Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:32:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV  (Đọc 24460 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 11:55:53 pm »

        - Tên sách: Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV
        - Tác giả: Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Đình Sỹ
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân
        - Năm xuất bản: 2006
        - Số hoá: ptlinh
        - Hiệu đính: Giangtvx

LỜI CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

        Ông cha ta đã có truyền thống chống ngoại xâm vô cùng oanh liệt, để lại kho tàng kinh nghiệm đánh giặc, giữ nước hết sức phong phú, quý báu. Chúng ta đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử chiến tranh chống xâm lược, về tư tưởng, nghệ thuật quân sự, về cách đánh giặc độc đáo, sáng tạo của dân tộc. Riêng về lĩnh vực “Binh chế” theo quan niệm của người xưa, bao gồm tất cả chế độ về việc binh của một quốc gia, từ tổ chức, tuyển binh, luyện quân, trang bị, bảo đảm hậu cần, quản lý, chỉ huy lực lượng vũ trang thời chiến, thời bình thì chưa có nhiều tác phẩm đi sâu nghiên cứu.

        Tôi hoan nghênh Viện Lịch sử quân sự đã tổ chức nghiên cứu biên soạn cuốn binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV: Đây là kết quả tốt bước đầu. Tôi mong Viện Lịch sử quân sự các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ thời đại Đại Việt mà toàn bộ binh chế suốt cả quá trình lịch sử của dân tộc ta, một bộ phận quan trọng của nền quân sự Việt Nam, của học thuyết quân sự Việt Nam, để có nhận thức sâu sắc, toàn diện hơn truyền thống quân sự của dân tộc, qua đó rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.


Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2006        
         
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP            


LỜI GIỚI THIỆU

        Nước Việt Nam trong kỷ nguyên Đại Việt (thế kỷ XI - XV) là một quốc gia cường thịnh nổi tiếng trong vùng với bao kỳ tích trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bên cạnh các thành tựu lớn lao trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nhân dân ta còn xây dựng được một nền quốc phòng vững mạnh và lập nên những chiến công hiển hách trên lĩnh vực chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Thành công đó chứng tỏ ông cha ta thời bấy giờ đã có những kế sách hay, những phương lược giỏi trong lãnh đạo đất nước, đồng thời đã xây dựng nên một Binh chế tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh của mình.

        Binh chế là chế độ quân sự của quốc gia; là chủ trương, chính sách, quy chế của Nhà nước đối với việc binh; trong đó chủ yếu là vấn đề tổ chức biên chế, trang bị, huấn luyện, chỉ huy của lực lượng vũ trang, của quân đội. Đó là những nội dung hết sức quan trọng tạo nên sức mạnh quân sự - quốc phòng của đất nước trong các thời đại. Việc xây dưng sức mạnh quân sự - quốc phòng ở nước ta thời Lý, Trần và Lê Sơ đặc biệt được coi trọng. Phép tổ chức "Thập đạo quân” và chủ trương gắn "việc binh" với "việc nông" của các triều Đinh và Tiền Lê từ thế kỷ thứ X được phát triển thành chính sách “Ngụ binh ư nông" trong các thế kỷ sau. Một mô hình tổ chức các lục lượng vũ trang độc đáo của Nhà nước Đại Việt đã sớm xuất hiện và nhanh chóng được kiện toàn gồm quân triều đình, quân địa phương ở các lộ, các đạo và hương binh trong các thôn xã. Phương thức dựa vào dân để xây dựng quân đội, dựa vào dân để động viên nhân lực, vật lực, kết hợp giữa nhà nước và nhân dân trong việc đảm bảo hậu cần, trang bị cho quân đội luôn luôn là một phương thức đúng đắn và thích hợp ở nước ta. Chế độ và hình thức tổ chức quân sự ưu việt ấy phù hợp với sự cần thiết phải dựa vào sức mạnh của cả dân tộc để bảo vệ đất nước, làng bản; nó càng phù hợp với điều kiện nước ta lúc bấy giờ mới thoát khỏi ách đô hộ hơn một ngàn năm của phong kiến phương Bắc, đang vừa phải tập trung sức xây dựng đất nước vừa phải khẩn trương chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với mưu đồ xâm lược của ngoại bang. Những chê độ quân sự đó là cơ sở, nền tảng tạo nên một nền nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân chống xâm lược ở Việt Nam.

        Nghiên cứu Binh chế Việt Nam trong lịch sử, nhất là những thời kỳ thịnh vượng, những giai đoạn mà quân đội và nhân dân cả nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như giai đoạn từ thiên kỷ XI - XV để rút ra những bài học lịch sử là rất cần thiết đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

        Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề Binh chê và mong muốn góp phần "nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn truyền thông quân sự dân tộc”, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn công trình Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV. Tính đền nay Viện đã công bố hàng trăm công trình sử học quân sự, góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu khoa học và phổ biên tri thức lịch sử quân sự. Tuy nhiên, mảng đề tài về Binh chế vẫn còn mới mẻ; số công trình thuộc lĩnh vực này chưa có nhiều, nhất là trong các giai đoạn xa xưa của lịch sử dân tộc. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do quá khan hiếm về sử liệu. Sắp tới bộ, Lịch sử quân sự Việt Nam (14 tập) hoàn thành sẽ góp phần bù đắp mảng trống lịch sử này.

        Nhân dịp cuốn Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV ra mắt bạn đọc Viện Lịch sử quân sự Việt Nam xin chân thành cảm ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho ý kiến chỉ đạo và có lời mở đầu quý giá cho cuốn sách. Cảm ơn các nhà khoa học đã đọc và đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng công trình. Cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã cộng tác xuất bản cuốn sách này.

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2006        
VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 11:59:46 pm »

         
MỞ ĐẦU

        Nước ta từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV với tên gọi Đại Việt, trải qua các triều Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ, là một quốc gia thịnh vượng trong vùng Đông Nam Á. Bên cạnh các thành tựu lớn lao trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, nhân dân ta còn xây dựng được một nền quốc phòng vững mạnh và lập nên những chiến công thần kỳ trên lĩnh vực chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Thành công đó cũng thể hiện tính ưu việt của một Binh chế mà tổ tiên ta qua các triều đại trên đã xây dựng nên, đã kế thừa, phát triển và vận dụng có hiệu quả trong điều kiện của mình. Vì thế, nghiên cứu Binh chế của nước Đại Việt trong giai đoạn này là điều cần thiết, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

        Nghiên cứu Binh chế thế kỷ XI - XV nhằm góp phần tìm hiểu sâu về chế độ quân sự các triều đại - một nội dung quan trọng của khoa học Lịch sử quân sự; làm sáng tỏ thêm một nguồn sức mạnh giữ nước của dân tộc, thấy rõ tổ tiên ta từ sớm đã rất quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực xây dựng quân đội và các lực lượng vũ trang khác ,thực hiện tốt cả nhiệm vụ canh phòng và nhiệm vụ xây dựng đất nước; đồng thời nghiên cứu Binh chế cũng là tìm hiểu phương thức huy động lực lượng quân sự để đánh thắng các kẻ thù to lớn, có quân đội đông một khi chúng liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược.

        Nghiên cứu Binh chế các triều đại trước, nhất là những thời kỳ thịnh vượng, những giai đoạn mà quân dân cả nước đạt được nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước như giai đoạn từ thế kỷ XI - XV để rút ra những bài học lịch sử là rất cần thiết với nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây đựng nền quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nghiên cứu Binh chế còn có tác dụng góp phần vào nhiệm vụ giáo dục truyền thống quân sự tổ tiên, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm tham gia đóng góp của mỗi người dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Có thể hiểu rằng: Binh chế là chế độ quân sự của một quốc gia, là quy chế của nhà nước về việc binh1. "Việc binh" theo quan niệm xưa gồm cả ý nghĩa quân đội, chiến tranh và quốc phòng. Binh chế có nội dung rộng lớn, bao gồm nhiều mặt: Cơ cấu tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang (chủ yếu là quân đội); chế độ tuyển mộ và động viên quân đội (chế độ binh dịch); cơ chế lãnh đạo, chỉ huy; chế độ trang bị, huấn luyện; cách bố phòng về mặt quân sự; các quy chế về dụng binh, v.v...

        Trong chuyên luận này, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu tất cả các mặt của Binh chế, mới chỉ đi sâu tìm hiểu một số vấn đề chủ yếu trên các lĩnh vực: tổ chức biên chế, chế độ tuyển mộ, quản lý và chỉ huy, trang bị và huấn luyện quân đội nước ta từ thế kỷ XI đến XV, một giai đoạn mà cả dân tộc vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu, đặc biệt là những chiến công trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Giai đoạn này Binh chế nước ta từng bước định hình, phát triển và thể hiện rõ tính ưu việt của nó.

        Đối với vấn đề tổ chức quân sự của Nhà nước Đại Việt từ thế kỷ XI - XV, các sử gia phong kiến Việt Nam là những người đầu tiên nghiên cứu và đề cập đến trong một số tác phẩm của họ. Sử người thời Trần viết hiện còn hai bộ: Việt sử lược của tác giả khuyết danh và An Nam chí lược của Lê Trắc. Việt sử lược là bộ sách nhỏ nhưng quý. Khi viết về lịch sử các triều vua từ đời Lý Chiêu Hoàng (1225) về trước, tác giả đã đề cập một ít về việc chế định quân ngũ các thời Đinh, Tiền Lê và Lý. Sách An Nam chí lược của Lê Trắc hoàn thành năm 1333, đã phản ánh được một số vấn đề về quan hệ Việt - Trung và lịch sử Việt Nam thuở ấy. Lê Trắc vốn là một quý tộc Trần đầu hàng quân Nguyên, mang quan điểm của sử gia phong kiến Trung Quốc đương thời. Ảnh hưởng tư tưởng này đối với Lê Trắc đã thể hiện trong tác phẩm của ông và là nguyên nhân dẫn đến những nhận định thiếu khách quan và xuyên tạc các sự kiện. Tuy vậy, An Nam chí lược có giá trị nhất định, là một nguồn sử liệu đương đại trong điều kiện tư liệu quá hiếm hoi. Qua đó, ta có thể hiểu được khá nhiều hoạt động quân sự của vương triều Trần trong giai đoạn chuẩn bị và tiến hành kháng chiến chống Mông - Nguyên hồi thế kỷ XIII; hiểu thêm một số vấn đề về tổ chức quân sự và một số chính sách của triều Trần đối với quân đội, cũng như trong quan hệ đối nội và đối ngoại.

-----------------
1. Về khái niệm, Binh chế (chữ hán) theo chữ Hán (Trung Quốc) là "binh bị chế độ" hoặc "quốc gia thiết binh nhi chế độ", có nghĩa là các chế độ binh bị, về xây dựng quân đội của một quốc gia. Theo tiếng Pháp, Statut Militaire có nghĩa là các quy chế, luật lệnh, pháp lệnh, pháp quy hay quy ước về quân sự; Organisation militaire có nghĩa là Quân chế, Binh chế.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2016, 12:08:25 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 12:00:41 am »

        Sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu (1230- 1322) viết năm 1272 (nội dung lịch sử từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng) và sách Đại Việt sử ký của Phan Phu Tiên biên soạn năm 1455 (từ Trần Thái Tông đến năm 1427) tuy đã thất truyền nhưng chúng ta có thể thấy hình bóng của nó qua tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt là Toàn thư) là bộ biên niên sử quý giá - và đầy đủ đầu tiên của nước ta. Tác phẩm này phản ánh lịch sử dân tộc từ triều Lê về trước. Tuy các tác giả không đi sâu nghiên cứu Binh chế, song qua những tư liệu và những nhận xét của họ, chúng tôi ít nhiều hiểu được một số khía cạnh về tổ chức quân sự, một số điển chế, luật lệ của các triều đại đối với quân đội. Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử có giá trị nhiều mặt. Tuy nhiên bộ sách này hiện có hai bản dịch khác nhau. Một bản được công bố năm 1967 và một bản khác dịch theo một bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697). Về cơ bản hai bản dịch có nội dung giống nhau, nhưng về chi tiết lịch sử, kể cả lĩnh vực Binh chế có những điểm khác nhau. Do vậy, chúng tôi đã tham khảo, sử dụng tư liệu của cả hai bản và có chú thích rõ ở cuối trang để tiện theo dõi.

        Học giả Lê Quý Đôn (1726-1784) với các tác phẩm tiêu biểu của ông như Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục và Kiên văn tiểu lục đã tập hợp nhiều tri thức khoa học trên nhiều lĩnh vực trong đó có cả lịch sử chiến tranh và tổ chức quân sự các thế kỷ XI - XV, đặc biệt là giai đoạn Lê Sơ ông đã có những khái quát cao trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội và cả những hoạt động quân sự của triều đại mà chúng tôi đề cập. Chúng tôi tham khảo những nhận xét của ông về rmh vực Binh chế, những điều ông so sánh giữa Binh chế Đại Việt và Binh chế Trung Quốc đương thời.

        Sử gia Ngô Thì Sĩ (1726 - 1790) với sách Việt sử tiêu án viết lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến hết thời thuộc Minh (1427) cũng đã đề cập đến một số nội dung về chế độ quân sự của Nhà nước Đại Việt.

        Sang thế kỷ XIX, các sử gia triều Nguyễn của Quốc sử quán đã viết hệ thống biên niên sử Việt Nam trong bộ Việt sử thông giám cương mục. Sách này đã tập hợp nhiều tư liệu, trích dẫn nhiều lời bình xét của các tác giả trước đây, đồng thời nêu lên quan điểm của mình trên một số lĩnh vực của tổ chức quân sự, của Binh chế; riêng về triều Lý, tác giả cho rằng: "Quân hiệu triều Lý chỉ thấy tản mạn trong sách, còn Binh chế ra sao thì không thể khảo xét được"1 (Việt sử thông giám cương mục, chính biên, Tập lV, Nxb Văn Sử Địa, H.1957, tr.83).Các nhà sử học phong kiến và những tác phẩm nói trên tuy mới chỉ đề cập đến vấn đề Binh chế rất hạn hẹp, ít ỏi và tản mạn, nhưng những đoạn tư liệu và những lời bình xét ngắn ngủi của họ về một số khía cạnh của tổ chức quân sự là rất quý giá.

        Có thể nói, ở nước ta, người đầu tiên nghiên cứu Binh chế với tư cách là một đối tượng nghiên cứu chuyên biệt là sử gia Phan Huy Chú (1782-1846). Tác phẩm lớn Lịch triều hiến chương loại chí của ông viết bằng chữ Hán, gồm 49 quyển, trong đó có phần Binh chế chí, đã tập hợp nhiều tư liệu về phương cách tổ chức quân đội và một số nhận định của các sử gia trước nói về quân đội từ thời Đinh đến thời Lê - Trịnh. Tác giả cũng đã nêu lên một ít lời bình xét của mình trên các vấn đề như: Ngạch quân, phép kén chọn, lệ nuôi binh và cấp tuất, cách luyện tập, các điều cấm răn, phép khảo thí và lệ chầu hầu trong quân đội thời phong kiến nước ta. Theo Phan Huy Chú, đó mới chỉ là tra cứu sử cũ và sách xưa còn lại, liệt ra từng loại, chia ra từng điều... để tra xét cho dễ" (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương toại chí. Tập lV, Nxb Sử học, H.1961, tr.6). Ông cho rằng: "Quy chế từ các đời Lý - Trần về trước không xét rõ được. Nay chép từ đời Lê trở xuống, xếp thành điều mục, bày tỏ đại khái một đôi điều để cho đủ những điểm chủ yếu của binh chính"3 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương toại chí. Tập lV, Nxb Sử học, H.1961, tr.6). Vấn đề Binh chế được ông đề cập trong sách chủ yếu từ thời Lê - Trịnh hồi thế kỷ XVIII, các triều đại trước chỉ nêu đơn giản và sơ lược. Tuy nhiên, đây là công trình công phu đầu tiên; những tư liệu và nhất là những lời bình xét của sử gia Phan Huy Chú đã gợi mở cho chúng tôi nhiều điều khi nghiên cứu Binh chế.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2016, 12:10:24 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 12:13:39 am »


        Vào thế kỷ XX, năm 1950, Nhà xuất bản Ngày Mai cho ra mắt cuốn Lược khảo Binh chế Việt Nam qua các triều đại của tác giả Nguyễn Tường Phượng. Trong sách này, quân đội các triều đại phong kiến nước ta được đề cập và bình xét một cách đại cương trên các mặt: Binh chế từ thời Đinh đến nhà Nguyễn, võ khí và võ nghệ, thi cử, trận đồ và tinh thần quân nhân. Tuy nhiên, tư liệu và những đánh giá của Nguyễn Tường Phượng vẫn chưa vượt hơn Phan Huy Chú; các  vấn đề được nêu lên chủ yếu trong thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (thế kỷ XVI - XIX).

        Cùng thời với Nguyễn Tường Phượng có một số nhà nghiên cứu đề cập đến vấn đề tổ chức quân đội như Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt, Hoàng Thúc Trâm trong sách Trần Hưng Đạo, Chu Thiên trong cuốn Lê Thánh Tông, cùng một số tác phẩm lịch sử của Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, v.v... Tuy mức độ đề cập rất ít ỏi chủ yếu về sự nghiệp, võ công và triều chính trong một số triều đại, nhưng các sử liệu mới cũng như đôi lời đánh giá và kết luận của các tác giả về việc binh cũng đã gợi mở cho chúng tôi một số vấn đề.

        Sau năm 1954, nhiều công trình nghiên cứu của giới sử học cả hai miền Nam và Bắc có liên quan đến lịch sử quân sự cổ trung đại, như các sách về lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam do Viện Sử học, ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thực hiện; các sách Cuộc kháng chiên chông xâm lược Nguyên Mông của Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm; Khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn; Triều chính Lê Thánh Tông của Lê Kim Ngân: Quân thuỷ Việt Nam trong lịch sử của Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng; Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng và Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước của Nguyễn Lương Bích; Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiên Trung Hoa xâm lược của Hồng Nam và Hồng Lĩnh (chủ biên); Chính sách ngụ binh ư nông các thời Lý, Trần và Lê Sơ của Nguyễn Anh Dũng, Kế sách giữ nước thời Lý, Trần của Lê Đình Sỹ và Nguyễn Danh Phiệt, v.v... Do tổ chức quân sự là một vấn đề quan trọng nên đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến ở các góc độ khác nhau trong từng thời kỳ, với mục đích làm nổi bật nội dung khoa học của mình. Tuy vậy, riêng vấn đề Binh chế vẫn chưa có ai đi sâu tìm hiểu.

        Gần đây đã xuất hiện một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học như Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Quân sự Quốc phòng toàn dân và một số luận án, luận văn tốt nghiệp của nghiên cứu sinh và sinh viên về một số khía cạnh của tổ chức lực lượng vũ trang Đại Việt; nhưng các tác giả cũng mới phản ánh một số góc độ nhỏ hẹp của Binh chế.

        Tình hình nghiên cứu trên chứng tỏ rằng: cho đến nay, chưa có một công trình chuyên khảo vào nghiên cứu hệ thống về Binh chế Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Những ý kiến nhận định đánh giá nói trên tuy còn ít và ở mức độ khác nhau, nhưng đó là những cơ sở rất tốt, chúng tôi trân trọng tham khảo và phần nào đã kế thừa, phát triển trong công trình chuyên khảo này.

        Nguồn sử liệu mà chúng tôi sử dụng để nghiên cứu gồm cả tư liệu thư tịch có từ các thế kỷ đó và nguồn tư liệu được biên chép trong các thế kỷ sau, trong đó phần lớn là sách sử nước ta và một phần sử sách Trung Quốc cùng một số nước khác có liên quan.

        Sử sách trong nước đề cập đến các hoạt động quân sự của tổ tiên ta không phải là ít, song lượng thông tin, nguồn tư liệu có liên quan đến đề tài lại nghèo nàn, tản mạn và thậm chí trùng lặp hoặc sai lệch nhau. Vì vậy, cần có sự công phu sưu tầm, khai thác, nghiên cứu và chắt lọc thông tin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 12:13:40 am »


        Vào thế kỷ XX, năm 1950, Nhà xuất bản Ngày Mai cho ra mắt cuốn Lược khảo Binh chế Việt Nam qua các triều đại của tác giả Nguyễn Tường Phượng. Trong sách này, quân đội các triều đại phong kiến nước ta được đề cập và bình xét một cách đại cương trên các mặt: Binh chế từ thời Đinh đến nhà Nguyễn, võ khí và võ nghệ, thi cử, trận đồ và tinh thần quân nhân. Tuy nhiên, tư liệu và những đánh giá của Nguyễn Tường Phượng vẫn chưa vượt hơn Phan Huy Chú; các  vấn đề được nêu lên chủ yếu trong thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (thế kỷ XVI - XIX).

        Cùng thời với Nguyễn Tường Phượng có một số nhà nghiên cứu đề cập đến vấn đề tổ chức quân đội như Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt, Hoàng Thúc Trâm trong sách Trần Hưng Đạo, Chu Thiên trong cuốn Lê Thánh Tông, cùng một số tác phẩm lịch sử của Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, v.v... Tuy mức độ đề cập rất ít ỏi chủ yếu về sự nghiệp, võ công và triều chính trong một số triều đại, nhưng các sử liệu mới cũng như đôi lời đánh giá và kết luận của các tác giả về việc binh cũng đã gợi mở cho chúng tôi một số vấn đề.

        Sau năm 1954, nhiều công trình nghiên cứu của giới sử học cả hai miền Nam và Bắc có liên quan đến lịch sử quân sự cổ trung đại, như các sách về lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam do Viện Sử học, ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức thực hiện; các sách Cuộc kháng chiên chông xâm lược Nguyên Mông của Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm; Khởi nghĩa Lam Sơn của Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn; Triều chính Lê Thánh Tông của Lê Kim Ngân: Quân thuỷ Việt Nam trong lịch sử của Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang và Nguyễn Mạnh Hùng; Việt Nam ba lần đánh Nguyên toàn thắng và Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước của Nguyễn Lương Bích; Những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam chống phong kiên Trung Hoa xâm lược của Hồng Nam và Hồng Lĩnh (chủ biên); Chính sách ngụ binh ư nông các thời Lý, Trần và Lê Sơ của Nguyễn Anh Dũng, Kế sách giữ nước thời Lý, Trần của Lê Đình Sỹ và Nguyễn Danh Phiệt, v.v... Do tổ chức quân sự là một vấn đề quan trọng nên đã được các nhà nghiên cứu đề cập đến ở các góc độ khác nhau trong từng thời kỳ, với mục đích làm nổi bật nội dung khoa học của mình. Tuy vậy, riêng vấn đề Binh chế vẫn chưa có ai đi sâu tìm hiểu.

        Gần đây đã xuất hiện một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học như Nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Quân sự Quốc phòng toàn dân và một số luận án, luận văn tốt nghiệp của nghiên cứu sinh và sinh viên về một số khía cạnh của tổ chức lực lượng vũ trang Đại Việt; nhưng các tác giả cũng mới phản ánh một số góc độ nhỏ hẹp của Binh chế.

        Tình hình nghiên cứu trên chứng tỏ rằng: cho đến nay, chưa có một công trình chuyên khảo vào nghiên cứu hệ thống về Binh chế Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Những ý kiến nhận định đánh giá nói trên tuy còn ít và ở mức độ khác nhau, nhưng đó là những cơ sở rất tốt, chúng tôi trân trọng tham khảo và phần nào đã kế thừa, phát triển trong công trình chuyên khảo này.

        Nguồn sử liệu mà chúng tôi sử dụng để nghiên cứu gồm cả tư liệu thư tịch có từ các thế kỷ đó và nguồn tư liệu được biên chép trong các thế kỷ sau, trong đó phần lớn là sách sử nước ta và một phần sử sách Trung Quốc cùng một số nước khác có liên quan.

        Sử sách trong nước đề cập đến các hoạt động quân sự của tổ tiên ta không phải là ít, song lượng thông tin, nguồn tư liệu có liên quan đến đề tài lại nghèo nàn, tản mạn và thậm chí trùng lặp hoặc sai lệch nhau. Vì vậy, cần có sự công phu sưu tầm, khai thác, nghiên cứu và chắt lọc thông tin.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 12:17:44 am »


        Viết về giai đoạn lịch sử từ thế kỷ XI - XV, có khá nhiều sách như Việt sử lược, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Việt điện u linh, Binh thư yếu lược, Hồng Đức bản đồ, Hồng Đức thiện chính thư, Thiên Nam dư hạ tập, Lê triều hội điển, Quốc triều hình luật, Phương đình dư địa chí, Sử học bị khảo; cùng các Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Văn thơ Lý Trần, v.v... Những tác phẩm lịch sử, địa lý, văn hoá - xã hội Việt Nam của các học giả nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Đào Duy Anh... và các bộ sử nêu ở phần trên đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý giá.

        Để nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa Binh chế Việt Nam và Binh chế Trung Quốc giai đoạn thế kỷ XI - XV, chúng tôi tham khảo các mục Binh chí trong Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, những vấn đề có liên quan chủ yếu các giai đoạn từ Tuỳ, Đường đến Minh trong các sách của Trung Quốc như: Nguỵ Tấn Nam Bắc triều sử luận (phần Phủ binh chê độ), Lịch đại binh chế, Trung Quốc quân chế, Trung Quốc cổ đại binh chế, Trung Quốc quân sự kỹ thuật, Hoả dược đích phát minh hoà Tây tuyền, Lịch đại chức quan diên cách sử, Trung Quốc lịch sử tam bách đề, Trung Quốc quân sự bách khoa toàn thư, v.v... (xem phần Tài liệu tham khảo).

        Một số sách nước ngoài với các ngôn ngữ khác nhau có liên quan đã đóng góp thêm một phần tư liệu và nhận định; như tài liệu tiếng Pháp có sách Étude D'histoire d’Annam II, La Géographie Politique de La Enpise d’Annam sous les Lý, les Trần ét les Hồ (XI - XV) của Hen ri Maspéro; tiếng Nga có Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV của A .B.Pôliacốp, Đại cương về lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam của M.A. Sêxcốp, Chế độ phong kiến Việt Nam và vai trò của Hồ Quý Ly trong lịch sử của Maxlốp; tiếng Anh có The development of the Govrment Vietnam in fìfteenth century (Sự phát triển của chính thể Việt Nam thế kỷ XV) của tiến sĩ Giôn Kirimớc Uytmo; tiếng Nhật có Vấn đề quân sự thời Lý, Nghiên cứu lộ chế triều Trần, Thể chế quân sự thời Lê Thánh Tông của Mômôky và Yatakao, v.v...

        Ngoài nguồn tư liệu thư tịch nói trên, chúng tôi tiến hành một số đợt khảo sát thực địa ở một số địa phương nhằm tìm hiểu về một số tướng lĩnh, võ quan, các khu vực đóng quân, luyện tập quân đội, các điền trang thái ấp xưa của một số vương hầu quý tộc thời Trần; đồng thời tìm hiểu thêm các tư liệu khảo cổ học, bi ký và một số thần tích, thần phả từ các địa phương. Chúng tôi tìm hiểu thêm về các hiện vật, di tích về vũ khí, thành trì, một số ảnh tư liệu có liên ở các thư viện, bảo tàng, địa phương hay cơ quan.

        Chúng tôi đã cố gắng trong việc thu thập các nguồn tư liệu hiện có; tập hợp hệ thống, so sánh, đối chiếu các thư tịch và tư liệu điền dã... với mục đích nhằm chắt lọc thông tin để dựng lại chính xác hơn những sự kiện lịch sử các hoạt động của tổ tiên trên lĩnh vực Binh chế trong giai đoạn mà sử liệu rất hạn chế.

        Các nội dung của Binh chế trong chuyên khảo được trình bày theo thứ tự thời gian. Trên cơ sở đó, làm rõ các bước tiến triển của Binh chế, so sánh và rút ra những kết luận trên từng mặt cũng như toàn bộ vấn đề. Theo phương pháp cấu trúc hệ thống, chúng tôi nghiên cứu Binh chế với mối liên hệ cấu trúc trong một chỉnh thể của tổ chức Nhà nước Đại Việt, đồng thời dùng phương pháp biểu đồ và bản đồ khu vực quân sự để thể hiện hệ thống tổ chức quân sự của các triều đại. Chúng tôi không trình bày các nội dung trong chuyên khảo dưới dạng khái quát lý luận mà trình bày theo phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgích; trên cơ sở những tư liệu để rút ra kết luận.

        Có được kết quả nghiên cứu này, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều nhà khoa học. Chúng tôi xin chân thành cám ơn GS. Phan Đại Doãn là người thầy hướng dẫn khoa học và giúp đỡ nhiều tư liệu; cám ơn các giáo sư, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội như GS. Phan Huy Lê; cố GS, TS. Trương Hữu Quýnh; PGS, Đại tá Trần Bưởi; PGS, TS. Nguyễn Danh Phiệt; PGS, TSKH . Nguyễn Hải Kế, v.v... đã góp nhiều ý kiến trong quá trình chúng tôi nghiên cứu và hoàn chỉnh bản thảo. Đặc biệt, chúng tôi xin cảm ơn Thủ trưởng cùng bạn bè đồng nghiệp ở Viện Lịch sừ quân sự Việt Nam đã động viên và tạo điều kiện tốt cho tôi trong quá trình nghiên cứu cũng như khi xuất bản công trình này.

        Nghiên cứu Binh chế trong lịch sử là một vấn đề lớn và khó đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và công sức, do vậy cuốn sách chắc chắn còn nhiều hạn chế. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến chân thành của các nhà nghiên cứu và của bạn đọc gần xa.

TÁC GIẢ       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:03:57 pm »


Chương I

NƯỚC ĐẠi VIỆT THẾ KỶ XI – XV NHỮNG CƠ SỞ, ĐIỀU KIỆN CỦA BINH CHẾ

        I.LÃNH THỔ QUỐC GIA, VỊ TRÍ ĐỊA LÝ QUÂN SỰ - VÀ NHU CÂU GIỮ NƯỚC

        Lãnh thổ nước ta ngày nay trên đất liền dài khoảng 2.000 kilômét từ Lạng Sơn đến Minh Hải đã được tổ tiên dựng xây từ hàng nghìn năm trước và trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước.

        Không trở lên đến nước Văn Lang, Âu Lạc xưa, chúng ta hãy xem cương vực, lãnh thổ của nhà nước từ chủ ta do các nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ từng bước xây dựng, phát triển thành lãnh thổ của một quốc gia Đại Việt thống nhất, hoàn chỉnh. Về đại thể, lãnh thổ Đại Việt trong các thế kỷ XI - XV là vùng Bắc Bộ và Trung Bộ ngày nay, có trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá là Hoa Lư rồi Thăng Long, ở giữa miền châu thổ của hệ thống sông Hồng. Phía Đông có các hải đảo và liền với biển cả Phía Bắc cùng biên giới với Trung Quốc vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) lúc đó thuộc nhà Tống, nhà Nguyên và nhà Minh; đồng thời giáp với vương quốc Đại Lý ở Vân Nam. Phía Tây và Tây Nam giáp với Ai Lao (Lào) và Chân Lạp. Phía Nam là vương quốc Chăm Pa (Chiêm Thành).

        Sau hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, một phần lãnh thổ rộng lớn phía Bắc nước Âu Lạc trước đây bị phong kiến Trung Hoa, bấy giờ là nhà Nam Hán chiếm giữ. Đó là vùng tây nam Quảng Tây và nam Quảng Đông ngày nay. Từ khi giành được quyền tự chủ, các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê kế tiếp bảo vệ, củng cố nền độc lập và thống nhất đất nước.

        Từ thế kỷ XI, các nước nhà Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ đều rất "coi trọng nhiệm vụ bảo vệ công vực đất nước. Trong giai đoạn này, nước láng giềng lớn mạnh ở sát liền phía Bắc do các triều đại nhà Tống, nhà Nguyên và nhà Minh trị vì, đều có tham vọng mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, đã năm lần gây chiến tranh xâm lược và nhiều lần cho quân xâm lấn, cướp phá vùng biên giới. Cuộc đấu tranh vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Đại Việt vì thế diễn ra thường xuyên, liên tục. Năm 1172, vua Lý Anh Tông đã đi kinh lý các vùng biên giới và hải đảo, ở địa giới các phiên bang Nam Bắc; vẽ bản đồ cương vực, ghi địa hình, phong cảnh, sản vật đất nước, làm sách “Nam Bắc phiên giới địa đồ”, khẳng định rõ chủ quyền quốc gia Đại Việt. Vì vậy, trừ một số vùng đất bị nhà Hồ và nhà Mạc cắt nhượng cho nhà Minh, còn lại về cơ bản biên giới giáp liền với Trung Quốc không mấy đổi thay (Theo sử cũ, năm 1405, dưới triều Hồ, Hành khiển Hoàng Hối Khanh làm cát địa cứ, đã cắt 59 thôn cho nhà Minh. Đến giữa thế kỷ XVI, Mạc Đăng Dung đem các động Tự Lẫm, Cổ Sum, Liễu Cát, La Phù, Kim Lặc thuộc hai đô Như Tích và Chiêm Lãng hiến vua Minh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: ”Năm 1542, Mạc Đăng Dung cùng cháu là Văn Minh đem nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Dương, La Phù của châu Vĩnh Yên trấn Yên Bang, xin nội thuộc vào Khâm Châu” (T.IV, tr.131). Sách Khâm Châu chí chép: Mấy châu ấy là đất của họ Hoàng người Việt. Đời Minh Tuyên Đức, đất đó thuộc triều Lê; về sau Mạc Đăng Dung hiến vua Minh để cầu phong). Đó là kết quả của cuộc đấu tranh vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ diễn ra thường xuyên và kiên trì của ông cha trong các triều đại.

        Phần lãnh thổ phía Nam đất nước từ thời Lý có những đổi thay đáng kể. Bấy giờ, ở vương quốc Chiêm Thành, con cháu trong hoàng tộc thường tranh giành ngôi báu; vua Chiêm cũng đã nhiều lần đem binh thuyền quấy phá vùng biên giới, ven biển và thậm chí có những lúc nhân sự bất lực của triều đình Đại Việt, đã vào cướp phá kinh đô Thăng Long. Đó chính là một nguyên nhân của các cuộc xung đột Chiêm - Việt, cũng là duyên cớ những cuộc hành quân lớn của Đại Việt tới Chiêm Thành. Để ổn định phía Nam, nhằm đề phòng nạn xâm lăng từ phía Bắc, các vương triều đã tiến hành những cuộc chinh phạt. Ví dụ, trong lần chinh phạt năm 1069, vua Chế Củ bị bắt, Chiêm Thành phải dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh để chuộc mạng. Nhà Lý đổi châu Địa Lý thành Lâm Bình, Ma Linh thành Minh Linh và chiêu mộ dân đến khai phá, lập làng. Đó là phần đất phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Năm 1306, vua Chế Mân xin dâng hai châu Ô và Lý cho Trần Anh Tông để được cưới Huyền Trân công chúa. Đất ấy nhà Trần đổi thành Thuận Châu và Hoá Châu. Đại Việt coi đó là vùng lãnh thổ quan trọng vì không chỉ là vựa lúa phía Nam mà ở đây còn có cửa biển Tư Dung (Tư Hiền) - một nơi thuận tiện cho các hoạt động của thuỷ quân thuở ấy. Năm 1402, Hồ Quý Ly đã cho quân đánh Chiêm với mục đích rõ ràng là ổn định mặt Nam để chống giặc Bắc. Sau trận này, Chiêm Thành phải nhường cho nhà Hồ phần đất Chiêm Động và Cổ Luỹ. Nhà Hồ củng cố việc phòng thủ phía Nam bằng cách chia đất ấy thành bốn châu là: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và gộp làm lộ Thăng Hoa; đồng thời lập trấn Tân Ninh ở phía Tây; chiêu mộ dân Nghệ An, Thanh Hoá vào lập thành đội ngũ, đặt các đồn binh, định cư thành làng ấp và đặt chức An phủ sứ ở Thăng Hoa để cai quản. Đó là vùng thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:05:40 pm »


        Trong thời kỳ Đại Việt bị nhà Minh xâm lược, người Chiêm Thành chiếm lại đất cũ. Đến những năm 1470-1471, nhân vụ Trà Toàn tiến quân đánh Châu Hoá, vua Lê Thánh Tông tổ chức một cuộc hành quân quy mô vào phía Nam, bắt sống Trà Toàn, thu lại Chiêm Động và Cổ Luỹ, vượt qua kinh đô Chà Bàn đến núi Thạch Bi (Phú Yên). Năm 1475, Lê Thánh Tông tổ chức đạo thừa tuyên Quảng Nam thống lĩnh ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Như vậy, vùng lãnh thổ phía nam Đại Việt từ thế kỷ XI đến XV đã mở rộng từ Quảng Trị vào Phú Yên. Điều đáng lưu ý là mỗi lần phát triển thêm trên đây chỉ có tác dụng mở rộng và củng cố lãnh thổ, chứ không hề thu hút những yếu tố làm phức tạp hoặc ảnh hưởng đến cái tính chất ổn định và thống nhất quốc gia lúc đó. Sức mạnh đất nước vì thế càng được tăng cường.

        Cùng với quá trình ổn định biên giới phía Bắc và mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, Nhà nước Đại Việt còn chủ trương khai phá vùng ven biển để tăng thêm diện tích canh tác và địa bàn cư trú. Từ thời Lý, công cuộc trị thuỷ - thuỷ lợi và khẩn hoang được tiến hành ngày một quy mô. Sang đời Trần hệ thống đê điều dọc các sông lớn đã hoàn chỉnh. Nhiều vùng đất phù sa màu mỡ của sông Hồng và các sông khác ở miền Trung đã trở thành ruộng đồng, trang trại và xóm làng người Việt. Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng - một tác giả Trung Quốc chép: "Xứ Giao Chỉ, dân cư trù mật, đất không đủ cày, cho nên người trước đắp đê cao ở hai bên sông ngòi để phòng nước lụt. Đất làm muối ở ven biển bị nước mặn lấn vào, bọn quý tộc thế gia muốn chiếm riêng đất đó, đều tự ý đắp đê ngăn nước mặn rồi gieo trồng cày cấy bên trong, như thế là để yên dân và khai thác hết mối lợi của đất đai... Từ đó thuỷ tai không còn nữa mà đời sống dân được sung sướng, đất không bỏ sót một nguồn lợi nào" (Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên, tài liệu dịch, tư liệu Viện Lịch sử quân sự, tr.87). Sách của ta, Toàn thư cho biết: “Năm 1266, vua Trần xuống chiếu cho phép các vương hầu, quý tộc chiêu tập dân nghèo khai khẩn đất hoang lập thành các trang trại lớn"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr.36).

        Điểm nổi bật của lãnh thổ nước ta là từ sớm đã trở thành một đơn vị địa lý hoàn chỉnh và nó được cấu tạo bởi đủ các miền rừng núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Sự phân biệt và phối hợp giữa các miền đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thành lập một khu vực kinh tế hoàn chỉnh với những nguồn tài nguyên và những ngành sản xuất khác nhau mà bổ sung lẫn nhau, càng tạo điều kiện cho sự thống nhất chính trị, tức sự kiến lập của nhà nước thống nhất, mặc dù trong nước tồn tại nhiều cộng đồng dân tộc chung sống. Sự cấu tạo lãnh thổ với nhiều rừng núi, sông ngòi, ao hồ và biển khơi ở nước ta, cùng với sự phân bổ dân cư khắp các nẻo miền có ảnh hướng lớn đến cấu trúc quân sự cũng như hoạt động quân sự trong các triều đại.

        Địa bàn cư trú của người Việt chủ yếu vẫn trên lưu vực các sông lớn ở miền Bắc Bộ và Trung Bộ. Con người sinh sống trên lãnh thổ Đại Việt bao gồm nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Ở đồng bằng, trung du chủ yếu là người Kinh và Mường; ở miền núi là nơi cư trú của các dân tộc ít người như Tày, Thái, Mèo, Nùng, Dao, v.v... Cùng với sự phát triển của kinh tế, dân số Đại Việt cũng tăng nhanh. Cao Hùng Trưng cho biết: “Giao chỉ có dân cư đông đúc”1 (Cao Hùng Trưng, tài liệu đã dẫn, tr.98). Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đời Lý thiên hạ chia làm 24 lộ. Hành khiển dâng sổ hộ gồm 3.300.000 đinh. Đời Trần, thiên hạ (Đại Việt) chia làm 24 xứ; viên quan dâng sổ vàng, hạng đại nam và trung nam có 4.900.000 đinh, hạng hoàng nam có 2.104.300 đinh2 (Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, H.1969, tr.189). Sau khi chiếm nước ta, nhà Minh làm hộ khẩu, Đại Việt có 3.169.500 hộ. Đến thời Lê Sơ chia nước thành 13 đạo, gồm 50 phủ, 187 huyện, 54 châu, 534 động, 465 sách, 58 sở, 74 trại, 16 nguyên, 110 duềnh. Số đinh nam 700.900 suất (?). Do nhu cầu nắm vững dân số để tuyển quân, lấy phu và thu thuế, các triều đại từ Lý đến Lê Sơ đều quản lý chặt nhân đinh bằng phương pháp lập sổ hộ tịch. Tuy vậy, dân số của nước ta thời đó cụ thể là bao nhiêu, nay vẫn chưa biết đích xác. Có thể đoán rằng, dân số Đại Việt trong các thế kỷ XI - XV có khoảng từ 5-7 triệu người.

        Như vậy, lãnh thổ nước ta qua các thời từ Lý đến Lê Sơ là một dải thống nhất; cảnh vật đẹp và phong phú, dân cư trù mật, trải dài từ biển Khâm Châu đến núi Thạch Bi (Phú Yên). Đặt trong bối cảnh của cả châu Á nói chung, cả vùng Đông Á và Đông Nam Á nói riêng thì Đại Việt có một vị trí quan trọng trên các lĩnh vực giao lưu chính trị - quân sự, văn hoá và kinh tế. Đại Việt là nơi gặp gỡ giữa các nền văn minh trong khu vực, là giao điểm của các trục đường từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ đất liền ra biển cả. Trên đất liền, nước ta có chung biên giới với nhiều nước, lại có bờ biển dài cùng nhiều cửa sông và hải đảo. Điều đó tạo ra khả năng thuận lợi trong việc giao lưu với các nước gần xa, trong đó có cả những hoạt động trên lĩnh vực quân sự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:07:00 pm »


        Đại Việt còn là một xứ sở đẹp và giàu có. Sách Đảo di chí lược của Trung Quốc đời Nguyên chép: “Nước Giao Chỉ đất rộng, người đông, khí hậu thường nóng, ruộng đất phần lớn phì nhiêu” và "đất Giao Chỉ sản nhiều vàng, bạc, đồng, chì, thiếc, ngà voi, lông chim trả, nhục quế, cau, v.v..."1 (Uông Đại Nguyên, Đảo di chí lược, dẫn theo Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Nxb Khoa học xã hội, H.1975, tr.26, 28). Sách An Nam chí nguyên chép: "Đất Giao Chỉ dựa vào núi và phụ vào biển, có rất nhiều sản vật quý...”, "ở đó có ruộng đất màu mỡ, cấy lúa, trồng dâu và chăn nuôi đều thích nghi cả... Muối thì trắng như tuyết. Cánh chim trả thì đỏ tía đẹp mắt. Vàng thì sẵn ở châu Phú Lương và Quảng Uyên. Hạt trai sáng thì sẵn ở các xứ Tĩnh An và Vân Đồn. Còn san hô và đồi mồi thì sẵn có trong biển...", "Ở đây năm có hai vụ lúa và tám lứa tằm, dâu và gai có đầy đồng nội. Lợi nguyên về cá và muối rất nhiều. Cơm áo được sung túc"1 (Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên, tài liệu đã dẫn, tr.95). Sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu đến Đại Việt, đã ghi lại: "Lúa ở Giao chỉ mỗi năm chín bốn lần, tuy vào giữa mùa Đông mà mạ vẫn mướn mượt"2 (Lời chú bài An Nam tức sự, trong Cương trung thi tập, Q.2). Nhà sử học Phan Huy Chú đã tổng kết: "Nước Đại Việt là nơi đô hội ở phương Nam, ruộng cấy lúa tốt, đất trồng dâu tốt, núi sẵn vàng, biển sẵn châu ngọc. Người ở đâu đến sống, buôn bán đều cũng làm giàu được cả"3 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb Sử học, H.1960, tr.33).

        Một đất nước giàu đẹp lại nằm ở một vị trí địa lý quan trọng thì không thể tránh khỏi con mắt nhòm ngó đầy tham vọng của những thế lực bành trướng xâm lược từ bên ngoài qua thế kỷ này đến thế kỷ khác. Kinh nghiệm lịch sử hơn một nghìn năm trước đã được Phan Huy Chú khái quát như sau: "Cái tiếng phong phú ấy đồn đi xa, nên Trung Quốc lúc nào cũng nghĩ cách chiếm đất nước mình, đặt ra quận huyện để cai trị từ lâu rồi. Lúc chưa lấy được thì nghĩ cách để lấy, lúc đã lấy được thì không chịu bỏ ra nữa"4 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, Nxb Sử học, H.1960, tr.33).

        Tham vọng xâm lược Đại Việt của các thế lực phong kiến phương Bắc không bao giờ nguôi. Triều đại này, thế kỷ này chúng bị đánh bại nhiều lần thì triều đại sau trong các thế kỷ sau lại nuôi tham vọng xâm lược lớn. Nhà Nam Hán hồi thế kỷ X đã hai lần thất bại liên tiếp trên đất ĐạiViệt năm (931 và 938). Vua Tống từng nói: “Đừng thấy Giao Chỉ nhỏ mọn mà xem thường"; và đã thể hiện chán chường sau hai lần liên tục gây chiến tranh năm 981 và 1075-1077) đều bị thất bại: "Nước Giao Chỉ nhỏ, thuỷ thổ độc dữ, dân chúng gan lì liều chết, có lấy được cũng vô ích" (Tông sử). Đến nhà Nguyên, tham vọng bành trướng lại trỗi dậy; kết cục cả ba lần xâm lăng Đại Việt đều bị thất bại, để rồi với Hốt Tất Liệt "việc Nam chinh luôn như ngứa ngáy trong tim". Qua những thất bại thảm hại của triều Tống và Nguyên, khi mới lên cầm quyền (cuối thế kỷ XIV), Minh Thái Tổ (1368-1399) đã từng răn dạy con cháu đời sau: "Đừng đánh An Nam”. Nhưng đến đời Minh Thành Tổ đầu thế kỷ XV lại sai lầm khi gây ra cuộc chiến tranh xâm lược hao binh tổn tướng, thiệt hại lớn cả về sức người, sức của và uy thế chính trị, suốt trong hơn 20 năm ròng (1406-1427). Như vậy, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XV, nhân dân ta đã phải 9 lần tiến hành chiến tranh chống sự xâm lược của phong kiến phương Bắc.

        Cùng với nguy cơ xâm lăng từ phía Bắc, Đại Việt còn thường bị các thế lực phản động từ phía Tây và Nam quấy nhiễu, cướp phá ở vùng biên giới và ven biển. Sử cũ đã ghi lại những cuộc xâm lấn này. Năm 1128, Chân Lạp đem 2 vạn quân với 700 chiến thuyền vào cướp phá Nghệ An; năm 1132, Chân Lạp và Chiêm Thành cùng đánh Nghệ An. Nhân lúc triều Trần suy yếu, quân Chiêm liên tục trong những năm 1353, 1361, 1365, 1367, 1380, 1389 đã xâm lấn Hoá Châu, Lâm Bình, Nghệ An, Thanh Hoá. Đặc biệt nghiêm trọng, có ba lần vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã dẫn quân tiến công, cướp phá kinh thành Thăng Long. Đó là các năm 1371, 1377 và 1378. Thời Lê Sơ, trong những năm 1434, 1445, 1469 và 1470, người Chiêm đã sang cướp phá Hoá Châu. Vua Lê Thánh Tông đã có lần xuống chiếu kể tội giặc trước khi mở cuộc chinh phạt phía Nam: "Chúng họp quân bầu đoàn, dám dở thói chó muông lén trộm; lừa khi sơ hở, ngầm đem quân như bầy quạ tụm nhau. Đánh Hoá Châu giết quân đồn trú... Xem khinh dân ta không bằng cỏ rác, lòng sâu độc dám nỡ hại người; tưởng lấy nước ta dễ như đánh cờ, xương Bồng Nga còn mong đến nhặt. Xem đến những lời ăn tiếng nói, đều muốn hại giòng giống người ta... Ta buông lỏng thì kéo đàn đến cướp; ta khẩn trương thì vẫy đuôi kêu van. Là kẻ thù của triều đình, là mối lo cho dân chúng”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr.442).

        Hoàn cảnh địa lý trên đây có những thuận lợi cơ bản cho công cuộc xây dựng đất nước, nhưng cũng đặt ra một trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước. Một đất nước luôn bị kẻ thù lăm le xâm lược, quấy phá thì hai nhiệm vụ dựng nước và giữ nước luôn luôn phải gắn liền với nhau. Điều đó đòi hỏi dân tộc ta phải thường xuyên cảnh giác, phải chăm lo gắng sức xây dựng tiềm lực làm sao để có được một Binh chế phù hợp, để đất nước luôn đủ sức mạnh bảo vệ vững chắc nền độc lập của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:09:17 pm »


        II.NHỮNG ĐIỀU KIỆN CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

        Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng vương và xây dựng nhà nước độc lập tự chủ. Bộ máy hành chính do ông thiết lập tuy còn non trẻ và thô phác, nhưng đã mang tính chất tập quyền. Tiếp đến, hai triều đình nhà Đinh và Tiền Lê, bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương từng bước kiện toàn. Sau khi dẹp yên "12 sứ quân", Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, từ bỏ niên hiệu của các hoàng đế phương Bắc, đặt niên hiệu riêng và xây dựng đất nước thống nhất. Kế tục sự nghiệp vua Đinh, Lê Hoàn đánh tan quân xâm lược, xây dựng nhà Tiền Lê với bộ máy hành chính và quan chế khá hoàn chỉnh, có tham khảo kiểu cách nhà Tống.

        Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi (Lý Thái Tổ), lập vương triều Lý, chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long; tiếp đến nhà Trần và Lê Sơ xây dựng kinh đô Thăng Long làm nơi đô hội, trung tâm của cả nước và tổ chức bộ máy chính quyền trung ương ngày càng quy củ.

        Nhà nước phong kiến tập quyền Đại Việt gồm một hệ thống chính quyền bốn cấp từ trung ương đến tận các làng xã bao gồm: triều đình trung ương; các lộ, trấn, đạo thừa tuyên; các phủ, huyện, châu; các hương, giáp hoặc xã (xem sơ đồ 1).

        Triều đình là cơ quan quyền lực cao nhất trên mọi mặt hoạt động của đất nước, kiểm soát các địa phương thông qua hệ thống chính quyền các cấp và luật pháp của nhà nước phong kiến. Trong bộ máy chính quyền đó, đội ngũ quan lại ngày một đông đảo gồm có cả quan trong (ở trung ương) và quan ngoài (ở địa phương), chia thành hai ban văn và võ, với đủ chức vụ, tước hiệu và phẩm hàm khác nhau.

        Triều Lý sắp đặt bộ máy nhà nước theo mô hình đã chọn từ thời Tiền Lê, nhưng quy củ hơn. Về hình thức, bộ máy đó được mô phỏng theo mô hình Đường - Tống. Vua và các đại thần văn võ trong triều gồm 9 cấp nắm các chức vụ chủ chốt. Cả nước chia thành 24 lộ; lộ gồm các phủ, huyện; ở nơi xa gọi là châu, trại.

        Sang thời Trần và thời Hồ, cơ cấu chính quyền không mấy thay đổi so với trước, song nhà nước trung ương cũng như chính quyền các cấp được hoàn thiện trên nhiều phương diện. Theo nhận xét của sử gia Phan Huy Chú thì, bộ máy quan liêu thời Trần gồm "các chức quan trong và ngoài, lớn nhỏ đều có hệ thống" (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 11. Nxb Sử học, H.1961, tr.8 ). Nhiều cơ quan hành chính và chuyên môn mới được thiết lập, mở rộng và được quản lý chặt chẽ. Năm 1242, Trần Thái Tông chia nước thành 12 lộ, đặt các chức An phủ hoặc Trấn phủ chánh và phó để cai quản; đồng thời thiết lập hệ thống xã quan trực tiếp quản lý các làng xã, hương, giáp. Sự phân chia hành chính đó là cơ sở để phân định hệ thống tổ chức quân sự địa phương, đồng thời tạo điều kiện quản lý các cơ sở, để gần dân hơn, động viên và huy động toàn dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

        Chế độ phong kiến Lý - Trần mang đậm tính dân tộc; chịu ảnh hưởng của lễ nghi phong kiến phương Bắc, nhưng tính chuyên chế chưa cao, khoảng cách giữa vua và tôi, giữa quý tộc và bình dân chưa thật lớn. Lối sống sinh hoạt chốn triều đình còn thể hiện tính dân chủ của cộng đồng. Trần Nhân Tông cho phép các vương hầu, tông thất xong buổi chầu được vào trong cung điện và lan đình, cùng nhau ăn uống, hoặc khi tối trời không về được thì đặt gối dài, chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau, để tỏ tình thân ái, chỉ khi có lễ lớn, tân khách hay yến tiệc mới phân biệt ngôi thứ... Hoặc như Trần Quốc Tuấn đã từng nói với tướng sĩ: "Lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, khi ở nhà thì cùng nhau vui cười". Nhà Lý và nhà Trần đều gắn liền quyền lợi quốc gia với dòng họ, gắn việc bảo vệ quyền lực trung ương với quyền lực địa phương, với việc bảo vệ nền thống trị của dòng họ; nghĩa là lấy tinh thần đồng tâm hiệp lực của những tông thất làm cái lõi trong quan hệ xã hội. Trần Thánh Tông nói với các vương hầu: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng anh em trong họ hưởng phú quý; tuy bề ngoài thì cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Nxb Khoa học xã hội, H.1967. tr.37). Điều đó chứng tỏ sự đồng tâm, hoà thuận trong nội bộ chính quyền, làm tăng thêm sức mạnh của vương triều, tạo điều kiện để cố kết nhân tâm trong cả nước, nhất là trong điều kiện cần huy - động lực lượng cho chiến tranh.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM