Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:51:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43940 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:41:37 am »


        Một phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại Hà Nội đã miêu tả cuộc chiến đấu như sau: “Tôi đã thấy những người Pháp chết như thế nào dưới súng đạn Việt Nam ở hậu tuyến Hà Nội hay ở những trận kì dị giữa trung tâm thành phố, ở một góc đường dưới những làn đạn tiểu liên bắn dọc theo đại lộ. Trong cuộc chiến tranh kì dị 1 này, người ta có thể chết một cách dễ dàng ở bất kì nơi nào, lúc nào mà người ta không thể biết được (…). Trong đơn vị đóng ở Nhà thờ để chống giữ mặt Hàng Bông, một trung úy chỉ huy đã tính có tới 35 người chết. Quân Pháp đóng nơi nào cũng phải chiếm tầng gác ba, còn dưới nhà thì để trống, và phải đốt nhà bên cạnh. Phải đóng như vậy để phòng ngừa Việt Minh biệt kích (…) Ban đêm, họ len lỏi vào các phố một cách nhanh nhẹn, không một tiếng động, không một bóng người. Từ trên gác cao, quân Pháp ném lựu đạn xuống. Họ vẫn tiến công một cách hăng hái và bền bỉ với những tiếng hò hết gây khủng khiếp. Đến sáng, họ lại biến đi như mây khói. Ban ngày, họ tìm nơi chắc chắn nhất, chĩa súng vào các vị trí của đối phương. Tiếng súng nổ cả ban ngày, không phải chỉ ở những nơi có giới tuyến rõ rệt, mà cả những khu quân Pháp cho là đã quét sạch. Những nơi mà tôi mới đi qua thì một giờ sau, người ta đã thấy những xác lính Pháp chết gục ở đây rồi…”.

        Ngày đó, cách đánh của ta ở Hà Nội được gọi là “du kích trận địa chiến”. Về từ ngữ, thuật ngữ này có vẻ như không ổn, vì nó kết hợp hai chiến thuật rất khác nhau. Du kích thường được hiểu là “đi để đánh”, đặc điểm của nó là “đi”. Trận địa chiến là đánh dựa vào chiến hào, công sự, đặc điểm của nó là sử dụng trận địa “cố định”. Nhưng trong thực tế, ta đã kết hợp cả hai chiến thuật này là tạo cho nó một dạng mới trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nó trực tiếp bắt nguồn từ tư tưởng chiến tranh toàn dân, từ cách đánh du kích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những trận đánh ở Sài Gòn, Hải Phòng; xa hơn là tư tưởng “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều” của ông cha ta.

        Sau này đọc luận văn quân sự của Lênin, tôi ngạc nhiên khi thấy đoạn văn sau đây: “Đi theo với sự cải tiến kĩ thuật quân sự, phương thức và phương pháp đánh đường phố đang thay đổi và cần phải thay đổi (…) Cuộc khởi nghĩa Mátxcơva đã đề ra chiến thuật chướng ngại vật mới - chiến thuật chiến tranh du kích. Những đội ngũ đặc biệt nhỏ và cơ động là tổ chức do chiến thuật như vậy tạo ra”.

        Ở đây, một lần nữa cần nhấn mạnh, những cuộc chiến đấu ở nội thành Hà Nội, Huế, Nam Định… sẽ không thể kéo dài nếu chúng ta không giành quyền chủ động tiến công địch, nếu không có sự chiến đấu phối hợp tích cực của chiến trường cả nước, đặc biệt là ở Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ.

        Có được sự chủ động chiến lược này là nhờ Đảng ta đã sớm nhìn thấy “nhất định Pháp sẽ đánh ta, và ta sẽ phải đánh Pháp”. Do đó, chúng ta đã có một thời gian chuẩn bị. Lệnh nổ súng toàn quốc ban hành chiều 19 tháng 12 năm 1946 là một quyết định sáng suốt, quả cảm và đầy trách nhiệm của Bác và Thường vụ. Quyết định này đã làm sai lệch sự phán đoán của Pháp, khiến cho họ phải chuyển từ ý định tiến công nhanh chóng đè bẹp lực lượng ta, giành quyền kiểm soát tại Thủ đô sang cách đánh cầm cự để đối phó, chờ viện binh rồi mới chuyển sang phản công lớn.

        Có người coi những trận đánh đêm 19 là một cuộc tiến công chiến lược hoặc tập kích chiến lược. Tôi nghĩ cách đánh giá này không phù hợp. Những trận đánh ngày khởi đầu kháng chiến toàn quốc với tất cả tính quyết liệt, rộng lớn của nó, vẫn nhằm che giấu lực lượng và ý đồ chiến lược của ta là tiêu hao và cầm chân quân địch một thời gian để chuyển cả nước sáng chiến tranh. Khi kẻ địch phát hiện thì ta đã hoàn tất những mục tiêu đề ra, sẵng sàng đi vào cuộc kháng chiến trường kì. Đúng ra, đây là một nghệ thuật khởi đầu cuộc kháng chiến toàn dân trên cả nước trước một kẻ thù bội phần mạnh hơn ta, đã có mặt ở Thủ đô và tất cả những thành phố lớn.

        Yếu tố quyết định hàng đầu trong trận tổng giao chiến đầu tiên là sức mạnh tinh thần, sức mạnh yêu nước của nhân dân ta.

        Cũng vẫn là người dân ấy, nhưng đã có một cuộc đổi đời từ ngày Cách mạng tháng Tám. Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khác xa với lê dân An Nam triều Nguyễn lòng còn vương vấn với nhà Lê, bất bình vì những cuộc đàn áp nông dân, vì sự trả thù tàn bạo những tướng Tây Sơn có công đánh đuổi giặc ngoại xâm.

        Tinh thần thượng võ của dân tộc đã sống lại.

        Đó là bao chàng trai đã thay hai chữ “Sát Thát” chích trên cánh tay bằng lời thề “Quyết tử”, sẵn sàng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch.

        Đó là những em nhỏ tiếp bước Trần Quốc Toản, trốn mẹ cha ở lại thành phố trong vòng vây, chiến đấu dài ngày với lính lê dương hung tàn.

        Đó là những cô gái noi gương Bà Trưng, Bà Triệu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Có thể nhắc ở đây chuyện Hà Nhật của Liên khu 1. Đó là một cô gái trạc đôi mươi, nước da trắng, mắt một mí, mặt trái xoan phúc hậu, ít nói, ít cười, lúc nào cũng mặc bộ quân phục kaki, đầu không rời chiếc mũ sắt. Hà Nhật được chỉ định rời liên khu trong ngày ngừng bắn, nhưng cô đã trốn ở lại. Cô khâu vá quân trang, đi trinh sát, tham gia giữ chốt. Một lần đi trinh sát, Hà Nhật tạt vào một ụ chiến đấu ở ngã tư Hàng Mã - Hàng Bông mượn một khẩu súng leo lên gác bắn tỉa. Cô hạ được một lính Pháp xuất hiện ở phố Hàng Mã. Khi cô tụt xuống định trả súng thì một loạt liên thanh từ Cổng Đục bắn tới. Hà Nhật ngã gục trên vũng máu. Đồng đôi khiêng cô về trạm quân y phố Hàng Buồm. Biết cô không thể qua khỏi, một người hỏi cô tên và chỗ ở của người thân. Khá nhiều người chỉ hiểu nhau qua những hành động chiến đấu chứ không biết từng người từ đâu tới. Người ta quen gọi “Hà Nhật” vì cô luôn luôn đội chiếc mũ sắt Nhật. Cô chỉ trả lời: “Tên em là Hoàng Hà, chiến sĩ Việt Nam”, rồi từ từ nhắm mắt... Trong số chiến sĩ ở lại Liên khu 1, có những người là ba chị em ruột, hai chị em ruột, có người ở lại để chiến đấu bên cạnh người yêu.

        Có thể nói Du kích trận địa chiến là một sáng tạo đầu tiên về nghệ thuật chiến tranh toàn dân của ta tại thành phố. Tuy nhiên, như mọi loại hình chiến thuật, chiến thuật này cũng có những khả năng hữu hạn của nó. Với so sánh lực lượng như vậy, chúng ta không thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến đấu trong thành phố. Đã tới lúc ta chuyển sang một loại hình chiến thắng mới để đi vào trận đánh trường kì…

-----------
1. Tác giả nhấn mạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:48:30 am »

       
Chương hai

TRỞ LẠI TÂN TRÀO

1

        Những tháng đầu năm 1947 các cơ quan trung ương vẫn di chuyển trong vòng bán kính hai chục kilômét của Hà Nội để tiện việc chỉ đạo mặt trận chính. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Bác đã giao cho anh Trần Đăng Ninh chỉ huy nhiều đội công tác đi chuẩn bị xây dựng cở sở ở những nơi cơ quan dự kiến sẽ tới làm việc tại phía tây nam Hà Nội.

        Bác đã từ Vạn Phúc về Thanh Hồi, một làng ven sông Đáy gần Ngã Ba Thá, phía tây con đường Ba La Bông Đỏ - Vân Đình. Người ở trong một gian nhà chứa thóc chật chội của đồng bào. Ban ngày, Bác làm việc dưới ánh sáng của một ô cửa nhỏ, hầu như không đi ra ngoài. Buổi chiều, khi trời sẩm tối, Bác mới lặng lẽ rời lũy tre làng, tới một số cơ quan trung ương. Sự cẩn thận này không thừa. Sau này chúng ta được biết, chính vào thời gian đó, quân Pháp mưu tính một cuộc nhảy dù biệt kích nhằm nơi Bác ở, mà họ tưởng lầm là Chùa Trầm.

        Sự kiện đêm 19 tháng 12 gây chấn động lớn tại nước Pháp. Đácgiăngliơ đang có mặt tại Pari. Giới chủ chiến nhân cơ hội này la ó: “Việt Minh phản bội!”, “đội quân viễn chinh Pháp đã trở thành nạn nhân của một âm mưu Việt Minh đã trù liệu từ lâu!”. Thủ tướng mới của Pháp Lêông Blum vừa lập xong chính phủ ngày 16. Ông quyết định cử Mutê (Marius Moutet), bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, sang Đông Dương với sứ mệnh đặc biệt là tìm sự thông cảm bằng mọi giá với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi tình hình đã trở nên căng thẳng. Mutê rời nước Pháp khi cuộc chiến đã bùng nổ. Blum, một thành viên kì cựu của Đảng xã hội, là người không tán thành chủ nghĩa thực dân, yêu chuộng hòa bình, bối rối trước sự kiện vừa xảy ra ở Đông Dương. Ngày 23 tháng 12, ông phát biểu trước quốc hội: “Chế độ thực dân cũ nhằm khai phá đất đai và sức lao động của người dân bị chinh phục đã lỗi thời… Cần phải hoạt động một cách trung thực để tiếp tục sự nghiệp đã vỡ lở, dù nghĩa là tổ chức một nước Việt Nam tự do trong một Liên hiệp Đông Dương tự do kết hợp với Liên hiệp Pháp. Nhưng trước hết phải lập lại trật từ để làm cơ sở cần thiết cho việc thực hiện những thỏa thuận”. Trước đó một ngày, Blum đã trao cho Lơcléc nhiệm vụ thị sát tình hình Đông Dương với tư cách đại diện cá nhân Thủ tướng Pháp. Ngày 25 tháng 12, Lơcléc rời nước Pháp.

        Ngày 29 tháng 12, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Lêông Blum yêu cầu quân Pháp trở về vị trí của họ trước ngày 19 tháng 12 năm 1946 cùng với việc thực hiện ngừng bắn và bày tỏ sự vui mừng nhân dịp Mutê sang Đông Dương. Vài ngày sau, Bác ngỏ ý sẵn sàng có cuộc hội kiến với Mutê tại Hà Nội và cũng muốn gặp Lơcléc, đặc phái viên của Thủ tướng Lêông Blum. Trong thư gửi Mutê, Bác viết: “Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mằng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sức giả hòa bình. Tôi rất mong và rất sung sướng được gặp ngài để tỏ rõ ý muốn thành thật hòa bình và cộng tác của chúng tôi và để nói với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”. Ta trao thư này cho lãnh sự Mỹ và Trung Hoa tại Hà Nội. Nhưng nó lại được gửi về Oasinhtơn rồi chuyển tới Pari, khi Mutê đã trở về Pháp. Cũng như trước đây, Lêông Blum chỉ nhận được bức thông điệp ngày 17 tháng 12 của Bác sau khi chiến sự đã bùng nổ trên toàn cõi Việt Nam. Vanluy và Pinhông đã trì hoãn để vô hiệu hóa những văn thư ngoại giao của ta gửi nhà cầm quyền Pháp.

        Lơcléc không thể gặp Bác vì việc tiếp xúc với Chính phủ ta được giao cho Mutê. Mutê ngay từ khi tới Sài Gòn đã bị Đácgiăngliơ, Vanluy và Pinhông hoàn toàn thuyết phục. Ông ta trở về Pháp với đề nghị: “Chừng nào quân đội đã lập lại được trật tự, chừng đó mới có thể xem xét lại những vấn đề chính trị”. Lơcléc vẫn tin vào sự lượng định của mình trước đây: muốn tái chiếm Đông Dương bằng sức mạnh phải có 350.000 quân; cuối cùng vẫn phải đi tới một giải pháp chính trị khó khăn và lâu dài với 24 triệu dân Việt Nam. Trước mắt, để có “một hoạt động mạnh trong mùa đông 1947 - 1948” phối hợp với hoạt động chính trị, tạo ra thế mạnh để thương lượng, cần nâng tổng quân số viễn chinh lên 115.000 người. Ý kiến của Lơcléc và Mutê lúc này dường như gặp nhau. Riêng Lơcléc nhìn thấy một giải pháp cho Đông Dương lúc hiện tình đã trở nên cực kì khó khăn, nên đã hai lần đề nghị của Chính phủ Pháp trở lại Đông Dương tiếp tục công việc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:48:53 am »


        Chính phủ Blum chỉ tồn tại được một tháng. Giới chủ chiến ở Đông Dương và ở Pháp có thể yên tâm thực hiện ý đồ của mình.

        Bác đã di chuyển chỗ ở nhiều lần. Từ Vạn Phúc, Bác về Xuyên Dương (Thanh Oai), sang Cần Kiệm (Thạch Thất, Sơn Tây), rồi về Chùa Một Mái, Sài Sơn, (Quốc Oai, Hà Đông). Ngày 16 tháng 2 tại Chương Mỹ, Bác chủ tọa phiên họp thường kì của Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo của Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao và toàn công việc kháng chiến. Cuộc họp kéo dài tới 4 giờ rưỡi sáng mới xong.

        Thời gian này, Bác cùng Thường vụ và Chính phủ, một mặt chỉ đạo sát sao việc tác chiến trong thành phố, một mặt chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển đất nước sang thời chiến. Di chuyển các cơ quan lãnh đạo, cơ sở vật chất, kho tàng về các khu căn cứ một cách chủ động, bí mật, an toàn, bảo đảm được sự lãnh đạo và chỉ huy thông suốt là một thành công lớn trong giai đoạn khởi đầu chiến tranh. Bác đặc biệt chú ý tới gạo và muối là hai nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Bác đã trao cho anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) chỉ đạo việc vật chuyển hai vạn tấn muối từ Văn Lý (Nam Định) lên Việt Bấc. Mặc dù bị địch phong tỏa chặt chẽ miền biển, khi mở chiến dịch Biên Giới 1950, chúng ta vẫn còn bốn chục tấn muối để chuyển lên Cao Bằng.

        Bác rất quan tâm đến vấn đề đưa dân tản cư. Ngày 31 tháng 12 năm 1946, Người đã kí sắc lệnh thành lập Ủy ban Tản cư Trung ương. Người quy định mỗi tỉnh, huyện, làng đều phải có một ủy ban tản cư, các địa phương phải có trạm đón tiếp, bố trí nơi ăn ở, giúp đõ vận chuyển hành lí, giúp đồng bào tản cư tăng gia sản xuất để sinh sống. Ngày 17 tháng 2 năm 1947, trong tư gửi đồng bào tản cư, Người viết: “Tản cư cũng là kháng chiến”, “Tản cư cũng phải sản xuất”. Người kêu gọi đồng bào hậu phương: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

        Công việc bận rộn, nhưng Bác vẫn tranh thủ thời gian đi thăm nhiều nơi. Đầu tháng 2, Bác vào Ninh Bình, dự hội nghị bàn việc tổ chức giúp đỡ đồng bào tản cư. Từ 18 đến 30 tháng 2, Người vào Thanh Hóa. Cũng như ông cha ta thời xưa, Người rất chú ý tới hai châu Hoan, Diễn trong cuộc chiến đấu chống xâm lược. Người coi hai xứ Thanh, Nghệ là căn cứ địa thứ hai của kháng chiến trên miền Bắc. Tại Thanh Hóa đang có đôi chuyện khúc mắc giữa chính quyền tỉnh và một số châu ở vùng Thượng du. Trong điện gửi cho tỉnh trước ngày đi, Bác yêu cầu triệu tập một cuộc họp có đông đủ cán bộ, đại biểu nhân dân các huyện, châu, đại biểu các dân tộc thiểu số, tôn giáo, điền chủ, thương gia, nhà giàu… Trong cuộc nói chuyện chiều ngày 20 tháng 2 ở Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Bác mong muốn Thanh Hóa phải trở thành “một tỉnh mô phạm” về nhiều mặt kháng chiến và kiến quốc. Về kinh tế, Người nói: “Muốn tăng gia sản xuất… phải đem sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”, phải “làm cho người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, người khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Nhiều bà con tỉnh Thanh Hóa tới nay vẫn còn nhớ những lời căn dặn của Bác. Người đã tới viếng Vĩnh Lăng, lăng của vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi. Trên đường về, Bác vào nhà máy in giấy bạc của Bộ Tài chính tại Chi Nê, nói chuyện với công nhân, tự vệ, và đi thăm một số gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

        Một hôm, anh Vũ Kỳ, thư kí của Bác, viết thư cho tôi, nói Bác cần có một cuốn Lịch sử Việt Nam. Thật khó tìm được cuốn sách này khi mọi người đã rời khỏi thành phố với một chiếc ba lô trên vai. Sau đó, tôi được biết anh Kỳ đã tìm được một cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. Bác đánh dấu những đoạn viết về các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là chiến tranh chống Nguyên Mông và khởi nghĩa Lam Sơn, và dặn anh Kỳ nhắc anh Thận và tôi nên đọc lại những đoạn đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:57:45 am »

       
2

        Trong tháng 1 năm 1947, quân Pháp đã đẩy mạnh hoạt động quân sự trên nhiều chiến trường, kể cả những trận đánh giải vây cho các thành phố và mở rộng phạm vi chiếm đóng. Từ trung tuần tháng Hai, bắt đầu xuất hiện một hiện tượng mới: vỡ mặt trận.

        Sau khi mặt trận Huế vỡ, tiếp đến mặt trận Sơn La. Trung đoàn Sơn La sau nhiều tháng cầm cự với quân địch, bị đánh bật khỏi Tây Bắc, lùi về đến Lai Đồng, Thu Cúc thuộc tỉnh trung du Phú Thọ. Ở mặt trận Đông Bắc, trung đoàn Tiên Yên cũng phải rời bỏ miền đất biên giới tỉnh Hải Ninh, lui về tới Bắc Giang.

        Những vùng đất rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng, cùng với dân cư đã trở thành vùng tạm chiếm.

        Vỡ mặt trận hoàn toàn khác với trường hợp bộ đội ta chủ động rút lui. Nó kéo theo hàng loạt hệ quả tiêu cực. Nhiều đơn vị mất liên lạc. Sự dao động xuất hiện trong tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Đã có những cán bộ chạy dài, những chiến sĩ tự động bỏ đội ngũ. Dân chúng cũng hoang mang, cho rằng kẻ địch quá mạnh. Hiện tượng này chắc sẽ không dừng lại nếu không có chủ trương, biện pháp đối phó kịp thời.

        Những tư tưởng chỉ đạo kháng chiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phác thảo trong bản bút kí đề ngày 5 tháng 11 năm 1946 với tiêu đề: “Công việc khẩn cấp bây giờ”.

        Bác nhận định là địch sẽ đánh ta tới cùng, “vì nó thất bại ở Việt Nam thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc của nó sẽ tan hoang”. Địch sẽ mang nhiều viện binh, tàu bay, xe tăng sang ta tàn phá, khủng bố dữ dôi mong làm dân ta hoảng sợ, nhưng lực lượng địch chỉ có hạn. Nếu ta kiên quyết chống chọi qua giai đoạn chiến tranh chớp nhoáng; “cố rán sức qua mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân”. Cuộc kháng chiến của ta phải kết hợp với kiến quốc. Đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì. Điều quan trọng bậc nhất là “phải làm cho dân ta có Tín tâm và Quyết tâm”. Dù có phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần, ta sẽ giữ vững tất cả thôn quê.

        Một năm kháng chiến ở Nam Bộ đã khẳng định: kẻ địch dù rất mạnh cũng không thể nào tiêu diệt được lực lượng ta nếu ta triệt để dùng chiến thuật du kích. Quân và dân Nam Bộ còn chứng minh là có thể tiến hành chiến tranh du kích ở vùng nông thôn đồng bằng và ngay cả ở thành thị nếu ta biết dựa vào dân. “Núi người”, “biển người” ở đồng bằng có thể thay thế rừng núi che chở hữu hiệu cho những chiến sĩ du kích. Vì vậy, chỉ chị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 22 tháng 12 năm 1946 đã nêu lên khẩu hiệu đối với toàn dân là “Triệt để dùng chiến thuật du kích”.

        Đối với bộ đội chủ lực, tuy đã tổ chức đến quy mô trung đoàn, tiểu đoàn, nhưng với trịnh độ trang bị và kĩ thuật chiến đấu như hiện nay không thể dàn thành trận tuyến để ngăn chặn bước tiến của quân địch. Vì vậy, bản chỉ thị đã chỉ rõ cách đánh của bộ đội ta là “Triệt để dùng du kích vận động chiến”.

        Hội nghị quân sự lần thứ nhất vào trung tuần tháng 1 năm 1947 tại huyện Chương Mỹ, Hà Đông đã nhận định Pháp đang tính đến những cuộc phản công và tiến công hòng “nuốt trôi nước ta”. Để giành lại vai trò chủ động trên các mặt trận, bộ đội ta cần có sự chuyển hướng về chiến thuật, lấy du kích vận động chiến làm chiến thuật căn bản.

        Du kích vận động chiến không còn là du kích chiến vì lực lượng huy động tương đối lớn, vì mục đích nằm tiêu diệt hơn là tiêu hao. Nhưng du kích vận động chiến cũng chưa phải là vận động chiến vì chưa phải là tác chiến của những binh đoàn lớn, phạm vi tác chiến không rộng lớn, hình thức có khi là bao vây, vu hồi, nhưng có khi là tập kích, phục kích, mà cũng có khi phối hơp tất cả những hình thức ấy. Trong quá trình chiến tranh, du kích chiến phải phát triển thành vận động chiến. Hai chiến thuật đó khác nhau ở trình độ và quy mô. Chiến thuật du kích vận động chiến của bộ đội ta ở vào quãng giữa trên quá trình phát triển ấy.

        Sau hội nghị, tôi đã trao đổi với Bộ Tổng tham mưu ra bản huấn lệnh cho bộ đội phải chuyển ngay sang vận dùng chiến thuật “du kích vận động chiến”. Ngày 1 tháng 2 năm 1947, huấn lệnh của Bộ Tổng tham mưu được gửi tới các đơn vị. Huấn lệnh nhận định, địch luôn luôn vận động, tập trung được lực lượng để tấn công ta nhiều mặt; trái lại bộ đội ta thì thường dàn thành trận địa, vận động rất nặng nề, do đó thường ở vào thế bị động và bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiêu diệt địch. Bản huấn lệnh chỉ rõ nguyên nhân của tình hình này là: liên lạc trong bộ đội không được chu đáo; trinh sát và tình báo kém, tin tức không được chính xác, rõ ràng; địa thế và đường sá nhiều nơi ngay trong khu vực hoạt động cũng không thành thuộc; bộ đội không quen cơ động, cách đánh không được linh hoạt, và đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục. Huấn lệnh yêu cầu ở tiên phương bộ đội phải luôn thay đổi sự bố trí, không bố trí theo kiểu trận địa chiến, chiến thuật phải linh động, sẵn sàng đối phó với sự biến chuyển của mặt trận; ở hậu phương, bộ đội phải luôn luôn thay đổi nơi đóng quân, thường vận động khi tập trung, khi phân tán. Nhờ có vận động mà cán bộ, chiến sĩ hằng ngày đươc thao luyện, tập dượt. Hơn nữa, qua thường xuyên vận động mà xiết chặt quan hệ với dân quân và dân chúng ở nhiều địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:58:09 am »


        Trung tuần tháng Hai, các ngày 14, 15 và 15, Hội nghị các chính ủy viên khu và các chính trị viên trung đoàn được triệu tập. Với cương vị là Bí thư Quân ủy, tôi chủ trì hội nghị cùng với anh Văn Tiến Dũng.

        Đây là hội nghị toàn quốc về công tác chính trị lần đầu tiên của quân đội ta. Tại hội nghị này, tôi đã trình bày bản báo cáo “Về tình hình quân sự, vấn đề chiến lược, chiến thuật và nhiệm vụ công tác chính trị trong quân đội”. Hội nghị đánh giá “Cuộc kháng chiến bước vào thời kì nghiêm trọng… thời kì thử thách gian khổ” cần phải đẩy mạnh công tác chính trị, phát triển lên một trình độ mới, “đưa Quân đội quốc gia đến thắng lợi và giúp một phần vào thành công của cuôc chiến tranh giải phóng nước ta”.

        Hội nghị đã đề ra mười nhiệm vụ của công tác chính trị mà nội dung chủ yếu là: nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội và lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, có tinh thần “tự lập chiến đấu trong lúc gian nguy”; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu và rèn luyện về kĩ thuật và chiến thuật, thực hiện đúng đắn phương châm chiến lược về quân sự; rèn luyện tinh thần kỉ luật, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; thực hiện tốt công tác dân vận và công tác địch vận.

        Hội nghị đã thảo luận những vấn đề quan trọng của công tác chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ; vấn đề kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị trong quân đội và xác định nhiệm vụ và quyền hạn của các tri ủy viên khu, của các chính trị viên từ trung đoàn đến trung đội. Hội nghị nhấn mạnh”phải coi đại đội là đơn vị căn bản của công tác chính trị trong bộ đội”. Có thể nói hội nghị công tác chính trị lần này đánh dấu một bước quan trọng trong việc xây dựng nên một chế độ công tác chính trị, một nền nếp công tác chính trị trong quân đội ta.

        “Mười hai điều kỉ luật” do hội nghị đề ra cùng với “Mười lời thề danh dự” được cán bộ, chiến sĩ học thuộc lòng và đọc dưới cờ trong các buổi tập hợp điểm danh đã có tác dụng lớn đối với việc giáo dục bộ đội và siết chặt tình quân dân cá nước trong suốt những năm kháng chiến. Tiêu chuẩn để đánh giá thành công của công tác chính trị chính là “bộ đội đánh thắng và đi đến đâu cũng được dân chúng hoan nghênh”.

        Ngay sau Hội nghị công tác chính trị, chúng tôi họp Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng. Hội nghị đã xác lập hệ thống tổ chức Đảng từ Quân ủy Trung ương đến các chi bộ. Hội nghị xác định nhiệm vụ của đảng viên trong quân đội phải: giữ vững và thực hiện được chủ trương đường lối của Đảng trong quân đội, củng cố và mở rộng cơ sở Đảng, nắm vững được bộ đội và hoàn thành nhiệm vụ quân sự. Hội nghị quyết định cho đến hết tháng 5 năm 1947 phải có chi bộ ở đại đội và tổ đảng ở trung đoàn nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

        Ngày 2 tháng Ba, tôi trực tiếp chứng kiến cuộc hành binh lớn đầu tiên của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra. Xe tăng, xe bọc thép, bộ binh cơ giới mở những mũi thọc sâu theo hai cánh: từ tây nam Hà Nội đi Hà Đông, Mai Lĩnh, sau đó thọc lên Trúc Sơn, Chùa Trầm, Sơn Lộ, Quốc Oai, Chùa Thầy; từ Chèm theo đê sông Hồng, sông Đáy xuống cầu Phùng đánh vào vùng Đan Phượng. Đài phát thanh địch công khai nói cuộc hành binh này có nhiệm vụ chụp bắt cơ quan đầu não của Việt Minh được phát hiện ở trong vùng.

        Nhiều cơ quan trung ương ở mấy huyện phía tây nam Hà Nội nằm trên đường tiến quân của địch. Mấy tiểu đoàn vừa thành lập để bảo vệ cơ quan trung ương và trung đoàn Thủ đô mới từ Liên khu 1 rút ra, đều kéo theo bờ đê hoặc bố trí sau lũy tre làng sẵn sàng chiến đấu nếu địch đánh vào.

        Điều khiến tôi băn khoăn là tất cả những ụ chướng ngại vật đồng bào ta mất rất nhiều công sức dựng lên mặt đê, đã không làm chậm đáng kể đà tiến của xe tăng, xe cơ giới. Tiếng gầm rú của xe tăng rung chuyển khắp vùng. Từ trên mặt đê cao, những nòng pháo vươn dài, có thể khạc lửa bất cứ lúc nào vào những làng xóm.

        Từ đầu kháng chiến, vấn đề đánh xe tăng, xe bọc thép luôn luôn nhức nhối. Không thể để các chiến sĩ của ta tiếp tục ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Cuối tháng 1, được báo cáo anh Trần Đại Nghĩa vừa chế tạo thành công súng badôca ở huyện Ứng Hòa, tôi đã cử ngay anh Phan Mỹ, chánh văn phòng của Bộ tới Cục Quân giới. Anh Mỹ trở về vơi hai khẩu badôca và mười viên đạn. Hai khẩu súng này được trao ngay cho bộ đội ở Mặt trận Hà Nội. Tôi nóng lòng chờ kết quả thử nghiệm trong chiến đấu. Chiều ngày 2 tháng Ba, được báo cáo bộ đội ta đã dùng badôca diệt hai xe tăng địch ở Sơn Lộ trong khi địch từ Trúc Sơn thọc lên Chùa Trầm, Quốc Oai. Lần đầu, badôca Việt Nam bắn hạ hai xe tăng Pháp. Chiến công này làm nức lòng bộ đội.

        Ngay chiều mồng 2, tôi tới Viên Nội báo cáo tình hình chiến sự với Bác và đề nghị Bác di chuyển trong đêm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:58:43 am »


        Tối hôm đó, Bác rời Viên Nội. Anh Trần Đăng Ninh được Thường vụ phân công từ trước, cùng đi với Bác. Trên đường, chiếc xe Pho dở chứng nhiều lần. Sáng mồng 3, Bác mới tới thị xã Sơn Tây. Rất đông người tản cư. Đồng chí lái xe không còn cách nào làm cho xe chạy tiếp. Anh Trần Đăng Ninh đề nghị Bác dùng xe ngựa. Đồng bào không ai nhận ra cụ già trùm đầu bằng chiếc khăn mặt ngồi trên xe ngựa lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tối đó, Bác qua sông Đà. Sang bên kia là Trung Hà, gặp anh Hoàng Văn Thái lên thăm địa điểm mới quay về. Anh Thái nhường xe để Bác đi tiếp.

        Bác ở lại Cổ Tiết, bên ghềnh Bà Triệu một thời gian. Chính tại đây, Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi cho các đồng chí cùng đi với Bác. Đây là nguyên tắc giữ bí mật Người thường làm. Nhưng lần này, Bác còn nói: “Các chú là khẩu hiệu sống của Bác”. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, cơ quan giúp việc của Bác vẫn có chừng ấy Người.

        Tôi còn ở lại Thạch Thán (huyện Quốc Oai) thêm mấy ngày. Cuộc hành binh của Pháp trên mặt trận Hà Nội càng chứng tỏ bộ đội ta chưa đủ sức ngăn chặn và đánh bại những mũi dùi tiến công của địch. Cách dàn trận địa, lập phòng tuyến án ngữ chờ địch tới, bám đất hoàn toàn không thể ứng phó với những cuộc hành binh đông, mau lẹ, linh hoạt, hết đánh bao vây lại đánh vu hồi của địch, dẫn tới “vỡ mặt trận”, gây cho bộ đội rất nhiều khó khăn. Tôi thấy cần tạo ra một biến chuyển mạnh trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ để ứng phó kịp thời trước tình hình đang biến chuyển nhanh.

        Ngày mồng 6 tháng Ba, tôi viết bản huấn lệnh: “Sự cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến”. Đây là bản huấn lệnh thứ hai về cùng một vấn đề trong vòng không đầy năm tuần lễ. Bản thứ nhất do Tổng tham mưu trưởng kí được quy định phổ biến tới tiểu đội. Huấn lệnh này của Bộ Tổng chỉ huy nội dung cần thiết hơn, giống như một thư riêng gửi cán bộ cấp khu và trung đoàn.

        Huấn lệnh nhắc lại sự phán đoán đúng các cuộc tiến công của địch ở Huế - Quảng Trị, ở mặt trận Hải Phòng và mặt trận Hà Nội, và nhiều chỉ thị cho bộ đội phải chuyển sang du kích vận động chiến để đối phó với những cuộc tiến công, nhưng nhiều nơi bộ đội vẫn áp dụng cách dàn trận địa đánh nhau với quân địch trong những điều kiện vô cùng bất lợi. Huấn lệnh nhấn mạnh: “Phải dùng ngay chiến thuật du kích vận động một cách bạo dạn, nghĩa là: - Phải tập trung bộ đội, củng cố tinh thần bộ đội, dùng lối hành binh rất nhanh chóng, rất bí mật mà đánh mạnh vào những chỗ địch tương đối yếu hay mới chiếm đóng chưa củng cố vị trí, xong đó lập tức rút lực lượng đi đánh nơi khác. Làm như vậy thì có nơi phải bỏ đất, không phải đâu cũng dàn trận mà giữ… - Tập trung chủ lực để đánh từng trận lớn và phân tán một số bộ đội để phối hợp với dân quân. - Tổ chức những đội quân đánh chiến xa. - Đôn đốc việc ngăn sông, phá đường, đắp chướng ngại vật trên các đường đê…”.

        Huấn lệnh nhấn mạnh bộ đội phải có quyết tâm chuyển sang du kích vận động chiến.

        Trong tháng Ba, hiện tượng “vỡ mặt trận” đã chấm dứt. Không bị vỡ mặt trận vị bộ đội ta không còn dàn trận địa để ngăn chặn cuộc tiến công của kẻ địch.

        Hình thức dàn trận địa trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến cũng có lí do của nó. Đó là lúc quân địch tập trung ở những thành phố được tung ra để chiếm đất, mở rộng phạm vi kiểm soát. Bộ đội ta đã được tổ chức thành những trung đoàn, họ không thể gặp địch mà không đánh để giữ đất, bảo vệ dân. Do đó, cách dàn trận địa ngăn chặn địch tự nhiên hình thành. Mặc dù chiến đấu dũng cảm, nhưng bộ đội ta với những khẩu súng trường rất ít đạn, những trái lựu đạn do ta sản xuất và những thanh mã tấu không đủ sức ngăn bước tiến của xe tăng. Mặt trận vỡ vì những người bảo vệ trận địa không thấy hết tình hình kịp thời thay đổi cách đánh.

        Cũng trong tháng Ba, bộ đội bắt đầu thực hiện chiến thuật du kích vận động chiến. Nó đã đạt kết quả rõ rệt ở Nam Định và Hải Phòng. Nhưng ta đã bị tổn thất ở thị xã Hà Đông. Bộ chỉ huy Hà Nội muốn có một chiến thắng vang dội sau khi buộc phải rút khỏi Liên khu 1. Trong đêm 20 tháng Ba, đồng thời với cuộc tiến công của 10 đại đội vệ quốc quân Chiến khu 3 vào thành phố Hải Phòng, bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã sử dụng một lực lượng hỗn hợp tương đương với một trung đoàn đánh vào thị xã Hà Đông một nơi địch mới chiếm đóng. Với quyết tâm chiến thắng, hầu hết những người được đưa vào trận đánh đều là cán bộ. Cán bộ trung đoàn chỉ huy tiểu đoàn, cán bộ tiểu đoàn chỉ huy đại đội, cán bộ đại đội chỉ huy trung đội… và cán bộ tiểu đoàn làm nhiệm vụ của chiến sĩ. Quân địch bị đánh rất bất ngờ, nhiều binh lính còn mặc quần đùi vội vã cầm vũ khí chống cự. Nhưng rồi dựa vào công sự và hỏa lực mạnh, quân Pháp dần dần chặn được đà tiến công của ta. Mờ sáng, bộ đọi phải rút ra. Số thương vong của ta và địch tương đương, nhưng phía ta có nhiều cán bộ. Ta mất gần một trăm cây súng các loại. Sai lầm của ta là đã chủ trương tiêu diệt hoàn toàn quân địch tại thị xã trong tình hình thực tế chỉ cho phép tiến hành một trận tập kích, tiêu diệt một bộ phận địch rồi nhanh chóng thu quân. Chủ nghĩa anh hùng yêu nước tự nó không đủ để làm nên chiến thắng. Tôi có ấn tượng mạnh với trình độ trang bị, kĩ thuật hiện thời, bộ đội ta chưa thể đánh địch ở quy mô trung đoàn. Trong thời gian này một tiểu đoàn của trung đoàn Thủ đô đã chặn đánh địch tốt ở Cầu Đạm, Chương Mỹ, Hà Đông.

        Trận thị xã Hà Đông đã kết thúc một thời kì chiến đấu của quân và dân ta trên mặt trận Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 05:31:26 am »


3

        Tôi rời mặt trận Hà Nội sau Bác khoảng một tuần.

        Từ ngày nổ súng ở Hà Nội, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận vẫn ở quanh một số làng như Đại Mỗ, Tây Mỗ, Mai Lĩnh, Trúc Sơn, Sài Sơn, Cần Kiệm, Viên Nội… Tất cả đều nằm ở phía tây nam Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày phát sóng chỉ cách Hà Nội 10 kilômét. Sự bố trí này khiến cho địch phỏng đoán chúng ta sẽ tiếp tục di chuyển về phía tây nam, nơi có vùng đất rộng lớn đông dân với nhiều địa phương chưa có quân địch. Cuộc tiến công đầu tháng Ba của quân Pháp đã nhằm vào vùng này.

        Nhưng trong thực tế, ta đã đi về phía tây bắc. Một cuộc di chuyển không vội vàng. Những đơn vị bảo vệ được bố trí chung quanh cơ quan. Thực ra cách bảo vệ tốt nhất lúc này là giữ bí mật. Lực lượng ta chưa đủ sức ngăn chặn xe tăng, xe bọc thép, chưa nói tới những trận oanh tạc bằng máy bay và đại bác. Anh Trần Đăng Ninh đã tổ chức nhiều đội công tác với nhiệm vụ tuyên truyền kháng chiến, giáo dục nhân dân giữ bí mật, phòng gian, giúp đỡ địa phương xây dựng các đoàn thể và dân quân tại những vùng cơ quan di chuyển.

        Nhiều người dân từ Hà Nội tản cư ra cũng đi về hướng này. Khá đông là gia đình cán bộ. Cuộc kháng chiến đã hòa mọi tầng lớp nhân dân thành một khối. Những người tản cư chỉ có một tay nải hoặc chiếc ba lô. Họ chưa biết nơi sẽ tới là chỗ nào. Nhưng đi tới đâu cũng thấy ấm áp, yên lòng. Mọi nhà dân mở rộng cửa đón họ như những người thân.

        Dọc đường Sơn Tây - Trung Hà, tôi gặp chị Tôn Thất Tùng ngồi trên một chiếc xe kéo. Anh Tùng là giáo sư Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Nhiều giáo sư ở đây như anh Vũ Đình Tụng, anh Hồ Đắc Di, anh Đặng Văn Chung… những người trí thức được thực dân Pháp nể trọng, đều đi kháng chiến. Các anh đã thu thập theo những tài liệu để mở tiếp trường đại học nhằm đào tạo những y sĩ, bác sĩ rất cần cho cuộc kháng chiến lâu dài. Phần lớn, nếu không nói là hầu hết giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có tên tuổi, những nhân sĩ, và cả một số nhà đứng đầu tôn giáo đều lên đường đi kháng chiến.

        Từ đầu thập niên bốn mươi, trên báo chí ở Hà Nội đã xuất hiện lời chế giễu thực dân Pháp, nếu phát xít Nhật xâm lược Đông Dương thì sẽ áp dụng chiến thuật “rút sâu vào nội địa” giống như người Trung Hoa đã làm. Claudơvít khi tổng kết chiến thuật này từ cuộc chiến đấu của Cutôdốp đánh bại đạo quân xâm lược bách chiến bách thắng của Napôlêông trên đất nước Nga, đã rút ra kết luận: để áp dụng nó cần phải có một không gian rộng lớn. Nước ta không rộng, kẻ thù đã có mặt ở nhiều nơi trên suốt chiều dài của đất nước. Những phương tiện chiến tranh mới của địch đã thu ngắn khoảng cách không gian. Chúng ta không chủ trương một cuộc rút lui chiến lược. Phần lớn các đơn vị vẫn bám sát quân địch tiếp tục chiến đấu. Chỉ những cơ quan lãnh đạo của Trung ương, Khu và tỉnh là chuyển về vùng căn cứ. Những căn cứ xa nhất của ta cũng chỉ cách địch một ngày hành quân cơ giới, hay nửa giờ quân đổ bộ đường không. Trong cuộc chiến tranh này, ta không có hậu phương an toàn. Những cuộc rút lui của ta trong thực tế là xoay vần cùng với kẻ địch. Hơn một năm kháng chiến ở Nam Bộ đã cho thấy, ngoài những căn cứ rộng lớn ở bưng biền đứng vững qua mọi thử thách, chúng ta còn duy trì được cả những căn cứ ở ngay chung quanh Sài Gòn và Chợ Lớn.

        Sau khi các cơ quan Trung ương đã rời mặt trận Hà Nội, ngày 21 tháng Ba, bộ chỉ huy Pháp mở cuộc hành binh lớn vào khu vực chúng ta đã đóng quân. Quân Pháp lùng sục nhiều nơi, rõ ràng là muốn chụp bắt bộ phận đầu não của kháng chiến đang trên đường di chuyển. Những mũi quân địch xuất phát từ nhiều hướng. Một toán bộ binh cơ giới từ Hà Đông tiến nhanh về Vân Đình. Hai tiểu đoàn bộ binh cùng với một đoàn tàu chiến xuôi theo sông Hồng, đổ bộ vào Phủ Lý, đánh lên Chi Nê, rồi cũng tiến về Vân Đình. Từ Vân Đình, quân địch thọc vào Miếu Môn. Phía Nam Định, một tiểu đoàn bộ binh khác của Pháp cùng với tàu chiến, ca nô tiến vào Ninh Bình, rồi vòng lên Nho Quan. Trong cuộc hành binh này, địch đã huy động tới năm nghìn bộ binh, nhiều xe tăng, tàu chiến, máy bay. Họ tin là các cơ quan ta đang đi về hướng tây nam. Họ không biết con đường được lựa chọn từ lâu cho cuộc di chuyển lại nằm về hướng tây bắc. Bác đang trở lại Tân Trào.

        Cũng có thể nó chúng ta đã thực hiện một cuộc “thiên đô” hiếm có trong lịch sử chiến tranh. Sau ba tháng chiến đấu tại Hà Nội với những thất bại nặng nề, quân Pháp chỉ chiếm được những đường phố chết. Không người. Không điện, không nước. Cơ quan, nhà máy, bệnh viện, trường học… tất cả những gì đã làm nên sức sống của một thủ đô đều biến khỏi đây. Chính Xalăng đã phải thốt lến: “Hà Nội trở thành một khoảng không hầu như tuyệt đối”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 05:38:13 am »

       
4

        Thị xã Phú Thọ nằm bên bờ sông Thao đã trở thành một thủ đô thu nhỏ với những phòng trà có ca nhạc, nhà hát với chương trình biểu diễn của đoàn kịch Tự do, và những tấm áo dài của người Hà Nội. Tất nhiên cũng đã có một vài dấu hiệu của chiến tranh. Đó là những khẩu hiệu địch vận bằng tiếng Pháp, tiếng Đức kẻ trên tường và những bãi cọc tre chống quân nhảy dù cắm ở những bãi trống.

        Không khí tấp nập, vui vẻ của thị xã chứng tỏ nhiều người còn chưa hiểu những thử thách chiến tranh nay mai. Chính phủ đã ra lệnh phá hoại. Chẳng bao lâu thị xã sẽ không còn một ngôi nhà gạch.

        Trong thời gian tạm dừng ở đây, tôi thấy cần triệu tập một hội nghị quân sự để kiểm điểm tình hình ba tháng chiến đấu vừa qua và đề ra chủ trương mới. Từ Phú Thọ vẫn còn đường tàu hỏa lên Lào Cai. Tôi nảy ra ý muốn đi thăm và tìm hiểu tình hình chuẩn bị kháng chiến ở những tỉnh vùng Tây Bắc trong khi chờ đợi đại biểu các nơi về họp.

        Thời Pháp thuộc, Lào Cai là một trong năm đạo quan binh của chính quyền thực dân ở biên giới phía Bắc. Gọi là quan binh có nghĩa là một tỉnh do quân đội nắm quyền cai trị. Sớm muộn quân Pháp sẽ tìm cách quay lại vị trí trọng yếu này.

        Tôi lên Lào Cai với anh Bằng Giang, khu trưởng Khu 10.

        Tàu chạy qua Yên Bái, Bảo Hà, Phố Lu…, những địa danh nay mai sẽ gắn liền với chiến công của quân ta. Dọc đường, rừng núi mỗi lúc càng hoang vu, cao hơn và rậm ráp hơn. Sông Thao, thượng nguồn sông Hồng, nhỏ dần. Đã nhìn thấy những tảng đá nổi lên giữa dòng sông.

        Thị xã Lào Cai ở miền biên giới xa xôi cũng đã mang màu sắc của thủ đô. Tà áo màu của cô gái tản cư. Những anh thanh niên đứng mơ mộng bên bờ Nậm Ti ngắm cái thị trấn Hồ Kiều xa lạ bên kia sông. Nhớ lại ngày nào vượt sông Nậm Ti chỉ lo bị bọn cảnh sát phát hiện.

        Chúng tôi đi tiếp lên Sa Pa, một ngọn núi của dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm phủ đầy mây trắng. Đây là mái nhà của đất nước Việt Nam. Người Pháp đã chọn Sa Pa làm nơi nghĩ mát vì thời tiết quanh năm giống như ở nước Pháp. Người Sa Pa, không riêng các cô gái, cả ông chủ tịch ra tiếp đón chúng tôi, hai má cũng đỏ hồng.

        Lào Cai là thị xã cuối cùng trên miền Bắc thoát khỏi sự không chế của Việt Nam Quốc dân đảng thân Tưởng. Người dân đã có kinh nghiệm đấu tranh với địch. Từ thị xã đến vùng núi cao, đâu đâu cũng nhộn nhịp chuẩn bị kháng chiến. Chỉ ít tháng sau đó, Lào Cai đã trở thành một trong những vùng địch hậu đau thương trên chiến trường Tây Bắc.

        Tôi từ Lào Cai trở về Tiên Kiên thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi hợp Hội nghị quân sự lần thứ hai, mang theo một cành đào để tặng Bác.

        Khác với lần trước cách đây hai tháng, ý kiến trong cuộc họp rất phong phú. Tất cả đều có thêm kinh nghiệm trong chiến đấu.

        Lần đầu, chúng tôi nhận thấy rõ quân Pháp không những có vũ khí, trang bị rất mạnh, mà lại thành thạo trong cách dùng binh. Không phải bỗng dưng từ lâu nước Pháp đã tự hào về lục quân của mình.

        Chiến thuật chủ yếu của Pháp trong thời gian qua là đánh vận động bằng cơ giới. Khi xác định mục tiêu tiến công, địch tập trung cơ giới từ các nơi lại, chọn hướng tiến quân ở những tuyến đường ta phòng thủ sơ sài, như đường đê, hay đường ruộng nhỏ. Họ chia nhiều hướng để đánh vào mục tiêu. Ở những nơi ven biển hoặc có đường sông, bao giờ họ cũng tận dụng các phương tiện đổ bộ đường sông hoặc đường biển. Thường thì họ dùng bộ binh, xe tăng, xe cơ giới có máy bay và pháo yểm trợ đánh ở chính diện, rồi bất thần dùng xe lội nước hoặc ca nô bọc thép đổ quân vào sau lưng hoặc cạnh sườn, từ hai mặt dồn quân ta vào giữa. Đó là cách đánh của họ trên đường số 5 và ở Huế. Dựa vào ưu thế tuyệt đối về bộ binh cơ giới, xe tăng, xe thiết giáp, họ đột phá những nơi ta phòng ngự trận địa, phá vỡ đội hình ta, hòng làm rối loạn và tan rã quân ta. Hình thức gọng kìm, bao vây, vu hồi luôn được áp dụng trong những cuộc tiến công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 05:38:40 am »


        Ngoài những trận đánh lớn, ở một số nơi địch sử dụng cả chiến thuật du kích một cách khôn ngoan. Tại Sơn La, quân Pháp chia thành những phân đội nhỏ, từ mười tới hai mươi người, thay đổi vị trí ngày ở một nơi, đêm ở một nơi. Chúng bất ngờ tập kích bộ đội ta từ phía sau lưng hoặc cạnh sườn. Ở Huế, có những toán địch một đêm thay đổi vị trí mấy lần. Chúng thắp đèn sáng ở những nơi không đóng quân. Có lần địch cải trang thành dân thường hoặc bộ đội gây cho ta nhiều trường hợp bất ngờ.

        Tổ chức phòng ngự của quân Pháp khá nền nếp. Di chuyển tới đâu cũng làm ngay công sự phòng ngự, đào hầm hố, giao thông hào, xếp bao cát, xây dựng hỏa điểm, chăng dây thép gai, buộc ống bơ, cắm chông nhọn để phòng ta tập kích. Bố trí lưới lửa mạnh, dự trữ đạn dược, lương thực, nước uống để có thế cầm cự lâu dài khi bị tiến công. Dùng chó bécgiê và cả khỉ để canh gác, dùng Việt gian dò la, cảnh giới vòng ngoài.

        Rõ ràng là một đội quân nhà nghề thiện chiến.

        Từ những hành động của địch, chúng ta nhìn ra hàng loạt thiếu sót, nhược điểm của một quân đội mới tổ chức, chưa qua rèn luyện, vừa thiếu vũ khí, vừa thiếu người chỉ huy có kinh nghiệm. Đây chính là thời kì ấu trĩ mà bất kì một quân đội cách mạng nào cũng phải trải qua.

        Chúng ta xác định trường học tốt nhất hiện nay là chiến trường, cần phải học tập ngay trong thực tiễn chiến đấu; người giúp chúng ta nhanh chóng rút ngắn thời gian bỡ ngỡ này lại chính là kẻ thù của chúng ta.

        Hội nghị sôi nổi thảo luận những biện pháp ứng phó với các chiến thuật của địch. Chiến thuật của ta cần giành chủ động và tích cực tiến công. Muốn tiến công phải hiểu rõ địch, có kế hoạch và không quá mạo hiểm. Không chỉ đánh để tiêu hao quân địch, mà phải có những trận tiêu diệt, bắt tù binh, thu vũ khí thì mới xây dựng được lực lượng, càng đánh càng tăng cường sức mạnh quân sự của ta.

        Cũng trong hội nghị đã bàn tới một vấn dề cấp bách là xây dựng các căn cứ địa. Trước ngày nổ súng kháng chiến toàn quốc, vấn đề này đã được đặt ra. Trung ương, các khu, các tỉnh đều đã nhắm trước những nơi có thể trở thành căn cứ địa khi những thành phố, thị xã bị trực tiếp uy hiếp.

        Một câu hỏi được nêu lên: “Cần có những điều kiện nào để xây dựng căn cứ địa?”. Hai điều kiện về địa hình và nhân dân được trao đổi nhiều nhất. Kinh nghiệm nước ta cũng như nhiều nước, có địa hình rừng núi là tốt nhất. Còn địa hình đồng bằng thì thế nào? Đồng bằng của ta không rộng, mỗi chiều của tam giác châu thổ Bắc Bộ chỉ một vài trăm cây số, quân địch đã có mặt ở nhiều nơi, vậy có thể xây dựng được căn cứ địa không?

        Từ cuối năm 1945, sau khi chiến tranh lan rộng ở Nam Bộ, ngày 5 tháng 11, tôi đã viết trên báo Cứu Quốc: “du kích ở nơi rừng núi thì dựa vào rừng núi để tiến thoái, còn ở đồng bằng thì tuy không có rừng núi thiên nhiên, nhưng lại có nhân sơn, nhân hải, nghĩa là nếu như nhân dân muôn người đều một lòng thì đội du kích cũng có thể lẩn lút ở trong mà hành động, tuyệt đối bí mật, xuất quỷ nhập thần như ở chốn rừng núi vậy. Không có rừng núi làm chướng ngại thì người ta có thể đắp đất, chặt cây đặt chướng ngại, chặn sông ngòi làm trở ngại để đố phó với cuộc tiến công của địch.

        Hội nghị nhất trí cho rằng nếu có dân thì vẫn có thể xây dựng được căn cứ địa. Quân và dân Nam Bộ đã chứng minh điều đó ở những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ta cần xây dựng căn cứ địa ở cả rừng núi và đồng bằng. Bất cứ ở đâu, khi xây dựng căn cứ địa đều phải coi trọng cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế, cần chú ý bộ phận chỉ huy và liên lạc. Mọi căn cứ của ta đều có thể bị địch đánh xuyên qua. Mỗi khu, mỗi tỉnh đều phải có ba địa điểm dự bị. Rất cần tổ chức và xây dựng những tiểu tổ bí mật để tiếp tục hoạt động khi căn cứ bị địch chiếm. Ở đồng bằng lại càng cần phải chú trọng tổ chức tiểu tổ bí mật kĩ lưỡng nhiều địa điểm dự bị.

        Về phần chiến thuật, hội nghị đã đi tới kết luận: “Hơn ba tháng chiến đấu, từ một quân đội còn non kém, chúng ta đã có một ít kinh nghiệm bằng sắt và máu. Những thắng lợi và thất bại của ta, những hoạt động của địch đều là những bài học quý báu. Chúng ta luôn luôn học tập ở quân địch, học tập trong chiến đấu”.

        Học tập ở sách vở, ở những trường hợp ngắn ngày chưa đủ. Học tập trong thực tiễn chiến đấu, học tập ở quân địch là vấn đề lớn được rút ra từ hội nghị quân sự lần này. Những kẻ xâm lược có biết đâu khi tiến hành chiến tranh, họ đang dạy những người yêu nước cách đánh bại họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2016, 05:45:59 am »

       
5

        Đầu tháng Tư năm 1947, việc “thiên đô” lên Việt Bắc và di chuyển cơ quan chỉ huy các khu, tỉnh về các căn cứ đã hoàn thành. Chỉ tính từ Bình - Trị - Thiên trở ra, khoảng bốn chục nghìn tấn máy móc, nguyên liệu đã được đưa tới nơi an toàn. Riêng ở Bắc Bộ, gần hai phần ba số máy móc của xí nghiệp được di chuyển kịp thời. Với những máy móc này, ta xây dựng được 57 cơ sở sản xuất quân giới trong kháng chiến.

        Ta di chuyển cả những máy in báo, in giấy bạc, những trường học, những bệnh viện. Đài Tiếng nói Việt Nam vừa di chuyển vừa tiếp tục phát sóng không để tiếng nói của kháng chiến bị gián đoạn; đài được chia làm hai bộ phận để thay thế nhau khi cần thiết.

        Việt Bắc là một vùng rừng núi hiểm trở gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã trao nhiệm vụ cho anh Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại đây một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng Mười năm 1946, sau khi vừa ở Pháp về, Bác lại phái anh Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để lãnh đạo việc chuẩn bị các mặt. Một số đội công tác của anh Trần Đăng Ninh đã tới đây chuẩn bị các an toàn khu (ATK).

        Các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang (thuộc Tuyên Quang), Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (thuộc Thái Nguyên) Chợ Đồn, Chợ Rã (thuộc Bắc Kạn) được chọn làm an toàn khu. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong ATK cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy và các đoàn thể.

        Thời gian đầu, Bác và Thường vụ ở vùng Chợ Chu, thuộc châu Định Hóa. Bác chưa trở lại Tân Trào ngay, thủ đô của Cách mạng tháng Tám, thuộc huyện Sơn Dương, còn ở bên kia một dãy núi.

        Những huyện này vốn là những nơi đèo cao hút gió, có nhiều vùng còn nổi tiếng là ma thiêng nước độc, nay có nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội, lại thêm những gia đình từ Hà Nội tản cư lên, nhanh chóng trở nên tấp nập, đầm ấm. Nhiều tên đất trước đây ít người biết đến nay trở nên quen thuộc: Bình Ca, Đa Năng, Đèo Khế, Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp, Quán Vuông, Ba Giăng, Cù Vân, Bờ Đậu… Có nơi chưa được đặt tên, nhưng vì có một ông già mở quán nước nên nhanh chóng mang tên “Quán Ông Già”.

        Chúng tôi gặp lại những khuôn mặt chất phác, trung hậu của các pò, các mế, các noọng… Cái vốn tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Mông ngày trước lại có dịp được sử dụng.

        Bác gửi thư cho đồng bào thượng du, biểu dương truyền thống yêu nước, tinh thần tích cực tham gia kháng chiến và kêu gọi sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, ra sức tăng gia sản xuất, làm ra nhiều lúa, bắp, khoai. Bác đề ra 12 điều răn để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ những việc cần làm, những điều cần tránh để được dân yêu, dân tin, dân phục.

        Từ tháng Ba năm 1947, anh Trường Chinh bắt đầu viết một loạt bài trên báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng, giải tích và cụ thể hóa đường lối kháng chiến của ta được nêu trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Những bài viết với các tiêu đề: “Chúng ta đánh ai?”, “Tính chất cuộc kháng chiến của ta”, “Hình thái chiến tranh chống Pháp”, “Ba giai đoạn của cuộc kháng chiến lâu dài”, “So sánh hơn thua”… sau đó được bổ sung và in thành sách với tên gọi “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đây là một đóng góp quan trọng vào việc giáo dục, tổ chức, động viên quân và dân cả nước giữ vững ý chí kháng chiến tới thắng lợi cuối cùng.

        Ngay sau khi tới căn cứ Việt Bắc, ngày 3 tháng Tư, Thường vụ triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai. Hội nghị họp bốn ngày, đề cập một cách toàn diện mọi vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của cuộc kháng chiến và nêu lên chủ trương, biện pháp để thực hiện đường lối kháng chiến lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

        Về chính trị, hội nghị chủ trương củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất chống thực dân phản động Pháp, tổ chức thêm một số đoàn thể quần chúng mới, tranh thủ đồng bào công giáo và dân tộc thiểu số.

        Về quân sự, hội nghị nhận đinh: “Việt Nam, không thể chuyển từ phòng ngự đến phản công như Nga, trái lại phải qua một thời kì lâu dài, gian khổ để vừa đánh vừa cố gắng bồi bổ vũ khí và bộ đội, chuyển thế yếu của ta thành thế mạnh, chuyển thế mạnh của địch thành thế kém”.

        Ta dự kiến cuộc kháng chiến lâu dài sẽ phải trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, địch dùng quân giới mở những cuộc hành quân quy mô rộng lớn, mau lẹ, mở rộng phạm vi chiếm đóng. Ta cần tiêu hao lực lượng địch, làm chậm bước tiến của chúng, bảo tồn lực lượng, tránh những trận đánh bất lợi, rút lui tới một mức nào đó, tuy vẫn tiến công bộ phận để tiêu diệt bộ phhận địch. Sang giai đoạn thứ hai, địch sẽ dùng khủng bố, “quét sạch”, phong tỏa ta, cố lập chính phủ bù nhìn và dụ ta hàng. Ta phải bồi bổ lực lượng, bộ đội tiến lên mở rộng du kích vận động chiến, toàn dân thì phát động chiến tranh du kích ngay trong vùng địch kiểm soát, cả trong những thành phố lớn, vừa tiêu hao vừa tiêu diệt địch để chuẩn bị chuyển sang phản công. Gia đoạn thứ ba là lúc lực lượng địch đã suy yếu, lực lượng ta trội lên, điều kiện chủ quan và khách quan đều thuận tiện, ta sẽ tập trung lực lượng, dùng vận động chiến là chính, có du kích, trận địa chiến hỗ trợ, phản công khắp các mặt trận, tiêu diệt địch, lấy lại các vùng đã mất.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM