Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:40:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bước chuyển lớn trên Trường Sơn  (Đọc 12556 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:44:01 am »

       
Chương bốn

CĂN CỨ PHÍA TRƯỚC
               
Dưới trời thu
       
        Mùng 2 tháng 9.
       
        Hà Nội có nắng dịu xen mưa nhỏ vừa đủ tưới đẫm phong lan. Hồ Gươm soi bóng cờ đỏ rực. Các đường phố loáng nước cũng rực ánh cờ sao. "Trái tim của cả nước" đang tưng bừng nhịp đập chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
       
        Tại quảng trường Ba Đình, cuộc diễu binh đang tiến hành. Đi đầu là quân kỳ với Huân chương Quân công lấp lánh. Tiếp theo là bộ binh, hải quân, công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ, đi đều bước thành từng khối hùng dũng. Rồi tới đoàn mô-tô và đoàn xe của pháo binh, vành bánh xe sơn trắng, lướt tới trong đội ngũ, trang trọng, thong dong.
       
        Này là đoàn quần chúng sôi nổi như sóng cồn với cơ man nào là cờ, hoa, bong bóng màu và tiếng hò reo dậy đất vang trời. Một loạt thiếu niên cùng tuổi 15, sinh đúng vào năm mở nước, hôm nay có hạnh phúc đi thành đoàn lớn ở hàng đầu, biểu dương sức trẻ và tương lai tươi sáng của Tổ quốc.
       
        Và trên lễ đài cao, Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước vui cười giơ tay vẫy mãi không thôi,…
       
        Chúng tôi thấy rõ tất cả những cảnh đó. Đúng thế "thấy" rất rõ, và còn bị cuốn hút vào đó nữa kia… mặc dù đang ở cách xa Hà Nội hàng nghìn cây số, giữa một nơi đèo heo hút gió.
       
        Tám người chúng tôi - bảy đồng chí của huyện Hòa Vang và tôi - đang chụm đầu quanh một máy thu thanh bán dẫn. Máy chỉ mở vừa đủ nghe, vì nơi này cách đồng bằng - vùng địch còn kiểm soát chặt chẽ - chẳng xa bao lăm.
       
        Đây là căn cứ phía trước của huyện Hòa Vang. Nó ở rìa Trường Sơn, còn hậu cứ - với cơ sở sản xuất tự túc - thì ở sâu trong núi. Từ nơi đây, cán bộ Hòa Vang đêm đêm trở về công tác ở đồng bằng.
       
        Đường đi tới căn cứ này khá vất vả. May mà tôi tới kịp để có một nơi ấm cúng mừng ngày hội lớn của dân tộc.
       
        Anh Hai Chơn - Bí thư Huyện ủy, các anh Mười Cách và Đán, thường vụ huyện, chưa ra Bắc lần nào, nhưng các anh nói chuyện kiến thiết miền Bắc rành rọt như tự tay các anh tham gia vào đó vậy. Tới bữa trưa ăn tươi, cao hứng vì không khí ngày lễ, các anh còn tính tới chuyện dựng một nhà máy thuốc lá ở đầu cầu Cẩm Lệ, mở mang việc xuất khẩu nước mắm Nam Ô, lập cơ sở du lịch quốc tế ở núi đá hoa Non Nước,…
       
        Chắc chắn đó là những ước mơ khiêm tốn, vì nghĩ cho kỹ, tương lai huyện Hòa Vang - huyện tiếp giáp với thành phố cảng Đà Nẵng - còn tráng lệ hơn thế nhiều. Nhưng khi người ta còn sống ở căn cứ bí mật trong núi thì mơ ước tới mức đó cũng là vừa, hẳn thế.
       
        Căn cứ này vì quá gần địch nên nhà không có, lều cũng không. Suối ở xa, mỗi lần lấy nước phải mang thùng và bi-đông đi về khoảng mươi phút.
       
        Về đây mấy hôm, tôi mới biết xung quanh nơi ở có hầm bí mật. Cả gạo và thức ăn cũng được cất giấu trong hầm. Bữa ăn tươi mà tôi vừa nói - gồm cá hộp nấu mì sợi, nước mắm Nam Ô nguyên chất và mắm thơm (dứa dầm mắm cái) lấy từ dưới hầm lên.
       
        Bảy đồng chí ở đây đều mạnh khỏe, tươi tắn. Đặc biệt, ba chiến sĩ đội vũ trang công tác còn trẻ măng, có đồng chí vạm vỡ như một lực sĩ và cả ba luôn luôn mặc quân phục chững chạc, lúc ở nhà cũng như lúc đi công tác. Ngắm các đồng chí, tôi không khỏi buồn cười liên tưởng tới câu nói bọn ngụy thường rêu rao: "Cộng sản bảy người níu một cành đu đủ không gãy".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:48:36 am »

           
Nỗi khổ tâm lớn nhất
       
        Vùng núi tiếp giáp ranh giới đồng bằng, cán bộ Khu 5 quen gọi là "vùng giáp ranh".
       
        Các vùng giáp ranh thường có nhiều thú dữ. Đêm nằm, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng cọp gầm ở xa xa. Mới cách đây mươi hôm, tại căn cứ huyện Điện Bàn, tôi được chứng kiến anh em bắn gục một chú gấu heo mon men vào gần căn cứ, và hôm đó mới được biết thịt gấu heo thật ngon!
       
        Có điều, thú dữ không đáng sợ bằng bọn mật thám của Mỹ - Diệm. Bọn này thường trá hình đi lẫn lộn với đồng bào làm than củi để dò la nơi ở của cán bộ ta. Chúng sục khắp các bụi bờ. Sáng sáng chiều chiều, cứ nghe tiếng nói chuyện ồn ào hoặc tiếng gọi nhau í ới của đồng bào làm than củi là cán bộ ta biết ý, lánh xa.
       
        Nhưng cũng tùy tình hình, cán bộ ta đón gặp dân - gặp từng người hoặc gặp cả đoàn - để giải thích đường lối chính sách của cách mạng, hoặc để thu nạp những thanh niên muốn gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng.
       
        Vào những lúc Mỹ - Diệm khủng bố gắt gao, cán bộ ta lo đồng bào bị tổn thất, ngược lại đồng bào lo cán bộ ta bị đói, bị tiêu diệt. Có những người mang gạo, bánh đi tìm hết núi này đến núi nọ, hết ngày này sang ngày khác, không gặp được cán bộ thì về nhà dùng lời ru con gửi gắm:

Tìm người như thể tìm chim
Chim ăn biển Bắc, đi tìm biển Đông.
       
        Thời kỳ đen tối nhất là sau khi bọn Mỹ - Diệm lật lọng không chịu tổ chức tổng tuyển cử đúng như Hiệp định Giơnevơ 1954 quy định. Chúng bắn giết người kháng chiến cũ không gớm tay. Chúng trao giải thưởng từ mười nghìn đến hai mươi nghìn đồng cho mỗi cái đầu cách mạng. Ngày lại ngày, toàn là tin dữ: người này bị giết, người kia bị bắt, kẻ nọ phản bội… Cán bộ lên núi phải sống phân tán mỗi nơi một vài đồng chí. Ban đêm xuống đồng bằng gặp dân, gần sáng trở về, nấu luôn cơm hai bữa. Cái đèn cồn lúc đó rất được việc, vì không để lại vết tích nấu nướng.
       
        Ngủ đã có võng, nhưng lúc trời mưa thì thật lúng túng. Mãi sau mới nghĩ ra cách che hai tấm nhựa choàng ngắn bên trên hai đầu võng và cuối cùng mới biết dùng tấm nhựa dài 3 mét để che toàn bộ chiếc võng. Nói thì đơn giản vậy, nhưng từ hai tấm nhựa ngắn chuyển sang tấm nhựa dài cũng phải trải qua hàng năm trời.
       
        Chuyển từ chỗ nằm võng trần đến chỗ có bọc võng giữ ấm lưng, mà lại là bọc võng bằng vải dù nhẹ và gọn, cũng mất một thời gian không ngắn hơn.
       
        Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, "Việt Minh" thường được khen có tài mắc màn, bất cứ ở đâu cũng tìm được cách mắc màn chống muỗi đốt. Bây giờ đối với "Việt cộng", nhanh chóng xác định nơi mắc võng cũng trở thành một biệt tài. ở các vùng giáp ranh, cán bộ và chiến sĩ ta còn giỏi hơn nữa ở chỗ không để lại dấu vết nơi mắc võng.
       
        Chuyện ăn, chuyện ở là chuyện lớn, nhiều lúc trở thành bức xúc nữa kia, nhưng vẫn không phải là chuyện quan trọng nhất. Day dứt hơn cả vẫn là những câu hỏi: Làm sao giữ được cơ sở quần chúng? Làm sao có phương thức đấu tranh với địch?
       
        "Điên đầu!" - đó là lời các anh Hòa Vang diễn tả tâm trạng lúc đồng bào, đồng chí và cả bản thân bị giày xéo mà chưa có cách trừng phạt kẻ địch.
       
        Tôi càng hiểu rõ thêm câu nói của anh Năm Công: "Lúc không đánh được địch là lúc khổ nhất".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:54:29 am »

       
Lợi và không lợi
       
        Vào mùa thu năm 1960, ở khắp các huyện đồng bằng, bọn Mỹ - Diệm ráo riết xúc tiến việc lập "khu trù mật" đi đôi với "tố cộng" và thi hành luật phát xít 10-59. Chúng bắt dân dồn nhà, phá vườn, rào làng. Chúng kéo lê máy chém đi khắp nơi.
       
        Huyện Hòa Vang ở ngay cửa ngõ căn cứ quân sự Đà Nẵng, càng bị chúng để mắt tới. Từ chân đèo Hải Vân vòng qua núi Phước Tường xuống tới giáp giới huyện Điện Bàn và ra tới biển, đâu đâu cũng có rào, đồn bốt và chòi canh đan thành lưới dày đặc. Tất cả trẻ, già, trai, gái đều phải có mõ và đèn đuốc, hễ nghe "báo động cộng sản" là phải nhất loạt nổi đèn đuốc, đánh mõ la làng.
       
        Khắp nơi trong huyện, bọn Mỹ - Diệm lập ra hàng loạt trại giam trá hình mang tên "trường tố cộng". Tại những nơi này, chúng tra tấn đồng bào ta bằng những thủ đoạn hiểm độc: bắt đứng hoặc quỳ suốt đêm không được cựa quậy, bắt đánh lẫn nhau cho tới khi đổ máu, bắt ngồi trước một bàn thờ và chịu đòn vọt đến chết ngất… Chúng gọi những trò man rợ đó là "sám hối", "đấu lực" và "tống tà" (!!). Không biết bao nhiêu người bị tra tấn đến tàn phế.
       
        Ở nhiều thôn xã đã nổ ra những cuộc đấu tranh lẻ tẻ hoặc lôi cuốn hàng trăm người chống khủng bố, chống dời nhà, chống rào làng, chống lập "khu trù mật" (đồng bào gọi chệch là "khu trù mạt"). Phong trào đấu tranh chưa đồng đều, nhưng một số nơi cũng đã có những hình thức quyết liệt như: đốt phá những vật liệu rào làng, bao vây đả đảo bọn cán bộ ngụy, có nơi dùng tới những vật bén nhọn để đương đầu với địch. Một cụ già mài lưỡi rựa sắc lẻm để giữa nhà, tuyên bố chặt đầu bất cứ đứa nào dám đụng tới các cột nhà của cụ. Bọn ngụy phải gờm.
       
        Nhiều thanh niên tìm đường gia nhập các đội vũ trang cách mạng.
       
        Một số tên phản động gian ác ở xã ấp bị trừng trị, những tên khác bị cảnh cáo nghiêm khắc.
       
        Cơ sở cách mạng ở các thôn xã dần dần phục hồi và phát triển. Đồng bào vừa đánh mõ la làng vừa giấu cán bộ cách mạng ngay trong nhà.
       
        Điều phấn khởi hơn hết là đường đi nước bước của cách mạng miền Nam đã sáng rõ hơn.
       
        Anh Hai Chơn nói:
       
        - Lúc tiếp thu Nghị quyết 15 nói rõ về đấu tranh của quần chúng kết hợp với võ trang, chúng tôi như trẻ lại mười tuổi. Đưa ra thăm dò ý kiến quần chúng thì mười người như một đều nói: phải làm như vậy mới sống được.
       
        Anh lại nói:
       
        - Biết khó, làm càng không dễ, nhưng biết hướng rồi là sẽ có cách làm được.
               
        Anh Hai vẫn sống lăn lộn trong nhân dân địa phương khi hầu hết cán bộ ta đã tập kết ra Bắc. Anh đi trong các đoàn biểu tình đòi hiệp thương tổng tuyển cử, trực tiếp chỉ đạo đấu tranh. Lúc địch khủng bố riết, anh vẫn bám chặt cơ sở. Bọn Mỹ - Diệm dán ảnh của anh ở khắp huyện và treo giải thưởng mười ngàn đồng cho ai bắt được anh đem nộp, dù sống hay chết. Có lần, nằm trong buồng nhà một cơ sở quần chúng, anh nghe người này nói tới Mai Đăng Chơn - tên cúng cơm của anh và trầm trồ với thằng cảnh sát xã:
       
        - Chui cha, mười ngàn đồng, xài tới đời mô cho hết! Mần răng lừa bắt được lão ta, trói nghiến đem nộp lãnh thưởng thì sướng quá…
       
        Đầu năm 1959, đến công tác ở một xã gần đường số 1, anh Hai bị địch vây bắt và đưa đi giam giữ tại nhà lao Hội An. Giữa năm 1959, anh vượt ngục, lên núi.
       
        Đồng chí Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nói năng nhỏ nhẹ và có cái cười hết sức ấm áp. Anh vừa cười vừa tâm sự:
       
        - Đứng chân ở núi có cái lợi là dễ tiến dễ thoái, nhưng có mặt không lợi là dễ nảy sinh tâm lý cầu an, co thủ, xa dân,…
       
        Vụt tắt nụ cười, anh đưa mắt nhìn xa xăm về hướng núi vươn xuống thấp.
       
        Tôi hiểu được tâm tư của anh: việc xây dựng "căn cứ trong lòng dân" ở đồng bằng và đô thị lúc này cũng cấp thiết chẳng khác việc mở rộng căn cứ địa trên rừng núi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:58:29 am »

       
Xuống núi
       
        Một buổi chiều, tôi theo các chiến sĩ đội công tác về đồng bằng. Chuyến đi này khá đông người, vì có mấy đoàn phối hợp.
       
        Tới căn cứ Hòa Vang được mấy hôm, tôi mới biết là ở vùng giáp ranh này không phải chỉ có bảy người, mà còn có những cơ cấu hoạt động khác nữa gắn với đồng bằng và cả với thành phố Đà Nẵng.
       
        Phong cảnh ở đây cũng không phải đơn điệu. Quanh đây có những cảnh đẹp và có những nơi sau này có thể thành di tích lịch sử nữa kia. Chẳng hạn, trên sườn núi cao có một tảng đá bằng phẳng, to rộng như một cái sân thượng, các chiến sĩ đội công tác vẫn thường ngồi ở đây nhìn về thành phố Đà Nẵng, anh em gọi tảng đá này là "Đà Nẵng". Và có những hang động đẹp, được anh em mệnh danh là "Non Nước".
       
        Trang phục của mọi người ở đây khá thanh nhã, phần lớn là màu tro hoặc màu xanh nhạt. Như vậy không phải để diện với bà con, mà đơn giản là vì mặc quần áo bà ba đen hoặc những quần áo màu sẫm khác về đồng bằng ban đêm thì khó "hòa tan" với thứ bóng tối loãng ở đó.
 
        Cũng may, tôi có cái áo sơ mi màu nâu nhạt, chiều nay khoác vào thật đúng lúc.
       
        Tưởng phóng một hơi thì xuống tới chân núi, té ra đi vòng vèo hàng tiếng đồng hồ. Hết rừng rậm tới đồi tranh, đồi sim… phải tới khi gió biển mát rượi phả vào mặt, cũng chỉ mới tới địa điểm trú quân ở trên cao.
       
        Từ nơi này, chúng tôi ngắm nhìn đồng bằng trải rộng trước mắt.
       
        Đồng quê Quảng Nam đó!

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say.
       
        Câu dân ca trữ tình nồng nàn giờ đây càng gợi lên nỗi cảm thương da diết. Mỗi cán bộ và chiến sĩ ở đây đều biết rõ dưới những mái nhà tranh với khói lam chiều hiu hắt kia, đồng bào đang sống như thế nào, đang nghĩ gì. Anh Mười và anh Đán trỏ cho tôi thấy những rào ấp chi chít và những cánh đồng lúa bị sâu cắn vàng hoe. Tất cả già, trẻ, gái, trai ở đây phải liên tục tham gia "tố cộng", không có thì giờ bắt sâu, chăm bón lúa. Rồi đây, ai không ngồi tù thì cũng phải chạy nháo nhác lên rừng xuống biển để kiếm miếng cơm ăn qua ngày.
       
        Các chiến sĩ đội công tác hẳn đã hàng chục, hàng trăm lần ngồi ở nơi này nhìn về đồng bằng. Vậy mà sao đôi mắt mỗi người đều đăm đắm như lần đầu tiên được thấy lại quê hương, muốn thu tất cả cảnh vật thân yêu vào tận đáy tâm khảm.
       
        Tôi chợt nhớ ngày nhỏ thường nghe mẹ ru:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều.
       
        Chiều xuống chầm chậm. Hoa dẻ rừng bắt đầu thoảng hương. Từng đàn chim bay về núi.
       
        Lại không khỏi nhớ lời ru của mẹ:

Chim bay về núi, tối rồi,
Anh không lo liệu, còn ngồi chi đây?
       
        Đúng là đã tới lúc phải lo liệu bước vào cuộc chiến đấu. Ai nấy kiểm tra lại súng, cho đạn lên nòng và tạm khóa cò. Ám hiệu được phổ biến cặn kẽ. Không khí rộn lên một lúc, rồi trở lại bình thản.
       
        Xa xa, dãy Ngũ Hành Sơn chìm dần trong sương. Từ phía đó, tôi nghe như vọng lại tiếng sóng biển rì rào.
       
        Ở hướng Đà Nẵng, một quầng sáng lớn hiện rõ trên không. Đèn điện thành phố đã ửng sáng phía chân trời xa.
       
        Trinh sát báo về: an toàn. Đã có thể rời núi.
       
        Từng tốp, từng tốp chiến sĩ lần lượt ra đi. Về tới dưới kia, họ sẽ tỏa đi khắp các ngả.
       
        Các bóng áo nhạt dần dần nhòe trong màn đêm. Chỉ còn thấp thoáng mũi súng của mấy chiến sĩ có nhiệm vụ cảnh giới.
       
        Tôi theo sát gót đồng chí Nguyễn Chiến, cán bộ huyện, bạn đường của tôi đêm nay. Hai chúng tôi lập thành một tổ, về gặp một số "cơ sở". Chiến đi nhiều lần đã quen, nên nhận rõ từng mô đá dọc con đường xuống dốc lờ mờ. Anh nhắc tôi thận trọng, tránh vấp ngã và nhất là xem lại súng, đừng để cướp cò. Tôi bắt đầu thở gấp.
       
        Bỗng tiếng ếch nhái và tiếng dế vang lên, nhói vào tim. Đồng bằng đây rồi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:01:28 am »

       
Tình dân, tình biển
       
        Chiến và tôi đi cho tới quá nửa đêm thì quay trở về căn cứ.
       
        Chuyến đi của chúng tôi không gặp bất trắc gì đáng kể. Toàn bộ số cán bộ và chiến sĩ hoạt động đêm nay có lẽ cũng vậy. Không nơi nào có tiếng đánh mõ la làng.
       
        Chỉ có một lần, chó sủa dữ. Chúng tôi vừa vượt qua một dãy rào gai, phải nằm dán xuống đất, nín thở. Lát sau, có người ra đuổi chó.

        Người ấy nói to (giọng nữ), rõ ràng dụng ý cho cả xóm đều nghe:
       
        - Bò của ai ăn lúa để chó sủa dữ quá!
       
        Chúng tôi lập tức rời nơi ẩn nấp, chạy một quãng xa, bụng thầm cảm ơn người phụ nữ lanh trí đã cứu mình.
       
        Trong đêm tối, Chiến thuộc đường như thuộc lòng bàn tay. Anh luồn lách, tránh được hết các đội tuần tra và các nơi phục kích của địch. Và anh gỡ rào rất nhanh. Tôi có cảm tưởng như nhiều bàn tay đã gỡ rào sẵn và đặt sẵn dấu hiệu báo yên, báo động.
       
        Quả tôi không lầm. Về sau, Chiến kể lại rằng do ta phát triển được nhiều cơ sở quần chúng, có cả cơ sở trong dân vệ và thanh niên cộng hòa (một tổ chức thanh niên của Diệm - Nhu), nên việc đi lại đỡ khó khăn hơn trước. Trước đây, có khi phải mất một đêm để tìm mở một lỗ rào, mở xong ngụy trang để đó, đêm sau mới quay trở lại, vào làng gặp dân.
       
        Trên đường về, Chiến giục tôi nhanh chân. Phải về tới núi trước khi trời sáng.
       
        Chúng tôi đi ven những cánh đồng lúa xơ xác, những cánh đồng thấy từ chiều qua. Thôn xóm chìm lặng sau những rặng tre mờ ảo. Bốn bề im ắng. Từ bụi rậm, một con chồn vụt ra, vểnh mõm nhìn hai người bộ hành kỳ lạ, rồi ba chân bốn cẳng lủi một hơi. Cánh vạc ăn đêm vỗ từng nhịp lạnh buốt không khí.
       
        Sương đêm thấm qua lần áo mỏng, nhưng tôi không thấy rét. Tôi vừa đi vừa nghĩ ngợi.
       
        Cuộc gặp gỡ đêm nay với mấy đồng chí và đồng bào ở vùng sau lưng địch tuy ngắn ngủi nhưng cũng giúp chúng tôi biết thêm về những âm mưu thủ đoạn của địch hiện nay, về những nỗi thống khổ đưa tới cuộc đấu tranh bất khuất và đầy trí tuệ của quần chúng.
       
        Nhưng không phải chỉ chúng tôi tìm hiểu tình hình. Đến lượt đồng bào hỏi chúng tôi:
       
        - Các anh có đủ gạo, mắm không? Mùa này ngủ ngoài rừng có lạnh không? Có thường bị sốt rét không? Bọn hắn nói đã tới tận ổ cộng sản huyện Hòa Vang và "ăn gỏi" hết các anh rồi… Cơ khổ, mỗi lần nghe tiếng súng địch nổ trên núi là nhân dân ăn không ngon, ngủ không yên.
       
        Chúng tôi cười xòa và nửa đùa nửa thật, nói với đồng bào rằng lúc chúng tôi thiếu gạo, mắm lại chính là lúc đáng mừng, vì lực lượng phát triển.
       
        Tận đáy lòng, tôi xúc động sâu sắc. Chúng tôi lo ngại cho những người hằng ngày sống giữa nanh vuốt địch, nhưng đồng bào lại lo cho chúng tôi!
       
        Về tới núi, trời còn tối. Nhưng Chiến động viên tôi leo dấn một quãng dài, tới khi mặt trời mọc mới nghỉ chân.
       
        Người bạn đường giàu kinh nghiệm của tôi tìm một mạch nước, giắt vào đấy một chiếc lá cho nước chảy thành vòi nhỏ để chúng tôi rửa mặt mũi chân tay.
       
        Ngồi một lát đỡ mệt, anh rủ tôi ăn sáng.
       
        Khi đi mỗi chúng tôi đều mang theo một chiếc ba lô. Ra đi ba lô rỗng, nhưng lúc về đã đầy ắp gạo, muối, cá chuồn khô và những thứ cần dùng khác do nhân dân mua giúp.
       
        Chiến lôi từ túi ba lô ra hai gói lá bự - quà của đồng bào.
       
        Mùi xôi nếp hương vừa thoát khỏi lá liền tỏa khắp một vùng, thơm ngát và ấm áp tình dân. Chúng tôi nhón từng ít một, chấm muối vừng, nhai nhỏ nhẻ và để dành lại một gói cho mấy đồng chí ở nhà.
       
        Vài hạt xôi rơi vung vãi, một đàn kiến lập tức kéo nhau tới khuân đi, xông xông, xáo xáo.
       
        Có tiếng cu gáy đâu đó, văng vẳng âm hưởng đồng quê…
       
        Trông chừng đã hồi sức, Chiến và tôi tiếp tục leo dốc. Chiến dẫn tôi đi vòng một đường khác về nhà. Vì vậy, lên tới một vùng rừng thưa trên cao, tôi được dịp trông thấy biển rõ hơn.
       
        Suốt đêm qua, dưới vùng sâu, không lúc nào chúng tôi không nghe tiếng vọng ì ầm của biển khơi, cái tiếng đều đều rất dễ hòa lẫn với sự im lặng của đêm dài. Bây giờ thì biển ở trong tầm mắt chúng tôi đó, xanh ngắt và chói lọi dưới ánh mặt trời ban mai.
       
        Chiến điềm tĩnh ngồi móc thuốc lá ra vấn hút. Còn tôi đứng lặng ngắm biển gần thế kia mà sao xa vời, bỗng dưng thấy cay cay ở mũi, ở mắt,…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:05:43 am »

       
"Nhảy núi"
       
        Vài đêm một lần, tôi theo cán bộ huyện hoặc đội công tác về gặp cơ sở quần chúng ở đồng bằng.
       
        Một buổi chiều, đang ngủ mê mệt sau đêm công tác thì một tiếng nổ choáng tai làm tôi giật nảy mình, bừng tỉnh dậy.
       
        Xung quanh tôi, lố nhố những người.
       
        Tưởng còn mơ màng trong giấc chiêm bao, tôi chớp mắt liền mấy cái, nhưng không, đích thị tôi đã thức giấc và vẫn đang nằm ở căn cứ huyện Hòa Vang.
       
        Giây lát sau, tôi hiểu ra: những gương mặt mới, trẻ trung kia là những thanh niên mới "nhảy núi". Đội công tác đưa họ về tới căn cứ lúc tôi đã ngủ say.
       
        Còn tiếng nổ? Có gì đâu, mấy chàng trai táy máy nghịch súng, gặp phải khẩu súng còn đạn trong nòng, nên súng cướp cò, nổ. Một chiến sĩ đội công tác đi đồng bằng về đã sơ ý không lấy đạn ở nòng ra.
       
        Cũng may, không ai việc gì. Một cái may nữa là trời đã xế chiều, những người làm than củi đã về hết, nên không bị lộ bí mật nơi ở.
       
        Anh Hai không trách móc gì đám thanh niên, chỉ cười. Anh nói:
       
        - Ít bữa nữa, các chú mặc sức mà chơi súng, ưng súng chi có súng nấy.
       
        Tất cả có mười hai người bạn mới, đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi.
       
        Hầu hết mặc quần ống "tuýp", nhiều người để tóc mai rậm, một số có răng vàng (nghe đâu bịt răng vàng đang trở thành "mốt" ở đồng bằng, ai không sứt răng vẫn bịt).
       
        Sau bữa cơm chiều, có mấy anh ngồi tán chuyện với nhau, cười rúc rích và tôi thoáng nghe họ nhận định về cấp bậc của từng cán bộ ở căn cứ như sau:
       
        - Ông nớ chừng mười ngàn… ông ni cũng cỡ đó… ông tê phải mười lăm ngàn là ít…
       
        Vài anh đi tha thẩn, nghêu ngao mấy điệu mang máng đài phát thanh Sài Gòn.
       
        Chiều tối, khi mắc võng, có anh loay hoay mãi không biết để hai đôi giày "săng đá" vào đâu cho khỏi ẩm ướt. Hỏi ra mới biết anh bạn vốn là hạ sĩ quan ngụy, đang nghỉ phép, biết có cán bộ về đưa thanh niên lên núi gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng, nên xin đi theo. Anh tiếc của và nghĩ lính cách mạng vẫn phải mang giày, nên vác đi cả hai đôi giày da to sù của lính "cộng hòa". Từ đồng bằng lên tới căn cứ phải đi chân không, anh bèn buộc cả bốn chiếc giày thành một túm, đeo lủng lẳng ở vai suốt đường đi.
       
        Đêm đã khuya, nhưng có mấy thanh niên còn thao thức. Đốm lửa thuốc lá lập lòe ở võng của họ.
       
        Phải chăng họ lạ chốn khó ngủ?
       
        Không, chúng tôi rất hiểu họ. Trong đêm vắng lặng, những người trai trẻ này đang nghĩ tới những điều thực sự nghiêm trọng.
       
        Trước khi ra đi, họ đã cùng gia đình bàn bạc cách khai báo với địch: đi Sài Gòn tìm bà con, đi Đà Nẵng đạp xích lô…
       
        Nhưng dễ gì bọn địch tin theo, nhất là lúc này không phải lẻ tẻ năm ba người mà hàng loạt thanh niên bỗng dưng biến mất khỏi làng. Với luật 10-59, "nhảy núi" theo cộng sản là một trong những tội lớn. Bọn ngụy quyền địa phương có thể đốt nhà, tịch thu gia sản, bắt bớ tra tấn cha mẹ, vợ con của họ.
       
        Mỗi thanh niên đều biết rõ điều đó và họ đang hết sức lo lắng.
       
        Vì sao họ ra đi?
       
        Số lớn những người trẻ tuổi này là con em gia đình cán bộ tập kết hoặc cơ sở cách mạng. Ngay lúc còn thơ ấu, đáng lẽ được cắp sách đến trường thì họ phải ngày ngày xách cơm cho cha hoặc mẹ ở tù và tận mắt thấy những cảnh xiềng xích, những cảnh đầu rơi máu chảy. Người lớn nói cho họ biết vì sao xảy ra những cảnh ấy. Càng lớn lên, họ càng hiểu thấm thía rằng sống với lũ Mỹ - ngụy thì mình càng chịu nhụt, chúng càng làm tình làm tội mình đủ điều.
       
        Đi "quân dịch", hay vào tù chịu cực hình? Hay tham gia cách mạng?
       
        Những câu hỏi này luôn đặt ra hết sức cấp thiết.
       
        Hôm trước, ở căn cứ huyện Điện Bàn, một tân binh kể lại cho tôi nghe tâm tư của anh:
       
        - Lúc bước ra khỏi nhà, tôi thấy lòng xốn xang hết sức. Từ nhỏ tới lớn, tôi có xa nhà bao giờ đâu? Bước đi vài bước, đã muốn quay trở lại. Thương vợ, nhớ con… Nhưng rồi vẫn bước. Đi khỏi làng, lại lưỡng lự, muốn lui gót. Nhưng lại thầm nghĩ: cái anh dũng của thanh niên Việt Nam để đâu? Và thế là lại dấn bước đi tới chỗ hẹn với người đưa đường…
       
        Anh vui vẻ nói thêm:
       
        - Chỉ khó cái lúc ấy thôi, anh ạ. Vượt qua được cái lúc khó khăn ấy rồi là "xuôi chèo mát mái". Bây giờ thì đi xa đơn vị một ngày cũng nhớ.
       
        Ở một thôn thuộc xã Điện Tiến (Điện Bàn), phong trào đã phát triển tới mức hầu hết con trai đều thoát ly theo cách mạng. Ban đầu "thanh niên cộng hòa" gác đường cho các thanh niên khác đi lên núi. Rồi đến dân vệ gác đường cho "thanh niên cộng hòa" đi. Cuối cùng, đến lượt dân vệ cũng đi hết. Còn các cô gái trong thôn thì hết sức băn khoăn không biết cách mạng có tuyển bộ đội gái không, nếu có là các cô xin đi ngay.
       
        Tôi chưa có dịp nói chuyện sâu với các tân binh Hòa Vang, và đêm nay cố đoán biết tâm tình của từng người.
       
        Ví như hai anh bạn thợ rèn đã mang cả đồ nghề lên núi kia, họ mơ ước gì về cái công binh xưởng du kích mà họ sắp tham gia?
       
        Và chàng cựu chuẩn úy kia nữa, anh nghĩ gì về cuộc sống gian khổ sắp tới ở chiến khu? Chỉ bảy ngày nghỉ phép ở nhà, anh bắt liên lạc như thế nào với cán bộ mà kịp chuẩn bị cả võng vải mang lên núi?
       
        Nghĩ cho cùng, những người trai trẻ này có gì đâu khác với những người đi trước họ về tấm lòng hướng theo cách mạng.
       
        Cũng ở huyện Hòa Vang này thôi, cách đây vài tháng, đã xảy ra một chuyện vô cùng cảm động.
       
        Có 11 thanh niên tự động rủ nhau tìm đường lên căn cứ cách mạng. Không ngờ, bọn công an Diệm dò biết. Chúng nấp sẵn ở chỗ hẹn. Và thế là tất cả số người trai trẻ ấy đã sa lưới chúng.
       
        Một người vùng chạy. Bọn địch bắn theo. Có anh bị thương nặng, nhưng trước khi gục ngã còn ráng sức hô: "Đả đảo Mỹ - Diệm!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:12:20 am »

       
Hậu cứ
       
        Tới mùa trăng, cơ quan huyện Hòa Vang để lại đồng bằng vài đồng chí thường trực, còn tất cả rút về hậu cứ tham gia sản xuất.

        Ở hậu cứ, có nhà cửa đàng hoàng. Anh em ở đây đan sẵn một số cót, bồ và giỏ. Số mới về - trong đó có những thanh niên mới lên núi - chỉ đan thêm một ít dụng cụ là có thể bắt tay vào suốt lúa (theo tập quán nhiều vùng trên Trường Sơn, đồng bào không dùng liềm hái để gặt lúa, chỉ dùng hai bàn tay tuốt từng bông lúa. Vậy suốt lúa có nghĩa là thu hoạch lúa).
       
        Hoàn toàn khác với đồng bằng đang mất mùa, mùa lúa rẫy năm nay khá tốt. Nhìn những bông lúa trĩu hạt của hậu cứ huyện Hòa Vang, tôi không khỏi nhớ cái rẫy của cơ quan "Đỗ Xá" mà tôi có góp một phần nhỏ công sức từ lúc phát cỏ, ngã cây. Xa cơ quan đã bốn tháng rồi, tôi không rõ "Đỗ Xá" nay ở đâu, liệu có người trở về thu hoạch lúa không, hay giao cho nhân dân địa phương…
       
        Cơ quan Hòa Vang làm hai rẫy lớn, cách nhau vài sườn đồi, xen với rẫy của dân. Thỉnh thoảng, đồng bào đến giúp anh em suốt lúa, anh em lại cử người đi giúp đồng bào đuổi chim, thú phá lúa.
       
        Phần lớn anh em chúng tôi chưa quen suốt lúa, nên hai bàn tay rát bỏng. Nơi lúa tốt lại là nơi nhiều tranh mọc xen, có mấy anh không cẩn thận bị tranh cứa nát tay.
       
        Tuy nhiên, ai nấy đều hăng hái. Mỗi người đeo một cái giỏ lủng lẳng trước ngực y hệt đồng bào địa phương, anh em thi đua xem ai tuốt nhanh hơn, mau đầy giỏ hơn.
       
        Lúa suốt tới đâu phơi tới đó, phơi ngay ở rẫy, rồi được đưa đi cất giấu ở kho bí mật trong núi.
       
        Có lúa mới, anh Hai nêu ý kiến làm một bữa mì Quảng để mừng được mùa, chiêu đãi những bạn mới, và vui Tết Trung thu. Vì bữa mì có nhiều ý nghĩa như vậy cho nên không ai có thể từ chối. Và thế là phân công giã bột, xay bột, tráng bánh, kiếm rau sống, làm thịt heo…
       
        Anh Hai tự tay làm nhân mì và coi sóc nồi nước dùng. Anh tỏ ra nấu nướng khéo và sành ăn. Anh phê phán từng quán mì trong huyện và vừa làm bếp vừa thuật lại những mẩu chuyện dí dỏm. Thêm mấy "cây tiếu lâm" mới tới, kể chuyện cứ tỉnh khô, làm anh em cười vang nhà, cười tới chảy nước mắt.
       
        Tối đến, sau bữa liên hoan, chuyện vẫn còn rôm rả. Nhưng càng về khuya, trăng lên cao, "Tiếng nói Việt Nam" lại hấp dẫn hơn, và ai nấy không thể không lắng nghe.
       
        "Tiếng hát gửi về Nam" đang vang ngân, dịu ngọt, tha thiết.

Đạp chân lên dấu chân người vắng bóng,
Trồng cây hoa bên dấu chân của người…1.
       
        Nỗi nhớ thương của nhân dân một buôn nào đó ở Tây Nguyên khi vắng bóng người cán bộ cách mạng thật day dứt làm sao! May thay, những ngày u buồn ấy qua rồi. Núi rừng giờ đây rộn rịp bước chân chiến sĩ cũ và mới và đã tới lúc "Buôn làng em bắc thêm cần rượu"2 mừng căn cứ ta đông vui, chuẩn bị đón chiến thắng không còn xa.
       
        Có một bài hát nói về hy vọng "Đồng bào miền Nam, hãy hy vọng!". Câu nói đó của đồng chí Phạm Văn Đồng sau Hội nghị Giơnevơ, nhân dân miền Nam vẫn đinh ninh ghi nhớ. Và phải chăng bây giờ hơn bao giờ hết, hy vọng sưởi ấm lòng người?
       
        Trăng lên cao hơn, sáng hơn.
       
        Chiếc máy thu thanh - đã được vặn nhỏ - vẫn hát bài này sang bài khác, sau đó đọc tin rồi ngâm thơ và lại tiếp tục hát.
       
        Tôi tưởng có người ngủ quên, định tới tắt hộ máy. Nhưng không, một đôi mắt vẫn mở to trong đêm, kèm với một cái cười tươi rói:
       
        - Chui cha, "mùi" quá đi anh ơi!
       
        Tôi ngồi xuống bên cạnh anh bạn, chia sẻ niềm rung động của anh… Ờ, thảo nào gần đây không thấy mấy người bạn trẻ nỉ non những điệu của đài Sài Gòn nữa!
       
        Cuối tuần trăng, một tin vui bay về căn cứ làm nức lòng người.
       
        Hai chiến sĩ của đội công tác Hòa Vang bằng một loạt đạn tiểu liên đã giết chết tên chi trưởng công an quận Hiếu Đức3 ngay tại nhà riêng của hắn. Hai anh đặt lên người hắn bản cáo trạng, sau đó trở về núi an toàn với khẩu súng ngắn của hắn, một số tài liệu và một cái máy thu thanh của chi công an ngụy.
       
        Lúc đó, không ai có thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của sự kiện này.
       
        Nhưng sau một thời gian thì có thể xác định rằng việc trị tội tên chi trưởng công an quận Hiếu Đức là mở đầu cho phong trào nhân dân Hòa Vang nổi dậy diệt ác, phá kềm, từng bước giành quyền làm chủ các thôn, xã.
       
        Và tình hình đó cũng tạo thuận lợi hơn cho Hòa Vang huy động nhân tài, vật lực đưa lên Trường Sơn, góp phần củng cố và phát triển vùng đất cách mạng.
       
---------------
1, 2. Trong bài hát "Dấu chân trên rừng" của Vĩnh An.

3. Quận Hiếu Đức: Một phần đất của huyện Hòa Vang, do ngụy quyền cắt ra lập thành "quận" và đặt tên mới.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:16:50 am »

       
Chương năm
       
TRẬN HIỆP ĐỒNG

Mùa mưa bão
       
        Hoàn thành chuyến công tác ở một số huyện đồng bằng Bắc Quảng Nam, tôi quay trở về cơ quan tỉnh. Trên đường đi, tôi kết bạn với hai chiến sĩ lực lượng vũ trang, Hiền và Nam.
       
        Ngày đầu, thuận buồm xuôi gió. Tới đêm, mây kéo đen kịt, trời nổi sấm chớp, mưa mỗi lúc một to và rồi bão từ biển tràn vào.
       
        Sáng ra, gió bão vẫn gầm rú, xô cây cối nghiêng ngả. Bứa rừng đã chín vàng, rụng lộp độp. Lá rừng bị cuốn bay tung. Cây gãy răng rắc.

        Mưa hết đợt này đến đợt khác ùa tới, ào ào, sầm sập, trắng núi trắng rừng.
       
        Vẫn liều ra đi, chúng tôi bị gió thốc sau lưng, có những lúc đi nhanh gần như chạy. Tấm nhựa choàng quá mỏng manh, lại bị gai cào rách, nước mưa thấm ướt sũng cả mũ, áo và ba lô.
       
        Các suối bắt đầu chảy xiết. Mỗi lần lội ngang suối, chúng tôi bị nước xô ngã dúi dụi. Bấm gậy xuống lòng suối, gậy cong đi như muốn gãy.

        Suốt mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi phải mang ba lô nặng trĩu trên vai mà đi, chẳng có nơi nào có thể nghỉ chân. Được cái Hiền và Nam rất lạc quan, trong gió bão vẫn đùa luôn miệng, cười như phá và rủ tôi tranh thủ nhặt bứa rụng (bứa ngọt như đường!). Nam bảo:
       
        - "Mưa không qua ngọ, gió không qua Mùi", yên trí!
       
        Nhưng rồi "Ngọ" và "Mùi" qua đi mà gió vẫn không ngớt cho.
       
        Ba anh em đến trạm ướt như chuột lột. Suốt đêm, nằm ngủ không yên, chỉ lo cây đổ sập nhà.
       
        Đến sáng, con suối lớn trước trạm đã biến thành con sông nhỏ.
       
        Đồng chí trưởng trạm nói chúng tôi đi đường như hôm qua là quá ư mạo hiểm, vì ở Trường Sơn này, có những suối nước về rất nhanh mỗi khi mưa lớn, người qua suối không kịp trở tay sẽ bị cuốn phăng.
       
        Thế là dù muốn hay không, chúng tôi cũng phải nằm lại trạm này.
       
        Nước con suối không ngừng dâng lên. Dòng nước đục ngầu, réo như thác, cuốn từ nguồn về không biết bao nhiêu thứ rác rưởi và gỗ mục, có lúc lôi theo giữa dòng cả một con mang to, lông vàng chóe. Nhiều chỗ nước xoáy tít.
       
        Cho tới hôm sau, ngớt mưa, nước đã ngập các bụi cơi và lau lách hai bên bờ suối.
       
        Chờ nước rút phải mất ít nhất ba bốn ngày nữa, đó là chưa nói tới mưa có thể tiếp tục. Chúng tôi bàn với trạm cho dùng bè vượt suối. Đồng chí trưởng trạm không đồng ý. Chẳng có cách nào khác là nán đợi.
       
        Nam và Hiền có công tác gấp, băn khoăn hết đứng lại ngồi, hết đi ra lại đi vào.
       
        Trạm có mắc sẵn một dây dong bè, nhưng dây này đã bị nước giật đứt tung. Biết chúng tôi sốt ruột, các đồng chí trạm đi bứt mây bện một dây khác chắc chắn hơn, cột chặt một đầu dây vào thân cây cổ thụ gần bờ và lúc nước bắt đầu rút, cho đưa đầu dây kia qua suối. Công việc này thật nguy hiểm. Liên tiếp mấy đồng chí bị nước cuốn dạt trở lại bờ. Nam bơi giỏi thế mà phải hai lần vật lộn với nước lũ mới đưa được đầu dây sang bờ bên kia.
       
        Dây mây bị nước xô, rung lên bần bật. Bè ra tới giữa dòng, dây căng như muốn đứt. Lúc này chúng tôi mới thấu hiểu là đồng chí trưởng trạm có lý. Chuyện nước lũ, không thể xem thường. Sốt ruột hoặc cậy mình bơi giỏi, có khi mất mạng như chơi.
       
        Qua được con suối lớn, đi non một ngày nữa là Nam và Hiền về tới đơn vị. ở đây lại gặp con sông nước to, nên tôi không thể sang trạm bên kia sông mà phải tạm dừng chân lần nữa.
       
        Không ngờ, lần tạm dừng chân này giúp tôi khỏi lỡ dịp tham gia một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt.
       
        Đồng chí Lê Khanh - cán bộ Ban quân sự tỉnh Quảng Nam biệt phái về công tác ở đơn vị này, thân mật bảo tôi:
       
        - Thôi, anh ở lại đây với chúng tôi, ta đi làm ăn một chuyến.
       
        Tiếng "làm ăn" thốt ra ở nơi rổn rảng súng đạn này thật đầy ý nghĩa. Tôi hiểu ra ngay, vì lòng cũng đã chờ đón giây phút này từ lâu.

        Bụng bảo dạ, vui vui: "Ông bạn rủ mình đi đánh giặc như rủ đi săn vậy!".
       
        Và tất nhiên, tôi trả lời đồng ý.
       
        Vậy đó: Trên Trường Sơn này, một cơn bão táp khác đang tới, rất gần!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:24:29 am »

       
Một chọi trăm
       
        Lê Khanh nói với tôi:
       
        - Đơn vị này hầu hết là chiến sĩ mới, chưa qua trận mạc, nhưng tinh thần anh em rất tốt. Số cũ thì từ lâu cũng chưa có dịp dùng tới súng. Riêng "a trưởng" Nguyễn Trung Tư đã có may mắn được "khai hỏa". Anh hỏi anh ấy mà xem, chuyện hay lắm.
       
        Nghe giới thiệu hấp dẫn như vậy, tôi bèn tìm ngay tới Tiểu đội trưởng Nguyễn Trung Tư.
       
        Sau bữa cơm chiều, Tư đang cùng các chiến sĩ trong tiểu đội anh tán chuyện lông bông. Anh hà hít điếu thuốc lá Cẩm Lệ (quà quý từ đồng bằng, chắc của Hiền hoặc Nam mới biếu), chưa hết điếu đã dụi đi, dắt lên tai, để dành.
       
        - Ở núi, không có ba điếu thuốc cũng buồn, mà tới lúc hết thuốc thiệt gay go rờ măng. Mâu thuẫn rứa đó!
       
        Vừa cười, Tư vừa phàn nàn như vậy bằng "tiếng Tây" bịa trong mấy năm đánh Tây, rồi anh kể sang chuyện chiến đấu mới:
       
        - Hôm đó, nghĩa là cách đây chưa đầy một tháng, tôi đang cùng với hai bạn đồng đội làm công tác chuẩn bị chiến trường thì bị địch bao vây.
       
        Hai đồng chí kia gặp chỗ địch sơ hở, thoát được ra ngoài. Còn tôi thì khó quá, nhìn xung quanh, đâu đâu cũng thấy địch. Mà hình như chúng chỉ lăm le bắt sống tôi. Chỉ có cách là tranh thủ chiếm lĩnh đồi cao, sẵn sàng chiến đấu.
       
        Đồi trọc, đầy tranh lúp xúp và các loại cỏ gai. Lợi dụng những rãnh nước xói và những bụi gai um tùm, tôi vừa bò vừa chạy, chân tay xây xát cả nhưng cứ mặc kệ. Chạy theo kiểu thi đua với địch chiếm điểm cao, găng hết mức, chắc anh cũng biết.
       
        Tìm được một ụ đất trên đỉnh đồi, tôi sửa sang đôi chút thành công sự rồi nằm giương súng, đợi.
       
        Địch bủa quân xung quanh đồi. Tôi nghe rõ một thằng hô lớn: "Trung đội 3, tiến lên!".
       
        Trong óc tôi thoáng qua rất nhanh mấy ý nghĩ: Một là, quân số địch có thể vào khoảng một đại đội, nghĩa là trên dưới một trăm tên và thằng hô khẩu lệnh vừa rồi là đại đội trưởng. Hai là, địch tập trung vào hướng của tôi, như vậy chắc hai bạn tôi đã thoát đi xa. Ý nghĩ thứ hai này làm tôi yên tâm: nếu tôi hy sinh, đã có hai bạn mang tài liệu về. Nhiệm vụ của tôi là thu hút địch hơn nữa.
       
        Bây giờ, chỉ có việc nhìn bốn phía, coi thử trung đội nào là Trung đội 3. Có tiếng lao xao ở sườn đồi bên trái, tôi liền quay mũi súng về phía đó. Mình thì sốt ruột, mà chúng nó cứ bò lổm ngổm, chậm như rùa. Đợi chúng tới cách chừng ba mươi mét, tôi quạt một băng tiểu liên…
       
        - Đây là loạt súng đầu tiên của anh kể từ ngày hòa bình lập lại đấy nhỉ?
       
        - À… phải, loạt súng đầu bắn địch. Lâu ngày chịu nín nhịn, cứ ấm ức, chừ nghe hắn nổ giòn tan, thiệt sướng tai. Kết quả cũng khá: một thằng lính chết nhào lăn, một thằng bị thương quằn quại trên đám cỏ tranh, kêu cha kêu mẹ thảm thiết. Cả bọn hoảng hồn, không dám tiến lên nữa. Thằng trung đội trưởng gào lên: "Báo cáo, hỏa lực!". Tôi không nén được cười. Mình chỉ có một khẩu "Tuyn" đã cũ, sắp cho vào bảo tàng, vậy mà thằng cha quan trọng hóa dữ quá!
       
        - Thế chúng nó không bắn lại phát nào à?
       
        - Bắn chi được nữa! Bọn hắn lo vực xác đồng đội, rồi ba chân bốn cẳng tháo lui. Chỉ có bọn trợ chiến nã cối và đại liên xối xả lên đồi. Nhưng tôi đã đổi chỗ nấp.
       
        Lát sau, lại nghe thằng đại đội trưởng hô: "Trung đội 1, tiến lên!". Tôi chĩa súng về phía Trung đội 1. Lần này không bắn cả băng nữa, mà chỉ bắn ba phát một, để tiết kiệm đạn. Trung đội 1 mới nghe nổ súng cũng đã chạy quắn đít…
       
        Cứ thế, tôi quần với chúng nó từ xế trưa tới 4 giờ chiều. Tính số đạn của chúng nó từ xa bắn tới thì cũng đủ cho quân ta dùng trong một trận diệt đồn. Vậy mà chúng không làm cho tôi xây xát bằng ba cái gai ngủ ngày và cỏ tranh. Chỉ chịu khó dùng xẻng moi sâu thêm mấy cái khe nước xói làm chỗ nấp là có thể dán chữ "thọ" vào trán…
       
        Chỗ này, Tư có huênh hoang một tí cho vui câu chuyện và anh cũng tự biết như vậy, nên cười hề hề, để lộ hàm răng vàng nhựa thuốc lá. Rồi vừa buông từng tiếng thong thả: "cuối cùng, chúng rút!", Anh vừa lấy điếu thuốc lá ở tai xuống, châm hút. Khói thuốc tỏa um làm cho đôi mắt của anh vốn đã đục lờ vì sốt rét càng thêm đục.
       
        Tư bỗng trở nên trầm ngâm. Lẽ ra nên kết thúc cuộc phỏng vấn khi điếu thuốc lá đã tàn, nhưng tôi lại gợi hỏi thêm một câu:
       
        - Thế… lúc thấy bọn địch cứ không chịu rút thì anh có cảm tưởng như thế nào?
       
        - Cảm tưởng như thế nào à? Hừm… cảm tưởng là… khát nước quá chừng, phải, khát ghê gớm, khát kinh khủng, khát căng đầu óc… Cái "cảm tưởng" nớ thì thiệt khó quên!
       
        Tư bật cười, gương mặt trở lại linh hoạt và lại đưa đẩy câu chuyện:
       
        - Mình thắng được là nhờ bình tĩnh, quyết tâm và cũng phải nói là nhờ bọn địch không có tinh thần chiến đấu. Vài ngày sau, lính ngụy vào làng, nói với dân: "Mấy ông chỉ huy hô tiến, nhưng chỉ núp phía sau. Bọn tui lương tháng có mấy trăm bạc, hơi sức mô mà tiến!".
       
        Chuyện của Nguyễn Trung Tư thật là món quà quý. Nó làm tôi phấn chấn tinh thần lúc sắp cùng anh em ra trận. Đối với các cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị này, có lẽ cũng vậy.
       
        Sau này, mỗi lần đưa tin về những trận như trận Điện Ngọc, trận đồi A Bia… tôi không khỏi nhớ lại cuộc chiến đấu của Tiểu đội trưởng Nguyễn Trung Tư ở rừng núi bắc Quảng Nam.
       
        Nhân thể, tôi xin kể luôn: Hiền, người bạn đường đã cùng tôi gội gió dầm mưa mấy ngày qua, chính là người vài năm sau sẽ chỉ huy Tiểu đội 7 dũng sĩ nổi tiếng đã đánh bại cả một tiểu đoàn địch trong một vườn thuốc lá của xã Điện Ngọc, một xã vùng ven biển thuộc huyện Điện Bàn.
       
        Trong trận đánh sắp mở màn, Hiền phụ trách tổ bộc phá đánh vào lô cốt số 1, dọn đường cho xung kích lao vào khu nhà chỉ huy đồn địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 08:27:12 am »

       
Măng mọc
       
        Tôi sống cùng với đơn vị có hai ngày rưỡi ở nơi trú quân, lại là mấy ngày bận rộn hội họp, nghiên cứu sa bàn, diễn tập lần cuối cùng và chỉnh đốn trang bị.
       
        Nhưng chính không khí chuẩn bị khẩn trương này giúp tôi hiểu rõ thêm câu nói của đồng chí Khanh: "Tinh thần anh em rất tốt".
       
        Tại đơn vị này, khó mà nhận ra những người trẻ tuổi cách đây không lâu còn bỡ ngỡ với cuộc sống chiến khu và còn mang tí chút dấu vết của vùng địch tạm chiếm, như những thanh niên tôi đã gặp ở Điện Bàn, Hòa Vang. Tuy chưa thử lửa, nhưng sống theo nền nếp quân đội cách mạng, lớp người này đã rắn rỏi, đã có dáng dấp của những chiến sĩ kháng chiến cũ - cha anh của họ.
       
        Cũng khó phân biệt ai đã từng khoác áo lính "quân dịch", ai chưa. Tất cả tìm thấy ở đây gia đình chân chính của mình và họ sống thong dong như cá lội trong nước vậy.
       
        Tôi có cảm tưởng các cán bộ trong đơn vị ngay từ bây giờ đã hiểu được khả năng cũng như nhược điểm của từng chiến sĩ.
       
        Tối tối nằm đung đưa võng, thường nghe những câu trao đổi như:
       
        - Thằng đó rồi sẽ đánh giặc rất lươm (giỏi, cừ), tôi cứ trông cái cách nó săn đuổi thú rừng và nhất là cái lần nó lừa bắn gục con voi, tôi biết.
       
        Hoặc:
       
        - Cậu này rồi sẽ tiến xa, không chắc trong bọn mình có ai theo kịp.
       
        - Tất nhiên, tre già măng mọc mà!
       
        Lúc thảo luận trên sa bàn, một số chiến sĩ mới đã nêu lên hàng loạt giả thuyết về tình huống bất ngờ, khiến ai nấy phải ngẫm nghĩ lâu trước khi phát biểu ý kiến. Điều này chứng tỏ mỗi người đều lo lắng hoàn thành phần việc của mình và giúp sức cho đồng đội một cách tốt nhất.
       
        Ngồi xổm bên cạnh sa bàn, hút thuốc lá liên tiếp, đồng chí Chơn, cán bộ tác huấn của Ban quân sự tỉnh Quảng Nam, có vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Người trẻ tuổi sau này sẽ là một vị tướng ấy1 rất ít phát biểu, nhưng nói câu nào chắc câu ấy.
       
        Chỉ huy trưởng Đức - thuyết trình viên - tỏ ra hết sức hài lòng về kết quả của buổi thảo luận.
       
        Do mọi công tác chính trị, hậu cần, diễn tập… đã được làm từ hàng tháng nay, nên bây giờ diễn tập cũng như hội họp đều ngắn gọn, khẩn trương.
       
        Và thế là vào buổi trưa một ngày nắng ráo, chúng tôi lên đường ra trận.

-----------------
1. Tướng Nguyễn Chơn, trong  kháng chiến chống Mỹ là Sư  đoàn trưởng Sư đoàn 2 Quân khu 5, Anh hùng Quân giải phóng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM