Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:21:37 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 43590 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 10:33:01 am »


        - Tên sách: Chiến đấu trong vòng vây
                         Trích từ Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký
        - Thể hiện: Hữu Mai
        - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2006
        - Số hóa: Macbupda


ĐỂ MỞ ĐẦU

NGUYỄN ÁI QUỐC
VIỆT MINH
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

        Vào những thập niên cuối thế kỉ này, những biến cố lịch sử diễn ra với tốc độ chóng mặt.

        Liên bang Xô-viết, quê hương và thành trì của chủ nghĩa xã hội, tồn tại trên bảy mươi năm, bỗng sụp đổ một sớm một chiều. Chiến tranh lạnh cũng đã kết thúc! Sau sự kiện vùng Vịnh, người ta tuyên bố: một trật tự thế giới mới, một kỉ nguyên  hòa bình bắt đầu. Thì liền đó, những xung đột sắc tộc liên tiếp bùng nổ. Những nhà chính trị hôm trước trở nên sáng giá nhất, thì hôm sau đã thành những “ông vua bị lột trần”. Với đà phát triển vũ bão của cách mạng kĩ thuật, tin học, sinh học, những báo hiệu của một nền văn minh mới: Văn minh trí tuệ, nhiều nhà khoa học tên tuổi cách đây không lâu dự đoán một thiên đàng trên trái đất khi loài người bước sang thế kỉ XXI. Nhưng giờ đây ai mà mà không lo âu, không phải chỉ với những nghịch lí xuất hiện ngày càng nhiều trong mối quan hệ giữ người và người, mà ngay cả với sự sống trên hành tinh trước những thảm họa môi trường, đất, biển, bầu không khí bị ô nhiễm, tầng ôzôn bị phá vỡ.

        Hai nghìn năm trăm năm trước, một nhà hiền triết đứng ngắm dòng sông tự hỏi: “Trôi chảy mãi thế ư, ngày đêm không ngừng ư?”. Dòng sông chưa khô cạn thì không hề ngưng nghỉ. Nó có lúc hiền hòa, có lúc hung dữ, có lúc đổi chiều. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Con thuyền cách mạng đang luồn qua những mỏm đá ghềnh lướt tới”. Trên con thuyền là vận mệnh của cả dân tộc. Người hằng mong đưa thuyền tới một bến bờ hạnh phúc. Con thuyền ngày nay đang lướt trên dòng sông lịch sử đầy bão tố.

        Ở thời điểm cực kì xúc động và biến động như hiện nay, người ta có xu hướng xét lại mọi giá trị. Cần khẳng định những giá trị lâu bền. Có những giá trị đã thay đổi. Xác định những giá trị mới là điều không dễ dàng. Mọi đổi mới đều không thể thoát li nền tảng lịch sử của dân tộc, những thành, bại trong quá khứ.

        Tôi muốn dành một thời gian nhớ lại và suy nghĩ về những gì mình đã chứng kiến, những việc đã trải qua, mong tìm được đôi điều có ích cho công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

        Thời gian không có nhiều, tôi đặt cho mình một yêu cầu chừng mực: cố gắng nói được những điều thật cần nói.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 11:53:06 pm »


        1. NGUYỄN ÁI QUỐC

        Trong tập Từ nhân dân mà ra, tôi đã kể lại những ấn tượng đầu gặp Nguyễn Ái Quốc ở Thúy Hồ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách đây hơn nửa thế kỉ. Ở Bác là sự chừng mực trong lời nói, việc làm. Không khi nào quá vui. Buồn lo ít lộ trên nét mặt. Trong cái vẻ bình dị của Bác chứa đựng một sự tiềm ẩn sâu lắng.

        Nhiều năm làm việc gần Người, rất ít khi nghe Bác nói về những gì đã trải qua suốt ba thập niên đi tìm đường cứu nước. Trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời kì này có nhiều chỗ trống, mà gần đây qua những dữ kiện, tư liệu dần dần được phát hiện, chúng ta mới hiểu thêm được một phần.

        Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản có những nét không giống với nhiều người cùng thời. Chính theo lời Người kể lại, khi đó Người chưa hiểu bao nhiêu về Quốc tế II, III, “Quốc tế nào ủng hộ giải phóng các dân tộc thuộc địa thì tôi theo”. Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin chỉ ra những dân tộc thuộc địa muốn giải phóng phải đi với cách mạng của giai cấp vô sản. Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng cộng sản là để cứu dân tộc mình.

        Ngay từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết trên tạp chí Cộng sản: “Ngày mà hàng trăm triệu người dân châu Á bị đầy đọa, áp bức sẽ nổi dậy gạt bỏ sự bóc lột ti tiện của những tên thực dân tham lam vô độ, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ và sẽ có thể, qua việc thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản tức là chủ nghĩa đế quốc, giúp cho những người anh em của họ ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Cũng vào thời gian này, bản tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa do Người khởi thảo, có những câu: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Những điều này không có trong những văn kiện của Quốc tế Cộng sản. Cho tới năm 1928, trong Hội nghị lần thứ sáu, Quốc tế Cộng sản vẫn giữ nguyên nhận định: những dân tộc thuộc địa chỉ có thể được giải phóng sau khi cách mạng vô sản ở chính quốc thành công.

        Ngay từ thời đó, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã có sắc thái riêng. Cái mãi mãi không đổi ở Người là lòng yêu nước thương nòi, tinh thần tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam.

        Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc mà chúng ta đã biết đều gắn liền với sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng các dân tộc thuộc địa. Ngày nay, chúng ta nhận thấy một số luận điểm của Nguyễn Ái Quốc là phát kiến quan trọng về tầm vóc lịch sử. Nhưng vào thời đó, Nguyễn nếu không hẳn là một người lữ hành cô đơn thì cũng gặp không ít khó khăn. Chính cương Đảng Cộng sản, cũng như tên Đảng, do Người soạn thảo và lựa chọn, không được chấp nhận. Trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chỉ có mặt những ngày cuối với tư cách một đại biểu tư vấn. Có thời gian Người làm công việc rất bình thường là duy trì mối liên hệ giữa Quốc tế với các đồng chí trong nước. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản Người trở thành một cán bộ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế, và tiếp tục con đường giải phóng dân tộc mình.

        “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu bằng việc lập Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Bao giờ Người cũng chú ý tới thanh niên, vì họ là ngày mai của dân tộc. Đầu năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm sau đó, vai trò của Người đối với phong trào cách mạng trong nước không rõ rệt. Khi có tin Người bị đế quốc cầm tù. Khi có tin Người đã mất vì bệnh lao. Những hoạt động của Đảng cũng lắng xuống sau thất bại khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh. Chúng tôi nghĩ đến Người như một tấm gương sáng, một nhân vật huyền thoại. Phong trào cách mạng trỗi dậy từ năm 1935 nhân lúc Mặt trận Bình dân ở Pháp lên cầm quyền. Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc có liên lạc với phong trào cách mạng trong nước. Thời gian làm báo ở Hà Nội, chúng tôi liên tiếp nhận được bài của Nguyễn Ái Quốc dưới những bút danh khác nhau. Sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Ái Quốc là một nguồn khích lệ to lớn. Tháng Năm năm 1940, trước ngày tôi rời đất nước, anh Hoàng Văn Thụ cho biết ra nước ngoài có thể gặp Nguyễn Ái Quốc. Tôi nghĩ Nguyễn Ái Quốc có vai trò quyết định đối với vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc. Bác đã sang tuổi năm mươi. Bề ngoài, Bác khác nhiều với những bức ảnh thời trẻ. Bác đã để râu. Vầng trán bắt đầu cao, nhưng râu tóc đều còn đen. Đôi mắt đặc biệt tinh anh trên khuôn mặt bình thản, có phần trầm lặng. Bác cho tôi xem danh thếp với cái tên mới: “Hồ Chí Minh, Kí giả Tân Thanh nhật báo”. Tôi không hề nghĩ đây là tính danh Người đã lựa chọn cho cả giai đoạn mới sau này.

        Từ cuối năm 1923, Ôxíp Manđenxtam, nhà thơ Liên Xô, đã có nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải như văn hóa châu Á, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Nhiều người phương Tây gặp Bác sau ngày Cách mạng tháng Tám, thường miêu tả Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong thái của một nhà hiền triết phương Đông. Tôi muốn nói cụ thể hơn. Bác mang đậm màu sắc của người xuất thân từ một gia đình nho học nghèo ở Việt Nam, nơi mà các trào lưu văn minh châu Á: Ấn Độ, Trung Hoa… từ lâu du nhập đã hòa đồng với nền văn hóa dân tộc. Những năm bôn ba ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc dùng tiếng Pháp viết những bài văn luận chiến nảy lửa. Khi bị cầm tù trên đất Trung Hoa, Người làm những bài thơ chữ Hán để bày tỏ nỗi niềm. Ba nươi năm xa Tổ quóc, qua hai mươi bảy quốc gia trên bốn châu lục, Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ trọn vẹn cốt cách dân tộc Việt Nam, cái mà không môt nền văn minh nào có thể đồng hóa. Bác thường nhắc lời Khổng Tử, một nhà đạo đức vĩ đại phương Đông, nhưng không cùng chung suy nghĩ với nhiều môn đệ đạo Khỏng. Bác có cách sống thanh bạch, vui với cỏ cây, hòa quyện cùng thiên nhiên như Lão Tử, coi trọng lời dạy “Tri túc” của nhà hiền triết ẩn dật này, nhưng lại không giống ở chỗ vô vi, phó thác mọi việc cho trời đất chuyển vần.

        Ở Bác là sự gặp gỡ giữa phương Đông cổ xưa và phương Tây đương đại, giữa tinh thần yêu nước thương nòi Việt Nam với Cách mạng tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Lênin. Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận từ chủ nghĩa Mác học thuyết đấu tranh giải phóng loài người thông qua cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp để lật nhào giai cấp thống trị với vai trò lãnh đạo có tính chất quân đội của một đảng tiền phong. Ở người cộng sản Nguyễn Ái Quốc vẫn nguyên vẹn tính nhân hậu bắt nguồn từ lòng nhân ái Việt Nam “thương người như thể thương thân”, từ đạo lí phương Đông từ bi, kiêm ái, “năm châu bốn biển một nhà”. Ở Người, phép biện chúng của chủ nghĩa Mác được vận dụng nhuần nhuyễn hòa quyện với phép biến dịch của Dịch học phương Đông, “Dĩ bất biễn ứng vạn biến”.

        Người xưa nói: “Ở tuổi năm mươi biết mệnh trời”. Điều này rất đúng với Bác. Khi gặp chúng tôi ở Thúy Hồ. Người đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho công cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 11:54:12 pm »


        2. VIỆT MINH

        Những ngày ở Quế Lâm, theo lời dặn của anh Hoàng Văn Thụ, tôi hỏi Bác về việc tổ chức Hội Liện hiệp những dân tộc bị áp bức ở châu Á. Bác nói: việc này chưa có điều kiện… Hiện thời ở trong nước cần có một tổ chức tập hợp rộng rãi những người đấu tranh giành độc lập dân tộc, nên đặt tên gọi là Việt Nam độc lập đồng minh Hội, có thể gọi tắt là Việt Minh”. Cái tên mới nghe lần đầu còn xa lạ, chẳng bao lâu không những đã đi vào lịch sử Việt Nam mà còn được biết tới trên khắp thế giới.

        Nguyễn Ái Quốc sớm có lòng tin vững chắc: sức mạnh là ở dân. Dân chúng nếu được giác ngộ, được tổ chức lại sẽ trở thành một sức mạnh vô bờ. Đây là bài học Người đã tiếp nhận từ truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc trong quá khứ và trực tiếp rút ra từ Cách mạng tháng mười. Người luôn luôn nghĩ tới việc tập hợp lực lượng. Một lực lượng rộng rãi những người cùng khổ, những người bị áp bức, với nòng cốt là công - nông. Báo Le Paria, Hội Liên hiệp thuộc địa, Hội liên hiệp những dân tộc bị ấp bức, Hội Liên hiệp những dân tộc bị áp bức ở châu Á… Những tổ chức của Nguyễn Ái Quốc trước sau đều mang đậm màu sắc dân tộc và cũng thấm nhuần tinh thần quốc tế. Vận mệnh Việt Nam gắn liền với vận mệnh những dân tộc thuộc địa khác. Không thể chờ đợi, các dân tộc thuộc địa hãy đoàn kết lại, đấu tranh đánh đổ thực dân thống trị, góp phần vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc, giải phóng loài người.

        Ở những thập niên đầu thế kỉ này, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc là quá mới. Không mấy ai tin những dân tộc thuộc địa có thể tự giải phóng trong lúc giai cấp vô sản ở chính quốc chưa làm được việc đó. Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì và quyết tâm thực hiện chủ định ngay tại Tổ quốc mình. Nó chỉ được phép thành công. Sự thành công sẽ trở mở ra con đường giải phóng cho những nước thuộc địa. Thực hiện chủ trương đó trên đất nước mình, đối với Nguyễn Ái Quốc, cũng không dễ dàng. Năm 1940, khi nước Pháp đầu hàng, Liên Xô đang phải dồn toàn lực đối phó với họa xâm lăng của chủ nghĩa phát xít, có lẽ là thời cơ thuận lợi để Nguyễn Ái Quốc thể nghiệm con đường cứu nước cứu dân của mình.

        Đầu năm 1941, Bác về Pắc Bó. Đảng vừa bị tổn thất nặng nề sau thất bại Nam Kỳ khởi nghĩa. Nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt hoặc bị sát hại. Hội nghị Trung ương lần thứ tám, do Bác chủ trì, đã giải quyết đúng đắn quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành vấn đề số một của chương trình nghị sự. Trung ương quyết định tạm gác những khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và thành lập Mặt trận Việt Minh, thực hiện đoàn kết dân tộc, lãnh đạo toàn dân đấu tranh đánh đuổi bọn cướp nước.

        Ngày thành lập Việt Minh, 19 tháng Năm 1941, trùng hợp với ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu năm 1946.

        Việt Minh là một sáng tạo, một biểu hiện tập trung của thiên tài Hồ Chí Minh. Nó mở ra con đường mới cho đội tiền phong của giai cấp vô sản ở một nước thuộc địa có thể tập hơp được toàn dân, từ hai bàn tay trắng đứng lên đập tan ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc trước đó chưa một lần thất bại.

        Việt Minh chứa đựng tư tưởng chính yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Cách mạng với khẩu hiệu nổi tiếng: ”Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế. Người không quên đấu tranh. Nhưng đấu tranh là để đoàn kết. Đại đoàn kết dân tộc không phải là sách lược, mà là chiến lược lâu dài, trước sau như một của người cộng sản yêu nước Hồ Chí Minh.

        Từ hang Pắc Bó, những bản làng heo hút với những lớp học dăm bảy người, với những bài báo nhỏ trên tờ Việt Lập, 10 chính sách của Việt Minh là tiếng chim gọi đàn vang tới khắp thành thị, nông thôn. Hễ là người dân yêu nước, ai ai cũng có chỗ đứng, cũng được góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Người trước súng sau, có dân là có tất cả. Những tổ tự vệ, những tiểu đội du kích tự tìm thấy vũ khí, tự tìm ra cách đánh để chống  khủng bố trắng, tiêu diệt đồn địch, đã nhanh chóng trở thành lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho Tổng khởi nghĩa toàn dân, lật nhào ách thống trị.

        Đảng Cộng sản trong sứ mệnh lích sử đối với dân tộc, đã nhanh chóng tập hợp được các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, vì đã nói lên những nguyện vọng thiết tha, cháy bóng của họ. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua Việt Minh, ngày càng củng cố với những đảng viên không ngại gian khổ, hi sinh, luôn luôn dẫn đàu trong mọi nhiệm vụ khó khăn.

        Chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng vào Việt Nam từ ngày Nguyễn Ái Quốc trở về nước, mang sắc thái đặc biệt, một sắc thái Việt Nam, kể cả về mục tiêu, hình thức tổ chức, cũng như biện pháp đấu tranh. Nó đã hòa đồng với truyền thống dân tộc. Tất cả đều thấm đượm tư tưởng yêu nước, thương dân Hồ Chí Minh.

        Việt Minh là bài học lâu bên. Tư tưởng mặt trận thống nhất dân tộc không chỉ có tác dụng to lớn trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn có tác dụng quyết định cho sự thành công của công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay và sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 11:55:05 pm »


        3. VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong cái chớp mắt của lích sử. Đó là khoảng thời gian rất ngắn: 13 tháng 8 đến 28 tháng 8 năm 1945, từ lúc Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng tới khi quân Đồng Minh kéo vào miền Bắc Việt Nam. Nếu ta bỏ qua thời cơ này thì cục diện sẽ khác. Việt Nam sẽ vẫn là một nước gồm ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ nằm trong Đông Dương thuộc Pháp. Trước mắt, trên miền Băc sẽ có một chính quyền thân Tưởng, tại miền Nam, Pháp sẽ phục hồi bộ máy cai trị cũ. Cuộc chiến đấu giành lại độc lập của nhân dân ta sẽ bị xếp vào những “hoạt động phiến loạn do Cộng sản cầm đầu”! Ai biết dòng chảy của lích sử sẽ đi về đâu, với tốc độ nào?

        Chính quyền mới được bầu thông qua tổng tuyển cử là chính quyền đại đoàn kết toàn dân. Trong cơ cấu Nhà nước không chỉ có đại điện của các đoàn thể cách mạng, mà còn có cả những đảng phái khác. Có chí sĩ yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Có những người của chế độ cũ như các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn… Có “công dân Vĩnh Thụy” (vua Bảo Đại mới thoái vị), giám mục Lê Hữu Từ ở chức vụ cố vấn. Một thời gian Quốc hội Việt Nam đã dành cho những người thuộc Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội thân Tưởng tới một phần năm số ghế, không qua bầu cử, vì họ không có hi vọng trúng cử qua tổng tuyển cử tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực thà đoàn kết lâu dài với những người thuộc mọi xu hướng, miễn là có tinh thần yêu nước để cùng mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân. Ngay cả sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vĩnh Thụy đã bỏ sang Hồng Công, Bác vẫn cử cán bộ đi mới về để cùng tiến hành kháng chiến.

        Trong chế độ mới, mọi công dân không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng, giàu nghèo đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nông dân nghèo chiếm đại đa số trong xã hội, được giảm tô, giảm tức. Lần đầu tiên người lao động làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân tài tích cự góp phần xây dựng đất nước. Tệ tham ô, nhũng lạm của những “quan cách mạng” chớm nhú đã bị lên án, đấu tranh. Chính sách tăng gia sản xuất đã chấm dứt nạn đói khủng khiếp. Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, chỗ dựa và niềm tin của chế độ mới nhanh chóng phát triển, đã lập tức chứng tở tinh thần và sức mạnh của mình trên chiến trường.

        Việt Minh sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lích sử lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đã tự nguyện đứng chung hành cùng với các tổ chức chính trị, xã hội khác trong Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một mặt trận đoàn kết dân tộc hết sức rộng rãi.

        Chế độ mới ở thời kì phôi thai, chính quyền mới còn non trẻ, tổ chức lại rất phức tạp, nhưng đã đứng vững trước thử thách hiểm nghèo. Trên miền Bắc, hai chục vạn quân Tưởng đã không thể giúp bọn tay sai người Việt lật đổ chính quyền cách mạng. Ở miền Nam, hàng chục nghin quân Pháp, được trang bị vũ khí hiện đại, bắt đầu sa lầy vào những chiến dịch bình định vô vọng trên khắp các làng quê tiếp giáp với đô thị.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày đó chưa đươc một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Nhưng sự tồn tại của nó trên thực tế thì không mấy ai có thể phủ nhận. Quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc buộc phải tiếp xúc với Chính phủ ta. Hiệp định mồng 6 tháng 3 năm 1946, hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam mới, được kí giữa Chính phủ ta và đại diện Chính phủ Pháp. Quốc kì Việt Nam đã tung bay tại thủ đô Pari, trên kênh đào Xuyê, và những biển lớn nối liền Việt Nam với Pháp.

        Trải qua gần nửa thế kỉ với bao biến thiên, càng thấy rõ những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm trong công cuộc tái sinh nước Việt Nam và xây dựng chế độ mới từ thời đó, đã đặt nền tảng vững chắc cho dân tộc ta tiến lên một tương lai tươi sáng. Bản Tuyên ngôn độc lập, hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, trên những vấn đề cơ bản, vẫn giữ nguyên giá trị. Ở đây chứa đựng những khát vọng, những yếu tố cơ bản của thời đại mới, mà vẫn gắn liền với dân tộc, với con người, với truyền thống Việt Nam. Và điều có tính quyết định là chế độ mới đã chứng tỏ tính hơn hẳn của mình trong thực tiễn đời sống, đáp ứng nhu cầu bức thiết trước mắt cũng như nguyện vọng lâu dài của người dân.

        Có thể hiểu vì sao tuyệt đại đa số nhân dân ta đã tự nguyện đứng lên chiến đấu tới cùng cho sự tồn tại của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho những mục tiêu: độc lập, tự do, hạnh phúc.

        Sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nhân tố cơ bản không thể thiếu, bảo đảm cho sự toàn thắng của hai cuộc kháng chiến cứu nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 11:56:19 pm »

        
        4. HÒA HAY CHIẾN

        Năm 1985, một nhà khoa học Pháp tới Hà Nội, chuyển cho tôi câu hỏi của con gái cố thống chế Lơcléc (Leclerc): “Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp có thể tránh được không?”. Gia đình Lơcléc cũng như gia đình Đờ Lát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny), hai thống chế từng là Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đều là nạn nhân của chiến tranh. Mỗi gia đình có một người con trai hi sinh trên chiến trường Việt Nam. Hai người mẹ đau khổ đã có lần mặc áo tang đến gặp Thủ tướng Plêven (Pléven) hỏi vì sao kéo dài cuộc chiến tranh phi nghĩa?

        Hàng chục năm sau ngày nổ ra chiến tranh, nhiều nhà sử học trên thế giới vẫn còn nêu câu hỏi: “Ai là kẻ đã châm ngòi cho nó?”. Những năm 1987, 1988, Xtên Tônnétxơn (Stein Tonnesson), nhà sử học trẻ Na Uy, và Philíp Đờvile (Philippe Devillers), trên cơ sở hồ sơ của các nước phương Tây, đều đi tới một kết luận: Vanluy (Valluy) và Pinhông (Pignon) trung thành với chủ trương tái lập quyền thống trị của Pháp trên bán đảo Đông Dương bằng sức mạnh, đã tìm mọi cách làm nổ ra cuộc chiến khi thấy Lêông Blum (Léon Blum) trở thành người cầm đầu chính phủ Pháp. Nếu phía Việt Nam không chịu cung cấp cho họ “cái cớ mong đợi” thì họ cũng sẽ “chủ động tiến hành kế hoạch tác chiến”. Như vậy, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự kiện đêm 19 tháng 12 năm 1946 đã rõ ràng. Tuy nhiên, cả hai nhà sử học đều còn băn khoăn: Chủ tịch Hồ Chí Minh, như họ đã thấy, đã làm mọi cách để tránh chiến tranh, nhưng đêm đó, vì sao quân đội và tự vệ Việt Nam lại là người nổ súng trước?

        Thắng lợi của Liên Xô và Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai, với sự xuất hiện một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đã đánh dấu khởi đầu thời kì chiến tranh lạnh giữa Tây và Đông. Chủ nghĩa đế quốc vừa đẩy mạnh phong trào chống Cộng, vừa tăng cường đàn áp những dân tộc đang vùng dậy đòi tự do. Việt Nam là mước thuộc địa đầu tiên giành lại được độc lập trước mưu đồ trở lại của đế quốc Pháp. Việt Nam cũng là một quốc gia đầu tiên thuộc thế giới thứ ba có một chính quyền do đảng cộng sản lãnh đạo. Nước Việt Nam vừa tái sinh, đầy rẫy thù trong giặc ngoài, nằm giữa vòng vây trùng điệp của những thế lực thù địch.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ tình thế ngặt nghèo. Giờ phút bàng hoàng của chủ nghĩa đế quốc nhanh chóng qua đi, nước Việt Nam sẽ phải đương đầu với một cuộc tái xâm lược có sức mạnh ghê gớm. Người đã tìm mọi cách tránh cho dân tộc cuộc kháng chiến lâu dài mà Người biết sẽ “vô vàn cực khổ”.

        Cho tới nay, nhiều người vẫn coi ngày 19 tháng 12 năm 1946 là ngày khởi đầu chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến tranh dài nhất thế kỉ. Nhưng trong thực tế, nó đã bắt đầu từ mười lăm tháng trước đó, ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi quân Pháp nỏ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Chiến tranh không chỉ nhanh chóng lan ra khắp miền Nam, mà còn ở Tây Bắc nước ta, ở Lào và Campuchia.

        Đầu tháng Mười năm 1945, những chi đội giải phóng quân, những đơn vị từ Cao Bằng, tỉnh địa đầu miền Bắc, đến cố đô Huế, Quảng Ngãi ở miền Trung, đã lên đường vào Nam chiến đấu. Cuộc Nam tiến lần thứ nhất trong thời đại mới của dân tộc đã bắt đầu. Sau đó là những cuộc Tây tiến. Nước Việt Nam đã bước vào chiến tranh chống xâm lược.

        Với Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp ngày 6 tháng 3 năm 1946, nước Việt Nam độc lập chỉ còn là một “quốc gia tự do” nằm trong Liên hiệp Pháp. Chúng ta đã chấp thuận mở trưng cầu dân ý ở Nam Bộ để quyết định phần đất máu thịt này của Việt Nam là thuộc về ta hay Pháp (!). Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946 kí ở Pari, khi Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) đã lập “Nam Kỳ quốc”, đưa quân lấn chiếm Tây Nguyên, Tây Bắc, lại là một sự nhân nhượng nữa của ta. Với tạm ước này, ta chỉ cố đạt được ngừng bắn ở Nam Bộ, và một số quyền tự do, dân chủ cho người dân vùng tạm chiếm.

        Những sự kiện trên đây sử sách đã nhắc tới nhiều lần.

        Trung tuần tháng 4 năm 1946, tôi dự đàm phán trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt. Ở đây, tôi gặp Đácgiăngliơ, Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Khi ra về, tôi cảm thấy chiến tranh là khó tránh. Người Pháp cũng không che đậy ý đồ của mình là nhất định lập lại quyền thống trị ở Đông Dương. Suốt thời gian cuộc đàm phán tại Phôngtenblô (Fontainnebleau), tại Việt Nam những cuộc lấn chiếm, gây hấn của quân Pháp liên tiếp diễn ra. Chúng ta không còn cách nào khác là gấp rút xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến.

        Hạ tuần tháng 11 năm 1946 quân Pháp ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, thành phố Cảng duy nhất trên miền Bắc, và Lạng Sơn, một tỉnh địa đầu của nước ta.

        Từ tháng 12, tình hình Thủ đô Hà Nội mỗi ngày càng căng thẳng. Xe tăng, xe bọc thép của Pháp tràn ra trên đường phố. Lính mũ nồi đỏ, mũ nồi đen xé cờ Việt Nam, bắt có cán bộ thường dân, bắn vào tàu điện… Sự kiện Hải Phòng có thể lặp lại bất cứ lúc nào. Chúng ta quyết định tiến hành những biện pháp tự vệ: kêu gọi dân chúng tản cư, xây dựng chiến lũy để bảo vệ một số khu phố tiếp giáp với nơi quân Pháp đóng. Sự khiêu khích của quân Pháp chuyển sang một bước mới. Họ bắn vào chiến lũy, vào chiến sĩ vệ quốc đoàn trong đội canh gác hỗn hợp ở nhà máy điện Yên Phụ. Họ tung quân tàn sát dân chúng ở Hàng Bún và Yên Ninh…

        Bác vẫn muốn “còn nước còn tát” để tránh mở rộng chiến tranh, hay chí ít cũng trì hoãn nó. Người liên tiếp gửi thư kêu gọi chính phủ, quốc hội, thủ tướng Pháp, gặp gỡ, trao đổi với những người cầm đầu quân đội Pháp ở Hà Nội nhằm cứu vãn tình thế. Bộ đội, tự vệ được lệnh giữ bình tĩnh, nín nhịn, không sa vào âm mưu khiêu khích.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:00:11 am »


        Ngày 13 tháng 12 năm 1946, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy triệu tập các khu trưởng từ Khu 4 trở ra, kiểm điểm tình hình và xây dựng kế hoạch tác chiến đối phó với trường hợp quân Pháp chủ trương gây hấn. Quy ước nổ súng được trao riêng cho các khu trưởng.

        Ngày 16 tháng 12 năm 1946, Moóclie (Morlière), chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương, gửi liền cho Chính phủ ta hai tối hậu thư, tuyên bố “Quân Pháp sẽ tự đảm nhiệm trị an tại Hà Nội chậm nhất là vào sáng 20 tháng 12 năm 1946”.

        Tất cả những hoạt động khiêu khích như tàn sát dân chúng, bắn chết bộ đội đã không mang lại cho quân Pháp “cái cớ mong đợi”, lần này họ buộc phải công khai tuyên bố thời gian “Chủ động tiến hành kế hoạch tác chiến!”. Tại Hải Phòng, ngày 23 tháng 11 năm 1946, chỉ ba giờ sau khi gửi thư cho ủy ban hành chính đòi rút hết bộ đội, tự về, mặc dù đồng chí chủ tịch trả lời phải thỉnh ý kiến của Hà Nội, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm thành phố.

        Thủ đô nước Việt Nam không thể nhanh chóng rơi vào tay quân xâm lược. Sẽ là một trách nhiệm lớn đối với lịch sử nếu để quân và dân ta ở các thành phố, thị xã một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc “đảo chính”. Cũng trong trận Hải Phòng, chúng ta đã bắt được một thông tri Mật đề ngày 10 tháng 4 năm 1946 của Vanluy gửi những đơn vị đồn trú, chỉ thị phải chuẩn bị kế hoạch hành động, khi có cơ hội thì lập tức tung quân đè bẹp sự đề kháng của lực lượng vũ trang ta và nhanh chóng làm chủ thành phố, mà họ gọi là “kịch bản của cuộc đảo chính” (scénaro de coup d’Etat). Đây chính là cái mà quân Pháp đã làm ở Hải Phòng và Lạng Sơn.

        Sáng 19 tháng 12 năm 1946, sau khi trao đổi lần cuối cùng ở Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi các mặt trận và các khu bức điện: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: Tất cả hãy sẵn sàng!”.

        Chiều 19 tháng 12 năm 1946, từ Bộ Tổng tham mưu một bức điện gửi các khu 1, 2, 3, 4, 11, 12 và Đà Nẵng: “Lệnh nổ súng lúc 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946”.

        Chúng ta cần có một đêm để đưa cả nước chuyển sang thời kì mới khốc liệt của chiến tranh. Nhưng rất có thể lệnh nổ súng vào 20 giờ là quá muộn! Moóclie đã báo ”chậm nhất là vào 20 tháng 12 năm 1946”, quân Pháp sẽ tước vũ khi của lực lượng vũ trang ta  tại Hà Nội. Như vậy, họ tự cho quyền được làm việc này bất cứ lúc nào sau khi tối hậu thư đã gửi đi!

        Những người nghiên cứu hồ sơ chiến tranh Đông Dương đã chỉ ra: Vanluy và Pinhông, cầm đầu quân viễn chinh vào thời điểm đó, cần mở rộng ngay chiến tranh để đặt Chính phủ Blum trước một việc đã rồi… Nhưng không thể quên Đácgiăngliơ, người nắm quyền cao nhất trong quân đội viễn chinh, mặc dù trong những ngày đó viên cao ủy không có mặt. Ông thầy tu mặc quân phục này nói năng mềm mỏng khi tiếp xúc với ta, nhưng là kẻ ngoan cố nhất trong các cuộc đàm phán. Ông tỏ ra rất ít hiểu thời thế, và càng ít hơn, tinh thần bác ái của Chúa Kitô. Cũng không nên quên Đácgiăngliơ là môn đệ trung thành của Đờ Gôn (De Gaulle), người quyết tâm dùng vũ lực khôi phục những thuộc địa cũ nhằm tiếp tục khai thác để cứu vãn nền kinh tế Pháp kiệt quệ sau chiến tranh. Chỉ tới sau ngày thất bại ở Angiêri, Đờ Gôn mới chịu thú nhận là mình đã sai lầm. Cũng không thể quên Tơruman (Truman), người vừa thay thế Rútdơven (Roosevelt) cầm đầu thế giới tự do, nổi tiếng vì tư tưởng chống cộng.

        Ngày đó, trong giới cầm quyền Pháp, chúng ta cũng gặp những người thức thời, nhìn thấy trước viễn cảnh đen tối của cuộc chiến tranh xâm lược. Những lời nói của họ bị chìm đi giữa khoảng không. Chủ nghĩa đế quốc vẫn tin có thể chiến thắng dễ dàng những dân tộc nhược tiểu bằng sức mạnh quân sự.

        Cũng không phải không thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh sau khi nó đã bùng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngày sau đó, đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Pháp cùng phía Việt Nam gấp rút thực hiện một cuộc dàn xếp. Có thể nói trong suốt cuộc chiến, Người đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào sớm mang lại hòa bình cho cả hai dân tộc. Nhưng ngọn lửa chiến tranh không thể dập tắt từ một phía.

        Trong bối cảnh lịch sử ấy, sự kiện đêm 19 tháng 12 năm 1946, cũng như chiến tranh Việt Nam, là không thể tránh khói.

        5 năm chiến đấu trong vòng vây là một cuộc đọ sức toàn diện, vô cùng quyết liệt giữa dân tộc ta, chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa với quân xâm lược trong thời đại mới. Vì thời gian và điều kiện có hạn, trong tập sách này, tôi có chú ý đến tính toàn diện, nhưng chỉ thể hiện được một phần nào. Chủ yếu, tôi đề cấp đến những vấn đề lớn về quân sự, và ngay về mặt này, cũng không nêu được đầy đủ những thành tích và chiến công của các chiến trường.

        Mong rằng sẽ có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu về những vấn dề lớn của các lĩnh vực, các địa phương về thời kì này. Tôi nghĩ rằng những tập hồi ức của các đồng chí lãnh đạo ở trung ương, ở các địa phương, các chiến trường những năm đó sẽ là những đóng góp rất quan trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:03:38 am »

   
Chương một

19 THÁNG 12 NĂM 1946

        “.. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

        Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định khong chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

        Hỡi đồng bào!

        Chúng ta phải đứng lên!”

        (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

       
1

        Sau này nhìn lại mới biết ngày đầu toàn quốc kháng chiến chúng ta đã làm một điều mà theo nhiều nhà lí luận quân sự kinh điển thì khó mà làm được.

        Do hoàn cảnh đặc biệt, theo thỏa thuận giữa Đồng minh với sự chấp nhận của Chính phủ ta, quân Pháp được vào miền Bắc làm nhiệm vụ tiếp phòng thay thế quân đội Tưởng rút về nước, lúc này, những đơn vị viễn chinh đã có mặt ở Thủ đô Hà Nội, tất cả những thành phố lớn, nhiều thị xã và những vị trí xung yếu như các sân bay, bến cảng.

        Cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa bộ đội ta với quân viễn chinh đương nhiên bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã.

        Lích sử chiến tranh giữ nước của ta kể từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 40 đầu Công nguyên, chưa hề có một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nào khởi đầu cùng một lúc từ kinh đô và các thành thị. Những cuộc chặn đánh ngoại xâm cũng hiếm diễn ra ở Thăng Long. Thời Trần hưng thịnh, ở thế kỉ XIII, trong cả ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông, tuy trình độ trang bị vũ khí giữa ta và giặc tương đương, nhưng trước thế giặc mạnh như nước, lửa, ông cha ta đều tạm thời rút quân khỏi kinh đô, chọn nơi hiểm yếu đánh bại quân địch. Nửa thế kỉ trước, năm 1873 và năm 1882, thành phố Hà Nội và hơn nửa vạn quân đã nhanh chóng thất thủ, lần thứ nhất, trước hai trăm quân Pháp, lần thứ hai, trước năm trăm quân Pháp. Đây là điều làm cho tôi suy nghĩ nhiều trong những năm dạy sử ở trường Thăng Long.

        Trong các cuộc chiến tranh cách mạng, chưa có trường hợp một lực lượng vũ trang yếu kém đương đầu thắng lợi với một quân đội chính quy tại thành phố. Ănghen đã có nhận xét: “Dù cho không đông về số lượng, quân đội vẫn có ưu thế về trang bị và huấn luyện, về chỉ huy thống nhất, về việc sử dụng lực lượng chiến đấu một cách có kế hoạch và kỉ luật. Do đó, ngay cả trong những trận chiến đấu bằng chướng ngại vật trong đó xuất hiện chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất của lực lượng vũ trang cách mạng (ở Pari tháng 6 năm 1848, ở Viên tháng 10 năm 1848. ở Đrétđen tháng 5 năm 1849) cũng kết thúc bằng sự thất bại”. Sau đó, ông còn nói thêm với sự xuất hiện của pháo binh, tình thế ngày càng bất lợi cho những người khởi nghĩa trong cuộc chiến đấu ở thành phố. Chúng ta đã biết, trong cuộc chiến tranh kháng Nhật, Hồng quân Trung Hoa đã nhận chỉ thị không xâm nhập vào “những thành thị lớn, những ga xe lửa và một số miền đồng bằng nào đó mà địch dùng một lực lượng lớn mạnh để khống chế”. Mao Trạch Đông có lần nói: “Mađrít của Trung Quốc ở đâu? Trước kia ta chưa có một Mađrít nào, từ nay về sau phải tranh thủ tạo ra mấy chỗ như thế, nhưng hoàn toàn phải xem điều kiện như thế nào”.

        Như vậy, lích sử chưa để lại cho chúng ta tiền đề chiến thắng trong những trận đánh sắp tới. Chúng ta phải tự tìm lấy qua những kinh nghiệm không nhiều từ trận đánh ở Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa, từ trận đánh anh dũng, kiên cường nhưng không có thời gian chuẩn bị ở Sài Gòn, sau đó ở Nha Trang, và gần đây nhất là Hải Phòng. Chúng ta phải xây dựng một kế hoạch chiến đấu cho bộ đội và nhân dân lần đầu chiến đấu với một kẻ địch bội phần mạnh hơn mình.

        Chúng tôi đã sớm nghĩ tới việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các thành phố.

        Ngày 19 tháng 10 năm 1946, khi cuộc đàm phán ở Phôngtenblô không đạt kết quả, Hội nghị cán bộ Trung ương đã có nhận định: Trước sau Pháp cũng đánh ta, ta phải cảnh giác, phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Sau Hội nghị, Bộ Tổng tham mưu được chỉ thị nghiên cứu ba vấn đề: cách đánh trong thành phố, lấy Hà Nội làm trung tâm; cách đánh xe tăng, thiết giáp; cách phá hoại đường sá. Cơ quan tham mưu thành lập một tổ nghiên cứu ba vấn đề trên, trọng tâm là vấn đề đánh địch trong thành phố. Tôi thường xuyên dự những cuộc thảo luận của tổ. Khi anh Văn Tiến Dũng được Đảng điều về Bộ phụ trách Cục Chính trị, tôi trao đổi với anh sớm nghiên cứu cách tiến hành công tác chính trị trong trường hợp chiến tranh bùng nổ trên cả nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:05:41 am »


        Ngày 16 tháng 9 năm 1946, Bác rời cảng Tulông (Pháp) trở về nước. Ngày 16 tháng 10, Bác gặp Đácgiăngliơ ở vịnh Cam Ranh. Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14 tháng 9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Ngày 5 tháng 11, Bác viết bản bút kí nổi tiếng “Công việc khẩn cấp bây giờ” mà mãi sau này ta mới biết. Trung tuần tháng 11, trong một buổi làm việc, Bác hỏi tôi:

        - Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?

        Tôi đáp:

        - Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng. Thời gian qua, cơ quan tham mưu đã chuẩn bị xây dựng một kế hoạch chiến đấu ở thành phố trong trường hợp địch gây chiến.

        Sau khi địch chiếm thành phố Hải Phòng ngày 23 tháng 11, Thường vụ nhận định nhất định địch sẽ gây hấn ở Thủ đô, chiến tranh trên cả nước là không thể tránh khỏi. Bác và Thương vụ nghị quyết: Nếu quân Pháp tái diễn ở Hà Nội việc chúng đã làm ở Hải Phòng thì cả nước sẽ nhất tề đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược. Chủ trương quân sự trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến là tiêu hao, tiêu diệt một một bộ phận địch, bảo tồn lực lượng ta, giam chân cô lập địch càng lâu càng tốt ở từng thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Bác nhấn mạnh: “Quân Pháp chỉ chờ có cơ hội là lập tức đánh ta. Ta cần tìm mọi cách để tránh nổ ra chiến tranh. Trong khi hết sức tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào, ở nông thôn, mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kì kháng chiến”.

        Sau cuộc họp, Bộ Tổng tham mưu và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội được trao nhiệm vụ gấp rút xây dựng một kế hoạch tác chiến cho cả nước và riêng tại Thủ đô Hà Nội. Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, tôi triệu tập nhiều cuộc họp cán bộ dân, chính, đảng của Thủ đô để phổ biến chủ trương chuẩn bị kháng chiến của Thường vụ.

        Cuối tháng 11, Thường vụ họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban Bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11) mới thành lập. Các anh Nguyễn Quyết, Vương Thừa Vũ, Lâm Kính, Quang Trung, Lê Quảng Ba đã lần lượt làm khu trưởng Vệ quốc đoàn Hà Nội từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Anh Lê Trung Toản phụ trách tự vệ chiến đấu, tự vệ thành và dân quân tự về toàn thành. Sau khi các anh Nguyễn Quyết, Quang Trung lần lượt đi Nam tiến, anh Lê Quảng Ba về Khu 12, Bộ chỉ huy Chíến khu Hà Nội lúc này gồm anh Vương Thừa Vũ, chỉ huy trưởng, anh Trần Độ, chính ủy. Trong phòng khách lớn tại Bác Bộ Phủ, nay là phòng việc, ngoài Bộ chỉ huy Khu còn các anh: Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương theo dõi Mặt trận Hà Nội, anh Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch ủy ban Bảo vệ.

        Tôi trình bày vắn tắt tình hình khẩn trương do Pháp quyết tâm tái chiếm nước ta bằng vũ lực, và nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo nghị quyết của Bác và Thường vụ: Một là, phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, chiến đấu giam chân chúng càng lâu càng tốt tại Hà Nội cũng như những thành phố khác, tạo điều kiện về thời gian cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Hai là, đi đôi với tiêu diệt địch cần thấu triệt chủ trương gìn giữ lực lượng của ta, theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Ba là, Thủ đô phải nêu cao tinh thần anh dũng và sáng tạo chiến đấu làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự về chiến đấu, tự về thành, lực lượng công an, đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.

        Từ những đặc điểm địch, ta trên cả nước và ở Thủ đô, tôi nêu lên biện pháp tác chiến chủ yếu là “phải sử dụng những lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu, dựa vào những ngôi nhà có cấu trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:09:50 am »


2

        Tổng số quân viễn chính Pháp ở Đông Dương lúc này đã lên tới 90.000. Về phía ta, lực lượng bộ đội cả nước khoảng 82.000. Không có chênh lệch lớn về số lượng. Nhưng về trình độ tổ chức trang bị, kĩ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại.

        Quân viễn chinh Pháp là một quân đội nhà nghề, với những đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân vừa chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Họ có những trang bị hiện đại nhất của phương Tây. Chỉ riêng sự xuất hiện khẩu tiểu liên Thompson cũng đủ làm nản lòng những đơn vị bạch binh kiêu dũng của Nhật hoàng năm trước trên quần đảo Xalômông. Còn quân đội ta, đơn thuần là bộ binh, hầu hết là người dân mới khoác áo lính, trang bị yếu kém. Mỗi đơn vị, nhiếu nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, toàn là súng cũ đủ loại với rất ít đạn. Mỗi trung đoàn có từ ba đến bốn khẩu trung liên hoặc tiểu liên, vài ba khẩu súng cối. Những đơn vị ít nhiều rèn luyện trong chiến tranh chống Nhật ở Việt Bắc thì hoặc đã lên đường Nam tiến, hoặc phân tán đi làm cán bộ ở những đơn vị mới tổ chức. Vì phải bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ tiếp phòng với quân Pháp, nên các chiến sĩ ít được huấn luyện về kĩ thuật, số đông chưa qua bắn đạn thật. Bộ đội ta được tổ chức thành trung đoàn, mỗi trung đoàn gắn với một, hai hoặc ba tỉnh. Ở Bộ Tổng chỉ huy và các Khu, ngoài đại đoàn cảnh vệ chưa có một đơn vị chủ lực nào.

        Theo Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, Pháp được đưa ra miền Bắc, tính từ Đà Nẵng trở ra, 15.000 quân. Nhưng họ đã tăng cường trái phép lên 30.000, gồm những đơn vị lính Pháp, lính lê dương tinh nhuệ nhất và một lực lượng lớn những binh chủng kĩ thuật. Những thành phố như Nam Định, Hải Dương, Huế, mỗi nơi Pháp có một tiểu đoàn, đặc biệt ở Đà Nẵng có hai tiểu đoàn. Ở hai thị xã Bắc Ninh, Bắc Giang, có một tiểu đoàn; riêng ở thị xã Vinh chỉ có một trung đội.

        Thủ đô Hà Nội là nơi quân Pháp tập trung đông, gồm một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một bộ phận biệt kích, một bộ phận dù, cùng với không quân và thủy quân. Tất cả khoảng 6.500 người. Ở đây còn phải kể tới 7.000 Pháp kiều đã được phân phát vũ khí. Một cuốn sách của Pháp viết là ở Hà Nội lúc đó có 4.500 binh lính và 7.000 Pháp kiều được trang bị súng và lựu đạn; có thể là không kể số quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh, được thả ra sau ngày Nhật đầu hàng.

        Lực lượng ta ở Hà Nội có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.515 người, khoảng trên 8.000 tự vệ, gồm tự vệ chiến đấu cứu quốc, tự vệ các xí nghiệp, tự vệ thành Hoàng Diệu và một lực lượng công an xung phong. Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ thị tăng cường trang bị chiến đấu cho Hà Nội nhưng cũng không hơn những nơi khác bao nhiêu.

        Trên miền Bắc, lúc này còn có những đơn vị tàn quân Pháp chạy sang Trung Hoa hồi Nhật đảo chính tháng 3 năm 1945, từ Vân Nam đã trở về Tây Bắc và từ bờ biển Quảng Đông trở về bờ biển Đông Bắc nước ta. Với sáu vạn quân còn lại, trong đó có nhiều quân ngụy, Bộ chỉ huy Pháp rải ra chiếm đóng ở miền Nam (Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên), Lào và Campuchia đối phó với chiến tranh du kích.

        Bộ Tổng chỉ huy quyết định: Chiến khu Hà Nội không thể bị rơi vào thế bất ngờ, nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại ngay. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân quân địch ít nhất là một tháng tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh.

        Tại những nơi địch tương đối yếu như Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh, các chiến khu 2, 3, 4, 12 được trao nhiệm vụ tiêu diệt hoặc gây thiệt hại nặng những đơn vị đồn trú.

        Các chiến khu 6, 7, 8, 9 ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ được lệnh đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với các chiến khu khác, gây khó khăn cho địch trong việc đưa quân tăng viện cho miền Bắc và miền Trung.

        Trong trường họp cơ quyết định toàn quốc kháng chiến của Trung ương, tín hiệu sẽ được phát đi từ Bộ Tổng chỉ huy cho tất cả các chiến khu. Lần đầu, chúng ta có một kế hoạch tác chiến trên quy mô cả nước.

        Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên.

        Trong quá trình bàn bạc cách đánh ở Hà Nội, mặc dù mục tiêu, biện pháp tác chiến đã được phổ biến, vẫn có đồng chí đề nghị tập trung một số đơn vị bộ đội và tự vệ thành gan dạ bí mật đột nhập thành Hà Nội, đánh thẳng vào đại bản doanh của quân Pháp. Đây là cách quân Nhật đã làm đêm mồng 9 tháng Ba. Kế hoạch này có nhiều tính phiêu lưu, vì quân viễn chinh Pháp hoàn toàn không giống đội quân thuộc địa Pháp đầu năm 1945, và các chiến sĩ ta còn xa mới có được trang bị và trình độ thiện chiến của quân đội Nhật. Một sĩ quan cũ của Nhật đã sang hàng ngũ ta, nêu ý kiến nên thiết lập ba phòng tuyến bằng công sự vững chắc bao quanh Hà Nội để ngăn chặn quân địch từng bước. Đây là cách phòng ngự cổ điển. Ta không chủ trương phòng ngự theo cách này và cũng không đủ người và cơ sở vật chất để thực hiện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 12:14:01 am »


        Tôi lưu ý Bộ chỉ huy Hà Nội trường hợp một tiểu đoàn vệ quốc quân và một tiểu đội xung phong tuyên truyền đã cầm chân quân Pháp suốt cả một ngày tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Những công thự có kiến trúc vững chắc và cần được bảo vệ như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện… cùng với Trại bảo an binh cũ có thể kết hợp thành một khu vực chiến đấu liên hoàn cầm cự với quân địch một thời gian. Những khu vực có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngõ ngách như Liên khu 1 rất thuận lợi cho việc xây dựng chiến lũy, tạo vật chướng ngại ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh địch đột nhập để kéo dài cuộc chiến đấu. Một vị trí hỏa lực xuất hiện bất ngờ từ những ngôi nhà cao có tác dụng rất lợi hại. Trong trận đánh Thái Nguyên, tôi đã chứng kiến một khẩu súng máy quân Nhật đặt trên ngôi nhà hai tầng đã kiểm soát suốt dọc phố.

        Cần đặc biệt nghiên cứu cách đưa bộ đội ra an toàn khi có lệnh, nên tìm hiểu hệ thống cống ngầm; trường hợp cấp bách, những con đường nằm dưới lòng đất này có thể giúp ích cho ta. Cán bộ đi điều tra về báo cáo những cửa cống thông ra cửa sông đều bị ngăn bằng song sắt. Ta đã chuẩn bị để khi cần phá bỏ ngay những song sắt này.

        Nửa năm qua, người Hà Nội đã làm quen với chiến thuật baricát những lần Pháp gây hấn. Qua bàn bạc, thấy những vật chướng ngại như bàn, ghế, giường, tủ… chất đống giữa đường, ngả cây, cột điện, đẩy xe ô tô, toa xe lửa, toa tàu điện chắn ngang cũng chỉ gây cản trở cho quân địch một thời gian ngắn. Cần phải xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống xe tăng, cơ giới và bộ binh địch có hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiễn lũy chắn ngang nên cần đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để đảm bảo sự cơ động lực lượng của ta.

        Từ ý định xây dựng nhiều tầng lớp chiến lũy, mọi người nhận thấy có thể tổ chức chiến đấu cố thủ ngay trong lòng thành phố dài ngày, hạn chế địch từ trung tâm đánh ra ngoại ô.

        Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, Bộ chỉ huy Khu 11 trình bày kế hoạch “Trong đánh - Ngoài vây”, theo cách nói của đồng chí Vương Thừa Vũ là “trùng độc chiến”. Liên khu 1 của Hà Nội với những đường phố cổ tiếp giáp Thành Hà Nội, nơi tập trung quân Pháp, được chọn làm khu vực cố thủ bên trong thành phố. Ngày đầu nổ súng, năm tiểu đoàn vệ quốc quân cùng với tự vệ sẽ tiêu diệt những vị trí lẻ của địch, phá hoại những vị trí lẻ của địch, phá hoại những cơ sở vật chất quan trọng như Nhà máy điện, Nhà máy nước, Kho xăng dầu, phá cầu Long Biên, đánh sân bay, chiến đấu bảo vệ một số cơ quan tiêu biểu như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện… Sau vài ngày chiến đấu, một tiểu đoàn vệ quốc quân sẽ rút vào Liên khu 1, cùng với lực lượng tự vệ cố thủ tại đây. Bốn tiểu đoàn khác cùng với tự vệ Liên khu 2 và 3 sẽ giản ra các đầu ô dựa vào chiến lũy tiếp tục chiến đấu, thường xuyên đột kích để yểm trợ cho Liên khu 1 và ngăn chặn quân Pháp đánh ra ngoại thành.

        Tôi tán thành kế hoạch này, một kế hoạch “nội công ngoại kích” gây cho quân địch sự lúng túng phải đối phó ở cả hai mặt, bên trong và bên ngoài, đồng thời bảo đảm tính cơ động của lực lượng ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc.

        Kế hoạch chiến đấu tại Hà Nội được hoạch định cụ thể, tính kĩ số lượng đạn dược, lương thực, nước uống của bộ phận cố thủ tại Liên khu 1. Khó khăn nhất vẫn là sự chênh lệch quá lớn về trang bị kĩ thuật giữa ta và địch. Toàn mặt trận, tính cả tự vệ, có khoảng 2.250 cây súng, hầu hết là súng trường, với nhiều súng khai hậu. Đạn rất ít. Trung bình hai chiến sĩ có một quả lựu đạn.

        Chúng ta quyết định tiến hành một cuộc nghi binh lớn, suốt một tuần, hàng nghin dân quân, tự vệ, từ những vùng chung quanh, rầm rập kéo vào thành phố, tăng cường những vị trí đóng quân, quá nửa đêm lại lặng lẽ rút đi.

        Kế hoạch chiến đấu được các khu phố thực hiện rất khẩn trương. Có những thanh niên trước đây thờ ơ, nay cũng hăng hái tham gia xây dựng chiến lũy. Đồng bào ngoài việc đóng góp dụng cụ: cuốc, xẻng, xà beng, cọc sắt, tham gia đắp lũy, đào hào, còn tích cực lập những đội cứu thương, hỏa thực và dự trữ lương thực để chiến đấu. Những đường phố xinh đẹp nhanh chóng trở thành chiến lũy. Một lần đi thăm khu Hoàn Kiếm, nhìn những thanh niên đang dựng cọc sắt, đào chiến hào, khoét lỗ ở những thân cây chuẩn bị đặt mìn, tôi nhận thấy chính những cuộc gây hấn của quân Tưởng và quân Pháp trong thời gian qua đã chuẩn bị tốt cho họ bước vào cuộc chiến.

        Trung tuần tháng 12 năm 1946, tôi báo cáo với Bác có thể giữ được Hà Nội từ một tháng trở lên.

        Bộ Tổng chỉ huy quyết định nổ súng vào 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhưng chỉ có Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian. Những nơi khác đều chậm từ hai đến bảy giờ. Có nơi bộ đội ta bị địch tiến công trước.

        Kể cả Hà Nội, quân Pháp cũng không hoàn toàn bị bất ngờ. Tác giả cuốn “Lích sử Việt Nam”1 đã kể lại, 18 giờ ngày 19, một người Pháp lai, nhân viên phản gián của Pháp trà trộn trong hàng ngũ ta, đã báo tin: “Ba đại đoàn Việt Nam (!) và lực lượng tự vệ đã được lệnh tiến công vào tối nay”. Moóclie, tư lệnh quân viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương, lập tức đặt toàn bộ quan Pháp trong trạng thái báo động cao.

        Như vậy, ở tất cả mọi nơi, quân Pháp đều sẵn sàng. Điều bất ngờ đối với họ chỉ ở chỗ: có lẽ nào một đội quân non trẻ với những trang bị yếu kém lại dám nổ súng vào quân viễn chinh? Đó là lợi thế duy nhất mà ta giành được khi khởi đầu chiến tranh trên cả nước.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM