Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:40:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43592 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:16:05 am »

       
3

        Hiệu lệnh nổ súng ở Hà Nội là đèn điện tắt, đại bác của pháo đài Láng bắn những phát đầu tiên. Chúng ta cần bóng tối trở lực khi khởi sự. Làm được việc này không dễ. Trung tâm phát điện là nhà máy điện Yên Phụ do lực lượng hỗn hợp Việt, Pháp cùng canh gác. Cần bí mật đưa vào nhà máy một lượng thuốc nổ đặt vào nơi cần thiết sát giờ nổ súng. Nếu địch phát hiện, quân Pháp có cớ chiếm ngay nhà máy và tiến công trước vào bộ đội trên toàn thành phố.

        Từ làng Tây Mỗ, cách Hà Nội mười kilômét, tôi chờ đợi giờ phút này. Anh Hoàng Văn Thái túc trực tại tổng đài điện thoại của Bộ đặt ở thị xã Hà Đông, nắm tình hình tác chiến, theo quy định cứ hai giờ báo cáo với tôi một lần.

        20 giờ...

        20 giờ 03 phút. Đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ pháo đài Láng gầm lên. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ do đồng chí Giang phụ trách đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt vời! Ngay sau đó cả Hà Nội rền vang tiếng súng. Chớp lửa đại bác. Hỏa châu. Luồng sáng của đạn vạch đường. Chân mây dần đỏ rực màu hồng của những đám cháy. Những người có mặt ở Hà Nội đêm Nhật đảo chính nói đêm nay mới thực sự là chiến tranh.

        Có thể thấy địch lập tức đối phó. Phần lớn những tiếng súng lúc này là của địch. Các chiến sĩ ta được lệnh tiết kiệm đạn ngay từ khi khởi đầu tiến công.

        Anh Thái kịp thời thông báo những diễn biến đầu tiên từ mặt trận. Quân ta diệt nhiều ổ chiến đấu lẻ, nhiều tiểu đội địch trong các bộ phận gác hỗn hợp và đang vây đánh nhà Đềlêvô.

        Một tin làm tôi rất quan tâm là chỉ sau nửa giờ nổ súng, từ trong Thành quân Pháp đã chia mấy cánh đánh ra. Một cánh từ Cửa Bắc tiến theo đường Hàng Đậu. Một cánh từ Cửa Nam đi theo đường Tràng Thi, đã chiếm được bốt công an Hàng Trống và tiếp tục đi về hướng Nhà hát lớn.

        Quân Pháp sẽ đánh vào Bắc Bộ Phủ, tôi nghĩ. Đại đội vệ quốc quân làm nhiệm vụ canh gác đã tuyên thệ quyết tử. Tôi nhắc Bộ chỉ huy Hà Nội lệnh cho đơn vị ở Bắc Bộ Phủ sẵn sàng chiến đấu và sử dụng pháo binh chi viện khi địch bắt đầu tiến công.

        Ở ngã ba Hồng Phúc, Hàng Đậu, vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu đã tổ chức phục kích, giật bom phá xe tăng rồi xung phong diệt hàng chục địch. Như vậy, ngay giữa thành phố vẫn có thể tổ chức phục kích! Đây là một chiến công do quần chúng sáng tạo.

        Trong đêm, được tin Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh và Huế đã lần lượt nổ súng. Bộ đội Đà Nẵng 21 giờ mới nhận được lệnh, đề nghị cho nổ súng vào 8 giờ 30 ngày hôm sau.

        Nhìn chung, ta đã giành được lợi thế trong những giờ giao chiến đầu tiên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:22:03 am »

       
4

        Sáng sớm ngày 20, tôi cùng anh Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương và anh Hoàng Văn Thái có mặt ở Sở chỉ huy mặt trận Hà Nội. Phái viên từ các nơi liên tiếp về báo cáo tình hình chiến đấu đêm qua. Những bộ mặt trẻ măng. Ai cũng muốn nói nhiều về chiến tích đầu tiên của khu mình.

        Đang ngồi nghe các phái viên kể chuyện thì có báo cáo rất đông quân Pháp, với xe tăng mở đường, tiến công vào Nhà hát lớn, Bắc Bộ Phủ và Nhà bưu điện.

        Tôi bảo anh Vũ ra lệnh cho pháo binh bắn yểm hộ cho bộ đội ta ở Bắc Bộ Phủ. Anh Vũ cầm điện thoại, rồi phất tay nói:

        - Bắn đi!

        Tôi ngạc nhiên vì sao không chỉ rõ mục tiêu. Anh đáp:

        - Báo cáo anh, tất cả mục tiêu đều được đo đạc tính sẵn phần tử từ trước. Nếu bây giờ chỉ thị mục tiêu mới, đạn có thể rơi vào bộ đội hoặc đồng bào ta.

        Mọi người đang phải làm một nhiệm vụ vượt quá xa sức mình!

        Tôi yêu cầu đi thăm mặt trận. Anh Vũ đưa trở lại phố Khâm Thiên. Lần này, không đi trên đường, chúng tôi chui qua những lỗ đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia. Những căn buồng đồ đạc vẫn nguyên vẹn. Chiếc chăn bông xếp ngay ngắn ở cuối giường. Trong bể non bộ, đàn cá vàng vẫn lượn lờ. Người dân nghèo hay giàu, đều bỏ lại tài sản ra đi.

        Ở đầu phố, đối diện với vị trí địch tại nhà dầu Shell, chiến lũy của ta vẫn đứng vững. Mùi thuốc súng khét lẹt. Trong tự vệ, lẫn với học sinh, dân nghèo, có những công nhân xe lửa với bộ mặt rám nắng và bộ quần áo xanh bạc màu. Không ít người chỉ có trong tay một quả lựu đạn lọ mực, một thanh sắt hoặc con dao.

        Chúng tôi đang đứng quan sát bên một ngách tường thì một viên đạn cối không biết từ đâu lao tới, nổ cách đó mấy nhà. Tiếp theo là những loạt liên thanh của quân Pháp. Anh Vũ đề nghị tôi xuống giao thông hào.

        Giữa những loạt súng nổ ran, chợt nghe tiếng hát của chiến sĩ ta. Tôi định nói tiếng hát sẽ làm lộ mục tiêu, nhưng lại thôi. Trận dạ tập Đồng Mu trước ngày Tổng khởi nghĩa, giữa giờ phút khó khăn thì tiếng hát của quân giải phóng bật lên. Năm trước, ở Nha Trang, tôi gặp các chiến sĩ trên đường ra trận vừa đi vừa hát. Sau này đọc một cuốn sách của Pháp, tác giả kể khi Pháp tiến công Bắc Bộ Phủ, những người bảo vệ đã chiến đấu tới viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng trong tiếng hát và tiếng đàn măngđôlin. Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kì lạ.

        Tôi nói với anh Vũ cần xây dựng tiếp vài lớp chiến lũy và đào thêm nhiều hầm hào. Bộ đội không chỉ chặn địch trước mặt mà phải có bộ phận cơ động bổ sung mật đánh vào sườn. Nên phổ biến kinh nghiệm tự vệ đường Tràng Thi từ trên mái nhà ném lựu đạn, bắn súng xuống, học kinh nghiệm phục kích ở ngã ba Hồng Phúc tối qua. Nếu ta biết đánh, địch không dễ gì chiếm được chiến lũy.

        Cùng với mặt trời dần lên cao, tiếng súng từ trung tâm thành phố dội về mỗi lúc một dữ dội. Máy bay địch bay lượn trên bầu trời Hà Nội bắn phá một số nơi. Súng cao xạ của ta từ dưới bắn lên để lại trên cao những đám khói trắng.

        Trên đường về tôi cảm thấy yên lòng về tinh thần chiến đấu cảu bộ đội và tự vệ, nhưng cũng rất băn khoăn vì lực lượng bộ đội ta quá mỏng. Cả Khu 11 chỉ có 5 tiểu đoàn! Bộ Tổng chỉ huy không có lực lượng dự bị nào… Tôi nảy ra ý nghĩ có thể sáp nhập Khu 11 vào Khu 2. Hà Nội cùng với hai tỉnh Sơn Tây, Hà Đông sẽ trở thành khu vực tiền phương của Chiến khu 2. Như vậy, mặt trận Hà Nội có nguồn bổ sung bộ đội, và một hậu phương tương đối rộng để huy động sức người, sức của kéo dài cuộc chiến đấu.

        Tối hôm đó, tại cơ quan trung ương ở Do Lộ, anh Trường Chinh và tôi cùng nghe Bộ Tổng tham mưu tổng họp tình hình chiến sự ngày đầu để chuẩn bị báo cáo với Bác.

        Ở Hà Nội, ta đánh 30 trận vừa tiến công vừa chặn địch, diệt nhiều vị trí nhỏ và ổ chiến đấu lẻ. Ta không giải quyết đươc những nơi địch tập trung đông như ở trường Bưởi, Đồn Thủy… Cuộc chiến đấu ở Bắc Bộ Phủ diễn ra từ 5 giờ sáng đến 18 giờ. Vệ quốc quân đánh lui nhiều đợt xung phong. Buổi chiều, chính trị viên đại đội Lê Gia Định thấy không giữ được Bắc Bộ Phủ nữa, ra lệnh cho 2 trung đội do anh chỉ huy rút sang Nhà bưu điện. Anh ở lại với một quả bom, định giật nổ để tiêu diệt toán quân Pháp đầu tiên xông vào. Bom không nổ, chính trị viên Lê Gia Định đã anh dũng hi sinh. Tại Nhà hát lớn, 2 tiểu đội do trung đội trưởng Đát chỉ huy đã đánh lui các đợt xung phong của quân Pháp suốt đêm 19. Sáng 20, chỉ còn lại 12 chiến sĩ. Bắn hết đạn, họ dùng lưỡi lê, báng súng tiếp tục quần nhau với quân địch. Những người bị quân địch bắt nhất định không chịu đầu hàng, quân Pháp đưa họ ra bắn. Ở phố Nhà Thờ, đại đội trưởng vự vệ thành Trịnh Sĩ Bình, một công nhân công giáo lớn tuổi, một mình ở lại chặn đánh quân địch cho đơn vị rút lui đã anh dũng hi sinh. Ngay trong ngày đầu kháng chiến toàn quốc, ở Thủ đô đã có biết bao tấm gương chiến đấu oanh liệt. Ta tiêu diệt hàng trăm quân địch, phá hủy một số xe tăng, xe bọc thép. Phái ta, bốn mươi chiến sĩ hi sinh. Ta giật một quả bom 250 kilôgam ở cầu Long Biên nhưng không phá được cầu, không đánh được sân bay Gia Lâm vì địch canh phòng cẩn mật.

        Các tỉnh đều có điện về báo cáo: Tại Hải Dương, diệt 2 trung đội địch ở trường nữ học và cầu Phú Lương, đang bao vây quân Pháp ở Nhà máy chai; ở Nam Định, diệt một số tiểu đội tại nhà ga, Nhà máy tơ, chiếm một bộ phận Nhà máy dệt. Trung đội địch đóng tại sân bay Vinh đã đầu hàng. Ở Huế, bộ đội ta diệt một số điểm lẻ ở Ngã Năm, khách sạn Thanh Minh, trường Khải Định. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đang vây địch, mới diệt được một tiểu đội. Riêng ở Đà Nẵng, vì chuẩn bị chậm, định nổ súng vào 8 giờ 30 ngày 20 tháng 12, nhưng từ 5 giờ sáng địch đã tiến công trước, lực lượng vũ trang ta có nguy cơ bị đẩy ra ngoài thành phố.

        Sau khi nghe báo cáo, chúng tôi trao đổi và nhất trí qua một ngày đêm chiến đấu có thể thấy, nhìn chung, tuy ta yếu hơn địch nhiều, nhưng vì giành được bất ngờ nên ta ở thế có lợi, còn địch ở vào thế bị động đối phó. Ở Hà Nội, không thể tiếp tục tiến công vào những vị trí lớn, mà nên đánh nhỏ, đánh du kích. Sau ba ngày chiến đấu, các liên khu có thể co lực lượng về khu vực tác chiến đã chuẩn bị. Ở Hải Dương, Nam Định, Huế, ta còn nhiều lực lượng, cần tiếp tục tiến công tiêu diệt địch.

        Tôi quyết định điều ngay hai tiểu đoàn của Khu 2 tăng cường cho Hà Nội, gấp rút xây dựng một trung đoàn chủ lực trực thuộc Bộ, và mỗi chiến khu đều phải nắm chắc một tiểu đoàn chủ lực.

        Ngày 25 tháng 12, Thường vụ Trung ương họp nghe báo cáo tình hình chiến đấu ở Thủ đô. Anh Trường Chinh công bố quyết định sát nhập Chiến khu 11 vào Chiến khu 2. Anh Hoàng Sâm và anh Lê Hiến Mai vẫn là chỉ huy trưởng và chính ủy. Anh Vương Thừa Vũ và anh Trận Độ là chỉ huy phó và phó chính ủy của Chiến khu 2, nhưng vẫn là chỉ huy trưởng và chính ủy của Mặt trận Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:35:58 am »

        
5

        Ngày 12 tháng 1 năm 1947, Hội nghị quân sự lần thứ nhất họp ở gần Hà Nội.

        Kháng chiến toàn quốc đã hơn ba tuần. Bộ đội và tự vệ Hà Nội đã vượt qua cái mốc 15 ngày cầm chân quân Pháp đề ra lúc ban đầu. Không riêng Hà Nội, tại nhiều thành phố khác, lực lượng vũ trang ta vẫn đứng vững. Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 3 (3è REI) đã bỏ Bắc Ninh, Bắc Giang rút về Hà Nội.

        Hưởng ứng mệnh lệnh kháng chiến toàn quốc, ở Nam Bộ, ngày 20 tháng 12 năm 1946, tự vệ thành và những đội cảm tử đồng loạt nổ súng tại Sài Gòn, gây náo loạn cả thành phố. Ở Nam Trung Bộ, đêm 30 tháng 12 năm 1946, một đoàn tàu quân sự với 30 toa xe chở gần 200 sĩ quan và binh lính Pháp bị đánh lật nhào ở sông Phan. Tại Tây Nguyên, từ 29 đến 30 tháng 12 năm 1946, bộ đội ta liên tiếp phục kích quân tiếp viện địch trên đường An Khê - Gia Hội, An Khê - Thượng An, đánh một đoàn xe địch, loại 70 sĩ quan và binh lính khỏi vòng chiến đấu.

        Về phía địch, sau hai chục ngày tác chiến, Bộ chỉ huy Pháp vẫn chưa thoát khỏi thế bị động, lúng túng. Tướng Moóclie chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ mất chức. Đépbờ (Dèbes), người đánh chiếm Hải Phòng tháng 11 năm 1946 lên thay. Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Vanluy kêu gọi binh lính: “Nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt… Chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ được tăng viện tiếp tế”. Tuy nhiên, ở một số mặt trận xa, quân Pháp nhanh chóng mở rộng phạm vị chếm đóng. Ở Tây Bắc, địch chiếm Sơn La, Hát Lót, Yên Châu. Ở biên giới Việt - Lào, địch làm chủ tuyến sông Mã. Ở Đông Bắc, địch đã nối liền Tiên Yên, Đình Lập, Lạng Sơn, và đang tiến từ Đình Lập xuống Phả Lại, nhằm chiếm đóng khu tứ giác Lạng Sơn - Móng Cái - Hải Phòng - Phả Lại. Có thêm quân tăng viện, địch sẽ còn những âm mưu mới.

        Hội nghị quân sự lần này nhằm bàn kế hoạch đối phó với tình hình mặt trận sẽ có những biến chuyển lớn nay mai.

        Cuộc họp kéo dài từ ngày 12 đến 16 tại Trúc Sơn, nơi năm thế kỉ trước đã diễn ra trận Chúc Động - Tốt Động lịch sử.

        Anh Trường Chinh tới dự hội nghị. Các khu trưởng từ Khu 4 trở ra đều có mặt. Vẻ bỡ ngỡ lần trước cách đây đúng một tháng, ngày nhậm nhiệm vụ, đã nhường cho sự hiểu biết, tự tin hơn sau ba tuần thử lửa.

        Tôi đọc bản báo cáo đánh giá những thành tích quân và dân ta đã thu được từ ngày nổ súng và nêu lên những khuyết, nhược điểm cần khắc phục về mặt tổ chức, chỉ huy và cách đánh của bộ đội.

        Ta nhận định sau một thời gian bị động đối phó, địch đang chuyển sang phản công và tiến công. Dự đoán có thêm viện binh, địch sẽ chiếm và kiểm soát khu Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình - Phát Diệm, củng cố đường số 1, đường sông Hồng, phát triển mặt trận Sơn La, đổ bộ lên Đà Nẵng để có đủ lực lượng giải vây cho Huế, nối liền Huế - Đà Nẵng, và từ Sê Pôn (Lào) uy hiếp phía sau lưng quân ta.

        Ta chủ trương kiên quyết nắm quyền chủ động trên khắp các mặt trận, kịp thời chuyển sang thời kì mới không để lâm vào thế bị động. Cần tránh đưa lực lượng đối chọi với các mũi tiến công lớn. Dựa vào trận địa đẩy mạnh hoạt động du kích, ngăn chặn không cho địch phát triển mau lẹ. Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt từng bộ phận nhỏ để động viên cả nước chiến đấu. Cần tiếp tục vây hãm quân địch ở các thành phố thêm một thời gian, có kế hoạch đánh địch giải vây, chủ động rút lui đúng lúc và có tổ chức để bảo toàn lực lượng, sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công lan rộng của địch. Ta quyết định tổ chức mặt trận Tấy tiến nhằm phá thế uy hiếp ở phía tây, buộc địch phải phân tán đối phố, và mở rộng căn cứ địa.

        Cách đó sáu ngày, đảng bộ Liên khu 1 Hà Nội có điện đề nghị thống nhất tất cả các bộ phận Vệ quốc quân, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành trong Liên khu 1 thành một trung đoàn, lấy tên là trung đoàn Liên khu 1. Bộ Tổng chỉ huy đã đồng ý. Tại Hội nghị quân sự lần này, tôi đề nghị tặng trung đội Liên khu 1 danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô”. Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh.

        Anh Vương Thừa Vũ báo cáo những kinh nghiệm phong phú tại mặt trận Hà Nội: tác chiến dựa vào chiến lũy, phục kích, cơ động lực lượng trong thành phố, sử dụng lực lượng dự bị. Khu 2 giới thiệu cách đánh quân nhảy dù và quân tăng viện đường thủy tại Nam Định ngày 6 và 7 tháng 1 năm 1947. Đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới, báo cáo về việc chế tạo súng và đạn badôca để thay thế cho loại bom ba càng khó sử dụng và dễ đưa chiến sĩ tới tử vong. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy, vừa nhận chức Cục trưởng Giao thông Công chính, báo cáo về công tác phá hoại cầu đường.

        Giờ nghĩ, tôi gặp anh Vũ trao đổi về những diễn biến sắp tới tại mặt trận Hà Nội. Chúng tôi dự kiến địch sẽ đẩy lui lực lượng ta ra khỏi các cửa ô trước, sau đó mới quay về đánh Liên khu 1. Do đó, cần điều chỉnh lại, bố trí và tăng cường thêm chiến lũy, động viên bộ đội và tự về chiến đấu tích cực chặn địch trên các trục phố dẫn ra cửa ô. Đồng thời, củng cố những công trình phòng thủ tại Liên khu 1 sẵn sàng đánh địch và rút lui đúng lúc.

        Hội nghị họp sáng ngày thứ hai thì có tin địch lại tiến công ra các cửa ô, anh Vũ xin về sớm để chỉ huy chiến đấu.

        Chúng ta vừa chiến đấu vừa phải kịp thời rút kinh nghiệm trong chiến đấu. Cuộc họp lần này đã trở thành một lớp học mà tất cả những người tham dự vừa là giảng viên, vừa là học viên. Đây chính là những lớp học ngắn ngày góp phần khắc phục trình độ non trẻ của cán bộ ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:39:49 am »


6

        Tiêu biểu cho trận tổng giao chiến đầu tiên phải nói đến Thủ đô Hà Nội.

        Hà Nội chia thành ba liên khu. Theo đúng kế hoạch, sau ba ngày giao chiến trên khắp thành phố và tổ chức cho đồng bào tản cư khỏi nội thành, lực lượng vũ trang các liên khu 2, 3, bắt đầu giãn dần ra cửa ô, nơi đã được xây dựng chiến lũy để ngăn chặn quân địch. Bộ đội và tự vệ Liên khu 1 cũng thu hẹp phạm vi chiến đấu, rút vào khu vực cố thủ nằm tiếp giáp với Thành Hà Nội.

        Từ ngày 30 tháng 12, địch mở liên tiếp nhiều cuộc tiến công ra các cửa ô. Mỗi cuộc đều có xe tăng, xe bọc thép đi kèm và máy bay, pháo binh phối hợp.

        Vệ quốc đoàn và tự vệ với súng trường, lựu đạn, dao kiếm, giáo mác, chai xăng krếp, bom ba càng, dựa vào chiến lũy, chướng ngại vật, công sự, hầm hố, lợi dụng nhà gác, mái nhà đã đánh chặn, giành giật từng quãng đường, từng ngôi nhà.

        Ở Khâm Thiên, Hàng Bột, Đội Cấn, địch bị thiệt hại nhiều mà vẫn không vượt qua được chiến lũy. Quân Pháp cuối cùng phải bỏ ý định đánh thẳng vào chiến lũy mà đi vòng theo đường khác. Thiếu sót của ta ở một số nơi chưa tính tới trường hợp địch đi theo đường vòng.

        Trận đánh ở nhà thương Vọng ác liệt nhất. Lực lượng vũ trang ta dùng bom ba càng phá xe tăng, rồi rút lên gác đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Địch bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên và bị phá hủy một số xe tăng, xe cơ giới. Phía ta, hai trung đội vệ quốc đoàn và năm mươi tự vệ hi sinh.

        Một số trận phục kích diễn ra ở Đống Đa, Hòa Mục, đường Nguyễn Công Trứ, diệt từng trung đội địch. Kinh nghiệm mặt trận ngã ba Hồng Phúc đã được vận dụng.

        Cho đến ngày 25 tháng 1 năm 1947, địch mới đẩy lùi lực lượng Liên khu 2 và Liên khu 3 ra tới cửa ô. Từ trung tâm thành phố ra tới đây chỉ 5 kilômét nhưng quân Pháp đã đi mất 27 ngày, với tốc độ bình quân 200 mét một ngày theo cách tính của một nhà báo Pháp.

        Khi bàn về trận đánh Hà Nội, nhiều người đã quên hoặc ít nói về Liên khu 2 và Liên khu 3. Ở hai liên khu này, cuộc chiến đấu đã diễn ra 38 ngày đêm, trong đó có 27 ngày đánh địch trên khắp các trục đường ra ngoại ô kết hợp với những tổ luồn vào khu vực địch đã kiểm soát thường xuyên tập kích địch. Nếu không có sự phối hợp này, chiến sĩ Liên khu 1 khó trụ sát nách địch một thời gian dài như vậy.

        Tuy nhiên, Liên khu 1 vẫn là tiêu biểu nhất cho cuôc chiến đấu ở Thủ đô.

        Liên khu 1 nằm kề đại bản doanh của Bộ chỉ huy Pháp giữa lòng Hà Nội giống như một cái “chốt chặn” hay một cái “nhọt tụ độc” ta thường gặp trong chiến tranh. Đây là một lực lượng những chiến sĩ quyết tử có nhiệm vụ thu hút, ngăn chặn địch, sẵn sàng hi sinh tính mệnh cho lợi ích toàn cục trong một trận đánh quan trọng.

        Theo kế hoạch, sẽ có một tiểu đoàn vệ quốc quân cùng ở lại với tự vệ tại liên khu. Nhưng ngay từ những phút đầu chiến đấu, tiểu đoàn này đã bị cắt làm đôi. Một đại đội ở khu vực phố Yên Phụ, không rút vào được khu vực cố thủ. Như vậy, trong Liên khu chỉ có hai đại đội vệ quốc đoàn cùng với một bộ phận tự vệ chiến đấu, lực lượng vũ trang trung kiên được Thành ủy Hà Nội tổ chức sau ngày Tổng khởi nghĩa. Họ là nòng cốt cho cuôc chiến đấu của hàng nghìn tự vệ gồm những người dân thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, phần lớn là thanh niên, lần đầu làm quen với chiến trận. Hạt nhân lãnh đạo của liên khu, với hàng vạn dân chưa kịp tản cư, là ba chục đảng viên cộng sản, cả nam lẫn nữ, được chỉ định ở lại. Điều đáng ngạc nhiên là các chiến sĩ Liên khu 1, từ em nhỏ, cô gái đến anh vệ quốc quân, ngay giờ phút đầu tiên đã hiên ngang tiến hành trận đánh “mặt đối mặt với kẻ thù mạnh hơn mình gấp nghìn lần.

        Ngày 23 tháng 12 năm 1946, anh Trần Quốc Hoàn và anh Lê Quang Đạo được Trung ương cử vào Liên khu 1 để xem xét tình hình tại chỗ. Khi trở về, các anh báo cáo vói Bác và Thường vụ: Nếu được tiếp tế đều đặn về lương thực, đạn dược, trung đoàn vẫn có thể trụ lại vượt thời gian dự tính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:43:11 am »


        Tinh thần căm thù quân cướp nước, sẵn sàng hi sinh tính mệnh cho Tổ quốc đã mang lại cho các chiến sĩ sự lạc quan, bình tĩnh, sáng tạo, sớm tìm ra cách bảo vệ mình và tiểu đoàn địch. Họ rút kinh nghiệm qua mỗi trận đánh. Từ chia quân khắp nơi ngăn chặn địch với công sự chiến đấu giản đơn, nhanh chóng chuyển sang chiến đấu cơ động dựa vào chiến hào, đánh địch cả trước mặt, bên sườn và phía sau. Họ biết nghi binh, nhử địch, biết tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Một chiến thuật mới cùng với hình thức tổ chức thích hợp đã hình thành. Bộ đội chia thành những tổ nhỏ, dựa vào những đường hào, đường luồn trong nhà, thường xuyên di động. Họ không khi nào lộ mặt trước quân địch và luôn luôn reo rắc những tai họa bất ngờ. Một kẻ thù vô hình bao giờ cũng đáng sợ hơn một kẻ thù hữu hình. Những chai cháy, quả lựu đạn, phát súng trường lẻ tẻ nhưng rất trúng địch, không biết xuất hiện từ đâu. Các chiến sĩ cố thủ không chịu bó hẹp phạm vi chiến đấu của mình bên trong chiến lũy. Họ thường xuyên kéo nhau đi đột kích những bộ phận quân Pháp đóng lẻ. Nhờ thông thuộc địa hình, đường ngang lối tắt, họ thoắt hiện, thoắt ẩn khiến kẻ địch thường không kịp đối phó và càng ít cơ hội chụp bắt họ. Họ được sự giúp đỡ, cổ vũ của hàng vạn đồng bào, những người chưa kịp tản cư cũng như những người quyết tâm ở lại.

        Tuy vậy, không phải không có những khó khăn mới đã nảy sinh. Khi lực lượng vũ trang ta thu hẹp phạm vi chiến đấu vào khu vực cố thủ thì dân chúng ở vùng chung quanh cũng ùa vào theo, đưa số dân tại đây lên tới hàng vạn người. Số nhân khẩu đông đảo này đã nhanh chóng làm cạn nguồn lương thực dự trữ trù liệu cho năm nghìn người trong vòng ba tháng. Con đường bí mật nằm ở ven sông Hồng, nối liên khu với hậu phương trong những đêm tối trời, đã bị địch chú ý. Không thể để tình hình này kéo dài. Chúng ta thống nhất với lãnh sự Trung Hoa, Anh và Mỹ, thỏa thuận cùng phía Pháp một thời gian ngừng bắn 24 giờ, đưa Hoa kiều, Ấn kiều và thường dân ra khỏi khu vực chiến sự. Bộ Tổng chỉ huy quyết định chỉ để lại Liên khu 1 một bộ phận nhỏ của Trung đoàn Thủ đô là 500 người, gồm những chiến sĩ chọn lọc, đại bộ phận sẽ rút ra cùng với dân trong ngày ngừng bắn. Nhưng qua ngày đó trung đoàn báo cáo ra, vẫn còn lại 1.200 người, trong số này có cả 200 phụ nữ và 75 em nhỏ. Điều ta không dự kiến được là có những người đã trốn ở lại để được tiếp tục chiến đấu.

        Vòng vây các vị trí địch quanh liên khu ngày càng dày thêm. Sau khi ngoại kiều đã rời khỏi đây, máy bay, trọng pháo không dè dặt trong những trận oanh tạc. Vanluy ra lệnh: “Đừng ngần ngại gì mà không đánh mạnh bằng bom và đại bác! Phải kết thúc sớm đi! Phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của chúng ta”. Ngày 16 tháng 1 năm 1947, tại khu Đông Thanh, một tổ súng trường do đồng chí Bạch Ngọc Liễn chỉ huy đã bắn rơi một máy bay Xpítphai đang lao xuống bắn phá. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị hạ bằng súng bộ binh tại Hà Nội. Bộ Tổng chỉ huy đã tặng Huân chương Chiến sĩ hạng ba cho chiến công này.

        Con đường tiếp tế từ ngoài vào liên khu có thể bị địch phát hiện và cắt đứt bất cứ lúc nào. Khu Đông Thanh chỉ có hai khẩu trung liên đều ọc ạch, vừa bắn vừa phải sửa. Càng chiến đấu kéo dài càng thiếu đạn. Một tiểu đội ở phố Cầu Gỗ chỉ có một khẩu súng khai hậu, anh em gọi đùa là khẩu “thần công”. Các chiến sĩ bắt đầu chia nhau từng viên đạn.

        Tết Đinh Hợi (năm 1947) mở đầu cho nhiều cái tết tiếp theo trong chiến tranh. Tiếng súng ở mặt trận đã thay tiếng pháo mừng xuân. Đồng bào ở giáp mặt trận vẫn có mâm cơm cúng gia tiên chiều tất niên, nén hương thắp trên bàn thờ lúc giao thừa, và đặc biệt không quên những chiếc bánh chưng, cây giò, gói mứt gửi người đang chiến đấu ở mặt trận. Các chiến sĩ Liên khu 1 nhận được cả một cành đào Tết Nhật Tân và những bó hoa tươi. Đêm 30 Tết, họ mở một đợt tiến công ở nhiều nơi trong thành phố và cắm cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa để khẳng định sự có mặt của mình tại Thủ đô.

        Bài thơ mừng xuân Đinh Hợi của Bác đầy hào khí:

              Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
              Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
              Toán dân kháng chiến, toàn diên kháng chiến,
              Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
              Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
              Sức ta đã mạnh, người ta đã đông,
              Trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi!
              Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

        Những tình cảm của Bác mùa xuân này dành phần lớn cho các chiến sĩ đang chiến đấu giữa vòng vây tại Liên khu 1. Trong thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô, Bác viết:

        “Các em ăn Tết thế nào?... Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kì kháng chiến.

        Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tư lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em…

        Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em…”.

        Sau Tết Nguyên Đán, ngày 29 tháng 1 năm 1947, tôi tới gặp Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội ở Tây Mỗ, nêu vấn đề phải tính ngay tới việc đưa bộ phận còn lại của trung đoàn Thủ đô ra ngoài. Tôi nhắc anh Vũ đặc biệt chú ý hai vị trí ở phía đông Liên khu là nhà Xôva và Trường Ke, nằm trên đường bộ đội sẽ rút qua. Tôi biết việc rút khỏi liên khu sẽ tác động lớn tới tư tưởng, tình cảm của chiến sĩ. Chừng nào còn môt lực lượng chiến đấu dù nhỏ tại liên khu thì Hà Nội vẫn chưa phải là rơi vào tay quân địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:46:52 am »


7

        Từ đầu tháng Hai, có thêm viện binh, quân Pháp mở những đợt tiến công quyết liệt vào Liên khu 1. Những trận đánh dữ dội diễn ra ngày 6 tại Nhà Xôva (nay là trường Nguyễn Huệ), ngày 7 tại Trường Ke (nay là trường Trần Nhật Duật). Đây là hai vị trí nằm gần bờ sông Hồng, kểm soát con đường duy nhất nối liên khu với bên ngoài, đã được chỉ thị phải bảo vệ bằng mọi giá. Ở cả hai nơi, địch đã phải bỏ dở cuộc tiến công. Tại Nhà Xôva, địch để lại bốn chục xác chết. Tại Trường Ke, quân địch kéo tới đông, trung đội trưởng Cát Vân Soan cử liên lạc về tiểu đoàn xin tăng viện. Liên lạc viên là em Lai, 12 tuổi. Gặp tiểu đoàn báo cáo xong, Lai quay trở về trung đội thì trúng đạn hi sinh. Cái chết của em Lai đã động viên toàn thể trung đội không chờ quân tăng viện, đánh lui tám đợt xung phong của quân Pháp, giữ vững vị trí. Khi được tin, tôi đã gửi điện biểu dương những đơn vị vừa chiến thắng.

        Chiều ngày 7 và sáng ngày 8, quân Pháp tiến công vào phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Bút. Dãy nhà số chẵn phố Hàng Thiếc, nơi quân ta bố trí chặn đánh địch, bị bắn phá tan hoang. Trung đội phó Trần Đan bị thương, vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội giữ vững trận địa.

        Suốt ba ngày liền, 11, 12, 13 tháng Hai, máy bay oanh tạc dữ dội, tập trung vào khu vực chợ Đồng Xuân. Sáng 14, từ 5 giờ, các loại súng của địch nổ rung chuyển cả liên khu. Máy bay ném bom dọc theo trục đường Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Từ nhiều hướng, xe tăng, xe bọc thép xuất hiện. Phía Hàng Giấy, xe bọc thép tiến về cửa chợ. Phía Ô Quan Chưởng, xe bọc thép phải dừng lại trước bãi cọc sắt và bao cát. Riêng sau chợ Đồng Xuân, bốn xe tăng dẫn đầu một đám đông lính mũ đỏ vượt qua bãi đá bóng. Súng trung liên của ta đặt trên những ngôi nhà cao bắn chặn quyết liệt. Lính mũ đỏ vào gần chợ thì vấp phải hỏa lực tiểu liên, lựu đạn, chai cháy, chai đựng sỏi và vôi bột từ trong ném ra. Địch phải ngừng tiến công.

        Khoảng 9 giờ, địch mở cuộc tiến công thứ hai vẫn nhằm vào chợ Đồng Xuân. Máy bay bà già lượn vòng chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Các loại súng thi nhau trút đạn vào chợ. Chiến sĩ ta và quân địch quần nhau trong từng căn nhà, trên những mái nhà. Hết đợt tiến công này, quân địch vẫn chưa lọt vào chợ, nhưng đã chiếm được một số nhà đặt gác đặt súng trung liên uy hiếp ta.

        12 giờ trưa, địch mở đợt tiến công thứ ba. Nhờ xe tăng mở đường, lính mũ đỏ lọt vào chợ. Trong chợ, ta chỉ có 2 tiểu đội của tiểu đoàn 101. Quân ta và quân địch xen vào nhau. Bộ đội ta dùng tiểu liên, lựu đạn, chai xăng krếp… quần nhau với địch quanh những quầy bán thịt. Cuộc chiến đấu giáp lá cà ác liệt, không cân sức, kéo dài tới 13 giờ. Một số chiến sĩ hi sinh. Một số rút ra ngoài, chiếm những nhà cao bắn vào bên trong chợ.

        Trận đánh chỉ dừng lại khi trời sẩm tối. Địch thương vong gần một trăm. Hai xe bọc thép bị phá hủy. Ta hi sinh 15, trong đó có em Tuyến, nữ liên lạc viên 14 tuổi; 10 người khác bị thương.

        Sau trận đánh, địa bàn chiến đấu của Liên khu 1 bị thu hẹp nhiều. Tối 14, theo báo cáo của trung đoàn, đạn chỉ còn trung bình mỗi khẩu súng 8 viên. Lương thực ăn dè sẻn được 5 ngày. trung đoàn đề nghị sẽ chiến đấu tới cùng. Trung đoàn Thủ đô đã trụ lại giữa thành phố hai tháng, vượt mấy lần dự kiến ban đầu. Quân ủy họp gấp và thống nhất cần ra lệnh cho trung đoàn rút ngay. Bác và Thường vụ phê chuẩn. Ngay đêm 14, tôi điện lệnh cho trung đoàn rút ra vào đêm 17 tháng 2 năm 1947.

        Việc rút lui của trung đoàn được trù liệu từ đầu nhưng vào lúc này trở nên hết sức khó khăn. Đường theo đê lên Yên Phụ và xuống Đồng Nhân đều bị bịt kín. Khi bàn kế hoạch đã tính tới đường cống ngầm. Nhưng đường cống ngầm ở Hà Nội hoàn toàn không đáp ứng được một cuộc chuyển  quân hàng nghìn con người với cả thương binh.

        Tối 16, trung đoàn điện ra đề nghị cho thuyền đón ở Tầm Xá đưa qua sông Hồng đến bến Long Tựu thuộc huyện Đông Anh.

        Tôi nhắc anh Thái bàn kĩ với mặt trận việc huy động thuyền đò, tổ chức thật chu đáo việc vượt sông. Lực lượng ở bên ngoài được lệnh mở một đợt tiến công mạnh vào Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa và tung nhiều phân đội luồn sâu vào nội thành tập kích, phá hoại, thu hút sự chú ý của địch trong hai đêm 16 và 17.

        Nửa đêm 17 tháng 2 năm 1947, tiếng súng nổ ran khắp Thủ đô. Nhiều đám cháy bùng lên từ Liên khu 1. Quân Pháp vẫn cho là lại diễn ra một đợt quấy rối lớn của bộ đội ta. Chính vào lúc đó, 1.200 chiến sĩ, gồm cả phụ nữ, trẻ em thương binh chia thành nhiều nhóm nhỏ bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên dưới họng súng của những lính gác đứng bên trên. Họ vượt sông Hồng trên những chiếc thuyền gỗ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:49:18 am »


        Trưa ngày 18, anh Thái tới vui vẻ báo cáo cuộc rút lui của trung đoàn Thủ đô đã thành công trọn vẹn, trung đoàn rút ra không thiếu một người, không thiếu một khẩu súng. Trong nỗi vui mừng khôn xiết, tôi viết ngay một bức thư ngắn gửi trung đoàn:

        “… Các chiến sĩ đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam.

        Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu đến 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần.

        Cho đến ngày Tổ quốc độc lập thống, nhất.

        Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô của một nước độc lập, thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.


        Ngày 23, tôi cùng các anh Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ đến thăm trung đoàn đã chuyển về làng Thượng Hồi, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.

        Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tập trung ở đình làng.

        Chưa bao giờ tôi gặp một đoàn quân nhiều màu sắc phong phú đến như vậy. Đủ mọi lứa tuổi, từ em nhỏ nhi đồng đến những người tóc đã hoa râm. Khá đông các chị. Quần áo đủ kiểu. Hàng quân danh dự hiên ngang với đồng phục kaki, mũ calô gắn phù hiệu nền đỏ sao vàng, khăn quàng đỏ quyết tử quân và súng tiểu liên. Số đông bộ đội mặc quần áo dân thường. Những bộ quần áo xanh công nhân, áo vét tông, áo bludông, mũ cát, mũ phớt. Những đôi dân dân sự màu đen, màu nâu. Lác đác màu áo lá cây cảu chiến sĩ vệ quốc đoàn. Chỉ giống nhau là mọi người đều mang vũ khí, thắt túi đạn hoặc lựu đạn ngang lưng. Những bộ mặt được khói lửa chiến trường tôi rắn lại vẫn chưa mất đi nhưng nét tài hoa, son trẻ của lớp thanh niên, học sinh Thủ đô.

        Tôi siết chặt tay các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, các anh Lê Trung Toản, Hoàng Siêu Hải, Hoàng Phương, Vũ Yên, Vũ Lăng, Đỗ Tần, Hoàng Đức Nghi, Bùi Nguyên Cát… chị Tuyết Minh, một bí thư chi bộ khu. Tất cả đều quân phục chỉnh tề, mũ đính sao vành vàng, đeo phụ hiệu cán bộ quân sự, chính trị.

        Anh Lê Trung Toản giới thiệu với tôi người chiến sĩ trẻ tuổi nhất, em Trương Công Lũy mới bảy tuổi - Lũy đã ném lựu đạn làm chết ba lính lê dương - và một số chiến sĩ vốn là văn nghệ sĩ của Thủ đô. Đồng chí Tiến Lợi, chủ hiệu Belle photo, tay cầm chiếc máy ảnh Rôlâyflếch. Đồng chí Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ đã từng biểu diễn ở những phòng trà, tiệm nhảy, ôm trước ngực một chiếc phong cầm.

        Tới đây, tôi được biết thêm, trong cuộc rút lui an toàn của trung đoàn có công lớn của đội du kích Hồng Hà. Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại đã giữ vững đường dây liên lạc giữa trung đoàn với Bộ chỉ huy Mặt trận suốt hai tháng qua. Cũng chính họ đã dẫn đường cho trung đoàn vượt khỏi vòng vây. Thuyền ít, đến 8 giờ 30 ngày 18, bộ đội vẫn tiếp tục vượt sông nhờ buổi sáng có sương mù.

        Trưa 18, khi trung đoàn đã đi khỏi bến Long Tựu, quân Pháp mới phát hiện bộ đội ta đã rút khỏi Liên khu 1. Địch huy động lực lượng đuổi theo. Nguyễn Ngọc Nại ra lệnh cho tiểu đội nổ súng từ bãi Tầm Xá thu hút sự chú ý của quân địch để bảo đảm cho sự an toàn của trung đoàn. Cả tiểu đội dàn ra chặn đánh địch. Tám trong số mười chiến sĩ của tiểu đội du kích anh hùng đã hi sinh, kể cả tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại, người đảng viên cộng sản mới 18 tuổi đời.

        Bờ bên kia sông Hồng, khi những chiếc xe tăng kéo tới thì bến bãi đều vắng lặng, bộ đội ta đã có mặt gần sông Đuống.

        150 năm trước, sông Hồng ngày đó còn gọi là Nhị Hà, đã chững kiến cuộc rút chạy của đạo quân Tôn Sĩ Nghị với hàng nghìn binh lính chết đuối, xác ngập đầy sông. Hôm nay, sốn Hồng một lần nữa chứng kiến một chiến công của dân tộc với cuộc rút lui thần kì của trung đoàn Thủ đô vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch, một mẫu mực của lòng dũng cảm, khả năng tổ chức và tính kỉ luật với sự phối hợp và đùm bọc của nhân dân các xã ven sông Hồng.

        Tôi chuyển lời khen của Bác tới trung đoàn rồi nói chuyện với anh chị em và thay mặt Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng “Trung đoàn Thủ đô” để đánh dấu ngày vui này.

        Tiếng nhạc tưng bừng nổi lên. Tất cả mọi người say sưa hát bài ca của một chiến sĩ sáng tác:

              “… Rồi ngày mai sẽ quay về đây
              Sông Hồng reo sóng đón mừng đoàn quân quay về
              Vang hát phố phường đỏ thắm say xuân mới
              Hà Nội ơi! Hà Nội ơi!
              Ngày mai ca vang đời mới huy hoàng…”.


        Ngày đó chỉ tới vào bảy năm sau, ngày 10 tháng 10 năm 1954. Tới đây, trung đoàn mới vượt qua thử thách đầu tiên trên con đường vạn dặm của cuộc kháng chiến lâu dài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:55:14 am »


8

        Tại Đà Nẵng, theo Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, Pháp chỉ được đóng một tiểu đoàn. Ngày 9 tháng 12 năm 1946, Pháp đã đổ bộ trái phép thêm một tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương thứ 13, đưa số quân tại Đà Nẵng lên 1.800 người. Tại đây Pháp có lợi thế sử dụng được hỏa lực mạnh của những tàu chiến đóng ở cảng. Bộ đội ta có hai trung đoàn của Chiến khu 5. Do nhận lệnh chậm, thời gian chuẩn bị quá gấp, bị địch tiến công trước, không nắm được quyền chủ động nên sau ba ngày chiến đấu, bộ đội ta phải rút ra ngoài. Nhân dân các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc cùng với lực lượng vũ trang xây dựng những phòng tuyến, lập vành đai vây chặt thành phố, liên tục cắt đứt liên lạc giữa Đà Nẵng với Huế. Bộ đội, tự vệ liên tiếp đột nhập thành phố, quấy rối, phá hoại, mở những đợt “tổng nhiễu loạn”. Địch phải mất một tháng để ổn định bên trong thành phố và càn quét vùng bán đảo Sơn Trà. Lực lượng vũ trang Đà Nẵng được Chiến khu 5 tặng cờ “Giữ vững”.

        Tại Huế, Pháp có 750 lính viễn chinh thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 21 (21è RIC) và trung đoàn thiết giáp số 6. Vệ quốc quân Chiến khu 4 tập trung ở đây gồm hai trung đoàn và một nghìn tự vệ thành. Số lượng tuy đông nhưng trang bị, vũ khí rất thiếu thốn. Quân Pháp cụm lại trong thành phố, dựa vào một số ngôi nhà vững chãi cố thủ. Lực lượng vũ trang ta hình thành thế bao vây xung quanh khu vực địch đóng quân. Ta nhiều lần tiến công địch không thành công. Những những đợt tiến công giải vây của địch bằng xe tăng, xe bọc thép cũng bị ta đẩy lùi. Quân Pháp bị vây chặt phải dùng máy bay thả dù tiếp tế lương thực, đạn, thuốc men.

        Trong Hội nghị quân sự lần thứ nhất, ngày 12 tháng 1 năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo Khu 4: Phải ngăn chặn từng bước, tiêu hao, tiêu diệt địch, tránh đem lực lượng quyết chiến với địch và phải rút khỏi thành phố đúng lúc để bảo toàn lực lượng, điều động nhiều đội cảm tử của các huyện để cố tiêu diệt quân địch trước khi viện binh địch kéo tới. Thực hiện chủ trương của Bộ, trung đoàn Thừa Thiên đã điều chỉnh lại sự bố trí, để hai tiểu đoàn bao vây địch ở thành phố rút các đơn vị khác ra ngoài. Từ hạ tuần thánh 1, Pháp dùng lực lượng lớn giải vây cho Huế. Những trận đánh chặn của bộ đội ta trên đường số 1, số 9, trong đó có trận Đầu Mầu đã ngăn chặn địch có hiệu quả.

        Ngày 4 tháng 2 năm 1947, quân Pháp có máy bay, pháo chi viện, kết hợp nhảy dù với đổ bộ đường biển từ nhiều hướng cùng tiến công giải vây cho Huế. Chiều ngày 8 tháng 2, chúng tôi nhận được báo cáo của Khu 4: “Mặt trận Huế bị vỡ”, “Bộ đội không giữ được hàng ngũ, các cấp chỉ huy không nắm được đội viên, các cơ quan bắt đầu mất liên lạc… dân chúng mất tin tưởng”.

        Phải mất một thời gian, tình hình Bình - Trị - Thiên mới ổn định dần. Anh Nguyễn Chí Thanh và nhiều đảng viên cộng sản đã có vai trò quan trọng trong việc cứu vãn tình hình khó khăn sau khi vỡ mặt trận Huế.

        Tuy nhiên, quân và dân Huế đã cầm chân quân địch gần 50 ngày đêm tại cố đô. Đây là những ngày chiến đấu khá hào hùng. Nếu ta thực hiện được rút lui đúng lúc thì mặt trận Huế coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đầu kháng chiến. Trận đánh ở Huế đã được những người viết sử chiến tranh Đông Dương coi trọng. Một nhà sử học Pháp đã viết: “Huế đã bị bao vây 46 ngày đêm. Bộ binh, quân dù, không quân và hải quân Pháp đã mát 18 ngày chiến đấu chật vật để giải vây cho Huế”.

        Tại Nam Định, trung đoàn 34 của Chiến khu 2 và một nghìn tự vệ thành đã bao vây chặt tiểu đoàn 2 của trung đoàn thuộc địa thứ 6 (2/6è RIC).

        Ba đợt tiến công của bộ đội ta trong mười ngày đầu đã gây cho địch nhiều thương vong. Quân Pháp chiến đấu cố thủ tại Nhà máy sợi và trại Carô tinh thần sút kém.

        Đầu tháng 1, phòng tình báo của ta báo tin địch chuẩn bị một bộ phận từ Hải Phòng đi theo đường biển để tăng viện cho Nam Định. Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Khu 2 điều lực lượng đánh địch trên sông từ cửa Ba Lạt vào, đồng thời cũng ra lệnh cho Khu 3 đưa lực lượng đến phối hợp tác chiến bên phía tả ngạn.

        Tối mồng 7, chúng tôi nhận được báo cáo đêm 5 tháng 1, bộ đội Nam Định tiêu diệt năm chục lính nhảy dù, và trong ngày 6 đã đánh thiệt hại nặng quân đổ bộ theo đường sông Đào. Số còn lại buộc phải chạy vào khu Nhà máy sợi. Đây là lần đầu bộ đội ta cùng lúc đánh thắng cả quân dù, quân thủy và bộ binh. Tôi điện cho Khu 2 cử ngay cán bộ về báo cáo.

        Ngày 9 tháng 1, anh Lâm Kính, Tham mưu trưởng Chiến khu 2 và một phái viên của Bộ tới cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tại Trúc Sơn. Anh Trường Chinh, anh Hoàng Hữu Nam và tôi nghe báo cáo. Chúng tôi rút ra một số vấn đề. Bộ đội ta với súng trường không thể ngăn cản thủy quân địch di chuyển trên những dòng sông rộng như sông Hồng. Chỉ khi quân địch đổ bộ lên bờ, ta mới có cơ hội đánh. Vậy phải tính cách nào đẻ ngăn chặn tàu trên sông. Có thể học kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa cắm cộc làm kè ngăn sông không?... Tại Nam Định, lần đầu quân và dân ta chạm trán với quân dù. Lúc mới nhảy xuống, quân dù không mạnh. Không chỉ riêng bộ đội, tự vệ mà một cụ già với chiếc dao thái chuối trong tay cũng tiêu diệt được quân địch. Có lính dù bị cành cây đâm lòi ruột. Như vậy, nếu ta cầm nhiều cọc ở những nơi địch có thể nhảy dù thì sẽ gây khó khăn cho quân địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 07:55:39 am »


        Chỉ một thời gian sau đó khắp nơi đã dấy lên một phong trào làm kè ngăn sông và cắm cọc chống quân nhảy dù.

        Dự kiến quân Pháp sớm muộn cũng giải vây cho Nam Định và hoàn thành việc đánh chiếm vùng tứ giác Đông Bắc, ta chủ động đề ra kế hoạch đối phó.

        Bộ Tổng chỉ huy trao nhiệm vụ cho Khu 2: Bố trí lực lượng dọc đường số 1 và trên đê sông Hồng; trung đoàn 34 đang bao vây Nam Định chỉ để lại một lực lượng trong thành phố, khi cần phải rút kịp thời, chuyển đại bộ phận ra bố trí dọc đê sông Hồng trên địa phận hai tỉnh Hà Nam, Nam Định. Khu 3 được trao nhiệm vụ dùng lực lượng khoảng một trung đoàn đánh vào khu vực tây nam Hải Phòng, uy hiếp thành phố Cảng, kéo lực lượng địch đánh đánh lên Phả Lại quay về. Đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên đường số 5.

        Ngày 6 tháng 3, quân Pháp từ Hà Nội với 200 xe cơ giới tiến về phía Nam Định theo dọc sông Hồng. Họ không chọn đường số 1 vì đường này bị phá hoại nặng. Trung đoàn 34 liên tiếp phục kích, tập kích diệt nhiều địch, phá 4 xe.

        Tối 11 tháng 3, chúng tôi được báo cáo tiểu đoàn cuối cùng của trung đoàn 34 rút khỏi thành phố Nam Định đúng lúc.

        Như vậy, trên mặt trận Nam Định, quân và dân ta đã bao vây địch 83 ngày đêm, thời gian giam chân địch dài nhất trong những thành phố. Lực lượng vũ trang Nam định đã thực hiện chiến thuật “Vây thành diệt viện” có hiệu quả, tiêu diệt hàng trăm quân địch, bảo toàn lực lượng. Theo đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy, Bác đã tặng trung đoàn 34 của Chiến khu 2 danh hiệu “Trung đoàn Tất thắng”.

        Cũng trong thời gian này, chúng ta mở mặt trận Tây tiến. Tháng Tám năm 1945, nước bạn Lào tuyên bố độc lập. Từ đó, Liên quân Lào - Việt đã sát cánh chiến đấu chống thực dân Pháp muốn lập lại quyền thống trị. Quân Pháp đã chiếm được nửa nước Lào. Chính phủ độc lập Lào do Hoàng thân Phết Xa Rạt đứng đầu, đang lưu vong trên đất Thái. Mặt trận Tây tiến có nhiệm vụ vừa phá thế uy hiếp địch ở phía tây nước ta, vừa làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào anh em. Anh Hoàng Sâm và anh Lê Hiến Mai được chỉ định làm chỉ huy trưởng và chính ủy mặt trận.

        Bộ Tổng tham mưu điều động 3 tiểu đoàn của Hà Nội, Khu 2, Khu 3 lập thành lực lượng vũ trang của mặt trận, với địa bàn hoạt động là Sầm Nưa. Khu 4 cũng đưa một tiểu đoàn của Thánh Hóa sang Sầm Nưa và một tiểu đoàn của Nghệ An tiến về Xiêng Khoảng. Trong thư gửi bộ đội Tây tiến trước ngày lên đường, tôi căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Phải đứng trên lập trường bình đẳng, tương trợ giúp đỡ cuôc vận động giải phóng của bạn mà tiếp xúc và giải quyết mọi vấn đề”. Mối liên mình đoàn kết dân tộc Việt - Lào từ đó tới nay vẫn trong trẻo như ánh sáng ban mai.

        Sự xuất hiện của bộ đội ta trên chiến trường phía tây đã tạo sự bất ngờ. Quân ta nhanh chóng giải phóng Sông Mã, Sầm Tớ và tiến sâu vào Sầm Nưa. Bộ đội chấp hành tốt các chính sách, được nhân dân Lào hoan nghênh và hết lòng ủng hộ. Người dân Lào chỉ cho bộ đội biết những nơi có quân địch, dẫn đường, tiếp tế lương thực, tải thương cho bộ đội trong những trận đánh. Để cứu nguy cho Sầm Nưa và thay quân ở Tây Bắc, bộ chỉ huy Pháp ở miền Bắc Đông Dương phải mở một cuộc hành binh từ Hà Nội theo đường số 6 lên Hòa Bình, Mộc Châu, Sầm Nưa.

        Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, các mặt trận miền Nam tiếp tục hoạt động mạnh phối hợp với miền Bắc.

        Tại Chiến khu 6, sau trận lật nhào một đoàn tàu trên sông Pháp đêm 31 tháng 12 năm 1946 là những trận phục kích tại Bản Nham, Phương Cần, Bầu Đá, chặn đánh địch ở Đèo Cả, tập kích một tiểu đoàn ở Phú Lâm… trong tháng 1 năm 1947, diệt hàng trăm địch.

        Ở Tây Nguyên, cơ sở quần chúng được xây dựng tại nhiều nơi. Bộ đội và nhân dân An Khê phá đường sá cầu cống, cắm chông, gài thò, lập buôn làng chiến đấu.

        Ở Nam Bộ, nhiều trận phục kích, tập kích đạt kết quả tốt, như các trận Cổ Cò (Sa Đéc), Long Mỹ (Rạch Giá) trong tháng Một. Đầu tháng 2 năm 1947, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ ra chỉ thị đẩy mạnh chiến tranh du kích, “đánh địch ở khắp các mặt trận”. Phong trào đấu tranh chính trị lan rộng trong các đô thị. Lực lượng vũ trang tiếp tục củng cố và phát triển. Hạ tuần tháng Hai, Xứ ủy phát động một cuộc “Tổng tiến công quấy rối phá hoại”. Khắp nơi diễn ra những trận giao thông chiến, kinh tế chiến. Nhiều quãng đường bị băm nát, cầu cống bị phá hủy, cơ sở hậu cần bị đốt cháy. Nhân dân dựng kè trên sông, rạch. Ở miền Đông, những cánh rừng cao su bị đốt, không cho địch vơ vét thóc gạo và nguyên liệu xuất cảng. Quân địch gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển và cơ động lực lượng.

        Một cuộc phối hợp chiến trường kịp thời đã diễn ra trên khắp miền Nam. Trừ hai tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 được điều từ Tây Nguyên ra Đà Nẵng tham gia trận đánh Huế, địch không hề đưa được một đơn vị quân Pháp nào từ Nam Bộ, cũng như Cực Nam Trung Bộ ra Bắc. Xalăng, phó tư lệnh đạo quân viễn chinh đã nhận sét: “Tại Nam Bộ, tướng Nyô có trong tay 21 tiểu đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn thiết giáp với 25.000 lính Âu, 3.000 lính Phi, 10.000 lính ngụy địa phương… nhưng lực lượng đó còn quá ít, binh lính quá mệt mỏi”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:40:02 am »

       
9

        Một nhà sử học phương Tây đã viết là trong chiến tranh Việt Nam, quân viễn chinh Pháp luôn luôn đi tìm một trận đánh dàn trận, cuối cùng họ đã gặp nó ở Điện Biên Phủ. Thực ra, họ đã gặp nó ngay từ khi chiến tranh khởi đầu trên quy mô cả nước, mà lại ở ngay những thành phố giữa đồng băng.

        Trên cố đô Thăng Long, đây là cuộc giao chiến lần thứ ba giữa ta với xâm lược Pháp.

        Khởi đầu cuộc chiến lần này ở Sài Gòn, Hà Nội, trang bị của chúng ta so với 60 năm trước cũng không khác bao nhiêu. Ngược lại, kẻ thù đã mạnh hơn xưa bội phần. Cầm đầu quân xâm lược ở Hà Nội không còn là một vài viên sĩ quan cấp úy, mà là một trung tướng Pháp có chiến tích trong thế chiến thứ hai, Về phía ta, chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, anh Vương Thừa Vũ, là một công nhân hỏa xa, trước cách mạng chỉ mới được học ở một trường đào tạo hạ sĩ quan.

        Trừ Hải Dương, hầu hết những thành phố có giao tranh, quân và dân ta đều cầm giữ quân địch trên dưới hai tháng. Riêng tại Huế, vào những ngày cuối, khi địch có nhiều viện binh, do không thực hiện rút kịp thời, ta đã bị một số tổn thất. Ở những nơi khác, không những quân địch bị tiêu hao đáng kể, mà bộ đội ta còn được rèn luyện, phát triển về số lượng. Khởi đầu trận đánh ở Hà Nội, ta chỉ có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, qua 60 ngày đêm chiến đấu, lực lượng này đã lớn thành hai trung đoàn: Thủ đô và Thăng Long, không kể một tiểu đoàn rút ra tham gia Mặt trận Tây tiến.

        Trận đánh ở Thủ đô đã trở thành biểu tượng của thời kì này.

        Những năm qua, một số cán bộ làm công tác tổng kết quân sự đã nêu lên nhiều câu hỏi về chiến thuật được áp dụng trong trận đánh tại Hà Nội. Đánh như vậy là tiến công hay phòng ngự? Đây có phải là trận địa chiến không? Hay là đánh du kích trong thành phố? Hay chỉ là một đợt tập kích chiến lược? Có chiến thuật du kích trận địa chiến không? v.v.

        “Ở vào trường hợp này cũng như những trường hợp tương tự luôn luôn xảy ra, theo ý tôi, điều nên tránh trước tiên là không vội mở từ điển quân sự tra cứu xem có những từ về chiến thuật nào thích lợp với loại hình chiến tranh mà chúng ta đã tiến hành. Việc cần làm ngay là phải đi sâu vào bản thân cuộc chiến đấu, tìm hiểu mọi yếu tố phức tạp của nó, rồi xem ta đã sử dụng con người và binh khí, kĩ thuật (những lực lượng tham chiến) theo cách như thế nào để có thể chiến thắng”.

        Đây là lời của Ănghen.

        Khi chuẩn bị trận đánh, chúng ta đã ý thức rõ sự bất lợi trong so sánh lực lượng giữa ta và địch. Lực lượng vũ trang ta rất giống với những đội quân khởi nghĩa. Nếu dàn toàn bộ lực lượng trong một trận đánh mặt đối mặt với quân viễn chinh Pháp, nó có thể bị tan vỡ sau vài giờ chiến đấu.

        Chúng ta đã nghĩ tới một cách đánh mới: kết hợp lối đánh trận địa với các đánh du kích. Đây không phải là lặp lại chiến thuật baricát trên đường phố đã có từ xưa. Ta xây dựng những chiến lũy tương đối vững chắc, tạo nhiều chướng ngại, hầm hào để hạn chế sức cơ động của xe tăng, thiết giáp, cũng như sức mạnh của bom, đại bác và các loại vũ khí. Khác với trận địa chiến thông thường, hoặc những trận đánh bằng baricát trước kia, lực lượng vũ trang ta không tập trung ngăn chặn địch ở những vị trí cố định. Hình thức tác chiến chủ yếu của ta là dùng những phân đội nhỏ hoặc rất nhỏ. Tính cơ động, nhanh chóng, bí mật, tích cực của nó được đặc biệt coi trọng. Ta kiên quyết không đánh những trận lớn, mà tiến hành hàng loạt trận đánh nhỏ. Mỗi trận đều được chuẩn bị kĩ lưỡng. Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã chỉ thị cho bộ đội: “Không đánh trận địa với địch, không có kế hoạch rõ ràng, chắc chắn, không nên đánh”. Trong 60 ngày chiến đấu, quân Pháp mở ba chục trận, còn lực lượng vũ trang ta đã tiến công, chặn đánh địch cả thảy trên một trăm trận. Chúng ta đồng thời phát huy mọi sáng kiến của từng người, phù hợp với sở trường, sở đoản của họ, nhằm mục đích du nhất: tiêu diệt địch, bảo tồn mình.

        Tự vệ chiến đấu và bộ đội ta đã trở thành nòng cốt của một cuộc chiến tranh toàn dân. Dân chúng đã biến đường phố thành một trận đồ bát quái. Họ tự tim ra cách đánh của mình. Một cô gái, một em nhỏ cũng có thể tiêu diệt được lính lê dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân đã hòa vào bộ đội, đã thực sự trở thành chiến sĩ.

        Bộ chỉ huy Pháp có sức mạnh binh khí áp đảo trong tay, đã lúng túng một thời gian dài, không biết dùng sức mạnh đó vào đâu. Khó khăn đối với quân Pháp không phải là những chiến lũy tại Liên khu 1 cũng như các cửa ô. Địch thủ chủ yếu của họ là rất nhiều đội quân nhỏ thoắt hiện, thoắt biến ở khắp trong thành phố, những hỏa lực lướt sườn xuất hiện bất ngờ, những phát súng trường. những trái lựu đạn nổ lẻ tẻ nhưng rất trúng địch. Hoạt động của những phân đội nhỏ và rất nhỏ này còn khiến kẻ địch tin rằng ta giữ lại lực lượng chính quy chờ cơ hội tung vào một trận đánh lớn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM