Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 09:19:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bước chuyển lớn trên Trường Sơn  (Đọc 12607 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 08:04:00 am »

       
Mùa rẫy
       
        Sống bí mật trong rừng, không dám gọi to, không dám động mạnh, nhưng cơ quan "Đỗ Xá" rất vui.
       
        Sáng dậy, ai vào việc nấy. Người đọc tài liệu, người phục vụ hội nghị, người xuống sông đánh cá, người vào làng gặp dân.
       
        Bây giờ đã là tháng 5, mùa phát rẫy. Cơ quan họp, bàn xem có nên làm rẫy tự túc hay không.
       
        Cuộc tranh luận khá sôi nổi.
       
        Không ít người bàn "không nên làm", lý lẽ cũng khá vững: cơ quan neo người, bận phục vụ hội nghị, làm rẫy xong chẳng biết có được thu hoạch không hay lại đi nơi khác… Có một lý lẽ ai cũng nghĩ tới nhưng không ai nói ra, đó là kho gạo cách mạng còn đầy và lại ở gần.
       
        Phái chủ trương "nên làm" cực lực bác bỏ những lý lẽ trên: Phải chăng ta có nhiều việc bận tới mức không thu xếp được để tham gia sản xuất? Làm rẫy thì có thêm gạo, thêm sắn, ta không ăn thì dân ăn, mất đi đâu?
       
        Ý kiến này chiếm số đông. Thêm nữa, mỗi người đều có trong máu ít nhiều truyền thống tự cấp tự túc của Khu 5 thời kháng chiến chống Pháp. Cho nên cuối cùng đi đến quyết định: nên làm, phải làm.
       
        Dân làng mách cho một nơi phát rẫy khá tốt.
       
        Đó là một khoảnh đồi ở ven sông, hướng về phía mặt trời mọc, cách cơ quan khoảng "một giờ rưỡi tụt dốc". Cạnh đấy có rẫy của vài gia đình. Đồn địch xa nửa ngày, lại cách làng, cách sông. Thật là đủ điều "thiên thời, địa lợi, nhân hòa"! Một phần ba số cán bộ và nhân viên cơ quan có mặt thường xuyên trên rẫy.
       
        Chưa ai thạo làm rẫy, nhưng hầu hết là con nhà nông nên cầm rựa cũng chắc tay. Chỉ có lâu ngày ở bóng râm, nay phải phơi nắng, nên ban đầu anh em có chiều mệt mỏi.
       
        Tuy nhiên, khi công việc có đà tiến triển thì chúng tôi rất hào hứng. Dọn xong lớp cỏ và dây dợ trên mặt đất, chuyển sang chặt cây. Rựa mài sắc, bập vào thân cây từng nhát ngọt xớt. Cây lớn, cây nhỏ lảo đảo nghiêng ngả, đổ răng rắc, ào ào, tung lá và bụi mù mịt. Nhựa cây thoảng mùi thơm say say. Gà rừng và chim chóc vừa đáp xuống gần đó lại hoảng hốt kêu lên chí chóe, vỗ cánh bay vù.
       
        Bà cụ già và mấy cô gái ra thăm rẫy sắn bên cạnh, thấy vui cũng chạy sang. Bà cụ mang cho mía, chè tươi. Mấy cô gái, vòng bạc và cườm ngũ sắc rung rinh, nói chuyện ríu rít như chim vành khuyên mới sà xuống rẫy.
       
        Chiều tà, chúng tôi xuống sông tắm mát rồi tới nghỉ ở chòi rẫy của dân. Anh em nhen lửa, vo gạo, làm cá, rửa rau (rau má và rau ranh không để đâu cho hết), rồi ngồi nhìn cơm lên hơi, canh sôi sục trong hăng-gô, hài lòng sau một ngày lao động đạt năng suất cao.
               
        Ăn xong, làm gì nữa? Chẳng làm gì, chẳng còn gì phải bận tâm. Những chàng trai làm rẫy trở thành những người sung sướng nhất đời. Anh em mắc võng quanh chòi rẫy, nằm nhìn vòm trời đêm hè cao vút đầy sao lung linh, nghêu ngao câu bài chòi, hoặc nghe tin, nghe nhạc, rồi ngủ say lúc nào không biết, lắm khi quên tắt "đài".
       
        Chính trong những ngày phát rẫy, tôi có dịp quen thân hơn với những người bạn mới: Mười Thập nói năng lỗ mãng nhưng tốt bụng, Dũng hay đùa dí dỏm, Quảng bắn giỏi và trèo cây thoăn thoắt, bác sĩ Thủy cần mẫn trong nghề cũng như trong lao động chân tay, Sơn nói tiếng Huế thủ thỉ như o con gái nhà lành… Người mà tôi nhanh chóng có cảm tình hơn cả là Phan Cao.
       
        Chàng trai 26 tuổi của xứ dừa Bình Định này có gương mặt hồn hậu, vóc người cao lớn, vạm vỡ. Bắp tay anh chắc nịch, những cánh tay từ nhỏ đã quen leo dừa, đập xơ dừa. Lên rẫy, Cao luôn luôn nhận việc nặng nhọc nhất và nhường nước uống, nhường dụng cụ tốt cho bạn. Xuống sông đánh cá, Cao cũng là "chủ lực", nhưng khi cá dọn ra, anh chỉ gắp cầm chừng, dường như chỉ ngắm anh em ăn ngon là anh đủ vui và no. Chưa xong bữa, thấy các hăng-gô cơm có chiều vơi đi là anh rút êm. Nài ăn thêm thì anh từ chối nhẹ nhàng:         
        - Thôi, "cơm ăn hai chén lưng lưng, uống nước cầm chừng, để dạ nhớ em".
       
        Đúng là anh có thương nhớ một người, nhưng không bao giờ thổ lộ tâm tình. Người con gái quê hương ấy dốc lòng chờ đợi anh, bất chấp mọi sự rúng ép của địch.
       
        Không thể ngờ, sau mùa rẫy này người bạn lớn của tôi sẽ chuyển công tác và rồi ra đi mãi mãi.
       
        Mùa hè năm 1963, chuẩn úy Phan Cao cùng một đơn vị quân giải phóng đánh đồn Long Lếch (Kon Tum). Một hỏa điểm địch ngoan cố chống cự. Cần một người đánh thông đường cho đơn vị tiếp tục xung phong và Cao tình nguyện làm việc đó. Anh thắt lại khăn quàng đỏ - chiếc khăn truyền thống Ngô Mây1 - rồi chỉ với một khẩu súng ngắn cầm tay, vươn tới hướng khẩu đại liên địch đang nhả đạn điên cuồng. Mấy phát súng ngắn bắn qua lỗ châu mai làm cho khẩu đại liên im bặt. Nhưng người cảm tử quân cũng đã trúng đạn, oanh liệt hy sinh vì sự nghiệp giải phóng Tây Nguyên, giải phóng miền Nam.
       
        Trong tim tôi, Phan Cao sống mãi. Bạn anh hiểu rằng anh nhận đương đầu với điểm lửa Long Lếch cũng giản dị hồn nhiên như khi anh nhường cho mình chiếc rựa tốt với nụ cười ân cần một chiều trên rẫy năm nào…

-----------------
1. Ngô Mây: Một chiến sĩ cảm tử, Anh hùng quân đội, trong kháng chiến chống thực dân Pháp anh đã tình nguyện ôm bom lao vào phá nát xe cơ giới địch trên đường 19, Tây Nguyên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 05:16:49 pm »

       
Quanh hội nghị
       
        Chúng tôi phát rẫy hơi muộn, nhưng cũng kịp đốt và dọn rẫy trước những ngày mưa giông.
       
        Vào lúc này ở căn cứ, hội nghị tổng kết làm việc liên tục, thường họp cả ba buổi trong ngày và họp dài ngày. Các đại biểu kiểm điểm tình hình một cách hết sức nghiêm túc, nghiền ngẫm kỹ các văn kiện, lắng nghe mọi kinh nghiệm đấu tranh từ nhỏ đến lớn và cân nhắc từng ý kiến.
       
        Ở Nam Trung Bộ lúc này, tình hình cả ba vùng đều có tiến triển thuận lợi. Trong các thành thị, việc giữ cơ sở cách mạng sau một thời gian dài gặp khó khăn, nay trở lại tốt và một số nơi còn phát triển vững chắc, ví như ở Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa.
       
        Quần chúng nông thôn đồng bằng đương đầu dũng cảm với âm mưu "bình định" của địch, với các cuộc "tố cộng", với sự khủng bố đẫm máu của luật 10-59 và một số vùng (như huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có phong trào sôi nổi chống phá chính sách dồn dân mang chiêu bài "khu trù mật".
       
        Đặc biệt, ở dọc Trường Sơn, đã nổ ra mấy cuộc nổi dậy của quần chúng vũ trang, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Kor thuộc huyện Trà Bồng (vùng núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi). Đồng loạt nổi dậy từ tháng 8 năm 1959, các thôn xã khắp Trà Bồng đã liên tiếp giành thắng lợi, gây cho địch nhiều tổn thất, giữ vững và phát triển cuộc chiến đấu cho đến nay.
       
        Quật khởi từ nguyên nhân sâu xa "tức nước vỡ bờ", Trà Bồng đang được coi như là một cuộc thực nghiệm đánh Mỹ và tay sai, và trước hết là điểm đột phá hướng tới một căn cứ địa liên hoàn trên Trường Sơn. Vấn đề lúc này là đẩy tới bước đột phá, là chuyển dần cuộc thực nghiệm lên quy mô lớn, và chuyện đó quả thật không đơn giản.
       
        Ai cũng dễ thấy là lòng căm thù của quần chúng đối với Mỹ - ngụy đã lên tới tột độ. Nhưng đã tới lúc cầm vũ khí hay chưa, thì không phải ai ai cũng nhất trí.
       
        Ngay trong số cán bộ ở "Đỗ Xá", có hồi tranh luận về cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, một vài anh vẫn tỏ vẻ hoài nghi: Không khéo Trà Bồng đang lâm vào thế "cưỡi lưng cọp".
       
        Ý kiến của số đồng chí đó không phải không đáng được suy xét một cách nghiêm túc.
       
        Vì quả thật tiến hành vũ trang chống đế quốc Mỹ là một vấn đề vô cùng to lớn, là một chuyện kinh thiên động địa.
       
        Vấn đề lại càng đáng lo nghĩ hơn khi nhìn lại lực lượng của ta sau những năm địch đánh phá ác liệt khắp miền Nam. Văn phòng Thường vụ Khu ủy khu 5 khi thu thập báo cáo của các tỉnh nhận thấy rằng số cơ sở cách mạng ở nhiều huyện có thể đếm trên đầu ngón tay và rất nhiều xã mất trắng cơ sở.
       
        Nhiều câu hỏi được đặt ra lúc đó:
       
        Đã tới lúc đánh chưa?
       
        Đánh như thế nào?
       
        Hướng về hội nghị - mà chúng tôi biết là có trách nhiệm lớn đóng góp vào việc chỉ đạo cách mạng miền Nam - anh em cán bộ nhân viên ở "Đỗ Xá" nóng lòng đợi chờ câu trả lời…
       
        Thấm thoắt, ngày 19 tháng 5 tới.             
       
        Cơ quan quyết định tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật vui và đầm ấm, mời các đại biểu hội nghị cùng dự.
       
        Gian nhà họp vốn nhỏ, tối nay chật ních. Đã sáu năm nay, ở Khu 5, chưa từng có một cuộc họp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ mà cán bộ và chiến sĩ quây quần đông đủ dưới ảnh Bác như thế này.
       
        Cuộc họp không có nghi lễ, cũng không có phát biểu cảm tưởng. Chỉ có hát và kể chuyện về Bác Hồ.
       
        Một đồng chí cách mạng lão thành từng được gặp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc trước Cách mạng Tháng Tám, kể lại cuộc sống "cháo bẹ, rau măng" của Bác hồi đó. Anh em vô cùng cảm động, thấy rõ sự gian khổ của mình ngày nay không thấm vào đâu so với những ngày Bác Hồ chịu đựng gian khổ để đưa cách mạng tới thành công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 05:17:19 pm »

         
Viên thôn trưởng
       
        Ở vùng Khu ủy 5 đóng cơ quan cũng như ở khắp Tây Nguyên và miền tây các tỉnh Nam Trung Bộ, bọn Mỹ - Diệm đang cố kiểm soát nhân dân chặt hơn nữa bằng một thủ đoạn tiến hành trên quy mô lớn mà chúng gọi là "chiến dịch Thượng du vận".
       
        "Thượng du vận" nằm trong mưu đồ rộng lớn của địch về "bình định", với đủ các ngón tâm lý chiến, tố cộng, luật 10-59…, chỉ có điều những ngón ấy được sử dụng ở miền núi một cách xảo quyệt hơn.
       
        Lấy các đồn bốt làm điểm tựa, từng toán cán bộ "Thượng du vận" (có bọn "công dân vụ"1 làm nòng cốt) mặc quần áo bà ba đen đi từ làng này sang làng khác rêu rao "ba cùng" với dân, rồi tìm cách xúi giục tố cộng, cài cắm gián điệp, kết nạp hàng loạt người vào đảng "Cần lao nhân vị" và "phong trào cách mạng quốc gia", lên dây cót bọn tề và dân vệ hoặc lập tề ở nơi nào chưa có2.
       
        Nói là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, thực ra chúng chỉ xoi mói khắp các xó xỉnh để lùng cách mạng, ba hoa tuyên truyền cho chủ nghĩa "nhân vị duy linh" của Diệm - Nhu, ăn nhậu và ghẹo gái,…
       
        Nói cho phải, ban đầu chúng cũng giở đủ ngón mơn trớn, ve vuốt. Nhưng chỉ ít lâu sau là chúng khinh miệt dân ra mặt và trở lại lối sống buông thả, bất chấp mọi phong tục tập quán địa phương.
       
        Đồng bào kỵ tấm rửa ở máng nước, chúng cứ tắm.
       
        Đồng bào không muốn khách nấu nướng ở bếp của chủ phía gian trong nhà, chúng cứ ngang nhiên bắc nồi nấu và cười giỡn ầm nhà.
       
        Gặp thức ăn không hợp khẩu vị thì chúng khạc nhổ.
       
        Theo tục một số vùng, khi dọn thịt gà, đồng bào để riêng hai cái đùi gà ra một đĩa, dành cho trẻ con. "Cán bộ ông Diệm" bất kể chi ai, cứ cắm cổ chén sạch trước con mắt hằn học của những người trong nhà,…
       
        Đưa ra phân phát một số vải, bột mì "viện trợ Mỹ" và làm một vài việc y tế vệ sinh để mị dân, chúng cho là đắc sách lắm. Thế nhưng ở nhiều nơi, đồng bào dứt khoát không thèm nhận của bố thí của chúng, vì đã được cán bộ cách mạng chỉ rõ đó là âm mưu địch đưa dân vào tròng.
       
        Chống âm mưu địch đã trở thành nếp nghĩ hết sức nhạy của dân:
       
        Địch tới "ba cùng".
       
        - Phải hỏi ngay cán bộ xem chúng có âm mưu gì đây!
       
        Địch bảo kê khai nhân khẩu để nhận "viện trợ Mỹ".
       
        - Đừng tin, âm mưu đấy.                           
       
        Địch khuyến khích chọn người đi Sài Gòn học.
       
        - Âm mưu!
       
        Địch phát "cạc" (thẻ căn cước) và bảo lăn tay vào "cạc":
       
        - Âm mưu!
       
        Địch phát vải, phát thuốc, phát súng săn, kêu gọi thanh niên lập đội bóng chuyền.
       
        - Toàn là âm mưu, đừng thèm nhận, đừng thèm nghe,…
       
        Chỉ một từ đơn giản được ghi vào lòng đã giúp đồng bào miền núi tránh được vô số cạm bẫy của địch!
       
        Càng ngày càng lộ nguyên hình khi dùng các thủ đoạn mua chuộc lừa phỉnh không ăn thua, địch trở mặt đàn áp. Qua các cuộc "tố cộng", chúng bắt giam và tra tấn hàng loạt người. Chúng phân loại các làng thành vàng, xanh, đỏ tùy theo mức độ mà chúng cho là đã "quy thuận" chúng hay chưa. Đối với những làng đỏ (cứng đầu cứng cổ hoặc còn nhiều nghi vấn), chúng bao vây kinh tế, không bán cho muối, vải, nông cụ. Thậm chí, rập khuôn vùng đồng bằng, chúng mở nhà giam ngay tại làng, tạo nên không khí khủng bố ghê rợn. 
       
        Nhân dân một số làng chịu đựng không nổi đã vùng dậy lấy máu rửa thù.
       
        Ở làng ông Tía (miền tây Quảng Nam), quần chúng đã dùng rựa chém chết sạch một tiểu đội lính ngụy và tên cán bộ "thượng du vận".
       
        Phụ nữ làng Sung-a-bao (Gia Lai) lợi dụng lúc chúng sơ suất dùng thanh củi phang chết một số tên cán bộ và lính ngụy.
       
        Có những trường hợp, vài ba người đàn ông rủ một tên cán bộ ngụy ra sông đánh cá rồi dìm chết hắn và buộc đá thả sông. Vì không có chủ trương của cách mạng nên họ bảo nhau giấu bịt chuyện này, mãi về sau "cán bộ mình" mới biết.
       
        Trong khi chờ thanh toán với bè lũ Mỹ - Diệm, hầu hết các làng phải tạm thời duy trì cách sống "hợp pháp", đấu tranh hợp pháp với địch. Trừ một số làng và khu tập trung ở sát thành thị và đồn bốt địch, còn thì chính quyền ở các làng đều là "chính quyền hai mặt".
       
        Tôi còn nhớ mãi câu chuyện sau đây:
       
        Hạ tuần tháng 5 năm 1960, có việc cần đi xa cơ quan một mình, tôi bèn nhờ đồng bào dẫn đường theo lối tiếp tay từ làng này sang làng khác.
       
        Tới một làng nọ, tôi được giới thiệu với một người đàn ông trạc 35 tuổi, gương mặt lạnh lùng. Anh ta nói mình cũng có việc ở làng bên cạnh, nên nhân tiện đưa tôi đi.
       
        Trên đường đi, anh ta cắm cúi bước, chẳng nói chẳng rằng.
       
        Tới lúc ngồi nghỉ chân ở một khu rừng vắng, anh ta mới rút chiếc tẩu thuốc lá dài ngoằng ra, thong thả tra thuốc, thong thả hút, thong thả phà khói, và đột ngột hỏi tôi:
       
        - Anh có biết mình làm việc chi ở làng không?
       
        Tôi hơi chột dạ. Ngừng một lát, anh ta lại cất giọng lạnh như tiền:     
       
        - Mình là thôn trưởng3.
       
        Bất giác tôi nhìn cây vụ sắc lẻm trong tay anh ta và cũng nghĩ ngay tới khẩu súng ngắn của mình. Óc lại nhẩm rất nhanh mấy thế võ mới học lỏm của anh em đặc công.
       
        Giữa nơi hoang vắng, tiếng thôn trưởng vang lên khô khốc, nghe thật rợn. Viên thôn trưởng này định giở trò gì đây?
       
        Chẳng hề thay đổi dáng ngồi, cũng không đổi sắc mặt, anh ta cứ thong thả hút, thong thả phà khói, rồi thong thả tiếp lời:
       
        - Cũng là… bí thơ chi bộ.
       
        Anh nói không cười, nhưng tôi thì cứ muốn ôm lấy anh mà cười ngất cho bõ mấy phút căng thẳng thần kinh. Tôi cảm thấy quý mến người bí thơ chi bộ này không để đâu cho hết.

-----------------
1. Công dân vụ: Một tổ chức do chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm và em trai kiêm cố vấn của y là Ngô Đình Nhu lập ra, chuyên về đàn áp dân và đàn áp những người không ăn cánh với chúng.
         
2. Số làng mà địch chưa lập được tề khá nhiều, nhất là ở những vùng xa xôi hiểm trở. Ví dụ tại tỉnh Kon Tum, trong số 752 làng thì 100 làng chưa có tề (ngụy quyền thôn, xã).
         
3. Thôn trưởng ngụy quyền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 10:30:49 pm »

       
Cái giấy chờ thống nhất
       
        Trong chuyến công tác, có lần người dẫn đường phải đưa tôi đi vòng cung để tránh một làng có tên phản động. Tên này vốn là sách trưởng1 thời Pháp thuộc, nay ngóc đầu dậy chèn ép dân làng và làm mật thám cho Mỹ - Diệm. Gần đây, liên tiếp bị nhân dân cảnh cáo, hắn đã co vòi, nhưng đối với hắn vẫn phải hết sức cảnh giác.
       
        Đây là trường hợp duy nhất mà tôi gặp trong suốt sáu ngày đi trên đường. Còn thì ở những nơi khác, tôi và người dẫn đường thường vào ngay trong làng, sau khi hỏi kỹ biết không có mặt bọn cán bộ ngụy hay lính ngụy. Ngay cả mấy lần biết có bọn "thượng du vận" ngồi trong nhà dân, chúng tôi cũng chỉ đi tránh một ít phía ngoài làng, không đi đường vòng. Ban đêm, chúng tôi cũng thường nghỉ trong làng.
       
        Ở mỗi làng đều có chòi thông tin của ngụy quyền, treo ảnh tuyên truyền, trong đó có nhiều ảnh Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Lệ Xuân (vợ Nhu).
       
        Đúng là ở đây "treo ảnh quốc gia, thờ ma cộng sản".
       
        Và xem chừng "ma cộng sản" thiêng hơn hết thảy.
       
        Kết bạn với một cán bộ huyện trên đường đi, tôi được biết nhân dân ở đây có vô vàn tục kiêng cử, và có những tục kiêng cử rất tai hại.

        Chẳng hạn, đến mùa tỉa lúa, già làng gieo quẻ bói thấy "ma" không ứng, thế là cả làng không dám ra rẫy, bỏ lỡ vụ. Hoặc có con chim bay qua rẫy cất tiếng kêu lạ tai, thế là đồng bào bỏ cả rẫy lúa chín "bị ma ám".
       
        Ấy vậy mà một hôm, chính mắt tôi thấy dân một làng nọ đưa một cán bộ cách mạng bị ốm nặng từ rừng vào nhà, mặc dù đồng bào rất kiêng cữ chuyện khách lạ chết trong nhà. Với ít thuốc tốt mang theo, tôi và đồng chí cán bộ huyện cố sức chạy chữa cho người ốm hồi tỉnh. Về sau, người đồng chí nói với tôi, vẻ trầm ngâm:
       
        - Không sợ "ma" và không sợ cả Mỹ - Diệm chặt đầu vì tội "chứa chấp cộng sản", đủ thấy đồng bào tin yêu cách mạng đến mức nào!
       
        Người bạn đường quả là "thổ công" ở đất này. Tôi nghe chuyện anh mê mải, quên cả mỏi chân.
       
        Dọc đường đi, tôi có nhận xét: sống trong vùng địch kiểm soát mà đồng bào vẫn ngang nhiên mang giáo mác, bọn địch không gờm sao?

        Anh bạn của tôi trả lời:
       
        - Gờm quá đi chứ! Nhưng ở đây giáo mác tên nỏ với đồng bào như bóng với hình, làm sao Mỹ - Diệm xóa bỏ tập quán lâu đời đó được? Đã có những lúc chúng cấm mang vũ khí, nhưng đồng bào phản ứng gắt, cuối cùng chúng phải thừa nhận mang vũ khí là "hợp pháp". Đây là một lợi thế mà đồng bào miền xuôi không có.
       
        Anh kể tiếp: có những lần người làng bị bọn Diệm bắt đi, dân cả làng cứ vác giáo mác lẳng lặng đi theo chúng mà chẳng cần nói năng gì, nửa đường bọn giặc nao núng phải thả người bị bắt.
       
        Một số vùng núi có thể dựa vào vũ khí nhanh chóng nổi dậy chống địch cũng nhờ thế.
       
        Vẫn chuyện của anh cán bộ huyện:
       
        Năm 1957, Mỹ - Diệm thi hành chính sách "tát nước bắt cá" ở mấy làng vùng này, ráo riết truy lùng cách mạng và khủng bố dân. Bắt gặp ai mang vài lon gạo, vài quả trứng ra khỏi làng là chúng giam giữ, tra hỏi. Dân làng không đi làm ăn gì được nên rất đói khổ. Cán bộ cách mạng và anh em thanh niên Thượng thoát ly phải hết sức giữ ý tứ, tránh gây khó khăn hơn nữa cho dân. Anh em chỉ nhận những gì tối thiểu để sống.
       
        Thấy các chiến sĩ ta chịu cơ cực, không đành lòng, nhân dân bèn nghĩ ra một cách ủng hộ khéo. Che được mắt địch, đồng bào mang heo, gà đến tận nơi ở của anh em, cười mà nói:
       
        - Dân làng khổ thật, nhưng đâu nỡ để bọn bay nhịn miệng. Nếu bọn bay sợ lấy không của dân là trái lời Đảng dạy thì cứ biên mấy chữ vào giấy đó. Dân làng giữ giấy, chờ tới ngày thống nhứt nước nhà sẽ hay.
       
        Trở về "Đỗ Xá", gặp lại một số đại biểu các tỉnh vẫn còn làm việc với Thường vụ Khu ủy, tôi lại được dịp bổ sung nhiều điều về người dân trên Trường Sơn.
       
        Đồng chí đại biểu Thừa Thiên nghe tôi kể lại chuyện "cái giấy chờ ngày thống nhất", tỏ vẻ thích thú. Lạ nhất là ở vùng anh công tác cũng có chuyện y hệt như vậy.
       
        Anh nói:
       
        - Với cách mạng thì lòng dân như thế đó. Còn ai giả danh cách mạng, đồng bào biết ngay. Hồi hòa bình mới lập lại, bọn Đại Việt cũng lên lập chiến khu ở một số vùng núi Trị - Thiên, nói là để chống Diệm. Nhưng theo dõi chúng một thời gian, đồng bào khẳng định: "Bọn này bằng nhau (giống như) bọn Diệm thôi!". Bị dân tẩy chay, chúng nó dần dần cuốn gói. Rốt cuộc chỉ có cách mạng "trụ" lại được.
       
        Cũng qua các đại biểu dự hội nghị, tôi nắm rõ hơn địa danh một số cuộc nổi dậy vũ trang từng nghe nói nổ ra cùng thời gian với cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và vẫn đang tiếp diễn: đó là Ta Lốc, Ta Léc (hai làng dân tộc Ba Na ở huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), Bến Giằng (vùng dân tộc Ka Tu ở tây bắc Quảng Nam), Bác Ái (vùng dân tộc Rắc Lây ở Ninh Thuận).
       
        Dĩ nhiên, tôi cần thông tin trước hết về cuộc nổi dậy lớn nhất ở Trà Bồng, nên tìm tới đại biểu Quảng Ngãi. Anh vui lòng kể chuyện khá chi tiết, nhưng nói thêm:
       
        - Chuyện Trà Bồng, ngồi đây kể không hết được. Phải chi anh về Trà Bồng ít lâu, sẽ tha hồ có tài liệu nóng hổi và bà con sẽ hoan nghênh anh lắm lắm.
       
        Về Trà Bồng, sống với những người khởi nghĩa! - Quả thật, tôi không có mong ước nào hơn.

--------------
1. Sách trưởng: xã trưởng ở miền núi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 10:36:41 pm »

       
Chương ba

ĐIỂM ĐỘT PHÁ
               
Hợp pháp và bất hợp pháp
       
        Thật "cầu được ước thấy", tháng 6 năm 1960, tôi được về Trà Bồng cùng với hai đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Ngãi dự hội nghị vừa qua.

        Đồng chí Phạm Thanh Biền, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Võ đều nắm đường sá trong lòng bàn tay, lại có kinh nghiệm giao thiệp với dân, nên đi đường không xảy ra điều gì rủi ro.
       
        Dù sao, cuộc hành trình 5 ngày của chúng tôi không được thoải mái lắm. Phải luôn luôn ở tư thế sẵn sàng đối phó với địch. Không ai quên rằng mình đang đi giữa "vùng hợp pháp", nhân dân đang sống hợp pháp với chính quyền địch.
       
        Lại có chuyện này nữa:
       
        Một buổi chiều vào làng, tôi ra ngay máng nước, hỏi mấy cô gái đường xuống suối tắm. Các cô không thèm trả lời, làm ra bộ không biết tiếng Kinh, mắt nhìn cứ khinh khỉnh, mặt lạnh như tiền. Băn khoăn mãi, tôi mới vỡ lẽ: các cô tưởng tôi là "cán bộ quốc gia", thế có chết không! Hiểu được lý do, tôi thầm vui sướng, nhưng cũng không khỏi bối rối. Lúc đó, nên làm thế nào cho phải? Chẳng lẽ đặt tay lên trái tim mà phân trần: "Tôi là người phía mình đây", hoặc: "Tôi không phải bọn chúng nó"?
       
        Không tắm được, trở vào nhà, kể chuyện với hai người đồng chí, các anh cứ cười mãi.
       
        Cho đến một buổi sáng đẹp trời, từ trên một rẫy cao, anh Biền tươi cười chỉ vào đám rừng ở ngay phía dưới chân rẫy và nói:
       
        - Đất Trà Bồng kia!
       
        Nghe nói thế, tim tôi đập rộn ràng. Hồi hộp không chỉ vì sắp đến đích, mà còn vì sắp bước vào vùng đất lửa.
       
        Ranh giới cũng đơn giản thôi. Đó chỉ là một hàng rào tre dọc theo bìa rừng. ấy thế mà chỉ trong vài bước chân, vượt qua một cánh cổng tre, chúng tôi đã bước vào một thế giới hoàn toàn khác: vùng bất hợp pháp.
       
        "Bất hợp pháp" như thế nào?
       
        Đồng chí Biền ngoái lại, bảo tôi nhìn kỹ dọc hàng rào. ở đó tua tủa những chông là chông, ngắn có dài có, ngụy trang khéo đến nỗi ban nãy tôi không hề trông thấy. Câu trả lời đó, thật giản dị nhưng lại là một minh chứng hùng hồn!
       
        Từ nơi này, chúng tôi đi vào một con đường đầy chông. Có đoạn đường hẹp, một bên là vách đá cao, một bên là vực thẳm, bờ vực cắm chông tre dày đặc, nhìn lâu phát chóng mặt. Một đoạn khác đầy hố chông ngầm, đánh dấu theo một lối riêng, chỉ người địa phương mới biết được. ở đoạn này, anh Biền và anh Võ dặn kỹ tôi phải đi theo từng vết chân của hai anh, không được bước chệch ra ngoài.
       
        Về sau tôi mới biết thêm rằng phía trên đầu chúng tôi còn có bẫy đá và phía hai sườn có đủ mọi loại "thò" (lao bay). Sở dĩ hai người bạn đồng hành chưa cho biết vội vì ngại tôi căng thẳng thần kinh.
       
        Trong vòng hơn nửa ngày đi dọc con "đường chông", thấy một loạt khu dân cư chỉ còn là đống tro tàn, tôi sửng sốt hỏi:
       
        - Địch đốt hết nhà ở vùng này hay sao?
       
        Anh Biền điềm tĩnh đáp:
       
        - Không những đốt hết vùng này, mà đốt gần hết huyện Trà Bồng. Chín mươi chín phần trăm số nhà cửa ở Trà Bồng (không kể thị trấn) đã bị thiêu hủy vì chính sách "đốt sạch, phá sạch, giết sạch" của Mỹ - Diệm. Có lẽ từ hồi kháng chiến chống Pháp tới nay, chưa có huyện nào bị đốt nhà nhiều như vậy!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 10:40:14 pm »

        
Làng Búp
       
        Chiều muộn, chúng tôi tìm vào một nóc (xóm) sơ tán để nghỉ qua đêm. Nóc này ẩn sâu trong rừng, cách xa mươi phút đường đi đã có chông thò bố phòng.
        
        Theo tập quán địa phương, đồng bào làm một nhà sàn dài chung cho cả nóc. Nhà chia thành nhiều ngăn, mỗi bếp (hộ) chiếm một ngăn. Phía trước các ngăn là một hành lang dài. Hành lang lát mò o (một loại tre bương) cũng là nơi đun bếp và ăn, ngủ.
        
        Anh Võ cho biết nóc này thuộc làng Búp, gọi là "nóc ông Tài".
        
        Cụ chủ nóc niềm nở bắt tay chúng tôi, đặc biệt nắm lấy vai anh Biền và anh Võ mà lắc thật mạnh và cười hiền hậu, tỏ dấu nhận ra người thân quen.
        
        Trong dân tộc Kor, già làng Tài là một trong những vị bô lão được đặc biệt kính trọng. Trên tám mươi tuổi, cụ vẫn còn khỏe mạnh và vẫn góp sức trông nom mọi việc của dân làng, kể cả đánh địch. Cũng sống lâu và có uy tín như cụ còn có cụ Gia ở xã Trà Nham, lúc này đã trên trăm tuổi, các cụ Toa và Vinh ở xã Trà Lãnh, trên sáu, bảy mươi tuổi… Xã Trà Lãnh còn có cụ Triều cũng rất khỏe và vui tính, nhưng trong khi làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng đã bị bọn Diệm bắt tra tấn và xử bắn cách đây không lâu.
        
        Các cụ đều là những người chỉ huy "quân Nước thần", lực lượng nghĩa quân của dân tộc Kor chống thực dân Pháp trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đến thời kỳ chống đế quốc Mỹ và tay sai, các cụ vẫn giữ vai trò thủ lĩnh.
        
        Nhân dân làng Búp hầu hết là con cháu hoặc bà con xa gần của cụ Tài. Hiện nay cụ ở với bếp người con trai cả, và bếp này đã khá đông. Đến bữa cơm tối, già trẻ lớn bé hàng chục người xúm xít nhau quanh rá cơm và một nồi canh to. Ba chúng tôi là khách quý, được ngồi riêng một mâm với cụ Tài và anh chủ nhà.
        
        Nói là "cơm", thực ra là sắn cõng cơm. Chúng tôi có ý nhường cơm cho cụ già, chỉ gắp sắn.
        
        Sẵn gói muối mang theo, chúng tôi nêm canh và biếu các bếp, mỗi bếp một ít.
        
        Vào lúc này, muối ở Trà Bồng hết sức khan hiếm. Muối dự trữ không đủ phân phối cho dân. Tỉnh và huyện đã tìm hết cách, nhưng không dễ gì tiếp tế muối cho cả huyện trong hoàn cảnh bị địch bao vây ráo riết.
        
        Nghe đồng bào ở nóc này kể chuyện, tôi hiểu rõ thêm tình trạng thiếu muối ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày ra sao. ăn nhạt mấy hôm đã thấy chân tay mỏi rã rời, leo dốc không nổi, phát rẫy thì rựa tuột khỏi tay. Người già, mắt đã mờ càng thêm mờ. Trẻ con quấy khóc, cho nó vài hạt muối là nó nín ngay.
        
        Quanh bếp lửa hồng, khi đề cập tới những khó khăn trong chiến đấu - đặc biệt khó khăn về muối - thì dân nóc ông Tài đều trầm ngâm. Thật cũng khó mà biết được tình trạng lạt muối, đói cơm, thiếu áo, thiếu chăn… sẽ còn kéo dài bao nhiêu lâu nữa!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:20:27 am »

       
Nước thần
       
        Ghé làng Búp, tôi không ngờ có may mắn được đến một đất thiêng: một làng chiến đấu chống Pháp rồi chống Mỹ, giữ vững tự do suốt 22 năm qua.
       
        Năm 1938, có tin lan truyền khắp các làng: tại một vùng đất thiêng ở Kon Tum có dòng "Nước thần", xoa nước ấy vào người thì đạn bắn không thủng. Muốn thỉnh Nước thần, chỉ cần có xu đồng (vì vậy phong trào này cũng gọi là "Nước xu"). Dân các làng bèn cử người mang xu đồng và lọ đựng nước ra đi. Thay mặt dân làng Búp, già làng Tài cũng ra đi.
       
        Băng rừng vượt núi hàng chục ngày trời, những người đi thỉnh nước thần mới tìm được tới vùng Đak-rơ-bar ở Kon Tum. Tại đây, họ gặp cả người Ba Na, người Xê Đăng, người Ka Dong,… có thù sâu với thực dân Pháp. Ai nấy lặng lẽ và thành kính đợi tới lượt mình làm lễ.
       
        Một số vị thầy cúng, mặt che kín, áo quần sặc sỡ, trang nghiêm đưa vạt áo nhận các đồng xu và chai lọ mang vào một nơi huyền bí nào đó rồi quay ra với những lọ nước đầy, làm phép xoa Nước thần lên trán mỗi người,…
       
        Và thế là mùa hè 1938, quân khởi nghĩa của dân tộc Kor bắt đầu hành động. Họ chia làm bốn cánh do các già làng Tài, Gia, Chân, Phú chỉ huy, tấn công thẳng vào đồn châu lỵ Trà Bồng (châu: huyện miền núi thời Pháp thuộc).
       
        Tất nhiên, "Nước thần" không thiêng như người ta tưởng. Nghĩa quân phải rút lui với một số thương vong lớn do súng đạn Pháp gây ra. Một số bị bắt vào nhà lao Trà Bồng.
       
        Cuộc tập kích đồn Trà Bồng lần thứ hai vào năm 1942 cũng bị thất bại.
       
        Thất vọng khá chua chát, nhưng cụ Gia và cụ Tài vẫn mỗi người lãnh đạo một phần lực lượng còn lại, xây dựng căn cứ, kiên quyết tiếp tục kháng chiến. Già làng Gia xây dựng căn cứ du kích ở vùng núi Cà Đam. Còn già làng Tài, sau khi trưng cầu ý dân, đã đưa làng Búp lên đầu con sông Tăng để chiến đấu lâu dài.
       
        Cho tới tháng 8 năm 1945, hai cụ đều kéo quân về huyện lỵ Trà Bồng, tham gia cuộc tổng khởi nghĩa của các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:23:14 am »


Nguồn "Nước thần" hiệu nghiệm
       
        Rất dễ hiểu là những thủ lĩnh tuyệt đối trung thành với dân tộc ấy đã cùng với đồng bào Kor tỏ thái độ chống đối quyết liệt khi bọn thực dân mới và tay sai lăm le đặt ách thống trị của chúng lên đất Trà Bồng.
       
        Đấu tranh chống khủng bố, chống xâu thuế,… liên tục nổ ra. Không một thanh niên Kor nào đi lính cho Mỹ - Diệm. ở nhiều nơi địch "tố cộng" gay gắt, nhân dân vẫn đưa được người của mình ra làm việc dưới danh nghĩa ngụy quyền, thậm chí có lần đưa được người ra làm quận phó Trà Bồng. Khá nhiều làng, trong đó có làng Búp, vẫn hoàn toàn do nhân dân tự quản.
       
        Cụ Gia, cụ Tài và các già làng yêu nước khác nóng lòng muốn dùng tới vũ khí. Họ nói: "Mỹ - Diệm như dây chùm gởi, để lâu không chặt thì chúng sẽ quấn riết vào cây lớn (nhân dân)".
       
        Đó là một câu nói chí lý và những người lãnh đạo phong trào Quảng Ngãi cũng nghĩ như vậy.
       
        Một cuộc thỉnh "Nước thần" mới trở thành bức xúc. Có điều lần này không đi Đak-rơ-bar nữa, mà đi về hướng…. Đỗ Xá.
       
        Giữa năm 1957, sau khi nghiên cứu tài liệu "Đề cương cách mạng miền Nam" (do một đồng chí lãnh đạo cao cấp của cách mạng miền Nam viết) và mạnh dạn áp dụng ở miền núi một số hình thức chiến đấu như diệt ác ôn, bố phòng chống địch,… để giữ phong trào và phát triển cơ sở cách mạng, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cử hai cán bộ về cơ quan Khu ủy Khu 5 (lúc đó đóng ở vùng rừng núi Quảng Nam) báo cáo tình hình và xin chỉ thị. Đến đầu năm 1958, Tỉnh ủy lại cử hai cán bộ khác có vai trò chủ chốt trong cơ quan lãnh đạo, trong đó có anh Phạm Thanh Biền, về Khu ủy báo cáo và xin chỉ thị một lần nữa.
       
        Đứng đầu cơ quan Khu ủy Khu 5 lúc đó là đồng chí Trần Lương (tức Trần Nam Trung, về sau là Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa miền Nam Việt Nam) mà anh em trong cơ quan gọi là "Anh Hai". Cuộc trao đổi ý kiến giữa anh Hai và hai cán bộ Quảng Ngãi được ghi lại trong sổ tay riêng của anh Biền như sau:
       
        Anh Hai - một trong những người đã lãnh đạo khởi nghĩa Ba Tơ tháng 3 năm 1945 và đã từng bị giam ở nhà lao Trà Bồng trước Cách mạng Tháng Tám - lần này hỏi kỹ hơn lần trước về các biểu hiện của cán bộ và quần chúng hưởng ứng chủ trương vũ trang, yêu cầu phân tích kỹ nhận định của tỉnh "đã có đủ điều kiện để khởi nghĩa cục bộ", bàn bạc kỹ với Thường vụ Khu ủy, rồi nói lên suy nghĩ của anh:
       
        Nhận định của tỉnh là đúng, đó cũng là gợi ý của Trung ương và Khu ủy cũng hoàn toàn nhất trí như vậy.
       
        Đứng trước một kẻ thù tàn bạo đang quyết liệt dùng bạo lực phản cách mạng để tiêu diệt cách mạng, không đấu tranh bằng bạo lực cách mạng của quần chúng không thể giữ vững và phát triển phong trào.
       
        Anh góp thêm ý kiến cụ thể vào đề án chuẩn bị khởi nghĩa của tỉnh:
       
        Trước đây, đã khởi nghĩa ở Ba Tơ. Ngày nay khi thế và lực cách mạng đã mạnh hơn ở phía Bắc, vùng cao Trà Bồng và Sơn Hà có thể là nơi nổi dậy trước tiên. ở đó ngoài địa thế hiểm trở, địch sơ khoáng nhiều, vấn đề quan trọng là nhân dân có tinh thần dân tộc rất cao luôn luôn chống ngoại xâm, cho nên địch không thể nào cấy được cơ sở, không có người nào đi lính cho địch. Tinh thần đoàn kết Kinh - Thượng ở đó rất tốt.
       
        Trà Bồng sẽ là Ba Tơ ngày trước, núi Cà Đam sẽ là Cao Muôn năm xưa.
       
        Với phương hướng đó, ngày 7 tháng 7 năm 1958, nhân dân dân tộc Kor mở Hội nghị đại biểu tại Gò Rô (xã Trà Phong) để bàn chuyện đánh Mỹ - Diệm.
       
        Đến giữa năm 1959, việc phổ biến Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng càng soi sáng đường đi cho cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi, cho dân tộc Kor.
       
        Hạ tuần tháng 8 năm 1959, Mỹ - Diệm bắt nhân dân đi bầu cử "quốc hội" bù nhìn. Đã có chủ trương và chuẩn bị từ trước, toàn bộ các thôn xã ở Trà Bồng tẩy chay cuộc bầu cử. Mỹ - Diệm đưa quân đội đến đàn áp và thế là nhân dân toàn huyện đứng lên cầm vũ khí chống lại.
       
        Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng nổ ra từ ngày 28 tháng 8 năm 1959.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:28:08 am »

        
Những vũ khí lợi hại
       
        Trong thời gian hơn một tháng tôi ở Trà Bồng, địch mở mấy cuộc càn quét liên tiếp, đều bị đánh lui.
        
        Tính từ ngày Trà Bồng đồng khởi đến tháng 6 năm 1960, sư đoàn 2 ngụy cùng nhiều đơn vị biệt kích, bảo an đã mở 3 cuộc càn quét lớn và trên 40 cuộc càn vừa và nhỏ, đốt gần sạch huyện, giết và làm bị thương 60 đồng bào ta, cướp hàng chục tấn lúa, trên 300 con trâu… Trà Bồng - với diện tích 325 ki-lô-mét vuông và gần 17 nghìn dân - chẳng khác một hòn đảo bị biển giặc bao vây trùng trùng, bủa sóng dồn dập.
        
        Tuy nhiên, "đảo lửa" này trụ vững, không những thế, ngày càng khởi sắc.
        
        Chủ yếu với lực lượng thanh niên dân tộc Kor và Hrê, và dần dần được sự chi viện của cấp trên về cán bộ chỉ huy, về súng đạn, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã xây dựng được tại đây 3 đại đội bộ đội địa phương với các phiên hiệu: c339 (ra đời ở chân núi Cà Đam ngày 3-3-1959), c89 (thành lập ngày 19-8-1959) và c299 (thành lập ngày 2-9-1959).
        
        Các đơn vị đều đã lập công trong các cuộc chống địch càn quét, các trận tiêu diệt hoặc bức rút đồn bốt địch quanh quận lỵ Trà Bồng và đều có đóng góp tích cực vào việc sản xuất tự túc cùng các hoạt động văn hóa - xã hội ở vùng căn cứ, nên được đồng bào rất tin yêu.
        
        Đồng thời, các làng chiến đấu ngày càng dày dạn kinh nghiệm đối đầu với địch.
        
        Tôi đến xã Trà Lãnh, nơi có những làng và những nóc chiến đấu vững chãi. Non nước cỏ cây ở đây thật nên thơ. Con suối lớn Tầm Rung trong vắt tận đáy, trôi êm ả giữa thung lũng quanh co, soi bóng mây trời. Núi đồi ven thung lũng vừa đường bệ vừa hiền hòa với sắc xanh của rẫy và rừng lộng lẫy dưới nắng. Dường như ở đây chỉ có sự bình yên…
        
        Nhưng người phóng viên luôn được nhân dân nhắc nhở hãy rời bỏ sự mơ mộng, hãy chớ vì mải mê với phong cảnh hữu tình mà lạc bước giữa "mê hồn trận" của Trà Lãnh dành cho kẻ thù.
        
        Quả thật, tôi chưa từng thấy ở đâu có những trận địa độc đáo như vậy, nhất là trận địa chông thò.
        
        Chông thò ở khắp nơi, dọc đường đi, trên rẫy, trong rừng, quanh nhà ở, cạnh kho lúa, máng nước… Chông trên mặt đất, chông ngầm dưới đất, chông dưới nước, chông trên không.
        
        Này đây, một "chông quả lắc" vắt lơ lửng trên cành cây. Hãy tưởng tượng quả chùy bằng chông ấy bung ra, quật đi quật lại vào đầu lũ giặc.

        Đây nữa, một "chông dây" thả lơ lửng theo dòng suối. Thấy bãi chông trên bờ, vòng xuống suối, sẽ có những thằng giặc sa bẫy.
        
        Thò còn ghê gớm hơn nữa.
        
        Đồng chí chi ủy viên kiêm ủy viên ủy ban tự quản xã đưa tôi đi tìm hiểu về xã chiến đấu của đồng chí đã có nhã ý điều khiển cho tôi xem một giàn thò 12 mũi. Giàn thò này được bố trí hết sức bí mật ở ven đường đi. Hệ thống điều khiển được làm bằng một loại dây rừng đặc biệt, vừa mảnh vừa chắc. Từ xa 15 mét ấn một cái cần, lập tức cả 12 mũi thò lao đi vun vút, những mũi nhọn ấy với tốc độ ấy chắc hẳn giết voi chết tươi chứ đừng nói tới người!
        
        Chính từ xã Trà Lãnh mà phong trào đánh giặc bằng chông thò đã lan khắp huyện Trà Bồng và cách đánh không ngừng phát triển phong phú. Khi nhân dân Trà Bồng nêu khẩu hiệu: "Mỗi nóc là một ổ tác chiến", chắc hẳn mọi người phải nghĩ trước tiên tới chông thò.
        
        Một thứ vũ khí khác người ta không thể không nghĩ tới là… thơ.
        
        Hầu như xã nào cũng có thơ ca chiến đấu do cán bộ thôn xã hoặc người già sáng tác và truyền miệng theo nhịp "Xà ru" (một làn điệu dân ca địa phương).
        
        Một bài thơ cảnh tỉnh những kẻ đi theo giặc:

                                     "Anh ở bất lương sao anh không nghĩ,
                                     Anh ăn đồng tiền Mỹ, anh chẳng biết suy,
                                     Anh đi xe Mỹ, anh không biết nhớ,
                                     Núi rừng này biết nhớ, biết ghi.
                                     Suối nước Trà Vang có bóng anh trong đó,
                                     Rừng núi Trà Bồng, dấu chân anh còn đó!
                                     Thương anh, nhiều lần dân chỉ rõ
                                     Thống nhứt nước nhà, anh sẽ trốn đâu?
                                     Anh núp bụi lách? Bụi lách cũng trống,
                                     Anh núp bụi tre? Bụi tre cũng kêu.
                                     Anh chun xuống nước? Nước Trà Vang trong lắm.
                                     Anh bay lên trời? Anh không phải con diều hâu.
                                     Anh sẽ ra sao khi nhân dân ta còn đó?".

        
        Và sau đây là bốn câu kết của một bài thơ dài, nói lên tấm lòng đồng bào đối với Đảng, với chế độ mà đồng bào từng được sống những năm kháng Pháp:

                                     "Hiện nay nhân dân miền Nam không còn ai sợ Mỹ
                                     Hiện nay chiến sĩ miền núi chẳng còn ai sợ Diệm
                                     Hãy đoàn kết chặt chẽ như năm ngón trên bàn tay!
                                     Hãy đứng lên, những ai muốn Mặt trời xưa trở về."

« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2016, 07:51:57 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 07:39:04 am »

       
Đêm liên hoan
       
        Chắc chắn rằng người dân đang sống dưới ách kìm kẹp của chính quyền Diệm ở vùng đồng bằng Quảng Ngãi nhìn lên căn cứ cách mạng Trà Bồng với rất nhiều tin tưởng, hy vọng.
       
        Khi tờ báo "Thống nhứt" của tỉnh lần đầu tiên được in máy ở căn cứ và đưa xuống đồng bằng, một "cơ sở" của ta vừa ngắm nghía tờ báo vừa cười vui và nói với cán bộ ta:
       
        - Cái hồi hắn bắt đầu khủng bố, mấy anh chỉ làm được bản tin viết tay. Hắn khủng bố thét, lại có tờ báo in đá. Bây giờ hắn khủng bố dữ hơn hồi mô hết, kéo máy chém đi khắp nơi, tờ báo đã in máy rồi!
       
        Đó là tờ báo dành cho đồng bằng, nội dung còn nặng về vạch trần tội ác và âm mưu địch, hướng dẫn đấu tranh. Chứ tờ "Đoàn kết" lưu hành ở miền núi thì thật đa dạng về đề tài: tin chiến sự, tin binh vận, tòng quân, mẩu chuyện tình quân dân, gương thi đua sản xuất, giữ vệ sinh phòng bệnh,…
       
        Qua tờ báo cũng có thể biết được rằng tại một số xã, phụ nữ giữ những vai trò chủ chốt trong chính quyền. Chị Phó chủ tịch ủy ban tự quản xã Trà Xinh không chút lưỡng lự khi trả lời nhà báo:
       
        - Đành rằng nắm chính quyền phải gian khổ, phải thức khuya dậy sớm, chạy lo từng hột muối, viên thuốc, cây chông… Nhưng lúc nào cũng vui vì mình làm cho mình. Chẳng còn ai trói chân tay mình, chẳng còn ai bịt miệng mình. Mình được tự do!
       
        … Một đêm hè đầy sao sáng, tôi lắng nghe người dân Trà Bồng hát lên những bài ca tự do của mình.
       
        Trên đường hành quân, Đại đội 339 tổ chức liên hoan với nhân dân một làng chiến đấu.
       
        Mọi người ngồi thành vòng tròn lớn trên thảm cỏ, lần lượt thưởng thức những tiết mục do các chiến sĩ tự biên tự diễn. Người đi xem mang theo cả chiêng trống và đàn brồ ô1, sẵn sàng góp vui.
       
        Không ngờ khả năng văn nghệ ở đây dồi dào đến như vậy!
       
        Xà ru dịu dàng nhưng thôi thúc cầm vũ khí.
       
        Bài chòi trầm hùng, vạch tội ác kẻ thù.
       
        Kịch vui "Rựa cuốc một nhà" và "Khuyên chồng tòng quân" đóng rất khéo, nam cải trang thành nữ cũng rất khéo, làm cho mọi người cười tức bụng.
       
        Nhảy múa theo nhịp chiêng trống. Lại nhảy múa nữa, lôi cuốn cả khán giả.
       
        Hết tiết mục này đến tiết mục khác, ai nấy mê mải xem, mê mải góp vui, không muốn ra về.
       
        Trên mảnh đất bất khuất của những nghĩa quân "Nước thần" xưa, các nghĩa quân chống Mỹ đốt lên một đống lửa lớn.
       
        Cùng với tiếng chiêng trống rộn ràng, ngọn lửa bốc cao, tàn lửa như vút lên đến tận trời sao.

--------------
1. Đàn brồ ô: Một loại đàn ở địa phương, có bầu và hai dây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM