Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:44:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bước chuyển lớn trên Trường Sơn  (Đọc 12552 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 09:08:23 am »

       
Chiếc noa
       
        Anh Bốn ở chơi với chúng tôi hai ngày.
       
        Anh nói:
       
        - Mình cứ lụi bụi mãi, không theo dõi được thời sự. Tình hình Lào tới đâu rồi, các anh?
       
        Chúng tôi nói chuyện với anh về các sự kiện đang diễn ra ở Viên-chăn, nơi mà một đại úy quân đội vương quốc vừa làm đảo chính. Nghe chuyện, xem bản đồ, anh rất thích.
       
        Bốn lại hỏi sang nhiều chuyện thời sự quốc tế khác. Sẵn lòng quý mến anh, nên có bao nhiêu "tủ" chúng tôi dốc ra hết, không tiếc anh điều gì.
       
        Buổi chiều ăn cơm xong, Bốn dẫn chúng tôi ra suối, bày cho cách bắt cá bằng tay không. Anh đưa tay vào hốc cá rất êm, mơn man con cá rồi chộp luôn.
       
        Chúng tôi chịu, không làm theo được.
       
        Anh lại truyền kinh nghiệm câu cá chình, mách cho những hốc có nhiều cá chình. Cái này thì được, chúng tôi tiếp thu nhanh. Khi con cá dài thượt, vàng óng và lốm đốm hoa được kéo về nhà, ai nấy đều vỗ tay reo mừng. Nhiều anh lần đầu thưởng thức món cá chình Trường Sơn, cứ tấm tắc khen, cho là loại cá thơm ngon vào bậc nhất.
       
        Qua hai hôm, Bốn đối với chúng tôi đã như người trong nhà. Hình như lâu lắm, anh mới có được hai ngày thanh thản như vậy.
       
        Lúc tạm biệt, anh ngỏ ý mong chúng tôi năng đến thăm chơi các làng.
       
        Hồi này, mặc dù bước vào chiến tranh, máy bay địch bắt đầu bắn phá, nhưng đời sống nhân dân vùng căn cứ thơ thới khác hẳn trước.
       
        Đồng bào lập các tổ vần công, thách bắt thi đua sản xuất Đông Xuân, thi đua thực hiện "làng ba sạch" (ăn sạch, uống sạch, ở sạch).

        Chính quyền cách mạng lâm thời khẩn trương tổ chức việc tiếp tế muối, vải, nông cụ, thuốc men,… Cách cơ quan chúng tôi không xa, một lò rèn được dựng lên, búa đập chan chát suốt ngày. Cạnh đó, có hợp tác xã mua bán, nhân dân tấp nập đến "bán" các thứ lâm thổ sản và "mua" vật dụng gia đình, theo lối hàng đổi hàng. Cán bộ cơ quan thì có thể dùng tiền mua một số hàng ở đây như mật ong, nếp,… Núi rừng Trường Sơn vốn hiếm hoi quán xá, nay có một cửa hàng như thế này thật tươi vui hẳn lên.
       
        Khắp vùng căn cứ, các lớp và tổ học vỡ lòng, bình dân, bổ túc,… mọc lên như măng mọc sau mưa.
       
        Các hội quần chúng ra công khai từ lúc đồng khởi, nay được đưa vào sinh hoạt có nền nếp, thu hút thêm nhiều hội viên. Cán bộ xuất hiện và được đào tạo hàng loạt.
       
        Số anh em trước đây ở "Đỗ Xá" thích nhất là được gặp lại hoặc được biết tin về những người quen cũ ở địa phương nay đã vụt trưởng thành trong phong trào hoặc đã chuyển sang một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ. Chẳng hạn cô Mai đã là Phó bí thư chi bộ kiêm Thôn đội trưởng. Cậu em của cô được đưa ra Bắc học. Còn đồng chí bí thơ chi bộ "kiêm" thôn trưởng dạo nào đã làm tôi lạnh gáy thì một hôm thấy tôi cùng mấy anh em vào làng nhận gạo liền kéo luôn lên nhà sàn thết một bữa rượu nếp nhắm với thịt nai ê hề và cho biết đồng chí đã được bầu vào Huyện ủy (mấy tháng sau, đi dự lễ hội thành lập ủy ban dân tộc tự trị huyện, tôi thấy đồng chí cười nói hoạt bát và múa rất khéo chứ không lầm lì như tôi vẫn tưởng).
       
        Cũng như cơ quan Thường vụ Khu ủy, anh em "Làng Tuấn" nhắc nhau tích cực làm công tác dân vận, cười dặn nhau tránh "dân giận". Gặp nhân dân, chúng tôi nói chuyện đánh Mỹ - ngụy, góp ý kiến phòng bệnh và chữa bệnh, dạy thiếu nhi ca múa,… Một số đồng chí chăm chỉ học tiếng dân tộc và có tác phong tốt, được đồng bào đặc biệt yêu mến.
       
        Vài lần, chúng tôi giúp nhân dân làm cỏ sắn. Nói là "giúp" chứ kỳ thực làm cỏ xong, chúng tôi được dân cho hưởng luôn các rẫy đó, vì là "rẫy cách mạng".
       
        Thời gian này, tôi mới có dịp cầm lâu trong tay một chiếc noa.
       
        Đó là một lưỡi rựa cùn, người ta uốn cong và tra cán ngắn thành một cái cào cỏ.
       
        Dùng cào này làm cỏ sắn, giỏi lắm một ngày được năm mươi mét vuông. Nếu là cỏ rậm ở rẫy lúa thì mỗi ngày dọn không được một khoảnh ba chiếc chiếu.
       
        Tôi ngắm đi ngắm lại chiếc noa, lòng thấy bồi hồi.
       
        Trường Sơn nuôi lớn cả một phong trào cách mạng bằng những nông cụ thô sơ như thế này đây!
       
        Trường Sơn và cả nước ta, với những công cụ sản xuất thô sơ như thế này hoặc tốt hơn ít nhiều, đang làm cách mạng chống lại đế quốc Mỹ xâm lược có kỹ thuật hiện đại bậc nhất.
       
        Vậy mà chúng ta biết rất rõ rằng chúng ta nắm chắc phần thắng trong tay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 17 Tháng Tám, 2016, 09:12:27 am »

       
Chuyện cuối năm
       
        Không hiểu sao từ dạo anh Bốn đến thăm, đời sống cơ quan khá hẳn lên.
       
        Mấy đồng chí quản trị đi đâu về cũng hớn hở báo tin: "Thắng lợi!".
       
        Thức độn dự trữ đủ ăn ngày ba bữa.
       
        Heo nuôi được dăm con vừa lớn vừa nhỏ, con sắp sửa thịt, con để gây giống, con để dành ăn Tết.
       
        Thịt voi săn được, sấy khô, xếp cạnh bếp hàng chục gùi.
       
        Chúng tôi được biết thế nào là chất trong lành và ngây ngất của rượu đoát, một chất nước trong có men say như rượu lấy từ bẹ cây đoát mọc rải rác trong rừng sâu.
       
        Tối tối trời rét, anh em đóng kín cửa, đốt lửa sưởi và nướng sắn, nướng thịt voi. Quanh ngọn lửa cháy rực, thôi thì đủ chuyện trên trời dưới đất. Có anh cao hứng: "Ai bảo Tây Nguyên là khổ?" và quả quyết rằng gì chứ "bát trân" (tám món ăn qúy trong sách xưa) mà không nói tới tủy ngà voi chưng cách thủy và cá chình om thì thiệt là thiếu sót vô chừng,…
       
        Đúng là hồi này chúng tôi "lên voi".
       
        Do bớt vất vả chạy ăn nên anh em làm việc chuyên môn được nhiều hơn và cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện giải trí có lợi.
       
        Chúng tôi bàn với cơ quan bạn bên kia suối (lúc này đời sống cũng đã khá hơn) lập một câu lạc bộ, hằng tuần gặp nhau kể chuyện chiến đấu, nói thời sự, ngâm thơ, ca hát… Ra những bản tin nhỏ, những bài thời sự ngắn, và cả một số bài thơ chép qua đài phát thanh, chúng tôi rất được khuyến khích khi bạn cho biết chiến sĩ các đơn vị quân đội chuyền tay nhau đọc đến rách nát các bản đánh máy.
       
        Một số anh em ngày ngày sang dự các cuộc giao ban của Quân khu vui sướng theo dõi trên bản đồ sự chuyển động linh hoạt của vô vàn mũi tên đỏ chỉ các hướng lực lượng vũ trang nhân dân tiến công địch và giúp sức quần chúng nổi dậy, trong đó có những mũi tên đã thọc về hướng đồng bằng!
       
        Thỉnh thoảng, các anh trong Thường vụ Khu ủy đến thăm chúng tôi.
       
        Các anh hỏi chuyện ăn ở, ra vườn xem rau, vuốt ve mấy quả trứng gà mới đẻ trong ổ và trao đổi kinh nghiệm nuôi gà.
       
        Rất hào hứng, các anh luận bàn về các trận giao hữu bóng đá quốc tế đang diễn ra ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12).
       
        Mỗi lần chúng tôi gợi hỏi chuyện thế giới trong nước, các anh cười: "ờ, mình lại định hỏi các nhà tuyên truyền đây…".
       
        Thực ra, các anh không có thì giờ ngồi lâu chuyện vãn.
       
        Nhưng một hôm, chắc không nén được nỗi vui mừng, anh Tư Cương1 vừa đến ngồi chơi một lát đã hỏi chúng tôi:
       
        - Các anh biết chuyện gì chưa?
       
        Trông nét mặt tươi rói của anh, chúng tôi đoán trăm phần trăm đây chỉ là chuyện vui và là chuyện vui lớn.
       
        Anh lại cười, nói tiếp:
       
        - Chà, chuyến này mình lại được thông tin cho các nhà thông tin tuyên truyền. Tin quan trọng lắm: miền Nam sắp có Mặt trận và một lá cờ… Các anh đoán thử xem cờ như thế nào?
       
        Dĩ nhiên, chẳng ai đoán đúng.
       
        Nhưng ai cũng náo nức, xúc động.
       
        Vào những ngày cuối của năm 1960 không thể quên, dấu hỏi về màu sắc một lá cờ cứ vấn vương tâm trí chúng tôi. ấy vậy mà, đơn giản biết bao, đó chỉ là lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, vào giai đoạn lịch sử này có thêm màu xanh với những ý nghĩa sâu xa, và phải chăng đó cũng là màu xanh của hy vọng, niềm hy vọng được thắp sáng từ Nghị quyết 15 - một nghị quyết của ý Đảng, lòng dân, niềm hy vọng tiếp sức "xẻ dọc Trường Sơn", tiếp sức quân và dân cả nước dấn bước trường chinh suốt 15 năm, đưa sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước tới toàn thắng!

----------------
1. Đồng chí Trương Chí Cương, Phó bí thư Khu ủy Khu 5.
               
HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM