay đầu chạy rất chậm trở lại Tuyên Quang. Theo báo cáo địch chết hàng trăm tên.

        - Đánh bằng cách nào? Sao những lần trước bắn ít trúng, mà trúng cũng không chìm?

        - Báo cáo anh, những lần trước, anh em sợ địch lao lên bờ cướp mắt pháo nên đặt pháo ở xa bắn cầu vồng, đạn chỉ rơi gần mục tiêu. Trận này, anh em đặt pháo ngay sát bờ, có bộ binh bảo vệ, ngắm bắn tàu địch trực tiếp qua nòng pháo nên bắn trúng.

        Sau trận này, tuyến đường thủy sông Lô của địch bị cắt mười ngày. Địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang và Chiêm Hóa. Báo chí và đài phát thanh của Pháp gọi đây là “thảm họa Đoan Hùng”.

        Tin chiến thắng Đoan Hùng như một luống gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của chiến tranh. Bộ Tổng chỉ huy lập tức gửi điện cho Khu 10 biểu dương chiến công của pháo binh trên mặt trận Sông Lô và nhắc cố gắng tiếp tục sáng tạo những cách đánh mới, tiêu diệt  nhiều tàu chiến và tàu vận tải của địch trên sông Lô, sông Gâm, góp phần vào việc bẻ gãy gọng kìm phía tây. Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc.

        Buổi tối ngày 25, chúng tôi tới cơ quan tỉnh Lạng Sơn ở Bình Gia. Đồng chí Hoàng Văn Kiều, bí thư tỉnh ủy, đồng chí Trần Minh Tước, chủ tịch tỉnh đã tổ chức ngay một buổi làm việc, các đồng chí chỉ huy trung đoàn 11 cũng có mặt.

        Đoạn đường số 4 từ Lạng Sơn tới Cao Bằng nằm giữa rừng núi cao hiểm trở, rất thuận lợi cho những trận phục kích. Lực lượng ta trên quãng đường này có trung đoàn 74 của Cao Bằng và trung đoàn 11 của Lạng Sơn. Theo phân công, trung đoàn 11 đánh địch từ Đồng Mỏ qua Lạng Sơn tới Đông Khê; từ Đông Khê lên Cao Bằng thuộc trách nhiệm của trung đoàn 74. Bộ đã điện lệnh cho hai trung đoàn sớm tổ chức những trận đánh địch vận chuyển trên đường số 4. Cách đây ít ngày, tôi đã cử anh Đào Văn Trường, trưởng phòng tác chiến của Bộ lên đây để nắm tình hình và đôn đốc việc đánh địch.

        Thực hiện Huấn lệnh 101, cả hai trung đoàn Lạng Sơn, Cao Bằng đều đã phân tán thành những tiểu đoàn tác chiến trên từng khu vực và đưa một số đại đội độc lập về các địa phương trọng yếu để phát động chiến tranh du kích. Lạng Sơn và Cao Bằng đều là những vùng căn cứ địa lâu ngày của cách mạng, nhân dân giác ngộ sớm, phong trào chiến tranh du kích phát triển khá tốt. Vừa tới Lạng Sơn, đã được tin ở Cao Bằng, công nhân quân giới xưởng Lê Tổ và dân quân xã Hào Lịch, Hưng Đạo, Hùng Việt đánh lui một cuộc tiến công của Pháp, diệt gần 100 địch. Tuy nhiên, bộ đội chủ lực còn chưa đánh được trận phục kích nào đáng kể.

        Các đồng chí ở trung đoàn 11 báo cáo quân địch đề phòng rất cẩn mật trên đường vận chuyển, các đoàn xe luôn luôn có xe thiết giáp hộ tống, đơn vị đang tích cực đi tìm địa điểm phục kích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 26 Tháng Tám, 2016, 07:40:44 am »


        Tôi nhấn mạnh, với việc đánh chiếm thị xã Cao Bằng và Bắc Kạn, đường số 4 trở thành con đường huyết mạch của dịch. Chúng ta phải biến đường số 4 thành con đường chết đối với kẻ thù, không phải chỉ trong thời gian trước mắt, mà lâu dài trong suốt quá trình địch còn chiếm đóng vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Địa hình đường số 4 từ Thất Khê lên Cao Bằng hoàn toàn phù hợp với những trận phục kích ở quy mô tiểu đoàn, ta có thể gây những thiệt hại lớn cho quân địch, chủ động khi đánh cũng như khi rút, bảo tồn được lực lượng và tăng cường thêm trang bị với những vũ khí cướp được. Điều quan trọng hiện nay là cần nắm vững quy luật những cuộc hành quân vận chuyển và tiến hành một số trận đánh để rút kinh nghiệm.

        Tôi ở lại Bình Gia trong một bản người Nùng. Nhà sàn ở đây khá rộng rãi, mái lợp ngói, sạch sẽ. Chủ nhà tiếp đón rất ân cần. Người Nùng và người Tày cùng nói chung một thứ tiếng, nhưng trang phục, tập quán có khác nhau. Người Tày nhuộm răng đen, phụ nữ mặc áo dài. Người Nùng, cả nam lẫn nữ đều mặc áo ngắn, đẻ răng trắng. Trước kia, giữa người Nùng và người Tày có sự chia rẽ, trai gái Nùng, Tày thường ít khi lấy nhau. Từ ngày có cách mạng, tình hình đã khác hẳn, người Nùng và người Tày như anh em một nhà.

        Ngày 27 tháng Mười, tôi gửi điện cho cả ba mặt trận:

        - Mặt trận Đường số 4: Kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt địch.

        - Mặt trận Đường số 3: Bao vây, cắt tiếp tế, bức địch rút khỏi khu vực Chợ Đồn, Chợ Rã.

        - Mặt trận sông Lô: Đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức địch rút khỏi Chiêm Hóa, Đầm Hồng.

        Bốn ngày sau, sáng 31 tháng 10, tôi vừa thức dậy, thì có điện thoại từ đường số 4 báo tin chiến thắng lớn ở Bông Lau. Người báo cáo là đồng chí Thế Hùng, chính trị viên trung đoàn 11, được phân công đi sát chỉ đạo một tiểu đoàn chiến đấu trên đường Đông Khê - Thất Khê. Mười bảy giờ chiều hôm trước, tiểu đoàn 374 đã phục kích một tiểu đoàn ba chục chiếc xe địch trên đèo Bông Lau, phá hủy 27 xe, diệt 104 địch, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, 60 chiếc dù và nhiều quân trang, quân dụng.

        Đây là tin vui lớn thứ hai trong vòng một tuần lễ. Nó đã khẳng định chủ trương mở ba mặt trận nhắm vào những tuyến vận chuyển thiết yếu của địch là chính xác. Trong chiến tranh, không ít khi xảy ra trường hợp chủ trương đúng đắn của người chỉ huy không trở thành hiện thực. Vì chiến thắng chỉ có được với những hành động mưu trí, dũng cảm của những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Những triển vọng tươi sáng đã mở ra cho bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch này qua hai chiến thắng Sông Lô và Bông Lau.

        Tiểu đoàn 374 gồm những đơn vị trước đây phân tán làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở những bản làng trong tỉnh Lạng Sơn mới tập trung lại, với toàn bộ chiến sĩ là người dân tộc Tày, Nùng. Vũ khí, trang bị của tiểu đoàn không có gì đặc biệt. Tiểu đoàn chưa hề có kinh nghiệm đánh tập trung. Tôi cử ngay đồng chí phái viên Đặng Văn Việt xuống tiểu đoàn đem theo thư khen của Tổng chỉ huy, và nghiên cứu kĩ những kinh nghiệm, nguyên nhân thành công của trận đánh.

        Trận phục kích đã được bố trí rất khéo. Các chiến sĩ là người địa phương nên rất thông thuộc địa hình, thời tiết và quy luật vận chuyển của những đoàn xe địch. Trận đánh nổ ra vào 5 giờ chiều, là lúc ở vùng cao về mùa đông trời đã gần tối. Đoàn xe ba chục chiếc từ Đông Khê xuống, sau khi qua đỉnh đèo Bông Lau hiểm trở, yên trí đổ dốc về phía Thất Khê, nơi binh lính sẽ được nghỉ ngơi. Giữa lúc đó, một trái bom 25 kilôgam bất thần nổ ở lưng chừng đèo, lật nhào chiếc sê thứ hai. Chiếc đi đầu chạy thoát. Chiếc xe thứ ba bị trúng đạn badôca bốc cháy. Đoàn xe bị đánh bất ngờ, ùn tắc lại. Tiểu đội công binh tiếp tục giật địa lôi. Xe địch chiếc lao xuống vực, chiếc quay ngang đâm vào vách núi. Đại liên, trung liên, badôca của ta trút đạn vào đoàn xe. Sau mười phút nổ súng, ba đại đội xung kích của ta từ ven rừng Khau Phia đồng loạt xung phong. Quân địch già nửa là Âu Phi chống cự yết ớt. Binh lính ngụy bỏ chạy vào rừng sâu. Cả đoàn xe, có xe bọc thép hộ vệ, với khoảng hai trăm rưởi binh lính đi trên xe đều bị diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt cháy các xe. Bên ta chỉ có một chiến sĩ hi sinh và năm người khác bị thương. Số vũ khí, đạn dược thu được trong trận đánh khá lớn.

        Xalăng sau này viết trong hồi kí: “Họ còn đánh những trận phục kích lớn hàng mấy trăm người, bằng những quả mìn điều khiển từ xa kết hợp với súng máy trên những đoạn đường dài khiến cho quân Pháp bị tổn thất nặng nề”.

        Sau sông Lô đến lượt đường số 4 bị cắt đứt nhiều ngày. Địch phải dùng máy bay thả dù tiếp tế cho Bắc Kạn, Cao Bằng, đóng thêm một số đồn bốt nhỏ dọc đường và huy động 7 đại đội càn sâu vào phía tây nam Đông Khê, Thất Khê 11 - 12 kilômét. Tiểu đoàn 374 vừa lập công ở Bông Lau, lại có dịp cùng một đại đội độc lập và dân quân du kích chặn đánh địch ở Áng Mò, Văn Minh diệt gần tám chục quân địch, đánh lui một cuộc càn quét.

        Kinh nghiệm trận đánh Bông Lau được phổ biến nhanh chóng đi các nơi. Đây là một trận đánh tiêu diệt gòn giã, diệt gọn cả một đơn vị phần lớn là lê dương mà ta chỉ thương vong rất ít. Thắng lợi Bông Lau mở đầu cho hàng loạt trận phục kích lớn sau này. Bộ Tổng chỉ huy quyết định tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Bông Lau” cho tiểu đoàn 374. Bài hát Bông Lau, “Bông Lau, Bông Lau, rừng sâu pha máu”, ra đời.

        Từ đó, đường số 4 đã trở thành con đường máu của quân địch.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM