Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:35:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII  (Đọc 27157 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 05:14:04 pm »


        Trong khi các cánh quân bộ kỵ của Thoát Hoan và A-ruc ào ạt tiến vào Đại Việt thì thủy quân của giặc cũng đã lên đường. Sau khi tách khỏi đoàn quân Thoát Hoan ở Lai Tân ngày 28 tháng 10 âm lịch (4/12/1287), Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đi Khâm Châu. Từ đây, đoàn thuyền của chúng xuất phát. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem 1 vạn 8 nghìn quân; bọn Ô Vy, Trương Ngọc, Lưu Khuê đem vài vạn quân. Trương Văn Hổ đi với thuyền lương. Ngày Mậu Tuất, 12 tháng 12 (17/12/1287), chiến thuyền của bọn Ô Mã Nhi tiến trước1. Mấy ngày sau, thuyền giặc qua cửa biển Vạn Ninh Móng Cái) 2. Đến Ngọc Sơn, chúng gặp tướng Nhân Đức hầu Trần Da phục binh ở trên núi chặn đánh. Chiến thuyền giặc vây núi đánh lại và qua được cửa Ngọc Sơn3. Sau đó, thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp tiến vào cửa An Bang (Quảng Yên). Ở đây, thủy quân Đại Việt có giao chiến với binh thuyền của giặc nhưng bị tổn thất, phải rút lui, không ngăn chặn được bước tiến của chúng4. Ô Mã Nhi sau khi qua được cửa An Bang, đã theo sông Bạch Đằng tiến về phía Vạn Kiếp. Hắn tưởng rằng quân ta không thể ngăn trở đoàn thuyền lương đi sau được nữa nên cứ tiến thẳng, không chú ý đến Trương Văn Hổ5.

        Nghe tin quân ta thất lợi, thượng hoàng Thánh Tông cho người đến đòi Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, tướng phụ trách vùng bờ biển, về triều hỏi tội. Khánh Dư đã xin khất ít lâu để lập công vì ông nghĩ rằng đoàn chiến thuyền của giặc đã đi qua, có thể đánh đoàn thuyền lương một cách dễ dàng, Khánh Dư đã củng cố lực lượng đón địch6. Quả nhiên mọi việc đã xảy ra đúng như dự đoán của người tướng mưu trí đó. Tháng 12 âm lịch (5/1 – 2/2/1288), đoàn thuyền lương nặng nề của Trương Văn Hổ không có lực lượng chiến đấu mạnh mẽ yểm hộ, đã chậm chạp tiến vào Hạ Long, lọt vào trận địa của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Thủy quân ta đã tập kích giặc ở Vân Đồn (Vân Hải). Trương Văn Hổ cố gắng tiến về phía đất liền nhưng đến biển Lục Thủy (Cửa Lục, Hòn Gai) thì thuyền quân ta đổ ra đánh càng đông, Trương Văn Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển, trốn chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam). Thuyền lương của Phí Củng Thìn thì tháng 11 âm lịch (6/12/1287 – 4/l/1288) mới đến Huệ Châu (huyện Huệ Dương, Quảng Đông), gặp gió bão, trôi giạt đến Quỳnh Châu. Thuyền lương của Từ Khánh thì trôi giạt đến tận Chiêm Thành rồi cũng về Quỳnh Châu7. Quân ta chiến thắng, “bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất đông” 8. Theo Nguyên sử, địch chết 220 tên, thuyền mất 11 chiếc, lương mất hơn 14.300 thạch9. Con số đó chắc chắn còn xa với thực tế vì Trương Văn Hổ chỉ chạy thoát trên một chiếc thuyền10. Chiến thắng Vân Đồn có một ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến lần thứ ba của quân dân ta. Từ đó, vấn đề lương thực trở lên vô cùng khó khăn đối với kẻ thù.

-----------------
1.    Đoạn này theo An Nam chí lược q. 4 An Nam chí lược chép ngày 11 là ngày Mậu Tuất là lầm. Ngày 12 mới là ngày Mậu Tuất.

2.   An Nam chí lược q. 4 chép “Ngày 11 (chữa là 12) tháng 11 là ngày Mậu Tuất, chu sư tiến trước, qua của Vạn Ninh…”. Chúng tôi cho rằng đó là ngày xuất phát ở Khâm Châu. Nguyên sử q. 14 Bản kỷ t. 11b chép rằng ngày Tân Sửu, 15 tháng 11 (20/12/1287), Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp mới vào Giao Chỉ.

3.   An Nam chí lược q. 4 chép: “Ngày 14 (chữa là 12) tháng 11 là ngày Mậu Tuất (17/12/1287), chu sư tiến trước, qua cửa Vạn Ninh, tướng quân kia (chỉ Đại Việt -T.G) là Nhân Đức hầu Trần Da phục binh ở Lãng Sơn định cắt hậu quân ta. Ta biết được, lập tức đang đêm vây núi, mờ sáng đánh cho thua chạy, chết đuối vài trăm người, thuyền bị bắt vài chục. Ô Mã Nhi thẳng tiến đi trước, không nghĩ đến thuyền lương ở sau. Mất viện, lương hãm”. Toàn thư q. 5 t. 52b chép: “Ngày 28 (tháng 11) (2/1/1288) phán thủ Nhân Đức hầu Toàn đem chu sư đánh ở vụng Đa Mô (Đa Mô loan), giặc chết đuối rất nhiều, bắt được 40 tên, thuyền ngựa và khí giới đem dâng”. Chúng tôi cho rằng Nhân Đức hầu Trần Da và Nhân Đức hầu Toàn là một người (vì cùng chiến đấu trong vùng biển Quảng Ninh, và nhất là không thể có hai người khác nhau lại cùng một tước hiệu trong cùng một thời). Lãng Sơn trong An Nam chí lược chắc là Ngọc Sơn. Nguyên sử q 209 An Nam truyện chép là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp qua cửa Ngọc Sơn (Mũi Ngọc, Móng Cái). Có lẽ trận Lãng Sơn chép trong An Nam chí lược và trận Đa Mô chép trong Toàn thư là một trận, tuy tài liệu của Lê Trác thì nói địch thắng, còn Toàn thư thì nói quân ta thắng. Trận Lãng Sơn xảy ra vào khoảng từ 15, 16 đến 20 tháng 11. Toàn thư chép trận Đa Mô vào ngày 28 tháng 11, có thể đấy là ngày Nhân Đức hầu đem dâng tù binh và chiến lợi phẩm, cũng là ngày triều đình được tin chiến thắng, nghĩa là sau trận đánh ít lâu. Cũng có thể là Trần Da (hay Trần Toàn) ban đầu không thắng Ô Mã Nhi mà sau mới đánh thắng đoàn thuyền lương một trận nhỏ. An Nam chí lược q. 4 có câu: “Tướng liệu thủy đạo nói thuyền lương hai lần vào đều bị hãm” như vậy có thể một lần bị Trần Da đánh, một lần bị Khánh Dư đánh.

4.   Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10a chép: “Tiếp cùng tham chính Ô Mã Nhi đem chu sư vào biển, gặp thuyền giặc ở cửa An Bang. Tiếp đánh chém hơn 4.000 thủ cấp và bắt sống hơn trăm người bắt được hơn trăm chiếc thuyền, binh trượng vô sổ”.

        Nguyên sử q. 209 An Nam truyện cũng chép tương tự. Bia Lý Thiên Hựu, viên quan giữ văn thư di theo đoàn thuyền của Ô Mã Nhi, do Tô Thiên Tước (1293-1352) soạn, lại chép “Năm đó (Chí Nguyên 24, 1287) quân hội ở Liêm Châu, đi thuyền ra biển, đến An Bang, gặp người Giao, chém đầu hơn hai nghìn, bắt được hơn 60 chiếc thuyền” (xem Tô Thiên Tước: Từ Khê văn cảo q. 18 Cố thừa sụ lang Tượng sơn huyện đoàn Lý hầu mộ bi). Những tài liệu phía địch trên đây chép số thiệt hại của ta khác nhau, điều đó càng chứng tỏ các tài liệu ấy đã khoa đại con số thực tế. Tuy nhiên, việc “Khánh Dư đánh thất lợi”, Thánh Tông cho gọi về chép trong Toàn thư cũng chứng tỏ quân ta có tổn thất.

5.   An Nam chí lược q. 4.

6.   Toàn thư q. 5, t. 52b-53a chép: “Tháng 12 (năm Trùng Hưng 3)… lúcc chu sư của Nguyên phạm vào Vân Đồn, Hưng Đạo vương giao việc biên giới cho phó tướng Nhân Huệ vương Khánh Dư. Khánh Dư đánh thất lợi. Thượng Hoàng nghe thấy sai trung sứ đến bắt Khánh Dư đánh về cửa khuyết. Khánh Dư nói với trung sứ rằng: “Lấy quân pháp mà xét thì cam chịu tội nhưng xin khất hai, ba ngày để mưu lập công sau rồi về chịu tội búa rìu cũng chưa muộn”. Trung sứ theo lời xin đó. Khánh Dư liệu biết quân địch đã qua, thuyền vận tải tất ở sau nên thu thập tàn binh đợi chúng. Chẳng bao lâu thuyền vận tải quả nhiên đến, (Khánh Dư) đánh bại, bắt được quân lương khí giới của giặc nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều. Lập tức chạy ngựa mang thư về báo. Thượng hoàng tha tội trước không hỏi đến”.

7.   Theo Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b-10a An Nam truyện chép rõ là trận Vân Đồn - Cửa Lục xảy ra vào tháng 12 âm lịch: “Thuyền lương của Trương Văn Hổ tháng 12 năm ngoái (chỉ năm Chí Nguyên 24, vì chỗ này chép vào tháng 3 năm Chí Nguyên 25) đến Đồn Sơn (tức Vân Đồn-T.G) gặp 30 chiếc thuyền của Giao Chỉ. Văn Hổ đánh, số giết được tương đương nhau. Đến biển Lục Thủy (Nguyên sử chép là Lục Thủy dương), thuyền giặc thêm nhiều, liệu không thể địch nổi mà thuyền lại nặng không thể đi được nên đổ thóc xuống biển rồi đi Quỳnh Châu…”. Toàn thư q. 5, t. 52b cũng chép trận Vân Đồn vào tháng 12 tuy không rõ ngày nhưng lại chép sau một sự kiện khác vào ngày 30 tháng 12 âm lịch (chú ý là năm đó tháng 12 âm lịch không có ngày 30). Theo Nguyên sử (An Nam truyện và Phàn Tiếp truyện) thì Ô Mã Nhi đánh nhau với thủy quân ta vào tháng 11 âm lịch. Trận thắng Trương Văn Hổ xảy ra vào tháng 12.

        Tin thất trận về đến triều có lẽ vào khoảng cuối tháng 11 và khi sứ giả của Thánh Tông đến chỗ Khánh Dư thì vào đầu tháng 12. Chiến thắng Vân Đồn hẳn là vào đầu tháng 12 chứ không phải là cuối tháng 12. Cần chú ý là trận Vân Đồn xảy ra vào lúc quân Nguyên từ Trung Quốc tiến sang chứ không phải vào lúc Ô Mã Nhi đem thuyền đi đón Trương Văn Hổ như trong một số tài liệu hiện nay. Tân Nguyên sử q. 182 Trương Văn Hổ truyện t. 5a chép: “Năm (Chí Nguyên) 24 (1287) theo Trấn Nam vương đánh An Nam, trao chức Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ, đeo hổ phù, chở lương đến Tùng Bách Loan, đón đánh, giặc thua chạy. Vương bàn bãi binh, lấy Văn Hổ đi đoạn hậu, toàn quân mà về. Tùng Bách Loan chắc cũng chỉ vùng Cửa Lục nhưng ở đây có điều sai lầm là nói Văn Hổ gặp được Thoát Hoan và sau đó cũng cùng rút về.

8.   Toàn thư q. 5, t. 53a.

9.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 10a.

10.   An Nam chí lược q. 4 chép rằng: “Trương Văn Hổ trước khi gặp địch ở cửa An Bang, lương hãm, đi thuyền đơn chạy về Khâm Châu”. Phải là Quỳnh Châu mới đúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 05:21:29 pm »


        Vào cuối tháng 11 âm lịch (đầu tháng 1-1288), khi Thoát Hoan tiến quân đến Vạn Kiếp thì cánh quân phía tây của Trình Bằng Phi và cánh thủy quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cũng đến hội ở đây1.

        Nếu trong cuộc kháng chiến trước, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã tập trung một binh lực rất lớn để giữ Vạn Kiếp thì lần này, lực lượng phòng thủ ở đây rất ít và đã rút lui an toàn trước sức tấn công của giặc. Trái lại, tên tướng Mông Cổ Thoát Hoan lại muốn biến vùng Vạn Kiếp thành một căn cứ vững chắc rồi mới tiến quân. Có lẽ đó là vì hắn rút kinh nghiệm lần chiến tranh trước, khi hắn đã tiến vào Thăng Long thì Trần Quốc Tuấn lại đem binh thuyền trở về đóng ở Vạn Kiếp. Lần ấy, bị uy hiếp, hắn đã hoảng sợ, phải xin Hốt Tất Liệt tăng viện. Giờ đây, khi tiến đến Vạn Kiếp, hắn đã sai Lưu Uyên đem hai vạn quân thủy bộ đánh chiếm sông Vạn Kiếp (sông Lục Đầu) và thành Linh Sơn ở núi Chí Linh2. Sic-tua được lệnh của A-ba-tri, đem quân chiếm thành chữ nhất3. Ngày Kỷ Vị, 3 tháng chạp (7/1/1288) Thoát Hoan tiến đến Tứ Thập Nguyên4. Vì chưa thấy thuyền lương của Trương Văn Hổ, Thoát Hoan phải sai Ô Mã Nhi đem quân cướp lương thực của nhân dân. Thoát Hoan lại sai Trình Bằng Phi, A-li (‘ALī), Lưu Giang chỉ huy hai vạn quân giữ Vạn Kiếp và làm thành trại bằng gỗ ở núi Phả Lại, núi Chí Linh để chứa lương5.

        Như vậy là Thoát Hoan dựa vào vị trí thuận lợi của sông Lục Đầu, đã xây dựng các cứ điểm trên các ngọn núi dọc hai bên sông, biến vùng này thành một khu căn cứ cho cả quân bộ lẫn quân thủy. Trong khi đó thì quân ta đã rút khỏi hệ thống phòng thủ này, tránh được thế bị kẹp giữa ba gọng kìm xảo quyệt của kẻ thù. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn cho lui quân về giữ vùng sông Đuống để ngăn giặc tiến về Thăng Long. Ngày 16 tháng 12 âm lịch (10/1/1288), vua Trần sai minh tự Nguyễn Thức đem quân dũng nghĩa Thánh dực đến giữ cửa Đại Than (cửa sông Đuống thông với sông Lục Đầu) giúp thêm cho Hưng Đạo vương6. Ngày 18 tháng 12 (21/1/1288) Thoát Hoan đến cảng Mao La, đánh nhau với Hưng Đạo vương. Sau đó Thoát Hoan lại đánh trại Phù Sơn7. Đấy là những trận để mở rộng và củng cố khu căn cứ Vạn Kiếp của Thoát Hoan.

        Đến ngày 23 tháng 12 (27/1/1288), Thoát Hoan mới bắt đầu chia quân tiến về phía Thăng Long8. Ô Mã Nhi chỉ huy thủy quân, A-ba-tri chỉ huy lục quân tiến lên trước9. Phàn Tiếp đem chiến thuyền hộ vệ Thoát Hoan tiến theo dọc sông Đuống. Ngày 26 tháng 12 (30/1/1288) minh tự Nguyễn Thức lấp cửa sông Đuống, đánh nhau với giặc. Quân giặc bị thua nhưng sau đó chúng lại tiến được về phía Gia Lâm. Ở đây, chúng lại gặp phục binh của ta nhưng rồi quân ta lại rút lui và thuyền giặc tiến ra sông Hồng10.

        Khi thấy các cánh quân của Thoát Hoan đã tiến về phía Thăng Long, bọn quân Nguyên còn lại ở Tư Minh cùng với bọn Lê Trác cũng tiến vào Lạng Sơn. Đó là 5 nghìn dư binh của các cánh do bọn tỉnh đô sự hầu Sư (hay Đô), vạn hộ Đạt (không rõ tên), thiên hộ Tiêu chỉ huy. Bọn Việt gian thì gồm có Lê Trắc, thiêm sự Nguyễn Lĩnh, phủ phán Lê Án và con trai của Trần Ích Tắc là Dục, mới lên 9 tuổi11. Chúng tiến theo con đường mà Thoát Hoan và A-gu-ruc-tri đã đi qua. Có lẽ bọn xâm lược và bán nước này tưởng rằng những đội quân kỵ và chiến thuyền của Thoát Hoan tiến xa về phía Thăng Long kia đã mở đường cho chúng xâm nhập vào biên giới Đại Việt một cách dễ dàng. Nhưng bọn chúng không hiểu được rằng quân Trần tránh những mũi nhọn của địch không có nghĩa là rút lui toàn bộ, để tất cả đất đai lọt vào tay giặc. Dưới sự chỉ huy tài tình của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, một bộ phận quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng chờ cơ hội phản công, trong khi đó, một bộ phận khác chỉ là tạm lánh, để cho đại quân của giặc đi qua rồi trở lại hoạt động ở vùng sau lưng địch. Hoạt động chiến đấu của những cánh quân này phối hợp với nhân dân địa phương đã làm cho kẻ thù hoảng sợ ngay từ cuộc chiến tranh trước. Hẳn một phần vì lý do đó mà lần này bọn Thoát Hoan, A-gu-ruc-tri đã cho xây dựng căn cứ Vạn Kiếp - Phả Lại - Chí Linh, hòng khống chế ở các vùng chúng đã vượt qua. Nhưng kẻ thù đã thất bại trong việc thực hiện âm mưu đó. Khắp mọi nơi, ở những vùng sau lưng địch, quân ta vẫn hoạt động được Ngay ở phía trên vùng Vạn kiếp, trong lưu vực sông Lục Nam ngày nay, một cánh quân ta vẫn tiếp tục hoạt động. Chính cánh quân này đã chặn đánh 5 nghìn quân Nguyên cùng bọn Lê Trắc tiến vào sau.

---------------
1.    Nguyên sử, q. 14 Bản kỷ t. 11b: “Ngày Giáp Dần (tháng 11) (2/1/1288) Trấn Nam vương đến Vạn Kiếp, tất cả các quân đều hội”. Các quân nói ở đây là cánh quân Trình Bằng Phi và cánh quân thủy Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, vì sau đó Thoát Hoan có sai phái các tướng này. Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện cũng chép là Phàn Tiếp lên hội với Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Còn cánh quân Vân Nam của A-ruc thì không về Vạn Kiếp.

2.   Nguyên sử q. 152 Lưu Uyên truyện (Lưu Thông truyện phụ) t. 4b: “Năm (Chí Nguyên) 24, theo đi đánh Giao Chỉ, Trấn Nam vương Thoát Hoan sai đem hai vạn quân thủy bộ đánh sông Vạn Kiếp, bắt được 16 người, tiếp đó đánh thành Linh Sơn”. Sông Vạn Kiếp nói ở đây là chỉ sông Lục Đầu. Linh Sơn tức là Chí Linh Sơn mà An Nam truyện và An Nam chí lược nói đến. Núi Chí Linh là dãy núi ở tả ngạn sông Lục Đầu, thuộc đất huyện Chí Linh, Hải Hưng ngày nay. Nguyên sử thường chép là quân Nguyên thắng trong các trận đánh và thường khoa đại con số tổn thất của ta. Nhưng ở đây, việc đem 2 vạn quân mà bắt được 16 người, dầu đã khoa đại cũng cho ta biết là quân Trần đã rút lui bảo toàn lực lượng.

3.   Nguyên sử q. 133 Tích Đô Nhi truyện t. 9b. Thành chữ nhất (nhất tự thành) có lẽ là thành dọc theo bờ sông Lục Đầu vì Nguyên sử chép Sic-tua (Siktur, Tích Đô Nhi) có bắt được 7 chiến thuyền của ta trong trận này.

4.   An Nam chí lược q. 4: Chưa rõ Tứ Thập Nguyên ở đâu, chắc là ở gần Vạn Kiếp.

5.   Theo An Nam chí lược q. 4 và Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b.

6.   Toàn thư q. 5, t. 52b. Đại Than là tên xã ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh), gần chỗ sông Đuống chảy ra sông Lục Đầu. Vậy cửa Đại Than là cửa sông Đuống.

7.   Nguyên sử q. 14 Bản kỷ t. 12a; q. 209 An Nam truyện t. 9a. Không thể xác định được cảng Mao La và trại Phù Sơn là ở đâu, nhưng bấy giờ Hưng Đạo vương hoạt động ở vùng sông Đuống và hữu ngạn sông Lục Đầu. Cảng Mao La có lẽ là một ngách sông nào đó vùng gần Lục Đầu, còn Phù Sơn có lẽ là tên một núi ở hữu ngạn sông này.

8.   An Nam chí lược q. 4.

9.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b.

10.   An Nam chí lược q. 4 chép “(Tháng 12) ngày Kỷ Mão, 23 (27/1/1288), Trấn Nam vương lại chia quân tiến đánh. Thủy quân của Phàn tham chính theo vương đến Bắc Giang. Địch chắn cửa sông, phục quân ở Diệp Lâm, đánh thua chạy, chu sư ra Lô Giang. Theo Toàn thư, q. 5, t. 52b thì ngày 26 tháng 12, Nguyễn Thức gặp giặc ở cửa Đại Than, đánh bại chúng. Bắc Giang thời Trần là đất Bắc Ninh, Bắc Giang còn là tên cửa sông Đuống (xem Toàn thư, Thuận Thiên 1, 1010). Từ Vạn Kiếp, thuyền giặc tiến ra sông Lô (tức sông Hồng), tất nhiên đi theo sông Đuống. Trận chặn cửa sông Bắc Giang chép ở An Nam chí lược đúng là trận cửa Đại Than ở Toàn thư, tức là trận cửa sông Đuống. Theo An Nam chí lược, quân ta lại phục binh ở Diệp Lâm. Diệp Lâm rõ ràng là chép lầm từ chữ Gia Lâm. Qua Gia Lâm (bấy giờ rộng tới bờ nam sông Đuống), giặc mới ra được sông Hồng.

11.   An Nam chí lược q. 4. Chinh thảo vận hướng và q.19 Tự sự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 05:33:50 pm »


        Ngày Giáp Thân 28 tháng 12 (1/2/1288), quân Nguyên và bọn Lê Trắc tiến vào cửa quan Nội Bàng1. Bị quân ta chặn đánh, bọn giặc đã đốt phá nhà cửa của nhân dân, bày trận quay lưng ra sông Bình Giang2 để chống lại. Quân ta đã anh dũng chiến đấu suốt một ngày một đêm. Đến canh năm, quân ta phá tan trận địch. Bọn tỉnh đô sự hầu Sư (hay Đô) cùng vài nghìn tên quân còn lại không biết đường chạy, bị ta tiêu diệt nốt. Lê Trắc thuộc đường dẫn bọn vạn hộ Đạt, thiên hộ Tiêu cùng với mấy tên Việt gian Nguyễn Lĩnh, Lê Án chạy trốn. Năm nghìn quân này đã bị tiêu diệt hết chỉ còn 60 kỵ binh. Quân ta tiếp tục truy kích. Lê Án ôm đứa bé con Ích Tắc trên lưng một con ngựa yếu, tụt lại sau, suýt bị quân ta bắt. Trắc phải đổi ngựa cho án rồi ra roi thúc ngựa chạy bán sống bán chết. Giữa đường, bọn chúng lại bị quân ta tập kích. Lần này, có lẽ Lê Trắc còn hoảng sợ hơn lần đi với Mang-lai Xi-ban, bị phục kích trên con đường Chi Lăng trong cuộc chiến tranh trước. Nỗi hoảng sợ đó sau này còn toát ra trong những dòng hồi ký của hắn: “Chật vật hiểm nghèo, muôn phần chắc chết, ngày chạy mấy trăm dặm, từ nửa đêm đến tảng sáng đến châu, vọng bái cửa khuyết, mừng tết năm Mậu Tý (!)”: Mồng một tết (3/2/1288), những tên sống sót ra khỏi biên giới đặt tiệc rượu mừng thoát chết rồi lủi thủi về Tư Minh3.

        Cùng những ngày cuối năm này, cánh quân Vân Nam của A-ruc cũng tiến về phía Thăng Long để phối hợp với Thoát Hoan đánh kinh đô4. Bấy giờ Thoát Hoan đang ở bên bờ sông Hồng. Vua Trần sai người chú chỗ Thoát Hoan đóng quân giả cầu hòa để dò xét tình hình địch. Thoát Hoan sai viên lý vấn quan Tra-gan (Čaan) “kể tội” vua Trần5. Sau đó, ngày Ất Dậu 29 tháng 12 (2/2/1288), Thoát Hoan cho quân vượt sông Hồng đánh vào Thăng Long6.

        Cũng như trong hai cuộc chiến tranh trước, quân dân Trần đã rút khỏi kinh thành, chỉ để lại một số ít binh sĩ chiến đấu cầm cự rồi cũng rút lui.

        Sau khi ra khỏi Thăng Long, vua Trần đem quân về đóng ở đồn Cảm Nam7 và các căn cứ dọc sông Hồng. Tháng giêng năm Mậu Tý (3/2 – 3/3/1288) Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem thủy quân dọc theo sông Hồng đuổi theo. Thoát Hoan tiến theo bờ phía tây, A-ba-tri không qua sông vào Thăng Long mà tiến theo bờ phía đông8. Trong khi đuổi theo, Ô Mã Nhi đã bắn tin đe dọa vua Trần: “Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước” 9. Quân Thoát Hoan đánh vào đồn Cảm Nam10. A-ba-tri đánh vào ải Hàm Tử11. Vua Trần lại lui xuống cửa Hải Thị12. Khi quân Nguyên tiến đến thì vua Trần lại xuống miền hạ lưu sông Hồng.

        Trong khi tìm kiếm vua tôi nhà Trần, Ô Mã Nhi đã cho quân mặc sức tàn sát nhân dán, đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải. Hắn còn sục vào phủ Long Hưng (Tiên Hưng, Thái Bình), nơi có lăng mộ của họ Trần, cho khai quật lăng Trần Thái Tông để thỏa dã tâm báo thù lần thất bại trước của hắn13. Nhưng tìm khắp miền Thiên Trường (Nam Định), bọn giặc Vẫn không thấy vua Trần. Bấy giờ chúng mới được tin là vua Trần đã theo cửa Thiên Trường (cửa Giao Thủy) ra biển. Đến đây thì bọn chúng bị mất hút hẳn14.

        Không đuổi kịp vua Trần, ngày 4 tháng giêng âm lịch (6/2/1288), Thoát Hoan đem quân trở về Thăng Long15. Việc thiếu lương thực đã trở thành một nguy cơ nghiêm trọng đối với địch. Chưa biết thuyền lương đã bị đánh tan, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem thủy quân ra biển đón Trương Văn Hổ. Đồng thời Thoát Hoan sai bọn A-gu-ruc-tri và A-ba-tri chia đường đi cướp bóc để kiếm lương thực16. Bấy giờ, quân ta đã hoạt động ở nhiều nơi. Bọn giặc tiến đánh các trại Cá Trầm, Cá Lê, Ma Sơn, Nguy Trại của ta17. Síc-tua, viên tùy tướng của A-ba-ri trong tháng giêng âm lịch đã đến sát chỗ đóng quân của Hưng Đạo vương Quốc Tuấn và giao chiến với quân ta ở Tháp Nhi Sơn (Đồ Sơn) 18. Sau khi cướp bóc được một số thuyền bè và thóc gạo, A-ba-tri trở về Thăng Long19.

-----------------
1.  An Nam chí lược q. 4 An Nam chí lược q. 19 Tự sự chép là Nội Nha, rõ ràng là lầm từ chữ Nội Bàng. Của quan Nội Bàng ở vào khoảng Chũ (xem chương VI).

2.   Sông Bình Giang gần Nội Bàng, chúng tôi đoán định là sông Lục Nam.

3.   An Nam chí lược q. 4 và q. 19 Tư sư.

4.   Nguyên sử q. 122 Ái Lỗ truyện t. 8b chép: “Liền trong 3 tháng, đánh 18 trận lớn nhỏ thì đến vương thành, cùng chư quân hội chiến”. Thực ra chỉ là trong 2 tháng vì A-ruc (Ái Lỗ) đi từ đầu tháng 11 âm lịch đến cuối tháng 12 âm lịch thì đã gặp Thoát Hoan.

5.   Nguyên sử q. 137 Sát - hãn truyện t. 1a chép: “Năm (Chí Nguyên) 24, theo Trấn Nam vương đi đánh An Nam. Quân đến Lô Giang, thế tử An Nam sai thúc phụ đến quân môn tự trình bày là không có tội. Vương sai Sát - hãn kể tội để trách”. Sát Hãn là tên phiên âm của Tra-gan (Čaan). Chúng tôi cho rằng lần này cũng như lần cho Trần Khắc Chung đến trại giặc gần Thăng Long trong cuộc chiến tranh trước chỉ là giả vờ cầu hòa để dò xét tình hình địch. Tra-gan là người đã dịch bộ sử Mông Cổ (Tobči’an) ra tiếng Trung Quốc.

6.   An Nam chí lược q. 4 Nguyên sử q. 14 Bản kỷ t. 12a.

7.   Nguyên sử q. 14 Bản kỷ 12a; q. 166 Phàn Tiếp truyện; q. 209 An Nam truyện. t. 9b; Nguyên sử tân biên và Tân Nguyên sử chép là Hám Nam. Ở dọc sông Hồng, nhưng chưa xác định được rõ vị trí hiện nay.

8.   An Nam chí lược q. 4.

9.   Từ Minh Thiện: Thiện Nam hành ký, bản Thuyết phu, t. 1b.

10.   Nguyên sử q. 209 t. 9b.

11.   An Nam chí lược q. 4.

12.   An Nam chí lược q. 4. Cửa Hải Thị, theo chúng tôi, là cửa sông Hải Triều (tức sông Luộc) chỗ giáp với sông Hồng. Xem chương VI.

13.   Toàn thư q. 5, t. 54a. Trong tờ biểu gửi Hốt Tất Liệt năm 1288, vua Trần có nói là trong lần xâm lược này, quân Nguyên đã “đốt phá hết chùa chiền trong nước, đào bới mồ mả tổ tiên, cướp giết người già trẻ con, tàn phá sản nghiệp của trăm họ, không sót điều tàn ác gì không làm” (Thiên Nam hành ký t. 1o). Trong bài Hành lục của Trương Lập Đạo làm trong dịp đi sứ sang ta năm 1291, có đoạn “Thế tử (chỉ vua Trần - T.G) nói: năm trước đại quân đến dây, đất phá nhà cửa, đào bới phần mộ đấng tiên nhân để xương cốt rơi rụng… Nói chưa hết lời, những người đi theo thế tử đều khóc…” (An Nam chí lược q. 3).

14.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b, Nguyên sử q. 15, Bản kỷ t. 1a.

15.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b và q. 15, Bản kỷ t. ra chép là Trấn Nam vương đuổi vua Trần không lúp, “đem quân trở về thành Giao Chỉ”. An Nam chí lược q. 4 chép: “Tháng giêng, ngày 4, Kỷ Sửu, vương trở về đồn cũ”.

16.   Nguyên sử q. 209 t. 9b chép: “Bọn A-gu-ruc-tri, A-ba-tri chia đường vào núi tìm lương thực”. Núi ở đây có lẽ không phải ở vùng trung thượng du Bắc Bộ mà chắc là chỉ một số nơi ở tỉnh Hải Dương, Hải Phòng ngày nay, vì bấy giờ A-ba-tri đang dẫn quân đến vùng này. Sic-tua, tướng dưới quyền A-ba-tri cũng tiến đến vùng gần cửa sông Thái Bình.

17.   Nguyên sử q. 209, t. 9b. Hiện nay chúng tôi chưa xác định được các địa điểm này. Nhưng bấy giờ, quân Trần quay về hoạt động trong miền Hải Dương, Hải Phòng, (Kiến An cũ). Chúng tôi cho rằng các địa điểm này cũng ở trong vùng đó. Cá Lê, Cá Trầm theo chúng tôi, là những tên phiên âm tiếng Việt, có thể là: Kẻ Lê (Lê Xá?), Kẻ Trầm (Kẻ Trần? Trần Xá?) (Thời Hồ, theo Việt kiệu thư, có tên Cá Chiêu thị).

18.   Nguyên sử q. 133 Tích Đô Nhi (Šiktur) truyện t. 9a. Tháp Nhi Sơn ở đây tức là Tháp Sơn trong Nguyên sử An Nam truyện. Theo Nguyên sử Tháp Sơn ở quãng giữa cửa Đại Bàng (cửa Văn Úc) và cửa An Bang (Nam Triệu). Do đó chúng tôi cho rằng Tháp Sơn là Đồ Sơn ngày nay. Tên Đồ Sơn đã có từ thời Lý - Trần, nhưng có lẽ vì ở đây bấy giờ có chùa tháp, rừng núi (xem bài minh trên chuông chùa Vân Bản thời Trần ở Đồ Sơn) nên còn gọi là núi Tháp mà Nguyên sử chép là Tháp Sơn hay Tháp Nhi Sơn.

19.   Theo Nguyên sử q. 133 Tích Đô Nhi truyện t. 9b thì sau trận Tháp Sơn (Đồ Sơn), Sic-tua (Tích Đô Nhi) mới “vào đô thành”. Sic-tua là tướng dưới quyền A-ba-tri. Như vậy, điều chép ở Nguyên sử q. 133 cũng phù hợp với việc A-ba-tri không vào Thăng Long mà đi thẳng xuống hạ lưu sông Hồng theo bờ phía đông. Sau khi cướp bóc lương thực, bọn chúng mới trở về Thăng Long. Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b chép việc A-ba-tri cướp được thuyền bè thóc gạo vào tháng 2 âm lịch (4-3 - 1-4-1288), sau khi Thoát Hoan đã về Vạn Kiếp, nhưng chắc An Nam truyện đã chép gộp tất cả “công lao” của A-ba-tri. Có lẽ số lương thực đó là cướp được trong những chuyến cướp bóc trong tháng giêng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 05:43:23 pm »


        Ngày 8 tháng giêng (10/2/1288), binh thuyền Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ đến cửa Đại Bàng (cửa Văn Úc). Ở đây, thủy quân của ta đã chặn đánh khiến Ô Mã Nhi bị thiệt hại nặng1. Sau khi vượt qua được chỗ hiểm nghèo đó, Ô Mã Nhi phải cố gắng tiến lên nữa vì yêu cầu lương thực của quân Nguyên rất cấp bách. Qua cửa Đại Bàng, binh thuyền Ô Mã Nhi tiến đến vùng biển Tháp Sơn (Đồ Sơn). Bấy giờ Tháp Sơn là căn cứ quân thủy lục của vua Trần và Hưng Đạo vương. Chính ở đây, trên bộ, quân Trần đã đánh nhau với Sic-tua. Trên mặt biển, thủy quân Trần cũng chặn đánh Ô Mã Nhi2. Cuối cùng Ô Mã Nhi cũng qua được vùng biển này nhưng khi tiến được đến cửa An Bang thì mọi hy vọng của hắn tiêu tan vì không gặp thuyền lương của Trương Văn Hổ. Hắn làm sao có thể gặp Trương Văn Hổ khi tên này đã bỏ chạy về Hải Nam từ tháng chạp âm lịch năm ngoái và một vạn thạch lương đã nằm trong các đồn trại quân Đại Việt hoặc chìm sâu dưới đáy biển. Ô Mã Nhi đành quay thuyền theo sông Bạch Đằng về Vạn Kiếp3. Bấy giờ, ở Thăng Long, Thoát Hoan đang lâm vào tình trạng lúng túng. A-ba-tri bàn: “Giặc bỏ sào huyệt trốn vào núi biển là có ý đợi chúng ta mệt mỏi rồi thừa cơ đánh lại. Tướng sĩ phần nhiều là người phương Bắc, lúc xuân hạ giao nhau, khi chướng lệ hoành hành, chưa bắt dược giặc, ta không thể giữ lâu được Nay chia quân bình định các nơi, chiêu hàng những người quy phụ, ngăn cấm quân lính không được cướp bóc, kíp bắt ngay Nhật Huyên (chỉ Trần Thánh Tông-T.G) đó là kế hay4. Thực ra, Thoát Hoan không thể nào thực hiện được mưu kế của A-ba-tri. Chúng đã hoàn toàn thất bại trong việc đuổi bắt vua Trần và đến nay, khi quân ta đã bắt đầu hoạt động mạnh mẽ ở các nơi, chúng làm sao còn có thể “bình định” được. Càng không thể ngăn cấm quân lính cướp bóc khi đói khát đang uy hiếp chúng và chính bản thân bọn tướng lĩnh như A-ba-tri cũng vừa tiến hành một cuộc cướp bóc trước khi về Thăng Long. Nhưng việc cướp bóc lương thực trong nhân dân cũng không phải là dễ dàng. Nhân dân Đại Việt đã có kinh nghiệm chống giặc, trước khi lánh đi đã cất giấu hết thóc gạo lương thực5. Trong khi đó, quân dân ta đang chiến đấu mạnh mẽ khắp nơi. Ngay ở đồng bằng, quân ta đã làm chủ nhiều vùng rộng lớn (trong phạm vi các tỉnh Hải Dương và Hải Phòng hiện nay). Địch đã mất thế chủ động và lâm vào thế bị động. Thăng Long trở thành một hòn đảo cô lập, có nguy cơ bị tuyệt lương. Trước tình hình đó, Thoát Hoan quyết định rút khỏi Thăng Long. Ngày Đinh Tỵ, 2 tháng 2 âm lịch (5/3/1288), Thoát Hoan đem quân về Vạn Kiếp, khu căn cứ mà hắn đã xây dựng lúc tiến vào Đại Việt6 Nhưng con đường từ Thăng Long đến Vạn Kiếp bấy giờ đã nằm trong vùng kiểm soát của quân Trần. Thoát Hoan phải sai A-ba-tri đi tiên phong, đem quân đánh mở đường và bắc cầu để tiến về Vạn Kiếp7.

        Trong khi đó, đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi không gặp thuyền lương Trương Vãn Hổ cũng quay về Vạn Kiếp. Trên đường về Ô Mã Nhi dã ra sức cướp bóc lương thực để mang về nuôi quân. Ngày 19 tháng 2 (22/3/1288), hắn đã cho quân sục sạo trại Yên Hưng (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) 8. Khi về đến Vạn Kiếp, hắn đã cướp được bốn vạn thạch gạo9. Thoát Hoan ra lệnh cho quân lính vào ở trong các trại gỗ vừa làm xong ở núi Phả Lại và núi Chí Linh10.

        Sau khi đã về đóng ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan lại sai A-ba-tri đem quân đánh vào căn cứ của vua Trần ở Trúc Động (nay là xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và cửa biển An Bang (Quảng Yên) 11. Nhưng những cố gắng để giành lại thế chủ động của Thoát Hoan hoàn toàn không có kết quả. Nguyên sử thường che giấu sự thực cũng phải viết những dòng bi đát: “Tướng sĩ phần nhiều bị bệnh dịch không thể tiến được mà chư man lại phản, những nơi xung yếu đã chiếm được nay đều thất thủ” 12. Như vậy là quân ta đã khôi phục được các địa điểm quan trọng, bọn giặc phải rút về đóng ở Vạn Kiếp và một số đồn lũy.

----------------
1.    Toàn thư q. 5, t. 54a chép: “Ngày 8 (tháng giêng) (19/2/1288), quan quân hội chiến ở ngoài cửa Đại Bàng. Bắt được 300 thuyền và 10 thủ cấp. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều”. Cương mục q. 7 có chú: “Cửa biển Đại Bàng ở xã Đại Bàng huyện Nghi Dương tỉnh Hải Dương ngày nay”. Nghi Dương nay là huyện Kiến Thụy tỉnh Hải Phòng. Như vậy cửa Đại Bàng là cửa Văn Úc. Ở gần cửa Văn Úc còn có các tên xã cũ Tiểu Bàng, Bàng Động. An Nam chí lược q. 4 chép rằng Ô Mã Nhi ngày 11 tháng 1 (13/2/1288) cùng địch đánh nhau ở cửa Đa Ngư, nước triều (bản đã in chép chữ triều thành chữ hồ) xuống thì tan”. Cửa Đa Ngư cũng là cửa Văn Úc.

2.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b chép: “Ô Mã Nhi từ cửa Đại Bàng đi Tháp Sơn, gặp hơn một nghìn thuyền giặc, đánh bại được”. Bài bia Lý Thiên Hựu trong Từ Khê văn cảo của Tô Thiên Tước cũng chép: “Mùa xuân năm sau (Chí Nguyên 25, 1288), quân đến biển Tháp Sơn (Tháp Sơn dương), đánh bại thế tử (chỉ vua Trần- T.G)”

3.   Tất cả các tài liệu đều nói Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ nhưng không gặp. Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b chép: “Ô Mã Nhi đến cửa biển An Bang, không thấy thuyền lương của Trương Văn Hổ, lại trở về Vạn Kiếp”. Nguyên sử q. 16 Bản kỷ t. 2a chép: “Ô Mã Nhi đón thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ, không thấy (Văn Hổ) đến”. An Nam chí lược q. 4 sau khi chép truyện Ô Mã Nhi đánh nhau với quân ta ở Đa Ngư (cửa Văn Úc), cũng nói “Trương Văn Hổ trước (chúng tôi nhấn mạnh - T.G) gặp địch ở cửa An Bang, lương bị hãm, đi một cái thuyền to chạy về Khâm Châu”.

        Chỉ riêng sách Việt sử thông giám cương mục q. 8, t. 4a) lại chép Trần Khánh Dư đánh thuyền lương Trương Văn Hổ ở Vân Đồn vào lúc Ô Mã Nhi đem thủy quân đón Trương Văn Hổ, tức là vào tháng giêng năm Mậu Tí (3/2 – 3/3/1288). Hầu hết các tài liệu nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Nguyên hiện nay đều mắc phải điều sai lầm này của Cương mục, nghĩa là cho trận Vân Đồn xảy ra vào tháng giêng, lúc Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ. Cương mục tuy chép lại đoạn nói về trận Vân Đồn ở Toàn thư và có tham khảo Nguyên sử (hay Nguyên sử loại niên) về việc Trương Văn Hổ thua ở Vân Đồn, Lục Thủy, nhưng lại không chú ý rằng Toàn thư cũng như Nguyên sử đều chép rõ trận này xảy ra vào tháng chạp năm Đinh Hợi tức là lúc quân Nguyên tiến sang Đại Việt, còn lúc Ô Mã Nhi đi đón Trương Văn Hổ là vào thảng giêng năm Mậu Tí. Bấy giờ, Trương Văn Hổ đã bỏ chạy từ một tháng trước nên Ô Mã Nhi không thể nào gặp được Văn Hổ.

4.   Nguyên sử q. 129 Lai A Bát Xích truyện, t. 2a.

5.   Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10b chép: “Người Giao đều giấu thóc gạo rồi trốn đi”.

6.   Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 2a, Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b.

7.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b chép: “Tháng 2, Trấn Nam vương trở về Vạn Kiếp, A-ba-tri (A Bát Xích) đem quân tiên phong, cướp cửa ải, bắc cầu nổi, phá Tam Giang khẩu (cửa ba sông), hạ được 32 đồn, chém hơn mấy vạn thủ cấp, thu được hai trăm thuyền, hơn 113.000 thạch gạo”. Con số này rõ ràng là khoác lác. Có lẽ một phần lương thực A-ba-tri cướp được trong chuyến càn quét trước. Tân Nguyên sử q. 180 Đường Tông truyện (Phàn Tiếp truyện phụ) t. 14b có chép rằng, trong cuộc chiến tranh này, viên vạn hộ Nguyên là Đường Tông bại trận, bị chết ở Tam Giang khẩu.

8.   Toàn thu q. 5, t. 54a.

9.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện, t. 9b. Có lẽ Ô Mã Nhi sau khi vào sông Bạch Đằng, đã theo sông Giá mà về Vạn Kiếp vì theo bài bia Lý Thiên Hựu (Thiên Hựu đi theo Ô Mã Nhi) thì quân giặc có giao chiến với quân ta ở Trúc Động (Từ Khê văn cảo, đã dẫn).

10.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện, t. 9b.

11.   Nguyên sử q. 129 Lai A Bát Xích truyện t. 2a.

12.   Nguyên sử q. 129 như trên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 05:49:53 pm »


        Trong tình hình đó, Hưng Ninh vương Trần Tung theo lệnh của vua Trần mấy lần đến thành giặc giả vờ hẹn ngày ra hàng để làm cho địch mất cảnh giác không đề phòng và tiêu tan hết tinh thần chiến đấu. Nhưng mặt khác, ta lại đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao lực lượng địch, khiến chúng càng hoang mang. Đêm đêm, những đội quân cảm tử lại được lệnh xuất kích, đánh vào trại giặc1. Bị tấn công ban đêm, bọn giặc vô cùng hoảng sợ, chỉ biết cố thủ, đợi trời sáng mới dám đánh trong, kéo quân ra khỏi trại. Chúng phải dựng rào gỗ, tăng thêm quân tuần tra ở các đồn trại để đề phòng quân ta tiến đánh2.

        Bị quân ta tấn công mãnh liệt, lại thiếu lương và đau ốm, quân Nguyên càng ngày càng tiến gần đến nguy cơ bị tiêu diệt. Tinh thần của giặc tan rã hoàn toàn. Căm tức quân Trần mà không làm gì được, Thoát Hoan gần như phát điên, hắn sai tên vạn hộ Giải Chấn đốt thành Vạn Kiếp, bọn tướng tá phải khuyên can mãi mới thôi3. Không riêng gì Thoát Hoan hết hy vọng đánh thắng Đại Việt mà tất cả bọn tướng tá đều đã thấy chán nản rã rời, muốn rút quân về. Bọn chúng bàn với Thoát Hoan: “Ở Giao Chỉ không có thành trì để giữ, không có lương thực để ăn mà thuyền lương của bọn Trương Văn Hổ lại không đến. Vả lại, khí trời đã nóng nực, sợ lương hết, quân mệt, không lấy gì để chống giữ lâu được, làm hổ thẹn cho triều đình, nên toàn quân mà về thì hơn4. Viên thần nỗ tổng quản là Giả Nhược Ngu cũng nói: “Quân nên về, không nên giữ” 5. Thoát Hoan buồn rầu thừa nhận: “Ở đây nóng nực ẩm thấp, lương hết, quân mệt” và đồng ý rút quân về” 6.

        Thống nhất với nhau là về thì dễ nhưng muốn về cho được an toàn; Thoát Hoan và bọn tướng tá của hắn còn phải bàn đi tính lại, lo lắng muôn phần. Những trận phục kích trong lần chiến tranh trước, những trận đánh ác liệt vừa xảy ra ở biên giới, ở các đồn chúng đã chiếm đóng làm cho chúng vô cùng hoảng sợ. Sau mấy lần thất bại trên mặt biển, bọn tướng tá chỉ huy thủy quân của giặc - hẳn là có Ô Mã Nhi Dũng sĩ! - đã xin với Thoát Hoan: “Thuyền lương hai lần vào đều bị hãm cả, chi bằng hủy thuyền đi đường bộ là thượng sách” 7. Thoát Hoan lúc này đầu óc rối bời, thấy lời nói đó có vẻ hợp lý, định nghe theo. Nhưng sau khi bọn tướng tá khác can ngăn thì hắn vẫn chia ra quân thủy và quân bộ để rút về8. Có lẽ bọn tướng Nguyên một phần thấy rằng việc phá hủy hàng trăm chiếc thuyền một lúc là một tổn thất quá nặng nề và nhục nhã nhưng có lẽ chủ yếu là chúng lo sợ toàn bộ sẽ không trốn thoát nếu chỉ rút về theo một đường. Việc rút về theo nhiều đường sẽ chia sẻ được lực lượng của quân ta và nếu đoàn này không về được thì còn đoàn kia thoát. Tuy vậy, chúng cũng chỉ phân ra được hai đạo thủy và bộ chứ không còn đủ lực lượng để chia ra làm ba cánh như khi tiến vào nữa.

        Nhưng bọn cướp nước đang giãy chết dù có chọn mưu sách gì thì cũng không thể ra ngoài những dự tính của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Triệt lương thực, không cho giặc tự do cướp bóc, đánh phá và quấy rối liên tiếp, quân dân Đại Việt đã hãm kẻ thù vào cảnh đói khát, bệnh tật lo sợ hoang mang đến cùng cực. Triều đình Trần và Quốc Tuấn biết chắc chắn rằng Thoát Hoan không còn cách gì hơn là tháo chạy. Vì thế trên khắp các ngả đường mà quân Nguyên có thể chạy qua, quân đội Đại Việt đã được lệnh bố trí để chờ chặn đánh địch. Một cái bẫy lớn đã giương lên. Quân Nguyên đang sắp bước vào những con đường chết.

        Ngày Nhâm Ngọ, 27 tháng 2 (30/3/1288), Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem thủy quân về trước9. Sợ đoàn chiến thuyền của Ô Mã Nhi bị phục kích, Thoát Hoan sai Trình Bằng Phi và Ta-tru (Taču) đem kỵ binh đi hộ tống10. Nhưng cầu đường đã bị quân ta phá hủy nên đội kỵ binh của Trình Bằng Phi tiến rất khó khăn. Khi đến chợ Đông Triều, không sang sông được, bọn chúng đành quay trở lại. Vì cầu đường đã bị phá và biết tin quân ta đang chờ chặn đánh bọn chúng nên Trình Bằng Phi không dám trở về theo con đường cũ, đang đêm cưỡng bức các hương lão đã bị chúng bắt, đưa đường khác trở về Vạn Kiếp ngày Đinh Hợi mùng 3 tháng 3 (4/4/1288) 11 để còn kịp rút lui cùng với Thoát Hoan.

-------------
1.    Nguyên sử q. 129 Lai A Bát Xích truyện t. 2a chép: “Bấy giờ, Nhật Huyên (tức Trần Thánh Tông - T.G) nhiều lần sai sứ hẹn hàng, ý muốn hoãn quân ta. Các tướng đều tưởng là thực sửa sang thành trì để đợi (Nhật Huyên) đến, nhưng lâu ngày, quân thiếu ăn mà Nhật Huyên vẫn không hàn”.. An Nam chí lược q. 4 chép “Tháng 2 (bản in lầm tháng 2 thành ngày 2, thế tử sai anh con nhà bác là Hưng Ninh vương Trần Tung nhiều lần đến hẹn hàng để làm quân ta mất nhuệ khí, ban đêm lại sai những người cảm tử đến cướp doanh trại”.

2.   Nguyên sử q. 133 Tích Đô Nhi truyện t. 9b.

3.   An Nam chí lược q. 4 An Nam chí lược chỉ nói là “đốt thành” không nói rõ là Vạn Kiếp nhưng căn cứ vào Nguyên sử, chúng ta biết Thoát Hoan bấy giờ ở Vạn Kiếp.

4.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện, t 9b, Nguyên sử q. 15 Bản 2a chép: “Các tướng cho rằng lương hết, quân mệt nên toàn quân mà về. Trấn Nam vương nghe theo”.

5.   An Nam chí lược q. 4 Chinh thảo vận hướng.

6.   An Nam chí lược q. 4.

7.   An Nam chí lược q. 4.

8.   An Nam chí lược q. 4 Chinh thảo vận hướng.

9.   Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 2a; q. 209 An Nam truyện t. 9b; q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10b.

10.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 9b, q.15 Bản kỷ t. 2a. Ta-tru (Taču), Nguyên sử phiên âm là Tháp Xuất. An Nam chí lược q. 4 chép: “Hữu thừa Trình Bằng (Phi), thiêm tỉnh Đạt Mộc đem kỵ binh đưa (bản in lầm chữ tông là đưa thành chữ nghịch) chu sư”. Viên tướng Đạt Mộc trong An Nam chí lược có lẽ là Tháp Xuất trong Nguyên sử. Theo chúng tôi Đạt Mộc, chắc là in lầm từ Đại Truật. Theo cách phiên âm bấy giờ, Đại Truật có thể khôi phục thành Taju hay Taču.

11.   An Nam chí lược q. 4 chép: “Ngày 3 tháng 3, Đinh Hợi, hữu thừa Trình Bằng (Phi), thiêm tỉnh Đạt Mộc (truật?), đem kỵ binh đưa chu sư, qua chợ Đông Hồ, vướng sông bèn trở về. Vì cầu cống đều bị quân kia (chỉ quân Trần - T.G) cắt đứt, đợi ta (chỉ quân Nguyên - T.G) mà đánh. Trình hữu thừa liền hỏi những hương lão đã bắt được, đang đêm dẫn chạy theo đường khác”. Đông Hồ chúng tôi cho là lầm từ Đông Triều (chú ý là trong sách này có những chỗ khác lầm chữ triều thành chữ hồ như triều lạc là nước triều rút thì in thành hồ lạc (q. 4). Con đường mà kỵ binh của Trình Bằng Phi đi hộ tống hẳn là đường số 18 hiện nay. Con sông chúng ta gặp ở chợ Đông Triều chắc là sông Kỳ ở gần huyện lỵ Đông Triều ngày nay. Đường số 18 chạy qua sông này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 06:00:25 pm »


        Đoàn thuyền của Ô Mã Nhi đánh nhau liên tục mấy tháng vừa về Vạn Kiếp nay lại phải ra đi, quả gặp rất nhiều khó khăn. Quân sĩ đã mỏi mệt, còn bọn tướng chỉ huy thì run sợ lo lắng. Chúng miễn cưỡng tiến hành cuộc rút quân đường thủy là việc mà chúng hoàn toàn không muốn. Trong khi đó, quân ta đã đón đợi chúng trên đường đi. Nhiều trận tập kích đã xảy ra. “Giao chiến ngày này sang ngày khác” 1. Vì không có quân hộ tống, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi tiến vô cùng chậm chạp. Ngày mồng 7 tháng 3 (8/4/1288) thuyền quân Nguyên mới tiến đến Trúc Động2 trên sông Giá. Trúc Động đã từng chiến đấu với kỵ binh của A-ba-tri và thủy quân của Ô Mã Nhi trong tháng hai âm lịch3. Bây giờ, các chiến sĩ Đại Việt ở Trúc Động lại một lần nữa chặn đánh địch. Theo Lê Trắc thì trong trận Trúc Động này, viên tướng giặc Lưu Khuê đã đánh lui quân ta và cướp được 20 chiếc thuyền4. Điều đó không đúng vì Lưu Khuê, có lẽ là viên tướng chỉ huy bộ phận đi trước dò đường, sau khi bị quân ta chặn đánh ở Trúc Động thì không thể tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng được. Toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi phải theo sông Đá Bạch để tiến xuống sông Bạch Đằng. Như vậy là Trúc Động đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chặn giặc, không cho chúng tiến vào sông Giá, vì sông Giá là nơi thủy quân ta mai phục, chờ tiến đánh vào sườn bên phải của binh thuyền địch trên trận địa Bạch Đằng. Nếu thuyền giặc tiến xuống được đoạn cuối sông Giá thì chẳng những chỗ ẩn của thủy quân ta bị lộ mà những đội quân bộ của ta mai phục trong vùng núi đá Tràng Kênh phải phân tán chiến đấu cả hai mặt. Chiến thắng ở Trúc Động đã bảo vệ cho trận địa phục kích của quân ta ở Bạch Đằng5.

        Bấy giờ, sông Bạch Đằng, Hưng Đạo vương Trấn Quốc Tuấn đã bố trí một trận địa phục kích lớn. Hưng Đạo vương đã cho đóng những cọc gỗ xuống lòng sông. Bên trên bãi cọc phủ cỏ để ngụy trang6. Việc đẵn gỗ làm cọc và đóng cọc trên sông đã được chuẩn bị từ trước, có lẽ vào lúc quân Trần quay về hoạt động ở vùng Trúc Động, An Bang trong tháng 2 âm lịch (4/3 – 1/4/1288) và sau ngày Ô Mã Nhi cướp phá trại Yên Hưng (19 tháng 2 âm lịch, 22/3/1288). Nhân dân hai bên sông đã góp sức với quân sĩ trong việc chuẩn bị bãi cọc ở Bạch Đằng7.

        Khi được tin binh thuyền của quân Nguyên rút lui, Hưng Đạo vương đã cho quân phục kích ở hai bên bờ sông Bạch Đằng chờ giặc đến. Hẳn Hưng Đạo vương đã cho bộ binh mai phục trong vùng núi đá vôi Tràng Kênh (Thủy Nguyên) và vùng rừng rậm rạp ở tả ngạn sông Bạch Đằng (Yên Hưng), còn thủy quân thì ẩn trong các con sông hai bên dòng Bạch Đằng như sông Giá, sông Thải, sông Điền Công…8.

---------------
1.    Nguyên sử q. 166 Trương Ngọc truyện (Trương Vinh Thực truyện phụ) t. 9a.

2.   An Nam chí lược q. 4.

3.   Việc A-ba-tri đánh Trúc Động, xem Nguyên sử q. 129, Lai-a Bát-xích truyện t. 2a; việc Ô Mã Nhi đánh Trúc Động, xem “Cố thừa sự lang Tượng sơn huyện doãn Lý hầu mộ bi” trong Từ Khê văn cáo q. 18 của Tô Thiên Tước.

4.   An Nam chí lược q. 4.

5.   Hiện nay chúng ta chưa có tài liệu thật xác thực để nghiên cứu trận Trúc Động. Theo những truyền thuyết mà đoàn nghiên cửu phối hợp giữa Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ty Văn hóa Hải Phòng và Ty Văn hóa Quảng Ninh thu thập được vào tháng 7-1965 thì trận Trúc Động là một trận nghi binh lớn. Truyền thuyết ở Trúc Động (xã Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng) nói rằng quân Trần đã thay đổi nhiều thứ áo, lấy mo giả gói cơm rồi thả đầy sông hoặc làm nhiều bè. Giặc hoảng sợ vì tưởng quân ta rất đông. Chính Hưng Đạo vương chỉ huy trận đánh ở đây. Truyền thuyết vùng này cũng nói rằng quân Nguyên không tiến theo sông Giá mà sông Giá là chỗ thuyền quân ta phục kích để đánh ra sông Bạch Đằng.

        Mặc dầu phải thận trọng trong việc xử lý truyền thuyết, chúng ta có thể thấy ở đó một số điều hợp lý. Trước hết, khi bố trí trận địa Bạch Đằng, nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn không thể không nhận thấy rằng sông Giá là nơi bố trí thủy quân rất tốt để đánh tạt sườn địch khi chúng tiến xuống Bạch Đằng, nhất là vào lúc nước triều rút. Như thế tất nhiên không thể để cho địch tiến vào sông Giá được. Thứ hai, hẳn là Quốc Tuấn không để cho địch tiến được vào sông Bạch Đằng bằng nhiều đường vì như thế sẽ phân tán lực lượng của quân ta. Những cánh quân phục kích ở vùng Tràng Kênh sẽ phải chống đỡ cả hai mặt phía sông Đá Bạch và sông Giá. Do đó, chúng tôi cho rằng trong trận Trúc Động, quân ta đã thắng và sau trận này, binh thuyền của giặc đã phải quay lại để theo sông Đá Bạch xuống sông Bạch Đằng.

6.   Toàn thư q. 5 t. 54a. Không có một thư tịch cũ nào nói các cọc gỗ ấy có bịt sắt. Hiện nay, chúng ta chưa xác định được bãi cọc chắn sông Bạch Đằng mà Toàn thư chép nằm ở chỗ nào trên sông. Khoảng năm 1953-1954, nhân dân đã phát hiện được các cọc gỗ trên cánh đồng nước xã Yên Giang, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Bãi cọc này cách ngã ba sông Chanh và sông Bạch Đằng 414m, cách Nhà máy kẽm 120 và thị trấn Quảng Yên 2km. Bãi cọc này đã được Vụ Bảo tồn bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa nghiên cứu vào tháng 11-1958. Tháng 7-1965, đoàn nghiên cứu của Khoa sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Sở Văn hóa Hải Phòng và Ty Văn hóa Quảng Ninh đã khảo sát lại bãi cọc này.

        Cho đến nay, số cọc mà các nhà bảo tàng và nhân dân lấy đi lên đến khoảng 500 chiếc. Đa số cọc bằng gỗ lim, một ít là gỗ táu. Chiều dài còn lại của cọc từ l,5m đến hơn 2,5m, đường kính khoảng 18cm đến 28cm. Hiện nay ở bãi cọc này còn có 14 cọc lộ thiên, gồm 12 cọc thẳng đứng và 2 cọc chếch về phía tây bắc. Tháng 5-1969, Khoa sử trường đại học Tổng hợp phối hợp với Ty Văn hóa Quảng Ninh đã tiến hành khai quật ở bãi cọc này. Đoàn đã đào 7 hố khai quật, diện tích 520m2. Trong các hố khai quật, đoàn đã quan sát được 32 cọc gỗ cắm đứng và 62 đoạn gỗ nằm ngang. Theo báo cáo của đoàn, trong 32 cọc đó, có 17 cọc đứng thẳng, 11 cọc chếch về phía tây bắc và 4 cọc chếch về phía đông bắc.

        Đoàn nghiên cứu Khoa sử trường đại học Tổng hợp, Sở Văn hóa Hải Phòng và Ty Văn hóa Quảng Ninh tháng 7-1965 còn khảo sát những cọc gỗ ở đồng Vạn muối (còn gọi là Đồng Quai) ở xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh. Địa điểm này cách trị trấn Quảng Yên 3km và cách đèn hiệu số 2 trên sông Bạch Đằng 400m. Theo nhận định của đoàn nghiên cứu 1965 thì ở đây có vết tích một con sông cũ chi lưu của sông Bạch Đằng nay đã bị lấp cửa sông. Đoàn nghiên cứu trường đại học Tổng hợp và Ty Văn hóa Quảng Ninh năm 1969 cho biết thêm là hiện nay ở đây chỉ còn có 3 cọc gỗ cách nhau chừng 10 đến 12m, có đường kính 18-21cm và những cọc này rất giống các cọc gỗ ở bãi cọc trong đồng xã Yên Giang. Hiện nay chưa có phương pháp nào thật khoa học để đoán định chắc chắn rằng những bãi cọc đó là của Trần Quốc Tuấn. Nhưng theo các đoàn nghiên cứu của Vụ Bảo tồn bảo tàng năm 1958 và của trường dại học Tổng hợp, Sở Văn hóa Hải Phòng, Ty Văn hóa Quảng Ninh năm 1965, năm 1969, thì các cọc đó không phải là cọc cừ sông, cũng không phải là cọc móng hay cọc đáy đánh cá, mà là những cọc đặc biệt có thể có mục đích quân sự. Có thể những bãi cọc này là những bãi cọc mà Trần Quốc Tuấn đã chắn ở các con sông chi lưu của Bạch Đằng chảy ra biển, để bịt hết đường chạy của binh thuyền Ô Mã Nhi.

        Đoàn nghiên cứu năm 1965 và năm 1969 còn khảo sát một bãi cọc ở ngoài đê tả ngạn sông Chanh, cách ngã ba sông Chanh gặp sông Bạch Đằng 337m, cách bãi cọc trong đồng xã Yên Giang nói trên 195m và cách thị trấn Quảng Yên 2.200m. Bãi cọc này gồm ba hàng cọc chạy song song ra tới gần giữa sông. Khoảng cách giữa các cọc từ 1,50m đến 1,80m. Những cọc này nhỏ, đường kính trên dưới 10cm, phần lớn là gỗ dẻ, một ít là táu, còn lại là gỗ tạp ít lõi, như vậy là khác với các cọc ở đồng Yên Giang và đồng Vạn Muối, nên không rõ là có cùng thời và cùng công dụng với các bãi cọc nói trên không. Nhân dân còn cho biết về một bãi cọc ở xã Điền Công, huyện Yên Hưng, Quảng Ninh, nhưng bãi cọc này không còn nữa.

        Ở hữu ngạn sông Bạch Đằng, cho đến nay chưa tìm được bãi cọc nào có tính chất giống như các bãi cọc ở tả ngạn. Đoàn nghiên cứu năm 1965 và 1969 đã khảo sát và tìm hiểu về các bãi cọc ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, như bãi cọc tả ngạn cửa sông Giá, bãi cọc đường Áng Khinh (xã Minh Đức) và bãi cọc ở Gia Đức), nhưng theo các đoàn nghiên cứu cọc ở các bãi cọc đó đều nhỏ, gỗ tạp, xấu, có nơi có cả tre, thường đóng sít nhau, có khả năng là cọc cừ hay cọc kè đê và thuộc thời kỳ gần đây.

        Cần lưu ý là theo truyền thuyết ở vùng Phả Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) thì Hưng Đạo vương không đóng cọc ngang qua sông Bạch Đằng (chú ý là đến nay khi thủy triều xuống thấp nhất, độ sâu của sông là 16m) mà chỉ đóng cọc ở các sông phía Yên Hưng, còn ở hạ lưu Bạch Đằng thì dùng thủy quân án ngữ. Điều này cũng phù hợp với bài bia Lý Thiên Hựu trong Từ khê văn cảo của Tô Thiên Tước: “Người Giao chắn chiến hạm ở trong sông để chống cự”. Tuy nhiên, vấn đề bãi cọc sông Bạch Đằng cẩn được nghiên cứu sâu hơn nữa.

7.   Theo truyền thuyết thì đền Vua Bà ở Yên Giang (Yên Hưng) thờ một người phụ nữ đã mách cho Hưng Đạo vương biết về nước triều sông Bạch Đằng và đã đem lương giúp quân Trần (tài liệu của đoàn nghiên cứu trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Sở Văn hóa Hải Phòng, Ty Văn hóa Quảng Ninh tháng 7-1965).

8.   Việc phục kích để cản kỵ binh hộ tống đã được An Nam chí lược ghi chép. Việc phục binh ở hai bên bờ Bạch Đằng được chép trong Toàn thư q. 5, t 54a. Theo thần tích xã Minh Đức (Thủy Nguyên) thì ở đây thờ Trần Quốc Bảo, cháu vua Trần, đã chiến đấu chống giặc ở vùng Gia Đước, Tràng Kênh. Ngày xưa, vùng tả ngạn Bạch Đằng (thuộc Yên Hưng) có nhiều rừng, mà di tích là các tên sông Rừng, bến Rừng, làng Rừng…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 06:10:20 pm »


        Sáng sớm ngày 8 tháng 3 (9/4/1288) đoàn thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp tiến đến sông Bạch Đằng1. Bấy giờ nước triều còn cao, che lấp những dãy cọc đóng trong sông2. Quân Trần đem thuyền ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy3. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp dẫn binh thuyền đuổi theo. Nước triều xuống thấp, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi xô phải cọc, dồn cả lại. Nhiều chiếc bị vỡ và bị đắm. Trong khi đó, phục binh của ta ở hai bên bờ đổ ra, đánh vào sườn và phía sau đoàn thuyền địch. Nguyễn Khoái cũng đem quân dũng nghĩa Thánh dực giao chiến với giặc. Tiếp đó, hai vua Trần và Hưng Đạo vương cũng dẫn đại quân đến4. Một trận kịch chiến ác liệt xảy ra trên sông Bạch Đằng.

        “… Bấy giờ

                                        Muôn dặm thuyền bè, tinh kỳ phấp phới
                                        Sáu quân oai hùng, gươm đao sáng chói
                                        Sông mái chưa phân, Bắc Nam lũy đối
                                        Trời đất rung rinh chừ sắp tan
                                        Nhật nguyệt u ám chừ mờ tối…”


        Trương Hán Siêu, người môn khách của Hưng Đạo vương, đã viết như vậy trong bài Phú sông Bạch Đằng của mình. Dầu là sáng tác văn học, qua những dòng trên, chúng ta ít nhiều thấy lại cái không khí chiến trận và cái dũng tráng của quân ta trước đây bảy thế kỷ.

        Ô Mã Nhi Bạt Đô, tên tướng Mông Cổ mang danh hiệu “Dũng sĩ” ấy, không thể nào chống cự nổi trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta. Tuy Phàn Tiếp đã cố gắng “chiếm lấy núi cao làm ứng5, tình thế vẫn không thể xoay chuyển khác được. Dưới trận mưa tên của quân ta6, thủy binh giặc chết rất nhiều. Máu giặc đỏ ngầu cả khúc sông7. Nước triều rút gấp, thuyền giặc vướng cọc bị phá hủy càng nhiều. Đến chiều8, toàn bộ chu sư của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt. Viên vạn hộ thủy quân Trương Ngọc tử trận9. Phàn Tiếp bị thương, nhảy xuống sông, quân ta lấy câu liêm móc lên bắt sống10. Tên tướng chỉ huy thủy quân giặc là Ô Mã Nhi cũng bị bắt. Ngoài ra, rất nhiều tướng lĩnh khác bị bắt, trong số đó có viên đại quý tộc Mông Cổ Si-rê-ghi (Širägi, Tích Lệ Cơ) 11 và viên quan giữ văn thư đi theo Ô Mã Nhi là Lý Thiên Hựu12. Thủy quân giặc bị giết, chết đuối và bị bắt vô số. Hơn bốn trăm thuyền giặc lọt vào tay quân ta13.

----------------
1.    Toàn thư q. 5, t. 54a chép là ngày 8 tháng 8 năm Mậu Tý (9/4/1288). Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10b chép rằng “lực chiến từ giờ Mão đến giờ Dậu”. Như vậy là đánh nhau từ 5 giờ sáng đến 5 giờ tối.

2.   Theo ông Nguyễn Ngọc Thụy, một người làm công tác khí tượng, thì ngày 8 tháng 3 âm lịch năm đó ứng với kỳ nước cường, nước triều lên cao nhất vào khoảng nửa đêm mồng 7 rạng mồng 8, nước triều xuống thấp nhất vào khoảng trưa mồng 8. Xem Nguyễn Ngọc Thụy: Về con nước triều trong trận Bạch Đằng 1288. Nghiên cứu lịch sử số 63 (6-1964).

3.   Theo Toàn thư q. 5, t. 54a. Một số người đã cho rằng Nguyễn Khoái đem thuyền khiêu chiến. Nhưng các thư tịch cũ, như Toàn thư, không hề chép như vậy.

4.   Theo Toàn thư q. 5, t. 54a.

5.   An Nam chí lược q. 4.

6.   Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10b chép: “Thuyền giặc (chỉ quân ta-T.G) tập trung đông, tên bắn như mưa”.

7.   Toàn thư q. 5, t. 54a.

8.   Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10b chép: là đánh nhau đến giờ Dậu tức khoảng từ 5 giờ đến 7 giờ tối.

9.   Nguyên sử q. 166 Trương Ngọc truyện (Trương Vĩnh Thục truyện phụ) t. ga chép: “Năm (Chí Nguyên) 24 (1287) theo tham tri chính sự Ô Mã Nhi đánh Giao Chỉ… Năm 25 (1288), quân về, An Nam đem quân đón đánh, giao chiến ngày này sang ngày khác. Nước cạn, thuyền không đi được Ngọc chết”.

10.   Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện t. 10b chép: “Tiếp bị thương, nhảy xuống sông nước, giặc lấy câu liêm móc lên, bắt được đem giết”. Theo Toàn thư q. 5, t. 54b thì quân ta đã bắt được Phàn Tiếp. Trong tờ biểu của vua Trần năm 1289 được chép lại trong Thiên Nam hành ký của Từ Minh Thiện, cũng nói rằng Phàn Tiếp bị ốm chết (bản Thuyết phu t. 6b). Như vậy là Tiếp chết sau khi bị bắt chứ không phải bị giết ngay ở sông Bạch Đằng.

11.   Toàn thư q. 5, t. 45b chép là Tích Lệ Cơ Ngọc. Theo Thiên Nam hành ký của Từ Minh Thiện, trong các bài biểu của vua Trần năm 1288 và 1289 đều chép là Tích Lệ Cơ đại vương, trong tờ chiếu của Hất Tất Liệt năm 1288 cũng chép là Tích Lệ Cơ (Toàn thư chép với chữ cơ, Thiên Nam hành ký chép với chữ cơ). Như vậy, viên tướng Mông Cổ này đúng tên là Tích Lệ Cơ chứ không phải là Tích Lệ Cơ Ngọc. Chúng tôi cho rằng chữ Ngọc chỉ là chép lầm từ chữ Vương mà thôi (Tích Lệ Cơ (đại) vương). Tích Lệ Cơ, theo chúng tôi, chắc chắn là phiên âm tiếng Mông Cổ Širägi (tên này thường gặp trong Nguyên sử với các cách phiên âm khác như Thất Liệt Cát, Tích Lý Cát… Xem Tam sử đồng danh lục). Tích Lệ Cơ (Si-rê-ghi) hẳn là một chư vương (hoàng thân) của Hất Tất Liệt. Biểu của vua Trần năm 1288 (trong Thiên Nam hành ký, bản đã dẫn. t 2a) nói rằng: “Tích Lệ Cơ đại vương xưng là quý thích của đại quốc”. Trong tờ chiếu của Hất Tất Liệt năm 1289 (sách trên, t. 4a) cũng nói: “Tích Lệ Cơ là người tộc thuộc của ta… y là người có tội phải đi trích thú". Nguyên sử q. 14 Bản kỷ t. 10a chép rằng: ngày Kỷ Tỵ tháng 8 năm Chí Nguyên 24 (19/9/1287) Hết Tất Liệt đã “đày (trích) các chư vương theo bọn phản đến các tỉnh Giang Nam tòng quân tự chuộc tội”. “Bọn phản” nói ở đây là chỉ tập đoàn tông vương do chư vương Nayan cầm đầu chống lại Hốt Tất Liệt năm 1287 (xem Nguyên sử q. 14 Thế Tổ bản kỷ và Nguyên sử kỷ sự bản mạt q. 2 Bắc biên chư vương chi loạn). Tích Lệ Cơ hẳn là đã theo tập đoàn Nayan nên cũng bị Hất Tất Liệt đày “tòng quân chuộc tội”.

12.   Bài bia Lý Thiên Hựu chép: “Tháng 3, đến cảng Bạch Dằng, người Giao chắn ngang chiến hạm ở trong sông để chống cự quân ta (chỉ quân Nguyên-T.G), đến lúc nước triều rút, thuyền không tiến được, quân tan vỡ, bọn hầu (chỉ Thiên Hưu - T.G) bị bắt” (Tô Thiên Tước: Từ khê văn cáo q 18).

13.   Toàn thư q. 5, t. 54b.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 06:22:21 pm »


        Trong khi toàn bộ đội binh thuyền của giặc tan tác trên sông Bạch Đằng1 thì cánh quân bộ của Thoát Hoan cũng đang khốn đốn trên đường chạy trốn khỏi biên giới Đại Việt.

        Ngày Tân Mão 7 tháng 3 (8/4/1288), từ Vạn Kiếp, Thoát Hoan nhằm hướng Lạng Sơn rút lui2. A-ba-tri dẫn quân kỵ bộ đã được lựa chọn đi trước mở đường3. Sic-tua được lệnh của Thoát Hoan dẫn một cánh quân rút theo con đường phía tây, còn Thoát Hoan rút theo con đường phía đông. Nhưng trên tất cả các con đường đó quân ta đã phục kích chờ đánh địch. Cánh quân của Sic-tua tiến đến cửa quan Hãm Nê (hay Hãm Sa) thì bị quân ta chặn đánh mãnh liệt. Sic-ta không vượt qua nổi phải quay trở lại con đường phía đông để cùng rút với Thoát Hoan4. Ngày Giáp Ngọ, 10 tháng 3 (11/4/1288), Thoát Hoan dẫn quân chạy đến cửa quan Nội Bàng. Ở đây, bọn giặc lại lọt vào trận địa phục kích của quân ta5. Quân Nguyên phải “hết sức đánh” 6. Về sau vạn hộ Đa-ra-tri (Darači, Đáp Lạt Xích) và Lưu Thế Anh phải liều chết mở một đường máu mới thoát ra được7. Nhưng quân ta vẫn tiếp tục truy kích, Thoát Hoan phải cho vạn hộ Trương Quân chỉ huy ba nghìn quân tinh nhuệ đi sau hộ vệ8. Quân Nguyên vừa ra khỏi cửa Nội Bàng, chưa kịp hoàn hồn thì được tin quân ta đã đóng ở cửa quan Nữ Nhi và núi Khâu Cấp. Ba mươi vạn quân rải ra suốt hơn một trăm dặm để chặn đường về của chúng9. Trên đường đi, quân ta đã đào hố để bẫy ngựa của giặc10. Thoát Hoan hoảng sợ, vội quay theo đường huyện Đơn Kỷ về Lộc Châu để đi đường tắt ra khỏi biên giới11. Nhưng chúng tránh đâu cũng không thoát được vì các con đường quan trọng đều bị quân ta chặn cắt12. Quân ta từ trên núi cao bắn tên độc xuống13. Tình cảnh quân Nguyên lúc đó thật khốn khổ. Nguyên sử chép: “Lúc đó quân ta (quân Nguyên - T.G) đã thiếu ăn lại mệt vì chiến đấu tướng tá nhìn nhau thất sắc” 14. Nhưng khi cái chết đã kề bên cạnh, dù mệt nhọc, hoảng sợ, chúng cũng phải “cố xông vào mà đánh15, “buộc vết thương lại mà tránh” 16. Bọn giặc bị thương vong rất nhiều, A-ba-tri trúng ba mũi tên độc; đầu cổ đùi đều sưng lên rồi chết17. Cuối cùng, quân Nguyên về được đến Tư Minh ngày Nhâm Dần 18 tháng 3 (19/4/1288). Thoát Hoan cho giải tán đám tàn quân. A-ruc đem quân trở về Vân Nam, A-gu-ruc-tri dẫn quân về Bắc18. Bọn Việt gian Trần Ích Tắc lại lẽo đẽo theo bọn bại tướng Nguyên trở về Ngạc Châu19.

        Ngày 17 tháng 3 (18/4/1288), Thượng hoàng và Nhân Tông về phủ Long Hưng, đem bọn tù binh Ô Mã Nhi, Si-rê-ghi, Sầm Đoạn, nguyên soái Điền(?) cùng nhiều tên vạn hộ, thiên hộ khác, làm lễ hiến tiệp ở lăng Thái Tông - ông vua anh hùng trong cuộc kháng chiến 1258.

        Trước lăng mộ của tiền nhân, Trần Nhân Tông cảm xúc:

                                                “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
                                                Sơn hà thiên cổ điện kim âu”(20).

                                                (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
                                                Non sông nghìn thuở vững âu vàng).


        Mười ngày sau, ngày 27 tháng 3 (28/4/1288) vua Trần và triều đình trở về kinh đô. Giữa những cung điện bị thiêu hủy của Thăng Long, vua Trần ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn tô dịch toàn phần cho những nơi bị giặc cướp phá21.

--------------
1.    Trận Bạch Đằng là một trận rất lớn nhưng các sử liệu cũ cho ta biết rất ít về chiến thắng oanh liệt này. Nguyên sử q. 209 An Nam truyện bỏ qua không chép thất bại nhục nhã này của quân Nguyên. Trận Bạch Đằng chỉ được ghi vài dòng trong Nguyên sử q. 166 Phàn Tiếp truyện hay trong bia Lý Thiên Hựu của Tô Thiên Tước (Từ Khê văn cảo q. 18). An Nam chí lược q. 4 chỉ chép: “Ô Mã Nhi không theo đường biển mà về, mà theo sông Bạch Đằng. Gặp địch, Ô Mã Nhi tự đem quân tải lương nghênh chiến. Phàm tham chính chiếm núi cao làm ứng. Nước triều rút, quân bị hãm. Toàn thư chép nhiều hơn, nhưng cũng rất sơ lược: “Ngày 8 tháng 3, quân Nguyên hội ở sông Bạch Đằng, đón thuyền lương của Trương Văn Hổ, không gặp. Hưng Đạo vương đánh bại chúng. Trước vương đã trồng cọc ở Bạch Đằng, phủ cỏ lên trên. Hôm đó, thừa lúc nước triều lên, khiêu chiến giả thua chạy. Quân giặc đuổi theo. Quân ta hết sức đánh. Nước xuống, thuyền giặc mắc cạn hết. Nguyễn Khoái dẫn quân dũng nghĩa Thánh dực đánh nhau với giặc, bắt được bình chương Áo Lỗ Xích (A-gu-ruc-tri). Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đại chiến. Quân Nguyên chết đuối nhiều không kể xiết. Nước sông vì thế đỏ cả. Kịp Văn Hổ đến, phục binh hai bên bờ hăng hái đánh, lại bại được chúng. Nước triều rút rất nhanh, thuyền lương Văn Hổ gác lên cọc nghiêng đổ gần hết. Quân Nguyên chết đuối rất nhiều, bắt được hơn bốn trăm thuyền, Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi (Ô-ma), Tích Lệ Cơ Ngọc (Si-rê-ghi) dâng lên Thượng hoàng…” (q.5, t. 54a, 54b). Đoạn trên đây của Toàn thư có nhiều sai lầm. Trương Văn Hổ đã bị đánh thua ở trận Vân Đồn từ tháng 12 âm lịch năm trước, bỏ chạy về Hải Nam (xem phần trước), không thể có ở trận Bạch Đằng, còn Áo Lỗ Xích (A-gu-ruc-tri) theo Thoát Hoan trốn thoát nước khỏi biên giới (xem Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. loa; q. 15 Bản kỷ t. 3a; q 131 Áo Lỗ Xích truyện t. 7a) chứ không phải bị bắt. Cương mục q. 8, t 8 cũng đã vạch những sai lầm này.

2.   Nguyên sử q. 15 Bản kỷ. t. 2b.

3.   Nguyên sử q. 129 Lai-a Bát-xích truyện t. 2a.

4.   Con đường phía tây tức con đường Chi Lăng - Vĩnh Bình (đường số 4), con đường phía đông là con đường Nội Bàng - Nữ Nhi - Khâu Cấp (đường qua Sơn Động, Bắc Giang quanh về Lộc Bình - Lạng Sơn) (xem các đường tiến quân của Nguyên ở chương VI và đầu chương này). Nguyên sử q 133 Tích Đô Nhi truyện t. 9b chép: “(Sic-tua (Tích Đô Nhi) đi đến cửa quan Hãm Nê đánh vài chục hợp, người Giao rút lui, liền trở về đón Trấn Nam vương ở cửa Nữ Nhỉ”. Cửa Hãm Nê chắc chắn là cửa Hãm Sa (do hai chữ Nê và chữ Sa lẫn với nhau). Cửa Hãm Sa ở trên con đường Chi Lăng, tức con đường phía tây (xem trước). Thoát Hoan đi theo con đường Nội Bàng - Nữ Nhi tức con đường phía đông. Tích Đô Nhi truyện chép “Người Giao rút lui” là không đúng, vì như vậy Sic-tua không cần quay sang con đường phía đông. Có thể nghĩ là Sic-tua đón Thoát Hoan quay sang con đường phía tây đã được mở nhưng sau đó chúng ta vẫn thấy Thoát Hoan vẫn tiếp tục tiến theo con đường phía đông nên không thể giả thiết như vậy được. Nói là “đón” Thoát Hoan Ở cửa Nữ Nhi cũng không đúng vì Thoát Hoan không dám đến Nữ Nhi, có lẽ là Sic-tua đuổi kịp lúc Thoát Hoan thoát khỏi Nội Bàng.

5.   Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 3a, Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 10a, An Nam chí lược q. 4.

6.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 10a.

7.   An Nam chí lược q. 4.

8.   Nguyên sử q. 209 An Nam truyện t. 10a.

9.   Nguyên sử q. 209 An nam truyện t. 10a. Số quân ta ba mươi vạn chưa chắc đúng như thế, đây chỉ là Thoát Hoan nghe theo bọn gián điệp. Tích Đô Nhi truyện lại chép là bốn vạn.

10.   An Nam chí lược q. 4.

11.   Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 3a Nguyên sử q. 209 An Nam truyện, t 10a. An Nam chí lược q. 4 chép “(Thoát Hoan) sai châu mục Tư Minh là Hoàng Kiện, dẫn theo đường khác đến Lộc Xuyên”. Lộc Xuyên rõ ràng là Lộc Châu, An Nam chí lược (bản in) đã nhầm chữ châu ra chữ xuyên. Huyện Đơn Kỷ là huyện Đan Ba (đơn và đan đồng âm, kỷ chép nhầm từ ba vì tự dạng gần giống nhau), Đa Ba là một huyện thời Lý Trần giáp biên giới (Tông sử q. 488 Giao Chỉ truyện đã nói đến huyện Đa Ba thuộc Giao Chỉ giáp đất Tống. Đan Ba ở vào đất huyện Đình Lập (Lạng Sơn) ngày nay. Như vậy, là Thoát Hoan đã bỏ con đường thẳng từ Sơn Động về Lộc Bình mà đi vòng ra phía Đình Lập.

12.   Nguyên sử q. 133 Tích Đô Nhi truyện, t. 9b.

13.   Nguyên sử q. 129 Lai-a Bát-xích truyện t. 2a.

14.   15. Nguyên sử q. 133 Tích Đô Nhi truyện t. 9b.

16.   Nguyên sử q. 129 Lai-a Bát-xích truyện t. 2a.

17.   Nguyên sử q. 129 Lai-a Bát-xích truyện t. 2a. Cương mục q. 8a còn chép cả Trương Ngọc cũng bị chết trên đường rút lui này. Nhưng Nguyên sử q 166 Trương Ngọc truyện (Trương Vinh Thực truyện phụ), chép rõ là Trương Ngọc chết trong trận Bạch Đằng. Ngọc là thủy quân vạn hộ (xem trước). Toàn thư q. 5, t. 54b chép: “Thoát Hoan và A-thai (A-tai) đem bộ chúng trốn về Tư Minh, thổ quan Hoàng Nghệ bắt được đem dâng”. Điều này cũng không đúng vì Thoát Hoan đã về được Trung Quốc, sau đó ra đóng ở Dương Châu (xem Nguyên sử q. 117 Thiếp Mộc Nhi Bất Hoa (Tämür Buqa) truyện).

18.   Nguyên sử q.15 Bản kỷ t. 3a.

19.   An Nam chí lược q. 13 Nội phụ hầu vương.

20.   Toàn thư q. 5, t. 54b.

21.   Toàn thư q. 5, t. 55a.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 06:28:49 pm »


Bài thơ ca tụng chiến thắng Bạch Đằng của Phạm Sư Mạnh, nhà thơ đời Trần, Khắc ở động Kinh Chủ, Hải Dương.


  
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tám, 2016, 06:35:49 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 28 Tháng Tám, 2016, 08:13:00 pm »

       
CHƯƠNG VIII

NHỮNG ÂM MƯU CUỐI CÙNG CỦA HỐT TẤT LIỆT THẤT BẠI

        “Bụi hồ không dám động chừ ngàn năm thăng bình”.
(Phú sông Bạch Đằng)       
Trương Hán Siêu           

        Một lần nữa Thoát Hoan thất bại trở về. Một lần nữa cơn giận của tên chúa Mông Cổ, Hốt Tất Liệt lại bùng lên. Hắn đuổi đứa con trai của hắn ra Dương Châu và hạ lệnh suốt đời không cho gặp mặt1. Tên tướng phụ tá Thoát Hoan là A-gu-ruc-tri bị đổi đi Giang Tây2.

        Hốt Tất Liệt muốn cho quân tấn công xâm lược Đại Việt ngay nhưng việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mới không phải là dễ dàng. Hắn lại dùng cái phương pháp cũ là cử những sứ đoàn sang Đại Việt, hòng dùng lời lẽ đe dọa vua Trần, bắt vương triều Trần phải khuất phục. Nhưng làm sao tên chúa Nguyên có thể thực hiện được ảo vọng của hắn? Cả một dân tộc đã đứng dậy chiến đấu và chiến thắng tất cả kỵ binh, bộ binh và thủy binh của kẻ thù thì đời nào lại cúi đầu trước những “chiến thư” vừa hống hách vừa ngu xuẩn ấy được.

        Tuy nhiên, sau khi chiến thắng, để cho con ác thú khỏi phát điên lên và để tránh cho đất nước những tổn thất do chiến tranh, đứng trước một kẻ thù lớn như đế quốc Nguyên Mông, vương triều Trần vẫn phải dùng một biện pháp ngoại giao hết sức khéo léo và mềm dẻo.

        Sau khi Thoát Hoan chạy ra khỏi biên giới, vua Trần đã sai trung đại phu Trần Khắc Dụng và tòng nghĩa lang Nguyễn Mạnh Thông đi sứ Nguyên3. Trong bài “biểu” gửi Hốt Tất Liệt viết vào tháng 4 năm Mậu Tý (2/5 – 31/5/1288), vua Trần đã hết sức mềm mỏng nhưng đồng thời cũng vạch rõ tội ác của giặc: “Năm Chí Nguyên thứ 23 (1285), bình chương A Lý Hải Nha (A-ric Kha-y-a) tham công ngoài biên giới, làm trái thánh chiếu4. vì thế mà sinh linh một phương nước nhỏ chúng tôi phải chịu lầm than… Mùa đông năm Chí Ngyên thứ 24 (1287) lại thấy đại quân thủy bộ tiến đánh, cướp giết dân chúng già trẻ, phá phách sản nghiệp trăm họ, không sót điều tàn ác gì không làm… Đến khi nhờ được thái (…) thương xót(?) nghe theo lời kêu xin của nước chúng tôi, rút đại quân về, tham chính Ô Mã Nhi lại đem quân thuyền của riêng ra ngoài biển, bắt hết nhân dân ven biển, lớn thì giết, bé thì cướp đi, cho đến cả treo trói mổ cắt, vứt mình nơi, đầu một ngả. Trăm họ bị bức đến chỗ chết, mới nổi lên cái họa chim cùng thú quẫn.

        Cũng trong tờ “biểu” đó, để làm dịu lòng căm tức của kẻ thù, vua Trần đã nhắc đến việc trả lại các tù binh. “Thấy bách tính đưa đến một người là đại vương Tích Lệ Cơ (Si-rê-ri) nói là bậc quý thích của đại quốc. Thần từ hôm đó đã lấy lễ đối đãi rất mực tôn trọng, kính hay không kính thì hỏi vương tất rõ, còn những hành vi tàn bạo của Ô Mã Nhi, vương trông thấy tận mắt, vi thần không dám nói dối. tiểu quốc thủy thổ độc, viêm chướng nhiều, thần lo ở lại lâu ngày sinh ra bệnh tật, tuy vi thần có hết sức phụng dưỡng song không khỏi bị những bọn tham công ngoài biên cương sàm tấu đặt điều cho nên tội. Vi thần kính xin sắm đủ lễ vật lên dường sai người đến biên giới đưa đại vương về nước… ngoài ra đại quân rơi rớt lại còn hơn nghìn người, thần đã ra lệnh cho trở về hết, sau này nếu còn tìm được người nào, quân cũng sẽ cho về. Tiểu quốc gần đây gặp cơn binh lửa, vả lại hiện nay khí trời còn nóng nực nên cống vật và sứ thần thực khó có ngay lập tức, đợi đến mùa đông mới sai người đi được…”6. Đến tháng 10 (27/10 – 24/11/1288), Đỗ Thiên Thừ, em Đỗ Khắc Chung lại được lệnh vua Trần lên đường đi sứ Nguyên7.

        Vua Trần đã cho Si-rê-ghi và một số tù binh được trở về nước trước. Si-rê-ghi tuy là đại quý tộc nhưng chỉ là một tên tù bị đi đày vì đã tham gia vào nhóm tông vương chống lại Hốt Tất Liệt8. còn những tên tướng lợi hại khác đã gây ra nhiều tội ác đẫm máu trong cuộc chiến tranh vừa qua như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đều còn bị bắt giữ9.

        Sau khi các sứ giả của vua Trần đến Trung Quốc, ngày Kỷ Hợi, 18 tháng 11 năm Mậu Tý (12/12/1288), Hốt Tất Liệt cử một sứ bộ sang Đại Việt10. Sứ bộ này gồm có viên đề hình án sát sứ đạo Sơn Bắc Liêu Đông là Lưu Đình Trực, viên Lễ bộ thị lang Lý Tư Diễn, viên Binh bộ lang trung Vạn Nô11. Ngoài ra còn có một số tên Mông Cổ khác như Tang-gu-tai (Tang’utai), Kha-xa (Qasar), Ông-ghi-ra-đai (Onggiradai) 12. Viên tham nghị trung thư Từ Minh Thiện cũng tham dự sứ bộ này13. Bọn chúng đưa đoàn sứ của vua Trần do Nguyễn Nghĩa Toàn cầm đầu đã bị bắt giữ trước đây tất cả là 24 người về nước. Ngày 26 tháng 11 năm Mậu Tý (20/12/1288), sứ bộ Nguyên xuất phát và đến Thăng Long ngày 28 tháng 2 năm Kỷ Sửu (21/3/1289) 14.

        Bọn Lưu Đình Trực, Lý Tư Diễn đến Đại Việt lần này mang theo hai yêu sách của Hốt Tất Liệt. Thứ nhất là đòi vua Trần vào chầu. Trong tờ “chiếu” của Hốt Tất Liệt đề ngày tháng 12 năm Chí Nguyên 25 (25/12/1288 – 22/1/1289) mà bọn sứ Nguyên mang đến có đoạn “Nếu quả do lòng thành thì sao không tự mình đến mà bày tỏ, sao lại hễ nghe sai tướng sang đánh thì lo trốn tránh, hễ thấy quân rút về thì lại đánh tiếng vào cống… Ngươi thử nghĩ nếu cứ sống lẻn lút trên non dưới biển, ngày nào cũng lo quan quân kéo đến thì sao bằng vào khuyết đình chịu mệnh để hưởng sung sướng. Trong hai chước đó, chước nào hay chước nào dở?... Nếu ngươi sửa soạn đồ đạc sang ngay, đủ rõ nghĩa bề tôi, thì trẫm sẽ tha hết tất cả các tội lỗi trước kia, phục hồi các tước phong cũ. Nếu còn chần chừ không quyết thì hãy nên sửa sang thành quách, rèn luyện giáp binh, tùy ý ngươi muốn làm gì thì làm để chờ trẫm cất quân đi…”.

----------------
1.    Nguyên sử q. 117 Thiếp Mộc Nhi Bất Hoa truyện. Thiếp Mộc Nhi Bất Hoa tức Tê Mua Bu Kha (Tämür Buqa), con thứ tư của Thoát Hoan.

2.   Nguyên sử q. 131 Áo Lỗ Xích truyện.

3.   Theo Thiên Nam hành ký của Từ Minh Thiện, bản trong Thuyết phu t 6a, Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 14b-15a chép: “Ngày Canh Thìn (tháng 4, Chí Nguyên 25) (27/5/1288), quốc vương An Nam là Trần Nhật Huyên (tức Thánh Tông - T.G) sai trung đại phu Trần Khắc Dụng đến cống phương vật An Nam chí lược q. 14 Trần thi khiển sứ có chép: “Năm Chí Nguyên Mậu Tý (1288), mùa xuân, Trấn Nam vương rút quân về, thế tử sai quan cận thị là Lý Tu, Đoàn Khả Dung cống phương vật tạ tội”. Không rõ sứ bộ này đi vào tháng nào, có cùng một lúc với Trần Khắc Dụng hay không?

4.   Vua Trần cố ý nhắc đến tờ chiếu của Hất Tất Liệt năm 1261 nói rằng đã cấm biên tướng tự tiện xâm lược Đại Việt. Ở đây, vua Trần quy tội cho A-ric Kha-y-a nhưng thực ra là muốn chỉ sự bội ước của Hất Tất Liệt.

5.   Thiên Nam hành ký, bản Thuyết phu, t. 1a - t. 2a.

6.   Thiên Nam hành ký, bản đã dẫn, t. 2a-t. 2b.

7.   Toàn thư q. 5, t. 56a.

8.   Về Si-rê-ghi (Širägi), xem chú thích ở Chương VII.

9.   Trong số những viên tướng Nguyên bị ta bắt giữ, có tên quan giữ văn thư dưới quyền Ô Mã Nhi là Lý Thiên Hựu trốn thoát. Theo bài bia Lý Thiên Hựu do Tô Thiên Tước soạn thì sau trận Bạch Đằng, “bọn hầu (chỉ Lý Thiên Hựu - T.G) bị bắt, liền cắt ngắn tóc hoặc không cho ăn, lăng nhục khốn khổ muôn phương… Lâu rồi việc canh phòng hơi nới lỏng, hầu thoát được trốn về, ngày ẩn đêm đi, nhặt hạt cây cỏ để ăn, mấy ngày mới đến được đất ta (chỉ Trung Quốc - T.G)”. (Xem Cố thừa sự lang Tượng sơn huyện doãn Lý hầu mộ bi trong Từ khê văn cảo q. 18).

10.   Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 7a.

11.   Theo Nguyên sử q. 15 Bản kỷ t. 7a. An Nam chí lược q. 2, Thiên Nam hành ký. t. 3b-4a. Vạn Nô là một cái tên Mông Cổ hay Nữ Chân. Nguyên sử ngữ giải ghi âm là (Vannu) nhưng sách đó cũng không hiểu nghĩa là gì. Chúng tôi cho rằng cái tên này có gốc Trung Quốc. Trong Liêu sử Kim sử, Nguyên sử có nhiều tên có chữ nô ở sau như Vạn Nô, Vạn Gia Nô, Thiên Gia Nô. Bách Gia Nô, Thiên Hạ Nô, Lý Gia Nô, Vương Gia Nô, Phật Gia Nô, Quan âm Nô, La Hán Nô… (xem Tam sử đồng danh lục của Uông Huy Tô). Vạn Nô có lẽ cũng như Vạn Gia Nô “kẻ nô tì của muôn nhà” (Lý Gia Nô là “nô tì nhà họ Lý”, Thiên Hạ Nô là “nô tỳ của thiên hạ), Phật Gia Nô “nô tỳ của nhà Phật”, Quan âm Nô là “nô tỳ của đức Phật Quan Âm”…). Vì thế chúng tôi không khôi phục lại cách đọc Mông Cổ.

12.   Theo tờ chiếu của Hốt Tất Liệt tháng 12 năm Chí Nguyên 25 (15/12 – 22/1/1288) chép trong An Nam chí lược q. 2 và Thiên Nam hành ký t. 3a. Tang’utai tài liệu trên phiên âm là Đường Ngột Đải. Qasar là Cáp Tán Lạt và Onggiradai là ứng Cát Lạt Đải.

13.   Xem Thiên Nam hành ký của Từ Minh Thiện và Xuyết canh tục của Đào Tông Nghi đời Nguyên, q. 4, t. 11b.

14.   Thiên Nam hành ký, bản đã dẫn, t. 4b.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM