Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:52:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến dịch tiến công Đường số 9 - Khe Sanh - Xuân - Hè 1968  (Đọc 11160 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 08:57:12 am »


        4. Trong điều hành chiến dịch chưa tạo và nắm thời cơ đánh trận then chốt

        Một phần rất quan trọng của việc điều hành chiến dịch là phải tạo ra, nắm chắc thời cơ tiến hành các trận then chốt và đánh thắng địch trong các trận then chốt đó. Thông thường mỗi đợt của chiến dịch có 1, 2 trận then chốt.

        Lẽ ra trong đợt 1 và đợt 2 chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh phải tạo ra được thời cơ bắt địch lên tăng viện. Trong 2 đợt này, ta đánh trận Hương Hoá, sau 17 ngày mới đánh trận Làng Vây; sau trận Làng Vây gần 1 tháng mới thực sự vây lấn tiến công Tà Cơn (trong tháng 2-1968 thực chất mới là bao vây). Các trận đánh trên đều có tác dụng nhất định, nhưng các trận đó, cách xa nhau quá và cũng không tạo ra được tình huống quan trọng nào của chiến dịch, không có tác dụng chuyển hoá thế chiến dịch, nên cũng chưa thành trận then chốt. Vì vậy ta không kéo được viện binh lớn lên Khe Sanh theo đúng yêu cầu của chiến dịch về thời gian.

        Trong đợt 3, trận then chốt đáng lẽ phải là trận diệt cho được 1-2 tiểu đoàn Mỹ ra giải toả. Nhưng đợt 3, tuy ta đánh rất nhiều trận nhưng đều là các trận nhỏ, đơn vị nào có điều kiện thì đánh, không hình thành một trận then chốt của chiến dịch.

        Trong đợt 4, đáng lẽ phải có trận then chốt quyết định đánh vào đội hình chính của địch lúc rút lui. Nhưng ta chỉ đánh vào bộ phận phía sau và bảo vệ sườn của chúng nên cũng không hình thành được trận then chốt nào.

        Nói tóm lại, vì không có các trận đánh then chốt nên chiến dịch kéo dài, ít hiệu quả, phối hợp chiến trường chưa thật tốt. Trong cả chiến dịch tuy có tiêu diệt được nhiều địch, nhưng không có nhiều trận diệt gọn 1 tiểu đoàn địch (trừ tiểu đoàn biệt kích nguỵ ở Làng Vây), chưa tạo nên biến động tình huống chiến dịch, đẩy chiến dịch phát triển thuận lợi đến điểm nút thắng lợi quyết định. Đó là do thiếu sót điều hành chiến dịch chưa xác định rõ, chưa tập trung tinh lực chỉ đạo và cũng chưa tập trung đủ sức mạnh cần thiết cho các trận then chốt chiến dịch.

        Trong thực tiễn chiến tranh, nhiều chiến dịch thường được chuẩn bị trước, nhưng cũng không ít chiến dịch nẩy sinh trong quá trình tác chiến do đòi hỏi của tình huống chiến lược. Những chiến dịch đó phải tiến hành trong điều kiện thời gian chuẩn bị gấp hoặc không có thời gian chuẩn bị sẵn trước, có tình huống vừa tác chiến vừa tiến hành chuẩn bị kế hoạch, vừa cơ động lực lượng, vừa hoàn thiện các mặt bảo đảm chiến dịch. Trong điều kiện đó càng đòi hỏi nghệ thuật chiến dịch phải thể hiện sự tập trung chỉ huy đánh thắng cho được trận đầu mang tính chất then chốt- để tạo thế, tạo thời cơ, hình thành mối liên kết các trận đánh và đánh thắng bằng được các trận đánh lớn then chốt.

        Chưa làm được những vấn đề ấy thì kết quả chiến dịch dù bằng con số thống kê diệt địch lớn và đáng tin cậy tới đâu cũng không vượt khỏi tính chất của một đơn vị chiến lược mà thôi. Đây là mặt hạn chế nhất của chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ yếu nhất là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là Mỹ; diệt gọn môt số đơn vị Mỹ như yêu cầu đề ra, coi đó là biện pháp hàng đầu để thu hút lực lượng lớn quân Mỹ lên rừng núi tây Đường số 9, kìm giữ lâu dài chúng ở đó, phối hợp đắc lực với chiến trường toàn Miền.

        5. Tổ chức chỉ huy thiếu vững chắc, thiếu liên tục

        Tổ chức chỉ huy chiến dịch phải bảo đảm tính vững chắc, liên tục, kịp thời, luôn giữ vững được hiệp đồng… Trong chiến dịch tiến công, luôn nắm chắc các binh đoàn tác chiến phía trước, nắm chắc mọi diễn biến chiến dịch; nhất là các tình huống then chốt (trận then chốt); bảo đảm an toàn, bí mật.

        Trong chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh, sở chỉ huy chiến dịch bố trí tại Sat-li [62- 66] (bản đồ tỉ lệ: 1/100.000 do Cục Bản đồ Bộ Tổng tham mưu Việt Nam in lần thứ 2 năm 1964).

        Từ sở chỉ huy chiến dịch theo đường thẳng đến sở chỉ huy sư đoàn 304 (ở nam Khe Sanh) có cự ly chừng 30 km, đến sở chỉ huy sư đoàn 320 (ở bắc huyện lỵ Cam Lộ) thì cự ly khoảng 45 km. Khi sử dụng thông tin vận động hoặc phái viên mặt trận xuống các sư đoàn phía trước phải mất nhiều thời gian.

        Thiết bị sở chỉ huy lại sơ sài và để lộ, nên thời gian đầu, sở chỉ huy chiến dịch bị máy bay B.52 oanh tạc phải di chuyển; các sư đoàn phía trước mất liên lạc với sở chỉ huy chiến dịch trong một thời gian, việc thiếu chỉ huy đó có ảnh hưởng đến hành động của các hướng chiến dịch.

        Thực tế ở trên cho thấy: việc tổ chức chỉ huy trong chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh chưa phù hợp với yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, thời gian tác chiến dài, chiến trường rộng… Trái lại, tổ chức chỉ huy chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh phần nào vẫn mang dáng dấp cách tác chiến phân tán (khoán cho từng hướng), chỉ huy rời rạc, không liên tục và có lúc thiếu kiên quyết…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 08:59:33 am »

        
KẾT LUẬN

        Chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh có những thành công nhất định, đồng thời cũng còn nhiều nhược điểm. Nhìn chung cả quá trình chiến dịch, ta có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

        1. Chọn chiến trường Đường số 9 - Khe Sanh mở một mặt trận mới và lớn để phối hợp với các chiến trường trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đúng. Nó có ý nghĩa chiến lược về phối hợp chiến trường và có điều kiện thuận lợi để tổ chức chiến dịch hợp đồng binh chủng lớn có khả năng giành thắng lợi và đưa trình độ tác chiến lớn của bộ đội ta lên một bước mới.

        2. Ta đã chọn hướng tiến công chủ yếu đúng nên đã hạn chế được sứ mạnh tác chiến ở rừng núi, đồng thời phát huy được sở trường tác chiến ở rừng núi của bộ đội ta. Ta đã khắc phục được địa hình hiểm trở để cơ động binh khí kỹ thuật, tạo điều kiện đánh hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt được nhiều sinh lực Mỹ.

        3. Phương châm chỉ đạo chiến dịch được xác định đúng- một nội dung cơ bản trong quyết tâm tác chiến chiến dịch- là vấn đề quan trọng chỉ đạo phương pháp tác chiến, công tác tổ chức và bảo đảm chiến dịch tốt.

        4. Trong chiến dịch tiến công, việc thực hành tiến công liên tục là một nguyên tắc cơ bản nhất, vì chỉ có tiến công liên tục mới giành được thắng lợi triệt để. Muốn vậy, phải biết vận dụng nhiều phương pháp tiến công, chuyển hoá linh hoạt từ cách đánh này sang cách đánh khác, sao cho phù hợp với trạng thái địch lúc đó, bảo đảm đánh nhanh diệt gọn. Tiến công quân địch ngoài công sự có nhiều thuận lợi, nhưng lại phải chuẩn bị khả năng tiến công quân địch trong công sự vững chắc, mới tạo điều kiện đánh địch ngoài công sự. Thành phần tiến công trận địa trong các chiến dịch lớn ngày càng cao, nhất là trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Do đó, quân đội ta đã giỏi đánh quân địch đang cơ động hoặc tạm dừng, đồng thời cũng phải đủ khả năng đột phá phòng ngự vững chắc của kẻ thù khi cần thiết. Có thế mới nhanh chóng phá vỡ trận địa của địch, thu hẹp sự chiếm đóng của địch- mở rộng vùng giải phóng của ta.

        5. Trong chỉ huy điều hành các bước tác chiến chiến dịch, trong đó có nội dung chuẩn bị lực lượng để đánh những trận then chốt là một yêu cầu quan trọng của nghệ thuật chỉ huy thực hành chiến dịch. Có đánh được những trận then chốt mới giành được thắng lợi quyết định cho chiến dịch. Trong chiến tranh hiện đại, sức cơ động của quân địch rất cao, do đó tình huống diễn biến trong quá trình chiến dịch cũng rất khẩn trương. Có tình huống xuất hiện mà ta đã dự kiến được, nhưng cũng có tình huống xảy ra ngoài dự kiến của ta. Do đó, muốn đối phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra thì yêu cầu chỉ huy chiến dịch phải có lực lượng dự bị đủ sức giải quyết những tình huống đó… Không nên tác chiến một thê đội và cũng không nên sử dụng đội dự bị “lưỡng tính" như sử dụng trung đoàn 52 ở hướng đông trong đợt 1 của chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh. Và để khắc phục về cơ động của lực lượng dự bị trên địa hình rừng núi, có thể bố trí triển khai lực lượng dự bị trên cả 2 hướng (có trọng điểm) để khi có thời cơ là chuyển đội dự bị vào chiến đấu được ngay. Có như vậy, điều hành chiến dịch mới nhịp nhành, luôn tăng cường sức đột kích cho phía trước, đánh được nhiều trận kế tiếp hoặc đồng loạt, liên tục giữ vững tốc độ tiến công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 09:01:04 am »


        6. Về công tác tổ chức chiến dịch, cần chú trọng đánh nhiều thời gian để có điều kiện chuẩn bị được chu đáo. Có chuẩn bị chu đáo mới có thể đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục, nhất là trận then chốt quyết định. Nhưng mặt khác, phải biết chuẩn bị tác chiến nhanh, nhất là cấp chiến thuật, như vậy mới đáp ứng được đòi hỏi của chiến tranh hiện đại.

        Tại Hội nghị khoa học (đợt III) tổng kết lại các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ (tháng 3/1986), trong bài phát biểu kết luận Hội nghị, về chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh Xuân- Hè 1968, đồng chí Đại tướng Hoàng Văn Thái đã phân tích như sau:

        “Ở hướng này (hướng Đường số 9 - Khe Sanh) nếu chỉ nói từ Tết Mậu Thân sẽ không đủ, mà phải đánh giá từ chủ trương chiến lược rất tài giỏi của Bộ Chính trị kéo quân Mỹ ra và kìm chúng lại trên Đường số 9 từ trong năm 1966 - 1967.

        Trước hết, cần khẳng định chủ trương kéo địch ra Đường số 9- Khe Sanh trong thời điểm lúc đó là rất đúng đắn và sáng suốt về chiến lược.

        - Ta đã buộc Mỹ phải đưa sư thuỷ quân lục chiến và sau này cả sư kỵ binh bay lên vùng rừng núi, theo ý định của ta, căng địch ra, thu hút địch và kìm chân địch lại mà tiêu diệt, tiêu hao chúng, buộc địch có trang bị hiện đại phải kéo nhau lên rừng núi và phải đánh theo ý định của ta, để Đường số 9 phối hợp với chiến trường toàn Miền trong năm 1967 và 1968.

        - Ta đã làm cho Mỹ thấy, dù quân chúng đông, nhưng không những ta vẫn có khả năng tiếp tục đánh nhỏ, đánh du kích mà còn có khả năng đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng. Trong quá trình diễn biến, Mỹ đã rất lo Khe Sanh có thể giống như Điện Biên Phủ thứ 2. Bọn tướng tá Mỹ đã phải ký cam kết giữ Khe Sanh với Tổng thống Mỹ.

        - Ta đã tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực Mỹ- nguỵ (hàng ngàn tên bị diệt, hàng trăm xác xe các loại bị phá…) làm cho chúng không thể chịu nổi và cuối cùng (sau hơn 170 ngày đêm bị vây hãm) phải rút chạy khỏi Khe Sanh. Đó là một thất bại lớn về chiến lược của địch, góp phần vào thắng lợi rất lớn về chiến lược của ta, trong Xuân 1968.

        - Đến tháng 7 năm 1968, ta đã giải phóng được một địa bàn chiến lược quan trọng, phía tây Đường số 9 (Quảng Trị), tạo điều kiện mở rộng đường vận chuyển chiến lược Bắc- Nam, góp phần vào thắng lợi chiến dịch phản công Đường số 9- Nam Lào năm 1971 và chiến dịch tiến công Trị- Thiên năm 1972 sau này.

        Giành thắng lợi lớn như vậy là do:

        - Chủ trương chiến lược mở mặt trận Đường số 9 của Đảng ta rất đúng đắn, sáng suốt, là một trong những nét xuất sắc của nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị trong chiến tranh cách mạng miền Nam nói chung, trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1968 nói riêng.

        - Ta đã tìm ra nhiều cách đánh khác nhau trong những điều kiện rất ác liệt, khó khăn, phục kích, đánh vây hãm, vây lấn, đánh tiêu hao địch bằng hoả lực, rất dũng cảm và mưu trí từ lúc kéo Mỹ phải lên rừng cho đến khi buộc chúng phải rút chạy (về chiến thuật, cần tổng kết kỹ hơn các trận đánh).

        - Quân và dân ta trên chiến trường này rất anh dũng và sáng tạo, khắc phục nhiều khó khăn, liên tục tiến công quân địch, tạo thế mới, thông vào chiến trường Trị- Thiên- Huế.

        - Khi đánh giá thất bại của quân Mỹ trong Tết Mậu Thân, Kít- xinh- giơ đã phân tích sai lầm của Giôn- xơn, Oét- mô- len là đã điều 94% lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ lên những mới chỉ chiếm 4% số dân miền Nam ở vùng rừng núi, trong đó có chiến trường Đường số 9. Kít- xinh- giơ cho rằng Hà Nội đã chơi trò “người đấu bò”, lừa con bò tó Mỹ ra ngoài vòng, rồi dùng lực lượng quân sự của họ bất thần đánh ập vào các đô thị phía trong là nơi Mỹ có sơ hở, làm cho Bộ chỉ huy Mỹ không kịp trở tay. Cho nên chúng ta phải gắn tác dụng của chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh trong tổng thể cuộc tiến công chiến lược vào các đô thị- trung tâm đầu não phía trong của địch- với đòn tiến công của chủ lực ta ở vòng ngoài trên chiến trường rừng núi được lựa chọn sẵn (Đường số 9- Khe Sanh, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ) mới thấy hết ý nghĩa thắng lợi của nó.

        Chúng ta đã kéo thêm được địch ra Đường số 9, không chỉ có lính thuỷ đánh bộ Mỹ, mà sau này (từ ngày 1- 4- 1968) cả sư đoàn kỵ binh bay, quân ta đã vây hãm quân Mỹ hơn 170 ngày đêm ở đó. Đương nhiên, nếu ở Đường số 9- Khe Sanh ta đánh khá hơn thì thắng lợi còn lớn hơn và hình thái phát triển chung của cuộc tiến công chiến lược sẽ phát triển tốt hơn nữa.

        Những mặt còn hạn chế và những bài học kinh nghiệm quý:

        - Ta chưa tạo được điều kiện diệt gọn vài tiểu đoàn Mỹ như ý định đề ra lúc đầu.

        - Lực lượng được chỉ định ở hướng chính, thường bị thay đổi luôn, không ổn định (f325 mới vào chiến trường tháng 12- 1967 đến tháng 3- 1968 phải điều vào Tây Nguyên).

        - Do phải tính đến khả năng khởi nghĩa thuận lợi ở Huế cần tiếp ứng kịp thời và đề phòng khả năng địch dùng bộ binh đánh ra nam Khu 4, nên sử dụng lực lượng trên 2 hướng đông- tây có phần dàn đều (mỗi hướng đều có 2 sư đoàn, nhưng hướng chính là phía tây, lực lượng lại bị thay đổi luôn).

        - Tuy có ý định đánh lớn từ sớm, nhưng việc thiết bị chiến trường, chuẩn bị các điều kiện cho một chiến trường đánh lớn- trước hết là đường cơ động- còn chậm, đơn giản, cập rập.

        - Công tác chỉ huy cũng như việc tổ chức sở chỉ huy còn đơn giản, sơ sài, chủ quan; không lường hết được những tình huống phức tạp, không giữ được bí mật để địch dùng máy bay B.52 đánh phá dữ đội vào cơ quan chỉ huy chiến dịch.

        - Đặc biệt, khi chuẩn bị cuộc tiến công Tết Mậu Thân đã có dự kiến trước, đáng lẽ tổ chức chỉ huy phải gắn chặt chiến trường Đường số 9- Khe Sanh trên hai hướng tây- dông và chiến trường Huế để có thể phối hợp chặt chẽ hơn và phát huy cao hơn sức mạnh tổng hợp của một chiến trường thống nhất, trên một hướng chiến lược quan trọng.

        Đây là những vấn đề về nghệ thuật tổ chức và thực hành một chiến dịch lớn có nhiệm vụ nặng nề, đề nghị cần được sưu tầm đầy đủ tài liệu, rút kinh nghiệm sâu sắc hơn nữa…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 09:07:08 am »

      
        PHỤ LỤC I

        Cuộc hành quân giải toả Khe Sanh của sư đoàn 1 kỵ binh bay Mỹ và chiến đoàn 3 dù nguỵ (1/4-  cuối tháng 4/1968)

        Lực lượng hành quân giải toả gồm có:

        - Bộ phận giải vây: 12 tiểu đoàn bộ binh (trong đó có 9 tiểu đoàn kỵ binh không vận Mỹ và 3 tiểu đoàn của chiến đoàn 3 nguỵ).

        - Bộ phận tại chỗ (phòng ngự Khe Sanh): 7 tiểu đoàn (trong đó có 6 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ và 1 tiểu đoàn biệt động nguỵ).

        (Trong quá trình địch bị bao vây trong cụm cứ điểm Tà Cơn, chúng được tăng cường thêm 2 tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến).

        - Bộ phận chi viện và bảo đảm gồm có: 3 tiểu đoàn pháo binh (thiếu) của sư đoàn 1 kỵ binh và chiến đoàn 3 dù, 3 tiểu đoàn pháo binh của lực lượng phòng ngự Tà Cơn; 1 tiểu đoàn máy bay lên thẳng vũ trang của sư đoàn 1 kỵ binh Mỹ có 40 chiếc. (3 đại đội mỗi đại đội có 13 chiếc, 1 chiếc của tiểu đoàn trưởng); có một bộ phận thiết giáp của thuỷ quân lục chiến và khoảng 2 tiểu đoàn công binh. Ngoài ra còn được hoả lực pháo binh và không quân chi viện. Cuộc hành quân hỗn hợp này, lấy mật danh là cuộc hành quân “Ngựa bay” và “Lam Sơn 207” đặt dưới quyền chỉ huy của hai tên tướng Mỹ Rốt- sơn và Guýt- man.

        Địch giải toả Khe Sanh nhằm mục đích: giải toả áp lực của ta ở xung quanh cụm cứ điểm Tà Cơn, đẩy lực lượng ta ra xa để bảo đảm cho máy bay vận tải loại lớn (C- 130) có thể lên xuống an toàn, giải quyết khâu tiếp tế bổ sung, nối liền Khe Sanh với hậu phương địch bằng đường bộ, đồng thời chuẩn bị cho cuộc rút bỏ Khe Sanh sau này: thay quân phòng giữ Khe Sanh; gây tiếng vang về chính trị nhằm mục đích tuyên truyền lừa bịp về sức mạnh tiến công của quân Mỹ.

         Cuộc hành quân giải toả Khe Sanh của địch chia làm 3 bước.

        - Giải toả giao thông (1- 6/4).

        - Nới rộng vòng vây (7 – 14/4).

        - Thay quân (15/4 - cuối tháng 4/1968).

        PHỤ LỤC II

        I. Số lượng pháo của ta tham gia chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh


       II. Pháo và cối trong biên chế của bộ binh

        1. Sư đoàn bộ binh 304 và 320

        -  Cối 82: 54 khẩu

        -  ĐKZ 82: 18 khẩu

        -  Súng máy cao xạ 12,7 mm: 63 khẩu.

        2. Sư đoàn bộ binh 325

        -  Cối 82: 35 khẩu

        -  ĐKZ: 4 khẩu

        -  Cối 120: 4 khẩu

        Ghi chú: Có một số đơn vị như: eBB27, 270, 246, fBB 308 và eBB1, eBB 3 thuộc 324 cũ chưa thống kê được số lượng pháo, cối tham gia trong chiến dịch Đường số 9- Khe Sanh.

        III. Số lượng đạn tiêu thụ

        A- Hướng tây


        B- Hướng đông (15- 1- 31- 3- 1968)

        1.342 viên 152 mm    4.216 viên 85 mm    303 viên H12

        3.638 viên 130 mm    1.387 viên sơn pháo    610 viên cối 120 mm

        2.817 viên 105 mm    1.510 viên A12       3.106 viên cối 82 mm

        2.521 viên 100 mm    475 viên ĐKB       154 viên ĐK

        Tổng cộng: 22.069 viên đạn các loại.

HẾT


« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tám, 2016, 09:16:15 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM