Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:11:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII  (Đọc 26987 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 11:44:09 pm »

        Giữa thế kỷ XII, thủ lĩnh các bộ lạc hay liên minh bộ lạc đã dựa vào tập đoàn quý tộc Nô-y-an và đội thân binh Nô-ke (nokar) tiến hành các cuộc chiến tranh cướp bãi chăn nuôi, đất săn bắn, tranh đoạt uy lực. Đó cũng là quá trình xây dựng quốc gia thống nhất Mông Cổ. Người chiến thắng cuối cùng là Tê-mu-jin (Támújin) 1.

        Tê-mu-jin sinh ra trên bờ sông Ô-nôn (Ôuon), trong bộ lạc Ta-y-tri-ut (Tayiči’ut), cha là Y-ê-xu-gây - ba-tua (Yasugai-ba’atur). Năm 1164, Y-ê-xu-gây chết. Sau một thời gian lưu lạc, Tê-mu-jin dần dần tập hợp được lực lượng, vào khoảng 1200, Tê-mu-jin bắt đầu cuộc chiến tranh chinh phục các bộ lạc khác. Từ năm 1204 đến 1205, tất cả các bộ lạc chủ yếu của Mông Cổ lần lượt hàng phục trước vó ngựa Tê-mu-jin.

        Năm 1206, một khu-rin-tai (quriltai, đại hội quý tộc) mở trên bờ sông Ô Môn, giai cấp Nô-y-a đã tôn Tê-mu-jin làm Trin-ghit Khan (Cinggis-qan, Thành Cát Tư Hãn) nghĩa là hãn (vua Mông Cổ) mạnh nhất. Cuộc chiến tranh liên miên giữa các bộ lạc kết thúc. Một nhà nước phong kiến quân sự độc tài tập quyền ra đời. Quan hệ phong kiến nảy sinh sớm trong xã hội Mông Cổ từ cuối thế kỷ XII, nay đã phát triển mạnh mẽ. Quá trình hình thành bộ tộc Mông Cổ được đẩy mạnh, khắc phục tính phân tán bộ lạc. Kinh tế và văn hóa có điều kiện phát triển. Chính vì thế, chúng ta thấy rằng việc thống nhất quốc gia Mông Cổ của Trin-ghit Khan có một ý nghĩa tiến bộ lớn.

        Nhưng ngay sau đó, Trin-ghit Khan và tập đoàn quý tộc phong kiến đã đem tất cả tinh lực của bộ tộc Mông Cổ vừa hình thành dốc vào chiến tranh xâm lược và nô dịch các dân tộc khác. Những đoàn kỵ binh Mông Cổ lại ồ ạt kéo sang phương Đông và phương Tây, gieo rắc kinh hoàng và chết chóc xuống những vùng xa hơn ở châu Âu và châu Á.

        Năm 1211, Trin-ghit Khan tiến quân vào miền Bắc Trung Quốc. Bấy giờ miền đất phía Bắc Trung Quốc bị tộc Nữ Chân chiếm cứ, lập nên nước Kim (từ năm 1115) 2. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc và sự khuynh loát lẫn nhau của bọn phong kiến Nữ Chân đã làm cho vương triều Kim suy yếu. Năm 1215, quân Mông Cổ chiếm được Trung Đô (Bắc Kinh), nhưng sau khi cướp được nhiều của cải và tù binh, Trin-ghit Khan rút quân khỏi Trung Quốc.

        Năm 1218, quân Mông Cổ chiếm vùng Đông Tuốc-ke-xtan (Turkestan). Trong đoàn kỵ binh và bộ binh Mông Cổ, người ta thấy có những vũ khí đánh thành học được của người Trung Quốc trong lần viễn chinh 1211-1215. Bấy giờ, quân Mông Cổ đã có những cỗ pháo bắn ra những bình đựng các chất cháy.

        Năm 1219, đội quân của Tnn-ghit Khan tiến về vương quốc Khô-re-xmơ (Khorezm). Tháng 2 năm 1220, thành Bu-kha-ra (Buqara) nổi tiếng bị chiếm. Bọn xâm lược đã đuổi hết cư dân ra khỏi thành, vơ vét của cải rồi phóng lửa đốt “Đó là một ngày vô cùng bất hạnh, chỉ nghe thấy tiếng khóc bi ai vĩnh biệt của già trẻ trai gái. Bọn dã man làm nhục phụ nữ trước mặt những người bất hạnh… Có những người thà chết không muốn trông thấy thảm cảnh ấy”.  Nhà sử học Ip-an A-xia (Ibn al-Athĩr, 1160-1233) đã viết như vậy về người Bu-kha-ra bị tàn phá3. Từ Bu-kha-ra bốc cháy, Trin-ghit Khan tiến thẳng đến Xa-mác-khan (Samarqand), một thành thị giàu có cổ xưa, có một nền văn hóa rực rỡ ở Trung Á. Xa-mác-khan cũng phải chịu một số phận như Bu-kha-ra. Tòa thánh lộng lẫy với những cung đền Hồi giáo từ nay trở thành hoang phế. Năm 1222, đạo sĩ Trung Quốc là Khâu Xứ Cơ (Trưởng Xuân chân nhân) đi qua đô thành này đã thấy cư dân ở đây không còn được một phần tư dân số trước kia4. Sau khi tàn phá Xa-mác-khan, quân Mông Cổ tấn công thủ đô của vương quốc Khô-re-xmơ là Uốc-ghen-trơ (Urgenc). Nhân dân thành Uốc-ghen-trơ đã chiến đấu rất kiên cường. Mấy nghìn quân Mông Cổ, dưới quyền chỉ huy của những viên mãnh tướng Jô-tri(Jöči), Tra-ga-tai (Čaatai), Ô-gô-đây (Ögödäi) ba con trai của Trin-ghit Khan đã vây đánh suốt trong vòng 5 tháng mới chiếm được. Tháng 4 năm 1221, Uốc-ghen-trơ thất thủ. Sau khi đã tàn sát cư dân và trưng tập thợ thủ công, bọn chiến thắng cuồng bạo đã phá đê sông A-mu Đa-ri-a cho nước tràn vào thành. Ip-an A-xia đã viết: “Những thành khác bị phá, cư dân còn lại hoặc ẩn náu hay bỏ chạy, hoặc trốn vào những đống thây người mà thoát được. Chỉ những người dân Khô-re-xmơ (chỉ Uốc-ghen-trơ-T.G.) thoát khỏi bị bắt đi thì đều chết đuối trong nước sông A-mu”. Ngày 25 tháng 2 năm 1221, Tô-lui (Tolui), con út của Trin-ghit Khan đã hạ thành Méc-vơ (Merv). Vì nhân dân Méc-vơ đã chiến đấu anh dũng nên toàn thành đã bị tàn sát trừ 400 người thợ thủ công. Theo Ip-an A-xia, người ta đã đếm được 70 vạn xác chết quanh thành Méc-vơ. Khô-re-xmơ, một quốc gia văn minh phồn vinh trước đây, nay đã trở thành một vùng hoang vắng. Vua Khô-re-xmơ là Mô-ham-mét (Mohammed) chạy trốn rồi chết trên một hòn đảo nhỏ ở Ca-xpiên (Lý Hải). Nhiều thành thị trở thành gò hoang. “Nghệ thuật những thư viện phong phú, nền nông nghiệp ưu việt, cung điện và giáo đường - tất cả sạch không “. K.Mác đã viết về hậu quả cuộc xâm lược Trung Á của người Mông Cổ như vậy.

----------------------
1   Nguyên triều bí sử, Thánh vũ thân chinh lục, phiên âm là Thiếp Mộc Chân, hắc đái sự lược phiên âm là Thắc Mộc Chân Nguyên sử phiên âm là Thiết Mộc Chân, đời Thanh Càn Long đổi phiên âm là Đặc Mục Tân.

2.   Người Nữ Chân gọi quốc gia họ là Aisin gurun, Aisin nghĩa là “vàng”, nên Trung Quốc gọi là nước Kim. Xem Histoire de l’empier de Kim ou empiere d’or (Aisin gurun-i suduri bithe). Bản dịch từ tiếng Mãn Châu của C.de Harlez, Louvain, 1887.

3.   Ip-an A-xia (Yzz ud-Din Ali Ibn al-Athìr) sinh năm 1160 chết năm 1233, ở Mossul, tác giả bộ sử Kamil ut-Tevarikh (Toàn sử) bằng tiếng A-rập, ghi chép về những trận đánh của Mông Cổ ở Hà Trung, Ba Tư và Lưỡng Hà.

4.   Khâu Xứ Cơ: Trường Xuân chân nhân tây du ký.

5.   K.Mác: Trích lục biên niên, Lưu trữ K.Mác và F.Ăngghen (bản tiếng Nga), T.V., t.221.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2016, 11:52:17 pm »


        Năm 1221, hai viên tướng Mông Cổ là Xu-bu-tai (Subutai) và Jê-bê (ǰäbä) đem quân xâm nhập A-déc-bai-jan, tiến đến Gơ-ru-di-a. Sau khi chiếm Sê-ma-kha, đội quân viễn chinh vượt núi Cáp-ca-dơ tiến lên phía bắc, tràn đến Cơ-rưm và chiếm vùng Xu-đac. Năm 1223, Xu-bu~tai và Jê-bê đánh tan liên quân Nga 8 vạn người do các công tước Ki-ép, Ga-li-sơ, Trec-ni-gốp và Xmô-len chỉ huy trên bở sông Can-ca (Kalka). Thuyền bị đốt cháy trụi, số quân thoát được không quá một phần mười. Bọn tướng xâm lược bắt trói các vương công Nga, bắc ván lên đầu họ và ngồi lên đó, ăn mừng chiến thắng. Quân Nga sở dĩ thất bại là vì ngay trong lúc nguy cấp, các công tước vẫn bất hòa với nhau. Quân Mông Cổ không ngừng lại ở thảo nguyên Nam Nga mà tiếp tục tiến đến trung bộ sông Vôn-ga. Ở đây, họ đã gặp sức chiến đấu mãnh liệt của dân Bun-ga. Bị phục kích, quân Mông Cổ đã thất bại thảm hại, tìm đường chạy trốn.

        Mùa thu năm 1225, Trin-ghit Khan trở về Mông Cổ. Nửa năm sau, Trin-ghit Khan lại kéo quân về phía đông, đánh nước Tan-gut (Tangut, tức Tây Hạ), Tan-gut thất bại, thành thị bị cướp phá và thiêu huỷ. Nhưng đó cũng là chiến thắng cuối cùng trong đời Trin-ghit Khan. Tháng 8 năm 1227, Trin-ghit Khan chết trên đường viễn chinh ở huyện Thanh Thuỷ (Cam Túc), tây nam Lục Bàn Sơn.

        Khi Trin-ghit Khan còn sống, lãnh thổ rộng lớn của đế quốc Mông Cổ đã chia cho bốn con trai của y. Những đất phong đó gọi là ulus. Ulus của con trưởng Jô-tri ở phía tây sông Iếc-tư-sơ, suốt một dải thảo nguyên Tuốc-kê-xtan, từ hạ du sông A-mu Đa-ri-a đến sông Xưa Đa-ri-a. Con thứ hai là Tra-ga-tai, chiếm vùng thảo nguyên Ka-sơ-ga và lưu vực sông I-li. Vùng tây Mông Cổ giữa núi An-tai và hồ Ban-ca-sơ thuộc quyền Ô-gô-đây, người con thứ ba. Con út là Tô-lui thừa kế miền đất cũ của cha.

        Theo Lịch sử bí mật Mông Cổ và Tập sử biên niên của Ra-sit ut-đin thì trước đây, Trin-ghit Khan đã chỉ định Ô-gô-đây thừa kế ngôi hãn. Nhưng sau khi Trin-ghit Khan chết, quyền lực thực tế nằm trong tay Tô-lui.

        Năm 1228, khu-rin-tai mở trên bờ sông Kê-ru-len (Karulan). Đại biểu các ulus đều về họp. Bọn quý tộc hoàng thất đã cử Ô-gô-đây1 lên ngôi hãn. Yến tiệc mừng hãn mới tưng bừng bên sông Kê-ru-len. Bốn mươi mỹ nữ trang sức đầy vàng ngọc bị làm vật hiến tế cho linh hồn Trin-ghit Khan2.

        Ô-gô-đây lên ngôi khi bản đồ đế quốc Mông Cổ đã vô cùng rộng lớn. Trừ Mông Cổ ra, đế quốc Mông Cổ bao gồm cả vùng Bắc Trung Quốc, Tuốc-ke-xtan, Trung Á, vùng thảo nguyên từ sông Iếc-tư-sơ đến sông Vôn-ga, phần lớn đất I-răng và đất Cáp-ca-dơ. Giai cấp thống trị ở các quốc gia bị chinh phục, đại địa chủ, tăng lữ cao cấp và đại thương nhân phục vụ bọn xâm lược, mong duy trì đặc quyền và tài sản của mình. Ách áp bức đè nặng lên vai nhân dân lao động du mục và định cư. Thuế khóa nặng nề. Thợ thủ công bị trưng tập lao dịch cho người Mông Cổ. Năm 1235, thủ đô Kha-ra Khô-rum (Qara Qorum) được xây dựng trên bờ sông Oóc-khôn (Orkhon). Tham gia xây dựng đô thành và vương cung ấy là những thợ tù binh Trung Quốc, Tát-jich, Tuyếc, Ba Tư và các dân tộc khác.

        Do sự thống trị tàn bạo của bọn chúa dị tộc Mông Cổ, nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy. Chẳng hạn năm 1238, Ma-hơ-mút Ta-ra-bi (Mahmùd Tarabi) đã vùng lên đuổi bọn xâm lược ra khỏi Bu-kha-ra và dựa vào nông dân, đánh tan quân đội Mông Cổ chiếm đóng và bọn chúa phong kiến địa phương. Nhưng cuộc khởi nghĩa bị trấn áp.

        Sau khi Trin-ghit Khan chết, các cuộc viễn chinh xâm lược vẫn tiếp tục. Kế hoạch đánh chiếm nước Kim ở Bắc Trung Quốc đã được Trin-ghit Khan vạch ra cho cận thần từ trên giường bệnh. Năm 1232, Ô-gô-đây và Tô-lui tấn công vào đất Hà Nam, liên minh với Nam Tống đánh Kim. Tháng 5 năm 1232, tướng Xu-bu-tai chiếm Biện Kinh (Khai Phong). Kim Ai Tông chạy về Quy Đức rồi chạy về Thái Châu (nay là Nhữ Nam, Hà Nam). Quân Mông Cổ liên minh với Nam Tống đánh Kim, giao ước là sau khi diệt Kim, Tống sẽ được thu phục ba kinh thành (Đông Kinh là Khai Phong, Tây Kinh là Hà Nam tức Lạc Dương, Nam Kinh là Ứng Thiên tức Thương Khâu). Tống Lý Tông đã sai Mạnh Hồng đem hai vạn quân và ba mươi vạn thạch lương giúp Mông Cổ vây Thái Châu. Năm 1234, thành Thái Châu vỡ, Kim Ai Tông tự sát ở U-lan-hiên. Nước Kim mất. Nam Tống theo điều ước, tiến quân lấy lại đất cũ, nhưng quân Mông Cổ đã tháo nước sông Hoàng Hà làm ngập quân Tống. Năm 1236, Ô-gô-đây sai quân đánh Tống. Đạo thứ nhất do Kha-đan (Qađan) con thứ hai của Ô-gô-đây chỉ huy, qua Tứ Xuyên, đánh vào Thành Đô, đạo thứ hai do Ku-tru (Kuču) con khác của Ô-gô-đây và tướng Tê-mu-tai (Tämmütai) chỉ huy đánh chiếm Tương Dương ở Hồ Bắc, một đạo do thân vương Kun Ba-kha (Kun-Buqa) và tướng Tra-gan (Čayan) tiến đến vùng Hán Khẩu ngày nay. Cuộc chiến tranh 40 năm xâm lược Nam Tống đã mở màn.

---------------
1.    Thư tịch Trung Quốc phiên âm là Oát-ca-đải (Nguyên triều bí sử), Oa-khoát-đài (Nguyên sử), đời Thanh đổi là Ngạc Cách Đức Y.

2.   Ra-sit Ut-Đin, Tập sử biên niên, bản dịch tiếng Nga, tập 2, 1960, t.19.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:10:15 am »


        Vấn đề viễn chinh lưu vực sông Vôn-ga và vùng từ đó về phía Tây đã được bọn quý tộc Mông Cổ nêu ra từ Khu-rin-tai năm 1228 và trong Khu-rin-tai năm 1235 lại được nhắc đến. Mùa xuân năm 1236, một đạo quân mười lăm vạn ồ ạt kéo sang phía Tây. Cầm đầu đạo quân là thống soái Ba-tu (Batu)1, con trưởng của Jô-tri, cháu Trin-ghit Khan. Viên lão tướng Xu-bu-tai làm tiên phong. Ba-tu đã qua mùa đông 1236-1237 ở gần vùng Vôn-ga. Tháng 12 năm 1237, quân Mông Cổ tấn công công quốc Ri-a-dan. Đại công I-u-ri I-go-rê-vích bị chết. Đầu năm 1238, quân Mông Cổ chiếm Mát-xcơ-va. Tháng 2 năm 1238, công quốc Vơ-la-đi-mia bị chiếm. Đại công I-u-ri Vơ-xê-lô-đô-vích bỏ chạy rồi bị giết. Một loạt 14 thị trấn như Rô-xtốp, I-a-rô-xláp, I-u-ri-ép và Đơ-mi-tơ-rốp,… bị tàn phá. Tháng 3 năm 1238, Ba-tu định tiến về Nốp-gô-rốt nhưng gặp sức phản kháng mãnh liệt của nhân dân Nga nên phải rút lui về thảo nguyên. Năm 1239, Ba-tu bước vào giai đoạn thứ hai của cuộc chinh phục đất Nga. Các thành Pê-rê-i-a-xláp và Tréc-ni-gốp lần lượt bị tàn phá. Năm 1240, quân Mông Cổ tấn công Ki-ép. Thân vương Mi-khai-in trốn sang Hung-ga-ri, viên quý tộc Đi-mi-tơ-ri giữ thành. Ba-tu cho quân bao vây dày đặc quanh thành Ki-ép. Biên niên sử Nga chép: “Tiếng ầm ẩm của vô số chiếc xe Mông Cổ, tiếng bò rống, tiếng lạc đà kêu, tiếng ngựa hí và tiếng gào đánh của những người dã man làm thành một thứ huyên náo mà ngay trong thành cũng không thể nghe thấy được…”2. Nhân dân U-cơ-ren đã anh dũng chiến đấu nhưng cuối cùng, ngày 6 tháng 12 năm 12403, thành Ki-ép cổ kính đã bị chiếm và tàn phá. Quân đội và nhân dân bị giết vô số, hàng nghìn người bị bắt làm nô lệ.

        Từ U-cơ-ren, một cánh quân Mông Cổ do Bai-đa (Baidar) và Khai-đu (Qaidu) chỉ huy tiến vào Ba Lan. Mùa đông năm 1240-1241, quân Mông Cổ vượt qua sông Vi-xtun đóng băng, tấn công Xan-đô-mia (Sandomierz) và đốt cháy trụi Cơ-ra-cốp. Quân Mông Cổ không chiếm được Vơ-rô-xláp4 nhưng sau đó, tiến đến Xê-lê-di, đánh tan 3 vạn liên quân Ba Lan - Đức do công tước Xi-lê-di Hen-rích II chỉ huy ở Van-stát (Wahlstadt) gần Líc-nít (Liegnitz) ngày 9 tháng 4 năm 1241. Sau chiến thắng đó, cánh quân này tiến qua Mô-ra-vi để hợp với cánh quân của Ba-tu. Đại quân của Ba-tu đã từ ba đường tiến đánh Hung-ga-ri. Ngày 11 tháng 4 năm 1241, Xu-bu-tai đã thắng quân Hung và gần chỗ hợp lưu sông Xay-o (Sayo) và sông Tít-xa (Tisza). Thủ đô Pe-xtơ (Pest) bị hạ, vua Hung là Bê-la chạy trốn ra bờ biển A-đơ-ri-a-tic. Tháng 7 năm 1241, kỵ binh Mông Cổ đến Nôi-stát (Neu-stadt) gần Viên. Tháng 12 năm 1241, Ba-tu vượt qua sông Đa-nuýp đóng băng, chiếm thành Gran, đô cũ của Hung-ga-ri. Nhân dân ở đây đã đốt hết nhà cửa, giết ngựa, giấu vàng bạc, không để tài sản lọt vào tay giặc. Bọn xâm lược Mông Cổ phẫn nộ, đã đem nướng người trên lửa và chặt đầu phụ nữ trong thành. Đầu năm 1242, đội tiên phong của quân Mông Cổ truy kích vua Hung đã đến quần đảo vùng Đan-ma-xi (bờ biển Nam Tư) gần thành Vơ-ni-dơ nước ý. Cả châu Âu chấn động. Theo sử biên niên của Pháp thì mối lo sợ trước quân Mông Cổ đã làm đình trệ cả sự buôn bán. Các sử gia biên niên Anh cho chúng ta biết rằng bấy giờ việc thông thương giữa đất Anh với lục địa bị gián đoạn. Ở Đức, xuất hiện bài kinh cầu nguyện “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ Ta-ta (tức Mông Cổ)”. Giáo hoàng La-mã Giơ-rê-goa (Grégoire) IX đã hiệu triệu tổ chức thập tự quân chống Mông Cổ. Trong thư gửi cho tín đồ Cơ đốc giáo, Giáo hoàng đã viết: “Nhiều việc khiến ta lo lắng như những việc đáng buồn ở đất Thánh, những mối lo âu của giáo hội, tình hình đáng thương của đế quốc La-mã. Nhưng ta nguyện quên hết những lo âu đó mà chú tâm đến cái tai họa Ta-ta, sợ rằng hiện nay uy danh của đạo Cơ đốc sẽ bị bọn Ta-ta tiêu diệt mất. Nghĩ đến đó là ta xương nát tủy khô, thân gầy sức kiệt, đau xót vô cùng, khiến ta không biết làm gì đây” 5.

        Nhưng sức chiến đấu của người Nga, người Ba Lan, người Tiệp và người Hung đã làm yếu lực lượng đội quân viễn chinh Mông Cổ. Quân Mông Cổ tiến lên trước, nhưng hậu phương phía sau không ổn định. Nông dân Hung-ga-ri đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của người nữ anh hùng Lan-ka xinh đẹp. Khi thất bại, Lan-ka đã tự sát, không để lọt vào tay giặc6. Pơ-lăng Các-panh (Plan Carpin) đã cho chúng ta biết nhiều người Mông Cổ chết ở Ba Lan và Hung7. Mùa xuân 1242, Ba-tu phải rút quân về phía Đông, qua Bun-ga-ri và Nga, đến vùng Vôn-ga. Do cuộc viễn chinh của Ba-tu, đất phong (ulus) của Jô-tri mở rộng, lập thành nước hãn Kim Trướng (Lều Vàng). Nước Nga chịu ách thống trị của nước hãn này hơn 200 năm.

        Năm 1241, Ô-gô-đây chết, Tra-ga-tai (Čaatai)(Cool cũng chết năm đó. Tình hình đế quốc Mông Cổ trở nên phức tạp. Các gia tộc dòng Trin-ghit Khan mâu thuẫn với nhau. Do đó ngôi hãn bỏ trống trong 5 năm, vợ Ô-gô-đây là Tô-rê-ghê-nê (Törägänä) nhiếp chính. Mãi đến Khu-rin-tai năm 1246, con Ô-gô-đây là Gu-y-uc (Güyük) 9 mới được cử làm hãn. Nhưng Ba-tu, con Jô-tri, ra mặt chống lại Gu-y-uc, không thừa nhận y là đại hãn và không chịu tuyên thệ. Gu-y-uc đem quân đánh Ba-tu nhưng chưa ra khỏi biên giới thì chết giữa đường năm 1248.

        Gia tộc Jô-tri liên kết với gia tộc Tô-lui chống lại gia tộc Ô-gô đây và Tra-ga-tai. Trong Khu-rin-tai 1251, do áp lực của bọn con cháu Jô-tri và Tô-lui; con Tô-lui là Mông Ke (Möngkä) 10 được cử làm đại hãn.

        Sau khi lên ngôi hãn, Mông-ke tiến hành việc trấn áp những kẻ thù của y. Mông-ke đã cử những đạo quân đặc biệt đánh phá lãnh địa Ô-gô-đây và Tra-ga-tai, do đó, hai vương thất này mất hết ảnh hưởng cũ, ulus không còn rộng lớn như trước nữa. Trên thực tế, đế quốc Mông Cổ trong những năm đó chia làm hai: lãnh địa của Mông Ke và lãnh địa của Ba-tu (hãn Kim Trướng).

        Trong thời kỳ thống trị của hãn Mông-ke, nhân dân ở Bắc Trung Quốc, đông Tuốc-ke-xtan, Trung Á, I-răng, Nam Cáp-ca-dơ và châu Âu bị bóc lột nặng nề. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. Mông-ke phải ra sức củng cố chính quyền trung ương và khống chế các vùng đã chinh phục. Chính quyền Mông Cổ đã dựa vào bọn đại địa chủ và tăng lữ cao cấp ở các nước bị chinh phục. Hãn Mông Cổ cũng rất chú ý đến bọn lái buôn giàu có. Bọn xâm lược chọn trong bọn chúa phong kiến và thương nhân Hồi giáo các quan lại cai trị các đất bị chinh phục.


Quân Mông Cổ (Tranh trong bản thảo "Tập sử biên niên" của Ra-sit ut-Đin (1247 - 1318)

-----------------
1.    Tài liệu Nga gọi là Batyi hay Batu, thư tịch Trung Quốc phiên âm là Bạt Đô.

2.   Dẫn trong Bretschneider. Mediaeval researches I, t.318.

3.   Có tài liệu chép Ki-ép bị chiếm ngày 19 tháng 11 năm 1240.

4.   G.Labuda: Woja z Tatarami w roku 1241 “Przeglad Historyczny” t.50, 2, 1959, t.189-224.

5.   Dẫn theo D’Ohsson: Historie des Mongols depuis T chinguiz - khan jusqu’à Timour. La Haye et Amsterdam, 1834, t.2.

6.   Acta Historica, t.II, f.1-2, Buđapest, 1953, t.1-45.

7.   Plan Carpin là tu sĩ Pháp được Giáo Hoàng Innocent IV phái đến Mông Cổ năm 1246. Xem Jean de Plan Carpin: Lịch sử Mông Cổ 1911, t.12.

8.   Thư tịch Trung Quốc phiên âm là Sát-a-đải (Nguyên Triều bí sử), Sát Hợp Thai (Thân chinh lục, Nguyên sử), đời Thanh đổi là Sát-hãi-thai.

9.   Thư tịch Trung Quốc phiên âm là Cổ-dư-khắc (Nguyên Triều bí sử), Quý Do (Thân chinh lục, Nguyên sử), Thanh đổi là Khố-dụ-khắc.

10.    Thư tịch Trung Quốc phiên âm là Mông Cách (Nguyên Triều bí sử), Mông Kha (Nguyên sử), Thanh đổi là Mạnh-khắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 12:29:46 am »


        Mông-ke vẫn tiếp tục các cuộc viễn chinh xâm lược. Năm 1253, Mông Ke đã cử em là Hu-lê-gu (Hülägü) 1 hoàn thành việc chinh Phục Ba Tư. Đất Ba Tư đã bị các tướng Mông Cổ là Troóc-ma-gan (Čormaan), Bai-ju (Baiǰu), En-ji-ghi-đai (Elĵigldai) xâm lược nhiều lần từ năm 1231. Bấy giờ, I-xma-in (Ismā’ìl) là đất độc lập cuối cùng của nước I-răng. Ngày 2 tháng 1 năm 1256, Hu-lê-gu vượt sông A-mu Đa-ri-a. Chúa I-xma-in là Rốc-nut-đin Cua-sa (Rokn ud-Dīn Kuršah) đầu hàng ngày 19 tháng 11 năm 1256. Sau khi tiêu diệt I-xma-in, Hu-lê-gu cho quân tấn công Ba-gơ-đát (Bagdad) và lãnh thổ của Kha-íp (Khalife, vua Hồi giáo) An Mu-xta-xim (alMusta’sim). Mu-xta-xim và cận thần đều hèn nhát, Hu-lê-gu đã dễ dàng chiếm được Ba-gơ-đát. Ngày 15 tháng 2 năm 1258, quân Mông Cổ tiến vào đô thành nổi tiếng đó, cướp phá của cải, thiêu huỷ cung điện và tàn sát cư dân. Hu-lê-gu đã bỏ Mu-xta-xim vào một cái túi rồi cho ngựa xéo chết.

        Sau khi chiếm Ba-gơ-đát, Hu-lê-gu tiến quân chiếm vùng Lưỡng Hà, xâm nhập Xi-ri. Nhưng đến năm 1259, thủ lĩnh quân Ma-mơ-luc (Mameluk) Ai Cập là Khu-tu-dơ (Qutuz) đánh bại quân Mông Cổ, bắt sống tướng Kít Bu-kha (Kit-Buqa) đuổi quân xắn lược khỏi đất Xi-ri, chặn được thế tiến công của Hu-lê-gu. Hu-lê-gu trở về Ba Tư, thiết lập một nước hãn mới và sáp nhập các vùng A-dec-bai-jan, Ác-mê-ni, Gơ-ru-di-a vào bản đồ của quốc gia mới. Vào những năm 60 của thế kỷ XIII, nước hãn Ba Tư cũng như nước hãn Kim Trướng thực tế đã thoát ly chính quyền trung ương của đại hãn Mông Cổ.

        Về phía Đông, Mông-ke cùng với em là Hốt Tất Liệt (Qubilai, Khu-bi-lai)(1) tiếp tục cuộc chiến tranh chinh phục miền Nam Trung Quốc. Đến năm 1279, Trung Quốc hoàn toàn bị Mông Cổ xâm chiếm. Trong và sau khi chinh phục miền Nam Trung Quốc, đế quốc Mông Cổ đã gây chiến tranh xâm lược Việt Nam, đồng thời âm mưu phát triển thế lực ra các nước khác ở Đông và Đông Nam Á.

        Như vậy là trong vòng nửa thế kỷ, bọn phong kiến Mông Cổ đã kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Một đế quốc rộng mênh mông được thành lập từ bờ Hắc Hải đến Thái Bình Dương.

        Cuộc chiến tranh xâm lược nổ ra giữa lúc chế độ công xã nguyên thủy tan rã, chế độ phong kiến hình thành. Bọn thống trị phong kiến Mông Cổ lợi dụng thể chất cường tráng, tinh thần chiến đấu, tài năng cưỡi ngựa bắn cung của nhân dân Mông Cổ và tổ chức quân sự đặc biệt của xã hội du mục, đã tổ chức một quân đội hùng mạnh, tiến hành các cuộc viễn chinh xâm lược. Theo Ju-vây-ni (Jweyni) nhà sử học thế kỷ XIII3 thì tất cả dân du mục trong thời bình đều phải làm nghĩa vụ cho hãn và quý tộc Nô-y-an. Trong thời chiến, người đến tuổi chịu binh dịch đều phải vào quân đội. Ngoài ra các hãn đều có đội quân hộ vệ (kaisk) rất đông. Qua những cuộc chiến tranh xâm lược, bọn phong kiến Mông Cổ còn lợi dụng nhân lực và binh lính của nước bị chinh phục để mở rộng đội ngũ của mình.

        Lịch sử bí mật Mông Cổ và Ra-sit ut-đin cho biết rằng kỷ luật quân đội Mông Cổ rất chặt chẽ, ai vi phạm quân kỷ bị trừng phạt rất nặng.

        Quân đội Mông Cổ rất thiện chiến. Thêm vào đó, thiên tài quân sự của Trin-ghit Khan (Thành Cát Tư Hãn) đã sáng tạo những chiến lược, chiến thuật thích hợp với điều kiện bản thân và hoàn cảnh khách quan. Những người kế thừa cũng tiếp thu được những chiến lược, chiến thuật đó. Quân Mông Cổ đặc biệt biết lợi dụng điều kiện hành động nhanh chóng mẫn tiệp của kỵ đội. Bành Đại Nhã đời Tống, tác giả Hắc Thát sự lược, đã chép: “Về đánh trận, họ lợi ở dã chiến, không thấy lợi, không tiến quân… Trăm quân kỵ quay vòng, có thể bọc được vạn người, nghìn quân kỵ tản ra, có thể dài đến trăm dặm… địch phân tất phân, địch hợp tất hợp, cho nên kỵ đội là ưu thế của họ, hoặc xa hoặc gần, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc tụ hoặc tán, hoặc hiện hoặc ẩn, đến như rơi trên trời xuống, đi như chớp giật…”4.

        Bành Đại Nhã còn chép rất rõ cách tấn công bằng kỵ đội của quân Mông Cổ: “Phép phá địch của họ, trước hết là lên chỗ cao nhìn ra xa, xem địa thế, xét địch tình. Vì chuyên thừa cơ địch rối loạn nên lúc bắt đầu giao phong, thường dùng kỵ đội xông thẳng vào trận địch, mới xông vào mà địch đã núng thì không kể đông hay ít, ồ ạt tiến lên, địch tuy chục vạn, cũng không thể đương được. Nếu địch không núng, thì đội phía trước tản ngang ra, đội tiếp theo xông lên, nếu không vào được thì đội sau nữa lại tiến lên như vậy. Nếu trận địch vững chắc, trăm kế không xông vào được, thì họ xua bò, quất ngựa cho súc vật đâm vào trận địch, ít khi mà địch không bại. Nếu địch chĩa giáo tủa ra chống, không để ngựa xông vào, thì họ cho quân kỵ bọc xung quanh, thỉnh thoảng bắn một mũi tên, khiến cho địch phải vất vả. Cầm cự ít lâu, địch tất không có ăn hay thiếu củi nước, không thể không nao núng, bấy giờ họ mới tiến quân uy hiếp, hoặc là trận địch đã núng nhưng họ không đánh ngay, đợi địch mệt mỏi rồi mới xông vào. Nếu quân của họ ít thì trước hết lấy đất rải ra, sau đó lấy cây kéo, khiến cho bụi bay mù trời, địch nghi là quân đông, thường tự tan vỡ, nếu không tan vỡ thì khi xông vào, tất thế nào cũng phá được. Có khi họ xua hàng binh lên trước, cố để cho thua, đợi lúc địch kiệt sức, mới đem quân tinh nhuệ ra đánh. Có khi vừa giao chiến, đã giả thua chạy, vờ bỏ xe cộ, vứt vàng bạc, địch cho là bại thật, đuổi mãi không thôi, gặp phải quân kỵ phục kích của họ, thường là bị tiêu diệt hết… Họ mà thắng thì đuổi theo địch chém giết, không để trốn thoát, họ mà thua thì chạy rất nhanh, đuổi theo không kịp” 5. Do điều kiện tiến nhanh của kỵ đội, quân Mông Cổ thường quen đánh những trận vu hồi lớn. Khi đánh vào một vùng nào hay một địa điểm nào, họ thường tấn công bằng nhiều gọng kìm từ các phía lại. Họ thường tránh thực đánh hư, dụ địch ra khỏi căn cứ mà tiêu diệt.

        Với đội quân thiện chiến đó, Trin-ghit Khan và những người thừa kế đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược thế giới. Vể sau, khi học được cách chế tạo các vũ khí đánh thành của người Trung Quốc và người Tây Á, quân đội Mông Cổ lại càng hùng mạnh. Nhưng đội quân hùng mạnh đó, một lần tấn công vào Chiêm Thành, ba lần tấn công vào Đại Việt, đều bị thất bại nhục nhã. Nhân dân Việt Nam thế kỷ XIII đã ghi vào lịch sử dân tộc những trang sáng chói.

-----------------
1.    Thư tịch Trung Quốc phiên âm là Húc-liệt-ngột (Nguyên sử), đời Thanh đổi là Tích-lý-khố.

2.   Thư tịch Trung Quốc phiên âm là Hốt Tất Liệt (Nguyên sử). Đời Thanh Càn Long đổi phiên âm là Hô-tất-lai. Trong sách này chúng tôi giữ theo tên đã quen thuộc là Hết Tất Liệt mà không phiên âm thành Khu-bi-lai (Qubilai).

3.   Ju-vây-ni chính tên là Ala ud-Din ‘Ata-Malik, sinh ở Juweyn (thuộc Khorassan) nên gọi là Juweyni, chết năm 1282. ông là tác giả bộ sử Truyện kẻ xâm lược thế giới (Tarikh-i-jahán Gusái), ghi chép sự kiện mười năm cuối của Trin-ghit Khan và những người thừa kế, đặc biệt là cuộc viễn chinh Ba Tư của Hu-lê-gu.

4.   Bành Đại Nhã - Tư Đỉnh: Hắc Thát sự lược. bản in của Giang Tô thông châu hàn mặc lâm biên dịch ấn thư cục năm Quang Tự Quý Mão (1225-1264) đã đi sứ Mông Cổ, lúc trở về cùng soạn sách Hắc thát sự lược, đó là một tài liệu quý để nghiên cứu về đời sống, phong tục, chế độ người Mông Cổ trước khi đánh chiếm Nam Tống.

5.   Bành Đại Nhã - Tư Đỉnh: Sách đã dẫn, t.9b-10a.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 10:47:49 am »

       
CHƯƠNG III

CUỘC KHÁNG CHIẾN LẦN THỨ NHẤT

“…Người lính già đầu bạc        
Kể mãi chuyện Nguyên Phong”.        
Trần Nhân Tông        
       Năm 1251, đại hội quý tộc (Quriltai) trên bờ sông Ô-nôn (Ônon) đã đưa Mông Ke (Mongka) lên ngôi hãn. Tên chúa Mông Cổ mới vẫn nuôi mộng chinh phục thế giới. Năm 1253, Mông Ke ra lệnh cho em y là Hu-lê-gu (Hulagu) tiến hành xâm lược Ba Tư và Tây Á. “Hãy thiết lập tập quán, phong tục và pháp luật của Trin-ghit Khan (Cinggis-qan) từ bờ sông A-mu Đa-ri-a đến cuối xứ Ai Cập… Kẻ nào không khuất phục thì hãy làm cho hắn nhục nhã”. Đó là lệnh của hãn Mông Cổ1.

        Về phía đông, Mông Ke chuẩn bị tấn công xâm lược quốc gia Nam Tống. Đồn điền và thành lũy của quân đội Mông Cổ mọc lên trên một tuyến dài từ sông Hán đến sông Hoài. Để uy hiếp mặt tây nam của Nam Tống, từ năm 1252, Hốt Tất Liệt (Qubilai, Khu-bi-lai), em của Mông-ke, được lệnh đánh chiếm vùng Vân Nam Trung Quốc. Năm 1253, Hất Tất Liệt và tướng U-ry-ang-kha-đai (Uriyangqadai) 2 vượt sông Kim Sa, đánh chiếm thủ đô nước Đại Lý. Vua Đại Lý là Đoàn Hưng Trí bỏ trốn. Năm 1254, Hốt-tất-liệt trở về Bắc, U-ry-ang-kha-đai ở lại tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Đoàn Hưng Trí bị bắt ở Thiện Xiển3 và đầu hàng quân Mông Cổ. Các dân tộc thiểu số ở Vân Nam lần lượt bị chinh phục4. Đến năm 1256, toàn bộ vùng Vân Nam bị chia thành phủ huyện, nằm dưới ách thống trị của Mông Cổ. Nước Đại Lý mất.

        Năm 1257, Chúa Mông Cổ là Mông Ke tế cờ trên bờ sông Kê-ru-len (Karulan) rồi xuất quân đánh Tống. Theo kế hoạch của Mông Ke, quân Mông Cổ sẽ tấn công vào đất Tống từ bốn mặt. Mông Ke thân dẫn đại quân tiến vào theo con đường Tứ Xuyên. Một cánh quân dưới quyền chỉ huy của Hốt Tất Liệt vượt Trường Giang đánh chiếm châu Ngạc (Vũ Xương, Hồ Bắc). Một cánh quân khác do Tô-ga-tra (Toačar) 5 chỉ huy, tấn công mạn hạ lưu Trường Giang, vào vùng Kinh Sơn. Cánh quân của U-ry-ang-kha-đai được lệnh từ Đại Lý đánh thẳng xuống Đại Việt, rồi từ đó, đánh vào châu Ung (Nam Ninh, Quảng Tây), châu Quế (Quế Lâm, Quảng Tây), tiến lên gặp các cánh quân kia ở châu Ngạc6. Cánh quân này sẽ trở thành mũi dao đâm vào sau lưng Trung Quốc.

        Như vậy, việc tiến quân xâm lược Đại Việt là nằm trong kế hoạch thâm độc trên của tên chúa Mông Cổ. Chúng ta không biết được chính xác số quân của U-ry-ang-kha-đai khi tiến vào Đại Việt. Nhà sử học Ba Tư Ra-sit ut-đin (Rašĩd ud-Dīn) cho biết rằng U-ry-ang-kha-đai đã đem ba vạn quân xuống Vân Nam nhưng trước khi tiến lên châu Ngạc gặp Hốt Tất Liệt thì quân số còn lại không quá năm nghìn tên7. Ngoài số quân Mông Cổ, tên vua Đại Lý đã đầu hàng là Đoàn Hưng Trí cùng với chú y là Tín Thư Phúc còn đem hai vạn quân người Thoán Bặc (người Di ở Vân Nam) làm tiên phong cho U-ry-ang-kha-đai, tiến vào Đại Việt8. Như vậy, đội quân của U-ry-ang-kha-đai, gồm cả quân Thoán và kỵ binh Mông Cổ, phải trên hai vạn rưởi người.

------------------
1.    Theo Ra-sít út-Đin (Rasìd ud-Dìn), Tập sử biên niên.

2.   Nguyên sử chép là Ngột Lương Hợp Đái (q.4); Ngột Lương Hợp Thai (q.121); Ngột Lương Cáp Thai (q.122). Kinh thế đại điển tự lục và An Nam chí lược chép là Ngột-lương-cáp-đải. Thông giám tập lãm chép là Ô-đặc-lý-cáp-đạt; Tục tư trị thông giám chép là Ô-lan-cáp-đạt, theo cách phiên âm lại thời Thanh Càn Long (xem Liêu Kim Nguyên sử ngữ giải). Đại Việt sử ký toàn thư chép là Ngột Lương Hợp Đải. Hịch tướng sĩ của Trấn Quốc Tuấn chép là Cốt Đãi Ngột Lang. Đấy là những tên phiên âm khác nhau của tên Mông Cổ Uriyangqadai (có nghĩa là “người của bộ lạc Uriyangqat”). U-ry-ang-kha-đai là con của viên tướng nổi tiếng Xu-bu-tai (Subutai, Tốc-bất-đài) (xem chương II).

3.   Nguyên sử q.121 chép Đoàn Hưng Trí bị bắt ở Côn Trạch Bình Vân Nam bi của Trình Cự Phu (1248-1318) và Vân Nam chí lược của Lý Kinh đời Nguyên đều chép là Hưng Trí bị bắt ở Thiện Xiển. Kinh thế đại điển tự lục chép rằng Hưng Trí chạy trốn về Côn Trạch và bị bắt ở Thiện Xiển. Thiện Xiển ở Côn Minh ngày nay.

4.   Dân tộc Di là thành phần chủ yếu của nước Đại Lý. Bộ phận quan trọng mà các thư tịch Trung Quốc cổ thường gọi chung là người Thoán, Bặc là gồm người Bạch Man (tức Tây Thoán) và người Ô Man (tức Đông Thoán). Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện gọi Bạch Man là Sát Hãn Chương và Ô Man là Hợp Lạt Chương. Nguyên sử q.123, Triệu A-kha-phan truyện, A-nhi-tư-lan truyện và Kinh thế đại điển tự lục, mục Vân an lại chép là Cáp Lạt Chương. Sát Hãn Chương là phiên âm tiếng Mông Cổ Caqanĵang, Hợp Lạt Chương hay Cáp Lạt Chương là Qaraĵang. Theo tiếng Mông Cổ, čaqan nghĩa là “trắng”, Qara nghĩa là “đen”. ĵăng chỉ người Thoán. Như vậy, đấy chỉ là dịch nghĩa tên Bạch Man và Ô Man. Về sau, tên Kha-ra-iang (Qaraĵang) trở thành tên chỉ vùng đất Vân Nam (Tập sử biên niên của Ra-sít ut-Đin chép là KaraJan. Mác-cô Pô-lô (Marco Polo) trong du ký của ông, chép là Carajan, Caragian, Caraian).

5.   Nguyên sử phiên âm là Tháp-sát-nhi. Tô-ga-tra là con của em Thành Cát Tư Hãn, Tê-mu-ghê Ốt-tri-ghin (Tämugä Otčigin).

6.   An Nam chí lược q.4 Chinh thảo vận hướng chép: “… Năm Quý Sửu (1253)… bàn việc dẹp Vân Nam, lưu thái sư Ngột Lương Hợp Đải kinh lược Năm Đinh Tỵ (1257), mùa đông, sai thái sư tiến quân từ Vân Nam, đi qua biên ấp An Nam, muốn ra Ung, Quế, hội với đại binh ở Ngạc để đánh Tống”. Trong bản in Nhật Bản chép là “mệnh thái sư thông súy tự Vân Nam…”. Chúng tôi cho rằng chữ “thông súy” là chép nhầm từ chữ “tiến sư” nghĩa là tiến quân, không phải có một thái sư khác hay một người khác tên là Thông Súy như một số sách gần đây đã lầm (Hoàng Thúc Trâm: Trần Hưng Đạo 1950, t.66-67; Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, 1958, tập I, t 235). Xét câu của An Nam chí lược thì thái sư ở đây là Ngột Lương Hợp Đải (U ry-ang-kha-đai) mà thôi. Chỉ có An Nam chí lược chép U-ry-ang-kha-đai là thái sư, nhưng chắc là đúng. Bấy giờ, Mông Cổ chưa chiếm được toàn bộ Trung Quốc cũng như chưa thiết lập vương triều Nguyên, nhưng danh hiệu thái sư thì Mông Cổ đã mượn của Trung Quốc từ trước, tiếng Mông Cổ là tai ši, dùng để chỉ một số quý tộc thủ lĩnh thị tộc - bộ lạc. Về sau, tai ši trở thành những chúa phong kiến nắm giữ các lãnh địa ulus hay otoq. Như vậy, danh hiệu tai ši Mông Cổ không còn có nghĩa như thái sư Trung Quốc hay Việt Nam.

7.   Ra-sit ut-Đĩn chép rằng: “Từ trước hãn Men-gu (tức Môn-ke - T.G.) đã phái một đội quân khoảng ba Tu-man (tức tu-men (tüman), tiếng Mông Cổ chỉ đơn vị một vạn người, tiếng Trung Quốc là vạn hộ - T.G.) tiến vào từ một phía khác của Nan-ghi-át (Nangyas, tức Nam Tống - T.G.). Người chỉ huy đội quân này là U-ry-ang-kha-đai, con của Xu-bê-đai - ba-ha-đua (tức Sübütai-bả tur - T.G.). Cùng với U-ry-ang-kha-đai, hãn còn phái năm mươi chư vương của cánh tả (quân đội Mông Cổ bấy giờ chia làm hai cánh tả và hữu, xem chương II - T.G.), trong số con cháu của Tra-ga-tai (Čaatai) có một người tên là An-bi-ska (Abiška). Vì đường đi vất vả mà các địa điểm và đồn lũy lại khó vượt qua, họ đã nhiều lần tham chiến, việc tiến lên phía trước thật khó khăn đối với họ. Do thời tiết ẩm và xấu, nhiều người trong đội quân đó đã ốm và chết, đến nỗi toàn bộ bọn họ còn lại không quá năm nghìn. Họ được tin Hốt Tất Liệt đến và quyết định đi về hướng ông ta. Sau hai mươi ngày, họ đã hội quân bất ngờ ở vùng lân cận thành trấn đó”. Đấy là thành trấn mà Ra-sít ut-Đin gọi là U-ju (Uĵu), tức Ngạc Châu (Tập sử biên niên, bản dịch tiếng Nga, tập II, 1960, tr.157-158).

        Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện (t.4b) và bài bia A-truật (A-ju) do Vương Vận (?-1304) soạn (dẫn trong Nguyên triều danh thần sự lược của Tô Thine Tước đời Nguyên, q.2, t.12a) lại ché rằng U-ry-ang-kha-đai đã đem ba nghìn kỵ binh Mông Cổ và một vạn quân người Thoán tiến vào đất Tổng.

8.   Nguyên sử q. 166 Tín thư Nhật truyện chép: “… Hiến Tông (tức Mông Ke - T.G.)… ban cho Hưng Trí tên Ma-ha-la-sa, sai làm chúa tất cả dân man, các bộ lạc Bạch (tức Bạc thoán, lấy Tín Thư Phúc thống lĩnh quân đội. Hưng Trí bèn ủy việc nước cho em là Tín Thư Nhật, tự mình. cùng với Tín Thư Phúc đem hai vạn quân Bạc Thoán làm tiên phong dẫn đường đại tướng Ngột Lương Hợp Thai (U-ry-ang-kha-đai) dẹp yên các quân chưa hàng phục, đánh hàng Giao Chỉ. Khi vào triều, Hưng Trí chết ở giữa đường (t.11a). Vỉệc Đoàn Hưng Trí đem quân vào Đại Việt còn được chứng thực trong bài bia chùa Đại sùng thánh ở Vân Nam. Bia do Tín Thư Long (tức Đoàn Long) đựng năm 1325, văn bia do Lý Nguyên Đạo đời Nguyên soạn. Bài bia có đoạn: “Sau năm Quý Sửu (1253), tổ là Ma-ha-la-sa, phụng mệnh đánh các xứ không thần phục ở chung quanh. Đến đất Tống, thâm nhập vùng Ung, Quảng, Nhật Nam, rồi chết vì việc”. Nhật Nam nói đến ở đây là chỉ nước ta. Ma-ha-la-sa, tức Mahàràja, tiếng Phạn nghĩa là Đại vương, Ở đây chỉ Đoàn Hưng Trí. Ra-sit ut-đin cũng chép: “Vua nước đó” (tức Đại Lý - T.G.) tên là Maharaz nghĩa là “vua lớn”, bị bắt (Tập sử biên niên. đã dẫn, t.157).
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tám, 2016, 07:13:20 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 02:07:01 pm »


        Trước khi tiến quân vào biên giới Đại Việt, U-ry-ang-kha-đai đã nhiều lần sai sứ dụ hàng Trần Thái Tông1. Nhưng biện pháp ngoại giao của y đã hoàn toàn thất bại. Triều đình Trần cũng như toàn dân Đại Việt không mảy may run sợ trước uy lực của Mông Cổ. Khi được tin Mông Cổ sắp tấn công xâm lược, triều đình lập tức chuẩn bị khẩn trương để chống giặc. Tháng 8 năm Đinh Tỵ (10/9 – 8/10/1257), trại chủ Quy Hóa2 là Hà Khuất báo tin sứ Mông Cổ đến. Tháng 9 (9/10 – 7/11/1257), Thái Tông đã xuống chiếu cho Trần Quốc Tuấn chỉ huy các tướng đem quân thủy bộ lên phòng ngự ở biên giới. Đến tháng 11 (8/12/1257 – 5/1/1258), triều đình lại xúc tiến việc chuẩn bị kháng chiến thêm một bước nữa. Cả nước được lệnh sắm sửa vũ khí3. Vua Trần và tôn thất, đại thần vẫn thường say mê luyện tập vũ nghệ, lúc này đã sẵn sàng chờ ngày xuất trận. Để tỏ rõ ý chí kiên quyết của mình, vua Trần không một chút kiêng sợ, đã ra lệnh tống giam tất cả những tên sứ Mông Cổ4.

        U-ry-ang-kha-đai tiến quân đóng ở A-mân5 phía bắc biên giới Đại Việt chờ mãi không thấy sứ trở về, liền quyết định xâm lược bằng quân sự. Y sai Trê-trếch-đu (Cäĉäkdu) 6 và một viên tướng khác mỗi tên đem một nghìn quân, chia làm hai đường dọc theo sông Thao tiến xuống7. Viên tướng trẻ A-iu (Aĵu) 8, con của U-ry-ang-kha-đai, được phái đi tiếp viện cho các đạo quân đi trước. Đồng thời, A-ju còn có nhiệm vụ dò xét tình hình phòng ngự của quân ta.

        Thấy quân ta rất đông, đã dàn ra sẵn sàng, A-ju vội sai người về báo. Được tin U-ry-ang-kha-đai liền tiến binh xuống gấp rút. Tháng chạp năm Đinh Tỵ, hai đạo quân Mông Cổ gặp nhau9. Ngày 12 tháng chạp (17/l/1258), U-ry-ang-kha-đai kéo quân đến Bình Lệ Nguyên10. Trần Thái Tông liền ra trận trực tiếp chỉ huy chiến đấu11. Vua cho bày trận ở bên này sông đợi giặc. Quân lính, voi ngựa dàn ra san sát. Bên kia sông, U-ry-ang-kha-đai cũng tìm cách cho quân vượt sông sang giao chiến. Y chia quân ra làm ba đội, cho Trê-trếch-đu làm tiên phong qua sông trước, y dẫn đại quân. đi tiếp theo, còn phò mã Khai-đu (Qaidu) 12 và A-ju thì chỉ huy hậu quân. U-ry-ang-kha-đai vạch kế hoạch tấn công cho Trê-trếch-đu như sau: “Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh chúng vội chúng tất đến chống lại ta. Phò mã (chỉ Khai-đu - T.G.) theo sau cắt hậu quân của chúng, ngươi rình cướp lấy thuyền. Quân man nếu tan vỡ chạy ra sông không có thuyền tất bị ta bắt” 13.

----------------
1.    Toàn thư Bản kỷ q.5, t.22a chép: “Tháng 8, mùa thu, trại chủ Quy Hóa là Hà Khuất chạy trạm tâu rằng sứ Nguyên (vào lúc này, gọi là Mông Cổ thì đúng hơn - T.G.) đến”. Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện t.4a chép: “Tháng 9, mùa thu, sai sứ chiêu hàng Giao Chỉ, không thấy trả lời. Tháng 10, mùa đông, tiến binh đến sát biên giới”. Nguyên sử q 209 An Nam truyện t.1a: “Tháng 11, năm Đinh Tỵ [Hiến Tông] năm thứ 7, quân của Ngột Lương Hợp Thai đến phía bắc Giao Chỉ, trước hết sai hai sứ đến dụ, sứ không trở lại…” Kinh thế đại điển tự lục (trong Nguyên văn loại q 41, bản Thương vụ ấn thư quán 1958, t.563) chép: “Quân đến đất A-mân, cho sứ đến dụ, sứ không trở về…”.

        Tục Hoàng giản lục (q.42, 21b) và Cương mục tục biên đều chép là U.ry-ang-kha-đai ba lần sai sứ đến dụ hàng không thấy trở về. Đại Việt sử ký cũng nói rằng sứ Mông Cổ đến ba lần. Ba lần sai sứ đó có lẽ là:

             1 Lần tháng 8 năm Đinh Ty - chép trong Toàn thư.

             2. Lần tháng 9 - chép trong Nguyên sử q.121.

             3. Lần tháng 11 - chép trong Nguyên sử q.209.

2.   Quy Hóa đời Trần là vùng đất dọc hữu ngạn sông Hồng, gồm các huyện Trấn Yên, Văn Bàn tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn tỉnh Nghĩa Lộ, huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ và đất tỉnh Lào Cai hiện nay.

3.   Toàn thư Bản kỷ q.5, t.22a.

4.   Nguyên sử q.209 An Nam truyện.

5.   Kinh thế đại điển tự lục (trong Nguyên văn loại, bản đã dẫn, t.563), A-mân có lẽ là A-mê (Khai Viễn, Vân Nam). Minh sử q.46 Đại lý chí chép rằng châu A-mê là vạn hộ A-ninh thời Nguyên.

6.   Nguyên sử (q.209) phiên âm là Triệt-triệt-đô. Từ thời Càn Long phiên âm là Tề-tề-khắc-đô (xem Nguyên sử ngữ giải).

7.   Nguyên sử q.209 An Nam truyện chép: “Quân Ngột Lương Hợp Thai đến phía bắc Giao Chỉ, trước tiên sai hai sứ đến dụ, sứ không trở về, bèn sai bọn Triệt-triệt-đô (Trê-trếch-đu), mỗi người chỉ huy một nghìn quân, chia đường tiến binh” (t.1a). Đọc câu này, chúng ta không biết quân Mông Cổ đã chia ra làm mấy cánh tiến xuống. Nhưng ở một đoạn sau, Nguyên sử q 209 An Nam truyện lại chép: “Tháng 12, hai cánh quân hợp với nhau”. Như vậy, quân Mông Cổ đã chia ra làm hai cánh. Trê-trếch-đu chỉ huy một cánh, còn cánh kia là do một viên tướng khác chỉ huy, cũng có một nghìn quân.

        Hiện nay chưa đủ tài liệu để xác định chắc chắn con đường tiến quân của Mông Cổ vào Việt Nam năm 1258. Có những ý kiến khác nhau. Nhiều người cho là đi dọc theo sông Hồng nhưng không định rõ là theo con đường nào. Hạ Quang Nam, trong Nguyên đại Vân Nam sử địa tùng khảo (Trung Hoa thư cục, Thượng Hải 1934), đã nghiên cứu con đường tiến quân của U-ry-ang-kha-đai ở vùng Vân Nam, trong bản đồ trang 10, đã vẽ quân U-ry-ang-kha-đai đi từ lộ Trùng Khánh (Côn Minh) đến Xa Lý (Tây Nam Vân Nam), vùng sông Lan Thương (tức Mê-kông) rồi từ đó tiến vào biên giới Việt Nam, qua Tây Bắc, vượt sông Đà rồi vào Thăng Long. Căn cứ của Hạ Quang Nam là câu trong Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Vũ đời Minh: “Ngột Lương Hợp Thai (U-ry-ang-kha-đai) đánh Giao Chỉ qua Xa Lý, tất cả đều hàng”. Thật ra không phải như vậy Nguyên sử q 121 Ngột Lương Hợp Thai truyện cho biết rõ là sau khi trấn áp xong các vùng dân tộc thiểu số ở Vân Nam, chia Vân Nam thành phủ huyện Mông Cổ, U-ry-ang-kha-đai trở về Đại Lý rồi sau đó mới tiến xuống Đại Việt. Hơn nữa, Nguyên sử q.209 An Nam truyện cũng nói là quân Mông Cổ tiến đến sông Thao (khúc sông Hồng từ Bạch Hạc trở lên). Vì thế, chúng tôi cho rằng câu của Cố Viêm Vũ và con đường Hạ Quang Nam xác định là không đúng.

        Quân Mông Cổ đã chia quân làm hai cánh tiến dọc theo sông Thao. Chúng ta biết rằng quân Mông Cổ là quân bộ chứ không phải quân thủy. Theo Việt kiệu thư (q.1) của Lý Văn Phượng thì từ Vân Nam vào Giao Châu có hai con đường bộ. Một con đường theo hữu ngạn sông Thao, qua châu Thủy Vĩ (Lào Cai hiện nay), châu Văn Bàn, châu Trấn Yên (nay thuộc Yên Bái), huyện Hạ Hoa (nay là Hạ Hòa, Phú Thọ), huyện Thanh Ba (nay thuộc Phú Thọ), huyện Sơn Vi (nay là Lâm Thao, Phú Thọ), phủ Hưng Hóa (ở Tam Nông, Phú Thọ) đến huyện Bạch Hạc rồi qua đò sông Phú Lương (tức sông Hồng). Chúng ta có thể nhận thấy đấy là con đường dọc theo trại Quy Hóa thời Trần. Sứ Mông Cổ đã sang Việt Nam theo đường trại Quy Hóa cũng như quân Mông Cổ rút về qua trại Quy Hóa. Do đó, chúng tôi đoán định rằng một cánh quân Mông Cổ đã tiến xuống theo đường Quy Hỏa này.

        Một con đường khác ở tả ngạn sông Thao, theo Lý Văn Phượng, đi từ ải Hà Dương (tức Hà Giang) qua châu Bình Nguyên (nay là Vị Xuyên, Hà Giang) và huyện Phúc Yên (nay là Hàm Yên, Tuyên Quang), đến phủ Tuyên Quang (tỉnh lỵ Tuyên Quang hiện nay), qua phủ Đoan Hùng (Phú Thọ), rồi cũng đến ngã ba Bạch Hạc. Chúng ta dễ dàng nhận thấy đấy là con đường quốc lộ số 2 hiện nay. Nhưng trong cuộc chiến tranh sau, Trần Nhật Duật đã gặp giặc ở châu Thu Vật (xem chương VI) tức huyện Yên Bình (Yên Bái) ngày nay. Do đó, chúng tôi cho rằng quân Mông Cổ đã đi theo một con đường khác dọc theo sông Chảy đó là con đường tỉnh lộ số 11 ngày nay, qua Lục Yên, Yên Bình và gặp quốc lộ số 2 ở Đoan Hùng. Từ đó, quân Mông Cổ qua Phù Ninh (nơi Hà Đặc đã đánh nhau với quân Mông Cổ ở cuộc chiến tranh sau) và cũng tiến đến ngã ba sông Bạch Hạc ở Việt Trì.

8.   Nguyên sử chép là A-truật, từ thời Thanh Càn Long phiên âm là A-châu.

9.   Nguyên sử q.209 An Nam truyện, t.1a. Do chỗ xác định hai con đường tiến quân như trên (xem chú thích trước), chúng tôi đoán định rằng hai cánh quân Mông Cổ đã gặp nhau ở vùng Việt Trì ngày nay.

10.   Toàn thư Bản kỷ q. 5, t.22a. An Nam Chí lược chép: “Tháng 12 quân đến Nỗ Nguyên”. Chúng tôi đoán rằng Bình Lệ Nguyên chép ở Toàn thư và Nỗ Nguyên trong An Nam chí lược là một địa điểm vì theo hai tài liệu đó thì đều là địa điểm trận đánh đầu tiên do vua Trần trực tiếp chỉ huy.

        Tục tư trị thông giám của Tất Nguyên đời Thanh chép rằng Trần Nhật Cảnh dàn quân bộ và voi, ngựa rất đông bên sông Thao (bản Trung Hoa thư cục, t.4771).

        T.Yamamoto trong An Nam sử nghiên cứu q.1 (Tokyo, 1950, t.50-53) cũng cho những cuộc chiến đấu giữa quân Việt và quân Mông Cổ đều xảy ra trên sông Hồng, dựa vào chỗ vua Trần rút lui theo sông Lô (thời Trần, gọi sông Hồng từ Bạch Hạc trở xuống là sông Lô) như Toàn thư đã chép. Nhưng theo Nguyên sử và An Nam chí lược, thì trong hai ngày, quân Mông Cổ vượt sông hai lần, con sông đó lại có cầu và có chỗ nông, kỵ binh có thể vượt qua (xem sau). Do đó, chúng tôi cho rằng những trận chiến đấu này không xảy ra trên sông Hồng.

        Chúng tôi cho rằng sau khi hai cánh quân đã gặp nhau (ở vùng Việt Trì), quân U-ry-ang-kha-đai vẫn tiếp tục tiến về Thăng Long theo đường quốc lộ số 2 ngày nay chạy qua tỉnh Vĩnh Phú. Phải tìm Bình Lệ Nguyên trên con sông nào đó gặp đường quốc lộ số 2 trong vùng tỉnh Phú Thọ. Quốc lộ số 2 đã gặp một nhánh sông Cà Lồ ở vùng gần Hương Canh huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc. Chúng tôi cho rằng Bình Lệ Nguyên hay Nỗ Nguyên có thể là ở đây. Bình Xuyên vốn là huyện Bình Nguyên, đến đời Mạc Phúc Nguyên đổi ra Bình Tuyền và về sau mới đổi ra Bình Xuyên.

11.   Toàn thư Bản kỷ q.5, t.22a. Tất cả những tài liệu thư tịch cũ không cho biết tình hình cánh quân phòng ngự biên giới của ta dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Tuấn. Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim và Chống quân Nguyên của Chu Thiên nói rằng khi quân Mông Cổ tiến vào biên giới, Quốc Tuấn quân ít chống không nổi, phải rút về Sơn Tây, sai người về triều báo, vua liền đem các tướng lên chống giặc. Không rõ các tác giả đã dựa vào tài liệu nào.

12.   Nguyên sử phiên âm là Hoài-đô, Tục tư trị thông giám phiên âm là Hoàỉ-đồ.

13.   Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện, t.4a.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 02:15:03 pm »


        Trê-trếch-đu theo hạ lưu sông sang trước. Vừa lên đến bờ, y liền cho quân xông ngay vào đánh1. Nhưng, quân Mông Cổ đã gặp sức chiến đấu mãnh liệt của quân ta. Vua Trần Thái Tông dấn thân vào giữa làn mưa đạn xông lên phía trước, tự mình đốc thúc tướng sĩ đánh giặc. Quân Mông Cổ tấn công ào ạt. Quân ta vẫn dũng cảm không chịu rời bỏ kẻ thù. Tướng Lê Tần gan dạ hiên ngang cưỡi ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt bình tĩnh, không một nét bối rối lo sợ2. Nhưng rồi trận địa của ta bị lấn dần. A-ju đã dùng những tên lính thiện xạ Mông Cổ bắn vào voi của quân ta làm voi hoảng sợ, lồng trở lại3. Bấy giờ, có người khuyên vua Trần. đứng ở nhà trạm để chỉ huy và quan sát trận đánh. Nhưng trước mũi nhọn tấn công rất mạnh của giặc, Lê Tần - viên dũng tướng kiêm mưu sĩ tài ba, biết rằng quân ta chưa thể đương nổi ngay với chúng trong điều kiện này nên đã cố sức khuyên vua Trần hãy tạm rút lui3. Quân ta rút về đến sách Cụ Bản thì quân cứu viện của tướng Phạm Cụ Chích vừa đến. Sau một trận giáp chiến, Phạm Cụ Chích hy sinh, nhưng vua Trần đã rút lui an toàn. Quân Mông Cổ vẫn không cướp được thuyền của ta. Vua Trần đến bến Lãnh Mỹ thì xuống thuyền5. Quân Mông Cổ đuổi theo tới nơi, đứng trên bờ bắn loạn xạ. Lê Tần đã lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên của giặc6. Thuyền quân ta xuôi về Phù Lỗ. Như vậy là âm mưu cướp thuyền, bắt sống vua tôi nhà Trần của U-ry-ang-kha-đai đã hoàn toàn thất bại. Y nổi giận, đòi trừng trị tên tướng tiên phong. Trê-trếch-đu hoảng sợ, uống thuốc độc tự tử7.

        Hôm sau, ngày 13 tháng chạp (18-l-1258), vua Trần cho phá cầu Phù Lỗ, bày trận ở bên sông8. Quân U-ry-ang-kha-đai kéo đến bờ bên kia, muốn sang sông nhưng không có thuyền và không biết rõ nông sâu thế nào. Bọn lính Mông Cổ đi dọc theo bờ sông, bắn tên xuống nước, hễ thấy chỗ nào tên không nổi lên thì biết đấy là chỗ nông9. Kỵ binh của địch theo những chỗ đó lội qua sông. Khi đàn ngựa Mông Cổ đã nhảy lên bờ, kỵ binh địch chia thành các cánh tấn công vào trận địa ta. Tôn thất nhà Trần là Phú Lương hầu tử trận10. Sau trận đánh cản địch ở Phù Lỗ, quân ta tiếp tục rút lui về hướng Thăng Long. Quân Mông Cổ vẫn đuổi theo quân ta cho đến Đồng Bộ Đầu (tức bến Đông) trên sông Hồng, phía đông thành Thăng Long11.

        Trước thế giặc mạnh đang tấn công ồ ạt, để bảo toàn lực lượng, triều đình đã quyết định rút khỏi kinh đô Thăng Long. Quân ta theo sông Hồng về đóng giữ ở sông Thiên Mạc12. Linh từ Quốc mẫu - vợ Trần Thủ Độ, đứng ra quán xuyến việc lánh nạn cho các cung tần mỹ nữ cùng vợ con các tướng ở vùng sông Hoàng Giang13.

---------------
1.    Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện, t.4a.

2.   Toàn thư Bản kỷ q.5, t.22a. Lê Tần, còn có tên là Lê Phụ Trần, người Ái châu (Thanh Hóa), có lẽ vì có công lớn với nhà Trần nên được đổi tên là Phụ Trần (có nghĩa là giúp nhà Trần).

3.   An Nam chí lược q.4 Chinh thảo vận hướng.

4.   Toàn thư Bản kỷ q.5, t.22a.

5.   An Nam chí lược cho chúng ta biết vua Trần xuống thuyền ở bến Lãnh Mỹ (q.15), hôm sau thì phá cầu Phù Lỗ (q.4) như vậy là vua Trần đã từ bến Lãnh Mỹ xuôi về Phù Lỗ.

6.   Toàn thư Bản kỷ q.5, t.22a, An Nam chí lược q.15.

7.   Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện

8.   An Nam chí lược q.4 Chinh thảo vận hướng chỉ chép là hôm sau, vua Trần phá cầu Phù Lỗ, không chép rõ là ngày nào. Nhưng trận đánh ngày hôm trước do vua Trần chỉ huy, theo chúng tôi, đúng là trận đánh ở Bình Lệ Nguyên ngày 12 tháng chạp chép trong Toàn thư (q.5, t.22a). Vì thế, trận ở Phù Lỗ là vào ngày 13 tháng chạp. Cầu Phù Lỗ (Toàn thư có chép đến cầu Phù Lỗ năm 1449) là cầu qua sông Cà Lồ, nằm trên đường quốc lộ số 2 ngày nay. Chúng tôi cho rằng khi quân ta từ bến Lãnh Mỹ rút lui theo sông Cà Lồ thì quân Mông Cổ vẫn tiếp tục theo con đường bộ nay là quốc lộ số 2 tiến về Thăng Long. Vua Trần theo đường sông đến Phù Lỗ, cho phá cầu, dàn trận ở đấy là để ngăn quân Mông Cổ dang tiến theo đường quốc lộ số 2, con đường này nhất định phải qua cầu Phù Lỗ.

9.   An Nam chí lược q.4 chép rằng quân Mông Cổ “Theo dọc sông hướng lên trời mà bắn, xem chỗ nào tên rơi xuống nước mà không nổi thì biết là chỗ nông”. Chúng tôi cho rằng có lẽ phải bắn thẳng xuống nước, vì bắn lên không rồi cho tên rơi tự do thì ngay ở chỗ nông cũng khó cắm xuống đáy. Sông Cà Lồ từ thời Lý đến thời Lê được khai vét nhiều lần, điều đó chứng tỏ sông này thường bị cạn. Do đó chúng ta thấy rằng việc vượt sông theo chỗ nông của kỵ binh Mông Cổ là có khả năng.

10.   An Nam chí lược q.4 Chinh thảo vận hướng.

11.   Toàn thư q.5, t.23a. Việt sử thông giám cương mục - Chính biên q.5 chú thích rằng “Đông Bộ [đầu] là Đông Tân (bến đông) sông Nhị Hà ngày nay”. An Nam chí [nguyên](q.2) chép: “Bến Đông Tân (Đông Tân độ) ở huyện Đông Quan”. Đông Quan thời thuộc Minh là Hà Nội ngày nay. Đại Nam nhất thông chí cũng chép bến Đông Tân ở Hà Nội. Theo bi ký năm Chính Hòa 24 (1703) ở chùa Hồng Phúc (tức chùa Hòa Giai ở phố Hàng Than Hà Nội) thì Đông Bộ Đầu ở phường Hòe Nhai thời Lê. Vậy Đông Bộ Đầu là bến sông Hồng ở vào khoảng từ dốc Hàng Than đến dốc phố Hòe Nhai, Hà Nội hiện nay, phía trên đầu cấu Long Biên (xem Trần Quốc Vượng - Vũ Tuấn Sán, Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu. “Nghiên cứu lịch sử” số 77).

12.   Toàn thư q.5, t.22b. Cương mục - Chính biên q.6 chú thích: “Sông Thiên Mạc, tức hạ lưu sông Phú Lương, ở Mạc Trù châu huyện Đông Yên tỉnh Hưng Yên”. Như vậy sông Thiên Mạc là khúc sông Hồng chảy qua vùng bãi xã Mạn Trù, huyện Khoái Châu (trước là Đông Yên) tỉnh Hưng Yên ngày nay.

        Chúng tôi cho rằng quân Trần từ Phù Lỗ rút về Đông Bộ Đầu rồi từ đó mới rút về sông Thiên Mạc theo sông Hồng. Toàn thư chép rằng sau trận Bình Lệ Nguyên, vua Trần đã rút về sông Lô (tức sông Hồng), không nói đến trận Phù Lỗ. Theo chúng tôi tài liệu An Nam chí lược chép đủ hơn về điểm này.

13.   Toàn thư - Bản kỷ q.5, t.25b, An Nam chí (q.2) của Cao Hùng Trưng chép rằng: “Sông Đại Hoàng ở phủ Lý Nhân, trên tiếp sông Lô (tức sông Hồng - T.G.)”. Cương mục (q.6) chú: “Hoàng Giang Ở huyện giới huyện Nam Xang phủ Lý Nhân, tiếp trên sông Thiên Mạc, dưới tiếp sông Giao Thủy”. Như vậy, Hoàng Giang hay sông Đại Hoàng là khúc sông Hồng chảy qua vùng Lý Nhân (Nam Hà) phía dưới sông Thiên Mạc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 03:07:26 pm »


        Thăng Long bỏ trống. Trước bốn cửa thành, không còn bóng quân Tứ Sương1. Khi quân Mông Cổ kéo vào kinh thành, lực lượng của ta đã rút hết. Bọn giặc tìm thấy trong ngục những tên sứ mà U-ry-ang-kha-đai đã sai vào Đại Việt trước kia. Chúng đều bị trói chặt bằng thừng tre lằn sâu vào thịt. Khi cởi trói ra, một tên đã chết. Bọn xâm lược Mông Cổ điên cuồng, tàn phá Thăng Long để trả thù2.

        Giặc chiếm cứ kinh đô, đại quân phải rút lui, tình hình đó không khỏi làm cho một số ít người hoang mang dao động. Thái úy Trần Nhật Hiệu, khi vua đến hỏi kế đánh giặc, đã hoảng sợ đến nỗi chỉ ngồi trên thuyền lấy tay chấm nước viết hai chữ “nhập Tống” (chạy vào đất Tống) lên mạn thuyền. Y cũng không còn biết cánh quân Tinh Cương mà y chỉ huy ở đâu3. Nhưng trong toàn quân, toàn dân và trong triều đình, ý chí kiên quyết kháng chiến đến cùng vẫn chiếm ưu thế. Đại thần, tôn thất, tướng tá vẫn quây quần quanh vua, cùng vua mưu tính kế hoạch phản công địch. Lê Tần, tức Lê Phụ Trần, vẫn kín đáo ra vào dưới trướng bàn việc cơ mật4. Thái sư Trần Thủ Độ, người tướng già mưu lược, người đã xây dựng tổ chức vương triều Trần, lúc này càng tỏ rõ vai trò của mình. Khi Trần Thái Tông hỏi ý kiến, Thủ Độ đã trả lời: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” 5. Lời nói mà sử sách còn lưu truyền mãi mãi đó đã củng cố thêm tinh thần của vua Trần và quần thần. Lời nói kiên quyết đó, lòng tin tưởng sắt đá đó đồng thời cũng thể hiện ý chí của toàn dân.

        Triều đình lại tích cực củng cố lực lượng quân ngũ. Tướng tá, quân sĩ và cả hậu phương đều rộn rịp chuẩn bị phản công. Linh từ quốc mẫu đã đi thu thập tất cả những quân khí cất ở trong thuyền của các gia đình đi lánh nạn để gửi ra cho quân đội6. Sau một thời gian rất ngắn khẩn trương chuẩn bị, lực lượng đã hồi phục khí thế chiến đấu lại bừng lên. Trong khi đó quân Mông Cổ đã bắt đầu khổ sở và lúng túng vì thiếu lương thực trong một tòa thành trống7. Kẻ địch đã cố gắng tiến hành những cuộc cướp phá rộng ra vùng xung quanh Thăng Long nhưng ở đâu chúng cũng gặp sức chống trả mãnh liệt của nhân dân. Chẳng hạn như khi quân Mông Cổ tiến đến Cổ Sở (nay là xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) nhân dân ở đây đã đoàn kết chiến đấu, bảo vệ xóm làng, đánh cho bọn chúng một trận tơi bời, đầu giặc rơi rụng, ngựa giặc ngã què, khiến lũ cướp nước phải tan tác bỏ chạy8.

        Điều kiện chủ quan và khách quan đó đã tạo nên một thời cơ rất tốt cho cuộc phản công. Ngày 24 tháng chạp năm Nguyên Phong thứ 7 (29/1/1258), Trần Thái Tông đã cùng thái tử Hoảng chỉ huy lâu thuyền ngược dòng Thiên Mạc, phá tan giặc ở Đông Bộ Đầu, chiếm lại kinh thành9. Bị đánh bật khỏi Thăng Long, quân Mông Cổ quay đầu chạy dài về Vân Nam. Đang lúc chỉ mong thoát thân thì quân Mông Cổ lại bị dân tộc vùng núi ở trại Quy Hóa theo lời kêu gọi của trại chủ Hà Bổng đổ ra tập kích. Trận đánh bất ngờ này làm cho chúng thất bại rất nặng10. Bây giờ khác với thái độ nghênh ngang hung hãn khi tiến sang, bọn xâm lược Mông Cổ bị tan tác, len lén tìm đường trốn cho nhanh. Chúng không còn dám nghĩ đến chuyện cướp bóc đốt phá. Để chế giễu thái độ đó của chúng, người bấy giờ đã gọi chúng bằng cái tên khá mỉa mai là “giặc Phật” 11. U-ry-ang-kha-đai đem quân chạy ra khỏi biên giới, về Vân Nam, đóng ở thành Áp-xich12.


-----------------
1.    Theo Toàn thư, Bản kỷ q.5, t.6a thì từ năm 1230, hai bên tả hữu kinh thành Thăng Long đã chia làm 61 phường. Bốn cửa thành có quân Tứ Sương luân phiên canh gác. Trong thành dựng cung điện lầu gác và các lang vũ đông tây. Có cung Thánh từ ở bên trái và cung Quan Triều ở bên phải.

2.   Nguyên sử q.209 An Nam truyện, t.10.

3.   ,4 , 5  Toàn thư - Bản kỷ q.5, t22b.

6.   Toàn thư - Bản kỷ q.5, t22b.

7.   Kinh thế đị điển tự lục trong Nguyên văn loại q.41, bản đã dẫn, t.563; Nguyên sử 1.209 An Nam truyện.

8.   Toàn thư q.2, t8b.

9.   Toàn thư q.5, t.22b. Tham gia trận này còn có thể có nhiều tướng khác nữa. Một số tài liệu như Trần đại vương bình Nguyên công thần thực lục Trần gia điển tích thông biên nói rằng trong lúc phản công này, Trần Quốc Tuấn “tiết chế mọi việc quân”. Toàn thư thì cho biết trong lần chống quân xâm lược Mông Cổ năm 1258, Trần Khánh Dư đã thừa cơ tập kích giặc lập công lớn, được Thái Tông khen và nhận làm con nuôi. Có thể Khánh Dư đã tham gia trận này.

10.   Toàn thư q.5, t.22b chép: “Quân Nguyên về đến trại Quy Hóa, trại chủ là Hà Bổng chiêu tập người Man tập kích, giặc lại thua to”. Như vậy, có lẽ quân Mông Cổ đã rút lui theo đường hữu ngạn sông Hồng.

11.   Toàn thư - Bản kỷ q.5, t.23a.

12.   Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện, t.4b. Theo Ngột Lương Hợp Thai truyện thì Áp-xích là đô của Ô-man (tức Qaraĵang), thành giáp Điền Trì, ba mặt đều là nước (t.3b). Cao Đại đời Minh, tác giả sách Hồng du lục, nói rằng: Áp-xích tức là Thiện Xiển… Thành Thiện Xiển giáp Điền Trì, ba mặt đều là nước, thời Nguyên là lộ Trùng Khánh”. Như vậy Áp-xích là ở Côn Minh. Theo Nguyên đại Vân Nam sử địa tùng khả của Hạ Quang Nam (t.151) thì Áp-xích là thành cổ ở sát Điền Trì, thuộc Côn Dương. Sách du ký của Marco Polo chép là Yachi, Jachi, Jachin. Ra-sit út-Đin chép là Yaji (Tập sử biên niên).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 03:18:56 pm »

        Viên tướng bách chiến bách thắng, con trai của Xu-bu-tai - Dũng sĩ (Sübütai - ba’atur) đã thất bại thảm hại như thế đấy. U-ry-ang-kha-đai đã từng theo Gu-y-uc (Güyük) đánh Nữ Chân miền Liêu Đông đã tấn công vào Ba Lan và Đức dưới cờ tây chinh của Ba-tu (Ba-tu) 1. Y cũng đã từng nhận lệnh cùng với Hu-lê-gu, tiến sang phía tây, đánh vào vương quốc Ba-gơ-đát (Bagdad) 2. Có lẽ trong đời chinh chiến của mình U-ry-ang-kha-đai chưa bao giờ bị thua nhục nhã như lần này. Kinh thế đại điển tự lục và Nguyên sử đã cố gắng che đậy sự thất bại của quân Mông Cổ, đổ lỗi cho cái khỉ hậu uất nhiệt của phương Nam3. Nhưng vì sao một đội quân khoảng ba vạn tên, dưới quyền chỉ huy của những viên tướng lão luyện4 như vậy lại có thể rút khỏi kinh đô Đại Việt trong một thời gian rất ngắn? Phải chăng đúng như ý kiến của nhà sử học tác giả Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng “lúc đó, người Nguyên mới lấy Vân Nam, du binh xâm lược đến, không có ý đánh lấy” nước ta5? Hoàn toàn không phải như vậy! Nguyên sử đã cho chúng ta biết rõ âm mưu chiếm cứ nước ta của bọn xâm lược Mông Cổ: U-ry-ang-kha-đai vào Giao Chỉ “định kế ở lâu dài” 6. Nhưng mưu đồ đó đã không thực hiện được. Quân dân Đại Việt đã giáng cho bọn xâm lược một đòn chí mạng. Có thể nói chắc chắn rằng chiến công mùa đông năm Nguyên Phong thứ bảy (1258) này là do quân đội ta anh dũng, nhân dân ta miền xuôi miền ngược đồng lòng. Chiến công rực rỡ này cũng do ý chí kiên quyết của giai cấp phong kiến mà lúc này quyền lợi còn đang gắn liền với vận mệnh của nhân dân cả nước. Quân dân ta, dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần, chẳng những đã phá tan mưu đồ chiếm đóng Đại Việt của Mông Cổ mà còn bẻ gãy gọng kìm của chúng tấn công vào mặt Nam của Nam Tống. U-ry-ang-kha-đai không còn mong từ Đại Việt tiến quân vào Ung, Quế nữa mà phải chạy trở về Vân Nam. Khi được lệnh của hãn Mông Ke sai tiến quân vào đất Tống để hội quân với Hốt Tất Liệt ở châu Ngạc, y đã phải dẫn quân từ Vân Nam vào châu Ung theo con đường trại Hoàng Sơn (phía đông huyện Ung Ninh, tỉnh Quảng Tây) 7. Con đường này hoàn toàn bất lợi đối với cuộc hành quân của U-ry-ang-kha-đa8. Nhưng y không thể nào làm khác được. Chiến thắng của nhân dân Đại Việt đã khiến cho âm mưu dùng Đại Việt làm căn cứ để tấn công Nam Tống của bọn xâm lược Mông Cổ hoàn toàn thất bại. Từ đấy cho đến khi đất nước Trung Quốc hoàn toàn rơi vào tay bọn ngoại tộc Mông Cổ, âm mưu đó không bao giờ được thực hiện9.

        Theo Ra-sit ut-đin, đạo quân ba vạn kỳ binh Mông Cổ của U-ry-ang-kha-đai kéo xuống Vân Nam, trước khi tiến lên châu Ngạc, còn lại không quá năm nghìn tên. Ở đây, chúng ta phải nói đến sự quật khởi của các dân tộc thiểu số vùng Vân Nam10 và sức chiến đấu ngoan cường của nhân dân Nam Tống11. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Đại Việt năm 1258 đã góp một phần vô cùng to lớn trong việc tiêu hao sinh lực cánh quân này.

        Sau khi đuổi kẻ thù ra khỏi kinh thành, quân Trần tiến vào Thăng Long. Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Ngọ (5/2/1258), trong buổi triều đầu tiên của một năm mới, Trần Thái Tông đã phong thưởng cho các tướng có công. Lê Tần tức Phụ Trần, viên dũng tướng ở trận Bình Lệ Nguyên được phong chức ngự sử đại phu12, tước Bảo Văn hầu13. Nhà vua đã nói với ông: “Trẫm không có khanh há lại có ngày nay!” 14. Người anh hùng dân tộc miền núi ở trại Quy Hoá là Hà Bổng cũng được phong tước hầu. Trần Khánh Dư được khen thưởng vì đã có công thừa cơ tập kích giặc15.

        Công lao của những người chiến thắng không phải chỉ được ghi một lần vào ngày đầu xuân năm đó. Trần Nhân Tông, ông vua anh hùng của cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ năm 1285 và năm 1288, trong một bài thơ của mình, đã có câu:

                                     “Bạch đầu quân sĩ tại,
                                      Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” 16.

                                      (Còn có những người lính bạc đầu,
                                      Luôn luôn kể lại chuyện đời Nguyên Phong)


        Cuộc chiến đấu và chiến thắng năm Nguyên Phong thứ 7 không phải chỉ là một niềm tự hào của quân dân đời Trần mà mãi mãi được ghi trên những trang sử sáng chói của dân tộc Việt Nam anh hùng.

-----------------
1.    Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện, 3a.

2.   Nguyên sử q.3 Bản kỷ 3a. Nhưng về sau U-ry-ang-kha-đai không đi sang Bagdad.

3.   Kinh thế đại điển tự lục (Nguyên văn loại, q.41, bản đã dẫn, t.563): “Ở lại chín ngày, vì nóng nực, rút quân về”. Nguyên sử q.209 An Nam truyện: “Quân ở lại chín ngày, vì khí hậu uất nhiệt bèn rút quân về”. Nguyên sử q. 121 Ngột Lương Hợp Thai truyện càng chép sai lầm hơn: “Quá bảy ngày, Nhật Cảnh (tức Trần Thái Công - T.G.) xin nội phụ, do đó đặt rượu đại khao quân sĩ, đem quân về thành Áp-xích”.

4.   Ngoài U-ry-ang-kha-đai, con trai y là A-ju cũng là một viên tướng giỏi của Mông Cổ. Về sau, A-ju là nguyên soái chỉ huy cuộc tấn công tiêu diệt Nam Tống.

5.   Toàn thư, Bản kỷ, q.r, 6.23a.

6.   Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện, t.4b.

7.   Nguyên sử q.121 Ngột Lương Hợp Thai truyện, t.4, Bình Vân Nam bi của Trình Cự Phu đời Nguyên (Nguyên văn loại q.23) chép U-ry-ang-kha-đai “đánh Giao Chỉ, phá kinh đô nước đó, thu 36 khe động ở Đặc Ma”. Đặc Ma nay là vùng Vân Sơn ở Vân Nam. Chúng tôi cho rằng U-ry-ang-kha-đai đã tiến quân từ Đặc Ma đến trại Hoành Sơn.

8.   Ra-sít ut-Đin, Tập sử biên niên II, bản đã dẫn, t.157.

9.   Nhà sử học Nhật Bản Yamamoto Tatsuro đã dựa vào câu của Nguyên sử q.4 Thế tổ bản kỷ: “U-ry-ang-kha-đai (Ngột Lương Hợp Thai) chiếm đất các man, do Giao Chỉ đi qua Ung, Quế, đến Đàm Châu (tức Trường Sa, Hồ Nam - T.G.) nghe vua (chỉ Hốt Tất Liệt - T.G.) ở Ngạc (Vũ Xương, Hồ Bắc), sai sứ đến báo”, cũng như dựa vào Ngột Lương Hợp Thai truyện, Thiết-mại-xích (Tê-mê-tri, Tämäĉi)) truyện trong Nguyên sử mà nêu ý kiến rằng sau khi quân Mông Cổ đánh Việt Nam năm Hiến Tông thứ 7 đến năm thứ 8 (bắt đầu từ 5-2-1258) thì vua Trần sai sứ cống Mông Cổ và do đó, quân Mông Cổ lại tiến vào Việt Nam và tiến lên vùng Ung, Quế (Quảng Tây) để đánh Tống. Ông cho rằng quân Mông Cổ đã theo sông Hồng, đến đồng bằng Bắc Bộ, rồi lên vùng Lạng Sơn mà vào Quảng Tây (An Nam sử nghiên cứu, I, 1950, t.60-61). Chúng tôi cho rằng ý kiến của Yamamoto sai lầm. Câu của Thế tổ bản kỷ không có gì làm căn cứ vững chắc, Thiết Mại Xích truyện cũng chỉ chép là Mông Ke “đánh Tây Xuyên, sai U-ry-ang-kha-đai (Ngột Lương Cáp Thai) từ Giao Chỉ đánh vào Tống”. Như vậy chỉ là kế hoạch dự định. Trong khi đó thì Ngột Lương Hợp Thai truyện chép rõ rằng U-ry-ang-kha-đai sau khi về thành Áp Xích, năm Mậu Ngọ (1258), tiến công vào đất Tống rồi lại rút về Vân Nam, khi được lệnh Mông Ke mới đem quân đánh trại Hoành Sơn, cửa quan Lão Thương, tiến vào nội địa đất Tống (t.4b). Như vậy là khi tiến vào đất Tống, quân Mông Cổ không hề đi qua lãnh thổ Việt Nam. Chính sử Việt Nam không nói gì về điều này là chính vì thế chứ không phải Việt Nam đã quy phục nên đã để cho quân Mông Cổ đi qua lãnh thổ mà đến Quảng Tây một cách dễ dàng, không có sự xung đột như Yamamoto đã nói. Ý chí kiên quyết của vua Trần khi trở về Thăng Long, trói sứ Mông Cổ đuổi về, cũng như việc không cho Mông Cổ mượn đường đánh Chiêm Thành trong cuộc chiến tranh sau cũng cho phép chúng ta bác bỏ ý kiến của Yamamoto.

10.   Xem Nguyên sử q.121, Ngột Lương Hợp Thai truyện, 4b.

11.   Xem Hồ Nam an phủ sứ Lý công từ đường ký trong Nguyên văn loại q 31, bản đã dẫn, t.405.

12.   , 14 Toàn thư - Bản kỷ q.5, t.23b, An Nam chí lược lại chép là Lê Tần được giữ chức nhập nội phán thủ.

13.   An Nam chí lược q.15.

14.   Toàn thư, q.5, t.23a.

15.   Toàn thư - Bản kỷ q.5, t.42a.

16.   Trong bài “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” (Ngày xuân bái yết Chiêu Lăng - lăng Trần Thái Tông). Xem Hoàng Việt thi tuyển.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tám, 2016, 08:35:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 03:33:46 pm »


CHƯƠNG IV

THỜI KỲ ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO
(1258-1284)

        “… Sứ giặc đi lại ngoài đường… thác mệnh Hốt Tất liệt mà đòi ngọc lụa…."  (Hịch tướng sĩ)
Trần Quốc Tuấn       

        Thăng Long giải phóng. Những ngày thanh bình trở lại trên đất nước. Dân nghèo và nô tỳ theo. vương hầu đi khai hoang. Những người thợ nề xây chùa Phổ Minh. Nhà sử học Lê Văn Hưu cặm cụi hoàn thành bộ sử của mình và Hàn Thuyên làm thơ nôm đuổi cá sấu ở sông Hồng.

        Nhưng không phải chỉ như vậy, từ 1258-1284 còn là thời kỳ những sứ bộ Mông Cổ phóng ngựa vào cửa kinh thành và những đoàn thuyền chiến tiến lên tập trận ở sông Bạch Hạc. Đó là thời kỳ của một cuộc đấu tranh ngoại giao quyết liệt giữa vương triều Trần và bọn phong kiến Mông Cổ thời kỳ của căm hờn, nhẫn nhục và kiên quyết.

        Nước Việt nhỏ bé ở phương Nam này dám đương đầu với đế quốc Mông Cổ hùng mạnh đang chiến thắng khắp nơi trên thế giới, không phải không gặp nhiều khó khăn. Vì thế, vương triều Trần phải áp dụng một chính sách ngoại giao hết sức khôn khéo trong những ngày hòa bình này. Đó là đường lối ngoại giao vừa mềm dẻo vừa cương quyết. Phải mềm dẻo, có thể có nhân nhượng với kẻ thù, để tránh được binh đao khi còn có thể tránh và có thì giờ chuẩn bị lực lượng, nhưng phải cương quyết, giữ vững nguyên tắc không để mất chủ quyền và tổn hại quốc thể. Dựa vào thực lực của quốc gia, của toàn dân, nhà Trần đã đối phó với bọn phong kiến Mông Cổ một cách linh hoạt. Cuộc bang giao Việt Mông trong hơn hai mươi lăm năm trời quả là một cuộc đấu tranh vô cùng gay go phức tạp.

        Năm 1258, ngay khi vừa bị đuổi chạy dài về đến Vân Nam, U-ry-ang-kha-đai đã sai ngay hai sứ sang dụ vua Thái Tông vào chầu. Căm phẫn vì thấy kinh đô Thăng Long bị tàn phá, Thái Tông với khí thế của người chiến thắng, đã sai trói hai sứ lại, đuổi về1. Đồng thời, vua Trần vẫn cho sứ sang Nam Tống cống voi và nói ý định truyền ngôi cho con2. Ngày 30 tháng 3 năm 1258 (24 tháng hai năm Mậu Ngọ), Thái tử Hoảng lên ngôi tức Trần Thánh Tông3. Lúc này, một phần vì sứ Mông Cổ nhiều lần sách nhiễu, một phần vì nhà Trần đã suy xét về thực lực của Mông Cổ và của Tống nên đã quyết định đặt quan hệ với Mông Cổ. Lê Phụ Trần - người tướng tài dũng cảm ở trận Bình Lệ Nguyên, lần này lại là một nhà ngoại giao. Ông cẩm đầu sứ bộ, Chu Bác Lãm làm phó, tiến vào đất địch. Từ Vân Nam, U-ry-ang-kha-đai đã dẫn họ đến gặp chúa Mông Cổ là Mông-ke bấy giờ ở vùng Thiểm Tây, đang tiến quân đánh Nam Tống. Sứ bộ này đã đi đến thoả thuận là định lệ ba năm cống một lần4.

        Toàn thư - Bản kỷ, q.5, t.24a, chép rằng tháng giêng năm Nguyên Phong 8 (5/2 – 6/3/1258) đời Trần Thái Tông, sứ Mông Cổ sang sách nhiễu tuế cống, vua còn phân vân chưa định nên sai Lê Phụ Trần đi sứ, Chu Bác Lãm làm phó. Nguyên sử - An Nam truyện và Hiên Tông bản kỷ lại chép rằng sau khi Quang Bính đổi niên hiệu là Thiệu Long thì mới sai con rể cùng người trong nước đem phương vật sang cống. Con rể chắc là chỉ Lê Phụ Trần vì trong lúc định công khen thưởng vào đầu năm này, nhà vua đã gả công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) cho Lê Phụ Trần. Có lẽ phái đoàn này đã đi vào niên hiệu Thiệu Long (Thánh Tông) như An Nam truyện đã chép.

        Chúa Mông Cổ liền sai Nu-rut-đin (Nur-ud-Dīn) 5, một tín đồ Hồi giáo, đưa thư sang Đại Việt. Nội dung bức thư như sau: “Trước ta sai sứ thông hiếu, các ngươi giữ lại không cho về, vì thế mới có việc xuất quân năm ngoái, làm cho chúa nước ngươi phải chạy ra nơi thảo dã. Ta lại sai hai sứ đến chiêu an, các ngươi lại trói đuổi sứ của ta. Nay đặc sai sứ sang dụ rõ ràng: nếu các ngươi thật lòng nội phụ thì quốc chủ phải thân đến, nhược bằng còn không sửa lỗi thì nói rõ cho ta biết” 6.

        Trước những lời đe dọa đó, Trần Thái Tông vẫn không sang chầu, chỉ trả lời một cách khôn khéo: “Nước nhỏ thành tâm thờ bề trên thì nước lớn đối đãi lại như thế nào?” 7. Nu-rút-đin trở về Vân Nam, U-ry-ang-kha-đai liền nói lại với tên thân vương Mông Cổ trấn giữ Vân Nam bấy giờ là Bu-kha (Buqa) 8. Thấy Thái Tông không chịu vào chầu, Bu-kha lại sai Nu-rut-đin sang Đại Việt lần nữa. Vua Trần đã lựa lời lảng tránh: “Đợi đức âm ban xuống sẽ lập tức sai con em sang làm con tin”. Bu-kha sai Nu-rut-đin trở về tâu với hãn Mông-ke9.

-----------------
1.    Nguyên sử, q.209, An Nam truyện. Kinh thế đại điển tự lục (trong Nguyên văn loại q.41, bản đã dẫn, t.563) chép rằng U-ry-ang-kha-đai “về đến 37 bộ Quỷ Phương, lại sai hai sứ sang chiêu dụ Thắng (tức Thái Tông - T.G.). Thắng về nước, căm phẫn vì bị tàn phá, đuổi hai sứ về”, 37 bộ Quỷ Phương là 37 bộ mà Lý Kinh đời Nguyên đã nói đến trong Vân Nam chí lược (bản trong Thuyết phu, t.7b) hay 37 bộ lạc Ô-man trong Bình Vân nam bi của Trình Cự Phu đời Nguyên (trong Nguyên văn loại, q.23, bản đã dẫn, t 283). Kinh thế đại điển tự lục mục Chinh phạt Vân An lại chép là 37 bộ Ô-bạch-man (Nguyên văn loại, q.41, bản đã dẫn, t.565. Như vậy 37 bộ Quỷ Phương là chỉ 37 bộ [lạc] người Di ở Vân Nam.

2.   Toàn thư- Bản kỷ q.5, t.24a, An Nam chí lược q.6.

3.   Toàn thư - Bản kỷ q.5, t.24a. Bấy giờ Thái Tông Cảnh đã làm Thượng hoàng, Thánh Tông Hoảng đã lên ngôi nhưng đối với Mông Cổ thì Thái Tông vẫn là vua An Nam với cái tên Quang Bính. Trong mọi việc ngoại giao như đón tiếp sứ Mông Cổ, nhận thư Mông Cổ và viết thư trả lời đều do Thái Tông. Mông Cổ đòi vua Việt vào chầu, nghĩa là đòi Thái Tông (Quang Bính) vào chầu chứ không phải đòi Thánh Tông. An Nam truyện chép rằng “Nhật Cảnh truyền ngôi cho con trưởng là “Quang Bính” là lầm. Xét An Nam chí lược ngay cả những chỗ khác của An Nam truyện thì Cảnh và Quang Bính là một. Còn Thánh Tông thì trong thư từ trao đổi giữa Đại Việt và Mông Cổ, có tên là Nhật Huyên.

4.   Toàn thư - Bản kỷ, q.5, t.24a, chép rằng tháng giêng năm Nguyên Phong 8 (5-2 - 6-3-1258) đời Trần Thái Tông, sứ Mông Cổ sang sách nhiễu tuế cống, vua còn phân vân chưa định nên sai Lê Phụ Trần đi sứ, Chu Bác Lãm làm phó. Nguyên sử - An Nam truyện và Hiên Tông bản kỷ lại chép rằng sau khi Quang Bính đổi niên hiệu là Thiệu Long thì mới sai con rể cùng người trong nước đem phương vật sang cống. Con rể chắc là chỉ Lê Phụ Trần vì trong lúc định công khen thưởng vào đầu năm này, nhà vua đã gả công chúa Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) cho Lê Phụ Trần. Có lẽ phái đoàn này đã đi vào niên hiệu Thiệu Long (Thánh Tông) như An Nam truyện đã chép.

5.   Nguyên sử, q.209 An Nam truyện chép là Nột Lạt Đinh, Toàn thư q 5 và An Nam chí lược q.3 chép là Nậu Lạt Đinh. Yamamoto Tatsuro cho rằng Nột Lạt Đinh cũng là Nạp Tốc Lạt Đinh đến Đại Việt năm 1261 mà Thế tổ bản kỷ đã chép (An Nam sử nghiên cứu I, t.66). Chúng tôi thấy chưa có lý do gì để đồng nhất hai người này. Nạp Tốc Lạt Đinh thì rõ ràng là Nãsir ud-Dīn (Nguyên sử, q.125), còn Nột Lạt Đinh hay Nậu Lạt Đinh, theo chúng tôi, chỉ có thể là phiên âm tên Nur ud-Dīn. Những tên có chữ Dīn này là tên của tín đồ Hồi giáo (Dīn, tiếng A Rập, có nghĩa là tín ngưỡng, tôn giáo. Xem J.H.Kramers: Les noms musulmans composés avec Dīn, “Acta orientalia”, 5).

6.   , 7 Nguyên sứ q.209, An Nam truyện t.1b.

8.   Nguyên sử. An Nam truyện chép là Bất Hoa.

9.   Nguyên sứ q.209, An Nam truyện t.1b.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM