Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:43:31 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV  (Đọc 24570 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:42:48 am »


        1.2. Hoả khí

        Hoả khí xuất hiện, phát triển và cược trang bị trong quân đội Đại Việt như thế nào? Đó là câu hỏi chưa được giải đáp.

        Từ cuối thế kỷ XIII và nhất là từ thế kỷ XIV, hoả khí đã xuất hiện và ngày càng được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước. Trên thế giới, phát minh thuốc súng và sử dụng nó trong quân sự sớm nhất ở Trung Hoa và Ấn Độ. Người Ả Rập và người châu Âu đã học cách chế chất nổ và pháo từ các nước đó. Thuốc súng có thể được chế ở Trung Quốc sớm hơn, nhưng việc sử dụng thuốc súng vào mục đích quân sự người ta biết được chính xác bắt đầu từ thế kỷ XIII. Năm 1232, khi người Trung Hoa bị người Mông Cổ vây đánh, họ đã phòng ngự bằng những khẩu pháo bắn đạn tròn bằng đá đã dùng trái nổ và các loại khí tài bằng thuốc súng để chống lại. Thời Nam Tống, năm Khai Khánh nguyên niên (1255) Trung Quốc có súng "Đột hoả thượng". Súng này bắn các loại đạn đá. Theo sách Trung Quốc cổ đại hoả pháo sử của Lưu Húc thì hoả pháo của Trung Quốc thời Tống - Nguyên - Minh bắn các loại đạn bằng đá, bằng sắt, bằng đồng, bằng chì hoặc bằng đất cứng. Những năm 1274 và 1281, khi đánh Nhật Bản, quân Nguyên đều dùng Thiết hoả pháo - một loại máy bắn đá phóng đi những hòn đạn sắt chứa chất nổ. Ở Ấn Độ, người ta biết được những hoả pháo đặt trên những cỗ xe từ triều đại Đê Li, vào giữa thế kỷ XIII. Đến giữa thế kỷ XIV, thuốc súng đã giữ vai trò lớn trong quân sự và pháo cũng dùng khá phổ biến trongnhiều nước ở châu âu. Như thế, hoả khí đã sinh ra từ phương Đông và nhanh chóng được các nước phương Tây ứng dụng.

        Ở Việt Nam, yêu cầu của cuộc chiến tranh giữ nước ngày một cao, ông cha ta đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo các loại vũ khí và phương tiện chiến đấu. Theo truyền thuyết và dã sử thì ở nước ta thuốc súng đã xuất hiện khá sớm, được sử dụng trong hội hè, đình đám và cả trong quân sự. Thời Lý - Trần, trong dân gian Đại Việt đã có tục đốt pháo mừng Xuân. Sử chép rằng, trong trận công phá thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt bắt được ở Côn Luân một tù binh tên là Triệu Tú, biết được cách đánh hoả công, nghĩa là bắn chất cháy vào thành. Nguyên sử, phần An Nam truyện có chép việc sử dụng pháo của quân nhà Trần. Sự kiện đó diễn ra vào tháng 2 năm 1285, khi quân Nguyên tiến đến gần Đông Bộ Đầu, đóng ở bên kia sông Hồng, chuẩn bị tiến công vào kinh thành Thăng Long, thì quân nhà Trần do vua Trần chỉ huy từ bên này sông đã "bắn pháo, hô to, thách đánh" (nguyên văn Nguyên sử là: phát pháo đại hô cầu chiến)1 (Nguyên sử, trích dịch phần Binh chế và một số sử liệu liên quan đến Việt Nam, Tư liệu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tr.5). Tuy nhiên, đó mới là sử liệu duy nhất phản ánh về hoả khí của quân đội Đại Việt hồi thế kỷ XIII.

        Sử sách chép rõ hơn đồi với những hoạt động của hoả khí giai đoạn cuối Trần, đầu Hồ. Năm 1382, tại cửa biển Thần Đầu (Thanh Hoá), trong một trận thuỷ chiến với quân Chiêm Thành, viên tướng dưới quyền chỉ huy của Hồ Quý Ly là Nguyễn Đa Phương đã mở hàng cọc, cho quân xông thẳng vào thuỷ quân Chiêm, "ném đồ hoả khí thiêu cháy gần hết đoàn thuyền chiến giặc”… Đặc biệt là sự kiện xảy ra trên sông Hải Triều (sông Luộc) vào tháng Giêng năm 1330, khi vua Chiêm là Chế Bồng Nga với hàng tướng Trần Nguyên Diệu chỉ huy hơn 100 chiến thuyền đi dò xét trận thế, chuẩn bị đánh quân Đại Việt. Lúc đó, Đô tướng Trần Khát Chân chỉ huy quân nhà Trần đã dàn thế trận mai phục, bố trí các khẩu pháo hai bên sông và trên thuyền chiến. Khi thuyền giặc chưa tập hợp thì một tiểu thần bị Bồng Nga trách phạt chạy sang quân ta chỉ chiếc thuyền sơn màu lục là thuyền của vua Chiêm đang đứng thị sát. Tướng Trần Khát Chân sài hoả pháo cùng bắn một loạt. Đạn bay trúng giữa thân Chế Bồng Nga xuyên suốt xuống tận ván thuyền. Bồng Nga chết ngay, quân Chiêm tan vỡ. Như vậy, có thể nói rằng tử thế kỷ XIII, ở Đại Việt đã biết chế tạo và sử dụng thuốc súng trong mục đích quân sự; và từ cuối thế kỷ XIV, quân đội Đại Việt đã được trang bị, sử dụng hoả khí phổ biến và có hiệu quả.

        Đầu thế kỷ XV, Hồ Nguyên Trừng đã kế thừa và cải tiến kỹ thuật đúc súng lúc đó, sáng tạo ra phương pháp chế súng Thần cơ (còn gọi là Thần cơ sang pháo), kiểu đại bác đầu tiên ở nước ta. Đạn đúc bằng chì, bằng gang hoặc bằng đá có sức xuyên và công phá tốt, có hiệu quả sát thương và uy hiếp tinh thần quân địch. Thần cơ sang pháo và Cổ lâu thuyền là hai phát minh lớn nhất về vũ khí và trang bị thời kỳ này. Đó là kết quả sáng tạo của nhà sáng chế tài ba Hồ Nguyên Trừng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:43:23 am »


        Mặc dầu Trung Quốc là cái nôi sinh ra thuốc súng và đã từng chế tạo, sử dụng khá sớm các loại hoả pháo, nhưng đầu thế kỷ XV, trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt, quân Minh vẫn không tránh khỏi nỗi kinh sợ trước hoả lực pháo binh của quân đội nhà Hồ. Khi cướp được pháo của Đại Việt, chúng rất đỗi ngạc nhiên và khâm phục vì Thần cơ sang pháo có nhiều ưu thế hơn hẳn các hoả pháo của quân Minh. Những cỗ Thần cơ sang pháo được nhanh chóng chở về Trung Quốc. Vua Minh Thành Tổ cùng các đại thần văn võ, các tướng lĩnh trong triều hết sức thán phục tài "sáng chế của người An Nam". Vua Minh ra lệnh lập tức đưa Hồ Nguyên Trừng sang Trung Quốc tìm cách mua chuộc, cho Trừng làm quan phụ trách chế tạo binh khí, lập nên Thần cơ doanh; đồng thời ra lệnh học tập, vận dụng phương pháp chế súng Thần cơ để trang bị cho quân đội Sách Minh sử, phần Binh chế nói: "Đến đời Minh Thành Tổ (1403 - 1424) đánh nước Giao Chỉ học được phép đúc Thần cơ sang pháo. Lúc bấy giờ mới đặt ra súng Thần cơ, phép chế súng ấy, dùng đồng đỏ, một nửa còn sống, một nửa là đồng đã nấu, lẫn lộn. Cũng có thể dùng sắt mà đúc. Sắt Phúc Kiến thì tốt hơn sắt Tây Vực. Súng có nhiều cỡ lớn nhỏ không đều. Lớn thì kéo bằng xe, nhỏ thì dùng giá gỗ hay vác trên vai. Súng lớn thì lợi cho việc chiếm và giữ; súng nhỏ thì lợi việc chiến đấu. Tuỳ tiện lợi mà dùng; đó là binh khí rất cần cho việc hành quân”1 (Dẫn theo Lê Quý Đôn toàn tập, Tập IX, Vân đài loại ngữ, Nxb Khoa học xã hội, H.1978, tr.229). Theo Minh sử, thời Vĩnh Lạc (1403 - 1424) vua Minh thân chinh mặt bắc đánh (Mông Cổ). Khi giặc kéo đến, bèn đem Thần công của nước An Nam ra đánh, giặc mới rút lui. Đến năm Tuyên Đức (1428 - 1435) triều đình sắc cho quan Tổng binh ở Tuyên Phủ rằng: Thần cơ sang pháo là trọng khí của nhà nước, cấp cho đồn biên phòng để thị uy, cấm không được cấp nhảm. Năm Chính Thống (1436 - 1449), các tướng ngoài biên ải lập ra Thần sang cục, nhưng vua cho là chế hoả khí ở ngoài biên sợ tiết lộ bí mật, nên bắt phải thôi"1 (Dẫn theo Lê Quý Đôn toàn tập, Tập IX, Vân đài loại ngữ, Nxb Khoa học xã hội, H.1978, tr.230). Điều đó chứng tỏ, Thần cơ sang pháo của Hồ Nguyên Trừng được coi trọng ở Trung Quốc như thế nào.

        Như vậy, ở Việt Nam cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, hoả khí đã xuất hiện và phát huy tác dụng trong chiến đấu Đó là cái mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển của vũ khí công nghệ quân sự nước ta từ giai đoạn bạch khí sang hoả khí. Mặt khác những ghi chép trong sử sách chứng tỏ trình độ kỹ thuật công nghệ cũng như trang bị vũ khí trong quân đội Đại Việt có những mặt vượt hẳn so với quân Minh ở Trung Quốc. Bước phát triển mới này của vũ khí kỹ thuật đã có tác động rất lớn đến các mặt khác của Binh chế như tổ chức quân sự và nghệ thuật dụng binh.

        Sau khi Hồ Nguyên Trừng bị bắt, việc chế súng của người Việt vẫn tiếp tục. Năm 1427, khi đất nước cơ bản đã được giải phóng, Lê Lợi huy động các thợ giỏi, tổ chức chế tạo nhiều loại vũ khí mới, trong đó có súng Cổn Dương.

        Thời Lê Sơ, đến triều Lê Thánh Tông, chính quyền trung ương được coi là hoàn bị nhất. Cách tổ chức quân đội việc sản xuất và trang bị vũ khí vì thế cũng được chấn chỉnh, phát triển và có quy chế chặt chẽ. Chẳng hạn, trong số 27 vệ của 9 đô ti thì 26 vệ có tổ chức sở Súng Nổ. Thời đó ngoài các loại pháo lớn nhỏ, còn có các loại súng tay, súng điểu thương, hoả mai, súng báng gỗ, súng bọc da, súng lệnh, ống phun lửa, hoả tiễn, hoả mù, đạn lửa... được chế tạo và trang bị cho quân đội. Đời Lê Thánh Tông có đặt các sở “pháo đội" mang tên: Lôi Hoả, Điện Hoả, Tiệp Hoả, Nhuệ Hoả, Xuyên Vân... Chứng tỏ sang thời Lê Sơ, hoả khí đã được chế tạo và trang bị phổ biến, đa dạng hơn so với các giai đoạn trước. Bộ Sưu tập vũ khí Ngọc Khánh - Ngọc Hà - Quần Ngựa (Hà Nội), trong đó có hơn 1.100 viên đạn đá với nhiều kích cỡ khác nhau (loại lớn nhất đường kính 5,5 cm, loại nhỏ nhất 1,7 cm) cho biết sự đa dạng và phong phú các chủng loại hoả khí thời Lê.

        Chúng tôi chưa biết rõ việc trang bị trong từng đơn vị của quân đội nước ta trước thế kỷ XV như thế nào. Từ thời Lê Sơ, quy chế về vấn đề này đã khá rõ ràng. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Lê Thái Tổ quy định phẩm vật cho các đơn vị: Trung đội cờ vàng, thượng đội cờ đỏ, hạ đội cờ trắng. Mỗi vệ chủ tướng 1 lá cờ to, mỗi quân 1 lá cờ nhỡ, cờ đội 10 lá, cờ nhỏ 40 lá; chiến thuyền 10 chiếc, thuyền nhỏ đi tuần 2 chiếc; ống phun lửa hạng đại tướng quân 1 cái, hạng lớn 10 cái, hạng nhỏ 40 cái; nỏ tốt 50 cái, câu liêm 40 cái bậc nhì thủ tiễn mỗi người 3 cái, đại đao mỗi người 1 cái… Từ đó về sau, chế độ trang bị vũ khí cho các đơn vị càng được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:43:51 am »

        Về cách tổ chức sản xuất vũ khí trong các thời Lý - Trần - Hồ, không có sử liệu phản ánh rõ. Thời bình vì lý do an ninh xã hội, các triều đại thường cấm dân chúng rèn đúc và tàng trữ vũ khí. Khi có chiến tranh, để cung cấp đủ cho quân đội, đồng thời để thực hiện chiến tranh nhân dân chống xâm lược, nhà nước phong kiến ra lệnh và cho phép cả nước sắm vũ khí. Tháng 12 năm Quý Mùi (1044), vua Lý "xuống chiếu cho quân sĩ sửa soạn giáp binh". Trước cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên lần thứ nhất (1257), nhà Trần "truyền lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí". Năm 1262, Trần Thánh Tông "xuống chiếu cho các đạo làm đồ binh khí và chiến thuyền". Năm 1282, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toán đã lập đội quân hơn nghìn gia nô và thân thuộc, tự sắm vũ khí, đóng thuyền chiến, chờ ngày giết giặc cứu nước. Mùa Hạ năm Bính Tuất (1286), vua Trần lệnh cho các vương hầu, tông thất mộ binh và sửa soạn đồ binh khí, thuyền ghe chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ ba. Trong chiến tranh nhân dân chống xâm lược thời Trần, vũ khí phần lớn do nhân dân tự trang bị lấy. Hơn nữa, với phương thức tổ chức quân đội "thời bình làm nông, thời chiến làm binh” thì các vũ khí thông thường như giáo, mác, gậy, cung nỏ... do quân vương hầu, quân địa phương và dân binh tự trang bị là chuyện dễ hiểu. Và, cũng vì thế có sự kiện Linh từ quốc mẫu (vợ Trần Thủ Độ) đã quyên góp được nhiều đồ quân khí của các nhà để có thêm vũ khí cho quân đội. Hình thức tự "sắm sửa vũ khí" theo lệnh của triều đình nói trên là phổ biến trong các triều đại.

        Ở Đại Việt, hầu hết các làng xã đều có lò rèn để sản xuất các dụng cụ gia đình, các nông cụ và chiến cụ. Nhiều địa phương, khi chiến tranh xảy ra đã trở thành hậu phương kháng chiến, không chỉ cung cấp sức người, lương thực, mà cả vũ khí cho quân đội. Các làng xã theo lệnh vua, mở lò luyện võ, đóng thuyền chiến và rèn đúc khí giới. Trong các điền trang, thái ấp của quý tộc Trần có xưởng rèn - nơi sản xuất vũ khí cho quân vương hầu. Ở nhiều địa phương còn dấu tích, đền thờ phản ánh điều này. Ví như làng Cao Dương (xã Thụy Hưng, Thái Thụy, Thái Bình) nổi tiếng có nghề rèn sắt, mà theo tư liệu địa phương thì nơi đây đã có xưởng rèn do tướng Dã Tượng lập nên theo lệnh Trần Quốc Tuấn để rèn đúc vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến lần thứ ba. Nhân dân đã rèn cả dây sắt, xích sắt sử dụng trong trận Bạch Đằng (1288). Tương truyền Trần Hưng Đạo luyện quân và huy động lương thực, vũ khí ở vùng này. Tại thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, các loại vũ khí như giáo, mác, gươm, đao được xếp vào một kho riêng gọi là Am Qua, yên ngựa được xếp thành nhiều đống lớn ở kho Đống Yên...

        Ngoài nguồn trên, nhà nước còn có những công xưởng (quan xưởng) chế tạo các đồ nghi trượng cho vua quan, các loại vũ khí trang bị cho quân đội, chủ yếu cho Cấm quân. Việc Lê Hoàn, một lúc chế hàng nghìn mũ đầu mâu cho sáu quân (1002) và Lý Thái Tông phát vũ khí trong kho cho hàng vạn quân lính (1044)...; chứng tỏ nhà nước phải có xưởng và kho quân khí. Các kho vũ khí đó được bảo vệ rất cẩn mật. Năm 1150, Lý Anh Tông ra lệnh: "Kẻ nào phạm việc qua lại ngoài địa đầu chái chứa khí giới của quân Phụng quốc vệ đô thì xử 80 trượng, tội đồ; nếu đã vào bên trong chái ấy thì xử tử. Quan Phụng quốc vệ đô ở trong chái có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, nếu không có chiếu mà tự tiện mang khí giới đi ra ngoài địa đầu thì xử tử"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập 1, tr.284). Thời Hồ, năm 1405, "Hồ Hán Thương đặt 4 kho quân khí, không kể quân hay dân, người nào giỏi nghề sung vào làm việc". Đó là các xưởng quân giới, ngoài nhiệm vụ rèn đúc các vũ khí thông thường còn chế tạo súng Thần cơ và các loại pháo. Tháng 3 năm 1407, khi cuộc kháng chiến chống Minh ở giai đoạn gay go quyết liệt Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng vẫn tập trung thợ “đúc súng và đóng thuyền chiến để cự giặc" ở Muộn Hải. Luật Quân chính đời Hồng Đức quy định: "Những người giữ kho vũ khí, bán trộm đồ binh khí, thì phải chém; viên chánh - phó ngũ trưởng không xem xét để cho lính bán trộm mà không phát giác ra, thì bị biếm hoặc bị đồ..."1 (Quốc triều hình luật, Sđd, tr.107). Ngoài các xưởng sản xuất do cục bách công (bách tác) quản lý, nhà nước còn lập các kho (vũ khố), có quân lính coi giữ. Toàn thư chép: "Những nơi hiểm ải cần chống cự phải có nhà kho để chứa binh khí"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập III, tr.61). Đời Lê Thánh Tông lập các kho vũ khí và thuốc súng, cấy lúa và trồng hóp đá ở chung quanh để bảo vệ.

        Nhiệm vụ sản xuất, quản lý và trang bị vũ khí dưới thời Lê Sơ do Vũ khố Thanh lại ti trong Bộ Binh đảm nhiệm. Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức) quy định lệnh cấm nhân dân chứa cất vũ khí trong nhà, cấm chợ búa dân gian bán đồ quân nhu. Năm 1469, Lê Thánh Tông ra quy chế về thể lệ sửa chữa và bảo quản vũ khí: “Nếu khí giới có hao mòn, khuyết mẻ đều đem đến kho vũ khí để tu tạo theo đúng quy thức, không ai được tự tiện đem đến các nơi nhà công ở ngoại thành để sửa chữa hoặc làm mới. Người nào trái lệnh sẽ luận vào tội lưư”. Năm 1483, nhà vua ra sắc chỉ cho các vệ, ti, sở làm đồ binh khí thì phải đến Vũ khố của bản vệ, ti, sở mà làm, không được tự tiện làm ở các chỗ giải vũ và điếm quân ở ngoài thành. Điều 27 Luật Quân chính nói rằng: “Người coi kho vũ khí thấy trong kho quân khí thiếu hụt mà không xin chế tạo thêm vào thì phải biếm hai tư"1 (Quốc triều hình luật, Sđd, tr.108). Thời kỳ này, đất nước bình yên, đồng thời là giai đoạn chế độ quân chủ chuyên chế đã phát triển cao độ, do đó Nhà nước Lê Sơ đã độc quyền sản xuất, trang bị, sửa chữa và quản lý các đồ quân khí. Đó cũng là những bước phát triển mới của Binh chế Đại Việt trên lĩnh vực này.

        Tóm lại, trải qua các triều đại từ Lý đến Lê Sơ, các nhà vua đứng đầu quốc gia cũng như các tướng lĩnh đến nhận biết rằng, vũ khí trang bị là cơ sở vật chất kỹ thuật của sức chiến đấu, là một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh quân đội, do đó thời kỳ nào cũng quan tâm đến vũ khí trang bị của quân đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:45:13 am »

        2. Trang phục và nuôi dưỡng quân đội

        2.1. Trang phục

        Sử sách xưa nói lẻ tẻ về cách ăn mặc của các võ quan, còn trang phục của binh lính thì rất khó tìm hiểu. Nước ta nhỏ, sống chủ yếu bằng nghề nông; thủ công nghiệp tuy phát triển sớm nhưng chưa thể cung ứng đủ mọi nhu cầu về vải mặc cho cả quân đội; vả lại ở một số triều đại trong nông thôn đã có "binh điền" cấp cho gia binh và lính tại ngũ; vì thế, cả ăn và mặc quân sĩ chủ yếu phải tự túc, kinh phí của nhà nước chỉ đủ cung cấp cho đội ngũ võ quan và lính Cấm quân - những lính chuyên nghiệp phải thường xuyên túc trực bảo vệ. Sử chép: Năm 975 Đinh Tiên Hoàng quy đinh áo mũ cho các quan văn võ; quân Thập đạo đều đội mũ "Tứ phương bình đính”, mũ bằng da, phía trên phẳng, 4 góc vuông khâu giáp nhau, trên hẹp dưới rộng. Đến thời Tiền Lê, năm 1002, Lê Hoàn trang bị mũ "Đầu mâu” cho quân đội. Có thể nói, từ thời Đinh - Lê, quân thường trực đã bắt đầu có trang phục tương đối thống nhất. Sang thời Lý, cùng với việc xây dựng kinh đô mới ngày một khang trang lộng lẫy hơn, đội ngũ Cấm quân cũng được coi trọng và phát triển. Người lính bảo vệ Hoàng thành được trang bị đầy đủ cả về trang phục và vũ khí Tuy nhiên sử cũ không ghi chép về vấn đề này. Sách Toàn thư cho biết, vào mùa Đông năm 1055, vua Lý Thánh Tông thương kẻ tù tội, ra lệnh "phát chăn chiếu cho tù nhân". Như vậy, chắc Cấm quân thời ấy cũng được phát chăn chiếu. Bức vẽ các chiến binh trên đồ gốm Lý - Trần cho biết họ đều chít khăn, đóng khố, cởi trần. Thời Lý, các quan văn võ từ lục phẩm được mặc áo gấm, từ thất phẩm trở xuống mặc áo the. Điều này cũng phù hợp với mệnh lệnh của Lý Thái Tông phát gấm vóc trong kho để may lễ phục cho vua quan. Năm 1044, các võ quan lập công trong các cuộc chinh phạt Chiêm Thành đều được nhà vua ban thưởng; từ lục phẩm trở lên cho áo bào gấm, từ thất phẩm trở xuống ban áo là Quân sĩ thời đó chủ yếu mặc áo vải thô nhuộm củ nâu và lá cây Lê Quý Đôn viết rằng: "Nước Nam ta lấy lá chàm nhuộm vải và lấy củ nâu nhựa giã nhỏ, nhuộm, lấy chày đập, rồi phơi khô để may áo, gọi là thanh cát y; có ba thứ: sắc màu lửa sáng, sắc màu sáng nhạt và sắc màu hoa quỳ. Bất cứ quân dân, sang hèn đều mặc thế. Chỉ có khác ở chỗ dài ngắn mà thôi"1 (Lê Quý Đôn toàn tập, Tập IV, Sđd, tr. 155).

        Năm 1182, vua Lý ra lệnh cấm nhân dân không được mặc áo sắc vàng vì màu vàng chỉ dành riêng cho vua. Từ đời Lý Thánh Tông, các quan văn võ đều dùng "mũ phốc đầu” làm triều phục. Năm 1164, vua Tống thấy sứ giả nhà Lý "ôn hoà, văn phong, áo mũ chững chạc, đàng hoàng, rất lấy làm ưng ý"1 (Quốc sử quán thế kỷ XIX, Việt sử thông giám cương mục, Sđd, Tập IV, tr.45). Điều đó chứng tỏ, trang phục của các quan văn võ thời Lý đã hoàn chỉnh, đẹp mắt.

        Dưới triều Trần, quân sĩ Vân Đồn đội nón Ma Lôi. Lúc đó Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn, ông thấy quân dân đều ăn mặc trang phục kiểu Trung Quốc. Khánh Dư ra lệnh: "Quân đóng ở Vân Đồn là để giữ giặc Hồ (giặc Bắc), không nên đội nón phương Bắc, trong chiến tranh khi vội vàng khó phân biệt; phải đội nón Ma Lôi. Ai trái lệnh thì phạt"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập II, tr.60). Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ (Hải Dương) khéo nghề đan cật tre làm nón. Bấy giờ có loại khăn và mũ dành riêng cho nhà vua hoặc các tướng khi duyệt binh. Vua Anh Tông có hai chiếc mũ võ để đội khi kiểm duyệt quân đội hay khi giảng võ, đặt tên là mũ Vũ uy và Uy đức. Năm 1351, khi duyệt Cấm quân ở điện Thiên An, Nguyễn Trung Ngạn mác áo chiến bào, đội khăn quan võ, đeo "lăng kim nghiền" bằng gỗ vuông thiếp vàng 4 cạnh.

        Có thể hiểu cách ăn mặc của quân lính, võ quan thời Trần qua những quy định của nhà nước. Năm 1293, sứ nhà Nguyên sang không thấy y phục quân dân Đại Việt có màu sắc xanh, đỏ, vàng tía; bởi vì đó là những màu dành riêng cho vua. Tháng 10 năm 1300, định thể lệ áo mũ mới cho các quan văn võ. Về áo mặc, kích thước tay áo của các quan từ 1 thước 2 đến 9 tấc; không được mặc thứ "áo phủ phía trước"; các quan văn võ không được mặc áo xiêm. Quan văn võ đều đội mũ chữ "Đinh", thêm miếng lụa bọc màu tím xen màu biếc. Năm 1396, quy định cho các quan văn võ, tước từ cửu phẩm trở lên đội mũ Giác đinh, từ thất phẩm trở xuống đội mũ Thái cổ. Năm 1374, nhà nước ra lệnh cấm quân dân không được mặc áo kiểu người phương Bắc... Tháng 6 năm 1396, triều đình nhà Trần định thể thức áo mũ quan văn võ: Nhất phẩm mặc sắc tía; nhị phẩm sắc đại hồng; tam phẩm sắc đỏ hoa đào; tứ phẩm sắc lục; ngũ - lục - thất phẩm sắc biếc; bát - cửu phẩm sắc xanh... Võ quan, tước lục phẩm thì đội mũ Chiết Xung; tước cao mà không có chức được thắt đai, đội mũ Giác đinh; thất phẩm trở xuống đội mũ Thái cổ; tòng thất phẩm đội mũ Toàn hoa1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập II, tr.198).

        Dưới triều Lê Sơ, lính ngoại binh đội mũ da trâu, sơn đỏ Luật Hồng Đức quy định chế độ đeo bài, đội nón theo đúng số hiệu của quân thị vệ. Triều đình có lệnh cấm chợ búa dân gian bán nón Thuỷ ma và nón Sơn đỏ. Vua Lê Thánh Tông nói: "Những thứ áo giáp mũ trụ là để cho quân lính tăng thêm vẻ hùng tráng, như nón Thuỷ ma và nón Sơn đỏ là của Thân quân, đội để túc vệ, nay chợ búa dân gian có nhiều người bán, nên cấm đi"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập III, tr.226). Tháng 6 năm 1466, nhà vua quy định sắc phục và chế độ áo mặc quan văn võ khi tiến triều; "bổ tử" trước ngực của võ quan thêu hình con hổ và sư tử. Võ quan trong triều có các loại đai, mũ và quần áo riêng. Bấy giờ, có loại mũ Chiết Xung và Cao Sơn. Lê Thái Tổ quy định võ quan từ Thượng tướng trở lên đều được mặc áo phẩm phục bằng lụa màu đỏ. Năm 1437, Lê Thái Tông cho quan võ đội mũ Cao Sơn. Trước đó quan võ đội mũ Chiết Xung, đến đây cho đội mũ Cao Sơn, giống như quan văn. Năm 1471, Lê Thánh Tông có dụ rằng: "Triều đình là nơi lễ nhạc, y phục là vẻ tô điểm, danh phận khác nhau không nên lấn vượt... Nhà nước ta vỗ yên trung châu, lệ vẫn theo cổ. Triều phục trên dưới, văn dùng loại cầm, võ dùng loài thú, xưa đã có chế độ rồi. Người sang, người hèn thứ bậc khác nhau không thể lấn vượt; trước đã có lệnh cấm rồi, sao mà các quan không chịu phân biệt, xem chế độ của nhà nước làm hư văn, nhân dân thì phạm phép, đem tơ gai dệt kim tuyến làm áo thường... Trong hạn 100 ngày, người nào không theo đúng uy chế sẽ phải giáng cấp, trị tội"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập III, tr.243, 229). Năm 1489, triều đình định lệ cấp phát quân nhu gồm 92 điều, trong đó quy định rõ chế độ cung cấp trang phục và cấp dưỡng của quân đội.

        Do hạn chế nhiều về sử liệu, chúng tôi không thể khảo xét rõ được chế độ trang phục của binh lính các triều, chỉ hình dung được phần nào trang phục của họ. Nhìn chung trang phục của các võ quan tướng lĩnh đã tươm tất và uy nghi; triều phục càng về sau càng được phân biệt theo phẩm hàm, chức tước của họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:46:34 am »

        2.2. Nuôi dưỡng quân đội

        Dưỡng binh là một chế độ quan trọng. Ông cha ta từ xưa đã nói: "Thực túc binh cường”, “túc thực túc binh", "việc ăn là việc gốc của dân, là việc tính mệnh của binh"... Vua Lê Thánh Tông nói rằng: “Dẹp loạn chẳng gì bằng dụng võ, quân mạnh là ở đủ lương ăn"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập III, tr.243, 229).

        Việc nuôi binh, dưỡng binh tuỳ thuộc vào chế độ tổ chức quân đội của từng thời kỳ. Tuy nhiên, suốt từ thế kỷ XI đến XV, các triều đại từ Lý đến Lê Sơ đều thực hiện quốc sách "Ngụ binh ư nông" và vấn đề nuôi dưỡng quân đội luôn luôn gắn chặt với chính sách này.

        Thời Lý, Trần và đầu Lê, Cấm quân là lực lượng thường trực, thường xuyên phải túc trực tại ngũ để canh phòng và luyện tập. Loại quân này được Nhà nước cung cấp theo chế độ của từng giai đoạn. Họ được phát lương bằng tiền, bằng thóc hay cấp ruộng khẩu phần. Còn các quân khác như Sương quân, quân địa phương đều thực hiện phép chia phiên theo chính sách Ngụ binh ư nông. Các đơn vị được chia thành nhiều phiên (từ 3 đến 5 phiên), thay nhau theo định kỳ, một phiên ở lại túc trực, luyện tập canh giữ hay phục dịch, các phiên khác trở về gia đình tham gia sản xuất, tự túc lương ăn.

        Sách Việt sử tiêu án chép: "Chế độ binh lính nhà Lý... mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết canh lại về làm ruộng, quan không phải cấp lương"1 (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Sđd, tr.127). Phan Huy Chú viết: "Đời Lý, Cấm quân mỗi năm được cấp 10 bó lúa. Mồng 7 Khai hạ, cấp cho mỗi người 3 tiền và vải 1 tấm. Ngày Nguyên đán, trong lễ đại triều hội, ban ăn có các thứ bánh tày, cá, mắm và cơm gạo nếp cái. Bấy giờ lương bổng đều cấp bằng gạo tẻ, tức gạo Chiêm. Còn ngoại binh thì không có lương, cứ luân phiên đến canh; hết canh, hết phiên canh cho về nhà cày cấy để tự cấp. Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh túc vệ đều được cấp bổng hằng năm, số bổng bao nhiêu không rõ, còn binh các đạo thì chia phiên về làm ruộng, cho đỡ tốn lương. Khi Lê Thái Tổ bình định đất nước, chia ruộng cho các quân. Các vệ ở 5 đạo chia thành 5 phiên, 1 phiên lưu lài, 4 phiên về làm ruộng"1 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập VI, tr.20).

        Sách Lĩnh ngoại đại đáp chép: "Binh sĩ (triều Lý) cứ một tháng một lần đổi. Hằng năm, ngày 7 tháng Giêng, mỗi người được chi tiền 300, trừu, lụa, vải đều một tấm. Hằng tháng được cấp 10 bó lúa”2 (Chu Khứ Phi, Lĩnh ngoại đại đập, bản dịch, tư liệu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tr.18). Sách Toàn thư cho biết: năm Giáp Thìn (1244), nhà Trần "định lương bổng của các quan làm việc trong ngoài và các quan Túc vệ"3 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập II, tr.19). Từ đời Lê Thánh Tông, quân đội tăng nhiều, do đó chính sách Ngụ binh ư nông được vận dụng cho tất cả các loại quân, kể cả Cấm vệ và thợ bách tác. Chế độ nuôi dưỡng vẫn theo phép chia phiên, nhưng so với trước mở rộng hơn. Khi tại ngũ, quân lính được nhà nước nuôi dưỡng và cấp quân nhu. Tác giả Binh chế chí có nói rằng: "Phép nuôi binh thời Lê Sơ đại để theo phép Ngụ binh ư nông của các đời Lý, Trần, không phải cấp lương. Thời Hồng Đức trở về sau cứ theo phép ấy không đổi. Đó cũng là phép hay của đời cận cổ"4 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập VI, tr.20). Chính sách Ngụ binh ư nông xuất phát từ điều kiện nước ta, từ yêu cầu xây dựng quân đội mạnh nhưng đỡ phần chi phí cho nhà nước. “Gửi binh ở nông" là một quốc sách đúng đắn, sáng tạo khiến cho nông mạnh mà binh cũng mạnh. Thời Lê Sơ, phần lớn binh sĩ phải tự túc lương ăn, vì ngoài chính sách nói trên ở làng quê đã có “binh điền" cấp cho binh lính.

        Nguồn lương thực cung ứng cho việc quân đều do dân đóng góp, chủ yếu từ tô thuế, hay được huy động khi có nhu cầu cần kíp. Năm 1092, Lý Nhân Tông định lệ thu thuế, mỗi mẫu 3 thăng lúa, để cấp cho quân đội.

        Thời Trần, nhà nước thu tô ruộng công làng xã, mỗi mẫu 10 thăng; ruộng các vương hầu quý tộc mỗi mẫu 25 đến 100 thăng; ruộng quốc khố mỗi mẫu từ 300 đến 680 thăng. Sau khi thu hoạch xong dường như thóc không đập ngay mà phơi thật khô rồi lượm thành bó cất trữ trong kho. Quân sĩ hằng tháng được cấp theo bó, tự đập và xay giã lấy. Trong kháng chiến chống Mông - Nguyên, Trần Quốc Tuấn kêu gọi các nhà giàu tự nguyện đóng góp lương thực nuôi quân; ai có công đóng góp đều được phong làm "giả lang tướng”. Tại huyện An Hải (Hải Phòng) có đền Phú Xá, thờ bà Trần Thị Nhiên - người phụ nữ trong vùng có công lo binh lương cho đội quân của Trần Quốc Tuấn trong trận Bạch Đằng (năm 1288). Vì thế, sau đó đến ngày lễ 20 tháng 8 âm lịch hằng năm thường có lễ phẩm là món bánh đa, tượng trưng cho lương khô của dân làng đã phục vụ trận đánh. Các điền trang, thái ấp của các vương hầu, quý tộc Trần đều có các kho chứa lương thực, có thể đó cũng là nguồn cung cấp lương ăn cho quân đội lúc có chiến tranh. Di tích Hố Thóc trong thái ấp của Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp là một kho chứa nhiều lương thực, cung cấp đủ cái ăn cho đội quân đông đến vạn người. Di tích Hang Tiền ở đây cũng rất có thể là nơi cất giấu tiền, phục vụ cho nhu cầu mua sắm vũ khí, thuyền chiến và lương thực, thực phẩm cho quân đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:48:08 am »


        Một số địa phương tỉnh Thái Binh còn lưu dấu tích các kho lương đời Trần, như kho Nại ở phủ Long Hưng (xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà), kho Đại Nầm ở xã Quỳnh Thọ và kho Mễ Thương ở xã An Thái huyện Quỳnh Phụ), kho Lưu Đồn - Bát Đụn Trang ở Thụy Hồng, Thái Dũng (Thái Thụy) nằm ven sông Hóa... Trong số các kho chứa lương thực ở dọc ven sông Hồng thì Mễ Thương là kho lớn nhất. Trong trận Bạch Đằng (1288), Hưng Đạo Vương đã đưa đại quân qua đây tổ chức Hội thề sông Hóa, rồi cho chuyển số lương thực sang phục vụ cho chiến trận Bạch Đằng.

        Đời Hồng Đức, năm 1481, nhà nước còn tổ chức 43 sở đồn điền. Đó là những cơ sở kinh tế của một số đơn vị làm nhiệm vụ canh phòng ở nơi biên cương, nhằm "tích trữ lương thực ở chốn biên phòng" như lời đánh giá của một số sừ gia ngày trước. Lê Quý Đôn cho rằng: "Muốn cho quân lương được đầy đủ, quốc dụng được dồi dào thì không có gì bằng đồn điền. Lính tráng đều là người thổ dân; có công việc làm ăn thì không đào ngũ; chỗ nào cũng đóng đồn điền để cày bừa trồng trọt, đội ngũ liên lạc với nhau để bảo vệ các vùng trọng yếu, chẳng lo ngại gì"1 (Lê Quý Đôn toàn tập, Tập IV, Vân đài loại ngữ, Sđd, tr.14).

        Nhà nước tổ chức các kho chứa lương thực. Để cung cấp cho các cuộc hành quân và luyện tập, các triều đại còn dự trữ bằng lương thực chế biến như bỏng khô, chè lam, các loại bánh hay gạo nấu chín. Sử chép rằng: Năm 1037, Lý Thái Tông xuống chiếu cho xây dựng các kho Tư Thành, Lợi Nhân, Vĩnh Phong... để làm nơi cất giữ các loại tô thuế. Uy Minh vương Lý Nhật Quang làm tri châu ở Nghệ An đã sắp đặt hành doanh ở trại Bà Hoà; trong trại đất rộng có thể chứa được ba, bốn vạn quân; kho tàng tiền lương đủ dùng trong 3 năm. ông cho xây dựng 50 sở để làm kho tích trữ lương thực và tuỳ từng địa bàn quan trọng trong châu mà lập các đồn bằng đất để chứa thóc tô thuế, rồi đặt binh lính canh giữ, sẵn sàng cung ứng binh lương lúc cần. Năm 1044, trước khi xuất quân chinh phạt Chiêm Thành, vua Lý Thái Tông giao cho Lý Nhật Quang vận tải lương thực. Nhật Quang trước đó đã đặt trại Bà Hoà và thu đầy đủ tô thuế, chứa đầy kho, nên khi quân đi qua việc tiếp tế binh lương đều được chu tất. Nhà vua khen ngợi, khi thắng trận về, an ủi Nhật Quang, gia tước phong và giao quyền tiết việt vùng đất ấy1 (Quốc sứ quán thế kỷ XIX, Việt sử thông giám cương mục, Tập IV, tr.74).

        Thời Trần, trong giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến, nền kinh tế nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu, đồng ruộng và xóm làng được mở mang thêm nhiều nhất là ở đồng bằng ven biển và vùng biên giới phía Nam, làm tăng thêm thế mạnh của quốc gia, ổn định xã hội. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết về nền kinh tế thời Trần: “Lúc bấy giờ ở các trấn, sở đều có kho tàng dự trữ".

        Thời Hồ quân đông nên giải quyết lương thực cho quân đội là một vấn đề lớn. Do đó, cả Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương đều lo xây dựng kho chứa, định lại các loại thuế và tô ruộng để thu thóc của dân. Năm 1401, Hồ Hán Thương cho đặt "kho Thường Bình", phát tiền giấy cho dân các lộ, theo thời giá mà đong thóc để chứa vào các kho ấy. Năm sau, tướng quân Nguyễn Cảnh Chân cũng hiến kế mộ người nộp thóc, chứa lương thực vào các kho ở biên giới và những vùng quan yếu. Để đề phòng cuộc tiến công xâm lược của giặc Minh, triều đình nhà Hồ theo kế hoạch của Hoàng Hối Khanh lệnh cho các lộ trong nước tích trữ lương thực, đồ gạo chín để cấp cho quân đội.

        Thời Lê Sơ, đặc biệt dưới đời vua Lê Thánh Tông - một giai đoạn phát triển cao của nền kinh tế nông nghiệp, Nhà nước Đại Việt luôn có đủ thóc chứa đầy kho ở các đạo thừa tuyên và các phủ huyện. Riêng gạo nấu chín phơi khô để cung cấp cho quân đội là thứ lương khô dự trữ luôn luôn sẵn sàng lúc cần kíp. Năm 1471, Lê Thánh Tông thân chỉ huy 26 vạn quân "hỏi tội" Chiêm Thành xâm phạm biên cương phía Nam. Bấy giờ số lương của tri châu Thuận Hoá chở đến là gạo đồ chín. Vua hỏi: “Gạo đồ chín có thể để được 10 năm không?". Chất trả lời “Khoảng năm Thái Hoà (1443 - 1454) gạo đồ chín từ khi đánh Chiêm đến khi đánh Bồn Man trải qua 26 năm vẫn có thể ăn được”. Vua hỏi: "Gạo tốt thì mới được thế hẳn không mốc ư?". Văn Chất trả lời: "Đại khái để lâu vừa thì được 10 năm còn tốt nguyên"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập III, tr.238). Sách Vân đài loại ngữ cho biết: "Dân La Phù, huyện Thượng Phúc quen làm lương khô ngào mật. Xã Phụ Chánh, huyện Chương Đức cũng có nghề ấy. Họ chọn thóc loại tốt cho vào chảo, gạo nở như ong, trấu bong ra, rồi ngào đường hay mật, làm bánh lương khô rất mềm và ngọt, có thể để lâu ngày"2 (Lê Quý Đôn toàn tập, Sđd, Tập IV, tr.167). Những điều trên chứng tỏ kinh nghiệm truyền thống và khả năng dự trữ lương thực để phục vụ cho quân đội lúc đó.

        Trên đây là một số biểu hiện việc cung cấp nuôi dưỡng binh sĩ trong thời bình và thời chiến. Còn chế độ cung cấp đối với võ quan tướng lĩnh thì nhà nước đã có quy chế rõ ràng về lương bổng và ruộng đất. Khi đã là quan lại thuộc hệ thống chính quyền thì họ được hưởng những đặc ân, đặc quyền và bổng lộc theo quy định cụ thể trong Quan chế của các triều đại.

        Chế độ cung cấp cho quân đội trong các triều đại chủ yếu dựa vào dân và do dân; chính quyền đứng ra tổ chức thực hiện. "Gửi binh vào nông" để quân lính tự túc, đỡ phần chi phí quân sự, dựa vào dân để huy động lực lượng vật chất và trang bị, đồng thời tổ chức các cơ sở cung cấp của nhà nước là hai phương thức chủ yếu trong quá trình thực hiện chính sách cung cấp, nuôi dưỡng cho quân đội. Yếu tố nhân dân trong việc cung cấp vũ khí, trang bị và nuôi dưỡng cho quân đội nói trên là rất thích hợp với một cuộc chiến tranh nhân dân ở nước ta. Đó là những kế sách của các triều đại phong kiến từ Lý đến Lê Sơ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:48:54 am »


        3. Các phương tiện cơ động quân sự

        Do điều kiện riêng, ở Việt Nam thời trung cổ không phát triển ky binh và chiến xa như ở Trung Quốc và một số quốc gia thảo nguyên khác. Phương tiện cơ động của quân đội ở Đại Việt chủ yếu là thuyền, một phần bằng voi và ngựa. Có thể hiểu một số quy chế của Nhà nước Đại Việt trên lĩnh vực này qua biểu hiện của những hoạt động quân sự có liên quan.

        Thuyền là phương tiện cơ động và chiến đấu quan trọng nhất. Ông cha ta từ sớm đã nổi tiếng thạo nghề sông nước, giỏi thuỷ chiến; mặt khác địa hình đất nước có bờ biển dài, nhiều sông ngòi, kênh rạch, đầm ao, nên phương tiện giao thông vận tải kể cả dân sự và quân sự phần lớn dùng thuyền, bè, ghe, mảng. Quân đội Đại Việt có một bộ phận quan trọng là thuỷ quân và thuỷ chiến luôn luôn được coi trọng, vì thế suốt trong các thế kỷ XI đến XV, các triều đại đều chú ý xây dựng các đội thuyền chiến và thuyền vận tải quân sự.

        Ngay từ thời Tiền Lê, Lê Hoàn đã đào sông từ Thanh Hoá đến Nghệ An để vận chuyển quân và lương đi đánh Chiêm Thành. Các trận chiến trên sông Bạch Đằng, sông Thương hoặc chặn giặc ở thành Bình Lỗ đều có phần đóng góp to lớn của thủy quân. Sang thời Lý, trong các cuộc hành quân bình Chiêm và đánh Tống, quân đội chủ yếu cơ động bằng thuyền. Năm 1069, Lý Thánh Tông thân hành dẫn quân đánh Chiêm, đã dùng toàn thuyền chiến để cơ động 5 vạn quân. Nếu tính mỗi thuyền chở được 250 quân và lương thực thì phải có chừng 200 chiếc. Năm 1075, đại quân 5 - 6 vạn do Lý Thường Kiệt chỉ huy tiến sang Khâm Châu cũng hành quân theo đường thuỷ và ít nhất cũng phải dùng 200 - 300 thuyền lớn. Đạo thuỷ quân do Thái tử Hoẵng Chân chỉ huy tham gia trận Như Nguyệt (1077) có tới hai vạn người với khoảng 400 thuyền chiến. Đạo thuỷ quân do Lý Kế Nguyên chỉ huy đánh trận Đông Kênh có khoảng trên một vạn quân và trên 100 thuyền chiến. Với số binh thuyền này, Lý Kế Nguyên đã giành thắng lợi vang dội, đánh tan đạo thuỷ quân nhà Tống do Dương Tùng Tiên chỉ huy, làm tiêu tan ý đồ của quân Tống định phối hợp thuỷ, bộ cùng tiến công phá thế trận phòng ngự ở Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt.

        Quân đội thời Trần nổi tiếng tinh nhuệ một phần do có những đạo thuỷ quân thiện chiến dưới sự điều khiển của những đại tướng thuỷ quân lừng danh như Lê Phụ Trần, Trần Khánh Dư... Cùng với việc tăng cường quân số, số thuyền chiến phục vụ trong quân đội cũng tăng lên nhiều. Nếu thời Lý, số thuyền chiến trong các cuộc hành quân chỉ tính tới con số hàng trăm thì thời Trần con số có thể tính tới hàng nghìn. Sử chép: Năm 1284 tại đại bản doanh ải Nội Bàng (trên sông Lục Nam), Hưng Đạo Vương có một nghìn thuyền chiến. Trong trận Vạn Kiếp (2- 1285) không kể số thuyền của Trần Quốc Tuấn, các vua Trần còn dẫn quân Thánh Dực với hơn một nghìn thuyền chiến đến tăng cường. Điều đó chứng tỏ con số thuyền chiến trang bị trong quân đội nhà Trần rất lớn.

        Thời Hồ, Hồ Nguyên Trừng cho thành lập những xưởng đóng thuyền và trang bị nhiều loại lớn nhỏ cho quân đội đánh giặc Minh. Những năm chuẩn bị cho kháng chiến, nhà Hồ đã lo đóng tàu, thuyền để trang bị cho quân thuỷ. Sách Toàn thư chép: Năm 1400 "Hán Thương làm thuyền đinh sắt, có hiệu là Trung tàu tải lương, Lâu thuyền cổ tải lương. Chỉ mượn tiếng là chở lương mà thôi, nhưng trên có đường sàn đi thông được để tiện việc chiến đấu, dưới thì hai người chèo một mái chèo"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập II, tr.218). Trong chiến tranh, quân đội nhà Hồ cơ động chủ yếu bằng thuyền và đã sử dụng nhiều thuyền các cỡ. Ở trận Mộc Hoàn (1407), Hồ Nguyên Trừng sử dụng đạo quân thuỷ với 300 chiến thuyền đánh quân Mộc Thạnh. Tháng 3 năm đó, Hồ Nguyên Trừng cử các tướng Đỗ Mãn và Hồ Vấn quản lãnh thuỷ quân, tất cả có 7 vạn, nói phao là 21 vạn, từ Hoàng Giang tiến đánh Hàm Tử, thuyền chiến nối liền nhau hơn 10 dặm, chặn ngang giữa sông. Lực lượng thuỷ quân và thuyền vận tải quân sự của nhà Hồ lúc đó rất hùng hậu.

        Các cuộc hành quân cơ động lớn của nghĩa quân Lam Sơn chủ yếu bằng đường thuỷ. Năm 1425, Lê Lợi cử tướng Lê Ngân đem 70 thuyền chiến tiến từ Nghệ An vào Tân Bình hợp sức với Trần Nguyên Hãn giải phóng Tân Bình - Thuận Hoá. Cuối năm đó, Trần Nguyên Hãn chỉ huy đạo quân với hơn 100 chiến thuyền từ Ninh Giang tiến xuống Đông Bộ Đầu để vây Đông Quan... Trang bị của nghĩa quân, từ năm 1426 đã được Nguyễn Trãi mô tả là: "Thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho"1 (Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd, tr.138).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:51:33 am »


        Thời Lê Sơ, quan niệm về "binh chủng" thuỷ quân độc lập đã rõ nét trong cơ cấu tổ chức quân đội, nên vấn đề trang bị và cải tiến các loại tàu, thuyền được chú ý cả về số lượng và chất lượng. Vua Lê Thánh Tông đã từng huy động được một đội thuyền chiến hùng hậu khoảng 5.000 chiếc, đảm nhiệm toàn bộ cuộc hành quân của 26 vạn binh sĩ đánh Chiêm Thành năm 1470; theo nhà vua, trong cuộc hành quân đó "tướng giỏi quân đầy, tì hổ vạn người, thuyền ghe ngàn dặm"2 (Dẫn theo Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Quân thuỷ Việt Nam trong lịch sử chống ngoại xâm, Nxb Quân đội nhân dân, H.1983, tr.264).

        Sở dĩ khi có chiến tranh, các triều đại nói trên đã huy động được các đạo binh thuyền lớn như vậy bởi các nhà lãnh đạo đất nước thuở đó đều ý thức được tầm quan trọng của những hoạt động quân sự trên sông biển, hiểu được tầm quan trọng của chiến trường sông nước, coi thuỷ chiến là một ưu thế của quân đội Đại Việt và luôn chú ý phát triển quân đội trong đó có thuỷ quân cùng với các phương tiện cơ động chiến đấu của nó. Vua Lý nhiều lần ra lệnh “Sắm sửa vũ khí và đóng thuyền chiến". Năm 1043, Lý Thái Tông xuống chiếu đóng vài trăm chiến thuyền. Năm 1068, nhà vua lại ra lệnh đóng chiến hạm. Vua Lý Thần Tông (1106), sai đóng thuyền Mông Đồng để trang bị cho thuỷ quân. Năm 1119, nhà vua hạ lệnh cho chư quân đóng chiến thuyền và sắm sửa vũ khí để đánh quân phản loạn Ma Sa. Chiến thuyền thời Lý có hạng lớn, vừa và nhỏ; trong đó có loại chở được vài trăm quân cùng vũ khí lương thảo và có khả năng vượt biển xa hàng ngàn dặm. Các cuộc hành quân vượt biển đánh Chiêm Thành, đánh Tống hồi thế kỷ XI hay cuộc hành trình vượt biển của Thái tử Lý Long Tường cùng gia đình và quân bản bộ của ông hồi đầu thế kỷ XIII từ Đại Việt đến Cao Ly (triều Tiên) chứng tỏ điều đó.

        Theo sử sách ta biết được thời Lý có nhiều loại thuyền chiến như thuyền Mông Đồng (hai đáy), thuyền Lưỡng Phúc (hai lòng), thuyền Ngự (thuyền chỉ huy) và Lâu thuyền (thuyền lầu). Việt sử lược chép: "Tháng 11 (1106) vua sắp có việc lôi thôi với nhà Tống, sai đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy và đóng chiến hạm"1 (Việt sử lược bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb Văn Sử Địa, H. 1960, tr.122). Toàn thư chép: "Năm 1124, đóng thuyền Trường Quang kiểu hai lòng"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd. Tập 1, tr.125)... Loại thuyền chiến phổ biến thời bấy giờ là thuyền Mông Đồng và thuyền Lưỡng Phúc, có hai đáy an toàn và tiện lợi. Trên thực tế, thuyền Mông Đồng đã có từ những thế kỷ trước. Từ thế kỷ IX, ở nước ta đã đóng loại thuyền này và sau đó được sử dụng phổ biến. Quân thuỷ thời Ngô Quyền ngoài các thuyền nhỏ như thuyền độc mộc, thuyền thúng, cũng đã sử dụng loại thuyền Mông Đồng; theo sử sách mô tả, thời đó "mỗi chiếc có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió"; đó là thứ thuyền hẹp và dài, dùng để xông đánh thuyền giặc"1 (Việt sử lược, Sđd, tr.122). Đến thời Lý, thuyền Mông Đồng nói trên chắc đã được cải tiến, có hiệu quả hơn trong vận tải cũng như khi chiến đấu. Thuyền chỉ huy của vua mang tên gọi Kim Phượng, Thanh Lan, Cảnh Hưng, Vĩnh Xuân...

        Vốn xuất thân từ vùng ven biển, lại ưa chuộng nghề võ nhà Trần càng chú trọng phát triển thuỷ quân, chế tạo nhiều thuyền chiến và giỏi thuỷ chiến. Trần Quốc Tuấn luôn chủ trương giữ quân số ở mức cần thiết, nhưng đối với thuyền chiến và thuyền vận tải thì vẫn "thường xuyên sắm sửa" và được tăng thêm. Mỗi lần chuẩn bị đánh quân Mông - Nguyên, vua Trần đều ra lệnh các lộ, các vương hầu đóng thuyền, ghe. Cuối thời Trần, đầu thời Hồ, nhiều loại thuyền chiến hiện đại nhất lúc đó xuất hiện như thuyền Châu Kiều, thuyền Đinh Sắt, Trung tàu tải thương hay Cổ lâu thuyền... Sứ thần nhà Tống, nhà Nguyên đều tận mắt chứng kiến sức mạnh của thuỷ quân Đại Việt. Sứ giả Trần Phu không chỉ thán phục tài bơi lội của thuỷ thủ nhà Trần mà còn khâm phục kỹ thuật đóng thuyền mông đồng, “đuôi như cánh uyên ương. Hai bên mạn thuyền cao hẳn lên, mỗi chiếc có tới 30 tay chèo, nhiều thì đến hàng trăm. Thuyền đi như bay" (An Nam tức sự). Cổ lâu thuyền thời Hồ là loại thuyền chiến lớn nhất, gồm hai tầng, tầng dưới có 100 mái chèo, tầng trên đặt súng Thần cơ và có sàn để cơ động khi chiến đấu. Điều đặc biệt là từ giai đoạn cuối Trần, pháo thuyền đã xuất hiện. Trang bị trên thuyền bên cạnh những vũ khí bạch binh thông thường còn có cả pháo lớn hoặc súng phun lửa. Tính cơ động của thuyền kết hợp với hiệu quả chiến đấu của hoả khí càng làm tăng thêm sức mạnh của thuỷ quân.

        Với quyết tâm bảo vệ "từng thước núi, tấc sông", các vùng biển và hải đảo của tổ tiên để lại, nhà Lê Sơ rất quan tâm xây dựng và trang bị thuỷ quân. Từ tháng 7 năm 1427, Lê Lợi đã ra lệnh quy định biên chế trong các vệ thuỷ quân: "mỗi thuyền dùng 50 người, giữ trại 5 người, vận lương 5 người, sai phái 5 người"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập III, tr.40). Tháng 8 năm 1428, trong khi ra quy chế về nghi trượng, chiến khí, thuyền ghe, vua Lê Thái Tổ cho biên chế mỗi "quân" có 10 chiến thuyền cỡ lớn, 2 thuyền cỡ nhỏ... Đến đời Lê Thánh Tông, điều kiện đất nước đã cho phép thuỷ quân phát triển nhanh cả về mặt tổ chức biên chế và trang bị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:52:11 am »


        Số lượng trang bị thuyền chiến và thuyền vận tải ở các triều đại đều rất lớn, tuy nhiên việc tổ chức đóng thuyền của nhà nước như thế nào ta không biết rõ. Sử liệu phản ánh chủ yếu những lần đóng thuyền chỉ huy và một số lần nhà vua ra lệnh đóng chiến thuyền. Nhưng qua thái độ ghi chép của các sử gia, có thể nhận biết ý nghĩa quan trọng của vấn đề chế tạo và trang bị thuyền chiến trong các hoạt động có tính chất quốc gia ở các triều đại. Theo Việt sử lược, nhà Lý nắm độc quyền về việc đóng thuyền chiến và các thuyền lớn. Các triều đại kế tiếp cũng đều có các "quan xưởng" đóng thuyền thu hút rất nhiều thợ bách tác giỏi tay nghề từ khắp nơi. Ngoài số thuyền chiến được chế tạo quy mô đó, số thuyền ghe do nhân dân các lộ, phủ tự đóng và cung cấp cho quân đội cũng rất đáng kể. Sử sách ghi lại rất nhiều mệnh lệnh của triều đình, mỗi khi có chiến tranh, hô hào các địa phương, các vương hầu đóng thuyền để sẵn sàng chịu sự điều động. Chính nhờ thế, trong kháng chiến chống Mông - Nguyên, quân nhà Trần đi đến đâu cũng có đủ thuyền để cơ động và chiến đấu, mặc dù đã nhiều khi phải bỏ thuyền để nghi binh, lừa giặc.

        Ngoài thuyền chiến, quân đội Đại Việt còn trang bị ngựa và voi chiến. Từ thời Lý đến Lê Sơ, tại kinh thành Thăng Long, trong các buổi tập ở Xạ Đình, ở Bãi tập hay Trường đua, ở Điện Giảng Võ hay Giảng Võ Đường đều có môn cưỡi ngựa múa giáo, hoặc cưỡi ngựa bắn cung.

        Võ quan tướng lĩnh Đại Việt thường cưỡi ngựa, nhất là trong các cuộc duyệt quân, diễu hành, trong các kỳ tế lễ, hoặc khi đón tiếp sứ bộ ngoại bang. Thời chiến, vương hầu tướng lĩnh cưỡi ngựa chỉ huy bộ binh. Người ta còn dùng ngựa làm phương tiện truyền tin trong chiến đấu. Ở nước ta có xuất hiện ngựa kéo xe, nhưng không phổ biến như các nước khác. Nguyên sử cho biết, năm 1258, tại Bình Lệ Nguyên "quân Trần dàn trận, có voi ngựa rất nhiều ở bờ nam" do vua Trần Thái Tông thân chinh chỉ huy, chờ quân Mông Cổ sang đánh. Hình ảnh "Lê Tần cưỡi ngựa một mình ra vào trận giặc sắc mặt như thường" là biểu tượng của người lính kỵ binh lúc đó. Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn nói với các tướng: "Đi bộ thì ta cấp ngựa, đi thuỷ thì ta cấp thuyền", v.v... Thời Lê Sơ, trong quân bộ có biên chế kỵ binh. Cấm quân đời Lê Thánh Tông có 4 vệ Mã Nhàn; trong vệ Cẩm Y có ti Binh Mã, trong phủ Trung quân có vệ Ky Xạ gồm 5 sở, v.v...

        Nước ta có nhiều voi và từ sớm đã sử dụng voi trong mục đích quân sự. Người Trung Quốc cho rằng: "Quân Nam đánh trận hay dùng sức voi". Voi chiến có thể vừa là phương tiện chiến đấu, vừa là vũ khí sát thương địch. Voi chuyên chở vũ khí, binh lính và lương thảo; khi cận chiến, giáp lá cà, voi có thể dùng vòi, dùng chân tiêu diệt địch, phá rào lũy, mở đường tiến cho bộ binh. Với ưu thế của nó, voi chiến luôn trở thành nỗi kinh hoàng của quân xâm lược mỗi lần gặp phải. Thời Lý, Lý Thường Kiệt đã điều voi chiến tham gia chiến đấu ở Ung Châu (1075), gây cho quân Tống nhiều khốn đốn. Tướng Thân Cảnh Phúc đã sử dụng voi trong trận chặn đánh quân Tống ở ải Quyết Lý (1077) khiến quân giặc bị tổn hao trước khi tiến đến bờ bắc sông Như Nguyệt. Tống sử cho biết, khi Quách Quỳ tiến tới huyện Quang Lang, thì tiền quân nhà Lý do Thân Cảnh Phúc chỉ huy đem voi cản đường, quân Tống không thể tiến được. Người Tống vừa sợ hãi vừa khâm phục voi chiến của ta. Vì thế sau chiến thắng Như Nguyệt, nhà Lý đã sử dụng voi làm sản vật quý dâng tặng vua Tống để đổi lại quân Tống phải rút khỏi châu Quảng Nguyên. Sứ ta, Đào Tông Nguyên mang theo năm con voi để cống. Vua Tống đã nhận voi và trả đất Quảng Nguyên cho ta. Người Tống đã làm thơ chế nhạo vua Tống rằng: “Nhân tham Giao Chỉ tượng, khước thất Quảng Nguyên kim" (Vì tham voi Giao Chỉ, nên mất vàng Quảng Nguyên). Tất nhiên, nguyên nhân chủ yếu phải trả không chỉ vì voi mà chủ yếu do quân Tống không thể giữ được vùng đất ấy nữa.

        Thế kỷ XIII, voi cũng theo Trần Hưng Đạo đã đi đánh giặc Mông - Nguyên; câu chuyện cảm động về con voi chiến của ông bị sa lầy ở sông Hóa (Thái Bình) được lưu truyền mãi mãi. Voi chiến tham gia giữ thành Đa Bang trong kháng chiến chống Minh thời Hồ (1406). Voi hiện diện trong cuộc trường chinh 10 năm khởi nghĩa của Lê Lợi. Mỗi đội quân khởi nghĩa thường có 5 - 7 thớt voi, khiến cho quân Minh hết sức lo sợ. Đến thời kỳ phát triển hùng mạnh, nghĩa quân có hàng ngàn voi chiến, vì thế trong Bình Ngô đại cáo có nói: Gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông cũng cạn. Thời Lê Sơ, tượng binh đã phát triển nhiều nên trong quân đội có đội ngũ "tượng y" và đội quân "tượng phường binh" chuyên chăm sóc, nuôi dưỡng voi chiến; ở kinh thành có đặt năm vệ quân Tuần Tượng. Năm 1465, Lê Thánh Tông đã ban hành các trận đồ thuỷ bộ, trong đó có 22 điều tượng trận và 27 điều mã trận.

        Như vậy, ngựa và voi đã sớm được các triều đại sử dụng trong quân sự với mục đích vận tải và chiến đấu. Tuy nhiên ở nước ta, kể cả ky binh và tượng binh không trở thành một binh chủng chiến đấu độc lập mà luôn là lực lượng phối thuộc chiến đấu hiệp đồng có hiệu quả với bộ binh. Ky binh của ta không phát triển và không đóng vai trò quan trọng trong chiến đấu như ở các nước Bắc Á và châu Âu đương thời. Còn đối với tượng binh, là một lực lượng đặc biệt, nhưng mỗi đơn vị, mỗi mũi tiến công cũng chỉ có từ 2 đến 5 - 6 thớt voi dùng làm lực lượng đột kích. Chẳng hạn, trận Ninh Kiều (1426) các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy 3.000 quân tinh nhuệ và hai thớt voi. Khi mai phục đánh Liễu Thăng ở Chi Lăng (1427), các tướng Lê Sát và Lưu Nhân Chú chỉ huy một vạn quân tinh nhuệ, 100 ngựa và 5 thớt voi. Voi vận tải quân sự và voi chiến được sử dụng rộng rãi hơn từ thời Trịnh, Nguyễn và Tây Sơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 05:53:09 am »


        II VẤN ĐỀ LUYỆN QUÂN

        1. Đào luyện võ quan cao cấp

        Trong vấn đề luyện quân, các triều đại phong kiến đặc biệt chú ý đến luyện tướng, trên cả hai lĩnh vực Đức và Tài. Hình thức rèn luyện đức độ cho các tướng có thể bằng truyền hịch, ban chiếu dụ, chỉ dụ; hoặc tổ chức các tướng họp bàn, tuyên thệ, v.v... Nội dung rèn luyện là bồi dưỡng tình cảm của tướng lĩnh đối với quê hương đất nước, với quân sĩ; đề cao lòng "trung quân ái quốc", tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy.

        Trước khi bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với giặc Mông - Nguyên (1285), Trần Quốc Tuấn với cương vị là Quốc công tiết chế (tổng chỉ huy quân đội) đã ra Hịch tướng sĩ, khơi dậy và khích lệ lòng trung nghĩa, tinh thần chiến đấu hy sinh "vì nước quên mình" của các tướng. Yự chí quyết chiến quyết thắng được bài hịch khích lệ đã từ các tướng sĩ truyền đến toàn quân, tạo nên một sức mạnh tinh thần hết sức to lớn. Tháng 11 năm 1282, Trần Nhân Tông triệu tập các vương hầu bách quan đến Bình Than bàn kế đánh giặc. Qua hội nghị đó, triều đình đã chung đúc trí tuệ, mưu lược của các tông thất, tướng sĩ để đi tới một phương lược giữ nước tối ưu nhất; để mọi người cùng thống nhất đường lối, kế sách kháng chiến. Mặt khác, qua hội nghị đó, triều đình đã động viên tinh thần đánh giặc của các tướng sĩ, làm cho mọi người dù được tham gia hội nghị hay không, đều nhận thấy bổn phận của người tướng trước nguy cơ giặc ngoại xâm. Hai sự kiện đối với Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư và Hoài Văn hầu Trần Quốc Toàn mà sử đã ghi liên quan đến hội nghị đều thể hiện tinh thần đó.

        "Hội thề Lũng Nhai” (1416) tại núi rừng Thanh Hoá do Lê Lợi tổ chức nhằm làm cho các anh hùng hào kiệt, các tướng lĩnh Lam Sơn đồng lòng chung sức, chiến đấu hy sinh vì dân vì nước. Tấm gương chiến đấu quên mình của chính Lê Lợi trong quá trình khởi nghĩa cũng đã là nguồn động viên, giáo dục các tướng sĩ rất lớn, khiến cho mọi người "ai nấy đều cảm kích mà liều chết với giặc". Đối với các tướng, Lê Lợi và Nguyễn Trái thường "hun đúc lòng trung nghĩa" xem đó là phẩm chất căn bản của mỗi người tướng, vì "đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng giúp thêm".

        Sau khi giải phóng đất nước, đại diện cho chính quyền mới, Lê Lợi khuyên các tướng phải làm việc hết chức phận, “chớ vô tình, chớ lừa dối và chớ gian tham". Chiếu của Lê Thái Tổ nói rằng: "Ngày nay các đại thần tổng quản, cho đến đội trưởng cùng các quan viên ở viện, sảnh, cục, phàm người có chức vụ coi quân trị dân, đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối với dân thì hết hoà... coi công việc của quốc gia như công việc của mình, lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ. Hết lòng hết sức giúp đỡ nhà vua, khiến cho xã tắc yên như núi Thái Sơn, cơ đồ vững như bàn thạch"1 (Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd. tr.138). Lê Thái Tông trong chiếu gửi tướng Lê Ngân viết: "Cho ngôi cao, cho lộc trọng, trẫm đã ủy cho ngươi quyền làm tướng văn tướng võ trong ngoài. Trên vì vua, dưới vì dân, ngươi phải cáng đáng trách nhiệm yên nguy của xã tắc". Như vậy, các nhà nước phong kiến mà vua là người đại diện đều coi trọng nhân tố chính trị - tinh thần, chăm lo bồi dưỡng lòng trung thành, vì nước vì dân của các tướng lĩnh.

        Tuy nhiên để nâng cao chất lượng quân đội, yếu tố tài năng, thông hiểu binh pháp, giỏi võ nghệ của đội ngũ tướng lĩnh là hết sức cần thiết. Các nhà nước Đại Việt nói chung đều trọng võ; nhất là dưới thời Trần, xu hướng trọng võ trở thành phương châm sống của vua quan. Sử chép: “Bấy giờ các vương hầu phần nhiều lấy sự đánh nhau bằng tay không và một mình đi "ăn cướp” là dũng cảm". Vũ Uy Vương Duy (con Thái Tông) cũng thường trốn thành ra đấu võ ở bến Đông. Tại kinh thành, vua thường tổ chức cho quân sĩ đánh nhau với hổ (tất nhiên con vật đã được bẻ móng, rọ mõm). Do truyền thống thượng võ mà con cái các nhà quyền quý hoặc nhiều người trong dân cũng đã sớm quan tâm đến nghề võ. Khi trở thành các võ quan, họ lại tiếp tục được học tập quân sự một cách thường xuyên, có hệ thống theo quy chế của triều đình.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM