Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:19:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bước chuyển lớn trên Trường Sơn  (Đọc 12606 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:31:20 am »

       
Hướng tiến quân
       
        Đơn vị vượt qua sông dễ dàng, vì đã có cầu treo do công binh mới làm cấp tốc.
       
        Vượt sông, nghĩa là đi về hướng Tây. Các chiến sĩ không nói ra, nhưng dường như ai cũng có hơi thắc mắc. Cũng dễ hiểu, vì nguyện vọng thầm kín của mỗi người là muốn tiến quân về hướng đồng bằng kia!
       
        Tôi đi cùng tiểu đội của Nguyễn Trung Tư với ý định theo luôn đội xung kích này vào đồn địch.
       
        Trên đường hành quân, tôi hiểu thêm rằng đối với khá nhiều tân binh, đây không phải lần đầu tiên chọi với địch. Riêng trong tiểu đội Nguyễn Trung Tư đã có bảy chiến sĩ từng hoạt động ở vùng sau lưng địch, bảo vệ cán bộ, làm giao liên mật, tình báo, rải truyền đơn… Những việc này có khi còn gay go gấp mấy lần cầm súng cùng đồng đội lao vào đồn địch.
       
        Chiến sĩ Trần Văn Trung có đôi mắt to và trong suốt, tôi tưởng đôi mắt ấy nhìn đời toàn thấy đẹp. Thế nhưng lúc nghỉ chân dọc đường, Trung cho tôi biết nhà anh ở gần đập Vĩnh Trinh và kể:
       
        Năm 1956, khi bọn Mỹ - Diệm gây ra vụ thảm sát Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên), Trung mới 15 tuổi, ngày ngày chăn trâu cắt cỏ. Buổi sáng sau cái đêm hãi hùng đầy tiếng chửi rủa và tiếng kêu trời ấy, Trung chạy ra đập, giúp người lớn vớt xác từ dưới vực lên - gần tám mươi cái xác bị đâm thủng ngực, rạch bụng, xăm nát mặt, bị ràng dây thép và buộc đá…
       
        Cảnh tượng vụ thảm sát ám ảnh Trung suốt từ ngày đó. Tuy thương người cha sớm góa bụa và thương người vợ mới cưới, anh vẫn quyết tâm tìm đến với quân đội cách mạng. Anh đã giấu không cho vợ biết ý định tòng quân, và lúc ra đi gấp gáp đến nỗi không kịp nghĩ tới chuyện mang theo ảnh vợ.
       
        Anh tâm sự:
       
        - Hồi đó, luật 10-59 mới ra, mình phải đề phòng hết mức, chớ thiệt ra nếu em nói thì nhà em cũng không ngăn trở chi… Thương vợ thì thương, bí mật vẫn phải bí mật, nếu không như vậy thì không đi làm cách mạng được.
       
        Tôi không khỏi nhớ lại cảnh chia tay giữa tôi và vợ tôi, nên đưa ra một lời an ủi:
       
        - Trước sau bọn mình cũng sẽ có dịp về chiến đấu ở đồng bằng, chừng đó Trung sẽ biết tin gia đình, sẽ gặp bác trai và chị ấy.
       
        Người bạn trẻ của tôi khẽ cười:
       
        - Được như anh nói thì quá sướng.
       
        Sáng sáng lên đường, đoàn quân vẫn đi ngược hướng mặt trời mọc. Đường đi mỗi lúc một hiểm trở hơn, và trời lại mưa sau mấy ngày tạnh ráo. Cuộc hành quân trở nên vất vả hơn.
       
        Một buổi chiều, vì mưa to quá, chúng tôi phải tạt vào làng, nghỉ chân ở nhà dân.
       
        Làng này cách đồn địch không tới một ngày đường.
       
        Mấy cô bé cậu bé giương mắt nhìn các chiến sĩ bộ đội, vẻ nghi kỵ. Nhưng hình như gương mặt và cách ăn nói của bộ đội mình cũng khác với lính ngụy sao đó, nên chỉ lát sau các em đã tươi cười, lân la đến nhận bạn thân.
       
        Có mấy em lớn hơn nhưng lại rụt rè hơn, cứ ngồi xổm trong bóng tối góc nhà. Một số chiến sĩ đến bên gợi chuyện và hát lên một bài ca cách mạng, các em nheo mắt lắng nghe, rồi bỗng cất tiếng hát theo. Lúc đầu hát nhỏ, sau thấy được khuyến khích thì hát to dần.
       
        Thiếu nhi đồng ca với bộ đội, có gì lạ?
       
        Nhưng anh chủ nhà nói với chúng tôi:
       
        - Lạ thiệt! Từ ngày bọn lính Diệm tới đóng trong vùng, lũ nhỏ này không hát bao giờ, người lớn tưởng chúng nó quên hát rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:33:51 am »

       
Quân và dân
       
        Sáng sớm ngày thứ năm và là ngày chót của cuộc hành quân, chúng tôi chuẩn bị tư thế tiến vào vùng giáp giới hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên. Đồn Cha Lan (còn gọi là Ga Lâu) án ngữ vùng này. Nhiệm vụ của đơn vị là tiêu diệt địch ở Cha Lan, giải phóng một địa bàn rộng lớn thông tới tận biên giới Việt - Lào.
       
        Sau bốn ngày đi đường ròng rã, không chiến sĩ nào lộ vẻ nhọc mệt. Khi rạng đông tới với chim ca ríu rít và những áng mây hồng, báo hiệu trời trở lại tạnh ráo, toàn đơn vị thức dậy với vẻ náo nhiệt khác thường, thu dọn không để lại mảy may dấu vết lều trại, ăn một bụng cơm no và mang luôn ba nắm cơm cho ba bữa, rồi hăm hở ra đi.
       
        Trên mỗi bước tiến sâu vào vùng địch đóng quân, ý muốn diệt địch càng thêm nung nấu.
       
        Cảnh vật nơi đây thật tiêu điều. Họa hoằn mới có một vài cái rẫy thì cỏ mọc tràn lan, lấn cả sắn khoai. Nhân dân các làng ven đường bị địch quấy nhiễu đã chạy dạt đi đâu cả, để lại những túp lều xiêu vẹo hoặc những nền nhà trơ trụi. Không một máng nước, không một cây ăn quả. Cả tới một chút tro than cũng không có.
       
        Khác với Trà Bồng, ở đây chưa có chiến tranh du kích, nhân dân chỉ chạy tránh giặc, do đó mà quang cảnh trở nên vô cùng ảm đạm.
       
        Tử khí dày đặc núi rừng. Lội ngang các suối, ai cũng tưởng ngửi thấy mùi xác chết.
       
        Trong những giây phút nặng nề như vậy, không ai có thể tả hết nỗi vui sướng của chúng tôi khi gặp đoàn dân công đã tập hợp tại một khu rừng kín đáo không xa đồn địch, đón chờ bộ đội. Đồng chí cán bộ phụ trách đoàn cho biết mặc dù địa phương đã hết sức giữ bí mật mục đích huy động dân công, nhưng đồng bào hiểu rất nhạy, tranh nhau đi.
       
        Bộ đội và dân công gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Nguyễn Trung Tư có niềm vui lớn hơn ai hết, vì anh gặp lại những người quen. Có cụ già trên 60 tuổi cách đây không lâu đã giúp anh luồn sâu vào sát nách địch, đã rung động với tiếng súng của anh đuổi dạt cả một đại đội địch, hôm nay cũng có mặt ở đây.
       
        Được dịp trò chuyện với dân, nhiều chiến sĩ bỏ cả nghỉ ngơi. Cơm nắm và cá muối biến thành một bữa liên hoan đằm thắm giữa quân và dân.
       
        Tổ trinh sát vẫn bám sát địch lâu nay, trở về báo cáo tình hình với ban chỉ huy trận đánh. Các đồng chí cho biết gần đây bọn địch đánh hơi thấy những hoạt động của ta, nên chúng đề phòng cẩn thận hơn. Chúng không hành quân xa nữa, nhưng tăng cường lùng sục quanh đồn trại. Ban đêm, hễ có chút nghi ngờ là chúng bắn đèn dù liên hồi.
       
        Mặt khác, bọn lính trong đồn tỏ ra lo lắng và buồn chán hơn. Chúng miệt mài cờ bạc và toàn chờ máy bay thả đồ hộp, không đi săn bắn hoặc kiếm rau rừng như trước. Chiều chiều, có những đứa đi tha thẩn hoặc ngồi ủ rũ hàng giờ bên bờ suối cạnh đồn…
       
        Xét kỹ, không có gì buộc phải thay đổi phương án tác chiến. Thời cơ diệt địch lại hết sức tốt. Một giờ rưỡi chiều, có lệnh tập hợp toàn đơn vị.
       
        Ai nấy hiểu rằng giờ quyết chiến đã điểm.
       
        Ban chỉ huy ra lệnh cho các tiểu đội soát xét lại súng đạn, lá ngụy trang.
       
        Với mấy câu vắn tắt, đồng chí chính trị viên nhắc lại nhiệm vụ chiến đấu.
       
        Anh đưa tay chỉ vào đoàn dân công ngồi cạnh đó, giọng nói trở nên tha thiết:
       
        - Các đồng chí đã thấy và đã nghe đồng bào kể chuyện rồi đó, sống dưới ách áp bức của bè lũ Mỹ - Diệm, đồng bào phải chịu bao nỗi cay đắng khổ nhục như thế nào. Cảnh sống của đồng bào ở đây cũng là cảnh sống hiện nay của toàn thể nhân dân miền Nam, trong đó có gia đình của mỗi chúng ta. Là chiến sĩ của nhân dân, chúng ta thề còn một hơi thở là còn chiến đấu trả thù cho dân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc!
       
        Trong dư âm những lời giản dị mà thôi thúc đó, từng mũi xung kích lần lượt ra đi chiếm lĩnh trận địa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:36:34 am »

       
Tình huống mới
       
        Ở Cha Lan, bọn địch có một trung đội bảo an gồm 4 tiểu đội, do một thiếu úy chỉ huy.
       
        Chúng đóng đồn trại giữa một thung lũng, đồng thời lập một lô cốt mạnh trên sườn núi mé bên phải đồn để yểm hộ.
       
        Quanh đồn có rào thép gai, mìn các loại, tường đất dày và ba lô cốt cố thủ. Mặt trước đồn có một chòi cao đặt súng liên thanh.
       
        Lực lượng ta gồm 3 tiểu đội xung kích và 1 đội dự bị cùng với vài tổ bộc phá và công binh (từ hồi kháng chiến chống Pháp, tôi đã quen với công thức "6 vây diệt 1" khi đánh đồn, nên có hơi ngạc nhiên về lực lượng quá ít ỏi của ta trong trận này, nhưng nghĩ rằng mình phải làm quen dần với những chuyện lạ của cách mạng miền Nam, bèn thôi không ngạc nhiên nữa). Theo kế hoạch, khi bộc phá nổ thì ba mũi xung kích tràn vào đồn, trong khi một tổ bộc phá khác nhanh chóng tiêu diệt địch ở lô cốt trên cao.
       
        Khoảng 4 giờ chiều, các chiến sĩ ta đã tới bố trí cách đồn địch không đầy một tiếng đồng hồ băng rừng. Dân công theo liền với bộ đội.
       
        Được Ban chỉ huy đồng ý, tôi đi theo đồng chí trinh sát tới một điểm cao ven đồn để xem thật rõ.
       
        Đồn địch hiện ra trước mắt đúng hệt như tôi đã thấy trên sa bàn. Ba dãy trại lợp tranh xếp thành hình chữ "U" vây quanh một sân rộng có cột cờ với lá cờ vàng ba sọc phơ phất. Dãy trại chính diện có cột dây trời, đó là nhà chỉ huy.
       
        Qua ống nhòm, tôi thấy rõ mặt từng lính ngụy chơi bóng chuyền hoặc đi lại trước sân đồn.
       
        Khi tôi trở về tới tiểu đội của Nguyễn Trung Tư (mũi xung kích số 3) thì trời gần tối. Bộ đội bỏ lá ngụy trang, bắt đầu tiến vào vây đồn.
       
        Một giờ băng rừng ban ngày, đến ban đêm trở nên dài gần như vô tận, nhất là khi người ta đi thành đoàn. Ban ngày còn thấy lối quang đãng, ban đêm đặt chân tới đâu cũng đụng phải bụi rậm, đá và cây.
       
        Chúng tôi bám sát nhau, bước từng bước thận trọng, mở hết tròng mắt sục sạo bóng đêm, mặc dù chẳng thấy gì hơn là lưng áo của đồng đội phía trước. Tới một lúc tối mịt mù, anh em phải cài lên mũ bạn những chiếc lá lân tinh để có thể có chút ánh sáng mà lần theo.
       
        Hết lên dốc lại xuống dốc, hết băng bụi rậm lại lội bùn, lạc nhau rồi tìm thấy nhau, chúng tôi đang lo lắng không biết mình đi có đúng hướng không, thì may mắn quá đã nghe tiếng suối chảy ào ào phía dưới thung lũng. Đồn đó rồi!
       
        Xuống tới suối thì đã gần 12 giờ đêm. Lội qua được suối nước chảy xiết, chúng tôi mệt lả, phải dừng chân ở bờ suối nghỉ xả hơi. Vả chăng, còn một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ nổ súng.
       
        Từ bờ suối, đã có thể trông thấy lờ mờ bóng dáng tường đồn không cao lắm. Như tôi đã biết từ chiều, đây là mé trái đồn. Hai mũi xung kích 2 và 3 đều chuẩn bị tiến công từ hướng này.
       
        Vài mươi phút sau, anh em đã lại sức. Theo hướng trinh sát chỉ dẫn, từng tổ ba người bắt đầu trườn vào sát đồn.
       
        Tôi vẫn bám sát Nguyễn Trung Tư. Tay phải cầm khẩu súng ngắn, tay trái giữ chặt chiếc máy ảnh, tôi dùng sức hai chân và hai cùi tay đẩy người tới trước. Lũ dế và cào cào bị khua động, nhảy quàng cả vào tóc, tai, cổ tôi.
       
        Tổ ba người có vẻ lo lắng cho tôi, thỉnh thoảng lại ngoái nhìn. Cũng may, cái vốn quân sự hồi kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là mấy môn: "bò, lê, lăn, toài" chưa đến nỗi han rỉ, nên tôi toài khá êm. Anh em nhìn tôi, gật đầu cười khuyến khích và tỏ vẻ hài lòng.
       
        Phựt! Một vầng sáng đột ngột tỏa rộng bên trên chúng tôi.
       
        Địch bắn đèn dù!
       
        Lộ rồi chăng? - Tất cả tự hỏi. Nhưng thấy tình hình lại yên ắng nên trả lời luôn:
       
        Không, chưa việc gì. Chúng tôi nằm dán xuống thảm cỏ, chờ dịu ánh sáng lại tiếp tục trườn lên.
       
        Nhưng tiếp đó lại có một chiếc đèn dù nữa. Rồi một chiếc nữa.
       
        Súng nổ ran.
       
        Không ai bảo ai, chúng tôi bật cả dậy, lên đạn rôm rốp và xông thẳng vào đồn.
       
        Trong khói đạn khét lẹt, tiếng thét "xung phong" át cả tiếng súng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:39:18 am »

       
Trong ánh lửa thiêu đồn
       
        Quả là có bị lộ, nên hai khẩu trung liên của ta đặt trên tường đồn phải bắn phủ đầu địch và các mũi xung kích phải lao vào đồn trước giờ quy định.
       
        Sau khi súng nổ, tiếng bộc phá của tổ Hiền đánh vào lô cốt phía sau đồn mới gầm vang.
       
        Mặc dù vậy, đã có dự kiến mọi tình huống, nên không ai bối rối.
       
        Phải hết sức khen ngợi và biết ơn các đồng chí công binh mở đường xung phong. Dây thép gai đã bị cắt đứt tung từ hồi nào không ai rõ. Mìn cũng hết sạch. Vì vậy, quãng đường mà các đồng chí phải thu dọn khó nhọc trong mấy tiếng đồng hồ, xung kích băng qua trong vài giây. Chỉ còn việc trèo qua tường vào trong đồn.
       
        Cũng phải khen cặp trung liên ta (một cựu binh và một tân binh) bắn rất cừ. Khi xung kích đã nhảy vào đồn thì trung liên lập tức chuyển làn lên cao. Chúng tôi như chạy đua với những đường đạn đỏ lừ rát rạt trên đầu.
       
        Vào tới trại địch thì chúng tôi đã thấy chỉ huy trưởng Đức đứng đó từ bao giờ, súng ngắn trong tay, quan sát tình hình và nhắc nhở các chiến sĩ những việc làm cần thiết (nếu tôi không lầm thì chính anh đã ra lệnh cho trung liên nổ kịp thời).
       
        Tới đây, Nguyễn Trung Tư không may bị thương ở chân. Tuy vậy anh vẫn bình tĩnh, từ chối mọi sự giúp đỡ, vừa tự băng bó vừa trao đổi ý kiến với đồng chí tiểu đội phó. Nhiệm vụ của tiểu đội anh là tiêu diệt địch ở dãy trại án ngữ mé trái đồn, nhưng nhiều tên địch đã chết vì đạn trung liên ngay từ đầu, số còn lại chạy ra hầm ngầm cố thủ cạnh đó. Có mấy tên trèo tường hòng tháo thân liền bị đội xung kích dự bị bố trí phía ngoài đồn (ông bạn Nam của tôi thuộc đội này) nổ tiểu liên quật ngã nhào xuống chân tường.
       
        Theo lệnh Đức, đội xung kích 3 nhanh chóng thu súng ống của địch rồi nổi lửa đốt trại.
       
        Trong ánh lửa bừng sáng, tôi thấy rõ ở dãy trại đối diện, vâng theo tiếng gọi hàng của các chiến sĩ thuộc mũi xung kích 2, nhiều tên lính ngụy lố nhố kéo ra khỏi nhà, hai tay giơ cao. Tôi bèn tạm rời tiểu đội Nguyễn Trung Tư và vượt sân đồn, băng qua mấy xác lính ngụy lăn lóc, chạy về phía đó.
       
        Hẳn bọn lính đầu hàng hơi ngạc nhiên khi thấy một người đến trước mặt chúng không phải với khẩu súng chĩa ra trước mà với… một chiếc máy ảnh.
       
        Các chiến sĩ xung kích 2 trói tù binh và tiếp tục truy tróc những tên địch còn ẩn náu.
       
        Trong khi đó, mũi xung kích 1 có chính trị viên đơn vị cùng đi, xung phong từ mặt sau đồn, đã hoàn toàn làm chủ khu nhà chỉ huy. Đồn trưởng Lê Tỵ đã bỏ nhiệm sở, chạy tháo thân.
       
        Phía cổng đồn, tên địch giữ trung liên trên chòi cao bắn quàng một băng đạn rồi cũng bỏ súng, tụt xuống đất lủi vào rừng cùng với mấy tên lính gác lô cốt cổng. Băng đạn đó và mấy phát bắn lén từ các dãy trại làm thương vong vài chiến sĩ ta.
       
        Khi đồn chính cháy rực thì ở phía lô cốt trên sườn núi, bộc phá và tiểu liên cũng nổ giòn giã, chớp lửa sáng lóe. Bọn địch ở đây bị tiêu diệt sạch.
       
        Bây giờ chỉ còn việc thanh toán bọn địch ở hầm ngầm cố thủ.
       
        Đồng chí Chởn đã kịp thời nắm lấy một số chiến sĩ thuộc tiểu đội xung kích 3, bố trí vây chặt hầm ngầm. Bọn địch không chống cự, nhưng cố tình ngồi im thin thít, không chịu ra hàng.
       
        Lê Khanh cũng có mặt tại đây. Tôi nghe rõ tiếng của anh, rành rọt và khoan thai (tôi hình dung cả cái miệng hơi móm của anh mỉm cười nữa):
       
        - Tống cho chúng nó một tạ bộc phá!
       
        Vừa nghe dọa như vậy, mấy tên cứng đầu liền trở nên mềm nhũn, van xin rối rít:
       
        - Xin hàng! Xin hàng!
       
        Ở dãy trại do mũi xung kích 2 vây quét, cũng có một tên ngoan cố. Hắn tìm mọi cách lẩn trốn, cuối cùng thấy bí quá cũng chui ra, hai tay lẩy bẩy giơ cao.
       
        Khác với bọn lính ngụy, hắn mặc thường phục: quần áo bà ba đen.
       
        Đồng chí Trương Trịnh, Tỉnh ủy viên dự trận, trừng mắt nhìn hắn. Hắn hoảng sợ, lắp bắp:
       
        - Thưa… thưa anh, em trước kia cũng là… đảng viên.
       
        Trịnh quát:
       
        - Đồ phản bội, còn mở miệng nhắc tới Đảng nữa à?
       
        Anh túm ngực áo hắn, lôi ra một tờ chứng minh thư. Tờ giấy màu vàng, có ba sọc đỏ chạy chéo góc.
       
        Một tên công dân vụ!
       
        Không hiểu những lúc tên này bắt bớ tra tấn đồng bào thì thế nào, chứ bây giờ trông hắn thật thiểu não. Hắn run như cầy sấy, mặt tái mét. Trời khuya lạnh thế mà lưng áo hắn ướt đẫm mồ hôi.
       
        Trên hai mươi tên tù binh bị trói thành mấy xâu giữa sân đồn. Chúng ngồi giương mắt nhìn y tá của ta băng bó cho mấy tên bị thương nặng.
       
        Khi bộ đội ta đưa đống chiến lợi phẩm ra giữa sân soát xét, có mấy tù binh cứ giới thiệu "súng của em đó", ý chừng muốn thanh minh rằng súng của chúng không có dấu vết bắn trả nào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:45:15 am »

       
Thêm mấy nét ghi nhanh
       
        Trong khi bộ đội và dân công tấp nập thu dọn chiến trường, tôi đi rảo quanh một lượt, xem xét đồn trại địch.
       
        Ở khu nhà chỉ huy, hai tên lính nằm chết co quắp bên cạnh điện đài. Hình như chúng chưa kịp chuyển điện cầu cứu và cũng chẳng có ai ra lệnh cho chúng điện, vì người chỉ huy chúng đã cuống cuồng chạy trốn.
       
        Đồng chí chính trị viên đang cùng với mấy chiến sĩ thu thập những cờ, ảnh, tài liệu, thư từ… của địch, và anh hứa có gì đáng chú ý sẽ cho tôi mượn xem.
       
        Bước sang dãy trại chưa cháy ở mé phải đồn, tôi phải vội lấy khăn tay bịt mũi. Mùi hôi thối và chua loét của chăn màn lâu ngày không giặt lẫn mùi cứt chuột khiến tôi buồn nôn. Trước ánh đèn bấm, trăm thứ bề bộn: xoong, nồi, chén, đĩa, chai, lọ, lon, thùng, giày, dép, chổi cùn, giẻ rách,…
       
        Phía sau trại, bùn và rác rưởi ngập ngụa.
       
        Toàn bộ cái hang ổ nhớp nhúa này thật chỉ đáng châm mấy mồi lửa và bộ đội ta đang làm như vậy.
       
        Lửa cháy lem lém, tre nổ đùng đùng, nhà đổ răng rắc.
       
        Tôi lợi dụng ánh lửa sáng để chụp ảnh.
       
        Đang lui ra phía tường đồn và dạo bước loanh quanh tìm góc độ thì một tiếng quát to phía trên đầu khiến tôi giật mình đánh thót.
       
        - Ai?
       
        - À, mình đây, Huy Minh đây…
       
        Nhìn kỹ, té ra là ông bạn Trung cùng một chiến sĩ khác đang đi tuần tiễu trên bờ tường.
       
        Ở trên cao, trong ánh lửa thiêu đồn giặc, lưỡi lê trên đầu súng của hai chiến sĩ sáng lấp lánh. Hai người mỉm cười thân mật với tôi, rồi tiếp tục bước đi, vẻ ung dung. Toàn thân họ như tỏa hào quang.
       
        Lúc tốp chiến binh cuối cùng rời đồn địch thì trời rạng sáng.
       
        Ai nấy đều mệt, nhưng mang chiến lợi phẩm leo dốc vẫn phấn chấn. Lên tới đỉnh dốc, thấy một chiếc "bà già" bay tới nghiêng ngó, anh em định "xơi tái" nhưng nó chuồn thẳng.
       
        Tôi nhìn đồng hồ: 6 giờ. Và ngày: 17.
         
        17 tháng 10 năm 1960 - Tôi sẽ nhớ mãi ngày này.
       
        Về sau, tôi được biết rằng cũng ngày hôm đó hoặc trước sau một ít, lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến công một loạt 27 đồn dọc Tây Nguyên và từ  tây Quảng Nam vào tới tây Bình Thuận, trong đó có những đồn lớn như Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), Đak Tả (Kon Tum)... Hầu hết số đồn đó đã bị tiêu diệt1.
       
        Đây là trận hiệp đồng quy mô lớn đầu tiên mà Khu 5 đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.
       
        Cùng với tin vui này, tôi được biết thêm về tình hình Nam Bộ: nối gót Bến Tre, quần chúng khắp nơi đã ào ạt nổi dậy biểu tình, vũ trang cướp bốt diệt đồn, trừng trị ác ôn, phá rã từng mảng lớn ách kìm kẹp của địch.
       
        Cửu Long đã cuộn sóng, Trường Sơn đã nổi bão táp!
       
        Mây kéo mãi đã thành mưa.

-------------
1. Tới cuối năm 1960, số đồn địch dọc đông nam Trường Sơn bị tiêu diệt hoặc bị bức rút đã lên tới 55.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:49:56 am »

       
Chương sáu

VỮNG CHÂN ĐỨNG
       
Chậm nhưng đúng
       
        Sài Gòn, tối 26-10.
       
        Tiệc mừng "quốc khánh".
       
        Phóng viên Giăng Lác-tê-guy (Jean Lartéguy) sau khi nhấm nháp món cá hấp và tợp một ngụm "cô-nhắc", quay sang ông bạn ngồi cạnh, hỏi bâng quơ:
       
        - Việt Minh có vẻ hoạt động tợn nhỉ?
       
        Ông bạn - một đại tá của quân lực Việt Nam cộng hòa - sững người, thảng thốt hỏi lại:
       
        - Sao, ông biết những gì xảy ra ở vùng Quân đoàn 2 rồi à?
       
        Nhà báo Pháp chưa hề hay biết gì cả. Nhưng anh ta nhún vai trề môi, làm ra bộ thạo tin và vừa gợi chuyện viên đại tá, vừa ngắm kỹ khuôn mặt lo âu của hắn cũng như của số đông quan chức Nam Việt Nam có mặt trong bữa tiệc, óc lặng lẽ chắp nối các sự kiện… À, thảo nào mấy hôm trước Pa-xân (Parsons)1 vội vội vàng vàng đến Sài Gòn hội đàm với Ngô Đình Diệm trong 5 giờ liền, và theo thằng cha UPI thì hắn đã nghe Diệm trình bày về "Cộng sản tăng cường hoạt động ở miền Nam"… Phó đô đốc Gíp-phin (Griffin) cũng vừa đến Sài Gòn (lão này với hạm đội 7 của hắn sục vào đâu là ở đó có chuyện, y như rằng!).
       
        Ngắm đi ngắm lại viên đại tá, Lác-tê-guy cười thầm: "Coi kìa con giun ở mũi của anh, nó dài lòng thòng!"2.
        …
 
        Và thế là sáng sớm ngày 27 tháng 10 năm 1960, người phóng viên láu lỉnh của báo "Tin Pa-ri" tìm đường phóng lên Kon Tum.
       
        Đến ngày 4 tháng 11, anh ta đăng được một bài tường thuật tình hình chiến sự Tây Nguyên (không quên nhã nhặn cảm ơn ông bạn đại tá), kèm luôn một bài phỏng vấn Ngô Đình Nhu.
       
        Nhu cho anh ta biết là "với vũ khí của Mỹ và Pháp", Việt Minh đã đánh nhiều trận ở vùng cao nguyên Trung Phần và gây ra tình hình "nghiêm trọng hơn là chúng tôi tưởng lúc đầu rất nhiều". Nhu lại nói tiếp: "Có thể chúng tôi buộc phải áp dụng những biện pháp nghiêm trọng, tuyên bố tình trạng khẩn cấp".
       
        Theo nhận xét của Lác-tê-guy: "Việt Minh" đang nện tả tơi quân đội ngụy Sài Gòn, "một quân đội kiểu Mỹ, béo phị, được trang bị quá nhiều và được cho ăn quá nhiều" (Une armée à l'américaine, joufflue, suréquipée, suralimentée), một quân đội đi diễu binh còn tàm tạm được chứ lâm trận thì đánh đấm chẳng ra sao.
       
        Cũng phải nói rằng với khả năng của nghề báo phương Tây, Lác-tê-guy đã không đưa được sớm tin về một bước chuyển lớn của cuộc "chiến tranh Việt Nam" thứ hai chấn động hành tinh. Nhưng cơ quan thông tin của ngụy quyền Sài Gòn do "tình hình nghiêm trọng hơn tưởng tượng" còn chậm hơn anh ta rất nhiều.
       
        Sau phát biểu của Ngô Đình Nhu, mãi tới ngày 9 tháng 11 Việt tấn xã mới đưa tin về một cuộc họp báo, trong đó "bộ trưởng phụ tá quốc phòng Nguyễn Đình Thuần cả quyết rằng bọn cộng sản đang tìm cách tạo nên một căn cứ hùng hậu tại vùng cao nguyên Trung Phần để chuẩn bị cho những cuộc tấn công mới của chúng vào Nam Phần và miền duyên hải trong một tương lai gần đây".
       
        Từ các khách sạn sang trọng ở Sài Gòn, các phóng viên Anh và Mỹ cũng chậm chạp đưa những tin đại loại như: "Việt Minh đã tấn công và chiếm được 5 đồn bốt của bảo an đóng dọc theo biên giới Lào - Việt Nam" (Reuter, 2-11), hoặc: "Cộng sản đang đánh vào đường sá" (UPI/27-10). Cuối cùng, có lẽ nhờ tiếp xúc với các vị tai to mặt lớn từ Hoa Thịnh Đốn sang kinh lý Nam Việt Nam, nên ngày 8 tháng 11 hãng thông tấn Mỹ UPI đi tới được nhận định đúng, không khác Việt tấn xã:
       
        "Người ta cho rằng mục tiêu cuộc tấn công của cộng sản là nhằm thành lập một căn cứ tại vùng rừng núi để giúp cho họ có thể hoạt động dễ dàng khắp cả vùng chiến lược Trung Phần Việt Nam".
       
        Thuộc về một xứ sở từng biết rõ "Việt Minh", hãng tin Pháp AFP (ngày 3-11) tuy giữ vẻ dè dặt với chuyện "chiến lược" nhưng lại tỏ ra có tầm nhìn rộng hơn và xem ra đúng hơn cả:
       
        "Có thể cộng sản mở cuộc tấn công này là để lập ra một "khu giải phóng" ở Nam Việt Nam".

---------------
1. Pa-xân là phụ tá ngoại trưởng Mỹ phụ trách Viễn Đông sự vụ hồi đó.

2. Thành ngữ Pháp "Kéo những con sâu (hoặc con giun) từ mũi ra "(Tirer les vers du nez) có nghĩa là moi được chuyện người ta muốn giấu kín.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:56:47 am »

       
Những ngày hội
       
        Có một mẩu tin (ngày 3-11) của hãng UPI rất đáng chú ý:
       
        "Đến nay, đã 13 ngày sau trận tấn công đầu tiên của cộng sản mà tin tức vẫn cho biết còn đánh nhau giữa quân đội chính phủ và quân cộng sản.
       
        Điều mà tại Sài Gòn người ta đang xem là mối lo ngại lớn là đây là lần đầu tiên cộng sản đã sử dụng người của các bộ lạc địa phương với một quy mô to lớn".
       
        "Mối lo ngại lớn" này của Mỹ - ngụy không phải là không có căn cứ.
       
        Với tôi, một "phóng viên Việt cộng" may mắn được sống những ngày đầu kháng chiến chống Mỹ, lại có niềm hạnh phúc được thêm một lần cảm nhận thế nào là "những ngày hội khởi nghĩa".
       
        Vào những ngày này, trên Trường Sơn, mưa nắng thất thường, các sông suối thường cuồn cuộn nước lũ, trời lại bắt đầu rét dữ, nhất là về đêm. Thế nhưng, bất chấp mưa nắng, bất chấp lũ lụt, bất chấp rét mướt, từng đoàn, từng đoàn dân công cứ nườm nượp đi như trẩy hội. Dân công lên hỏa tuyến, gạo, rau đầy gùi, trâu dắt theo người. Dân công từ hỏa tuyến về, chiến lợi phẩm lỉnh kỉnh trên vai. Dân công phục vụ đường dây, mang theo cả đàn sáo. Họ bước hăm hở, nói chuyện huyên thuyên, trêu chọc những người hoặc những đoàn đi ngược chiều, cười vang rừng.
       
        Những con đường rừng bấy lâu cỏ mọc lan, giờ đây bị bàn chân người xéo nát, có những đoạn đường lầy lội trở nên rộng gấp ba, gấp năm. Dọc đường đã hình thành những bãi trú quân với cây mắc võng, ổ lá, bếp núc… la liệt.
       
        Các cầu được bắc nhanh lạ lùng. Có đoạn sông hẹp nhưng sâu, khách sang sông phải dùng bè, khoảng một tuần sau trở về đã thấy có cầu treo vững chãi. Hỏi ra thì không phải công binh làm mà chính là nhân dân địa phương dồn sức làm với tinh thần "Tất cả cho tiền tuyến". Bình thường, một chiếc cầu như thế ở đây phải làm hàng tháng mới xong.
       
        Gặp một đồng chí cán bộ của tỉnh Kon Tum, tôi được biết cụ thể: trong vòng hạ tuần tháng 10 năm 1960, 250 làng ở Kon Tum (trong đó có nhiều làng Thiên Chúa giáo toàn tòng) với số dân hơn 40.000 người đã nổi dậy bắt và trị tội bọn phản động gian ác, tóm cổ lũ cán bộ "thượng du vận", xé cờ ba que, và ném vào lửa tất cả tranh ảnh của ngụy quyền, tuyên bố quyền tự quản và phối hợp với lực lượng vũ trang nhân dân đánh địch.
       
        Về sau, đọc tài liệu ở văn phòng Thường vụ Khu ủy Khu 5, tôi được biết thêm: Suốt một dải đông nam Trường Sơn, mùa đông năm 1960, 4.300 làng trong số 5.100 làng đã liên tục nổi dậy với những mức độ khác nhau, góp sức người sức của giành chiến thắng, giành giải phóng.
       
        Dừng chân vài ngày ở một làng đã giải phóng thuộc tỉnh Kon Tum, tôi càng có dịp thấy rõ nhịp sống sôi nổi khẩn trương của dân làng trong những ngày này. Từng giới hội họp, say sưa bàn việc làng việc nước (đã quá lâu rồi không được công khai hội họp như thế này!). Thanh niên bỏ trại bí mật trong núi trở về làng chấn chỉnh đội du kích hoặc ghi tên tòng quân. Dân làng tranh thủ mọi lúc rảnh rỗi và huy động mọi lực lượng từ thiếu niên đến cụ già để vót chông, vót mây, chuẩn bị lập làng chiến đấu. Nhà nhà sấy lúa, giã gạo nuôi quân, nhịp chày rộn vang suốt canh khuya làm ấm cả trời trăng bàng bạc, đến sáng sớm còn mù sương lại rộn vang,…
       
        Bà mẹ nhà tôi ở cũng thấy bận rộn suốt ngày, cứ đến bữa cơm về ăn qua loa mấy miếng lại đi, tất bật nhưng vui tươi. Không giấu vẻ tự hào, cô con gái cho biết mẹ tham gia nhiều công tác lắm, "Hội phụ nữ nè, Hội cha mẹ chiến sĩ nè, Hội bảo trợ du kích nè, vận động hũ gạo nuôi quân nè, ủy lạo thương binh nè,…", ôi nhiều lắm, mỗi ngày phải lấy dây thắt nút mới nhớ hết việc!
       
        Thỉnh thoảng, thấy mấy chàng trai Xê-đăng cãi nhau huyên náo, ngồi nghe mà đoán mới biết các chàng tranh luận về tên hiệu và tính năng các thứ vũ khí bộ đội vừa lấy được của địch. Các chàng lại đem súng và cả mìn ra tháo tháo lắp lắp, coi như một trò chơi thú vị lắm vậy.
       
        Tìm gặp các đồng chí cán bộ địa phương trong lúc này thì thật chẳng khác chơi đi trốn đi tìm. Không mấy đồng chí có mặt ở nhà. Chính quyền tự quản mới ra đời, việc gì cũng đến tay. Ngoài công việc làng xã, cán bộ còn thay nhau nằm rừng, chỉ huy việc vây đồn địch, lùng bắt tù binh,…
       
        Từ các nơi địch bị đánh (nhất là từ các đồn Đak Tả, Đak Tô, Đak Lây, Đak Rú, Đak Mỹ, Mang Bút…1 thuộc tỉnh Kon Tum, điểm nóng nhất của toàn bộ chiến dịch), số lính ngụy chạy trốn tản mát trong rừng khá nhiều. Đói và mệt ngất ngư, chúng đánh bạo mò vào các rẫy tìm cái ăn và thế là sa lưới. Hoặc có những tên bị tóm cổ ngay trong rừng sâu, súng trong tay mà đành một phép tuân theo lệnh mấy cô gái mảnh dẻ chỉ có con dao đi rừng.
       
        Thậm chí, bà già đi củi cũng bắt được tù binh, thiếu niên đi chơi cũng bắt được tù binh.
       
        Một buổi sáng nắng đẹp, trên đường trở về "Đỗ Xá", tôi cùng người giao liên dừng chân trước một cánh cổng làng đóng kín.
       
        Cánh cổng tua tủa những chông.
       
        Quan sát kỹ thì bên trong cổng còn có những dàn thò đã nạp lẫy.
       
        Làng chiến đấu!
       
        Đồng chí giao liên cho biết cách nơi này không xa, nhân dân đang bao vây đồn địch. Đồn Nước Mỹ đóng trên một đỉnh đồi, bị đồng bào triệt mất các nguồn nước, lại thiếu tiếp tế, nên đang lâm vào cảnh khốn đốn. Có thể chúng sẽ rút bỏ đồn nay mai.
       
        Quang cảnh ở đây khiến tôi vụt nhớ tới những làng chiến đấu ở Trà Bồng.
       
        Trên Trường Sơn này, một Trà Bồng đã trở thành nhiều Trà Bồng!
       
        Tôi tưởng như nghe đâu đây tiếng rít của tên đạn bắn tỉa, tiếng cồng, tiếng mõ, tiếng hú, tiếng nhân dân phát loa địch vận,… Nhưng lạ thay, quanh tôi vẫn là sự bình yên của cây cỏ tắm nắng ban mai vàng dịu như mật ong và… hình như có âm thanh gì rỡn lượn trong không gian hiền hòa, phải, một âm thanh êm, rất êm, một nét nhạc… nhiều nét nhạc… thoảng như gần… thoảng như xa…
       
        Sau khi gọi được người mở cổng, bước qua lớp lớp bẫy chông thò, chúng tôi thấy gì?
       
        Một cây đàn - không, một chuỗi đàn - thánh thót trong gió lộng ven đồi cỏ.
       
        Đây đúng là đàn tơ-rưng bằng tre nổi tiếng mà tôi nhiều lần nghe nói, nay mới thấy tận mắt, ngay tại quê hương của nó2.
       
        Phải chăng đã lâu rồi nhân dân các dân tộc trên Trường Sơn tạm ngừng mọi lễ hội và cất biến chiếc đàn cổ truyền độc đáo của mình?
       
        Và phải chăng nhân dân Trường Sơn chỉ chờ tới những ngày hội khởi nghĩa này để mang đàn tơ-rưng ra ngợi ca cuộc sống đổi đời và nói lên tiếng lòng thắm thiết biết ơn những ai đã mang lại chân lý "không thể thiếu được, không có gì thay thế được"3 trên non sông đất nước này?
       
        Âm thanh đàn tơ-rưng êm nhẹ mà vang đi xa, vang rất xa.
       
        Nó như tiếng reo vui của Tự do lan lan khắp rừng rẫy, lay động từng lá cây ngọn cỏ.

------------
1. Riêng tại Đak Tả, quân ta tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy, giết chết tên tỉnh phó Kon Tum.

2. Đàn tơ-rưng có loại cho người đàn, có loại phát nhạc bằng sức nước, sức gió.
       
32. ở Tây Nguyên có mấy câu thơ ca:
                 Thiếu vải, lấy vỏ cây làm khố
                 Thiếu cơm, đào củ báng, củ mài,
                 Thiếu muối, đốt tranh lấy tro ăn thay được,
                 Nhưng thiếu cộng sản thì không có gì thay thế được.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 09:00:14 am »

       
Cơ quan mới
       
        Dọc đường về, trên mỗi bước đi, tôi đều thấy rõ kết quả quan trọng của loạt trận đánh thắng, của đợt đồng khởi.
       
        Đường chạy băng qua các làng nay đã sạch bóng bọn cán bộ "thượng du vận" và lính ngụy, đã chào từ biệt cái "chính quyền hai mặt" bất đắc dĩ, đã biến chòi thông tin của địch thành chòi thông tin của ta. Do đó, con đường giao liên đặc biệt được mở ngay sau chiến thắng này ngắn gần một nửa so với đường giao liên chính.
       
        Bọn địch vừa bị tiêu diệt, vừa bị bao vây bức rút khỏi nhiều đồn lẻ, co lại trong các thị xã và cứ điểm lớn. Chúng chỉ tìm cách đóng lại một số rất ít đồn, còn thì "giao" hầu hết núi rừng cho ta1.
       
        Một căn cứ địa vô cùng rộng lớn, "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" đã hình thành.
       
        Tình hình này ở địa bàn chiến lược Trường Sơn có lẽ còn tốt hơn cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là về cơ sở quần chúng. Nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự tiến triển của toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
       
        Cơ quan "Đỗ Xá" vẫn còn đóng ở vùng cũ nhưng rời đỉnh núi cao, xuống thung lũng. Và "Đỗ Xá" không còn là cơ quan Khu duy nhất, mà mỗi ngành của Khu đã tách ra ở riêng.
       
        Cơ quan của chúng tôi - một cơ quan gồm nhiều bộ môn: tuyên truyền, báo chí, huấn học, nghiên cứu chữ dân tộc - với tên mật là "Làng Tuấn" - đóng gần Nước Là, một con suối lớn, nước xanh biếc. Bên kia suối là cơ quan Quân khu.
       
        "Làng Tuấn" lúc đầu gồm 4 người, sau đó ít lâu có thêm một số cán bộ làm các việc chuyên môn.
       
        Nghe các đồng chí từ miền Bắc mới vào kể chuyện rằng trên đường đi, nghe tin khắp miền Nam nổi dậy và cuộc đảo chính chống Diệm ngày 11 tháng 11 nổ ra, các đồng chí vội giục nhau nhanh chân, sợ mình không kịp đóng góp vào cách mạng miền Nam!
       
        Kể ra, ai mà không có đôi chút say sưa với thắng lợi ban đầu?
       
        Dần dần, qua các cuộc thảo luận về tình hình và nhiệm vụ, chúng tôi hiểu: Chọi với Mỹ thì không thể không tính kế lâu dài và do đó, cũng không được từ lạc quan chuyển sang dao động, nhụt ý chí.
       
        Một đồng chí cán bộ Thượng nói: đánh Mỹ cũng giống như trèo cây cao. Lúc đứng ở gốc cây nhìn lên thì có hơi ngợp, do dự, nhưng khi đã trèo tót lên cành rồi thì chẳng còn sợ gì, lại khuyến khích người khác cùng lên…
       
        Hình ảnh đơn sơ thế mà ý vị đáo để!

--------------
1. Đó là nói về đất đai. Còn về dân số thì trong mấy tháng cuối năm 1960, khoảng 450.000 dân trong số một triệu dân ở vùng núi Nam Trung Bộ đã được hoàn toàn giải phóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 09:01:50 am »

       
Nơi ăn, chốn ở
       
        Cơ quan đông người, việc đầu tiên là phải làm thêm nhà ở.
       
        Không ai bảo ai, anh em đua nhau làm nhà thật đẹp. Nền nhà được đắp cao và nhà cũng được làm cao, rộng, lợp dày, che kín. Cột kèo toàn là thứ chọn lọc, chắc và thẳng, cây mang về được róc vỏ trơn tru.
       
        Sân trước, sân sau thoáng đãng.
       
        Nhà bếp liền với nhà ăn, máng có ống dẫn nước vào tận nồi.
       
        Mặc dù rừng này hiếm tre, anh em nhất quyết tìm tre bằng được để làm bàn, ghế, giường, giá sách, cửa sổ, chuồng gà… Lại phải luyện nghệ thuật chặt tre. "Nhứt chặt tre, nhì ve gái", nhiều bạn thừa nhận như vậy, mặc dù một số bạn cho rằng ve gái có phần khó hơn.
       
        Mỗi người một tay, chẳng bao lâu chỗ ở đã tươm tất.
       
        Một ông bạn ở miền Bắc mới vào, ngắm mấy nếp nhà, gật gù nói bông lơn:
       
        - Xem ra "Việt cộng" có ý định ở lại miền Nam lâu dài!
       
        Nhìn vào nhà cửa khang trang, đố ai biết anh em chúng tôi đang thiếu ăn.
       
        Chúng tôi khen nhà láng giềng bên kia suối "ung dung". Nhà láng giềng lại khen chúng tôi "ung dung". Kỳ thực, anh nào cũng phải chạy ngược chạy xuôi kiếm cái ăn.
       
        Thật vậy, làm sao mà khỏi thiếu ăn? Số cán bộ, bộ đội ở căn cứ tăng nhanh vùn vụt, còn mức đóng góp của dân thì có hạn. Các kho thóc cách mạng  hồi đầu năm còn chưa mấy ai đụng tới, giờ cứ vơi đi nhanh chóng. Lời tiên đoán "không đủ phủi lủm" đã thành sự thật rành rành!
       
        Không có cách nào khác hơn là mỗi cơ quan, mỗi đơn vị phải sản xuất tự túc một phần lương thực.
       
        Trước mắt là trồng rau màu ngắn ngày,
       
        Chúng tôi vỡ đất trồng cải, gơ dây lang.
       
        Lại dành một vạt đất để ra Giêng trồng thuốc lá cho mấy anh nghiện.
       
        Có bạn nêu ý kiến trồng vài cây mít, ai nấy cười.
       
        Về sau ngẫm nghĩ, thấy ý kiến của anh bạn không lẩn thẩn lắm đâu!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 09:04:22 am »

        
Sách và người
       
        Tạm ổn với việc xây dựng cơ ngơi và chạy ăn, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào công tác chuyên môn.
        
        Không hiểu sao hồi đó chúng tôi lại thu xếp được cả thì giờ đọc sách.
        
        Sách ở cơ quan không nhiều, nhưng gần đủ loại.
        
        Thử chọn xem dần:
        
        Sửa đổi lối làm việc.
        Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.
        Truyện Kiều (lạ thay cô Kiều, cô cũng có mặt ở chiến khu!).
        Tỉnh ủy bí mật.
        Thép đã tôi thế đấy.
        Gót sắt (Jack London đầy nhiệt tình nhưng hình dung cuộc nổi dậy của quần chúng lao khổ ở Mỹ một cách hơi kỳ quặc và rối rắm. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam lại có bài bản và vững chắc hơn nhiều, những người cách mạng Việt Nam cũng giản dị hơn nhiều).
        
        …
        
        Vào một buổi trưa, thư giãn đôi chút, tôi đang thiu thiu ngủ thì có cảm giác ai đến ngồi bên giường.
        
        Tôi mở mắt: anh Bốn.
        
        Anh đang công tác ở các làng quanh đây, rẽ vào thăm chúng tôi. Hôm nay anh cắt tóc ngắn và mặc quần áo bà ba xám, nên trông lạ hẳn. Đôi tai không còn lủng lẳng vòng đồng.
        
        Chỉ có dáng điệu vẫn như xưa. Anh vừa nói chuyện vừa bỏm bẻm nhai trầu, thỉnh thoảng lại thảy vào mồm một nhúm thuốc lá bột.
        
        Độ nọ ghé vào một trạm giao liên, anh còn để tóc dài chấm vai, choàng giồ1 và cầm cây vụ dài. Tôi đưa ra một quả rừng, hỏi có ăn được không, anh tươi cười đáp: "Được ăn", chứ không phải "ăn được".
        
        Ít lâu sau, gặp lại anh trong một hội nghị, tôi lại thấy anh nói tiếng phổ thông rất sõi.
        
        Té ra anh là người Kinh!
        
        Bốn thuộc lớp cán bộ kháng chiến lên các làng miền núi phục vụ từ hàng chục năm nay. Hết kháng chiến chống Pháp rồi kháng chiến chống Mỹ, các anh ở luôn trên núi. Do hoàn cảnh chiến đấu khốc liệt, đặc biệt là trong thời kỳ chiếm đóng của Mỹ - Diệm, các anh buộc phải thay hình đổi dạng, tạm quên cả cái tên mình. Từ hình dáng đến tiếng nói, các anh hoàn toàn trở thành người địa phương.
        
        Mấy lần Bốn đụng đầu với bọn cán bộ "công dân vụ" và lính ngụy ngay trong làng. Nhưng chúng chẳng nghi ngờ gì.
        
        Một lần căng nhất, thằng đồn trưởng bắt dân làng tập hợp để hắn "nhận diện cộng sản". Hắn đút tay túi quần, vừa đi bước một vừa nhìn trừng trừng vào mặt từng người.
        
        Ai nấy vô cùng hồi hộp. Nhưng Bốn thản nhiên.
        
        Thằng thong manh hoạnh họe một lát rồi cuốn xéo.

-----------
1. Giồ: tấm choàng bằng vải nhiều màu của đồng bào Thượng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM