Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 08:39:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bước chuyển lớn trên Trường Sơn  (Đọc 12592 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 13 Tháng Tám, 2016, 09:00:34 am »

        
        - Tác giả: Vũ Minh
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2009
        - Số hoá: hocphaithi
        - Hiệu đính: Giangtvx

       
        
Lời mở đầu
       
        Có những chiến thắng xoay chuyển tình thế nhưng do thời điểm nhạy cảm nên phải diễn ra trong thầm lặng, nhiều năm sau mới được đưa vào các hồi ký với chất sử liệu quý giá. Đó là trường hợp các cuộc tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào các dân tộc dọc đông nam dãy Trường Sơn nổ ra liên tục suốt thu đông 1960, mở ra một căn cứ địa rộng lớn làm nơi đứng chân vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn.
        
        Những chiến công đó được bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử có tính chất bước ngoặt cũng được giữ bí mật trong thời gian dài. Tới nay hẳn các cựu chiến binh còn nhớ về "Nghị quyết 15" với quyết sách của Trung ương Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 15 vào những ngày đầu năm 1959 báo hiệu sự khai tử cuộc "chiến tranh một phía" mà Mỹ - ngụy tiến hành chống nhân dân miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954.
        
        Nay nhân kỷ niệm 50 năm Nghị quyết 15 (1959-2009), với thời điểm mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ (1959-1960), và kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, phóng viên chiến trường xưa xin được chuyển đến bạn đọc những dòng bút ký chân thực và sinh động về bước chuyển lớn của Trường Sơn, của cách mạng niềm Nam; cũng là vận mệnh của đất nước ta.
        
Vũ Minh        
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Sáu, 2020, 09:22:18 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:34:56 pm »

        
Chương một

ĐƯỜNG ĐÃ MỞ
       
Loạt đạn giao thừa
       
        Lên đường từ Hà Nội hạ tuần tháng 1 năm 1960, chúng tôi bước vào Trường Sơn trước Tết Canh Tý.
        
        Đoàn chúng tôi gồm bảy người. Tôi đi cùng ba cán bộ cơ yếu và ba chiến sĩ đặc công.
        
        Chúng tôi tập trung nhận nhiệm vụ từ giữa năm 1959, chuyển nơi ăn ở, nghiên cứu các văn kiện và luyện tay nghề qua nhiều địa điểm ở nội, ngoại thành Hà Nội. Gần tới năm mới âm lịch, chúng tôi đinh ninh thế nào cũng được ăn Tết ở Thủ đô rồi mới lên đường vào Nam nhận công tác vô hạn định. Nhưng ngày 24 tháng Chạp thì được lệnh xuất quân. Chắc hẳn cấp trên tính toán muốn đưa đoàn chúng tôi (đặc biệt các đồng chí mang theo mật mã) vượt tuyến an toàn vào lúc địch sơ hở trong mấy ngày Tết.
        
        Là một phóng viên thông tấn đã quen với khói lửa chiến trường từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng lần ra trận này của tôi có những khác biệt lớn so với trước. Tôi đã có vợ con và người bạn đời - là một đoàn viên - tuy hiểu được ý nghĩa của nhiệm vụ chung nhưng không tránh khỏi nỗi đau ly biệt, tôi cũng vậy. Và chuyến đi được giữ hoàn toàn bí mật, chỉ có thủ trưởng cơ quan và vợ tôi được biết.
        
        Tối 24 Tết, tôi về thăm vợ con lần cuối, nhưng không thể hé lộ mật lệnh. Mãi đến khi xe đưa đoàn chúng tôi vào tới vùng giới tuyến Vĩnh Linh, một đồng chí cán bộ của Ban Thống nhất mới đến báo cho vợ tôi biết về cuộc khởi hành bất ngờ. Nhà tôi khóc, nhưng không dám khóc to vì đang ở nhà tập thể. Đành vậy thôi.
        
        Khi vượt nguồn sông Bến Hải, bảy người chúng tôi trong đoàn hành quân đều cùng một xúc động. Không ai bảo ai, tất cả vục nước sông đầu nguồn rất trong, uống từng hớp náo nức.
        
        Các đồng chí ở trạm cửa ngõ Trường Sơn đón tiếp đoàn với sự thân thiện và niềm vui ngày Tết đang tới rất gần.
        
        Trạm này ở tương đối xa nơi địch đóng quân, nên sinh hoạt không đến nỗi gò bó. Các đồng chí tìm mọi cách tạo phong vị Tết giữa rừng sâu. Nuôi được đàn gà gần chục con, trạm chỉ giữ lại mấy con gà mái ấp, còn thì đem thịt, làm cỗ chiều ba mươi. Chủ và khách xúm lại xào xào nấu nấu, tán chuyện vang nhà. Không khí ấm tình bạn chiến đấu làm tôi cũng khuây được phần nào nỗi nhớ vợ con.
        
        Sau bữa cỗ tất niên, chúng tôi mở đài Hà Nội nghe cho tới khuya.
        
        Đúng giao thừa, khi máy thu thanh vang rền tiếng pháo thì anh em kéo nhau ra sân. Anh trưởng trạm đã lau súng đạn từ chiều, lúc này trịnh trọng giương khẩu tiểu liên lên trời và nổ một loạt đạn dài giữa niềm vui sướng cao độ của mọi người. Trong đêm đen kịt, từ đầu súng bùng lên những tia lửa lóe sáng như pháo hoa.
        
        Loạt đạn này có ý nghĩa lắm.

        Đất nước tạm thời chia làm hai miền sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 lẽ ra đã có thể tái thống nhất với việc tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử theo đúng điều đã ký kết, nhưng chính quyền miền Nam cam tâm làm tay sai cho đế quốc Mỹ, cố tình chia cắt lâu dài đất nước ta, trả thù những người kháng chiến cũ và đàn áp mọi lực lượng yêu nước bằng những thủ đoạn hiểm độc, dã man. Gần đây nhất, tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm ban bố luật phát xít 10-59, sử dụng phổ biến máy chém và ra tay khủng bố trắng.
        
        Không thể khác, một chế độ phản dân hại nước như vậy phải bị đào thải. Và mùa Xuân năm 1959 chứng kiến một sự kiện trọng đại, đó là Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng1 đã đáp ứng lòng mong mỏi của quần chúng bằng một Nghị quyết với tinh thần cơ bản: Củng cố miền Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà bằng mọi hình thức và phương hướng đấu tranh, phương hướng căn bản là khởi nghĩa đánh đổ chế độ Mỹ - Diệm, nhưng khởi nghĩa cũng có khả năng chuyển thành đấu tranh vũ trang trường kỳ và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta. Nghị quyết lịch sử ấy được các chiến sĩ cách mạng miền Nam coi như một cẩm nang có giá trị lâu dài với tên gọi rút gọn dễ ghi vào lòng: Nghị quyết 15.
        
        Vậy là, lần đầu tiên được nổ vang trong đêm giao thừa Trường Sơn, loạt đạn nói lên rằng đã tới lúc trừng phạt kẻ địch ngoan cố và tàn bạo.
        
        Đối với bảy anh em chúng tôi, loạt đạn ấy rộn ràng hơn mọi thứ pháo Tết, say hơn mọi thứ rượu mạnh, thôi thúc hơn mọi lời động viên.
        
        Chính trong âm vang của tiếng súng nổ đầu xuân ấy, chúng tôi ''xuất hành''.

-----------------
1. Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng khóa II họp mở rộng từ ngày 12 đến ngày 22-1-1959.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:38:59 pm »

        
Thử thách đầu tiên
       
        Sáng mùng hai Tết, trời đẹp.
        
        Chúng tôi dậy hơi muộn, ăn một bữa cơm còn dư vị Tết, lĩnh gạo đầy ruột tượng buộc ngang thắt lưng, rồi đeo ba lô lên vai, bắt tay chúc mừng năm mới các đồng chí ở trạm một lần nữa. Lúc ra đi, sương núi chưa tan hết, nhưng mặt trời đã mọc cao.
        
        Dẫn đường chúng tôi hôm nay là hai đồng chí giao liên trẻ, người dân tộc ít người. Hai chú ăn mặc giản dị: áo bà ba đen, quần cộc, một cái lét1 địu sau lưng. Trong lét có nắm cơm, cái rựa, cái bật lửa và ít thuốc lá. Mỗi người đều lăm lăm trong tay một khẩu tiểu liên "Tuyn" đã lên đạn, khóa cò.
        
        Cả hai thanh niên đều nói sõi tiếng phổ thông.
        
        Các chú bảo:
        
        - Nếu cách mạng cần, mình sẽ đi phục vụ đường dây miết miết (mãi mãi).
        
        Lúc nghỉ chân, chúng tôi đưa ra những thức ăn ngon của thành phố, tưởng các chú vui sướng thưởng thức, nhưng ngược lại: "Mấy anh còn phải dự trữ đi xa", các chú bảo thế. Mời mọc thế nào các chú cũng chỉ cười, lắc đầu.
        
        Đoàn được báo trước cung đường hôm nay sẽ dài. Quả nhiên, gần 12 giờ trưa, chúng tôi mới tới "trực" (nơi chuyển tiếp giữa đường). Giở cơm nắm ra ăn qua quýt, uống nước nguội ở bi-đông, rồi chúng tôi theo hai đồng chí giao liên mới, tiếp tục đi.
        
        Chặng đường buổi chiều, chúng tôi mệt lử. ấy vậy mà lúc trời gần xẩm tối, khi chim rừng đã kéo nhau về tổ, ba lô đã nặng trĩu vai, bụng ai nấy đã đói meo, chú giao liên còn đưa tay chỉ dãy núi sừng sững trước mắt và nói:
        
        - Còn phải leo ba cái dốc như vầy nữa mới tới nơi.
        
        Qua nét mặt nghiêm trang của chú, chúng tôi biết chú không nói đùa.
        
        Của đáng tội, khoảng cách giữa hai trạm không đến nỗi xa quá mức. Theo hai đồng chí giao liên, thường thì 5-6 giờ chiều, các đoàn đã tới nơi. Chẳng qua đôi chân thiếu rèn luyện và cái kiểu rề rà sau Tết đã phản bội chúng tôi.
        
        Bước mò trong đêm, anh em gọi nhau bằng mật hiệu và thỉnh thoảng lại "vồ ếch" hoặc vấp những cái đau điếng.
        
        Cho tới khi đặt chân vào nhà trạm tối om - có lẽ vào khoảng chín giờ đêm - chúng tôi đặt phịch ba lô xuống đất, mắc vội chiếc võng và ăn qua quýt rồi chìm sâu vào giấc ngủ mê man, không còn biết trời đất gì nữa.

-----------------
1. Lét: Một loại gùi dẹt ở Trường Sơn, vốn là túi đựng tên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:42:15 pm »


Đường chưa mòn
       
        Quả thật, nếu được ở lại trạm, chúng tôi sẽ ngủ suốt ngày hôm sau. Nhưng mới đi một ngày mà đã xin nghỉ chân thì còn mặt mũi nào! Hơn nữa, đây là vùng không xa nơi địch đóng quân.
       
        Lúc ra đi, anh giao liên - đã đứng tuổi - căn dặn:
       
        - Nếu gặp địch, bị lạc, các đồng chí sẽ tìm tôi theo tín hiệu này.
       
        Nói xong, anh rút trong túi áo ra một cái còi nhỏ bằng trúc, và đưa lên môi, thổi lên những tiếng lảnh lót như tiếng chim. Anh lại nhắc chúng tôi xem kỹ ruột tượng gạo, dù thủng một tí cũng phải vá ngay.
       
        Giao liên bận tâm về địch, nhưng chúng tôi lại bận tâm nhiều hơn đến cái ba lô nặng trĩu trên lưng và cứ muốn vứt bớt hành trang cho nhẹ mà đi. Nhưng hai cặp mắt đầy cảnh giác của hai người dẫn đường không cho phép chúng tôi làm việc đó.
       
        Đường hôm nay quanh co hóc hiểm tợn. Có lúc phải lội suối từng quãng dài, nước suối lạnh buốt. Hai anh giao liên dặn đi dặn lại chúng tôi không được đặt bàn chân ướt lên đá sỏi ở hai bên bờ suối.
       
        Thỉnh thoảng chúng tôi nhắc nghỉ chân, các anh phớt lờ.
       
        Tới một đoạn, bỗng không thấy đường mòn nữa.
       
        Giao liên dẫn đoàn đi theo những lối ngoằn ngoèo trong rừng rậm. Gai mây quất vào mặt, gai móc điếu, gai móc câu, gai móng mèo… và chẳng biết những loại gai quái quỷ gì nữa cứ níu lấy quần áo. Từng bụi nứa lòa xòa cản đường. Đôi chỗ, lá khô sột soạt phủ khắp mặt đất, chúng tôi bước mạnh thì giao liên lại khẽ "suỵt".
       
        Lo dõi theo hướng đi, chúng tôi tạm quên được chiếc ba lô nặng.
       
        Và bẵng đi một hồi lâu, chúng tôi quên mất người giao liên đi phía sau. Đến khi ngoảnh lại thì thấy anh vẫn bám sát đoàn, mặc dù phải làm việc gấp đôi mọi người: anh lẳng lặng vừa đi vừa dùng đầu gậy vun rác rưởi xóa các vết chân, sửa lại các bụi cây ngã rạp, hoặc giấu đi những cành cây gãy… Anh làm nhanh thoăn thoắt mà rất khéo. Bộ điệu chăm chú chẳng khác một nhà địa chất lần dò theo vết quặng mỏ.
       
        Dấu vết của cả đoàn đã được xóa sạch!
       
        Ra thế đấy: Trên con đường mòn mang tính chiến lược này, có đoạn chưa hề mòn! Đường chỉ tồn tại trong trí óc và trong trái tim của các chiến sĩ giao liên.
       
        Đến lúc này anh em mới vỡ lẽ tại sao phải kiểm tra kỹ ruột tượng gạo, không để biến gạo thành một thứ "lông ngỗng Mỵ Châu".
       
        Và anh em không mừng sao được khi qua một cung đường mà địch thường phục kích như vậy, đồng chí giao liên không phải dùng tới chiếc còi trúc có tiếng lảnh lót như tiếng chim của anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:46:06 pm »

       
Câu chuyện ở trạm
       
        Qua mấy trạm, chúng tôi dần dần trút bớt đồ đạc đúng như mong muốn. Có anh vứt cả tễ thuốc bổ, có anh xén mất hai túi bên ngoài ba lô, có anh còn cắt phăng những ống tay áo, ống quần, thành bộ đồ cộc…
       
        Trong khi hành lý của chúng tôi được đơn giản hóa đến cao độ như vậy thì các đồng chí giao liên lại không còn mang nhẹ tênh như ngày đầu năm. Trên lưng các anh đã xuất hiện những gùi hàng nặng, bọc rất kỹ bằng vải dầu, mà qua hình dáng, chúng tôi đoán là súng trường, súng cối, trung liên,…
       
        Chặng nghỉ đầu tiên sau bốn ngày đi đường đối với chúng tôi thật đáng quý. Ai nấy tắm rửa, giặt giũ, lau súng đạn, sắp xếp ba lô.
       
        Lúc rỗi rãi, chúng tôi chuyện trò với đồng chí Thanh - trưởng trạm, một người khỏe mạnh trạc 35 tuổi, điềm đạm, đan lát luôn tay.
       
        Thanh là một trong những người đầu tiên tham gia "xoi" đường. Lúc đó, người cán bộ giao thông phải "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Thế nhưng vẫn không thoát được sự đánh hơi của địch.
       
        Anh Thanh kể:
       
        - Tám tháng qua, chúng tôi dời trạm hàng chục lần. Có tháng bị săn đuổi riết quá, phải dời liên tiếp ba lần và có lần bí quá, dời vào làng ở luôn mấy hôm. Dân thấy chúng tôi tìm đến cũng hoảng, nhưng rất nhanh trí, đồng bào bàn nhau treo trước cổng làng một cành lá cữ1, thế là bọn ngụy đi càn không dám vào, chỉ đứng ngoài réo Việt cộng mà chửi và hăm dọa bâng quơ. Nghĩ lại, chuyện đó hơi mạo hiểm. Thời gian gần đây có thơ thới hơn, nhưng đóng ở nơi nào được quá một tháng đã coi như đáng ăn mừng.

        Trạm Thanh - các đoàn thường lấy tên người trưởng trạm để đặt tên cho từng trạm như vậy - lúc này đặt giữa một rừng cây rậm rạp trên đồi cao. Căn nhà bằng tre nứa lá tuềnh toàng của trạm vừa là nơi làm việc, vừa là nơi tiếp khách, vừa là bếp, vừa là nhà ăn. Trạm chỉ giữ lại trong nhà những vật hết sức cần dùng, còn thì phân tán hết ra rừng. Các gùi hàng cũng được cất giấu ở những nơi kín đáo khác. Anh trưởng trạm nói vui: "Thứ gì của bọn mình cũng cơ động, kể cả bàn giấy". Anh chỉ vào bắp vế của anh.
       
        Dù vậy, chúng tôi cũng thấy trạm đang có hướng bình thường hóa sinh hoạt. Tối đến, kiểm điểm công việc trong ngày xong, các chú giao liên người địa phương chong đuốc "cà boong" (nhựa cây rừng) ngồi quanh chiếc bàn tre học văn hóa. Thiếu giấy mực, các chú dùng than viết chữ lên những phiến gỗ hoặc dùng que nhọn vạch chữ lên ruột tre và giúp nhau đánh vần. Sáng tinh sương, toàn thể giao liên đều ra sân tập thể dục.
       
        Tôi hỏi Thanh nhận nhiệm vụ cùng đồng đội "xoi" đường từ thời gian nào?
       
        Thanh đáp, giọng vui vui:
       
        - Tháng tư năm ngoái, năm Con Heo, nhưng là heo rừng nên vất vả.
       
        Như vậy, tuyến đường được thăm dò từ tháng 5 năm 1959 và được mở sau đó ít lâu, khai thông liên lạc giữa miền Bắc với cách mạng miền Nam. Trước hết, đó là tuyến gắn kết vô cùng thuận lợi cho các mật cứ trên Trường Sơn.
       
        Cho tới lúc đó, chưa ai có thể biết được rằng con đường chiến lược ban đầu mang tên "Đường 559" ấy sau này sẽ được vinh danh ngang tầm lịch sử: Đường Hồ Chí Minh.

--------------
1. Theo tục lệ địa phương, khi có cúng lễ, nhân dân treo một cành lá cữ (kiêng cữ) trước cổng làng thì người ngoài không được vào làng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2016, 11:48:41 pm »

       
Vượt ải
       
        Ngày nghỉ ở trạm Thanh thực ra chỉ là để lấy sức vượt điểm cao mới về gian khổ.
       
        Chiều hôm sau, đến trạm kế đó, chúng tôi thấy trạm chật ních người. Có mấy anh bạn đón chúng tôi với nụ cười hóm hỉnh:
       
        - Chuẩn bị tinh thần nghỉ lại đây vài hôm nhé!
       
        Chắc có chuyện gì đây. Quả nhiên, anh trưởng trạm gặp chúng tôi, vẻ mặt hơi âu sầu:
       
        - Ngày mai, các đồng chí nghỉ lại đây suốt ngày, đến đêm ta vượt đường 9.
       
        Anh cho biết thêm: từ trong Tết đến nay, chỉ có ngày mùng một và mùng hai Tết là tương đối yên tĩnh, còn thì địch chuyển quân liên miên trên tuyến đường này và tuần phòng ráo riết, nên anh em ta không qua đường được. Có đoàn nằm lại đây đã 3 ngày.
       
        Quả thật, nghe các đoàn bạn kể về cái nông nỗi vác ba lô lặn lội dưới trời đêm rét buốt, vượt hàng mấy giờ đường núi gập ghềnh rồi đến nửa đêm lại vác ba lô lặn lội trở về, chúng tôi cũng đủ ê mình!
       
        May mắn làm sao, đêm sau trinh sát bám đường trở về báo tin vắng bóng địch. Tất cả khách đi đường - gần hai mươi người, có hai giao liên và cả đồng chí trưởng trạm cùng đi - kéo thẳng ra mặt đường.
       
        Từng người một, chúng tôi đặt chân lên con đường nhựa phẳng phiu, rảo bước đi ngược một quãng rồi tạt xuống dốc bên kia đường. Mò mẫm theo lối mòn rậm rạp lau lách, đi thêm một quãng nữa thì ra tới bến sông. Một con đò chờ sẵn ở đó, đưa mọi người sang sông.
       
        Đò phải chở ba chuyến mới hết khách. Nghe nói đò này ban ngày là thuyền đánh cá và anh lái đò vừa là dân đánh cá ở địa phương, vừa là giao liên của trạm đường dây.
       
        Ra tới giữa sông, đồng chí lái đò chỉ cho chúng tôi thấy đồn địch in bóng lờ mờ trên một đỉnh đồi ven đường số 9. Anh cho biết có nhiều đêm, bọn địch trên đồn cứ bắn vãi đại liên xuống đường, xuống sông. Có đêm chúng còn phục kích ven sông. Một số chuyến vượt đường đã có tổn thất.
       
        Khỏi phải nói, khi đã qua được đường, vượt được sông và leo qua hết một ngọn đồi, được phép dùng lại đèn bấm, chúng tôi khoan khoái thở phào như trút được gánh nặng. Ánh sáng đèn bấm cứ loang loáng như chưa từng bao giờ bị phung phí đến thế.
       
        Đi được một quãng, chúng tôi mới sực nhớ đến đồng chí trưởng trạm và hai đồng chí giao liên ở trạm bắc đường 9. Giao khách ở "trực" xong, các đồng chí rời đoàn lúc nào không rõ và chúng tôi không nói được lời từ biệt.
       
        Vô cùng áy náy và ân hận, nhưng chúng tôi hiểu rằng dù nói lên bao nhiêu lời cũng không diễn tả được lòng biết ơn của mình đối với những chiến sĩ thầm lặng đêm đêm phải lo chuyện vượt qua một trong những "cửa ải" gian khổ và nguy hiểm nhất trên một tuyến đường đầy rẫy gian khổ và nguy hiểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 07:34:39 am »

       
"Mây kéo mãi thành mưa"
       
        Những ngày sau đó, đường đi có vẻ thênh thang hơn. Chúng tôi băng qua những dòng suối lớn trong vắt, những đồi cỏ xanh mượt, những rừng tùng mơ màng. Và vào lúc mùa khô thực sự đến với núi rừng, ngày ngày nắng ráo, bầu trời xanh thẳm, chúng tôi tiến vào một vùng có nhiều dốc cao ở miền Tây Quảng Nam.
       
        Dốc ở đây mới đáng gọi là dốc. Có cái dốc leo lên tụt xuống vừa một ngày. Trạm đi ở chân dốc bên này, trạm đến ở chân dốc bên kia.
       
        Có mấy đoạn, dốc đá cheo leo, không phát được đường, trạm phải bắc thang cây. Leo những thang chênh vênh như thế thật chẳng khác làm trò xiếc.
       
        Dốc thường kèm với vực. Gặp cầu treo qua vực còn khá, chứ gặp chiếc cầu ghép bằng mấy thân cây với tay vịn mong manh - hoặc không có tay vịn - thì lơ mơ sẽ mất mạng như chơi.
       
        Nhưng cũng từ khi đi vào vùng dốc cao, chúng tôi bắt đầu được tiếp xúc với dân.
       
        Trước đó, họa hoằn chúng tôi mới được chuyện trò với vài bà con đến chơi trạm, hoặc trao đổi nụ cười với những người dân gặp trên đường. Cũng có kỷ niệm rất cảm động, khó quên: thỉnh thoảng thấy những nải chuối, những bó mía đặt cạnh đường đi, chúng tôi hỏi thì giao liên cho biết đó là quà giải lao của đồng bào kín đáo tặng cho người đi chiến đấu (thời gian sau các đoàn vào đông người nên không còn được hưởng diễm phúc đó nữa).
       
        Một hôm, trên đường đi, giao liên đưa chúng tôi vào làng, nghỉ chân trong nhà dân. Anh chủ nhà trạc 40 tuổi, biết tiếng phổ thông, nhưng rất tiết kiệm lời. Chúng tôi hỏi gì, anh trả lời nấy.
       
        Qua câu chuyện, được biết anh có tham gia du kích và đi dân công hồi kháng chiến chống Pháp, lên mãi đâu Măng Đen, Măng Bút,… Nhắc lại chuyện cũ, anh không giấu vẻ tự hào.
       
        Lại được biết nhân dân vùng này đang thiếu muối, vải, nông cụ và rất lo địch tới "tố cộng" như mấy xã vùng dưới.
       
        Bất thình lình, anh chủ nhà hỏi lại chúng tôi:

        - Bao giờ thì cướp chính kiềng?
       
        Tiếng quyền, anh nói thành kiềng, nhưng chúng tôi không thấy buồn cười, mà hiểu được tầm quan trọng của câu hỏi. Chắc hẳn anh đã được nghe cán bộ địa phương nói chuyện về khởi nghĩa vũ trang đánh đổ Mỹ - Diệm (hoặc chính anh là cán bộ địa phương cũng nên).
       
        Cách trả lời dài dòng nhưng thiếu cụ thể của chúng tôi khiến anh không được thỏa mãn. Anh bỏm bẻm nhai trầu, im lặng nghe, vẻ hoài nghi. Hình như anh cho rằng chúng tôi không chịu nói thật với anh.
       
        Gặp chỗ rắc rối khó hiểu, người đàn ông khẽ cười, lắc đầu,…
       
        Lát sau, anh nhổ quết trầu, tự giải đáp:
       
        - Mây kéo mãi thành mưa thôi!
       
*

*      *
       
        Ngày lại ngày, chúng tôi đi.
       
        Thấm thoắt mà đã hai tháng trời.
       
        Thú thật, tôi có phần sốt ruột, muốn chóng tới nơi. Giấy đi đường của tôi ghi địa chỉ là "Đỗ Xá". Thấy ngày càng có nhiều thùng hàng mang địa chỉ "Đỗ Xá", tôi chắc đích không còn xa.
       
        Nhưng chuyện vất vả đường trường chưa hết.
       
        Một hôm, giao liên dẫn chúng tôi qua "đường hợp pháp"1 nhưng không cảnh giới cẩn thận. Gần tới đường, bỗng chú giao liên tái mặt, ra hiệu cho chúng tôi dừng lại và tìm chỗ nấp. Để ý nghe, quả thật có tiếng người lao xao ở đầu đường.
       
        Một đại đội lính ngụy đang đi tới.
       
        Nằm ở triền dốc cao, chúng tôi trông thấy chúng rõ mồn một. Trên một trăm tên nối đuôi nhau đi rải ra, súng khoác vai (có đứa khoác chéo!), vừa đi vừa nói chuyện ồn rừng. Chắc hẳn chúng yên chí đây là vùng chúng hoàn toàn làm chủ.
       
        Với kiểu đi nghênh ngang như thế, chỉ cần vài khẩu liên thanh bắn chéo cánh sẻ là quét sạch cả bọn. Tiếc rằng, lúc này chúng tôi chưa thể làm điều đó.
       
        Sự cố ấy đánh dấu đoạn cuối cuộc hành trình của chúng tôi.

-----------------
1. Đường hợp pháp: Đường của dân đi hồi đó và địch cũng đi. Gọi là "đường hợp pháp" để phân biệt với đường riêng của các trạm giao liên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 07:39:53 am »

       
Chương hai

"ĐỖ XÁ"
           
Khu ủy bí mật
       
        Ở trạm đón tiếp, tôi tưởng chỉ cần phóng vài sải chân nữa là tới cơ quan "Đỗ Xá". Nhưng đoàn chúng tôi đã phải đi hai ngày ròng rã mới tới nơi. Cũng lội suối, vượt sông và khi gần tới nơi thì leo một cái dốc cao vút.
       
        Đây là cơ quan Thường vụ Khu ủy 5. Địch có thể trả giá hết sức đắt để tìm và diệt cơ quan cách mạng đầu não này của khu vực Nam Trung Bộ (ba năm sau, tháng 4 năm 1963, chúng mở một cuộc càn quét rất lớn và qua đài phát thanh tuyên bố "đánh vào Đỗ Xá", nhưng chúng lại vồ hụt).
       
        Về phần tôi đối với "Đỗ Xá" thì:

Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai
       
        Vâng, với sự tiên cảm kỳ lạ, tôi từng tin chắc sẽ có ngày được đến với nơi đây, nơi vẫn gắn bó với dân những năm dài Mỹ - Diệm ra tay khủng bố trắng, nơi đang là một tia hy vọng sáng lấp lánh trong "đêm đen miền Nam". Những câu chuyện đầy ngưỡng mộ giữa bạn bè trên miền Bắc về "Khu ủy bí mật" đôi khi đượm màu huyền thoại. Cho nên, trước khi tới đây, tôi đã vẽ ra trong óc nhiều hình ảnh kỳ ảo.
       
        Thế nhưng, khung cảnh nơi đây lại hết sức giản dị.
       
        Cơ quan đóng trên đỉnh núi cao. Trời đã vào hè, nhưng ở đây vẫn lạnh.
       
        Đây là lần đầu tiên cơ quan có chỗ ở dài ngày. Trước đây phải dời luôn, có khi dời đi xa hàng mười ngày đường.
       
        Ẩn dưới các vòm cây là năm, sáu nếp nhà tranh nhỏ mà sự sạch sẽ ngăn nắp làm cho người ta có cảm tưởng cả một góc rừng sáng hẳn lên. Nhìn vào cũng đủ biết ở đây có những bàn tay cần mẫn, khéo léo: từ tấm liếp nứa đan cánh chả đến nút mây buộc kèo, từ cái mặt bàn tre ghép đến khung cửa sổ bằng gỗ đơn sơ, tất cả đều được trau chuốt đẹp mắt và đều toát lên niềm vui thanh thản. Chính giữa khu nhà có sân rộng, có ghế ngồi hóng mát. Khó ai nghĩ rằng sống ở đây là sống trong vòng vây của quân thù.
       
        Nhà của các đồng chí lãnh đạo không lớn hơn những nhà khác. Đó vừa là nhà ngủ, vừa là nhà làm việc.
       
        Anh Năm Công1 - thủ trưởng cao nhất về cấp bậc cũng như về tuổi - đang ngồi cắm cúi viết ở nếp nhà nhỏ của anh. Thấy đoàn chúng tôi đến chào, anh bỏ kính xuống, niềm nở bắt chặt tay từng người.
       
        - Gần đây nhân dân phàn nàn rằng… các kho gạo cách mạng đã đầy mà không có ai ăn. Nay căn cứ ta ngày càng đông vui như thế này, hẳn đồng bào bằng lòng.
       
        Anh nói vui rồi cười giòn, đôi mắt mỏi mệt vì thiếu ngủ phút chốc trở nên tươi tỉnh.
       
        Tiếng cười cũng thư thái như vầng trán cao rộng của anh và hết sức chân thật.
       
        Nhà cách mạng lão thành này đã từng bị thực dân Pháp kết án tù chung thân. Đời anh là một chuỗi dài những ngày hoạt động bí mật. Nhìn anh, chúng tôi dào dạt niềm kính yêu và không khỏi xúc động: những năm vừa qua, anh sống như thế nào?
       
        Vài hôm sau, trong khi nói chuyện thân mật, vô tình anh Năm đã giải đáp phần nào câu hỏi thầm kín của chúng tôi.
       
        Anh nói:
       
        - Làm cách mạng có nhiều cái khổ, nhưng lúc không đánh được địch là lúc khổ nhất.
       
        Lúc đó, chúng tôi chỉ hiểu được một phần câu nói của anh. Dần dần qua những lần hỏi chuyện các đồng chí hoạt động trong quần chúng những năm khó khăn của cách mạng miền Nam, chúng tôi mới hiểu thấu đáo.

--------------
1. Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Liên khu ủy 5, về sau là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 07:43:03 am »

       
Giữa lòng dân
       
        Nguyên là từ giữa năm 1959, vùng căn cứ chuẩn bị đón thêm nhiều lực lượng để chuyển phong trào cách mạng sang một bước mới, nên động viên nhân dân miền núi đóng góp sức người, sức của, đặc biệt là lúa gạo. Đồng bào bấy lâu chỉ khao khát cách mạng cho lệnh "đánh" và "cướp chính quyền", nay thấy cách mạng kêu gọi đóng góp nuôi quân thì liền hưởng ứng nhiệt liệt. Vượt qua mọi sự dò xét của địch, các buôn làng dựng lên hàng loạt "kho gạo cách mạng" trong rừng sâu. Chỉ qua một vụ lúa rẫy, các kho gạo đã đầy ắp.         
        Ngoài việc tăng diện tích trồng lúa, đồng bào còn làm thêm nhiều rẫy sắn dành hẳn cho các lực lượng thoát ly, gọi là "rẫy cách mạng".

        Ai nấy ngóng chờ những đơn vị lớn của quân đội cách mạng. Nhưng mãi vẫn không thấy "bộ đội lớn" đâu cả, nên bà con bắt đầu thắc mắc nói ra lời. Cán bộ lại phải vừa cười vừa giải thích: "Đừng lo dư thừa, chỉ lo tới hồi chừng ấy gạo không đủ cho quân ta phủi lủm1 thôi!".
       
        Cơ quan "Đỗ Xá" tới đây chưa lâu, nhưng đã khá quen thân với mấy làng bên cạnh và biết được gần hết mọi chuyện xảy ra trong dân.

        Anh em cán bộ và nhân viên cứ trông chừng hễ vắng bóng bọn cán bộ ngụy và lính ngụy là lui tới các làng, thăm hỏi dân.
       
        Mới rồi, được tin một làng nọ có bệnh dịch tả, y tá của "Đỗ Xá" đã tới nằm luôn trong làng chữa bệnh cho dân, cuối cùng dập tắt được ổ dịch.
       
        Một số cán bộ địa phương thỉnh thoảng vào cơ quan giúp đỡ các việc.
       
        Dân làng thì chưa ai được vào, vì các đồng chí bảo vệ "Đỗ Xá" muốn giữ tuyệt đối bí mật.
       
        Đường vào cơ quan hết sức lắt léo.
       
        Thế nhưng một buổi sáng, có cô gái xuất hiện ở ngay sân nhà. Đồng chí bảo vệ sửng sốt:
       
        - Sao cô Mai biết đường vào đây?
       
        Cô gái tên là Mai nhoẻn miệng cười:
       
        - Rừng núi này, nơi nào mà em không biết! Các anh tới đóng ở đâu là chúng em đoán ra ngay… Mà thôi, có tình hình gấp, cho em gặp cán bộ Dũng (người thường vào làng gặp dân).
       
        Qua việc này, các chiến sĩ bảo vệ (hầu hết mới từ miền Bắc vào) nhận ra rằng giữ bí mật với nhân dân miền núi về nơi ở của mình là không thực tế.
       
        Các đồng chí quen biết cô Mai kể lại rằng lúc bọn lính Diệm còn đóng ngay trong làng, Mai là một trong những người tận tình nuôi giấu cán bộ cách mạng, mặc dù biết rõ mình nắm tới chín phần mười cái chết trong tay. Cô gái chưa đến 14 tuổi hồi đó đã biết cách đánh lừa địch, đều đặn tiếp tế và đưa tin cho cán bộ trong rừng sâu và khi anh cán bộ mắc bệnh nặng, cô đã dìu anh từ ngọn suối này sang ngọn suối khác để tránh địch và tìm cách chạy chữa cho anh, cuối cùng cứu sống được anh.
       
        Cậu em nhỏ của Mai cũng là một "tình báo" và giao liên đắc lực. Có hôm gặp chú bé 12 tuổi giữa đường, tôi tưởng chú đi chơi, nhưng không, chú nói gì đó với đồng chí cán bộ địa phương rồi đĩnh đạc rút từ khố ra một mảnh giấy báo tin quan trọng: địch ra khỏi đồn, đang đi lùng,…
       
        Công tác dân vận đối với "Đỗ Xá" lúc này lại càng đáng quan tâm hơn bao giờ hết, vì cơ quan đang chuẩn bị mở hội nghị lớn.

----------------
1. Phủi lủm: Phủi sạch bụi rồi lủm (nhai nuốt gọn). Ý nói thức ăn ít ỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Tám, 2016, 07:46:19 am »

        
Chống càn
       
        Ngay lúc tôi mới đến, đã thấy anh em cán bộ và nhân viên cơ quan - khoảng hai mươi người - tất bật làm thêm nhà cửa, vận chuyển lương thực, soạn các văn kiện. Số anh em mới cũng lao luôn vào những việc này.
        
        Khoảng hai tuần sau, đại biểu các địa phương đã tề tựu đông đủ. Có những người ở tận Trị - Thiên, tận Bình Thuận, tận các thành phố xa, lặn lội hàng mấy tháng trời và băng qua bao nhiêu vòng kiểm soát của địch mới tới đây1.
        
        Mỗi người đều giản dị với bộ quần áo vải đen hoặc xám, cái nón lá, cây gậy cầm tay và một ba lô nhỏ hoặc một cái gùi trên lưng. Gương mặt ai nấy sạm nắng gió, nhưng tươi vui hớn hở.
        
        Tôi gặp một số bậc đàn anh quen cũ. Các anh cười nói:
        
        - Nước bao giờ chả chảy về chỗ trũng! Còn làm cách mạng là còn gặp nhau.
        
        Câu nói làm vinh dự và khích lệ tôi rất nhiều.
        
        Đi đường chưa hết nhọc mệt, nhưng các anh không ngại thu xếp thì giờ kể cho tôi nghe những chuyện đấu tranh vô cùng phong phú của nhân dân các địa phương, vùng xuôi và vùng núi, nông thôn và thành thị. Sau những năm đen tối mà bọn Mỹ - Diệm dùng "chiến tranh một phía" chống lại nhân dân miền Nam, phong trào cách mạng lại đang lên. Tại hội nghị này, các đại biểu sẽ tổng kết tình hình 6 năm qua và bàn phương hướng lãnh đạo các mặt đấu tranh ở Nam Trung Bộ trong thời gian tới theo đúng tinh thần Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ 6 năm nay, ở đây chưa có một hội nghị nào quan trọng như vậy.
        
        Tin cấp báo của cô Mai đến vào lúc hội nghị sắp khai mạc: địch càn quét.
        
        Một đại đội lính ngụy từ đồn Đắc Nhé (đông tỉnh Kon Tum) kéo tới một làng cách cơ quan Khu ủy 5 chỉ một giờ đường rừng.
        
        Lệnh báo động được truyền đi. Ai nấy khẩn trương nhưng bình tĩnh thu dọn đồ đạc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
        
        Cấp khu lúc này đã có một đơn vị vũ trang nhỏ - một đại đội thiếu - nhưng gồm hầu hết là tân binh đang ở thời kỳ huấn luyện, lại đóng ở xa. Hôm tới cách "Đỗ Xá" chừng một ngày đường, tôi thấy các chiến sĩ trong đơn vị chủ lực khu đầu tiên này còn đang tập đâm lê.
        
        Để đối phó với tình hình cấp bách, một tiểu đội 12 người được thành lập ngay tại cơ quan, gồm các chiến sĩ bảo vệ và cả anh nuôi, cần vụ. Tiểu đội đặc biệt này được giao cho đồng chí Đỗ Phú Đáp, một cán bộ cấp trung đoàn đang giữ việc nghiên cứu quân sự tại "Đỗ Xá" chỉ huy.
        
        Những "lính cùi chỏ"2 trong cơ quan cũng được sắp xếp thành đội dự bị. Thực ra, lúc đó gọi "lính cùi chỏ" cũng không đúng hẳn, vì tất cả đều được trang bị bằng súng ngắn hoặc tiểu liên.
        
        May phước cho bọn giặc, chúng không đến. Chẳng phải nghi ngờ gì, nếu chúng đi quàng xiên thì thế nào cũng bị nện một trận ra trò. Đội cận vệ gồm toàn chiến sĩ ưu tú, lại được chỉ huy tốt. Từ tiểu đội này về sau đã xuất hiện một loạt Anh hùng quân đội và dũng sĩ, xuất sắc nhất là các đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Đoàn Liêm, Mười Thập, Phan Cao,…
        
        Đối với chúng ta, cũng là may, vì đã tránh được một cuộc chạm súng không cần thiết.
        
        Bọn giặc hẳn sẽ tiếc đứt ruột nếu biết được rằng chỉ trong tầm tay, chúng đã vồ hụt một miếng mồi lớn ngoài sức tưởng tượng!

--------------
1. Khu 5 thời gian này (với đúng tên gọi là Liên khu 5) bao gồm Trị - Thiên, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, và cực Nam Trung Bộ.

2. Cùi chỏ: Cùi tay (tiếng địa phương), "Lính cùi chỏ" chỉ các cán bộ nghiên cứu và nhân viên văn phòng, thường không mang súng.

Logged

Trang: 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM