Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 12:37:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV  (Đọc 24609 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2016, 07:34:14 pm »


        Sự xuất hiện kinh tế thái ấp, điền trang và các đội quân vương hầu quý tộc ở nước ta khác hẳn với ở phương Tây. Trong khi ở nước ta dân tộc đã hình thành sớm, chính quyền trung ương đã thống nhất được lực lượng, quản lý tốt các địa phương, thì ở Tây Âu phong kiến thời trung đại chưa có một “quốc gia dân tộc" ổn định, càng chưa có một chính quyền tập trung mạnh. Tính cát cứ lãnh chúa tồn tại phổ biến, nhiều lãnh chúa phong kiến Tây Âu chiếm hữu hàng chục thái ấp hoặc cả một vùng rộng lớn. Chiến tranh tranh giành lãnh địa đã dẫn đến việc thiết lập các đạo quân riêng của các lãnh chúa. Chính quyền trung ương không khống chế được họ và cũng không đủ sức ngăn cản các cuộc chiến tranh giữa các lãnh chúa. Trong khi đó ở Đại Việt, vương hầu quý tộc là bộ phận trong chính quyền. Về cơ bản quyền lợi của quý tộc tông thất thống nhất với quyền của nhà vua. Chính sách phong cấp thái ấp, khuyến khích thành lập điền trang ở thời Trần là một tất yếu lịch sử trước yêu cầu củng cố và tăng cường quyền lực thống trị của dòng họ và trước yêu cầu giữ nước. Quân vương hầu là một bộ phận trong tổ chức quân sự của quốc gia Đại Việt. Sự khác biệt nói trên do nhiều nguyên nhân, có thể vì quá trình hình thành chế độ phong kiến Việt Nam diễn ra theo một quy luật riêng, khác với con đường phát triển kinh tế lãnh địa với quan hệ lãnh chúa - nông nô, hay nói chung là khác quá trình nông nô hoá ở phương Tây.

        Các sử sách của ta đều ghi chép sự kiện năm 1282: "Vua sai các vương hầu tôn thất mộ binh và thống lĩnh binh của mình"1 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập IV, Sđd, tr.5); "Mùa Thu, tháng 8 (1284), Hưng Đạo Vương điều động quân của các vương hầu để đại duyệt ở bến Đông, chia quân đến các xứ Bình Than đóng giữ chỗ hiểm yếư”2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr.50, 58) hoặc giữa năm 1286: "sai Hưng Đạo Vương tổng đốc các vương hầu tông thất điều quân và làm đô binh khí, thuyền ghe"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr.50, 58). Cũng năm đó, vua Nhân Tông hạ lệnh cho các vương hầu tông thất chiêu mộ binh lính, sắm sửa vũ khí đề phòng khi chiến đấu hoặc phòng thủ. Khi được tin quân Nguyên sắp sang xâm lược, các vua Trần đều thân hành chỉ huy các vương hầu điều động quân thuỷ bộ thao diễn chiến trận. Trần Quốc Tuấn điều khiển các sắc quân của vương hầu, mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu2 (Việt sử thông giám cương mục, Tập V, Sđd, tr.60). Và, trong các lần chiến tranh, quân vương hầu đã thể hiện được vai trò “giúp vua đánh giặc” của họ. Sử chép: “Năm Nguyên Phong (đời Trần Thái Tông) giặc Nguyên sang cướp, vương hầu đem gia hầu và hương binh, thổ hào sung vào đội quân cần vương; việc biến năm Đại Định (1369), vương hầu đem quân thôn trang sắm sửa nghi trượng để đón vua mới"3 (Năm 1369, Dương Nhật Lễ cướp ngôi vua Trần, tông thất nhà Trần đem quân đón Trần Húc ở Đà Giang về giết Nhật Lễ, lập vua Trần Nghệ Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr.32).

        Các sử gia phong kiến nước ta đều đánh giá cao vai trò của quân vương hầu, mà trong đó có những chiến binh vốn là gia nô, nô tỳ hoặc những nông nô ở các điền trang, phủ đệ Sử gia Ngô Thì Sĩ chép: "Lúc nhà Trần đương thịnh, đánh nhau với giặc Hồ (tức quân Mông - Nguyên), nhờ sức các gia nô của vương hầu nhiều lắm"4 (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Sđd, tr.244). Đạo quân gia nô và thân thuộc của Trần Quốc Toàn đã chiến đấu anh dũng trong các trận đại phá quân Nguyên ở Tây Kết, Chương Dương - Thăng Long, ở Như Nguyệt. Các gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô nổi tiếng về tinh thần kỷ luật, lòng trung thành và trí dũng trong chiến đấu. Sách Toàn thư phản ánh sự kiện Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, quyết đợi chủ tướng Trần Quốc Tuấn khi quân ta thất trận trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến năm 1285. Câu nói sau của Trần Quốc Tuấn đã đánh giá cao Yếu Kiêu, Dã Tượng và những gia nô trong đội ngũ của mình: "Ôi, chim Hồng hộc có thể bay cao được là nhờ có sáu chiếc lông cánh, nếu không có chiếc lông cánh thì cũng như chim thường thôi"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr.51). Lòng trung của Yết Kiêu và Dã Tượng còn làm Trần Quốc Tuấn rơi nước mắt khi ông đem câu chuyện của Trần Liễu hỏi ý kiến họ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2016, 07:34:51 pm »

        Nguyễn Địa Lô cũng là một gia nô của Trần Quốc Tuấn, thường ngày rất tích cực tập luyện cung kiếm và trở thành một tay thiện xạ nổi tiếng. Chính Nguyễn Địa Lô trong trận Ma Lục vùng Chi Lăng (năm 1285) đã bắn chết tên Việt gian Trần Kiện ngay trên mình ngựa khi y cùng bọn Trần Tú Hoãn, Lê Trắc đang chạy sang đất giặc. Trong đội ngũ "gia thần, gia nô, gia đồng" thời đó có những người vì tài năng quân sự và có nhiều cống hiến lớn trong chiến tranh đã trở thành những võ quan cao cấp, như Phạm Ngũ Lão... Sách Cương mục chép: "Ngũ Lão là gia thần của Quốc Tuấn. Quốc Tuấn thấy Ngũ Lão có tài năng khí độ vượt hơn mọi người, gả con gái cho, nhân đó tiến cử lên triều đình. Ngũ Lão theo Quốc Tuấn đánh giặc có công to"... Đến năm 1300, Ngũ Lão được trao chức Thân vệ đại tướng. Sử cũ2 (Việt sử thông giám cương mục, Tập V, Sđd, tr.86) còn nhắc đến sự kiện năm 1292, những khi vua Trần Nhân Tông ngự chơi ngoài hành cung, gặp gia đồng của các vương hầu thường gọi tên và hỏi "chủ mày ở đâu?" và răn dạy các vệ sĩ không được thét đuổi họ. Vua lại nói với các quan hầu cận rằng: "Ngày thường có thị vệ hai bên, đến khi nhà nước có hoạn nạn thì chỉ thấy có bọn ấy đi theo mà thôi" (Đại việt sử ký toàn thư, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Tập II, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr.68). Điều đó chứng tỏ vua Trần rất cảm mến và đánh giá rất cao sự đóng góp của những người lính vương hầu. Như vậy dưới triều Trần, lực lượng nông nô, nô tỳ đã gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu; họ được tổ chức thành các đạo quân dưới sự chỉ huy của các vương hầu, quý tộc. Lực lượng quân sự này được nhà nước huy động và đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt trong 3 lần kháng chiến; khi hoà bình họ lại trở về với công việc sản xuất hay phục dịch của mình trong các thái ấp, phủ đệ của quý tộc Trần.  
        Từ nửa sau thế kỷ XIV, xu hướng quan liêu hoá, tha hoá, xa dân trong đội ngũ vương hầu quý tộc phát triển. Đó cũng là một nguyên nhân làm chính quyền nhà Trần suy yếu Ngày trước, nếu thế lực của điền trang, thái ấp của vương hầu góp phần quan trọng củng cố chính quyền trung ương, giữ vững địa vị thống trị của vương triều, tăng cường cái thế "duy thành", thì đến nay, gia nô, nô tỳ ở các điền trang bị bóc lột và đối xử thậm tệ nên đã nổi dậy hay bỏ trốn, đâu còn phục vụ cho chính quyền trung ương nữa. Khi kinh tế điền trang thái ấp đã lỗi thời thì nó không còn vị trí trong xã hội như trước; Nhà nước phong kiến Đại Việt cũng không cho phép các chủ điền trang tổ chức lực lượng quân sự riêng nữa.

        Đến thời Hồ, Hồ Quý Ly tiến hành cải cách, thi hành phép hạn điền, hạn nô, đánh vào kinh tế điền trang thái ấp lúc đó đã lỗi thời. Tuy nhiên, lãnh địa của các đại vương và trưởng công chúa vẫn còn. Vì thế, tổ chức quân vương hầu giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV về cơ bản không tồn tại, chỉ còn rất ít, có thể đó chỉ là những bộ phận lực lượng vũ trang nhỏ bảo vệ trong các đại điền trang của các đại vương thời cuối Trần đầu Hồ. Sang thời thuộc Minh và thời Lê Sơ, cùng với sự tiêu vong của kinh tế lãnh địa nóit trên, tổ chức quân vương hầu cũng không còn nữa.

        Tóm lại, ở Đại Việt từ thời Đinh - Lê đến thời Hồ, đặc biệt là thời Trần, quân vương hầu đã xuất hiện và tồn tại nhu một nét đặc thù trong cơ cấu tổ chúc quân sự dân tộc. Từ chỗ là những đội quân “gia nô" hay "vương hầu gia đồng”, nó đã phát triển thành một bộ phận trong cơ cấu tổ chức các thứ quân của nhà nước. Thời bình đó là lực lượng canh phòng tại chỗ, thời chiến số lượng phát triển và đóng vai trò quan trọng “giúp vua đánh giặc". Khi nhà nước phong kiên tập quyền phát triển cao, khi chế độ kinh tế thái ấp điền trang mất đi thì tổ chức quân vương hầu cũng không còn tồn tại trong xã hội Đại Việt nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2016, 07:39:11 pm »

       
        IV. DÂN BINH LÀNG XÃ

        Dân binh (hương binh hay thổ binh) là một bộ phận của lực lượng vũ trang dân tộc; đó là tổ chức quân sự cơ sở ở các địa phương làng xã, có nhiệm vụ chủ yếu là canh phòng, bảo vệ trị an và đánh giặc, giữ gìn làng xã, quê hương mình.

        Nếu như quân triều đình có tổ chức chính quy, tinh nhuệ, số lượng không đông, là nòng cất của lực lượng vũ trang nói chung, và nếu như quân địa phương là lực lượng quân thường trực ở các châu, lộ có số lượng vừa phải, chiến đấu chủ yếu bảo vệ các địa phương... thì dân binh là lực lượng vũ trang địa phương đông đảo nhất, là tổ chức quân sự cơ sở, dưới sự chỉ huy của các xã quan, của những thủ lĩnh quân sự địa phương hoặc những người có uy tín, giỏi võ nghệ trong vùng. Tổ chức dân binh bao gồm những đinh nam trong làng bản, những trai tráng đã được ghi tên trong “sổ quân" mà chưa nhập ngũ, những người đã làm xong nghĩa vụ binh dịch trở về địa phương. Đối với họ lúc "vô sự" là dân, lúc có giặc là binh. Thời bình, dân binh vừa là tuần đinh, vừa sản xuất vừa bảo vệ trì an trong vùng; khi có chiến tranh họ nhanh chóng được tổ chức và trở thành một lực lượng quân sự quan trọng đánh giặc, giữ nước. Trên cơ sở lòng yêu quê hương, đất nước của nhân dân và những mối quan hệ truyền thống gia đình, dòng họ, láng giềng thôn xã..., dân binh thực sự là một hình thức tổ chức để trăm họ muôn dân có thể trực tiếp tham gia vào sự nghiệp giữ nước. Tầm quan trọng của dân binh không chỉ vì có số lượng đông đảo mà còn ở chỗ nó là lực lượng chiến đấu tại chỗ, có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc. Khác hẳn với tên “giặc cỏ", "giặc cướp" mà bọn xâm lược và phản động thường gắn cho, "dân binh” đúng như tên gọi của nó, trước hết là những người dân bình thường được tổ chức, được trang bị và huấn luyện ở mức nhất định, vừa chiến đấu vừa sản xuất, "tịnh vi nông, động vi đông", khi có chiến tranh họ là lực lượng nòng cốt của làng xã chiến đấu. 

        Hoạt động dân binh là cơ sở của cuộc chiến tranh du kích rộng lớn, khiến quân thù tiêu hao, mệt mỏi, không cướp được lương thảo nuôi quân. Khi địch phân tán đối phó thì các đồn trại của chúng trở thành mục tiêu tiến công của các đội dân binh. Trong công cuộc đánh giặc giữ nước, dân binh là một lực lượng chiến lược. Lực lượng vũ trang "một triệu người" của thể chế "Thập đạo quân" thời Đinh - Lê mà sử gia thế kỷ XVIII đã gọi là một thể chế của "thời kỳ binh và nông chưa chia", chủ yếu là dân binh của quốc gia Đại Cồ Việt. Thời ấy đã xuất hiện một hình thức tổ chức quân sự chỉ tồn tại trên khung biên chế, còn thực số, lại gửi ở nông thôn; thời bình là dân hoặc dân binh sống và lao động sản xuất trong các làng xã, hương thôn, thời chiến có thể được huy động đi chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Trong giai đoạn Lý - Trần, do nhận thức đúng vai trò chiến lược của dân binh, nhà nước đã thể chế hoá tổ chức quân sự này và có những biện pháp tích cực nhằm phát huy tính ưu việt của nó.

        Thời Lý - Trần lập ra những đội dân binh tuân theo phép nước. Tuy số lượng nhiều ít không do triều đình quy định, nhưng mỗi làng, bản đều căn cứ vào sổ hộ tịch và nhu cầu để quy định số lượng dân binh đảm đương việc làng. Bình thường, họ là những đội tuần đinh có số lượng nhỏ, gặp khi giặc giã, biến loạn thì ai có tên trong danh tịch hương binh đều phải ra phục dịch, chiến đấu; xong việc họ lại về nhà làm ăn. Trước khi bước vào các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, không chỉ ở kinh đô Thăng Long mà ngay cả các phủ đệ vương hầu và đặc biệt là từ các hương ấp, bản làng đã diễn ra không khí náo nức chuẩn bị kháng chiến. Nhiều làng xã mở lò luyện võ, “toàn dân sắm sửa vũ khí, đóng thuyền ghe", tự vũ trang và tổ chức đội dân binh sẵn sàng đánh giặc giữ làng, đáp lời kêu gọi của triều đình: "Tất cả các quận huyện trong nước nếu có giặc ngoài đến đều phải liều chết mà đánh, nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh, không được đầu hàng giặc"1 (Nguyên sử, q.209, T7b. Dẫn theo Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Sđd, tr.178).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2016, 07:39:47 pm »


        Dưới triều Lý, cùng với chính sách cố kết dân tộc, nhà nước rất quan tâm phát triển lực lượng quân sự địa phương, nhất là các vùng lãnh thổ nơi biên giới phía Bắc và Đông Bắc, coi đó là một lực lượng quốc phòng quan trọng. Vì thế, cuối năm 1075 đầu năm 1076, trong đạo quân tiến sang đất Tống thực hành cuộc tập kích chiến lược “tiên phát chế nhân" phá tan các căn cứ xuất phát xâm lược của giặc, có hàng vạn các thổ binh nằm trong các đạo quân do thủ lĩnh địa phương các dân tộc miền núi chỉ huy. Đến cuối năm 1076 đầu năm 1077, dân binh, thổ binh vùng từ bắc sông Như Nguyệt đến biên giới lại một lần nữa có mặt trong đội quân chống xâm lăng, thực hành đánh chặn, tập kích, phục kích, tiêu hao địch, tạo điều kiện thuận lợi để quân chủ lực nhà Lý thực hiện thành công phòng ngự và phản công tiêu diệt quân Tống. Sử Trung Quốc (Tục tư trị thông giám trường biên) cho biết: Dân Man họp nhau chống lại. Ở bắc Quảng Nguyên có Hoàng Lục Phẫn cùng cư dân chống cự, không cho (người Tống) tiến vào động mình. Cánh quân do Yên Đạt chỉ huy cũng bị Lưu Kỷ chống lại rất hăng. Yên Đạt sai đốt phá các động để đề phòng người ở đó tập kích"1 (Theo Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.282, 285). Lực lượng dân binh tham gia cuộc kháng chiến chống Tống thật đông đảo. Trong một tờ trình của quan địa phương gửi lên vua Tống, có nói: "Dân Man kéo hết cả nhà theo", "cả nước Giao Chỉ, nhà có sáu người thì năm người tòng quân, còn một không đi được phải ở lại"2 (Theo Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Sđd, tr.282, 285); điều đó phần nào chứng tỏ sự tham gia đông đảo của dân binh trong kháng chiến chống Tống.

        Thế kỷ XIII, dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần, chiến tranh nhân dân đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Sự phát triển của lực lượng dân binh cũng như sự tham gia chiến đấu của họ thật phong phú và đa dạng. Trần Phu, sứ giả nhà Nguyên đã viết về hoạt động của dân binh Đại Việt như sau: “Mỗi khi có biến động là trai tráng khắp mọi nơi đều kéo ra ngay, khí giới đều tự họ trang bị lấy có người còn vác cả cây gậy trơn” (Sứ Giao Châu cảo). Thực hiện mệnh lệnh của vua, nhân dân các làng xã trong nước với nhiều hình thức đều tham gia chiến đấu. Phan Huy Chú đã từng tổng kết: "Lúc vô sự thì phục binh ở nơi thuận tiện, khi có nạn thì hết sức chống cự. Thế là đời Trần nhân dân ai cũng là binh, nên mới phá được giặc dữ, làm cho thế nước được mạnh"3 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí. Tập IV, Sđd, tr.6).

        Tổ chức dân binh cùng với cấu trúc làng chiến đấu đã trở thành những pháo đài xanh kiên cố, những chướng ngại tai hại trên bước đường hành quân của quân xâm lược. Trong chiến tranh giữ nước của dân tộc, lực lượng dân binh đã có mặt ở khắp nơi; dưới sự chỉ huy của các xã quan, hào trưởng hay các thổ tù miền núi. Cả ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên, trong nước chỉ có hai hương Bàng Hà và Ba Điểm hàng giặc (trong kháng chiến lần thứ ba), còn hầu hết các hương xã nơi có giặc đến đều anh dũng chiến đấu, chặn đứng nhiều cuộc hành quân của chúng. Vua Trần Nhân Tông ra lệnh xử tội đồ quân dân hai hương đó, cho làm thang mộc binh (lính hầu trong các vùng đất phong của vương hầu), cấm họ đời đời không được làm quan và ban cho tể thần làm "sai sử hoành" (nô tỳ); những hương xã có công đánh giặc được ban thưởng và ghi vào chính sử. Tiêu biểu về tinh thần chiến đấu lúc bấy giờ là dân binh làng Cổ Sở (Yên Sở) đã đánh bại hai cuộc hành quân cướp phá của giặc vào các năm 1258 và 1288; là dân binh ở trại Quy Hoá do chủ 1 trại Hà Bổng, Hà Khuất chỉ huy đã chặn đánh ky binh Mông Cổ trên đường tháo chạy (1258); hoặc như dân binh làng Yên Duyên (Quảng Xương - Thanh Hoá) dưới sự lãnh đạo của viên đại toát (xã quan) Lê Mạnh, chặn đánh quân Toa Đô, buộc chúng phải tháo chạy khi vừa xâm phạm vào địa phận của làng (1285), v.v... Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Giặc Nguyên vào cướp, các vương hầu đem hương binh và thổ hào sung vào đội quân Cần vương"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr.32). Trong các giai đoạn phản công chiến lược, dân binh đã tập hợp thành những lực lượng lớn, phối hợp với quân chủ lực tiến công quân địch. Tháng 2-1285, thổ binh người Tày mà thủ lĩnh là hào trưởng Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đã cùng quân triều đình đánh trận Ma Lục nổi tiếng, tiêu diệt bọn phản bội Trần Kiện và đoàn quân Nguyên hộ tống trên đường chạy sang Trung Quốc. Ba tháng sau, các đội dân binh do Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền hợp cùng với quân của Thượng tướng Trần Quang Khải và quân của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toàn đánh tan giặc ở Chương Dương - Thăng Long. Lịch sử ghi nhận chiến công của dân binh các làng xã ở huyện Phù Ninh (Vĩnh Phú) do hai anh em Hà Đặc và Hà Chương chỉ huy; bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, đã đánh tan giặc Nguyên khi chúng rút chạy qua địa phương mình... Dân binh chiến đấu độc lập giữ làng bản, họ chiến đấu trong các đạo quân do các thủ lĩnh địa phương hay các vương hầu quý tộc thống lĩnh, họ còn hợp sức cùng các đạo quân chủ lực của triều đình. Họ đánh giặc mọi nơi mọi lúc, bằng mọi vũ khí với nhiều hình thức phong phú. Sự kết hợp giữa dân binh với quân triều đình và quân các lộ, trấn là một đặc điểm nổi bật, một nguyên tắc đúng trong quá trình tổ chức và chiến đấu của lực lượng vũ trang Đại Việt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 19 Tháng Tám, 2016, 07:46:03 pm »


        Vai trò của dân binh quan trọng như vậy, song tổ chức quân sự này chỉ có tác dụng khi nhà nước nhận thúc đúng nó, biết tổ chức họ và đồng thời phải có đường lối chính trị quân sự đúng, biết dựa vào dân tiến hành các cuộc chiến tranh giữ nước. Trường hợp này diễn ra khi quyền lợi của giai cấp thống trị và quyền lợi của dân tộc gắn liền với nhau. Bài học thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược dưới triều Hồ chứng minh điều đó. Hồ Quý Ly là một người yêu nước, tích cực chuẩn bị kháng chiến; nhà Hồ có quân đông, vũ khí tốt, thành cao hào sâu..., song rốt cuộc vẫn không ngăn được giặc. Nguyên nhân chính bởi nhà Hồ không có đường lối đúng cả về chính trị và quân sự; trong quá trình xây dựng Binh chế của mình không coi trọng tổ chức và động viên dân binh chiến đấu, để tạo ra một cuộc chiến tranh nhân dân như các triều đại trước. Trong tổ chức quân sự, triều Hồ có cả quân triều đình và quân các lộ, trấn; ở một số nơi còn tổ chức "đội quân nghĩa dũng" và tổ chức "xã binh" trong đó có cả các phạm nhân để có thêm quân số chống giặc Bắc, như trường hợp Hồ Tùng đánh Chiêm Thành không thắng, bị "đồ làm xã binh" năm 14011 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Dịch theo bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Sđd, tr.202). Tuy nhiên, các tổ chức đó không thể thay thế được lực lượng dân binh.

        Triều Hồ thất bại, nhưng lực lượng kháng chiến của nhân dân mà nòng cốt là các đội hương binh vẫn tồn tại, tiếp tục phát triển và trở thành những lực lượng vũ trang địa phương, chiến đấu chống xâm lược ở khắp mọi nơi. Quân Minh chiếm đóng ở nước ta, nhưng chúng không thể kiểm soát được các làng xã, ngược lại quân giặc thường xuyên bị lực lượng yêu nước của các địa phương chống lại. Cái mà người Minh hoảng sợ gọi là "giặc cướp nổi lên như ong” thực chất là những cuộc bạo động khởi nghĩa của nhân dân các làng xã Đại Việt chống lại chính quyền đô hộ. Lê Lợi và Nguyễn Trài hơn hẳn các hào kiệt khác bởi tài năng và tầm nhìn của mình; từ chỗ nhận thức được sức mạnh chống xâm lăng là lực lượng dân chúng, hai ông đã có những chính sách đúng đắn để phát động nhân dân khởi nghĩa. Lực lượng yêu nước mà trước hết là những dân binh, "manh lệ" đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ của khởi nghĩa Lam Sơn. "Nghĩa quân đi đến đâu, người ta nghe tiếng là quy phục, cùng hợp sức vây thành diệt giặc", "nhân dân dắt díu nhau đến đông như đi chợ" "họ tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc"2 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb Khoa học xã hội, H.1967, tr.20)... Nếu như trong chiến tranh vệ quốc, dân binh đã phát huy vai trò to lớn trong chiến đấu giữ làng giữ nước, thì trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh giải phóng, dân binh là lực lượng quan trọng nhất tham gia các đạo nghĩa binh. Đó là lực lượng vũ trang làng xã đánh giặc tại chỗ, chống phá âm mưu bình định và cướp bóc của quân thù. Đặc biệt trong khởi nghĩa Lam Sơn, số lượng dân binh tham gia ngày một đông đảo, họ trở thành nghĩa quân rất nhiệt tinh và anh dũng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Bộ tham mưu tài giỏi. Đó là một nhân tố tạo nên chiến thắng huy hoàng trong chiến tranh giải phóng đầu thế kỷ XV.

        Sau khi giải phóng đất nước, triều Lê Sơ xây dựng chính quyền chuyên chế, trong đó quân đội được tổ chức chính quy. Chính quyền trung ương có khả năng tập trung quyền lực và quản lý các cơ sở. Trong nước chính trị ổn định, kinh tế và quốc phòng có điều kiện phát triển, nạn ngoại xâm không còn là mối đe dọa trực tiếp nữa. Vì thế, Nhà nước Lê Sơ không khuyến khích phát triển dân binh ở các làng xã. Tuy nhiên, là một tổ chức mang tính truyền thống, dân binh vẫn tồn tại với tính chất tự nhiên của nó dưới hình thức là những đội tuần đinh, tuần tráng, tự vệ, canh phòng, bảo vệ an ninh làng xã trong thời bình.

        Có thể nói, nét độc đáo trong lực lượng vũ trang Đại Việt là vai trò chiến lược của tổ chức dân binh trong các làng xã, thôn ấp, động bản. Đó là một tổ chức quân sự địa phương có nguồn gốc từ xa xưa, vừa mang tính tự nguyện vừa được Nhà nước thể chế hoá, để mọi người dân có thể tham gia và góp phần vào sự nghiệp đánh giặc giữ nước. Nếu chính quyền nhà nước tiến bộ, biết tổ chức và động viên thì dân binh (hương binh) làng xã sẽ là lực lượng đánh giặc tại chỗ đông đảo nhất hợp cùng với các tổ chức quân sự khác, tạo nên thế mạnh chiến tranh toàn dân, "cử quốc nghênh địch", cả nước cùng đánh giặc bảo vệ quê hương xứ sở của mình.


Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 04:22:49 am »

     
Chương III

CHẾ ĐỘ TUYỂN MỘ, QUẢN LÝ VÀ CHỈ HUY QUÂN ĐỘI

        I. TUYỂN MỘ BINH LÍNH, TUYỂN DỤNG VÕ QUAN, TƯỚNG LĨNH

        1. Tuyển mộ và động viên binh lính

        Tuyển quân xưa gọi là mộ binh, tức phép kén chọn binh lính của Nhà nước Đại Việt, bao gồm hai vấn đề chủ yếu: đó là quản lý đinh tráng và các quy chế về tuyển lính sung quân trong các triều đại. Nội dung của nó bao hàm việc lập sổ hộ, quản lý và phân hạng đinh nam; việc lập sổ quân; những quy định về nghĩa vụ binh dịch, các quy chế tuyển chọn và động viên quân đội.

        1.1. Quản lý nhân đinh các địa phương - mối quan hệ giữa hộ tịch và quân tịch

        Ở Đại Việt vấn đề dân tịch và quân tịch luôn luôn gắn liền với nhau. Để xây dựng quân đội quốc gia nói riêng và lực lượng vũ trang nói chung được hùng mạnh, điều trước tiên nhà nước phải nắm vững và quản lý nhân đinh trong nước. Thế kỷ thứ X, thời Đinh - Lê có Thập đạo quân, bắt đầu chế độ binh dịch của các đinh tráng; vì thế vấn đề quản lý hộ tịch để "điểm dân làm lính" đã được đặt ra. Trên danh nghĩa tổ chức Thập đạo quân gồm một trăm vạn người, nhưng thực chất đó là "ngạch quân biên sổ, khi có việc gì thì gọi ra, xong việc lại trở về làm ruộng"; cũng vì thế, sử gia Ngô Thì Sĩ đã nhận xét: "Thời đó binh và nông chưa chia"1 (Dẫn theo Phan Huy Chú, Sđd, Tập IV, tr.4).

        Thời Lý (thế kỷ XI), vấn đề quản lý đinh tráng trở thành điển chế của nhà nước. Việc binh chính, tài chính được chính quyền chú ý, trong đó biện pháp đầu tiên là: Lập hộ tịch và kiểm kê nhân đinh trong nước. Đây là cơ sở để nhà nước tuyển quân. Thể thức được tiến hành như sau: Hằng năm, đầu mùa Xuân, các xã quan lập sổ hộ xã mình, kê khai nhân đinh xếp theo thứ hạng: Tôn thất (họ vua), quan văn võ, quan theo hầu, quân nhân, tăng đạo, hoàng nam (những người khoẻ mạnh), người già yếu, tàn tật, lưu tán... Đinh nam từ 18 đến 20 tuổi được ghi vào sổ bìa vàng, gọi là Hoàng nam, từ 20 tuổi đến 60 tuổi gọi là Đại nam. Từ đời Lý Anh Tông lại quy định, từ 16 tuổi trở xuống là Hoàng nam, từ 17 đến 19 tuổi là Đại hoàng nam. Tất cả các Hoàng nam và Đại hoàng nam đều được ghi trong sổ bìa vàng, đây là nguồn binh của Nhà nước. Thông qua các tổ chức hương xã, triều Lý quản chặt số tráng đinh trong toàn quốc. Nhà nước nghiêm cấm việc ẩn lậu hoặc trốn tránh ghi tên trong sổ. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ có chiếu lệnh cho những kẻ trốn tránh, phiêu tán về quê cũ, mục đích là để giữ yên trật tự chung, mặt khác có điều kiện để quản lý nhân khẩu, tuyển linh và bắt sai dịch. Đặc biệt chính quyền nghiêm cấm việc ẩn giấu và mua bán các Hoàng nam và Đại hoàng nam; hạn chế các quý tộc thuê mướn, mua bán Hoàng nam làm gia nô. Có thời kỳ chỉ cho phép ba người (các quan chủ đô) nuôi chung một gia nô. Ai muốn nuôi tư nô chỉ được nuôi kẻ chưa đến tuổi Hoàng nam (tức dưới 16 tuổi). Chính quyền nghiêm trị những ai trái lệnh trên. Năm 1043, Lý Thái Tông hạ lệnh: Các quan chức cứ ba người phải bảo đảm lẫn nhau, ai chứa giấu Đại nam làm gia nô cho người khác nếu đã bán rồi thì đánh 100 trượng và thích 20 chữ vào mặt, chưa bán nhưng đã cho đến làm việc cũng đánh như thế và thích 10 chữ; người đã biết chuyện nhưng vẫn mua thì bị xử lý thấp hơn một bậc so với kẻ bán. Quy định trên chứng tỏ thời Lý quản lý nhân đinh rất chặt chẽ.

        Sang thời Trần (từ thế kỷ XIII), vấn đề định quân hạng, tuyển lính và động viên quân đội cũng căn cứ vào số đinh tráng đã được quản lý. Theo lệ, việc lập sổ hộ và khai báo nhân số được tiến hành đều đặn với định kỳ mỗi năm một lần vào mùa Xuân ở các địa phương và do các xã quan đảm nhận. Sách Toàn thư chép: "Theo lệ cũ, hằng năm đầu mùa Xuân, các xã quan khai báo hộ khẩu, gọi là đơn số, rồi sau đó theo sổ mà kê ra các hạng: Tôn thất, quan văn giai, quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tăng đạo, Hoàng nam, già yếu, phụ tịch, v.v..."1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr.9). Năm 1242, Trần Thái Tông cho đặt các xã quan, đồng thời sai lập hộ khẩu, phân hạng đinh nam, từ 18 tuổi gọi là Hoàng nam, từ 20 tuổi gọi là Đại hoàng nam, từ 60 tuổi gọi là hạng Lão, người nhỏ tuổi gọi là Tiểu hoàng nam2 (Theo sách Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ), đinh nam từ 17 tuổi gọi là Tiểu hoàng nam, từ 20 tuổi gọi là Đại hoàng nam, từ 60 tuổi là Lão liệt). Như vậy, công tác quản lý nhân đinh của thời Trần rất cẩn thận, về hình thức cũng giống triều Lý. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: "Buổi đầu nhà Trần sổ hộ tịch, cứ hằng năm làm kế tiếp, phép làm rất rõ và kỹ, vì noi theo phép cũ của nhà Lý nên được như vậy. Về sau số ngạch đã định, lấy làm thành lệ, các đời vẫn có tra xét thêm, nhưng không tường tận bằng trước"1 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập III, tr.50). Sách Cương mục viết: "Lối cũ nhà Trần cứ ba năm lại một lần làm sổ hộ tịch"2 (Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, bản dịch, Tập VIII, Nxb Văn Sử Địa, H.1958, tr.50). Ở các vùng đất xa, Nhà nước thường phái các quan đại thần trực tiếp đến phụ trách việc làm sổ hộ. Chẳng hạn, năm 1233, Trần Thái Tông sai Phụ quốc Thái úy Phùng Tá Chu đi duyệt định các sắc mục ở Nghệ An. Năm 1238, Thượng quốc Thái sư Trần Thủ Độ đảm nhiệm việc xét định hộ khẩu ở Thanh Hoá. Năm 1316, Trần Minh Tông sai Nhân huệ vương Trần Khánh Dư đi Diễn Châu để lập sổ binh và dân. Năm 1366, Trần Dụ Tông cử Tả bộc xạ Tăng Khoan và Hữu bộc xạ Lê Quát đi xét định sổ đinh ở Thanh Hoá. Năm 1285, khi chiến tranh vừa kết thúc, vua Trần Nhân Tông đã cho làm hộ khẩu ngay để xem xét nhân đinh còn, mất bao nhiêu. Như vậy, vấn đề quản lý nhân khẩu được nhà Trần coi trọng. Nó mang nhiều ý nghĩa, như việc phân hạng đinh nam để tuyển lính, ổn định trật tự xã hội, bảo đảm nhân lực xây dựng đất nước; hoặc như Trần Nhân Tông nói: "Chỉ có lúc này mới nên sửa định hộ khẩu, đừng để cho kẻ địch dòm thấy dân ta điêu hao"3 (Đại Việt sử ký toàn thư Tập III, Sđd, tr.63). Chính vì thế vấn đề định cư cũng đã được nhà nước lưu ý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 04:23:14 am »


        Cũng như triều Lý, triều Trần nghiêm phạt những ai vô tình hay cố ý làm sai trái những quy định về hộ tịch với mục đích ẩn lậu dân đinh hay trốn tránh sai dịch và binh dịch. Năm 1238, vua Thái Tông cử Thái sư Trần Thủ Độ phụ trách duyệt định hộ khẩu trong nước, nghiêm trị kẻ ẩn lậu hộ tịch để trốn lính. Bấy giờ một người quan nhờ vợ Thái sư xin cho làm chức câu đương để trở thành hạng quan, không phải chịu sai dịch và binh dịch như hạng dân. Trần Thủ Độ im lặng, nhưng khi xét đến hộ khẩu xã đó, ông cho gọi người ấy đến và nói: "Người vì công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt". Người ấy sợ kêu van hồi lâu mới được tha. Từ đó không ai giám tới xin nữa. Thời vua Trần Anh Tông, quan kiểm pháp Trần Thì Kiến đã phạm tội chứa giấu nhân đinh, tuy không cố ý, vẫn bị bãi chức. Những điều trên chứng tỏ sự nghiêm ngặt của triều đình trong việc lập hộ tịch và phân hạng quản lý nhân khẩu thời Trần.

        Nhà Hồ thành lập vương triều khi giặc phía Bắc đang ngấp nghé đầu biên giới. Vì thế Hồ Quý Ly đã ước ao: “Làm thế nào có được trăm vạn quân để chống giặc Bắc?". Lúc ấy, Xu mật sứ Hoàng Hối Khanh hiến kế làm sổ hộ: từ hai tuổi trở lên đều ghi hết vào sổ. Người ở kinh kỳ đến trú ngụ nơi phiên trấn đều bắt về nguyên quán để kê tên, người họ Hồ thì biên vào hai chi phái ở Diễn Châu và Thanh Hoá; cấm người xiêu tán, cấm ẩn lậu nhân đinh. Theo kế hoạch này, tháng 4 năm 1400, Hồ Hán Thương sai làm tất cả sổ hộ trong nước, biên hết nhân đinh từ hai tuổi vào sổ lấy đó làm thực số. Sau khi lập xong hộ tịch, kiểm kê lại thì số đinh từ 15 tuổi đến 60 tuổi vào sổ tăng lên gấp bội so với trước. Vì thế, thời Hồ tuyển lính thuận lợi, không bỏ sót và nhà nước đã động viên được số quân đông đảo để chống giặc.

        Năm 1427, sau khi đuổi quân Minh, giành độc lập, Lê Thái Tổ đã hạ lệnh cho quan các lộ cùng với quan các sảnh, cục và các tướng hiệu tiến hành lập sổ hộ, căn cứ theo trú quán chứ không theo nguyên quán của dân. Từ đó nhà vua đặt lệ cứ ba năm làm lại hộ tịch một lần, gọi là phép “kế tư” (kế tiếp và tu sửa). Đầu năm 1428, Lê Thái Tổ hạ lệnh lập hộ tịch và điền bạ trong cả nước. Vấn đề khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng đòi hỏi nhà nước nắm vững nguồn nhân lực, vì thế triều đình lệnh cho các phủ, huyện và trấn phải gấp rút hoàn thành sổ hộ, hẹn cuối cùng là tháng 2 năm 1429 phải đệ trình kết quả. Năm 1430, vua ra lệnh gộp sổ trong cả nước. Năm 1433, sổ hộ tịch đã được hoàn tất. Từ đó cứ 2 hoặc 3 năm 1 lần Nhà nước kiểm kê nhân đinh.

        Các đời vua sau noi theo vua Lê Thái Tổ, khi mới lên 1 cầm quyền đều ra lệnh thống kê hộ khẩu, quản lý nhân lực 1 trong cả nước, lấy đó làm cơ sở để điều động nhân lực cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Vua Lê Thánh Tông thực hiện đổi mới, quy định từ năm 1465 cứ 6 năm 1 lần các 1 quan phủ, huyện, châu triệu tập các xã quan đến họp, lập 1 sổ hộ khẩu xã mình để đưa lên kinh đô đối chiếu và viết thành chính thư của nhà nước. Trong giai đoạn mang niên hiệu Hồng Đức, triều chính Lê Thánh Tông đã có quy chế rõ ràng về phép làm sổ hộ tịch. Theo đó, từ năm 1470, cứ 3 năm kiểm kê 1 lần là tiểu điển, 6 năm hệ thống hộ tịch gọi là đại điển. Thủ tục tiến hành như sau: Đến kỳ làm lại hộ tịch, triều đình phái mỗi đạo thừa tuyên (tức mỗi tỉnh) một viên quan văn, một quan võ và một hoạn quan. Tại mỗi đạo thừa tuyên lập ra một tuyển trường. Trước hết tổ chức kỳ thi cho các nho sinh để xem ai thông minh thì xếp vào hạng học nhiêu (người được ăn học). Sau đó tra xét đến hạng chúc sắc người có quan tước, phẩm hàm), hạng nhiêu ấm (con các quan được quyền thừa ấm) để loại trừ những kẻ giả mạo trốn tránh sai dịch và binh dịch. Cuối cùng đến việc kiểm duyệt dân đinh không dự thi hoặc không trúng tuyển. Căn cứ vào sức khoẻ và tài sản, chia nhân đinh làm 6 hạng: tráng, quân, dân, lão, cô' và cùng. Trong đó tráng là những nhân đinh khoẻ mạnh có thể sung vào quân thường trực của nhà nước; quân là số nhân đinh hạng hai được ghi tên vào sổ quân để lúc cần đến thì chiếu sổ mà gọi. Trong hộ tịch từng xã ghi rõ Khách hộ (dân ngụ cư) và Chính hộ dân bản quán). Mỗi xã sao hộ tịch làm 4 bản: một gửi huyện, một gửi lên đạo thừa tuyên, một gửi lên Bộ Hộ và một gửi lên vua.

        Năm 1482, sau khi sổ hộ khắp nước đã làm xong và được chuyển tới kinh đô, vua Lê Thánh Tông lệnh cho quan 6 khoa, Bộ Lại, nho sinh Tú Lâm cục, các quan Bộ Hộ và quan Thừa ti đến chùa Báo Thiên (ở Thăng Long) và quán Hội Đồng cùng với các quan địa phương phủ, huyện khảo xét lại. Phải công nhận công việc quản lý nhân khẩu thời Lê Sơ là cẩn thận và khoa học. Sử gia Phan Huy Chú nhận xét: "Phép làm hộ tịch buổi Lê Sơ, từ Hồng Đức định rõ ràng mới thật là tươm tất. Ba năm một lần duyệt lại, kiểm xét không sót, cho nên dân đinh bấy giờ không thể ẩn lậu được mà công việc binh chính, tài chính cứ chiếu sổ là có thể biết được; không mắc các lệ quá nặng hay quá nhẹ, là do đã biết rõ được hộ khẩu rồi. Quy chế đã lấy thành nền nếp, trải các đời đều theo như thế, người trên cứ thế mà làm, không phiền nhiễu gì; người dưới cũng yên tâm, không ngờ vực gì; số người tăng lên hay hao đi không thể lọt được ra ngoài sự soi xét. Đó chẳng phải là phép hay ru!”1 (Phan Huy Chú, Sđd, tập III, tr.50).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 04:24:00 am »


         Quản lý chặt đinh tráng có tác dụng để điều và tuyển binh dịch, huy động tạp dịch hoặc làm cơ sở phân cấp ruộng đất và thu tô thuế. Năm 1427, Lê Thái Tổ đã xuống chiếu: Kẻ nào lớn, khoẻ mà trốn ghi tên vào sổ quân và sổ dân, du thủ du thực, sẽ bị giải đến cửa quan chiếu tội. Ai bắt được kẻ ấy sẽ được thưởng tước. Trong 10 điều quân luật đầu đời Lê, có điều thứ 8 quy định: Tướng nào che 1 giấu cho người khác khỏi bị ghi tên vào sổ quân thì bị chém; quân và dân trong nước bắt những kẻ du thủ du thực và ham mê cờ bạc đem nộp để trị tội, ai chứa giấu bọn đó cũng bị tội nhưng nhẹ hơn một bậc. Năm 1470, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ: Ai lậu tên trong sổ hộ tịch sẽ bị sung quân, con cháu quan viên ở diện đăng lính mà ẩn giấu, không trình lên thì kẻ ấy bị sung quân, còn người quan viên sẽ bị bãi chức. Quốc triều hình luật, bộ luật hình triều Lê thực hiện từ đời Hồng Đức, trong chương Hộ hôn có nhiều điều quy định nghiêm ngặt về việc xét định hộ khẩu, quản lý nhân đinh trong nước. Các điều 3, 4, 7, 15, 28, v.v... quy định nghiêm trị những kẻ vô tình hay hữu ý chứa chấp, che giấu, ẩn lậu dân đinh. Các quan sảnh, viện xét duyệt mà để sót hoặc cố ý bỏ qua cũng bị như kẻ tòng phạm. Các thuộc quan của các vương công tự tiện lấy dân đinh làm "thang mộc chạo tốt" thì bị phạt tiền và xử tội biếm... Điều 45 ghi rằng: "Các quan sảnh, viện trình sổ Điệu phát (sổ ghi tên người gọi ra tòng quân hay sai dịch) của các làng xã, chỉ khai tổng số xã mà không khai tên từng xã, thì xử phạt tiền 10 quan; nếu thay đổi sổ sách để ăn tiền thì phải ghép vào tội làm trái pháp luật. Thuộc lại thì xử tội đồ và bồi thường trả lại cho dân"1 (Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb Pháp lý, H.1991. tr.125). Những điều quy định nói trên chứng tỏ triều Lê Sơ rất coi trọng việc quản lý nhân khẩu trong nước. Tóm lại, trong các triều đại từ Lý đến Lê Sơ, công việc lập hộ tịch, kiểm kê quản lý nhân đinh thường xuyên được tiến hành nền nếp, quy củ. Chính sách “Lập sổ hộ" bao hàm cả ý nghĩa kinh tế và quân sự, bảo đảm ổn định trật tự xã hội, đặc biệt nó luôn luôn gắn liền với vấn đề quân chê. Trên cơ sở quản lý nhân đinh, lập sổ đinh, Sổ quân hay sổ Điệu phát, chính quyền Đại Việt tiến hành tuyển lính và động viên quân đội.

        1.2. Tuyển mộ và động viên quân đội

        Trong các sách và sử cũ, hai sự kiện “Gộp làm sổ đinh" và "Tuyển đinh tráng sung vào quân ngũ” thường được chép liền nhau. Chứng tỏ một mục đích quan trọng của việc lập hộ tịch là tuyển quân. Trên cơ sở kiểm kê quản lý nhân đinh trong cả nước, các nhà nước Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ đã tiến hành tuyển dân đinh làm lính để luyện tập, canh phòng lúc thời bình, chuẩn bị lực lượng quân sự cho thời chiến. Nhà nước Đại Việt quy định chế độ binh dịch đối với các đinh tráng. Tất cả đinh nam đến tuổi trưởng thành đều có nghĩa vụ đi lính, hoặc đã được ghi tên trong Sổ quân để lúc cần, nhà nước có thể "chiếu sổ gọi ra làm lính".

        a- Chế độ tuyển quân thời Lý - Trần - Hồ

        Theo sử cũ, mùa Xuân năm 1083, Lý Nhân Tông duyệt các Hoàng nam, định làm ba bậc, từ đó tuyển những Hoàng nam khoẻ mạnh làm lính. Năm 1118, triều đình tuyển 350 Đại hoàng nam sung vào các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Vũ Đô và Ngự Long. Trong đợt tuyển Cấm quân đầu năm 1146, vua Lý Anh Tông lệnh cho các quan, các quản giáp và chủ đô chỉ được chọn nhân đinh ở hộ đông người, không được tuyển con nhà cô độc (nhà chỉ có một con trai). Năm 1160, nhà vua giao cho Tô Hiến Thành và Phí Công Tín phụ trách tuyển nhân đinh, những người khoẻ sung vào quân ngũ. Năm 1179, vua Lý Cao Tông xuống chiếu tuyển đinh nam, chọn những tráng đinh cho làm lính. Cuối triều Lý, lực lượng chống đối triều đình ngày một đông, năm 1207, Lý Cao Tông đã xuống chiếu chọn các Hoàng nam mạnh khoẻ sung quân, đặt dưới quyền cai quản của quan các lộ để "dẹp loạn". Vậy là những năm hoà bình, triều đình nhà Lý thường cho tuyển các Hoàng nam sung quân, lấy người trẻ khoẻ thay người già yếu. Số lượng tuỳ yêu cầu, để canh phòng và luyện tập võ nghệ. Số đinh tráng còn lại được ghi tên trong sổ bìa vàng - tức Sổ quân, lúc cần gọi ra tòng quân. Đó là lệ thường hằng năm của Nhà nước Đại Việt thời Lý. Phan Huy Chú viết: "Đại ước người trúng tuyển thì sung vào quân ngũ, người hạng kém thì biên vào sổ, có việc mới gọi ra, niên hạn mau chóng có lẽ không nhất định"1 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập IV, tr.16).

        Sử sách không cho biết mỗi năm nhà Lý tuyển bao nhiêu quân và tổng số quân thường trực là bao nhiêu. Nhưng qua biên chế, thời Lý có vài chục đô quân hay vệ quân; mỗi đô có 100 người, mỗi vệ có 200 người. Ngoài số Cấm binh đó còn có Sương quân và quân các lộ, phủ. Tổng số quân thường trực thời Lý ở trung ương và ở các địa phương có khoảng từ 5 đến 7 vạn vào lúc hoà bình; thời chiến, nhà nước có thể huy động được một lực lượng lớn hơn nhiều; như trong giai đoạn kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1075 - 1077), triều Lý có trên 10 vạn quân chủ lực tinh nhuệ. Tuy nhiên số lượng quân thường trực 5 - 7 vạn nói trên không phải thường xuyên tại ngũ. Trong đó, Cấm quân là lính chuyên nghiệp, hưởng lương và phải túc trực bảo vệ kinh đô, sử gọi họ là quân trong Kinh; còn Ngoại binh (sương quân và quân các lộ) thì được luân phiên thay nhau tại ngũ canh gác và luyện tập hoặc trở về sản xuất tự túc lương ăn. Ngô Thì Sĩ cho biết: "Chế độ binh lính nhà Lý... mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết hạn lại cho về quê làm ruộng, quan không phải cấp lương"1 (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch, Văn hoá Á châu xuất bản. 1960, tr.127). Đó là chính sách đối với phần lớn số binh lính được tuyển mộ và trưng dụng dưới triều Lý.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 04:24:36 am »


        Quân đội nhà Lý được quản lý chặt chẽ và chịu sự quy định nghiêm ngặt của pháp luật. Quân sĩ ai bỏ trốn quá một năm thì xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến một năm thì xử theo mức độ nhẹ hơn, kẻ nào quay lại thì cho về đơn vị cũ. Quân lính ai không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ.

        Nhà Trần kế thừa quy chế tuyển quân hằng năm của nhà Lý. Quy chế chung của nhà nước là: "Người có quan tước, con cháu được thừa ấm mới được vào làm quan; người khoẻ mạnh kể cả nhà giàu có mà không có quan tước thì sung quân, đời đời làm lính"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập II, tr.9). Quy chế này thể hiện tính giai cấp rõ ràng, nó nhằm bảo vệ quyền lợi của giới quý tộc quan lại nhà Trần. Các cấp chính quyền khi tuyển lính và động viên quân đội đều phải thực hiện theo nguyên tắc trên. Tuy tư liệu không cho biết cụ thể về quy chế tuyển quân, nhưng chúng tôi thấy, trải các đời vua, nhà Trần đều chủ trương chọn những đinh tráng hạng nhất sung làm Cấm quân, thứ đến là Sương quân, quân phục dịch ở các sảnh, viện và quân các lộ, phủ. Những trai tráng ở Thiên Trường, Long Hưng, Kiến Xương, Trường Yên... tức những lộ là quê hương bản quán nhà Trần hoặc những lộ phụ cận đều được tuyển làm Cấm vệ quân. Đó là hạng quân tin cậy, canh giữ cấm thành hay thủ phủ Thiên Trường - nơi vua và thượng hoàng ở. Về chế độ tuyển binh thời Trần, sách An Nam chí lược viết: "Việc tuyển quân không có số nhất định, chỉ chọn dân đinh nào khoẻ mạnh thì lấy"2 (Lê Trắc, An Nam chí lược, bản dịch, tư liệu Viện Lịch sử quân sự, tr.89), sách Đại Việt Sử ký toàn thư phản ánh các đợt tuyển quân như sau:

        - Tháng 3, niên hiệu Thiên ứng Chính Bình năm thứ 8 (1239) đời vua Trần Thái Tông, chọn dân đinh người khỏe mạnh sung làm binh; định ra ba bậc: thượng, trung, hạ.

        - Mùa Xuân, tháng 2 năm Tân Sửu (1241), chọn người có sức khoẻ, am hiểu võ nghệ sung làm quân Túc vệ thượng đô.

        - Tháng 2 năm Bính Ngọ (1246) định các quân. Chọn người khoẻ mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Người các lộ Thiên Trường, Long Hưng sung làm quân Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần bên trong; người hai lộ Hồng và Khoái sung làm quân tả, hữu Thánh Dực; người các lộ Trường Yên, Kiến Xương sung làm quân Thánh Dực, Thần Sách; còn các lộ khác thì sung làm Cấm quân của Cấm vệ, tam đẳng thì sung làm trạo nhi (quân chèo thuyền, khiêng võng) và các đoàn đội quân địa phương).

        - Tháng 2 năm 1281, Trần Thánh Tông cho chọn dân đinh các lộ, người nào khoẻ mạnh thì sung làm binh, còn thì sung làm sắc dịch ở các sảnh viện, cục và đội tuyển phong ở các phủ, lộ, huyện.

        - Năm 1323, vua Trần Minh Tông cho tuyển những đinh nam béo trắng cho làm binh hạng nhất, vì thế quân sĩ từ đây không thích vẽ hình lên mình nữa.

        - Năm 1342, Trần Dụ Tông sai Nội mật viện phó sứ Nguyễn Trung Ngạn lập sổ quân và dân, chọn đinh tráng ở các lộ sung vào ngạch thiếu của Cấm quân.

        - Tháng 2-1363, vua lại xuống chiếu chọn dân đinh sung vào quân các lộ.

        - Năm 1374, vua Trần Duệ Tông hạ lệnh chọn dân đinh chia thành ba hạng để sung quân ngũ. Hạng nhất làm quân Lan Đô; người thuộc hạng nhì, hạng ba tuy thấp bé nhưng khoẻ mạnh cũng sung làm quân đó. Bấy giờ quân lính ai cũng phải xăm trán để ghi dấu, như quân Túc vệ Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần thì trán xăm hoa; quân mới đặt như Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực và Điện Hậu thì xăm trán đồ đen...

        - Năm 1375, Khu mật đại sứ Hồ Quý Ly được cử làm tham mưu quân sự. ông chủ trương định lại quân số, thải người già yếu, lấy người khoẻ mạnh bổ sung vào. Người Thanh Hoá, Nghệ An đi làm thuê đều phải nhập ngũ.

        - Năm 1378, dưới thời Phế Đế, nhà Trần ra lệnh tuyển quân, một lần nữa tuyển các dũng sĩ cai quản các quân: Trần Tông Ngoạn quản quân Thiên Đinh, Trần Trung Hiếu giám quân Bảo Tiệp, Trần Thế Đăng giám quân Thần Dực, Bùi Bá Nang giám quân Thần Sách, Bùi Hấp giám quân Thiên Uy, Hoàng Phụng Thế giám quân Thánh Dực, Lê Mật ôn giám quân Hoa Ngạch, Đỗ Dã Kha giám quân Thị Vệ, Nguyễn Tiểu Luật giám quân Thiên Trường, Trần Na giám quân Long Tiệp, Nguyễn Kim Ngao giám quân Thần Vũ. Cuối năm đó, lại tuyển trong quân những người giỏi võ nghệ làm vệ sĩ hoàng thành và cử Nguyễn Bát Sách quản quân Thiết Sang, Nguyễn Vân Nhi quản quân Thiết Giáp, Nguyễn Hộ và Lê Lặc quản quân Thiết Lâm, Nguyễn Thánh Du quản quân Thiết Hổ, Trần Quốc Hưng quản quân Ô Đồ, v.v...1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr.18, 158).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 20 Tháng Tám, 2016, 04:25:03 am »


        Pháp luật nhà Trần rất nghiêm trong việc quân lính đào ngũ, trốn tránh. Sử chép rằng: "Pháp chế đời Trần quy định người trốn lính bị chặt một ngón chân, sau đó bắt làm gì thì làm, thậm chí còn cho voi giày chết"2 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập IV, tr.27).

        Sử sách xưa chỉ phản ánh một phần về biên chế tổ chức và quy chế tuyển lính. Tuy nhiên số quân các đời vua Trần tuyển được bao nhiêu, ta không biết rõ. Phan Huy Chú nhận xét: "Quy chế Cấm binh đời Trần, Thái Tông đã định, về sau đặt thêm mãi, số quân không xét rõ được. Đại yếu chỉ đặt thêm danh hiệu, chứ thực số vị tất đã nhiều hơn trước"1 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập IV, tr.12). Nhận xét đó có lẽ đúng trong hoàn cảnh nước Đại Việt không có chiến tranh. Theo ông, "số quân buổi đầu nhà Trần đại ước không đầy 10 vạn"2 (Phan Huy Chú, Sđd, Tập IV, tr.12). Đó là số quân thường trực thời bình. Số lượng quân được chia phiên về sản xuất theo chính sách Ngụ binh ư nông và lực lượng dự bị ở các làng xã là bao nhiêu cũng không biết rõ. Chính sách chia phiên cho quân lính tại ngũ hay về làm ruộng thời kỳ này được phản ảnh trong sách Lịch triều hiên chương loại chí như sau: "Nhà Trần theo phép nhà Lý, binh túc vệ được cấp bổng hằng năm, số bổng bao nhiêu không rõ. Còn binh các đạo thì đều chia phiên về làm ruộng, cho đỡ tốn lương"3 (Phan Huy Chú. Sđd. Tập IV, tr.5. 20). Các loại quân có từ thời Lý, sang thời Trần được tiếp tục phát triển cả về số lượng, cả biên chế tổ chức và trang bị. Thời bình quân số không đông lắm, một bộ phận thay nhau về sản xuất. Thời chiến quân số được động viên tăng lên theo nhu cầu. Lúc cao điểm của cuộc chiến tranh chống xâm lược Mông - Nguyên, quân số Đại Việt có thể lên tới 30 - 35 vạn hay nhiều hơn nữa.

        Sang thời Hồ, do nhu cầu chống giặc phương Bắc xâm lược, cha con Hồ Quý Ly rất quan tâm chuẩn bị lực lượng quân đội, tăng cường về quân số và tổ chức để đánh giặc. Cùng với biện pháp hạn điền và hạn nô, việc kiểm kê nhân khẩu được tiến hành ráo riết và nhân đinh được quản lý chặt để cung ứng cho quân đội; một bộ phận gia nô và công nô được chọn sung vào quân Điện Tiền. Do đó số quân thời Hồ tuyển được gấp bội so với trước. Một mặt, Hồ Quý Ly ra lệnh tuyển đinh tráng thay lính già yếu, mặt khác đặt thêm nhiều tổ chức mới như đô quân, đoàn quân... Theo sách Toàn thư, năm Thiệu Thành thứ hai (1402), nhà Hồ xét định quân ngũ, số quân mới tuyển được rất nhiều. Những đinh tráng nhà nghèo được sung làm quân Trợ dịch, sau đổi làm quân Bồi vệ, chia làm tả hữu, dùng tên cầm thú để đặt quân hiệu, cho quan võ và người tôn thất cai quản. Năm sau (1403), Hồ Hán Thương đem những người không có ruộng mà có của đến các châu ở Thăng Hoa biên làm quân ngũ, thích hai chữ tên châu vào cánh tay như Thăng Châu, Hoa Châu, Nghĩa Châu và Tư Châu (Quảng Nam - Đà Nẵng); cho phép vợ con đi theo và lệnh cho quan các châu, phủ ở đó phân đất cho họ. Hán Thương cho củng cố quân bộ, tăng cường quân thuỷ, lập xưởng rèn đúc vũ khí và tuyển chọn những người giỏi công nghệ trong cả nước cho làm lính thợ. Sau lần đánh tan đạo quân Minh sang xâm lược đợt đầu (6-1406), Hồ Hán Thương cho rằng quân giặc thua một trận tất lại kéo sang nên đã hạ lệnh tăng cường binh lực và bố phòng đất nước. Một mặt cho đóng cọc gỗ ở phía nam sông Nhị Hà nối tiếp nhau hơn 700 dặm, mặt khác cho phép ai có phẩm tước chiêu mộ những người trốn tránh phiêu lưu thành lập các "đội quân dũng hãn", đặt quan Thiên hộ và Bách hộ để cai quản, ra lệnh bổ thêm lương binh, lấy người có phẩm tước coi giữ. Nhờ những cải cách quân sự và những biện pháp tích cực trên đây, nhà Hồ đã có một đạo quân lớn cả về quân số, tổ chức và trang bị. Đó là một bước tiến đáng kể của quân đội Đại Việt thời Hồ so với giai đoạn cuối Trần.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM