Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:40:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Binh chế Đại Việt thế kỷ XI - XV  (Đọc 24453 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:27:16 pm »


        Từ thế kỷ XV, giai cấp phong kiến dân tộc có xu hướng tăng cường chế độ chuyên chế. Chính quyền phong kiến vì thế phát triển theo chiều hướng quân chủ chuyên chế. Về cơ bản Nhà nước Lê Sơ vẫn phỏng theo mô hình của các triều đại trước. Từ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), bộ máy hành chính các cấp cùng với tổ chức quân đội và các hoạt động lập pháp của nhà nước đạt đến mức hoàn bị với những thiết chế, kỷ cương hết sức chặt chẽ. Các triều đại trước, ở trung ương có các cơ quan như quán, các, sảnh, cục đài viện, với sự cai quản của các đại thần văn, võ gồm ba chức thái, ba chức thiếu, thái úy, tư đồ, tư mã, tư không, v.v... Đến thời Lê Sơ, từ đời Nghi Dân và đặc biệt từ Lê Thánh Tông, nhà nước có 6 bộ do các quan Thượng thư đứng đầu, đồng thời đặt ra 6 khoa để kiểm soát công việc của 6 bộ. Ngoài ra còn có các chức quan chuyên trách như Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Đông các viện, Quốc tử giám, Quốc sử quán, v.v... Bộ máy hành chính các cấp cũng được cải tổ theo hướng tăng cường sự chi phối của trung ương và hạn chế quyền lực địa phương. Trong nước chia thành 13 đạo thừa tuyên, đặt các quan hành khiển và ba ty (Hành ty, Hiến ty và Đô ty) cai quản việc quân, việc dân, việc hành chính và tư pháp.

        Nhà nước phong kiến Đại Việt cũng mang đặc trưng chung của nhà nước phong kiến phương Đông. Đứng đầu là vua, tiếp đó là một hệ thống quan lại chia thành hai ban văn giai và võ giai.

        Vua là người đứng đầu triều đình, có quyền lực tối thượng trên tất cả các mặt hoạt động của nhà nước, trong đó có cả lĩnh vực quân sự. Vua là "thiên tử" (con trời), là người "thế thiên hành đạo" (thay trời trị nước). Về danh nghĩa vua là đại diện thượng đế trước nhân dân, đồng thời cũng là người đại diện nhân dân trước thượng đế. So với thời Lý - Trần, thời Lê Sơ xu hướng chuyên chế phát triển mạnh và do vậy, uy quyền của vua trở nên "vô thượng" tuyệt đối hơn. Lê Thánh Tông bãi bỏ chức Tể tướng mà các triều đại trước đặt ra, ngăn cấm quý tộc quan lại tổ chức quân đội riêng, ngăn chặn khuynh hướng cát cứ phong kiến.

        Đáng chú ý là chức năng quân sự của nhà vua. Trong lĩnh vực này, các vua Đại Việt thường ở cương vị như một thủ lĩnh quân sự của cộng đồng dân tộc; là người có quyền quyết định trong việc tổ chức và động viên quân đội, điều hành các hoạt động quân sự của quân đội quốc gia. Khi có chiến tranh, vua hoặc các hoàng tử thường trực tiếp "tự làm tướng" cầm quân đánh giặc, chống ngoại xâm hoặc trừng phạt các lực lượng chống đối. Thông qua cương vị thủ lĩnh quân sự, nhà vua muốn thể hiện chức năng và quyền uy của mình, đồng thời cũng để làm gương trước các quần thần, tướng sĩ.

        Ngay trong thời bình, các nhà vua với cương vị của mình đã thường xuyên xuống chiếu nhắc nhở các tướng sĩ không được lơ là việc phòng thủ quốc gia, phải chăm rèn binh luyện tướng, đóng chiến thuyền và rèn đúc vũ khí. Lý Nhân Tông trước khi mất đã căn dặn các đại thần: "Nên sửa sang giáo mác để phòng việc không ngờ, chớ nên làm sai lệnh ta, dù nhắm mắt cũng không di hận"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H.1967, tr.257). Vua Lý Anh Tông cũng dặn thái tử thay mình trị nước, rằng: "Nước ta non sông gấm vóc, nhân tài tuấn kiệt, đất thiêng, châu ngọc, bảo bối không cái gì không có, nước khác không thể nào ví được. Con nên giữ gìn cẩn thận"2 (Việt sử lược, bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb Sử học, H.1960, tr. 158). Bảo vệ đất nước, chuẩn bị lực lượng và kế sách đánh phòng là một nhu cầu thường xuyên được những người đứng đầu triều đình hết sức lưu tâm. Trần Anh Tông biết Trần Quốc Tuấn ốm không thể qua khỏi, đã đến bên giường bệnh, lo lắng hỏi: "Chẳng may chết, giặc phương Bắc lại sang thì kế sách làm sao?"3 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Nxb Khoa học xã hội, H.1967, tr.79 và 201). Đầu thế kỷ XV, trước họa xâm lăng đến gần, Hồ Quý Ly cũng tỏ ý lo lắng của mình trước triều đình nhà Hồ: "Ta làm sao có được trăm vạn quân để chống lại giặc Bắc?"4 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Nxb Khoa học xã hội, H.1967, tr.79 và 201). Lê Thái Tổ đã cho khắc bài thơ trên vách núi đá Thác Bờ (Hoà Bình) trong một lần đi kinh lý vùng biên: “Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an" (Biên phòng cần có phương lược tốt, xã tắc nên có kế lâu dài). Nhiệm vụ giữ nước nặng nề buộc nhiều nhà vua phải suy nghĩ, khiến triều đình phải chuẩn bị binh lực, vật lực, chuẩn bị cho chiến tranh và các vị minh quân thường quan tâm đến việc quân cơ như: bạt dụng lương tướng, lập Giảng võ đường, nhắc nhở các vương hầu, quý tộc, tướng lĩnh chuyên tập võ nghệ, đọc binh thư, học binh pháp... Giữa thế kỷ XV, chính lúc đất nước đang thái bình thịnh trì, vua Lê Thánh Tông cũng nhắc nhở: "Phàm có nhà nước tất có võ bị" và ra chỉ dụ khuyên các tướng sĩ, binh lính, hãy năng luyện rèn sẵn sàng đối phó với giặc ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:30:06 pm »


        Sự quan tâm của vua, của triều đình đến việc quân, đến nhiệm vụ giữ nước là một nhân tố cơ bản để các nhà nước xây dựng và hoàn thiện Binh chế của mình.

        Trong xã hội Đại Việt, bên cạnh vua là tầng lớp quý tộc một hệ thống quan lại bao gồm cả văn và võ phục vụ chính quyền. Dưới triều Lý - Trần, các hoàng tử, thân vương, các công chúa - tầng lớp quý tộc, tông thất được phong chức tước cao và được giao những trọng trách trong bộ máy chính quyền nói chung và trong lĩnh vực quân sự nói riêng. Vương hầu, quý tộc được phân phong, trấn trị ở những vùng trọng yếu; có phủ đệ, trang trại riêng; được tổ chức đội quân của mình. Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: "Chế độ nhà Trần, vương hầu đều ở phủ đệ riêng tại các hương, khi có triều yết thì về kinh, xong lại trở về phủ đệ. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp (Hải Dương), Thủ Độ ở Quắc Hương (Hà Nam), Quốc Chấn ở Chí Linh (Hải Dương)... Đến lúc vào triều làm Tể tướng mới thống lĩnh tất cả việc thiên hạ"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Sđd, tr.32).

        Một số không ít công chúa thời Lý được gả cho thủ lĩnh các châu, lộ ở miền núi, biên viễn (như công chúa Khâm Thánh, Thiều Dung, Bình Dương, Thiên Thành, Trường Ninh...); đồng thời nhà vua còn phong tước và chức vụ cho các phò mã, các tù trưởng, động chủ, để phủ dụ, ràng buộc họ, thực hiện chính sách "nhu viễn" của mình, tạo nên một hệ thống thủ lĩnh quân sự địa phương, tăng cường sức mạnh giữ nước.

        Những điều trên chứng tỏ yếu tố phân tán trong xã hội Lý - Trần vẫn tồn tại nhưng nó luôn bị hạn chế bởi những chính sách ràng buộc của nhà nước. Tuy có quyền lực lớn ở địa phương, nơi mình trấn trị, nhưng các vương hầu quý tộc luôn chịu sự quản lý của triều đình và như thế, xu hướng tập quyền vẫn là xu hướng chủ đạo. Phương sách đó cũng được duy trì đến các thời kế tiếp.

        Sang thời Lê Sơ, tầng lớp quý tộc tông thất có nhiều đặc quyền đặc lợi, được hưởng tước cao bổng hậu, nhưng so với các triều đại trước thì họ ít tham dự triều chính hơn. Ngay sau chiến tranh giải phóng, các công thần khai quốc đều nắm giữ các cương vị chủ chốt. Dần dần, hầu hết các quan lại được tuyển chọn bằng con đường khoa cử. Chế độ tuyển bổ theo quy chế mới ngày một hoàn thiện.

        Chính sách của nhà Lê về cơ bản cũng như các triều đại trước, tìm cách tranh thủ các tù trưởng, tộc trưởng thiểu số, biến họ thành quan chức trong bộ máy của mình. Tuy nhiên, việc quản lý cụ thể trong địa phương vẫn giữ theo phong tục từng vùng.

        Nhìn chung tầng lớp quý tộc, quan lại nước ta trong các thế kỷ XI - XV là đẳng cấp thống trị có nhiều đặc quyền đặc lợi trong xã hội. Đó là một tầng lớp xã hội trẻ đang phát triển. Trong giai đoạn đầu của mỗi triều đại, sự đối lập trong nội bộ chính quyền hoặc sự đối kháng giai cấp chưa cao. Điều đó tạo nên một không khí chính trị lành mạnh trong giới cầm quyền nói riêng, trong cả nước nói chung; tạo thế mạnh cho chính quyền trung ương, cho nhà nước phong kiến trong mối quan hệ đối nội cũng như trước những thử thách ngặt nghèo của nạn ngoại xâm.

        Các công xã nông thôn, các cộng đồng làng xã nông nghiệp mà ở đó bao gồm đông đảo các hộ nông dân và thợ thủ công là nền tảng, là cơ sở của cả cấu trúc xã hội Đại Việt. Trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá chưa phát triển, các đơn vị xã hội này tồn tại sau những luỹ tre làng còn đượm vẻ khép kín, tự cung tự cấp. Những cấu trúc đó tồn tại độc lập tương đối với nhà nước, đặc biệt nó không chỉ tỏ ra bền vững trước các thế lực xâm lược mà còn là những pháo đài vững chắc chống giặc, giữ làng, giữ nước. Ở đây, bên cạnh một hệ thống chính quyền cấp xã do nhà nước thiết lập quản lý, còn tồn tại song song một hệ thống quyền lực mang tính cổ truyền do dân cử, gồm các bô lão, những già làng, những động chủ, tộc trưởng giàu uy tín và có khả năng tập hợp dân bản. Làng xã là cái nôi của các đội dân binh, là kho dự trữ sức người, sức của cho quân đội Nhà nước phong kiến tiến bộ đã biết lợi dụng và dựa vào cơ sở xã hội này trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

        Những đinh tráng trong tầng lớp bình dân nói trên được nhà nước quản lý bằng cách ghi tên trong sổ hộ tịch, trong sổ Hoàng nam hoặc Sổ quân. Bình thường họ là dân, tham gia các nghĩa vụ đối với nhà nước như đóng thuế, lao dịch và binh dịch. Một bộ phận tham gia các đội tuần đinh, dân binh, tức lực lượng vũ trang cơ sở, tồn tại dưới hình thức "tịnh vi nông, động vi binh". Dĩ nhiên, tầng lớp bình dân là đối tượng bóc lột thống trị của giới quý tộc phong kiến, nhưng do ý thức tình làng nghĩa nước cao cả của họ, trong các giai đoạn tiến bộ, nhà nước phong kiến có thể động viên, tổ chức họ tham gia các lực lượng vũ trang phòng giữ đất nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:32:11 pm »


        Có một lực lượng xã hội phát triển tương đối mạnh trong các thế kỷ XI - XIII và đã có nhiều đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế cũng như sự nghiệp chống ngoại xâm, đó là tầng lớp nông nô, nô tỳ. Vốn là một di sản của xã hội cổ xưa, nông nô, nô tỳ phát triển bùng lên ở giai đoạn Lý - Trần do kết quả của cơ chế kinh tế thái ấp, điền trang. Là đẳng cấp xã hội thấp nhất, bình thường họ là lực lượng phục dịch, lao động trong các trang trại, phủ đệ, nhưng khi cần thiết họ trở thành lực lượng quân sự của các vương hầu quý tộc, tham gia bảo vệ an ninh và đánh giặc giữ nước. Lực lượng xã hội này phát triển và suy tàn cùng với nhịp độ phát triển của nền kinh tế điền trang thái ấp. Từ thời Hồ và đặc biệt là thời Lê Sơ, đẳng cấp xã hội này không còn tồn tại, từng bước họ đã trở thành những người nông dân tự do trong các làng xã, khi mà kinh tế điền trang đã tan rã.

        Trên đây là những nét phác họa của cấu trúc xã hội mà bản thân nó trực tiếp hay gián tiếp đều có ảnh hưởng đến cấu trúc quân sự. Cơ cấu chính quyền nhà nước, trong đó Binh chế là một bộ phận được cấu thành và xây dựng trên cơ sở nền tảng cấu trúc đó.

        Cùng với sự phát triển của chính quyền về mặt hành chính là sự kiện toàn về chức năng lập pháp và hành pháp của nó. Các triều đại Lý - Trần với sức mạnh tỏ rõ qua cuộc kháng chiến chống Tống và ba lần chống Mông - Nguyên, nhà nước rất chú ý đến pháp luật. Năm 1042 Lý Thái Tông ban hành bộ Hình thư - Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Sang thời Trần, trên cơ sở bộ Quốc triều thống chế được ban hành, xác định các quy chế chính quyền, nhà nước đã nhiều lần tổ chức biên soạn lại và sửa đổi, bổ sung bộ hình thư này. Đến thời Lê Sơ, các chế độ và thể chế của bộ máy nhà nước được quy định thành luật lệ hoàn chỉnh. Năm 1483, Lê Thánh Tông cho sưu tập tất cả các điều luật đã ban hành rồi bổ sung, hệ thống hoá thành Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức), một bộ luật được đánh giá rất cao, như sách Hình luật chí ghi rằng: "Đó là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân"1 (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Hình luật chí, Tập III, Nxb Sử học, H.1961, tr.94) và được thi hành cho đến cuối thế kỷ XVIII. Các bộ luật này đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, trong đó có những quy định về nghĩa vụ binh dịch của các đinh tráng, về nghĩa vụ đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước, về chức năng của các loại quân trong việc bảo vệ chính quyền và biên giới quốc gia. Các hoạt động pháp chế ngày càng quy củ đó chứng tỏ nhà nước trung ương tập quyền ở Đại Việt ngày một ổn định và hoàn bị để thực hiện tốt các chức năng của nó.

        Công cuộc xây dựng đất nước các thời kỳ Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ tiến hành trong giai đoạn mà nạn ngoại xâm là nguy cơ trực tiếp và thường xuyên. Trong giai đoạn này diễn ra liên tục 6 cuộc chiến tranh lớn. Đó là chiến tranh chống Tống năm 1075-1077; ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên vào các năm 1258, 1285 và 1288; hai lần chiến tranh chống Minh các năm 1407 và 1418-1427. Kẻ thù dân tộc bấy giờ là những thế lực bành trướng xâm lược lớn mạnh nhất. Ở phía Nam và Tây Nam, thỉnh thoảng lực lượng Chiêm Thành, Chân Lạp lại liên kết với phong kiến phương Bắc để quấy phá vùng biên giới và ven biển Đại Việt. Vì thế, để củng cố nền thống trị của nhà nước phong kiến và đồng thời để tăng cường lực lượng quốc phòng sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xâm lược của nước ngoài, chính quyền Đại Việt đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cho mình một Binh chế tiến bộ, một lực lượng quân sự mạnh. Lực lượng vũ trang lúc đó gồm quân triều đình, quân địa phương, quân vương hầu và dân binh, hương binh làng xã. Quân triều đình trong đó nòng cốt là Cấm quân bao giờ cũng được coi trọng phát triển và thường xuyên túc trực bảo vệ kinh đô. Quân đội của Nhà nước Đại Việt là quân đội chính quy, đạt đến một trình độ tổ chức, trang bị, huấn luyện và chỉ huy tốt. Dựa trên một cơ sở Binh chế tiến bộ và tổ chức quân sự của mình, nước Đại Việt đã bảo vệ, tồn tại và đứng vững trước những hiểm hoạ thù trong, giặc ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:33:04 pm »


        III.SỰ PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ LÀ TIỀN ĐỀ CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BINH CHẾ

        Các biến động kinh tế - xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề Binh chế.

        Trải hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, nền kinh tế - văn hoá dân tộc ta bị kìm hãm, thậm chí nhiều bộ phận bị xói mòn và bị huỷ hoại. Sau khi giành được độc lập đất nước trải qua một thời kỳ phục hưng. Từ thế kỷ XI, công cuộc xây dựng đất nước bắt đầu vào quy mô lớn, từng bước đặt nền tảng vững vàng cho sự phát triển quốc gia, dân tộc. Nước Đại Việt trong giai đoạn từ thế kỷ XI - XV là một quốc gia văn minh thịnh vượng với những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế và văn hoá.

        Trong xã hội Đại Việt, nền kinh tế nông nghiệp luôn luôn giữ vai trò chủ đạo, là cơ sở của mọi sinh hoạt trong nước.

        Vào giai đoạn phát triển của các triều đại chính quyền phong kiến coi trọng nghề nông và đề ra nhiều chính sách khuyến nông, nhằm phát triển kinh tế phong kiến. Hằng năm vào dịp đầu Xuân, vua tổ chức "cày tịch điền" và tổ chức những lễ hội truyền thống để khuyến nông. Sức lao động và sức kéo nông nghiệp được nhà nước bảo vệ. Ở các làng xã, nông dân có ruộng, làng xóm ổn định. Quân lính được thay phiên về làm ruộng theo chính sách "Ngụ binh ư nông".

        Các công trình khẩn hoang và thuỷ lợi được tiến hành hằng năm, quy mô ngày một lớn. Hệ thống đê bắt đầu xuất hiện từ thời Lý và được hoàn thiện từ thời Trần. Năm 1248, triều đình ra lệnh đắp đê từ đầu nguồn đến bờ biển, đặt các chức Hà đê chánh và phó sứ trông coi. Sang thời Lê, ngoài hệ thống đê điều cũ được tu sửa, nhà nước còn tổ chức đắp thêm nhiều đoạn đê mới ở ven biển và đào thêm nhiều kênh rạch. Chức quan hà đề và khuyến nông sứ được đặt để chuyên trách bảo vệ đê điều và chăm lo phát triển nông nghiệp. Những công trình công cộng đó đòi hỏi phải có sự đóng góp của mọi lực lượng xã hội, kể cả quân đội; tạo ra điều kiện tốt cho sự phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp; đồng thời làm phong phú thêm mạng lưới giao thông thuỷ bộ, đáp ứng phần nào yêu cầu cơ động lực lượng quân sự khi đất nước có chiến tranh.

        Từ thời Trần, nhà nước khuyến khích khai phá đất hoang lập thành các trang trại lớn. Các khu định cư và các vùng đất canh tác mới xuất hiện. Năm 1266, Trần Thánh Tông xuống chiếu cho phép các vương hầu, quý tộc chiêu tập dân nghèo khai hoang ven biển lập thành các điền trang. Kinh tế điền trang thái ấp giai đoạn Lý - Trần đã đóng góp một vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước nhà. Sự phát triển của loại hình kinh tế này cùng với sự hình thành các phủ đệ và các đội quân riêng của các vương hầu quý tộc vừa có ý nghĩa kinh tế vừa có ý nghĩa quân sự; nhà nước có thêm lực lượng để bảo vệ chính quyền và phòng giữ đất nước. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: "... Điều đó cũng là có ý bảo toàn..., cũng làm cho thế nước được mạnh vậy"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 11, Sđd, tr.32).

        Từ thời Hồ và thời Lê, kinh tế điền trang thái ấp từng bước tan rã và bị xoá bỏ. Những yếu tố phân tán, cát cứ thời Lý - Trần mất đi, tạo điều kiện cho sự phát triển chế độ trung ương tập quyền. Chế độ lộc điền xuất hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho quý tộc, tông thất và những quan lại cao cấp, đẩy mạnh sự phát triển của giai cấp địa chủ - tầng lớp thống trị mới trong xã hội phong kiến lúc đó. Nhà Lêban hành chế độ quân điền, về hình thức là để bảo tồn công xã nông nghiệp, nhưng về thực chất là biến nông dân công xã thành những "tá điền" lệ thuộc nhà nước, thu hẹp quyền tự trị của các công xã, đẩy mạnh quá trình phong kiến hoá cơ cấu xã hội. Tuy nhiên, ở giai đoạn này chế độ quân điền còn có tác dụng tích cực nhằm phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho nhà nước huy động nhân lực và vật lực cho quốc phòng. Chính sách quân điền thời Lê Sơ có tác dụng làm giảm bớt bất công trong xã hội, góp phần động viên những người đã và đang có công đóng góp xây dựng quân đội, đánh giặc giữ nước, như Lê Lợi (Lê Thái Tổ) đã nói: "Người đi đánh giặc thì nghèo, người đi rong chơi thì giàu, người đi chiến đấu thì không có một thước, một tấc đất để ở, mà những kẻ du thủ du thực không có ích gì cho nước lại có ruộng đất quá nhiều... Nay sắc cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan, quân và dân, trong từ đại thần trở xuống đến các người già yếu, mồ côi, goá chồng, đàn ông, đàn bà trở lên" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb Khoa học xã hội, H.1967. tr.67).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:33:28 pm »

        Trong giai đoạn đang lên của triều Lý, triều Trần và Lê Sơ, nền kinh tế nông nghiệp Đại Việt đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần làm tăng thêm tiềm lực của quốc gia thống nhất, cải thiện đời sống dân sinh, ổn định xã hội. Trong văn bia thời Lý có những chỗ gián tiếp phản ánh tình hình sản xuất nông nghiệp khi ấy, như mô tả về huyện Cổ Chiên (Tĩnh Gia, Thanh Hoá): "Đồng ruộng san sát, xanh tất như mây"1 (Thơ văn Lý - Trần, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H.1977, tr.310); hoặc kể về gia tộc của tri châu họ Hà ở Vị Long (Tuyên Quang): "Cày cấy theo phép tịch điền, thóc lúa ùn ùn như núi". Bài bia chùa Báo Ân cho biết: "Bấy giờ nước nhà giàu thịnh" và theo bia chùa Sùng Nghiêm (Thanh Hoá) thì, khi lễ khánh thành chùa được cung cấp cơm chay bằng gạo dự trữ 9 năm. Thời Trần là giai đoạn kinh tế phát triển. Sách Kiến văn tiểu lục ghi: "Lúc bấy giờ ở các trấn, sở đều có kho tàng dự trữ"2 (Lê Quý Đôn Toàn tập, Tập II, Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội. H.1977, tr.290). Thời Lê Sơ, nhất là đời Lê Thánh Tông - một giai đoạn phát triển cao của kinh tế nông nghiệp nước ta, nhà nước luôn có đủ thóc lương chứa đầy kho ở các Thừa tuyên và các phủ huyện, riêng gạo nấu chín để cung cấp cho các cuộc hành quân thì luôn luôn là thứ lương khô dự trữ sẵn sàng lúc cần kíp. Đó là kết quả của một nền nông nghiệp mà nhà vua đã từng làm thơ ca ngợi:

                                    “Vạn khoảnh thanh thanh thị hạ điền,
                                    Tề dân đương dĩ thực vi thiên
                                    Thôn đầu tam lưỡng nông phu đáo,
                                    Giai vị kim niên thắng tích niên”


        Dịch là:

                                    “Lúa chiêm muôn khoảnh tốt rườm rà,
                                    Ăn ấy là trời của dân ta,
                                    Đầu xóm nông phu dăm kẻ đến,
                                    Đồn rằng năm nay hơn năm qua

        (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III; Nxb Khoa học xã hội. H.1967, tr. 227).

        Cùng với nông nghiệp, các nghề thủ công cũng phát triển. Đó là những nghề thủ công truyền thống như dệt, gốm, khai mỏ, luyện kim, mỹ nghệ, chạm khắc, đúc đồng, v.v... ở nông thôn Đại Việt xuất hiện những làng thủ công chuyên sản xuất những sản phẩm truyền thống của mình, trong đó có những nghề sản xuất ra các sản phẩm liên quan đến quân đội và các hoạt động quân sự, như nghề dệt lĩnh ở Trích Sài (Thăng Long - Hà Nội), nghề dệt vải lụa ở Nghi Tàm và Thuỵ Chương; nghề làm nón ở Ma Lôi (Hải Dương); các nghề luyện kim, rèn đúc, đóng thuyền, v.v... Ở kinh thành Thăng Long có 61 phố phường, nhiều phường có nghề thủ công như Hàng Đào nhuộm Điều, phường Tàng Kiếm nổi tiếng làm áo giáp, binh khí, kiệu vua và các thứ nghi trượng phục vụ cung đình.

        Từ thời Lý, nhà nước đã áp dụng những biện pháp tạo điều kiện cho các nghề thủ công trong nước phát triển. Triều đình đã tổ chức Cục Bách tác, mở lớp dạy nghề dệt cho các cung nữ và khuyến khích dùng những sản phẩm thủ công nội địa. Năm 1040, Lý Thái Tông ra lệnh phát gấm vóc trong kho để may lễ phục cho vua quan, cấm không mua gấm vóc của nhà Tống. Vì thế, nghề dệt lụa Đại Việt đã trở nên nổi tiếng với đủ thứ vải, lụa, gấm vóc, the đoạn... có nhiều màu sắc, họa tiết trang trí đẹp mắt và chiếm được vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội cũng như trên thương trường lúc đó. Về vấn đề này học giả Ngô Thì Sĩ đã viết: "Người nước ta ưa chuộng gấm vóc, đã dùng của người Tàu (Trung Quốc). Mỗi năm có tàu buôn đến thì hao tổn tiền không biết đâu mà kể. Có biết đâu rằng trong đời Hồng Đức những đồ mâm, bát, bình chén dùng ở trong cung vua đều là của nước ta chế tạo, không thấy nói lấy đồ của Tàu làm quý. Đồ dùng của nước ta tinh xảo chả kém gì Trung Hoa. Cứ cho mẫu mà bảo thợ chế tạo thì sao lại chả tinh xảo được? Đó là cách bỏ thói xa xỉ, làm sao cho nước giàu xa nữa thì nên bắt chước vua Lý Thái Tôn"1 (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, Văn hoá châu xuất bản, 1960, tr. 120).

        Nghề khai khoáng và luyện kim, chủ yếu là rèn sắt, đúc đồng, đã cung cấp thoả mãn nhu cầu vật liệu cho nhà nước đúc tiền, đúc chuông, tượng, nông cụ và nhất là các đồ binh khí, chiến cụ trang bị cho quân đội. Nhà nước Trần, Hồ và Lê Sơ còn lập ra những xưởng thủ công đúc tiền, đóng thuyền chiến, các xưởng binh khí và các cơ sở sản xuất đồ dùng cho vua quan. Một số trung tâm thương nghiệp xuất hiện cùng với nhiều phố xá bán buôn ngày một sầm uất như Tư Phố (Thanh Hoá), Long Biên (Hà Nội), Luỵ Lâu (Bắc Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Thăng Long - Kẻ Chợ (Hà Nội), v.v... Từ thời Lý - Trần, nhiều làng quê đã có chợ. Sang thời Hồ và Lê Sơ, việc lưu thông hàng hoá và tiền tệ mở rộng hơn trước, khắp nơi chợ mọc lên ngày một nhiều và giữ vai trò trung tâm kinh tế thị trường địa phương. Nhà nước đã ban hành những điều luật quy định thể lệ lập chợ và họp chợ, những quy định thống nhất về đo lường. Nền kinh tế hàng hoá phát triển, góp phần đẩy lùi các yếu tố phân tán trong xã hội, tạo điều kiện mở rộng giao lưu với nước ngoài.

        Quan hệ ngoại thương giữa Đại Việt và các nước như Trung Quốc, Chiêm Thành, Ja Va (Inđônêxia), Chân Lạp, Lão Qua, Xiêm, Hồi Hột, v.v... được mở rộng từ thời Lý - Trần và được thực hiện chủ yếu qua đường biển, thông qua một số thương cảng lớn như Vân Đồn và một số cửa biển miền Trung. Sứ nhà Nguyên là Trần Phu chép trong An Nam tức sự rằng: "Phủ Thanh Hoá... cách thành Giao Chỉ hơn 200 dặm, các phiên chợ ở hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền, rất đông... Thật là một thị trấn lớn"1 (Trần Phu, An Nam tức sự, cương trung thi tập, Q.2). Đường biên giới với các quốc gia láng giềng cũng được mở cửa tạo điều kiện giao lưu buôn bán thuận tiện. Trên biên giới Tống - Việt thời Lý đã xuất hiện các "Bạc dịch trường" (Chợ biên giới). Sách Trung Quốc Đảo di chí lược chép: "Đất Giao Chỉ sản nhiều vàng, bạc, đồng, chì, thiếc, ngà voi, lông chim trả, nhục quế, cau. Hàng hoá trao đổi thì dùng các thứ như the, lĩnh các màu, lụa, vải thanh bố, lược ngà, giấy, đồng, sắt... Lưu thông sử dụng tiền đồng"2 (Nông Đại Uyên, Đảo di chí lược, Dẫn theo Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông, Sđd, tr.28). Nhà nước Đại Việt mở rộng ngoại thương, nhưng do yêu cầu trị an và vấn đề chủ quyền, các triều đại đều có những biện pháp quản lý chặt chẽ, đề phòng âm mưu do thám của người ngoại quốc. Nhà Lý cho phép thương gia các nước lập trang ở Vân Đồn để buôn bán với thương nhân Đại Việt, không cho phép họ tự tiện vào nội địa để do thám ta. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Năm Kỷ Ty (1149) tháng 2, thuyền buôn ba nước Trào Oa, Lô Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin ở lại buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến các sản vật địa phương"3 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Sđd, tr.281). Thời Lê Sơ chỉ cho phép thương nhân ngoại quốc buôn bán ở thương cảng Vân Đồn và một số nơi theo quy định của nhà nước. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi phản ánh: "Người ngoại quốc không được tự tiện vào nội trấn, tất cả đều ở Vân Đồn, Vạn Ninh, Cần Hải, Hội Thống, Hội Triều, Thống Lĩnh, Phú Lương, Tam Kỳ, Trú Hoa... có thể nói sự đề phòng trong và ngoài thời kỳ này rất nghiêm ngặt..."4 (Nguyễn Trãi, Toàn tập, Sđd, tr.224).
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Tám, 2016, 11:38:43 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:34:54 pm »

       
        IV.NHỮNG CƠ SỞ VĂN HOÁ - TƯ TƯỞNG

        Yếu tố văn hoá tư tưởng có ảnh hưởng và tác động nhiều đến Binh chế. Ở thế kỷ X, các triều đại Ngô, Đinh và Tiền Lê đặt lên hàng đầu nhiệm vụ củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng quân sự để đẩy lùi các thế lực ngoại xâm và đàn áp các thế lực cát cứ trong nước. Mọi hoạt động khác của đất nước tuy có đạt được những thành quả nhất định, nhưng chỉ mới là bước đầu. Các vương triều chưa có điều kiện thuận lợi để chăm lo phát triển văn hoá. Tuy nhiên, nền văn hoá dân tộc vẫn luôn được bảo tồn và phát huy, bởi như sách An Nam chí lược chép: "Giao Chỉ có tiếng là đất văn hiến. Người ở đó thích đọc sách và ưa làm điều thiện"1 (Lê Trắc, An Nam chí lược, tài liệu đã dẫn, tr.121).

        Từ thời Lý, nhà nước chăm lo mở mang việc học và thi cử để đào tạo và tuyển lựa quan lại có năng lực cho bộ máy hành chính. Sách Lĩnh ngoại đại đáp của tác giả Chu Khứ Phi đời Tống, khi chép về nước Đại Việt thời Lý, có câu: “Nước ấy (tức Đại Việt) rất trọng khoa cử" có ý đề cao chế độ thi tuyển của nước ta lúc đó. Năm 1070, nhà Lý xây dựng Văn Miếu và mở Quốc Tử Giám ở Thăng Long làm nơi học tập cho con em tầng lớp quý tộc. Năm 1075, triều đình tổ chức khoa thi đầu tiên và từ đó nhân tài đất nước từng bước được tuyển chọn qua thi cử để bổ sung vào đội ngũ quan lại, quản lý các cơ quan chuyên môn. Trong xã hội xuất hiện dần một tầng lớp nho sĩ. Tuy nhiên, chế độ giáo dục và thi cử theo tinh thần nho giáo mới chỉ bắt đầu. Phật giáo vẫn chiếm ưu thế và giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - tinh thần.

        Sang thời Trần, chế độ học tập và thi cử ngày một chính quy hơn. Quốc học viện ở Thăng Long đã mở rộng cho giới nho sĩ vào học. Ở trung ương và các địa phương có chức học quan, trường tư xuất hiện. Các thể lệ thi cử được điển chế hoá. Vì vậy, nho sĩ xuất hiện ngày một đông, đẩy lùi dần địa vị của tầng lớp tăng lữ trên lĩnh vực chính trị và tư tưởng. Tuy nhiên, trong xã hội Lý - Trần, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo cùng với những tín ngưỡng dân gian cùng tồn tại và tất cả đều bị chi phối bởi yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

        Đầu thế kỷ XV, nhà Hồ chấn chỉnh lại chế độ thi cử vốn bị sa sút ở thời cuối Trần. Triều Hồ coi trọng chữ Nôm và chủ trương dùng chữ Nôm trong trường học. Đến thời Lê Sơ, nhất là đời Lê Thánh Tông, nhà nước mở mang công tác giáo dục, thi cử và định ra quy chế đào tạo các quan lại xuất thân từ nho học. Quốc Tử Giám hay Thái học viện là trung tâm giáo dục của cả nước. Chế độ thi cử có nền nếp, chính quy. Vì thế, thời kỳ này Nho giáo giành được địa vị thống trị và trở thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Đại Việt. Tuy nhiên, trong điều kiện của một quốc gia mà tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc từ lâu đã thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân và trở thành nguồn sức mạnh của dân tộc thì Nho giáo cũng phải chịu sự chi phối của ý thức dân tộc. 

        Điều quan trọng là Nhà nước Đại Việt sớm xác lập một nền giáo dục quân sự, nhằm đào tạo nhân tài quân sự, những tướng lĩnh chỉ huy quân đội. Tại Thăng Long, thời Lý có Điện Giảng Võ, thời Trần có Giảng Võ Đường và các bãi tập quân sự. Đó là trường học quân sự cao cấp đầu tiên của nước ta, là nơi nhà vua, các vương hầu và tướng lĩnh được học tập binh thư và binh pháp. Đỉnh cao của nền văn hoá quân sự thời Lý - Trần thể hiện trong các giai đoạn có chiến tranh giữ nước. Hệ thống giáo dục quân sự đó được duy trì và mở rộng dưới triều Lê (xem chương IV, mục II). Một nền khoa học và nghệ thuật quân sự đã nảy sinh, thể hiện tính ưu việt của nó trong kháng chiến chống ngoại xâm và có ảnh hưởng rất lớn sự hoàn thiện của Binh chế nhà nước.

        Yêu cầu của công cuộc giữ nước đã thúc đẩy nền văn hoá phát triển mang màu sắc và ý thức dân tộc. Vốn ra đời trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, văn học Đại Việt các thế kỷ XI - XV đã có nhiều tác phẩm phản ánh chủ nghĩa yêu nước, niềm tự hào và khí phách anh hùng dân tộc. Đó là bài thơ Nam quốc sơn hà nổi tiếng trong kháng chiến chống Tống (1077); là Lộ bố văn của Lý Thường Kiệt; là những áng văn thơ thời Trần của Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu; đó là Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trái; các bài phú của Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, v.v...

        Văn học Đại Việt luôn thể hiện tinh thần dân tộc và ý chí tự cường quốc gia. Yếu tố văn hoá này có tác động rất nhiều đối với các tướng lĩnh, quân sĩ cũng như tinh thần yêu nước của nhiều tầng lớp nhân dân. Những lời nói đanh thép của Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Bình Trọng, Đỗ Khắc Chung... được phản ánh trong sử sách biểu hiện chủ nghĩa yêu nước, khí phách dân tộc, có ý nghĩa khích lệ lớn lao đối với tinh thần mọi tầng lớp xã hội mỗi khi đất nước bị quân xâm lăng giày xéo.

        Bên cạnh nền văn hoá cung đình, trong xã hội còn có một nền văn hoá dân gian đa dạng và phong phú. Trong nông thôn Đại Việt, người nông dân công xã vẫn bảo lưu những phong tục tập quán cổ truyền, vẫn duy trì quan hệ cộng đồng chặt chẽ, sớm kết hợp ý thức tình làng nghĩa xóm với ý thức quốc gia dân tộc, nước gắn liền với nhà. Các lễ hội truyền thống rất thịnh hành, đượm tinh thần thượng võ như bơi thuyền, đấu vật đánh gậy, đánh đu, cướp cù, v.v... Các lễ hội thường gắn liền với việc đề cao tinh thần yêu nước, truyền thống đánh giặc giữ nước và suy tôn các anh hùng dân tộc. Điều đó tạo nên những yếu tố thuận lợi để nhà nước huy động nhân lực, vật lực cho quân đội, cho chiến tranh; đồng thời yếu tố văn hoá truyền thống đó cũng làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho những người lính vốn xuất thân từ các cộng đồng làng xã.

        Cũng như trên lĩnh vực kinh tế, trên phương diện văn hoá tư tưởng, Đại Việt đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhân dân ta đã phát huy những tinh hoa và giá trị của văn hoá cổ truyền, tiếp thu có lựa chọn những yếu tố tích cực từ bên ngoài để xây dựng nên nền văn hoá có ý thức dân tộc cao; đó là văn hoá Thăng Long, một nền văn hoá bắt đầu phục hưng từ thế kỷ X và tiếp tục phát triển đến thế kỷ XV. Nền văn hoá đó là tinh thần dân tộc, ảnh hưởng tích cực đến các mặt phát triển của Binh chế Đại Việt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:36:09 pm »


        V. NƯỚC ĐẠI VIỆT TRONG BỐI CẢNH KHU VỰC ẢNH HƯỞNG CỦA MỐI QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI VỚI BINH CHẾ

        So với Trung Hoa phong kiến ở phía Bắc, Đại Việt là một nước nhỏ, dân ít; nhưng so với các nước trong vùng Đông Nam Á thì Đại Việt là một nước khá lớn về lãnh thổ và dân cư, một quốc gia thịnh vượng và có uy tín.

        Sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, phong kiến Trung Hoa buộc phải chấp nhận nền độc lập của nước ta. Trên bước đường phát triển của mình, giữa hai nước Trung Quốc (trong các triều đại Tống, Nguyên và Minh) và Đại Việt (trong các triều Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ) đã có nhiều mối quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá và quân sự. Dưới con mắt của phong kiến Trung Hoa, Đại Việt là một tiểu quốc, một nước phiên dậu. Các nhà nước phong kiến Đại Việt bề ngoài vẫn chấp nhận mối quan hệ đó, nhưng luôn luôn có đầu óc tự cường, tìm cách quan hệ giao hiếu với mong muốn giữ yên nền độc lập dân tộc.

        Nhà Lý xây dựng đất nước trong lúc nhà Tống còn gặp nhiều khó khăn về đối nội và đối ngoại. Đến đời Tống Thần Tông, nhà Tống muốn chiếm Đại Việt, mở đường tiến xuống phương Nam với mục đích giành những thắng lợi quân sự để ổn định trong nước và để gây áp lực đối với hai nước phía Bắc là Liêu và Hạ. Vì thế nhà Lý luôn có ý thức xây dựng lực lượng quốc phòng, cảnh giác mặt Bắc, thực hiện một chính sách ngoại giao quân sự mềm dẻo. Năm 1075, vua Tống Thần Tông và Tể tướng Vương An Thạch quyết chí đánh Đại Việt. Kết quả là Tống bị đại bại ở Ung - Khâm - Liêm (1075) và ở Như Nguyệt (1077). Sau hai lần gây chiến tranh xâm lược đều thất bại (năm 981 và 1075-1077), nhà Tống bề ngoài vẫn "ra oai" nhưng thực chất bên trong thì vị nể, không giám coi "Giao Chỉ là nhỏ mọn" nữa. Phía nhà Lý vẫn chủ trương hoà hiếu, cử các phái bộ sang cầu phong, xin kinh Đại Tạng và triều cống phương vật.

        Nhà Trần thay thế nhà Lý đúng vào dịp ở phương Bắc, nhà Tống bị Mông Cổ xâm lược và triều Nguyên được thiết lập (1271). Là một đế quốc hung hãn lại bị Hán hoá, nhà Nguyên tham vọng tiếp tục bành trướng xuống phía Nam. Mối quan hệ giữa triều Trần và triều Nguyên trải qua một giai đoạn căng thẳng. Sau khi thiết lập quyền thống trị ở Trung Quốc, nhà Nguyên muốn tiếp tục tiến xuống phương Nam, đã nhiều lần ngỏ ý mượn đường đánh Chiêm Thành và Chân Lạp, nhưng kỳ thực để chiếm Đại Việt.

        Nhà Trần thực hiện một chính sách ngoại giao vừa hoà hoãn vừa kiên quyết, nhưng chiến tranh lúc đó là không thể tránh khỏi, nên vua tôi nhà Trần đã thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng quân sự, củng cố khối đoàn kết dân tộc, đề phòng giặc ngoại xâm. Trước sức mạnh giữ nước và trước quyết tâm của quân dân Đại Việt, cả ba lần gây chiến tranh, giặc Mông - Nguyên đều thất bại. Đối với nhà Nguyên, nhà Trần tự thấy mình nhỏ bé hơn, đành phải nén nhịn làm phiên thuộc và triều cống để giữ gìn hoà hiếu và độc lập. Trên cơ sở thực lực vốn có, nhà Trần đã thành công trong đấu tranh quân sự và ngoại giao, khiến nhà Nguyên phải từ bỏ ý chí xâm lược, mặc dù "việc Nam chinh vẫn ngứa ngáy trong tim" Hốt Tất Liệt.

        Triều Hồ xây dựng chính quyền trong hoàn cảnh đất nước đang đầy rẫy khó khăn, trong lúc giặc phương Bắc đang ngấp nghé ở biên giới. Chính vì thế, Hồ Quý Ly ngày đêm lo lắng làm sao có được trăm vạn quân để chống giặc và rất khẩn trương xây dựng quân đội, lo việc phòng thủ, chủ động trong quan hệ với nhà Minh để hoà hoãn cuộc chiến. Nhưng mối quan hệ giữa nhà Hồ và nhà Minh trở nên ngắn ngủi bởi cuộc chiến tranh giữ nước của triều đình nhà Hồ nhanh chóng thất bại. Nước Đại Việt trở thành đất "thực dân" của nhà Minh trong vòng 20 năm (1407-1427).

        Nhà Lê thiết lập sau khi Lê Lợi tiến hành thành công cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Trên tư thế của người chiến thắng, nhà Lê tiến hành công cuộc nội trị và ngoại giao. Đất nước do đó đã trải qua một thời kỳ dài hoà bình xây dựng. Tuy nhiên, triều Lê vẫn quán triệt chính sách đối ngoại mềm dẻo nhưng kiên quyết trên nguyên tắc độc lập và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Tư tưởng đó thể hiện rất rõ trong mệnh lệnh của vua Lê Thánh Tông với các tướng: "Một thước núi một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ được. Kẻ nào dám đem một thước núi một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì kẻ đó phải bị trừng trị nặng”1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb Khoa học xã hội, H.1967, tr.462). Chính vì thế, mặc dù trong cảnh thái bình, triều đình Lê Sơ vẫn luôn quan tâm xây dựng quân đội để phòng giữ đất nước.

        Nếu như trong quan hệ với các nhà nước phong kiến "Trung Hoa, Đại Việt bề ngoài phải nhún mình, thì đối với Lão Qua, Chân Lạp và Chiêm Thành, Đại Việt luôn đặt mình ở trên cương vị một nước lớn hơn và giữ thái độ kiên quyết.

        Nhà Lý, nhà Trần và Lê Sơ đều coi các nước đó là chư hầu và trên thực tế các nước ấy vẫn chấp thuận. Họ thường cho sứ sang giao hiếu với Đại Việt, cống các sản vật như sư tử, voi trắng, tê tê, ngựa bạch, v.v... Vua Đại Việt vừa vỗ về bằng đức vừa răn đe bằng quân sự. Khi hoà hiếu thì dùng sứ giả phủ dụ hoặc gả con gái cho; khi các nước tỏ ra không khâm phục hoặc đưa quân quấy nhiễu biên giới thì phát binh hỏi tội. Các hành động xâm phạm biên giới đều bị đẩy lùi một cách kiên quyết và kịp thời bằng các biện pháp ngoại giao hay quân sự.

        Sự phát triển của quốc gia phong kiến ở Đại Việt cũng như ở các nước phương Đông lúc đó luôn luôn gắn liền với quá trình chuyển hoá, phục vụ quyền lợi cho giai cấp thống trị. Vì thế khuynh hướng bành trướng phong kiến đã không thể tránh khỏi và kết quả một phần đất của Chiêm Thành ở phía Nam và của Bồn Man phía Tây đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt.

        Do nền kinh tế, chính trị ở Đại Việt ổn định và phát triển thịnh vượng, nhiều nước khác trong vùng đã đến quan hệ, như Chân Lạp, Xiêm, Ja Va (Inđônêxia), Malaixia... Một số nước xa ở phương Bắc như Hồi Hột, Kim, v.v... cũng cử sứ giả đến. Sử chép rằng, tháng 6 năm 1168, cùng một lúc có sứ giả của cả nước Tống và nước Kim sang ta. Nhà Lý đã lấy lễ tiếp đãi nhưng không để họ gặp nhau, bởi lúc đó bang giao giữa Tống và Kim đang căng thẳng.

        Mối quan hệ trên đây đã có tác động trên nhiều lĩnh vực phát triển của các nước, càng thúc đẩy sự giao thoa giữa các nền văn hoá - văn minh trong vùng. Đại Việt chủ trương giữ quan hệ hoà hiếu với tất cả các nước, tạo điều kiện cho sứ giả, thương gia đi lại thuận tiện, cũng luôn luôn cảnh giác, chăm lo xây dựng quân sự để giữ vững an ninh và quốc phòng.

        Như vậy, nước Đại Việt từ thế kỷ XI-XV là một quốc gia dân tộc thống nhất, có những giai đoạn dài ổn định chính trị với nền kinh tế phát triển, văn hoá độc đáo mang bản sắc dân tộc. Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực xây dựng đất nước không những đã nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng, là tiền đề tốt để Nhà nước Đại Việt xây dựng và hoàn thiện Binh chế của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:46:20 pm »


        NIÊN BIỂU CÁC ĐỜI VUA TỪ THẾ KỶ XI - XV

        Thời Lý (1009-1226)         

1. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) : 1009-1028         
2. Lý Thái Tông (Lý Phật Mã): 1028-1054         
3. Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tông) : 1054-1072         
4. Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức) : 1072-1127         
5. Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán) : 1128-1138         
6. Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ) : 1138-1175         
7. Lý Cao Tông (Lý Long Trát) : 1175-1210         
8. Lý Huệ Tông (Lý Hạo Sảm) : 1210-1224         
9. Lý Chiêu Hoàng (Lý Chiêu Thánh) : 1224-1225

        Thời Trần (1226-1400)           

1. Trần Thái Tông (Trần Cảnh) : 1226-1258           
2. Trần Thánh Tông (Trần Hoảng) : 1258-1278           
3. Trần Nhân Tông (Trần Thẩm) : 1278-1293         
4. Trần Anh Tông (Trần Thuyền) : 1293-1314         
5. Trần Minh Tông (Trần Mạnh) : 1314-1329         
6. Trần Hiến Tông (Trần Vượng) : 1329-1341         
7. Trần Dụ Tông (Trần Hạo) : 1341-1369         
8. Trần Nghệ Tông (Trần Phủ) : 1370-1372         
9. Trần Duệ Tông (Trần Kính) : 1372-1377         
10. Trần Phế Đế (Trần Nghiễn) : 1377-1388         
11. Trần Thuận Tông (Trần Nhung) : 1388- 1398         
12. Trần Thiếu Đế (Trần An) : 1398-1400

        Thời Hồ (1400 - 1407)         

1. Hồ Quý Ly : 1400         
2. Hồ Hán Thương : 1400-1407

        Lê Sơ (1428-1504)       

1. Lê Thái Tổ (Lê Lợi) : 1428-1433       
2. Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) : 1434- 1442       
3. Lê Nhân Tông (Lê Bang Cơ) : 1443- 1459       
4. Lê Thánh Tông (Lê Tư Thành) : 1460- 1497       
5. Lê Hiến Tông (Lê Huy) : 1497-1504

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:48:32 pm »

      
Chương II

HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÁC NGẠCH QUÂN

        Hệ thống ngạch quân Đại Việt gồm quân triều đình, quân địa phương (các lộ, trấn, đạo), quân vương hầu và dân binh. Trải qua các thế kỷ XI - XV, tổ chức các ngạch quân từng bước phát triển, ngày một hoàn bị hơn.

        I.QUÂN TRIỀU ĐÌNH

        Lực lượng quân đội do Nhà nước trực tiếp tổ chức, quản lý và chỉ huy gọi là quân triều đình. Đây là bộ phận chủ yếu trong hệ thống tổ chức các thứ quân của quốc gia Đại Việt bao gồm các thành phần: Cấm quân, Sương quân và quân Ngũ phủ (thời Lê Sơ).

       1.Cấm quân

        1.1. Cấm quân thời LýLà lực lượng nòng cốt của quân triều đình, trực tiếp bảo vệ Kinh đô trong đó có Hoàng đế và Hoàng tộc; do đó dưới triều Lý cũng như các triều đại sau, Cấm quân luôn luôn được coi trọng, phát triển. Lý Công Uẩn trước khi lên ngôi lập vương triều Lý đã từng là một võ quan có thế lực nhất của nhà Tiền Lê, giữ chức Điện Tiền chỉ huy sứ, quản quân Tả thân vệ. Vì thế, Lý Thái Tổ đã kế thừa gần như toàn bộ bộ máy tổ chức quân sự cuối thời Tiền Lê.

        Ngạch quân thời Đinh (968-979) và thời Tiền Lê (980-1009) gọi là Thập đạo quân: Mỗi vệ 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Trong hệ thống đó có một bộ phận lính chuyên nghiệp gọi là Thân quân, một loại "gia binh của Hoàng đế” mang tính chất "thân binh" như kiểu "lính trong nhà" của Dương Đình Nghệ ngày trước. Số đó cũng được gọi là quân Điện Tiền, gồm khoảng từ 3 đến 5 nghìn người. Năm 990, sứ giả nhà Tống tên là Tống Cảo từ Hoa Lư về thuật lại với vua Tống rằng: "Trong thành không có dân, chỉ có mấy trăm khu nhà làm trại lính... Số binh sĩ độ 3 nghìn người, đều thích ba chữ “Thiên tử quân" ở trán. Lương thì phát lúa để làm ra gạo mà ăn. Vũ khí chỉ có cung nỏ, mộc gỗ, giáo, lao bằng tre..."1 (Chu Khứ Phi, Lĩnh ngoại đại đáp, bản dịch, tư liệu Viện Lịch sử quân sự, tr.35). Dù chỉ là sự mô tả của một sứ thần phương Bắc, nhưng qua đó có thể biết được phần nào tình hình quân lính bảo vệ kinh thành của nhà Tiền Lê. Quân đó chia thành tả, hữu vệ do một viên tướng tin cẩn chỉ huy gọi là Điện Tiền chỉ huy sứ; phía trong có khoảng 1.000 quân Tuỳ Long Túc Xa chuyên việc hầu hạ, bảo vệ vua. Cấm quân thời bấy giờ với các tên gọi "Thân quân", “quân Điện Tiền" hay "Thiên tử quân" chính là tổ chức quân đội quan trọng nhất với nhiệm vụ bảo vệ vua và triều đình, đồng thời là chủ lực quân trong cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn lãnh đạo (981). Sau khi Lê Hoàn mất, Lý Công Uẩn đã chỉ huy đạo quân đó vào từ năm 1009, Cấm quân nhà Tiền Lê đã chuyển thành Cấm quân nhà Lý. Đồng thời với việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, Lý Thái Tổ cho mở rộng lực lượng Cấm quân, đặt cơ sở cho các đời vua nối tiếp hoàn thiện tổ chức quân sự triều Lý.

        Theo sách Toàn thư (Đại Việt sử ký toàn thư) năm 1028, Lý Thái Tông "đặt 10 vệ Điện Tiền cấm quân: 1. Quảng Thánh, 2. Quảng Vũ, 3. Ngự Long, 4. Bổng Nhật, 5.T rừng Hải. Mỗi vệ đều chia làm tả và hữu trực, đi quanh để bảo vệ bên trong cấm thành"1 (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, H.1967, tr.205). Năm 1054, Lý Thánh Tông đổi tên các đô quân Khuông Thánh của Thần Vệ thành Củng Thánh Quảng Đức thành Trung Vũ, Quảng Vũ thành Chiêu Vũ; đồng thời đặt thêm tả và hữu Long Dực đô, mỗi đô 100 người (?). Đến năm 1059, nhà vua lại chia quân làm 8 hiệu: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược và Vạn Tiệp; mỗi hiệu quân đều chia ra bốn bộ tả, hữu, tiền và hậu; hợp thành 100 đội, trong đó có cả lính ky mã, lính cung nỏ và bắn đá; mỗi người đều thích lên trán 3 chữ "Thiên tử quân”2 (Sự kiện này sách Việt sử tiêu án cũng chép tương tự, còn sách An Nam chí lược thì chép hai hiệu quân Bộ Điện và Củng Nhật thay cho Thần Điện và Bổng Thánh).

        Đời Lý Nhân Tông, năm 1104, duyệt binh Hưng Nam, Vũ Tiệp tả và hữu, đổi làm đô Ngọc Giai, binh Ngự Long đổi làm đô Hưng Thánh và Quảng Vũ; những người thuộc họ lớn trong dân cho làm binh Vũ Thắng; đồng thời đổi Điền Nhi làm binh Thiết Lâm3 (Điền nhi: Theo Việt sử lược, điền nhi là quan nô cày ruộng quốc khố). Giáo sư Hoàng Xuân Hãn viết rằng: "Sau khi tự đem quân dẹp các loạn Lý Giác ở Diễn Châu và Chiêm Thành ở châu Bố Chính, ông (tức Lý Thường Kiệt) liền tổ chức lại quân đội. Tháng 3 năm Giáp Thân (1104), duyệt lại các đơn vị từ Cấm quân đến dân quân (hương binh). Đổi hai đội Hưng Nam, Dũng Tiệp tả và hữu làm đô Ngọc Giai. Đô Ngọc Giai là quân hầu bên "thềm ngọc", tức là gần bên ngai vua. Đội binh Ngự Long được đổi ra đô Hưng Thánh và Quảng Vũ. Đó là Cấm quân. Quân của nhà vua đổi thành lính Vũ Thắng. Điền Nhi đổi ra lính Thiết Lâm"1 (Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Ban tu thư Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, Sài Gòn 1966, tr.371). Năm 1118, vua Lý Nhân Tông cho tuyển 350 đại hoàng nam khoẻ mạnh để sung làm lính các đô Ngọc Giai, Hưng Thánh, Vũ Đô và Ngự Long. Năm sau, vua lại duyệt sáu binh Vũ Tiệp, Vũ Lâm, v.v...; hạng khoẻ giỏi cho làm Hoả đầu (đội trưởng) ở các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bỗng Nhật, Quảng Thánh, Vũ Đô..., hạng dưới cho làm lính.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2016, 11:54:04 pm »

        Sách Lĩnh ngoại đại đáp của Trung Quốc thời Tống chép về Cấm quân nhà Lý như sau: "Triều Lý có 8 quân như Ngự Long quân, Vũ Thắng quân, v.v... đều chia ra làm tả và hữu; mỗi quân có 200 người, đều thích ở ngang trán ba chữ “Thiên Tử quân"2 (Chu Khứ Phi, Lĩnh ngoại đại đáp, Sđd, tr.20). Sử Của ta cho biết: buổi đầu đời Lý, cấm vệ có 10 quân, mỗi quân có 200 người. Dưới đời Lý Thánh Tông (1054-1072) số Cấm quân có 3.200 người. Sử thần Ngô Thì Sĩ có nhận xét: "Binh chế buổi đầu đời Lý lấy Thân quân làm trọng, cũng gọi là Cấm quân. Cấm vệ có 10 quân, mỗi quân có 200 người, đều có tả và hữu; phải túc trực thường xuyên"3 (Dẫn theo Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập IV, Sđd, tr.5).

        Như vậy, thời Lý có khoảng vài chục đô quân và vệ quân, mỗi vệ có khoảng 200 người, đóng trong cấm thành để bảo vệ cung vua. Cấm quân được ưu đãi cấp lương và bổng lộc, được xăm mình và thích chữ "Thiên Tử quân" ở trán. Bấy giờ, nhà nước có lệnh cấm những nô bộc tư gia không được xăm lên ngực, vào chân để làm giả mạo theo hình dạng của Cấm quân.

        Trong thành phần của Cấm quân nói trên có một bộ phận gọi là quân Túc vệ, tức quân hầu cận, những binh lính bảo vệ và phục dịch nhà vua. Số quân này gọi là Tuỳ Long quân nội ngoại hay Tả hữu túc xa. Vừa lên ngôi, Lý Thái Tổ đã đem 500 quân Tuỳ Long vào làm lính túc vệ bên mình. Năm 1051, Lý Thái Tông chế xe Thái Bình, một loại "xe ngự" dùng voi kéo, được trang sức giát vàng lộng lẫy. Nhà vua còn đặt Tuỳ Long quân theo hầu xe và cử tướng Phiêu ky Trần Nẫm cai quản quân ấy. Đến năm 1054, vua Lý Thánh Tông đặt thêm tả, hữu Long Dực đô, mỗi đô 10 người. Đó là số quân hầu hạ xe báu hoặc túc trực bên vua. Mỗi lần xe loan ra hoặc vào, lính Long Dực xếp hàng hai bên, nghi vệ được bày đặt long trọng để chào đón thiên tử. Hoặc gặp ngày triều hội, quân Cấm vệ trang phục và đội mũ chỉnh tề trước sân điện, quần thần văn võ đứng chầu hai bên. Khi nhà vua đến, viên chủ sự xướng "Thánh cung vạn phúc", quân sĩ đồng thanh hô theo làm tăng thế uy nghi của buổi lễ. Năm 1150, đời Lý Thần Tông, sau vụ nổi dậy của Cấm quân, quan Thái úy Đỗ Anh Vũ đã tổ chức thêm đội quân Phụng quốc vệ đô trên 100 người và ra lệnh giữ gìn cẩn mật trong cung cấm, không cho hoạn quan được vào, không cho tụ tập bàn bạc trong cung. Quân Cấm vệ được tổ chức chặt chẽ hơn. Như vậy, trên cơ sở kế thừa tổ chức quân đội thời Tiền Lê, nhà Lý đã phát triển và chính quy hoá đội quân của mình bằng cách mở rộng và đổi tên các quân hiệu, tăng cường quân số và đặt thêm các quân hiệu mới. Tuy vẫn mang danh hiệu là "Thiên tử quân”, nhưng Cấm quân thời này phát triển hoàn chỉnh hơn trên các lĩnh vục (Bảng 1).



        Về mặt biên chế, Cấm quân thời Lý đã chia thành các tướng hiệu, quân hiệu, các vệ quân, đô quân, các đội, ngũ hoặc giáp để thay nhau phụng trực và tuần tra canh gác. Chẳng hạn Lý Thái Tổ có 10 quân Cấm vệ, ngoài ra còn có 9 quân khác để sai khiến. Năm 1025, vua định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người giỏi, khoẻ làm quản giáp. Lý Thái Tông đặt 10 vệ Điện Tiền cấm quân gọi là "thập vệ". Tổ chức chính quyền trung ương cũng như kinh đô Đại Việt thời Lý được xây dựng, mở rộng và hoàn thiện kéo theo sự hoàn chỉnh của Cấm quân. Cấm quân thời đó cũng làm trọn chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ kinh đô mới mà tại đó có cả Hoàng đế và hoàng tộc ở. Cấm quân vẫn theo nguyên tắc Thân quân, tức đội quân của vua. Vua với tư cách là một cá nhân đại diện cho cả bộ máy nhà nước, vua cũng đồng nghĩa với nước. Vì vậy, Cấm quân thời Lý cũng như các triều đại sau, đều mang ý nghĩa Thân quân, được tuyển chọn cẩn thận và thực hiện quyền lực của Hoàng đế, bảo vệ Hoàng đế, hoàng tộc và triều đình phong kiến.

        Cấm quân là lực lượng chủ yếu để dẹp trừ bạo loạn, đặc biệt là các biến cố ở cung đình. Ví dụ, năm 1028, dưới sự chỉ huy của Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu, Cấm quân đã dẹp được "Loạn Ba vương", bảo vệ ngôi vua Lý Thái Tông; hoặc năm 1150, quan Điện Tiền chỉ huy sứ Vũ Đái cùng với Tả hưng Thánh hoả đầu Nguyễn Đương đã đem Cấm quân xông vào cung đình bắt giam tên loạn thần Đỗ Anh Vũ. Ngoài nhiệm vụ hộ giá và bảo vệ vua, bảo vệ triều đình, Cấm quân còn tham gia các cuộc chinh phạt do vua "tự làm tướng" để dẹp các vụ chống đối địa phương, như ở châu Định Nguyên và châu Tự Nguyên năm 1033. Sách Việt sử thông giám cương mục (Cương mục) cho biết, “1-1033 người châu Định Nguyên làm phản. Vua thân chinh đi đánh dẹp yên" và "9-1033, châu Tự Nguyên làm phản, vua tự làm tướng đi đánh dẹp"1 (Việt sử thông giám cương mục, Tập III, Nxb Văn Sử Địa, H.1957, tr.60). Vai trò nòng cốt của Cấm quân nhà Lý biểu hiện rõ nét nhất trong cuộc kháng chiến chống Tống, khi Lý Thường Kiệt chỉ huy Cấm quân kết hợp với quân các châu, lộ thực hành "tiên phát chế nhân" ở Ung - Khâm - Liêm (1075) và đánh thắng giặc ở sông Như Nguyệt (1077).

        Về mặt tổ chức và chức năng, Cấm quân nhà Lý và Cấm quân nhà Tống (Trung Quốc) có nhiều điểm giống nhau; Cấm quân là chủ lực của quân đội, được tuyển chọn kỹ hơn, chủ yếu đóng ở trong Kinh, bảo vệ triều đình. Chỗ khác nhau là Cấm quân ở Bắc Tống cứ 50 người lập thành một đội, 2 đội lập thành một đô, 5 đô là một doanh, 5 doanh một quân, 10 quân là một tướng. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ kinh đô các đơn vị Cấm quân nhà Tống cứ 1-2 năm thay nhau đồn trú một lần, vừa để rèn luyện quân sĩ, vừa để hạn chế bớt binh quyền của các tướng, làm cho "lính không quen tướng, tướng không nắm được quân"2 (Theo sách Trung Quốc đại bách khoa toàn thư - quân sự, Nxb Khoa học quân sự Trung Quốc, Bắc Kinh, 1966, tr.450). Khi đồn trú họ thường mang theo cả vợ con, nên cuộc sống khổ cực, lại thường bị bọn quan lại sỉ nhục; do vậy, dưới thời Tống thường xảy ra những vụ binh biến của Cấm quân. Còn Cấm quân nhà Lý luôn được coi trọng, đóng ở kinh đô, có đội ngũ đông nghiêm, trở thành nòng cốt của binh lực cả nước.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM