Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:23:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII  (Đọc 27143 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:23:07 pm »


        Trong kế hoạch rút lui của Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến, chúng ta còn phải chú ý đến vấn đề điểm rút lui cuối cùng. Vì rút lui chiến lược chỉ là để bảo toàn lực lượng chuẩn bị phản công nên rút lui về địa điểm nào là có liên quan đến giai đoạn phản công. Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân Trần rút lui về sông Thiên Mạc (khúc sông Hồng qua Khoái Châu, Hưng Yên). Đóng ở đây, quân Trần có thể dễ dàng tiến hành cuộc phản công khi thời cơ đến. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, ban đầu quân đội Trần rút lui về Thiên Trường (Nam Định). Sở dĩ lần này quân Trần rút lui xa hơn lần thứ nhất là vì lực lượng của kẻ thù lần này mạnh hơn; có thể tiến hành những cuộc tấn công xa hơn. Khi lui về đến đây, vua Trần và Quốc Tuấn đã củng cố lực lượng và tổ chức phản công. Nhưng khi quân Toa Đô tiến ra được Trường Yên (Ninh Bình) thì Thiên Trường (Nam Định) không còn là chỗ đóng quân thích hợp nữa mà địa điểm rút lui cuối cùng phải là Thanh Hóa, vì ở đây tránh được sức tiến công của địch từ hai phía. Trong lần thứ ba, vua Trần không rút lui vào Thanh Hóa (như một số tài liệu nghiên cứu trước đây đã nhầm) vì không ở vào tình huống phải tránh thế kìm kẹp từ hai mặt như lần kháng chiến trước nữa mà chỉ rút lui về các lộ phía đông (vùng Hải Dương, Hải Phòng ngày nay). Ở đây có thể tiến về phía tây theo sông Hồng, phản công chiếm lại Thăng Long và tiến lên phía bắc, bao vây và chẹn đường về của địch, chuẩn bị cho trận Bạch Đằng sau này.

        Như vậy, trong việc thực hiện cuộc rút lui cũng như trong việc quyết định địa điểm rút lui cuối cùng một cách cơ động, Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến đã tỏ ra vô cùng sáng suốt, linh hoạt, luôn luôn dựa vào thực tiễn diễn biến chiến tranh mà đề ra những đường lối kế hoạch quân sự thích hợp. Đó chính là đặc điểm mà như Trần Quốc Tuấn đã nói, làm tướng phải “xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến”.

        Nếu Trần Quốc Tuấn và những người lãnh đạo kháng chiến thời Trần đã thành công trong việc thực hiện rút lui chiến lược thì cũng đã thành công trong việc phản công chiến lược. Nếu cuộc rút lui chiến lược của quân Trần có ý nghĩa là “tránh cái thế hăng hái lúc ban mai” thì phản công chiến lược chính là “đánh cái khí tàn lụn lúc buổi chiều” của địch như Trương Phổ nói.

        Một điểm cần chú ý là tuy các nhà chỉ huy quân sự đời Trần đã thực hiện các cuộc rút lui chiến lược, “nhưng trong tất cả các cuộc rút lui chiến lược ấy, tổ tiên ta đều tích cực chủ động tiến công địch về mặt chiến đấu và chiến dịch, nhất là chiến đấu để từng bước ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch. Lực lượng vũ trang chủ lực chiến lược không bao giờ dàn ra để phòng ngư, mà lúc nào cũng tập trung thành những quả đấm với những quy mô cần thiết để tiến công tiêu diệt quân địch” 1. Quân Trần đã chủ động tấn công địch ngay khi chúng còn ở trong thế mạnh, “lướt đến như lửa như gió”. Trên con đường rút lui, quân ta đã liên tục mở các trận đánh chặn giặc. Đó là trận Phù Lỗ trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất; trận sông Đuống, trận sông Hồng trước Thăng Long…. trong cuộc kháng chiến lần thứ hai; trận Lãnh Kinh, trận Đại Than… trong cuộc kháng chiến lần thứ ba. Trận Vân Đồn nổi tiếng cũng đã xảy ra trong giai đoạn chiến lược này. Tài năng quân sự của Trần Quốc Tuấn còn biểu hiện ở chỗ biết kết hợp khéo léo một cuộc rút lui vận động của quân chủ lực với cuộc tấn công của quân du kích mà cuộc tấn công này thì thật là muôn hình muôn vẻ, ở khắp nơi và bằng mọi cách đánh.

        Trong khi rút lui, quân ta đã nhử địch vào sâu. Kẻ thù muốn buộc quân ta phải giao chiến với chúng, nhưng không được, chúng muốn đánh mà không được đánh, quân chủ lực của ta vẫn còn nguyên vẹn, có thời giờ để củng cố xây dựng lực lượng. Địch càng ngày càng mắc sai lầm về chiến lược, chiến thuật. Chúng phân tán lực lượng trên một tuyến rất dài. Chẳng hạn trong lần chiến tranh thứ hai, từ Lạng Sơn đến Thăng Long, quân Mông Cổ “cứ 30 dặm thì lập một trại, 60 dặm thì đặt một trạm; mỗi trại, mỗi trạm đóng 300 quân” 2 và có cả một tuyến dài trên sông Hồng từ Thăng Long về xuôi. Trong lần chiến tranh thứ ba, giặc cũng phân tán đóng ở nhiều nơi như Thăng Long, Vạn Kiếp… Việc dàn mỏng lực lượng như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta đánh tiêu hao và tiêu diệt. Quân địch dần dần mệt mỏi, mất tinh thần vì luôn luôn bị quân dân ta bao vây tập kích, chúng tác chiến cô lập “lơ lửng ở quãng giữa” và khốn đốn vì thiếu lương thực. Bao giờ cũng đúng lúc đó thì vua Trần và Quốc Tuấn tổ chức cuộc phản công. Chính nhờ tích cực, chủ động, kiên quyết và liên tục tấn công mà quân ta có thể rút ngắn thời gian rút lui chiến lược để chuyển sang phản công chiến lược. Chẳng những Trần Quốc Tuấn đã nắm đúng thời cơ phản công mà còn chọn đúng hướng, đúng mục tiêu phản công, biết tập trung binh lực đánh vào các cứ điểm quan trọng nhưng yếu hoặc sơ hở của địch. Phát huy thắng lợi của “trận mở màn”, các tướng lĩnh nhà Trần đã biết liên tiếp nhanh chóng tấn công vào các vị trí khác của địch, dồn dập nện cho địch những đòn đích đáng làm chúng không kịp trở tay, tạo thêm những điều kiện thuận lợi mới để thu thắng lợi cuối cùng. Các trận A Lỗ, Tây Kết lần thứ nhất3; Hàm Tử, Chương Dương trong cuộc kháng chiến năm 1285 là những ví dụ rõ rệt. Chính nhờ quy định chính xác được hướng tấn công chủ yếu mà Trần Quốc Tuấn và các người lãnh đạo kháng chiến đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược trong tất cả các lần chiến tranh.

        Thượng tướng Văn Tiến Dũng viết: “Các cuộc kháng chiến đời nhà Trần chống quân Nguyên do đã phát động được toàn dân đánh giặc, do đã kết hợp được các hành động chiến đấu của các lực lượng vũ trang chủ lực, địa phương và dân binh, kết hợp đánh du kích với đánh tập trung, nên cả ba lần đều thắng lợi”4. Đó cũng là một biểu hiện của nghệ thuật quân sự trong cuộc chiến tranh chống xâm lược thế kỷ thứ XIII.

----------------
1.    Văn Tiến Dũng: Mấy vấn đề... sách đã dẫn, tr.83.

2.   Nguyên sử q. 209, t. 7b.

3.   Cần phân biệt trận Tây Kết lần thứ nhất và trận Tây Kết lần thứ hai năm 1285. Trận Tây Kết lần thứ nhất cũng như các trận Hàm Tử, Chương Dương đều là xảy vào tháng tư âm lịch (6-5 đến 4/6/1285), đó là các trận đánh vào các cứ điểm của quân Mông Cổ đóng dọc sông Hồng. Trận giải phóng Thăng Long cũng vào cuối tháng tư âm lịch. Trận Tây Kết lần thứ hai xảy ra vào ngày 20 tháng 5 âm lịch (24/6/1285) tức là trận đánh giết Toa Đô. Trong các tài liệu nghiên cứu trước đây, người ta thường cho rằng trận Tây Kết lần thứ nhất cũng là đánh Toa Đô, vì thế mới mô tả là Toa Đô bị đánh thua, rút lui theo sông Hồng rồi lại tiến lên và bị giết trong trận Tây Kết lần thứ hai. Dựa vào đó, có người cho trận phản công đầu tiên của quân Trần là đánh vào một tập đoàn đang vận động. Sự thực không phải thế, vì đến đầu tháng 5 âm lịch thì Toa Đô mới ở Thanh Hóa ra, còn trận Tây Kết lần thứ nhất đã xảy ra vào tháng 4 âm lịch. Cần chú ý thêm là trong chiến tranh lần thứ hai năm 1285 quân ta giải phóng Thăng Long và đuổi Thoát Hoan ra khỏi biên giới trước khi đánh giết Toa Đô (xem chương VI).

4.   Văn Tiến Dũng: Mấy vấn đề... Sách đã dẫn, tr. 57.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:28:02 pm »


        Để đáp ứng yêu cầu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến lược Trần Quốc Tuấn đã biết xác định các phương pháp và hình thức chiến đấu thích hợp, đúng đắn. Trong tất cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ, các nhà lãnh đạo kháng chiến đã biết nâng cao tác dụng của du kích chiến. Chính trên cơ sở tính nhân dân của cuộc kháng chiến mà những người lãnh đạo đã phát động được cuộc chiến tranh du kích. Nhân dân miền xuôi, miền núi đều tham gia đánh du kích. Khi đại quân rút đi để chờ cơ hội phản công, Trần Quốc Tuấn vẫn để lại những cánh quân nhỏ hoạt động trong vùng sau lưng địch. Những cánh quân đó phối hợp với những đội dân binh địa phương, luôn luôn quấy rối, phục kích, tập kích vào quân địch. Cánh quân của quản quân Nguyễn Lộc hoạt động ở vùng Lạng Sơn nhiều phen đã làm cho quân thù khiếp vía trong cuộc chiến tranh lần thứ hai. Trong cuộc chiến tranh lần thứ ba cũng có những cánh quân nhỏ hoạt động như vậy, chẳng hạn như các cánh quân vùng Nội Bàng đã đánh tan 5.000 quân Mông Cổ và bọn Việt gian Lê Trắc. Quân địch ngày càng bị cô lập giữa vòng vây trùng điệp của các lực lượng kháng chiến nhân dân. Chúng lo lắng mất ăn mất ngủ vì đêm đêm có những đội quân cảm tử tấn công vào doanh trại chúng. Chúng hoảng sợ vì khắp nơi “từ rừng, từ núi, từ biển bỗng nhiên xuất hiện những đội quân đánh tan cánh quân Thoát Hoan đang lo cướp bóc” như lời chép của sử gia Ra-sít-ut Đin.

        Trong toàn bộ cuộc chiến tranh, quân dân Trần đã sử dụng tài tình các hình thức tập kích, phục kích, trong đó phải kể đến trận đánh thuyền lương giặc ở Vân Đồn không những có ý nghĩa về chiến thuật mà còn có ý nghĩa về cả mặt chiến lược1. Có thể nói nhờ có Vân Đồn mà nhanh chóng có Bạch Đằng. Đánh vào thuyền lương tức là đánh vào cơ sở hậu. cần tại chỗ của giặc và đó là một phương hướng tác chiến chiến lược chính xác.

        Để tiêu hao lực lượng địch về mặt chiến lược, Trần Quốc Tuấn đã biết phát triển tư tưởng đánh tiêu diệt trong chiến thuật chiến đấu. Trong giai đoạn rút lui cũng như phản công, quân đội Trần đều thực hiện được những trận đánh tiêu diệt. Trận tiêu diệt lớn và gọn nổi tiếng nhất là trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng.

        Trận Bạch Đằng là một kiểu mẫu về sự chuẩn bị cẩn thận cho trận đánh của các nhà chỉ huy quân sự đời Trần. Đối với Trần Quốc Tuấn, chưa chuẩn bị đầy đủ, chưa chắc thắng thì chưa đánh. Có thể dẫn chứng cho điều đó bằng cuộc kéo quân trở lại Vạn Kiếp trong kháng chiến lần thứ hai năm 1285. Bấy giờ, Trần Quốc Tuấn định tiến hành một trận vu hồi lớn đánh về Thăng Long, nhưng tình hình biến chuyển bất lợi, quân ta ở phía nam Thăng Long đã phải rút sau trận sông Đại Hoàng và quân Toa Đô đã tiến ra được Trường Yên (Ninh Bình) cho nên Quốc Tuấn đã không đánh trận đó nữa, kiên nhẫn tiếp tục cuộc rút lui2.

        Qua trận Bạch Đằng và nhiều trận khác cũng như qua các cuộc rút lui hay phản công, chúng ta còn thấy tài năng chỉ huy của Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh đời Trần trong việc kết hợp khéo léo các binh chủng bộ binh và thủy quân. Như chúng ta đã biết, quân ta thạo thủy chiến; thủy quân Đại Việt đã có một kỹ thuật chiến đấu cao, có truyền thống từ những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trước thế kỷ XIII. Về mặt thủy quân thì địch lại yếu, các nhà chỉ huy quân sự đời Trần đã biết dựa vào sở trường của quân ta, đánh vào chỗ sở đoản của quân địch.

        Đánh địch bằng cách đánh mà ta đã lựa chọn và không cho địch đánh theo cách đánh sở trường của chúng cũng là một đặc điểm của nghệ thuật quân sự đời Trần. Cách đánh địch của quân dân Trần thật là phong phú và rất sáng tạo, không gò bó vào các binh thư nước ngoài. Chẳng hạn, binh pháp Tôn Tử nói rằng: “giặc cùng chớ đuổi”, thì những trận quyết chiến chiến lược của quân ta để thu thắng lợi cuối cùng đều được thực hiện vào lúc quân thù tháo chạy. Trần Quốc Tuấn có học tập kinh nghiệm của Ngô Quyền, nhưng trận Bạch Đằng chống Nguyên vẫn rất khác trận Bạch Đằng chống Nam Hán. Ở đây có sự phát huy truyền thống cũ một cách sáng tạo. Sáng tạo trong cách đánh là một yêu cầu cấp thiết. “Ông cha ta ngày trước đã có nhiều sáng tạo về cách đánh giặc. Không có sáng tạo đó, không thể giữ được nước, không thể giành được độc lập tự do. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải luôn luôn chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do, sự sống còn của mình cho nên có tinh thần tự vệ rất mạnh. Chính trên cơ sở của tinh thần tự vệ mạnh mẽ đó đã nảy sinh ra cách đánh giặc của người Việt Nam” 3.

        Một trong những “cách đánh giặc của người Việt Nam” là lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Tư tưởng quân sự này được hoàn thiện với nhà chiến lược Nguyễn Trãi nhưng rõ ràng đã được đặt cơ sở từ nhà chiến lược Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Tuấn là người đã nhấn mạnh nguyên tắc “quân cần tinh, không cần nhiềư” và “lấy đoản binh chống trường trận”. Nguyên tắc trên nói về chất lượng và nguyên tắc dưới nói về số lượng. Sự kết hợp hai nguyên tắc này nói lên rằng có thể lấy số lượng ít nhưng chất lượng cao của quân ta để chiến thắng quân địch có số lượng đông nhưng chất lượng kém. Kết luận này không chỉ đúng về mặt chiến lược mà ở từng trận đánh, trong trường hợp cụ thể cũng có thể lấy ít thắng nhiều, và theo Trần Quốc Tuấn, “đó là sự thường trong binh pháp”.

        Đáng tiếc là những sách binh pháp của Trần Quốc Tuấn như Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư nay không còn nữa nên chúng ta không thể nghiên cứu một cách đầy đủ tư tưởng chiến lược chiến thuật của nhà quân sự thiên tài đó. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì nữa, Trần Quốc Tuấn đã có một tri thức quân sự uyên bác. ông đã nghiên cứu binh pháp trận đồ Trung Quốc, đã biết rất rõ những trận mà một cánh quân ít đánh tan một cánh quân rất lớn xa như trận Phì Thủy (năm 383) nổi tiếng, Ở đây tướng Tấn đã đánh tan một trăm vạn quân của Bồ Kiên4, gần như trận ở thành Điếu Ngư “nhỏ như cái đầu” (năm 1259), Vương Kiên đã đánh lui hàng vạn quân Mông Cổ5. Trần Quốc Tuấn cũng đã nghiên cứu cuộc tiến công của Mông Cổ trên đất Trung Quốc6. Mặt khác, ông đã tổng kết kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử dân tộc trước thế kỷ XIII. Nhưng cần phải nói là tài năng quân sự của Trần Quốc Tuấn đã được tôi luyện trong thực tiễn của cuộc chiến tranh yêu nước chống xâm lược Mông Cổ. Chính nhờ có tính nhân dân, tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh đó mà những người lãnh đạo kháng chiến mới có thể sáng tạo, vận dụng và phát triển được một đường lối chiến lược chiến thuật đúng đắn. Đường lối đó góp phần vô cùng quan trọng trong việc dẫn cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

---------------------
1.    Như chúng tôi trình bày ở Chương VII, trận Vân Đồn xảy ra vào lúc thủy quân Mông Cổ tiến vào vùng biển Đại Việt trong tháng 12 năm Đinh Hợi (5/l đến 2/2/1288) lúc không phải xảy ra vào tháng 1 năm Mậu Tý (3/2 đến 8/3/1288) lúc Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ. Thực ra Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Vì thế, trận Vân Đồn không phải là mở đầu thời kỳ phản công như chủ trương của một số người nghiên cứu hiện nay.

2.   Xem chương VI.

3.   Lê Duẩn: Thanh niên… Sách đã dẫn, tr. 54-55.

4.   Toàn thư q. 5, t. 52a chép câu nói của Trần Quốc Tuấn: “Quân quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều, như Bồ Kiên có trăm vạn quân cũng chẳng làm được gì”. Trương Hán Siêu, gia thần của Trần Quốc Tuấn, trong bài Phú sông Bạch Đằng cũng đã so quân Mông Cổ tan tác ở trận Bạch Đằng với quân của Bồ Kiên ở trận Phì Thủy.

5.   6. Xem Hịch tướng sĩ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:29:33 pm »


        Quân Mông Cổ còn nhanh chóng thất bại do một số khó khăn khác mà chúng gặp phải. Khí hậu nóng nực ở phương Nam cũng là một trở lực lớn đối với bọn xâm lược. Mưa dầm lụt lội làm ướt hết doanh trại cũng như các bệnh dịch thường xảy ra trong quân đội địch làm bọn chúng thêm lúng túng. Nhưng nhiều tài liệu thường đề cao quá tác dụng của khí hậu đối với sự thất bại của quân Mông Cổ. Thư tịch cũ thường chép rằng các cuộc rút lui của quân Mông Cổ là do không chịu được cái khí hậu uất nhiệt ở Đại Việt. Điều đó không hoàn toàn đúng vì trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, quân Mông Cổ chiếm Thăng Long vào tháng chạp âm lịch (tháng 1 dương lịch). Hoàn toàn không thể nói rằng khí hậu Đại Việt lúc đó đã nóng nực kinh khủng đối với đạo quân xâm lược Mông Cổ. Vả lại, bấy giờ, chiếm đa số trong đội quân xâm lược là người Thoán ở Vân Nam. Chỉ có lần kháng chiến thứ hai, quân Nguyên rút lui vào tháng năm âm lịch (tháng 6 dương lịch). Bấy giờ có thể nói là Đại Việt đã vào mùa nóng. Trong lần kháng chiến thứ ba, quân Mông Cổ rút lui vào cuối tháng hai đầu tháng ba âm lịch (đầu tháng 4 dương lịch), lúc đó chưa phải là lúc đã rất nóng. Trong hai lần này, trong đạo quân xâm lược cũng có rất nhiều quân ở miền Nam Trung Quốc, không phải không thể chịu được cái nóng ở Việt Nam. Vì thế, chúng ta thừa nhận có sự ảnh hưởng ít nhiều của khí hậu đối với bọn xâm lược nhưng điều đó hoàn toàn không quá lớn như trong một số tài liệu. Sử liệu Nguyên đề cao vai trò của khí hậu chỉ là muốn bào chữa cho sự thất bại nhục nhã của bọn xâm lược trước sức chiến đấu mãnh liệt của quân dân ta.

        Một khó khăn khác có tác động đến cuộc hành binh của quân Mông Cổ là địa hình Việt Nam không thuận tiện cho hoạt động của kỵ binh. Quân Mông Cổ dựa vào sức ngựa có thể tiến ào ạt nhanh chóng. Sự vận động thần tốc đó thường uy hiếp được tinh thần của đối phương và chiếm được thế chủ động trong chiến tranh. Nhưng chiến trường Đại Việt không phải như những thảo nguyên miền Bắc. Đất nước Việt Nam với những sông ngòi chia cắt làm cho kỵ binh giặc khó phát huy được sở trường của mình. Quân Trần thường chặn đánh bọn chúng trên các khúc sông - đấy là những chiến lũy tự nhiên - để tiêu diệt chúng. Để tiến quân thuận lợi hơn, vua Nguyên đã chú ý đến thủy binh. Ngay trong cuộc xâm lược Nam Tống, bọn tướng lĩnh Mông Cổ đã nhận thấy cái sở đoản của mình. Tên Hán gian Lưu Chỉnh đã nói với viên tướng Mông CỔ là A-ju trước thành Tương Dương: “Quân kỵ binh tinh nhuệ của ta, đánh đâu thắng đó, duy thủy chiến không bằng Tống, đoạt được cái sở trường của họ, tạo chiến hạm, tập thủy quân thì việc sẽ xong ngay”. Nhưng cho đến sau khi diệt xong Tống, Mông Cổ vẫn không tổ chức được một đội thủy quân mạnh. Vua Nguyên đã buộc phải dùng thủy quân trong cuộc xâm lược Nhật Bản và Chiêm Thành nhưng cuối cùng đều thất bại. Thủy quân của giặc cũng đã bị thủy quân nhà Trần đánh tan trong nhiều trận. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng phải thấy rằng khó khăn của người Mông Cổ về quân kỵ và quân thủy không phải là điều chủ yếu làm cho bọn xâm lược thất bại vì như mọi người đều biết, quân Mông Cổ đã chiến thắng Nam Tống trong điều kiện tương tự.

        Cuối cùng, cần nói đến một yếu tố khác góp phần vào sự thất bại của đế quốc Mông Cổ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đó là sự lủng củng trong nội bộ bọn quý tộc thống trị Mông Cổ. Chẳng hạn sau khi Hốt Tất Liệt xưng đế, y đã phải tiến hành cuộc nội chiến chống lại em là A-ric Bu-ke và phải đình chỉ cuộc xâm lược Nam Tống. Mãi đến khi A-ric Bu-ke đầu hàng, y mới có thể thôn tính Nam Tống và uy hiếp Đại Việt1. Nhưng từ đó cho đến khi chết, các tập đoàn thân vương đứng đầu là Khai-đu, Đu-oa vẫn tiếp tục chống lại, luôn luôn đem quân tấn công vào vùng phía bắc của đế quốc Nguyên, làm Hết Tất Liệt không lúc nào yên, y phải tự cầm quân đánh lại bọn Khai-đu. Biên giới phía bắc là một mối lo thường xuyên của Hốt Tất Liệt. Chính vì thế, có lúc muốn nuốt tươi Đại Việt và Chiêm Thành, y vẫn không thể dồn hết lực lượng vào cuộc chiến tranh xâm lược được. Những điều kiện trên đây có góp phần làm cho bọn xâm lược chóng thất bại và đẩy nhanh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thế kỷ XIII đến thắng lợi nhưng đều không phải là nguyên nhân chủ yếu. Điều chủ yếu quyết định thắng lợi chính là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết của toàn dân trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Chính trên cơ sở tính nhân dân của cuộc kháng chiến mà những người lãnh đạo kháng chiến đã áp dụng và phát triển được một đường lối chiến lược chiến thuật đúng đắn, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, làm cho quân thù cuối cùng thất bại thảm hại.

-----------
1.        Xem chương IV.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:31:44 pm »


        Ở đây, chúng ta không thể không đánh giá cao vai trò của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Nhà chỉ huy tài kiêm văn vũ1 đó quả là đã có công lớn trong cuộc kháng chiến. Vào giờ phút lâm nguy của Tổ quốc, ông đã vì nước quên thù riêng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết trong hàng ngũ quý tộc, tướng lĩnh. Chúng ta thấy lòng yêu nước nồng nàn sâu sắc của ông thấm qua từng dòng của Hịch tướng sĩ: “… Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, chỉ giận không được ăn thịt, nằm da, nuốt gan, uống máu quân thù, tuy trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa cũng nguyện xin làm”. Những lời kêu gọi tha thiết của ông trong bài hịch đã khích động ý chí chiến đấu và lòng căm thù giặc trong toàn quân. Chính nhà quân sự thiên tài ấy là người đã xây dựng rèn luyện một đội quân có tinh thần cao, kỹ thuật giỏi trong chiến đấu và đào tạo được nhiều tướng lĩnh xuất sắc. Các tướng tá đó đã biết vận dụng tài tình các chiến lược chiến thuật như người chủ tướng của mình. Điều đó biểu hiện tính thống nhất trong quân đội Trần, và hẳn là phải kể đến tác dụng giáo dục của các sách binh pháp của Trần Quốc Tuấn.

        Trần Quốc Tuấn cũng là người đã đánh giá đúng đắn vai trò của nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chính ông đã nói rằng thời Đinh - Lê, chúng ta chiến thắng được ngoại xâm là vì “lòng dân không ly tán”, và chúng ta chiến thắng được giặc Mông Cổ là vì “cả nước ra sức”, chính ông là người đã có cái tư tưởng tuyệt vời: “Phải nới sức dân, làm kế. rễ sâu gốc vững, ấy là thượng sách giữ nước”. Trong những trang sử ngời sáng quang vinh chiến thắng của dân tộc Việt Nam thế kỷ XIII, mãi mãi chói lọi tên tuổi của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

        Chiến thắng của quân dân Việt Nam thế kỷ thứ XIII chẳng những bảo vệ được đất nước mà còn phá tan được âm mưu lập căn cứ để xâm lược các nước phương Nam của đế quốc Mông Cổ. Tuy về sau Hốt Tất Liệt có đem binh thuyền tấn công In-đô-nê-xi-a nhưng cuối cùng đã thất bại vì phải kéo quân từ xa đến, không có tiếp viện ở một căn cứ gần, thủy quân lại yếu. Nếu chiếm được Việt Nam - Đại Việt và Chiêm Thành, Hốt Tất Liệt sẽ có nhiều thuận lợi trong việc xâm chiếm In-đô-nê-xi-a và các nước khác. Vì thế, chiến thắng của nhân dân ta thế kỷ XIII còn có một ý nghĩa quốc tế lớn. Máu người Chiêm và người Việt đã đổ xuống vì quê hương của mình, nhưng khách quan đã góp phần vào việc ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Nguyên Mông xuống Đông Nam Á.

        Chiến thắng ngoại xâm thế kỷ XIII để lại cho chúng ta một bài học lớn. Đó là một khi nhân dân đã đoàn kết thành một khối quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ đất nước thân yêu của mình thì có thể chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào, dù kẻ thù đó lớn mạnh gấp mấy lần.

        “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do dân chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước” 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy trong những ngày kháng chiến chống Pháp trước đây. Cuộc kháng chiến thần thánh lần thứ nhất đã thắng lợi Nhưng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, câu nói đó vẫn hoàn toàn đúng. Bảy trăm năm trước, dân tộc Việt Nam đã quật ngã bọn xâm lược Mông Cổ, một kẻ thù mạnh và tàn bạo nhất trên thế giới bấy giờ. Giờ đây nhân dân Việt Nam lại đang chiến đấu và chiến thắng một tên cướp thế giới hung hãn khác là đế quốc Mỹ. Chúng ta tin tưởng rằng cuộc đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

        “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” 3.

-----------------
1.    Theo các thư tịch Việt Nam, chúng ta biết Trần Quốc Tuấn là tác giả Hịch tướng sĩ, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu ký yếu lược). Hai quyển sau nay đã mất. Trong Văn uyên các thư mục (Dương Sĩ Kỳ cho người soạn năm Chính Thống 6 (1441)), còn chép tên một quyển sách của Trần Hưng Đạo là Kinh sử hỗ ký, như vậy là Văn uyên các đời Minh còn giữ được quyển sách đó, nhưng đến nay quyển đó cũng đã không tìm thấy ở Trung Quốc.

2.   Hồ Chí Minh - Tuyển tập, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr.382.

3.   Hồ Chí Minh - Tuyển tập, Sách đã dẫn, tr. 366.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:32:59 pm »


        TÀI LIỆU THAM KHẢO

        K. Mác: Trích lục sử biên niên Ấn Độ, bản tiếng Nga, Mat-xcơ-va 1947.

        K. Mác: Trích lục biên niên, Lưu trữ K. Mác và F. Ăng ghen. T.V, t. 219-232 (tiếng Nga).

        K. Mác: Người Mông Cổ cuối thế kỷ XIV, Lưu trữ K. Mác và F. Ăngghen, T. VI, t. 169-171 (tiếng Nga).

        TÀI LIỆU VIỆT NAM

        1. Chữ Hán

        Đại Nam nhất thống chí, bản Tự Đức, chép tay.

        Đại Việt sử ký toàn thư, bản in năm 1697.

        Đại Việt sử ký (đời Tây Sơn).

        Nam sử tập biên của Vũ Văn Lập, sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội, số A. 12.

        Trần đại vương bình Nguyên thực lục, sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội.

        Trần gia điển tích thông biên, sách thư viện Khoa học xã hội, số A. 324.

        Trần gia ngọc phả, sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội, số A. 2046.

        Trần Hưng Đạo vương cựu tích, sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội, số A. 2568.

        Trần triều thế phả hành trạng, sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội, số A. 663.

        Trần vương truyện khảo của Trần Duy Vôn, 1931, sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội, số A. 3095.

        Vạn Yên thực lục (Trần Kiên - trung thực lục), sách chép tay, thư viện Khoa học xã hội, số A. 2919.

        Việt sử thông giám cương mục, quốc sử quán. đời Nguyễn, bản in năm 1884.

        Việt sử tổng vịnh, bản in đời Tự Đức (1874)

        2. Chữ Việt

        Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, quyển thượng, Hà Nội, 1958.

        Đào Duy Anh: Tài liệu về cuộc kháng chiến của nhà Trần đã ngăn chặn sự bành trướng của Mông Cổ xuống Đông Nam Á, Nghiên cứu lịch sử số 42 (9-1962).

        Đào Duy Anh: Tìm các đèo Khâu Cấp và Nội Bàng trên đường đụng binh của Trần Hưng Đạo, Nghiên cứu lịch sử số 66 (9-1964).

        Nguyễn Văn Dị - Văn Lang: Nghiên cứu về trận Bạch Đằng năm 1288, Nghiên cứu lịch sử số 43 (10-l962).

        Nguyễn Văn Dị - Văn Lang: Bàn thêm về trận Bạch Đằng năm 1288, Nghiên cứu lịch sử số 49 (4-1963).

        Văn Tiến Dũng: Mấy vấn đề nghệ thuật quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1968.

        Nguyễn Khắc Đạm: Góp ý kiến cùng hai bạn Nguyễn Văn Dị và Văn Lang về bài “Nghiên cứu về trận Bạch Đằng năm 1288”, Nghiên cứu lịch sử số 47 (2-1963).

        Trần Hà: Xung quanh trận Bạch Đằng năm 1288, Nghiên cứu lịch sử số 46 (1-1963).

        Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Sài Gòn, 1951.

        Trần Huy Liệu: Kỷ niệm 675 năm trận chiến thắng Bạch Đằng, Nghiên cứu lịch sử số 50 (5-1963).

        Phạm Ngọc Phụng: Tìm hiểu chiến lược chiến thuật thời Trần - Lê, Hà Nội, 1963.

        Nguyễn Tường Phượng: Lược khảo binh chế Việt Nam qua các thời đại, Hà Nội, 1950.

        Phạm Thị Tâm 0 Hà Văn Tấn: Vài nhận xét về ruộng đất tư hữu ở Việt Nam thời Lý - Trần, Nghiên cứu lịch sử số 52 (7-1963).

        Văn Tân: Bàn thêm về nguyên nhân khiến cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ hồi thế kỷ XIII đi đến thắng lợi,

        Nghiên cứu lịch sử số 66 (9-1964) và số 67 (10-1964).

        Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Bài minh trên chuông Thông Thánh Quán và một số vấn đề lịch sử đời Trần. Nghiên cứu lịch sử số 88 (7-1966).

        Chu Thiên: Chống quân Nguyên, Hà Nội, 1957.

        Hoàng Đạo Thúy: Sát Thát, Hà Nội, 1957.

        Nguyễn Ngọc Thụy: Về con nước triều trong trận Bạch Đằng 1288. Nghiên cứu lịch sử số 63 (6-1964).

        Hoàng Thúc Trâm: Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, 1950.

        Trần Quốc Vượng - Hà Văn Tấn: Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, I, in lần thứ 2, Hà Nội, 1963.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 09:34:41 pm »


        TÀI LIỆU TRUNG QUỐC

        An Nam chí lược của Lê Trắc, bản in của Kishida Ginko, năm 1884.

        An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng, bản trường Viễn Đông bác cổ, 1931.

        Bình Tông lục của Lưu Mẫn Trung (Nguyên).

        Chân Lạp phong thổ ký của Chu Đạt Quan (Nguyên), bản trong Cổ kim đồ thư tập thành.

        Chí Nguyên chinh Miến lục, bản Thủ sơn các tùng thư.

        Chiêu bổ tổng lục, bản Thủ sơn các tùng thư.

        Chư phiên chế của Triệu Nhữ Quát (Tống), bản in Nhật Bản, 1914.

        Đại Lý hành ký của Quách Tùng Niên (Nguyên), bản Kỳ tấn trai tùng thư.

        Đạo viên học cổ lục của Ngu Tập (Nguyên), bản Tứ bộ tùng san.

        Đảo di chí lược của Uông Đại Uyên (Nguyên), bản Cổ học vựng san, 1911.

        Hắc Thái sự lược của Bành Đại Nhã và Từ Đỉnh (Tống), bản in của Giang Tô Thông Châu hàn mặc lâm biên dịch ấn thư cục, 1903.

        Hoa di dịch ngữ, bản trong Hàm phân lâu bí níp.

        Kinh thế đại điển, bản trong Vĩnh lạc đại điển, q. 19.418.

        Kinh thế đại điển tự lục, bản trong Nguyên văn loại.

        Liêu Kim Nguyên sử ngữ giải soạn năm 1781, bản Giang Tô thư cực.

        Mông Ngột Nhi sử của Đồ Kỳ (Thanh), bản năm 1934.

        Mông Thát bị lục của Triệu Hồng (Tống), bản trong Mông Cổ sử liệu tứ chủng hiệu chú của Vương Quốc Duy, Thanh Hoa học hiệu nghiên cứu viện.

        Mục Am tập của Diêu Toại (Nguyên), bản Vũ Anh điện tụ trân.

        Nguyên đại bạch thoại bi tập lục, Khoa học xuất bản xã, 1955.

        Nguyên đại Vân Nam sử địa tùng khảo của Hạ Quang Nam, Trung Hoa thư cục, 1934.

        Nguyên điển chương, bản Quang tự Mậu Thân (1908).

        Nguyên hành tỉnh thừa tướng bình chương chính sự niên biểu của Ngô Đình Nhiếp (Thanh) trong Nhị thập ngũ sử bổ biên.

        Nguyên sử của Tống Liêm (Minh) và nhiều tác giả, Trung Hoa thư cục, Tụ trân phỏng Tống bản.

        Nguyên sử bản chứng của Uông Huy Tổ (Thanh), bản Thiệu hưng tiên chính di thư.

        Nguyên sử bị vong lục của Vương Quang Lỗ (Minh), trong Học hải loại biên.

        Nguyên sử dịch văn chứng bổ của Hồng Quân (Thanh), Quảng Nhã thư cục 1900.

        Nguyên sử kỷ sự bản mạt của Trấn Bang Chiêm (Minh), bản Thương vụ ấn thư quán.

        Nguyên sử loại biên (Tục Hoằng - giản lục) của Thiệu Viễn Bình (Thanh), bản Tảo Diệp sơn phòng, 1795.

        Nguyên sử nghệ văn chí của Tiền Đại Hân (Thanh), bản Tiềm Nghiên đường toàn thư.

        Nguyên sử ngoại di truyện địa lý khảo chứng của Đinh Khiêm (Thanh), Triết Giang đồ thư quán tùng thư.

        Nguyên sử tân biên Ngụy Nguyên (Thanh), bản Thiều Dương. Nguy thị Thận vi đường, 1905.

        Nguyên Thánh vũ thân chinh lục, bản in Nhật Bản, Đông Kinh, văn cầu đường.

        Nguyên thị tộc biểu của Tiền Đại Hân (Thanh), bản Tiềm Nghiên đường toàn thư.

        Nguyên triều bí sử, bản Diệp Thị quan cổ đường 1908.

        Nguyên triều danh thần sụ lược của Tô Thiên Tước (Nguyên) bản Vũ Anh điện tụ trân.

        Nguyên văn loại, Tô Thiên Tước (Nguyên) biên tập, Quốc học cơ bản tùng thư, Thương vụ ấn thư quán, 1958.

        Tam sử đồng danh lục của Uông Huy Tổ (Thanh), Quảng Nhã thư cục.

        Tân Nguyên sử của Kha Thiệu Mân, bản của Thiên Tân Từ thị thoái canh đường.

        Thiên Nam hành ký của Từ Minh Thiện (Nguyên), bản trong Thuyết phu.

        Thu Giản văn tập của Vương Vận (Nguyên), bản trong Tứ bộ tùng san.

        Tục tư trị thông giám của Tất Nguyên (Thanh), Trung Hoa thư cục.

        Từ khê văn cảo của Tô Thiên Tước (Nguyên), trong Trích viên tùng thư.

        Vân Nam chí lược của Lý Kinh (Nguyên), bản trong Thuyết phu.

        Việt kiệu thư của Lý Văn Phượng (Minh).

        Xuyết canh lục của Đào Tông Nghi (Nguyên), Phúc Doanh thư cục 1885.

        TÀI LIỆU NHẬT BẢN

        Ōhasi (Đại Kiều Thuận) Genkō Kiryaku (Nguyên khấu kỷ lược).

        Yamamoto Tatsuro (Sơn bản Đạt Lang) Annamshi kenkyu (An Nam sử nghiên cứu), I, Tokyo, 1950.

        TÀI LIỆU CHỮ NGA VÀ PHƯƠNG TÂY

        Армянские источники о Монголах (Извлечения из рукописей XIII- XIV ВВ). Перевод с древнеармянского предисловие и примечание А. Г. Галстяна, М, 1962.

        БИЧУРИН Н. Я – Собрание сведений о народах, обигавших а Средней Азии в древние времена, I – II, Л – Мб 1950, III, 953. ВЛАДИМИРЦОВ Б. Я – Общественный строй Монголов Мон – гольский кочевой фодализм. Л, 1934.

        ГРЕБКОВ Б.Д, ЯКУБОВСКИЙ А.Ю – Золотая Орда и её падение. М – Л, 1950.

        История Монгольской народной Республики иэд 2 М, 1967.

        Книга Марко Поло перевод старофранцуэского текста И. П, Минаева, 1956.

        МАЙСКИЙ И.М – Чингис – хан, Вопросы истории 5-1962.

        МЕРПЕРТ Н.Я. Пашуто В. Т. Черепнии ЛВ, - Чингисхан и его население История СССР 5- 1962.

        МУНКУЕВ Н.Ц – Китайский источник о первых монгольских ханан М, 1965.

        ПУЧОВСКИЙ Л. С – Монгольская феодальная историография XIII – XVIII ВВ, Уч записки Ии – та востокопед, Т. III, 1964.

        ЮАЫЬ – ЧАО БИ – ШИ (Секретная история Монголов) М., 1962.

*

*        *

        Abū-‘I Ghāzī.: Histoire des Mongols et des Tartares, publiée, traduite et annotée par le Baron Desmaisons, St. Petersbourg, 1874.

        Blake R. - Frye R.: History of the Nation of the Archers (the Mongols) by Grigor of Akanc, Harvard ỉournal of Asiatic Studies vol 12 Dec. 1949, No 3-4.

        Bretschneider E.: Mediaeval Researches from Eastern Asiatic Sources, London 1888.

        Chavannes E.: Inscriptions et pièces de chancelleries chinoises dei’époque mongole. T'oung Pao 1904, 1905, 1908.

        Cleaves E.W.: The sino - Mongolian Inscription of 1362 in Memory of prince Hindu, Harvard jonrnal of Asiatic Studies vol 12, june 1949, pp. 2-93.

        Cleaves F.W.: The Sino - Mongolian Inscription-of 1338 in Memory of Jinguntei HJAS vol 14, June 1951, pp. 1-104.

        Ceodès G: Les états hindouisés d Indochine et d’inđonésie, Paris, 1948.

        Pinot L.: Les Inscriptions du Cirque de Mĩ Sơn, BEFEO IV 1904.

        Gaubil P.A.: Histoire de Gentchiscan et de toute la dynastie des Mongus, ses successeurs, conquérants de la Chine, Paris, 1739.

        Grousset R.: L’ Empire des steppes, Paris, 1939.

        Grousset R.: L’ Empire Mongol (1rc phase), Paris, 1941.

        Haenisch E: Mangol-un niuca tobca’au (Yuan-ch’ao pi-shi). Die geheime Geschichte des Mongolen, Leipzig, 1937.

        Haenisch E.: Worterbuch zy Manghol-un niuca tobca’an, Leipzíg, 1937.

        Hambis L.: Le chapitre CVII du Yuan-che. Les généalogies im-périales Mogoles dans l’histoire chinoise ancienne de la dynastie Mongole, Leyden, 1945.

        Harlez C. de: Histoire de l’Empire de Kin ou Empire d’Or (Aisin gurun-i suduri bithe), trad, du mandchou, Louvain, 1887.

        Huber E.: La fin de la dynastie de Pagan BEFEO IX, 1909.

        Lewicki M: La langue Monguole des transcriptions chinoises du XIVe Siècle- Le Houa-yi-yi-yu de 1389 (Prace wroclaws-kiego towarzystwa naukowego Seria A, Nr 29), Wroclaw, 1949.

        Maspésro G.: Le Royaume de Champa, Pasis-Bruxelles, 1928.

        d’ Ohsson C.: Histoire de Mongols depuis Tchinguiz-khan jusqu’à Timour-bey ou Tamerlan, La Haye-Amsterdam, 1834-1835.

        Pauthier G.: Le livre de Marco Polo, Paris, 1865.

        Pelliot P.: Les Mongols et la papauté. Revue de I’orient-chrétien, XXIII, 1-2 et XXIV, 3-4, Paris, 1922-1924.

        Pelliot P.: Mémoires sur les coutumes du Cambodge de Tcheou Ta-kouan. Oeuvres posthumes de Paul Pelliot III, Paris, 1951.

        Pilliot P.: Notes sur l'histore de la Horde d’or. Oeuvre8 posthumes de Paul Pelliot II, Paris, 1950.

        Polliot P. - Hambis L.: Histoire des campngnes de Gengis-Khan; Cheng-won ts’in-tchieng lou, traduit et annoté, T.I, Leiden, 1951.

        Poucha P.: Die geheime Geschichte der Mongolen als Gesch;cht-squelle und Litteraturdenkmat Praha, 1956.

        Prawdin M.: L’empire mongol et Tamerlan, Paris, 1937.

        Rashid-ed-Din: Djami el Tévarikh, ed. par. E. Blochet t. II., Contenant I’histoire des empereurs mongoles successeurs de Tchinkkiz Khogan. Gibb Memor. Ser. XVIII.

        Sainson C.: Nan-tchao ye-che - Histoire particulière du Nan-tchao, Paris, 1904.

        Schmidt S.J.: Geschichte der Ost-Mongolen und ihres Fursten-hauses ver fasst von Ssanang Ssetsen Chungtaidschi der Ordus, St Petersbourg, 1829.

        Vladimirtsov B.: Le régime social des Mongols. Le Féodalisme nomade, trad. par Michel Carsow, Paris, 1948.

        Vadimirtsov B.: Gengis-khan, trad. par M. Carsow, Paris, 1948.

        Yamada N. : Ghenkō - The Mongol Invasion of Japan, London, 1916.

        Yule. H.: The book of Marco Polo, edited by H. Cordier London, 1921.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM